Thứ Sáu, 2 tháng 7, 2021

Nguyễn Hữu Liêm









Nguyễn Hữu Liêm
(1955 Quảng Trị -  .......)

Tiến sĩ Luật khoa, tiến sĩ Triết học (Hoa Kỳ), là tác gia của Dân Chủ Pháp Trị (1991), Tự Do và Đạo Lý (1994), Sử Tính và Ý Thức (2016), nguyên chủ nhiệm Tập San Triết, xuất bản ở Hoa Kỳ vào thập kỷ 1990-2000.
Hiện nay, ông đang là Giáo sư Triết học tại San Jose City College, California.











"Chân lý là một cuộc rượu say mèm
mà ở đó chả có ma nào tỉnh thức!"
G.WF. Hegel










GIÁO DỤC

2015: Tiến sĩ Triết học (Ph. D., Philosophy). California Institute of Integral Studies.

1998: Thạc sĩ Triết học (M.A., Philosophy). San Jose State University.

1987: Tiến sĩ Luật khoa (J.D), University of California, Hastings College of the Law.

1981: Thạc sĩ Chính sách và Quản lý công (M.P.A. Public Policy). Lyndon B. Johnson School of Public Affairs, University of Texas at Austin.

1978: Cử nhân Kinh tế Nông nghiệp (B.S., Agricultural Economics). Oklahoma State University.






CHUYÊN MÔN

1998 – Bây giờ: Giáo sư Triết học. San Jose City College, California.

1987 - Bây giờ: Luật sư, The Law Firm of Henry N. H. Liem, San Jose, California.

1988 – 1989: Phó biện lý (Deputy District Attorney), Santa Cruz County, California.

1986: Thực tập với Tòa Kháng án Liên bang Hoa kỳ (Federal Court of Appeals, 9th Circuit), San Francisco.

1985: Thực tập với Bộ Tư pháp tiểu bang California (California Attorney General’s Office).



HOẠT ĐỘNG DÂN SỰ

2008-2010: Chủ tịch Viet-American Business Association, California.

2004-2005: Chủ tịch Hội đồng Quản trị, VNHELP, San Jose, California.

2003-2004: Phó Chủ tịch, The Academic Senate, San Jose City College.

2001-2002: Rockefeller Fellow, William Joiner Center, University of Massachusetts.

1999-2000: Chủ tịch Luật sư Đoàn Việt-Mỹ Bắc California.

1986-1988: Chủ tịch Trung tâm định cư Tỵ Nạn Đông Nam Á, San Francisco.





















XUẤT BẢN

Sách






1
Dân chủ Pháp trị
(Luật pháp, Công lý, Tự do và Trật tự Xã hội
(Democracy and Law: Justice, Freedom, and Social Order)
 San Jose; Biển Mới, 1991, 370 pages.








2
Tự do và Đạo lý – Khai giải triết học Pháp quyền của Hegel
(Freedom and Ethics: A Reading of Hegel’s Philosophy of Right
San Jose: Biển Mới, 1993,, 690 pages.








3
Thời tính, Hữu thể, Ý chí - Một luận đề Siêu hình học
(Time, Being and Will: An Essay on Metaphysics
Saigon: Giấy Vụn, 2015, 350 pages.








4
Affirmative Action Policy and Its Impact on Viet-American Communities
(Co-Author)
San Jose: Thị Trường Tự Do, 1997), 180 pages.








5
Sử tính và Ý thức – một triết học cho sử Việt
(History and Consciousness: A Philosophy of Vietnamese History, Sống Publisher, 2016, 450 pages.








6
Phác thảo một triết học cho lịch sử thế giớ
(An Outline of a Philosophy of World History
Mở Nguồn 2020, 510 pages.


ĐIỂM SÁCH NGUYỄN HỮU LIÊM,
“PHÁC THẢO VỀ MỘT TRIẾT HỌC LỊCH SỬ THẾ GIỚI”
Dương Ngọc Dũng

Kể từ khi Kim Định qua đời thì thị trường triết học của dân tộc Việt đã trở thành hoang mạc. Giới trí thức, nếu có mở mồm bàn chuyện triết lý, thì cũng chỉ thở dài luyến tiếc Trần Đức Thảo, Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Nguyễn Mạnh Côn, Nghiêm Xuân Hồng, Kim Định, Nguyễn văn Trung, Đặng Phùng Quân, Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Đăng Thục, Trần Công Tiến, những tác giả lừng lẫy của một thời vang bóng. Trần Đức Thảo, một triết gia Marxist được đào tạo bài bản không thua gì Nguyễn Hữu Liêm, đã sớm kết thúc sự nghiệp triết học của mình sau khi từ bên Pháp trở về Hà Nội, và ông cũng chẳng viết lách gì bao nhiêu (những kiệt tác viết bằng tiếng Pháp của ông mãi đến gần đây mới được dịch ra). Khác hẳn Phạm Công Thiện, một tác giả cũng có rất nhiều đầu sách, nhưng họ Phạm không có một công trình tập trung nào vào một chủ đề triết học nào cả. Ông viết lan man về văn học, triết học, và làm thơ. Khác hẳn với Nguyễn Văn Trung, một tiến sĩ triết học có tư duy thiên tả được đào tạo bài bản, Nguyễn Hữu Liêm không bàn những chuyện “linh tinh” như “tiếng ca Thanh Thúy” hay “đạo Cao Đài.” Cũng khác với Nguyễn Mạnh Côn, tác giả của học thuyết Tân Trung Dung, chỉ mong muốn phá vỡ lý luận của Marx và Trần Đức Thảo. Nghiêm Xuân Hồng là học giả hơn là triết gia, na ná như Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Hoàng Xuân Việt, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Lê Thành Trị. Đặng Phùng Quân cũng là một triết gia được đào tạo bài bản, nhưng ông bàn về tư tưởng của các triết gia khác (như Derrida) chứ không sáng lập một học thuyết nào cả. Kim Định là độc đáo nhất về nhiều phương diện. Chỉ riêng với phương diện xiển dương Nho Giáo (mà ông gọi là Triết Lý An Vi) không thôi ông cũng xứng đáng được so sánh với Tu Weiming (Đỗ Duy Minh, đại học Harvard) rồi. Riêng Trần Văn Đoàn, tôi vẫn chưa thấy ông có một tác phẩm triết học nào riêng cho mình để lưu danh thiên cổ, trong khi so với tất cả những người vừa được liệt kê, ông được đào tạo qui củ nhất, thông thạo nhiều ngoại ngữ nhất, có nhiều bằng cấp nhất (kể cả triết học lẫn thần học) và có nhiều điều kiện nhất trong việc tiếp xúc với các triết gia tên tuổi trên thế giới. Trần Công Tiến nổi tiếng nhất là việc phiên dịch Sein und Zeit của Heidegger. Gần đây còn có Hồng Dương Nguyễn Văn Hai, tiến sĩ toán học, thâm cứu Phật Giáo và triết học Tây Phương, nhưng vẫn tự hạn chế trong việc trình bày, giải thích, thông diễn, hơn là sáng tác.


Nguyễn Hữu Liêm, một ngôi sao mới trên bầu trời Triết Việt hiện nay, với một loạt sách triết theo truyền thống Hegel. Ông vừa hoàn thành và xuất bản một tác phẩm mới, PHÁC THẢO VỀ MỘT TRIẾT HỌC CHO LỊCH SỬ THẾ GIỚI (NXB. Hội Nhà Văn 2020, 608 trang), một công trình suy tư nghiêm túc, có tham vọng xây dựng một sự thuyên giải, từ góc độ triết học, lịch sử thế giới, bắt đầu với Phật Thích Ca, và kết thúc, theo ngôn ngữ tác giả, với Thời Quán đương đại, thế kỷ 21.

1-Thời quán đầu tiên, dựa trên mô hình 4 quadrants của Ken Wilber và ngôn ngữ triết học của Hegel, là thời kỳ khởi động của TỰ Ý THỨC về TA. Phật tuyên bố: “THIÊN THƯỢNG ĐỊA HẠ, DUY NGÃ ĐỘC TÔN.” Karl Jasper gọi thời kỳ này là THỜI TRỤC (Axial Age).

2-Thời quán thứ hai, bắt đầu từ thế kỷ thứ nhất, là sự xuất hiện của năng lực CHÚNG TA, thiết định nền tảng cho văn hóa, luân lý, và tôn giáo. Nhân vật biểu trưng cho Thời quán này là Đức Giê Su Ki Tô. Chân lý trong Thời quán này mang tính liên đới: “Ta với Cha ta là Một.”

3-Thời quán thứ ba, bắt đầu từ thế kỷ 15, năng lực Tự-Ý-Thức khách thể hóa chính mình thành vũ trụ vật thể. Chân lý trong thời kỳ này lấy chuẩn mực là khoa học thực nghiệm. Nguyễn Hữu Liêm gọi đây là Thời quán của NÓ khi ý thức con người phó thác bản thân nó cho khách thể tính. Vũ trụ vật thể là một hiện thực độc lập với Ý chí và Ý thức cá nhân. Nhân vật biểu trưng cho thời kỳ này là Nicolas Copernicus và kết thúc với Albert Einstein.

4-Thời quán thứ tư, khởi đầu từ thế kỷ 17, là Thời quán của CHÚNG NÓ, khi chính trị là định mệnh. Con người đi tìm chính mình thông qua các hệ tư tưởng (ý thức hệ= ideology). Trật tự thế giới là hình thái của Ý chí lịch sử. Nhân vật biểu trưng cho giai đoạn này là Thomas Hobbes và Karl Marx.Đó đúng là 4 quadrants (mà Nguyễn Hữu Liêm gọi là 4 Thời quán) theo mô hình tư duy của Ken Wilber, nhưng tác giả bổ sung thêm Thời quán đương đại, thế kỷ 21, giai đoạn từ bỏ tôn giáo, nghi ngờ khoa học thực nghiệm, đi tìm năng lựcTự Ý Thức ở một tầm mức tiến hóa cao hơn.
Chúng ta có thể chắc chắn rằng những độc giả của Nguyễn Hữu Liêm sẽ tập trung sự chú ý và phê phán của họ vào việc phân loại các thời quán này (Hegel gọi là các mô-men) của tác giả. Thí dụ như: “Dựa vào tiêu chí nào, tiêu chí lịch sử hay tiêu chí triết học, để phân loại biên giới giữa các Thời quán?” “Tại sao lại bắt đầu với thế kỷ của Đức Phật mà không phải là xa hơn (hay gần hơn)?” Nhưng tạm thời chúng ta khoan xem xét những vấn đề đó mà hãy quay trở lại với chủ luận (thesis) mang đầy tính Hegel của tác giả: “Toàn thể văn minh nhân loại- và từng cá nhân- đồng thời là thực tại vừa là biểu tượng cho Thời quán Ý thức mới này. Đây là lúc mà cái TA, vốn bị tha hóa vào Sử tính suốt 2000 năm qua, bắt đầu đi tìm lại chính TA để khép lại vòng tròn Biện chứng Tự Ý Thức qua hành trình chuyển hóa đầy bi tráng của lịch sử” (17).

Có thể nói mà không sợ mang tiếng quá phóng đại rằng Nguyễn Hữu Liêm đang là Hegel của Việt Nam. Ông đã thổi một luồng sinh khí mới vào một lãnh vực xưa nay vốn vẫn chỉ dành riêng cho một thiểu số đặc biệt. Ông đi thẳng vào những vấn đề triết học mà ông quan tâm nhất: Hegel, Fukuyama, Wilber, và truyền thống huyền học (esoteric tradition) Tây Phương. Nghĩa là, một triết gia từ đầu đến chân, không pha lẫn tạp chất của bất kỳ thứ gì khác. Văn phong của ông cũng thế. Không hoành tráng như Phạm Công Thiện, không bay bổng thi ca như Bùi Giáng, không quá nhiều kinh điển Nho gia như Kim Định, không quá chính trị như Nguyễn Mạnh Côn, nhưng có khí chất sáng tạo một mình một cõi. Đọc ông tôi thấy chất văn học và triết học trở thành một toàn thể độc đáo bất khả phân.

Tác phẩm này, đúng theo truyền thống triết học lịch sử của Hegel, tóm tắt quan điểm của tác giả như sau: “Mỗi Thời quán Chân Lý, từ Thượng Cổ, đến Trung Cổ, đến Hiện Đại, tự nó phải đốt cháy và tiêu thụ hết năng lượng của giai Thời đó nhằm chuyển tiếp qua Thời quán mới cao hơn […] Mọi sự đều có cái Thời của nó. Cá nhân trên năng lực của cái ta Ngã thức- cũng như là Ngã thức tập thể cộng đồng liên hệ- chỉ là một đứa con của Thời tính và Nó không thể bước qua khỏi biên độ giới hạn mà Thời Ý đã phác họa. Mọi năng thức Trung giải cho mỗi Thời quán đều khẳng định chỉ có ta là con Một của Chúa- và tất cả những đứa con khác đều là con lai, con rơi, ngoại đạo, tà giáo. Sử tính nhân loại ở từng Thời đại đều lập lại khuyết điểm Khiếm diện và Cực đoan của Thời đại trước bằng một thể loại chân lý khác” (343).

Nhưng, khác với Hegel và vượt qua Hegel, tác giả Nguyễn Hữu Liêm còn cống hiến một phê phán triết học vô cùng sâu sắc đối với cái mà ông gọi là “hiện đại tính: trong cơn say Khoa Học Thực Nghiệm” (chương 33). Những tên tuổi lớn, Richard Dawkins, Jacques Monod, Daniel Dennett, Steve Weiberg, được tác giả phê phán thẳng thừng là “hiện thân của lề lối suy nghĩ thuần duy Sinh Hóa, tức là suy nghĩ từ cõi Thấp mà không thể suy nghĩ ra cái Cao hơn” (335). Hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Hữu Liêm khi tác giả hạ bút: “Cái Thường nghiệm đôi khi là cái che giấu và lường gạt bản sắc Chân thực Huyền nhiệm” (336). Tư duy nô lệ vào khoa học thực nghiệm, chủ nghĩa “duy khoa học” (scientism), này đã từng được Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Kim Định phê phán trước năm 1975 trong các tác phẩm khác nhau của họ (tất cả đều dựa vào triết học Heidegger), nhưng không rõ ràng và triệt để, có nền tảng triết học hệ thống xuyên suốt, nhất quán như Nguyễn Hữu Liêm.

Việc “vượt qua và giữ lại” (aufheben) Hegel của tác giả, điều mà ông làm tốt hơn Marx, còn được minh chứng rõ ràng hơn trong việc ông đã tái thuyên giải, hầu như toàn bộ, triết học Phật Giáo và thần học Thiên Chúa Giáo, dựa trên tinh thần phê phán của Nietzsche, truyền thống huyền học phương Tây (điều này không lạ vì chính Hegel cũng lấy phần lớn những ý niệm triết học của ông từ truyền thống Kabbala Do Thái), tư tưởng của Richard Tarnas, và triết học Dung Hợp (integral philosophy) của Ken Wilber. Những tín đồ Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo cần phải hết sức “bình tĩnh” khi đọc các phê phán của tác giả. Nhưng tại sao lại không nhắc đến Islam nhỉ? Rất có thể tác giả cũng không muốn chia sẻ số phận của Salman Rushdie nên ông đã im lặng hoàn toàn về tôn giáo này.

Nhìn vào một tác phẩm đồ sộ (600 trang), lại mang danh là sách triết, lại bàn đến những chủ đề quá cao siêu (thuyết Tính Không của Phật Giáo, thần học kenosis của Thiên Chúa Giáo, cho đến khoa học thực nghiệm, Internet, và chính trị học), người đọc dễ dàng thấy nản chí, nhưng thật ra phần khung sườn và lý luận căn bản của tác giả được trình bày rất rõ ràng ngay từ những trang đầu tiên, kèm theo một mục lục hết sức chi tiết, nên người đọc, với một tâm tư rộng mở, sẵn sàng học hỏi, và một chút kiên nhẫn, sẽ nắm ngay được tư tưởng cốt lõi. Vấn đề là với một dung lượng tri thức khổng lồ được trình bày trong sách như vậy chúng ta cần phải nghiền ngẫm, đọc đi đọc lại nhiều lần, và tốt nhất là thử tranh luận với tác giả trong tinh thần khai phóng và xây dựng. Tôi hoàn toàn tán thành tác giả khi ông viết: “Hãy coi chừng những gì giới trí thức viết. Ngôn từ của họ là bước đi tiên phong, là tiếng kèn xuất quân, là tiếng còi tàu chuyển bánh, hú vang báo hiệu cho một Thời Ý mới mà trước sau hay nhanh chậm cũng sẽ xuất hiện ở chân trời Sử Tính” (486). “Giới trí thức” mà tác giả nhắc đến trong văn cảnh này chính là J.S. Mill và K. Marx, nhưng tại sao không phải là chính Nguyễn Hữu Liêm, người không những “hú vang báo hiệu” mà còn ra công chẩn đoán những vấn đề của thời đại, và hơn nữa, chỉ ra một sinh lộ cuối đường hầm tăm tối: “Một trong những bước đầu tiên để giải phóng cái ta ra khỏi võng lưới Sinh thức hiện tại là khả năng Ý Thức đến cái mà Richard Tarnas gọi là ‘nhà tù ba tầng của sự tha hóa hiện đại” (604). Phác đồ điều trị tuy chưa rõ ràng, cụ thể, nhưng “phác thảo” thì đã có. Đặt tác phẩm của Nguyễn Hữu Liêm xuống, những ai vẫn bận lòng về tương lai của Sử Tính Việt không thể không cúi đầu suy niệm: “Ta cố đợi nghìn năm, một nghìn năm nữa khác sẽ qua, đến khi núi lở sông mòn, mới mong tới Hòn Vọng Phu” (Lê Thương). Phải vậy chăng?

Dương Ngọc Dũng, 6/8/2020










7
Cám dỗ Việt Nam – Tuyển tập bút ký
(The Vietnam Temptation: A Collection of Essays on Vietnam
NXB Hội Nhà Văn và Domino Books, 2019), 150 pages .





GIỚI THIỆU SÁCH

Đọc “Cám dỗ Việt Nam” của TS. Nguyễn Hữu Liêm
20/07/2019




Sách “Cám dỗ Việt Nam” của TS. Nguyễn Hữu Liêm vừa được giới thiệu tại TP. Hồ Chí Minh vào lúc 9 giờ ngày 8/7/2019. Sách dày 206 trang, do NXB Hội Nhà văn và Domino Books phát hành trên toàn quốc vào tháng 7/2019.

Tác giả Nguyễn Hữu Liêm, Tiến sĩ luật khoa, Tiến sĩ triết học (Hoa Kỳ), nguyên Chủ nhiệm tập san Triết xuất bản ở Hoa Kỳ vào thập niên 1990-2000. Ông là tác giả của Dân chủ pháp trị (1991), Tự do và đạo lý (1994), Sử tính và ý thức (2018), Thời tính, hữu thể và ý chí: Một luận đề siêu hình học (NXB Đà Nẵng & Domino Books, 2018)… Hiện ông là giáo sư triết học tại San Jose City College, California.

Sách “Cám dỗ Việt Nam” tập hợp 26 bài bút ký của Nguyễn Hữu Liêm được viết từ sau những năm 2000 đến nay. Tác giả đưa độc giả đến với Việt Nam đầy những “cám dỗ”, mê hoặc qua những con người bình dị, mộc mạc trải dài trên dải đất hình chữ S dưới con mắt của một người Việt xa xứ trắc ẩn và giàu tinh thần xây dựng về “sử tính” của dân tộc Việt. Là những bài viết ngắn về những chuyến đi, bao gồm những suy tư về đất nước, con người, quê nhà, bà con, bạn hữu… Những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ tại quê nhà của ông luôn lấp lánh những suy tư triết học.

Vào năm 2018, cuốn sách “Thời tính, hữu thể và ý chí: Một luận đề siêu hình học” (NXB Đà Nẵng) của ông lần đầu tiên in trong nước. Điều này tiếp thêm nhiều động lực cho ông trong việc in ấn tác phẩm của mình tại quê nhà, cũng như tạo điều kiện tương tác với độc giả nhiều hơn nữa.

Nếu “Thời tính, hữu thể và ý chí: Một luận đề siêu hình học” đưa ra một luận đề mới và khác, rất là nguyên thủy về bản thể luận trên nền tảng chữ thời và ý chí, thì “Cám dỗ Việt Nam” lại đi vào từng mảng đề tài cụ thể (bằng bút ký, ghi chép) để kiến giải mệnh đề sử tính dân tộc Việt mà tác giả luôn trăn trở.

Là một người sinh sống và giảng dạy ở Mỹ, TS. Nguyễn Hữu Liêm nhận thấy nhiều điều bất cập, mâu thuẫn giữa các thế hệ trong gia đình hoặc giữa các nhóm người Việt xa xứ. Ông nói:

- Tôi cố gắng giải thích về lịch sử, về cuộc chiến vừa qua, và lý do tại sao mà tôi vẫn cứ trở về xứ này. Tôi muốn bước qua nỗi ám ảnh của thời gian và lịch sử. Mỗi chuyến đi và về tôi luôn mang sứ mệnh hòa hợp hòa giải vết thương sử tính. Các bài viết như là một sự soi chiếu vào chính mình để suy niệm lại về tổng thể lịch sử văn hóa, con người và xã hội Việt Nam mà chính tôi là một phần nhỏ bất khả phân. Không ai muốn nhìn lại vết thương hai lần – vì sự đau đớn về hoài niệm sẽ còn sâu sắc hơn vết thương khi mới bị bắt đầu. Nhưng ở đây, tôi sẽ nhìn thẳng vào vết thương của lịch sử và văn hóa, con người Việt Nam, ở trong hay ngoài nước, như là nhìn lại sự đau khổ mà tôi cùng chia sẻ từ tâm khảm đối diện đó. Không những thế, tôi muốn mở rộng và nhặn mạnh vào vết thương để cho mủ máu nhiễm trùng được tuôn thoát ra ngoài. […] Vì tựu chung thì con người Việt Nam tự bản sắc là một hiện tượng tinh thần trong một bản sắc tư duy, tâm lý, và ý chí muốn vươn thoát cơ năng thân xác và căn cước tính vốn đầy thương tích và gian khổ. Dân tộc Việt Nam đang tự giải phóng chính mình ra khỏi quá khứ bằng ngôn ngữ. Không lạ chi mà cả nước bây giờ đi đâu cũng tràn ngập phong trào học Anh văn. Cái sang trọng bắt đầu bằng ý chí làm sang. Đây có thể là một khúc quanh ngôn ngữ thứ hai cho dân tộc. Chúng ta đang đi đúng đường!

Khi được hỏi sau “Cám dỗ Việt Nam” sẽ là quyển gì nữa? TS. Nguyễn Hữu Liêm cho biết:

- “Cám dỗ Việt Nam” là tuyển tập thứ nhất, sau đó sẽ là tuyển tập thứ hai mang tên “Quốc gia như ảo thức đọa đày” về các vấn đề xã hội và lịch sử Việt.

Lê Văn – Hiền Hòa
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 555







Tiểu luận

Mysticism and Philosophy: In Search of the Foundation of True Knowledge. San Jose Intercollegiate Philosophy Club. (3/2002)

Diaspora and Language: The Case of the Viet-American Community. Conference on Postwar Communities, Identity and belief. University of Virginia. (2/2003)

An Ontology of Art. Hợp Lưu Forum, Westminster, California. (11/2001)

An Essay on Freedom and Psychoanalysis. San Jose Intercollegiate Philosophy Club. (9/2000)



Others

1996 - Hiện nay Chủ nhiệm tạp chí TRIẾT: Tập san Triết học và Tư tưởng, California











KHI TRUNG QUỐC BAY VÀO KHÔNG GIAN BAO LA THÌ VIỆT NAM VẪN CÒN MƠ RA BIỂN LỚN

Nguyễn Hữu Liêm


Trung Quốc đưa phi hành đoàn đầu tiên lên trạm vũ trụ mới. Tàu Thần Châu-12 đã được phóng lên bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 2F từ bãi phóng Tửu Tuyền trên sa mạc Gobi vào lúc 09:22 giờ Bắc Kinh (01:22 GMT). Vụ phóng và sứ mệnh tiếp sau đó là một minh chứng khác cho thấy sự tự tin và năng lực ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực không gian.(BBC tiếng Việt, 17 tháng 6, 2021).


Tại sao Châu Âu qua mặt Trung Quốc

Một chút lịch sử. Chuyện kể rằng ở thời nhà Minh ở thế kỷ 15, có một học giả nổi tiếng Trung Hoa tên là Vương Dương Minh (Wang Yangming) đã bỏ ra bảy ngày đêm để nhìn vào một cây măng nhằm hiểu về nó. Cuối cùng ông đã bị ngã bệnh và tuyên bố rằng sự nghiên cứu nhằm thông hiểu về thế giới khách quan chỉ có thể đạt được khi cá nhân trở về lại quán chiếu đời sống nội tâm.

Một sử gia thiên nhiên của triều đại nhà Thanh, Liu Xianting (Lưu Hiển Đình) cũng đã viết trong tinh thần tương tự, "Ta có nghe nói rằng một miếng sắt có thể ngăn cản một khúc nam châm khỏi hấp lực một miếng sắt khác và đã bày ra thử nghiệm để xác nhận điều đó. Tuy nhiên, đó là việc không cần thiết bởi vì những thử nghiệm như thế chỉ đưa đến những sự thật nhỏ nhoi. Ta cũng nghe nói rằng củ tỏi có thể ngăn cản cục nam châm khỏi hấp lực một miếng sắt. Ta cũng chưa hề thử nghiệm điều này."

Ðây có thể là những chuyện nhỏ của lịch sử Trung Hoa, nhưng chúng nói lên một thảm kịch lớn của tinh thần trí thức người Tàu, vốn nằm ngủ trong học thuyết và truyền thống Khổng Mạnh, để rồi bỏ lỡ nhiều cơ hội cách mạng khoa học cho nền văn minh cổ đại lớn lao này. Ðối với người Trung Hoa thời đó, mọi quy trình thực nghiệm (empirical experimentation) đều vô ích. Vì thế, khoa học của người Tàu cho đến cuối thế kỷ 20 vẫn còn ở lại với trình độ thủ công và thực dụng, không có nền tảng bằng chứng thực nghiệm để vươn lên tới chiều cao lý thuyết.

Cũng ở thời gian đó, cuối thế kỷ 15, thì ở Âu Châu một cuộc cách mạng khoa học đang trỗi dậy như cơn thuỷ triều. Khi mà Dương Vương Minh ngồi nhìn cây măng, thì ở Ý, Leonardo da Vinci (1452–1519) đang vẽ nàng Mona Lisa với nụ cười bí mật đồng thời thực hiện những thí nghiệm phẫu thuật về cơ thể con người và thiết kế những máy móc gia dụng khác. Vinci tuyên bố rằng khoa học chỉ là vô dụng và đầy những phi lý nếu nó không được minh xác bằng con đường thực nghiệm.

Ðó là quan điểm chung của giới trí thức khoa học Âu Châu đương thời – một lập trường tri kiến phát xuất từ siêu hình học Aristotle. Cùng lúc này, Ferdinand Magellan vừa hoàn tất chuyến viễn hành vòng quanh địa cầu lần đầu tiên, Paracelsus khám phá ra hóa học y khoa, còn Copernicus và Vesalius đã đem một cách mạng mới về vũ trụ quan và khoa học – thuyết “Thái dương tâm luận” (Heliocentrism) – vốn thay thế “Địa cầu tâm luận (Geocentrism) với hai đại tác phẩm De revolutionibus Coelestium và De humani corporis fabrica.

Ngoài sự khác biệt về vũ trụ quan và nhân sinh quan, thì có một sự phân định quan trọng cho lý do tại sao mà cuộc cách mạng khoa học đã được khởi sinh ở Âu Châu thay vì ở Trung Hoa: sự độc tài của các cơ chế xã hội. Sở dĩ khoa học được tung cánh ở Âu Châu vào thời đó là nhờ sự xuống dốc của quyền lực giáo hội La Mã – vốn đã đè nén năng lực trí thức Tây Âu suốt mười lăm thế kỷ mà sử ký gọi là "Thời đại Bóng tối" (the Dark Age). Cho đến khi sự độc tôn trí thức bởi giáo quyền đi vào thoái trào, thì cây cổ thụ khoa học của nhân loại được vươn lên ngay ở Âu Châu.

Trong khi đó, ở Trung Hoa, dù trí thức không bị áp chế bởi một giáo hội – nhưng họ lại bị nghiêm trị bởi các cơ chế chính trị vương quyền. Mọi triết học và lý thuyết khoa học đều nhấn mạnh đến sự biện minh cho chính thống tính của Thiên tử và trật tự vương quốc liên hệ. The Dark Age của chính trị Trung Hoa vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay.

Gánh nặng vũ trụ luận mơ hồ và văn hóa bảo thủ

Trên một phương diện khác, Trung Hoa mang một gánh nợ trí thức thứ hai không kém nặng nề và phản tiến bộ. Ðó là một truyền thống bản thể luận thiếu minh bạch. Trong lúc khoa học Tây phương đang vươn lên không gian bao la thì người Tàu vẫn còn bị dính chằng chịt vào một hệ thống vật luận (metaphysics) huyền bí và mơ hồ.

Khâu Nhân Tông (邱仁宗 Qiu Renzong), giáo sư triết ở Bắc Kinh, đã viết, "Các hiện tượng đa dạng của vũ trụ đã chỉ được hiểu (bởi người Tàu) với những hệ thức (schemes) như là Âm-Dương, Nhu-Cương… Trong khung thức Âm-Dương, Nhu-Cương, những hệ thống vũ trụ luận đại thể (holistic cosmic systems) được thiết lập, mà trong đó, sự phân biệt giữa hiện tượng thiên nhiên và những vấn đề xã hội vốn trở nên rất lu mờ. Hai hệ thống đại thể Âm-Dương và Nhu-Cương này được coi như là nền tảng của thiên văn học và là một bí thuật, không thể bị chứng minh là sai – do vậy mà không được thay đổi cả hàng ngàn năm."

Hãy tưởng tượng rằng một Hi Lạp mà siêu hình học bị dừng lại ở Plato – và Aristotle không bao giờ xuất hiện. Ðó là trường hợp của Trung Hoa. Sau Khổng Tử – mà triết học rất gần với Plato – không còn có một triết gia tầm cỡ nào phủ định và vượt qua ông cả. Từ đó, nền tảng bản thể học và vũ trụ luận của người Tàu bị đông lạnh. Chúng trở nên cơ sở biện minh cho chính thống chính trị vương quyền Trung Quốc suốt cả chiều dài lịch sử của họ – cho đến ngày người Cộng sản đứng lên làm lịch sử với biện minh nhân dân và giai cấp mới. Tuy nhiên, dù Marx hay không Marx, bản chất đế quyền của người Tàu vẫn không hề thay đổi: khép kín, độc tài, cưỡng chế, bạo lực. Chính trị Cộng sản chỉ là một chiếc bình mới cho một chất rượu văn hóa chính trị cổ đại mà người Tàu cho đến bây giờ vẫn còn đang bị đóng khung.

Con người và văn hóa Trung Hoa mang nặng tính bảo thủ, cố chấp, và bản địa. Tính dân tộc của họ rất là cao – nhiều khi đến độ không cần thiết. Thế hệ người Hoa thứ hai, thứ ba, sinh ra ở các quốc gia khác, như ở Mỹ hay ở Việt Nam, vẫn coi Trung Hoa là "mẫu quốc" và vẫn cho mình là người Hoa. Có thể nói rằng vì tinh thần văn hóa này mà người Hoa đã kiến lập một vũ trụ luận sai lầm. Khi Alexandre de Rhodes đến truyền giáo ở Trung Hoa vào những thập niên đầu của thế kỷ 17, ông đã có lần viết, "Người Trung Hoa tưởng đất nước của họ là tất cả những gì đẹp nhất cõi đất. Họ bỡ ngỡ khi nhìn vào bản đồ của ta (Pháp), cho thấy nước họ chỉ nhỏ bé so với toàn quả địa cầu. Họ có bản đồ của họ, họ vẽ trái đất vuông, Trung Quốc ở giữa (vì thế mà gọi là Trung Quốc), biển ở dưới với mấy đảo nhỏ, một đảo là Âu Châu, đảo khác là châu Phi, đảo khác nữa là Nhật Bản. Do đó, chúng tôi cho họ biết họ chẳng thông thái gì hơn chúng tôi."

Ðã mấy ngàn năm, trong vòng ảnh hưởng của văn hóa chính trị trưởng thượng với một vũ trụ luận giới hạn và thuần bản địa của người Tàu mà lịch sử Việt Nam quay theo. Dân tộc và lịch sử Việt chỉ như là một chiếc bóng xoay vần theo một cái trục lớn, chắc nịch, đầy thành kiến của ý thức và tâm hồn của người Tàu. Con người và văn hóa Việt Nam chỉ là những mẫu sao chép thiếu khả năng và vụng về từ các nguyên bản Trung Hoa.

Tàu Thần Châu và không gian mới cho Trung Quốc

Khi con tàu Thần Châu 12 phóng cao lên không gian để vươn ra khỏi bầu khí quyển của trái đất để làm việc tại trạm vũ trụ mới, đây là một bước ngoặc mới cho khả năng khoa học kỹ thuật của quốc gia cổ đại này. Trên phương diện biểu tượng, thì đây là lúc mà văn minh Trung Hoa vừa vươn thoát khỏi chính mình – vươn ra khỏi vòng kiềm toả của tính dân tộc, tính bản địa, tính lịch sử và nhân sinh quan cổ đại. Vũ trụ luận Trung Quốc nay đang được bùng vỡ. Vỏ trứng gà văn hóa thượng cổ đang mất dần sức mạnh biện minh nhằm nuôi dưỡng một chính thống tính chính trị đã nghịch thời.

Người Hoa hôm nay đã bắt đầu nhận thức ra một thế giới phổ quát và một vũ trụ luận tương xứng với thời đại. Cơ năng internet, ý thức pháp luật, phong trào dân chủ và nhân quyền, khoa học và công nghệ Tây phương – với những ưu và khuyết điểm của chúng – đang góp phần đưa con tàu ù lỳ Trung Hoa vào thế kỷ mới. Ðây mới là một "bước nhảy vọt" văn hóa đích thực – dù đã quá trễ – cho người Tàu.

Ta hãy nhìn sự kiện Thần Châu 12 này trên ý nghĩa biểu tượng chính trị. Sau khi hỏa tiễn Trường Chinh 2F (Chính thể) đẩy Thần Châu (Ý thức và Tinh thần) lên được vào không trung, thì hỏa tiễn Trường Chinh bị phế bỏ ngay sau đó. Ðây là một biểu tượng ngoạn mục – và bất ngờ – cho năng lực đào thải thể chế chính trị bằng sự vươn lên của tinh thần và ý thức, dù là thể chế đó đã huy động được nhân tài và vật lực cho chuyến tàu không gian này.

Mấy giờ đồng hồ sau khi vào quỹ đạo ngoài trái đất, nhìn xuống quả địa cầu tròn trịa và một nước Trung Hoa tương đối nhỏ bé so với tất cả vũ trụ và không gian, chắc là ba phi hành gia – Nhiếp, Lưu và Thang – đã phải thốt lên, "Hảo thị, hảo thị." Không biết có phải ba người không gian – taikonaut – nay đã nhận thức ra rằng đã đến lúc văn minh và tâm thức Trung Hoa thực sự đang được giải phóng.

Quỹ đạo mới cho Việt Nam và vai trò của Đảng

Và nếu Trung Hoa đang vươn thoát ra khỏi quỹ đạo giới hạn của họ, thì liệu Việt Nam chúng ta nay đã đến lúc tung mình ra khỏi quỹ đạo Trung Hoa – và giải phóng ngay cả cái vòng kềm tỏa văn hóa dân tộc và chính trị đầy bóng tối quá khứ của chính mình.

Câu hỏi ở đây là, tại sao cũng một thể loại thể chế chính trị, cũng độc tài toàn trị, cùng văn hóa bảo thủ, mà Trung Quốc có thể đi vào không gian, vươn mình theo quỹ đạo lớn hơn, nhưng Việt Nam lại không thể làm được?

Dĩ nhiên, Việt Nam là một nước nhỏ, mang tâm thức nhược tiểu. Cho đến nay dân ta vẫn chỉ còn nuôi giấc mơ ra biển lớn chứ chưa tưởng tượng đến không gian vô tận. Cuộc chiến vừa qua cũng đã làm cho quốc gia kiệt sức, và phong trào di cư ra hải ngoại sau 1975 đã như là một lỗ hổng lớn của hồ nước nhân tài. Cả hai vế mất mát – tinh thần và nhân lực – vẫn chưa được hồi phục vì nước ta vẫn còn thiếu sót trầm trọng trong việc kêu gọi và thu phục nhân tài trở về nước, lấy lại nguồn chất xám đã thoát ly.

Ít nhất là từ thế kỷ 15, ở Trung Quốc đã có những Vương Dương Minh, dám viết ra những điều mình tin tưởng và suy nghĩ, để rồi con cháu của truyền thống Khổng Mạnh đó đến thế kỷ 20 khi tỉnh thức đã biết cha ông họ đã sai lầm và lạc hậu như thế nào. Còn Việt Nam ta vẫn ngủ yên trong giáo điều văn hóa chính trị từ hơn thế kỷ trước, không biết mình sai lầm ở đâu, và vẫn mang tự ái nhược tiểu để không có can đảm và viễn kiến nhìn vào khuyết điểm từ quá khứ.

Việt Nam chỉ có thể chinh phục biển lớn và bước vào không gian bao la khi nào chế độ chính trị hiện nay biết nhìn lại mình, sửa sai khuyết điểm cơ bản vĩ mô của hệ thống công quyền, vượt qua tinh thần bảo thủ cố chấp, biết tưởng tượng đến một tương lai lớn hơn cho dân tộc. Khi Đảng Cộng Sản biết vượt lên và sửa sai những chính sách nhân dụng giả vờ, nửa vời, nặng bản chất chính trị hiện nay đối với Việt kiều thì không gian tương lai sẽ rộng mở. Đó là một tương lai bao gồm, chung tay, nhằm thu phục những bộ óc khoa học gốc Việt lớn trên thế giới về nước để cùng góp tay chế tạo một tàu không gian Thần Châu/Phù Đổng cho Quốc gia.

Đảng ta đang là tên lửa Trường Chinh vốn được lắp đặt từ thế kỷ trước. Nó đã bị hư hỏng từ cơ bản.

Muốn vươn vào không gian vô tận ư! Đảng phải biết thay đổi chính mình để xây dựng một thế hệ Trường Chinh mới – khi đó thì may ra sẽ có một con tàu vũ trụ Phù Đổng bay cao vào vũ trụ bao la.

NHL

Tham khảo: Time, Science, and Society in China and the West. Fraser, Lawrence and Haber (Ed.), MIT Press, (1986)









TS Nguyễn Hữu Liêm-Triết gia nhà quê và 'Cám dỗ Việt Nam'


Nhà xuất bản Hội Nhà Văn vừa cho ra mắt tác phẩm “Cám dỗ Việt Nam” của giáo sư triết học, TS Nguyễn Hữu Liêm, hiện đang giảng dạy Đại học tại Mỹ.


TS Nguyễn Hữu Liêm

Trong thời gian gần đây ông đã cho xuất bản nhiều sách viết về địa hạt nghiên cứu được nhiều bạn đọc yêu chuộng trí thức quan tâm. Đơn cử như cuốn “Thời tính, Hữu thể và Ý chí: Một luận đề siêu hình học” do NXB Đà Nẵng phát hành 2018. Trước buổi gặp gỡ bạn đọc, giới thiệu ra mắt sách tại TP.HCM, ông đã dành cho báo Một Thế Giới một cuộc trao đổi.

- Được biết trong tuần tới Giáo sư sẽ có mặt ở TP.HCM để ra mắt tác phẩm mới. Ông có thể cho biết cảm tưởng của mình và những cuốn sách đã viết?

TS Nguyễn Hữu Liêm: Mỗi lần trở lại Việt Nam thì lòng vui như kẻ đi thật xa về lại làng xưa - dù tôi về nước thường xuyên. Kỳ nầy, tôi sẽ giới thiệu với độc giả trong nước tuyển tập bút ký của tôi “Cám dỗ Việt Nam” do NXB Hội NhàVăn và Domino phát hành. Đây là những bài viết ngắn về những chuyến đi khắp nơi trên quê hương, bao gồm những suy tư, mang dạng triết học, về đất nước, con người, quê nhà, bà con, bạn hữu. Đây là tuyển tập thứ nhất, sau đó sẽ là tuyển tập thứ hai mang tên, “Quốc gia như ảo thức đọa đày” về các vấn đề xã hội và lịch sử Việt.

Về sách chuyên môn ngành triết học thì ở Việt Nam tôi đã có cuốn “Thời tính, Hữu thể và Ý chí: Một luận đề siêu hình học” (2018) do NXB Đà Nẵng phát hành. Nội dung đưa ra một luận đề mới và khác, rất là nguyên thủy về bản thể luận trên nền tảng chữ Thời và Ý chí. Cách đây ba năm, tôi cũng đã cho ra đời cuốn “Sử tính và Ý thức: Một triết học cho lịch sử Việt Nam”. Hiện nay, tôi cũng đang xin giấy phép xuất bản cuốn mới “Phác thảo một triết học cho lịch sử thế giới.” Đây là cuốn khá dày, trên 600 trang, mà tôi ưng ý nhất. Hy vọng nó sẽ được ra mắt độc giả một ngày gần đây.

- Văn hóa đọc của độc giả trẻ trong nước gần đây như mở rộng và đa chiều. Sách bao quát nhiều lĩnh vực cũng được in nhiều hơn. Tuy nhiên, sách chuyên biệt cho Triết học hay lĩnh vực “đào xới tư duy” này rất ít ỏi. Tác phẩm của các tác giả Việt viết càng ít. Ông có thể cho biết thêm nguyên do vì sao ông “cần mẫn” độc hành trên con đường rất chông gai này?

- TS Nguyễn Hữu Liêm: Tôi say mê triết học từ thời trung học, khi còn là cậu học trò nghèo khó ở Quảng Trị. Qua Mỹ, tôi học nhiều ngành, nhưng cuối cùng cũng trở lại trường học triết và sau đó đi dạy triết học ở đại học Mỹ. Hình như tôi chỉ có một niềm vui duy nhất: đọc, viết và giảng dạy, thuyết trình triết học.

Tôi dạy triết toàn thời gian cho sinh viên Mỹ, nói tiếng Anh bằng giọng Quảng Trị nặng như đá, cho nên sinh viên tưởng là cao siêu - vì chúng chẳng hiểu mô tê chi cả. Rứa mà lớp học của thầy Liêm lúc mô cũng đông sinh viên - vì tôi liên tục kể chuyện vui đùa kiểu nhà quê làm cho bọn trẻ cười văng bàn, văng ghế. Tôi hành nghề luật sư thì đồng nghiệp gọi tôi là “country lawyer” (luật sư nhà quê), dạy triết thì các giáo sư trong trường kêu là “country philosopher” (triết gia nhà quê)!


Bìa sách “Cám dỗ Việt Nam” của nhà xuất bản Hội Nhà Văn 7.2019

- Theo ông, người Việt có một nền tảng về Triết học không? Hình như trong văn hóa người Việt không thích khoa học, triết lý, sâu xa?

- TS Nguyễn Hữu Liêm: Hình như nấc thang phát triển trí tuệ của người Việt còn đang ở nấc thang thi ca, văn chương, và phiên dịch sách ngoại ngữ - chứ chưa đến tầm mức tư duy khái niệm.

Một trong những lý do là sự cắt đoạn sử tính khi chúng ta bỏ ngang chữ Hán Nôm để theo chữ Quốc ngữ. Sự chưa trưởng thành của ngôn ngữ Việt đã là nguyên nhân chính cản trở năng lực trí tuệ Việt.

Tôi đã phân tích vấn đề nầy kỹ trong cuốn “Sử Tính và Ý Thức”. Ngoại trừ một số rất ít, trí thức Việt còn tư duy và sáng tác theo dạng mô tả, tâm sự, hay viết truyện ngắn dạng kể chuyện, mỉa mai bóng gió, hay thơ phú theo kiểu chơi chữ, thiếu tư tưởng chiều sâu.

Vấn đề tổng thể chung mà tôi đã nói trong cuốn “Sử Tính” rằng dân tộc ta, về trọng tâm tiến hóa, vẫn còn ở tuổi thiếu niên. Thành ra, hầu hết trí thức, văn nghệ sĩ, khoa học gia, chuyên gia, tu sĩ, lãnh đạo, dù học vị cao bao nhiêu, họ vẫn là những chàng niên thiếu ở khoảng tuổi 15-16. Đây là cơ bản của tất cả mọi vấn đề cho lịch sử và xã hội Việt Nam xưa nay. Tức là nói chung, dân tộc ta vẫn chưa đến tuổi trưởng thành.

- Như ông tự nhận mình “triết gia nhà quê” một cách vui vẻ nhưng tôi thấy chính vì nhà quê mà câu chuyện về đề tài ngỡ “cao siêu” bỗng hóa ra hồn nhiên, dễ hiểu và cũng không kém phần sâu sắc. Ông có thể cho biết thêm suy nghĩ của ông về nhà triết học Trần Đức Thảo, một hiện tượng triết học Việt Nam. Với ông, vai trò của Trần Đức Thảo "thời tính" thế nào của triết lý Việt Nam và thế giới?

- TS Nguyễn Hữu Liêm: Về Trần Đức Thảo thì tôi đã có viết và dịch sang Việt ngữ một ít các bài viết của ông từ văn bản Anh ngữ. Ông xứng đáng là một triết gia tầm cỡ thế giới. Chúng ta hãnh diện về ông - một phần vì tự ái dân tộc. Tuy nhiên, ông chỉ kết hợp Hiện tượng luận của Husserl với Marxism vốn mang tính phê phán hơn là sáng tạo.

Cuốn “Phenomenology and Dialectical Materialism” của ông là một tác phẩm lớn - nhưng chỉ xuất sắc nửa đầu cuốn, nửa sau thì hỏng và bình thường lắm.

Nguyễn Hữu Hồng Minh thực hiện


Nguyễn Hữu Liêm, tiến sĩ Luật khoa, tiến sĩ Triết học (Hoa Kỳ), nguyên chủ nhiệm tập san Triết xuất bản ở Hoa Kỳ vào thập niên 1990-2000, là tác giả của Dân chủ Pháp trị (1991), Tự do và Đạo lý (1994), Sử tính và Ý thức (2018), Thời tính, Hữu thể và Ý chí – một luận đề siêu hình học (Nxb. Đà Nẵng – Domino Books 2018



















Thư ngỏ gởi Nguyễn Hữu Liêm
Tiêu Dao Bảo Cự


Anh Liêm thân mến,

Tôi vừa nhận được email của anh gởi cho tôi bài viết mới của anh “Nơi giữa Đại hội Việt kiều: Một nỗi bình an” và ngay sau đó thấy bài này được đăng trên talawas và Đàn Chim Việt với khá nhiều ý kiến phê bình. Rõ ràng đây là một bài viết gây “sốc” như nhiều bài viết khác của anh, vừa do quan điểm, vừa do cách trình bày của tác giả, lại liên quan đến một vấn đề thời sự nóng hổi mà nhiều người đang theo dõi. Do đó, thay vì viết thư riêng cho anh, tôi xin viết thư ngỏ này để cùng anh và mọi người quan tâm trao đổi.

Gần đây, tôi đối với anh có mối quen biết. Đầu năm nay, một vài người bạn muốn mời tôi sang Mỹ chơi một chuyến. Để có lý do cho tôi xin visa nhập cảnh Mỹ, các bạn đó (cũng là bạn và người quen biết anh) đã nhờ anh lấy danh nghĩa giáo sư của San Jose City College, nơi anh đang giảng dạy, mời tôi với tư cách là một nhà văn bất đồng chính kiến, sang nói chuyện với sinh viên lớp triết của anh về một đề tài liên quan đến chủ nghĩa hiện sinh. Do đó, cùng với một số lý do khác liên quan đến quá trình đấu tranh cho dân chủ của tôi, tôi đã có visa vào Mỹ khá dễ dàng và sau đó nhờ nhiều bạn bè khác ưu ái giúp đỡ, tôi đã ở lại và đi nhiều nơi trong sáu tháng để tìm hiểu về nước Mỹ và người Việt trên đất Mỹ.

Trước đó, tôi chưa quen biết anh và đọc về anh rất ít. Sau khi có giấy mời của anh, tôi bắt đầu tìm đọc các bài viết của anh trên mạng và hỏi thăm một vài bạn bên Mỹ về anh. Một số người nói anh là nhân vật có nhiều “tiếng tăm và tai tiếng”, có xu hướng thân cộng và có một số bất đồng, xung đột về quan điểm với cộng đồng. Mới đầu tôi cũng hơi ngại khi biết về anh như thế nhưng rồi tôi tự nhủ, tính chất và nội dung của giấy mời rất rõ ràng và chính đáng, hơn nữa anh là anh và tôi là tôi. Từ bao nhiêu năm qua, tôi vẫn là tôi trong mọi hoàn cảnh.

Thực hiện yêu cầu trong lời mời của anh, tôi đã đến nói chuyện với sinh viên lớp của anh về đề tài: “Ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh, từ siêu thực đến hiện thực: Chọn lựa dấn thân của một trí thức ở một đất nước trong và sau chiến tranh”. Ý của anh là muốn cho sinh viên Mỹ có cơ hội hiểu thêm về lựa chọn của những trí thức sống trong môi trường chính trị hoàn toàn khác biệt với đất nước Mỹ. Tôi đã nói với sinh viên về lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm, lựa chọn dấn thân và hành động phản kháng từ thời trẻ cho đến bây giờ qua câu chuyện cá nhân của một thời “chống Mỹ ngày xưa và chống cộng ngày nay”. Anh đã phiên dịch cho tôi trong buổi nói chuyện này và tôi đã có một buổi trao đổi thật thú vị khi trả lời những câu hỏi hóc búa của sinh viên Mỹ. Như thế về mặt chính thức, coi như tôi đã làm xong trách nhiệm đối với lời mời của anh. Tuy nhiên trong thời gian ở Mỹ, tôi đã có nhiều dịp khác tiếp xúc với anh và chúng ta đã trao đổi khá nhiều về những vấn đề chính trị phức tạp liên quan đến tình hình Việt Nam. Tôi và vợ tôi đã ở lại nhà anh hôm đầu tiên đến Mỹ và sau đó vài lần nữa khi anh mời chúng tôi đến ăn tối uống rượu cùng với một số bạn khác. Anh đã luôn dành cho chúng tôi căn phòng đẹp nhất trong nhà mà anh gọi là honeymoon suite. Vợ anh, một phụ nữ đảm đang và dễ thương, hiếu khách cũng đã dành cho chúng tôi sự đón tiếp chân tình. Coi như chúng ta đã trở thành bạn, tôi xem đó là “chút nợ ân tình” và vì thế hôm nay tôi mới có lá thư ngỏ này.

Tôi đã có đôi chút hiểu biết về cuộc đời và tư tưởng của anh. Ngày 30.4.1975, mới 20 tuổi, lúc đang là một người lính không quân, anh đeo càng trực thăng thoát ra khỏi Việt Nam và sau đó di tản sang Mỹ. Trên đất nước mới này anh đã có những nỗ lực phi thường để thực hiện giấc mơ của mình. Ba năm sau, anh tốt nghiệp đại học. Ba năm nữa anh lấy bằng cao học (về kinh tế?). Sau đó là tiến sĩ luật và cao học triết, mở văn phòng luật sư và dạy triết ở đại học. Song song với việc học, anh vừa làm việc kiếm sống, lập gia đình, vừa hoạt động xã hội và viết sách, báo. Anh đã từng làm việc trong các cơ quan tư pháp của tiểu bang và liên bang Mỹ cũng như tham gia nhiều hội đoàn của người Việt. Anh có một căn nhà to đẹp, yên tĩnh, hướng ra phía núi, vườn rộng trồng đầy hoa và dành cả một khoảng đất lớn để nuôi một đàn gà theo kiểu thả vườn, một điều hiếm thấy ở vùng Evergreen trong thung lũng Silicon, bang California. Tôi nghĩ anh là một mẫu người Việt có ý chí vươn lên, có khả năng trí tuệ và thành đạt trên đất Mỹ.

Tôi đã được anh tặng ba cuốn sách dày anh viết về chính trị, tư tưởng và pháp luật, thêm ba số tập san triết học mà anh là người chủ trương thực hiện. Vì không có nhiều thời gian và không tiện mang về, tôi đã chỉ cố gắng đọc cuốn Dân chủ và pháp trị, cuốn sách quan trọng và ưng ý nhất của anh. Qua cuốn sách này cũng như qua những lần trò chuyện, tôi nghĩ tôi hiểu được đôi chút về tư tưởng của anh. Anh là người có nhiều ưu tư về đất nước và muốn cống hiến. Anh muốn đứng trên tầm cao triết học để nhìn nhận vấn đề chính trị hiện tại. Theo anh, dân tộc Việt Nam tuy trải qua nhiều đau khổ nhưng vẫn là một dân tộc còn thiếu niên, chưa trưởng thành (về chính trị và tinh thần so với các nước Âu Mỹ), chế độ cộng sản ở Việt Nam có nhiều sai lầm nhưng chiến thắng của họ là một tất yếu của lịch sử. Anh không giấu diếm sự khâm phục đối với “những người cộng sản chân chính” đã hi sinh cho đất nước nhưng cũng đã không ít lần phê phán những sai lầm, bất cập của chủ nghĩa và chế độ cộng sản. Tuy nhiên vấn đề hiện nay không phải là chống cộng bằng cách chửi rủa mà phải tìm cách tiếp cận, hợp tác với nhà cầm quyền trong nước và cố gắng chuyển hóa họ về hướng dân chủ. Trong những bài viết của anh trên mạng, anh thường có quan điểm ngược với số đông và đã chịu nhiều phê phán nhưng anh không ngại. Anh là một người có bản lĩnh và hơi khác thường. (Xin nhấn mạnh, trên đây là những gì tôi hiểu, tôi nghĩ về anh, thông qua sách báo anh viết và những cuộc trò chuyện, còn có hoàn toàn đúng với anh hay không, tôi không dám chắc.)

Trong bài viết về “Hội nghị Việt kiều” vừa qua, anh đã dành một nửa trình bày quan điểm chính trị về tình hình Việt Nam theo góc độ triết học mà tôi hiểu và trình bày vắn tắt trên đây, có cả phần phê phán chế độ cộng sản một cách kín đáo. Tôi không nghĩ anh “làm dáng triết lý”, trái lại anh còn “lậm triết lý” là khác. Anh đã đọc, viết nhiều sách báo về triết, hằng ngày dạy triết và chắc luôn bị ám ảnh bởi những vấn đề triết học. Tuy nhiên một vấn đề lớn như thế mà anh chỉ trình bày trong vài đoạn ngắn gọn, đôi khi bằng một cách diễn đạt hơi “cao siêu và tối tăm”, có thể nhiều người không hiểu anh nói gì. (Người nào đã đọc cuốn sách dày Dân chủ và pháp trị, có lẽ sẽ hiểu anh hơn.) Tuy nhiên điều gây ấn tượng, làm người đọc quan tâm và bị “sốc” trong bài viết không phải là những lập luận triết lý mà chính là những cảm xúc của anh, thể hiện ngay trong tựa đề “Giữa Đại hội Việt kiều: Một nỗi bình an.”

Một số người, trong đó có tôi, tin rằng đây là những cảm xúc thật và anh đã có sự chân thành và can đảm khi nói ra, bằng những ngôn từ “rộn rã” như tâm trạng: “Một nỗi bình an, vui lên như trẻ thơ, hân hoan, hồn nhiên, hạnh phúc nguyên sơ”. Đã là cảm xúc thì không có lý lẽ và mỗi người có thể khác nhau tuy trong cùng một hoàn cảnh. Như cái ngày 30 tháng Tư ấy, “một triệu người vui và một triệu người buồn”. Bài hát “Nối vòng tay lớn” ấy, khi vang lên trên đài phát thanh Sài Gòn, có người “hồ hởi phấn khởi”, lịm đi vì sung sướng, nhưng cũng có người cho đến nay khi hồi tưởng vẫn còn thấy như búa bổ trên đầu. Bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” ấy, qua “màn diễn” chắc chắn là có ý đồ chứ không tự phát trong hội nghị mà anh mô tả, cảm xúc của người nghe, người đọc lại càng khác nhau. Những cảm xúc có thực ấy, anh có thể diễn đạt khác đi mà vẫn có hiệu ứng như anh muốn có, nhưng anh đã chọn cách nói như đã nói, dù có thể anh biết sẽ nhận lãnh búa rìu của dư luận, có lẽ lần này sẽ kinh khủng hơn mọi lần với những bài viết khác của anh. Có người trong nước (thuộc loại trí thức phản kháng) rất lấy làm ngạc nhiên vì sự vội vàng và bài viết của anh, đặt dấu hỏi đây không phải là một “hồn nhiên ngang tàng” theo phong thái vốn có của anh mà là một cách chứng minh “đại hội thành công tốt đẹp” theo kiểu cộng sản mà anh đã tự nguyện nhận lãnh.

Dĩ nhiên cảm xúc không có lý lẽ nhưng có cội nguồn tâm lý và tinh thần, vì thế nên mọi người mới khác nhau trong cùng hoàn cảnh. Tôi nghe anh đã từng về nước nhiều lần, đã từng gặp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một số quan chức ngành công an và giáo dục ở trung ương và địa phương, một cách chính thức và không chính thức. Anh cũng đã viết về những lần gặp gỡ đó. Nhưng qua bài viết này anh thú nhận những lần đó bao giờ anh cũng lo sợ một cách thầm kín, chưa biết thực sự người ta nghĩ gì và sẽ đối xử với anh như thế nào khi anh đã quá hiểu chuyện “sáng nắng chiều mưa” liên quan đến chính sách và thái độ của những quan chức trong bộ máy độc tài toàn trị. Và với những biểu hiện “tình cảm và trọng thị” ở lần tiếp đón này, anh như “cởi được tấm lòng” nên cảm xúc vui vẻ dâng trào. Tuy nhiên, cũng như một số người khác, tôi nghĩ nếu anh có những phát biểu thẳng thắn, liệu tình cảm và sự đón tiếp đó có còn được duy trì? Và người ta cũng muốn biết anh đã có phát biểu gì có giá trị trong hội nghị này cũng như chờ đợi những việc làm hữu hiệu của anh sắp tới nếu quả thực anh có chủ trương “tiếp cận, hợp tác và chuyển hóa”.

Tình cảm và sự quý trọng của những người đón tiếp anh lần này có thể là chân tình, có thực hay được chỉ đạo. Nhưng đây chỉ là một “hiện thực nhỏ” trong “hiện thực lớn” của đất nước. Cũng như chúng ta đã có lần trao đổi về “cái làng của anh” vô cùng tốt đẹp và “cái xóm của tôi” lắm chuyện đáng buồn khi nhận định về tình hình Việt Nam. Hiện thực về thái độ của nhà cầm quyền đối với trí thức Việt kiều trong hội nghị và với trí thức phản kháng trong nước có độ chênh như thế nào, cũng như nhiều vấn đề nóng về chuyện Trung Quốc xâm lược, biên giới, biển đảo, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo… không thể không được xem xét một cách toàn diện trong suy tư của người trí thức.

Có lẽ do xúc cảm và vội vàng (anh viết xong chỉ mấy ngày sau khi từ Việt Nam “về lại” hay “đi Mỹ”), ngôn từ anh sử dụng ngoài những chỗ khó hiểu “quen thuộc”, anh còn không chú ý phân biệt cho thật chính xác những khái niệm “tổ quốc, quê hương, đất nước, chế độ” dù anh thừa sức làm điều này. Tôi cũng hiểu trong một hoàn cảnh và tâm trạng nào đó, người ta có thể đồng hóa những từ, những khái niệm đó. Ngay chúng tôi ở trong nước, cũng có người tự thấy mình là kẻ “lưu vong”, “mất nước” trên chính quê hương đất nước mình vì thấy mình bị tước đoạt mọi thứ với tư cách một người công dân, kể cả lòng yêu nước.

Tâm trạng và lựa chọn của anh có thể cũng là của một số người Việt ở nước ngoài. Họ muốn trở về quê hương, muốn đóng góp cho đất nước. Họ đều thấy chế độ trong nước là độc tài và nhiều sai lầm nhưng khi không thể lật đổ nó thì tốt hơn vẫn có thể hợp tác và tìm cách chuyển hóa nó, hoặc ít ra cứ làm bất cứ việc gì có ích cho quê hương, dân tộc và cả bản thân, gia đình mà không góp phần củng cố chế độ độc tài. Đó là những người đã về nước đầu tư về kinh tế, hoạt động trên các lãnh vực văn hóa giáo dục hay từ thiện. Họ chấp nhận một số khó khăn hay ràng buộc do nhà nước gây ra, kể cả những điều tiếng thị phi từ đồng bào mình ở hải ngoại, để thực hiện được mục đích mà họ cho là chính đáng. (Thí dụ ngay như việc về nước làm từ thiện cũng có người phê phán, cho rằng đó là trách nhiệm của nhà nước phải lo cho dân, việc gì phải lo thay cho nhà nước trong khi các quan chức đang ra sức vơ vét, tham nhũng.) Ở đây tôi không nói đến những người hoàn toàn có động cơ cá nhân vị kỷ. Quả thật tâm trạng và ước vọng đó hoàn toàn chính đáng. Nhưng vấn đề và cũng chính là nan đề, là giải pháp nào để cho việc làm không có tác dụng ngược khi quyền lực hoàn toàn nằm trong tay nhà nước. Không lẽ không làm gì nhưng làm thì làm thế nào cho có hiệu quả? Câu hỏi đó đã làm rối lòng không ít người và trong đó tôi nghĩ có anh.

Sức mạnh của chế độ độc tài toàn trị nằm trong khả năng tuyên truyền nhồi sọ và nỗi sợ hãi của dân chúng. Điều này đã được chứng tỏ qua thời chiến cũng như thời bình trong quá khứ. Tuy nhiên thời đại ngày nay đã làm điều đó thay đổi. Thế giới phẳng, Internet, các phương tiện truyền thông nhanh chóng và ý thức về tự do dân chủ ngày càng tăng lên. Điều này buộc nhà nước phải điều chỉnh chính sách và từng bước thuận theo lòng dân, dù có muốn cưỡng lại cũng rất khó khăn, chỉ có thể “câu giờ”, làm chậm thêm thời gian chứ không thể đi ngược lại xu hướng thời đại. Vậy thì sức mạnh của trí thức nói riêng và nhân dân nói chung là nói thẳng, nói thật, có tinh thần, thái độ và hành động phản kháng chính trực, ủng hộ những gì đúng đắn nhưng phê phán mạnh mẽ những sai lầm, đi ngược lại quyền lợi chung của dân tộc. Tôi không biết trong các “hội nghị Việt kiều” như hội nghị vừa qua, các đại biểu đã nói gì vì rất ít thông tin nhưng nếu họ đủ dũng lược để nói thẳng thì nhà nước cũng không thể đàn áp và có thể làm cho nhà cầm quyền, sớm hay muộn, phải điều chỉnh chính sách của mình. Việc “ăn theo, nói hùa” rõ ràng không có lợi ích gì chính đáng cho cả đại biểu lẫn nhà nước nếu không là những lợi ích cá nhân, cục bộ hoàn toàn không chính đáng.

Thời gian ở Mỹ, tôi đã nghe nhiều người nói chuyện chính trị, băn khoăn dằn vặt, thậm chí “quên ăn mất ngủ” vì chuyện chính trị Việt Nam. Đó là những người có lòng với đất nước. Có một nhận định khá chung nhất (đối với một số người tôi đã được nghe) và được một người diễn đạt bằng một cách hình tượng, cường điệu nhất: “Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng hay Chủ tịch Nguyễn Minh Triết khi qua Mỹ, đi ngang qua đám người biểu tình chống đối, nếu có can đảm bước xuống xe, bắt tay người biểu tình, nói một lời xin lỗi thì ông ta có thể lấy được phố Bolsa, thủ đô của người Việt chống cộng.” Dĩ nhiên là các ông không đủ dũng lược và bản lĩnh để làm điều này. Tuy nhiên cách diễn đạt đó muốn nói, những người Việt tỵ nạn cộng sản ở nước ngoài sẵn sàng xóa bỏ hận thù, chấp nhận những người cộng sản nếu người cộng sản thực tâm thấy sai lầm và sửa chữa (không phải chỉ là những lời nói và việc làm có tính cách mị dân hay lừa bịp), từ đó cùng nhau xây dựng tương lai. Tôi không rõ quan điểm này có ở bao nhiêu phần trăm trong số những người Việt ở hải ngoại và tôi cũng đã từng nghe có những người thề không đội trời chung với cộng sản trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tôi cũng nghe có người tâm sự vẫn đi tham dự các cuộc biểu tình chống cộng nhưng không vui vẻ gì khi thấy người Việt ở nước ngoài phải luôn chống nhà cầm quyền Việt Nam trong nước. Với nhiều quốc gia, nguyên thủ khi đi ra nước ngoài là niềm hãnh diện của người dân kiều bào sống trên đất nước đó, ngược lại đối với phần lớn người Việt ở hải ngoại, đó là dịp gợi lên sự xấu hổ và lòng hận thù, có hành động chống đối, gây khó khăn cho nhà nước. Thế thì đất nước làm sao ngẩng mặt với thế giới và làm sao có thể xây dựng tương lai. Phải chăng đây là định mệnh đáng buồn của một dân tộc đã kinh qua nhiều khổ nạn và cho đến bây giờ chưa có cách gì “giải nghiệp”.

Những điều trên rất đáng cho những người cầm quyền Việt Nam hiện nay suy nghĩ. Muốn đoàn kết dân tộc, sự thực tâm vì đất nước sẽ có giá trị gấp vạn lần những chính sách tạm bợ, đối phó, những “hội nghị Việt kiều” và mọi loại thủ đoạn mua chuộc, trù dập. Có người nhận định trong tình hình hiện nay, “trái bóng đang ở phía những người cầm quyền”, nếu họ thực tâm, dân tộc sẽ đoàn kết, đất nước sẽ cất cánh, nếu ngược lại, dân tộc sẽ còn đau khổ, đất nước vẫn “tụt hậu” và một sự đổ vỡ bi thảm không tránh khỏi sẽ xảy ra cho đảng cộng sản cầm quyền và cho cả đất nước đã có quá nhiều bi kịch. Và như thế, phải chăng nhận định của Nguyễn Hữu Liêm cho rằng dân tộc Việt Nam “vẫn chưa trưởng thành” không phải là điều hoàn toàn vô lý?

Anh Liêm thân mến,

Tôi đã theo dõi bài viết và tâm trạng của anh từ triết lý đến cảm xúc trong một cuộc “lội ngược dòng” và suy nghĩ về những lựa chọn cá nhân trên con đường đi lên của dân tộc. Những băn khoăn này không của riêng ai. Ai sẽ chỉ ra được con đường tốt nhất chứ không phải chỉ là những lời nguyền rủa hay những ước mơ không thành hiện thực? Xu thế tiếp cận, hợp tác với nhà cầm quyền trong nước, một xu thế có thực đối với một bộ phận người Việt ở nước ngoài hiện nay, mà anh có thể là một trường hợp tiêu biểu, là sự “lội ngược dòng” đối với xu thế chống cộng chung ở hải ngoại sẽ có kết quả gì không? Điều đó tùy thuộc rất nhiều vào bản lĩnh, cái tâm trong sáng của người trong cuộc. Hợp tác phải có chủ đích rõ rệt, có đấu tranh, có điều kiện, trong một cuộc giằng co chắc chắn gay go với nhà nước toàn trị. Nếu bị mua chuộc hay vị kỷ, hèn nhát, e rằng đó sẽ chỉ là một thí nghiệm với kết cục bi thảm được thấy trước.

Đà Lạt 30.11.2009













































Phan Nguyen, Nguyen Huu Liem, Pham Viet Cuong, Le An The







Phan Nguyen, Nguyen Huu Liem, Le Thi Tham Van










Trở về












MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.