Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Lê Minh Hà















Lê Minh Hà
(1962) Hà Nội
Nhà văn











Phố vẫn gió
2014









Tiểu sử



Tên thật, cũng là bút danh: Lê Minh Hà 

Sinh năm1962 tại Hà Nội

tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm 1983

Từng dạy chuyên văn tại trường Hà Nội – Amsterdam từ 1986 -1994. 

Rời Việt Nam từ 1994. Hiện sống tại Berlin (Đức). 







Đã xuất bản:








1
Trăng góa
(truyện ngắn - Thanh Văn - Mỹ, 1998)











2
Gió biếc
(truyện ngắn - Văn Mới - Mỹ , 1999)











3
Thương thế ngày xưa...
(tùy bút - Văn Mới - Mỹ, 2001)












4
Những giọt trầm
(truyện ngắn – NXB Quân Đội Nhân Dân, 2002)











5
Những giọt trầm 
và Thương thế ngày xưa…
 (truyện ngắn và tùy bút - NXB Văn Hóa – Hà Nội, 2005)












6
 Sâm cầm
(truyện ngắn – in cùng Phạm Hải Anh 
– NXB Phụ Nữ - Hà Nội, 2004)











7
Gió từ thời khuất mặt
(tiểu thuyết – NXB Hội Nhà Văn – Hà Nội, 2005)











8
Truyện cổ viết lại
(truyện ngắn – in cùng Lê Đạt – 
NXB Trẻ - thành phố Hồ Chí Minh, 2006)











9
Những gặp gỡ không ngờ
(truyện ngắn - NXB Trẻ, 2012)











10
Phố vẫn gió
(tiểu thuyết – NXB Lao động, 2014)











11
Chơi nhiều hết mệt
(tản văn – NXB Trẻ, 2015)











12
Còn nhớ nhau không
(tản văn – NXB Trẻ, 2015)











13
Này bọn mình rất đẹp
(tản văn – NXB Phụ nữ, 2015)












14
Thương thế, ngày xưa
(tản văn - tái bản có bổ sung – NXB Kim
Đồng, 2015)


















Sẽ in 







Cổ tích cho ngày mới
(truyện ngắn)



Chân dung nghệ sĩ, từ một thế nhìn
(phê bình)














Viết như hình thức tự phản ánh

Tôi thích hình ảnh "bóng chữ" của Lê Đạt. Nó rộng hơn một tập thơ, một đời thơ. "Bóng chữ" từ tác giả tới người đọc là tôi đã được hiểu theo một cách giản đơn và đàn bà hơn, không phù phiếm mà có phần thực dụng.

Nếu văn chương chỉ đơn giản là sư dịch chuyển hình thù nhịp điệu của đời sống đang diễn ra (mà từng người đều có thể nhận cảm bằng các giác quan) vào chữ thì khó mà có lắm người bị chữ nó hành cho đến vậy. Chữ, như thế, không còn là một đuổi bắt, dồn nén, không còn là biểu tượng của chính mình. Phải, biểu tượng của chính mình - người viết, trước khi là của một cái gì xa rộng sâu cao hơn. Như thế, tóm lấy một cái máy ảnh thuận lợi hơn rất nhiều, đuổi bắt các tính năng và giá của máy ảnh tuy có những lúc làm ta tuyệt vọng, thì sự tuyệt vọng đó vẫn còn giới hạn, khác đuổi chữ và bị chữ đuổi. Nhưng, như thế, ta đã tước đoạt quyền trở thành công cụ sáng tạo của máy ảnh để nhiếp ảnh là một nghệ thuật thật sự. Trên cả máy với những tính năng mỗi ngày mỗi mới là cái nhìn của người nghệ sỹ. Thử hình dung, một cái máy ảnh bất kì trong tay một người khiếm thị tài năng, nhưng là tài năng trong nghệ thuật thính giác. Một ngày anh ta muốn thử sức ở một nghệ thuật khác, anh ta xác định một không gian bằng những ngón tay, cầm lấy máy ảnh, rồi mở ống kính, đưa máy lên, bấm. Hoàn toàn có thể tin rằng một triển lãm ảnh của một người như thế sẽ cho ta hiểu rõ như thế nào về thế giới qua sức nặng của bóng tối, và sau khi hiểu, liệu có thể bình tâm không? Hiện thực mù mịt đó là ám ảnh về một hiện thực mà người nghệ sỹ không thể nhìn thấy, và chính nó trở thành một hiện thực mới, độc biệt, làm chúng ta bất ngờ. Không làm cho người thưởng ngoạn bình tâm là mục đích tối thượng của mọi sáng tạo.

Chữ là công cụ của một kiểu sáng tạo, với một số người chữ là mục đích của sáng tạo. Họ xóc lắc xoa đập chữ, rất nhiều khi tạo ra thứ tưởng chừng vô nghĩa. Nhưng trong một sự thẩm định quyền uy nào đó, nó lại hàm nhiều nghĩa, rất có thể là tiên phong. Trở lại với chữ, hiểu như là công cụ sáng tạo rút cục là trở lại với hiện thực trong mắt nhìn của người viết, một thứ hiện thực được phản ánh và cao hơn, một thứ hiện thực tự phản ánh. Như thế, việc viết về cái gì ai cũng sờ nhìn nghe ngửi liếm cắn được không có gì là quan trọng. Tính chất thông tấn của chữ do đó không bao giờ nên là bắt buộc, trở thành đáng ngại khi nó lấn lướt chất văn. Đằng sau chữ là gì? Bóng chữ! Hay là bóng sự hiểu và cảm của người làm ra nó. Có một sự tương tác thầm lặng giữa người viết và người đọc. Sóng từ trường này càng có độ phủ rộng, càng có lợi cho tất cả, và cũng vì nó mà nhiều khi người ta nhắc tới chuyện đồng sáng tạo giữa thực thể viết và đọc. Rất nhiều khi mất sóng. Lý do dao động từ người đọc sang người viết hoặc ngược lại. Có thể những gì được viết ra nhạt toẹt, chả ai quan tâm dù ở đó lắm bài dạy khôn. Cũng có thể, người đọc không bắt kịp mạch nghĩ và cảm của người làm chữ. Đừng thắc mắc về cái hiện thực nhân thể nhà văn động tới nó không giống gì với cái hiện thực chúng ta đang sống. Anh ta biết cả đấy, biết cái hiện thực đó trong mọi chiều không gian và thời gian, và có thể anh ta còn biết những hiện thực khác nữa. Nhưng mọi cách thức hành ngôn cuối cùng cũng chỉ là để nói về chính cái hiện thực của số đông mà thôi.

Tôi luôn luôn ngạc nhiên khi bị hỏi rằng sao lại cứ viết thế, sao thời gian sống ở tây đã xêm xêm thời gian sống ở ta mà những gì viết ra thiếu chất tây. Cũng có khi được khen là viết về quá khứ hay. Cũng có khi bị chê là chả biết gì về thực tế. Nhưng mà tôi không viết để nịnh nọt chê bai quá khứ hay hiện tại. Tôi viết về chính tôi thôi. Sống, chất chứa và lí giải là nhu cầu tinh thần của con người, nói chung. Nói riêng, tôi chỉ muốn lí giải về chính mình: sao càng sống càng ngơ ngác. Và về đôi ba người. Họ đích thực là nhà văn, là tác giả của những cuốn sách chưa ra đã được người ta tầm đọc. Nhưng khi ngồi với nhau, chẳng mấy khi họ nói tới văn chương. Còn khi họ đứng dậy đường ai nấy đi, gần như chẳng ai biết đấy là kẻ mần chữ.

Bl 3.7.2015

Lê Minh Hà












Tham khảo thêm về nhà văn Lê Minh Hà











trên Da Mau


- 19.11.2015


- 15.09.2014


- 21.05.2012



- 25.08.2010

- 04.08.2010

- 23.07.2010

- 09.07.2010

- 08.07.2010

- 07.07.2010

- 25.05.2010

- 19.05.2010

- 04.05.2010

- 24.04.2010

- 15.04.2010

- 02.10.2009

- 25.03.2009

- 19.08.2006





Lê Minh Hà -Vnthuquan.net












Lê Minh Hà về Việt Nam in 5 cuốn sách: Hà Nội đầy ắp trên trang sách


(Thethaovanhoa.vn) - Điều kiện của Lê Minh Hà với các nhà xuất bản là “tôi có 5 cuốn sách đấy, nếu chấp nhận in cả thể thì tôi về”. Thế là, người mẹ (toàn thời gian), nhà văn (lúc rảnh rỗi) Lê Minh Hà đã từ Đức trở về Hà Nội một mình trong thời gian in ấn xuất bản và ra sách của mình.

Để bõ cái công xa gia đình, bị các con, đặc biệt là cậu út Cục Mỡ hờn trách “mẹ về Hà Nội một mình là unfair” (không công bằng) chị in liền một lúc 5 cuốn: Cổ tích cho ngày mới, Thương thế ngày xưa, Còn nhớ nhau không, Chơi nhiều hết mệt, Này bọn mình rất đẹp...


1. Lê Minh Hà sinh năm 1962, tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm 1983, từng là cô giáo trường PTTH Hà Nội – Amsterdam. Sau đó, chị sang định cư tại CHLB Đức. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên chị in là Gió từ thời khuất mặt (1998), ngoài ra chị viết tản văn, truyện ngắn Gió biếc(1999), Những giọt trầm (2005), Những gặp gỡ không ngờ (2012)...

Trong talk show với Lê Minh Hà tại Heritage Space hôm 10/10, nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn chia sẻ anh khá tiếc khi một cây bút có giọng điệu riêng, có kiến văn sâu sắc như Lê Minh Hà dường như được hơi ít độc giả biết đến. Cái sự “kén độc giả” của văn chương Lê Minh Hà khiến ít người tìm thấy chị chăng, nhà phê bình Mai Anh Tuấn đặt dấu hỏi?


Lê Minh Hà và nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn trong talk show tại Trung tâm văn hóa Heritage Space hôm 10/10/2015


Lê Minh Hà tự nhận mình thuộc diện “ô sin của gia đình”, “ăn bám chồng”, “viết văn không phải vì tiền”, nên không đặt mục tiêu viết cho số đông. “Tôi viết vì tôi thôi và tôi đi tìm sự đồng điệu ở mọi người”, chị nói.

2. Tác giả Nguyễn Trương Quý, người sau khi biên tập sách của Lê Minh Hà đã chia sẻ: “Văn của chị Hà đầy ắp những "mã" về Hà Nội. Khi đọc tôi có cảm giác như đang khảo cứu một bảo tàng về ngôn ngữ, đặc biệt những uyển ngữ ở Hà Nội luôn đầy ắp trong các trang văn...”.

Các tác phẩm của Lê Minh Hà nổi bật 3 chủ đề: hồi ức về thời kì chiến tranh; đời sống xa xứ, và Hà Nội. Giọng điệu của chị được đánh giá là sự pha trộn của các yếu tố: nhẹ nhàng, hài hước mà không kém phần, sắc sảo, triết lý.


Bìa cuốn “Thương thế, ngày xưa...”


Có một câu hỏi từ nhà phê bình Mai Anh Tuấn phải chăng chị cũng giống rất nhiều người xa xứ, viết về quê hương xứ sở là để giải tỏa cảm giác hoài hương.

“Tôi nghĩ nếu ai đã từng sinh ra trên một vùng đất nào đó, đã từng sống ở đó đến năm 17 tuổi thì sẽ vĩnh viễn thuộc về vùng đất đó. Tôi viết về Hà Nội là viết về nơi tôi đã thực sự sống, hiểu và ngấm. Tôi nghĩ không phải cứ đi xa mới hoài cổ đâu, đọc văn của Bảo Ninh sẽ thấy văn của ông ấy là một hoài niệm rất dài. Tôi cũng không hoài hương lắm đâu, tôi viết về Hà Nội xưa là để nói về hôm nay thôi”, Lê Minh Hà nói.

Ngoài những trang văn đầy hoài niệm, triết lý, có phần “kén khách” đó, năm nay Lê Minh Hà giới thiệu 2 cuốn, mà chị cho rằng các chị em phụ nữ rất thích: Này bọn mình rất đẹp (lúc đầu có cái tên “ăn khách” hơn 50 rất dễ bỏ chồng) và cuốn Chơi nhiều hết mệt.

Đọc Chơi nhiều hết mệt quả nhiên thấy rất khỏe. Sự hồn nhiên, ngây thơ của Cục Mỡ, tình yêu thương vô bờ bến của mẹ dành cho cậu khiến người đọc cảm động. Tác phẩm là nhật ký của Lê Minh Hà với cậu con út Cục Mỡ. Chị sinh con ở tuổi có thể lên chức bà (45 tuổi), nhưng Cục Mỡ đã đem về cho chị một tình yêu vô bờ bến.

Lê Minh Hà vẫn trung thành với việc làm mẹ toàn thời gian. Khi rảnh rỗi, chị lại ngồi vào bàn viết văn. Dù rằng chị nhận là “viết cho riêng mình” nhưng phàm những người viết trân trọng những điều nhỏ bé, ti ti trong cuộc sống lại là những người rất vì bạn đọc.

Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa























Truyện ngắn mới nhất






p.h.m.v. , những mảnh


    p. gửi mail, kèm ảnh chụp cả nhà dịp hai cụ kỉ niệm năm mươi năm ngày cưới. Lễ cưới vàng. Mình lấy chồng mười chín năm. Liệu có được cái ngày kỉ niệm trọng đại ấy không nhỉ? h. tẩn mẩn xem đi xem lại tấm ảnh mỗi lần ngồi vào máy, tự hỏi. Mà cái chính không phải là có sống nổi với nhau đến ngày ấy, cái chính là có sống được tới cái ngày ấy không?

    p. nhắc tới một đêm vui cũng là nhân ngày cưới của các cụ. Cách đã hơn hai mươi năm. Cái ngày tất cả còn mải chơi và tự do. m. đã bắc bếp rang muối đuổi một ông khách ưa ngồi lì nào đấy. h. và chàng suýt thành người yêu đã bất chợt cười phá lên dọc đường về khi hỏi nhau không biết mình đã bị cô bạn quý đuổi cổ kiểu này chưa. Mùa thu. Hà Nội phố xưa. Tiếng cười ngân xa lắm. 

    p. luôn làm h. kinh ngạc. Hình như p. lập thống kê mọi sự kiện trong đời. Nhớ có buổi tối tiện miệng nhắc tới kì nằm viện lần thứ mấy đó của h. nơi p. làm việc, chính người bệnh là h. cũng chỉ nhớ ang áng ngày tháng. Còn p. thì nói chính xác ngày nào tháng nào. Cũng lạ. Cái kẻ chỉ đo đếm thời gian theo mùa như h., đến ngày sinh của mình hay người yêu cũng chỉ tính theo mùa, một đầu đông, lúc còn đầy tiết thu/ lúc bất ngờ trở lạnh, mà bạn bè xung quanh thì ai cũng có trí nhớ hay là cách nhớ toàn hảo. Liệu trong kí ức của anh bạn có những con số tháng năm nào về h. không chỉ nhắc những bực bội buồn phiền lo ngại không?


    Hai mươi năm. Bao nhiêu nhọc nhằn đã để lại những cào xước trên cuộc đời mỗi người. Nhưng nhìn ông bà cụ trong ảnh thì có cảm giác thời gian không dấu tích. m. vừa từ một nước khác sang chơi, cười, tiếng cười không còn âm sắc lau tau đầy sức sống của cái thuở cáu lên là chui vào bếp rang muối đuổi người bám trụ chờ thời tỏ tình, lặng lẽ bình luận ơ thằng a. nom y như cụ ông hồi chú ấy bằng tuổi nó. p. chụp cái ảnh nom già quá nhỉ. Rồi. Dĩ nhiên. Cái phì nhiêu của tuổi làm sao có thể thay thế được nét bụ bẫm chỉ có ở một quãng đời đã làm cho mấy bé hàng xóm nhà h. nín lặng trầm trồ khi xe p. khuất. Buổi sáng đó đầu năm, tóc p. tơi bời gió xuân, mắt như thép lỏng, p. mới từ đất nước đó trở về, khát khao nhiều và tự tin, làm sao biết lòng cô bạn lúc đó đã cỗi lão biết chừng nào. Nhưng thật ra thì ai biết?

    Cô đơn vì mặc cảm. Nhan sắc là một mặc cảm. Sức khoẻ là một mặc cảm. Những ý nghĩ lạ lùng mọc mầm đâm trổ trong đầu là một. Nghèo, thêm một. Nhưng tất cả vẫn là không phải. Cô đơn như người bạn thân thiết nhất, có phát điên lên vì nó nó vẫn không chịu rời mình. Và sau những buồn bã cũng chỉ có thể quay về với nó mà úp mặt. Sao? Người ta có thể nói với ai về nỗi khiếp sợ trước tương lai lừ lừ tiến tới, khi không có một nơi nào để nhờ cậy ngoài một mảnh bằng suông. Thế mà những ngày tháng đó kì diệu quá, không thể không sống đến tận cùng. Những đêm xuân mưa rất nhẹ, như sương phảng phất. Người con gái thấy mình quá hiền, quá dại, không biết phải làm sao. Trên cao kia ơ thờ một vành trăng, mưa, đêm mất điện một mình phố vắng. Những chiều mùa hè đi dưới cơn giông, bắp chân ngứa ran vì ướt. Những ban trưa không mũ nón lang thang, bất chợt quên một vòm trời căng rạn tiếng ve, chỉ còn một ao ước không tên như gió xô tuổi trinh nữ về phía trước.

    Cảm giác nhọc nhằn vì bất lực hình như rất quen thuộc với tuổi trẻ nhiều thời, nhưng cũng chỉ với một typ người. Nó quấn níu, làm người ta dày dạn dần. Sau này, từng trải, quen nhiều, h. cũng đã nghe đôi ba đàn ông trong cơn say lìm lịm lạ lùng nói về điều này. Nhưng chưa bao giờ có ai khi đó hỏi nhau, thú nhận với nhau cảm giác đời sống y như một cái võng khổng lồ úp chụp lấy mình, không cách nào chui ra nổi. h. thì biết mình không bao giờ. Hỏi làm sao, khi không phải ai cũng chịu cảnh một mình bươn chải, tài sản gồng gánh theo tuổi con gái chỉ là những lời cầu xin đêm đêm gửi tới nấm mồ bà mẹ chết trẻ, một góc xa thành phố.

    Bố mẹ p. cũng trải nhiều năm tháng nhọc nhằn. Nhưng bi kịch của tuổi trẻ thì chẳng thời nào giống thời nào, nơi ấy, ngày tháng ấy. Trong tấm ảnh, ông cụ cười vẫn y như thuở trước, bằng lòng mà không có vẻ thỏa mãn, và hóm hỉnh. h. bao giờ cũng nể và thích người như thế. Sợ nhất những người đi qua gian nan rồi ngạo ngược với đời, hể hả với mình, hay thành cay nghiệt. Người con gái đã nhiều lần muốn hỏi ông bố bạn nghĩ gì những năm dài oằn vai khuân vác dưới bến Phà Đen, trước lúc trở lại được với nghề nghiệp mình đã học và đã học rất giỏi, rất đúng kiểu con nhà. Mà không dám. Sẽ là bình thường thôi nếu một số phận như thế được định sẵn khi ông ra đời. Nhưng đây là một định mệnh tự chọn. Lúc đó, ông chắc không thể biết bằng sự chọn lựa này ông đã chọn cho con trai mình một cá tính. p. hạnh phúc hay không với cá tính của mình, không bao giờ h. thật sự biết. 

    Nhưng mà họ làm sao có thể nói với ai điều đó. Hình như đã có những thời gian họ quý nhau hơn tất cả. Đúng là vậy. Nhưng lại không thể nói rằng là bạn thân của nhau. Họ có những người quen chung. Họ không nói với nhau về những bạn bè đồng nghiệp khác của mình ở trường, ở cơ quan. Dường như không quan trọng. Điều họ muốn là không cần nói mà vẫn hiểu nhau. Hay là thực ra đã vậy và họ biết vậy? Hay chí ít h. muốn thế? Cứ muốn tin, đâu đó vẫn còn có họ. Những người mà ở họ một phần đời ngơ ngác vẫn còn nguyên vẹn đó. Và họ muốn thế, muốn giữ như trữ vacxin để chống chọi lại với mọi khả năng bị xã hội hóa dễ lây nhiễm ở đời. Nhưng không để mình lây cái khả năng đó thì làm sao chống chọi nổi với đời, khi tất cả còn trẻ thế, ngây ngô thế, và ngày đang sống thì thế.

    Cả lũ ra trường. h. đến nhà p. buổi trưa đổi mấy cuốn sách. Cửa sổ mé trái căn phòng mở ra phố khép nửa chừng. Không phải để chặn bớt tiếng loa từ khu triển lãm bên kia phố đang tràn ngập. Nhìn nhau qua cái bàn thấp bằng gỗ tạp. Nhìn nhau khi đứng trên cái ghế đẩu lục lọi giá sách. Văn học Nga Xô Viết. Văn học Pháp Anh. Đọc rồi. Đọc nhuận. Họ đã chiến đấu vì Tổ Quốc. Sông Đông êm đềm. Bác sĩ Zivago. Buồn ơi chào mi. Một chút mặt trời trong nước lạnh. Chuyến bay đêm. Giã từ vũ khí. Tự do đầu tiên và cuối cùng. Thơ dâng. Đêm ở Lisbone. Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống… Thơ. Và thơ… Tiểu thuyết. Và tiểu thuyết, những tấn trò đời ở khắp nơi trên thế gian này. Và ngoài ra là sách sử. Sau này h. nhiều lần tự hỏi sao hồi ấy mình ít đọc sách của các tác giả cùng tiếng nói. Và hiểu đúng lúc ấy, lúc còn rất trẻ ấy, mình đã không kham nổi những kiêu hãnh những hào hùng thời đại đang ăm ắp bầu khí thở, khi nghĩ tới một ngày mai, phải sống, mà sợ quá. Chỉ muốn dúi dầu vào những nỗi đau đớn không phải của mình, để thấy những đau đớn của mình quá bé nhỏ và phải đi qua, nhất định phải đi qua. Không còn bao cấp, phân công công tác tới tận đâu đâu, nơi biết chắc mình sẽ không cầm giấy phân công của tổ chức đi trình diện. h. cười rất tươi trong đêm sinh nhật p. khi bạn bè hỏi. „Vì sao ấy à? Vì không dắt được ông bác sĩ theo, tớ chết ở đó do không cấp cứu kịp thì bạn ấy cả đời áy náy.“ „Thế định như thế nào?Nhà chạy đâu rồi?“ Những đồng thanh câu hỏi. Nhà chạy đâu? Bà mẹ kế đang an tọa ở góc giường mẹ h. vẫn đêm đêm ngồi kiểm tem phiếu hồi còn sống chắc mong cô con riêng của chồng biến đi, tới một nơi nào xa nhất, hay nhất là biến làm sao coi như mất. Làm sao? Kiểu gặp một tình yêu nơi đất lạ chăng? Nhưng h. biết mình không thể, không thể đi bất cứ nơi đâu khi tổ quốc cần như cả lũ vẫn phải thỉnh thoảng đồng ca lúc còn đi học họp chi đoàn khi có ông thầy bà thầy nào làm công tác kiêm nhiệm nổi hứng tới dự. Định như thế nào ư? h. ngông nghênh hất đầu, nuốt một cục nóng rực đang toài từ dạ dày lên cổ. „Thì đi lấy chồng.“ Bọn con trai chằm chằm nhìn người vừa tuyên bố, bọn con gái cười rú lên. „Nó còn chưa yêu!“ h. vẫn cười rất tươi „Thế cứ lấy nhau là nhất quyết phải yêu nhau trước à, làm sao bây giờ?“ Trong trí, là cái rùng mình khi đứng trên ghế đẩu ôm chồng sách trước ngực góc đằng kia căn phòng cả lũ đang ngồi, là hơi gió mùa sắt se khô lạnh mới đổ về thành phố tối hôm trước, là tiếng loa vang vang bạt cả phố áp đảo mọi suy tư, „chưa có bao giờ đẹp như hôm nay non nước mây trời lòng ta mê say“, là đôi mắt bạn và hai cánh tay lưỡng lự giang ra. Lúc đó, h. cười rất tươi, thản nhiên đặt vào khoảng giữa hai cánh tay người con trai đang nhìn, đang chờ đợi… Chồng sách vừa rút khỏi giá rơi xuống sàn, tung toé, nghe như tiếng nổ và tiếng người láo xáo ngoài vỉa hè dừng bặt. Nơi đó, phía ngoài khung cửa sổ rất rộng và cao vừa có một mái giấy dầu vẩy ra chặn cánh cửa chớp không cho mở rộng hết cỡ, nơi đó vừa thành một quán chè chén, nơi đó có những người đàn ông bận bịu ngồi chọc nõ điếu, gọi đĩa lạc rang và chén rượu mà h. không bao giờ tường mặt, chỉ thấy cách ăn nói ai cũng như ai. Giá không có những giọng khề khà khê nồng đánh nhịp bằng „địt mẹ“ „ông“ „mày“ „“thằng“ ấy , thì, h. biết rất rõ, mình sẽ buông mình vào vòng tay p., sẽ nhắm mắt lại trước đôi mắt p., và cả hai sẽ đi hết buổi chiều gió mùa dài rộng ấy. Như thế…

    Như thế thì họ không phải gặp nhau năm từng năm như thế này. Cái còn lại cuối cùng chỉ còn là những nỗi đau từ những trang sách tràn ra làm cho phần thịt da nhạy cảm nhất là trí não thêm bao nhiêu là cào xước, tấy lên, dịu đi, nhưng không bao giờ lành. h. muốn không bao giờ lành.

    Như thế thì buổi tối đó họ sẽ lại gặp nhau. Còn có m. và v. nữa. m. thật thích ai trong hai chàng trai của nhóm, h. không biết. Chỉ thấy đêm nào tự dưng có người nữa tới ngồi cùng, mà đó lại là con trai và hình như ít nhiều để ý tới hai đứa con gái là h. và m. thì m. thường đùa rất mặn, sau đó cáu, sau đó lỉnh đi. p. v. h. ai cũng cười thầm. Lại thế rồi. Cô bạn lại chui vào bếp rang muối cho nóng đít anh chàng cô nàng khách không mời nào để họ phải đứng lên ra về rồi. h. có lần bảo v. rằng m. chả cần làm người ta bốc hỏa bằng cách nổi lửa, chỉ cần ngồi đó, gia thêm một câu đùa mặn là xong. v. nghi ngại lắc đầu „m. nó làm thế thì khéo chính mình đứng dậy dạo này nó sao ấy nhỉ“ và đó là đêm hai đứa đạp xe song đôi ngửa cổ cười phá lên sung sướng. Rồi bất chợt v. nắm lấy cổ tay h. siết nhẹ, hai cái xe ríu vào nhau, giang ra, rồi lại. Gió. Mùa thu đã muộn lắm rồi. Cảm giác lần đầu tiên da thịt con trai chạm vào thịt da mình kì diệu và khiếp hãi. 

    Buổi tối đó m. và v. và p. nói chuyện gì và như thế nào với nhau, h. không biết. Những buổi tối gặp nhau lần sau không còn như cũ nữa, ngay cả khi đủ mặt tứ tử trình làng. Giờ là lúc ai bất chợt đến là thành người giải thoát cho cả lũ, ít nhất là với h. và p. và v. Mà họ vẫn rất thân nhau, vẫn cuống lên vì việc của nhau, vì nhà nhau, vì tất cả. Bạn bè gọi họ là bè lũ bốn tên và cười, bỏ qua ý định thâm nhập để bành trướng hội hay chia để trị từng đứa bằng cách dụ dỗ yêu đương.

    Ai là người trong bộ tứ tách được mình ra trước nhỉ? Hình như là m. m. thôi không còn nửa vui vẻ nửa bực bội trước cái cảnh hai cậu bạn thân cứ thấy cô bạn kia là đứng vụt dậy đóng bộ quần dài áo cài khuy vào ngay cả hôm gió lào. m. đi yêu. Những người đàn ông theo m. đến nhà p., nhập hội rồi lần lượt biến mất. Rút cục ngoài ba mươi m. mới lấy chồng. Thông minh và điềm tĩnh lại, khác hẳn các cô gái lỡ thì lấy chồng cho xong, m. chọn được một người đàn ông làm hai chàng bạn thân phục lăn long lóc. Đẹp trai. Nói kín cười kín. Vừa có vẻ quyền uy vừa có vẻ thân thiện, với m. là dịu dàng, đôi khi hơi quá dịu dàng, với h. và cả với hai anh chàng trẻ tuổi. Bây giờ thì m. đã là phu nhân, là bà đại sứ, rất đúng dáng. Lúc m. ngồi trước máy tính nhà h. xem và bình luận tấm ảnh chụp bố mẹ p. trong kỉ niệm năm mươi năm ngày cưới của các cụ, giọng m. điềm đạm khác thường. Không phải là các cụ dường như vẫn thế trong hạnh phúc chật vật một thời của mình, không phải là p. hay thằng em già đi, mà chính là m., vẻ khô khô lạnh lạnh của m., giọng nói tiếng cười mất hẳn cái âm sắc đáo để của tuổi trẻ ở m. đã làm h. hiểu rõ thời gian khinh người như thế nào.

    m. xoay nửa mình khỏi cái màn hình computer, nhìn về phía chồng h. nhưng ra lời lại thành hỏi bạn: „Bọn mình làm cốc gì nong nóng nhé. Anh t. dùng gì?“ h. khoát một vòng tay: „ Anh ấy chỉ bia thôi. Ra bếp. Có chè hoa quả, chè cộng mình, cả bánh ngọt. Hay còn củ sắn bọn mình nấu bát chè sắn nhỉ?“

    Những bận rộn như là phóng đại ngoài bếp không thể kéo dài để mà im lời. Nồi chè ấm ức sôi trên bếp trong khi hai người đàn bà lặng thinh ngồi với nhau nơi góc bàn. Mấy năm rồi h. m. chưa gặp lại nhau. Đầu mối đính lỏng lẻo mà dai dẳng bộ tứ ngày nào chỉ còn một người vẫn đang sống, đang đủ đầy thành đạt, đang già đi cùng nhịp ở Hà Nội với những bạn chân trời, p. m. nhìn h. ngập ngừng: „Năm nay về không h.? Mình sắp rồi.“ „Bà mới ở nhà qua mà? Làm bà đại sứ đi dễ. Tôi giờ thành oshin không lương hầu bố con chúng nó thế này có rứt ra mà đi dễ dàng như bà hay v. đâu. Nếu nhà không có sự gì thường mỗi năm bọn tôi cũng chỉ có thể chia các kì nghỉ ra mà đi. Mình thì chỉ nghĩ tới chuyện về Việt Nam nhưng bố con chúng nó thì... Vừa rồi bà về…“ „p. nhắn h. về đấy. v. về ở hẳn Việt Nam rồi, có nhắn gì h. không?“ „Không thấy mail. v. về hẳn ở nhà làm gì? Bỏ vợ à? Chuyển vốn về đầu tư ở nhà à? Ở Nga chứ có phải Ucraina đâu mà…“ „p. nhắn h. về. Về đi h.! v. chẳng còn bao nhiêu ngày nữa đâu. Để vợ con lại với của nả, về Việt Nam chữa thuốc nam, là nói thế thôi, p. hôm rồi chat với mình bảo v. nói muốn nhẹ nhõm đoạn cuối. Với … Thành phố… Thành phố có còn gì không đổi nữa đâu ngoài tình bạn của chúng mình… Mình nghĩ h. với v. từng…“

    Giọng m. trở lại cái nhiệt thành của ngày xưa, nhưng trong đó có gì như sợ hãi. h. nhắm mắt, nghe cơn gió rộng dài thổi dọc phố đêm thu muộn thốc lên trong lòng mình cùng tiếng cười tưởng chừng như rất vô tư của cả hai, của v. Nhớ. Cảm giác nóng bỏng cổ tay dưới những ngón tay có đốt đầu ngón cong cong của v. trở lại, cảm giác lần đầu tiên biết da thịt con trai động, như thể thời gian chưa từng xoá đi. Như thể nước và không khí, và những lần người khác chạm vào đều vô nghĩa. Nhớ. Ý nghĩ mình lúc đó. Và ý nghĩ bao lần đi chơi riêng với nhau sau đó. Nhớ. Ban trưa gió mùa. Đôi cánh tay giang ra lưỡng lự và mắt nhìn như hỏi của p. Giọng đàn ông khào khào nồng nồng, mùi rượu và thuốc lào ở quán chè chén ngoài cửa sổ dập tắt tất cả. Đêm tránh mặt một người bằng cách đi với một người. Phút để nguyên tay mình trong tay v. Hơi nóng bừng bừng lan từ cổ tay dọc cánh tay, những đụng chạm đầu tiên, ngón tay, đôi môi, vòng ôm, những run rẩy, niềm kinh ngạc hơn là sung sướng. Nhưng cuối cùng tình bạn còn nguyên đó. Rồi v. đi, phiên dịch xuất khẩu. Rồi m. đi, lấy chồng. Rồi h. Để lại một thành phố càng yêu càng chán, ở đó còn có một người đi rất nhiều nhưng không bao giờ đi hẳn, như thể là cái trụ cho v. h. m. neo vào, treo móc vào tất cả những gì là tuổi trẻ. Năm nào cũng vậy, không hẹn trước nhưng họ sẽ gặp nhau ở đó, mùa ấy, tới tận khi những đứa trẻ ra đời, đi học, bằng một thứ tiếng khác ở một đất nước khác. 

    m. nhìn ra cửa sổ chẳng có gì ngoài đêm, giọng đều đều không còn âm sắc gì: „Hôm nay h. phải biết, h.! h. phải về! Mình phải về. Thằng bé nhà mình là con v. Hồi bố nó làm tham tán bên ấy.“ h. nuốt vội hớp nước. Sặc. Trái tim hẫng một nhịp. Đập. Bình thường. Lại hẫng. Tại sao? „Ông ấy nhà m. có hứng thú khác. Không, không phải là công việc. Ông ấy không yêu đàn bà. Mình có biết không ấy à? Biết chứ. Từ hồi ấy. m. lấy ông ấy là vì thế. h. biết rồi… m. với v… Cả với p… Cái hồi bọn mình họp nhóm đêm đêm ấy h. phải biết… Kinh khủng. m. đã từng rất ghét h., rất thương thân. Nhưng mà lạ thế. Chỉ đến khi lấy chồng rồi thì m. mới hiểu tại sao mình chiều v. với p. thế, chiều đến mức cả hai dường như coi mình là một thằng con trai không phải giữ gìn gì trước nhau. Mà h. đâu có gì là hơn…

    Đâu có phải không có gì là hơn m. Đúng ra, h. ý thức rõ ràng mình thua m. tất cả. Thua nhan sắc. Thua gia thế. Thua sự tự tin. Thế nên người con gái làm như thể mình là một thằng con trai vô tư, cư xử với hai chàng trai kia như thể tất cả vô tính, như thể những dò hỏi, chờ đợi, nồng nhiệt của hai người bạn chỉ là những hồ hởi nông nổi nhất thời. Giá mà hai chàng trai ấy hiểu, giá mà hai chàng trai ấy bước dấn lên, ghì mạnh hơn, giữ chặt lấy cô gái, gạt phăng đi hình ảnh người kia trong những ý nghĩ rụt rè ngơ ngẩn của cô ấy, không cho cô ấy kịp cảm giác cái xao xác tê tái của thành phố ngày gió trở làm cho nỗi bất an vì ngày mai trở thành không thể chịu nổi như thế nào!

    Bao nhiêu cố gắng để vượt lên mình, đẩy sự thiếu tự tin vào một xó lòng. Mọi lí do đến một tuổi không còn là nỗi buồn thua thiệt nữa. Đồng tiền san bằng tất cả. Và cả những đắng cay không một ai có thể lẩn tránh được suốt đời cũng dạy người ta biết chấp nhận nhiều điều. Cả m. và h. Cả những người con trai của thời thiếu nữ họ đã đi qua. v. đang chấp nhận điều khó chấp nhận nhất. Chết. Giản đơn và vĩ đại như sự sinh nở. Cái chết là lần thanh toán trọn vẹn, là sự giải phóng cuối cùng của đời người.

    m. sẽ về. h. sẽ về. p. nhắn rồi. Thành phố ấy có hai người đàn ông đang chờ họ. Bộ tứ sẽ lại gặp nhau. 

    Bây giờ là đầu đông. Hà Nội vẫn mưa rào. Cái bất thường với người xa đã thành cái bình thường với người gần. v. trở về. Thành phố mang lại êm đềm thanh thản gì cho v. những ngày cuối? Tôi nữa? Tôi không hiểu mình trở về thì mang lại được gì cho v. Cả p. nữa. Bởi vì tôi biết, rằng tôi đã yêu họ như thế nào, tôi đã yêu thành phố này như thế nào và có một ngày tôi đã không kham nổi cuộc đời mình giữa lòng nó như thế nào. Điều ấy, không còn cái thanh tĩnh tuyệt vọng của thành phố ngày ấy, lúc tự đập cho tan tành để trở mình, không thể nào nói được nữa, nói gì cũng là quá muộn rồi. Tôi không thể nói, ngay cả với m., người hình như thành thật nhất với tôi, cho tôi biết đã hơn tôi, đã là người tình của v., có dấu chứng dù chỉ một người biết - ông đại sứ - người cha mà thằng bé con mười bảy tuổi hết sức tôn sùng. Bây giờ m. có nói sự thực đó cho v. biết không? Rồi sao nữa? Tôi cũng không nói, không thể, rời khỏi thành phố là tôi thất lạc mình. Tôi không phải là m. Tôi đi vì tôi. Chọn lựa ấy buốt như là hạnh phúc 

    Berlin 2003- 2015












Tản văn




Kẹo kéo đơ! 


Thất nghiệp ham ăn. Thật. Người thất nghiệp lại còn là bà nội trợ chuyên nghiệp nữa thì phải biết. Ấy là tôi đây. Sáng chủ nhật, chồng quy cố hương, con lớn học thi đi ngủ muộn còn ngon giấc, con bé từ tối qua đã xách ba lô đi ngủ chơi ở nhà bạn chưa về, pha cốc cà phê rồi vào FB, tẩn mẩn nhòm đủ thứ. Thế nào lại nhòm ra cái ảnh có cô đi giày cao gót ngồi trước một cái xoong đặt chỉnh chện trên ghế đẩu đang tay kéo tay co kẹo kéo phục vụ khách đi hội chùa Thầy. Ừ nhỉ, kẹo kéo, bao năm rồi không ăn lại. Ăn lại liệu có còn ngon?

Với tôi, kẹo kéo suốt một tuổi thơ vừa ngắn cũn vì những niềm vui đã trải vừa dài ngoẵng vì bao nhiêu nỗi niềm vượt quá tuổi của thế hệ mình bao giờ cũng gắn với duy nhất một hàng ấy, một người bán ấy. Mà ngày ấy ông hàng kẹo kéo của tôi cũng đã già rồi. Già trong mắt trẻ. Chứ tình thực trẻ con cũng khó đong đếm đoán định. Có nhẽ là ông trạc tuổi chúng tôi bây giờ? Có nhẽ là ông còn trẻ hơn? Giả như còn sống, thì ông hàng kẹo kéo của tôi cũng phải ngoài bát thập. Phố vắng. Hàng cây sao ban sớm ban chiều vững chãi vươn bên hè. Ông nhạc sỹ người An Giang tập kết dù có đi bốn phương trời vẫn nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây là đúng đấy, làm sao mà quên được. Nữa là hàng cây sao ấy một thời, thân đại thụ xù xì nâu sẫm rực lên màu nắng quái và chót vót trong hoàng hôn trắng rợn bao nhiêu cánh cò. Đi dưới hàng cây ấy là ông kẹo kéo. Sao khi ngồi tần ngần nhớ những tiếng xưa suốt hai mươi năm tôi lại quên ông?

Ông hàng kẹo kéo của tôi vóc dạc gầy gầy, lúc nào cũng trong bộ quần ta áo cánh mà áo quần đều trắng, phẳng phiu như được giặt là tẩy hấp. Thật là đặc biệt thời ấy, thời lúc phố đông trở lại thì màu áo xanh công nhân, màu áo bộ đội vẫn là màu bắt buộc phải yêu với rất nhiều người. Bán hàng rong mà ông kẹo kéo không hề có dáng tất tưởi như những người bán hàng rong khác. Trong bộ áo quần trắng, đầu đội mũ cát cũng màu trắng và chân thường đi giày vải, ông đi thong dong, tới đầu một ngõ nhỏ hay cửa trường thì dừng bước bên một gốc cây, mở cái bàn xếp mà mặt bằng vải bạt vẫn cắp bên hông ra bày hàng. Chỉ là một khối kẹo kéo phủ vải màn trắng toát, và một hộp gỗ đựng những cái que nhỏ như que kem có khắc dấu. Và thế là công cuộc kinh doanh của ông lại bắt đầu hoặc tiếp tục, tùy theo thời khắc trong ngày. „Kẹo kéo! Kẹo kéo đơ“. Tiếng ông hàng rao chẳng to chẳng nhỏ, thế mà lập tức lôi được ngay một đám trẻ con sán đến gần. Tôi đồ rằng ông cũng chả cần rao, bộ trang phục ấy, dáng dấp ấy của ông với rất nhiều trẻ con tuổi tôi đã là một biểu tượng của Hà Nội phố. Cái cách ông hàng tiếp thị món hàng của mình rất đặc biệt. Chỉ rao làm vì đôi ba câu như thế, rồi ông lắc lắc xóc xóc cái hộp đựng nắm que nghe rất vui tai. Lắc thì lách cách cách. Xóc thì tờ rắc xắc xắc. Trẻ con xúm vào y như người lớn đi xin xăm ngày tết bây giờ. Chẳng mấy đứa có tiền, nhưng nhìn bạn mua kẹo và biết đâu ăn chực được một đốt con con là cả một niềm ham thú. Ông hàng nhìn đám trẻ, tay xóc hộp càng nhanh. Một đứa moi ra đồng năm xu. Mấy đứa khác chung nhau hai xu năm xu được hào bạc. Cái thú khi mua kẹo kéo không phải là có tiền được ăn nhiều, mà là được rút cái que khi ông hàng xóc hộp, y như già mà còn ham sống ngồi run rẩy xóc hộp xin xăm ở chùa ngày tết. Trẻ con xin xóc ông già cho ngay, thường cảm động xóc luôn nắm que ra ngoài, phải đưa lại ông hàng. Ông hàng xóc cực giỏi, nắm que đang nhảy đều trong lọ, đột ngột một hai chiếc thò ra, rồi một chiếc thò dài hơn hẳn, thế là khách hàng chùi tay vào quần, ngần ngừ, nín cả thở, rút. Có đứa rú lên „năm cái, cháu được năm cái“, đứa não nề quặc với thằng bạn đang kéo kéo giật giật sao lưng: „một“. Ấy là số kẹo từng đứa được thụ hưởng bất kể nhặt nhạnh chi ra được bao nhiêu tiền.

Ông hàng cất cái hộp, rồi cẩn trọng mở một phần tấm vải màn, để lộ khúc kẹo kéo phổng phao trắng một màu lành hiền vô cùng đáng tin cậy. Rồi ông chấm mấy đầu ngón tay vào lớp bột khô phủ khúc kẹo, véo lấy một mẩu, rồi kéo, thoăn thoắt thoăn thoắt, dài ngắn ngắn dài, mẩu kẹo thành dây kẹo, co co duỗi duỗi theo cánh tay ông hàng, rồi, rất đột ngột ông dừng tay, búng nhẹ một cái lên thanh kẹo mà nghe đánh rắc. Mỗi lần búng là một thanh kẹo kéo ra đời. Thực sự là thanh. Không hiểu ông hàng làm thế nào. Rõ là vừa thấy ông kéo kẹo dài ngoằng ra hoa cả mắt, nhưng kẹo cầm trên tay thì không hề lật bật oặt oẹo, cứng rắn, hiên ngang. Và, y hệt chơi xổ số, đứa năm xu có khi sung sướng nhận về năm bảy cái kẹo, nhiều hơn đứa một hào lại chỉ rút được cái que có một một nét khắc đánh dấu. Chẳng đứa nào nhận ra là năm xu một hào gì thì cũng thế, ông hàng có khả năng kéo kẹo muốn dài bao nhiêu thì bao nhiêu vẫn chỉ từ một mẩu con con đó thôi. Kẹo kéo Hà Nội không dẻo như kẹo gôm thơm sực mùi hương liệu hoa quả như thằng con bé của tôi thích. Kẹo kéo Hà Nội thơm đằm mùi bột nếp rang, ngọt vừa đến độ, không tơ lơ mơ như mạch nha, cũng không ngọt sắc thít cổ, dai và dẻo, và giòn nữa, là vì trong một thanh kẹo ngắn dài to nhỏ khác nhau thế nào cũng phồng lên một hai đốt, trong có cái nhân lạc rất bùi. Ăn kẹo kéo chực có cái thú nữa là nhìn đứa bạn cũng bắt chước ông hàng kéo nhằng thanh kẹo dài nữa rồi ra sức cấu thật đều từng đoạn để chia. Nhưng mà tay trẻ con không có nghề, kéo nhằng ra thì được, nhưng không thể nào làm nổi cái buông bắt điệu nghệ và cái búng tay dứt mạch của ông hàng. Mỗi đứa được bạn hào phóng cho một mẩu, đưa vào miệng lại bắt đầu cái động tác kéo, kéo kẹo nhoằng ra nữa thành dây. Và dây thì vẫn ngọt, không như cái trò nhằn kẹo cao su bây giờ. Tôi không chơi được kẹo cao su chính vì lẽ đó, hay vì nhớ cái vị ngọt dần ngọt đều đến mãi về sau của kẹo kéo nữa không biết được. Chỉ biết ngày từ thành phố này mình phải ra đi, đi sơ tán, kem que kẹo kéo là một trong những vô vàn phố vô vàn nhớ của một đứa con gái tôi biết rõ nhất. Là mình. Cho đến khi tôi vào đại học vẫn còn thấy ông hàng kẹo kéo đi về trên phố. Ngang qua cửa trường Lê Ngọc Hân, vẫn dáng trắng trắng gầy gầy đó bên gốc cây già nâu sậm rực lên sắc đỏ vì một vệt nắng quái cuối chiều. Rồi không thấy nữa, cũng như đã không thấy buổi nạn kiều vắng bóng ông táo dầm và ông chín từng mây. Họ còn đấy hay là tôi đã chẳng còn biết để ý gì khi mải chạy theo những yêu những ăn, những ao ước, những thúc bách vừa sát sườn vừa rất đỗi trời ơi, ngày tháng đó.



Bây giờ thì tôi biết sống lững thững lại rồi, để những ngày xưa trở lại không tuyệt mù tăm tích. Nhưng mà trong lòng mình thôi. Giả dụ ông hàng kẹo kéo có truyền nhân, thì còn đâu cái im lặng phố xưa và bóng nắng những hàng cây để họ đi về trên đó. Cho người đời vô tình đi ngang. Rồi một hôm biết mình không quên.

Berlin 26. 04. 2015














Lê Minh Hà & Nguyễn Quang Lập











Lê Minh Hà & Nguyễn Việt Hà












Lê Minh Hà & Bảo Ninh










Nguyễn Việt Hà, Bảo Ninh, Lê Minh Hà, Đỗ Phấn











Nguyễn Trọng Chức, Lê Minh Hà, Phan Nguyên












Trở về







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.