Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

Đỗ Quý Toàn













Đỗ Quý Toàn
(1939 - .......) Bắc Ninh

Bút danh khác: 
Vương Hữu Bột, Đạo Cấy, Ngô Nhân Dụng
Nhà văn, Nhà thơ, Nhà báo, Nhà giáo












California
12 tháng 6 2017




















Nhà thơ Đỗ Quý Toàn sinh ngày 15-6-1939 tại Bắc Ninh.Thời niên thiếu chạy loạn dọc theo các vùng thượng du Bắc Việt. Năm 1954, cư ngụ tại Sài Gòn. Ông là giáo sư văn chương ở các trường Chu Văn An, Nguyễn Du. Khởi sự viết văn làm thơ từ 1955. Bài viết của ông thường đăng ở Ngàn Khơi, Văn Nghệ, Sống, Lửa Việt, Tân Dân… Đỗ Quý Toàn còn là một huynh trưởng hướng đạo Việt Nam, hăng say hoạt động xã hội.

Từ 1975 đến nay (1988), ông ở Montréal Canada. Đã dạy học tại các trường Võ Bị Hoàng Gia St. Jean, đại học Concordia, đại học McGill. Ông là giáo sư đại học Québec tại Montréal (UQAM) về môn tài chánh xí nghiệp. Ông tiếp tục viết cho các báo tiếng Việt ở hải ngoại. Tháng 4-1987, ông cùng các nhà văn Trương Bảo Sơn, Nguyễn Khắc Ngữ đứng ra thành lập Hội Văn Bút Việt Nam lần đầu tiên tại Canada.

Đỗ Qúy Toàn lập gia đình năm 1965 cùng dược sĩ Đỗ Quyên, hiện nay đã có ba con: Lu, Phoóc, Kinh Coong. Chị Quyên và các cháu là nguồn hứng khởi (chữ Đỗ Quý Toàn) để nhà thơ hoàn thành tập tiểu luận “Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt”, vừa được nhà xuất bản Văn Nghệ (Hoa Kỳ) ấn hành đầu năm 1988.

Những tác phẩm khác đã in tại Việt Nam trước 1975: Nàng (thơ, 1965), ĐêmViệt Nam (thơ, 1966)

(Những câu hỏi dưới đây của Châu Hải Châu dành cho nhà thơ Đỗ Quý Toàn và những câu đặt ra cho các tác giả khác, chỉ là cái cớ để mỗi tác giả đưa ra những điều cần trình bày, nên câu trả lời được yêu cầu thật đầy đủ càng dài càng tốt)


Châu Hải Châu (CHC): Theo tài liệu của nhà văn Võ Phiến, trước 1975,anh đã có hai tác phẩm Nàng (1965) và Đêm Việt Nam (1966), cả hai tác phẩm đều là thi tập ? Anh có thể giới thiệu sơ qua hình thức cũng như nội dung của hai đứa con tinh thần đó ?


Đỗ Quý Toàn (ĐQT): Nàng là một tập thơ in năm 1965. Tôi thực chưa bao giờ có ý định in thơ. Tập thơ thứ nhất này, do một số bạn bè góp tiền in tặng, nhân đám cưới của vợ chồng tôi. Tôi nhớ có Trần Dạ Từ, Tú Kuế, Lê Tất Điều, Vũ Dũng, Nguyễn Trung, Dương Nghiễm Mậu…và cả anh Phạm Duy nữa. Nguyễn Trung vẽ bìa và vẽ cái mặt tôi in bên trong. Hình như mỗi người góp hai trăm đồng thời đó, coi như đi mừng đám cưới.

Tập thơ viết về Nàng, nhưng không phải chỉ thơ tình. Có những thao thức tâm linh. Có những rung động siêu hình. Khi yêu mình hầu như thấy cả vũ trụ và mình trong vũ trụ.

Tập thơ Đêm Việt Nam do nhóm sinh viên văn khoa in năm 1966. Những bài thơ này viết từ 1963. Khi tôi xúc động trước thời cuộc như biến cố: hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, đám tang Nhất Linh. Nhưng phần lớn các bài thơ đó viết sau khi tôi đã đi nhiều về miền quê từ vụ cứu lụt ở miền Trung năm 1964 và tiếp xúc với những đau khổ trên quê hương. Anh ruột tôi tử trận năm 1963. Những người bạn khác cũng lần lượt vào nghĩa trang Quân đội. Khoảng hè 1966, mấy bạn sinh viên tổ chức các buổi đọc thơ ở khu đất Khám Lớn, tức đại học Văn khoa, ở đường Gia Long, hình như đó là đêm đọc thơ đầu tiên trước công chúng. Tôi nhớ có Trần Dạ Từ, Tú Kuế và tôi cùng đọc thơ. Hình như có cả Trần Tuấn Kiệt.Những bài thơ nói về nỗi đau khổ không thể ngâm nga được, cho nên chúng tôi đọc, có lúc thét lên. Có một nhà văn đàn anh, sau đó đã viết rằng: “Nghe đọc thơ, anh thấy rùng mình” . Các bạn sinh viên đề nghị in. Tất nhiên sở Kiểm duyệt không cho in, nên họ chỉ quay ronéo, Nguyễn Trung vẽ bìa và phụ bản rất đẹp.

Cả hai tập thơ trên, tôi đều không có ý định in. Cả hai đều do anh em họ làm giúp. Sau này là tôi cũng tiếc là mình hờ hững với thơ quá. Bây giờ muốn in lại làm tài liệu cũng khó tìm hết các bài thơ mình có thể vẫn còn thích. Tôi vốn coi chuyện làm thơ là chuyện rất riêng tư. Mình không nhịn được thì phải làm thơ, chứ không phải để làm cái gì, để cho ai cả.Đăng báo thì dễ dàng. Người ta đọc báo xong thì quên ngay. Góp một bài thơ cũng như tới họp mặt với bạn bè, cho vui vậy thôi. Bây giờ ở nước ngoài thì khác. Lắm lúc muốn đọc lại thơ Tô Thùy Yên chẳng hạn, tại lại trách thầm tại sao cái ông “Đinh Thành Tinh” đó không in một tập thơ để mình dễ tìm. Anh chị em tản mác khắp nơi, tìm một tờ báo lắm lúc cũng khó. Như vậy tôi mong các bạn thi sĩ nên in thơ thành tập thì hơn.

CHC: Qua nhận xét của nhà thơ Trần Tuấn Kiệt, anh là một thi sĩ có “tiếng thơ rất lạ, khi siêu thoát, khi mãnh liệt…” và sở trường ở thể tự do, lục bát, điều đó phải chăng có nghĩa anh ít dùng các thể loại khác như năm chữ, bảy chữ ?

ĐQT: Trần Tuấn Kiệt là một thi sĩ hơn là một người nghiên cứu về các thi sĩ. Tôi cũng giống Kiệt ở chỗ đó. Chúng tôi đều không đọc thơ của người đương thời cho đầy đủ. Chỉ đọc những bài mình thích mà thôi, bài nào không thích thì bỏ qua. Có lẽ vì vậy khi nói đến thơ, Kiệt chỉ nhớ đến hai loại. Thơ tự do và thơ lục bát. Tôi đã viết đủ các loại thơ. Nhưng thể lục bát viết ít nhất. Có lẽ vì mỗi lần viết tôi tự thấy trong thơ mình có ảnh hưởng của các thi sĩ trước. Những người cùng thời với tôi như Trần Dạ Từ, Viên Linh, Bùi Giáng vv…đã vượt thoát khỏi những ảnh hưởng của người xưa nên lục bát của họ mới lạ, kiều diễm hơn nhiều. Tôi chắc Trần Tuấn Kiệt nhắc đến thơ lục bát, và trích mấy bài lục bát, vì đương khi viết cuốn sách, Kiệt có sẵn mấy bài lục bát trước mắt.Tôi biết Kiệt thích mấy bài thơ anh trích lắm, đã ngâm nga mấy lần cho tôi nghe. Uyên Thao khi viết về tôi trong cuốn sách của anh, không trích bài lục bát nào cả. Uyên Thao làm việc kỹ lưỡng cẩn thận hơn Trần Tuấn Kiệt. Nhưng tôi thấy ảnh cũng chỉ trích dẫn những bài thơ vừa đăng báo trong khoảng thời gian anh đang viết sách mà thôi. Thời gian đó tôi và Uyên Thao đang làm việc chung ở một số toà báo (Diễn Đàn, Đời…) gần như ngày nào cũng gặp nhau. Nhưng chúng tôi không mấy khi nói chuyện thơ. Anh không bảo tôi đưa các bài thơ cũ cho anh coi. Uyên Thao là một nhà báo, một chiến sĩ, anh không coi việc thảo luận văn chương là việc chính. Không thể bắt anh ấy sưu tầm hết thơ của mỗi tác giả trước khi viết về họ được. Lỗi của tôi là không in thơ thành sách, bà con biết thơ tôi nhờ đăng báo mà thôi. Nói vậy nhưng cũng phải công nhận, các anh Trần Tuấn Kiệt, Uyên Thao đã có công viết mấy cuốn sách về thi ca, giai đoạn sau 1954. Tôi nhớ có lần gặp Nguyên Vũ ở đại học Wisconsin, Nguyên Vũ dẫn tôi vào thư viện, tìm thấy cuốn sách của Trần Tuấn Kiệt. Mở ra đọc, tôi rất mừng, đi chụp ngay mấy bài thơ cũ của mình vì (tất nhiên có mấy bài hay) chính tôi cũng mất mấy bài thơ đó rồi. Đọc lại như gặp được người cũ! Nhưng dù sao cũng xin chú ý là anh em nhà in họ sai nhiều quá, đọc lại thấy thơ mình méo xẹo cũng buồn lắm.

CHC: Đối với Sáng Tạo, anh đã thấy những đóng góp như thế nào trong phong trào “làm mới thi ca” một thời?

ĐQT: Theo tôi nghĩ, nhóm Sáng Tạo là một nhóm có ảnh hưởng rất quan trọng đối với thi ca Việt Nam. Chúng ta hồi tưởng lại giai đoạn 1955-1956, lúc đó tôi đang bắt đầu gởi thơ đăng báo. Và chúng tôi không thể nào không chịu ảnh hưởng của các thi sĩ tiền chiến cũng như các thi sĩ thời kháng chiến. Quang Dũng, Hoàng Cầm đã đổi cách diễn tả trong thi ca, họ làm thơ phá thể, cũng như Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương. Nhưng quí vị trên còn rụt rè lắm. Họ đổi nhịp các câu thơ, viết câu dài câu ngắn khác nhau. Nhưng văn pháp, hình ảnh, vần điệu chưa thay đổi. Cách nhìn và cách cảm vẫn theonếp cũ. Phải đến Thanh Tâm Tuyền, Quách Thoại, Nguyên Sa mình mới thật sự thấy những cái mới, khiến mình sững sờ.

Lúc đó tôi và Trần Dạ Từ gặp nhau gần như hàng ngày. Trần Dạ Từ ở nhà Nguyễn Thụy Long. Bà mẹ Long nghèo nhưng bao dung cả lũ con cháu như chúng tôi. Nhiều buổi sáng tôi đói quá cũng sang nhà bác ăn chực, bác lúc nào cũng có chảo cơm chiên. Nguyễn Khắc Nhân, Viên Linh, Lê Đình Điểu,Dương Nghiễm Mậu vv… cũng la cà ở đó. Trừ Mậu, Điểu và Nhân thì chúng tôi đều rách ghê lắm. Chúng tôi có bài thơ, bài văn là đưa nhau đọc. Tôi thường trốn học đến nhà bác Long, nhất là nếu có bài thơ mới đem đến đọc cho Từ nghe. Thế rồi chúng tôi đọc thơ tiền chiến, đọc hoài đến thuộc lòng. Lửa Thiêng, Rừng Phong, Lỡ Bước Sang Ngang..vv. đọc đi đọc lại mãi, tất nhiên thơ của chúng tôi cũng chịu ảnh hưởng của các thi sĩ trước. Bất cứ thi sĩ trẻ nào cũng muốn vượt ra khỏi ảnh hưởng của đàn anh, đàn chị. Viết xong một bài thơ, ai cũng thấy thơ mình độc đáo, hay ho, đáng để lại cho muôn đời. Nhưng chỉ vài ba tháng sau có khi thấy ngay bài thơ đó không đáng giữ lại, vì không có gì mới.

Trong khung cảnh đó, chúng tôi đọc Quánh Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa và thấy họ mới lạ thật , nhất là Thanh Tâm Tuyền từ hồi anh ấy đăng thơ trong Lửa Việt và sau in tập thơ Tôi Không Còn Cô Độc. Chúng tôi dần dần thấy yêu thơ của họ. Tôi nói dần dần tức là mất một hai năm gì đó, chúng tôi mới bắt đầu thích thơ tự do thật sự. Và khi đã thích họ thì bắt đầu chúng tôi tự thấy mình tự do cứ viết như mình thích, không bị ảnh hưởng của các đàn anh tiền chiến đè nặng nữa.

Phải nói là thơ tự do lúc mới ra đời cò vẻ Tây, vì ảnh hưởng của các thi sĩ Pháp. Thời “thơ mới” xuất hiện cũng vậy. Cũng như Nguyễn Trải, Ngô Chi Lan, Nguyễn Bỉnh Khiêm từng bị ảnh hưởng thơ Tàu. Nhưng khi ngôn ngữ của họ đã chín mùi thì ảnh hưởng của Tàu cũng bớt đi. Giống như Huy Cận, Hàn Mặc Tử không tây như Xuân Diệu trong “Thơ Thơ”

Nhưng thơ tự do của anh em Sáng Tạo không thể có ảnh hưởng lớn như vậy nếu không nhờ hai yếu tố khác trong tạp chí đó. Một là các nhà văn Doãn Quốc Sĩ, Mai Thảo, Nguyễn Sĩ Tế vv…viết lý luận. Họ giúp cho tờ báo có bề thế, và nhờ vậy thơ tự do nổi bậc lên. Yếu tố thứ hai là sự đóng góp của các thi sĩ khác: Tô Thùy Yên, Duy Thanh, Phạm Nguyên Vũ, Kiệt Tấn, Mai Trung Tĩnh, Vương Tân vv…Họ tiếp tay cho những người mở đường và không ai còn cô độc nữa. Mấy năm sau đó thì các vị đàn anh như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng cùng góp thơ cho Sáng Tạo. Tờ báo nghiễm nhiên trở thành một tờ báo của Văn Học Miền Nam, không phải chỉ là một nhóm trẻ “tân thời” . Rất tiếc là thời đó chế độ Ngô Đình Diệm kiểm duyệt quá nặng nề nên tuy có tự do nhưng các văn thi sĩ vẫn chưa khai phá hết những cái mới. Tờ Sáng Tạo lại còn bị nhóm Văn Đàn của mấy anh em đảng Cần Lao đả phá, có khi chụp cho cái mũ cộng sản nữa. Tôi đã nêu ý kiến này trong một bài khác, nói chuyện thơ.

Tất nhiên ảnh hưởng của Sáng Tạo quan trọng nhưng những nhóm khác cũng đóng góp rất nhiều vào vai trò duy trì một nền văn chương rất đa diện, rất phong phú ở miền Nam Việt Nam. Phải, khi so sánh với văn chương miền Bắc chúng ta mới hiểu nền văn chương miền Nam giàu có và sống động hơn nhiều.

CHC: Anh có nghĩ rằng ngôn ngữ thi ca hôm nay, tại quê người đang dần dần bế tắc và “nhai lại” như một nhạc sĩ danh tiếng đã nhận định về nhạc ? 

ĐQT: Tôi không theo dõi tình hình ca nhạc với các tác giả mới nên không rõ mặt đó. Những bài mới của anh chị Hưng Ca, của Hoàng Quốc Bảo … cũng nhiều khám phá đó chớ ?

Tôi không nghĩ là thơ ca hiện nay ở nước ngoài đang bề tắc, nhai lại. Phải nói ngược lại mới đúng. Những người làm thơ trẻ bây giờ dùng ngôn ngữ trác tuyệt, mới lạ vô cùng. Đọc Ngu Yên thử coi. Ngu Yên làm thơ tưng bừng sung sướng, thoải mái. Tôi vẫn muốn viết về Tựa Đề Bên Trong và Hóa Ra Nét Chữ Lên Đường Quẩn Quanh mà chỉ sợ mình chưa thấm thía hết được những cái hay lạ trong ngôn ngữ Ngu Yên.

Thơ Nguyễn Bá Trạc thật vượt thoát, tự do đưa tiếng Việt vào miền đất lạ. Bắc Phong, Cao Đông Khánh vv… có tiếng nói độc đáo của họ. Chúng ta có bao nhiêu tiếng nói mới trong thơ ca. Nguyễn Mạnh Trinh, Lâm Hảo Dũng, Hoàng Xuân Sơn, Phan Ni Tấn chưa kể những người viết đã lâu như Chu Vương Miện, Thái Tú Hạp, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Đức Bạt Ngàn, Nguyễn Tất Nhiên, Trần Nghi Hoàng vv và vân vân. Trong lúc trả lời vội vàng cuộc phỏng vấn này không thể nhớ hết được. Kiệt Tấn làm thơ nghe cũng sướng quá trời.

Chính vì những thi sĩ đó mà tôi có ý nghĩ là dòng thơ văn hải ngoại cuối thế kỷ 20 này sẽ đóng góp vào lịch sử Văn Học Việt Nam nhiều hơn dòng văn học trong nước. Tôi mới đọc một tập thơ (của Thanh Thảo) và một tập ký (của Hoàng Phủ Ngọc Tường) xuất bản năm 1985 ở trong nước. Họ là những người có tài, đọc thì thấy rõ. Nhưng những tác phẩm của họ nghe tưng tức như người vừa nói vừa bịt mũi, bịt miệng, vừa lo nhìn trước sau. Họ muốn làm mới tiếng nói, làm mới văn chương. Nhưng không có tự do thì văn nghệ không thể có khám phá và sáng tạo được. Đọc một bài thơ sang bài sau thấy lối mòn và ngõ cụt.

Ở nước ngoài thì ngược lại. Không những mình tha hồ viết, tha hồ in, mà mình lại va chạm với văn thơ thế giới. Mình không còn phải trói mình trong qui thức của ngôn ngữ cũ nữa. Tất nhiên tự do cũng có nhược điểm, mình thấy báo lá cải, nhiều văn khiêu dâm, nhưng đó là cái giá phải trả để được tự do.

Còn sang thế kỷ 21 thì sao ? Tôi nghĩ đến lúc đó thì mình đã mang thơ văn ở hải ngoại về cho bà con trong nước đọc và nối tiếp dòng văn học Việt Nam chính thống từ thời Nguyễn Trải, Hồ Xuân Hương, không dứt đoạn. Lớp đàn em sanh bây giờ ở nước ngoài có thể trong 20 năm nữa chỉ còn 10 đến 20 phần trăm đọc thông tiếng Việt. Nhưng bà con trong nước họ vẫn đọc tiếng Việt. Mình viết cho tất cả mọi người Việt Nam đọc, đâu phải chỉ cho người ở nước ngoài ? Anh biết ông thi sĩ Nga Brodsky mới được giải Nobel năm rồi ? Hai tháng trước ông mới đến nói chuyện ở trường tôi, đại gọc McGill. Khi người ta yêu cầu ông tự đọc thơ, ông nhất định đọc bằng tiếng Nga, tiếng mẹ đẻ của ông, chứ không đọc bản dịch tiếng Anh. Ông đọc xong, có người khác đọc bản dịch. Sách của Pasternak ba chục năm sau dân Nga mới được đọc.Sách của Soljenitsyn chắc còn đợi năm mươi năm nữa mới về đến Nga. người Việt mình thì chắc lẹ hơn…Cán bộ cộng sản ra nước ngoài có khi dấm dúi mang về một tập thơ Ngu Yên khoe bà con. Tôi luôn luôn nghĩ đến viễn tượng đó. Vì vậy tôi ước mong anh chị em ở nước ngoài không nên nghĩ mình chỉ viết cho bà con ở Montréal, Paris, Sydney hay OrangeCounty đọc. Mình còn viết cho người Việt ở trong nước nữa. Bây giờ họ chưa được đọc thì mười năm nữa họ sẽ đọc. Khi họ đọc câu thơ: … “Mưa theo chân bước tà tà / mưa bình yên nối tiếp ta với trời” (Luân Hoán) những giọt mưa đó đâu nhất thiết là mưa ở Montréal ? Ở Đà Nẵng, ở Bạc Liêu…cũng vậy thôi. Như thế nghĩa là mình ở đây nhưng mình vẫn đóng góp cho tiếng Việt, người Việt khắp nơi, thời nay đời sau. Một ông bạn ở Sài Gòn viết thư nhắc nguyên văn một câu tôi đăng trên báo Văn Học ở California (một người nào ở Paris về đọc lại cho nghe). Nghe vậy khi tôi viết tôi tự thấy mình phải thận trọng hơn nhiều lắm.

CHC: Nghe tin nhà xuất bản Văn Nghệ ở Cali Hoa Kỳ vừa cho phát hành một tác phẩm của anh. Đây là tập thứ nhất anh cho ấn hành tại hải ngoại? Sách viết ở thể văn xuôi nhưng cũng đầy thơ ? Cũng xin anh cho biết động cơ nào thúc đẩy anh hứng khởi góp ý cùng các bậc cha mẹ hiện ở xứ người qua một tác phẩm giàu công sức và ý nghĩa nhưthế ?

ĐQT: Nhà Văn Nghệ mới in cuốn Yêu Con, Dạy Con Nên Người Việt gồm những bài tôi viết từ 1983-1984 đến 1987. Tôi không biết sách có vị thơ hay không, nhưng có lúc đọc lại những đoạn viết về mẹ tôi và cha tôi, tôi cũng rất cảm động. Đọc lại bài viết về bữa cơm gia đình cũng thấy lòng mình an hòa trở lại. Tôi nghĩ đó là đọc “văn mình” cho nên nó mới thấm thía như vậy.

Tôi khởi sự viết loạt bài trên khi đọc một bài báo cở California của anh Giao Chỉ năm 1983. Anh kể chuyện một đứa bé Việt Nam 13 tuổi phạm tội giết người. Tôi lo nghĩ hết sức. Tôi có ý mỗi bà con các nơi cùng thảo luận chuyện dạy chữ Việt hay dạy văn học lịch sử Việt. Nhưng là chuyện tập nếp sống thuần hậu của người Việt mà từ bé mình vẫn tập theogương tốt của ông bà cha mẹ. Khi suy nghĩ tiếp về chuyện trên tôi mới nhận ra văn hóa, truyền thống không thể học ở trong sách, mà ở chính mỗi người chúng mình. Khi có bạn hỏi thế nào là lối sống Việt Nam ? Tôi đề nghị mỗi người hãy nhớ lại hồi nhỏ của mình được ông bà cha mẹ dạy những gì. Từ hồi đó đến giờ mình vẫn bỏ ngoài tai, bây giờ thử nhớ lại và tập lại đi, tự nhiên các con nó sẽ học. Từ đó mới lại nhận ra rằng không thể giữ được truyền thống Việt nếu không có đời sống gia đình. Tôi viết ít bài về nếp sống gia đình. Điều rất cảm động là có nhiều vị đàn anh cũng như bạn bè đã khuyến khích tôi.Nhiều bài đã được các báo ở đâu đâu tự ý đăng lại mà không cho biết. Có bữa đến Tổ Đình Từ Quang gặp giáo sư Nguyễn Văn Phú, ông bảo ông vừa chụp một bài của tôi để gởi cho mấy người bạn ở Úc, ở Pháp. Có lần tôi nhận được thư của người bạn ở California anh nói: “Tòa báo chúng tôi đang đổi giờ làm việc, để anh chị em phải về nhà sớm ăn cơm tối với các con, theo đề nghị trong bài của ông” Tôi nghĩ chúng ta đều có nhu cầu củng cố gia đình. Ai cũng lo chuyện lớn như lập Viện văn hóa, chuyện đoàn kết cả triệu người Việt hải ngoại, nên ít có người lo chuyện nhỏ như làm sao cha mẹ bày tỏ tình yêu thương với con. Mà chuyện đó cũng quan trọng, mà hồi nào tới giờ mình không thấy mấy ai bàn đến chuyện đó.

Vì vậy tập tiểu luận của tôi thực sự là nói về tình yêu. Tôi không dám bàn về chuyện giáo dục nói chung. Tôi nhận thấy mình rất vụng về khi muốn tỏ cho các con thấy rằng mình yêu chúng. Mà nếu trẻ nó không yêu mình thì làm sao nó học nơi mình ?

Nói đến học, chúng ta thường nặng nề về phần lý trí. Chúng ta dùng nửa bên trái của khối óc để lý luận, phân tích.Nhưng dạy trẻ là tìm cách ảnh hưởng đến tác phong (behaviour) của chúng chứ không phải dạy cho chúng biết và hiểu mà thôi. Chúng ta chỉ dạy các con được nếu có thông cảm, có tình thương yêu. Vì vậy tôi nêu lên khẩu hiệu “ Gia Đình phải là một tổ ấm” . Tình cờ hồi 1984 bài “Tổ Ấm” được đăng ở báo Diễn Đàn, ở Paris, tôi được đọc cuốn tiểu thuyết từ trong nước gởi qua. Cuốn đó cũng mô tả sự tan rã của gia đình và đạo lý. Một nhân vật trong đó nói: ‘Phải biến gia đình thành một pháo đài cố thủ”. So sánh hai hình ảnh gia đình, một nghĩa là tổ ấm, một nghĩa là “pháo đài”. Rõ ràng hai tâm trạng, hai hoàn cảnh, hai cách suy nghĩ khác nhau. Chỉ mừng là ở trong nước cũng có người đang thắc mắc và lo lắng như mình. Từ đó mỗi lần tôi viết, tôi cũng nghĩ đến bà con trong nước nữa.

Tôi không dám nhận là cuốn sách mới in là hay lắm. Nếu có thì giờ đáng lẽ tôi sẽ viết lại hơn nửa. Vì khi viết để đăng báo tôi viết vội vàng. Trước khi nhà Văn Nghệ in tôi chỉ kịp cắt bớt một ít đoạn, sửa một ít câu. Nếu có ý định in sách thì tôi viết khác, có mạch lạc hơn và lời văn nhất quán hơn. Tôi chỉ hy vọng cuốn sách này có lợi vì nó gợi cho độc giả suy ngẫm , và chính khi suy ngẫm thêm quý vị sẽ tìm ra những dấu hiệu hữu dụng, thực tế mà tôi không hề nghĩ tới. Cũng có một vài bài tôi đang viết dở mà không kịp cho vào cuốn sách. Thí dụ về cái Tivi trong nhà, về cái đức cần kiệm . Tôi chỉ kịp viết thêm ít đoạn vào các bài đã có sẵn. Tôi muốn viết kỹ hơn về ngày giỗ, nói chuyện thêm về phúc đức ông bà, về liên lạc họ hàng, nhưng thật chưa có thời giờ bàn bạc với anh em nên chỉ nêu được một ít điều trong cuốn sách đó.

CHC: Không dám xin anh những ý kiến về thi ca, vì hình như anh đã hoàn tất tác phẩm “Nói Chuyện Về Thơ” ?Khi nào anh sẽ đọc giả được phép giữ trong tủ sách gia đình tác phẩm công phu đó ?

ĐQT: Loạt bài “Nói Chuyện Thơ” đăng báo từ 1985. Tôi vẫn còn đang viết dở, chưa biết bao giờ mới xong. Cuối năm 1986 thì tôi sang California, anh em Người Việt có dặn bao giờ xong để họ in. Tôi đâu dám từ chối. Tôi hy vọng sẽ viết thêm ít bài vào mùa xuân năm nay, khi học trò thi cử xong. Nói chuyện thơ thì nói hoài không hết. Không thể nói là “xong” được phải không ?

CHC: Số lượng thơ của anh trong mười năm nay hình như có phần giảm so với sức viết thời còn ở quê nhà. Phải chăng vì những bề bộn của cuộc sống mới. Hoặc vì phải dành thì giờ để thực hiện những công trình lớn hơn ? Có thể cho anh em biết dự tiúnh cho ngày mai của anh ?

ĐQT: Nhiều lý do khiến thơ ít viết hơn. Một là tuổi tác. Thơ phải bồng bột, hứng khởi, bất ngờ. Ở tuổi tôi, với công việc hàng ngày giây phút đó hiếm lắm.Tôi viết nhưng cơn hứng nguội thì lại bỏ đi. Một lý do nữa là hàng ngày phải nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt nói không đều, không tiếp xúc với anh em văn nghệ Việt Nam thì làm sao có hứng khởi làm thơ luôn chứ ?

Nhà Văn Nghệ đề nghị năm nay xuất bản một tập thơ của tôi. Có thể tôi sẽ chọn một số bài tôi viết ở Canada từ năm 1975 để in thành tập “Cỏ Và Tuyết” . Thơ cũ thì tôi phải sưu tầm. Anh Nguyễn Đăng Thường ở London (Anh quốc) còn giữ được ít bài thơ tôi đăng báo hồi 1960. Tôi cũng có dự định sẽ viết về 25 năm thi ca Việt Nam ở nước ngoài (1975-2000) vì vậy tôi có nhắn tin xin anh chị em gởi cho tôi những bài thơ đắc ý. Rất nhiều vị hưởng ứng. Thế là tôi mang một món nợ rồi. Chúng ta rất biết ơn anh Võ Phiến, khi anh có ý soạn bộ Văn Học Miền Nam từ 54 đến 75. Anh Viên Linh cũng có ý định đó Tôi muốn sang thế kỷ 21 bà con ở trong nước cần tài liệu thì mình có ngay cho họ kẻo rồi mấy chú cán bộ dốt nó viết tào lao chả ra gì cả.

CHC: Thay mặt đọc giả Sóng , thành thật cảm ơn anh Đỗ Quý Toàn và xin anh cho đọc giả đọc lại một bài thơ của anh. Bài gì có câu: “hai đứa ngồi đó như hai hòn bi” ấy. Tương cũng nên hỏi anh xuất xứ bài này.

ĐQT: Bài này được nhiều người biết vì anh Phạm Duy phổ nhạc hay quá xá. Vì anh mà nhiều người gọi tôi là “thi sĩ hai hòn bi” . Viết vào khoản năm 1959 in lần đầu trên báo Ngàn Khơi khoảng 1960-1961. Ngày đám hỏi tụi tôi, năm 1964 tôi đọc cho bạn bè nghe. Anh Phạm Duy có ở đó, bảo đưa anh đem về. Một tuần sau anh gặp tôi ở đường Lê Lợi dừng lại hát cho tôi nghe liền. Nghe chị Thái Thanh hát ở Đêm Màu Hồng đã lắm.




Chuyện Tình
Thơ Đỗ Quý Toàn

Ôi anh yêu em vì em biết nói
Em đã biết thưa em còn biết gọi
buổi sáng trời mưa khiến anh nhớ em
bây giờ trời nắng anh nhớ em hơn
ngồi xuống đây đi nghe chim đang hót
đồng cỏ bàn tay trời cao mắt ướt
khi ngó nhau thôi còn biết nói gì
hai đứa ngồi đó như hai hòn bi
có cánh hoa đẹp anh hái cho em
em không thèm nhận anh chết cho xem
và anh sẽ khóc miên man suốt ngày
ôi chả bao giờ buồn như bữa nay
này em yêu quý em có biết nghe
trên cánh đồng cỏ có con bò kia
nó kêu “bò” “bò” và nó ăn cỏ
trời hôm nay cao, yêu em, hỡi gió
và trên đỉnh đồi có cây to tướng
ở một cành ngang có một tổ kiến
có con đi ra có con đi vào
trời hôm nay nắng, yêu em xiết bao
này em yêu dấu em nào có hay
hồi nãy trên trời có con chim bay
có con chim nó bay qua trên trời
trời xanh đến thế đôi mình lứa đôi


*


Trích tạp chí Sóng, số 71 phát hành vào tháng 4 năm 1988

Ghi chú:
1/ Tạp chí Sóng (ISSN 08222-4266) là tờ báo của thuyền nhân Việt Nam (The Vietnamese Boat People’s Magazine), Chủ nhiệm Nguyễn Tăng Chương (nhà giáo). Chủ bút: nhà văn Minh Đức Hoài Trinh. Tòa soạn đặt tại thành phố Toronto Canada. Hiện nay báo đã đình bản.

2/ Nhà thơ Đỗ Quý Toàn còn dùng các bút danh Vương Hữu Bột, Đạo Cấy, Ngô Nhân Dụng…Hiện ông sống và làm việc tại Hoa Kỳ. Từng giữ chức Chủ bút tạp chí Thế Kỷ 21 trong nhiều năm. Bạn đọc có thể gặp bài viết của ông đều đặn trên tạp chí Thể Kỷ 21. Người Việt Oline qua các bài bình luận chính trị, kinh tế, văn học, câu chuyện bàn tròn vv…




Tác phẩm in tại hải ngoại






1
Yêu Con, Dạy Con Nên Người Việt
(tiểu luận, 1988)



2
Cỏ Và Tuyết
(thơ, 1989)



3
Đổi Mới Kinh Tế
(biên khảo)



4
Tìm Thơ Trong Tiếng Nói
(biên khảo, 1992)









Tác phẩm 



5



Đọc "Đứng Vững Ngàn Năm Của Ngô Nhân Dụng"


Nguyễn Hưng Quốc 



Tôi được Ngô Nhân Dụng tặng cuốn Đứng vững ngàn năm: Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc? vừa được Người Việt xuất bản trong chuyến đi California vừa qua. Lúc ở Cali, tôi đọc loáng thoáng được chương đầu. Rất thích. Nhưng vì quá bận bịu với bạn bè nên không thể đọc tiếp được. Tôi chỉ đọc trọn cuốn sách dày ngót 500 trang ấy trên chuyến bay từ Los Angeles về lại Sydney. Đọc say sưa. Nhờ thế, chuyến bay dài 15 tiếng tự dưng thấy ngắn hẳn lại.

Đây là tác phẩm biên khảo thứ tư của Ngô Nhân Dụng, sau ba cuốn đã in dưới nhiều bút hiệu khác nhau: Yêu con, dạy con nên người Việt (ký Đỗ Quý Toàn, 1987), Đổi Mới Kinh Tế: Thí nghiệm Cộng sản đã thất bại, Việt Nam đi về đâu? (ký Vương Hữu Bột, 1989) và Tìm thơ trong tiếng nói (ký Đỗ Quý Toàn, 1992) (1).

Nhìn vào danh sách bốn tác phẩm trên, nhận xét đầu tiên cần được rút ra là: Phạm vi nghiên cứu của Ngô Nhân Dụng thật rộng: Ông đi từ giáo dục đến kinh tế, lý thuyết văn học, và cuối cùng, lịch sử và văn hóa (hoặc, đúng hơn, nhân học, anthropology). Các tác phẩm thuộc các lãnh vực không những khác nhau mà có khi còn rất xa nhau, ngỡ như trái ngược hẳn nhau (như giữa thơ và… tài chính, chẳng hạn!)

Ngoài sự đa dạng, tất cả các cuốn sách ấy đều có hai đặc điểm chung: Thứ nhất, tính chất nghiêm túc trong học thuật. Được đào tạo có bài bản ở Tây phương, lại có kinh nghiệm giảng dạy ở đại học trong nhiều năm, Ngô Nhân Dụng nắm rất vững các phương pháp nghiên cứu, nên cuốn sách nào của ông cũng đều có độ dày về tài liệu, độ sâu của sự phân tích, sự giàu có của các chứng cứ và sự mạch lạc trong cách lý luận, tránh được những kết luận vội vã, võ đoán, xuất phát từ thành kiến quen thuộc thường thấy. Thứ hai, tính chất khám phá. Mỗi cuốn sách của Ngô Nhân Dụng đều mang lại cho người đọc nhiều phát hiện thú vị, hoặc trong tư liệu hoặc trong quan điểm hoặc trong cả hai. Dù chuyển dịch qua nhiều lãnh vực khác nhau, ở đâu Ngô Nhân Dụng cũng nghiên cứu kỹ lưỡng, cập nhật được những kiến thức mới nhất trong ngành và ở đâu ông cũng cố gắng đưa ra một cách nhìn khác, ít nhất so với giới cầm bút Việt Nam. Cái gọi là “cách nhìn khác” ấy hiếm khi được đẩy đến cùng, có lẽ do Ngô Nhân Dụng ngại sự “cực đoan”: Ông thường dừng lại ở thao tác tổng hợp để bao quát nhiều quan điểm khác nhau, từ nhiều góc độ khác nhau, hầu vẽ nên một bức tranh nhiều chiều và nhiều tầng. Đọc ông, nhờ vậy, người ta vừa thấy thích thú vừa thấy gần gũi. Ông không gây hấn với truyền thống và thành kiến, không đẩy người đọc vào thế đối lập. Ông chọn cách đối thoại khoan hòa và dung hòa.

Trong các tác phẩm của Ngô Nhân Dụng, cuốn sách mới nhất, Đứng vững ngàn năm, là cuốn sách hay và rất cần thiết. Nó vừa có ý nghĩa học thuật vừa có ý nghĩa chính trị: Nó trả lời được nhiều câu hỏi không những của giới nghiên cứu về lịch sử và văn hóa mà còn của mọi người Việt Nam bình thường trước tình hình chính trị, đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc hiện nay. Nhưng ở đây, tôi chỉ xin tập trung vào khía cạnh học thuật.

Đặc điểm đầu tiên của cuốn Đứng vững ngàn năm là sự mới mẻ.
Trước hết là sự mới mẻ trong đề tài. Thường, viết về lịch sử Việt Nam, hầu hết giới cầm bút đều tập trung vào thời kỳ từ thế kỷ thứ 10 trở về sau. Với thời kỳ trước đó, người ta chỉ thường nhắc một cách họa hoằn và thoáng qua. Lý do dễ hiểu: ít tài liệu. Đứng vững ngàn năm là một cuốn sách hiếm hoi tập trung vào cái vùng được xem là ít tài liệu và cũng ít được đề cập ấy. Trong cái vùng hoang vắng ấy, Đứng vững ngàn năm lại xoáy sâu vào một khía cạnh hầu như chưa có ai nghiên cứu thật sâu: tại sao, trước sự bành trướng dữ dội và liên tục của Trung Hoa, trong khi các sắc dân khác ở Quảng Đông, Vân Nam và nhiều vùng khác đều lần lượt bị thôn tính và đồng hóa, Việt Nam vẫn có thể đứng vững và cuối cùng, giành được độc lập sau cả ngàn năm Bắc thuộc? Đã có nhiều học giả tìm cách trả lời câu hỏi ấy. Ví dụ, với Trần Trọng Kim, đó là nhờ nghị lực và tính chất riêng của người Việt; với Lê Thành Khôi, nhờ người Việt có tiếng nói riêng; với Keith Taylor, ngoài yếu tố ngôn ngữ, người Việt còn có một sức mạnh khác: Phật giáo; với Lê Mạnh Hùng, nhờ Việt Nam có dân số đông và một nền kinh tế dựa trên nghề trồng lúa nước vững chắc (tr. 12).
Câu trả lời của Ngô Nhân Dụng không hoàn toàn mới mẻ nhưng có tính chất bao quát và sâu sắc. Ông không tin vào một lý do duy nhất (tr. 13). Ông cho sự tồn tại của dân tộc Việt Nam xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Theo ông, lòng yêu nước và tinh thần bất khuất tuy cần, rất cần, nhưng không đủ để bảo vệ một quốc gia. Cả ngôn ngữ cũng vậy. Hầu hết các dân tộc phía Bắc Việt Nam, tuy cũng có tiếng nói riêng, nhưng cuối cùng, đều bị người Hán nuốt chửng, và trở thành một tỉnh hay một quận của đế quốc Trung Hoa mênh mông hiện nay. Lập luận của Ngô Nhân Dụng được xây dựng dựa trên một giả thuyết: trước và trong khi tiếp xúc với Trung Hoa, “[đ]ời sống tập thể của dân Việt phải có những cơ cấu khá vững chắc làm nền tảng thì mới có sức đề kháng trước làn sóng văn minh Trung Hoa” (tr. 359).
Cái gọi là “cơ cấu vững chắc” ấy bao gồm: “Nhiều yếu tố kinh tế, xã hội và văn hóa tạo nên sức mạnh của dân Việt, làm vốn liếng để xây dựng được ý thức dân tộc mạnh mẽ và bền bỉ. Sức mạnh của dân Việt nằm trong một mạng lưới xã hội là thôn làng (người); trên căn bản kinh tế đủ phong phú (đất); và trong những tín ngưỡng (thần) giúp người Việt thêm tin tưởng vào giá trị văn hóa của mình, tự phân biệt với các quan lại và quân lính đô hộ” (tr. 360).
Giữa cái gọi là “cơ cấu vững chắc” và tinh thần bất khuất, yếu tố nào quan trọng hơn? Dường như Ngô Nhân Dụng phân biệt hai khía cạnh và hai giai đoạn khác nhau: Trong việc bảo vệ bản sắc dân tộc trước âm mưu đồng hóa của Trung Hoa, “[y]ếu tố quan trọng nhất giúp tổ tiên người Việt không bị Hán hóa có lẽ là, trước khi người Hán tới, họ đã có sẵn một nền nếp tốt đẹp trong cuộc sống chung, gọi là văn minh” (tr. 14). Nhưng trong việc giành độc lập thì “yếu tố quyết định vẫn là ý chí vững chắc, một ‘cái nghị lực riêng’ muốn sống như một dân tộc, dù chỉ là một quốc gia nhỏ bé; chứ không chịu sáp nhập vào một đế quốc lớn mạnh” (tr. 384).
Ngoài ra, Ngô Nhân Dụng cũng nhận ra một yếu tố khác nữa mà vì tự ái dân tộc ít ai nghĩ đến: sự may mắn. Việt Nam ở xa, bị ngăn cách với các trung tâm quyền lực và văn hóa của Trung Hoa bằng những vùng núi non hiểm trở; hơn nữa, khí hậu lại khá khắc nghiệt; cả hai yếu tố địa lý và khí hậu ấy biến thành “những hàng rào ngăn cản khiến người Hán bành trướng xuống tới biên giới nước Việt thì bị ngăn lại” (tr. 14, 176, 179 & 359).
Khi phân tích sự tồn tại của Việt Nam sau một ngàn năm Bắc thuộc, Ngô Nhân Dụng cũng nhấn mạnh một điểm ít người để ý: trong lịch sử, người Việt Nam không những giữ được bản sắc văn hóa riêng mà còn có khả năng đồng hóa ngược lại những người Hoa di dân đến Việt Nam: Tất cả đều dần dần biến thành người Việt; hơn nữa, họ còn góp phần bảo vệ và xây dựng Việt Nam trước những âm mưu xâm lăng cũng như đồng hóa của Trung Quốc, như trường hợp của Lý Bôn, tổ tiên nhà Trần, Vũ Phương Đề, Trịnh Hoài Đức, v.v.. (tr. 15-6, 306-337).
Tuy nhiên, cái hay và cái mới nhất của cuốn sách không phải ở các luận điểm lớn và chung chung vừa nêu: Chủ yếu chúng nằm ở độ sâu và độ rộng của sự phân tích. Ngô Nhân Dụng tránh được hai khuyết điểm thường thấy trong giới nghiên cứu lịch sử và văn hóa Việt Nam: Một, nhìn mọi hiện tượng ở Việt Nam như những gì biệt lập; và hai, như hậu quả của khuyết điểm ấy, hay có khuynh hướng cường điệu hóa một số mặt mạnh hoặc sự độc đáo nhằm thỏa mãn tự ái dân tộc hơn là tìm kiếm sự thật. Tránh được hai khuyết điểm ấy, một phần, có lẽ do tầm nhận thức, chủ yếu là tầm nhận thức của người sống giữa các nền văn hóa, do đó, có thói quen nhìn mọi vấn đề ở phạm vi toàn cầu; phần khác, theo tôi, quan trọng hơn, do phương pháp nghiên cứu mà Ngô Nhân Dụng lựa chọn: nó thuộc về lãnh vực nhân học (anthropology) hơn là lịch sử. Các nhà nghiên cứu lịch sử thường bị giới hạn trong một phạm vi hẹp: sự kiện; với một nguồn tài liệu cũng hẹp: ngôn ngữ (chủ yếu là ngôn ngữ viết, chỉ có trong khẩu ký sử - oral history - mới sử dụng nhiều loại ngôn ngữ nói – dưới hình thức phỏng vấn); giới nghiên cứu nhân học có tầm hoạt động có tính chất liên ngành, từ lịch sử đến khảo cổ học, ngôn ngữ học, kinh tế học…, và nhắm đến một đối tượng lớn hơn: con người, và sau con người, văn hóa. Với một đối tượng lớn như thế, ngành nhân học đòi hỏi cái nhìn vừa có tính so sánh (comparative perspective) vừa có tính chỉnh thể luận (holistic perspective) tức luôn luôn tập trung vào chức năng và quan hệ giữa các đối tượng được khảo sát.
Ví dụ, viết về vai trò của tín ngưỡng dân gian và các tôn giáo, đặc biệt về Phật giáo, Ngô Nhân Dụng không hề đề cao các tín ngưỡng hay các tôn giáo ấy, xem chúng hay hơn các tín ngưỡng và tôn giáo ở những nơi khác. Ông chỉ tập trung vào các chức năng xã hội và chính trị của các tín ngưỡng và tôn giáo ấy: Một, chúng giúp người ta thấy mình khác với các sắc dân khác, nhất là những sắc dân đang xâm lược và đô hộ mình; hai, chúng giúp nuôi dưỡng niềm tự tin và tự hào dân tộc; ba, chúng tạo nên tình liên đới và sự đoàn kết giữa những người đồng chủng đang chịu khổ đau và áp bức; bốn, các cơ sở thờ phượng đóng vai trò đào tạo lớp người có học để sau đó, họ trở thành những kẻ lãnh đạo trong các cuộc đấu tranh cho độc lập cũng như trong việc xây dựng đất nước; và cuối cùng, tín ngưỡng và tôn giáo khiến người ta can đảm hơn, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa khi cần thiết. Nhìn vấn đề như vậy đã hay. Nhưng Ngô Nhân Dụng không chỉ dừng lại ở các phân tích như thế. Khác với hầu hết các nhà văn hóa học Việt Nam, ông mở rộng tầm nhìn sang nhiều nước khác trên thế giới, như Kosovo, Ireland, Nam Sudan và Ba Lan để thấy ở những nơi khác, tín ngưỡng và tôn giáo cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc hình thành dân tộc. Chứ không riêng gì ở Việt Nam.
Như vậy, không nên đọc Đứng vững ngàn năm như một tác phẩm sử học (history). Đọc thế là một thiệt thòi cho cuốn sách và cho cả tác giả: Từ góc độ sử học, Ngô Nhân Dụng không có phát hiện quan trọng nào về tư liệu. Ông đọc nhiều, nhớ nhiều, diễn đạt một cách mạch lạc và sáng sủa diễn tiến các câu chuyện được đề cập. Nhưng ông không phải là người đầu tiên khám phá ra những tư liệu ấy. Tôi nghĩ nên đọc Đứng vững ngàn năm như một công trình có tính chất nhân học (anthropology), ở đó, giá trị của nó chủ yếu nằm ở việc phát hiện ra các quan hệ và các chức năng của những yếu tố có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa, đặc biệt đến tính cách của người Việt, từ đó, giải thích sự tồn tại kiên cường của người Việt trước các đe dọa đến từ phương Bắc. Từ góc độ nhân học, đây là một công trình nghiên cứu mới mẻ, sâu sắc. Và hay.
Đặc điểm thứ hai của cuốn Đứng vững ngàn năm là ở tầm rộng. Rộng ở nguồn tư liệu: Chúng được viết bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, từ tiếng Việt đến tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và chữ Hán; thuộc nhiều lãnh vực khác nhau, từ lịch sử đến khảo cổ học, văn hóa học, ngôn ngữ học, chính trị học, kinh tế học, … (2) Rộng ở phạm vi quan sát và đối chiếu. Dường như với bất cứ vấn đề gì, Ngô Nhân Dụng cũng nhìn quanh trên thế giới để phát hiện những sự tương đồng và dị biệt. Nói đến vai trò của tiếng Việt trong việc bảo vệ độc lập cũng như bản sắc văn hóa của Việt Nam, ông so sánh nó với những gì xảy ra ở Pháp, Tây Ban Nha, Nam Tư, Canada (đặc biệt vùng Québec), Do Thái, Phần Lan, v.v.. So sánh như thế, Ngô Nhân Dụng thấy được hai khía cạnh quan trọng: Thứ nhất, ở đâu ngôn ngữ cũng có tính chính trị và một sức mạnh mãnh liệt trong việc tạo nên cộng đồng và dân tộc; và thứ hai, yếu tố chính quyết định sức sống bền vững của một ngôn ngữ không hẳn là vì nó “hay” hơn các ngôn ngữ khác mà chủ yếu, một phần, nó gắn liền với tình cảm sâu kín của con người; phần khác, nhờ các mạng lưới xã hội giúp duy trì ngôn ngữ ấy. Riêng trong trường hợp của Việt Nam, mạng lưới ấy chính là nếp sống quần tụ trong các làng xóm với những quan hệ lâu đời chồng chéo ít nhiều biệt lập với chính quyền trung ương. (tr. 202)
Nhưng tầm rộng đáng kể nhất trong cuốn sách của Ngô Nhân Dụng là ở tính khái quát. Ông đọc nhiều, ở đâu cũng trưng ra thật nhiều dẫn chứng nhằm củng cố cho lập luận của mình nhưng ông không quá sa đà vào các chi tiết. Bao giờ ông cũng muốn đẩy các nhận định lên một tầm khái quát thật cao, do đó, đọc ông, chúng ta không những nhìn thấy được nhiều sự kiện mà còn nắm bắt được một số quy luật chung nhất xuyên suốt toàn bộ lịch sử một nước, một khu vực hoặc trên cả thế giới nói chung.
Ví dụ, ông nhấn mạnh: Trước thế kỷ 20, Trung Quốc không phải là một dân tộc-quốc gia (nation-state) và người Trung Quốc cũng không có ý thức về dân tộc. Chữ “quốc”, trong chữ Hán, được dùng để chỉ một triều đại. Có thể nói, người Trung Quốc, tự bản chất và ngay từ khởi thủy, một mặt, đã có tinh thần “quốc tế chủ nghĩa” không nhằm xây dựng quốc gia chỉ trên nền tảng sắc tộc; mặt khác, đã mang máu đế quốc, muốn xây dựng đất nước trên nền tảng tư tưởng “bình thiên hạ”. Tư tưởng dựa trên “thiên hạ” ấy có ba hệ quả: Một, không bị ngăn cản bởi những sự phân biệt chủng tộc và sắc tộc, văn minh Trung Hoa dễ bành trướng; hai, người Trung Hoa tương đối dễ chấp nhận sự thống trị của các dân tộc khác (ví dụ, người Mông Cổ hoặc người Mãn Thanh) (ít nhất “dễ” hơn so với người Việt Nam); và ba, khi chiếm và đô hộ Trung Hoa, dưới quan điểm “thiên hạ vi công” (thiên hạ là của chung) như thế, giới thống trị từ nước khác đến rất dễ mất cảnh giác về bản sắc văn hóa gốc của mình; hậu quả là, qua nhiều thế hệ hoặc nhiều thế kỷ, dần dần bị tan hòa vào nền văn hóa của người Hán, nghĩa là bị Hán hóa, và, cuối cùng, mất luôn cả nước (đó là số phận của cả người Mông Cổ lẫn người Mãn Thanh).
Một ví dụ khác, Ngô Nhân Dụng phân biệt ba loại đế quốc: Một loại dựa trên vũ lực (như người Mông Cổ), một loại dựa trên tôn giáo (như người Ả Rập) và một loại dựa trên văn hóa, trong đó quan trọng nhất là chữ viết và các thiết chế chính trị cũng như xã hội (như người La Mã và Trung Hoa). Trong ba loại ấy, loại dựa trên vũ lực có số phận ngắn ngủi nhất, loại dựa trên tôn giáo có hiệu quả hơn nhưng không lâu dài và chắc chắn cho bằng kiểu bành trướng và thống trị dựa trên văn hóa với những định chế chính trị và xã hội riêng (tr. 138, rải rác trong các trang 284-303). Trong cách nhìn như thế, chiến thắng của Việt Nam đối với Champa và Khmer cũng có thể được giải thích như là chiến thắng của “mô hình tổ chức quốc gia lối Trung Hoa” đối với “mô hình Ấn Độ” (tr. 281). Nói cách khác, người Việt Nam, một mặt, dùng truyền thống bản địa để chống lại nước láng giềng khổng lồ ở phía Bắc, nhưng mặt khác, lại dùng các bài học từ phương Bắc để chiếm hữu, cai trị và đồng hóa các dân tộc láng giềng khác ở phía Nam.
Tất cả các điểm vừa nêu có thể không do Ngô Nhân Dụng phát hiện. Nhưng không phải ai cũng đọc rộng và nhạy bén đủ để tìm thấy các phát hiện ấy, hơn nữa, không phải ai cũng biết cách vận dụng các quan điểm ấy để làm tăng thêm chiều sâu và độ dày cho cách lập luận của mình khi tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Cái tài của Ngô Nhân Dụng, với tư cách một nhà biên khảo, nằm ở khả năng tìm kiếm và vận dụng tài liệu như thế.
Đặc điểm thứ ba của cuốn Đứng vững ngàn năm là ở sự lạc quan. Từ kinh nghiệm Việt Nam không bị Hán hóa sau một ngàn năm Bắc thuộc, Ngô Nhân Dụng tự tin là, trong hiện tại cũng như trong tương lai, về phương diện chính trị, dù Trung Quốc đe dọa đến mấy, người Việt Nam cũng không thể bị mất nước được; về phương diện văn hóa, dù áp lực của toàn cầu hóa nặng nề đến mấy, văn hóa Việt Nam cũng không thể bị mất gốc được; và về phương diện ngôn ngữ, dù phải vay mượn các thứ tiếng khác nhiều đến mấy, tiếng Việt vẫn giữ được bản sắc riêng của nó. Trong từ vựng. Trong cú pháp. Cũng như trong tinh thần.
Tính chất lạc quan ấy thể hiện rõ ngay trong kết cấu của cuốn sách: nó mở đầu bằng chương “Đứng vững không khuỵu chân”, như một quyết tâm, và kết thúc bằng chương “Vang vang trời vào xuân”, như một tiếng reo mừng; mở đầu bằng mấy câu thơ trong tù của Thanh Tâm Tuyền và kết thúc bằng mấy câu thơ “tràn ngập tin yêu” sau khi ra khỏi nhà tù của Tô Thùy Yên: “Tiếng biển lời rừng nao nức giục / Ta về cho kịp độ xuân sang” (tr. 442).
Đọc, tự dưng tôi bâng khuâng hỏi thầm: “Ta về”, nhưng “ta” là ai và “về” đâu nhỉ?

Ừ, thì hỏi vậy thôi (3).

Chú thích:
Không kể các tập thơ, ký dưới tên Đỗ Quý Toàn, đã được xuất bản ở Việt Nam trước 1975 cũng như ở hải ngoại.
Ở đây, cần ghi nhận khuyết điểm lớn nhất của cuốn sách là thiếu hẳn phần tài liệu tham khảo và xuất xứ của các tài liệu.



































Trở về







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.