Thứ Hai, 11 tháng 5, 2020

Khuất Đẩu















Khuất Đẩu

Tên thật: Trương Đẩu
(1940  Bình Định - ..... )
Nhà văn









Khuất Đẩu. Đó là một cái tên rất mới trong làng văn chương cả hải ngọai lẫn trong nước. “Mới” không theo cái nghĩa ngày xưa nhà văn Mai Thảo dùng để chỉ “những người viết mới”, tức những cây viết mới nổi nhờ vào vài bài thơ, vài truyện ngắn được đăng trên các báo văn học. Đúng hơn, “người viết mới Khuất Đẩu” chỉ mang một phần trong cái ý nghĩa “mới” mà Mai Thảo đã từng ám chỉ.

Khuất Đẩu không còn trẻ. Ông sinh năm 1940 tại Bình Định. Tên thật là Trương Đẩu. Nhưng lại có cái tên mọi người thường gọi là Trương Thanh Sơn. Khi tác phẩm “Những tháng năm cuồng nộ” của ông xuất hiện trên trang mạng Talawas tháng 3 năm 2010 dưới bút hiệu viết tắt K.Đ, người đọc đã bị “bất ngờ”, cái bất ngờ gây cảm giác “thú vị” cho cả người đọc lẫn người viết. Bất ngờ là vì cái giọng văn già dặn, từng trải, chắc nịch, gọn và khô ấy đã thể hiện thật xuất sắc nội dung những điều ông muốn gởi đến người đọc. Tác phẩm chinh phục người đọc, nhưng không ai biết tác gỉa là ai, như nhà văn Nguyễn Lệ Uyên đã viết “K.Đ, cái bút danh mới toanh và lạ hoắc”. Theo ghi chú về tác phẩm trên Talawas, thì “Những tháng năm cuồng nộ” được sưu tầm bởi Thư Quán Bản Thảo của nhà văn Trần Hòai Thư, không thấy nói gì thêm về tác giả. Sau đó, một số truyện ngắn ký tên Khuất Đẩu được Talawas giới thiệu, một cách gián tiếp cho biết K.Đ là hai chữ viết tắt của Khuất Đẩu. Gần đây, khi trang T.Vấn & Bạn Hữu đặc biệt giới thiệu nhà văn Khuất Đẩu và tác phẩm qua bài viết của anh Đỗ Xuân Tê và sự góp nhặt của anh Ngộ Không với chuyên mục Tác Giả Tác Phẩm, chúng tôi nhận được sự liên lạc từ chính nhà văn Khuất Đẩu hiện sinh sống trong nước. Qua bản thảo mới nhất vừa được hiệu đính lại “Những tháng năm cuồng nộ”, chúng tôi ghi nhận tác phẩm này do Khuất Đẩu viết xong năm 2004, hiệu đính lần thứ hai năm 2009 (tức bản do Thư Quán Bản thảo sưu tầm và gởi đến Talawas), và hiệu đính lần cuối năm 2011 (bản này do nhà văn Khuất Đẩu gởi đến T.Vấn & Bạn Hữu, đã được dùng để thay thế bản năm 2009 trong chuyên mục Tác Giả Tác Phẩm – Khuất Đẩu).

Vừa xuất hiện, cái tên Khuất Đẩu đã tạo được cho mình một vùng ánh sáng khiến nhiều con mắt để ý tới.

Trước hết, là ở đề tài ông lựa chọn. Đó là số phận của người dân quê ở liên khu V, Nam, Ngãi, Bình, Phú qua 9 năm kháng chiến rồi qua thời “hai mươi năm nội chiến” và sau 75. Những gì xẩy ra chung quanh ông trong suốt 70 năm làm người, đã trở thành những mối ám ảnh khôn nguôi. Những mối ám ảnh ấy không phải là chỉ có ông mới phải chịu đựng. Rất nhiều người khác, sống ở trong nước hay nơi xứ người, cũng có cùng những mối ám ảnh mà ngay cả cái chết cũng không giải tỏa được. Sự khác biệt chỉ là ở chỗ, ông đã nói được thay họ một vài trong những điều họ muốn nói. Với khả năng sử dụng chữ nghĩa văn chương tích lũy hơn 60 năm, khi nói ra, chữ nghĩa của ông đã mang đủ sự trưởng thành già dặn cần thiết để chuyên chở tâm tư của ít nhất hai thế hệ người Việt, ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương.

Kế đến là tính cách kẻ sĩ nơi Khuất Đẩu, thể hiện ở chi tiết ông hiện còn sinh sống ở Việt Nam. Cái đảm lược tóat lên từ những trang sách viết dưới giá treo cổ mà ông cay đắng gọi là “sự liều mạng” ấy quả thật đáng được ngưỡng mộ. Vì thế, mỗi trang viết của Khuất Đẩu, đều biểu trưng cho một sự chấp nhận, nếu không muốn nói là dũng cảm. Có lẽ, thái độ ấy có sự nâng đỡ từ những nỗi thống khổ cao nhất mà những nhân vật của ông đã can đảm chịu đựng.

Truyện vừa “Lão Tiền Bối”, tác phẩm viết xong năm 2006 và được hiệu đính lần cuối năm 2011 trước khi gởi đến T.Vấn & Bạn Hữu (chúng tôi đã giới thiệu tác phẩm này trong mục Góc Văn) của Khuất Đẩu là một bằng cớ khác của “sự liều mạng”. Đọc truyện này, người ta liên tưởng ngay đến một nhân vật khác có thật ở ngòai đời và những màn kịch vừa xẩy ra khiến tác phẩm “Lão Tiền Bối” viết từ năm 2006 có vóc dáng một “kịch bản nay mới được dàn dựng”. Tôi nhớ có một nhà văn nào đó ở trong nước đã cho rằng nhà văn là “con chim báo bão“. Cũng chẳng sai bao nhiêu so với “kịch bản Lão Tiền Bối” nói đến ở đây.

Theo lời nhà văn Khuất Đẩu, với truyện vừa Lão Tiền Bối , hợp cùng truyện dài Những Tháng năm cuồng nộ và truyện vừa Người giữ nhà thờ họ, ông đã hòan thành xong bộ Trio về cùng một chủ đề . Qua 3 tác phẩm này (hiện được lưu trữ trên T.Vấn & Bạn Hữu), người cùng thời và các thế hệ mai sau sẽ có cơ hội hiểu và biết thêm nhiều điều về những tháng năm cuồng nộ của một giai đọan lịch sử não lòng.

Ngoài bộ ba truyện dài và truyện vừa nêu trên, còn có Người Tử Tù viết năm 1970, các truyện ngắn và một số thơ không vần, đã được đăng tải trên Thư Quán Bản Thảo, Talawas, Tiền Vệ, Thông Luận và Văn Chương Việt.

Thay mặt người đọc, thay mặt những người đã từng chịu thống khổ trong giai đọan lịch sử ấy, chúng tôi xin cám ơn nhà văn Khuất Đẩu.


T.Vấn
Ngày 7 tháng 9 năm 2011


©T.Vấn 2011












Tác phẩm tiêu biểu





1





2





3







4
Nghĩ Vẩn Vơ Cuối Đời












Các bài khác của Khuất Đẩu:



1
04 Jan 2020 in Góc Văn


2

Khuất Đẩu: NGHĨ VẨN VƠ, CUỐI ĐỜI (bài 6) – Nói láo, nghe láo
21 Sep 2019 in khuất đẩu: những trang viết ngắn
30 May 2019 in Góc Văn
28 May 2019 in Góc Văn
18 May 2019 in Góc Văn
17 May 2019 in Góc Văn
15 May 2019 in Ghi Chép
15 Jan 2019 in Góc Văn
02 Jan 2019 in Góc Văn
24 Dec 2018 in Góc Văn
17 Dec 2018 in Góc Văn
26 Oct 2018 in Góc Văn
18 Jun 2018 in Góc Văn
28 Mar 2018 in Góc Văn
21 Aug 2011 in Góc Văn

















ĐÃ ĐẾN LÚC, DÙ KHÔNG ĐÚNG LÚC, 
ÔNG TÔI CHẾT!


Truyện Khuất Đẩu

Ông tôi đã chết!


Chết ở tuổi 99 nên sự tiếc thương được mọi người dành cho ông chỉ là: Uổng quá há, còn năm nữa thôi, sao không ráng sống cho đủ trăm? Làm như thể “đủ trăm” thì ông mọc được cánh mà bay lên trời! Dĩ nhiên, vì chưa đủ trăm nên đến tận cuối đời, ông vẫn cứ phải nằm trên chiếc giường mà dù có thay chăn chiếu từng ngày, thì cái mùi của người già, một cái mùi ngai ngái, khăm khẳm vẫn khiến cho những cái mũi trẻ trung của khách đến thăm phải khó chịu. Họ kính cẩn (hay giả vờ kính cẩn) đặt quà lên bàn, run rẩy đưa cả hai bàn tay úm lấy tay ông. Bàn tay ông thì xương xẩu lạnh lẽo. Bàn tay họ thì mum múp ấm áp. Chưa khi nào mà sự tương phản của tuổi trẻ và tuổi già lại rõ rệt đến thế.

Ông chết ngày 15 tháng 8. Lại tiếc! Phải chi ráng thêm bốn ngày nữa thì trọn vẹn làm sao, vì đó là ngày cách mạng thành công! Một ngày mà ông sung sướng, hãnh diện, luôn nhắc tới, luôn nhớ tới. Ông thường nói, mẹ cha chỉ sinh ra mỗi cái xác, chính cách mạng mới sinh ra ông cái phần hồn. Không có cái ngày ấy thì ông cũng u mê tăm tối như bao thế hệ trước mà thôi. Ngày ấy ông hăm sáu tuổi. Từ một anh chân quê, quanh năm bận bịu với cái cày cây cuốc, ông bỗng dưng được mặc đồ đại cán, đi dép cho dù là dép râu, đội mũ nan bọc vải, mang xắc-cốt bằng da bò và cứ thế đi xuống xã chạy lên huyện vun vút như con thoi. Có trời mới biết được ông làm đến chức gì. Ngay như bà tôi, là người có một thời tâm phúc ruột rà với ông, mà cũng chỉ biết ông có mỗi một việc là hết đi lại về. Chuyện nhà cửa ruộng vườn, chuyện con cái ốm đau, chuyện tết nhứt giỗ chạp… ông mặc nhiên trút cái gánh hết sức nặng nề đó lên đôi vai mỏng mảnh của bà.

Công tác, lúc nào cũng công tác, bà nói. Mà có đưa về được đồng xu cắc bạc nào đâu. Toàn là lấy của nhà. Nhưng nhà đâu có của nả gì. Cũng chỉ toàn là mồ hôi, nước mắt của vợ con thôi. Hỏi thì bảo cấm hỏi, làm cách mạng là phải hy sinh. Đến xương máu còn chưa tiếc, huống hồ là bạc tiền.

Vậy đó, bà nói, ông mày làm cách mạng như thể được mời đi ăn giỗ. Chỉ có mỗi một việc là bỏ dép, phủi chân cho sạch bụi lên ngồi xếp bằng trên phản. Trước mặt là cỗ bàn ê hề. Hết chả lụa đến chả giò. Hết tim cật xào lăn đến canh cá ám. Hết bún Song Thần đến bún Bồng Sơn. Mời mọc nhau, mà thực ra là rình rập nhau, lựa riêng miếng nạc cho mình mà đẩy miếng xương cho kẻ khác. Thi nhau nói, thi nhau cười, vẫn không quên thi nhau gắp, thi nhau múc, thi nhau chan, thi nhau húp, thi nhau lua…, xì xoạp đến hả hê. No nê xong lại bày ra bài bạc, đàn hát. Trong khi đám đàn bà con gái dưới bếp thức dậy từ khuya, hết mổ gà lại cắt tiết vịt, hết chiên lại xào, hết đưa những cái tô đầy ụ lên lại đem những cái dĩa nhẵn bóng xuống, hết rượu đến trà, để rồi khi cỗ tàn thì chỉ còn lại trong nồi chút nước có váng mỡ, chan húp đại một chén cơm hay dĩa khoai rồi lại phải mướt mồ hôi mà dọn rửa chén bát, kỳ cọ chảo nồi cho đến tận nửa đêm… Ai là dân, ai là quan? Ai sướng, ai khổ? Cháu biết rồi đó, không cần phải nói!

Thưa rằng, sở dĩ bà có giọng cay đắng phản cách mạng như thế là vì sau chín năm, tức hơn ba ngàn ngày đi đi về về không một chút nào ngơi, ông tôi bỏ bà ở lại trong tay giặc để đi tập kết! Đi một mình thì nói làm chi, đàng này lại được đảng ưu ái cho đem hai bác tôi theo, một người lúc đó lên mười, một người lên tám. Còn ông thì cũng không quên ưu ái tặng thêm cho vợ một cái bụng bầu, để rồi sau đó phải gạt nước mắt mà sinh con trong tù.

Cứ tưởng ông và các con đi mười bốn tháng lại về, không ngờ đến những hơn hai mươi năm. Đó là quãng đời dài cơ cực nhất của bà. Vì là vợ của cán bộ tập kết nên bà bị chính quyền mới hành tới hành lui, kêu lên kêu xuống hạch hỏi đủ điều. Cái ô nhục của một người đàn bà có chồng cán bộ không kể sao cho xiết. Bọn nghĩa quân, bọn dân vệ đứa nào cũng tự cho mình có cái quyền được chọc ghẹo, gạ gẫm, sờ mó, tán tỉnh bất kể là ngày hay đêm. Có đứa đáng tuổi em út cũng lên giọng cớt nhả: Bỏ quách thằng cán bộ già đó đi, về với anh, em Hai ơi!

Ruộng đồng bị bom đạn hai bên thi nhau cày xới, bà phải bồng con lên chui rúc ở chợ súc vật Bình Định. Mùi phân heo gà, mùi nước đái trâu bò nồng nặc trong suốt hai chục năm, khiến cho cái đầu của cha mày trở nên khai ngấy, tối đen, học mãi cũng không đậu nổi cái tú tài, đành phải đi trung sĩ, bà nói một cách chán nản. Đến tuổi lính thì phải đi thôi, không đi mà yên thân với nó à? Nhưng ông mày lại nổi xung lên, cho đó là nỗi nhục! Ở Bắc về, cha tôi kể thêm, câu đầu tiên ông mày hỏi bà là, sao không đưa nó lên núi theo cách mạng?

Nghe hỏi thế, bà hứ một cái cốc, theo làm gì, theo chi ba cái thứ mà ai cũng ghét!

Ông gầm lên, bà dám ăn dám nói như vậy hả? Nó theo ai, bà để nó theo giặc à?

Ừ, bà ngẩng đầu lên, cái đầu giờ đã lốm đốm bạc, thách thức, thì theo giặc đó, sao ha? Còn thằng Hùng và thằng Cường theo ông thì giờ ở đâu, sao không thấy về?

Ông nói lấp mấp, tụi nó đang công tác. Công tác gì, bà hỏi dồn, hòa bình thống nhất rồi thì cũng phải về thăm mẹ chứ.

Rồi như linh cảm bởi cái sợi dây thiêng liêng giữa mẹ và con, bà gào lên, con tôi đâu, con tôi đâu? Trả lại con cho tôi!

Đến lúc này, ông mới rón rén bước lại bên bà, nói nhỏ đủ để bà nghe, hai đứa hy sinh hết rồi!

Hy sinh là sao? Bà khóc nức nở. Ai bắt chúng nó hy sinh? Ông hả? Hay là cái đảng chết tiệt của ông?

Tôi cấm bà nói thế, ông lại gầm lên.

Cấm mà được à, mất con mà không cho tôi nói sao? Tôi sẽ đi ăn xin, sẽ gối đất nằm sương ra tận cái trung ương đảng của ông để đòi lại con.

Để tôi nói cho bà nghe, ông trở nên nhũn nhặn, tụi nó lần lượt hy sinh là hết sức vẻ vang cho gia đình mình đó. Một đứa trên đường Chín Nam Lào, một đứa tại Quy Nhơn trong Tết Mậu Thân, nghe đâu tại kho xăng ông Tề.

Vậy là các con tôi chết cả rồi, bà khóc quều quào, con ơi là con ơi! Con chết bờ chết bụi, chết tức chết tối, chết đói chết khát mà người ta nói là vẻ vang, vẻ vang cái nỗi gì hả trời! Đi, ngay bây giờ đây tôi đi ra Bắc đòi con, ông có dám đi với tôi không?

Ai cho phép bà làm cái việc phản động đó, ông hốt hoảng, tụi CIA xúi giục à, hay là cái thằng con theo giặc trời đánh của bà? Phải chi không có nó thì bà đã được phong tặng bà mẹ anh hùng rồi.

Ối trời ơi, anh hùng cái nỗi gì! Bà lại gào lên, con chết mà mẹ lại anh hùng! Có người mẹ nào lại khốn nạn như vậy?

Cái buổi chiều đoàn viên không có tiếng cười ấy, tưởng chừng sẽ chia cắt hai người mãi mãi, nhưng không hiểu sao họ vẫn cứ sống chung một nhà. Có lẽ ngoài những điều khác biệt như tối và sáng, ông tôi và bà tôi may ra hãy còn có một điểm chung. Đó là, trong suốt hai mươi năm ở miền Bắc, ông không dối đảng để lấy vợ khác, còn bà, tuy chẳng tin gì ở ông nhưng cũng không chịu lấy ai.

Sống chung dưới một mái nhà, nhưng bao nhiêu uất hận đã được tuôn ra như một cái đập vỡ, nên bà chẳng hề mở miệng với ông một lần nào nữa. Ngay lúc lâm chung, ông ú ớ muốn trăng trối điều gì, bà cũng lặng câm như chưa từng biết nói. Bà đi chùa gần như mọi ngày. Ở đó bà lầm rầm cầu xin đức Phật giải oan cho các con. Bà cũng khóc mà xin các con tha tội cho mẹ, vì đã sinh ra các con nhưng lại thua một con gà mái, không dám xù lông ra trước con diều để bảo vệ chúng.

Ông thì ngược lại, ngày nào cũng đến câu lạc bộ hưu trí, đọc báo Nhân dân, đánh cờ và chê bai lớp cán bộ trẻ, nhất là những kẻ a dua, đầu đội nón cối nhưng bụng thì đầy bơ sữa của Mỹ Ngụy. Cha tôi, dù cố tránh mặt ông, nhưng vẫn bị ông càm ràm bực bội. Ông bảo, trong nhà có cái mùi của thằng ngụy nên ăn không thấy ngon, ngủ không yên giấc.

Ngày 19 tháng Tám, ngày 30 tháng Tư, ngày 19 tháng Năm, ngày 2 tháng Chín và bao nhiêu ngày lễ khác nữa, ông sung sướng tự hào được khoác áo đại cán, có dịp đeo huân chương đầy ngực, hãnh diện được ngồi ở hàng ghế của cán bộ lão thành. Huân chương của ông nhiều đến nỗi, nếu đeo hết phải tràn ra cả sau lưng và chen nhau xuống tận rốn, lúc nào cũng được ông chăm chút lau chùi trịnh trọng.

Ông có thể ngồi kể suốt ngày cho con cháu nghe (mà có đứa nào chịu nghe đâu) lịch sử từng cái một, chiến công gì, thành tích ra sao, được trao ngày tháng nào, và ai trao, có bao nhiêu cái được chính tay Bác ký, bao nhiêu lần được gặp Bác, ôi thôi, cả một trời những chuyện có thật và những chuyện tưởng như có thật.

Đã có lần ông muốn viết hồi ký bằng cách kể lại cho tôi ghi. Ông cũng tập tễnh làm thơ ca ngợi đảng và Bác. Thơ ông được in trên nội san của tỉnh ủy và đã có lần được ngâm đọc trên đài phát thanh. Như mọi người cộng sản chân chính, ông không hề biết khiêm nhường là gì, cứ đem cái vinh quang trong thời bình ấy ra kể mãi. Ông cũng không hề xót xa mà ngược lại cảm thấy sung sướng khi ruộng đồng được san lấp để từ đó chạy dài những con đường thẳng tắp, mọc lên những ngân hàng nhà nước, cục thuế, đồn công an to đùng. Ông bảo, như thế mà không tiến bộ à, đúng như Bác nói, giờ to đẹp gấp mười lần xưa.

Vì là người cộng sản, nên ông cũng là một trong những người lạc quan nhất nước. Sợ gì Pôn Pốt, Đặng Tiểu Bình! Ông nói, mặc kệ cái lý thuyết mèo trắng mèo đen ngu xuẩn và cái giấc mộng bá bành đáng ghét của nó, mọi việc đã có đảng lo. Vậy nên, so với bà lúc nào cũng ưu tư rầu rĩ, ông sống rất hồn nhiên, vô tư. Ông như đứa bé còn nằm trong nôi được đảng đút từng muổng sữa, thay từng chiếc tã. Chỉ có mỗi một việc là nằm mút tay rồi ngủ, chẳng cần biết tới những gì xảy ra ở bên ngoài.

Bà thường chua xót nói, ông mày chỉ biết ghét tao và căm thù thằng cha mày chứ biết yêu ai. Nói vậy là bà có hơi thiếu công bằng với ông. Đâu chỉ có ghét và căm thù không thôi, ông yêu nhiều lắm chớ, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu các nước anh em, nhất là nước Lào anh dũng liền núi liền sông.

Có một phóng sự trên truyền hình khiến ông rất xúc động. Phóng sự kể rằng, có hai đứa bé Lào lạc mất cha mẹ đã được tình nguyện quân Việt Nam đem về nuôi. Đến nay hai đứa bé ấy đã thành người già. May mắn làm sao, cả gia đình nhà họ đã được đoàn tụ. Chính cái lúc bốn mái đầu đã bạc chụm lại nhau trong ánh hoàng hôn trên sông Mê Kông khiến ông xuýt xoa kêu lên: tình đoàn kết Việt-Lào đẹp quá, vĩ đại quá! Và có lẽ vì quá đẹp, quá vĩ đại nên những mạch máu già nua trong não của ông không chịu nỗi, vỡ ra, khiến ông lịm dần rồi nằm im một chỗ.

Đúng như ông nói, mọi việc đã có đảng lo. Từ ngày ông bị đột quỵ đến nay đã mười bốn năm. Mười bốn năm ông được đảng đưa từ viện này đến viện nọ, từ Tây y đến Đông y. Đảng lo cho ông từng viên thuốc, ống kim tiêm (qua bảo hiểm y tế), nhiều lần đút cho ông ăn, lau rửa cho ông khi đái ỉa (qua hộ lý). Giờ ông chết, đảng cũng lo hòm xiểng, tẩn liệm, lo cáo phó trên truyền thanh truyền hình, lo cả điếu văn… Và nhờ vậy con cháu mới biết được ông đã kinh qua rất nhiều chức vụ. Từ quân sự đến chính trị, từ văn hóa đến cả khoa học, nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành, khó khăn nào ông cũng vượt qua.

Nói chung, một người có đến bảy mươi năm tuổi đảng như ông, tức là được đảng dạy dỗ trở thành người yêu nước yêu dân mẫu mực (nhưng không yêu vợ con) thì những chức vụ kia, những huân chương nọ là rất xứng đáng. Chỉ có một điều ai cũng lấy làm ngờ nhưng không dám nói ra, ấy là cái chức Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh X. bỗng dưng như từ trên trời rơi xuống, tỏa ánh hào quang rực rỡ suốt một cõi (gần đủ) trăm năm của ông.

Nếu bảo rằng cái tin ông chết không khiến ai bất ngờ là thiếu kính trọng. Mà bảo rằng ai cũng thấy nhẹ người là thiếu nhân ái mà thừa tàn nhẫn. Còn bảo rằng rất đỗi vui mừng là quá hỗn. Tiếc rằng đó là sự thật.

Còn như khi đọc cái truyện thiếu văn hóa này mà có người mơ mộng: Ước gì cái đảng mà ông tôi và nhiều người đã lỡ tin tưởng ngây ngô, cái đảng đã làm cho triệu người vui nhưng cũng rất, rất nhiều triệu người buồn này, cái đảng đó cũng đã già nua, ngờ nghệch, đã đột quỵ như ông tôi từ bao nhiêu năm nay, thì cũng nên chết quách cho rồi!

Ước như vậy thì cái tựa đề có thể sửa đôi chút mà làm câu kết.

Rằng: Đã đến lúc, dù không đúng lúc, đảng chết.

15/8/2013
Khuất Đẩu








Tổng số tác phẩm: 59

(truyện ngắn)
(thơ)
(phê bình)
(phê bình)
(thơ)
(phê bình)
(phê bình)
(truyện ngắn)
(tạp văn)
(thơ)
(thơ)
(truyện ngắn)
(thơ)
(truyện ngắn)
(tạp văn)
(đối thoại)
(truyện ngắn)
(đối thoại)
(tạp văn)
(thơ)
(đối thoại)
(thơ)
(truyện ngắn)
(truyện ngắn)
(truyện ngắn)
(thơ)
(truyện ngắn)
(thơ)
(phê bình)
(tạp văn)
(ký)
(đối thoại)
(tạp văn)
(thơ)
(tạp văn)
(tạp văn)
(truyện ngắn)
(truyện ngắn)
(ký)
(truyện ngắn)
(tạp văn)
(phê bình)
(tạp văn)
(tạp văn)
(truyện ngắn)
(phê bình)
(phê bình)
(thơ)
(truyện ngắn)
(thơ)
(truyện ngắn)
(thơ)
(truyện ngắn)
(truyện ngắn)
(tạp văn)
(truyện ngắn)
(truyện ngắn)
(phê bình)
(truyện ngắn)



@2004 - 2020 Thực hiện: Nguyễn Hòa vcv

























Khuất Đẩu và phu nhân Huyền Chiêu 











 Huyền Chiêu & Khuất Đẩu









Hoàng Hưng & Khuất Đẩu












Khuất Đẩu, Phạm Văn Hạng, Bửu Ý, Đinh Cường, Huyền Chiêu, 

Ảnh chụp trong một cuộc triển lãm tranh Đinh Cường ở Dalat. 



















Trở về










MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.