Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

Nguyễn Thụy Long (1938 - 2009)

















Nguyễn Thụy Long
(1938 - 2009)
Hưởng thọ 71 tuổi

Nhà văn










Tiểu sử 



Nhà Văn Nguyễn Thụy Long sinh ngày 09/08/ 1938 tại Hà Nội.
Mất ngày 03/09/2009, lúc 14 giờ tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Ông là Cháu ruột nhà văn Nguyễn Bá Học, người nổi tiếng với câu: "Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà vì lòng người ngại núi e sông".
Năm 1952, Ông và gia đình vào Nam sinh sống tại Sài Gòn.
Cựu học sinh trường trung học Hồ Ngọc Cẩn.
Sinh viên Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định.
Cộng tác báo Ngàn Khơi với nhà văn Nhã Ca , nhật báo Sống của nhà văn Chu Tử.
Trước 1975, tiểu thuyết đầu tay có tên Vác Ngà Voi (1965), với bút hiệu Lan Giao. Các tác phẩm sau, đều lấy tên thật Nguyễn Thụy Long.
Năm 1970, tiểu thuyết Loan Mắt Nhung đã gây tiếng vang lớn từ truyện đến phim do đạo diễn Lê Dân dàn dựng .
Ngoài hơn 30 tác phẩm xuất bản, Nguyễn Thụy Long còn cả trăm truyện ngắn và những tác phẩm sáng tác sau này.
Năm 2005, ông được phát giải Văn Chương Toàn Sự Nghiệp do Nguyệt san Khởi Hành (Mỹ) trao tặng, nhưng vì sức yếu đã không đến dự .
Năm 2009, Ông dồn hết tâm huyết cho bộ bản thảo Vùng Mả Động, dự trù khoảng 4000 trang, nhưng đến khi nhắm mắt lìa đời, Vùng Mả Động mới viết được hơn 1000 trang.












Tác phẩm tiêu biểu







1
Vác Ngà Voi
(1965, với bút hiệu Lan Giao)








2
Sầu Đời
(Âu Cơ, 1967)








3
Bước Giang Hồ
(1967)








4
Vòng Tay Đàn Ông
(1967)








5
Chim Trên Ngọn Khô
(1967)














7
Tay Anh Chị
(1968)











8
Bà Chúa Tám Cửa Ngục
(1968)









9
Vết Thù
(1968)









10
Đêm Đen
(1968)









11
Gái Thời Loạn
(1968)









12
Bóng Tối
(1968)









13
Kinh Nước Đen
(1969)









14
Nữ Chúa
(1969)









15
Xóm Cô Hồn
(1969)









16
Kiếp Hoang
(1969)









17
Nợ Máu
(1969)









18
Nhà Chứa
(1970)









19
Ven Đô
(1970)









20
Bão Rớt
(1970)









21
Cầu Cá
(1970)









22
Dấu Chân Gió Chạy
(1970)









23
Biển Đen
(1971)









24
Biệt Thự Phù Du
(1971)









25
Đàn Ông Đàn Bà
(1971)









26
Hạt Giống Của Trời
(1971)









27
Những Cánh Tay Thuồng Luồng
(1971)









28
Tốt Đen
(1971)









29
Vang Tiếng Ruồi Xanh
(1971)









30
Dưới Chân Non Nước
(1972)









31
Gió Hú
(1972)









32
Tử Tội Hoan Hỉ
(1972)









33
Mặt Biển Đen
(1973)









34
Nửa Đời Bóng Tối
(1991)










35
Viết Trên Gác Bút
(1997)
http://vietmessenger.com/books/?title=viettrengacbut









36
Giữa Dêm Trường
(2000)
http://vietmessenger.com/books/?title=giuademtruong









37
Người Xây Lò
(2001)






38
Thìn Ma
(2007)











39
Thân Phận Ma Trơi

……………………………







Ngoài ra, Nguyễn Thụy Long còn 3 tác phẩm mới viết:








*Hồi Ức 40 Năm Cầm Bút











*Hồi Ký Thuở Mơ Làm Văn Sĩ


* Vùng Mả Động ( 2009 )

Năm 2009, Ông dồn hết tâm huyết cho bộ bản thảo Vùng Mả Động, dự trù khoảng 4000 trang, nhưng đến khi nhắm mắt lìa đời, Vùng Mả Động mới viết được hơn 1000 trang.




















Nguyễn Thụy Long
Mối Tình Chung Của Con Đĩ Ngựa


KHÓI nhang bay tản mác trong không khí. Những chấm tàn nhang đỏ nhiều như sao sa cắm ở nghĩa địa bị gió đêm làm rung rinh trong bóng tối. Hồi chiều những thân nhân đi thăm mộ muộn đã thuê người làm cỏ sạch trơn. Mọi khi, vào cuối mùa mưa, nghĩa trang dầy đặc cỏ, um tùm như một vùng cỏ hoang. Nhiều ngôi mộ bị cỏ che khuất, lối đi vào không còn phân biệt nổi từ đâu đến đâu. Những đêm mùa mưa nước ngập ểnh ương kêu y uông vang cả một vùng. Thế mà mới từ hai mươi lăm tết đến giờ, đám cỏ hoang lần lần bị thanh toán. Mùa nắng bắt đầu, đất khô tiện cho việc thân nhân thuê người làm cỏ. Cho đến hôm nay, ngày 30 tết, cọng cỏ cuối cùng đã bị nhặt sạch.



Chiếc lều của "con đĩ ngựa" nằm ngay ven nghĩa địa, tức là ngay cạnh con đường dẫn vào xóm, Không ai biết "con đĩ ngựa" đến tá túc ở đây từ hồi nào. Chiếc lều xinh xinh chỉ kê vừa đủ một cái giường nhỏ, còn lại một khoảng trống dùng làm bếp nấu ăn, đồng thời cũng dùng để nồi niêu chén đĩa. Suốt ngày "con đĩ ngựa" ngồi ở trước cửa, nhặt một rổ lông gà do một người đàn bà đem lại. Sau khi mụ nhặt riêng rẽ chọn lấy những chiếc lông tốt cắm vào nhựa đường quết trên một thanh tre vót tròn dài chừng nửa thước. Tới chiều tối thì mụ có thể hoàn thành được chừng mười cái chổi phất trần. Ngày hôm sau cũng mụ đàn bà ấy tới lấy mang đi bán. 

Đó là kế sinh nhai độc nhất của "con đĩ ngựa " từ bao nhiêu năm nay. Mụ sống có vẻ sung túc, đôi khi mụ lại còn là chủ nợ của một vài gia đình phu xích lô trong xóm. Không ai quỵt nổi nợ của mụ, suốt ngày khi nào ngừng tay là mụ lại xoe xóe chửi. Mụ chửi trời chửi đất, chửi con nít, chửi tất cả những ai đã có ý khinh khi mụ. Tên tuổi mụ không ai được rõ, người ta gọi mụ là "con đĩ ngựa" nhưng chỉ gọi lén. Nếu mụ nghe thấy, mụ sẵn sàng chửi ra rả từ ngày nọ sang ngày kia. Mười một giờ đêm, khi xóm giềng bắt đầu tắt đèn đi ngủ, mụ lên tiếng chửi lần chót. Bài chửi kỳ này văn vẻ hơn, nghĩa lý hơn, người ở quanh vùng đoán lần rà, biết bài chửi đó mụ dành cho một gã đàn ông nào đó đã một lần đi qua đời mụ. Mối tình không mấy đẹp đẽ, một vụ hiếp dâm thì đúng hơn, Vì bài chửi đó mà mọi người đặt cho mụ cái tên là "con đĩ ngựa". 

Không ai có thể tưởng tượng nổi là mụ lại có được một mối tình. Người mụ nhỏ thó, da nhăn nhúm, mốc thếch, tóc trên đầu trốc gần hết, để lộ ra từng mảng da có những mụn ghẻ ngứa nhỏ, lúc nào cũng như sẵn sàng bong vẩy, sẵn sàng chảy nước vàng. Hai bàn chân luôn luôn quấn băng trắng, chất mủ loang trên mầu băng hấp dẫn những con nhặng xanh. Chiếc quạt luôn luôn ở bên cạnh chỗ mụ ngồi. Mới đầu, dân trong xóm tưởng mụ bị bệnh cùi. Nhưng cuối cùng họ biết mụ bị ghẻ kinh niên. Hình như không thuốc nào trị dứt nổi bịnh đó cho mụ, Sau bài chửi buổi tối, mụ ngồi tháo băng ra, rửa sạch chân, rắc một chút thuốc bột lên trên những mụn ghẻ lở loét. 

Mụ quấn băng, tắt ngọn đèn hột vịt độc nhất rồi yên chí nằm ngủ. 

ĐÊM cuối năm trời không có một vì sao, đàn ông, đàn bà, trẻ con trong xóm nườm nượp dắt nhau đi lễ lăng Ông. Nhiều nhà đã bày sẵn mâm trái cây ra sân hay trước cửa nhà. Những chấm nhang đỏ lừ ở bên nghĩa địa tàn lụn dần. Mầu đất mới đắp trên mộ trắng nhờ nhờ trong bóng đêm. 

"Con đĩ ngựa" đứng chống nạnh ở ngay bên cạnh lều, mụ nhìn ra nghĩa địa, nhìn mọi người vui vẻ qua lại. Thốt nhiên mụ nhảy chồm chồm xỉa xói vào khoảng trống. Nhiều người thấy vậy nhưng vẫn bình thản đi qua, họ nghĩ khộng dại gì lại dính vào "con đĩ ngựa" rước xui vào người. Trước mặt mụ hình như có một kẽ chịu trận, một kẽ vô hình nào đó hứng chịu tất cả mọi lời mọi tiếng gớm ghiếc của mụ : 

- Đồ chó đẻ, quân khốn nạn, quân bạc nghĩa. Chính mày đã phá hoại đời bà, mày trốn đâu hả quân phụ tình phụ nghĩa kia ? Ông trời có mắt mày ơi ! Bà mà túm được mày lúc này thì bà xé mày ra trăm ngàn mảnh cho coi... 

Mụ gào lên, giọng chanh chua như pha dấm : 

- Bà là người đàng hoàng, bà đâu phải là "con đĩ ngựa" để mày muốn xiên xỏ sao cũng được. Mày phá hoại đời bà thì trời tru đất diệt mày. Trời ơi là trời, sao trời không có mắt, sao trời không sai thiên lôi đánh tan xác quân phụ tình bỏ ngãi ấy đi. Bà sẽ chửi hoài chửi hủy, bà chửi tời thấu trời xanh mây trắng để tru diệt cả giòng họ nội ngoại nhà mày. Bà có chết xuống âm ti địa ngục bà sẽ lộn kiếp đầu thai vào nhà mày, phá tan hoang cả giòng giống quân bạc tình phụ ngãi. 

Càng chửi bới dữ dằn "con đĩ ngựa" càng thấy hình ảnh nghênh ngang của kẻ bạc tình hiện ra càng rõ. Lời chửi của mụ càng trở nên ray rứt, rền rĩ rồi trở thành than thân trách phận. Trước mắt, mụ lúc này như hiện ra tất cả hình ảnh một đêm xưa. Cũng con hẻm này đây, đêm đó tối trời, nồng nực. Trời nóng quá không chịu nổi, đang nằm trên giường quạt phành phạch, mụ ngồi bật dậy, vén mùng chui ra, khêu to ngọn đèo. Mụ ra cửa đứng hứng gió. Đêm yên lặng, không có một ngọn gió nào. Cây cối đứng yên phăng phắc. Trên bầu trời đen lác đác vài vì sao. Mụ quạt luôn tay vậy mà mồ hôi vẫn chảy ròng ròng trong áo. Mụ cổi lần từng chiếc nút áo, quạt lùa vào trong thân thể. Hễ ngưng tay quạt mồ hôi lại rin rịn chảy ra. Xung quanh mụ tiếng muỗi đói reo vo vo. Mụ phát bực mình, mụ cằn nhằn chửi : 

- Đ. má cái con mụ nội thằng trời, giờ này mà mày còn làm nóng người bà. Gió lên mày, không gió lên bà chửi chết cha cả mày luôn. Bà chửi hoài chửi hủy cho tới sáng, tới ngày hôm sau. Bà chửi khi nào mày nổi gió mát thì thôi. 

Mụ vừa cằn nhằn vừa quạt phành phạch không ngơi tay. Chợt mụ để ý đến một nhà lầu trong xóm, bỗng nhiên mụ thấy căm tức. Trời nóng như vậy mà chúng nó đóng cửa im ỉm. Hẳn nhiên lúc này trong căn phòng ngủ đó có một đôi vợ chồng đang thỏa thích trước hơi mát của quạt máy. Mụ tưởng tượng ra tiếng quạt kêu vo vo trong phòng, và đôi vợ chồng ôm nhau ngủ thiêm thiếp. Họ sung sướng quá. Vậy mà giờ phút này thì mụ lại cực khổ hết sức, mụ suy đi tính lại một hồi lòng ghen ghét càng tăng, cuối cùng bật ra khỏi cổ họng : 

- Cha cái con đĩ mẹ vợ chồng ở cái nhà lầu kia kìa (mụ chỉ tay ra phía nhà lầu). Mày thức dậy đi, mày mặc quần áo vào đi rồi giắt díu nhau ra cửa sổ nghe bà chửi đây này. A, chúng mày sung sướng, chúng mày ở nhà lầu, đi xe hơi, ngủ có giường nệm quạt máy. Chúng mày ăn sung mặc sướng có lúc nào chúng mày nghĩ đến dân nghèo mụt rệp như tao không. Chúng mày khi người như rác, chúng mày sợ dân nghèo ăn trộm nên cửa đóng then cài phải không ? !... Ôi đừng có phách lối, con này chửi cho thối mồ thối mả chúng mày ra. Con này sẽ chửi cho ông cố nội nhà mày đội mồ chui lên nghe kia. Chúng mày khinh khi tao, chúng mày đóng cửa im ỉm không thèm ra nghe tao chửi sao... hả, vợ chồng thằng nhà lầu xe hơi kia ? 
Mụ bất kể đêm hôm khuya khoắt, mụ nhảy loi nhoi, xỉa xói, tiếng chửi của mụ the thé vang trong đêm khuya. Hàng xóm láng giềng thức giấc. Họ chỉ càu nhàu lấy lệ, không ai muốn dính dáng gì đến mụ. Nếu trong lúc này có một người quá bực mình lên tiếng, mụ sẽ có đối thủ. Mũi dùi của mụ sẽ hướng về kẻ đó và mụ rất có thể có gan chửi cho tới sáng. Người ta có cảm tưởng mụ dám chửi cho đến rã họng, lăn quay ra chết như con ve sầu cuối mùa hạ. Mụ dữ dằn như một con chó con mới biết sủa bị cột cổ vào chân giường, con chó con thì ong óng sủa khi thấy bóng người, mụ cũng vậy, Mụ chửi vì những lý do không đâu. Chửi cho có chuyện, cho đỡ ghiền. 
Mụ chửi tàn sát, độc ác, mỗi ngày thêm được một vài danh từ mới tục tằn rất mực. Hình như những lúc ngồi bới lông gà là những lúc mụ nghĩ thêm câu chửi, khi xong việc mụ mang ra xài liền. 
Lũ nhãi ranh trong xóm coi mụ như một đồ giải trí, chúng dắt nhau đi chơi chán, khi về qua túp lều của mụ chúng dừng lại, nhìn vào trong hối thúc : 
- Ê, mẹ cùi chửi đi chó ! 
Nói xong chúng dắt nhau ù té chạy, Thế là mụ nhào ra cửa ong óng chửi cả tiếng đồng hồ, những đứa trẻ trong xóm đã bỏ đi chơi đâu mất tiêu. Khi mụ ngừng tiếng chửi, lũ trẻ lại đến chọc phá. Nhiều lần mụ đã bị bệnh vì chửi quá nhiều. 
Trời vẫn nóng nực như đổ lửa. Mụ quạt phành phạch luôn tay. Mụ lửng thửng đi dạo. Mụ đã ngừng chửi cái nhà lầu. Bây giờ mụ lại van vái Trời Phật cho xin ít gió. Mụ chợt nghĩ đến lu nước, hay là mình tắm một cái cho khoan khoái. Phải đó, mụ lửng thửng đi ra khạp nước để ngay bên cạnh nhà, mụ mở nắp khoắng tay vào đó. Nước còn lưng khạp. Mụ cổi quần áo máng lên hàng rào ngăn cách nhà mụ với nghĩa địa. Mụ ngồi thụp xuống cầm chiếc ca nhôm nhỏ múc từng ca xối lên người. Mát mẻ, mụ đưa tay vuốt từng giọt nước cho ướt đều khắp châu thân. Đêm trở lại yên tịnh sau khi mụ ngưng chửi bới. Chĩ còn tiếng nước đội ào ào và tiếng bàn tay vỗ bì bạch trên thân thể mụ. 
Bỗng nhiên mụ ngưng dội nước, hình như có tiếng chân người đi từ xa lại. Lẫn trong tiếng chân bước còn tiếng lè nhè hát hỏng không ra đầu ra đuôi : 
- Hỡi ơi sương mờ lác đác, nhìn ánh trăng mà lạnh lẽo cái cõi... a... a lòng... 
Sau câu vọng cổ có tiếng cười khà khà nổi lên. Tiếng cười và tiếng hát ấy của một người đàn ông say túy lúy. Mụ đoán chừng vậy. Tiếng hát lại một lần nữa nổi lên : 
- Đám cưới của em mời bà... con lối xóm, chỉ có riêng anh là... đíu có ai mời.,. Em biểu chồng em đẹp, chồng em sang... chồng em đứng... đắn đàng.. goàng... Còn anh thì... đíu có đàng... goàng... Đíu đàng goàng, sức mấy mà... đàng goàng... Anh là thằng điếm... á... á... là thằng đàng... từng... tưng, tức, tưng tức, cái bụng... á... á... tức à... á... cái mình. 
Sau lời ca của gã đàn ông là tiếng ngã lụi đụi. Hình như hắn đi đến gần hơn, gần hơn nữa. "Mụ cùi" (khi đó con đĩ ngựa còn cái tên mụ cùi) vội vàng vơ quần áo ôm vào người. Gã đàn ông lại té đến rầm vào cửa nhà mụ, Mụ la lên: 
- Thằng nào đó ? 
Gã đàn ông im lặng một lát, có lẽ gã nghe ngóng, rồi chắc hắn nhận ra tiếng đàn bà, gã cười khinh khích : 
- Anh đây cưng, em ở đâu vậy cưng ? 
Mụ cùi vẫn ôm quần đứng ở cạnh nhà, mụ hét lên : 
- Cút đi, đồ bợm nhậu, bà đang tắm. 
Gã đàn ông á à một tiếng rồi nhẩy chồm ra sau. Gã tới trước mặt mụ, gã khật khưởng ; nhe răng ra cười: 
- Ối chu choa ! Nàng tiên của anh tắm đấy sao ? 
Hắn dụi mắt, mụ cùi lùi dần, lùi dần tới sát hàng rào thép gai : 
- Cút đi, lộn xộn tao la...
Người gã đàn ông sặc mùi rượu, áo mặc trên người gã phanh ngực, gã lì lợm tiến lại, miệng cười toe toét : 
- Khỏi có ngán đi, thằng này chịu chơi mà, duyên kỳ ngộ. 
- Kỳ hôn, đi đi, người ta đàn bà con gái mà
- Há, đàn bà con gái sao ? tốt, tốt, đàn bà con gái thì tính theo đàn bà con gái. 
Gã vươn hai cánh tay dài như cánh tay vượn ra, mụ cùi không còn lối thoát mụ há miệng la : "Bớ người ta !" Nhưng miệng mụ ta bị bàn tay của gã đàn ông bịt chặt.. Mụ rẫy rựa, cào cấu, nhưng vô hiệu trước thân hình rắn chắt khỏe như vâm của gã đàn ông. Tiếng gã đàn ông thều thào : 
- Ôi sao em đẹp vậy, người em mát như đá. 
Gã bồng thốc mụ lên đi vào nhà, ném lên giường. Gã co chân đạp cái cửa xập lại. Trong bóng tối tiếng mụ cùi yếu dần : 
- Tao la à ! 
- La đi ! 
- Ái ! bớ... 
Tiếng gã đàn ông trở nên bay bướm : 
- Em ơi ! duyên nợ nào đưa anh tới đây... Ôi nàng tiên bé nhỏ của anh. Nàng tiên có tiếng nói trong như pha lê, tiếng cười như hột soàn và đôi mắt mơ huyền vương áng mây chiều ! 
Trong nhà có tiếng động mạnh, tiếng gã đàn ông thở dài: 
- Người em sao thơm vậy ? 
Tiếng trả lời của mụ cùi, lần này dịu lại : 
- Người ta tắm bằng sà bông Cô Ba ? 
- Cô Ba hả, đâu ? 
- Đồ điếm, sà bông Cô Ba chớ không có cô ba nào ở đây hết trơn á ! Coi kìa cái mặt dầy... 
Tiếng gã đàn ông cười hì hì : 
- Ờ ờ ! sà bông Cô Ba. 
Ngọn đèn dầu lụi dần, chỉ còn một đốm sáng xanh nhỏ bằng hạt đậu. Bên ngoài trời bắt đầu nổi gió, cơn gió mạnh rung chuyển lá cây, thì ra cơn nóng hồi tối chỉ để sửa soạn cho một trận mưa lớn. 
Gần sáng mụ cùi tỉnh dậy. Mưa vẫn còn rỉ rả bên ngoài. Gã đàn ông nằm bên cạnh đã ngủ say. Mụ trở đậy khêu to ngọn đèn. Mụ muốn nhìn cho rõ mặt gã đàn ông, Ánh sáng yếu ớt chiếu qua mùng, gã đàn ông nằm ngửa tênh hênh, thân hình hắn to lớn chiếm già nửa cái giường. Khuôn mặt hắn khá dễ thương, lổ mũi cao, da xám xạm. 
Thốt nhiên mụ cùi thấy lòng mình náo nức, mụ hoang mang sau cuộc giao hoan. Mặt mụ thoáng vui, mụ mỉm cười trong bóng tối nhè nhẹ, Mụ kéo mền phủ lên người đàn ông xa lạ. Mụ vuốt ve sống mũi cao của gã, mụ dí ngón tay vào trán gã : 
- Bê bối, thiệt là bê bối vậy đó. 
Gã đàn ông cựa mình, ú ớ, người gã vẫn còn nồng nặc mùi rượu. Mụ cùi lay tay gã : 
- Này, dậy người ta nói chuyện này cho mà nghe. 
Gã đàn ông chép miệng, giọng mê ngủ : 
- Yên, người ta ngủ. 
Mụ cùi vẫn nhẫn nại lay cánh tay gã : 
- Anh đã phá đời tôi anh tính sao đây ? 
- Tính gì ? 
Mụ cùi đay nghiến : 
- Còn tính gì nữa hả, anh có chịu lấy tôi không ? 
- Há ! lấy à, ừ thì lấy. Nhưng để người ta ngủ. 
Mụ cùi như không nghe thấy câu nói chót của gã, Mụ hỏi tới : 
- Thiệt há ! lấy thiệt há, thằng nào nói láo thì sao ? 
- Ừ... ừ ! 
- Ừ cái con mụ nội anh ấy à ! Thề đi, thằng nào mà phản bội thì nó chết đâm chết chém, thì Tây bắn, Chí Hòa kêu. 
- Ừa! 
Gã đàn ông trả lời ú ớ vài câu rồi xoay lưng ngủ ngáy khò khò. Mụ cùi nằm bên cạnh mở mắt nhìn lên mái lá. Mưa vẫn rơi ào ào bên ngoài, ngọn đèn dầu chấp chới như muốn tắt đến nơi. Nếu điều mong muốn đó là sự thật. Mụ nghĩ thầm, mụ nhìn sang gã đàn ông nằm bên cạnh, mụ vuốt ve tấm lưng to lớn của gã với dáng điệu trìu mến. Nếu hắn chịu ở lại đây, chịu làm chồng mụ. 
Lần đầu tiên trong đời mụ vừa thấy tâm hồn thoải mái vừa lo lắng. Mụ lim dim mắt. Hắn đã thề rồi, liệu hắn có chịu giữ lời hứa không ? Lời hứa của một gã đàn ông trong cơn say rượu. A hồi nãy hắn nhắc đến một con đĩ nào, con đĩ chó đẻ nào đã làm gã nhớ thương, làm gã trở nên say sưa rồi bậy bạ. Mụ cau mày trong bóng tối, mụ nghiến chặt hàm răng. 
Mự lại nhìn sang gã đàn ông nằm ngủ còng queo bên cạnh. Tổ sư mày yêu thương bà hồi nào đâu. Thốt nhiên mụ thấy mình đau đớn khốn cùng. Mụ thấy ức uất trong lòng, mụ chồm dậy, lay người gã : 
- Hồi nãy mày nhắc con nào, con nào hả thằng ma cao kia ? 
Gã đàn ông choàng tỉnh dậy, ngơ ngác: 
- Cái gì đó ? 
- Hồi nãy mày say rượu mày nhắc đến con đĩ chó nào ? 
Gã đàn ông hừ một tiếng, đưa bàn tay hộ pháp đè mụ nằm xuống : 
- Lộn xộn hoài, ngủ đi mai nói chuyện. 
Mụ yên phận nằm yên nhưng mụ thấy khổ sở xốn xang trong lòng. Gã đàn ông lại ngủ tiếp, tiếng ngáy lúc này nghe nặng nề hơn và mụ chảy nước mắt, mụ có cảm tưởng mình sẽ không thể sống cô đơn như trước được nữa. Gã đàn ông đã đến, đã làm xáo trộn đời sống bình thường của mụ. Gã đến với cơn say của men rượu, với đam mê với sự tàn bạo, phũ phàng như cơn lốc. Anh không thể ra đi, tao không thể mất mày hỡi thằng khốn kiếp kia ơi ! Tao sẽ giết mày nếu mày bỏ tao. Tao không là con điếm, tao là người đàng hoàng. Tao sẽ chiều chuộng săn sóc mày. 
Mụ cùi lén chùi nườc mắt trong bóng tối nhờ nhờ. Mụ tạm bíu lấy hy vọng hảo huyền do lời thề của gã đàn ông. Ôi khuôn mặt dễ thương đó đâu có phải hạng người đễu giả. Tự an ủi, mụ thấy tâm hồn mình bình thản trở lại, mụ tưởng tượng đến một tương lai sáng sủa bắt đầu từ ngày mai. Nếu anh không chịu làm việc em sẽ nuôi anh, nuôi anh mãi mãi. Em sẽ dạy anh nghề làm chổi lông gà. Anh sẽ ở bên em mãi mãi cho đến chết, đến đầu bạc răng long. Em không còn chịu đựng nổi sự cô đơn nữa. 
Thế rồi mụ ngủ thiếp đi trên đôi môi khô héo của mụ thoáng nở một nụ cười trong giấc mơ. 
Gần sáng mưa ngớt gã đàn ông tỉnh dậy, gã thấy hai đùi bị đè nặng, thì ra hai chân của người đàn bà hồi hôm gát qua. Gã nhẹ nhàng bỏ chân xuống. Lúc này gã chợt ngửi, thấy một mùi tanh tưởi, bàn tay gã dính nhơm nhớp khi đụng tời cẳng chân của mụ. Hắn ngồi dậy dụi mắt, vén mùng thò tay ra khêu ngọn đèn. Ánh sáng bừng lên, lọt qua vải mùng vá chằng vá đụp. Người đàn bà vẫn say ngủ. Hắn nhìn rõ dần thân thể mụ gầy còm, ốm yếu, mái tóc xổ tung những vết tróc trên đầu, những mụn nhọt trên người và hai bàn chân lở lói. Hắn nhích người ngồi xa ra, đôi mắt hắn quắc lên đầy nét kinh dị, Ghê vậy sao? Suốt đêm qua mình đã ăn nằm với mụ đàn bà này sao ? Bậy thật, mình đã ôm ấp một con mẹ cùi hủi. Hắn lùi dần, lùi dần, bỏ thõng chân xuống giường, hắn chui ra khỏi mùng, hắn dón dén ra cửa, hắn đẩy nhẹ cánh cửa bước ra ngoài. Khi thoát ra khỏi ngưỡng cửa, hắn ù té chạy, mặc những vũng nước, vũng bùn dơ đáy vung đầy người đầy mặt. Hắn vừa chạy vừa lầm bầm: Bậy thật ! bậy thật. Hắn thấy đầu óc mình trống rỗng. Lúc đó vẫn còn tối trời. 
Trong căn lều nhỏ mụ cùi cũng vừa tỉnh đậy, mụ xoay mỉnh choàng ôm vào khoảng trống. 

GIỜ giao thừa đã đến, những người đi lễ lăng Ông đã trở về xông đất. Già trẻ lớn bé trên tay mỗi người cầm một nhánh lộc. Lời chúc tụng vang khắp xóm. 
Mùi nhang thơm tỏa rộng một vùng. Những bàn thờ lộ thiên bày ngoài sân đốt đèn sáng, nhang được thắp lên. Ở trước mỗi bàn thờ có một người đàn bà chắp tay khấn khứa. 
Con đĩ ngựa đã thôi chửi, mụ ngồi ở bậc thềm nhìn thiên hạ quần là áo lượt qua lại nườm nượp. Tiếng pháo khắp nơi reo lên đón mừng xuân tới. Con hẻm dài hun hút vậy mà nhà nào cũng có một bàn thờ. Những chấm nhang đỏ lung linh trong gió đêm. Con đĩ ngựa vẫn ngồi ở bậc cửa, mụ chong mắt nhìn vào bóng đen, nhìn những người lác đác ra về, trên tay ai nấy đều cầm một cành lộc. Bỗng nhiên mụ xòe bàn tay lở lói của mình ra nhìn vào đó. Mụ nấc lên, mụ thấy mình hoàn toàn cô đơn, tất cả mọi người đã bỏ quên mụ, ghê gớm mụ. Đã qua bao nhiêu mùa xuân rồi nhỉ. Bao nhiêu mùa xuân trong tay mụ không cầm được một cành lộc non. Cành lộc đã vuột khỏi bàn tay lở lói của mụ để chạy trốn. Như gã đàn ông say sưa đêm nào. Nghĩ đến gã đàn ông, mự nấc lên khóc, mụ úp khuôn mặt nhăn nhiu vào hai bàn tay lở lói. Tại sao không có một cành lộc trong tay. Tại sao vậy hả trời. Mụ thấy nghẹn ở cổ họng, nước mắt loang đầy mặt, mụ đứng dậy ngóng về đầu xóm. Chính nơi đó đêm nào gã đàn ông đã đến. Trong số người đi qua đêm nay không có bóng dáng gã. Ta chửi bới mãi có ích lợi gì đâu. Hắn đã phản bội rồi. 
Hai đứa bé gái quần áo tươm tất đi qua, mỗi đứa đều cầm một cành lộc trên tay. Chúng nó cười vui vẻ, chúng thúc hối nhau về nhà cho sớm để lấy tiền lì xì. Khi tới chỗ mụ đứng, chúng ngước lên nhìn. Mụ cúi xuống mỉm cười trong khi mặt còn nhòe nhoẹt nước mắt : 
- Tụi bay cho tao cành lộc đi. 
Chúng nó trợn mắt lên, nghiêng đầu nhìn mụ : 
- Cho bà đâu có được, tụi này phải tới tận lăng Ông mới hái được chớ bộ. 
Bỗng nhiên mụ nổi nóng: 
- Tụi bây có cho tao không ? 
- Không ! 
Hai đứa bé lùi dần, mụ gay gắt : 
- Không hả ?
Hai đứa bé vùng chạy, mụ đuổi theo, đứa chạy sau kêu thét lên :
- Bớ người ta !

Mụ chồm lên và ngã chúi. Những chiếc mụn lở loét ở dưới chân lại nhức nhối. Hai đứa bé đã chạy xa, chúng vẫn thay phiên kêu gào. Chúng chỉ còn là hai điểm trắng loảng dần trong bóng tối. 

Con đĩ ngựa lồm cồm bò dậy, nhưng mụ lại ngã chúi xuống. Hơi đất lạnh xông lên khắp người mụ, mụ áp má xuống mặt đất, bàn tay quờ quạng sờ mò. Nước mắt mụ ứa ra nhòe nhoẹt, cảnh vật ban đêm đã mờ càng mờ thêm. Mụ nằm bất động trên mặt đất... 



Gia-Định 2 - 1965

NGUYỄN THỤY LONG



Trích từ tập tuyện ngắn BA MIỀN MƯỜI KHUÔN MẶT, do Kim Anh xuất bản 1966. 






















Nguyễn Thụy Long
Hồi Ức Về Mẹ



LTS. Tuần trước, Việt Báo có đăng một cáo phó: Cụ bà quả phụ Nguyễn Thụy Nhân, nhũ danh Phạm Thị Miên, pháp danh Diệu Thiện đã mệnh chung lúc 16 giờ 1 phút chiều 26 tháng 9 năm 2004, nhằm ngày Giáp Thân, tại Bệnh Viện Fountain Valley, California. Lễ di quan và hoả táng đã được tổ chức vào lúc 11 giờ ngày 1 tháng 10 năm 2004. Người trưởng nam của cụ, nhà văn Nguyễn Thụy Long hiện sống ở Saigon, không được cùng hai em ở bên Mẹ lúc cụ lâm chung. Từ bên kia đại dương, nơi căn nhà cũ, nhà văn viết “Hồi Ức Về Mẹ.” 

Đã mười mấy năm nay, mỗi buổi sáng tôi không còn nghe tiếng dép quen thuộc của mẹ nữa ở phòng bên cạnh. Cụ dậy thật sớm, quét tước nhà cửa rồi pha lấy một ấm trà, một ly cà phê, cụ ngồi nhâm nhi chờ trời sáng hẳn. 

Nằm ở phòng bên này nhà, mái tôn chung, chỉ ngăn cách bằng một bức tường lửng và tấm cửa gỗ mỏng, tôi tưởng tượng ra được đủ thứ, từng công việc của mẹ. Nào là lúc cụ pha trà vào cái bình trà nhỏ xíu có hình tiên ông, ly cà phê cụ pha vào cái phin bằng đồng của tôi được người ta tặng hồi làm báo, mà bà giữ rất lâu, mấy chục năm trời. Cái phin này cụ giữ mới còn, nếu vào tay tôi hồi đó thì đã ra chợ trời lâu rồi. Thời gạo châu củi quế, cái gì cũng bán được ngoài chợ trời. Thuở ấy sao mà khổ thế, sau ngày 30 tháng Tư năm 75, miền nam bại trận, tôi thất nghiệp, hết thời. Sau khi sách báo xuất bản ở miền Nam trước năm 1975 đều bị người thắng trận đốt sạch, và ký giả, nhà văn thì bị bắt bỏ tù coi như tội đồ, đổ cho nhiều thứ tội. Nhà báo, nhà văn chúng tôi bị kỳ thị ra mặt, bị coi như cùi hủi. Những nhà báo nhà văn chế độ cũ, còn một chút gì trong đầu phải tự gác bút mà thôi, tôi ở trong số người ấy. Niềm đau ấy còn mãi đến bây giờ. Mặc dầu tôi từng được công an khuyên nên quên đi để xây dựng đất nước, nhưng làm sao tôi quên được, khi niềm đau của tôi vẫn còn mãi trong ký ức. Bao nhiêu là đám giỗ của người thân quen vào ngày 30 tháng Tư, mà phải đổi lại ngày âm lịch là ngày 19 tháng Ba năm ấy, để khỏi bị làm phiền, trong khi người ta ăn mừng chiến thắng tưng bừng, cờ xí rợp trời và những phát biểu của vị nguyên thủ quốc gia cùng những người có công trong chiến thắng ấy. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng và thống nhất, mang lại hoà bình cơm no, áo ấm cho toàn dân. Sao những người như tôi vẫn thấy đau, vẫn khốn khổ. Vì nhiều thứ, từ những cuộc chia ly người gia đình, mà tưởng chừng như không bao giờ còn gặp lại nữa và tiễn những người thân vượt biên ra đi, để có người còn trở lại, có người vĩnh viễn nằn dưới lòng biển đông. 

Những buổi sáng như thế, ở ấp Đông Ba xưa, nay là phường Bẩy quận Phú Nhuận. Căn nhà xưa của gia đình, mẹ tôi gìn giữ nó, không để cho bị tịch thu, vì anh em tôi đều bị đưa đi học tập cải tạo hết rồi. Mẹ ở một mình trong căn nhà ấy, đồ đạc trong nhà có gì bán dần, bán mòn đi để ăn và thăm nuôi hai anh em chúng tôi trong trại học tập. Cụ lặn lội vượt hàng trăm cây số đường rừng để đến với con, những đứa con tù tội khốn khổ của bà. Tới trại tù, trước khi được thăm nuôi người ta dạy mẹ tôi và những thân nhân thăm tù, gặp mặt phải khuyên bảo và giáo dục những người tù như chúng tôi câu: "Con ráng học tập tốt rồi nhà nước nhân đạo, khoan hồng tha cho về xum họp với gia đình". 

Bây giờ đã mấy chục năm qua, khi ai nhắc hoặc nghe lại câu này tôi vẫn có cảm giác muốn buồn nôn. Tôi biết sau khi phải học vẹt như thế thì họ mới cho thăm nuôi con mình, không biết cụ đã nghĩ gì. Nhưng có lẽ mẹ tôi rất là đau khổ, tôi chỉ biết thương mẹ và cảm ơn mẹ, khi mẹ gầy hốc hác ngồi trước mặt tôi. Không chừng mẹ đã phải nhịn đói, nhịn khát để mang miếng cơm vào cho con. Một chút gạo, quí giá như những hạt châu ngọc. Vậy mà tôi từng bị tịch thu những hạt gạo ấy, bỏ vào kho, hoặc cho ai ăn không biết, có thể là mấy thằng khốn nạn, có thể lợn gà. Với mẹ, tôi vẫn là đứa con nhỏ bé, dù tôi đã lớn, đã trưởng thành, nhưng những hạt cơm của mẹ cho, tôi coi quí giá như những hạt châu ngọc. Vào thời tù tội đó, mỗi khi ra cổng trại để đi lao động và thoáng gặp những bà mẹ tay xách, nách mang đi thăm con. Tôi lại giấu những giọt nước mắt của mình, lúc đó tôi rất nhớ mẹ tôi. 

Tôi và những bạn bè có những nỗi đau giống nhau, có thể họ có những mất mát lớn hơn tôi nhiều, vậy mà chúng tôi vẫn cố gắng sống, chỉ người nào chịu đựng không nổi nữa thì chỉ còn một lối thoát là chết hoặc câm lặng để sống mòn. Tôi không đủ can đảm nên chọn cách sống mòn và mấy chục năm qua, tôi đã là một lão già ốm đau dặt dẹo, gần đất xa trời, chưa biết bao giờ thì xa lìa trần thế. 

Nhận được tin sét đánh mẹ ra đi do bạn tôi (Từ, Nhã) báo tin qua điện báo, tôi rất buồn. Hồi ức về mẹ sống dậy trong tôi. 

Tôi tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, giắt díu vợ con về sống bên mẹ, trước những ngày mẹ sẽ đi nước ngoài do em gái tôi bảo lãnh cho cụ. Tôi là người không có hộ khẩu, không có gì hết ngoài tờ giấy ra trại, và cũng đã từng bị đuổi khỏi nơi cư trú vì không có quyền công dân. Nhưng tôi cứ liều trở về ngôi nhà cũ để sống bên mẹ, dù có bị kết tội là "cư trú bất hợp pháp trên căn nhà mình làm chủ". Và sẵn sàng khăn gói quả mướp đi tù thêm một lần nữa, nếu họ muốn bắt tôi về tội ngoan cố hoặc chống đối gì đó, tôi cũng thây kệ cha nó! 

Buổi sáng khi tôi nghe những tiếng động và tiếng dép của mẹ ở phòng bên cạnh, ngăn cách bằng một bức tường lửng, cánh cửa thông sang. Tôi cũng thức giấc, sửa soạn cho một chuyến đạp xe thồ xuống tận Long An buôn vài giạ gạo để kiếm tiền chênh lệch về nuôi vợ con. Thằng con trai út của tôi, thằng Cua, lẫm chẫm xách bị quần áo của cụ, mà vợ tôi giặt chiều qua mang ra trước cửa sổ để đưa cho bà nội. Con chó Ki của bà nội, lẩn quẩn bên chân bà mừng rối rít. Nó phởn phơ, hạnh phúc. Nó cũng thương bà cụ, tôi biết tối nào nó cũng nằm ngủ dưới gầm giường của cụ để canh chừng. Phòng của bà cụ có cửa sổ nhìn qua hàng rào sang chùa Huê Nghiêm. Ở căn nhà này gia đình tôi đã nghe tiếng tụng niệm tiếng cầu kinh đều đều cả mấy chục năm trời, với tiếng chuông chùa buồn vang vọng lan xa tới những nếp nhà tranh cuộn mình trong khói lam chiều, và cũng từ nơi này tôi trở thành nhà văn, nhà báo. 

Hồi ức về mẹ thì nhiều lắm, với một bà cụ sống gần trọn thế kỷ. Từ những ngày thơ ấu ở Láng ngoài Bắc, trận chết đói năm Ất Dậu, 1945, rồi ngày Hà Nội nổ súng kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp, ngày mà nhiều người yêu nước trẻ ôm bom ba càng lao vào xe tăng địch để trở thành chiến sĩ vô danh, những ngày chạy tản cư lên mạn ngược, bố tôi từng theo kháng chiến, mẹ tôi phải gói những chiếc bánh gai đi bán, nuôi anh em tôi thời thơ dại, tiếp tế cho bố, đang đeo đuổi cuộc kháng chiến chống thực dân. Gia đình tôi hồi cư về Hà Nội, mục đích chính là để cho tôi được học hành, không phải là học để trở thành một thứ nhi đồng, sẵn sàng đấu tố cha mẹ hoặc tố cáo cha mẹ là Việt gian hoặc được dậy dổ phải căm thù tầng lớp trí thức tiểu tư sản, mà cha mẹ tôi là những người thuộc tầng lớp ấy, làm vừa lòng những ai đó đang cầm quyền sinh sát ngoài vùng kháng chiến. Bố tôi cũng trở về Hà Nội mang theo bệnh sốt rét kinh niên. Trước ngày chia đôi đất nước, gia đình tôi đã vào miền Nam sinh sống, chính xác là Sài Gòn, rồi bố tôi mất, khi đó tuổi ông còn rất trẻ. 

Sau đó cuộc di cư vĩ đại của người miền Bắc năm 1954, mang theo bao nhiêu bạn bè đồng hương của tôi, căn nhà gỗ lợp tôn của gia đình tôi ở hẻm Phát Diệm, mà ngày xưa có tên là sở rác Nguyễn Tấn Nghiệm, vùng Cầu Kho, đã đón bao nhiêu những người bạn nhỏ của tôi, khi đó các anh còn ở trại học sinh Phú Thọ. Những bữa cơm Bắc kỳ, cà pháo chấm mắm tôm, canh cua rau đay của mẹ mời, làm các anh cũng ấm lòng, đỡ nhớ quê hương. 

Chúng tôi mon men theo nghiệp thơ văn. Căn gác của tôi lưu lại biết bao nhiêu là thơ văn của Trần Dạ Từ, thơ của Đỗ Quí Toàn, nét bút tài hoa của Lê Đình Điểu, anh thường sang nhà tôi chơi, thơ lục bát của Viên Linh và nhiều những bài thơ, bản thảo của các bạn khác nữa, những bài thơ viết lên vách ván hoặc giắt trên mái tôn. Từ cửa của căn gác gỗ luôn luôn mở rộng tôi nhìn lên thấy tháp chuông nhà thờ Huyện Sĩ và nhìn xuống thì thấy con hẻm lầy lội, cái máy nước suốt ngày đông đảo người gánh, đôi khi xảy ra xô xát, cãi vã, cả chửi thề, chính anh em chúng tôi cũng phải đứng canh để xách nước cho gia đình, trong xóm lúc nào củng ồn ào, có tiếng ca cải lương của một cô gái nào đó mơ ước một ngày nào mình trở thành đào cải lương, sáng chói trên sân khấu, thời đó là thời của Út Trà Ôn, của Thành Được, của Hữu Phước, của Út Bạch Lan v.v.. những chuyện nhậu nhẹt ăn nói lung tung của những anh bất mãn đời vì nghèo. 

Căn nhà đó không còn nữa khi mẹ tôi thất bại trong chuyện làm ăn, bà phải bế đứa em gái nhỏ của tôi đi Lào cùng với bà Dì tìm đời sống khác, tiếp tục nuôi anh em chúng tôi, dưới mắt bà chúng tôi vẫn là những đứa trẻ nhỏ dại, cần đến sự săn sóc của bàn tay người mẹ. 

Ngày mẹ tôi đi Lào thật nghèo nàn, tôi tiễn mẹ ra sân bay Tân Sơn Nhất, mẹ mặc áo cánh trắng quần đen, trên tay bế đứa em gái tôi, xách theo một bị quần áo, không có lấy chiếc va ly, mẹ còn kịp cho tôi mấy chục đồng bạc, tiền bà còn sót lại không thể tiêu được ở xứ người. Mẹ tôi đi vào phòng cách ly cùng với đám hành khách đông đảo, tất cả mọi người đều ăn mặc sang trọng, riêng mẹ tôi và em gái tôi thì nghèo nàn đến thảm hại. Khi đó nước mắt tôi mới chảy ra, mẹ và em tôi khuất bóng sau cửa kính tôi mới quay đi, tôi ra bãi cỏ trước phi trường nằm ngửa mặt nhìn lên trời nắng gắt xem chiếc máy bay nào đưa mẹ và em tôi đi. Thằng em trai tôi thì ở lại sống nhờ vả họ hàng, hy vọng còn được học hành đàng hoàng. Đó là lần thứ hai trong tuổi đời còn non trẻ của tôi phải chịu đựng nỗi buồn xa mẹ. Lần thứ nhất khi còn ở Hà Nội, tôi chia tay với mẹ, để mẹ cõng thằng em trai tôi lên chiến khu tìm bố. Buổi sáng hôm ấy Hà Nội có sương mù, tôi đứng trên bao lơn ở số nhà 38 ngõ Hoà Mã, nhà của bác tôi nhìn mẹ khuất trong sương mù ở đầu chợ Hôm. Những chục năm đã qua, mẹ vẫn tần tảo nuôi con, bây giờ mẹ lại phải ra đi vì cơm áo. 

Tôi dời công viên, đạp xe lang thang trên đường phố Sài Gòn, tôi chẳng thiết ăn uống gì, mặc dầu trong túi có mấy chục bạc của mẹ cho, tôi phải mang về chia cho thằng em, nó cũng cần đồng quà tấm bánh của mẹ. Thôi xa rồi những bữa cơm canh cua rau đay cà pháo chấm mắm tôm. Tôi đạp xe qua trường học, các bạn tôi đã vào lớp, hôm nay vắng mặt tôi và có lẽ sẽ vắng mặt vĩnh viễn. 

Buổi chiều tôi đạp xe về khu trường đua Phú Thọ, qua con đường Nguyễn văn Thoại, còn là rừng cao su rợp bóng cây, bên phải con đường rải rác những nếp tranh toả khói lam chiều, sau lùm cây kia là xứ Nam Hoà, xứ đạo của người Bắc di cư, tôi nghe tiếng chuông nhà thờ và nghe tiếng cầu kinh bài kinh Lạy Cha: "Lạy cha chúng con ở trên trời…chúng con nguyện danh Cha cả sáng…nước Cha trị đến… ý cha thể hiện dưới đất cũng như trên Trời…Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày và tha nợ chúng con…như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con…Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ…hằng chữa chúng con cho khỏi sự dữ…A men..", nắng chiều thoi thóp và tiếng cầu kinh sao mà buồn thế. 

Tôi có hẹn với Hoài Nam, tức Trần Dạ Từ, ở nhà Nguyễn Nhật Duật ở Bình Thới thuộc khu Phú Thọ. Khi đó tôi đói meo, nhưng vẫn không ăn gì. Trần Dạ Từ, có lẽ từ trong trại học sinh Phú Thọ ra, hỏi tôi câu đầu tiên: 

- Mẹ đi rồi hả? 

- Ừ mẹ đi rồi. 

Tôi trả lời thế, vì Trần Dạ Từ coi mẹ tôi cũng như mẹ anh. Tình thân ấy kéo dài suốt mấy chục năm trời cho đến bây giờ vẫn còn nguyên vẹn. Những đứa con của mẹ không bao giờ quên mẹ. 

Tôi đói quá, hỏi Nguyễn nhật Duật: 

- Nhà còn gì ăn không? 

- Cơm thì hết rồi, nhưng miếng cháy làm rượu thì còn, cậu ăn tạm nhé. 

Gia đình Nguyễn Nhật Duật thuở ấy nghèo lắm cũng như bao nhiêu người di cư khác, ông bà phải cất rượu đi bán để nuôi bầy con. Tôi ăn miếng cháy cơm rượu sao mà ngon thế, lần đầu tiên tôi phải ăn nhờ và tôi nhớ mãi không quên. 

Đêm hôm đó trăng sáng vằng vặc, khu Bình Thới, giáp ranh với đường Lạc Long Quân là một vườn hoa nhài, người miền Nam gọi là Hoa Lài thơm ngát. Sau một chầu cà phê ở quán Con Nhạn, trong khu vườn lài, chúng tôi ra ruộng hoa lài ngồi chơi, ngắm trăng, lòng dạ tôi rối bời vì nhớ mẹ, mẹ bây giờ đã ở bên Lào rồi, có lẽ mẹ cũng đang nhớ đến những đứa con của cụ. Không biết đêm nay cụ và em tôi ngủ nhờ nhà ai? Bà dì tôi đã thu xếp được một căn nhà nào chưa? Tôi lại muốn khóc. Khi đưa cụ đi tôi chưa khóc được, hoặc mới khóc được một ít. 

Tiếng thổi tiêu tài hoa của Trần Dạ Từ cất lên vi vút, tôi nhớ tiếng sáo này khi mới quen anh ở quán cà phê Gió Bắc ở đường Phan Đình Phùng, hoà với tiếng ở cái đĩa hát đa mòn hát bài Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương. Tôi thiếp đi trong giấc ngủ. Ngày hôm sau và nhiều hôm sau nữa tôi và Trần Dạ Từ bắt đầu cuộc sống bụi đời, chúng tôi thuê căn gác ở Bình Thới, nhìn xuống con đường Lạc Long Quân, đêm đêm nghe tiếng bánh xe bò di chuyển không biết nó về đến đâu, tiếng xe bò nghiến trên mặt đường đá âm thanh khô khốc… cái đèn bão treo ở gầm xe đung đưa. Chúng tôi không có nghề nghiệp gì, nghiệp thơ văn thì quá eo hẹp, những bài thơ của Trần Dạ Từ đăng báo thì không có tiền, những truyện ngắn của tôi viết còn dở quá nên bị toà báo vứt vào xọt rác là chuyện thường. Những buổi chiều bụng hai thằng đói meo, chúng tôi đèo nhau trên chiếc xe đạp cọc cạch thường xuyên xẹp lốp đi kiếm ăn, đúng ra là nhờ bạn bè cũng chưa có nghề nghiệp như hai đứa chúng tôi khúc bánh mì, hoặc quí giá là bao tô hủ tíu ăn không đủ no bụng…của đứa trẻ tuổi đang lớn. 

Rồi tôi nhập ngũ thời gian sau, từ trại huấn luyện tôi viết thư về cho Từ, Từ hồi âm, tôi còn nhớ câu Từ viết : "…cũng may mà cậu có cơm ăn, không còn đói như tớ bây giờ nữa, cố gắng lên…hãy ghi nhận lại tất cả.". Giòng đời không xuôi chảy, sau đó tôi ở tù khám Chí Hoà mất một năm. Khu quân phạm. Mẹ tôi nghe tin từ bên Lào trở về, thăm nuôi tôi cụ mang vào cho tôi một bát canh cùng những đồ ăn thăm nuôi. Tôi nhớ mãi bát canh ngày hôm đó. Sau này tôi viết thành một truyện ngắn nhan đề là Bát Canh Của Mẹ, tôi trúng giải nhất của một tờ tuần báo. Rồi từ đó tôi vào hẳn nghề làm báo viết văn, cùng với bạn bè ngày xưa nay cũng đeo đuổi nghề làm báo viết văn. Từ đã có vợ là Nhã Ca, cũng là người làm thơ viết văn. Chúng tôi trôi nổi với nghề nghiệp qua nhiều chục năm trời. Mẹ tôi từ Lào lại về, gia đình đoàn tụ, thế là đủ… 

Cho đến ngày tôi trở thành kẻ ngã ngựa, rồi tù tội, mẹ vẫn không bỏ con, bỏ những đứa con không còn nhỏ dại gì, nhưng chúng quá khổ. Tôi lại gặp cụ ở phòng thăm nuôi, già yếu hốc hác. Con đường rừng hiểm trở, người thăm nuôi phải vịn nhau mà đi. Dù khổ sở nhưng tôi muốn được ở mãi bên mẹ. 

Buổi sáng sớm tinh mơ tôi không còn nghe tiếng dép lẹp kẹp của mẹ ở nhà bên cạnh nữa, những âm thanh quen thuộc mà thân yêu ấy cho đến ngày hôm nay và đã vĩnh viễn mất hẳn, như nhiều cái tôi đã mất trong đời. Mẹ tôi đã có lần hứa về thăm quê hương, nhưng sức khoẻ cụ không cho phép. 

Hai giờ rưỡi sáng, tôi đạp xe đạp vào phi trường tiễn mẹ. Phi trường đêm ấy lồng lộng gió. Tiễn mẹ đi đêm ấy, tôi linh cảm thấy không bao giờ còn được gặp mẹ nữa…Dáng cụ xiêu xiêu đi vào phòng cách ly, cụ lại dúi cho tôi những đồng tiền Việt Nam còn sót lại trong túi, như hồi mấy chục năm về trước. Phi trường bây giờ mở rộng khang trang hơn trước nhiều. Vì nghĩ chẳng bao giờ được gặp mẹ nữa, nên nước mắt tôi chảy ra, tôi khóc, như hồi nào ở số 38 ngõ Hoà Mã Hà Nội ngày mẹ tôi lên đường đi tìm cha tôi ở chiến khu Việt Bắc. Ngày đó tôi cũng sợ mất mẹ như bây giờ. Ngày đó chiến tranh dữ dội, mạng sống con người không có gì bảo đảm. Quê hương tôi vậy đó. 

Đoán chừng mẹ đã đi rồi, tôi đạp xe ra khỏi phi trường, ánh đèn huỳnh quang vàng dọc theo lối đi dài sao mà buồn thế. Phi trường vẫn lộng gió. Tôi đạp xe vòng sân bay qua Ngã Tư Bẩy Hiền, xuống chợ Bà Quẹo, ngồi uống cà phê ở một quán cóc bên đường nhìn lên trời lúc gần về sáng. Tôi hy vọng rằng mẹ tôi từ trên máy bay nhìn xuống thấy quê hương, thấy Sài Gòn, thấy Biên Hoà nơi để mộ phần của bố tôi. Tôi nhỏ bằng hạt bụi trong mắt cụ không thể nhìn thấy được, nhưng cụ tưởng tượng ra đứa con của cụ đứng lóng ngóng ở đâu đó trong đám chúng sinh nhỏ bé này. 

Nhiều buổi sáng thằng con út của tôi xách cái giỏ không ra cửa sổ đứng đón chờ bà nội để đưa quần áo giặt. Nó làm vì thói quen, vì nhớ bà nội. Con chó Ki thì bỏ ăn, nó nằm trên cái áo rách của mẹ tôi, về sau nó già quá rồi chết. Mười năm sau mưa gió đất xói mòn, bây giờ tôi không còn biết nấm mồ nó ở đâu, chỉ biết xương nó còn trong vườn. 

Tất cả chúng con đều nhớ mẹ, bàng hoàng khi nhận được tin mẹ qua đời. Cụ thọ vào bậc nhất rồi nhưng sao tôi vẫn buồn. Cụ mất ngày 13 tháng 8 âm lịch bên Mỹ, còn hai ngày nữa là tết Trung Thu ở Việt Nam. Hôm nay ở đây tôi làm lễ phát tang cho mẹ, đúng vào ngày rằm Trung Thu, tôi e rằng trời lại mưa, như nhiều năm tôi ở miền Nam không bao giờ tôi được ngắm trăng rằm. Ở miền nam này nói đến chuyện rước đèn đêm rằm Trung Thu là chuyện hy hữu. Vì mùa này là mùa mưa bão ở miền Nam, tôi chưa thấy trăng rằm tháng Tám bao giờ trong 50 năm sống ở miền Nam. Mấy hôm nay tin khí tượng lại cho biết một cơn áp thấp nhiệt đới thổi qua đất nước tôi. 

Thế mà đêm nay trời quang mây tạnh, tôi ra vườn sau ngồi pha trà ngắm trăng rằm. Tuy không sáng không đẹp như trăng rằm Trung Thu miền Bắc mà tôi đã sống thời thơ ấu. Tôi nhớ những đêm rằm trung thu ở Láng, mẹ tôi bầy cỗ cho tôi được chơi trò phá cỗ, rước đèn vòng quanh sân gạch. Rồi tôi ngủ thiếp đi trong lòng mẹ, trăng rằm trung Thu sáng vằng vặc. 

Tuổi thơ ấu không bao giờ trở lại với tôi nữa. Tôi muốn khóc vì nhớ mẹ, nhưng còn nước mắt nữa đâu. Một đời mẹ gầân một thế kỷ nổi trôi theo vận nước. Những đau thương này thay cho những giọt nước mắt của đứa con nay đã già. 


Rằm tháng Tám năm Gíáp Thân 
NGUYỄN THỤY LONG













NGUYỄN THỤY LONG,
BÓNG CHIM TRÊN NGỌN KHÔ

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM



Du nhập vào những đường hướng mới trong văn học nghệ thuật thập niên 60, quả nhiên có nhiều ngã rẽ, lập dựng cho mỗi văn nghệ sĩ thời đó một nét nhìn sáng hóa đặc biệt, giúp tác phẩm được bùng vỡ mãnh liệt. Mỗi người văn nghệ đột phát cho mình một phương hướng sáng tạo riêng biệt, không lẫn lộn vào ai, tạo cho văn chương miền Nam nhiều hướng đi mới rạng rỡ, đối chiếu không thua sút văn chương nước ngoài. Từ thơ văn nhạc kịch biên khảo hội họa kinh kịch sân khấu kiến trúc điêu khắc, nhìn lại thật hảnh diện cho bước đường sáng hóa của nghệ thuật giai đoạn sơ khai nầy. Từ những bóng dáng khai hoang văn nghệ của lớp đi trước ở phía Nam như Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Phi Long…dần đến Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Bá Thế, Truy Phong, Sơn Nam, Kiên Giang, Nguyễn Minh Tâm… Đến lớp sĩ phu Bắc hà như Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Vũ Khắc Khoan và lớp văn nghệ sĩ gần gũi thế hệ văn chương phía Nam trong thập niên 60 như Mai Thảo, Viên Linh, Duyên Anh, Lý Hoàng Phong, Hoàng Trúc Ly nối tay cùng bóng dáng của Trần Tuấn Kiệt, Phạm Công Thiện, Dương Hà, Ngọc Linh, Dương Trữ La, Hoài Điệp Tử, Phan Bá Thụy Dương, Võ Hồng, Nguyễn Thi Thụy Vũ, Nhã Ca…Còn nhiều tên tuổi nữa gắn bó tạo một sinh khí đa dạng, tân lập cho phong hóa văn chương thời bấy giờ, chuyển biến cùng cực và kỳ diệu.

Nguyễn Thụy Long là một nhà văn cũng bùng vỡ tài hoa trong giai đoạn thập niên 60 nầy, tác phẩm của Ông chợt bước vào một lối rẽ sáng tạo mới. Ông đi thẳng vào đề tài tuổi trẻ khơi dậy trong nỗi quạnh hiu bất công cuộc đời, đưa nhân vật hùng cứ một phương cách sống trong một xã hội đen biệt lập. Trước 1965, vài tác phẩm của Nguyễn Thụy Long ra đời cũng đã biểu hiện phong cách tự do theo nghĩa ngoài lề xã hội. Từ Vác Ngà Voi vẫn còn mang một bút hiệu khác Mặc Lan Giao, là hình như tác giả còn ẩn nấp trong tư thế chờ đợi. Đến những tác phẩm kế tiếp, tên tuổi Nguyễn Thụy Long bùng sáng trong giới giang hồ văn chương, nhất là những tác phẩm nổi đình nổi đám như Loan Mắt Nhung (1967) rồi Kinh Nước Đen (1969)…Khi Loan Mắt Nhung được chuyển hóa phim ảnh do đạo diễn Lê Dân thực hiện với Huỳnh Thanh Trà, Thanh Nga, Tâm Phan, Ngọc Phu, Kim Xuân, Nguyên Hạnh…phim truyện Việt Nam bắt đầu tiếp nối tranh bá quyền với phim Hồng Kong, Ấn Độ.

Sức sáng tạo những năm trước 1975 của Nguyễn Thụy Long thật mãnh liệt, tác phẩm như dòng suối tuôn trào không thời gian ngừng nghỉ. Tôi bước vào lối đi của Ông, bằng sự tò mò như tò mò với Hố Thẳm Tư Tưởng của Phạm Công Thiện, tò mò với những bộ tiểu thuyết Yêu – Điên - Loạn…của Chu Tử. Nhưng sự bắt gặp kinh khiếp với những hình ảnh phơi bày cực kỳ ghê rợn trong tác phẩm Chim Trên Ngọn Khô, ám ảnh tang thương trong đời sống hạ tầng bi đát quá, bi đát trước thiên nhiên, trước nhân tình và cuộc đời, khiến tôi thường xuyên tìm kiếm tác phẩm Ông. Hình như, Chim Trên Ngọn Khô xuất hiện trước Loan Mắt Nhung, nhưng chính vì phong cách tài tình trong dựng truyện, khiến Nguyễn Thụy Long được đặt trên ngôi vị độc đáo trường phái riêng.

Thật sự, trước những tác phẩm quyết định hướng đi cho sự hòa nhập vào xã hội đen, bằng một lối rẽ phải có trong tận cùng đời sống đầy cá tính phản kháng với đời thường. Mỗi mặt trái mặt phải đều nặng nề một cương lĩnh đạo lý khác biệt.Nghĩa khí và cách trao đổi cuộc sống thắm đẫm tư duy sinh học chênh nhau như những vòng xoắn hình ống trong một không gian hình học ba chiều. Nên cách cư xử như thế thường của lý triết hủ nho không đầy được bản chất phá cách, liều lĩnh, tư duy của một xã hội tận cùng nếp sống. Nguyễn Thụy Long hoàn toàn bình tĩnh bước vào môi trường đột biến như vậy, hóa thân trong tâm thức và hành động của những con người phá cách đó. Ông thành công mãnh liệt trong hai bộ tiểu thuyết Loan Mắt Nhung và Kinh Nước Đen. Theo hồi ký viết Trên Gác Bút (NXB Văn Nghệ, California 1999), Nguyễn Thụy Long bước vào làm ký giả báo Sống của nhà văn Chu Tử, được sự khuyến khích hợp với cách viết theo trào lưu của một xã hội có thực những anh hùng của một xã hội có lối rẽ riêng. Tác phẩm Loan Mắt Nhung ra đời năm 1967, bằng hình ảnh một cậu học trò lương thiện sống tại đô thành Sài Gòn trong thập niên 60, trước những áp bức cuồng rối phủ dập tạo nên hoàn cảnh xã hội đẩy đưa trở thành du đảng nổi tiếng. Sống cuồng loạn trong một xã hội đen như một thủ lĩnh anh chị làng dao búa. Nhưng trong những phút giây bất chợt, vẫn cảm thấy cô đơn trong cuộc đời, hối hận đánh mất một thời tuổi trẻ, muốn hoàn lương bằng cách cuối cùng diệt kẻ ác rồi nộp mình cho cảnh sát. Cách viết bạch hóa sự gai góc trong cuộc đời của lớp người sống trong hoàn cảnh của xã hội đen tối.

Thật ra, trong giai đoạn đầy rẫy hỗn loạn của thời kỳ thập niên 60, với nhiều sự du nhập những khuynh hướng ngoại lai, và những hiện trạng bất an trong xã hội đương thời, khiến cuộc sống phân cách theo xu hướng nhận định tự kỷ. Chính vậy, sự tách biệt nhiều thành phần trong xã hội cũng là một logic, Nguyễn Thụy Long thành công như hoàn chỉnh một luận án sâu sắc của thế giới tận cùng. Tác phẩm thành công như bước đi mới trong đoạn đường phá cách lối sáng tác với điển tích sáo mòn.

Hàng chục tác phẩm liên tiếp ra đời, nối tiếp những hình ảnh sinh động trong thế giới như thế, đương nhiên Nguyễn Thụy Long trở thành một nhà văn “du đảng”, bằng phong cách viết như thế…Thật ra, người nghệ sĩ đều muốn mình có một thế giới văn phong riêng, tạo dựng cho chính sáng tác một sự sáng hóa biệt lập. Sự tự do đó giúp nhà văn xây dựng được hình ảnh đặc thù độc đáo trong văn học.

Sau 1975, những buổi trưa ngồi với Nguyễn Thụy Long trong hẽm nhỏ 6C đường Tú Xương Quận 3, tôi lặng lẽ nhìn hình ảnh một “đại ca” văn nghệ oanh liệt một thời. Cung cách sống vẫn còn hào nhoáng khí phách, vẫn bụi đời trên trang phục thô ráp , vẫn lịch thiệp cùng những bạn bè văn nghệ nhỏ tuổi quay quần bên Ông. Thời chưa mở cửa, mỗi ngày gặp gỡ là những lần chung đụng những tàn phai của quá khứ, tâm sự cho qua ngày tháng bên những chai bia lên men con cọp, cười đùa thăm viếng trong mọi vấn đề cần hỏi, rồi theo gót buổi chiều sắp bãng lãng hoàng hôn, chìa tay đóng góp trả quán ra về, không quên hẹn lại ngày mai…Nguyễn Thụy Long vẫn cung cách trang trọng lịch lãm, nhưng anh em đều hiểu rõ sự cơ cực phủ đầy trên nếp áo. Ngoài căn bệnh huyết áp cao, Nguyễn Thụy Long còn tiểu đường nặng với nhiều di chứng. Hình như, cũng vài lần Nguyễn Thụy Long đương đầu với triệu chứng tai biến mạch máu não. Nhưng mỗi lần thù tạc, anh em khuyên uống ít thôi, thì Ông cười ngó tôi có thầy thuốc lo gì? Tâm trạng hình như Ông thích gặp gỡ bằng hữu để giải tỏa những bức bách trong lòng, mọi bệnh trạng khắc nghiệt như thế nhưng Nguyễn Thụy Long vẫn trầm tĩnh như không còn thời giờ ngó ngàng tới.

Khoảng hơn 15 năm gác bút, mười năm kế tiếp (1991-2001) Nguyễn Thụy Long viết được thêm 4 tác phẩm: Nữa Đời Đối Bóng (1991), Viết Trên Gác Bút (1999), Giữa Đêm Trường (2000), Người Xây Lò (2001). Bước qua thiên niên kỷ mới, Nguyễn Thụy Long viết lại hồi ký và tác phẩm Thìn Ma (2007), Ông tâm đắc trong quyển Hồi Ức 40 Năm Cầm Bút và Hồi Ký Thuở Mơ Làm Văn Sĩ. Trong cuộc sống khắc nghiệt cơ cực, nên trong Hồi Ức 40 Năm Cầm Bút, Nguyễn Thụy Long trần tình mình không bao giờ giấu diếm những thói hư tật xấu, nên viết thật như đã sống thật với cuộc đời, với vinh nhục xấp lốp trong cuộc sống, nhưng vẫn thản nhiên phó mặc những vùi dập trôi nổi chung quanh. Chính vậy, nhân vật của nhà văn Nguyễn Thụy Long thường nhẫn nhục, chịu đựng những nghịch cảnh, nhân ái và độ lượng.

Năm 2009, Ông dồn hết tâm huyết cho bộ bản thảo Mả Động, dự trù khoảng 4000 trang, nhưng đến khi nhắm mắt lìa đời, Mả Động mới viết được hơn 1000 trang.

Nguyễn Thụy Long để lại, ngoài dang dở của bộ tác phẩm Mả Động còn hơn trăm truyện ngắn, (nằm u buồn vất vưởng giữa thế gian !!!….)


NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
Viết tại Thư trang Quang Hạnh
Cuối Đông/2012










Trở về




MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.