Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2021

Ca Lê Thắng

 












Ca Lê Thắng
(01-06-1949 .......)
Họa sĩ






Nơi sinh: Xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp
Quê quán: Xã Tân Thanh Bình, huyện Mõ Cày, tỉnh Bến Tre

Cơ quan: Hội Mỹ thuật TP.HCM
Chức vụ: Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật
Học vấn: Đại học Mỹ thuật

Các cuộc triển lãm:
- Tham gia Triển lãm nước ngoài: Pháp, Thái Lan, Singapore, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Tiệp Khắc, Nhật Bản.

Các giải thưởng:

- Huy chương đồng Triển lãm toàn quốc
- Huy chương bạc Triển lãm TP.HCM












Họa sĩ Ca Lê Thắng quan niệm về nghệ thuật

"Với tôi, nghệ thuật là phương tiện để nuôi dưỡng tâm hồn, tu dưỡng đạo đức, giúp cân bằng con người, giống như kinh là phương tiện của các sư thầy vậy". Sau nhiều năm ở ẩn trong một căn nhà ngoại ô TP HCM, sống như một nông dân để sáng tác hội họa, anh đã đúc kết kinh nghiệm sáng tác như vậy.


- Tại sao anh lại bỏ vợ con ở thành phố ra ngoại thành ở một mình?

- Vợ tôi, nhà điêu khắc Phan Gia Hương cũng lên thăm nom chứ, con tôi cũng đâu còn bé bỏng gì, một đứa đang theo nghề tin học, một đứa đang học mỹ thuật ở Canada. Thỉnh thoảng tôi cũng lên thành phố xem triển lãm, hội họp vì còn có chân ở Hội đồng Nghệ thuật và tham gia giảng dạy. Nhưng phần lớn thời gian tôi ở đây vẽ, đọc sách, trồng cây. Trong vườn của tôi có hơn 100 loại cây, bây giờ tôi rành về... phân bón, giống cây lắm.

- Con đường nào đưa anh đến với hội họa?

- Năm 6 tuổi, tình cờ chú Diệp Minh Châu đến chơi và xem những bức tranh của tôi, chú gợi ý ba tôi nên cho tôi đi học vẽ. Năm 13 tuổi, tôi theo học trung cấp mỹ thuật. Đến năm 1971, tôi bắt đầu đi dạy học ở Hà Nội, năm 1976 vô TP HCM dạy, năm 1988 được kết nạp vào Hội Mỹ thuật TP HCM, sau đó giữ chức Phó Tổng thư ký Hội 12 năm rồi vể ở ẩn.

- Kỷ niệm nào sâu sắc nhất trong cuộc đời hội họa của anh?

- Vào năm 1972-1973, vừa tròn 23 tuổi, tôi đi thực tế ở đường Trường Sơn và đã có được hơn 100 bức ký họa. Đó là kỷ niệm vô giá trong cuộc đời họa sĩ của tôi.

- Anh hãy nói một chút về bà xã?

- Không phải là tôi khen vợ đâu, nhưng thực ra là phụ nữ mà làm nghề điêu khắc bền bỉ như cô ấy ở thành phố này không nhiều. Bàn tay của vợ tôi chai sạn vì đất đá, sắt thép... nhưng đó vẫn là bàn tay đẹp nhất. Vợ điêu khắc, chồng hội họa nhưng vẫn góp ý cho nhau, chúng tôi thỉnh thoảng vẫn đi thực tế chung, rong ruổi trên chiếc vespa đến tận Đà Lạt, Nha Trang... Vợ tôi hiện phụ trách mảng điêu khắc ở Hội Mỹ thuật thành phố, rảnh rỗi cũng vẽ tranh lụa để bán, vì đối với công chúng nước ta, tượng vẫn còn xa lạ lắm. Vợ tôi cũng vừa hoàn thành một tượng đài cao 13 m cho nghĩa trang liệt sĩ Cao Lãnh - Đồng Tháp.

- Dự định trong tương lai của anh ?

- Tôi vẫn miệt mài vẽ để ba năm nữa nhân kỷ niệm 30 năm ngày cưới sẽ cùng vợ tổ chức một triển lãm chung giữa hội họa và điêu khắc. Tôi cũng đang định chuyển sang dạy học tại nhà cho thoải mái hơn, vì mình làm chủ được thời gian.

(Theo Người Lao Động)










“Mỹ thuật luôn cần những ngọn gió mới”

(Duyên Dáng Việt Nam)



Họa sĩ Ca Lê Thắng là một cái tên khó quên đối với những người yêu tranh, tác phẩm hội họa. Là người vẽ tranh trừu tượng từ rất sớm ở trong nhóm 10 họa sĩ thời đổi mới. Ngoài ra ông còn là ủy viên ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam và TP.HCM. Là một trong những thành viên chấm giải thưởng mỹ thuật Việt Nam ba năm một lần (2020) tại Hà Nội.
Ông đã dành cho DDVN một cuộc trao đổi về cái mới trong nghệ thuật hội họa. Nguyễn Hữu Hồng Minh thực hiện.



*Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Rất vui khi được gặp họa sĩ Ca Lê Thắng tại triển lãm ‘Người bay và giấc mơ siêu thực” của họa sĩ Đinh Phong – người mà cũng vừa chuyển tranh từ Sài Gòn ra trước giờ khai mạc. Cả hai nghệ sĩ “miền trong” có mặt giữa mùa thu Hà Nội. Anh có thể cho biết cảm xúc của mình?


trái: Hs Ca Lê Thắng, hs Lương Xuân Đoàn và hs Đinh Phong


Họa sĩ Ca Lê Thắng: Tôi cũng vừa ra Hà Nội để chấm giải thưởng Mỹ thuật Việt Nam 3 năm một lần. Giải này trước đây là mười năm chấm một lần. Thật lâu vì mười năm là hành trình rất dài của cuộc đời người. Trong khi những cái hay cái đẹp, cái thay đổi của hội họa đương đại đang diễn tiến cùng thế giới hàng ngày, hàng giờ. Tranh Đinh Phong là một ví dụ. Tên Phong của anh cũng chính là gió. Tiềm ẩn ngọn gió lạ. Mỹ thuật luôn cần những ngọn gió mới.

Cảm giác thú vị nữa là tôi có dịp trở về ngôi trường Đại học Mỹ thuật ở Yết Kiêu, nơi tôi từng học và sau đó từng dạy ở đây trên 10 năm. Vì thế có rất nhiều kỷ niệm. Tôi cũng rất mong có dịp triển lãm cá nhân tranh của mình tại đây như nhìn lại những cột mốc trong hành trình của mình.



*Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Là một họa sĩ nổi tiếng, anh còn có nhiều năm làm công việc đứng lớp, trực tiếp giảng dạy truyền nghề cho các bạn trẻ yêu hội họa. Những khắc nghiệt trong nghề này anh nghiệm thấy ra sao? Để thành công cần những yếu tố gì?

– Họa sĩ Ca Lê Thắng: Tôi thấy là nhiều người học trong trường lâu, sau mấy chục năm lại trở thành một anh sinh viên giỏi chứ không thể trở thành họa sĩ được!

Điều quan trọng nhất của họa sĩ, theo tôi là giữ chữ Tâm. Đó chính tấm lòng chân thật, chân thành, tình cảm. Chữ Tâm còn là cái tôi của mình. Là chân trời, không gian riêng trong sắc màu… mới mong thành công. Bên đó còn những yếu tố khác như lòng thành, sự kiên
 định.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh đang thực hiện cuộc trò chuyện về hội họa đương đại với họa sĩ Ca Lê Thắng tại trung tâm phát triển và sáng tạo mỹ thuật Art Space – Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội.

Anh thử hình dung hiện nay chỉ cần ngồi trước máy tính, gõ vào Google thì có thể tìm kiếm ra hàng đống thông tin trường phái hội họa. Nếu chỉ để chọn một thứ trong “hằm bà lằng xắn cố” thì không khó nhưng vẫn chưa thể vận hành được nếu thiếu có chữ Tâm, sự ấp ủ và lòng đam mê tích lũy qua thời gian.

* Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Vậy với trường hợp của họa sĩ Đinh Phong, người chưa từng học qua một ngày nào ở trường lớp chính quy hội hội họa thì sao?

– Họa sĩ Ca Lê Thắng: Tôi nghĩ vẫn chữ Tâm đó nhưng với Đinh Phong sự vận hành có khác. Anh có thể chưa từng ngồi học ở một trường mỹ thuật chính quy nào nhưng anh vẫn có thể nuôi sâu bền một tình yêu hội họa tích lũy qua bao năm tháng.

* Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Ông có thể nói rõ hơn được không? Ví dụ như ngay bây giờ, đứng trước triển lãm “Người bay và giấc mơ siêu thực” ông có những suy nghĩ gì?




– Họa sĩ Ca Lê Thắng: Muốn vẽ hiện thực cũng không dễ và cũng không thể làm được ngay. Đinh Phong biết mình biết ta nên đã chọn ngôn ngữ hội họa cho mình vừa biểu hiện, tượng trưng, vừa trộn lẫn siêu thực trong đó. Tất cả thẩm thấu sự vật theo trường phái trẻ thơ. Đây chính là điểm thành công của anh.

Tôi còn cho rằng Đinh Phong chọn cho mình lối đi riêng như thế là hợp tạng. Nó cho thấy anh đã dày vò suy nghĩ, đã chuẩn bị trước từ rất lâu để bắt tay vào. Trong một thời gian ngắn anh tìm được cách thể hiện cảm xúc của mình. Đinh Phong còn có may mắn như ông bà ta hay nói trời phú, trời cho. Vì thế, anh đi ngắn hơn một số người, lại thành công hơn.

* Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Có vẻ như ông rất am hiểu về thế giới nghệ thuật của họa sĩ Đinh Phong?

– Họa sĩ Ca Lê Thắng: Thật tình cờ khi được xem một số tranh nhỏ của Đinh Phong, tôi đã nhìn thấy có chiều hướng phát triển rất tốt, rất đáng khích lệ. Tôi nghĩ bất cứ một người mới vào nghề nào cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Tôi đã động viên anh ấy, vậy mà thật ngạc nhiên. Chỉ sau 2 tháng tôi đã thấy tranh Đinh Phong thống nhất về mặt suy nghĩ và tư duy tạo hình ngày càng chững chạc hơn. Từ bố cục tranh, các mô-típ và sắc màu. Đặc biệt sự tiến triển đó có chất tự thân của một tác giả có nội lực sẵn có. Thường những người mới bắt đầu vẽ dễ bị lung lạc, nao núng, nhưng ngược lại. Đinh Phong rất kiên định trong tạo hình. Đó là bản lĩnh của một họa sĩ về sau này.




* Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Ông nghĩ như thế nào về tính đột biến trong nghệ thuật? Trường hợp của Đinh Phong có phải đột biến? Trong hội họa Việt Nam liệu đã từng xảy ra thế?

– Họa sĩ Ca Lê Thắng: Có chứ! Nghệ thuật luôn cần yếu tố độc sáng, mới lạ. Sáng tạo luôn mong muốn sự đột biến. Nhưng mỹ thuật Việt Nam tôi nghĩ, giai đoạn này này bị chững lại, các tác giả đột biến ít đi. Cách đây không lâu, tôi có chấm giải mỹ thuật toàn quốc thấy cái mới rất ít. Các dạng sáng tác cũ, mô-típ mấy chục năm vẫn tồn tại. Tranh và gốm của Đinh Phong rõ ràng là có sự mới lạ. Nó không phải là một ngôn ngữ quá xuất sắc mà chính là sự hồn nhiên vốn dĩ của người họa sĩ. Nhất là giai đoạn này đang bị nhiễu loạn thông tin, bị áp lực kinh tế làm cái tâm của người nghệ sĩ khó giữ được trong sáng. Đinh Phong không bị kẹp giữa hai gọng kìm đó. Khi anh giữ được thần cốt thì tranh hóa ra độc đáo. Nói không quá, tranh Phong có thần thái riêng. Có thể hòa nhập với không khí mỹ thuật hiện nay, tranh của Phong không thấy sự ngờ nghệch, ngây ngô. Do anh đã tự học, chú tâm nghiên cứu và chơi với nhiều anh em nghệ sĩ… tạo nên một nền tảng cơ bản, vững chắc.

Nhân câu hỏi của anh, tôi nhớ lại mỹ thuật từng có giai đoạn tạm gọi là thời kỳ “Đổi mới” khoảng cuối năm 1986 đến đầu những năm 1990. Ở Sài Gòn là nhóm họa sĩ đổi mới với những cái tên Nguyễn Trung, Đào Minh Tri, Ca Lê Thắng, Nguyễn Tấn Cương, Nguyễn Thanh Bình, Hứa Thanh Bình, Trần Văn Thảo, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Trung Tín, Vũ Hà Nam. Ở Hà Nội là nhóm các họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Trần Lương, Hồng Việt Dũng, Phạm Quang Vinh… Và cũng đã lâu rồi mới thấy sự đột biến trong tranh và điêu khắc họa sĩ Đinh Phong.


* Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh: Câu hỏi cuối dành cho họa sĩ Ca Lê Thắng. Thưa anh, liệu sự đột biến nhìn tổng thể cũng chính là giải pháp cân bằng hoàn hảo cho tài năng và thủ pháp nghệ thuật của họa sĩ?

– Họa sĩ Ca Lê Thắng: Đột biến thì sẽ chông chênh. Nó là một trạng thái thăng hoa chứ chưa hẳn là sự hoàn hảo của kỹ năng, của thủ pháp. Trong tổng thể tranh của Đinh Phong tạo ra những cảm xúc mạnh cho người xem trên mặt bằng chung. Nhưng xét phương diện nào đó, thì, người lần đầu tiên cầm bút có những sai sót về mặt thủ thuật, thủ pháp. Đinh Phong cũng như vậy.

Nhưng tôi nghĩ chính những sai sót như thế nằm trong tổng thể thì làm cho những riêng biệt nổi rõ hơn. Cũng như trong văn chương, nhất là thơ có những trường hợp tạo ra ấn tượng mới lạ khi viết, nhưng đưa về ngữ pháp thì không hẳn đúng chính tả.

Với một người đi vào mỹ thuật thời gian ngắn như thế, mà có một số lượng tác phẩm tranh và điêu khắc lớn như vậy. Được giới thiệu trong lần ra mắt triển lãm đầu tiên của mình với anh em, bạn bè, người yêu tranh Thủ đô thì thật đáng trân trọng. Đinh Phong là người có năng lượng nghệ thuật, anh không dễ bốc đồng và không thể buông trôi. Tôi nghĩ Đinh Phong sẽ đi dài hơn trong sáng tạo của mình.

Minh Ngữ

































































 





















































































































































































Hs Ca Le Thang, Hs Phan Nguyen, Hs Bui Suoi Hoa, Hs Vu Hoa, Nst Tran Hau Tuan

















Trở về

















MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.