Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Nguyên Giác Phan Tấn Hải

 











Nguyên Giác Phan Tấn Hải
(22/2/1952- ... ) Sài Gòn

Nhá văn, nhà thơ, dịch giả 
Cư sĩ Phật giáo







Sinh ngày 22-2-1952 tại Sài Gòn. Tên khai sinh là Phan Tấn Hải. Quê cha Hà Tĩnh, quê mẹ Nha Trang, hiện định cư tại quận Cam, Hoa Kỳ. Từng học ở Chu Văn An, Đại Học Văn Khoa SG. Sống bằng nghề báo, nhưng đam mê là sáng tác văn học — thường ký tên Phan Tấn Hải, Phan Khế, Trần Khải.

Khi viết về Phật giáo, thường ký tên Nguyên Giác, Nguyễn Thường Tâm. Học Phật Pháp với quý Hòa Thượng: Thích Tịch Chiếu, Chùa Tây Tạng, Bình Dương; Thích Thiền Tâm, Đại Ninh, Lâm Đồng; Thích Tài Quang, Phú Nhuận, Sài Gòn.

Từng cộng tác với nhiều báo như Tập san nghiên cứu Triết Học, Tự Thức, Văn, Văn Học, Hợp Lưu, Tạp chí Thơ, Việt Báo, Tạp chí Giao Điểm, Giác Ngộ, Đạo Phật Ngày Nay, Suối Nguồn, Thư Viện Hoa Sen và nhiều báo khác.












Hãy yêu thương đời này
3/10/2014









Tác phẩm mới xuất bản

Từ Mặc Chiếu
Tới Như Huyễn












Kiếm Mã Hành

Nâng ly mời đã mềm môi
Còn tê tê lưỡi đã cười ra đi
Ðường mai gió loạn sá gì
Tóc xanh dẫu bạc an nguy cũng liều

Ta đi rừng núi xanh vầng trán
Thành phố phương nào mây vẫn bay
Dưới trăng cười hỏi ừ rồi máu
Có thơm mùi rượu của đêm nay

Nghiêng ly đổ rượu tràn tay
Say ngàn sóng dữ trả ngày trẻ thơ
Cười vang hỏi bạn say chưa
Ta say nghìn kiếp giữa bờ tử sinh

Rong chơi vào cuộc lầm gió bụi
Rượu thề pha máu đỏ vầng trăng
Nửa đêm ta gọi sơn hà dậy
Thần mã bay về hí vó trăng.

PTH













Tác giả, dịch giả một số sách Việt ngữ:







1
Cậu Bé và Hoa Mai
(tập truyện, Nhân Văn 1986; Ananda Viet Foundation tái bản 2017).









2
Thiếu Nữ Trong Ngôi Nhà Bệnh
(tập truyện, Ananda Viet Foundation, 2017)










3
Một Nơi Gọi Là Việt Nam
(thơ, 1987)










4
Ba Thiền Sư 
Tác giả: John Stevens, Nguyên Giác dịch Việt










5
Chú Giải Về Phowa
Tác giả: Chagdud Khadro, Nguyên Giác dịch Việt










6
Lời Dạy Tâm Yếu Về Đại Thủ Ấn










7
Vài Chú Giải Về Thiền Đốn Ngộ














8
Thiền Tập 
Biên dịch












9
Tập thơ Hoa Bay Khắp Trời

HOA BAY KHẮP TRỜI
THƠ NGUYÊN GIÁC - NHẠC TRẦN CHÍ PHÚC
TRÌNH BÀY: CA SĨ NGUYỄN CAO NAM TRÂN


Nguyên văn hai đoạn đầu trong bài thơ “Hoa Bay Khắp Trời” rằng:

“Nhìn kìa, chỉ hình hiện ra, không người không ta, chỉ hình được thấy, không ai đang thấy.
“Nghe kìa, chỉ tiếng trong lời, không ta không người, chỉ tiếng được nghe, không ai đang nghe….

Đây chính là ý của một bài kinh rất ngắn, kinh Bahiya được trích ra từ Tiểu Bộ Kinh thuộc tạng kinh Pali. Trong bản kinh này Đức Phật chỉ nói bốn câu về “thấy, nghe, thọ tưởng, thức tri” nhưng là thông cho cả sáu căn, vì trong “thọ tưởng” bao gồm cả ngửi, nếm và xúc chạm. Khi thuyết bài pháp này, Đức Phật còn bảo đảm với ngài Bahiya rằng hễ ai mà để tâm được như thế thì sẽ xa lìa đau khổ, đạt được giải thoát.

Vậy muốn có được cái thấy, cái nghe trong sáng ấy thì mình chỉ thấy, chỉ nghe như thực, khách quan mọi đối tượng đang xẩy ra, đang diễn tiến, đang vận hành. Ví dụ khi thấy một đoá hoa, chỉ ngắm nhìn đoá hoa như vậy thôi, không khởi lên niệm phân biệt thấy như thế nào, đẹp xấu ra sao, hay khi một âm thanh khởi lên, chỉ nghe âm thanh ấy, không khởi niệm phân biệt hay dở ra sao.

Chính trong cái khoảnh khắc thuần thấy đó, cái khoảnh khắc thuần nghe đó là ranh giới thời gian tâm thức bị xoá nhòa, không còn thời gian nữa, không còn quá khứ, không còn vị lai và không còn hiện tại. Cái sát na đó chính là cái phi thời gian. Đó là lúc thời gian tâm thức đã kết thúc, và cái khoảnh khắc này trở thành một niệm ngàn năm bất diệt. Đó là cái khoảnh khắc mà Đức Phật nói rằng hễ ai mà để tâm được như thế thì sẽ xa lìa đau khổ, đạt được giải thoát. Nếu như lúc ấy chúng ta móng niệm khởi tâm, bất kỳ tâm gì, phân biệt xấu đẹp, lành dữ, ưa ghét là rơi vào dính mắc, chấp trụ, và cái khoảnh khắc phi thời gian đó sẽ tức khắc biến mất mà trở thành dòng thời gian luân hồi.



Thế nên Kinh Kim Cương nói rằng: “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm.” và “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc.”

(Trích: http://thuvienhoasen.org/a24136/gioi-thieu-cd-thien-ca-hoa-bay-khap-troi )







LỜI THƠ SONG NGỮ VIỆT - ANH
(Thơ và bản dịch Anh ngữ: Nguyên Giác Phan Tấn Hải)


Hoa Bay Khắp Trời

Nhìn kia
chỉ hình hiện ra
không người không ta
chỉ hình được thấy
không ai đang thấy

Nghe kìa
chỉ tiếng trong lời
không ta không người
chỉ tiếng được nghe
không ai đang nghe

Chữ vàng trên giấy, lời Phật năm xưa, khởi từ bi dậy, chỉ qua kia bờ
Thương ơi ba cõi, bè pháp cứu người, qua sông còn gọi, hoa bay khắp trời

Ngồi đây
cảm nhận hơi thở
hơi vào hơi ra
chỉ là hơi thở
không ai đang thở

Tâm kià
khắp cảnh là tâm
khắp tâm là cảnh
khắp trời gương sáng
khắp trời là tâm.

Flowers All Over the Sky

See there
only the seen appearing
no me, no others
only a scene is seen
nobody is seeing

Hear that
only the heard echoing
no me, no others
only the sounds are heard
nobody is listening

Buddha’s words from ancient years written with golden ink show compassionately how to cross the river
The dharma raft calls out from other shores to wake up humanity in the three realms, while flowers are flying all over the sky.

Sit here
feel the breaths
moving in and out
only the breaths
nobody is breathing

See the mind
all the seen are mind's display
all the mind are things that are seen
all the sky is a bright mirror
all the sky is the mind’s display













10
Thiền Tâp Trong Đời Thường










11
Thiền Tông Qua Bờ Kia











12
Thiền Tông Bất Lập Văn Tự








13
Sách song ngữ Việt-Anh:

– Teachings From Ancient Vietnamese Zen Masters (song ngữ)

– Teachings and Poetry of the Vietnamese Zen Master Tue Trung Thuong Si (1230-1291)

– Tran Nhan Tong (1258 – 1308): The King Who Founded A Zen School























TÔI ĐI TÌM EM ĐỜI NÀY, ĐỜI NÀY



Lời này là lời mỗi ngày tôi đọc,
mỗi ngày tôi ca, tôi hát, tôi nhẩm,
tôi ăn, tôi nuốt, tôi cười: Rằng cái
này có nên cái kia có, rằng cái


này không nên cái kia không... lời này
là lời mỗi giờ tôi thở, mỗi giờ
tôi hít, tôi nhìn, tôi rờ, tôi nắm,
tôi vò, tôi nếm: Rằng cái này sinh


nên cái kia sinh, rằng cái này diệt
nên cái kia diệt... mỗi phút, mỗi giây,
lời này, lời này... ngấm vào người tôi,
là máu thịt tôi... là tôi, là cái


không tôi, là của tôi, là cái không
của tôi... lời này, lời này, chỉ còn
một lời này thôi. Lời này là lời
mà tôi đã nói, với em, trong lớp


học, ngoài thư viện, cúi giảng đường, bên
giường bệnh: rằng cái này có nên cái
kia có, rằng cái này không nên cái
kia không, rằng cái này sinh nên cái
kia sinh, rằng cái này diệt nên cái
kia diệt... rồi em có nhớ, rồi chỉ
vì em, một hôm hai hôm nhẫn tới
ba hôm, tôi đã vào đời, vào đời


và để tìm em, để nói với em,
với em, lời này, lời này... Một đời
một đời trĩu nặng khôn lường, rằng em
có biết không chỉ một đời, rằng tôi


ngồi đếm, một đời, hai đời, ba đời,
bốn đời... tới vô lượng đời... rằng em
có nhớ, là tôi đã ngồi, đếm số
cho em bao đời, bao đời, bao đời...


rằng tôi tìm em từ vô lượng đời,
để kể em nghe, rằng cái này có
nên cái kia có, rằng cái này không
nên cái kia không, rằng cái này sinh


nên cái kia sinh, rằng cái này diệt
nên cái kia diệt... tôi ngồi tôi đếm...
không ai, không ai, chỉ còn một nắm
thịt da đang đếm, em có nghe không,


chỉ còn tiếng đếm, chỉ còn một nắm
thịt da đang ngồi, đang ngó, đang nói
với em... Đời này, đời này... rằng em
không nhớ là vô lượng đời, là anh


đã ngồi, gõ quan tài em, ngồi ca,
ngồi ca, rằng em hãy nghe, rằng cái
này có nên cái kia có, rằng cái
này không nên cái kia không, rằng cái


này sinh nên cái kia sinh, rằng cái
này diệt nên cái kia diệt... rằng tôi
bao đời, nhìn nhan sắc em, bao đời,
bao đời, nhìn nụ cười em, bao đời,
bao đời, rồi nài nỉ em, rằng hãy
nghe tôi, hãy nghe lời này, rằng cái
này có nên cái kia có, rằng cái
này không nên cái kia không, rằng cái


này sinh nên cái kia sinh, rằng cái
này diệt nên cái kia diệt... Đời này,
đời này... rằng em hãy thấy... đời này,
đời này... rằng em hãy thấy... có cái


không sinh, có cái không diệt... có lời
đang đếm, vẫn là bất động, bất động,
bất động, bất sinh, bất sinh... có lời
đang đếm trải vô lượng đời, vẫn chưa


thành lời, vẫn chưa thành lời...

08/20/2004





CÓ HƠI THỞ NGẮN CÓ HƠI THỞ DÀI



Tôi ngồi hít thở hơi ra hơi vô
hơi dài hơi ngắn, xin cho đất trời
bình an, mưa thuận gió hòa, cơm ăn
đủ no áo mặc đủ ấm, tôi ngồi
hít thở hơi ngắn hơi dài hơi vô
hơi ra hít thở ngồi tôi tôi ngồi
ngồi tôi tôi ngồi thở hít hít thở
dài ngắn hơi ra ngắn dài hơi vô,
xin cho bình an đất trời, gió hòa
mưa thuận, cho mẹ cho em cho chị
cho anh đủ cơm mỗi ngày, đủ áo
cho ấm, nước mắt rưng rưng lỡ mang
nghiệp nặng tôi ngồi hít thở .... Tôi đứng



thở hít đứng tôi hít thở, hơi ngắn
tôi biết hơi ngắn, hơi dài tôi biết
hơi dài, nhìn đủ trong tôi mùa xuân
mùa hạ mùa thu mùa đông ẩn tàng
hơi thở, một hơi này dài hơi ấm
mùa xuân, hơi sau ngắn lại nắng hè
quá gấp, bụng phình ra thở hơi ngắn
hơi dài mang đi nỗi buồn mùa thu
đổ lá, lạnh giá hơi thở mùa đông
run rẩy nhớ nhau, thở tôi đứng hít
hơi ra hơi vào, xin cho an bình
ngày ngày thế giới, cho trẻ nhỏ vui
ngày ngày đi học... Thở hít trong tôi



đất trời bao la, có hơi dài ngắn
hít thở trong tôi, có mây trong phổi
có gió ngang môi có rừng xao xác
hàng mi trước mắt có biển rạt rào
trong hơi thở ngắn trong hơi thở dài
có biển cuồng nộ trong hơi thở gấp
trong hơi thở gắt tôi ngồi tôi đứng
tôi đi tôi nằm tôi chạy vẫn thở
trong tôi đất trời kinh ngạc có cây
có đồi tôi mẹ có em có rừng
Tây Tạng vi vu nghìn năm có sừng
trâu gõ Lão Tử vọng về, thở hít
trong tôi hơi ngắn hơi dài xin cho
bình an đất trời xin cho trẻ nhỏ
ngày ngày đủ ăn.... Hít thở trong tôi



hơi dài hơi ngắn thở hít tôi trong
hơi ngắn hơi dài có hơi thở đỏ
có hơi thở xanh có hơi thở vàng
có hơi thở đen xin cho đau khổ
trần gian xin cho hung hiểm đất trời
vào theo hơi thở, tôi ngồi tôi chịu,
tôi đứng tôi chịu khổ đau trần gian
cho em cho mẹ cho chị cho anh
an bình bình an, hơi đen tôi thở
cho trẻ hết bệnh, hơi vàng thở tôi
cho mẹ hết đau, hơi xanh tôi thở
cho chị khỏi đói, hơi đỏ thở tôi
cho người rũ hết bao nhiêu căm thù
hơi dài hơi ngắn buông sạch ngàn đời
oan nghiệt.... Tôi ngồi tôi thở tôi đứng
thở tôi tôi về Sài Gòn về tôi
Nha Trang tôi về Ban mê về tôi
Hà Nội tôi thở thở tôi có biển
trong mắt có gió trên tóc có lời
yêu thương ngàn ngày trăm ngày tôi thở
thở tôi tôi đi tôi đứng tôi ngồi
tôi nằm hơi thở trong tôi có thở
trong tôi có đôi mắt em dõi nhìn
trong tôi có tôi quỳ lạy đất trời
tạ ơn có tôi lạy quỳ mưa thuận
gió hòa cho mẹ cho em đủ no
đủ ấm có tôi thở hít có tôi
lạy quỳ xin cho người người giải thoát
xin cho người người đời đời thoát khổ...



Hơi thở thở hơi hơi ra hơi vô
hơi dài hơi ngắn có gió rì rào
có biển ca hát có rừng nghiêng chào
có Nha Trang buồn có Sài Gòn vui
có thở có hơi có ngắn có dài
nhưng không có tôi nhưng không có chị
nhưng không có em nhưng không có mẹ
nhưng không có khổ nhưng không có đau
ngàn năm qua rồi tỉ năm qua rồi
có hơi thở ngắn có hơi thở dài
có bầu trời cao mây tan từ thuở
đất trời bình an, có bờ cát trắng
dấu chân sắp mờ.... Có hơi thở ngắn



có hơi thở dài có hơi thở dài
có hơi thở ngắn có đủ bốn mùa
gói trong hơi thở có đủ trời sao
trăng mây gió lộng trong một thở hơi
trong một hơi thở, không mẹ không em
không chị không tôi không người không hề
một người không ta không ai không thấy
một ai không ai một thấy không hề
một ai không ai một hề, chỉ có
hơi thở chỉ có thở hơi....











Thơ Phan Tấn Hải trên Thi Viện

















Viết lời như huyễn


Em đi để lại mây ngàn
quyện vào chuông mõ, phím đàn nửa đêm
Thương anh không ngủ giấc thiền
nụ cười em gửi ngoài hiên cúng dường

Em đi phả lại mùi hương
ướp làn gió sớm, thơm đường mây trưa
Thương anh trăm nắng ngàn mưa
lái đò cổ độ giúp đưa qua bờ.

Em đi rơi lạc vào thơ
quyện vào cổ tích Âu Cơ muôn trùng
Thương anh ngồi viết không ngừng
chép câu mật hạnh cúng dường chúng sinh

Em đi nghiêng cả mái đình
lắng nghe sông núi tụng kinh độ người
Thương anh tịch lặng dáng ngồi
ngó câu vô tự nụ cười niêm hoa.

Em đi son nhạt phấn nhoà
tiễn đưa muôn kiếp lià xa muộn phiền
Thương anh ngồi thức ngày đêm
niệm ân ba cõi, phước điền mười phương.

Em đi in dấu dặm trường
vầng trăng soi tỏ con đường cổ xưa
Thương anh đọc chữ rất mờ
ghi lời Phật dạy nguyên sơ Niết bàn.

Em là vô lượng hoá thân
không sau, không trước, không gần, không xa
Thương anh ngồi giữa Ta Bà
nhìn nghiêng nắng quái biết là Tánh Không.

Em là trăng lạc vào gương
không hư, không thực, không đường chim bay
Thương anh kinh sách miệt mài
tìm câu chú giải vết giày tổ sư.

Em là muôn triệu kỳ thư
tu xong quên hết, chữ Như duy còn
Thương anh ngộ pháp vô ngôn
không lui, không tới, tịch dương hai bờ.

Em là mưa bụi sương mờ
về nghe anh đọc dòng thơ vô cầu
Thương anh ngồi thức đêm thâu
viết lời như huyễn dứt sầu ngàn năm.

Đón giao thừa Nhâm Dần 2022









Nguyễn Hoàng Nam, Phan Nguyên, Phạm Việt Cường, Phan Tấn Hải,
 Trầm Phục Khắc, Lê Giang Trần
1994. Hoa Kỳ







Phan Nguyên & Nguyên Giác Phan Tấn Hải
2019. California














Trở về






MDTG là một webblog mở "để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.