Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2017

Ngu Yên
















Ngu Yên

Tên thật: Nguyễn Hiền Tiên
(20/11/1952 -.......) Bình Định

Nhà thơ, Nhạc sĩ




















Câu chuyện Ngu Yên

Ngu Yên là hai tĩnh từ, ngu nhu ngu dại, yên như yên bình, nghĩa là ngụp lặn phù sinh, ngu cho trí óc tâm hồn yên vui. Ngu không có nghĩa là đui, yên không có nghĩa là buông xuôi cuộc đời.

Ngu Yên nối một danh từ. "Nguyên" là kết cuộc vẫn như khởi đầu, trộn nhào qua loạn biển dâu, xác tuy sứt mẻ hồn hầu như nguyên, nghĩa là bám chặt nhịp tim, đến giờ hấp hối điềm nhiên nụ cười.

Ngu Yên không giống động từ, bởi khi linh hoạt giống như im lìm, mới nhìn tưởng ngủ lim dim, nhung trong thức mộng nỗi niềm xôn xao. Có người giận hỏi tại sao ? Thưa, đang theo dõi chiêm bao tuyệt vời.

Nếu người nào tưởng nói chơi, kề tai ngực hắn nghe lời thật tâm, nhưng xin báo trước đừng lầm, thơ theo ngôn ngữ tâm thần ngoài thơ. Nói ra không phải giả vờ, chính ta đây cũng nghi ngờ Ngu Yên.










Tiểu sử tự thuật của Ngu-Yên:



Ngu-Yên tên Nguyễn hiền Tiên
Quê quán Bình Định, gốc miền Kim Châu
Kể rằng thân thế khởi đầu
20 tháng 11 sinh vào 52
Mặt mày trên mức xấu trai
Học hành đại khái, ngày ngày rong chơi
Nuôi hoài bão nhưng biếng lười
Nên thường lấp liếm vài lời cuồng ngông
Sinh ra tâm tính lông bông
Lớn khôn chỉ giỏi bềnh bồng nổi trôi
Giữa cơn binh loạn đổi đời
Xuôi dòng tản lạc thành người lưu vong
Tháng ngày sồi sụt long đong
Vui buồn thơ động tiếng lòng nghêu ngao.

Từ nhỏ tôi khoái chiêm bao
Lớn lên ghiền mộng, tuổi nào cũng mơ
Mộng mơ phải tiết thành thơ
Rồi thơ tinh quái phỉnh phở cả tôi
Từ thơ quấn quít lôi thôi
Tình trôi vào ý, ý trôi vào lời
Lời trôi nhâng nháo vào đời
Đời trôi uất kết hóa người Ngu Yên.

(trích)










LÊ THỊ HUỆ

Ngu Yên,
Người Tạo Tiếng Động


Ở sâu trong ngõ hẹp của một đường phố thấp nhất Đà Lạt, phố Phan Đình Phùng, căn phòng cuối ngõ eo cong vòng vèo là một phòng trọ sinh viên rộn ràng ấm cúng rộng hơn những gác trọ nhỏ bé bình thường, phòng trọ của hai chị em Ngọc Loan và Ngọc Phụng

Có một dạo thanh xuân tôi đã đến đấy rất thường hằng. Sáng trưa chiều tối. Đôi khi ngủ đậu đò qua đêm. Phòng trọ vài thước vuông cuối lũng sâu nhưng rất xanh biếc Đà Lạt ở chỗ sau vườn nhà có dậu cây lá mọng sương và nước. Bên trong căn phòng, hiên Tây kê một cái bàn học, mái Đông có cái bàn son phấn với hàng son môi nhiều mầu son nhất Đà Lạt con gái thời bấy giờ. Sát vách tường Nam với cái cửa sổ trông ra hàng hiên có cái phản gỗ. Cái phản gỗ ấy là nơi phát sanh ra những âm nhạc động đậy chách chùm nhất của căn phòng. 

Phòng trọ nữ sinh viên xa nhà. Hai chị em và cái buồng tiểu thư to tát chiếm hết một nửa cơ đồ. Tấm màn vải hoa có những cái móc thiếc sơ sài kéo qua kéo lại là thế giới phân cách bên trong con gái và bên ngoài con trai. Đúng vậy, cái phòng trọ ấy luôn luôn tràn ngập những tiếng động con trai và con gái. Có những ngày trốn học trên Viện Đại Học Đà Lạt, tôi về phòng trọ này chui vào trong buồng nằm giữa ngọ mà ở bên ngoài thì có nhiều tiếng cười nói của Tiên, Tài, Nhượng, Chức, Hoàng, Hiền, Phụng, Loan, Mai, Tú.... Có những lúc tôi đến bất ngờ và thấy những thiếu nữ đang nằm im trong giường mà bên ngoài thì có một thư sinh đang ngồi im lặng lừ đừ khủng khiếp. Có những ngày đông Đà Lạt lạnh nhẹ nhàng, bốn chúng tôi, Ngọc Phụng, Ngọc Loan, Công Huyền Tôn Nữ Anh Tú, và tôi rúc vào nhau tìm hơi ấm trong chăn nệm của chiếc giừờng. Cái giừờng bình thường chỉ cho hai chị em, nhưng có những khi bốn đứa con gái nằm cũng vừa vặn. Chúng tôi vừa rúc rích cười giỡn giữa tiếng đàn hát của một thanh niên đang ngồi trên chiếc phản gỗ ở bên ngoài buồng con gái và ca hát. Chàng Trương Chi của bầy con gái Mỵ Nương đại học Đà Lạt chúng tôi thời bấy giờ chính là Ngu Yên. 

Người tình của một trong hai chị em là Ngu Yên. Từ khi biết Ngọc Phụng và Ngu Yên là tình nhân nhau, bao giờ đến phòng trọ Phan Đình Phùng, tôi cũng bắt gặp Ngu Yên đang ngự ở đấỵ Chàng thường trực khoanh chân Phật non trên chiếc phản gỗ, quàng vận những bộ áo quần cũng tuyển chọn. Khi điệu đàng thời thượng nhảy đầm. Khi cà sa trắng khác đời. Bức tường sau lưng chàng thỉnh thoảng dán những bài thơ. Nghe nói chàng đang là thư sinh trường Luật Sài Gòn. 

Nhưng dù chàng ca hát hồn nhiên, tôi thì chả hồn nhiên nhìn cái hình ảnh một tên con trai sống giữa bầy con gái. Khoảng cách chỉ là một bức rèm vải, Tôi con gái đa nghi. Chàng ngồi ngoài này niệm ca gì đó một mình. Và bên trong chiếc buồng kia có con gái đang ngủ một giấc mười giờ sáng. Chỉ một tấm màn hoa thô sơ. Tôi để ý mỗi khi con gái trong nhà bầy đàn đông đảo chàng đàn hát nhiều hơn và nói năng trêu gọi gái trai dòn giã hơn. Nhưng hơn cả sự lộ liễu đam mê tiếng hát người tình và yêu cây đàn, chàng còn có cái vẻ mê đủ thứ con gái trong cách không che dấu nổi hào hứng khi ngồi giữa rất đông con gái đàn hát liên miên và nói liên tu bất tận về đủ thứ nhân sinh trên đời. Tôi đọc thấy ở khuôn mặt đàn ông này một sự cầm cự nào đó rất mãnh liệt trước những người con gái. Đôi khi tôi hơi ái ngại nhìn bồ của bạn mà tự hỏi không biết trong cái đầu ấy thực lòng hắn yêu ai: yêu em, yêu chị, yêu cả hai, hay yêu tất cả chúng tôi, những đứa con gái đã đến ăn, ngủ, nghỉ, chơi, ở cái phòng trọ sinh viên trong hẽm sâu Phan Đình Phùng Đà Lạt thời ấỵ

Ngu Yên khởi sự là một Trương Chi mê tiếng hát Ngọc Phụng. Thời sinh viên chàng mê hát hỏng đến độ không phải là sinh viên Đà Lạt mà lại trở thành một trong những người tổ chức văn nghệ trên Viện Đài Học Đà Lạt miết thôi. Ngu Yên đã sáng tác rất nhiều nhạc trước khi sáng tác rất nhiều thơ. Mãi nhiều năm sau này khi xa rời Việt Nam đã lâu năm, tôi mới trầm tư ngồi mở những bài thơ của Ngu Yên ra đọc để tìm kiếm cái nốt nhạc mà Ngu Yên vẫn thường miệt mài sáng tác cho chúng tôi nghe những sáng tác tròn veo giọng Bình Định ở trỏng. Tôi có dịp lớn lên ở Bình Định, tôi có dịp là bạn của Ngu Yên lâu năm đủ để nhìn thấy bạn tôi đúng là người chuyển âm tiếng nói của quê hương Bình Định chàng. Giọng Bình Định khác giọng hò ơi ru tình tình ru của mùa đông xứ Huế . Giọng Bình Định không thể lẫn vào thể điệu vọng cổ ngọt buồn của những đêm khuya thanh vắng Phương Nam. 

Thi sĩ là người chuyên chở ngôn ngữ của quê hương hắn. Thi sĩ thì nên có cái tai của một nhạc sĩ. Một bài thơ không thể gọi là hay nếu không chuyên chở được nhiều hay vài nốt nhạc của ngôn ngữ nó. Kẻ thưởng thức thơ sắc sảo thường nắm bắt được gốc quê của thi sĩ và thưởng thức ngay nét đặc sản này. Có những âm Bắc nằm trong thơ ai đó đọc lên là thấy giọng của người Sơn Tây. Có những câu thơ chở theo cái âm vang của thứ ngôn ngữ không thành lời chỉ đọc trong đầu mà không phát ra tiếng, thơ của những người đọc (sách) nhiều hơn nói (thành lời). Ngu Yên chuyên chở giọng thơ Bình Định. Giọng nói đã sản xuất ra điệu hát Bài Chòi Bình Định.

Thổ âm Bình Định tràn đầy nét sinh hoạt riêng của nó đã đổ ra ngập lụt chữ nghĩa trong thơ Ngu Yên. Những bài thơ không giống những thi sĩ của các miền khác trên đất nước. Mà chuyên chở âm điệu một vùng miền Trung từ Qui Nhơn Bình Định qua đèo Cù Mông vào đến Tuy Hoà Phú Yên, lân la Ninh Hòa, và còn bao luôn cái thổ âm của dân Khánh Hoà Nha Trang. Đây là một vùng địa lý có cùng một âm ao giống nhau.

Cái thổ âm gọn gần mà Ngu Yên phát biểu đậm nét trong nhạc lại đôi khi rất khó thấy trong thơ. Thơ Ngu Yên lập ngôn riêng một cõi. Cõi thơ âm một gọn gần trần trụi Bình Định.

Thơ Ngu Yên phản ánh loại ngữ ngôn một âm, gần và gọn. Tôi gọi đó là cõi thơ âm một. Thơ âm một thẳng, chật, hàng dọc, chứ không phải thơ của âm hai luyến láy hàng ngang. Nội lực của thơ âm một chất chứa trong cái thẳng, gọn, dựng đứng theo kiểu thơ Haiku của Nhật. Có lẽ Ngu Yên là nhà thơ Việt Nam đầu tiên khai thác và xử dụng thơ âm một của vùng Bình Phú Khánh này một cách đáng chú ý. Cũng như Bùi Gíang đã sản xuất ra những vần thơ ồn ã leng keng của giọng thơ tôi gọi là âm một rưỡi của các xứ Quảng.

Khác với thơ âm hai với những từ láy của một số miền phổ thông trên đất nước. Cái nổi tiếng của từ láy hai âm lâu nay đã tạo dựng nên chiếc áo của lục bát lan tỏa âm thanh Việt Nam. Thay vì nói "quanh" người ta yêu chất láy lung nó thành "quanh co", "quanh quẩn", "quanh quanh", "quanh quất", "quanh queo", "quanh quéo"... Và từ đó những câu thơ đẹp phun châu nhả ngọc thành lời: "Kẻo còn quanh quẩn những lời" (Nhị Độ Mai), "Em e ấp nấp mình sau đá, để cái nhìn vòng vẹo quanh co" (Nguyễn Duy), "Đường vô xứ Nghệ quanh quanh" (ca dao), "Nguyên người quanh quất đâu xa" (Nguyên Du)....

Những câu thơ không chơi chữ mà là chữ chơi. Ngu yên chơi với chữ. Tếu với chữ. Cay với chữ. Lý với chữ. Tình với chữ. Vọc chữ. Cầm chữ lên thả qua thả lại như chơi cờ tướng, như chơi ô quan. Chữ của Ngu Yên là chữ gần. Chữ lượm ra từ đời thường quanh ta. Chữ trong những ngón tay thon và dài của Ngu Yên là cây xoáy lỗ tai cầm lên ngoáy một phần thân xác cho đã ngứa, rồi mới leo qua đèo trí óc biến "hóa ra nét chữ lên đàng quẩn quanh", thành hồn thơ, nên thi ca. 

Nếu âm thơ là lớp áo phù hoa bên ngoài thì hồn thơ là thân xác làm cho áo hoa này sáng rực rỡ nghệ thuật chữ nghĩa hơn. Hồn thơ của Ngu Yên là cái gì. Là tô phở tái. Là mê gái. Là dâm dục. Là thiền sư. Là qủy sứ. Là người hiền. Là kẻ khó tính. Là người dễ yêu. Là tào lao. Là lao động. Là thiền. Là trí thức. Là tầm thường. Là vĩ nhân. Là sáng tạo. Là giàu sang. Là nghẻo nghèo ngheo. Là một người trong bọn chúng tôi. Phải. Nếu cần chọn một trong những kẻ đại diện, tôi không ngần ngại chọn Ngu Yên là một trong những người nam tiêu biểu cho thế hệ chúng tôi.

Thơ Ngu Yên trước hết là nội công của trí lực. Sự vận động của thơ Ngu Yên chuyên chở cái truyền thống thơ nhân sinh quan. Cái trí lực của Ngu Yên là thơ đi tìm một, hay nhiều ý nghĩa nào đó, của đời sống. Hợp âm thơ của Ngu Yên có cái tinh quái nhìn đời của Nguyên Khuyến, cái vịnh đời đắng cay của Nguyên Công Trứ, cái lèng èng vô tâm của Bùi Giáng, cái lơ mơ xuất thần của Nguyễn Đức Sơn, hay chính cái sung mãn vọng động của Ngu Yên. Bắp thịt cơ dưới những con chữ của các nhà thơ này cuồn cuộn cái triết lý sống mà đọc hết toàn bộ gia tài thơ của họ, chúng ta sẽ kiếm ra được một người đàn ông Việt Nam của thời đại họ đang cư ngu.. 

Ngồi giữa bạn bè, Ngu Yên thường chọn ngay cho mình cái vị thế là kẻ ca hát đàn sáo. Trong tiếng động sáng tạo đời Ngu Yên chọn làm thi nhạc sĩ. Trong đời thường Ngu Yên là người nói nhiều. Tiếng động của một thi nhạc sĩ thích nói, chắc chắn là thứ hợp âm tuyển chọn đặc biệt có trình độ âm thanh riêng biệt hơn bình thường. Sự riêng biệt này của Ngu Yên ở vào số ít những kẻ lãnh đạo khai phá thường thấy ở những tài năng sáng tạo lớn. Trong thơ và nhạc của Ngu Yên, chàng dám mạo hiểm xuất phát theo những tiếng gọi vào kinh nghiệm của sự đa tài mình. Hợp âm Bình Định có thể chưa quen thuộc như hợp âm Hà Nội, hợp âm Sài Gòn, hay hợp âm Huế, nhưng Ngu Yên là hạng nghệ sĩ chân truyền, phản ảnh sự rung động và kinh nghiệm tuyệt vời của công việc thu và phát tiếng ra thành tác phẩm nghệ thuật. Bình Định có cái hay riêng của Bình Định. Người thưởng ngoạn Việt Nam có thể chưa quen với âm nhạc và thi ca Bình Định, như đã quen nghe những hợp âm Bắc Ninh, Huế, Sài Gòn... phổ thông với người Việt Nam hơn. Nhưng chắc chắn là thi ca và âm nhạc của mỗi vùng tiếng đều có nét đẹp riêng mà người thưởng ngoạn giàu sang nên biết đến để làm cho gia tài thưởng ngoạn của mình phong phú hơn.

Đọc hết toàn bộ thơ của Ngu Yên sẽ thấy sự giàu mạnh trong thúc hối và xô đẩy của một kẻ suốt đời quẩn quanh tìm đường sáng tạo. Thơ của Ngu Yên phản ảnh sự theo đuổi tình yêu âm nhạc trong ngôn từ quê hương Bình Định tự thuở thiếu niên. Sự tinh quái của trí tuệ mà Ngu Yên gài vào thơ là một cuộc rượt đuổi có ý thức sáng tạo của một kẻ sĩ trung niên. Nhưng chính sự sung mãn này của Ngu Yên đã khiến đôi khi tạo ra nét hơi ham hố trong một số bài: Tác giả chỉ chú ý đến ý định thơ mà đã lơ đãng phần chữ thơ. Chữ thơ là cái áo hoa tất yếu không thể thiếu trong thi ca. Thi sĩ có thể ý định những hồn thơ hay ho ghê gớm nhưng nếu bài thơ thiếu lớp áo hoa âm vận điệu đóm lục bát hay tự do thần sầu, thơ ấy chưa hoàn chỉnh là một bài thơ hay.

Một nét độc đáo khác của thơ Ngu Yên là nét động. Thơ nhạc truyền thống Việt Nam mấy chục năm nay bị lôi cuốn vào nét tĩnh. Người thưởng ngoạn Việt Nam mấy chục năm qua tìm đến thơ và nhạc để yên nghỉ tâm hồn. Họ không muốn bị đánh thức. Đời sống đầy dẫy chiến tranh động đậy tan nát nhiều thứ qúa. Làm ơn đưa em ra công viên. Làm ơn đốt cho anh điếu thuốc lá. Cho tôi một chút yên nghỉ trong thơ và nhạc.

Trong khi Ngu Yên thì cứ hồn nhiên tì tì mang bao nhiêu tiếng động vào trong thơ và nhạc của mình. Độc giả nào chuộng sự nhẹ nhàng dụ ngọt của tình cảm sẽ thấy xa lạ với thơ và một số nhạc của Ngu Yên. Thơ Ngu Yên thuộc loại thơ động tình và động não chứ không phải thơ ru tình và ru hồn.

Có những thi sĩ làm được thơ nhưng họ không sống như những điều họ viết.

Còn Ngu Yên, anh sống qua điều anh bày ra trên những nốt nhạc và những con chữ. Chữ nghĩa và âm nhạc của Ngu Yên chính là sự hoàn tất của đờI sống những kẻ say mê sáng tạọ Nghệ sĩ chân thật là kẻ đã kinh qua đời sống, đã dám ném trọn vẹn đời mình vào đấy một cách ngơ ngẩn dại khờ vô tư. Và chợt đến khi tay cầm cây đàn hay tay cầm ngòi bút ngân lên những nốt nhạc hoặc những con chữ, y lại ngơ ngẩn dại khờ vô tư khám phá ra đời phải có nhạc hay đời phải có chữ thì mớI là đời hay. Và cứ thế y cứ mải miết loay hoay gỡ gạc đời sống và thu phát chúng thành những tiếng động theo cách thế của riêng y.

Một kẻ thích khua động những tưởng là mình thoát hiểm khỏi tiếng động mà mình tạo ra. Ngu Yên khua dâm, khua vợ, khua bạn, khua bồ, khua sự giàu sang, khua đời thường, khua trí tưởng, khua sân khấu, khua hư vô, khua cái lạ, khua cái quen... Ngu Yên khua lên trong thơ nhiều thứ tiếng động và tưởng khua lên được là thoát hiểm được.

Những tiếng động mà Ngu Yên tưởng rằng y diễu cợt được là bước qua xác chúng được, chính là cái vòng kim cang nghiệt ngã của Ngu Yên. Những tiếng động mà Ngu Yên đã gõ lên giữa những tràng cười nói của bọn con trai con gái của tháng ngày thanh xuân ở Đà Lạt đã theo liếm sát nút không rời cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của con người ấy.

Thơ Ngu Yên thường xuyên là một sự giằng co tranh chấp sự sung mãn trong con người chàng với khối âm thanh mãnh liệt nhất khởi đi từ một tiếng hát khàn khàn thánh thiện của thiên sứ Ngọc Phụng. Cuộc đời của Ngu Yên đã bị cuốn trôi theo tiếng hát con gái nhà trời Ngọc Phụng.

Tiếng hát Ngọc Phụng khàn khàn thông minh. Tiếng hát Ngọc Phụng đục đục lứa con gái trầm tốt tươi nhất. Tiếng hát thiên sứ Ngọc Phụng ngày nào đánh thức con người nhạc sĩ thi sĩ Ngu Yên và rồi chàng đã lao mải miết cả đời theo tiếng hát ấỵ

Tiếng hát vận vào người làm nghệ sĩ suốt đời lao theo, rong chơi, vật vã, say đắm, kiệt sức, theo cùng tiếng hát đặc biệt ấy. Ngu Yên là kẻ phổ tiếng hát Ngọc Phụng vào đời thành thơ và nhạc. Chàng thu gặt những mùa tác phẩm rực rỡ. Hết in thơ thơ 1, thơ 2, thơ 3, 4, 5,... Rồi lên sân khấu đờn ca xướng hát um xùm từ sân khấu Cường Để Qui Nhơn, Spellman Đà Lạt, Little Rock Arkansas, cho đến sân khấu của Rice University Houston, đài phát thanh Houston ...

Con người thô bỉ tầm thường Ngu Yên suốt đời phải vật vã bảo vệ tiếng ca đầu đời của Ngọc Phụng. Và sự tranh đấu để giữ tiếng hát ấy ngân vang, là đam mê thủ tiêu hết những ngả ngách ác thú của một gã đàn ông tầm thường như những người đàn ông tầm thường khác. Nhưng cái nỗ lực lao theo tiếng hát tinh khôi ấy cũng chính là hệ lụy giằng co con người nghệ sĩ tài hoa, toát ra trong vô số thơ của Ngu Yên.

Ngọc Phụng là thơ. Ngọc Phụng là đốm lửa. Đốm lửa có khi kiệt lực và chỉ còn là chút tro tàn le lói. Con đường hiu quạnh của sáng tạo thì qúa mênh mông. Ngu Yên là kẻ ham vui, là kẻ sáng tác vạm vỡ. Bờ vực nào cũng có thể là một đam mê khiến cho một con người nghệ sĩ yêu đời sẵn sàng lao xuống hố. Một kẻ khởi sự đã lao vào lửa thì khi nào mà lại không sẵn sàng để lăn xuống hố. Tôi là kẻ bên đường đứng ngó cái bi kịch của hai người yêu nhau vực nhau lên sau những cơn lao xuống hố to lẫn hố nhỏ. Tôi ngưỡng mộ Ngọc Phụng. Một người nữ cổ điển hoàn tất vở diễn thông minh. Tôi ngạc nhiên Ngu Yên, một nghệ sĩ tài hoa không bị hủy diệt bởi số mệnh bám vào một người đàn bà tuyệt vời. Cái đốm lửa nhỏ bé Ngọc Phụng có thể tự sáng lấy một mình. Người đàn bà thông minh đẹp đẽ nào mà không tuyệt vời trong những phút diễn sáng rực rỡ nhất của mình. Nàng thơ ốm o nhỏ bé Ngọc Phụng đã choàng phủ hết tất cả những đam mê nào khác muốn dụ dỗ Ngu Yên. Ngu Yên đau khổ. Thơ nhạc trào ra. Ngọc Phụng chiến thắng hết tất cả những người đàn bà lớn bé xinh xấu nào thoáng qua đời Ngu Yên. Ngu Yên thất tình. Thơ nhạc lại lên ngôi. Sự sáng tạo vạm vỡ khoẻ mạnh của Ngu Yên đã bòn mót lấy từ một người đàn bà tên là Ngọc Phụng, một ngọn nguồn hải đăng của sáng tạo.

Điều tôi lấy làm mãn nguyện là trong thơ Ngu Yên, Ngọc Phụng không phải một thứ đàn bà đồ chơi của đàn ông. Ngọc Phụng cũng không phải là thị mẹt lam lũ quanh năm buôn bán ở ven sông để cho chồng ăn nhậu chơi bời. Ngọc Phụng cũng không phải là người tình hâm hơ thơ mộng. Ngọc Phụng là vợ. Ngọc Phụng là người đàn bà sống cạnh thi sĩ mấy chục niên. Ngọc Phụng đã làm một cuộc cách mạng ngầm trong thi ca Việt Nam. Người nữ tuyệt vời nhất chính là vợ của thi sĩ. Vứt hết bỏ hết những người đàn bà huy hoàng tình mộng. Dzục hết liệng hết những ảnh tượng nóng bỏng của những người tình mơ. Vợ anh đây nè. Ca ngợi đi. Say đắm đi. Thờ phượng đi. Lê Uyên Phương, người nhạc sĩ bén nhạy nghệ thuật đã cảm nhận ra được điểm đỉnh của thơ Ngu Yên khi phổ một bài nhạc Cầm Đi Phụng. Lịch sử thi ca Việt Nam chắc chắc sẽ phải ghi nhận cuộc cách mạng của Ngọc Phụng trong thơ Ngu Yên: chuyển hình ảnh một người vợ lam lũ không tên của Tú Xương qua hình ảnh một người vợ tuyệt vời có tên là Ngọc Phụng trong thơ Ngu Yên. 

Ngu Yên. Lần đầu tiên gặp gỡ, tôi thấy anh ôm cây đàn nghêu ngao hát những câu rất lạ trong căn phòng trọ của bạn bè rực rỡ thơ ngây ở Đà Lạt đêm hôm nào. Hơn hai mươi lăm năm sau, tôi cũng lại chỉ thấy anh ôm cây đàn, ca lên những câu nhạc rất mới anh vừa sáng tác giữa một buổi sáng mai thức dậy trong ngôi nhà ấm cúng mùi vợ chồng ở Houston.

Bạn của tôi, Ngu Yên, đã say sưa làm rất nhiều thơ giữa những đuổi bắt của hai bờ âm nhạc mới và lạ đó.

lê thị huệ
2001
(Bạt trong tập thơ Thi Sĩ Và Tôi, Ngu Yên, Lũy Tre Xanh xuất bản 2002) 













Thơ Ngu Yên


































































Ca sĩ Khánh Hà, Ngọc Phụng & Ngu Yên













ĐỌC THƠ NGU YÊN



Lê Văn Phúc


Khi còn ở Houston, Texas tôi quen biết Ngu Yên qua một người bạn. Anh tặng tôi mấy tập thơ mỏng, ấn loát dản dị. Gặp nhau trò chuyện, tôi thấy anh chàng này có vóc dáng cao, đầu tóc không chải chuốt, để ria mép, ăn mặc bình dân, mặt mũi không thuộc loại đẹp trai nhưng tình cảm thì lại đằm thắm, nói năng lúc thì như một triết nhân, lúc ra một nghệ sĩ với cung đàn, lúc lại là một anh chàng bạt tử, bất cần đời. Có lúc lại ngông cuồng như thể khùng điên nữa chứ!

Về nhà đọc thơ, tôi thấy cái tên hơi lạ. Anh họ Nguyễn nên tách họ thành hai chữ không bỏ dấu, là Ngu-Yên. Tôi đoán mò vậy.

Phần tự giới thiệu, anh viết bằng thể thơ lục bát nhưng không xuống hàng, viết liên tục. Đó là một điều lạ đấy bạn đọc ạ!ï Tôi không quen với cách viết và cách đọc lạ ấy nên mạn phép Ngu-Yên cho tôi được chép lại theo thể lục bát có xuống hàng để bạn đọc dễ theo dõi.

Tiểu sử tự thuật của Ngu-Yên:

Ngu-Yên tên Nguyễn hiền Tiên
Quê quán Bình Định, gốc miền Kim Châu
Kể rằng thân thế khởi đầu
20 tháng 11 sinh vào 52
Mặt mày trên mức xấu trai
Học hành đại khái, ngày ngày rong chơi
Nuôi hoài bão nhưng biếng lười
Nên thường lấp liếm vài lời cuồng ngông
Sinh ra tâm tính lông bông
Lớn khôn chỉ giỏi bềnh bồng nổi trôi
Giữa cơn binh loạn đổi đời
Xuôi dòng tản lạc thành người lưu vong
Tháng ngày sồi sụt long đong
Vui buồn thơ động tiếng lòng nghêu ngao.

Từ nhỏ tôi khoái chiêm bao
Lớn lên ghiền mộng, tuổi nào cũng mơ
Mộng mơ phải tiết thành thơ
Rồi thơ tinh quái phỉnh phở cả tôi
Từ thơ quấn quít lôi thôi
Tình trôi vào ý, ý trôi vào lời
Lời trôi nhâng nháo vào đời
Đời trôi uất kết hóa người Ngu Yên.
Chẳng ai yêu quý muộn phiền
Chẳng qua cuộc sống gắn liền khổ đau
Mượn lộng ngôn hí lộng trào
Thật ra trào lộng khác nào bi thương
Khi bình thường là nhiễu nhương
Ngu Yên vớ vẩn bên đường yên ngu
Thứ gì chẳng phải phù du
Làm thơ để thở mịt mù thế thôi...

Có người muốn bắt bí tôi
Nhìn xem bằng lái xe rồi rêu rao:
"Ngu Yên đâu phải tên nào,
Chẳng qua là chút lào xào nặc danh"
Thương nghề thi sĩ khó khăn
Chơi thơ phải có văn bằng chứng minh
-" Dạ, tôi có dấu trong mình
Nốt ruồi thi sĩ thực tình dưới mông
Nơi đây thiên hạ rất đông
Cởi quần bất tiện, thưa ông xin chờ...
Chờ khi người ta nhìn lơ
Nốt ruồi lớn lắm, ông rờ thử xem..."

Đấy, tiểu sử tự thuật của Ngu Yên hơi điên hơi mát như thế!

Trong các tập thơ đã phát hành của Ngu Yên, tôi đọc kỹ và chọn ra được vài bài coi như đắc ý, lạ và độc đáo.

Bài thứ nhất: Thơ gợi tình, có ý dâm nhưng nghĩ thế mà không phải thế!

Cái ruồi
Cho anh xem
Một lần thôi
Cho anh xem một lần để nhớ
Nhớ rồi thương
Thương rồi tương tư
Cho anh xem
Mất gì đâu em
Cho anh xem một lần cho hết ước mơ.

***

Cho anh xem
Một lần thôi em
Cho anh xem rồi mai xa cách
Nhớ về em
Không bao giờ quên
Cho anh xem
Tiếc làm chi em
Cho anh xem dù một thoáng khép hờ.

***

Hôm nay ta bên nhau mơ màng
Men tình lên đúng độ thời gian
Anh điên cuồng khẩn cầu em đó
Cho anh xem
Một lần thôi em.

***

Cho anh xem
Một lần thôi em
Cho anh xem
Thề anh sẽ hứa
Anh muôn đời giữ kín trong tim.

***

Vén lên em . Vén vải lên em
Cho anh xem. Hãy cho anh xem
Bao nhiêu năm thẹn thùng dấu mãi
Nốt ruồi son.


Đọc xong hẳn bạn cũng phải tủm tỉm cười vì tưởng bài thơ muốn nói điều gì khác chứ! Và bạn hẳn cũng khen thầm nhà thơ có ý lạ, diễn tả khá gọi là "Hít Cốc" để người đọc chỉ hiểu đầu đuôi ở chữ cuối cùng.

Tôi thì lại khác, tôi không chịu cái kiểu úp úp mở mở như thế!

Những chữ: "Cho anh xem một lần để nhớ", "Cho anh xem dù là một thoáng khép hờ", "Anh muôn đời giữ kín trong tim", "Vén lên em. Vén vải lên em... ,"bao nhiêu năm thẹn thùng dấu mãi"... khiến người đọc dễ hiểu lầm một cách tai hại.

Tôi phải hỏi cho ra nhẽ. Qua điện thoại, tôi hỏi:

Người đọc, ai cũng tưởng là anh muốn được xem "cái ấy" chứ đâu ngờ chỉ là cái nốt ruồi son. Nhưng diễn tả như thế cũng là được đi. Chúng tôi théc méc, không hiểu nốt ruồi son của nàng ở chỗ nào? Anh có thể tiết lộ bí mật chăng?

Dạ được chớ! Ở dưới nhũ hoa bên trái, to bằng đầu tẩy bút chì!

Lớn vậy đó? Nốt ruồi son là quý tướng đấy nhá! "Vượng phu ích tư" cho mà coi! Mà sao anh lại để ý nốt ruồi son ở bên trái?

Thế mới tình chớ! Gần trái tim mà!

Anh cho tò mò thêm chút nữa được không?

Xin anh cứ tự nhiên...

Anh coi được mấy lần?

Duy nhất một lần!

Lâu không?

Một thoáng thôi à!

Có sờ mó được chăng?

Làm gì có được hạnh phúc đó!Nên cả đời vẫn cứ vương vấn, vấn vương hình bóng nốt ruồi.

Có nhẽ vậy mà lại hay, vì nó còn nằm trong kỷ niệm dấu yêu chứ nếu như được mó máy, mầy mò không chừng lại đâm ra thất vọng!

Ngu Yên cười tủm tỉm:

Tôi cũng cố nghĩ như vậy đó! Anh thật là người kinh nghiệm cùng mình.

Biết là mình bị đá móc, tôi hóa giải liền:

Cám ơn anh quá khen!


Một bài thơ khác có những nét thật dễ thương, hồn nhiên, đầy tình người. Vẫn kính yêu Chúa, tôn quý Chúa mà không thể nghe theo lời Chúa dạy. Bởi Chúa chỉ căn dặn những điều cấm kỵ, hãm mình để trở nên thánh thiện. Những điều Chúa dạy cao cả quá, lý tưởng quá, làm sao con theo được? Nên con phải gửi tâm sự này đến thiên thần:


Tâm sự với thiên thần
Tôi mê vợ hơn mê Thượng Đế
Bởi vì trời chỉ có mây xanh
Vợ có da có thịt
Có thật ái tình
Biết gọi: Anh ơi!

***

Thượng Đế không gọi tôi
Chỉ nhắn: Phải đọc kinh, xem lễ
Phải ăn chay hãm mình
Cấm tình tựï lăng nhăng, vui chơi trác táng
Trên có mười điều răn
Dưới có trăm điều lệ
Sống theo Ngài, buồn quá Chúa ơi!

***

Vợ cho tôi ngày cơm ba bữa
Gãi hồn tôi những vết ngứa cô đơn
Trả dùm tôi nợ người, nợ thuế
Dẫn tôi xa những thế kỷ chê thơ

***

Thưa Thiên Thần
V Vợ là lý do tồn tại
Chuyện rước thi sĩ lên trời
Xin hỏi vợ tôi.


Nhà thơ Ngu Yên đã tự thuật tiểu sử ở phần trên nhưng còn muốn nói rõ hơn về cái tên của mình nên chàng lại có thơ sau (Vẫn thơ không xuống hàng, tôi mạn phép chép theo thể thơ lục bác, xuống hàng, quen thuộc hơn với bạn đọc).

Ngu Yên là hai tĩnh từ
Ngu như ngu dại, yên như yên bình
Nghĩa là ngụp lặn phù sinh
Ngu cho trí óc, tâm tình yên vui
Ngu không có nghĩa là đui
Yên không có nghĩa buông xuôi cuộc người.
Ngu Yên nối một danh từ
"Nguyên" là kết cuộc vẫn như khởi đầu
Trộn nhào qua loạn bể dâu
Xác tuy sứt mẻ hồn hầu như nguyên
Nghĩa là bám chặt nhịp tim
Đén giờ hấp hối điềm nhiên nụ cười.
Ngu Yên không phải động từ
Bởi khi linh hoạt giống như im lìm
Mới nhìn tưởng ngủ lim dim
Nhưng trong thức mộng nỗi niềm xôn xao
Có người giận hỏi tại sao?
Thưa, đang theo dõi chiêm bao tuyệt vời
Nếu người nào tưởng nói chơi
Kề tai ngực hắn nghe lời thật tâm
Nhưng xin báo trước đừng lầm
Thơ theo ngôn ngữ tâm thần ngoài thơ
Nói ra không phải giả vờ
Chính ta đây cũng nghi ngờ Ngu Yên...


Nhân lúc nhà thơ Ngu Yên như mơ như ngủ, như trong chiêm bao nên tôi hỏi thêm về sinh hoạt của chàng thì chàng nói ra tuốt luốt:


Tôi đã sáng tác một số bản nhạc và dồn nỗ lực vào việc phổ thơ các nữ thi sĩ.

Hỏi:

Tại sao anh lại chỉ phổ thơ các nữ thi sĩ?

Đáp:

Tôi muốn biết những suy tư của phụ nữ trong lớp tuổi trung niên và muốn gom vào một bộ sưu tập...

Anh sưu tập và phổ thơ được bao nhiêu bài rồi?

Dạ, đã được 8 bản, với các nhà thơ: Nhã Ca, Minh Đức Hoài Trinh, Nguyễn thị Minh Thủy, Giang (vợ họa sĩ Nghiêu Đề), Vũ Quỳnh Hương, Trần Sa, Lê thị Huệ.

Anh thường viết nhạc với một nhạc khí nào chứ?

Thông thường, nhạc sĩ viết nhạc với cây đàn "ghi ta", còn tôi viết thẳng trên giấy. Sau đó mới phối kiểm bằng tây ban cầm hoặc dương cầm, cũng như viết hòa âm cho những nhạc khí khác.

Vậy là anh thuộc hàng nhạc sĩ cừ khôi lắm phải không?

Không đâu anh! Mỗi người sáng tác viết theo một cách khác nhau thôi.

Anh đã ra một CD với phần hòa âm phong phú và các nhạc sĩ xử dụng tây ban cầm, dương cầm chơi rất độc đáo, tuyệt vời. Tiếng đàn quyện lấy nhau, đầy truyền cảm và rung động trong một âm sắc mới lạ, quyến rũ. Tôi đã nghe mấy lần liền trong một đêm mà vẫn còn thấy thú vị.

Thế ngoài việc sáng tác nhạc ra, anh còn dự định gì khác?

Tôi dịch sách âm nhạc, dịch tự điển thi ca Hoa Kỳ . Công việc này có lẽ làm suốt đời không xong.

Anh có chơi thể thao?

Dạ có. Tôi chơi bóng rổ, bóng bàn, đá banh, "bi da". Chơi cho vui chứ không môn nào khá cả!

Anh vẫn nhận mình là một nghệ sĩ. Mà hình như nghệ sĩ nào cũng có ít nhiều chất "điên" trong người. Anh có được bao nhiêu?

Không nhiều, nhưng "Lâu lâu anh lại điên" thì tôi vẫn có:


Em có gì bí mật
Anh yêu hoài sao mãi chưa quen
Càng yêu càng mê thêm


Cái gì em đẹp nhất
Anh tìm hoài không lựa đuợc tên
Có lẽ vì đêm đen


Hỏi em chỗ nào đẹp
Khúc khích cười nhột khắp cả người

-"Đêm nay anh điên rồi".

Anh điên vậy là điên khôn lắm đấùy, chứ có điên dại đâu!

Tôi đọc bài thơ mới nhất của anh, chả thấy điên tí nào mà còn khôn tầy trời đi ấy chứ! Lâu lâu anh điên thôi, còn bình thường thì anh lại tỏ ra rất tinh tường, ma mãnh.

Như bài sau đây:


Tôi chết rồi

1.

Tôi chết rồi
Ai ở với em?
Ai sờ trong đêm nhột ngón dương cầm?
Ai thì thầm nửa khuya dỗ ngủ?
Ai mới hoài không cũ chuyện vợ chồng?

Tôi chết rồi
Em đừng buồn lâu quá
Đừng sót sa mãi hạnh phúc không còn
Đừng héo hon
Đừng tiết kiệm
Tình một đời tặng bảo hiểm và thơ

Tôi chết rồi
Ai hiểu được bệnh yêu?
Là sốt là run trong nhac sắc
Là điên là dại trên da thịt
Là một đời yêu chưa đủ yêu

2.

Tôi vừa chết là tôi bắt đầu
Tìm đời sau bất tử vui chơi
Em biết tính tôi ngu không yên nghỉ
Sẽ chọc thánh thần, ma quỷ, phá âm gian

Tôi chết rồi
Ai tán tỉnh em?
Canh chừng tham lam, dối trá, giả hình
Tôi sẽ đến mỗi hai giờ sáng
Rình gã nhân tình có nghiêm chỉnh yêu đương?

3.

Tôi chết rồi
Ai xử tệ con tôi
Vặn cổ bẻ xương dù trái mệnh trời
Đã chết rồi sợ gì chết nữa
Con muốn gì cứ gọi ba ơi

Tôi chết rồi
Ai tốt với vợ con
Sẽ đền bù dẫn mua trúng số
Sẽ ngấm ngầm cầm tay bạn làm thơ
Sẽ trở lại mỗi đêm hai giờ sáng
Nằm cạnh bên buông ngón dương cầm

Đọc xong bài thơ trên, tôi cứ đâm ra ơn ớn, lạnh cả xương sống lẫn xương sườn.

Đoạn đầu, nhà thơ tự hỏi khi mình chết rồi, ai là người thay mình ăn ở với em? Ai sờ trong đêm nhột ngón dương cầm?

Đoạn hai, nhà thơ khuyên vợ đừng buồn bã quá lâu, đừng đớn đau hạnh phúc không còn.

Đoạn ba, nhà thơ kể khổ căn bệnh yêu đương nó hành hạ mình ra sao.

Đoạn bốn, nhà thơ dọa rằng mình chết rồi sẽ rong chơi trong cõi bất tử, khởi đầu là đi chọc phá thánh thần, ma quỷ, âm gian.

Đoạn năm, nhà thơ đe trước kẻ nào tán tỉnh em thì phải đàng hoàng, làm ăn cho chu đáo, nghiêm chỉnh yêu đương. Hồn sẽ hiện về lúc hai giờ sáng nằm bên canh chừng, rình rập...

Đoạn sáu, nhà thơ dặn dò con, ai xử tệ cứ gọi ba về, ba vặn cổ cho nó chết tươi.

Đoạn chót, nhà thơ hứa ai cư xử tốt với vợ con sẽ cầm tay dẫn đi mua vé số trúng bạc triệu. Nhưng đêm đêm vẫn trở lại lúc hai giờ sáng, nằm bên em "buông ngón dương cầm".

Cứ theo những lời đe dọa ghê rợn này, chắc nhà thơ không thể chết sớm được vì còn nặng nợ trần gian. Nếu có chết đi cũng vẫn còn nặng nợ, vẫn còn nhiều trách nhiệm, bổn phận phải làm. Dù hồn siêu phách lạc!

Cứ như những lời đe dọa trên thì ngay lúc nhà thơ còn sống, ông ấy cũng dữ tợn rồi, nói chi đến khi chết hồn còn hiện về bóp cổ, nằm bên "buông ngón dương cầm" thì bố ai mà chịu nổi!

Bạn đọc cũng nhận thấy cả chất điên điên của nhà thơ nữa phải không?

Vâng, đó là Ngu Yên làm thơ, viết nhạc. Ngu Yên còn chủ trương, lập nhóm Viet Arts qui tụ một số anh em có tâm hồn và nhiệt tình với âm nhạc, văn thơ, lâu lâu lại tổ chức một buổi trình diễn văn nghệ tại Houston, rất được mọi giới đồng bào tán thưởng.

Chương trình nào của nhóm Viet Arts cũng dàn dựng công phu với thành phần nam nữ nghệ sĩ thượng thặng, từng được ái mộ. Mỗi chương trình là một chủ đề, cộng thêm thành phần các nhạc sĩ đóng góp đều là nhạc sĩ có biệt tài và đầy nghệ sĩ tính nên buổi trình diễn nào cũng lôi cuốn được đông đảo người thưởng ngoạn.

Ngu Yên trên sân khấu coi không có vẻ thích hợp, nói năng coi bộ lừng khừng. Nhưng lạ một cái là với bộ mặt lạnh lùng, không sửa soạn mà khi cất tiếng lại làm cho cả thính phòng bật lên cười rộ vì những câu nói thông minh, bất ngờ, duyên dáng của anh.

Tôi cho đó là một nét Ngu Yên thành công trên sân khấu và gây được cảm tình cũng như sự thích thú đối với khán thính giả.

Cách đây mấy năm, trong dịp tôi rời Houston lên vùng DC, anh em có tổ chức một buổi tiễn đưa thân mật. Dịp này, tôi được biết thêm về tình nghệ sĩ của cặp vợ chồng Ngu Yên khi cùng nhau đứng hát trên sân khấu. Và đặc biệt nữa là Ngu Yên đã ngâm tặng người đi mấy câu thơ cổ theo điệu Hồ Quảng thật độc đáo, thê thiết, thật lạ. Giọng ngâm như thấm vào từng sợi thần kinh, vào tim tôi. Tôi còn nhớ mãi...

Trong văn học nghệ thuật, mỗi người thưởng ngoạn theo một lối khác nhau. Tôi yêu thơ Phạm thiên Thư, Hà Huyền Chi, bạn thích thơ Nguyễn Bính, Nguyên Sa ; tôi yêu nhạc Lam Phương, Trần Thiện Thanh viết về đời lính, bạn mê nhạc Phạm Duy viết về tình người, tình quê hương, Vũ Thành An với những bản không tên nhưng có đánh số; bạn quý tiếng hát Vũ Khanh, Tuấn Ngọc, Hoàng Nam; tôi thì lại quý cả tiếng hát lẫn vóc dáng Hoàng Lan, Họa Mi, Phương Hồng Ngọc... Nên sự yêu thích cũng còn tùy thuộc vào cảm nhận và sự phê phán cá nhân.

Riêng tôi biết anh là một nghệ sĩ đa tài. Tôi lại nhớ đến câu nói này: "Những người đa tài thường đa tình, còn những người đa tình thì lại chả bao giờ đa tài cả"! Điển hình là trường hợp Cai tôi và đại đa số độc giả thân mến!

Tôi chưa "cập nhật hóa" được thơ và nhạc Ngu Yên nên chưa thể nói gì thêm về anh.

Bây giờ là mùa thu năm 2002. Bạn đọc hãy chờ xem Ngu Yên có sáng tác nào mới lạ hơn không, lúc đó Cai tôi sẽ lại tục trình cùng độc giả bốn phương về thơ văn, ca nhạc của nhà thơ có vẻ lập dị, hơi mát hơi điên này.

Nhưng nói đi còn nói lại - nói cho cùng - thì đây vẫn là một con người nghệ sĩ tài hoa đôn hậu, vẫn yêu người yêu đời và coi bộ hiền hòa mơ mộng dễ thương!


Virginia, Thu 2002























































chùm thơ





chùm thơ

chùm thơ

chùm thơ

4 bài thơ thơ

chùm thơ










chùm thơ

chùm thơ













tháng 1-2010 ra mắt tập thơ thứ 7
"tập cuối trong in ấn":



...



trích đoạn


phỏng vấn


trình bày
















Thơ Ảnh của Ngu Yên







































Thơ đọc của Ngu Yên





















Thơ trình diễn của Ngu Yên 









































Nhạc




























Tùy Luận











































































Chuyển Thơ



























Những thi sĩ hiện diện:
Billy Collins,
Ellen Wade Beals,
Jorge Luis Borges,
Pablo Neruda,
Archibald MacLeish,
William Carlos Williams,
Tom Zart,
Naoshi Koriyama,
Mark Strand,
Eve Merriam,
Tadeusz, Al Young,
James Tate,
Nikki Giovanni,
Charles Bukowski,
Jaroslav Vrchlicky ...





















Viết Về Ngu Yên















Trang Youtube Ngu Yên














NGU YÊN
KẺ GIANG HỒ TRONG NHẠC VÀ THƠ

NGU YÊN: NGƯỜI NGHỊCH NGỢM TRONG THƠ

TRƯỜNG KỲ



Một cách phiến diện, qua những đặc tính nghịch ngợm trong Thơ và nô đùa trong Nhạc của anh mà người ta cho rằng Ngu Yên là một gã ngông hay một kẻ giang hồ trong nghệ thuật. Chẳng hạn ngay trong cách tự giới thiệu về mình:


"...- Tên gì?
- Tên Ngu
- Họ gì?
- Họ Quá..."

Nhận mình là... Quá Ngu để đến với Thơ và Nhạc từ rất lâu, nhưng thật sự Ngu Yên đã mang đến cho hai lãnh vực đó những sắc thái quá mới và quá lạ so với trước đó, đối với người đọc và người nghe. Tuy nhiên là một người "không thích múa máy nhiều, chỉ thích vui chơi" nên anh chẳng màng đến việc gây dựng tên tuổi một cách...bình thường. Ngu Yên đã tâm sự là"không hiểu nổi mình, tại sao quá ham vui chơi. Người ta có thể đổi hết một đời để làm nên công danh sự nghiệp hoặc bỏ cả cuộc đời để đổi lấy ái tình. Tôi huến cả cuộc đời trong khoan khoái nô đùa...". . Nhưng một khi tìm hiểu sâu xa về những sáng tác của Ngu Yên, có dịp tiếp xúc với anh, người ta sẽ nhận rađược một triết lý sống đặc biệt qua cách diễn tả thẳng thắn, thực tế và không mầu mè của một người dám phô bầy tất cả những điều gì muốn nói - dù thầm kín nhất - bằng ngôn ngữ, thể hiện qua Thơ dưới nhiều hình thức như : Tranh Thơ, Tùy Thơ, Ca Khúc Thơ, Thơ Đồng Tác, Thơ Cụ Thể, vv...là những thể loại mà chắc chỉ có mình Ngu Yên sử dụng!. Còn trong âm nhạc, qua những nhạc phẩm phổ từ thơ của mình, Ngu Yên thật sự đã là một kẻ khai phá khi gửi đến người nghe những âm điệu của Jazz, của Blues, của Flamenco hay nhạc Phi Châu, vv...qua CD "Bóng Nắng Khuya" của anh.


Với nhận xét của nhiều người cho anh là một kẻ ngông trong nghệ thuật, Ngu Yên đã dứt khoát phủ nhận bằng một tiếng "Không" . Một cách rõ hơn, Ngu Yên cho rằng anh chỉ không thích những chuyện bình thường hoặc tầm thường, nên nhất định làm một cái gì cho khác lạ. Nên" từ những cái đó người ta gọi tôi là ngông! Trên thực tế tôi không phải là người ngông như Tản Đà hoặc Bùi Giáng được". Thật ra anh chỉ là một con người yêu sự tiến bộ và sự mới lạ, mặc dù nhận biết rằng "trong 10 chuyện mới lạ thì may ra chỉ có một chuyện đúng". Tuy nhiên theo Ngu Yên "nó thể hiện được lòng can đảm, cái lòng của một con người làm cho xã hội tiến lên" Anh đơn cử một thí dụ đơn giản là có người khám phá ra điện thì xã hội mới có điện, mới có đèn sáng. Nhưng nếu con người cứ ở với cái đèn đó mãi thì không bao giờ tiến triển được nữa. Theo anh, chỉ cần một, hai người đã có thễ làm cho nhân loại tiến bộ. Nếu cho anh được chọn thì anh thích được làm con người lẻ loi kia để đi tìm một điều gì mới la. Nếu tìm không được thì phải chết âm u trong bóng tối. Ngu Yên khẳng định "...nếu để tôi sống một cuộc sống bình thường, hàng ngày cơm ăn, áo mặc của một công chức thì tôi chịu thua, không thể nào làm như vậy. Thì đó là cái cá tính của tôi.". Chính vậy, qua những tập thơ hay những nhạc phẩm của Ngu Yên, người ta thấy được rõ ràng bản chất tự phá của anh, " tức là mình phá mình mà không phá ai cả", như anh nói. Sự tự phá đó mang mục đích nhận định về những điều đã học hỏi trong nghệ thuật từ trước tới nay đã đúng chưa, đã hay chưa. Vì " biết đâu có một cái hay khác, cái đúng khác mà người ta chưa được biết, cũng như chính cá nhân mình cũng chưa được biết", như anh tuyên bố.


Con người có tên Ngu Yên luôn mang mục đích khai phá nghệ thuật qua sự nghịch ngợm và nô đùa tự nhận mình là người đến muộn trong cuộc đời, vì "tới giờ này mình muộn màng tiến vào trong giới anh em văn nghệ sĩ để người ta tìm hiểu mình, nhưng thôi, có còn hơn không, cũng vui!". Số người hiểu anh, thông cảm được sự "tự phá" của anh không phải là ít, trong số có những tên tuổi đáng được tin cậy trong văn giới như Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Mộng Giác, Võ Phiến, vv...Gần đây còn có nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc và nhà báo Lê Văn Phúc đã dành cho anh những bài viết với nhiều cảm tình khi thông cảm với cái "ngu" của anh là người...


"...Đôi khi ra phố chơ
Gặp người nghèo, cho thơ
Họ trả lại
Thương người buồn, tặng thơ
Họ không lấy
Khen người đẹp, làm thơ
Họ không nhận
Trời bất công
Sao đã sinh thơ còn sinh tiền..."


Với tập thơ mới nhất "Thi Sĩ Và Tôi", Ngu Yên đã đưa ra nhiều bài thơ có bản chất tìm tòi và khám phá để đưa ra tâm tình con người và những ý nghĩ về đời sống con người, hoàn toàn không theo lề lối cũ. Đối với anh, đó làø một trong những khám phá về thơ theo quan niệm"thơ hay theo tiêu chuẩn "giá trị cũ"thì dễ thấy. Thơ hay theo tiêu chuẩn "mới", phải chờ đến khi nào tiêu chuẩn ấy trở thành "cũ"...Sự tìm tòi và khám phá của Ngu Yên đặt trên quan niệm của anh là trong thi ca có nhữngng vùng rất âm u mà nhân loại nói chung chưa tìm đến . Cho nên đó là " những nơi chúng ta phải ráng đi vô mặc dù đường gai góc, đường có thể trợt chân, té hộc máu. Nhưng nếu anh đi được con đường đó thì có thể mang lại một chút gì để chia xẻ với những người đồng loại. Còn dĩ nhiên đi không được thì thôi, ráng chịu thôi vì đường chính, đường xa lộ anh không đi thì anh phải ráng chịu!". Và Ngu Yên vẫn lầm lũi tiếp tục đi trên con đường khám phá gai góc đó sau khi đã dầy công nghiên cứu thơ cổ, thơ mới cũng như thơ ngoại quốc cùng với tất cả những lý thuyết về thi ca. Từ đó anh rút tỉa ra một điều như sau:" tất cả đều từ truyền thống mà ra. Chúng ta không thể tự nhiên, bất thình lình nhẩy ra đứng giữa đường bảo là tôi sinh ra từ tảng đá như là Tề Thiên Đại Thánh được. Chúng ta đều phải sinh ra từ cái truyền thống văn thơ nào đó, nhưng không có nghĩa truyền thống đó mãi mãi là truyền thống". Anh nêu lời phát biểu của nhà văn Cao Hành Kiện mà anh rất đồng ý khi cho rằng" truyền thống là những tảng đá rất lớn mà người ta sử dụng những tảng đá đó để lót trên con đường mà đi, chứ không phải dùng những tảng đá đó để mang trên vai để mà đi!". Do đó, Ngu Yên đã đưa ra quan niệm rõ ràng của mình trong việc sáng tác thơ và nhạc là dùng truyền thống để tạo dựng một truyền thống mới. Bất cứ một điều gì thoạt đầu là mới, nhưng với thời gian khi người ta đã quen và đồng ý về giá trị của điều đó thì từ từ sẽ trở thành truyền thống. Và lâu ngày nó cũng sẽ cũ đi như mọi truyền thống khác. Một cách rõ ràng hơn nữa, theo anh, bản chất của cuộc đời là thay đổi. Và nghệ thuật thuộc về cuộc đời, thuộc về con người. Cho nên khi con người thay đổi thì nghệ thuật phảiù thay đổi.


Ngu Yên tên thật là Nguyễn Hiền Tiên sinh năm 1952 tại Kim Châu, Bình Định. Anh ở Qui Nhơn đến khoảng 2 tuổi thì theo gia đình về Nha Trang, học tiểu học và đi tu dòng sư huynh được 4 năm sau khi học xong lớp nhất. Anh sinh trưởng trong một gia đình có 10 người con, nhưng có 2 người mất sớm. Mẹ anh qua đời từ khi anh còn rất nhỏ, bố anh tục huyền và có thêm 5 người con, trong số có một người mất sớm. Vốn liếng về âm nhạc anh có được đã nhờ rất nhiều nơi các sư huynh đã hướng dẫn anh về xướng âm và phân tích âm nhạc để có thể phát triển khả năng của mình về nhạc và thơ ngay từ khi còn theo bậc trung học.


Nhưng sau 4 năm, Ngu Yên đã "có một lúc nào đó, trong cuộc đời mình cảm thấy mình là một người nghệ sĩ hơn là một kẻ tu hành" nên đã giã từ dòng tu để rong ruổi trên con đường nghệ thuật. Nhất là sau khi đọc quyển Đôi Bạn Chân Tình của Hemann Hess, anh tự phát giác anh là người không có bản chất tu hành mà thực ra mang bản chất của một người nghệ sĩ. Anh nhận ra anh có một lòng đam mê Thiên Chúa mãnh liệt khi còn trẻ. Cho tới khi lớn lên, anh mới phát giát rằng lòng đam mê của mình chính là dành cho nghệ thuật chứ không phải cho cái đẹp của tôn giáo. Và anh dứt khoát giã từ cuộc đời tu hành để luôn dính dấp đến nghệ thuật cho tới bây giờ, khởi đầu với âm nhạc.


Vào khoảng đầu thập niên 70 cho đến khi rời Việt Nam, Ngu Yên theo học luật. một cách rất tài tử vì "một năm đã ở trên Đà Lạt hết bẩy tháng trời để hoạt động văn nghệ", và chỉ trở về Sài Gòn trong 2 tháng để gấp rút học thi!


Tại sao gắn bó với Đà Lạt như vậy?: Ngu Yên cho biết, thứ nhất " vì Đà Lạt đẹp nên hợp với những người có tâm hồn mơ mộng và vui chơi như mình! Thứ nhì là "người đẹp" của tôi ở đó". "Người đẹp" Ngu Yên đề cập tới chính là người vợ tên Ngọc Phụng của anh hiện nay - quen biết từ khi chị còn học lớp đệ Ngũ trường Bùi thị Xuân, Đà Lạt - trong thời gian này đang theo học trường Chính Trị Kinh Doanh. Cuộc gặp gỡ để sau đó đưa đến hôn nhân, xẩy ra thật tình cờ. Một lần Ngu Yên cùng bạn bè rủ nhau đi một chuyến tầu chợ ở Nha Trang lên Đà Lạt,. Vì không quen biết ai nên cả đám xin ngủ nhờ ở ngoài một vựa chứa chuối. Trong đêm đó họ kéo nhau qua nhà một người mới quen để đàn hát. Cô con gái của gia đình người hàng xóm chính là Ngọc Phụng, cũng được mời qua hát. Ngu Yên "đâm lòng mến mộ ngay", như lời anh nói, để làm quen và để rồi được định mệnh đưa đẩy nên duyên chồng vợ.


Tại Đà Lạt, Ngọc Phụng và Ngu Yênï cùng nhau sinh hoạt trong một nhóm văn nghệ sinh viên dưới tên Thụ Nhân và thỉnh thoảng cũng trở về Sài Gòn hát tại các chương trình do sinh viên tổ chức tại đại học Vạn hạnh hay Văn Khoa. Hoặc đôi khi trên đài phát thanh Đà Lạt hoặc sinh hoạt với các nhóm mang tính cách địa phương như Bình Định, Nha Trang, vv...Cũng trong khung cảnh thơ mộng của Đà Lạt cùng sự hiện diện của Ngọc Phụng, Ngu Yên đã sáng tác được nhiều nhạc phẩm, đặc biệt là Một Ngày Với Tình Nhân là nhạc phẩm hiện nay anh vẫn thường trình diễn chung với vợ trong các chương trình văn nghệ cũng như trước đó hát tại quán cà phê Lục Huyền Cầm của Lê Uyên Phương. Ngọc Phụng, mặc dù tâm hồn văn nghệ vẫn còn đó, nhưng "nhường cho mình chơi để lam lũ làm ăn", như lời Ngu Yên nói. Vì ""nhà mà có cả hai người làm văn nghệ cả thì chỉ có chết!"


Ngu Yên qua Mỹ vào ngày 29 tháng 04 năm 75 cùng với vợ và các em. Nơi anh cư ngụ đầu tiên là thành phố Little Rock, tiểu bang Arkansas. Tại đây anh thường cùng một số thân hữu đứng ra tổ chức hội chợ Tết hàng năm cũng như dựng một số tuồng cải lương mà anh coi như một nền ca nhạc rất đặc biệt của Việt Nam. Ngoài ra anh còn thỉnh thoảng thủ diễn một số vai trong các vở tuồng này, trong số có "Dương Quí Phi", "Tiếng Trống Sang Canh", vv.…


Thời gian ở Little Rock - một thành phố buồn và lạnh như Đà Lạt với đồi núi chập chùng - là thời gian Ngu Yên sáng tác được nhiều, thơ cũng như nhạc. Nhà anh ở lưng chừng núi, phía sau là thung lũng có sương mù rất đẹp. Trong khung cảnh thơ mộng đó, Ngu Yên đã hoàn tất 2 tập thơ đầu tiên của mình: "Hóa Ra Nét Chữ Lên Đàng Quẩn Quanh" và "Tựa Đề Ở Bên Trong". Nhưng cũng trong khung cảnh buồn man mác đó, Ngu Yên lâm vào tình trạng anh cho là tuyệt vọng sau khi bỏ ra nhiều thời gian để nghiệm về cuộc đời, về con người cũng như sự hiện hữu của chính mình. Với đầu óc của một thanh niên lúc đó mới bước vào lứa tuổi 30 cùng ít nhiều va chạm với cuộc sống, nên anh thường tỏ ra suy tư trước những sự kiện chung quanh. Nhiều khi anh tự hỏi tại sao trên đời những người xấu lại được người khác ủng hộ trong khi những người chân chính, những người tử tế thì bị ghét bỏ?


Còn nếu có Thượng Đế, tại sao những người gian ác cứ giầu hoài trong khi những người lương thiện lúc nào cũng nghèo đói, vất vả hoặc chết sớm để không thực hiện được những ý tưởng, hoài bão của mình. Nhìn quanh mình anh còn nhận thấy có những người bỏ công sức ra giúp cho đồng loại lại bị cuộc đời ruồng bỏ, trong khi những người ăn trên xương máu của nhân loại thì lại được kính nể. Từ đó Ngu Yên thất vọng với cuộc đời và thất vọng cả nơi Thượng Đế để tỏ ra nghi ngờ sự hiện diện của Thượng Đế, nghi ngờ những giá trị được cha ông dậy dỗ. Từ lý do đó, anh không còn cứu cánh nào khác ngoài văn thơ và nhạc, trong tình trạng luôn suy tư về cuộc đời để tự hỏi: "tại sao mình có mặt trên cuộc đời này, tại sao cứ ở đây hoài, mệt thấy mồ luôn!", Nói tóm lại, Ngu Yên "sống cũng mừng, mà chết cũng mừng"...


"Đôi lúc muốn mình chết phứt cho yên
Đôi lúc muốn sống lâu mưu đồ ảo ảnh
Đôi lúc quanh co hỏi mình muốn gì
Đôi lúc chán
Thấy mình thừa thãi
Đôi lúc yêu đời
Thấy mình xứng đáng ở đây..."

Vào tháng 06 năm 1993, gia đình Ngu Yên dời về Houston sau khi có với nhau 3 con gái. Hiện nay người con lớn đã ra trường về ngành Marketing, người thứ hai bắt đầu theo học y khoa và cô con út đang ở bậc trung học.


Từ cuối năm 95 tại Houston, Ngu Yên đã bắt đầu tổ chức những buổi ra mắt sách, CD, vv...Cho đến năm 96, anh tổ chức buổi trình diễn nhạc có tầm vóc lớn lần đầu tiên, sau khi đã thực hiện những buổi nhạc thính hòng bỏ túi tại những quán cà phê tại thành phố này. Đến năm 98, Ngu Yên đứng ra thành lập nhóm Viet Art Productions - với sự cộng tác của Nguyễn Cương - gồm một số anh chị em yêu nghệ thuật nhưng không nhắm nhiều vào vấn đề thương mại, với chủ trương "không để làm giầu, không phải để nổi danh nhưng chỉ để thỏa mãn sự ham vui làm đầu để cùng chia sẻ với đồng bào ở Houston cùng nhau vui chơi ". Hoạt động của Viet Art khởi đầu với chương trình nhạc thính phòng Màu Thời Gian với Lê Uyên Phương, Nga My-Trần Lãng Minh thu hút được trên 600 khán giả, khởi đầu cho những sự thành công sau này. Từ đó đến nay Viet Art đã tổ chức trên 20 buổi trình diễn nhạc lớn như đại hội chợ Tết năm 2003 vừa qua - được sự hợp tác của nhóm Thế Hệ và Mạng Lưới Tuổi Trẻ - với trên 10 ngàn người tham dự . Gần đây hơn cả, 2500 khán giả đã đến với chương trình thính phòng với chủ đề " Tình Anh Lính Chiến " nhân ngày quân lực vào tháng 06 vừa qua.


Cũng từ giữa năm 2003, Ngu Yên quyết định bán cơ sở thương mại theo đuổi từ nhiều năm qua để "rút về sống cuộc đời an nhàn để sáng tác, nếu không thì sáng tác không nổi, vì có nhiều projects đang làm nửa chứng, nhất là về những sách dịch, sách viết và sáng tác nhạc, thơ, vv...Làm một mình không có đủ thì giờ, mặc dù ngày nào cũng thức đến 2, 3 giờ sáng, nhất là vào weekend còn thức khuya hơn, khi sức khỏe không còn như lúc trẻ "


Với quyết định như vậy, có thể coi là Ngu Yên bắt đầu bước vào một giai đoạn mới với một sự dấn thân hơn vào lãnh vực thi ca và âm nhạc khi không còn vướng bận với công việc làm ăn, để "mình có thời giờ đi đây đi đó, giang hồ đầu đường xó chợ , nhìn ngắm cảnh đời thì mình sáng tác mới thấm thía được"


Trước khi đi tới một khúc quanh khác, Ngu Yên đã từng nghịch ngợm qua 6 tập thơ của mình: Hóa Ra Nét Chữ Lên Đàng Quẩn Quanh ( tập đầu tiên năm 1985 ), Tựa Đề Ở Bên Trong (1987 ), Hỡi Ơi ( 1990 ), Tình và Hãy Cho Ta Sống Giùm Đời Nhau ( tập Thơ đôi, 1995 ). Mới nhất là tập Thơ thứ 6 "Thi Sĩ Và Tôi", xuất bản năm 2002.

Qua 6 tập thơ đó, Ngu Yên đưa ra nhận xét của mình về phản ứng nơi người đọc là "người nào thích thơ tôi sẽ yêu thơ tôi rất đằm thắm, rất nồng nàn. Nhưng người nào không thích thì phải nói rằng là ghét. Phải dùng chữ ghét mới đúng!. ". Trước những yêu hay ghét, Ngu Yên đón nhận cả hai, không có buồn phiền, "vì ngay từ đầu mình đã chọn cái thái độ là đi một con đường mòn tuy rằng có đường xa lộ, có đường máy bay. Thích băng vào rừng đi một mình thì phải chịu thôi. ". Với Ngu Yên, "làm thơ cũng như đánh bạc, hút bạch phiến. Ngập rồi, nó vận vào người, chia phối ý nghĩ, xây đắp nhân sinh quan, cư ngụ trong tâm tư, khiến cả đời đi vào một hướng khác. Càng đi càng xa cái hướng đồng loại cùng đi. Và sẽ có lúc hoặc người bỏ mình, hoặc mình bỏ người. Cùng cựa, tất mình phải bỏ mình...". Nhưng hiện tại, Ngu Yên chưa phải bỏ mình, mà còn dấn thân thêm vào con đường anh đã chọn, để...


"... chẳng có gì để sợ
Ngoài trừ mất em
Họ đuổi không cho làm bác sĩ
Anh xin việc thi sĩ
Nghe nói
Làm thơ khỏi đóng thuế..."
Tuy vậy, anh vẫn còn một điều thắc mắc nên...

"Có những đêm thức khuya buồn thảm
Tôi và thơ trằn trọc thở dài
Cả hai đều không hiểu
thế nào là thơ hay"











NGU YÊN: NGƯỜI NÔ ĐÙA TRONG NHẠC



Trong thơ, con người nghịch ngợm mang tên Ngu Yên đã gây ra những phản ứng đối chọi trước sự "tự phá" của mình trong việc đi tìm một truyền thống mới, trên một con đường anh cho là gay go, nhiều thử thách. Trong nhạc, anh được coi như người thích nô đùa, giỡn cợt với âm thanh. Với Ngu Yên, một người tự đặt cho mình cái tên... "Quá Ngu", nhưng không chịu ngồi yên để nhất định vẫy vùng với những điều mới lạ. Với âm nhạc, anh tự hỏi tại sao đến bây giờ cứ phải dựa theo thang âm 7 "notes" của Tây Phương hoặc 5 "notes" ( ngũ cung ) của một số nước Á Đông? Tại sao cứ phải gò bó trong căn bản như vậy để không đi đến với những thang âm 8, 12 "notes",vv...hoặc đưa những âm thanh của sấm sét, gió bão và rất nhiều loại âm thanh khác vào âm nhạc để chỉ giới hạn trong âm thanh của âm nhạc hiện nay, tuy rộng lớn nhưng xét ra trong trời đất còn quá nhỏ hẹp. Mang một hoài bão như vâïy trong đầu,. Ngu Yên từ những ngày gần đây đã đến với âm nhạc một cách tích cực hơn trong mục đích khai phá những điều mới lạ trong âm thanh, được thể hiện qua CD "Bóng Nắng Khuya", phát hành trong năm 2002.


Người soạn hòa âm cho CD này là Lý Giai Niên, một người còn trẻ có tài năng và óc sáng tạo, thích đi tìm những gì mới lạ, hợp với quan điểm của Ngu Yên và em anh, Nguyễn Thảo là người trình bày tất cả những ca khúc trong CD này với một giọng hát và một cách trình bày đặc biệt không theo một lề lối bình thường. Còn riêng Ngu Yên , theo anh cho biết, những lời ca đã được viết bằng tất cả tấm lòng trong khi nhạc được viết theo cách...bất tuân qui tắc,"tuy nhiên chưa dám đi xa lắm"trong việc " dùng ngôn ngữ của âm nhạc ẩn tàng sau ngôn ngữ của ca hát". Anh cho đây là một sự thí nghiệm của 3 anh em. Thành công hay thất bại không quan trọng bằng sự thích thú vì đã làm được theo ý muốn mình, tuy biết rằng sự thưởng thức của những người khác còn rất là hạn hẹp vì "nhạc của mình đôi lúc khó nuốt lắm!, như Ngu Yên công nhận. Tuy vậy buổi ra mắt CD "Bóng Nắng Khuya" đã thu hút được một số lượng đông đảo. Điều đó đã chứng minh cho sự thành công của Ngu Yên, ít ra trên một mặt nào.


Thật sự, Ngu Yên đã chập chững đến với âm nhạc từ khi còn là một cậu học sinh trung học, sau khi đã được hướng dẫn về âm nhạc trong thời gian 4 năm đi tu để trở thành một sư huynh. Kết quả, anh không khoác lên mình chiếc áo dòng đen, nhưng lại khoác trên người một bộ quần áo bụi đời với mái tóc dài cùng râu ria lởm chởm để đi giang hồ đây đó, cũng như để giang hồ trong thi ca và âm nhạc. Ngu Yên từng xác nhận:" tôi có mộng giang hồ từ nhỏ. Tôi hay leo lên những chuyến tầu chợ để đi đó đây. Hồi đó tầu chợ dễ đi lắm, nó chạy rất chậm cho nên cứ nhẩy lên, nằm trên đó, tới chỗ nào thích thì leo xuống. Còn nếu không thì nằm một hồi, nó lại trở về quê quán cũ ".

Là một "kẻ giang hồ trong nhạc và thơ" nên Ngu Yên thích quen và giao du với những người bạn mới. Bởi vậy anh đã có dịp quen biết rất nhiều người có phong thái khác nhau để nghiên cứu về sáng tác của những người anh gọi là "kỳ nhân". Mỗi người có những nét sáng tác đặc biệt mà anh dùng để bổ sung cho cá tính của mình.


Nhưng sáng tác đầu tay của Ngu Yên lại là một vở nhạc kịch mang một nội dung rất phổ thông, "nếu không muốn nói là cải lương", như lời anh nói với tựa đề cũng...cải lương không kém:"Chia Tay Mùa Hoa Phượng"! Với một căn bản khá về nhạc lý, tại hải ngoại vào năm 1997, Ngu Yên dựng một nhạc kịch khác, theo tác phẩm "Bên Kia Sông Đuống" của Hoàng Cầm và tạo được nhiều tiếng vang tại Houston. Trong dịp này anh đã mời ái nữ của Hoàng Cầm là Kiều Loan hợp diễn cùng Mai Hương, Thái Hiền và người em út của anh là Nguyễn Thảo. Trong khi đó, giáo sư Vĩnh Lạc - một trong những tay piano tài ba của Việt Nam - đảm trách phần soạn nhạc, soạn hòa âm và phần hát bè cho vở nhạc kịch.


Sau này, khi chú tâm nhiều hơn vào sự "tự phá" trong âm nhạc của mình, Ngu Yên đã sáng tác một số nhạc phẩm, theo anh kể là " có nhiều người nói sao anh làm cái nhạc gì mà nghe nhức đầu, hồi hộp và lắt léo quá vậy?". Cho đến nay, những nhạc phẩm đó chưa có dịp nào ra mắt khán thính giả vì " chỉ mới có người quen mình nghe mà đã tá hỏa tam tinh rôi thì làm sao người lạ có thể nghe được!". Tuy nhiên Ngu Yên cho rằng trên thực tế còn quá sớm để nói về kết quả nơi sự nô đùa với âm thanh của anh, nhưng "lúc nào trong tâm nguyện của tôi cũng suy tư để tìm một cái căn bản khác, tìm một đường lối khác"


Con đường Ngu Yên theo đuổi quả thật khó khăn khi đại đa số quần chúng chỉ thích nghe những gì đã trở thành quen thuộc. Anh đưa ra một thí dụ: làm một bài thơ gần giống như Nguyễn Du thì dễ được người ta khen hơn là làm một bài thơ hoàn toàn khác hẳn với lối thơ của tác giả truyện Kiều. Thành ra " nếu anh đi một con đường lạ thì người thưởng thức rất ít . Phải nói rằng khi chọn một con đường quá lạ thì nhiều khi chỉ còn một mình anh , và chỉ một mình anh biết anh làm cái gì.! Còn những người khác người ta sẽ cho rằng tên này chắc khờ, chắc điên hoặc không biết gì về âm nhạc", như anh tâm sự. Thậm chí đã có một số bạn khuyên anh đi học nhạc lại, khi được anh cho nghe những nhạc phẩm họ cho là "kỳ quái" này. Nhận xét về nhạc Ngu Yên, Tuấn Ngọc cho là một loại nhạc "khó nuốt", trong khi Ngô Thụy Miên lại tỏ ra rất thích thú trước những sắc thái mới lạ của dòng nhạc này.


Sở dĩ bị coi là "kỳ quái" và "khó nuốt" vì Ngu Yên đã hoàn thành một số nhạc phẩm mà không dựa trên qui tắc của thang âm, tức những hợp âm sẵn có vì muốn chọn những hợp âm hoàn toàn khác hẳn hoặc có khi nghịch đảo với những gì sẵn có. Thật ra anh cho rằng việc làm này không mới lạ gì đối với những bậc sư, nhưng trong nhạc trường Việt Nam nó trở thành lập dị. Theo anh, lý do đó đến từ tình trạng thường người Việt không ai muốn làm việc này hoặc không ai muốn tìm tòi những chuyện đó. Ngu Yên còn cho biết thêm thậm chí anh muốn đưa ra một loại nhạc có bản chất mỗi lần được hát phải khác nhau !. Như "cũng một bài nhạc khi mình vui, mình hát khác, khi mình buồn mình hát khác hoặc khi thất tình lại hát khác, hay khi được bình yên mình sẽ hát khác. Và bài nhạc đó phải cho phép người ca sĩ hát lên những cái điệu, những cái tiết tấu, những điều khác nhau, để diễn tả tâm trạng của mình."


Ngu Yên hiện vẫn tiếp tục tìm tòi để đi tới một quan niệm khác về âm nhạc. Đối với bất cứ ai, nhất là đối với một người có tâm hồn nghệ sĩ như Ngu Yên, cũng có những ước mơ riêng của mình. Nhưng ước mơ là điều chưa chắc đã thực hiện được. Ngu Yên rất hiểu điều đó, nhưng anh đua ra một chủ trương như người Mỹ thường nói:" Người hèn nhát không bao giờ bắt đầu được, người yếu không bao giờ đi đến nơi được., chỉ có những người gan dạ và những người khỏe mạnh mới đi đến được California" Câu đó khiến anh suy nghĩ nhiều về những miền xa lạ trong âm nhạc. Muốn đặt chân lên được những vùng xa lạ đó, cần phải có sự can đảm, sức khỏe, thời giờ và sự hy sinh. Và nếu "đi không được nửa đường mà chết thì ráng chịu, bởi vậy phải biết chấp nhận con đường đi của mình. Còn nếu đi được tới nơi, anh cbỉ thỏa mãn được điều anh nghĩ trước đó rằng ở California có vàng, có nước, có trời mây, có khí hậu tốt nên anh tới thử cho biết. Nhưng khi tới nơi nếu không phải như vậy thì cũng ráng chịu thôi" . Ngu Yên chấp nhận tất cả, vì anh cho đó là sự "diễn tiến của đời sống con người, chứ không phải mong được thành danh hoặc trở thành đại nhạc sư. Điều đó tôi không bao giờ nghĩ tới ".


Đến nay Ngu Yên nhận là đã theo đuổi được phần nào diễn tiến đó, nhưng chưa có dịp đưa ra trước mọi người. Vì muốn thực hiện được điều đó, cần có tiền và thời gian để luyện tập cho một số ca sĩ mới, không phải là nhữg ca sĩ "bây giờ". Hoặc nếu với những ca sĩ bây giờ, anh phải bỏ ra một nguồn tài chánh lớn để họ nhận tập những nhạc phẩm hoặc điệu hát "rắc rối nhức đầu" của mình. Hơn nữa, Ngu Yên thừa biết, những ca sĩ đã thành danh khó có thể dành thì giờ cho chuyện đó. Trừ một người. Đó là Julie, người nhận là giọng ca mình thích hợp với dòng nhạc của Ngu Yên cũng như rất ủng hộ con đường đi mới mẻ của anh để đã đưa tiếng hát của mình vào một CD gồm những ca khúc của Ngu Yên mang tên "Mong Manh Tiếng Cười Chạm Thiên Thu". Cậu em Nguyễn Thảo của anh mà giọng ca đã có lần cất lên trong chương trình "Paris By Night" cũng là người rất thích thú trước những gì Ngu Yên đã và đang làm để quyết định lấy 10 ca khúc của anh để trình bày trong CD "Bóng Nắng Khuya" thay vì những nhạc phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng như dự định. Cũng chính giọng hát này sẽ trình bày một số ca khúc của Ngu Yên trong một CD khác mang tựa đề "Đợi Chờ Không Biết Đợi Chờ Ai", sắp được tung ra một ngày không xa. Ngoài ra Nguyễn Thảo đã cùng với Julie trình bày một số nhạc phẩm của Ngu Yên trong buổi "Chiều Tan Trong Nhạc Jazz", tổ chức tại San Jose vào ngày 12 thang 07 vừa qua. Như tên gọi của nó, buổi nhạc thính phòng này nghiêng nặng về loại nhạc Jazz, loại nhạc đối với giới thưởng thức nhạc người Việt vẫn được coi là hạn chế, tuy nhiên "Chiều Tan Trong Nhạc Jazz" đã được những người tham dự tỏ ra say mê trước những âm thanh mới lạ để tỏ ra khuyến khích việc làm của anh.. Tuy nhiên tất cả những gì của Ngu Yên được phô bầy cho người nghe chỉ là một phần nhỏ trong số hàng trăm nhạc phẩm được anh "kính cẩn cất vào trong các ngăn kéo, cũng như với thơ mà "mỗi khi làm được thơ hay, tôi lặng lẽ cất vào phù phiếm" .


Từ những ngăn kéo đó, thỉnh thoảng Ngu Yên lôi những sáng tác của mình ra hát một mình để nghe lại những âm thanh và nghiền ngẫm những suy tư về âm nhạc vì không có cách nào mang ra trước quần chúng. Anh chỉ hy vọng " có thể sau khi mình qua đời , xa lánh cõi trần gian này rồi thì biết đâu đi sau mình có người họ cũng thấy được con đường giống mình, họ thích con đường như mình thì họ tiếp tục thôi", như anh nói với nhiều tin tưởng. Về vấn đề khiến khán thính giả làm quen với những gì mình thực hiện, Ngu Yên công nhận là một yếu tố quan trọng. Theo anh, người làm nghệ thuật có thành công hay không trong xã hội có 2 mặt để nhìn. "Nếu nhìn trên khía cạnh của một người có liên hệ với xã hội nhân loại thì người thưởng ngoạn rất cần thiết. Nếu không có người thưởng ngoạn thì dù có viết, có làm cái gì chăng nữa cũng phải bỏ vào sọt rác ". Nhưng theo Ngu Yên, nếu nhìn từ một quan điểm của một cá nhân thì anh cho rằng sự quan trọng của một tác phẩm tùy thuộc vào cách làm việc và và sự diễn tiến của đời sống. Sự kiện đó đã được thể hiện qua những sáng tác của Ngu Yên, như một số được hòa âm theo thể loại Jazz là loại nhạc đã được biến thể nhiều sau thập niên 80, hoặc nhạc Flamenco hay Phi Châu khá mới lạ với người Việt, đôi lúc khó nghe trong những đoạn được sử dụng đàn điện tạo thành những câu kết chói tai. Ngay như người bạn đời của anh là Ngọc Phụng cũng đã đưa ra nhận xét về một số bài của anh là "làm nhạc như thế này thì ai hát cho nổi! " . Nhưng với Ngu Yên, anh quan niệm là nếu đã có "note" nhạc và mình hát được, tất nhiên phải có người hát được, chẳng qua là hiếm hoi. Hơn nữa anh còn cho đó là cách " để làm thức tỉnh con người, thức tỉnh sự bình lặng của cuộc đời". Theo anh, trong cuộc sống hiện nay, mọi người sống rất vội vàng, hàng ngày chạy đua theo đồng hồ với những rắc rối của cuộc đời. Không ai đoán được trong một tiếng đồng hồ tới sẽ có chuyện gì xẩy ra. Cho nên âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung cũng bắt đầu thể hiện sự dồn dập, sự căng thẳng, những sự bất biến, những tai nạn xẩy ra. Điển hình là một số ca khúc trong CD "Bóng Nắng Khuya", đặc biệt là nhạc phẩm Cười Đáp Trả Thanh Xuân, phổ từ thơ của Lê thị Huệ. Đây là một nhạc phẩm được viết với kỹ thuật nhạc kịch tuy rằng quá ngắn để nói lên một triết lý là trong sự bình yên hàng ngày của chúng ta tàng ẩn những bất an, bất ổn sắp sửa xẩy ra.


Qua bài viết dành cho Ngu Yên, một kẻ giang hồ trong nhạc và thơ, quan niệm sáng tác của anh đã được đề cập đến một cách rõ rệt. Quan niệm này nói lên được sự thích thú đi tìm những cái hay, cái lạ để đưa vào hai lãnh vực nghệ thuật này. Con đường Ngu Yên theo đuổi để tạo thành một truyền thống mới quả thật khó khăn khi phải đương đầu với những gì đã trở nên quen thuộc với người thưởng thức, đã bám rễ trong đời sống trí thức của con người từ rất lâu. Nhưng Ngu Yên vẫn tin tưởng nơi việc làm của mình, vẫn tin tưởng sẽ gặp được những người có đầu óc sáng tạo cũng như nhận biết được một triết lý trong âm nhạc và thi ca. Và hình như sự tin tưởng của một người nghịch ngợm trong thơ và nô đùa trong nhạc đang có dịp thành hình sau khi anh dấn thân một cách tích cực hơn nữa một khi bước vào một giai đoạn mới để có thể dành nhiều thời gian hơn trong việc sáng tác của mình.


Một số trao đổi sau đây sẽ giúp những ai muốn tìm hiểu thêm về Ngu Yên, về quan niệm trong nghệ thuật của anh...


· Anh quan niệm ra sao về vấn đề triết lý trong nghệ thuật?


- Bất cứ nghệ thuật nào đi đến một mức độ nào đó cũng phải có một sự support của triết lý. Bởi vì cuộc đời này nói cho cùng là nếu nghệ thuật không có giá trị thì tại sao lúc nào nhân loại cũng có sự hiện diện của nghệ thuật dù rằng bình thường trong đời sống không ai coi ngheb thuật ra cái quái gì!. Nhưng chắc chắn nếu không có nghệ thuật thì con người không thể có được như ngày nay. Thành ra triết lý sâu xa của nghệ thuật rất cần thiết để phổ biến cho mọi người.


· Quan niệm của anh về sáng tác...


- Thí dụ anh là một người đi câu cá. Nếu anh câu được con cá thì người ta sẽ khen ngợi:"ồ anh câu được cn cá lớn quá, anh này câu giỏi quá!". Nhưng dầu anh là một người giỏi nhưng hôm đó anh không câu được con cá lớn mà chỉ câu được cá nhỏ thì anh chỉ được coi là thuộc loạim giỏi trung bình. Còn ngược lại, nếu anh không câu được con cá nào thì dù anh rất giỏi về câu cá thì anh cũng bị coi là không có tài năng gì cả đối với quần chúng bên ngoài. Nhưng đối với người câu cá thì thật ra con cá lớn, con cá nhỏ không phải là quan trọng. Cái quan trọng là anh có sử dụng cần câu đúng bằng cây trúc, cây tre mà anh ngâm nước, ngâm trời, ngâm mưa, ngâm nắng để cho nó dai; sợi cước anh tung ra có đúng không? Cái miếng mồi anh sài có đúng không. Còn vấn đề anh có câu được con cá nào không thì cái chuyện đó là chuyện của trời đất. Còn chuyện sửa soạn để đi câu cá đối với người sáng tác rất là quan trọng. Cho nên đứng trên cá nhân của tôi thì chuyện tôi sửa soạn cần câu, giây cước, mồi để đi câu thì chuyện đó nó quan trọng hơn là tôi câu được con cá. .Đó là sự chọn lựa của mình ngay từ đầu rồi.


· Kết quả của sự "câu cá" với anh như thế nào?

- Bây giờ mình câu được cái gì, làm được cái gì mình sẽ để lại cho những người thưởng thức. Và đúng, nếu người ta bảo rằng cái thằng đó cả một đời nó viết lách này kia, nó chỉ nói dóc thôi chứ cuối cùng nó đâu có làm được cái gì thì mình phải chịu thôi. Bởi vì đó là cái luật của trời đất, luật của nhân loại. !


Nhưng mà riêng về mặt âm nhạc mình không có dịp để trình bày cho nhiều người nghe. Phải nói như thế này: một trăm người thì có lẽ mình chỉ được một người nghe xong thì thích, bảo rằng cậu nên chọn con đường này. Đã đi thì ráng đi cho trót. Còn một người nữa thì bảo rằng là tôi rất thích, nhưng tôi nghĩlà cậu sẽ thất bại. Có lẽ 99 người kia thì bảo rằng; ông ơi, tôi thấy ông làm những bản nhạc bình thường thì tôi nghe tôi rất thích. Còn những bản nhạc này, ông ơi làm sao tôi nghe nổi, vừa đau tim, vừa nhức đầu như vầy? . Thật ra là mình có làm thử một số bài và được một số người rất yêu mến, nhưng trong thâm tâm mình, mình lại không yêu mến những bài đó. Bởi mình thấy nó cũng là cái chuyện mà nhiều người làm rồi đó! Thì mình cũng chỉ là một trong những người làm chuyện đó mà thực ra mình không mang được cái gì tới cho cái dòng âm nhạc cả. Với lại ngay cách suy tư của mình nó không đúng như là điều mình yêu mến, thành thử ra mình cũng không thích lằm. Tuy nhiên mình cũng phải có một vài bài để coi như là lót đường cho thính giả nghe cho nó lọt lỗ tai. Nhưng còn những bài kia thì cho tới giờ này, mà ngay cả chính anh cũng chưa được nghe mà ít có người được nghe lắm. Vì khi anh nghe xong, anh cảm thấy rất là nhức đầu!


· Anh nhận xét thế nào về vai trò một người làm nghệ thuật trong xã hội hiện nay?


- Tiếc thay trong đời sống cơm áo này mọi người coi trọng 100 đô la hơn một bản nhạc tình. Người ta coi trọng một cái job kỹ sư, coi trọng một ông kỹ sư hơn là một anh nhạc sĩ!. Do đó theo tôi, đó là một điều đáng tiếc cho nhân loại chứ không phải riêng cho người Việt Nam mình... Platon bảo rằng chúng ta hãy cho thi sĩ một vòng hoa rồi đuổi hắn ra khỏi thành phố là một quan niệm rất là sai lầm. Bởi vì từ khi thi sĩ ra khỏi thành phố rồi thì thành phố đó rất là héo hon, những người còn lại chỉ là những người công chức già, tâm hồn rất khô khan và sống với nhau bằng một tâm hồn khô khan thì không có gì vui. Làm sao anh có những bữa nhậu thâu đêm, làm sao anh có được một buổi ngồi hát Karaoke, làm sao anh có được một bữa trời mưa đi dưới trời mưa phơn phớt mà được nghe bài "mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ." Thành thử ra đối với một người nghệ sĩ, triết lý của nghệ thuật rất cần phải tồn tại và cần được phổ biến trong đời sống... Nhưng tiếc là mình không có đủ khả năng và không có đủ tầm lực để làm được những công việc đó.



TRƯỜNG KỲ


Trường Kỳ hiện sống tại Montreal Canda cọng tác với nhiều đài phát thanh : VOA, SBS, VOVN... Là một khuôn mặt đi đầu trong phong trào phát triển nhạc trẻ Việt nam tại Sài Gòn vào đầu thập niên 60.













NGU YÊN – DIỄN TỪ NHẬN GIẢI THƠ VĂN VIỆT LẦN THỨ HAI





Kinh thưa quí vị quan khách, kính thưa quí văn hữu,

Tôi rất tiếc không thể tham dự buổi phát giải văn học của mạng lưới Văn Việt, dù may mắn được bầu chọn nhận giải thi ca năm 2016. Tôi xin phép được cậy nhờ nhà thơ Ý Nhi đọc đoạn viết ngắn này, với mục đích cảm tạ và chia sẻ tâm tình, thuần túy trong tâm tình của người mến mộ văn chương.

Xin cho phép tôi được lược bỏ những rào đón rườm rà, những quy tắc lễ phép xã giao không cần thiết, vì hầu như những chuyện đó giả dối và vô nghĩa trong giới nghệ thuật. Xin cho tôi được thành thật nói lên đôi điều dù thô thiển hoặc khó nghe.

Trước hết, tôi xin cảm tạ mạng lưới Văn Việt đã thành lập những giải văn học với tấm lòng yêu mến văn chương Việt, dù quí vị phải cưu mang một truyền thống xã hội văn chương tương tế đầy phức tạp và một hệ thống chính trị văn chương đầy áp lực. Cảm ơn những văn hữu mà tôi không biết tên, đã bầu chọn thơ Ngu Yên, dù loại thơ này, hiện nay, còn rất xa để đến mức thành đạt. Đây không phải là lời nói khiêm nhường. Có ai trong chúng ta có thể tự nhận bản thân đã thành đạt văn chương?

Tiếp theo, tôi xin hết lòng cảm ơn những ai còn đọc thơ, giữa lúc thơ, từ gần cuối thế kỷ 20, đã được dời sang một thế giới khác, không được ca ngợi như thế giới thần linh, không được xem trọng như thế giới vật chất, không được sợ hãi như thế giới ma quỷ, không được ưu ái như thế giới đàn bà, trẻ em, đàn ông và chó.


Cảm ơn quí vị còn đọc thơ, vì đọc thơ là chuyện tôi muốn hỏi quí vị và các văn hữu trong cuộc độc thoại này. Câu trả lời sẽ thành đối thoại không cần nói ra, chỉ giữ lại để cảm thông vì sao thơ đang than khóc trong thế giới bên kia.

Có đúng không, khi thi sĩ Wislawa Szymborska nói rằng, “Có lẽ, trong một ngàn người, chỉ được hai người đọc thơ”? Đó là chuyện của thế giới. Trong đời sống người Việt, bao gồm hải ngoại và quốc nội, có phải trong mười ngàn người, may ra có vài người đọc thơ? Trong bài Thiểu Số Thích Thơ, bà Szymborska còn nghĩ rằng, những người đọc thơ, đa số thích thơ như thích phở gà, như thích lời khen, như thích khăn quàng cổ … Còn chúng ta? Đọc và thích thơ như thế nào? Đa số chúng ta thích thơ như thế nào, đa số sáng tác sẽ nghiêng về hướng ấy. Đáng quan tâm hơn, nếu chúng ta có vị trí hoặc cơ hội phát tán thơ đến người đọc, hãy gửi thơ đi như thế nào mà lòng không ái ngại khi đọc lại. Thơ không cần nhiều, vì người đọc chẳng ai cần gặp nhiều người chết. Họ muốn gặp những người sống độc đáo và thú vị. Thơ sống dĩ nhiên khan hiếm. Một trong những lý do, tại sao một ngàn người chỉ có hai người đọc thơ? vì một ngàn bài thơ chỉ có hai bài sống và 998 bài chết.

Vào đầu thế kỷ 21, thơ toàn cầu lâm trọng bệnh, và càng nan y hơn trong xã hội người Việt, dù người sáng tác khắp nơi vẫn hồ hởi, nhưng người đọc khắp nơi tự nhiên, tự động tìm sang lãnh vực khác: xem facebook thấy khoái hơn, xem youtube học hỏi nhiều hơn, xem phim ảnh vừa thỏa mãn tâm tình vừa thỏa mãn trí tuệ, còn đọc thơ? Có gì để đọc? Nếu nghĩ xa hơn, những thế hệ tương lai, với văn minh tiến bộ lũy thừa, cón bao nhiêu người sẽ đọc thơ? Lúc đó, thơ sẽ là thứ gì? Tại sao thi sĩ Allen Ginsberg nói rằng: “Thơ là một nơi mà con người có thể nói ra từ trí óc nguyên thủy của nhân loại. Đó là lối thoát cho con người để phát biểu trước đám đông những gì chỉ một cá nhân được biết.” Liệu những gì hiểu biết cá nhân của người làm thơ có nguyên thủy, nguyên bản, có thú vị, độc đáo như trên facebook, youtube và điện ảnh? Thơ dù có giá trị đến mức nào, không có người đọc, là thơ bị bỏ rơi.

Câu chuyện này chỉ có thể gợi ý vì lý luận dông dài cũng chỉ vô ích, vô nghĩa, khi nhu cầu thơ đã thay đổi, khi giá trị của thơ chưa được xét lại, khi tác dụng của thơ đã mất hiệu nghiệm, dù hành trình tang liệm thi ca sắp bắt đầu. Lời nói của thi sĩ Paul Valery sẽ được lập lại để kết thúc những lời chia sẻ của cá nhân tôi gửi đến quí vị và các văn hữu. Ông nói, “Một bài thơ không bao giờ chấm dứt, chỉ bị bỏ rơi.” Phải chăng, không chỉ người đọc bỏ rơi thơ, mà chính người làm thơ đã bỏ rơi thơ?

Xin cảm tạ quí vị, quí văn hữu và xin gửi lòng cảm kích đến tất cả người đọc.

Ngu Yên. Houston,















Ngọc Phụng, Ngu yên, Nguyễn Mộng Giác 1984










Đào Trung Đạo, Nguyễn Vũ Khuyên, Ngu Yên







Phan Nguyên & Ngu Yên
















(nguồn: Tổng hợp internet & http://www.gio-o.com/)










Trở về






MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.