Nguyễn Quân
(1948 - ......) Phú Thọ
Họa Sĩ, Nhà phê bình Mỹ Thuật
- 1971 Tốt nghiệp Đại học Merseburg Đức
- 1980 Giải thưởng Triển lãm Toàn quốc 1980
- 1978-1984 Phó chủ nhiệm khoa Lý luận và lịch sử mỹ thuật, Đại học Mỹ thuật Hà Nội
- 1984-1989 Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam
- 1986-1989 Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật, Phó Giám đốc NXB Mỹ thuật, Hà Nội
- 1989 Chuyên viên NXB Mỹ Thuật
- Có các triển lãm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Huế, Vũng Tàu, An Giang, Hồng Kông, Paris, Thụy Sỹ, Singapore…. Tác phẩm được lưu giữ tại các bảo tàng công cộng Hà Nội, Singapore, Fukuoka, Nhật, Ba Lan và trong nhiều sưu tập tư nhân ở châu Á, châu Âu, Úc và Bắc Mỹ.
- Đã xuất bản 14 cuốn sách về nghệ thuật và nhiều bài báo in trên các tạp chí trong nước và quốc tế.
Tác phẩm tiêu biểu
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân:
Mỹ thuật vẫn đi đầu
(TT&VH) - Là tác giả của hàng loạt cuốn sách “độc” nghiên cứu mỹ thuật, nhất là Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20, luôn đi sâu sát các sự kiện mỹ thuật lớn nhỏ trong nước… Họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân chia sẻ vớiTT&VH về bộ mặt mỹ thuật Việt Nam trong 10 năm qua.
* Xin ông cho biết về tình hình mỹ thuật Việt Nam trong vòng 10 năm qua?
- Đây là chủ đề cho các công trình nghiên cứu chuyên sâu. Tôi thấy 10 năm qua là thập niên rất sôi nổi, biến động nhiều, thay đổi nhiều của mỹ thuật, có thêm nhiều cái mới và những cái mới đó đã bắt rễ, định hình trong đời sống văn hóa. Thang giá trị thẩm mỹ cũng có thay đổi và xã hội dần chấp nhận những thay đổi ấy. Mỹ thuật vẫn giữ được vị thế đi đầu, “khơi mào” cho đổi mới, hội nhập, hội tụ nghệ thuật ở trong và ngoài nước.
* Những sự kiện mỹ thuật nào đáng nói tới trong 10 qua? Chúng có tác động gì đến sự phát triển của mỹ thuật nước ta, thưa ông?
- Tôi nhớ tới hội thảo quốc tế về Art - Đổi mới do Bảo tàng Nghệ thuật Singapore (SAM) tổ chức tại Singapore tháng 9/2008. Nó chứng tỏ vị trí và sự hấp dẫn của mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Về hội họa các bậc thầy hiện đại đầu tiên và tác giả đổi mới xuất hiện ở các bảo tàng, triển lãm, đấu giá, hội chợ, workshop… cùng các nghệ sĩ trẻ vẫn cho thấy uy tín của mỹ thuật Việt Nam bất chấp tệ làm tranh giả, tranh nhái tràn lan cũng như sự tự copy, thương mại hóa của không ít họa sĩ.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Quân chia sẻ với TT&VH
Các hội thảo do Viện Mỹ thuật tổ chức về Điêu khắc ngoài trời, Nghệ thuật Đổi mới, Văn hóa Hà Nội, Mỹ thuật thời Lý… với tranh luận đôi khi gay gắt cũng rất được chú ý.
Các trại điêu khắc quốc tế ở nhiều tỉnh thành đã đưa được tác phẩm hiện đại nước ngoài và Việt Nam vào môi trường sống của người dân. Tuy nhiên gần đây hình thức này bị lạm dụng, hành chính hóa và chất lượng không cao.
Triển lãm điêu khắc Không gian mới tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam 1999 và hàng loạt triển lãm, điêu khắc khác ở Hà Nội, TP.HCM của các nhóm, các cá nhân cho thấy ở Việt Nam cuối cùng cũng đã có điêu khắc hiện đại, đương đại. Diện mạo điêu khắc đã thay đổi rất “căn bản”...
Sự kiện Đỏ Vàng Xanh ở Viện Goethe, Festival nghệ sĩ trẻ ở ĐH Mỹ thuật VN và ở TP.HCM, các sự kiện contemporary art (nghệ thuật đương đại) trong Festival Huế và nhiều không gian nghệ thuật tư nhân, các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, cũng như ở các nước khác cho thấy contemporary art đã lớn mạnh, trở thành bộ phận năng động, nhạy cảm, phản biện mạnh nhất của mỹ thuật cả về thẩm mỹ lẫn chính trị, xã hội. Một phong thái làm nghệ thuật phi lợi nhuận, phi chính phủ, kết nối toàn cầu, kết nối cộng đồng… đã hình thành.
Một “hiện tượng âm thầm” lặng lẽ ít ai để ý tới là sự phát triển của design (thiết kế) và mỹ thuật thủ công. Với đòi hỏi của thị trường và công nghệ, hai ngành này phát triển khá mạnh, tác động trực tiếp vào thị hiếu cũng như không gian sống. Nghề design trở thành một nghề hot nhất.
Sự xuất hiện các trung tâm văn hóa, các quỹ văn hóa nước ngoài ở Việt Nam như Viện Goethe, L’Espace, SIDA, Ford… cũng như việc có nhiều nghệ sĩ nước ngoài, Việt kiều sinh sống và làm việc tại Việt Nam tạo ra một thứ “nghệ thuật liên doanh”, “nghệ thuật sứ quán” khá nhộn nhịp, gây nhiều sự kiện, làm hoạt náo đời sống mỹ thuật. Nó gây ra không ít lo lắng và hy vọng cho giới quản lý và nghệ sĩ, góp phần riêng của mình vào hội tụ, hội nhập.
* 10 năm, với sự ghi dấu của việc thâm nhập các loại hình nghệ thuật đương đại, ông có ý kiến gì về điều đó?
- Contemporary art đã phát triển ngoạn mục tạo được đội ngũ đông đảo, hoạt động sôi nổi nhất, gây được nhiều sự quan tâm của công chúng nhất, cũng là bộ phận “xuất khẩu”, đại diện thường xuyên nhất của mỹ thuật Việt Nam trong không gian quốc tế. Qua gần 20 năm phát triển nó đã có các tác giả có uy tín, các tác phẩm chuẩn mực của mình. Nó đang tiến vào các cơ sở đào tạo để đi tới hình thành lớp nghệ sĩ thị giác trẻ bài bản hơn. Giai đoạn tự phát rất lãng mạn, phiêu lưu và gay cấn sẽ dần qua.
Từ những năm 90 tôi đã mong đợi sự xuất hiện tất yếu của nó nhưng vẫn bị bất ngờ khi nó xuất hiện đầu tiên ở Hà Nội chứ không phải TP.HCM.
Gần đây có một số nghệ sĩ thị giác đương đại đã có thể sống bằng nghệ thuật “phi lợi nhuận” của mình.
Cái mới lạ, tinh hoa, gây chấn động luôn cực hiếm
* Theo ông, phải chăng đang có sự suy thoái về các loại hình nghệ thuật mới như trình diễn, sắp đặt, video art, sound art khi các tác phẩm bắt đầu trở nên nhàm chán, chưa có những khám phá mới? Và không ít nghệ sĩ thực hành lại chưa được trang bị kiến thức nghệ thuật một cách bài bản, đầy đủ?
- Tôi không nghĩ có suy thoái. Có chăng là ta đã dần quen với các loại hình này, không còn tò mò háo hức như trước và sẽ thấy nhàm chán khi ở đâu cũng gặp lại những tác giả ấy, những ý tưởng ấy. Khi đã trở nên bình thường thì ở đâu cũng “bấy nhiêu chuyện” thôi. Cái mới lạ, tinh hoa, gây chấn động luôn cực hiếm.Song tôi thấy đáng mừng là contemporary art đã có công chúng của mình. Một ký giả về văn hóa nói: Xem cái món này (contemporary art) thú hơn xem triển lãm điêu khắc mà triển lãm điêu khắc còn đỡ chán hơn triển lãm hội họa!
Đúng là đã tới lúc cần và đã có thể đào tạo chính quy, cung cấp kiến thức bài bản các môn này ở các trường mỹ thuật. Cần xây dựng một bộ thuật ngữ chuyên ngành contemporary art và một hệ cơ cấu hạ tầng để các môn này phát triển tự nhiên, bình đẳng trong xã hội (curator, nhà tài trợ, bên cấp phép, luật hành nghề, công nghệ và không gian hoạt động, hoạt động giáo dục nghệ thuật, kết nối truyền thông, kết nối cộng đồng, mạng giao lưu quốc tế, lưu trữ và quảng bá…). Điều này rất cần vì contemporary art không chỉ khác các môn truyền thống về mặt thẩm mỹ mà chủ yếu khác về cách sáng tác, cách tiếp nhận, cách tổ chức, cách tiêu thụ, cách quảng bá…
* Về hội họa thì sao, theo ông, có những triển lãm nào đáng lưu ý?
- Đây là câu hỏi hay vì tôi và nhiều người khác sẽ không trả lời được. Không nhẽ tôi nêu triển lãm Post Đổi Mới ở Singapore và hai cuộc trưng bày S.Polker và G.Richter ở Hà Nội!
Tác phẩm tranh khắc gỗ tô màu
Trẻ ngủ của nữ họa sĩ Nguyễn Hương Giang
Những nhân vật ghi dấu ấn thập niên
- Xin trả lời rất “bột phát” hoàn toàn không đánh giá gì về mặt “chất lượng” và không theo thang bậc của “tầm quan trọng”:Các tác giả của rất nhiều tượng đài khổng lồ chiếm hầu hết kinh phí Nhà nước chi cho mỹ thuật - với nhiều tỷ đồng. Một loại nghệ thuật “độc nhất vô nhị” tiếp nối kiểu nghệ thuật tuyên truyền đã cũ ở Liên Xô và Trung Quốc trước đây!
Tranh Lê Phổ xuất hiện tại các cuộc đấu giá lớn và lập kỷ lục về giá tranh Việt Nam trên thị trường “lớn” tức là nơi bức tranh là một khoản đầu tư thuần túy. Lão họa sĩ Trần Lưu Hậu làm việc năng suất hơn ai hết và xây cả một studio - bảo tàng cá nhân lớn ngay tại Hà Nội. Điều đó chứng tỏ các thế hệ lão thành vẫn đồng hành với lớp trẻ.
Đinh Ý Nhi, Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Lý Trần Quỳnh Giang… có một thứ hội họa giàu chất nữ quyền, gai góc bóc đi cái nhãn “dịu dàng đèm đẹp” vốn bị dán cho nghệ thuật của phái nữ.
Lê Quảng Hà, Hà Mạnh Thắng, Minh Phước, Nguyễn Sơn… cho thấy câu chuyện “tính dân tộc” chỉ là mặt kia của hội tụ nghệ thuật, không chỉ với châu Âu mà cả với nghệ thuật châu Á đương đại, Pop Trung Hoa chẳng hạn.
Đào Châu Hải, Bùi Hải Sơn... vừa có các sáng tác vừa tổ chức hoạt động có ảnh hưởng làm thay đổi ngôn ngữ, khuynh hướng điêu khắc ở Hà Nội và TP.HCM.
Trần Lương, Trương Tân… với các tác phẩm và sự kiện contemporary art có ảnh hưởng mạnh tới sự phát triển các môn này.
N. Kraevskaia - Salon Natasha, V.Rudokovic, Đinh Q.Lê - Sàn Art, Chủ Quỳnh Gallery, S.Lecht chủ Art Vietnam Gallery, ông Augustin - Viện Goethe… là những người nước ngoài, Việt kiều làm việc, giảng dạy, nghiên cứu hay kinh doanh mỹ thuật tại Việt Nam. Chủ Apricot Gallery, một phòng tranh thương mại thành công nhất, mới mở một chi nhánh ở London. Bùi Quốc Chí, Trần Hậu Tuấn xây hai bảo tàng tư nhân đầu tiên (tuy chưa hợp thức hóa) lưu giữ tác phẩm mỹ thuật Việt Nam. Thành Chương Việt phủ đưa sưu tập nghệ thuật cổ thành một điểm du lịch văn hóa.Phan Cẩm Thượng với các sách nghiên cứu nghệ thuật cổ và đời sống nghệ thuật rất được quan tâm.
Trương Hán Minh, Lê Quốc Việt… cho thấy một sự “lạ đời” là tuy cả ngàn năm theo Khổng học và gần Trung Hoa tới tận bây giờ, quốc họa và thư pháp mới xuất hiện như là một môn nghệ thuật nghiêm túc ở ta.
Đào Anh Khánh - studio, Mạnh Đức - Nhà sàn, anh em Thanh Hải - New Space, Đào Vũ - VAC…với các không gian nghệ thuật tư nhân liên kết, hoạt động độc lập, kết nối trong nước và quốc tế.
Tất nhiên không thể liệt kê hết các “nhân vật đáng nhớ” của cả một thập niên.
Đón chờ một thế hệ mới và các làn sóng mới* Theo ông, từ tình hình thực tế của Mỹ thuật Việt Nam hiện nay, đâu sẽ là hướng đi tiếp theo trong những năm tới?
- Tôi lạc quan rằng Mỹ thuật Việt Nam sẽ phát triển tốt trong thời gian tới. Hội họa, điêu khắc và contemporary art đều đang đón chờ một thế hệ mới và các làn sóng mới. Sẽ không buồn tẻ hay suy thoái. Tôi hy vọng rằng chính quyền sẽ có những điều chỉnh vĩ mô về mỹ thuật, thí dụ như vấn đề “lạm phát” tượng đài, luật hành nghề tự do, vấn đề cấp giấy phép, kinh phí hỗ trợ nghệ sĩ, xây dựng các quỹ phi lợi nhuận, vấn đề tạo cơ sở vật chất cho mỹ thuật hoạt động, việc giáo dục nghệ thuật và xây dựng bảo tàng nghệ thuật hiện đại v.v...
Tôi cũng hy vọng các doanh nhân, doanh nghiệp sẽ nhận thức ra vai trò, sứ mạng, trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của văn hóa nghệ thuật quốc gia và nhà nước sẽ có định hướng, luật lệ cùng những ưu đãi để họ có thể việc đó. Lớp đại gia và trung lưu có văn hóa sẽ mua nghệ thuật, tạo ra một thị trường nội địa đủ mạnh để đẩy được mỹ thuật vào thị trường quốc tế như Trung Quốc hay Indonsia đã làm được. Mỹ thuật Việt Nam sẽ không chỉ còn là xuất khẩu tại chỗ hàng giá rẻ nữa.
Tôi hy vọng nạn làm tranh giả tranh nhái, tự copy mình hạ nghệ thuật xuống hàng đồ lưu niệm sẽ giảm bớt. Hy vọng các cháu bé không còn phải khổ vì môn nhạc họa như hiện nay. Hy vọng các công sở nhà nước, các trụ sở công ty, các nơi công cộng sẽ thôi tràn ngập các sản phẩm mỹ thuật tồi và trở thành nơi trú ngụ của những giá trị mỹ thuật đích thực của các tác giả Việt Nam…
Tất nhiên mọi hy vọng tự nó đều chứa yếu tố viển vông!
* Xin cảm ơn ông.
Nguyễn Quỳnh Trang (Thực hiện)
Họa sĩ Nguyễn Quân: Người "Việt hóa" nghệ thuật siêu thực
Con đường của họa sĩ Nguyễn Quân đi từ biểu hiện đến siêu thực, và đọng lại ở một phong cách “siêu thực phương Đông", phản chiếu những bí ẩn của tâm thức người Việt...Ông vốn là một cử nhân Toán tu nghiệp từ Đông Đức về, đã làm nhiều nghề, rồi vẽ tranh và theo nghiệp mỹ thuật.
Chân dung tự họa Nguyễn Quân
Con đường của họa sĩ Nguyễn Quân đi từ biểu hiện đến siêu thực, và đọng lại ở một phong cách “siêu thực phương Đông", phản chiếu những bí ẩn của tâm thức người Việt...Ông vốn là một cử nhân Toán tu nghiệp từ Đông Đức về, đã làm nhiều nghề, rồi vẽ tranh và theo nghiệp mỹ thuật.
Thời bao cấp, Nguyễn Quân vẫn lần lượt cho ra đời Nghệ thuật tạo hình Việt Nam, Raphaelo, Tiếng nói của hình và sắc, Ghi chú về nghệ thuật, những cuốn sách không giấu giếm niềm háo hức say mê đối với thứ nghệ thuật và thẩm mỹ đa chiều.
Con đường ở tự người đi
Ông là người luôn có một đám đông "nhiều màu sắc" vây quanh, nhưng cũng luôn lạc lõng ngay giữa đám đông.
Nguyễn Quân trước hết là một người tự học. Không hẳn để khắc phục những thiếu thốn về trường lớp, trang bị cơ sở, người hướng đạo. Học như một cách khắc phục những ngộ nhận áp đặt tất yếu của môi trường, như một con đường tìm tòi khai lộ phẩm chất bản thân, đáp trả những khao khát, ẩn ức của đời người và tư tưởng, để vượt khỏi những rào cản của tồn tại cá nhân vừa độc nhất vừa đơn lẻ, hữu hạn. Như một cao vọng.
Những sách nghiên cứu của ông không đơn thuần tổng kết sơ đồ hóa khô khan kiến thức áp đặt từ bên ngoài, mà mở ra một chu trình sống thực sự của bản thân người nghiên cứu, kể từ khi bắt đầu va chạm, tiếp nhận và đắm mình trong thế giới nghệ thuật, dù phương Tây hay truyền thống.
Bóng dáng của những ngỡ ngàng rung động hay ngây ngất choáng ngợp, và quan trọng hơn là một tâm thế chứng nghiệm, tâm thế người trong cuộc với những ngả đường, hiện tượng, cả thiên tài... của ngành mỹ thuật, là tính cách độc đáo trong nghiên cứu của Nguyễn Quân.
Lịch sử và những vấn đề bản chất của sáng tạo mỹ thuật cũng trùng hợp vẫn con đường tự khai phá những nội lực bản thân của ông. Nói cách khác, lịch sử nghệ thuật trọn vẹn là lịch sử trong cảm nhận chứng giải của một cái tôi mạnh mẽ, nhạy cảm, đầy phát hiện và "theo chiều ngược lại”.
Những người trẻ tìm thấy trong lối viết của ông điều gần giống như chia sẻ và động viên bởi nó còn mang dấu vết của con đường đi tìm chân lý với những hồ nghi nhưng đầy khát vọng và luôn cần đồng cảm.
Nguyễn Quân thuộc số những họa sĩ bị "mổ xẻ " nhiều nhất, giới thẩm bình nghệ thuật xem sáng tác của ông như phương án dẫn dắt cho một thế hệ người vẽ tự "đổi mới”, tìm đến đường biên của nghệ thuật hiện đại thế giới. Con đường của Nguyễn Quân từ Biểu hiện đến Siêu thực và đọng lại ở một phong cách "siêu thực phương Đông" như một số người thấy, phản chiếu những bí ẩn của tâm thức Việt khi xâm lấn tinh thần và những kỹ thuật phương Tây hiện đại.
Mảng màu êm và trầm, hình nét chuyển động nhuần nhị êm ả trong thời kỳ đầu. Biểu hiện tạo ra thứ nhịp điệu hài hòa duy cảm thuần Việt, tinh thần này lặp lại khá rõ nét trong một số học trò của ông. Giai đoạn tranh Bàn thờ có nude, tranh về Cái Chết như cách gọi của Nguyễn Quân, được vẽ hoàn toàn dưới ánh sáng hiện đại với sơn dầu hoàn hảo. Những mảnh nhỏ của thế giới tự nhiên, hoa trái, gốc cây, đá, bụi mưa... cho đến những phần cơ thể con người được đặt vào trong một tiểu vũ trụ riêng, mang cùng một linh hồn, trong cùng một đốn ngộ, một satna như cách gọi của Phật.
Một sớm mai đêm chưa tàn còn đẫm sương giá và bóng đen tuyệt không xóa sổ mọi cảnh vật, có tiếng chuông sớm bập bềnh, len lỏi, thoắt ẩn hiện giữa thinh không tinh khiết. Tiếng chuông vừa rành rọt vừa đứt quãng va đập vào tâm trí người thức sớm, làm hiện lên rõ mồn một những không gian bị khuất lấp dưới thứ ánh sáng lạ lùng của tiềm thức. Có thể hội hoạ của Nguyễn Quân cũng đem đến cho người xem cảm giác tương tự.
Họa sĩ vẽ những hiện thực không đuợc nhìn thấy bằng mắt. Đôi khi là vẽ một lối cảm nghĩ, điều này khiến ông gần hơn với xu hướng của các họa sĩ trẻ hiên tại, mặc dầu vẫn thong thả tự chiêm ngưỡng trong form hình và màu viên mãn.
Nguyễn Quân nói, ông thích Chùa Dâu hay Tú Xương chẳng kém gì Van Gogh hay Klee... không phải một sự chia đều thiện cảm hay thích nghi để tồn tại. Trong khoảng cách thực ra còn rất xa giữa cảm thức nghệ thuật của phương Đông và Tây như đã từng nhận thấy, ông đứng ở vị trí của trái tim duy cảm, duy mỹ và tri thức năng động. Những ràng buộc riêng tư với Nguyễn Quân có thể là động lực trực tiếp và sâu xa của sáng tạo. Khi con ốm, ông sẵn lòng vứt hết "nghệ thuật phù phiếm" nếu có thể đổi lấy yên lành cho con, nhưng cũng chính tình phụ tử như một bí mật sinh tồn đẩy ông đứng lên bên giá vẽ.
Nghệ thuật cuối cùng là con đường trở về với bản thể cá nhân, sự tồn tại riêng tư tự do nhất. Vượt lên trên những rào cản của định kiến, trì trệ, tầm thường và giả tạo, con người sống phần tinh túy và rộng lớn dành cho nghệ thuật.
Hà Nội những năm tháng này vẫn còn những căn gác nhỏ ẩn dật ngoắt nghéo sau cái ồn ào hỗn độn. Nhiều gió. Và bụi của kỷ niệm. Một giá sách chất chồng cũ - mới, lặng lẽ lưu giữ gia tài tinh thần của những thế hệ. Một cuốn sách có lời ghi tặng của tác giả, Nguyễn Quân, từ cách nay mười lăm năm. Như một sự hoang đường...
Họa sĩ Nguyễn Quân: Tự học là bản chất của mọi sự học, sáng tác hay nghiên cứu
Trò chuyện với Sáng tạo vì Khát vọng Việt, ông không giấu giếm những trăn trở về ngành, về thế hệ kế thừa.
Xuất thân từ dân học toán, làm quản lý, tự học vẽ, trở thành họa sĩ và cây bút nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp. Ông có lời nhắn gửi gì cho thế hệ trẻ về sự “tự học” thành tài này?
Tôi học vẽ trước học toán, không làm toán ngày nào, làm quản lý có “1 nhiệm kỳ”. Chủ yếu chỉ biết vẽ, viết và dạy học. Tự học là bản chất của mọi sự học, sáng tác hay nghiên cứu. Mỹ thuật phải có chút tay nghề kỹ thuật và tạo hình phải nắm vững, có rất nhiều sách vở và vật liệu để tự học. Không phải là nghiệp dư hay dân gian. Anh phải tự học tất cả (nếu không nói là nhiều hơn) những gì là hàn lâm phải học ở trường. Rất nhiều các danh họa thế giới và Việt Nam tự học hoặc học dở dang rồi bỏ trường… ra tự học. Cánh cửa nghệ thuật rộng mở, chân trời bao la. Nhưng “học thành tài” (dù ở trường hay tự học) không phải là quy luật, mục đích của nghệ thuật. Tự tin, thành thật với mình trong sáng tạo… rồi xem trời có bảo mình (thành tài) không đã là may mắn của một đời nghệ sĩ.
Họa sĩ Nguyễn Quân
Một Nguyễn Quân họa sĩ với một Nguyễn Quân nghiên cứu - phê bình (NCPB) có gì khác nhau? Hai vị trí, hai công việc này có tác động tương hỗ tới nhau ra sao khi ông làm nghề?
Làm tốt cái nghề - sứ mạng của mình là danh dự, đạo đức của người hành nghề. Khi đó nghề mình chọn - hay trời bảo cũng là niềm vui hạnh phúc, bất chấp vất vả, bạc bẽo…
Phan Cẩm Thượng và Nora Taylor đều đã viết rằng trong tôi có hai người khác nhau, đôi khi cãi nhau. Tôi cũng thấy mình “viết một đằng, vẽ một nẻo”, sáng tác và nghiên cứu là hai hình thái ý thức (về mình và về thế giới) khác nhau, hai cách khác nhau để nội quán và ngoại quán. Nhiều người cho rằng khi sáng tác cái hiểu, biết làm hại cái cảm xúc. Nhiều người lại cho rằng không có triết lý, tri thức không thể có tác phẩm sâu sắc. Nhiều đồng nghiệp thấy tranh tôi đẹp hay không đẹp vì cả hai lý do: vì tình cảm quá mà thiếu ý tưởng hoặc vì lý sự quá hóa rườm rà.
Là cha đẻ nhiều cuốn sách nghiên cứu và phê bình mỹ thuật rất sâu sắc, được đánh giá cao (Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại, Mỹ thuật của người Việt, Mỹ thuật ở Làng, Tiếng nói của hình và sắc, Ghi chú về nghệ thuật, Mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 20…), nhưng ông từng nhận định nghề NCPB rất vất vả và bạc bẽo. Tại sao ông vẫn tiếp tục chấp nhận sự bạc bẽo đó?
Trong tiếng Đức chữ nghề nghiệp - Beruf - cũng có nghĩa là thiên chức, được Chúa chọn, trời bảo làm nghề ấy, việc ấy. Làm tốt cái nghề - sứ mạng của mình là danh dự, đạo đức của người hành nghề. Khi đó nghề mình chọn - hay trời bảo cũng là niềm vui hạnh phúc, bất chấp vất vả, bạc bẽo…
Xin chia sẻ về tác phẩm phê bình mà ông đang viết.
Hiện tôi đang viết một vài bài tiểu luận về bản chất và phương pháp của “nghề” NCPB nghệ thuật. Sau NCPB văn học thì NCPB mỹ thuật ở Việt Nam đã có đội ngũ và lịch sử của chính nó. Đã đến giai đoạn cần nâng cấp về chất để đáp ứng nhu cầu về giáo dục nghệ thuật trong một xã hội hiện đại, văn minh.
Theo ông, để giữ được cây bút phê bình trong sáng, công tâm, người phê bình mỹ thuật cần có những yếu tố gì?
Thực ra NCPB không phải quan tòa. Nếu anh còn phụ thuộc hệ tư tưởng, tôn giáo, hệ hành chính, hệ tài chính… thì tất nhiên không “trong sáng, công tâm” được. Hơn nữa bất tài mà lại được bổ vào các chức vụ các hội đồng… để phán xét, trao giải thì tất là “tham nhũng trí tuệ”. Có tài và độc lập không phụ thuộc các thứ đó thì sẽ được nghệ sĩ, công chúng, xã hội tin cậy, mới có ích cho phát triển văn hóa.
Xin ông cho vài lời khuyên đối với thế hệ trẻ theo nghề NCPB?
Nếu tôi là thế hệ thứ hai thì nay ta đã có thế hệ thứ 3, thứ 4 làm NCPB rồi. Họ làm việc ở nhiều lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, truyền thông, tổ chức hoạt động nghệ thuật… Khó cho họ là nghiên cứu thì không có kinh phí, không có điều kiện du học sau đại học. Truyền thông văn hóa mới chỉ yêu cầu họ ở mức làm MC giới thiệu cổ động cho nghệ sĩ, sự kiện… khó hành nghề thật sự. Tôi đã kiến nghị từ 30 năm nay về ngành nghề - môn học giáo dục nghệ thuật, thay cho môn vẽ dạy kỹ năng hiện nay. Đội ngũ các nhà giáo dục nghệ thuật và môn này sẽ nâng tầm nghệ thuật của toàn xã hội và là nền rộng, chắc cho NCPB chuyên sâu. Cá nhân tôi biết khoảng 15-20 nhà NCPB trẻ có tài, tiềm năng… Còn nhà NCPB xuất chúng luôn hiếm hơn nghệ sĩ xuất chúng nhiều.
Ngọc Bi
(thực hiện)
NGUYỄN QUÂN VÀ THỜI ĐIỂM ĐỔI MỚI
Thời điểm Đổi mới, cách đây 30 năm, được xác định trong khoảng thời gian 1987/1988 là một bước thay đổi lớn của dân tộc, không chỉ đơn thuần là chuyển từ nền kinh tế Bao cấp và kế hoạch hóa, sang nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, việc bỏ cấm chợ ngăn sông, từng bước đi đến nền kinh tế thị trường tự do, công nhận sở hữu tư nhân đã làm cho đời sống trở nên dễ thở, so với giai đoạn trước đó, lương thực, hàng hóa khan hiếm trầm trọng và đồng lương không nuôi nổi cán bộ một tuần. Đối với văn nghệ, nhất là đối với mỹ thuật, Đổi mới nhanh chóng tạo ra những cuộc giao lưu văn hóa bằng các triển lãm ra nước ngoài, dưới hình thức cá nhân và một thị trường manh nha, nhưng cải thiện căn bản đời sống nghệ sỹ. Và theo như Nguyễn Quân, giới mỹ thuật đã đi trước một bước so với các ngành nghệ thuật nói chung, và vì thế nó được hưởng lợi nhiều nhất thành quả của Đổi mới.
Họa sỹ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân
Cái cảm giác về sự cần thiết thay đổi trước tiên vì nhiều mặt của đời sống, sau đó mới đến nghệ thuật. Những bất cập về dân chủ, quản lý kinh tế và xã hội từng được đề cập trong các sáng tác sân khấu của Lưu Quang Vũ và sau đó trong văn học của Nguyễn Huy Thiệp. Mỹ thuật là một lĩnh vực không có quá trình thời gian và không nghiêng về các mâu thuẫn xã hội, bởi vì nó chỉ là một thời điểm không gian thẩm mỹ, tuy nhiên nó có thể diễn đạt sâu sắc các tâm trạng xã hội thông qua các gương mặt và hành vi của con người. Điều có thể thấy trong hội họa của Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm và Dương Bích Liên. Các họa sỹ trẻ cũng nhậy cảm với điều đó và họ cần sự tự do hơn khi lựa chọn nhiều ngôn ngữ sáng tạo hơn là chỉ hạn chế trong ngôn ngữ tả thực, và cũng không muốn chờ đợi một sự chỉ đạo nào về phương hướng sáng tác. Chủ nghĩa Hiện đại (Modern Art) đã được vận dụng ít nhiều, chủ yếu dưới mặt hình thức ngay từ những năm 1980, đặc biệt trong triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 1980, khi sự phê phán chủ nghĩa Hiện đại trong nghệ thuật bắt đầu nới lỏng. Cuộc triển lãm Họa sỹ trẻ năm 1982, tại nhà triển lãm Ngô Quyền, cho thấy một bước nữa về sự đề cập đến chiến tranh, đời sống xã hội bằng ngôn ngữ lập thể, biểu hiện và sự khai thác truyền thống dân tộc kết hợp với ngôn ngữ hội họa Hiện đại. Việc đưa ra triển lãm cá nhân của các họa sỹ Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng và Bùi Xuân Phái trong thập kỷ 1980, cho thấy vai trò quan trọng của cá nhân nghệ sỹ và sự đổi mới bắt đầu từ những thành viên trẻ của ban chấp hành hội Mỹ thuật. Điều này về sau có sự tranh cãi nhất định có thực sự một nền hội họa Đổi mới (hay mỹ thuật nói chung) hay không, hay đó chỉ là đổi mới về hoạt động nghệ thuật mà thôi. Họa sỹ Lý Trực Sơn cho rằng: Không hề có một thứ hội họa Đổi mới. Ông cho rằng: Đổi mới chỉ là vấn đề xã hội, đối với Bùi Xuân Phái chẳng hạn, thì Đổi mới hay không, ông vẫn vẽ như thế. (Ghi chép Những trao đổi riêng với họa sỹ Lý Trực Sơn). Đây là điều ông không tán thành quan điểm của họa sỹ Nguyễn Quân.
Nguyễn Quân, Đường lên Tây Bắc, sơn dầu, 1986
Nguyễn Quân nhận thấy trong cơ chế Bao cấp, các họa sỹ vẽ theo phương châm sáng tác mà nhà nước chỉ đạo, đặt ra, rồi nhà nước cho tiền bầy triển lãm, bảo tàng nhà nước lại mua tranh. Đó là một vòng tròn rất tiện cho các nghệ sỹ sáng tác làm công nhân viên chức. Tất nhiên là Hội Mỹ thuật, các cơ quan Mỹ thuật sẽ duyệt triển lãm, với rất nhiều điều cấm kỵ mơ hồ. Từ thời điểm Đổi mới, giới mỹ thuật (hay nghệ thuật nói chung) được xác định rõ phạm vi của tự do sáng tạo và những quy chế sáng tác nói theo diện rộng - tất cả mọi ngôn ngữ nghệ thuật người sáng tác đều có thể làm, với ba điều không được vi phạm: Không đi ngược lại chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước; Không tuyên truyền văn hóa đồi trụy; Không phân biệt chủng tộc (Ghi chép Những trao đổi riêng với họa sỹ Nguyễn Quân, 1983/1988) Trên thực tế thì ba điều này cũng phổ biến ở nhiều quốc gia. Những cuộc trao đổi với những nhà quản lý ở thời điểm Đổi mới cho thấy sự Bao cấp không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng có cả sự Bao cấp về tinh thần. Nguyễn Quân nhấn mạnh sự cần thiết phải từ bỏ bao cấp về tinh thần, bắt đầu tự việc tự sáng tác, tự trình bầy triển lãm và tự bán tranh. Tinh thần đó được mở đầu trong trại Sáng tác Đại Lải, năm 1985 và sau đó là cuộc triển lãm những sáng tác Đại Lải năm 1986 với nhiều họa sỹ già trẻ mong muốn sự thay đổi cấp tiến.
Nguyễn Quân, Lồng chim, gỗ mít+tre, 1996
Cuộc triển lãm các nước Xã hội chủ nghĩa, năm 1987, tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là lần tụ hội cuối cùng về mặt nghệ thuật trước khi khối XHCN Đông Âu tan rã, cho thấy một toàn cảnh xã hội đầy những nỗi buỗn và những bất cập. Thực ra, có một sự kiện ít người để ý, ngay từ những năm 1980, cuốn sách Nửa đời nhìn lại gồm nhiều truyện ngắn của các nhà văn các nước XHCN Đông Âu đã phản ánh tâm tư buồn tẻ về những hoàn cảnh sống bất trắc. Người Việt sau chiến tranh có quá nhiều việc làm để giaỉ quyết đời sống khó khăn ít nhìn đến những khó khăn của người khác. Sau đó trong năm 1989, Nguyễn Quân và những nghệ sỹ tổ chức triển lãm hội họa 16 người cũng tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là triển lãm tự làm đầu tiên, hoàn toàn tự túc về kinh phí và tổ chức, không có hội Mỹ thuật xét duyệt. Cuộc triển lãm thành công trước hết về sự nhận thức vai trò cá nhân nghệ sỹ chủ động với sáng tác của mình và tự chịu trách nhiệm khi đưa tác phẩm ra xã hội. Triển lãm cũng là tiền đề của triển lãm sau đó – Tâm hồn bộc bạch (Uncorked Soul), do gallery Vạn Ngọc đường (Plum Blossoms Gallery) tại Hồng Kông tổ chức, năm 1991, lần đầu tiên bầy ở một nước ngoài khối Xã hội chủ nghĩa. Triển lãm này sau đó được bầy tại Singapore. Ngay lập tức hội họa Việt Nam được coi là một phát hiện ở châu Á và trở thành cây cầu văn hóa khi Việt Nam Đổi mới và mở cửa. Từ đó các họa sỹ liên tục trưng bầy tác phẩm của mình trong ngoài nước, với tư cách cá nhân, trực tiếp làm việc với các gallery và các tổ chức văn hóa nước ngoài, cũng như các chuyến hội thảo và thăm quan nghệ thuật. Đến năm 1992 thì triển lãm Hội họa Trừu tượng đầu tiên được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh, những thay đổi về nhận thức nghệ thuật cũng bắt đầu thấy được ở điêu khắc trong triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1990 và triển lãm Điêu khắc 10 năm lần năm 1993.
Nguyễn Quân, Bố cục, sơn dầu, 1992
Trong bài Mỹ thuật Đổi mới - một thời sự đã qua, Nguyễn Quân viết: Trong không khí “đêm trước của Đổi mới” mỹ thuật trở thành lò phản ứng, phòng thí nghiệm chuẩn bị cho mở cửa và đổi mới vượt qua vô vàn khó khăn, cản trở từ phía bảo thủ, công thần, quan liêu bao cấp cùng sự rụt rè, tâm lý “sợ làn cây cong” của số đông nghệ sỹ “trung dung”. Đến 1989 hình như có một sự tự kìm hãm “sợ đi nhanh quá thì té, mở cửa nhanh quá thì trúng gió” với các thiết chế và cách “quản lý” mỹ thuật mang tính cơ hội, bảo thủ, ít tâm huyết. Tình trạng này kéo dài tới tận bây giờ khi mà toàn bộ các thiết chế mỹ thuật không còn phù hợp với xã hội nữa. Cũng may là từ 1990 mỹ thuật hoạt động chủ yếu trên cơ sở cá nhân, các tổ chức phi chính phủ và mở cửa với thế giới. Các triển lãm hội họa VN ở nước ngoài tạo ra một phát hiện văn hóa. Hội họa doimoi trở thành “cửa sổ dân chủ” của văn hóa VN. Sự bùng nổ ở trong nước và sự hấp dẫn của hội họa VN đối với khu vưc và quốc tế kéo dài tới khoảng cuối những năm 1990. (Tạp chí Tia sáng, 5/11/2006).
Nguyễn Quân, Hồ Tây, sơn dầu, 1982
Vừa nhập cuộc tích cực với tư cách là người tổ chức và sáng tác, hòa đồng một cách đơn giản với nghệ sỹ nói chung, vừa cô đơn một cách sâu sắc, Nguyễn Quân luôn nhìn ra trước những vấn đề xã hội và cách thức phát triển nghệ thuật khi nền kinh tế thị trường còn hết sức manh nha, ông cũng nhìn ra những mặt hạn chế của thị trường hội họa khi nó có nguy cơ hủy hoại sự lành mạnh của sáng tác và tính hình thức của nghệ thuật khi đuổi theo thị trường, điều mà sáng tác trước Đổi mới chưa xuất hiện. Sự kết hợp giữa việc tìm lại cội nguồn văn hóa truyền thống và ngôn ngữ nghệ thuật Hiện đại (Modern Art) đã làm cho nghệ thuật Việt Nam vừa dân tộc hơn vừa hiện đại hơn, như là sự vươn ra hai đầu của nền tảng văn hóa cho nghệ thuật.
Nguyễn Quân, IPO truu tượng, mực + giấy+sơn dầu, 2008
Đổi mới là một thời điểm dân tộc quyết định sự thay đổi để giải quyết những bế tắc xã hội, hậu quả của chiến tranh và kinh tế Bao cấp lâu dài, tất nhiên có những điểm khác hoàn toàn với Cải tổ của Liên Xô cũ đã diễn ra trước đó dẫn đến những thay đổi căn bản ở các nước thuộc Liên Xô cũ và Đông Âu. Thể chế chính trị ở Việt Nam vẫn ổn định, chỉ có những vấn đề xã hội được thay đổi và những vấn đề ấy luôn bộc lộ hai mặt của quá trình phát triển. Giới mỹ thuật cũng không năm ngoài việc đó. Những khát vọng dân chủ và một đời sống no ấm hơn, muốn hòa nhập với đời sống nghệ thuật thế giới, sự kết nối giữa cội nguồn văn hóa dân tộc và chủ nghĩa Hiện đại (Modern Art) đã dẫn đến những thành công của hội họa tích tụ trong hơn ba mươi năm. Những khi đời sống bớt khó khăn, tự do đến với chủ nghĩa Hiện đại, có một thị trường ở quy mô nhỏ, mỹ thuật dường như lãng quên khát vọng của mình và co lại những triển lãm nặng về hình thức. Những nghệ sỹ đi đầu của cuộc Đổi mới rút về xưởng vẽ của mình, vài người tham gia vào những cuộc phiêu lưu mới của các nghệ sỹ trẻ hơn Đương đại.
(ngày ra mắt sách sưu tập Trần Hậu Tuấn 5.2019)
Nguyễn Quân, Phan Nguyên,
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.