Thứ Tư, 7 tháng 9, 2022

Nguyễn Ðức Bạt Ngàn (1948 - 2019)

 







Nguyễn Ðức Bạt Ngàn
(1948 - 2019)
Hưởng thọ 71 tuổi
Tên thật Nguyễn Đức Cẩm

Nhà thơ









Tiểu sử

Nguyễn Ðức Bạt Ngàn
qua đời ngày 27 Tháng Chín, 2019.



TỰ PHÁC HỌA

từ cuối tháng ba năm ngoái (2018)
tôi đã cùng bệnh tật đấu đá lẫn nhau
hiện tại tuy đang thủ huề
nhưng biết đâu
không chừng tôi sa cơ
sẽ hóa không


bất chợt hào hứng
nên tạm phác họa dăm chút đời mình
(cho mai sau nhìn lại)


về bản thân:
sinh ra từ một làng quê
mẫn cảm
vướng nợ chữ nghĩa
từ niên thiếu cho đến tận bây giờ
tâm tư phóng túng hồn nhiên
yêu tự do khai phá
đời thơ hư ảo mông lung
đời thường tỉnh táo


về ứng xử:
bình đẳng
tôn trọng chúng sinh
không phân biệt lớn nhỏ sang hèn thông minh ngu dốt trí tuệ tài năng
bởi vì vận hành nhân giới cũng như cây lá
bộ phận nào cũng quan trọng
thiết yếu như nhau


về sáng tác:
thơ đến với tôi như ám chướng
viết vì không thể không viết


về thưởng ngoạn:
không có tác giả lớn cũng không có tác giả nhỏ
không có tác phẩm hay hoặc tác phẩm dở
tất cả đều được tôi học tập nâng niu
chiêm nghiệm để bồi bổ cho vốn “sống-viết” của mình


về bằng hữu:
đời thường có nhiều bạn thân
tri kỷ của đời thơ rất hiếm


về tình nhân:
cám ơn em hương sắc
hồng hào chất ngất


về đại gia đình:
thời thơ ấu ấm áp
trưởng thành thì xa cách cha mẹ anh em


về đời riêng:
làm chồng làm cha bất xứng
rất may là được cô vợ khoan hòa thực tế đại lượng tri kỷ chí tình


về tác phẩm:
hầu hết được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Gia Canada
(Library and Archives Canada)
đã đăng ký bản quyền
(certificate of registration of copyright) tại Canadian Intellectual Property Office


di ngôn:
tri ân sự sống có tôi
dự phần
cám ơn sự chết đang thân ái chờ tôi
họp mặt
sống chết bình an
tôi vô cùng thênh thang


NGUYỄN ĐỨC BẠT NGÀN
April 13th, 2019
Edmonton Canada









Tác phẩm đã xuất bản :




1
Giã Từ Ân Phúc
(thơ, in với Miên Hành, Trần Huyền Thoại)


2
Bình Minh Câm
(thơ,1985)


3
Giữa Triền Hạn Reo
(thơ, 1988)


4
Từ Giã Ngày
(thơ, 1989)




các tác phẩm phổ biến trên trang của tác giả:


Còn Ưu Ái Còn


Màu Lá Xanh


Thầm Lặng Trời Thầm Lặng Đất




Có bài trên các tuyển tập :


Thơ Văn 90 Tác Gỉa Việt Nam Hải Ngoại 1975 - 1981
(Văn Hữu 1982)


Thơ Văn Việt Nam Hải Ngoại
(Thái Tú Hạp thực hiện, SThu xuất bản, 1985)


Ngọn Cỏ Khô Trên Thung Lũng Mùa Xuân
(thơ văn, nxb Làng Văn, 1986)


Việt Nam Quê Hương Tôi
(tuyển tập Nhiếp ảnh của Lê Quang Xuân,1994)


20 Người Viết Tại Canada
(Việt Thường, Nắng Mới 1995)


20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại
(Ðại Nam 1995)


Thơ Văn Việt Nam Hải Ngoại Năm 2000
Việt Thường, Montréal thực hiện,
nxb Văn Mới, Hoa Kỳ, 2000











Phỏng Vấn




Đào Huy Đán: Nói chuyện với Nguyễn Đức Bạt Ngàn


Bài phỏng vấn do Đào Huy Đán (nhà văn Hồ Trường An) thực hiện và đăng trên nguyệt san Làng Văn số 58 tháng 6, 1989. Totonto, Canada


ĐHĐ: Xin anh cho biết một chút tiểu sử ?
NĐBN: Sinh quán ở Thừa Thiên, bên bờ sông Ô Lâu. Trú quán sau cùng trong nước: Bạc Liêu. Địa chỉ hiện tại: Edmonton, Canada.

ĐHĐ: Xin anh kể sơ qua về những hoạt động văn nghệ của anh hồi còn ở trong nước ?
NĐBN: Ở mặt chìm, thầm lặng viết. Viết rồi gom thành tập. Cất giữ cho mình và cho anh em bằng hữu chuyền tay.

ĐHĐ: Xin kể thêm hoạt động văn nghệ của anh sau khi Cộng sản bạo chiếm miền Nam. Về thi phẩm Bình Minh Câm, thời gian thai nghén, sáng tạo ?
NĐBN: Trước biến cố 1975 đối với văn giới thì tôi hầu như là một kẻ vô danh. Mặc dù năm 1970 đã có in chung với hai người bạn một tập thơ nhưng tầm phổ biến không là bao. Vì thế sau 30.4.1975, đối với Việt cộng - ít nhất là về mặt hoạt động văn nghệ - thì mình chỉ thuộc vào thành phần rất nhỏ nhoi, cho nên vẫn tiếp tục thầm lặng viết. Quá trình hình thành Bình Minh Câm thì tôi đã nói rõ ở bài tựa, ở đây chỉ thêm sơ về mốc thời gian của những bài thơ: Bình Minh Câm có 40 bài thì chỉ có chừng 8 bài là viết trước 30.4.1975, phần còn lại là viết sau biến cố mất nước. Tôi có thói quen không thích đề ngày giờ chi tiết dưới mỗi bài, trừ những trường hợp quan yếu. Cũng như nhan đề đầu tiên của Bình Minh Câm là “Từ những đày đọa mộng”, sau 30.4.1975 tôi mới đổi thành Bình Minh Câm. Có điều này: cảm quan khi viết Bình Minh Câm có một phần là cảm quan nhìn, chứng kiến đất nước bốc cháy, tàn lụi dưới tay kẻ thù chứ chưa phải là cảm quan sống với kẻ thù.

ĐHĐ: Xin nói rõ về phần phụ lục Nhật Ký Biển. Theo tôi đây chính là phần then chốt và rực rỡ nhất trong sự nghiệp thi ca của anh.
NĐBN: Anh là một trong vài người hiếm hoi nhận thấy được điều này. Phần phụ lục Nhật Ký Biển kèm trong tập Bình Minh Câm chính là phần then chốt của đời thơ tôi. Then chốt thôi, còn “rực rỡ nhất” thì xin anh quên nó đi. Mình sống cùng cuộc đời chớ làm sao quay lưng đi được, cho nên mình cùng vui cùng khổ, cùng hòa nhập với biến cố thời mình đang sống. Sau khi viết xong Nhật Ký Biển tôi cảm thấy mình bớt áy náy và tạm bình tâm hơn. Nhật Ký Biển tôi ghi lại chuyến đi: đau thương những vẫn phơi phới tự do và niềm tin. Còn Về Đâu thì viết sau đó ba năm, như một ngọn roi để thức tỉnh mình, gửi gắm cho người, nhưng chẳng ai thấy, ai nghe!

ĐHĐ: Giới bằng hữu anh em văn nghệ thường bảo rằng Nguyễn Đức Bạt Ngàn là nhà ảo thuật ngôn ngữ, tên phù thủy âm thanh. Anh nghĩ sao về nhận xét đó ?
NĐBN: Tôi nghĩ là anh em gọi đùa. “Ảo thuật ngôn ngữ”, “phù thủy âm thanh” ư? Tự tính của ngôn ngữ Việt đã là như vậy rồi. Tôi cũng như anh em khác chỉ dùng nó như một phương tiện để ghi ký cảm xúc của mình đấy thôi.

ĐHĐ: Anh thao túng hý lộng với ngôn từ quá nhiều. Vậy yếu tố nào làm cho thơ anh truyền cảm ?
NĐBN: Tất cả chỉ là trò chơi. Khi tôi viết chữ để thành thơ cũng vậy: cũng chỉ là một trò chơi. Tôi đã nêu rõ điểm này ở bài tựa của tập Bình Minh Câm. Khi mình thao túng, hý lộng ngôn từ bằng tâm thành thì cũng hứng thú lắm chớ. Còn anh muốn biết yếu tố nào làm cho thơ tôi truyền cảm thì tôi xin chịu thua. Nhờ bạn đọc thân mến chỉ dùm cho, bởi vì mình làm sao để trở thành độc giả khách quan của chính mình được!

ĐHĐ: Xin anh cho biết cảm tưởng khi ban Việt ngữ đài BBC giới thiệu tập thơ Bình Minh Câm phát thanh về nước vào tháng 10.85 và được nhắc lại trong phần tổng kết điểm sách vào cuối năm 1985.
NĐBN: Lâu rồi, tôi không còn nhớ cảm tưởng lúc đó ra sao. Chỉ có điều này: chính mẹ tôi nghe được và bảo em tôi viết thư cho hay. Mẹ tôi, nhân đó cũng muốn “vợ chồng tôi sinh thêm vài đứa con nữa” (!), có thể bà không tin tưởng mấy nơi bản thân tôi. Bà biết chắc là tôi có đi mà không có về, cho nên muốn tôi có con thêm cũng phải (!). Anh để tôi lông bông một chút: thuở nhỏ tôi lêu lỏng lắm, hành hạ cha mẹ tôi lắm phen, đi học thì nhiều lần người nhà phải trói lại gánh tới trường. Ngồi trong lớp mà hồn để đâu đâu. Cho nên tôi thường trốn học, mang sách vở chuồi vào bụi tre, chạy ra đồng cỡi trâu, bắt chim, bắt dế… đôi khi lang thang qua những làng bên cạnh quên cả về. Thuở đó tuy bé dại, nhưng sao thấy cuộc đời mênh mông quá, hừng hực hơi thở và niềm tin. Bây giờ càng lớn càng già, tôi thấy mình cũng như đời sống càng hao mòn, nhỏ lại. Anh thấy đó, dù đi khắp cả địa cầu, tôi thấy mình cũng chưa thoát ra khỏi vị thế của tay giang hồ vặt.

ĐHĐ: Anh là dân Huế, xin cho độc giả Làng Văn biết về những cảnh đẹp của đất thần kinh, và phong cảnh nào đã gợi hứng cho thi ca của anh ?
NĐBN: Huế thì đẹp rồi, tôi chắc độc giả Làng Văn có người còn rành hơn tôi. Phần mình, tôi cũng yêu mến Huế lắm. Yêu mến Huế như yêu mến Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt và sau này là Bạc Liêu. Nhan sắc Huế cũng như một tác phẩm tư tưởng. Huế mạnh mẽ kiêu hùng trong Cao Bá Quát “Trường giang như kiếm lập thiên thanh”, Huế sương khói tượng trưng ở tầm nhìn Hàn Mặc Tử “áo em trắng quá nhìn không ra”, Huế mơ hồ nhẹ dạ qua Nhã Ca “này anh em cũng tợ sương mù”, Huế quắt quay hao mòn của Trần Dzạ Lữ “lòng xuân mưa bụi hết thời thanh niên”.Huế uyển chuyển, xông pha, cay đắng trong thơ Mường Mán, Tần Hoài Dạ Vũ, Thái Tú Hạp, Trần Hoài Thư, Huỳnh Liễu Ngạn, Hoàng Xuân Sơn… Huế của tôi cũng vậy: con người, phong cảnh, núi sông, thời tiết… tổng hợp lại tạo cho Huế một sắc thái: vừa ẩn dụ vừa siêu thực. Tất cả tạo thành một phần sống lớn cho thơ tôi. Da diết lắm anh à !

ĐHĐ: Xin anh kể về sự giao du với các văn hữu gốc Huế như Hồ Minh Dũng, Lê Bá Lăng, Trần Dzạ Lữ, Mường Mán… và sau này ở hải ngoại như Võ Đình, Hoàng Xuân Sơn, Hồ Đình Nghiêm, Trần Hoài Thư…
NĐBN: Tôi vốn du thủ cho nên bằng hữu ở ngoài đời nhiều hơn. Những người mà anh hỏi chỉ có một người là bạn thân. Phần còn lại thì chỉ biết mặt hoặc chưa biết mặt. Ra hải ngoại cũng vậy. Giao tình chỉ mới ở mức độ xa. Nói rộng ra giao thiệp bằng hữu không chỉ ở vấn đề đồng gốc, đồng hương, mà còn nhiều thứ khác.

ĐHĐ: Anh có nghĩ rằng: “Giữa Triền Hạn Reo” là một thiên trường ca, nói lên cái ẩn mật của đời sống. Những hình ảnh rất gần với cuộc sống mà anh vẽ trong thơ khiến người đọc cảm thấy thăng hoa vào một thế giới khác. Một thế giới tùy theo sự cảm nhận của từng người mà hình thành. Ý anh nghĩ sao ?
NĐBN: Khi viết Giữa Triền Hạn Reo, tôi đem những hình ảnh từ cuộc sống vào thơ. Tôi nói đến cái hiển lộ nhiều hơn cái ẩn mật. Nếu người đọc cảm thấy thăng hoa - tức khi đọc Giữa Triền Hạn Reo họ bắt gặp một nhiên giới hay nhân giới khác - thì cái đó cũng tùy theo kinh nghiệm của người đọc, tôi không nghĩ gì hết. Chắc anh nhớ câu thơ cổ này: Thủy đáo nhân gian định bất hồi. Thơ đi xuống cuộc đời là của người, là đi mất, chớ đâu còn là của mình như vị thế ban đầu nữa đâu…

ĐHĐ: “Giữa Triền Hạn Reo” là tác phẩm lãng đãng hương khói chiên đàn. Nó gợi cho người đọc một chút thiền phong, thiền vị có phải ?
NĐBN: Trong Giữa Triền Hạn Reo, biên giới giữa tôi và đời, giữa tôi và người, giữa tôi và vũ trụ đôi khi không còn lằn ranh. Tất cả hợp thành một, thành chân dung con người hiển lộng giữa đất trời, một con người sẵn sàng đón nhận, cảm nhận khổ đau lẫn hạnh phúc bằng an nhiên, vô ngại, kiêu hùng và bất khuất. Còn thiền phong, thiền vị như anh bày tỏ - chà, khó quá - vì điều này thì cảm chớ không nói được. Xin anh tha cho.

ĐHĐ: Có phải anh dùng chữ nghĩa để “chém rụng” thứ chữ nghĩa ù lỳ không làm mới ngôn ngữ của các thi sĩ khác ?
NĐBN: Chỉ vui chơi thôi mà. Tôi thấy mình có làm mới gì đâu. Có chăng, trong nghĩ tương đối nhất, có thể là mình đi con đường ít người đi, hoặc không ai thèm đi. Còn dùng chữ nghĩa để “chém rụng” chữ nghĩa như anh nói thì không có đâu. Chữ nghĩa mà tôi dùng vẫn là chữ nghĩa của ông cha mình đã dùng bao đời nay, cũ kỹ lắm.

ĐHĐ: Anh còn bao nhiêu bản thảo viết trong nước dự định sẽ in ?
NĐBN: Danh mục bản thảo của tôi đã ghi đầy đủ ở phần đầu tập Bình Minh Câm hay ở phần sau tập Giữa Triền Hạn Reo. Trừ tập thơ đầu đã mất tích cũng như một số còn gửi lại anh em bằng hữu, phần lớn còn lại tôi mang đi được hết. Riêng bản thảo Thuở Hẹn Người cùng viết một năm với Giữa Triền Hạn Reo (1972) cũng đã được đăng trọn vẹn trên Văn hải ngoại số 23 (1984). Sẽ in tiếp khi thuận tiện.

ĐHĐ: Xin anh nói qua về thi tập “Giã Từ Ân Phúc” ?
NĐBN: Dạo đó là năm 1970. Người đề xướng là Trần Huyền Thoại. Miên Hành và tôi đồng ý. Thế là bắt tay làm. Nhan đề tập thơ lấy từ tên một bài thơ của tôi. Tập thơ ngót 30 bài, tức là một người góp chừng 10 bài. Tài chánh và công sức thì do Miên Hành chịu một phần lớn. Số in hạn chế, chừng 500 tập, chủ yếu là tặng anh em bạn bè chơi, cho nên khoảng một năm là tuyệt bản. người viết tựa cho Giã Từ Ân Phúc là nhạc sĩ du ca Trần Đình Quân. Vị này rất thân với Trần Huyền Thoại, hiện sống ở Nam Cali, năm kia tôi sang bên đó chơi có gặp lại, anh em hàn huyên vui lắm. Sau 75 thì tôi mất liên lạc với Miên Hành. Còn Trần Huyền Thoại thì đã vượt biên thành công, hiện tạm trú tại Phi, chờ ngày vô Mỹ.

ĐHĐ: Anh có thích đọc không? Xin anh cho biết những tác giả, tác phẩm của Việt Nam cũng như ngoại quốc mà anh thích.
NĐBN: Tôi đọc bất kỳ tác giả nào mà tôi bắt gặp được: kinh điển, tư tưởng, văn thơ, khảo cứu, phê bình… Tôi đọc bằng chân tình và lòng kính trọng. Dù họ là tác giả cổ điển hay hiện đại, đông hoặc tây, già hay trẻ, mới hoặc cũ, trong nước hay ngoài nước. Yêu thích vẫn là kho tàng văn học dân gian hay văn chương truyền khẩu của mình: ca dao, hò vè, tục ngữ, truyện cổ, truyện tiếu lâm… Hồi còn nhỏ tôi hay mua những truyện cổ bằng thơ. Những thứ này ghi dấu trong tôi đậm lắm. Cũng khoái một phần khi đọc sách của Lão,Trang. Hai vị này lý giải những vấn đề cốt yếu của cuộc đời sao mà nhẹ tênh, tàng tàng, đề huề vui vẻ quá… Một kỷ niệm khoảng năm 1968, nhân đọc cuốn Kinh Thánh Cựu ước của hội thánh Tin Lành Việt Nam, tôi đã kinh ngạc vô cùng và choáng ngợp khi đọc chương Nhã Ca (The Songs of Salomon). Anh đọc chưa? Đọc rồi, tôi mới thấy đâu là suối nguồn vi diệu của thơ tình, cũng như đâu là sự vĩ đại và cứu chuộc của thơ tình. Cái âm hưởng này còn bám siết, theo mãi trong tôi dù đã ngoài hai mươi năm. Tôi nghĩ những anh em thích thơ, sống chết với thơ nên đọc. Thì ra, chẳng có gì mới mẻ cả trên cõi đời này, chỉ tại mình không chịu mở mắt ra mà thôi.

ĐHĐ: Anh nghĩ gì về các ngôn ngữ thi ca qua các thời đại ?
NĐBN: Cuộc sống thì ngày càng phong phú, còn ngôn ngữ thì hình như ngược lại. Ở đây tôi chỉ thấy dù ở thời nào thì yếu tính của ngôn ngữ thơ là phải bám vào cuộc sống. Khi cuộc sống thay đổi, dĩ nhiên ngôn ngữ thay đổi, cho nên ngôn ngữ thơ cũng như thế mà bước theo. Xin thêm: thay đổi không đồng nghĩa với làm mới, mà chỉ có nghĩa là làm khác đi.

ĐHĐ: Anh nghĩ sao về nền thi ca hải ngoại nói riêng và văn chương hải ngoại nói chung ?
NĐBN: Không nghĩ gì hết. Bởi vì cái gì thì cũng có định mệnh của nó. Thi ca hay văn chương hải ngoại - như anh thấy - cũng đã có sẵn con đường đi. Riêng bản thân mình nếu có làm được gì thì cứ làm và vui mừng khi thấy công việc làm của anh em.

ĐHĐ: Theo anh, thi ca có sứ mệnh gì không ?
NĐBN: Cũng không, thơ là thơ. Bắt thơ phải có sứ mệnh này sứ mệnh nọ chỉ càng chứng tỏ sự bất lực, bất nhân của con người. Hãy đến với thơ bằng tấm lòng, bằng cảm xúc thì hay hơn. Đừng đến với thơ bằng đòi hỏi cứu cánh, để đặt trách nhiệm. Mệt lắm. Tội cho thơ lắm.

ĐHĐ: Khi sáng tác, anh cần thứ gì để trợ hứng: như cà phê, thuốc lá, trà, rượu, hình ảnh gái đẹp hay một tư tưởng ngoại tình ?
NĐBN: Đủ món hết đó anh. Trợ hứng đôi khi cũng chính là nguồn hứng, tùy theo nhịp độ liên tưởng và kinh nghiệm: ví dụ như mảnh tàn thuốc rớt xuống cũng có thể cho mình thấy sự rơi rụng của đời… Nhìn sinh hoạt của bầy kiến cũng có thể cho đó là hóa thân của trần gian muôn màu muôn sắc… nhiều lắm, chỉ có điều là tùy lúc, tùy thời mà thành thơ… Nhiều lúc tôi nghĩ mình thi hóa được cuộc đời, có lẽ tại mình nhạy cảm và tếu quá chăng ?

ĐHĐ: Chị nhà có nổi máu Hoạn Thư với mấy hình ảnh cô em trong thi ca của anh không ?
NĐBN: Tôi phải xin phép bả mới trả lời anh được.

ĐHĐ: Chị nhà có sống theo từng nhịp thở thi ca của anh không? Chị có giúp gì để cho anh có sức sáng tác sung mãn như vậy ? Xin anh chị đừng rủa tôi mà tội nghiệp, vì độc giả Làng Văn cũng có người tò mò như tôi.
NĐBN: Bả sống theo từng nhịp thở của tôi và ba đứa con cũng đủ cho bả ngất ngư rồi, còn “nhịp thở thi ca” chắc là bả sẵn sàng tặng thiên hạ. Xin gửi cho anh và cũng cho độc giả - dĩ nhiên là những vị tò mò thôi - một câu này: còn gì tuyệt diệu hơn cho một thi sĩ khi hắn có một mái ấm gia đình, con cái vui ngoan và một người vợ khoan hòa, thực tế.

ĐHĐ: Xin anh một lời chót với độc giả Làng Văn.
NĐBN: Nói gì đây ? Cám ơn thường tình chăng ? Tôi thấy là bạn đọc thân mến đang bụm miệng cười rồi đó. Thôi thì … không lời như bóng mây qua.

ĐÀO HUY ĐÁN (HỒ TRƯỜNG AN)
(Nguyệt san Làng Văn số 58, Toronto Canada 1989)










CỐ HƯƠNG


Tôi về Huế hớn hở tươi vui. Ðèo Hải Vân ngăn ngắt rực nắng. Ngoài kia biển xanh loang xa vô tận đắp lên chân trời thẳm. Nhớ thuở nào tiền nhân đã qua đây. Mỗi người mỗi suy cảm. Kẻ náo nức tâm động theo triền núi dựng. Kẻ thất bại cuồng nộ, xung khí trào lên đôi mắt vọng cùng bốn hướng. Cũng đỉnh đèo này, cũng lòng đường uốn khúc chật hẹp hiểm trở kia. Trong tôi, mỗi lần đi qua là mỗi lần thấy khác. Như hôm nay trước tầm mắt, thiên nhiên như người mẹ hiền chan chứa đưa vòng tay lớn chào đón. Vài bóng chim thấp thoáng. Dưới kia, những ghềnh đá lởm chởm trườn ra biển nô nức theo từng đọt sóng trắng xóa vỗ tung lên lao xao. Một thuở nào như bóng dáng sương phụ mỏi mắt ngóng chồng ngẫm thân mình côi cút, còn tiếng hoang liêu bầu bạn. Tôi quanh co theo đường đèo quanh co.
Tôi gặp cha mẹ. Nét mặt cha nghiêm nghị thanh thản. Con thi đậu, ba khỏe khoắn một chút. Tôi biết người hài lòng nhưng không tỏ lộ. Kim Long khoái chí. Anh chị Cung và bầy cháu thân thiện. Hàng xóm hỏi han chia sẻ mừng vui.


Những ngày thong thả. Tôi không biết làm gì. Bằng hữu tôi ở đây hình như không còn ai. Tôi về Vĩ Dạ, tấp vô quán bánh bèo gặm nhấm một mình. Ðường về Thuận An tấp nập. Vườn lá hai bên đường ngan ngát tơ nắng. Tôi xuống chợ Mai với tô cháo lòng thơm đậm hương tiêu. Chung quanh là những hàng cau cao ngất đâm chỉa lên bầu trời. Tôi qua bên Cồn Hến ghé vào quán chè giải khát. Ly chè thơm ngọt mùi bắp non. Ðâu đâu cũng dẫy tràn màu xanh. Tôi quên bẳng những tàng phượng bông sắp úa trên đầu. Tôi quên tôi với tình yêu khuất lấp cay nghiệt. Thoải mái không tạo ra thơ. Tôi quên luôn chữ nghĩa, không còn thói quen ngồi với tập nhật ký mỗi ngày.


Tôi vòng lên Ngự Bình, triền núi lở cằn khô khốc, dưới chân chen đầy mộ chí. Tôi băng vào đồi Thiên An. Thông hàng hàng lớp lớp vi vút. Có lúc tôi dừng lại bên đường, những lùm sim nở bông tím biếc tung hê theo đàn bướm dại. Chiều dần tàn, không gian vàng thẩm cúi xuống trên tàng lá thông. Tôi muốn nối mọi mùa trở về chung một tâm tình tận hiến. Ðất trời tôi đang lên. Những con đường núi quanh co nối liền những lăng mộ của vua chúa triều Nguyễn. Ðường vắng, tôi như tha ma.


Từ ngả rẽ vào lăng Tự Ðức, tôi leo lên đồi Vọng Cảnh ngó mông. Dưới kia, giòng Hương mịn màng óng ả khuất sau núi đồi. Bên kia là điện Hòn Chén, tôi chưa một lần bước qua. Tôi ngồi bệt xuống bên đám cỏ. Những bông cỏ may phất phơ trải dài. Tôi lười lĩnh nằm chuồi ra, đưa tay vòng quanh sau cần cổ làm gối tựa. Mắt tôi ôm trọn cả bầu trời ngút xanh. Tôi nghe hương của nước của đất trùm lên thân thể. Những cụm gió chướng thổi lùa qua, len vào áo thấm vào da thịt đê mê. Núi sông đè lên tôi như một cấu hợp nồng nàn hạnh phúc.


Quẩn quanh với Huế chán chê, một sáng sớm tôi chạy xe về làng. Quốc lộ 1 xuôi bắc quen thuộc đã được trùng tu vì mục đích quân sự. Những đoàn xe nhà binh rầm rập ngược xuôi. Rải rác hai bên đường là những xóm nhà xơ xác, tiêu điều. Tiếp liền theo thảo nguyên hoang dã. Xa hơn về hướng Trường Sơn, dăm đám rừng già lá vàng rủ vì thuốc khai quang. Cùng những đám khói trơ trọi quạnh quẽ. Qua dốc Ðồng Lâm, tôi nhìn vào lũng nhỏ nơi an nghỉ của Chánh, người bạn học cũ. Tôi không thể định rõ vị thế của bạn nằm. Những ngôi mộ bạt nấm vì gió sương. Những lùm cây dại vẫn trổ hoa bình yên.

Tôi rú ga, xe lao nhanh trong gió. Thị trấn Phong Ðiền hiện rõ dần phía trước.
Thị trấn vẫn thế, hàng quán đầy đặc lính tráng. Ngôi trường trung học cũ nhỏ bé của tôi đóng cửa im ỉm. Ðâu rồi một thuở tôi nhận được lá thư tình đầu tiên trong đời. Ðâu rồi những bằng hữu tôi. Ðâu rồi Băng Tâm với thương nhớ hoang mang của tuổi tôi dậy thì. Tôi ghé nhà bác Phụng. Mùa hè trống trải. Bác trai già nua còm cõi hơn xưa. Bác gái đã mất trong tai nạn vì dầu lửa. Anh Hàng đã lập gia đình, dọn đi xa. Cô gái út Thu Mai cũng đã lấy chồng. Bác bầu bạn cùng men rượu. Bác mừng rỡ khi gặp tôi, cười hềnh hệch nhắc về kỷ niệm. Chuyện những ngày mưa ám thiếu củi đun, bác phải đành chặt một vài nhánh cây dương liễu bên hông nhà. Chuyện đêm bác vùng dậy kêu cả bọn xuống hầm tránh pháo kích, khi bác nghe được tiếng đề pa đầu tiên. Chuyện thằng Cẩm nhác nhớm mấy ngày chưa chịu ra giếng tắm... Tôi cười vui, thầm phục bác còn nhiều nghị lực. Bác nói. Tau còn sống đến hôm nay là trời cho, tau không ham không tiếc chi nữa hết.


Tôi ghé nhà Chánh, bà mẹ không nhận ra tôi. Tôi xin phép vào trong bàn thờ bạn thắp nén nhang hồi tưởng. Bàn thờ lạnh tanh. Di ảnh bạn buồn bã. Ánh mắt hơi lé như còn phẫn uất. Khi chào từ giã mẹ của Chánh, nhìn ánh mắt vô cảm thất thần của bà, bỗng dưng tôi hoảng sợ. Kiếp người quay quắt khốn đốn như thế ư. Sống vì bắt buộc phải sống. Sống không còn là ước mơ tin cậy. Sống vì không thể chết.


Tôi băng qua bãi đất trống ngay trước mặt chạy vào ngôi chùa. Nơi chốn đầu đời mà tôi hò hẹn. Em không còn nữa nhưng có tôi trở về đây. Trong thần trí tôi bừng tiếng chuông ngân vọng xót xa. Tôi dựng xe, bước lên ngồi trên tam cấp. Trước mắt qua bãi tha ma nhỏ phủ đầy cỏ úa, vẫn còn đó cái hồ nước đã gần cạn khô. Hai con đường vòng hai bên vẫn hàng cây bạc hà ung dung bất cần nhân sự. Tôi nhớ về Băng Tâm, như nhớ đầu nguồn nước thơ dại. Như mùi hương trầm tích. Có em có tôi thơm giấy mực học trò.


Quá trưa tôi mới đến Mỹ Chánh. Hương lộ chạy cặp sông Ô Lâu dẫn về làng tôi đã sửa chữa. Có đoạn được nới rộng ra. Thời kỳ này chính quyền miền Nam đang lấn đất giành dân qua chương trình bình định nông thôn. Có một số dân chúng trở về sống với ruộng nương. Làng tôi cũng thế. Chính quyền cơ sở hành chánh xã ấp cũng được xây dựng lại. Từ đầu làng, cầu Mụ Tú sập gãy trước đây đã được sửa chữa vững chắc. Trước mắt tôi, quang cảnh tiêu điều xác xơ. Cái quán tạp hóa nhỏ cặp bến sông của bác Ðiền chỉ còn trơ miếng đất trống. Lũy tre dọc hai bên đường thưa thớt cành ngọn. Làng đang giữa ngày mùa, đường làng phơi đầy rơm rạ. Tôi thả lỏng tay ga chạy chầm chậm. Ðã ngót bốn năm. Kể từ dạo tôi liều lĩnh trở về trong ngày húy nhật của ông nội. Khúc đường lụy chạy ngang trước ngôi đình làng như lún thấp xuống. Ngôi đình vẫn còn đứng nguyên giữa xót xa quạnh quẽ. Vài dân làng đi ngược chiều nhìn tôi tò mò.


Tuy đã hình dung trước, nhưng khi đứng trên miếng đất khi xưa đó là vườn nhà, tôi chết sựng. Tôi đã chuẩn bị cho mình một tâm thế nhưng hốt nhiên không ngờ sự thực quá tang thương. Cái cầu đúc cũ vì không chịu đựng nỗi được trọng tải của xe quân sự, nên công binh đã làm thêm một cây cầu mới bên cạnh, nằm nhích ra gần với cửa của con hói. Ðoạn đường mới theo cây cầu này hầu như cặp sát với lưng vách của ngôi từ đường họ Nguyễn Ðức, băng qua chiếm hết một phần sân rộng của nhà tôi. Miếng đất hiu hắt chỉ còn một rẻo nhỏ cặp sát bờ sông được ai đó lên vồng trồng dăm hàng sắn chen lẫn với khoai lang. Tôi cố hồi ức nhưng chẳng dựng được một hình ảnh nào khả dĩ có thể liền lạc với quá khứ. Nơi chôn nhau cắt rốn của tôi một thuở nào nay đã là bình địa. Nơi có ngôi nhà với hơi hám cha mẹ anh em tôi một thời nay bỗng như huyền tích. Miệng môi tôi khô rát, nghe lành lạnh chạy dọc theo sống lưng. Tôi nhìn bụi hóp nhỏ nhoi bên cạnh cái bến nước cũ bắt qua mấy cội tre già đang trầm mình nửa trên nửa dưới ở ngã ba cửa hói và sông Ô Lâu. Ðất đã lở nhiều hơn trước vì dòng nước xói mòn, bờ sông như dựng đứng. Cây bưởi, cùng mấy hàng cừa do cha tôi trồng cặp bờ để giữ đất cũng đã bị dòng nước cuốn mất. Chỉ còn cây quao già cỗi phía bên miếng đất của bác thợ Gạc là cố bám víu, dù phần thân với cành lá đã ngả bổ ra mặt sông.


Tôi dựng xe bên lề đường rồi đi ra phía mé sông ngồi xuống. Sông vẫn hiền hòa tĩnh lặng. Tâm tư tôi đồng thiếp. Loáng thoáng trong không gian lao xao âm hưởng gọi réo mơ hồ. Có tiếng ầm ầm bom đạn đơm lên giọng hò mẹ ru theo đêm ấu thời tôi mất ngủ. Có tiếng anh em tôi tếu nhộn cãi cọ tưng bừng. Có tiếng bà con họ hàng rộn rã trong những kỳ giỗ chạp. Có tiếng cưa tiếng bào tiếng đục chan chát giữa rạp mộc của cha chất đầy săng gỗ, tấp nập khách hàng. Hình ảnh con chó mực già mừng tôi tíu tít vẫy đuôi, theo con gà đá trộn lẫn với lần tôi mơ mộng lêu lổng trốn học.


Gia đình chú Anh vẫn còn bám trụ. Ngôi nhà cũ của chú đã cháy cùng một lần với nhà tôi trong cuộc giao tranh năm nào. Chú dựng một căn nhà nhỏ, tá túc tạm bợ qua ngày. Chú thím đang cật lực ngoài đồng. Bầy em họ của tôi cũng chẳng đứa nào có mặt. Chung quanh nhà cửa xóm giềng cũng vậy. Những túp lều tranh nín lặng mới dựng vội lại. Tôi không muốn gặp ai, cũng chẳng muốn gọi ai, thăm ai. Tôi không muốn chạm mặt bà con. Tôi sợ phải đối diện với những nhân dáng áo não thất thế tủi cực. Những phận đời cơ khổ tàn lụi của cố hương tôi đang bầm dập vất vưởng phong ba.


Tôi trở lại Huế vào chiều hôm đó. Tôi rú ga, xe lao nhanh điên cuồng theo lòng tôi đang bấn loạn. Ðoạn đường chỉ vài chục cây số nhưng xa xôi làm sao. Tôi cầm chắc tay lái mong cho mau nuốt hết đoạn đường dài. Trời đã chạng vạng, màu đất tím đậm loang loáng gợi dậy se thắt theo ráng chiều le lói đang thoi thóp chết dần bên hướng núi.

Tôi rối tung theo có và không. Thực tại và ảo trạng qua nền đất cũ. Nơi chốn đó tôi mở mắt chào đời. Nơi chốn đó thăng hoa và đọa đày. Gia đình tôi may mắn về cư ngụ ở thành phố, nhưng còn bà con chòm xóm tôi. Ðất đã là mầm khổ tự đời nào. Sao bây giờ tôi mới thấm thía.

NGUYỄN ĐỨC BẠTNGÀN
trích Tự Truyện THẦM LẶNG TRỜI, THẦM LẶNG ĐẤT
1994











Thơ




QUÊ NGOẠI

Theo người qua một dòng sông
Đò ngang lụy cả phương chồng phôi pha
Chân đi hồn nuối quê nhàà
Nắng mưa truyền vọng nghe già tuổi xuân
Hàng cau gọi réo bao lần
Nương tre quằn động trăm phần luyến thương
Phương chồng rợp suốt nghìn phương
Qua sông rụng giữa đêm trường nao nao
Từ em khuất lạc ba đào
Hồ như tóc ngoại bay vào mông mênh.






MÊNH MÔNG

Trong đắm đuối nghe khói trời đã khác
Thịt xương người đang chuyển hóa thành sông
Rừng và biển muôn đời đâu có khác
Sao trường thành bỗng lụy giữa mênh mông

Với hẹn ước ôm tròn theo tiếng sóng
Đọt sương này đành hóa đá mang mang
Lần xuống biển khuất dần theo ngọn sóng
Nhịp triều này cũng gõ một âm vang

Lúc em ngủ biết phương nào cố vọng
Người trôi qua qua có hết đê mê
Tình vàng úa vẫn đi về tỏa lộng
Như lần xưa còn ngút bụi tóc thề.






Tình Thơ Tháng Chạp

ta động cánh sầu đôi tay đã mỏi
ngày oan khiên em chong mắt theo người
mưa bỗng gõ nhịp đều con nước lũ
em có còn dành lại trái sầu tươi

ta mở mắt khi cây trời xanh lá
em hoang vu như môi má tự tình
đêm yểu điệu đàn trầm em gợi nhớ
ngày địa đàng bông ưu ái hồi sinh

này nước mắt ngày em qua lặng lẽ
buổi sau cùng là ngần đó đam mê
bờ đá đợi theo em chìm lặng lẽ
ta đành quên theo vạn kiếp đi về

từ tóc biếc em thầm thì trẻ lại
này tinh hoa vỡ hồ khúc trên ngàn
thôi cũng dại như trong lần xuống ngục
em xa vời chung cõi gió mênh mang

này em ơi em ơi phương trời đó
không còn thương sao vẫn nhớ lạ lùng
này giếng tóc từ thuở đầu bỏ ngõ
tự kiếp nào còn thấp thoáng nghi dung

ta trăm thuở là trăm lần hẹn ước
có gì không em hương sắc điêu tàn
khi ngả bóng là chuốc sầu trở lại
khói đầy trời là trở giấc thênh thang

em nước mắt ta hồn sầu biệt xứ
hẹn hò nhau về trên bến nghìn trùng
em hôn phối ta sau này quạnh quẽ
vòng tay nào là xứ sở sầu chung

(Còn Ưu Ái Còn, 1964 – 1970)






MƯỜI NĂM

mười năm con xa xứ
mười năm con lạ lùng
ôi một thời nắng nhạn
ôi một thời thương mong

mười năm con xa xứ
mẹ còn chong đèn khuya
tìm con, chim lẻ bạn
giữa đường bay phân chia

mười năm con biệt xứ
mười năm con lưu đày
mười năm thương nhớ mẹ
mười năm còn ai hay

bên đời sương vẫn biếc
có che thời long đong
trên trời sao thắm thiết
còn vắt ngang bụi hồng

tự một lần ảo diệu
tự một lần ưu mê
giờ ta, thân thất thoát
ôi mười năm xa quê

nghìn xưa chim hót nghẹn
còn lẻ bạn chưa về
cho dù ta có hẹn
cũng trông vời nhiêu khê

mười năm mười năm trông
mười năm mười năm mong
ta vẫn đời bão loạn
ta vẫn hồn vị vong

từ một lần hoạn nạn
cắn răng quên hẹn thề
ta chim trời lẻ bạn
giữa đường bay điên mê







THUỞ HẸN NGƯỜI

12.
cám ơn thời yếu đuối
kính cẩn cám ơn thời chịu tội
cám ơn em lơ lửng ngọn diều
dù thế nào thì ta cũng đưa em về
cõi phúc với tình thánh khiết
dù thế nào thì ta cũng mưa em thật hồng
mặc tình lăm le tự đời u tối
(ta là kẻ giật lùi suốt kiếp
cuộc đời ta đâu phải bây giờ)
ta đi ngang con đường có tên thật lạc loài
có thân sâu chờ từng đọt lá
nghe bước chân
thách thức
mặt đường
nghe chung quanh ngậm tình lá cỏ
em trang hoàng châu thân
với nước mắt đóng băng trên hàng
nến đỏ
em cũng sẽ đến khóc một lần
rồi buông xuôi nỗi tình mãn kiếp
ta hóa thân ta
với tuyệt vời em đổ đầy hai mắt
với mỏi mê em đổ đầy hai môi
em trở về đổ tình kín dấu
chân răng
hằn sâu bờ má
như đêm sau ta tìm đốm lửa đời mình
chỉ thấy tận cùng một thời heo hút
ta chống nạng giữa nụ cười
vẽ đôi tay lên thời mở mắt.






SÀIGÒN

giữa hào lũy còn chờ nhau mấy bận
nghe hoài nghi lên tiếng gọi thưa
khi đứng dậy cũng chừng như thế tận
hồn ta đau em đã hay chưa

nguyền trở lại, dù tình em trống vọng
cùng chiêng khua nô nức hội người
ta lảo đảo giữa tiếng mình lạc giọng
trọn cùng em đầy buổi hội vui

còn trong anh bao mặt trời oan nghiệt
hồn em trong còn chút trăng soi
đất vẫn ấm không biết gì chia biệt
từ môi nhau có tạ được ơn trời

em hãy đến một lần rồi bỏ chạy
kiếm cung này đà thất thủ quay lưng
giữa tăm tối mắt trừng em có thấy
nhớ cùng anh ôm phút rộn bừng

tình hãy trọn trong nhau này lần cuối
vì nay mai có nhớ đã vô ngần
khi từ biệt anh còn chi tiếc nuối
em còn gì giữa trắc trở vong ân







Sau Lưng

em nhớ nối sợi chỉ hồng giữa hai đầu kiêu bạt
dù muôn trùng quê hương là mây trắng trời cao
anh còn lại một thời phiêu dạt
nghiêng trong đêm gương soi thầm vọng mắt chào

hạnh phúc em bay theo mùa xuân trước
gọi bóng anh về từng độ thu phân
đầu sóng gió ngọn nguồn anh vẫn bước
có tình thiêng em trắng mộng bao lần

em đồng vọng theo lòng tiếng suối
anh từ ly qua những con sông
này gió bụi ân cần mừng tuổi
nặng linh hồn mỗi bước lưu vong

giờ vĩnh biệt máu trào lên tiếng nấc
là đường đi anh nổi lửa hôm sau
trời viễn xứ cũng tròn hương mật
giữa mắt em xưa nghe bào ảnh lên màu







TĨNH BIỆT

thềm lá động theo triền sương đẫm ướt
vườn khuya xanh từng dấu mộng thầm thì
lần họp mặt cũng là lần tử diệt
em qua đời trồng vạn nụ hồng nghi

ta xa em như truy tầm tông tích
ta xa người như buồng ngực trăm năm
giữa hơi thở quá quan còn đóng bụi
phấn son người là dấu tích căm căm

hãy nhìn thẳng như thời xa ánh sáng
như tâm thần tiếc rẻ thuở xa hương
lần chớm mộng theo đà trôi sóng nắng
em tàn tro theo mấy bận phai hường

em cho ta như một lần điểm sắc
em cho người thể phách đã lăn quay
là lớp lớp núi sông hồn phiêu dật
vẫn lặng tờ nên chẳng có ai hay

ngày mai ta có bao giờ nguyên vẹn
ngày mai em và cố xứ hao mòn
thân xác đó cầm bằng như mạt hạng
phụ ân đời là chết giữa tơ non.






ĐÊM QUA SÔNG NHỚ NGUYỄN DU

lời lận đận đang đùn theo mỗi bước
đêm dạt mù như những giọt trăng châu
người oán hận nào tài hoa buổi trước
nước trăm nguồn ai biết được nông sâu

sương với muối nở bao vầng thạch bích
trời quê hương chìm với đất quê hương
thân gió bụi vẫn xoáy mòn đất trích
người qua đây sao nghẹn tiếng con đường








RUỘNG ĐẤT

Từ em bay theo địa hình chim Lạc
Anh cũng theo về trên đất nước mênh mông
Một chút nhớ đủ ngút trời xanh ngát
Một chút bình an đủ nhẹ trong lòng

Chim nhớ nơi chôn nhau
Chim nghiêng đầu về cõi bắc
Dù đường bay là soải cánh phương nam
Giữa nắng sớm thơm tiếng hò ruộng đất
Giữa chiều hôm còn thắm đượm hương ngàn

Anh gửi cho em bóng hình sông núi đó
Như ân tình ta trĩu nặng hai vai
Lời thề ước dù một lời rất nhỏ
Vang trong anh ngọn lửa suốt đêm dài

Có anh đến từ phía ngoài rất nhẹ
Như mây trời quấn phủ giữa tim em
Có biển có sông có lời ru mẹ
Có ánh mắt soi nhau như sợi tơ mềm

Từ giọng nói quê hương vút cao đêm đêm
như lúa đang thì
xanh đòng
mập mạp
Dù đường bay rất xa nhưng mình đã chung lòng
bằng vốn liếng là câu hò
đưa theo
bóng cò bóng vạc
cùng triệu nụ bông hiền đang nở
giữa gai chông.

Nguyễn Đức Bạt Ngàn










Trở về











MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.