Thứ Năm, 12 tháng 5, 2022

Trịnh Lữ

 















Trịnh Lữ

tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, 
(1948 - ......) Hà Nội

Họa sỹ, Dịch giả








Tiểu sử


Trịnh Lữ, tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội
 là họa sỹ, dịch giả,
Ông từng là phóng viên, biên tập viên tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam, từng sang Mỹ làm việc gần 15 năm cho các dự án truyền thông và giáo dục của Liên Hiệp Quốc, từng là họa sĩ có nhiều cuộc triển lãm tranh ở New York,
Trịnh Lữ còn là một nhà thiết kế nội thất mang phong cách tối giản, một nghệ sĩ piano nghiệp dư, một nhà văn với những truyện ngắn đậm chất hoài cổ và mang một chút hơi hướng thiền.









“Triết lý hay nhận định, nhiều khi chỉ để lừa nhau"
Trịnh Lữ













Sách dịch đã xuất bản




1
Cuộc đời của Pi
(Life of Pi) tiểu thuyết của nhà văn người Canada Yann Martel
Nxb Knopf Canada. 2001







2
Utopia - Địa đàng trần gian









3
Bí mật chôn vùi - Sự thật tàn bạo







4
Hội họa Trung hoa qua lời các vĩ nhân và danh họa







5
Truyện ngắn Úc
(song ngữ Anh-Việt)







6
Rừng Nauy







7
Biển







8
Tham vọng bá quyền







9
Trần trụi với văn chương







10
Nhạc đời may rủi







11
15 Nhà thơ Mỹ thế kỷ XX
(cùng với Hoàng Hưng, Phan Nhiên Hạo, Cù An Hưng)







12
Màu tự nhiên







13
Người trong bóng tối







14
Đại gia Gatsby







15
Nhập môn Nghiên cứu Dịch thuật - Lý thuyết và Ứng dụng




















Tranh Trịnh Lữ
























































Sớm mùng một Tết ở Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng.















































































Chân dung họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc:









Chân dung nhà thơ Hữu Loan.














'Vẽ gì cũng là tự hoạ' của Trịnh Lữ




Dịch giả Trịnh Lữ và hành trình đến 'Vẽ gì cũng là tự họa'
Họa sỹ Trịnh Lữ, dịch giả nhiều cuốn "Cuộc đời của Pi," "Rừng Na Uy" từng sống với nhiều ngành nghề, để rồi hun đúc lại một hành trình đậm đặc để kể qua tranh, hội họa và cuốn "Vẽ gì cũng là tự họa."


Tranh ''Tò he, đố biết ông đang nặn con gì.'' 


Sáng 11/1 tại không gian triển lãm The Muse Art Space (47 Tràng Tiền, Hà Nội) đã diễn ra buổi ra mắt sách "Vẽ gì cũng là tự họa" của họa sỹ-dịch giả Trịnh Lữ. Cuốn sách do Omega Plus phát hành, mở đầu cho Tủ sách Mỹ thuật Việt Nam của đơn vị này.

Sự kiện mở ra cơ hội để độc giả và người yêu nghệ thuật được biết về một con người đa tài và giàu kinh nghiệm, không chỉ trong hội họa mà còn cả trong nhiều ngành nghề khác.

Cắt tóc, dịch sách, làm báo... rồi về với tranh

Trong các ngày từ 4/1 đến 11/1/2022, họa sỹ Trịnh Lữ đã mang đến cho Hà Nội triển lãm tranh bằng nhiều chất liệu, nhiều nhất là phấn màu, rồi đến chì than và màu nước, sơn dầu, thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu nghệ thuật tại Thủ đô.

Họa sĩ Trịnh Lữ tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 và là con trai của hai họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc-Nguyễn Thị Khang, anh trai của họa sỹ Trịnh Tú... Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc là nhà thiết kế nội thất đầu tiên tại Việt Nam, không dạy cho các con cách làm giàu mà luôn chỉ dạy cách đam mê với nghệ thuật.

“Ngày nào con cũng phải vẽ một chút, vẽ gì thì vẽ, miễn là có vẽ,” cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc dặn con lúc sinh thời. Ông Trịnh Lữ mang lời dặn theo những giai đoạn khó khăn nhất, thực hành bằng từng mẩu bút chì nho nhỏ và những tờ giấy một mặt cũ kỹ để "duy trì sự liên lạc" với đam mê của bản thân.

Khi xưa, họa sỹ Trịnh Lữ từng trải qua nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Ông từng nhận làm mộc, cưa, cắt các khung tranh gỗ giả cổ hay làm nghề cắt tóc như bố khuyên để sống. Về sau, ông có cơ hội trải nghiệm với nghề phát thanh-báo chí, làm truyền thông cho nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam về giáo dục, dịch sách và hiện nay, ông chọn toàn tâm toàn ý với mỹ thuật, hội họa.



Dịch giả, họa sỹ Trịnh Lữ


Vì nhiều lý do khách quan, ông đã không thể nhập học một trường đại học mỹ thuật mà phải theo học tại trường Mỏ Địa chất, nhưng không theo nghề. Nhờ khả năng nhại giọng tiếng nước ngoài, ông được tuyển vào làm phát thanh viên tiếng Anh của Đài tiếng nói Việt Nam.

Công việc báo chí này đã mở ra cho ông đường đi với ngành truyền thông tại Đại học Cornell (New York), có cơ hội tu nghiệp về hội họa, tâm lý học thị giác, phê bình mỹ thuật ở Mỹ. Năm 1993, ông có triển lãm cá nhân đầu tiên tại New York và được tờ nhật báo Ithaca Journal bầu chọn là "Nghệ sĩ của năm."

Cơ duyên để ông trở thành một dịch giả bắt đầu từ việc ông nhận dịch giúp cuốn “Cuộc đời của Pi.” Bản dịch mang về cho ông giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2014, từ đó, kéo ông đi tiếp qua công việc dịch sách những tác phẩm nổi tiếng khác như “Đại gia Gatsby” hay “Rừng Na Uy”... Mỗi tác phẩm ông dịch, mỗi câu từ ông đọc đều trở thành những nguồn ảnh hưởng để xây dựng nên một người được nhận xét là đa tài như Trịnh Lữ ngày nay.

Với ông, việc nỗ lực làm hết sức mình ở từng nghề dường như có hai sắc thái. Nó vừa là nỗ lực để sống, sinh tồn song cũng là cố gắng để thấy được cái đẹp trong mỗi nghề, để trong cuộc sống “không cảm thấy chán đời.”

“Vẽ gì cũng là tự họa”

Đây là quan điểm nghệ thuật mà họa sỹ Trịnh Lữ dùng để đúc kết cho 60 năm thực hành nghệ thuật của mình và nhiều thực hành ngành nghề khác. Ông chia sẻ: “Tranh cũng như những vật ta nhìn thấy xung quanh. Chúng ta là người gắn ý nghĩa cho nó và cũng chính chúng ta phải làm ra cái ý nghĩa đó.”

"Đừng mắt nhìn tay vẽ, mà hãy vẽ bằng ý tưởng, bằng suy nghĩ và minh họa từ đó," họa sỹ Trịnh Lữ nói thêm. Ông cho rằng, họa sỹ là người vẽ ra từ tâm tư của chính mình. Một bức tranh trở thành công cụ và cái cớ để người xem nhìn vào, tự trải nghiệm chính mình qua đó.

Nói về cuốn sách, tác giả cho biết cơ duyên nó ra đời thực chất cũng nằm ở lý do khách quan - dịch bệnh COVID-19. "Lúc dịch lớn quá, tôi quyết định không làm triển lãm nữa và chuyển thành trưng bày qua sách. Đây cũng là dịp để tôi nhìn lại hơn 60 năm vẽ của mình." Cũng qua cuốn sách, ông hy vọng những bức tranh có thể đến được với nhiều người hơn.

Người làm sao, của chiêm bao là vậy, họa sỹ Thành Chương nhận xét khi nói về “Vẽ gì cũng là tự họa” của dịch giả-họa sỹ Trịnh Lữ. Ông Thành Chương dành cho người đàn anh rất nhiều sự tôn trọng, đánh giá cao về cả phong cách sống và kiến thức. Họa sỹ Thành Chương nhận xét câu chuyện "tự họa" của người nghệ sỹ không phải điều gì xa lạ, nhưng để đúc kết thành sáu chữ đơn giản, súc tích như tiêu đề cuốn sách thì chính ông cũng cảm thấy bất ngờ, ngỡ ngàng.

Qua những tác phẩm xuất hiện trong sách và triển lãm "Vẽ gì cũng là tự họa," họa sỹ Phạm Bình Chương cho rằng họa sỹ Trịnh Lữ có nền tảng sơn dầu nhưng tạo được những rung cảm rất riêng qua chất liệu phấn màu vốn không đặc biệt phổ biến tại Việt Nam.

Trước "Vẽ gì cũng là tự họa," họa sỹ Trịnh Lữ từng cho ra mắt "Đi vẽ - Nhật ký hội họa 2014" và "Ghi chép" ra mắt đầu năm 2021./.

Minh Anh

















Dịch giả Trịnh Lữ: “Triết lý hay nhận định, nhiều khi chỉ để lừa nhau"

Thư Vũ

“Bây giờ đọc rất nhanh, nhưng nghĩ rất khó. Mọi thứ thay đổi quá nhanh, nên nhiều khi dừng lại suy nghĩ dễ thành lạc hậu. Sự lạc hậu thường chẳng ai muốn nhận.”

Dịch giả, nhà văn, hoạ sĩ Trịnh Lữ có lẽ là cái tên không còn xa lạ gì trên văn đàn dịch thuật cũng như văn hoá nghệ thuật đương đại Việt Nam. Khi giới thiệu về bác, dịch giả Dương Tường đã nói ngắn gọn “đấy là một người tài hoa trong một gia đình trí thức - nghệ sĩ Hà Nội có nhiều người tài hoa”.

Một thế hệ người đọc yêu văn học dịch Việt Nam, hẳn đã từng đọc những bản dịch kinh điển như Cuộc đời của Pi, Con nhân mã ở trong vườn, Rừng Nauy, Utopia, Biển,... Bên cạnh đó, bác còn được giới nghệ thuật nhắc tới với tay nghề hội họa bậc thầy trong phong cách vẽ hiện thực.

Gặp bác Trịnh Lữ trong tập Have a sip mới nhất, Vietcetera đã có cơ hội ngồi lại và trò chuyện cùng bác về chặng đường hơn 70 năm cuộc đời và 50 năm hoạt động nghệ thuật.


Thân thiết với tiếng mẹ đẻ trước khi bước vào dịch thuật

Luôn có rất nhiều phẩm chất cần có trong mỗi công việc khác nhau, dịch thuật cũng thế. Đối với dịch giả Trịnh Lữ, bác quan niệm hãy luôn hiểu vì sao mình thích dịch. Cũng như phải thân thiết với tiếng mẹ đẻ của mình, để có thể nghĩ và diễn đạt bằng nó từ một ngôn ngữ khác.

Nếu chỉ thích những thứ tiếng khác, nằm mơ bằng một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt, dịch giả Trịnh Lữ cho rằng sẽ rất khó để dịch thuật tốt. Phải nằm mơ bằng tiếng Việt, thấy cái gì hay thì nói lại bằng tiếng Việt, yêu tiếng nước mình và thực hành với nó, mới có thể là một dịch giả tốt.

Nhà văn Italo Calvino trong tác phẩm “Nếu một đêm đông có người lữ khách” đã từng nói đại ý là, một tác phẩm mà khi bước ra khỏi tác giả, thì nên được sống cuộc đời của riêng nó. Khi đó, dịch giả là người cho tác phẩm đời sống thứ hai của mình. Đồng tình với quan điểm này, dịch giả Trịnh Lữ cũng chia sẻ, cái vỏ của chữ nghĩa không quan trọng, quan trọng nhất là tố chất, nội dung của một tác phẩm.

"Phải nằm mơ bằng tiếng Việt, thấy cái gì hay thì nói lại bằng tiếng Việt, yêu tiếng nước mình và thực hành với nó, mới có thể là một dịch giả tốt." | Nguồn: Linh Chi cho Vietcetera

Bác thường không bao giờ đọc hết cả tác phẩm trước khi dịch. Vì như thế sẽ đánh mất sự hồi hộp của câu chuyện. Để chọn lựa cho mình một cuốn sách phù hợp khi bắt đầu dịch, bác thường xem qua rất nhanh, sau đó đọc đến đâu thì dịch đến đấy. Đó cũng là cách để giữ lại sự hồi hộp trọn vẹn cho một dịch giả, cùng với đó, bởi vì cảm xúc tươi mới nên ngôn ngữ sử dụng cũng sẽ khác đi và không bị sáo mòn.

Sách mà cứ đọc đi đọc lại thì sẽ nhanh chán. Đọc rồi lại tra cứu quá nhiều thì sẽ giống văn kiện. Nếu như dịch văn kiện hay luật pháp, tư liệu, bác Trịnh Lữ cho rằng có thể làm như thế được, còn dịch văn chương không nên như vậy. Văn chương hấp dẫn ở chỗ bất ngờ, tò mò và mới mẻ, sáng tạo đối với mỗi người.

Cuối cùng, dịch giả Trịnh Lữ cho rằng, một người dịch thuật còn cần ý thức được cái nào mình có thể dịch tốt, đồng thời phải trang bị đầy đủ những kiến thức nền tảng về lĩnh vực mình muốn chuyển ngữ.

Giống như một người dịch văn học sẽ rất khó dịch tốt thơ ca hay triết học. Đó là những thứ cần tiếp cận ở một góc nhìn khác, hiểu biết khác. Hay cũng có những thứ, nó chỉ đẹp ở một ngôn ngữ nhất định, không nên cố gắng ôm đồm tất cả lĩnh vực, như thế sẽ rất nhanh bị đuối sức và xuống sức.

Văn hoá đọc không đo bằng số lượng sách, mà bằng thái độ đọc

Khi đã bước qua tuổi 70, bác Trịnh Lữ nhận ra rằng, những triết lý hay nhận định, khái niệm “tranh khôn tranh dại” nhiều khi chỉ là lừa nhau. Khi đọc, chúng ta phải biết cách lọc đi những khái niệm đấy. Tranh cãi về nghệ thuật vị nghệ thuật, hay nghệ thuật vị nhân sinh, công dụng hay sự vô dụng của nghệ thuật thường rất sai lầm và vô nghĩa.

Bằng kinh nghiệm sống của mình, bác Trịnh Lữ quan niệm, thế hệ nào cũng phải biết cách đặt câu hỏi, tự phản biện và cố gắng sống tự nhiên, giản dị. Khi đó, sẽ dễ thấy những tranh cãi không có nghĩa lý gì cả, phân tích và tìm hiểu mới là đích đến.

Nhìn rộng ra, đó còn là câu chuyện của phê bình và quan điểm cá nhân. Khi nhận xét nên hiểu cách đặt vấn đề như nào, ta nhìn nghệ thuật bằng con mắt ra sao, cái gì là của riêng mình, cái gì tốt cái gì hay

"Nếu đọc chỉ là đọc thôi, thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Một người khi đọc sách phải hiểu đọc để làm gì." | Nguồn: Vietcetera

Lấy ví dụ cho trường hợp này, bác Trịnh Lữ cho rằng, nếu cào bằng tất cả các giá trị, không phân biệt được đúng sai, đẹp xấu, không dám phê bình hay chỉ biết dùng những mỹ từ để nói về nhau theo cách thù tạc, sợ phải lên tiếng thì dịch sách và làm nghệ thuật rất khó. Môi trường này dễ giết chết những tư duy sáng tạo tươi mới và ngủ quên trong sự o bế lẫn nhau.

Ngoài ra, bác Trịnh Lữ nói, thời đại nào, chúng ta cũng có thể kiếm được tiền từ sách, giống như thời nào cũng cần đọc sách. Nhưng nếu đọc chỉ là đọc thôi, thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Một người khi đọc sách phải hiểu đọc để làm gì. Không quan trọng bạn đọc nhiều hơn người khác bao nhiêu, quan trọng là sau khi đọc xong bạn trở thành người như thế nào, đóng góp gì với cuộc đời, đồng thời bản thân có trở nên tốt đẹp hơn so với trước không.

Nhìn lại quãng đường đã qua, bác Trịnh Lữ đúc kết, đọc phải có sự trau dồi và mục đích rõ ràng, như thế mới có nhận xét của riêng mình. Văn hoá đọc không đo được bằng số lượng sách đã đọc, mà đo bằng thái độ đọc. Bây giờ là thời đại của nghe nhìn lướt quẹt, chúng ta dường như đang sống trong cơn lũ thông tin, nên có rất ít thời gian tỉnh táo xem thông tin đó như thế nào, xử lý nó ra sao.

“Cũng bởi vì vậy, thời đại bây giờ đọc rất nhanh, nhưng nghĩ rất khó. Mọi thứ thay đổi quá nhanh, nên nhiều khi mình dừng lại nghĩ lại thành lạc hậu. Mà sự lạc hậu thì thường, lại chẳng ai muốn nhận.”


Muốn hoà bình với bản thân, đừng đánh mất chính mình

Bên cạnh là một dịch giả, nhà văn, nhà thơ, bác Trịnh Lữ còn nổi tiếng và được biết đến với vai trò là một hoạ sĩ với rất nhiều tác phẩm sơn dầu, tranh lụa, màu nước đẹp. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, nhưng từ nhỏ, ngay từ khi học vẽ, bố mẹ dịch giả Trịnh Lữ đã dạy bác rằng, không nên có khái niệm sẽ trở thành nghệ sĩ nổi tiếng.

Vẽ là một nghề làm đẹp, khi học vẽ thì phải có khả năng vẽ được. Sau này, nếu muốn sống bằng nghề, người ta đặt làm gì, thì mình phải có khả năng vẽ và thiết kế gọn gàng, chuẩn mực sao cho những vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống còn lại và ở lại mãi trong những bức tranh mình vẽ. Đấy là khi nghệ thuật và cuộc sống được hiện diện trong bức tranh của mình.

Thuần tuý như vậy, khiến cho quan niệm về hội hoạ hay họa sĩ trong bác chưa từng bị những giá trị khác xen vào, để khiến mình tự nhận bản thân có một tài năng vượt bậc hay đang làm một nghề cao quý. Nền tảng giáo dục của gia đình xây dựng trong hoạ sĩ Trịnh Lữ một tâm niệm rằng, làm cái gì cũng phải làm cho nó thật nhất và đến nơi đến chốn."Hoạ sĩ Trịnh Lữ luôn tâm niệm rằng, làm cái gì cũng phải làm cho nó thật nhất và đến nơi đến chốn." | Nguồn: Vietcetera

Đó cũng là cách bác luôn dạy ở con mình sau này. Nếu học về kiến trúc, thì khi con thiết kế một cái chuồng lợn, thì phải có thái độ như là thiết kế một cái lâu đài. Nó giống như cách bác Trịnh Lữ dịch một đoạn văn hay cả một cuốn tiểu thuyết mấy trăm trang, vẽ một cái bình hoa hay chân dung người nổi tiếng. Tất cả đều bằng hết tâm huyết và tình yêu của mình.

“Làm cái gì cũng phải bằng tình cảm thật sự, dịch cũng thế. Nếu không yêu cuốn sách sẽ khó mà dịch được. Không yêu những lời văn, tư tưởng thì làm sao nói lại được cho người khác bằng sự trau chuốt và mạch lạc, sẽ xấu hổ lắm. Tôi nghĩ mọi chuyện đơn giản như thế thôi.”

Ngoài ra, dù là dưới bất cứ một danh xưng nào trong công việc, yếu tố đề cao nhất của bác Trịnh Lữ luôn là phải làm theo ý nguyện của mình. Không nên vì yếu tố nào khác mà làm sai những gì mình muốn làm.

Cuộc đời luôn cho chúng ta rất nhiều lựa chọn và cùng với đó là cơ hội để được lựa chọn. Muốn có được lựa chọn tốt và đúng với mình, thì sống phải để ý đến bản thân, luôn luôn tự vấn, tự khẳng định và tự phủ nhận. Còn nếu hay quên đi bản thân, chạy theo những giá trị của người khác, lấy đó làm mô hình cho mình, thì sẽ dễ đi lạc.

“Đừng đánh mất bản thân, tôi nghĩ đó là điều khiến cho bản thân lúc nào cũng hoà bình với chính mình. Mình không bị những cái khổ sở khi không đúng là mình, đấy là cái khó nhất.” - Bác nói.



















Trở về








MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.