Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

Cung Trầm Tưởng (1932 - 2022)

 















Cung Trầm Tưởng

Tên thật: Cung Thúc Cần
(1932 - 2022)
Hưởng thọ 90 tuổi
Nhà thơ










Cung Trầm Tưởng 9/2013






Cung Trầm Tưởng là người Hà Nội.
 Ông làm thơ từ rất sớm, năm 15 tuổi đã có tập thơ đầu tay Sóng Đầu Dòng nhưng chưa bao giờ in, 17 tuổi vào Sài Gòn học trường Chasseloup Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn), 20 tuổi sang Pháp học Trường Võ bị Không quân tại Salon-de-Provence, 25 tuổi tốt nghiệp kỹ sư, 30 tuổi du học tại Hoa Kỳ và tốt nghiệp Cao học Khí tượng tại Đại học Saint Louis, Missouri. 
Trở về nước ông phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc cuối cùng năm 1975 là Trung tá Không quân.

Cũng như Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng đã sớm nổi tiếng với những bài thơ tình lãng mạn sáng tác lúc trẻ du học tại Pháp, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc và được giới thanh niên Việt Nam yêu thích từ những năm 60 thế kỷ trước.

Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly
......
Mùa thu nơi đâu?
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu
......

Hoặc bài Chưa Bao Giờ Buồn Thế, nhạc sĩ Phạm Duy đổi thành Tiễn Em

Lên xe tiễn em đi 
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris 
Suốt đời làm chia ly
Tiễn em về xứ mẹ
Anh nói bằng chiếc hôn
Không còn gì lâu hơn 
Một trăm ngày xa cách
...

Năm 1958 ông đứng ra chủ trương tờ Văn Nghệ Mới ở Sài Gòn và cộng tác thường xuyên với các tạp chí Sáng Tạo, Hiện Đại, Khởi Hành, Văn, Nghệ Thuật v.v

Sau giai đoạn tù cải tạo 10 năm (1975 - 1985), Cung Trầm Tưởng đã sang định cư tại Hoa Kỳ năm 1993 và tiếp tục sáng tác. Ông qua đời ngày 9/10/2022 tại Minnesota. Hưởng thọ 90 tuổi.










Tác phẩm tiêu biểu





1
Tình Ca
Nxb Cung Đàn 
Sài Gòn 1959








2
Lục bát Cung Trầm Tưởng
Nxb Con Đuông  
Sài Gòn 1970








3
Lời Viết Hai Tay
Nxb Imn
Bonn 1994








4
Bài Ca Níu Quan Tài 
Tác giả tự xuất bản 
Minnesota, Koa Kỳ 2001







5
Cung Trầm Tưởng
Một hành trình Thơ
(1948 - 2008)
Nxb Tiếng Quê Hương, 2012






Cung Trầm Tưởng, một hành trình thơ


Nguyễn Mạnh Trinh





Nhà thơ Cung Trầm Tưởng




Khoảng cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60, thơ của Cung Trầm Tưởng đã xuất hiện như một hiện tượng mới lạ của văn chương và thi ca Việt Nam. Cùng với những Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn, Cung Trầm Tưởng đã mang thi ca đến những phương trời xa lạ, của những xứ sở mà được là người đi du học đặt bước chân để lãng du đến những phương trời xa lạ là ước vọng của một thời.

Với Cung Trầm Tưởng, ở giai đoạn đầu tiên, thơ là tình ca, là những cảm giác mới lạ của trái tim nguyên si, của một thời tuổi trẻ. Và sau năm 1975, thơ in ở hải ngoại là những cảm xúc của con người trong nghịch cảnh của đời sống. Thơ của suy tưởng của những tháng ngày tù tội của một người chọn lưa thế đứng chính trị của mình chống lại chế độ độc tài áp bức..

Trời đang vào hạ ở California làm chúng ta nhớ lại những mùa hạ nào khác của thi ca Việt Nam.. Cái nóng nực của thời tiết với màu nắng đỏ chói làm nhớ lại những ngày tháng Sài Gòn. Và như thế lại thấy gần gũi hơn với một thời đã qua của mơ mộng tuổi trẻ và hồn nhiên của lúc vừa mới bước vào đời. Thú thực tôi rất mê thơ Cung Trầm Tưởng của những thời Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi… Những bài tình ca muôn thuở và những bài lục bát của một phong cách thi ca độc đáo. Năm 1975, ông bị kẹt lại và là một trong số ít các sĩ quan cấp tá KQ đi trình diện ở trường Trương Minh Ký. Tôi gặp ông ở đấy và rồi kẻ trước người sau cùng vào tù Cộng Sản. Ông qua Mỹ định cư và in ba tập thơ. Tôi cũng nghe nhiều người cùng tù chung với ông rất thương mến và bao bọc cho ông và còn ráng học thuộc những bài thơ viết trong tù của ông với niềm tin rằng sẽ có ngày sẽ phổ biến rộng rãi đến độc giả. Gần đây nhất, tôi đã tham dự nhiều buổi đọc thơ và hát những bản nhạc xa xưa của ông tại nhà các thân hữu KQ là niên trưởng của chúng tôi.Và tôi nhận thấy rằng đề tài viết về ông sẽ có thật nhiều thích thú với tôi… Những bài thơ làm trong lao tù Cộng sản đã phác họa phần nào một chân dung của người nghệ sĩ những chọn lựa thái độ chính trị chống đối quyết liệt nhất.

Nhà thơ Cung Trầm Tường nổi tiếng khi tôi còn là một cậu bé mới vào trung học. Lúc ấy tôi có một cuốn sổ bìa cứng để chép lại tất cả những bài thơ mà tôi nghĩ là nổi tiếng thôi chứ chưa biết cảm nhận thế nào là hay dở cả. Tôi chép thơ thời tiền chiến với Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Quang Dũng… và thơ sau này với Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyên Sa… Và Cung Trầm Tưởng cũng có những bài thơ được tôi nắn nót chép trong cuốn sổ thơ ấy. Cuốn tập bìa cứng ấy càng theo thời gian và chép đến trang cuối cùng với cả ngàn bài thơ và là thông hành để tôi đi vào cõi thơ và là cái vé tàu để tôi ghé vào những lãnh địa của mộng mơ suốt cả tuổi học trò. Lớn lên, vào tuổi trưởng thành, tôi có làm vài bài thơ và có lúc sống lại những thuở học trò mê thơ yêu sách vở thích văn chương… Sau này khi tập tọng làm những bài thơ lục bát, tôi lại tìm được cái hay cái đẹp của Tình Ca Cung Trầm Tưởng…

Tình Ca là một tập thơ-nhạc-họa của ba nhà nghệ sĩ: Thơ Cung Trầm Tưởng, nhạc Phạm Duy và họa Ngy Cao Uyên. Tập sách này in từ năm 1959, nghĩa là cách nay hơn nửa thếkỷ. Cuốn sách này tôi đang cầm trên tay. Tác giả của nó, nhà thơ Cung Trầm Tưởng, khi cầm tập sách trên tay, sung sướng qúa như sống lại những ngày xưa cũ đã cao hứng viết giữa quán cà phê Factory ở Quận Cam một ngày chủ nhật: “ Chúng ta hãy cùng nhau trở về thời Tình Ca”.

Nội dung cuốn sách mỏng này chỉ gồm 13 bài thơ của Cung Trầm Tưởng, 6 bản nhạc phổ thơ của Phạm Duy và hai bức họa của Ngy Cao Uyên. Nhưng, nó đã gây ra một tiếng vang rộng lớn thời đó. Từ thơ: nhạc cất cánh; từ họa: thơ bay bổng; và từ nhạc: thơ sống đời đời…

Thơ Cung Trầm Tưởng đã tạo ra 6 bản Tình ca Phạm Duy mà tới giờ, nửa thế kỷ sau vẫn còn người hát và vẫn còn người nghe say đắm. Từ hội họa Ngy Cao Uyên, từ tranh bìa đến phụ bản đã minh họa thơ và làm thơ lãng mạn phiêu bồng hơn. Và, với nhạc Phạm Duy, thơ Cung Trầm Tưởng dài thêm tuổi thọ mãi đến bây giờ. Cái ta, Cung Trầm Tưởng và cái người, Phạm Duy, có lúc như là một chung mà lại hai riêng, nó hài hòa với nhau, nhưng không là một. Cung Trầm Tưởng viết:

“Ta lại yêu ta
buồn tê xương sống
nghìn thu nẻo nào?
Ðêm mưa hồn lụt
Nhạc đời Phạm Duy
Nhạc đời âm ti
Hồn rên chín suối?
Không không, gió lộng
Thổi rộng thiên đàng
Ta còn yêu ta
Ta còn yêu ta
Dìu đi đêm mưa
Dìu đi phố vắng
Thương yêu hồn lụt
Nhạc đời Phạm Duy
Ta còn yêu ta..”

Thời ấy, con người nghệ sĩ sao dễ thương quá! Còn bây giờ, qua bao nhiêu chế độ đổi thay, thời thế xuôi ngược, lòng người theo thời dời đổi, thì những khúc nhạc không biết có phải chỉ còn là dư âm của một nghệ sĩ lớn một thời.

Tình ca của thi sĩ có một không gian và thời gian khá xa lạ với địa lý của xứ sở Việt Nam. Nó gợi lại bài thơ của một mối tình dị chủng lãng mạn ở thành phố Paris. Chàng, một sĩ quan KQ du học, Nàng, có thể là Michele trong bài thơ:

“bao vây tôi đời em như ấm ủ
Một đêm thương vừa ngọt đủ tuần trăng
Lên vai tôi thiếp thiếp ánh hoa đăng
Michel má, Michel môi thắp mộng
Michel tóc vàng buông, hồ suối động
Cong mi đôi nét khép Michel mi
Khuya nâng niu tôi im như vô tri
Tròn thương tôi, mong manh Michele yêu..”

Những hình ảnh lạ. Những ý tưởng lạ. Trong đoạn thơ có thể gọi là khổ độc nhưng lại độc đáo độc đáo như thơ Cung Trầm Tưởng..

Thi sĩ đã nói về trường hợp ông viết bài thơ Mùa Thu Paris như sau:

“Lúc đó là năm 1954, tôi đi du học bên Pháp và ở tuổi vừa mới ngoài 20. Trước khi đặt chân đến Kinh Thành Aùnh Sáng tôi đã có một mối tình và cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi những nhà thơ Pháp thời bấy giờ. Khi sang Paris, tiếng Pháp tôi cũng tương đối vì tôi đã chuẩn bị trước khi đi cho nên trong bối cảnh đó tôi hội nhập ngay vào môi trường sống ở Paris và trôi ngay vào không khí trữ tình của Mùa Thu Paris. Bài thơ ra đời trong bối cảnh và tâm tình đó. Lẽ dĩ nhiên, phải có một cô gái tóc vàng sợi nhỏ nên dòng thơ mới bật lên…”

Paris đối với giới trẻ Việt Nam lúc đó có vị trí của một nơi chốn của lãng mạn thơ mộng. Tâm lý ấy vọng ngoại cũng có và thời thượng cũng có, nên trong văn chương đã tạo thành một lớp sương mù để cho óc tưởng tượng của thi nhân và sự hứng thú của độc giả tha hồ bay bổng. Nhưng với thi sĩ Cung Trầm Tưởng thì chắc là mối tình với người đẹp Paris tóc vàng sợi nhỏ trong cái không gian của mùa thu và cái thời gian xa xứ thì chắc là xúc động ấy dữ dội lắm và có khi còn ảnh hưởng đến bây giờ không chừng?

Nhà thơ cũng thú nhận: “Xúc động qúa đi chứ. Lúc bấy giờ tâm hồn mình thật là lạ trong trắng ngây thơ nhìn đời qua lăng kính lý tưởng. Thành ra mối tình với người con gái tóc vàng sợi nhỏ đó là một kỷ niệm khôn nguôi. Ðôi lúc tôi cũng không hiểu được là làm sao mà mình lại làm được một vần thơ ‘đến’ như vậy.”

Những hình ảnh Paristrong thơ Cung Trầm Tưởng như tượngđá công viên màu trắng với lả tảlá vàng của vườn Luxembourg:

“mùa thu âm thầm
Trong vườn Lục Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm
Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút giờ”

Hay hình ảnh của nhà ga Lyonvới đèn vàng tuyết trắng của nỗi niềm chia xa :

“Ga Lyon đèn vàng
tuyết rơi buồn mênh mang
cầm tay em muốn khóc
nói chi cũng muộn màng
hôn nhau phút này rồi
chia tay nhau tức khắc
khóc đi em khóc đi em
hỡi người em xóm học
để sương thắm bờ đêm
đường anh đi tràn ngập lệ buồn em..”

Ðó là hình ảnh về cảnh. Còn hình ảnh về người thì sao? Hình như sau này khi nhắc đến thơ Cung Trầm Tưởng là người yêu thơ liên tưởng ngay đến những hình ảnh này?

Hình ảnh người em bản xứ, của phương trời Paris, của đêm khuya quán rượu của trời đất tuyết phủ lạnh lùng:

“Mùa thu nơi đâu
người em mắt nâu
tóc vàng sợi nhỏ
mong em chín đỏ trái sầu
mùa thu Paris
tràn dâng đôi mi
người em gác trọ
sang anh gót nhỏ thầm thì
mùa thu không lời
son nhạt đôi môi
em buồn trở lại
hờn quên hối cải cuộc đời”

Hình ảnh của người em gái Tây phương ấy tạo ra thật nhiều cảm giác cho thơ. Ðó là một phác họa đẹp tràn đầy thi tính để người đọc mơ màng liên tưởng đến những chân trời xa lạ nào của vương quốc ước mơ…

Có lẽ phải đề cập đến thơ lục bát của nhà thơ Cung Trầm Tưởng. Tôi nghĩ đó là một thành quả thi ca đặc sắc nhất của ông. Tập thơ thứ hai của ông là tập thơ trong tủ sách Con Ðuông là tập thơ Lục Bát Cung Trầm Tưởng. Tập thơ xinh xắn in năm 1973 cách nay cũng mấy chục năm trong tủ sách Con Ðuông chỉ in hạn chế dành riêng cho những người yêu thi ca. Ở bìa sau, tôi ghi nhận được một vài chi tiết khá ngộ nghĩnh về tiểu sử của ông. Ông tên thật là Cung Thúc Cần sinh ngày 28 tháng 2 năm 1932 tại Hà Nội và có những câu liệt kê về sở thích như sau: mầu ruợu chát, mặc quần áo bà ba, đi guốc mộc, hút thuốc lá Bastos, uống bia, không thích ăn rùa rắn, la cà quán cà phê. Ưa chuộng bơi lội, yêu mùa thu và bãi biển, mến vẻ đẹp tự nhiên, đặc biệt là mình dây và nước da bánh mật. Tự nhiên tôi lại nghĩ đến những câu mô tả chính mình của mục tìm bạn bốn phương. Tôi thú thật có phân vân khi đọc những câu viết này. Ông đùa hay ông thực? Tôi không biết. Nhưng ở những trang trong, thơ lục bát của ông, lục bát Cung Trầm Tưởng thì tuyệt vời… Từ một cậu bé từ nửa thế kỷ trước đã nắn nót chép thơ Cung Trầm Tưởng thì cố nhiên đã tự tìm hiểu và lượng định cũng như nhận xét cho riêng mình chứ! Từ cổ chí kim, người ta chỉ nói hay thôi chứ khó lòng mà nói được câu hay nhất. Bởi vì, thơ đâu có cân đong đo đạc được mà nhất với nhì. Cho nên, thơ lục bát hay của ông khá nhiều mà còn lạ nữa.

Hay nhỉ, thơ đã hay mà còn lạ? Phải rồi, hay vì ý, vì lời mà lạ vì hình ảnh, vì tâm tư. Trong bài mở đầu tập thơ Lục Bát Cung Trầm Tưởng có đoạn viết:

“Gần như đã thành một thông lệ, các nhà thơ muốn tự hào đã đạt được một kích thước nào đó đều phải thử lửa với lục bát: Nguyên Sa nghển cổ dòm vào lục bát, Tô Thùy Yên yêu trộm lục bát, Hoàng Anh Tuấn chọc ghẹo lục bát, Thanh Tâm Tuyền tán tỉnh lục bát, Bùi Giáng làm ảo thuật với lục bát… Hình như họ phải trải qua môn thi lục bát để được xác nhận là thi nhân Việt Nam. Họ phải đi vào lục bát dù phải lột hết che phủ để tài năng xuất hiện trần truồng.

Từ nhiều năm nay, Cung Trầm Tưởng là nhà thơ thích đánh đu với lục bát. Qua tập Tình Ca và các sáng tác khác nhiều người đã cho rằng lục bát và hồn thơ Cung Trầm Tưởng là một cuộc hôn nhân thành tựu. Cung Trầm Tưởng đã đưa lục bát vào mỹ viện để lột xác. Cung Trầm Tưởng đã khoác cho lục bát những chiếc áo mới nhất của thời trang. Cung Trầm Tưởng đã trao tặng lục bát những trang sức diễm kỳ nhất của thời đại..”

Thơ mà theo thời trang có thể bị mai một bởi vì fashion thì luôn luôn thay đổi? Ðó là một cách nói ví von thôi. Nếu mai một thì sau cả nửa thế kỷ vẫn còn có người đọc thơ Cung Trầm Tưởng trong sách báo, trong các trang sách diện tử,.. Mà đôngđảo là các bạn trẻ, những cô cậu sinh viên học sinh của tuổi mới lớn tràn đầy mộng mơ. Và, ở đoạn kết bài giới thiệu tập thơ đã viết nhận định:

“nhưng ở trong cuộc đuổi bắt đam mê ngôn ngữ Cung Trầm Tưởng đã không để tuột mất cái hồn muôn thuở của lục bát, cái khí phong bàng bạc đã khiến thi ca Việt Nam lồng được một hương sắc rực rỡvào trong bầu trời bát ngát của thi ca phương Ðông. Ý tôi muốn nói ở lục bát Cung Trầm Tưởng phảng phất một giao hòa nào đó giữa cái hồn nhiên trong sáng của ca dao dân tộc, cái hào hoa tuyệt vời của thi bá Nguyễn Du, cái trầm mặc não nề của khúc Cung Oán thuở xưa và một mang mang thiên cổ sầu…

Thơ lục bát chắc đã có từ lâu lắm rồi và chắc cũng theo thời gian để có sự tiến hóa riêng. Trong văn học Việt Nam chắc cũng có những cột mốc để đánh dấu những thời kỳ biểu hiện sự phát triển. Lục bát Cung Trầm Tưởng có phải là một cột mốc không? Rất chủ quan và là một ý kiến riêng tư, tôi nghĩ thơ lục bát của Cung Trầm Tưởng đã đánh dấu một cộc mốc ghi lại một thời điểm của văn học sử Việt Nam. Trước ông, lục bát Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Trần Huyền Trân… của một thời kỳ khác. Từ thơ ông trở về sau lục bát đã khác, từ hình ảnh đến ngôn ngữ, từ phong thái đến thi tính. Có những cố gắng làm mới, tạo những cảm giác khác hơn của thời tiền chiến. Và tâm tư cũng khác, biểu hiện của một thời đại có nhiều biến chuyển đổi thay từ thời cuộc đến lòng người. Cảnh được tả trong thơ lục bát cũng khác với cảnh của lục bát Huy Cận hay Trần Huyền Trân. Và người, thì cũng lại là khác biệt lớn trong mô tả, trong phác họa. Thơ lục bát của Cung Trầm Tưởng có phong vị của những đoàn tàu đi xa, đến một đích đến nào thật mơ hồ mà thân thiết của những tâm tư của người nghệ sĩ không muốn dừng chân ở bất cứ một bến đỗ nào…

Nguyễn Mạnh Trinh
Nguồn: Sáng Tạo















Tiễn Em

Thơ: Cung Trầm Tưởng (bài Chưa Bao Giờ Buồn Thế)
Nhạc: Phạm Duy







Mùa Thu Paris
Thơ: Cung Trầm Tưởng
Nhạc: Phạm Duy
Tiếng hát: Vũ Khanh







Kiếp Sau
Thơ: Cung Trầm Tưởng
Nhạc: Phạm Duy
Tiếng hát: Thái Hiền







Bên Ni Bên Nớ
Thơ: Cung Trầm Tưởng (bài Tương Phản)
Nhạc: Phạm Duy
Tiếng hát: Khánh Ly

















Tham khảo thêm về tác giả Cung Trầm Tưởng





Nói chuyện với nhà thơ Cung Trầm Tưởng
 

Bù em góp núi chung đồi,
thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
...
Thơ Cung Trầm Tưởng. Phạm Duy phổ nhạc. Thái Thanh diễn tả mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu. Câu thơ dội lên như một gắn bó cổ âm với hiện tại, như một biệt sắc Cung Trầm Tưởng. Đó là Cung Trầm Tưởng những năm 55-60.

Cung Trầm Tưởng còn đúc kết niềm đau lưu vãng của người tù cải tạo. Tình yêu, hiện sinh, tù ngục trở thành những thực tại trong thơ Cung Trầm Tưởng và nhà thơ, trong dịp ghé Paris đã dành cho thính giả RFI hai buổi nói chuyện về hành trình thơ và đời của ông.
Trong phần đầu, Cung Trầm Tưởng nói về thời kỳ Tình ca Paris trong hành trình sáng tạo của mình.
 

Thụy Khuê: Thưa anh Cung Trầm Tưởng, trở lại Paris sau gần nửa thế kỷ xa cách, anh thấy thế nào? Có bỡ ngỡ không?

Cung Trầm Tưởng: Trước khi đến Paris cách đây khoảng 47, 48 năm, tôi đã được hấp thụ nền văn hóa Pháp bởi vì tôi xuất thân từ một trường trung học Pháp; cho nên khi trở lại Paris, tôi cũng bỡ ngỡ nhưng không bỡ ngỡ như những người không biết gì về quá trình văn hóa Pháp. Nhưng đồng thời tôi là người Việt Nam, cho nên tôi vẫn nhìn Paris từ chỗ đứng của một người Việt Nam. Tôi không thấy mâu thuẫn giữa hai điều đó. Lẽ dĩ nhiên thời trẻ, bồng bột, tôi chỉ nhìn -Paris- phảng phất qua bối cảnh một tình quê hương -tôi không dám nói là tình yêu nước- từ xuất phát điểm đó, tôi có thể nói là tôi yêu Paris vô vàn. Yêu Paris nào? Cảnh vật? Đồng ý. Nhưng còn yêu Paris qua con người. Lúc ấy tôi mới trưởng thành, đầy sự sống, tôi chỉ nhìn thấy tình yêu đôi lứa. Đó là xuất xứ thầm kín nhất, bí mật nhất của những Chưa bao giờ buồn thế, Mùa Thu Paris...

TKNhững "Chưa Bao Giờ Buồn Thế" (tức là Tiễn Em), "Mùa Thu Paris", "Kiếp Sau" và "Khoác Kín" (tức là Chiều Đông) là những bài thơ của anh mà anh Phạm Duy đã phổ nhạc. Những tác phẩm này phần nào đã ghi dấu một thời kỳ, thời kỳ mà những nhà thơ như Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng... từ Pháp, đem theo tư tưởng Tây phương về như món quà tặng cho lớp trẻ. Và những tư tưởng này đã gây dấu ấn sâu đậm trong đời họ?

CTT: Lúc làm những bài đó, tôi rất hồn nhiên, nhưng sau mất đi rồi, đặc biệt là ở trong tù, khi tôi gặp những anh bạn, tuổi tác vào bậc đàn em tôi, xuất thân từ Đại Học Văn Khoa -Sàigòn- bảo rằng: "Anh đã du nhập vào Việt Nam một kích thước về Tây phương khác hẳn với Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Mạnh Tường.... Chính chúng em đã yêu văn hóa Pháp chỉ vì những bài thơ Mùa Thu Paris, Chưa Bao Giờ Buồn Thế" (mà anh Phạm Duy đã phổ nhạc thành bài Tiễn Em). Nếu Thụy Khuê bảo rằng nó đánh dấu một giai đoạn hay một thời đại, thì có lẽ cũng đúng thôi. Lúc đó Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn,... chúng tôi làm rất hồn nhiên. Vậy nếu có gì tốt đẹp, và có gì không tốt đẹp, làm hư cả một thời đại trong giai đoạn cực kỳ hung man của đất nước Việt Nam thì tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.

TK: Thưa anh, những sáng tác đầu tiên của anh đã nẩy sinh trong những hoàn cảnh nào?

CTT: Tôi là người Bắc vào Sàigòn. Tôi cũng đã có một khái niệm mơ hồ nào đó về nước Pháp và đặc biệt là văn hóa Pháp. Sang Paris tôi không ngỡ ngàng lắm. Nhưng càng sang Paris tôi thấy rằng tôi không thể là người Pháp nổi. Tôi là người Việt Nam. Dù đã được hấp thụ nền giáo dục, văn hóa Pháp từ lúc nhỏ. Điều đó, đối với tôi là một tiếng gọi vô cùng da diết: Tôi phải tìm đủ mọi cách để trở về nguồn.
Khi sang Paris, tôi gặp một thiếu nữ Pháp, gọi là cùng cung bậc tình cảm với mình. Đó là một chuyện có thể gọi là phối hợp, phối ngẫu rất hồn nhiên. Có thế thôi.Nhưng tôi phải diễn tả bằng tiếng Việt.
Đấy là những xuất xứ của những bài thơ đầu đời -nếu có thể được- của sự nghiệp thi ca của tôi. Và tôi không ngờ rằng nó có những hệ lụy với cả một thời đại.

TKThời kỳ 50-60 là thời kỳ của Hiện Sinh. Và ảnh hưởng của Tượng Trưng, Siêu Thực vẫn còn. Trong lúc anh làm thơ, anh cứ làm tự nhiên thôi hay là có sự tìm hiểu về những lý thuyết mới của thi ca hoặc tìm hiểu những con đường mới của tư tưởng lúc bấy giờ?

CTTCó chứ. Tôi đã đọc những thơ của René Char, Paul Eluard,... cái hồi quang của Mallarmé. Tôi rất sợ. Điều hớp hồn tôi nhất là Eluard! Tôi đọc Whitman, tất cả.... Lúc học lycée tôi đã nghiến ngấu những thứ như Sartre, Camus,... Chủ nghĩa Hiện Sinh của thời hậu chiến Âu Châu ngấm vào tôi. Tôi hoàn toàn bị hớp hồn bởi chủ nghĩa Hiện Sinh. Lúc đó tôi chỉ phát hiện được Sartre, nhất là L'être et le néant. Sau này tôi đọc Heidegger. Có thể nói là tôi đã xuất phát từ chủ nghĩa Hiện Sinh. Đấy là mặt lý luận. Nhưng khi vào thơ, tôi phải hóa sinh nó, phải luyện kim nó, luyện đan nó. Lúc đó tôi không hiểu, nhưng có thể là tôi đã mang vào thơ ảnh hưởng của tư trào Pháp quốc và Âu Châu thời đó. Tôi mang vào thơ qua nẻo tình yêu đôi lứa. Tôi nghĩ, trong đó cũng có ảnh hưởng gốc gác của tôi một chút. Tôi không theo đạo, nhưng tôi tin vào một sức mạnh siêu hình. Ví dụ có người hỏi tôi là không em buốt giá từ tâm tức là từ tim? Nhưng sau tôi nghĩ từ tâm có thể là một thuật ngữ Phật giáo đúng hơn chứ Thụy Khuê? Có chủ nghĩa Hiện Sinh bởi lúc đó mình sống với thời đại. Lúc đó, Tây học về mà tôi nói tôi không bị ảnh hưởng của Sartre, Camus thì không đúng.
Tôi đã từng đi xem Huis Clos. Có cả những cô tóc vàng sợi nhỏ. Chúng tôi không hư cấu 100%. Thơ của tôi không xuất phát từ le non-être mà từ l'anti-être, hay gọi theo thuật ngữ thới đó, le néant là mặt nào đó của l'être. Tôi hoàn toàn hệ lụy với những điều đó.

TK: Giữa Sartre và Camus anh gần ai hơn?

CTT: Sartre và Camus? Tôi nói thật, lúc đó tôi là ông cụ non. Tôi thích Sartre vô cùng. Mà thích nhất là L'être et le néant chứ không phải La nausée. Tôi đọc đến những cái cuối cùng của cuối cùng, tận cùng của tận cùng. Dù tôi học Bac Math nhưng tôi rất thích philo. Đọc L'être et le néant, tôi thấy ghê gớm quá. Tôi thấy ông này có nhiều xảo thuật quá. Tôi biết chứ nhưng mình không lý luận được. Cách hành văn của ông ấy ghê gớm quá, tôi sợ quá.
Lúc đó tôi phát hiện ra là style của Sartre bị ảnh hưởng văn phong của Marx. Nhưng vấn đề là mình phải nhuyễn hóa để thành thơ Việt Nam. Tôi đã từng làm thơ Pháp, tôi xé hết.

TK: Trở lại thời kỳ anh về nước, anh và các bạn anh đã có những đóng góp trong việc làm mới lại thi ca Việt Nam. Bây giờ, nhìn lại thời kỳ ấy, anh thấy những gì anh đã làm được, và những gì anh chưa làm được?

CTT: Bây giờ xét lại tôi cũng có một đóng góp khiêm tốn, tích cực về việc làm mới thơ Việt Nam như Thụy Khuê vừa nói. Đối với tôi, thơ là căn bản của ngôn ngữ, cũng như căn bản của cuộc sống là hơi thở, oxy, khí trời. Tôi còn nhớ trong một buổi thảo luận tại tòa soạn Sáng Tạo khoảng năm 1960, anh Thanh Tâm Tuyền hỏi tôi sao bây giờ ông vẫn còn làm thơ lục bát. Tôi không muốn lý luận, tôi bảo rằng: Tôi thấy thơ lục bát vẫn chưa hoàn tất, tôi muốn tiếp tục con đường ấy. Bây giờ nghĩ lại, sau những lục bát của Nguyễn Du, Huy Cận, Bùi Giáng v.v... tôi cũng có một đóng góp thật khiêm tốn. Và chưa xong. Chưa xong. Nhưng ô hỡi, thi ca còn mắc nợ lịch sử. Tôi có bổn phận phải trả món nợ lịch sử đó. Vì thế năm 75,tôi quyết định ở lại! Tôi muốn ở lại. Đó là một quyết định với tất cả những hệ lụy của nó. Tôi nghĩ rằng nếu không có những năm tạm gọi là gian truân, thống khổ... thì ngôn ngữ Cung Trầm Tưởng chưa tới độ mà hôm nay tương đối tôi đã có thể thỏa hiệp với mình, mình đã đạt tới một mốc điểm nào đó. Tôi sợ rằng nếu không có sự hội nhập, dấn thân nhầy nhụa vào lịch sử để thăng hoa lên thì có thể nói rằng tôi đã tới ngõ cụt của thi ca. Tôi vẫn thắc mắc ở một điểm: Thi ca là gì? Đối với tôi, Thi ca là một ngữ sự. Không giải quyết được ngữ sự đó thì xé tất cả đi.




*
* *

Trong bài Tựa tập thơ Lời Viết Hai Tay, Ainsi parlait le poète, Cung Trầm Tưởng viết:

"Đời tù là phi lý của phi lý. Để đương đầu với nghịch cảnh sàm sỡ, trớ trêu dị hợm, để không bị kéo xuống tầm tất yếu, ngã vào hư vô, để không tự tử, người thơ tù phải học làm con vật siêu hình, đào tìm ý nghĩa sâu thẳm nhất, cơ bản nhất, cụ thể nhất của sự việc trần gian.
Thơ là một đam mê, một lao về, một rượt đuổi khôn nguôi những cánh chim hồng khó bắt, những câu hỏi xanh lớn hơn bất cứ trả lời nào."

Những lời trên đây có thể xem như một tuyên ngôn của Cung Trầm Tưởng về thơ và tù. Sau đây Cung Trầm Tưởng nói chuyện về cái phi lý của phi lý đã gầy dựng nên thơ.
 
*

TK: Sau 75, tự ý anh quyết định ở lại. Ở lại và bị đi tù mười năm. Bây giờ nhìn lại, anh thấy người ta "cho" anh đi tù vì anh là phi công hay vì anh là nhà thơ?

CTT: Cả hai cái đó cụm lại. Phi công chỉ là mặt nổi của vấn đề. Cái mà người cai tù của chúng tôi khó chịu nhất, họ ghét nhất, dị ứng nhất là văn học nghệ thuật.Cái họ gọi là phản động của phản động.
Thì hai cái đó cộng lại và tôi có được mười năm tù. Tôi nói chữ có, bởi vì có lẽ phải vậy thì mới chín muồi.

TK: Nhưng thơ anh, phần lớn là thơ tình, thì có gì mà phải hệ lụy, mà phải nặng tội?

CTT: Đúng. Nhưng chỉ lúc đầu thôi. Thật ra lúc Thụy Khuê đọc Mùa Thu Paris Chưa Bao Giờ Buồn Thế, kể cả Khoác Kín... đã có một cố gắng mò mẫm tới một chân trời, một ngôn ngữ khác. Tôi jeter một cái base là lề lối sống hiện sinh, mình tự chọn cho mình một lối sống trong một bối cảnh tuyệt đối tự do. Như Sartre nói, nếu tôi không lầm, Con người bắt buộc phải tự do. Và tôi mang hệ lụy đó. Ở trong tù, lời đó vẫn còn giá trị. Vì thế trong bài Ainsi parlait le poète của tôi, viết cho lần tái bản Lời Viết Hai Tay, tôi muốn, qua đó, đục phá những cánh cửa để nhìn vào những phương trời như là kính vạn hoa. Kính vạn hoa ở đây là vấn đề ngôn ngữ. Đối với tôi, ngôn ngữ là máu mủ của tôi. Hơn thế nữa, đó là phương tiện để giải thoát. Hơn thế nữa, đó là phương tiện mà nếu không có nó, tôi đã phải tự tử.

TK: Trong mười năm tù, anh sáng tác trong những điều kiện như thế nào? Cả về vật chất lẫn tinh thần? Vì có lần, anh cho biết, lúc đó anh gầy lắm, còn có 30kg?

CTT: Đầu tiên về vật chất thì tôi thấy rằng tôi không có bút, không có giấy. Bởi vì tôi không được quyền. Nếu tôi ăn cắp thì nguy hiểm lắm. Trong hoàn cảnh, có thể nói là nghịch cảnh, như vậy, tôi phải sáng tác bằng cái đầu. Lúc ấy tôi có nói rằng: "Làm thơ như chơi cờ tưởng." Tôi chơi cờ với tôi. Tôi chơi cờ với nàng thơ. Nhưng sức tôi có hạn. Cho nên một hôm có anh bạn bảo tôi rằng:
"Ông phải sống để làm thơ cho chúng tôi." 
Tôi trả lời:
- "Tôi có thể đảm nhận trách nhiệm ấy. Tôi phải làm thơ. Nhưng còn sống thì tôi biết thế nào? Đời tù như ngọn đèn yếu ớt, leo lắt trước cơn bão thổi. Tôi cố làm thơ cho các ông. Nhưng tôi chỉ xin các ông một điều: Sức tôi có hạn, trí nhớ tôi có hạn. Ai nhớ cho tôi?"
"Ông cứ làm thơ, chúng tôi sẽ có một bộ trí nhớ tập thể."
Vì vậy trong Lời Viết Hai Tay, 50% là nhờ bộ nhớ tập thể đó. Tôi vô vàn cám ơn.

TK: Thưa anh, như vậy, các bạn nhớ hộ, rồi sau đó, mọi sự tiếp diễn ra sao?

CTT: Sau đó mình phải viết trên giấy trong một hoàn cảnh éo le là sau mười năm tù, tôi bị tám năm quản chế. Lúc nào trước cửa nhà tôi cũng có một ông công an, giả vờ làm thợ sửa xe đạp, phu xích lô. Nhưng không hiểu tại sao, lúc đó tôi mê thơ hơn là tôi sợ. Tôi viết, sau đó có người mang tôi đến chỗ khác, người ta nhớ hộ. Chính trong lúc đó tôi viết thêm hai tác phẩm cuối cùng. Bộ ba đó tôi gọi làTâm Sử Thi. Tôi viết lịch sử bằng tâm thức qua nẻo của thơ. Tôi phải làm bằng lục bát vì không những đó là sở trường của tôi mà lại dễ nhớ. Và tôi đưa cho một anh bạn, nguyên là tình báo quân đội. Và anh ấy có một "bộ nhớ" tuyệt vời hơn cả bộ nhớ của computer/ordinateur. Anh thuộc làu. Anh đã đem ra ngoài.

TK: Thưa anh, bài Nguyệt Thực mang những hình ảnh đẹp và có dấu ấn của đời tù, anh đã làm trong bối cảnh như thế nào?

CTT: Ở một dẫy núi đá vôi, lạnh lắm của vùng Hòa Bình, có một cánh đồng chiêm. Ban đêm anh em đói quá, không biết làm gì. Ở cánh đồng chiêm cách đó mấy trăm mét, họ đang tát nước. Mình nghe. Mấy anh bạn bảo:
"Ông Cung Trầm Tưởng, ông có thấy cái này không? Ông làm hộ một bài thơ."Thì tự nhiên mình thấy có nhiệm vụ. Lúc đó mình chỉ đọc một vài câu thôi, sau đó phải hoàn chỉnh lại. Đó là cảnh một đêm tù đói lắm, một số anh bạn lại bị phù thủng. Vậy mình phải hư cấu để sống! Mình nói: Đói quá mà lại không có thực phẩm, ta ăn trăng! Đây là bài Nguyệt Thực:
 
Tiếng ai tát nước đồng đêm
Vơi vơi nước cạn, thêm thêm sóng lòng
Ánh trăng quện nước gầu sòng
Trời loang loãng cháo dưới dòng sao Tâm
...
 
Lúc đó chỉ nhìn thấy cái gì sền sệt: Cháo. Nhìn trăng chỉ thấy cháo. Phản xạ!
 
...
Gầu ai cứ tát nước vơi
Men trăng đầy hũ, ta mời ta tôi
Ngày xưa uống rượu hương hồi
Ngày nay loãng máu, ta bồi dưỡng trăng.

 

TKThưa anh, có phải kinh nghiệm tù đầy đã làm anh thay đổi quan niệm thơ của anh? Từ thời kỳ đầu, thơ có đối tượng là tình yêu, và bây giờ, thơ phải dính liền với lịch sử, thơ anh dấn thân hơn?

CTT: Tất nhiên thôi. Ở lại, tôi phát giác ra thêm một kích thước gọi là lịch sử. Nhưng ô hỡi, thơ đâu phải chỉ là lịch sử. Cho nên kể cả ngay trong Lời Viết Hai Tay đã có những cố gắng mò mẫm để đi ra khỏi cái mà tôi gọi là "ngục tù lịch sử". Lịch sử là gì? Lịch sử là cái gì thật là ngu xuẩn, con người tạo ra để nhốt giam chính mình! Nhưng tôi cũng khá hiểu được là: "Cái này không được", phải tìm ra cái khác. Vì thế cho nên tôi có viết rằng: cơ bản, thơ vượt lịch sử.

Thơ mà không vượt lịch sử thì chưa phải là thơ. Phải nhầy nhụa trong lịch sử! Nếu nhân loại, hay đặc biệt dân tộc Việt Nam phải đau khổ thì người thi sĩ phải đau khổ cùng với dân tộc. Ở tù! Nhà tù ấy là nhà tù của lịch sử chứ không phải của chế độ. Nhưng lịch sử đâu có phải là cứu cánh của nghệ thuật. Đây tôi chỉ nói về nghệ thuật thôi, tất nhiên còn nhiều vấn đề khác nữa. Lịch sử nhiều khi nó là cái bêtise. Rất buồn là con người tạo ra lịch sử để rồi bị giam tù bởi lịch sử. Tôi đủ thông minh để vượt qua. Tôi không có niềm tin về siêu hình tôn giáo, tôi phải dùng con đường nghệ thuật mà trong đó tôi thấy, là thơ.

Thơ là phương tiện để tôi tự giải thoát tôi. Lúc đó tôi đã ý thức được nhờ kích thước lịch sử của triết học. Tôi không sợ Sartre bằng Heidegger. Về cái historicité, Sartre chỉ nói một câu theo kiểu mẫu văn hoa của Pháp là: L'homme est un animal historique. Nhưng Heidegger nói về cái temporité. Tôi thấy thơ bắt buộc phải như vậy.
Nhưng cuối đời, Heideger không tìm ra ngôn ngữ. Tôi thử dùng ngôn ngữ thơ để nói cái tính cách vượt qua lịch sử. Có thế thôi. Bởi rằng thực ra, lịch sử là gì? Lịch sử là trạm quá cảnh đóng con dấu máu đỏ của tang thương trên quyển hộ chiếu của thi lữ khách. Xong rồi lại lên đường.

TK
: Vì thế mà ra nước ngoài anh vẫn tiếp tục làm thơ, tức là tiếp tục dấn thân theo một nghĩa khác?

CTT: Vẫn có với tôi một tiếng gọi: Tôi phải tiếp tục lên đường. Và muốn như vậy, tôi phải tìm về ngọn nguồn của ngọn nguồn. Là Paris. Tôi phải trở lại. Tôi đã tự nói với tôi ngay từ năm 1976, khi tôi vào tù, rằng tôi sẽ trở lại. Và đến hôm nay, 1999, tức là 33 năm sau, tôi đã đạt được ý nguyện đó. Và nếu xét từ bối cảnh đáy địa ngục đó, hôm nay ngồi đây nói chuyện với Thụy Khuê. Đó là một phép lạ.

TKRút cục môi trường ngục tù đã đem lại những gì cho thơ anh?

CTT: Thơ tù đối với tôi là một quá độ cần thiết phải có, không có cái đó thì không tiếp tục nổi. Bởi sau cuộc rong chơi của tình yêu lứa đôi, chủ nghĩa hiện sinh... mình thấy đó vẫn chỉ là những cuộc rong chơi. Nhưng nếu dân tộc bị rớm máu, người thi sĩ phải bị đổ máu.
Tôi cám ơn vô cùng lịch sử đã giăng cho tôi cái bẫy là tôi phải mười năm ở tù, để thơ tôi có những kích thước khác, có hệ lụy và có trách nhiệm

TK: Kinh nghiệm của anh đã khó khăn, anh có nghĩ rằng những ngày sắp tới, người làm văn, làm thơ có thể vượt qua được những khó khăn hiện nay không?

CTTKhó khăn hơn nhiều! Tôi nghĩ rằng muốn đạt tới địa đàng phải đi tới từng thứ chín của địa ngục rồi làm cái xẹt xuyên ánh tinh cầu. Ngộ. Ngộ trong nghịch cảnh của lịch sử. Của thời gian.
Bên này nó ru ngủ ta bằng đủ thứ, dễ dãi quá. Thừa mứa quá. Tôi không dám nói là tôi thù ghét, nhưng tôi cảm thấy rằng con người tôi dị ứng với cái đó. Thành ra, thơ trong tù, khi tôi nói về vấn đề muốn trở lại cái nôi thứ hai của tôi là nếp sống, lối suy nghĩ của Tây phương, là tôi muốn nhìn qua khung cảnh Paris. Dù rằng tôi đã đi học cả Mỹ nữa. Tôi vẫn si mê Paris.
Nhưng tôi đến Paris không phải vì cô đầm Michèle. Tôi đến Paris qua nẻo đường của diaspora vietnamien à Paris một thuở nào, và vẫn muốn tiếp tục con đường đó.

TK: Thưa anh, câu chuyện đã dài, xin anh một lời kết trong ý nghĩa thơ Cung Trầm Tưởng.

CTT: Thơ phải có quan hệ máu mủ, quan hệ ruột thịt với lịch sử. Nhưng xong rồi, mình phải lên đường. Siêu hình xuất phát từ thân phận. Thân phận phủ đầy sử tính, đúng không? Ô hỡi, sử tính là gì? Là khốn khổ. Là nhầy nhụa. Là đau thương. Và lịch sử hiện đại tù đầy. Phải qua nẻo đó thì may ra thơ mới thoát được. Không phải là thơ anh với em, lứa đôi.
Người thi sĩ phải đảm nhận cái đau khổ của dân tộc mình. Qua ngôn ngữ. Tạo ra ngôn ngữ. Ngôn ngữ của đau khổ. Thành ra tôi có làm bốn câu thơ -Tôi luôn luôn rất dại. Tôi luôn luôn bị lừa. Nhưng phải bị lừa thì mới biết được là bị lừa- Cuối cùng là bốn câu thơ lục bát:

Mai sau thịt thắm da mềm
Cái yêu khác trước cái nhìn khác xưa
Cái tin vô cớ xin chừa
Sống sao cho xứng lũy thừa thương đau

Tôi phải tích cực chứ. Tôi muốn có một câu kết, không phải đi đến chỗ nowhere. Tất cả những sự tạm gọi là hy sinh là để hái gặt được một mùa: Mùa gặt mười năm. Tất cả là một récolte, mùa gặt mà người ta đọc. Mà đọc là gì? Theo tiếng latin, grec là đi cấy một mùa màng mà cái thằng poète nó trồng hộ anh.

TK: Xin cám ơn anh Cung Trầm Tưởng. 



Paris, tháng 10/1999












Hành trình vào thế giới thơ Cung Trầm Tưởng

Phan Ni Tấn



Cung Trầm Tưởng là một trong những tên tuổi lớn trên văn đàn thi ca Việt Nam. Hành trình vào thế giới thơ Cung Trầm Tưởng, người đọc không thể không đi sâu vào thế giới những hình tượng và tâm hồn nội dung thơ để tìm hiểu về cung cách và sự quan hệ của thi sĩ với con người và cuộc đời.

Thơ Cung Trầm Tưởng có một phong thái rất riêng. Ngay những sáng tác đầu tay, ông đã đến với người yêu thơ bằng vóc dáng của một nhà thơ mà trong con người ông hiển lộ những tài hoa, sâu sắc, buồn vui, ơn nghĩa và quan trọng hơn cả là sự chân thật với chính mình, với con người.

Thi sĩ luôn phóng khoáng, nghĩa là họ vẫn duy trì cái bản ngã uyên nguyên của mình, luôn luôn rưng rưng một cảm hứng trước những vẻ đẹp trần thế. Trong tình yêu, hầu như con người ai cũng hăm hở, đam mê và cường tráng. Đọc thơ, đặc biệt về thơ tình của Cung Trầm Tưởng chẳng hạn, ta thấy xuyên suốt một niềm vui, niềm hạnh phúc dạt dào và niềm đam mê vô lượng. Tất cả những cảm tính này đều được thi sĩ biểu hiện trên trang giấy một thứ tình yêu da diết trước những vẻ đẹp thăng hoa của dòng đời sinh hóa.

Người ta nói đời ngắn ngủi, xốc vác, hỗn độn mà thành sinh động. Khí thơ của Cung Trầm Tưởng nhờ thế đã phát tiết nhiều tinh túy về màu sắc, hình tượng, nhạc điệu, rung cảm, tình, ý… ánh lên những vẻ đẹp ngọc bích, kể cả những vẻ đẹp của dòng sống phức tạp xuyên qua những khía cạnh ngọt ngào và khổ đau.

Làm thơ là một nghề. Cung Trầm Tưởng làm thơ từ cuối thập niên 1940 dai dẳng cho đến ngày nay, ông quả là một “thi sĩ nhà nghề”. Nhưng cũng chính vì nghề như thế mà tôi cho rằng khi làm thơ, những cái gọi là kinh nghiệm sống ở đời, những loại cá tính, những thứ tạp niệm, những trực giác tâm linh giữa sinh, ký, tử, quy v.v… đều được thi sĩ xóa bỏ khỏi tâm não thể lý để hình thành một cõi thơ vô lượng những tri thức, những kiến trúc mới, những âm tiết lạ, qua đó, thơ thực sự hữu ích cho đời sống cộng đồng.

Sinh ra dưới một ngôi sao sáng, từ nhỏ Cung Trầm Tưởng đã được nuôi dưỡng bằng những nụ cười may mắn. Nhà thơ đã từng sống trong vùng hào quang diễm lệ và thở bằng một thế giới hạnh phúc của tuổi trẻ mộng mơ. Để tạo những cảm quan mới lạ qua tư tưởng nghệ thuật, Cung Trầm Tưởng từng hứng khởi quơ tay nắm bắt những cái đẹp từ thướt tha yểu điệu, dịu dàng e ấp tới những cái đẹp phương phi, dạn dĩ, phong trần, qua đó thi sĩ làm thơ để tung hê ý tình. Đặc biệt tình yêu mà Cung Trầm Tưởng thăng hoa không phải là thứ tình yêu như gió thổi, như bọt nước, như mây bay. Chính vì thế, qua cảm hứng nghệ thuật thẩm mỹ của thi ca, Cung Trầm Tưởng đã vẽ rộng ra cái đẹp thuần túy của tình yêu và cõi nhớ, rất riêng, rất gợi cảm, rất Tây, rất Cung Trầm Tưởng.

Lên xe tiễn em đi
Chưa bao giờ buồn thế
Trời mùa đông Paris
Suốt đời làm chia ly
Tiễn em về xứ Mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn…
(Tiễn Em)



Thập niên 50, thơ Cung Trầm Tưởng đã có sắc thái rất mới và lạ, từ hình ảnh, ngôn từ và nhạc điệu luôn luôn được tác giả diễn tả bằng một tâm trạng kỳ thú với tất cả sự rung cảm chân thành. Bài thơ nói trên là bài ngũ ngôn Chưa Bao Giờ Buồn Thế, Phạm Duy phổ nhạc đổi thành Tiễn Em. Thông thường lúc tiễn nhau người ta thường nói những lời tiễn biệt, thì thầm những câu hứa hẹn, người ta bịn rịn nắm tay nhau mà dặn dò, an ủi, khích lệ, khuyên răn… Riêng Cung Trầm Tưởng, ngôn ngữ từ biệt người tình của ông rất “tịch lặng, vô ngôn”, nghĩa là ông không thèm nói một lời nào hết, ngoài cử chỉ và hành động rất Tây, rất Cung Trầm Tưởng:


hôn.


Năm 1954, Cung Trầm Tưởng mới ngoài 20 đi Tây du học. Đối với giới trẻ Việt Nam, nước Pháp lúc đó là thiên đàng mộng mơ, là ước vọng của một thời. Khi đặt chân tới Kinh Đô Ánh Sáng Paris, thi sĩ đã phơi phới một mối tình với cô gái mắt nâu, tóc vàng sợi nhỏ. Từ đó bài thơ Mùa Thu Paris ra đời trong bối cảnh lãng mạn, trữ tình, giàu chất thơ, thấm đẫm một vẻ đẹp của tình người dị chủng:


Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm
Mùa thu nơi đâu
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu.
(Mùa Thu Paris)



Thời học trung học ở bên nhà có dạn dĩ lắm chúng tôi cũng chỉ dám liếc ngang mái tóc huyền tha thướt xõa bờ vai chớ làm gì may mắn như thi sĩ mà biết “tóc vàng sợi nhỏ” ở tận trời Âu. Thành ra nếu đem so sánh giữa hai loại tóc Đông phương và Tây phương chắc chắn có nhiều điều thú vị. Thí dụ nếu áp dụng theo phương pháp khoa học chặt sợi tóc ra làm đôi (tùy theo góc độ) rồi đem soi dưới lớp kính hiển vi thì các nhà khoa học đo được đường kính của mỗi sợi tóc có khoảng 58-100 micrometre, mà 1 micrometre bằng 0.001milimetre , tức bằng 1/1000mm, vị chi 100 micrometre thì bằng 1/100,000 milimetre.

Hai bài thơ ngũ ngôn trên nằm trong thi tập Tình Ca của Cung Trầm Tưởng xuất bản từ năm 1959, trong đó chỉ có 13 bài thơ, Phạm Duy phổ nhạc 6 bài, ngoài ra còn có tranh phụ bản của Ngy Cao Uyên. Đây là một công trình bắc cầu giữa ba bộ môn nghệ thuật thi ca, âm nhạc và hội họa đẩy thơ Cung Trầm Tưởng bay cao hơn, đi xa hơn.

Tôi còn nhớ hồi ở bên nhà lần đầu tiên nghe ca sĩ Thái Thanh hát những ca khúc Phạm Duy phổ thơ Cung Trầm Tưởng, từ những bài lục bát, ngũ ngôn với phong cách độc đáo về tình yêu trong thơ ca đã gợi lên trong tôi hình ảnh một con tàu: “Người về trong lúc tàu đi. Rớt nhanh một nét tường vi hoang đường”. Người đã về, con tàu vẫn lạnh lùng băng nguồn xuyên sơn, không có dấu hiệu hứa hẹn dừng

chân ở một bến đỗ nào.
Chiều đông tuyết lũng âm u
Bâng khuâng chiều tới tiếp thu chiều buồn
Ngày đi tàu cũng đi luôn
Ga thôn trơ nỗi băng nguồn héo hon
Đường xa nhịp sắt bon bon
Tàu như dưới tỉnh núi non vọng ầm
Nhà ga dột mái lâm râm
Máu đi có nhớ hồi tâm chiều nào…
(Chiều Đông)

Sau này ra hải ngoại, trong những buổi sinh hoạt văn nghệ, gặp nhạc sĩ Phạm Duy, tôi có nói với ông về cảm tưởng của tôi khi nghe nhạc ông phổ thơ Cung Trầm Tưởng, cũng như đọc những bài thơ mới của thi sĩ, dù có đổi khác theo dòng đời dâu bể nhưng hình ảnh con tàu với tiếng còi thét lên ngất ngư trong đêm sương lạnh vẫn cứ băng băng trên đường thiên lý không có trạm dừng chân. Bây giờ Phạm Duy đã ra đi, Thái Thanh đã rơi vào trạng thái lãng quên, nhưng sự kết hợp toàn bích giữa thi ca và âm nhạc một thời vẫn còn đó, vẫn âm vang qua giọng hát từng được mệnh danh là vượt thời gian của Thái Thanh. Và con tàu đó, con tàu thi ca và âm nhạc của hai cây đại thụ cho đến tận bây giờ vẫn miệt mài kéo theo những toa tàu vạch ra một cuộc hành trình xuyên qua không gian và thời gian. Có những con tàu từ sân ga quạnh quẽ và có những con tàu không sân ga luôn luôn đuổi nhau lao vào màn sương đêm, xoáy vào những góc cạnh cuộc đời trên những nẻo đường âm u, khuất nẻo rồi biến mất giữa lưng chừng mệt mỏi. Sân ga tượng hình biệt ly. Nhưng sân ga cũng tượng hình cho tình yêu, là nơi hẹn hò của đôi lứa. Cả hai vẫn chở theo một nỗi niềm.

Ga Lyon đèn vàng
Tuyết rơi buồn mênh mang
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng…
(Chưa Bao Giờ Buồn Thế)


Thời gian không chờ ai, vẫn lặng lẽ trôi về phía trước. Ngày nay mỗi khi nghe lại những bài nhạc Phạm Duy/Cung Trầm Tưởng, tôi vẫn nghĩ rằng thi sĩ Cung Trầm Tưởng luôn luôn lắng nghe hồn mình trải rộng trên những toa tàu và thầm ước tìm lại chút hơi thở của một thời vọng lại. Ở đó, trên nền tảng của không gian và thời gian đã dựng nên một thời Paris, có phố cổ Mouffetard với quán xá vỉa hè và những cửa hàng truyền thống, có dòng sông Sein mặc áo sương mù, có tranh trường phái Ấn tượng Monet, Renoir và tranh chủ nghĩa Lập thể Braque, Picasso chưng trong những viện bảo tàng, có huyền thoại và văn hoá Honoré de Balzac, Victor Hugo, Alexandra Dumas, Marcel Proust, André Gide, Albert Camus, J.P.Sartre, Saint Exupéry…, có một chút âm nhạc mang hơi hướm thu về từ vườn Luxembourg v.v… Cho tới bây giờ, Cung Trầm Tưởng vẫn coi Paris như là người tình muôn thuở trong tâm hồn nghệ sĩ của ông.

Nói đến thi ca, tôi nghĩ rằng Cung Trầm Tưởng không làm thơ mà làm thi sĩ,vì ông là nhà thơ của trí tuệ, của cái đẹp giữa nhân tình gần gũi, bình dị, thuần lương. Ông chỉ sử dụng văn chương để gởi gắm tự sự tâm tình của mình, nhờ thế sáng tác của ông chia sẻ cùng người đọc vui với niềm vui của ông, cười chung với ông một nụ cười hạnh phúc, nhưng ông cũng không quên gợi lên những tình cảm xót xa, khơi dậy ở người đọc thấm thía một nỗi buồn xoáy vào giải đất tan tác đau thương và thân phận bi thảm của con người. Sau cơn bão thời thế, đất nước bị thống trị bởi tập đoàn, phe cánh, mọi vẻ đẹp trên đời đều bị chà đạp, bắt bớ, đày ải và giam tù. Trong thời kỳ này, Cung Trầm Tưởng, bằng phương thức đột khởi trong ý thức đấu tranh đã khẳng khái chống lại chế độ cường quyền ác bá, một thứ kẻ thù đã dồn, đã đẩy cả dân tộc đứng lên đòi quyền làm người. Trước cuộc sống phẫn nộ, Cung Trầm Tưởng đã dùng tứ thơ cũ để nói lên nỗi nhức nhối rã rời chứa đựng trọn vẹn nỗi bất bình chế độ trong đó chính ông đã bị bắt bớ, đày ải, giam tù. Và sau mười năm lao lý, Cung Trầm Tưởng đã hoàn toàn thay đổi chiều hướng sáng tác từ trữ tình sang dấn thân, thơ tù của ông kết hợp từ thực chất cuộc sống trở nên đanh hơn, hiện thực hơn. Chính sự đối nghịch làm cho thơ phản kháng của ông có một phong cách đứng thẳng. Đứng thẳng như vầu, cây cùng họ với tre, là biểu tượng bất khuất của người quân tử.

Lòng ta đứng vững như vầu
Thân cao lòng thẳng giữa bầu trời xanh

Vầu đanh như thép sáng ngời
Nắng mưa thì cũng trọn đời đứng ngay
(Biểu Tượng)


Trong thời chiến, thơ văn viết về chiến tranh là văn học của những bậc anh hùng, ngàn đời được con người kính phục. Bài Vạn Vạn Lý trầm buồn mà hào sảng sau đây nói lên lòng tưởng nhớ những tù hùng đã tuẫn tứ:

Xa xưa… trống lên đường
Tiếng quân hô hào sảng
Nẻo cồn vàng bãi trắng
Sa trường hề sa trường!
Tiếc tháo quắc đau thương
Chinh nhân ngàn dặm ruổi
Gió lên như địch thổi
Đưa ai qua trường giang
Nay cô liêu bạt ngàn
Tiễn ta vào bất tử
Đau thương là vinh dự
Chân đi hất hồng trần
Anh hùng phải quên thân
Hy sinh là tất yếu…
(Vạn Vạn Lý)


Thi sĩ cũng lên án chế độ sa đích tạo nên một thời kỳ đen tối của lich sử, trong đó cái tang chung mà cả một dân tộc bất hạnh phải gánh chịu:

Tội chúng kéo dài hận cách ly
Chia sông rẽ núi với phân kỳ
Chồng xa cách vợ, con lìa mẹ
Chẳng một người về trăm chuyến đi
(Lũng Kín)


Mười năm lao lý với biết bao khổ nạn chung với những đời tù, dù ngút ngát thù hận, xanh xao huyền sử vẫn không đánh mất cái bản ngã thuần lương của một người tù thi sĩ; tấm lòng ông vẫn còn đó cái bồng bềnh, lãng mạng và thủy chung với thi giới

Chữ yêu thương thắm vô vàn
Non đau nước quặn nồng nàn lời ru
Lời thầm tách đá âm u
Ùa reo ánh sáng vi vu gió nguồn…
(Bài Ca Níu Quan Tài, khúc 14)
Về cái đẹp lóng lánh, cô động của ngũ ngôn:
Cả trời rót nắng ngọt
Sương nhỏ giọt tròn xinh
Hân hoan đến tài tình
Những giọt hồn vô tội…
(Tiếng Chim)


Và cái tình muôn thuở của lục bát, cái khí thơ bàng bạc một màu ca dao:

Tôi đi mua nắng huy hoàng
Về nung thành ngọc, thành vàng cho tim
Lửa đời luyện thép rèn kim
Thép già biết chảy khi chìm mến thương…
(Chuyến Chót)

Đọc thơ Cung Trầm Tưởng ta thấy nghệ thuật dùng chữ của ông thường toát ra những hình ảnh sinh động, giàu chất thơ và nhạc điệu tạo nên mặt tươi sáng nhất, đáng yêu nhất trong đời sống con người. Từ đó cho đến nay, Cung Trầm Tưởng vẫn có một vị trí sáng chói trên nền trời thi ca Việt Nam, luôn luôn tạo ấn tượng tốt đẹp về phẩm cách, chiếm được cảm tình và sự tin yêu của người đọc.

Cung Trầm Tưởng tên thật là Cung Thúc Cần. Ông sinh ngày 28 tháng 2 năm 1932 tại Hà Nội. Du học tại Pháp và Hoa Kỳ. Tốt nghiệp kỹ sư Trường Võ Bị Không Quân Pháp, Cao Học Khí Tượng tại Saint Louis, Hoa Kỳ và Quản Trị An Ninh Quốc Gia Và Tài Nguyên Quốc Phòng Hoa Kỳ (hậu đại học). Về nước phục vụ ngành Quân Chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Sau 1975, đi tù Cộng sản đến năm 1985 đươc thả về và bị quản chế ba năm tại địa phương. Từ năm 1993 cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ đến nay.

Về hoạt động văn hóa, trước và sau 1975, ông từng cộng tác với nhiều tạp chí Việt – Mỹ trong và ngoài nước. Hội viên liên kết của Văn Bút Pháp và Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Từng phát biểu về văn hoá, văn học và đọc thơ tại nhiều nơi trên thế giới.

Tác phẩm đã xuất bản gồm:

- Tình Ca (thơ 1959)
– Lục Bát Cung Trầm Tưởng (Con Đuông 1973)
– Thám Hiểm Không Gian (dịch, Dziên Hồng)
– Lời Viết Hai Tay (thơ 1993, tái bản 1999)
– Bài Ca Níu Quan Tài (thơ 2001)
– Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định (thơ 2002)

Năm 2012 vừa qua, ngoài tác phẩm dịch thuật kể trên, năm tập thơ còn lại cộng với ba tập thơ mới :Thi Bá – Con Tắc Kè và Bà Góa Phụ, Mỗi Dặm Đường Một Nghìn Bài Thơ và Sáng Ký Về Người Tình Đầu đã được tác giả Cung Trầm Tưởng gom lại thành một tuyển tập mang tên Cung Trầm Tưởng, Một Hành Trình Thơ do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương tại Virginia, Hoa Kỳ ấn hành. Nhìn chung trong tuyển tập này tác giả chia ra nhiều đề tài chính mà mỗi đề tài đều dựa vào sự cảm hứng trước cái đẹp, sư hạnh phúc và nỗi đau khổ về tình yêu, thân phận, cuộc đời, phong cách sáng tạo và nghệ thuật văn chương của tác giả. Thi ca nói chung và kích thước của tập thơ nói riêng như gói trọn trong tâm hồn nhà thơ để nó trở thành dòng huyết quản, trở thành xương máu, da thịt. Tập thơ như đứa con tinh thần khôi ngô, tuấn tú, sẽ còn đó và mãi mãi còn đó.

Sau sáu mươi năm, thi sĩ Cung Trầm Tưởng góp mặt vào làng thơ đến nay ông vẫn không ngừng canh tác trên cánh đồng thi ca trù phú những hình tượng nghệ thuật sống động về tình yêu, về thân phận và những mảnh đời hiện thực, chứa đựng những nét đặc sắc của nền văn học Việt Nam.

Phan Ni Tấn






Mặc Lâm:
Cung Trầm Tưởng








Cung Trầm Tưởng, Nhạc sĩ Phạm Duy, Họa sĩ Ngy Cao Uyên






CUNG TRẦM TƯỞNG VÀ KIẾP SAU
(riêng tặng B.)


Có nhiều người làm thơ từ rất sớm, như Cung Trầm Tưởng, ông đã có hẳn một tập thơ khi vừa mới tuổi mười lăm.
Ông là một tên tuổi có cỡ trên thi đàn của miền nam thời Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều bài của ông, bắt đầu nổi đình nổi đám, khi được Phạm Duy phổ nhạc như, mùa thu paris, tiễn em, bên ni bên nớ, chiều đông, kiếp sau.
Ông vừa mất vào năm ngoái, tháng mười năm một ngàn chín trăm hai mươi hai, tại Hoa Kỳ. Thọ chín mươi mốt tuổi.
Giọng thơ Cung Trầm Tưởng khá lạ so với cùng thời. Tuy nhiên, cũng như nhiều thơ tình của các tác giả khác, chủ yếu là buồn. Chữ buồn, điệu thơ buồn, nhịp thơ buồn, cái ẩn ý, cái gởi trao trong thơ, hầu hết, đều buồn man mác:
bãi nhăn nhàu vết lăn xưa
một xe thổ mộ nằm trơ gỗ gầy
(Năm Tháng Lưu Đày)
Và nồng nàn, tha thiết:
anh ngồi vẽ nắng rồi mưa
vẽ thêm tâm tưởng cho vừa ý em
(Công Chúa)
Và, châm biếm, giễu nhại, mỉa mai, đớn đau, khinh bỉ:
nếu vì cuồng vọng một người
một triệu người phải ngã xuống
vải tang sô không đủ để quấn đầu
muộn sầu triệu nàng góa phụ
vật vờ triệu mụn con côi
(Chúc Thư Của Một Người Lính Vô Danh)
Và, tất nhiên, có cả, đôi lúc, chất thiền, chất triết:
sống là một thứ đi buôn
mang thân bán vốn còn hồn cho thuê
(Thân Phận)
Nhà thơ Giang Hữu Tuyên từng có nhận xét, nếu thơ của Cung Trầm tưởng trước đây diễm lệ và khuê các bao nhiêu, thì thơ ông, về sau này, lại hoành tráng và phẫn nộ bấy nhiêu.
Thơ Cung Trầm Tưởng, giàu nhạc điệu, sử dụng từ thì hết sức nhẹ nhàng mà vẫn linh hoạt, tinh tế:
trời hay thu khóc ủ ê
cổ cao áo kín đi về đường tôi
(Đêm Sinh Nhật)
Tựa như chữ lót trong tên ông vậy: trầm - tiếng thơ trầm, tiếng lòng trầm, thu vào trong, ẩn vào trong. Với bảy tập thơ ra đời trong suốt sáu mươi năm, thơ ông xoay quanh một số đề tài cổ điển được ưa chuộng thời bấy giờ, thơ lãng mạn về tình yêu lứa đôi, thơ lúc ở trong tù, thơ về nỗi niềm ly hương.
Đi đây đi đó nhiều, chịu ảnh hưởng của văn hóa phương tây nhiều, nhưng ông luôn một mực khẳng định, tôi là người Việt Nam, tôi phải tìm đủ mọi cách để trở về nguồn (trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê)
Ông nói tiếp, thơ là căn bản của ngôn ngữ. Khi Thanh Tâm Tuyền hỏi ông, sao đến giờ vẫn còn làm thơ lục bát. Ông đã trả lời, tôi thấy thơ lục bát vẫn chưa hoàn tất, tôi muốn tiếp tục con đường ấy:
mai sau ngủ gốc cây sồi
làm thiên thu chiếc miếu ngồi thờ em.
(Đường Vào Thiên Thu)
******
Trong tất cả các bài thơ của Cung Trầm Tưởng mà tôi biết và từng đọc, tôi thích nhất là bài Kiếp Sau của ông.
Thích, trước hết vì bài thơ rất thơ, kế đó là do, ông viết theo thể lục bát, thể “cha sinh mẹ đẻ” của tôi, thể thơ mà tôi thường chọn làm nhiều nhất từ trước tới giờ.
Thể lục bát, nói cũ, thì có cũ, nhưng không xưa. Cũ, mà nếu có tứ, có ý, lại sử dụng được nhiều từ ngồ ngộ, hay hay, thánh thót, lung linh, thì dù cũ mà vẫn làm cho cái mới chạy theo không kịp. Thơ lục bát, không bình dân như nhiều người nghĩ, trái lại, như lục bát của Cung Trầm Tưởng, rất sang trọng, rất cốt cách, có ăn có học hẳn hoi.
Thích, sau đó, vì, bài thơ có tựa là Kiếp Sau. Tôi cãi hoài với người yêu tôi ở cái chuyện kiếp sau này. Ảnh thì nói, làm gì có. Còn tôi, thì đoan chắc, thì tin, dẫu chưa từng được thấy, dẫu chưa từng được chứng, rằng, chúng ta, có kiếp sau.
Nhiều người lại cãi với tôi, ừ, thì cứ cho là có kiếp sau, nhưng mình cũng đâu nhận ra, ai là ai, ai chính là ai ở kiếp trước. Tôi đuối lý, nhưng cố vớt vát, không nhận ra nhưng vẫn là có kiếp sau. Cứ vậy đi cái đã.
Rồi tôi lại còn nghe, nhiều người giảng giải, rằng, sau khi chết đi, mình thành bụi, và, những hạt bụi nào, thiệt là “mạnh”, thì nó mới tồn tại. Rồi nó đi tìm những hạt bụi khác, “mạnh” như nó, kết hợp, chờ duyên.
Nghe, không phải là không có lý, nhưng mệt quá đi, mặc ai nói gì nói, tôi vẫn tin có kiếp sau. Nguyên vẹn tôi, kiếp sau. Vẫn tin mình yêu mãi mãi người, chỉ duy nhất người thôi, kiếp sau và muôn ngàn kiếp sau nữa. Còn có được thế hay không, thì lại là một chuyện khác.
KIẾP SAU
bù em một tháng trời gần
đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi
bù em góp núi chung đồi
thiêu nương đốt lá cũng rồi hoang sơ
bù em xuôi có ngàn thơ
vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương
quên thôi, bông sẽ phai hường
mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu
non sông bóng mẹ sầu u
mòn trong ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu
thôi em xanh mắt bồ câu
vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau… .
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành bài hát cùng tên.
******
Đây là bài thơ từ biệt người yêu, lúc tác giả quyết định quay về Việt Nam khi đã hoàn thành chương trình du học tại Pháp.
Không thể đem cô người yêu bản xứ về quê nhà, hai người buộc phải chia tay. Ông bù đắp cho người yêu bằng một tháng sống trọn vẹn bên nàng trong một căn gác trên cùng, áp mái, của một cao ốc cũ.
Bài thơ được viết bởi một người nặng tình, lời thơ thì tha thiết và chân thành, khiến người nào đọc lên, cũng nghe rưng rưng niềm cảm xúc.
Người thơ trở về, mối tình thơ nơi đất người lỡ dở, đành hẹn lại kiếp sau. Tôi đã muốn khóc khi đọc hai câu thơ đầu:
bù em một tháng trời gần
đơm hoa kết mộng cũng ngần ấy thôi
Cũng ngần ấy thôi. Vì, bây giờ, dù chúng ta có kết hôn, có sinh con đẻ cái, rồi bệnh tật, rồi chia lìa, thì, anh nghĩ, có sống một đời bên nhau như thế, cũng chỉ bằng chúng ta đây, lúc này, một tháng. Anh sẽ kết hoa cho tình em, rồi xây mộng cho em nữa, hoa mộng ấy là lầu đài, là cung điện, để anh được ôm người anh yêu trong vòng tay nơi ấy, mà ân ái, mà quấn quýt đêm ngày, bên nhau, như thiên thu đang cùng ta, bất diệt.
Bù, đền bù, là động từ, mang nghĩa là trả lại thật đầy đủ, tương xứng với công lao, với sự mất mát. Bù, nghe như lấp đầy, lấp đầy tình, lấp đầy yêu. Chỉ một từ “bù” thôi, cũng đủ cho em được xoa dịu trái tim phần nào, cũng bù đắp cho nỗi niềm em phần nào, của những nhung nhớ, của những xót xa, và thương tưởng nữa, sau này, mối tình trớ trêu của chúng mình.
Biết là đang bù, nhưng Cung Trầm Tưởng vẫn nghe ra nỗi đau của người yêu:
bù em xuôi có ngàn thơ
vẫn nghe trắc trở bên bờ sông thương
Nhưng rồi ông đã kịp áp má mình vào người yêu mà nhỏ nhẹ:
quên thôi, bông sẽ phai hường
mà xưa tiếng gọi nghe dường thiên thu
Có cuộc tình nào mà không phai. Có mùa xuân nào mà không tận. Có cuộc đời nào mà không tàn. Có sống với nhau đến bao lâu nữa, thì vẫn chỉ “cũng ngần ấy thôi”.
Nhiều người thích cái tứ “bù” của bài thơ. Nhưng với tôi, tôi lại ấn tượng với cái ý “cũng ngần ấy thôi”. “Cũng ngần ấy thôi” là cụm từ khiến tôi ngậm ngùi nhất. Tình yêu trao hết cho nhau, dâng hết cho nhau, trọn vẹn, thì một tháng hay một đời người, nói cho cùng, “cũng ngần ấy thôi”. Nếu vẫn cảm thấy chưa đủ ư, thì đây, một lời hứa, lời thề, mong ước “xin hầu kiếp sau”.
Cả đớn đau lẫn hạnh phúc. Cả giằng xé lẫn thương yêu. Một tháng xin xem như một đời anh. Bằng như, em chưa hài lòng, nguyện “xin hầu kiếp sau”.
Bởi vì anh đã nghe, em à, từ nơi xa thẳm chốn quê hương, chốn mẹ già, đôi bóng xế ấy đương u sầu. Anh đã nghe, em à, lối chân mẹ mòn, cả chiều ngoài ngõ xa, cả đêm trong ngưỡng cửa nhà, vì cứ mải miết trông ngóng con về, càng làm cho buổi hoàng hôn, lúc xế tà, trở nên u uất:
non sông bóng mẹ sầu u
mòn trong ngưỡng cửa, chiều lu mái sầu
Thì, đôi ta đành phải, “thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi” - “có ngần ấy thôi” của Phạm Thiên Thư, xem ra, khác gì đâu với “cũng ngần ấy thôi” của Cung Trầm Tưởng, trong trường hợp này:
thôi em xanh mắt bồ câu
vàng tơ sợi nhỏ xin hầu kiếp sau
Bài thơ bảng lảng chất cổ thi. Hình ảnh đẹp mà buồn. Giọng điệu thơ thì thiết tha, đầy ắp những hình ảnh ẩn dụ, chiều lu mái sầu, xanh ngắt bồ câu, vàng tơ sợi nhỏ… , làm câu thơ vừa xa xôi, ẩn kín, vừa sinh động, dễ thương, trẻ trung trong tình yêu đôi lứa.
Kiếp Sau là một trong mười bài hát thể hiện thành công và xuất sắc nhất của danh ca một thời - Thái Thanh.
Thơ Cung Trầm Tưởng. Phạm Duy phổ nhạc. Thái Thanh ca. Thử hỏi, còn một kết hợp nào hoàn chỉnh hơn, tuyệt vời hơn.
******
Tài hoa của Cung Trầm Tưởng là tài hoa của trí tuệ. Ông tài hoa trong lối biết tiết chế và giữ gìn, cả những câu thơ lẫn phẩm cách sống. Và ông đã lưu dấu tài hoa này vào cả hai dòng thơ trước cũng như sau mốc một ngàn chín trăm bảy mươi lăm - lãng mạn trữ tình, thuần lương và hiện thực, xót xa, đau thương, phản kháng.
Trả lời bà Thụy Khuê, ông nói, đối với tôi, thi ca là một ngữ sự. Không giải quyết được ngữ sự đó thì xé tất cả đi.
Ông không giải thích “ngữ sự” là gì. Nhưng theo tôi, ngữ là ngôn ngữ, sự là sự việc, thi ca chính là dùng ngôn ngữ để giải quyết các sự, các vấn đề mà thơ đặt ra.
Đâu đó, tôi không nhớ rõ, ông cũng đã từng trình bày suy nghĩ của mình về thơ, rằng, thơ ca là một rong chơi lãng mạn mà thâm trọng.
Rong chơi lãng mạn mà thâm trọng, gắn bó keo sơn, nghĩa ân, đối xử trước sau như một. Đấy chính là tấm tình chân, không chút gian dối, qua quýt, của ông, với thơ. Huống hồ chi, là với người, với mối tình vì hoàn cảnh mà phải để lại trên đất khách.
Vì quá tương tư với Kiếp Sau, mà năm một ngàn chín trăm năm mươi bảy, bảy năm sau bài Kiếp Sau đầu tiên, ông đã viết tiếp thêm bài Kiếp Sau Nữa:
bù em một tháng tình gần
trăng thêu gối mộng cũng ngần ấy thôi
bù em gác vắt lưng trời
sao châm nghìn nến sáng rồi bơ vơ.
Tim tôi như thắt lại, đời người hữu hạn, dù có cố đến thế nào, thì, cũng ngần ấy thôi!
Sài Gòn 07.12.23







Cung Trầm Tưởng & Viên Linh


















Du Tử Lê & Cung Trầm Tưởng



















Kiều Chinh & Cung Trầm Tưởng








Trở về








MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.