Thứ Ba, 22 tháng 12, 2015

Đồng Đức Bốn (1948 - 2006)













(30/3/1948 - 14/2/2006)
Hưởng thọ 58 tuổi
 nhà thơ












Trả bút cho trời

Chăn trâu đốt lửa xong rồi
Thì ta trả bút cho trời làm hoa.

Người đời không hái được ta
Thì em đừng mộng ta là tình nhân.

Ta đánh bạc với quỷ thần
Cho người chỉ được sống gần ta thôi.

Này ta bảo cho các người
Ta đến chỉ ở với người không lâu

Muốn ta đốt lửa chăn trâu
Thì tìm trong gió những câu thơ buồn













 Đời tôi


I
Tôi vừa lo được miếng cơm
Thì mất tí lửa tí rơm gầy lò.
Tôi vừa vượt bão mưa to
Chân đã phải lội đi mò sông sâu.

II
Mải mê tính chuyện không đâu
Qua song đã gẫy nhịp cầu chẳng lo.
Bòn mãi được mấy sợi tơ
Giăng ra bao kẻ đã vơ vào lòng.
Bây giờ còn có ai mong
Mà người mượn gió bẻ con trăng ngà.

III
Đời tôi tan nát bơ vơ
Nhớ thương là đợi còn chờ là yêu.
Đời tôi như một con diều
Đứt dây để trống cả chiều ngẩn ngơ.

VI
Đời tôi mưa nắng ở đâu
Bây giờ vuốt gió trên đầu tóc rơi.
Đời tôi tình rách tả tơi
Bây giờ nhặt mảnh sao rơi vá vào.
Đời tôi giầu ở chiêm bao
Bây giờ ngồi hút thuốc lào với trăng.

Hải Phòng, mùa thu năm 1986
Nguồn: Con ngựa trắng và rừng quả đắng (thơ), Đồng Đức Bốn, NXB Văn học, 1992










Tiểu sử

Đồng Đức Bốn được sinh ra trong một gia đình lao động nghèo ở ngoại ô Hải Phòng. Năm 1966, ông gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong. Sau đó, ông làm thợ cơ khí (bậc 6 trên 7) tại Xí nghiệp Cơ giới của Tổng Công ty Xây dựng Bạch Đằng (Hải Phòng), Xí nghiệp Cơ khí 20-7 rồi Công ty Xuất nhập khẩu gia cầm Hải Phòng. Ông được làm đại diện cho công ty này tại Hà nội và bắt đầu sáng tác thơ vào cuối những năm 1980.

Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đồng Đức Bốn mất ngày 14 tháng 2 năm 2006 tại nhà riêng ở thôn Song mai, xã An hồng, huyện An Hải, Thành phố Hải Phòng khi ông 58 tuổi bởi bệnh ung thư phổi.












Các tác phẩm





Con ngựa trắng và rừng quả đắng.
Nhà xuất bản Văn học, 1992

1-Cái đêm em ở với chồng
2-Cây bồ kết lắm gai
3-Đêm sông Cầu
4-Chạy mưa không chạy qua rào
5-Sông Thương ngày không em
6-Tình tôi tình em
7-Chợ Thương
8-Hội Lim
9-Sương mù và cô gái gù
10-Ngõ quê
11-Con ngựa trắng và rừng quả đắng
12-Bây giờ em ở đâu
13-Ngắm em qua gai rừng
14-Chiều
15-Đi qua cát trắng
16-Sang sông
17-Phố đèo
18-Đời tôi
19-Về Nhổn tìm em
20-Mong
21-Hoa dong riềng
22-Tưởng
23-Chiều mưa trên phố Huế
24-Đường đi
25-Con ơi
26-Không đề
27-Những câu thơ viết dở
28-Tượng
29-Hồ Tây
30-"Chiều nay Hồ Tây có giông"
31-Đi đò
32-Ở phố bờ sông
33-Ở phố Bà Quẹo
34-Ba ngày mưa
35-Phố Nối mưa rào
36-Buổi sáng đường Lê Thánh Tông
37-Chơi thuyền trên sông Hương
38-Qua nhà người yêu cũ
39-Ở đâu
40-Nhà thờ
41-Chuông chùa Quán Sứ
42-Vu vơ chùa Hương
43-Thăm mộ Nguyễn Du
44-Ở quán bán thịt chó về chiều
45-Đám cháy rừng
46-Mẹ tôi
47-Thơ viết gửi người tình khi tôi chết
48-Anh không về nữa đâu
49-Ông già hát
50-Trong nhà thờ Đồng Giới
51-Rượu ngon uống một mình không cạn
52-Trước thung lũng tình yêu
53-Thơ tình tôi viết cho Nga
54-Một mình
55-Nguyện cầu
56-Một thời đã mặc áo vua
57-Em bỏ chồng về ở với tôi không?








Chăn trâu đốt lửa.
Nhà xuất bản Lao động, 1993





Trở về với mẹ ta thôi.
Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2000





Cuối cùng vẫn còn dòng sông.
Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2000





Chuông chùa kêu trong mưa
2002










Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc.
Nhà xuất bản Hội nhà văn 2006
(tập thơ cuối cùng, dày 1.108 trang gộp tất cả những tập thơ trên)





Tiếng chim kêu thương khắc khoải 

TPCN - Hồi giữa năm ngoái, khi phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo, nhà thơ Đồng Đức Bốn cho biết ông sẽ in Tuyển tập Đồng Đức Bốn, khoảng hơn ngàn trang, như một tài sản thừa kế

“Nhà cửa, xe cộ bố có để lại cho các con, cũng không bằng cái này” - Ông nói trong một cuộc họp gia đình. Khi ấy chắc nhiều người không tin. Và hình như đến tận bây giờ vẫn còn có người chưa tin ông đang ốm thật.

Ốm gì mà đi đâu cũng thông báo oang oang cái mồm mình đang mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Ốm gì mà vẫn nói tục vô tư: “A lô, Xuân Ba đấy à, đang ở đâu đấy, Bốn đây, “Bốn lù” đây, rỗi không, qua chơi...”.

Tôi đã nhiều lần được nghe những câu a lô tương tự như thế. Rồi, ốm gì mà lại chuẩn bị in nghìn trang thơ; người khỏe, nguyên chỉ có chuẩn bị bản thảo thôi cũng gẫy lưng ấy chứ...

Ông vốn từng đại ngôn, lại đang đau ốm, giả thử không có sách thì cũng chẳng ai trách. Đó là tâm trạng của tôi và chắc là của không ít những người biết ông.

Đùng một cái, ông gọi điện thoại: “Sách đã in xong, nhưng tôi yếu lắm rồi. Ông qua nhà nghỉ Hoa Hồng cho tôi tặng sách, được không ?”.

Hôm ấy đã là 27 Tết. Đồng Đức Bốn nằm trên giường, thiêm thiếp, có hai phụ nữ và một cô gái trẻ đang thay nhau đấm bóp cho ông.

Mấy tháng trước da dẻ ông hãy còn hồng hào, có điều do truyền nhiều hóa chất, tóc rụng sạch, đầu trọc lông lốc. Bây giờ tóc đã mọc lại, xanh hơn nhưng nom ông bợt bạt đi nhiều, sinh hoạt đã phải có người dìu.

- Đúng hẹn, hơn nghìn trang nhé! Ông xem Bốn làm việc có ghê không? - Đồng Đức Bốn không giấu vẻ khoái chí, vừa ký tặng vừa chăm chú quan sát thái độ của người nhận.

- Bội phục.





Tôi đỡ cuốn sách, suýt đánh rơi vì nó nặng một cách bất ngờ. Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc - tác phẩm và dư luận, gáy dầy cỡ gần 10 phân, nặng gần 4 cân, bìa cứng bọc nhung mầu huyết dụ, thơ in trên giấy couché 120.

Phần tác phẩm chiếm hơn 500 trang, có 196 bài lục bát và thơ tự do. Phần dư luận cũng chiếm từng ấy trang, 42 bài của bạn bè viết về ông và thơ ông, trong đó có truyện ngắn Đưa sáo sang sông (được coi là mượn nguyên mẫu Đồng Đức Bốn) của Nguyễn Huy Thiệp.

Kèm theo còn có 36 bài hát phổ thơ Đồng Đức Bốn của các nhạc sĩ tên tuổi như Huy Thục, Thuận Yến, Doãn Nho, Tuấn Phương, Đặng Hữu Phúc...

Theo những người thạo việc in ấn thì với số lượng 1.000 bản in, người làm sách phải chi ra không dưới 150 triệu đồng! Và giá bìa của Chim mỏ vàng... cũng không hề thấp: 450.000đ ! Núi sông dễ đổi, bản tính khó thay. Vẫn là một Đồng Đức Bốn ngang, ngông và ngạo nghễ, dám làm những việc khác thường.

Lục bát của ông thì tôi đã đọc nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được xem một cách hệ thống những bài thơ tự do của thi sĩ đồng quê. Có những bài thích và chưa thích, nhưng đó là thơ.

Dường như thơ tự do của ông hơi bị thiệt thòi khi đặt bên cạnh thơ lục bát. Nó giống những chiếc đèn pha công suất mạnh, nhưng phải đem ra chiếu sáng giữa trưa nắng chang chang.

Chợt nghe ông húng hắng ho, nhăn mặt, trở mình. Một trong hai phụ nữ nói: “Bố cháu đau lắm, phải dùng tới móc-phin rồi”.

Thì ra đó là con gái lớn của ông. Cô gái trẻ có nước da trắng hồng, nụ cười rất tươi là con út, đứa con mà “nếu có phải ra đi thì tôi còn ân hận vì chưa lo xong việc học hành và chồng con cho nó” như Đồng Đức Bốn có lần thổ lộ. Bên cạnh người bố xanh xao, cô mang vẻ đẹp rực rỡ mùa xuân của con gái đất cảng.

Lần chần mãi, hình như vẫn còn điều gì chưa nói ra được. Tết đến nơi, nhà nào cũng bận. Mấy lần tôi định đứng dậy, ông đều giữ “ngồi thêm với bạn dăm phút nữa”.

Ông chép miệng, than: “Ngày Thơ năm nay, không biết mình còn lên được không?”. Tôi chợt nảy ra một ý, vội hỏi: “Anh có muốn gửi Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc đến Ngày Thơ không? Để trưng bày và nếu ai mua thì bán”.

Đồng Đức Bốn nhổm phắt dậy, mặt tươi hẳn: “Có chứ ! Ông định lấy bao nhiêu cuốn?”. Tôi ước lượng: “To và nặng thế này, chỉ cần mươi quyển là đủ”.

- “Tôi đưa hẳn ông 12 quyển. Bán được bao nhiêu, ông cứ giữ lại mà tiêu. Được bày ở đấy là tôi sướng rồi!”.

Chao ôi, con người này thật lạ lùng! Cứ nói đến thơ và cách vinh danh cho nhà thơ là ông quên hết mọi chuyện. Bệnh tật, tử thần đang rình rập, mặc! Cái sự hồn nhiên đau đớn ấy còn đáng trọng và dễ cảm thông hơn nhiều lần thói háo danh được giấu dưới vỏ đạo đức giả.

Tiền thì dĩ nhiên tôi từ chối không nhận, nhưng sự hiện diện của ông tại Ngày Thơ, giá nào cũng phải làm. Trước khi về, tôi chào ông, buột miệng nói theo thói quen: “Lên Hà Nội nhớ gọi nhau nhé!”.

Ông bỗng sầm mặt xuống, như bị xúc phạm, lắc đầu: “Không. Đừng. Bây giờ thì không hẹn trước cái gì cả”. Đây là lần đầu tiên tôi nghe câu nói bi quan thành thực từ ông, và nó cứ ám ảnh tôi bởi những linh cảm không lành.

Ban tổ chức Ngày Thơ đồng ý dành một góc thơ, nơi bày tâm huyết, tình yêu và đam mê lạ lùng của ông với thơ.

Với tôi, nó còn là một lời trăng trối và gửi gắm của ông tới độc giả. Cái tên người làm thơ thì củ mỉ cù mì thật thà một niềm sắp đặt mà thơ thì lãng đãng phiêu du.

Ý tưởng thơ của Đồng Đức Bốn giống như tiếng chim kêu khuất sau đám sương mù một buổi sớm không rõ ngày nào tháng nào... (Phạm Tiến Duật). Trong Chim mỏ vàng... bài thơ nào cũng có buồn và mất mát.

Chợ buồn đem bán những vui/Đã mua được cái ngậm ngùi chưa em... Cái đêm lành lạnh gió mùa/Em trong chăn ấm có đùa với ai... Bên nhau sà sã suốt ngày/Vừa đi nửa bước đã đầy nhớ thương v.v... những câu thơ như thế có thể nhặt ra ở bất cứ bài nào. Bên trong cái vỏ vâm váp, bặm trợn, có một con chim mỏ vàng cất lên những tiếng kêu thương khắc khoải.

BTC nhờ tôi hỏi ông, tự chọn một câu thơ (của ông) mà ông thích nhất để đưa vào làm phông trang trí. 8h tối ngày 11 tháng Giêng, tôi gọi nhiều lần vào điện thoại di động của ông, có chuông, nhưng không ai trả lời.

Gọi vào máy để bàn, vợ ông nhấc. Tôi nói ngắn gọn. Đầu dây đằng kia im lặng một lúc lâu rồi mới nghẹn ngào: “Anh Bốn bây giờ không nói chuyện được nữa rồi. Hồi trưa cứ tưởng là anh ấy đi”. Tôi bàng hoàng, chẳng biết nói thêm gì.

Chiều hôm sau tôi lại gọi điện hỏi thăm, cô con gái út thưa máy. “Bố cháu không nói, nhưng vẫn có thể nghe và cầm bút được. Để cháu hỏi bố cháu xem sao, 30 phút nữa chú gọi lại”. Thế là ông vẫn đợi?

Và đây là 2 câu thơ thích nhất mà Đồng Đức Bốn chọn cho mình trong Ngày Thơ năm nay: “Đừng buông giọt mắt xuống sông/Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm”

Đừng buông giọt mắt... Thế thì ông cũng phải cố lên, đừng đầu hàng số phận nhé!

Hà Nội, 13 tháng Giêng, Bính Tuất




Trả bút cho trời
Chăn trâu đốt lửa xong rồi
Thì ta trả bút cho trời làm hoa.

Người đời không hái được ta
Thì em đừng mộng ta là tình nhân.

Ta đánh bạc với quỷ thần
Cho người chỉ được sống gần ta thôi.

Này ta bảo cho các người
Ta đến chỉ ở với người không lâu

Muốn ta đốt lửa chăn trâu
Thì tìm trong gió những câu thơ buồn






Những bài thơ khác

Đàn tỳ bà bỏ quên
Bây giờ
Chờ đợi tháng ba
Chợ buồn
Chăn trâu đốt lửa
Mẹ ơi
Nhà quê
Tôi đi tìm một tình yêu
Trở về với mẹ ta thôi
Vào chùa
















 











Tham khảo thêm về tác giả Đồng Đức Bốn














Giới thiệu Đồng Đức Bốn

Nguyễn Huy Thiệp




"Hiểu tôi là ngọn núi cao
Thương tôi có một ngôi sao cuối trời"

(Thơ Đồng Đức Bốn)



I - Đồng Đức Bốn là ai - bước đầu khởi nghiệp


     Đồng Đức Bốn sinh ngày 30-3-1948, quê quán ở xóm Lê Lác, thôn Song Mai (tức làng Moi), xã An Hồng, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng.
     Thuở hàn vi, Đồng Đức Bốn đã từng là thanh niên xung phong. Giải ngũ, Đồng Đức Bốn về làm việc tại Xí nghiệp sửa chữa ô tô Hải Phòng, làm thợ gò bậc 6/7. Sau đó, Đồng Đức Bốn về làm việc tại Xí nghiệp xuất nhập khẩu gia cầm Hải Phòng, giữ chân đại diện cho Xí nghiệp này ở Hà Nội.
     Thời kỳ buôn bán chè chai, lông vịt ở Hà Nội cũng là thời kỳ anh chàng nửa quê nửa tỉnh này gia nhập văn đàn, bắt đầu ăn những đòn văn chương đầu tiên trong cuộc đời mình. Nguyễn Khoa Điềm đã vẽ khá chính xác chân dung nhà thơ tương lai trong câu thơ sau:
Văn chương lấm láp vêu vao mặt người
     Văn đàn Thủ đô khoảng những năm 1987 1992 rất sôi động. Tất cả đều như hóa rồ hóa dại. Công cuộc đổi mới trong toàn xã hội do Đảng Cộng Sản Việt Nam khởi xướng bắt đầu. ở đâu người ta cũng nói đến Perestroika, đến đổi mới. Giới văn chương ở Thủ đô bấy giờ luôn thấy Đồng Đức Bốn la cà, lân la ở các tụ điểm, các tòa soạn, các quán nước chè (còn có quán tên là Tương lai văn hóa văn nghệ Việt Nam đi về đâu!). Đồng Đức Bốn bấy giờ như một con ngựa trắng lang thang trong rừng quả đắng, anh hoang mang dò dẫm từng bước một trên con đường thơ, chẳng biết đâu là sở trường, sở đoản của mình. Đây cũng là thời kỳ Đồng Đức Bốn làm quen với những Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Vũ Quần Phương... những nhà thơ cung đình bậc nhất, những ông hoàng đang ngự trị trên ngai vàng thơ lúc ấy.
     Tập thơ Con ngựa trắng và rừng quả đắng của Đồng Đức Bốn in năm 1992 do đàn anh Phạm Tiến Duật biên tập và viết giới thiệu bộc lộ khá rõ tâm thế của chàng thi sĩ tương lai lúc này: Đồng Đức Bốn hoàn toàn chưa nhận ra mình, anh đang như một người mê ngủ. Chen lẫn với một số bài thơ lục bát khá độc đáo là rất nhiều những bài thơ tự do ỡm ờ, nửa dơi nửa chuột, lúc cao giọng chính trị, lúc học đòi cung cách trí thức lả lơi.
     Tập thơ đầu tiên in ra! Nhụy đào đã bẻ cho người tình chung! Chao ôi là hy vọng! Chao ôi là hạnh phúc! Mùi giấy mới thơm lừng! Các con chữ óng ánh mực in và âm điệu du dương khiến ai mà không mê mẩn!
     Thời gian trôi đi.
     Thời gian vô tình, vô cảm, thản nhiên, lạnh lùng, tàn nhẫn...
     Đồng Đức Bốn rỗng túi! Tập thơ đầu tiên mà Đồng Đức Bốn trai tân đặt vào đấy rất nhiều hy vọng đổi đời đã bị dư luận nông nổi và bạc bẽo ngoảnh mặt quay đi. Giống như một gái nhà quê ra tỉnh gặp phải tay phàm, Đồng Đức Bốn chẳng được gì, vừa tẽn tò, vừa ê chề, nhục nhã, lại thân bại danh liệt. Có lẽ bài thơ tự do hay nhất, đáng kể nhất, cáu kỉnh và thảm sầu nhất mà Đồng Đức Bốn đã văng ra được trong thời kỳ này là bài thơ Em bỏ chồng về ở với tôi không?. Trong bài thơ này, bóng dáng của mấy người tình thơ như Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ, Vũ Quần Phương... vẫn còn dây đầy nhơm nhớp trong từng câu thơ, từng khổ thơ một:
Xa một ngày hơn triệu mùa đông
Em bỏ chồng về ở với tôi không
Nỗi nhớ cồn cào như biển.

Nơi em ở tôi đi và đến
Cho tháng ngày em sống bớt cô đơn
Con muỗm xanh trên sóng lúa dập dờn
Hương cỏ dại mãi bên hồ nước đắng.
     Đồng Đức Bốn có lần hỏi tôi về bài thơ này, tôi bảo nó hay vì do cái chí, cái khí uất, cái tình cảm nông nổi thực thà, thậm chí có phần du côn liều lĩnh đã toát ra khiến cho người ta xúc động, còn toàn bộ câu thơ ở trong bài thơ thì vứt đi cả, chẳng ra gì. Nhưng anh không chịu.
     Ngay từ đầu bước vào làng thơ, Đồng Đức Bốn đã có chịu ai bao giờ!


II - Chăn trâu đốt lửa - vị cứu tinh của thơ lục bát

     Trong cuộc đời văn chương của tôi, có ba bốn tao ân ái, mà tôi không sao quên được. Đúng là:
Ý chừng duyên nợ với nhau đây
Chao ôi! Ba bốn tao ân ái
Đã đủ tan tành một kiếp trai
Tôi rờn rợn lắm giai nhân ạ
Đành phụ nhau thôi, kẻo đến ngày...

(Thơ Nguyễn Bính)
      Khoảng 1992-1993, Đồng Đức Bốn gặp tôi. Lúc này, anh đang ở giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời mình. Tang cha, tang mẹ, tang con... Răng đau: dấu hiệu đầu tiên của tuổi già... Cuộc sống bấp bênh... Niềm khao khát thơ ca cháy bỏng khôn nguôi... Tế nhị, nhạy cảm, túi rỗng không, giàu tự trọng và đa nghi như Tào Tháo...
     Đồng Đức Bốn đã ở trong gia đình tôi một thời gian ngắn. Chúng tôi nói chuyện với nhau nhiều về cuộc sống và thơ ca. Tôi nhận ra anh là một nhà thơ lục bát có một không hai.
Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.

Chiều nay Hồ Tây có giông
Tôi ngồi trên sóng mà không thấy chìm.

Vẫn còn thấy ở ca dao
Y nguyên hai múi bưởi đào em cho
Vẫn còn trong nắng thập thò
Tôi và em xuống con đò ban mai...
     Lục bát của Đồng Đức Bốn có một cái gì khác người, hiếm và lạ.
     Chúng ta biết rằng lục bát là một thể thơ cổ truyền đặc biệt Việt Nam, niêm luật nguyên thủy của nó cực kỳ chặt chẽ. Nhịp bình thường của câu thơ là nhịp đôi, câu sáu có ba nhịp (Chiều nay / Hồ Tây / có giông), câu tám có bốn nhịp (Tôi ngồi / trên sóng / mà không / thấy chìm). Đôi khi câu sáu có hai nhịp ba (Vẫn còn thấy / ở ca dao), câu tám có hai nhịp ba và một nhịp hai (Y nguyên hai / múi bưởi đào / em cho). Một quy định nữa là trong mỗi câu, cứ chữ cuối của nhịp trước là bằng thì chữ cuối của nhịp sau là trắc và ngược lại. Các chữ cuối nhịp phải là bằng, trắc lần lượt xen nhau. Riêng chữ thứ sáu và chữ thứ tám trong câu tám tuy đều là bằng nhưng không được cùng một thanh (chữ này là phù bình than thì chữ kia là trầm bình thanh hoặc ngược lại).
     Tuy quy định niêm luật chặt chẽ nhưng lục bát lại là một thể thơ dễ làm, ai cũng làm được (đương nhiên để làm cho hay thì không phải dễ!). Căn bệnh mà nhiều người làm thơ lục bát thường mắc là nhiều chữ quá, khôn chữ quá. Càng dụng công bao nhiêu thì thơ họ làm càng thiếu tự nhiên, càng dở bấy nhiêu. Tác giả giống như một người đang chơi trò chơi trí uẩn: anh ta nặn óc tìm cách sắp xếp các con chữ, các âm vận, âm điệu, cố khuôn nó vào ở trong niêm luật. Tôi đã từng gọi kiểu làm thơ này là thuộc môn phái trí năng, làm thơ bằng trí. Đồng Đức Bốn thuộc vào loại mà tôi gọi là môn phái ngộ năng, làm thơ bằng gì thì chịu: có lẽ bằng tình chăng? Có lẽ bằng quán âm (lắng nghe âm thanh bên trong) chăng?
     Thế nào là trí năng, thế nào là ngộ năng? Để cho dễ hiểu, tôi xin ví dụ như sau:
     Loại trí năng:
Làng ta phong cảnh hữu tình
Dân cư đông đúc như hình con long
Nhờ giời hạ kế sang đông
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi...

Cái gì nó bé nó cay
Cái gì nó bé nó hay cửa quyền
Hạt tiêu nó bé nó cay
Đồng tiền nó bé nó hay cửa quyền...
     Loại trí năng có vẻ ở câu sáu như thế này thì ở câu tám phải như thế kia, những liên tưởng dễ dắt nhau lôgic và có lý, đọc câu sáu người ta luận được câu tám. Những người nhiều chữ, những trí thức làm thơ, hoặc học đòi trí thức làm thơ thường ở loại này.
     Loại ngộ năng:
Hôm kia anh đến chơi nhà
Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường
Thấy em nằm đất anh thương
Anh ra kẻ chợ đóng giường tám thang
Bốn góc thì anh thếp vàng
Bốn chân thếp bạc, tám thang chạm rồng
Bây giờ phải bỏ giường không
Em đi lấy chồng phí cả công anh.

Gió bay đôi giải yếm đào
Anh thò tay vào bắt lấy nhạn xanh
Thế nào nàng nói cùng anh
Thì anh mới thả nhạn xanh cho về.
     Loại ngộ năng vị tình, lấy tình át chữ, đọc câu sáu mà không đoán ra được câu tám thế nào. Ngộ năng có phần hay hơn trí năng.
     Thực ra làm thơ lục bát cần tinh thông trí năng, nhưng trí năng học tập được, rèn luyện được, ngộ năng thì chịu, dứt khoát trời cho. Bởi vậy, lục bát mà ngộ năng thì hiếm quý. Ngộ năng đương nhiên bao gồm trí năng, nhưng trí năng không thể bao gồm ngộ năng được.
     Trong lịch sử làm thơ lục bát ở Việt Nam, theo tôi tính thì đến 99,9% đều là ở diện trí năng. Môn phái trí năng đông đúc, thông minh, hùng hậu, và vì đông đúc, đương nhiên sẽ dung tục hơn. Số người làm thơ ở diện ngộ năng có thể đếm trên đầu ngón tay. Nguyễn Du là người số một, là thiên tài độc nhất vô nhị. Nguyễn Du ngộ năng (đương nhiên bao gồm cả trí năng nữa).
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
     Đến đầu thế kỷ XX, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu là ngộ năng:
Nước non nặng một nhời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ nhời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không...

Hôm qua chửa có tiền nhà
Suốt đêm thơ nghĩ chả ra câu nào
Đi ra rồi lại đi vào
Quẩn quanh chỉ tốn thuốc lào vì thơ.
     Ở thế kỷ XX, Nguyễn Bính và có lẽ Bùi Giáng nữa đều là ngộ năng. Đây là Nguyễn Bính:
Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa...

Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau
Anh đi đấy anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm...

Láng giềng đã đỏ đèn dầu
Đợi em ăn giập miếng giầu em sang
Đôi ta cùng ở một làng
Cùng đi một ngõ vội vàng chi anh
Em nghe họ nói phong thanh
Hình như họ biết chúng mình với nhau
Ai làm cả gió đắt cau
Mấy hôm sương muối cho giầu đổ non...
 
     Đây là Bùi Giáng:
Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu
Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa
Gọi tên là một hai ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.

Dạ thưa phố Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương.

Rằng xưa ký ức đàn bà
Tên là thiếu nữ, tuổi là dấn thân.

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau...
 
     Trường hợp Bùi Giáng là một trường hợp đặc biệt, tôi tiếc chưa được gặp ông.
     Khi gặp Đồng Đức Bốn, anh đã đọc cho tôi nghe chừng hơn 100 bài thơ anh làm. Tôi đã gạt đi tất cả những bài thơ tự do của anh và chỉ chọn ra 45 bài thơ lục bát để in thành tập thơ Chăn trâu đốt lửa. Về sau Đồng Đức Bốn đã đưa vào thêm 20 bài nữa để cho tập thơ dày dặn lên. Đồng Đức Bốn cho đến bây giờ vẫn không phải là người biết tự giới. Anh không bao giờ là người biết tự giới. Đồng Đức Bốn không phải là người được học hành, đỗ đạt. Tôi không chắc anh học hết phổ thông trung học. Vốn từ của anh loanh quanh khoảng 600 từ. Anh đi theo con đường trí năng là anh thất bại hoàn toàn, sẽ lấm lưng, trắng bụng như chơi! Giống như nhân vật Lý Quỳ trong truyện Thủy Hử, đánh nhau trên bờ thì thắng, xuống nước lập tức thua ngay!
     Chăn trâu đốt lửa xuất bản năm 1993, là một tập thơ thuần lục bát. Tập thơ như một kỷ niệm bè bạn: họa sĩ Lương Xuân Đoàn vẽ bìa và tôi viết tựa. Do nhiều lý do nên lời tựa có nhiều chỗ chưa đúng nguyên văn, nhân đây xin in lại lời tựa ấy.


III - Lời tựa cho thơ Đồng Đức Bốn
     Tôi đã có lúc cho thơ là mẹ của mọi thể loại văn học, thậm chí là mẹ của mọi hình thức sáng tạo (của chính trị, của toán, của kiến trúc, của nấu ăn, của hội họa, của mốt...). Người nào không thơ khác nào một kẻ mồ côi: Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường.
     Con người vô ơn (con người bao giờ cũng vô ơn) thường rất bạc với mẹ. Có ai ghi nhớ việc mẹ sinh hạ, mẹ bú mớm, mẹ giặt giũ, mẹ đính cho chiếc khuy trên áo... Thơ thường không bao giờ là một sự nghiệp. Mẹ không bao giờ là một sự nghiệp của con.
     Thơ là một thể loại văn học cổ điển nhất, xưa nhất. Thơ hình như khó nhất trong các thể loại văn học. Về hình thức, có lẽ thơ là một thể loại loạn luân nhất.
     Có mấy loại người làm thơ?
     Loại một chắc chắn là các thiên thần. Họ vụt đến, vụt đi và để lại những bài thơ, những câu thơ thiên thần. Nhưng chưa chi chiều đã tắt. Trong đời mỗi người cũng có những giai đoạn, những khoảnh khắc thiên thần. Đấy là những người thơ trẻ trung, những trai tân. (Vậy sao không phải gái tân? Gái tân thì thơ làm gì? Đừng lầm với vật hiến tế!). Khi ấy những bài thơ, những câu thơ hiện lên như những bổng lộc của thần linh.
     Loại hai là thơ của những người khởi nghĩa, của lửa, của những nhà cách mạng xã hội! Bay thẳng tới muôn trùng Tiêu Hán / Phá vòng vây bạn với Kim ô / Giang sơn khách diệc tri hồ (Nguyễn Hữu Cầu). Khởi nghĩa với cả tình yêu, với đàn bà, với cái ác, cái tẻ nhạt, cái tầm thường, cái dung tục... với khá nhiều thứ - để biểu dương cái chí: thi ngôn chí (Tú Xương là thi ngôn chí: chí thanh cao, Nguyễn Bính là thi ngôn chí: chí tình).
     Ngoài loại một, loại hai là gì? Là loại ba: là phản thơ, là vi khuẩn, là mầm thơ, là những tìm tòi - đa phần viển vông, suy đồi, điếm đàng, đểu, say rượu, đa dâm, hạ lưu.
     Vượt lên trên là triết học, vượt lên thơ là triết học. Tư tưởng là thơ bay lên.
     Đồng Đức Bốn là ai? Đồng Đức Bốn là một nhà thơ loại hai theo cách phân loại như trên. Tiếc thay, anh không phải thiên thần, anh chỉ là một người khởi nghĩa. Anh là một tên nửa quê nửa tỉnh cao tuổi. Anh là một người có những tình cảm ngẩn ngơ, ngây ngất, dại khờ.
    Đồng Đức Bốn là một kẻ chí tình.
    Thơ Đồng Đức Bốn cũng hay.


(1993)

IV - Chuông chùa kêu trong mưa
 
     Dưới chân tượng Phật trong vườn nhà tôi khi ấy, tôi và Đồng Đức Bốn đã từng nhiều lần nói chuyện với nhau thâu đêm. Hồi ấy tôi còn trẻ tuổi, ngông cuồng, tôi tin chắc vài điều tôi nói với anh sẽ là những xác tín không thể thay đổi.
     Một là: Đồng Đức Bốn sở trường thể thơ lục bát. Anh không có nhiều hơn 50 bài thơ được gọi là tài tử vô địch, đấy là những viên ngọc thực sự, còn tất cả chỉ là bi ve, bi đất. Đã có những nhà thơ đăng quang với một bài thơ. Thơ là thế và đời là thế... Khéo mà thân tàn ma dại...
     Hai là: Thơ không phải sự nghiệp. Cuộc sống quan trọng hơn thơ. Tự do trước hết là tiền bạc, thậm chí đôi khi chỉ là tiền bạc.
     Ba là: Quỹ thời gian của Đồng Đức Bốn không nhiều, anh đang là một tên nửa quê nửa tỉnh cao tuổi (sau này trong nhiều bản in Đồng Đức Bốn bỏ đi hai chữ cao tuổi mặc dầu tôi đã cố gắng giải thích cao tuổi (thơ) khác với tuổi cao nhưng anh mặc kệ, có thể một phần vì trực giác đã mách bảo anh về những cạm bẫy chữ nghĩa cần phải dè chừng...) v.v...
     Ôi! Những xác tín của tuổi trẻ nông nổi nực cười! Tôi đã quên khuấy rằng Đồng Đức Bốn hơn tôi hai tuổi, tôi đã quên khuấy mất câu tục ngữ năm mươi hỏi ông năm mốt. Có điều chắc chắn thuở ấy tôi đã hạ được cánh diều ảo tưởng về thơ ca xuống hiện thực cuộc sống trần trụi cho Đồng Đức Bốn, anh phải đối mặt thực sự với các trận bão người...
     Tôi không biết Đồng Đức Bốn thời gian ấy có giác ngộ Phật pháp được chút nào không? Sau này, mỗi khi anh đến nhà tôi, tôi để ý vẫn thấy anh đến thắp hương trước pho tượng Phật, sau đó mới bước vào nhà. Anh đứng đấy, lưng hơi còng xuống và nước mắt tôi tự dưng ứa ra... (Khỉ thật! Tôi đã trở nên tình cảm từ khi nào vậy?). Thỉnh thoảng sau này Đồng Đức Bốn và tôi vẫn nhắc lại buổi tôi tiễn anh về quê sau một thời gian dài gian díu với kinh thành. Hôm ấy trời mưa... Mười năm sau anh viết:
Bao nhiêu là thứ bùa mê
Vẫn không bằng được nhà quê của mình.
     Chia tay với kinh thành! Từ biệt giấc mơ thi sĩ cung đình, Đồng Đức Bốn trở về với mẹ ta thôi, trở về làng Moi thân thương, ruột thịt.
     Tôi và Đồng Đức Bốn đã không gặp nhau gần 10 năm cho đến khi anh làm xong nhà mới: một ngôi nhà thơ, một gia đình văn hóa mới, một siêu thị nhỏ, một ổ hạnh phúc giống như mọi người, đương nhiên là một nghiệp chướng dĩ nhiên rồi.


V - Theo cánh chim bị thương
     Tôi đã nói chuyện về thơ Đồng Đức Bốn ở nhiều nơi, ở trong nước, ở nước ngoài (ở Pháp, ở Mỹ). Nhiều người ngạc nhiên vì sự nồng nhiệt của tôi. Vì sao vậy? Vì tôi đã thấy sự suy đồi, sa đọa của thơ lục bát ở ta kể từ khi Nguyễn Bính và Bùi Giáng mất đi. Tôi không tin những cách tân lục bát kiểu:


Chia cho em một đời thơ
Một lênh đênh
Một dại khờ
Một tôi.

Chỉ còn cỏ mọc bên trời
Một bông hoa nhỏ
lặng
rơi
mưa
dầm...
 
     Những cố gắng cách tân lục bát, xét cho cùng giống như người già làm răng giả, người què đóng nẹp chân. Thà như Bút Tre đã đành: một sự phá đám, đùa dai hồn nhiên và hẳn giấu sau đó có một nụ cười ma-lanh thầm kín:
Hoan hô đại tướng Võ Nguyên
Giáp ta thắng trận Điện Biên lẫy lừng.

Anh đi công tác Plây
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra...
     Ở Bùi Giáng, trong lời vĩnh biệt cũng có một nụ cười sằng sặc, gửi đến cho bọn tử tế ở lại:

Ngày mai ông sẽ lìa đời
Các con ở lại buồn vui thế nào
Ông về chín suối chiêm bao
Thần tiên mộng mị mừng chào các con...
     Đồng Đức Bốn không phải là nhà cách tân, anh không thuộc dạng các nhà thơ khai sáng. Anh thuộc diện nhà thơ bảo tồn, bảo lưu các giá trị thơ ca truyền thống. Thơ Đồng Đức Bốn là lục bát gin. Đấy là một điều khá đặc biệt trong chợ trời thơ lẫn lộn trắng, đen, thật, giả hôm nay. Cái hay trong thơ lục bát của Đồng Đức Bốn là sự chất phác giống như ca dao, có sự ngậm ngùi của tình cảm và cả những kinh nghiệm sống chua xót của một người nhà quê trí thức lang bạt kỳ hồ chen lẫn vào. Vương Trí Nhàn đã khá xác đáng và chứng tỏ được đẳng cấp của mình khi cho rằng: Lục bát của Đồng Đức Bốn từ tốn, chậm rãi như lời nói vẩn vơ của một người vừa ngán sự đời, vừa không thôi chiêm nghiệm sự đời. Tôi chỉ tiếc Đồng Đức Bốn chưa cười được, chưa có chất u-mua cần thiết trong thơ. Nụ cười là dấu hiệu đầu tiên của tư tưởng. Cười được Đồng Đức Bốn sẽ hay và lớn hơn nhiều.
     So với những nhà thơ lục bát ngộ năng tiền nhiệm như Nguyễn Bính, như Bùi Giáng thì Đồng Đức Bốn có phần phú quý giật lùi: anh ít học hơn, chật hẹp hơn. Phong độ giang hồ của Nguyễn Bính cho đến nay vẫn chưa ai bì kịp. Nguyễn Bính trải đời và đa dạng, buồn rầu, tê tái lắm:
Lòng em như chiếc lá khoai
Đổ bao nhiêu nước ra ngoài bấy nhiêu.
 
Nàng về làm dâu nhà tôi
Vườn dâu có thẹn với đôi tay ngà
Sang năm tôi phải về nhà
Đợi xem vườn đỗ ra hoa có nhầm?
 
Ôi thôn Vân, hỡi thôn Vân
Phương nao kết dải mây Tần cho ta
Từ nay khi nhớ quê nhà
Thấy mây Tần tưởng đó là thôn Vân...
     Trong con đường thơ, người ta đã bắt đầu thấy rõ dấu hiệu của sự lặp lại và gắng sức của Đồng Đức Bốn. Tôi cho rằng giá trị của Đồng Đức Bốn thực sự chỉ là ở hai tập Chăn trâu đốt lửa Trở về với mẹ ta thôi. Đến Chuông chùa kêu trong mưa thì tôi không còn thấy thích anh nữa.
     Đã có nhiều nhạc sĩ vì tình cảm liên tài đã phổ nhạc cho thơ Đồng Đức Bốn. Thuận Yến, Doãn Nho, Huy Du, Huy Thục, Đặng Hữu Phúc, An Thuyên, Nguyễn Tiến, Nguyễn Cường, Tuấn Phương, Đoàn Bổng, Minh Quang v.v... Đến nay Đồng Đức Bốn đã có chừng hơn 30 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc. Thơ Đồng Đức Bốn không du dương nên phổ nhạc cũng không phải dễ. Những câu thơ hay của Đồng Đức Bốn nằm rải rác ở nhiều bài, nhiều chỗ khác nhau nên cũng phải nhặt lại, biên tập lại. Về điều này, Đồng Đức Bốn tự mình không làm được. Anh cần một trợ thủ có học hơn và biết tự giới cho thơ anh.
     Trong vài năm trở lại đây, cùng với sự thay đổi của xã hội, các nhà thơ mọc lên như nấm, hay, dở, phải, trái bất phân định. Trung bình mỗi ngày có hai tập thơ in ra. Đồng Đức Bốn đã nổi lên trong trận bão người ấy như một nhà thơ lục bát gin có một không hai. Anh đã chiếm được tình cảm mến mộ của nhiều siêu độc giả... Không phải tự dưng Nguyễn Khoa Điềm đã họa tặng anh bài lục bát sau đây:

Bạn Thơ

Bạn chừ đóng gạch nơi nao
Văn chương lấm láp vêu vao mặt người
Bất ngờ bạn đến thăm tôi
Gửi cho mấy tập ôi trời là thơ.

Câu dài câu ngắn ngẩn ngơ
Những rơm với lửa, những tơ với tình
Một người hoang dại một mình
Bơ vơ giữa phố mong thành thi nhân
Lòng yêu yêu đến trong ngần
Đường xa thương vết chân trần bạn tôi
Mong sao bạn bớt bùi ngùi
Cố làm thơ nữa để rồi gặp nhau...

     Mấy năm trước cũng lấy cảm hứng từ cuộc đời và thơ của Đồng Đức Bốn, tôi đã viết truyện ngắn Đưa sáo sang sông để vẽ lại hình ảnh một người thơ của nông thôn Việt Nam hôm nay. Nhà quê hôm nay vừa giống vừa khác với những thôn Đoài, thôn Đông trong thơ Nguyễn Bính, nhưng cái hồn vía của nó thì vẫn là sự ngậm ngùi, chua xót ấy:
Nhà quê có cái giếng đình
Trúc xinh cứ đứng một mình lẳng lơ
Nhà quê có mấy trai tơ
Quần bò mũ cối giả vờ sang chơi.

Nhà quê chân lấm tay bùn
Mẹ đi cấy lúa rét run thân già
Chợ làng mở dưới gốc đa
Nhà quê có mấy con gà bán chơi.
     Truyện ngắn Đưa sáo sang sông gần đây được tôi viết thêm, biên tập và chỉnh lý lại có khác nhiều so với các bản in trước đây.
     Có thể coi truyện ngắn ấy như màn vĩ thanh cho bài giới thiệu này. (*)



Xuân Quý Mùi 2003
(*) Bài đã in tạp chí Nhịp cầu và tạp chí Văn hóa văn nghệ






 



Khổ câu thơ cứ đến rồi lại đi

     Đồng Đức Bốn xuất hiện trong làng thơ Việt Nam khoảng 10 năm nay, viết chừng 80 bài thơ, trong đó có tới trên dưới 15 bài thơ được khách sành văn chương xếp vào loại cực hay, tài tử vô địch! Còn lại, thực ra nhiều bài cũng chẳng ra gì.
     Dưới đây là bài thơ Vào chùa của anh in trong tập Trở về với mẹ ta thôi do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tháng 11 năm 2000.
Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.
     Sao lại đang trưa mà không sáng sớm, không chiều tối? Chúng ta biết Đồng Đức Bốn in những bài thơ đầu tiên khi anh không còn trẻ nữa. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng đùa anh là một tên nửa quê nửa tỉnh cao tuổi (tựa tập thơ Chăn trâu đốt lửa Nhà xuất bản Lao động 1993). Vậy khoảng thời gian đang trưa mà gã ăn mày xuất hiện là gì?
Ăn mày là ai? Ăn mày là ta!
Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày.
     Trong lịch sử, vua Khang Hy Trung Hoa đã từng sắm vai ăn mày. Chúa Chổm ở Việt Nam đã từng ăn chạc. Ăn mày ở đây không còn phải là một cá thể nào đó riêng biệt mà là một kẻ tha nhân đại diện của đại diện đang trôi dạt trong bể trầm luân. Khoảng thời gian đang trưa mà gã ăn mày ấy, kẻ tha nhân ấy lạc bước (hay cố ý) vào chùa, giống như một cử chỉ hướng thượng vào chốn cao minh (gặp gỡ tôn giáo) một liệu pháp tâm linh. Đấy là khoảng thời gian nào vậy của đời người?
Đời người có một gang tay
Ai hay ngủ ngày còn có nửa gang.
     Khoảng đang trưa là khoảng nửa gang tay già của một đời người! Đáng sợ thay! Đấy là lúc người ta có thể kiểm nghiệm được khá nhiều điều tưởng bở và không tưởng bở:
Sống gần tới phút chia tay
Tỉnh ra mới thấy đời này rỗng không.

Chín xu đổi lấy một hào
Ai mua cái nắng lại vào cái mưa.

Chiều mưa phố Huế một mình
Biết đâu là chỗ ân tình đến chơi?

Tẽn tò con sáo sang sông
Bờ bên này tưởng cũng không có gì.
Tẽn tò con sáo bay đi
Lại bờ bên ấy có gì cũng không...

Cầm lòng bán cái vàng đi
Để mua những cái nhiều khi không vàng.
      Vậy khoảng thời gian gặp gỡ tôn giáo, phút đốn ngộ (sát-na) vẫn thường xảy ra phải là khi kẻ tha nhân đã Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng rồi! Chúng ta hãy hình dung một khách bộ hành mệt mỏi, bụi bặm, râu bạc (kìa râu bạc!), nỗi chán chường âm ỉ lặn sâu ở trong đôi mắt âm thầm. Y gõ cửa vào chùa:
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
     Một cử chỉ diễn ra trong im lặng. Có ai có gì mà cho! Thích Ca Mầu Ni nói: Ta thuyết pháp trong khoảng 49 năm mà chưa từng nói một lời... (Phật vô ngôn).
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.
     Thật tiếc cho kẻ tha nhân vội vàng! Y không nhận ra dấu hiệu ấn chứng nhiệm màu! Từ giây phút ấy y đã biến đổi mà chính y không hay biết! Đồ bội bạc nông cạn! Kẻ tha nhân đã bước sang một cảnh giới khác mà y chẳng hề xúc động quái gì! Gớm thay cho đứa vô thần! Đồng Đức Bốn ơi Đồng Đức Bốn, khi viết những câu thơ dở nhất thì chính anh đã không biết rằng nó dở thế nào! Những câu thơ rặt giọng Sở Khanh sau đây không dở thì hay sao được:
Cho dù tát cạn bể sâu
Cho dù ngâm giữa vạc dầu đang sôi
Yêu em nếu phải đốt trời
Vẫn vui vẻ chết như chơi vườn đào...

(Gửi Tân Cương)
     Cũng giọng điệu ấy, ở một nơi khác thì anh tự thú:
Nhiều người không tóm được ta
Thì sao em mộng ta là tình nhân?
     Đồng Đức Bốn ơi Đồng Đức Bốn, khi viết những câu thơ hay nhất thì chính anh cũng không biết nó hay thế nào! Có ai viết được quang cảnh nông thôn thần tình như thế này chưa:
Nhà quê có cái giếng đình
Trúc xinh cứ đứng một mình lẳng lơ.
Nhà quê có mấy trai tơ
Quần bò, mũ cối giả vờ sang chơi.

Ối mẹ ơi vỡ đê rồi
Mộ cha liệu có lên giời được không?
Sao chưa thấy chiếc thuyền rồng
Chở con với mẹ qua giông bão này?...
     Đây là hình ảnh người con trong ngày tang mẹ:
Đưa mẹ lần cuối qua làng
Ba hồn bảy vía con mang vào mồ
Mẹ nằm như lúc còn thơ
Mà con trước mẹ già nua thế này...
      Quay trở lại với bài thơ có khẩu khí kém cỏi nhất trong tập thơ Trở về với mẹ ta thôi:
Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.
     May thay. Bài thơ dấm dớ ấy lại là... một bài thơ Thiền!
     Bạn đọc yêu quý! Nếu bạn có hiểu đôi chút về Thiền, bạn sẽ nhận ra một xương cốt khác dưới tấm áo rách rưới kia, bạn sẽ nhận ra một nhân cách bình thản khác dưới vẻ vô tình và thiển học kia. Bạn hãy đọc kỹ từng câu và suy nghĩ kỹ... Với một bài thơ Thiền thì bình giảng kiểu gì cũng hóa tầm thường!
     Đồng Đức Bốn không phải là một thi sĩ toàn năng toàn tòng. Vốn văn hóa hạn chế, thái độ lụy tình hơn lụy lý, thói a dua với nhiều cây bút đương thời (nhại cả Vũ Quần Phương, Hữu Thỉnh, Hữu Ước, Bão Vũ, Lê Kim Giao v.v...). Thậm chí người ta còn dễ thấy xu hướng phú quý giật lùi nếu so sánh thơ Đồng Đức Bốn với Bùi Giáng, Nguyễn Bính hay Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.
     Trong tập thơ Trở về với mẹ ta thôi ngoài ý kiến đánh giá của Vương Trí Nhàn (ý kiến này có phần cán bộ tổ chức của Hội Nhà văn hơn là ý kiến một nhà phê bình văn học) còn có bài viết có phần nào thái quá của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Trong phê bình văn học, sự phê bình chừng mực thực ra là dấu hiệu của sự nhạt nhẽo tầm thường. Có người nói: Cảm tưởng đầu tiên với cuốn sách nào cũng phải là thiện cảm. Vẫn biết như thế nhưng sự thái quá đôi khi đâu phải đã hay?
     Có thể còn phải bàn nhiều về thơ Đồng Đức Bốn nhưng gì thì gì, ngày Tết nhẩn nha đọc một câu thơ của anh cũng có được sự thú vị riêng:
Chân đạp đất đầu đội trời,
Khổ câu thơ cứ đến rồi lại đi...
     Tiếc cho Đồng Đức Bốn đọc không nhiều sách, không chịu học hành, đôi khi bừa bãi ngông cuồng, lại không biết viết (anh thường làm thơ trong đầu rồi đọc cho người khác chép), vốn từ vựng có lẽ chỉ ngót nghét có... 600 từ! Nếu không, chúng ta đã có một nhà thơ chân quê hạng nhất!
     Dù sao, Đồng Đức Bốn cũng đã làm xong nghiệp thơ của anh theo cách của riêng anh:
Xong rồi chả biết đi đâu
Xích-lô Bà Triệu ra cầu Chương Dương!
      Thế chẳng sướng sao? Qua cầu Chương Dương phải chăng là từ bờ bên này sang bờ bên kia, từ bờ Mê sang bờ Giác Ngộ?


(*)Xuân Tân Tỵ 2001
(*) Bài đã in báo Nông nghiệp Việt Nam, ký bút danh.

 








THỬ GIẢI MÃ THƠ ĐỒNG ĐỨC BỐN

Nguyễn Tiến Văn




Đồng Đức Bốn (30.3.1948 – 14.2.2006) là một nhà thơ khác lạ trong một xứ sở rất nhiều người tự xem là thi sĩ này. Khác lạ từ tiểu sử đến phong cách, từ ngôn ngữ đến ý hướng, từ cả sự tiếp nhận của người đọc và đánh giá của giới phê bình hết sức sai biệt nhau đến việc trở thành một hiện tượng từ nhiều năm nay.
Bài này thử trình ra một cách tiếp cận để giải mã hiện tượng đó. Người viết không hề tiếp cận với tác giả một lần nào và chỉ hoàn toàn căn cứ vào các văn bản.
Tác phẩm Đồng Đức Bốn gồm có:
(1)   Con ngựa trắng và rừng quả đắng, Nxb Văn học, 1992
(2)   Chăn trâu đốt lửa, Nxb Lao động, 1993
(3)   Trở về với mẹ ta thôi, Nxb Hội nhà văn, 2000
(4)   Cuối cùng vẫn còn dòng sông, Nxb Hội nhà văn, 2000
(5)   Chuông chùa kêu trong mưa, Nxb Hội nhà văn 2002
Tất cả những tập thơ này được in gộp lại trong:
(6)   Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc, Nxb Hội nhà văn, 2006
Tổng tập chót này gồm tất cả 196 bài thơ in thành 530 trang, kèm với phần “Dư luận” từ trang 531 đến trang 982, và phần “Những bài thơ phổ nhạc” tổng cộng 36 bài từ trang 983 đến 1084.
Tổng tập này được phát hành (căn cứ theo lời đề tặng cho thân hữu ở ngay Hải Phòng) khoảng 29.1.2006 và chỉ hai tuần sau là nhà thơ qua đời, vì căn bệnh ung thư đã phát tác từ hơn nửa năm trước đó, vào ngày 14.2.2006 tức là hai ngày sau lễ Nguyên tiêu và trùng với ngày lễ Valentine của năm đó.
Thời kì 1960 – 1975 song hành với cuộc chiến tranh nóng uỷ nhiệm và chế độ bao cấp có những tiếng kèn đồng trong thơ của Tố Hữu và Chế Lan Viên và cùng tồn tại với dòng thơ châm biếm Bút Tre bắt đầu ở Phú Thọ, sau lan khắp miền Bắc – và tiếp sau 1975 là cả nước.
Đồng Đức Bốn bắt đầu làm thơ năm 17 tuổi (1965) nhưng chỉ khởi sắc và tạo được phong cách riêng từ những tập thơ xuất bản từ 1992 tức là trọn vẹn trong thời Đổi Mới.
Sau khi đi Thanh niên Xung phong về và trải nghiệm với mọi vùng đất nước mãi tận Trường Sơn, Đà Lạt, An Giang, Đồng Đức Bốn đã chọn cho mình hai thể loại: thể loại thơ tự do với Con ngựa trắng và rừng quả đắng (1992); và thể loại lục bát với Chăn trâu đốt lửa (1993).
Ở đây chúng ta thử đọc hai bài thơ được lấy làm nhan đề cho tập thơ này.
Con ngựa trắng và rừng quả đắng
Trước tôi
           con ngựa trắng
Sau tôi
      Em
           Rừng quả đắng
Trong nắng
               nhìn
tôi
    con ngựa trắng
                    chở nắng
                        vào rừng.

Nếu đọc luôn các bậc thang như một dòng thơ, bài này sẽ có 4 câu gồm 5/6/3/8 từ. Dù là thơ tự do, Đồng Đức Bốn vẫn sử dụng rất nhiều hình ảnh và vần điệu (trắng/ đắng/ nắng) làm xương cốt cho bài thơ và thân thiện với người đọc.
Tuy nhiên, tập thơ đầu tay này chìm nghỉm trong cả rừng người làm thơ bấy giờ và không bắt được hồn vía của cuộc sống đổi mới, tư tưởng cởi trói vượt thoát sự bao cấp của thời chiến tranh lạnh. Phải đến tập “Chăn trâu đốt lửa” (1993) Đồng Đức Bốn mới tìm được phong cách của mình trong thể loại lục bát truyền thống của dân tộc phong phú với ca dao dân ca.

Chăn trâu đốt lửa
Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít gió đông thì nhiều
Mải mê đuổi một con diều
Củ khoai nướng để cả chiều thành tro.

Đây là một bài thơ rất ngắn, chỉ 4 hàng 28 chữ mà gói gém được tất cả sự bàng hoàng tỉnh mộng của một thế hệ thanh niên, qua những hình ảnh thân thương của đồng quê Việt Nam.
Câu một: bọn trẻ chăn trâu thường gầy bếp để nướng khoai bắp hoặc cua cá trên đồng. Câu hai: bếp chụm bằng rơm rạ và được thổi bằng ngọn gió Đông. Câu ba, ham thả diều và chạy đuổi theo nó. Câu bốn, cái đích cụ thể vật chất bị tiêu ma.
Chiếu vào bối cảnh đất nước, trong cái minh triết dân dã đã cô đúc sự tỉnh thức và sự khôn ngoan của cơn tỉnh mộng sau giấc mê dài mấy chục năm.
Chăn trâu là nông dân. Đốt lửa là làm cách mạng, như Lenin khi còn lưu vong cho ra tờ báo Iskra (Tia lửa) với hi vọng một tia lửa sẽ đốt cháy cả thảo nguyên. Rơm rạ là thôn quê, gió Đông là khẩu hiệu của Mao, “Gió Đông bây giờ thổi bạt gió Tây” tức là thời trỗi dậy của phương Đông Cộng sản lật nhào phương Tây tư bản Con diều là lí tưởng trên mây. Củ khoai là đời sống thiết thực. “Chăn trâu” đẫm thêm một tầng nghĩa nữa là “tu thân, quán tưởng” như trong “Thập mục ngưu đồ” (10 bức tranh chăn trâu) được sử dụng nhuần nhuyễn trong Phật giáo Thiền tông.
Bất kể tác giả Đồng Đức Bốn có ý thức như thế nào khi sáng tác bài thơ này, nó vẫn có những âm vang và hàm nghĩa bao la trong thời Đổi mới Tư duy, và đưa bài thơ lên tầm mức tiêu biểu cho sự “sáng mắt sáng lòng” mới.
Để thấy đây không phải là bài thơ sáng tác trong tình cờ may rủi và sự giải mã này cũng không phải là khiên cưỡng, ta có thể đọc thêm hai bài khác.

                                           “Vào chùa
Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư ra cho một lá bùa rồi đi
Lá bùa chẳng biết làm gì
Ăn mày nhét túi lại đi ăn mày.

Đang trưa là giờ chính ngọ, lúc mặt trời lên tới thiên đỉnh và là lúc ánh sáng chiếu toả mạnh mẽ nhất. Nietzsche thường ca tụng giờ phút thiêng liêng của giác ngộ này. Ăn mày là dân vô sản chính hiệu. Chùa là trụ sở của sự giải thoát, giải phóng, giác ngộ. Sư là người lãnh đạo tinh thần, tâm linh. Lá bùa là giải pháp huyền bí hoặc mê tín. Ăn mày không biết gì, dùng gì với lí thuyết hoặc giải pháp cao xa kia nên lại trở về với cốt cách ăn mày của mình.

                      “Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi
Chuồn chuồn cắn rốn biết bơi
Con tôi chết bởi lời người hát ru
Con tôi chết bởi ao tù
Mà lời người vẫn hát ru ngọt ngào.

Trẻ em ở quê đứa nào sợ không dám xuống sông bơi lội thì được dụ dỗ là cho con chuồn chuồn cắn vào rốn sẽ biết bơi. Chịu được cái đau này, vượt qua cái sợ này thì dám nhảy xuống nước vẫy đạp và rồi cũng biết bơi. Bao lớp người trẻ đã chết ở ao tù vì nghe lời quyến rũ đường mật của những phù thuỷ, âm binh – và lũ người đó cho đến tận ngày nay vẫn bình thản lường gạt bằng những đòn phép ma mị của họ.
Để lột tả đời sống mới, Đồng Đức Bốn đã vẽ nên bức tranh quê khác hẳn những thứ của các nhà thơ như Đoàn Văn Cứ/ Anh Thơ, Bàng Bá Lân hồi tiền chiến.

Nhà quê
Nhà quê có cái giếng đình
Trúc xinh cứ đứng một mình lẳng lơ
Nhà quê có mấy trai tơ
Quần bò mũ cối giả vờ sang chơi.
Nhà quê chân lấm tay bùn
Mẹ đi cấy lúa rét run thân già
Chợ làng mở dưới gốc đa
Nhà quê đem mấy con gà bán chơi. […]

Quần bò (quần jeans) và mũ cối là những hình ảnh tương phản và giao tranh bây giờ hợp nhau ve vãn cô gái quê Việt Nam.  Nông thôn vẫn chân lấm tay bùn gian nan và người phụ nữ có tuổi còn phải cấy trong gió rét run nhưng đã có kinh tế thị trường nên có thể “bán chơi” mấy con gà hiu hắt.
Đây là những bức tranh hiện thực chứ không phải hoài niệm một nông thôn quá khứ vàng son như thời tiền chiến trong những thi phẩm của Nguyễn Bính.
Nguyễn Bính làm thơ “chân quê” trong những năm cuối thập niên 1930 khi đất nước còn nằm trong ách đô hộ của thực dân Pháp và những bức tranh hoài niệm vàng son “vang bóng một thời” kia có tác dụng tích cực là đề cao di sản văn hoá và lịch sử của nếp sống xưa trước thời đô hộ.
Đồng Đức Bốn làm thơ sau Nguyễn Bính một chu kì 60 năm và muốn lột tả cảnh sống thực của đồng quê Việt Nam trong thời kinh tế thị trường toàn cầu hoá và sau nửa thế kỉ chiến tranh ở đất nước này nên không có nhu cầu tô son điểm phấn mà chỉ muốn trung thực vạch ra những gì trần tục trong trải nghiệm của tác giả; vốn là một người bình dân hoang dã của vùng Liều, làng Moi.
Phong cách bỗ bã, hoang đàng của Đồng Đức Bốn là một trong những đặc trưng của tính cách người dân cửa biển và thương cảng Hải Phòng vốn đã từng làm khung cảnh cho những bức tranh tả thực của Nguyên Hồng như trong Bỉ vỏ, vừa chất phác vừa đen đúa hơn thủ đô “ngàn năm văn vật” như Hà Nội, cổ kính phong kiến như đất thần kinh xứ Huế, hoặc nếp sống đại đô thị quốc tế như Sài Gòn.
Người Hải Phòng, và đặc biệt là dân Trà Cổ của địa đầu Quảng Ninh sau này, đã làm trội bật tính cách ngang tàng bất khuất đầu sóng ngọn gió của mình khắp nước và ra cả hải ngoại.
Bài thơ mang tính cách tự truyện nhất của Đồng Đức Bốn là

Đời tôi
1.      Đường đi to nhỏ, đường dài
Thẳm sâu xuống biển lai rai lên đèo
Có gì không để tôi theo
Cả đời bạc tóc vẫn nghèo xác xơ
Có gì không để tôi chờ
Đời người được mấy giấc mơ đã tàn
Bao nhiêu hi vọng cũng tan
Mà sao vàng ở trong than vẫn ngời
Bao nhiêu cái mặt con người
Đánh nhau mũ áo tả tơi vẫn còn
Bảo rằng phía trước là son
Tôi đi đến hết đường mòn lại không
2.     Cứ đi theo vết bùn nhơ
Bao giờ qua những biển bờ thương đau
Bảo rằng khổ trước sướng sau
Mà trăm năm vẫn thấy nhau bọt bèo
3.     Bao nhiêu là nỗi đau qua
Gom vào thành những phù sa cho người
Bao nhiêu là giọt mắt rơi
Làm mưa chứ chẳng làm trời nổi dông
Bàn chân đã xéo lên chông
Máu chảy không sợ thì không sợ gì.

Bài này đúc kết kinh nghiệm của cá nhân đồng thời cũng là của tập thể: gian khổ, tàn một giấc mơ, đánh nhau tả tơi, đường mòn không có gì, nhưng thương đau để vun bồi tình người và xoá bỏ hận thù: bài học của trí tuệ và từ bi.
Tiếng nói chân chính của nghệ thuật cũng như thi ca không phải là ca tụng bạo động, hiếu chiến mà là bênh vực hoà bình, hạnh phúc của con người thân thiện với đời sống, không phải làm đồng minh của thần chết. Trong ý nghĩa đó thơ Đồng Đức Bốn rất cao, rất sâu về tính chân thật, tính người và cái đẹp của sự hoà giải trên đường tìm về dân tộc sau những chia lìa và hận thù. Thơ Đồng Đức Bốn đẹp theo ý hướng nhân bản đó của thời hậu chiến này.


Sài Gòn, ngày 15/9/2012
















Trở về 






MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.