Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Trần Văn Cẩn (1910 - 1994)















Trần Văn Cẩn

(13/8/1910 Hải Phòng - 31/7/1994 Hà Nội)
Hưởng thọ 83 tuổi
Đào tạo Bách nghệ Hà Nội, Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương

Trần Văn Cẩn là một họa sĩ nổi tiếng trong bộ tứ danh họa hàng đầu của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam: 
Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn.







Thân thế và niềm đam mê hội họa

Ông sinh ngày 13 tháng 8 năm 1910 tại thị xã Kiến An, tỉnh Kiến An (nay là quận Kiến An, thành phố Hải Phòng). Sinh ra trong một gia đình trí thức nghèo, cha là một công chức bưu điện, ông được gia đình cho ăn học tử tế. Năm 1924, sau khi học hết bậc Tiểu học ở Kiến An, ông được gia đình đưa lên Hà Nội sống với bà nội.[1]

Thuở nhỏ, chịu ảnh hưởng từ mẹ, vốn là một nghệ nhân làm nghề thủ công nặn tò he và đèn giấy bằng nan tre, và người cậu chuyên nghề vẽ đèn giấy, ông sớm có biểu lộ năng khiếu và sự ham thích với ngành hội họa. Sự ham thích này được cha ông tán thành. Chính vì vậy, chỉ sau chưa đến 2 năm học bậc Trung học, năm 1925, theo ý kiến của bố, ông thi vào Trường Kỹ nghệ thực hành (École de l’art appliqué) Hà Nội[2], học vẽ mẫu đăng ten và thiết kế đồ gỗ.[1]

Năm 1930, ông tốt nghiệp và được điều về làm việc ở Viện Hải dương học Nha Trang, làm công việc vẽ, chép lại những con cá lạ đánh bắt được từ biển về để lưu trữ vào hồ sơ gốc. Tại đây, ông làm quen với một họa sĩ Pháp đến giúp Viện xây dựng mô hình để tham dự hội chợ triển lãm ở Paris, và bắt đầu làm quen với kỹ thuật hội họa phương Tây. Ông bắt đầu sáng tác những tác phẩm đầu tay của mình với chủ đề biển và cảnh cá. Không lâu sau, ông bỏ công việc ở Viện, quay về Hà Nội để theo đuổi ngành hội họa.[1]

Năm 1931, sau 3 tháng học dự bị do họa sĩ Nam Sơn hướng dẫn, ông thi đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, theo học khóa VI (1931-1936) cùng với Nguyễn Gia Trí, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Văn Tại, Nguyễn Thụy Nhân, Vũ Đức Nhuận...[1]



Thành danh tứ kiệt

Thời gian ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông cùng các bạn học vừa học tập vừa sáng tác. Năm 1933, ông cùng với Lê Phổ, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Trần Quang Trân, nghiên cứu về kỹ thuật sơn ta, để tìm cách pha chế để có thể vẽ được nhiều lớp sơn chồng lên nhau và mài, thể nghiệm thành công tranh sơn mài với sơn son, vỏ trứng. Năm 1934, tác phẩm đầu tay mang tên "Mẹ tôi" đã được tham dự triển lãm ở Paris. Năm 1935, tại triển lãm lần thứ nhất Hội Khuyến khích Kỹ thuật và Công nghệ (viết tắt là SADEAL), ông có bốn tác phẩm "Em gái tôi" (sơn dầu), "Cha con" (lụa), "Đi làm đồng" và "Cảnh bờ sông" (khắc gỗ màu) tham gia triển lãm và được tặng giải ngoại hạng và được cử vào Ban giám khảo. Năm 1936, ông tham gia triển lãm SADEAL lần II với ba bức tranh lụa: "Cô đơn", "Chân dung cô gái nhỏ" và "Chăn ngựa". Năm 1937 ông dự hội chợ triển lãm quốc tế Paris với bốn tác phẩm lụa: "Chân dung cô gái trên nền hoa đào", "Chợ hoa", "Thê" và "Mang cỏ cho ngựa ăn".[1]



Gội đầu, khắc gỗ màu, 1943


Tốt nghiệp với tác phẩm "Lều chõng" rất được đánh giá cao, nhưng khi ra trường, ông từ chối sự bổ nhiệm của chính quyền thuộc địa để tiếp tục tập trung vào trải nghiệm và sáng tác thử sức trên nhiều chất liệu khác nhau. Năm 1938, ông tham gia triển lãm SADEAL lần III tại Hải Phòng với các tác phẩm "Đi lễ chùa" (lụa), "Trong vườn" (sơn mài) và nhận được Giải Ngoại hạng, tác phẩm được gửi đi dự triển lãm ở Batavia. Năm 1939, ông tham gia triển lãm SADEAL lần IV với "Bên sông Hồng" (lụa), "Phong cảnh Huế" (sơn dầu). Năm 1940, ông gửi các tác phẩm "Gánh lúa" (lụa), "Ngư dân" (sơn dầu) sang tham dự triển lãm tại Tokyo.[1]

Năm 1943, ông gia nhập nhóm Trung tâm nghệ thuật Việt Nam (Foyer de l’ Art Annamite - FARTA) do họa sĩ Lê Văn Đệ sáng lập, đồng thời gửi hai tác phẩm tham dự triển lãm là "Em Thúy" (sơn dầu) và "Gội đầu" (khắc gỗ), và được tặng giải nhất[3]. Năm sau, ông gửi hai tác phẩm "Bên ao sen" (sơn dầu), "Hai thiếu nữ trước bình phong" (lụa) tham gia triển lãm FARTA lần 2. Cũng năm 1944, ông gửi tác phẩm "Nắng trong vườn" (sơn dầu) tham dự triển lãm "Duy nhất".

Chính những hoạt động của thế hệ họa sĩ tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thời đó như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị, Trần Văn Cẩn... đã tạo nên thời đại hoàng kim của những tác phẩm hội họa hiện đại ngay giai đoạn đầu ở Việt Nam. Đương thời, giới hội họa Việt Nam đã xưng tụng tứ kiệt hội họa Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn.


Sự nghiệp một đời

Là người dân thuộc địa, ông ít nhiều cảm tình với những nhà cách mạng đấu tranh giành độc lập. Mối cảm tình này đã thúc đẩy ông tham gia hoạt động trong phong trào Văn hóa Cứu quốc của Việt Minh, vẽ tranh cổ động "Cứu nông dân", "Trừ giặc đói", "Phá xiềng", "Bản đồ Việt Nam không thể chia cắt".


Bộ đội xây dựng cầu, 35x52cm, chì, 1954


Cách mạng tháng Tám thành công, Trần Văn Cẩn cùng nhiều họa sĩ khác đã hồ hởi dựng hàng chục tranh cổ động quanh hồ Hoàn Kiếm. Bức "Nước Việt Nam của người Việt Nam" của Trần Văn Cẩn đã được căng trên toà nhà Địa ốc ngân hàng (nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Năm 1946, triển lãm mỹ thuật toàn quốc lần đầu tiên dưới chế độ mới được mở tại Hà Nội. Bức "Xuống đồng" của Trần Văn Cẩn đã được trao giải nhất và được Hội Văn hóa Cứu quốc mua, cùng với bức "Bác Hồ làm việc ở Bắc bộ phủ" của Tô Ngọc Vân và "Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh" của Nguyễn Đỗ Cung.

Tháng 7/1948: tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc, Trần Văn Cẩn được bầu vào Ban thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam.

Tháng 6/1954: Trần Văn Cẩn thay thế Tô Ngọc Vân (đã mất trong thời gian này) đảm nhiệm Hiệu trưởng trường Mỹ thuật và giữ cương vị này trong 15 năm (1954 -1969).

Với những đóng góp to lớn, Trần Văn Cẩn đã được trao nhiều huân chương cao quý, trong đó có Huân chương Lao động hạng nhất. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về văn học nghệ thuật (1996).

Năm 2010, một con phố thuộc khu đô thị Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội được đặt tên Trần Văn Cẩn.[4]










Tác phẩm tiêu biểu








Tát nước đồng chiêm,
sơn mài, 60,5x92cm, 1958











Em Thúy










Nữ dân quân vùng biển








Chân dung bác thợ lò










Thiếu nữ áo Xanh










Gội đầu







Xuống đồng








Chú thích

2/ Còn gọi là trường Bách nghệ Hà Nội.
3/ Cả 2 tác phẩm này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

















Tham khảo thêm về Họa sĩ Trần Văn Cẩn









Danh họa Trần Văn Cẩn


Năm 1931, sau 3 tháng học dự bị do hoạ sĩ Nam Sơn hướng dẫn, Trần Văn Cẩn thi đỗ vào khoá VI (1931-1936) Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương cùng với Nguyễn Gia Trí, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Văn Tại, Nguyễn Thuỵ Nhân, Vũ Đức Nhuận... Năm 1933 ông cùng các hoạ sĩ thể nghiệm thành công tranh sơn mài với sơn son, vỏ trứng. Vừa học tập, vừa sáng tác: năm 1934 tác phẩm đầu tay mang tên Mẹ Tôi đã được tham dự phòng triển lãm ở Paris. Cùng với Lê Phổ, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Trần Quang Trân, Trần Văn Cẩn là một trong những sinh viên đầu tiên nghiên cứu sơn ta, ông đã cùng bác Phó Thành tìm cách pha chế để có thể vẽ được nhiều lớp sơn chồng lên nhau và mài. Năm 1935, tại triển lãm lần thứ nhất Hội Khuyến Khích Kỹ thuật và công nghệ ( viết tắt là SADEAL) Trần Văn Cẩn đã có bốn tác phẩm Em gái tôi - sơn dầu, Cha con- lụa, Đi làm đồng và Cảnh bờ sông - khắc gỗ màu, trong đó hai bức Cha con và Đi làm đồng được sáng tác trên cơ sở ký hoạ ở Yên Viên, phía Bắc Hà Nội. Tại cuộc triển lãm này ông được tặng giải ngoại hạng và được cử vào Ban giám khảo. Năm 1936, ông lại gửi tới triển lãm SADEAL lần hai với ba bức tranh lụa: Cô đơn, Chân dung cô gái nhỏ và Chăn ngựa. Năm 1937 ông dự hội chợ triển lãm quốc tế Paris với bốn tác phẩm lụa: Chân dung cô gái trên nền hoa đào, Chợ hoa, Thê và Mang cỏ cho ngựa ăn. Có thể thấy suốt giai đoạn học, Trần Văn Cẩn đi khá sâu vào chất liệu lụa vậy mà bài thi tốt nghiệp của ông lại là bức bình phong trang trí khổ 180 x 60 cm ghép từ 6 tấm vóc với đề tài sinh hoạt của giới trí thức xưa có tên Lều chõng. Bài tốt nghiệp này của ông được đánh giá cao.

Khi ra trường, hoạ sĩ Trần Văn Cẩn từ chối sự bổ nhiệm của chính quyền thuộc địa. Hè năm đó ông đi xe đạp vào Huế cùng hai bạn học để vẽ phong cảnh, nhưng bị chính quyền nghi ngờ và gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng ông quyết tâm tập trung vào chuyên môn, liên tục sáng tác nhiều tác phẩm bằng các chất liệu sơn mài, lụa, sơn dầu, khắc gỗ. Có thể coi thời kỳ này là thời kỳ hoạ sĩ Trần Văn Cẩn thử sức mình trên nhiều chất liệu khác nhau và ở chất liệu nào ông cũng đạt được thành công. Đó là các tác phẩm: Đi lễ chùa - lụa; Trong vườn - năm 1938, sơn mài (120 x 80 cm) khi dự triển lãm SADEAL lần thứ III tại Hải Phòng, ông nhận được Giải Ngoại Hạng, tác phẩm này gửi đi dự triển lãm ở Batavia. Tác phẩm Bên sông Hồng - lụa, Phong cảnh Huế - sơn dầu năm 1939 dự triển lãm SADEAL lần thứ IV. Tác phẩm Gánh lúa - Lụa, Ngư dân - sơn dầu gửi sang Tokyo năm 1940. Năm 1943 ông gia nhập nhóm “Trung tâm nghệ thuật Việt Nam” gọi tắt là FARTA, đồng thời gửi hai tác phẩm: Em Thuý - sơn dầu và Gội đầu - khắc gỗ. Mà sau đó ông được tặng giải nhất. Năm sau, ở triển lãm FARTA lần 2, ông gửi hai tác phẩm: Bên ao sen - sơn dầu, Hai thiếu nữ trước bình phong - lụa, 1944. Cũng năm này, tác phẩm Nắng trong vườn - sơn dầu của Trần Văn Cẩn gửi tham dự triển lãm "Duy nhất". Tác phẩm sơn dầu Em Thuý và tác phẩm Gội đầu tranh khắc gỗ của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn hiện được lưu giữ tại Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam

Thời tiền khởi nghĩa, cảm tình với các bạn ở Văn hoá cứu quốc, ông vẽ tranh cổ động Cứu nông dân, Trừ giặc đói, Phá xiềng, Bản đồ Việt Nam không thể chia cắt. Các tác phẩm của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn sáng tác đã tham dự nhiều triển lãm trong nước và quốc tế. Điều này, thể hiện sức sáng tạo của ông hết sức dồi dào. Chính ông cùng các hoạ sĩ tốt nghiệp trường cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương thời đó như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tường Lân, Lê Văn Đệ, Lương Xuân Nhị... đã tạo nên những tác phẩm hội hoạ hiện đại giai đoạn đầu ở Việt nam.

Năm 1945 Cách mạng Tháng Tám thành công. Trong những ngày sôi sục khí thế cách mạng và chống lại âm mưu xâm lược của giặc Pháp, hoạ sĩ Trần Văn Cẩn cùng với nhiều danh hoạ khác đã hăng hái vẽ tranh cổ động cỡ lớn trưng bầy ở vườn hoa Chí Linh, Bờ Hồ, ngã tư Tràng Tiền, trước cửa Nhà Hát Lớn. Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn đã vẽ áp phích Nước Việt Nam của Người Việt Nam (4x6m), trong tranh ba nhân vật thanh niên nam, nữ, thiếu niên với vũ khí trong tay sẵn sàng bảo vệ tổ quốc. áp phích trên được dựng ở nhà Địa ốc Ngân Hàng. Thời gian này, hoạ sĩ Trần Văn Cẩn cùng anh em trong Hội Văn Hoá Cứu Quốc đã tổ chức triển lãm văn hoá tại Nhà Khai Trí Tiến Đức, phố Hàng Trống, Hà Nội. ở đây, hoạ sĩ Trần Văn Cẩn đã vẽ mẫu cửa - một mẫu cửa khá độc đáo và chỉ đạo trưng bày triển lãm Văn hoá. Lần ấy, anh em nghệ sĩ đã vinh dự được Bác Hồ đã đến thăm và nói chuyện. Tại triển lãm này, Trần Văn Cẩn đã tham dự bức tranh lụa Cấy lúa (Xuống đồng) được sáng tác sau mấy tháng sống giữa khung cảnh đồng ruộng ở một tỉnh trung du; tác phẩm này được tặng giải thưởng Chính Phủ (trị giá hồi đó là1000đ).

Cuối năm 1946, Trường Mỹ Thuật Việt Nam được thành lập, thay thế trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại phố Lò Đúc, Hà Nội do hoạ sĩ Tô Ngọc Vân phụ trách. Hoạ sĩ Trần văn Cẩn đã được ông Vân mời tổ chức trường và tham gia giảng dạy. Đây là sự kiện quan trọng để Trần Văn Cẩn bước vào sự nghiệp đào tạo của mình. Trường Mỹ thuật mở chưa được bao lâu thì kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông cùng nhiều văn nghệ sĩ Thủ Đô vào vùng kháng chiến. Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn đi Bắc Ninh làm việc cho Phòng Thông Tin tuyên truyền huyện Từ Sơn, tiếp đó phụ trách hoá trang và dựng sân khấu trong Đoàn kịch thiếu nhi lưu động Diên Hồng. Thời gian này Trần Văn Cẩn vẽ nhiều áp phích Đoàn kết; Kháng chiến, hướng dẫn phóng tranh vẽ lên tường để động viên nhân dân tham gia kháng chiến. Năm 1948 ông được mời lên làm việc ở Sở Thông Tin tuyên truyền khu 12 ở gần Nhã Nam - Bắc Giang. Trần Văn Cẩn làm công tác tuyên truyền khu - tham gia chiến dịch Trung Du, hướng dẫn chiến sĩ vẽ dựa trên cơ sở nghệ thuật tranh tết dân gian Đông Hồ, làm tranh khắc gỗ in giấy điệp cổ động cho chiến đấu, sản xuất - học bình dân vv...

Đại hội Văn nghệ Toàn quốc 1948 tại Việt Bắc, hoạ sĩ Trần Văn Cẩn là một trong 11 đại biểu mỹ thuật tham dự Đại hội. Tại đại hội này ông đã được bầu vào Ban thường vụ Hội Văn Nghệ Việt Nam cùng với các hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Huỳnh Văn Gấm đại diện cho giới mỹ thuật. Để chào mừng đại hội này, Phòng triển lãm hội họa kháng chiến 1948 đã được tổ chức bầy 53 tác phẩm, Trần Văn Cẩn đã gửi tới triển lãm nhiều trực hoạ và tranh khắc gỗ in điệp. Năm 1949 ông làm trang trí trọng khu giao tế (Bộ tổng tư lệnh), vẽ tranh hoành tráng Dân quân (kiểu tranh tường).

Năm 1950 Trường Mỹ Thuật Kháng Chiến được thành lập do hoạ sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, Trần Văn Cẩn được mời cùng giảng dạy với các hoạ sĩ Nguyễn Khang, Nguyễn Tư Nghiêm... Cuối năm 1951, ông được mời về Chiêm Hoá làm trưởng ban tổ chức và tham gia Hội đồng nghệ thuật của Triển lãm hội hoạ 1951 tại Chiêm Hoá (Tuyên Quang). Trong cuộc triển lãm này ông bày các tác phẩm ở Hang- lụa, Gánh thóc thuế và Nhớ ơn người chiến sĩ vô danh - tranh cổ động và đã được giải thưởng.

Năm 1953, hoạ sĩ Trần Văn Cẩn cùng một số văn nghệ sĩ khác tham gia vận động sản xuất, công tác giảm tô và cải cách ruộng đất. Thời gian này ông có nhiều ký hoạ về nông dân và nông thôn, bức tranh tranh lụa Nông dân vạch tội ác địa chủ được ông sáng tác vào thời gian này.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, ông cùng đoàn quân chiến thắng trở về tiếp quản Thủ đô. Hai tháng sau một triển lãm Mỹ thuật lớn chào mừng giải phóng Thủ đô đã được tổ chức tại Nhà Hát lớn và Nhà thông tin Tràng Tiền Hà Nội. Ban tổ chức gồm Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Huỳnh Văn Gấm, Mai Văn Hiến, Nguyễn Sĩ Ngọc, Lương Xuân Nhị, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Văn Tỵ. Triển lãm khai mạc ngày 14/11/1954 với 496 tác phẩm của 152 hoạ sĩ gửi đến dự triển lãm. Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn dự triển lãm với tác phẩm tranh lụa Con đọc bầm nghe và 06 ký hoạ Làm cầu; Phố Bắc Giang; Bến Sông Thương; Bộ đội trong động Tam Thanh; Động Bình Gia.

Năm 1955 ông tiếp quản trụ sở trường Mỹ thuật ở 42 Yết Kiêu Hà Nội hoạ sĩ Trần Văn Cẩn được giao làm Hiệu trưởng. Cùng thời gian này ông làm Trưởng ban tổ chức triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1955. Tại triển lãm này ông gửi hai tác phẩm: Lò đúc lưỡi cầy trong kháng chiến- lụa và Công nhân hầm lò- sơn dầu.

Sau gần hai năm chuẩn bị - Đại hội thành lập Hội đã được tổ chức trọng thể tại Câu lạc bộ Hội Liên hiệp Văn nghệ Việt Nam số nhà 1 phố Bà Triệu, Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 21 người trong đó có hoạ sĩ Trần Văn Cẩn. Năm 1958 hoạ sĩ Trần Văn Cẩn được Ban chấp hành bầu là Tổng thư ký thay hoạ sĩ Nguyễn Văn Tỵ.

Sau Đại hội của Hội, triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1958 được tổ chức tại 42 Yết Kiêu Hà Nội. Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn tham dự với tác phẩm: Nối lại dây gầu- sơn dầu; Tát nước đồng chiêm - sơn mài; tác phẩm được vẽ sau khi đi thâm nhập thực tế ở vùng Xuân Thượng, Nam Định. Tác phẩm Tát nước đồng chiêm của ông đã được tặng giải Nhất.

Tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1960 tại 42 Yết Kiêu, hoạ sĩ Trần Văn Cẩn đã tham dự tác phẩm sơn dầu Nữ dân quân miền biển, tác phẩm này đã giành được giải Nhất. Hai năm sau, năm 1962, hoạ sĩ Trần Văn Cẩn đã gửi tới triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1962 ba tác phẩm: Mùa đông sắp đến- sơn mài; Chân dung bác thợ lò- sơn dầu và Thiếu nữ áo trắng- sơn dầu.

Năm 1964 đế quốc Mỹ đưa chiến tranh phá hoại ra Miền Bắc, cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1964, hoạ sĩ Trần Văn Cẩn đó đã chuyển công tác về Hội Mỹ thuật Việt Nam

Trong thời gian công tác ở Hội bên cạnh công việc lãnh đạo, ông cố gắng sắp xếp để có nhiều thời gian đi vẽ thực tế đến các Sở công nông nghiệp và tuyến lửa, đi vẽ về vùng mỏ Quảng Ninh, vào khu IV (Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá) năm 1964; Quảng Bình, Vĩnh Linh năm 1969, 1970. Đi Trường Sơn vào Tây Nguyên năm 1975 và vào Buôn mê thuột ngay sau ngày giải phóng. Những chuyến đi này đã giúp ông gắn bó với thực tế sản xuất và chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước bằng những tác phẩm: Gác đêm, Thuyền hải thôn, Đèo Nai, Sinh hoạt đội ngư thuỷ, Căn phòng dưới hầm Di Loan, Lão dân quân, Cửa vào địa đạo, Nuôi trẻ trong lòng đất, Nghe đài, Cảnh giới, Kéo lưới..., những cảm xúc và ghi chép thực tế đã giúp ông sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị như Thằng cu đất Mỏ- sơn mài (1968; Mưa mai trên sông Kiến- sơn mài (1972).

Sau ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, hoạ sĩ Trần Văn Cẩn trong cương vị Tổng thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam đã cùng với Ban thường vụ Hội xây dựng Hội lớn mạnh trong cả nước. Hai triển lãm mỹ thuật toàn quốc lớn năm 1976 và năm 1980 được tổ chức tại Hà Nội. Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn vẫn tiếp tục sáng tác và có những tác phẩm tham dự: Hồ Chủ Tịch trên lễ đài mừng chiến thắng (1975); Tiến sâu vào lòng đất và Trong lòng đất- sơn mài (1976); Làm thuỷ lợi, Một trận đánh Mỹ, nguỵ ở Cheo Reo (1979); Đưa nước lên Cao nguyên và Chân dung Bé Nga- sơn dầu (1980). Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1990 với tác phẩm: Người Hà Nội - sơn dầu (53 x 70)

Ngoài sáng tác hội hoạ ông còn làm minh hoạ, trình bày sách, sáng tác mẫu mỹ nghệ...

Khó có thể kể hết được những thành tựu sáng tạo của ông, vậy mà đến tuổi 70, vào ngày sinh nhật 13 tháng 8 năm 1980, ông mới tổ chức khai mạc triển lãm cá nhân đầu tiên tại Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam với 138 tác phẩm chọn lọc từ nhiều thể loại: hội hoạ, đồ hoạ, minh hoạ sách báo, phác thảo bố cục, thể nghiệm trang trí gốm... và những lời giới thiệu trang trọng: “để báo cáo với công chúng về đặc điểm và thành tựu sáng tạo của hoạ sĩ gần nửa thế kỷ trong đó có 35 năm dưới ánh sáng cách mạng... Với năng lực sáng tạo khá dồi dào về các thể loại và chất liệu kỹ thuật: sơn mài, sơn dầu, khắc gỗ, lụa... và sở trường sử dụng chất liệu sơn mài dân tộc, hoạ sĩ đã tạo một định hình cho bút pháp và phong cách sáng tạo riêng của mình, mà ai cũng có thể dễ dàng cảm nhận được. Đó là sắc thái chân thực, hồn nhiên tươi mát, và giàu chất trữ tình như tâm hồn lạc quan, yêu đời, phong độ tao nhã và thị cảm trong sáng của hoạ sĩ... Hoạ sĩ cũng đã dung hợp nhuần nhuyễn yếu tố tạo hình của truyền thống nghệ thuật dân tộc, nhất là tính chất truyền cảm ở nghệ thuật dân gian của ông cha ta, và hấp thụ có hiệu quả tinh hoa nghệ thuật tạo hình hiện đại của nhân loại mà không rơi vào tình trạng lai căng hoặc phục cổ...”.

Danh hoạ Trần Văn Cẩn qua đời ngày 31 tháng 7 năm 1994 tại Hà Nội ở tuổi 84. Ông thực sự xứng đáng với những danh hiệu và phần thưởng cao quý: Nhà Giáo Nhân Dân, Viện Sĩ Viện Hàn Lâm Mỹ Thuật Cộng Hoà dân Chủ Đức, Giải Thưởng Hồ Chí Minh đợt I. Nhiều tác phẩm của ông đã nhận được các giải thưởng: Giải Nhất các triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 1960, 1976, 1980

Danh hoạ Trần Văn Cẩn được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương độc lập hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Hai, Huân chương lao động hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Vì thế hệ trẻ... Huy chương kỷ niệm Lê nin,

Hoạ sĩ Trần Văn Cẩn là tấm gương sáng về lao động sáng tạo nghệ thuật và trách nhiệm trong công tác. Tên tuổi và tác phẩm của ông sống mãi với nhân dân, với đất nước, và trong mỗi chúng ta.

TRẦN KHÁNH CHƯƠNG















MỐI TÌNH MUỘN MÀNG CỦA DANH HỌA
TRẦN VĂN CẨN 


GiadinhNet - Nhắc đến danh họa Trần Văn Cẩn, người ta không chỉ nhắc đến những tác phẩm nghệ thuật kiệt xuất đã góp phần đưa nền mỹ thuật Việt Nam vượt bờ cõi, mà còn nhắc đến một mối tình muộn hết sức đẹp đẽ, chứa đầy sự bí ẩn diệu kỳ của tình yêu. 


CUỘC GẶP GỠ ĐỊNH MỆNH 
Mặc dù, đã hơn 16 năm ông hóa thân vào cát bụi (ông mất 31/7/1994), nhưng chuyện tình của ông dường như vẫn còn vẹn nguyên và tươi mới trong vô vàn ký ức của những người yêu mến ông. Đặc biệt, người đàn bà đã từng cùng ông làm nên "tình yêu kỳ diệu" ấy bao năm qua vẫn nồng nàn một tình yêu mãnh liệt đối với ông, khiến cho người đời cứ mải miết tìm cách giải mã ẩn số tình yêu của hai người, mà vẫn không tài nào giải nổi. 

Tôi gặp lại bà Trần Thị Hồng - vợ của danh họa Trần Văn Cẩn vào một buổi chiều muộn, trên con phố Nguyễn Du. Đã bao năm qua, kể từ ngày danh họa Trần Văn Cẩn ra đi, cứ vào mỗi độ cuối chiều, bà lại lặng lẽ một mình dạo gót quanh con phố ngày xưa ông từng dắt bà đi qua. Với bà, đó cũng là một cách để bà nguôi ngoai nỗi nhớ về ông. 

Bà kể, ngần đấy năm ông xa bà, cứ mỗi độ chiều về, nỗi nhớ ông lại giày vò bà đến khắc khoải. Thành thử, bà đâm ra sợ buổi chiều. Bà sợ phải một mình đối diện với những kỷ vật tình yêu, đối diện với "bóng dáng" ông phảng phất đâu đấy trong bóng chiều, trong căn nhà nhỏ trên gác ba của khu nhà tập thể số 10 Nguyễn Thượng Hiền, nơi sinh thời vợ chồng bà gắn bó. 

Đã ở vào tuổi 64, bà Hồng dường như không đổi thay là mấy so với những bức ký họa mà họa sĩ Cẩn vẽ về bà. Vẫn mái tóc ngắn gấp nếp quá vai. Vẫn đôi mắt đượm buồn lúc nào cũng như ngân ngấn lệ. Vẫn giọng nói nhẹ nhàng pha trộn giữa giọng Bắc với giọng Quảng Ngãi đặc trưng. Và vẫn ngẹn ngào mỗi lần nhắc đến danh họa Trần Văn Cẩn - người thầy, người bạn đời mà bà vô cùng yêu quý.


Họa sĩ Trần Văn Cẩn và bà Trần Thị Hồng 


Bà Hồng cho biết, bà vốn mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ nên khi rời quê hương Đức Phổ, Quảng Ngãi tập kết ra Bắc, cha bà đã mang bà theo. Từ bé, bà đã rất có năng khiếu hội họa nhưng gia đình không đồng ý cho bà theo ngành học này. Lần thứ nhất, bà nộp hồ sơ đăng kí dự thi vào lớp sơ trung hệ 7 năm của Trường đại học Mỹ thuật, gia đình không chịu kí đơn. Lần thứ hai, tình yêu nghệ thuật cứ bùng cháy dữ dội trong bà khiến bà đành phải giấu gia đình, làm hồ sơ rồi nhờ một người bác họ kí cho để đi học. Và Hiệu trưởng trường đại học Mỹ thuật Hà Nội thời bấy giờ không ai khác chính là danh họa Trần Văn Cẩn. 

"Không biết có phải định mệnh đã sắp đặt cho tôi được gặp và gắn bó với ông (danh họa Trần Văn Cẩn - PV) hay không, mà lúc đó, tôi cứ quyết tâm thi Mỹ thuật bằng được, mặc cho bố tôi cùng bạn bè khuyên răn đủ đường" - bà Hồng nói. 

Danh họa Trần Văn Cẩn không phải là người trực tiếp dạy bà, nhưng chính tài năng, đức độ của ông đã khiến bà cảm phục ngay từ khi mới chân ướt chân ráo vào trường. Và sau 7 năm dày công học tập, khi được giao bài tốt nghiệp chuyên ngành điêu khắc, bà đã xin được đến nặn tượng ông. Những ngày tháng này, hằng ngày cứ đúng đầu giờ sáng, bà lại có mặt trong căn phòng của họa sĩ, làm những công việc quét dọn, pha trà và đặc biệt là nhặt nhạnh các tác phẩm ông vẽ vương vãi trong phòng làm việc, rồi chờ khi ông rỗi rãi, lại nhờ ông làm mẫu để bà nặn tượng. Cảm kích trước tình cảm của cô học trò nhỏ, thầy Hiệu trưởng cũng tranh thủ ký họa một số bức tranh về bà. 

Sự đồng điệu của hai tâm hồn yêu nghệ thuật, sự chân thành của tình cảm thầy trò như một sợi dây vô hình nhanh chóng buộc chặt bà với ông lại. Mầm yêu cứ nhú dần lên trong trái tim cô học trò nhỏ, khi hằng ngày cô chứng kiến cuộc sống đơn độc và đạm bạc của ông. Cô thấy mình cần phải có bổn phận bù đắp và sưởi ấm trái tim cô đơn mà bao nhiêu năm qua ông một mình chịu đựng. Để rồi, khi không thể kìm nén tình cảm đang dâng đầy trong mình, cô học trò 23 tuổi đã không ngần ngại nói lời: "Thầy ơi, em yêu thầy" trước ông thầy Hiệu trưởng hơn mình đến 36 tuổi sau bao đêm trằn trọc nghĩ suy. 

Mặc dù hơi bất ngờ trước lời tỏ tình đầy chủ động của cô học trò, nhưng ông thầy cũng chỉ dám xem đó là một cách thể hiện tình cảm theo kiểu "mỹ thuật" của cô học trò đối với ông, chứ không dám nhận lời, vì khoảng cách tuổi tác giữa hai người quá lớn. Bà đang trong độ tuổi tìm kiếm cuộc đời, còn ông thì đã ở vào độ xế chiều. Làm sao bà có thể chia sẻ được gánh nặng năm tháng ông đang mang. Họa sĩ không muốn bà phải hy sinh tuổi xuân vì mình. 

Tuy nhiên, sự chân tình của bà, những việc làm thầm lặng của bà đã cảm mến được ông, khiến ông can đảm bước qua dư luận để gắn kết cuộc đời mình với bà. 


Bà Trần Thị Hồng bên tượng danh họa Trần Văn Cẩn 


Bức tranh tình yêu vẽ bằng cuộc sống 
Đã là của nhau, nhưng bà vẫn không dám dọn về ở cùng ông, vì dư luận lúc đó quá gay gắt. Gia đình bà đã hết sức ngăn cản khi biết bà quyết định gắn bó cuộc đời mình với ông thầy 61 tuổi mà bà yêu quý. Thậm chí, bố bà đã không thèm nhìn mặt con gái sau bao lần thuyết phục bà từ bỏ ý định nhưng không thành. Còn gia đình ông thì tìm mọi cách chia rẽ, bởi người ta không tin có một tình yêu như vậy. Nhiều người nghĩ bà "có ý đồ gì đó rất xấu" đằng sau vỏ bọc tình yêu. Tuy nhiên, sức mạnh tình yêu đã giúp ông bà bước qua mọi dư luận để sống với nhau như một cặp vợ chồng thực sự. Bà sẵn sàng hy sinh tất cả chỉ để được gần ông. Nghĩ lại những năm tháng ấy, bà Hồng ngẹn ngào trong nước mắt: "Lúc tôi chủ động tỏ tình với ông, tôi hiểu vì sao tôi yêu ông, nhưng tôi lại không hiểu vì sao tôi lại có thể vượt qua ánh mắt cay nghiệt của người đời nhẫn nhục đến thế?". 

Mãi cho đến tận năm 1971, khi không thể chịu nổi cảnh một mình ông lo toan mọi việc trong gia đình, kể cả những công việc của một người phụ nữ như: chợ búa, nấu nướng, giặt giũ, quét dọn... bà quyết về sống chung với ông. Về sống chung, nhưng khi nhập hộ khẩu vào nhà, bà phải mang danh nghĩa là cháu ruột của ông, chứ không phải là vợ, vì không có hôn thú, không đăng ký kết hôn. Bà chấp nhận mà không một lời oán thán. 

Những ngày về sống bên nhau, bà hết sức hạnh phúc. Bà đã làm được cái việc mang trái tim xanh trẻ của mình để xua tan đi những u buồn, lạnh lẽo trong cuộc đời họa sĩ. Còn ông, quá nửa đời người mới có một gia đình thực sự, hạnh phúc muộn màng như một nguồn cảm hứng vô tận giúp ông liên tục có nhiều tác phẩm nghệ thuật. Đây chính là giai đoạn họa sĩ sáng tạo sung sức nhất. 


Bà Hồng thời còn là nữ sinh trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội 


"Cuộc sống thời đó của chúng tôi đạm bạc lắm, một bữa ăn chỉ có vài cọng rau muống, dăm miếng đậu phụ luộc và một ít lạc rang nhưng lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc vì đi đâu cũng có nhau. Mỗi lần họa sỹ đi công tác xa lại cho tôi đi theo để tìm nguồn cảm hứng sáng tác. Còn những lúc ông cần, tôi lại làm mẫu cho ông vẽ tranh, nặn tượng. Tôi không nhớ trong cuộc đời tôi đã làm mẫu cho ông vẽ tranh bao nhiêu lần, nhưng dường như trong hàng trăm bức tranh vẽ hình thiếu nữ, bức nào ông vẽ cũng có bóng dáng của tôi trong đó" - bà Hồng chia sẻ. 

Bà Hồng kể, họa sĩ Trần Văn Cẩn là một người rất tinh tế. Ông chăm sóc và chiều chuộng bà hết mực. Bà còn nhớ, vào những năm đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, vì sợ bà nguy hiểm ông phải đưa bà lên tận chùa Tây Phương sơ tán. Đến khi trở về, không kịp gặp mặt nhau vì ông phải đi công tác nhưng ông chu đáo chuẩn bị tem phiếu để sau cánh cửa nhà và dặn dò đủ điều vào một mảnh giấy đặt bên cạnh. Hoặc những lúc bà sáng tác mà thiếu nguyên liệu, ông lại âm thầm nhờ bạn bè đi công tác ở nước ngoài mua về cho bà vẽ. 

Có lẽ bởi vậy mà cho đến tận bây giờ đối với bà, ông vẫn là "một người đàn ông vĩ đại, vĩ đại về tất cả, sẽ không bao giờ có người đàn ông nào thứ hai như ông. Chính vì thế mà tôi thấy kiêu hãnh và tự hào, mặc dù ông không còn bên tôi như ngày nào nữa". 


NHỮNG BỨC THƯ TÌNH 
Hạnh phúc hôn nhân đến với vợ chồng họa sĩ Trần Văn Cẩn không dễ dàng, nhưng bù lại, họ đã thực sự được yêu và được sống. 

Hai trái tim đầy khát vọng đã biết lần tìm ở nhau những cung bậc yêu thương để xóa nhòa ranh giới về tuổi tác. Những tháng ngày xa nhau do điều kiện công tác, do chiến tranh… đã giúp họ nhận ra rằng họ cần nhau hơn bất cứ mọi thứ trên đời. 

Chênh nhau đến ba con giáp, nhưng lúc nào họ cũng đằm thắm mặn nồng 


Lãng mạn như vợ chồng son 
Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhắc đến những tháng ngày sống bên danh họa Trần Văn Cẩn, bà Hồng vẫn không thể cầm được nước mắt. Mỗi một hình ảnh, mỗi một kỷ niệm, mỗi một ký ức... đối với bà là một hạnh phúc lớn lao mà bà không bao giờ có lại được trong đời. 

Bà Hồng kể, khi họa sĩ còn sống độc thân, ông là một người thầy rất nghiêm túc, ít nói và sống rất khép kín. Có lẽ cuộc sống lầm lũi, đơn độc của một người đàn ông không vợ đã làm chìm khuất đi sự lãng mạn vốn có của người nghệ sỹ trong ông. Nó chỉ được bộc phát ra một cách hiếm hoi khi ông thả hồn mình vào những tác phẩm nghệ thuật. Thế nhưng khi ông yêu bà và bắt đầu cuộc sống hôn nhân thì dường như mọi cái đã thay đổi. 

Nỗi cô đơn thường trực trong ông dường như tan biến lúc nào không hay biết. Thời gian này, "ông như một cậu thanh niên mới bước vào tuổi yêu. Tất cả mọi thứ trong cuộc sống được ông "lãng mạn hóa" lên như chính những bức tranh đầy màu sắc ông vẽ, khiến cho cuộc sống của chúng tôi lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Ông yêu thương và chiều chuộng tôi hết mực. Trong những bữa ăn, ông luôn pha trò để tôi vui hơn và lúc nào cũng chỉ sợ tôi buồn..." - bà Hồng chia sẻ. 

Ngày 8/3 hằng năm là ngày sinh nhật của bà, ông thường đưa bà đi đến những nơi bà thích, rồi đưa bà đi ăn uống, sau đó tặng cho bà một bó hồng rất to - loại hoa mà cả hai ông bà đều yêu thích. Có lần, vì không mua được hoa, nên ông đã vẽ tặng bà một bức tranh hoa hồng cắm trong lọ thủy tinh rất đẹp, bên cạnh là bức tượng mà bà vừa tạc xong và đề "Tặng Hồng nhân ngày sinh nhật 8/3". Bức tranh ấy bao năm qua vẫn được bà cất giữ như một báu vật của tình yêu, của cuộc đời. 

Còn bà, cô gái trẻ đang vào độ đẹp nhất của cuộc đời, thì không lúc nào không tìm cách bù đắp để xua tan trong ông những u buồn, lạnh lẽo. Bà thấu hiểu từng nghĩ suy, từng sở thích và cảm thông, chia sẻ với ông như một người bạn đời tri kỷ. Mỗi lần rảnh rỗi, bà lại tận dụng thời gian để nấu cho ông những món ông thích, mời những người bạn ông quý đến nhà chơi để ông vui hơn. Đặc biệt là làm mẫu cho ông vẽ trong những bức tranh ông cần. 


Bà Trần Thị Hồng bên những cánh thư tình yêu 


"Hồi đó do đảm nhận quá nhiều công việc chung như Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam rồi Chủ tịch Hội Nghệ sỹ tạo hình Việt Nam, cộng tác viên của Viện Mỹ thuật nước CHDC Đức... nên ông Cẩn chỉ tranh thủ được thứ Bảy hoặc Chủ nhật để vẽ. Có khi tôi phải làm mẫu bố cục để ông vẽ tiểu tiết, có lúc lại làm dáng để ông vẽ tranh minh họa cho các báo... Khi ông vẽ xong thường vứt lung tung trong phòng thì tôi sắp xếp lại rồi tự board (đóng tranh vào khung - PV) lấy". 

Ngần đấy thời gian sống bên nhau, dù chênh nhau đến ba con giáp nhưng lúc nào ông bà cũng xưng hô với nhau "anh", "em", mượt mà như vợ chồng son trẻ. Trước lúc đi ngủ, bao giờ ông bà cũng có thói quen đọc sách cho nhau nghe. Vào những lúc rảnh rỗi, họ lại đưa nhau đi xem phim, đi dã ngoại... để tìm cảm hứng sáng tác. Quấn quýt lấy nhau không rời, nên mỗi khi một trong hai người đi xa, là họ lại nhớ nhau khôn nguôi. 

Nhân chứng thời gian 
Do điều kiện công việc, do chiến tranh, nên họa sĩ Trần Văn Cẩn và bà Trần Thị Hồng thường xuyên phải xa nhau. Những chuyến công tác có khi kéo dài hàng tháng, nhưng cũng có khi cả năm ròng. Lúc người này ở nhà, thì người kia lại ra đi, lúc người kia trở về, thì người ở nhà lại lên đường công tác. Thời gian bên nhau chỉ đo đếm bằng những tháng ngày ngắn ngủi, nhưng tình yêu của họ vẫn mãnh liệt, nồng nàn đến kỳ diệu. Nhịp cầu tình yêu của họ trong những tháng năm này là những cánh thư đầy con chữ yêu thương, với những lời lẽ hết sức ngọt ngào, mà ngay cả những đôi lứa mới yêu nhau cũng phải thầm ghen tỵ. 

"8/1/1972: Anh vừa được thư Hoa (Theo bà Hồng thì trong rất nhiều bức thư gửi cho bà, họa sĩ Cẩn thường gọi bà trìu mến bằng hai chữ "Diệu Hoa". Diệu Hoa là cái tên mà nhà chùa Tây Phương đặt cho bà Hồng, lúc bà cùng họa sĩ Cẩn và họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung lên công tác ở đây) do anh Dân đưa, bỏ qua khe cửa. Thế là 2 tuần kể từ khi Hoa đi, anh mong tin em hằng ngày, sốt ruột quá Hoa à. Em nói đúng đấy, anh cũng ước có cánh để bay lên với em, dù là một chốc lát, cũng như Hoa ước về với anh. Nhưng dù không nói thì hằng ngày, từ khi em đi, tâm trí anh vẫn để cả vào em. Lắm lúc anh ngơ ngẩn như mất hồn, có khi làm việc cũng thấy ngán. Anh thật không ngờ Hoa ạ! Anh thật không biết nói sao cho hết nỗi lòng anh nhớ thương em. Mỗi vật, mỗi chỗ đều gợi cho anh nhớ đến hình ảnh của em. Càng xa em, anh lại càng thấm thía hơn, mến hơn tính hồn nhiên và cũng rất lạ của em. Kể cả những khi em hờn hay cáu kỉnh cũng làm anh cáu lây. Anh mong tin em từng ngày, rất sốt ruột. Không biết em đi đường ra sao, có gì trắc trở không? Nếu như chuyện thần giao cách cảm là có thật, thì chắc em cũng phải nóng lòng lắm, vì anh cứ luôn miệng nhắc đến em. Bây giờ được thư em, anh tạm yên tâm nhưng vẫn cứ thấy những dòng chữ em viết anh lại càng thêm nhớ... Đêm nay viết cho Hoa, trời trở lạnh, mưa lăn tăn. Không biết ở trên đấy có mưa không, chắc là lạnh nhiều. Hoa có lạnh không, Hoa ơi? Chăn có đủ ấm không? Hoa phải cố gắng giữ gìn sức khỏe nhé, phải đề phòng sốt rét rừng đấy. Nhớ đừng để cho muỗi đốt, nhất là chập tối, muỗi anophen nó ra kiếm ăn đấy... Anh rất mừng vì nhận được tin tức của Hoa, Hoa kể cho anh nghe khá nhiều chuyện làm anh còn thèm. Anh để cho trí tưởng tượng của anh đi theo Hoa đi vào rừng, vào suối lấy trám, vì thế hình ảnh của Hoa lại hiện trong anh lồng vào với hình ảnh Hoa tung tăng hái hoa rừng trên đồi Tây Phương dạo nào. Những hình ảnh quá khứ xen lẫn với hiện tại, ôi sao mà quá nhớ Hoa ạ! Chính anh dù bảo với Hoa trước hôm Hoa đi là đừng có bịn rịn, mà phải lao vào công việc, thì cũng chính anh những ngày sau khi Hoa đi đã phải tự bảo anh hãy tập trung vào công việc, mà sao chật vật quá chừng...". 

Đây là lá thư họa sĩ Cẩn viết cho bà Hồng lúc bà đi công tác ở Tân Trào. Những lời lẽ yêu thương, nỗi nhớ nhung dâng đầy và cả những lo lắng rất thường tình của một người đàn ông đã bước qua ngưỡng lục tuần dành cho người con gái ông yêu là minh chứng cho tình yêu mãnh liệt không còn ranh giới tuổi tác. 


Nhịp cầu tình yêu của họ trong những tháng ngày xa cách là những cánh thư đầy con chữ yêu thương 


"21/5/1974: ...Em thương mến! Có lẽ đúng là có linh tính thật hay sao ấy, hôm qua ở cơ quan về, anh vẫn đọc sách như mọi ngày, thế mà sao anh bỗng dưng cảm thấy như em gọi anh ấy! Anh như vừa thấy em thò tay từ ô tô ra vẫy anh, và anh vừa vẫy vừa rượt theo xe em, và thế là anh xuống nhà dưới thì vừa gặp bác bưu điện bỏ thư vào hòm thư của anh. Anh nghĩ là thư em. Mà quả đúng như thế thật, thế có lạ không?...". 

Đến bây giờ, bà Hồng không thể nhớ nổi là hai người đã gửi cho nhau bao nhiêu bức thư trong những chuỗi ngày liên miên công tác, nhưng những cánh thư còn lại hiện được bà nâng niu, gìn giữ như một kỷ niệm đẹp của tình yêu. Bà không dám giở nó ra xem, trừ khi có việc gì đó quá cần thiết, bởi mỗi lần nhìn thấy những dòng chữ thân thương của ông, kỷ niệm ngày nào lại ùa về khiến lòng bà thổn thức. 

BỨC HỌA CUỐI CÙNG DANG DỞ 
Họa sĩ Trần Văn Cẩn để lại cho bà Trần Thị Hồng hơn 1.000 bức tranh. Gia tài nghệ thuật của ông bao năm qua vẫn được người bạn đời của ông gìn giữ như những kỷ vật tình yêu. Tuy nhiên, tâm nguyện muốn làm một bảo tàng nhỏ để trưng bày những tác phẩm đó cho người dân có cơ hội chiêm ngưỡng, suốt 16 năm qua vẫn chưa thành. Nỗi day dứt của người ở lại với người ra đi còn nhói đau mỗi lần nhắc tới. 


Họa sĩ Trần Văn Cẩn những ngày cuối đời 


Vượt qua bệnh tật để yêu và vẽ 
23 năm có nhau trong cuộc đời, tuy chưa dài, nhưng cả họa sĩ Cẩn và bà Hồng đều mãn nguyện, bởi họ đã mang hết cho nhau tình yêu và hạnh phúc. Ngày họa sĩ sắp rời bỏ thế gian, cứ mỗi lần nhìn thấy người vợ trẻ là nước mắt ông lại ứa ra. Lúc này vì quá yếu, nên ông đã không còn nói được, nhưng từ ánh mắt, từ những lần máy môi... bà Hồng biết rõ ông đang hết sức lo lắng cho bà. Ông lo sợ khi ông mất đi, bà sẽ không còn ai thân thuộc trên đời này nữa. Bà sẽ lại sống cô độc, lầm lũi như ông từng sống. Đó là điều vò xé trái tim ông, mà ông ra đi chẳng đành. 

Bà Hồng cho biết, họa sĩ Cẩn bắt đầu yếu dần từ năm 1990, lúc ấy ông đã bước qua tuổi 80 nhưng ông vẫn rất hăng say sáng tác. Do chân tay run rẩy, đi lại không vững nên mọi hoạt động của ông bó gọn trong căn phòng nhỏ của khu tập thể số 10 Nguyễn Thượng Hiền. Bà cố tạo điều kiện cho ông vẽ bằng cách tranh thủ thời gian rảnh rỗi ngoài giờ dạy (sau khi tốt nghiệp xuất sắc ngành điêu khắc, hệ sơ trung, bà Hồng được đặc cách lên học tiếp đại học và sau đó được giữ lại làm giảng viên của Trường đại học Mỹ thuật Hà Nội cho đến khi về hưu - PV) bà tìm kiếm các dụng cụ vẽ để ông nằm trên giường bệnh mà vẫn vẽ được. 

Trong những trang nhật ký cuối cùng của cuộc đời, ông đã viết: 
"1991. Không phải lúc này mới bắt đầu vẽ natyren (vẽ tĩnh vật), nhớ lại trong cuộc đời đã vẽ và làm nhiều thể loại, nhưng rất ít khi vẽ dạng này... Do hoàn cảnh tê liệt nên buộc phải vẽ tĩnh tại là chủ yếu. Nhờ có cô bạn điêu khắc (Hồng) khuyên khi ốm nên làm những việc nhẹ nhàng. Cô giúp đỡ tìm bút kết hợp với sơn dầu, màu, giá vẽ, bút màu, lên pallete (dụng cụ pha màu - PV)... nên gắng vẽ thuận tiện. Cô Hồng lại say vui thờ Phật, lập một bàn thờ để cho mình cố đem một chi tiết Phật A Di Đà, Phật Tích vào tác phẩm, do đó cứ một tuần vài lần, hàng tháng đều đặn phải tìm ra hoa về cúng... Ráng ngồi nhưng không được lâu, đau thì lại phải nghỉ, nhưng càng được vẽ càng thấy hào hứng, những mẫu vẽ thơm mùi hoa hồng nhung, hồng bích... cứ cuốn mình vào từng nét vẽ...". 

Thời điểm này, đã có lúc ông bị cảm thương hàn rất nặng, tưởng chừng như khó lòng qua khỏi, nhưng ông vẫn cố gắng chống chọi với bệnh tật để tiếp tục sống. Sức mạnh tình yêu như một thứ thuốc nhiệm mầu giúp ông "kháng" lại được bệnh tật để cùng bà sống tiếp những ngày hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà mặc dù nằm trên giường bệnh, nhưng thời gian này ông đã vẽ được những 11 bức tranh tĩnh vật và một bức ký họa chân dung người vợ mà ông vô cùng yêu quý. Chỉ tiếc, khi bức ký họa còn những đường nét cuối cùng, thì ông lại ra đi. Tâm nguyện cuối cùng, muốn dành tặng cho người bạn đời tri kỷ một bức vẽ "yêu thương" đã không thành. 


Bà Hồng không rời họa sĩ Trần Văn Cẩn nửa bước, kể từ khi ông ngã bệnh 


Bà Hồng kể, họa sĩ Cẩn ra đi rất nhanh. Ông chỉ ốm sơ sơ mấy ngày, thấy bụng ông ngày càng chướng to, bà vội vàng đưa vào viện thì bác sĩ kết luận bị viêm bể cầu thận, không thể mổ được vì tuổi tác của ông đã cao. Rồi mấy ngày sau đó, ông mất. 

Ông trút hơi thở cuối cùng vào 6h50 sáng 31/7/1994 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô bên người tình duy nhất của cuộc đời ông. Tờ lịch hôm đó, bà Hồng xé xuống, vẫn giữ phẳng phiu trong chiếc hộp giấy cất giữ những kỷ vật của người chồng quá cố, trên đó ghi rằng: "Sáng mưa, trưa nắng, chiều nồm/ Trời còn luân chuyển, huống mồm thế gian". 

Nỗi day dứt của người ở lại 
Trước khi nhắm mắt, họa sĩ Trần Văn Cẩn đã kịp để lại di chúc tặng toàn bộ gia tài nghệ thuật của mình cho người bạn đời duy nhất của ông: "Xin cô Trần Thị Hồng nhận lấy gia tài hội họa của tôi như một chút quà mọn". Gia tài hội họa của ông là hơn 1.000 bức tranh do chính tay ông vẽ với nhiều thể loại tranh khác nhau. Đó là thứ tài sản duy nhất cuộc đời của một người họa sĩ nghèo. Ông tặng lại cho bà xem như "một chút quà mọn" thay cho lời cám ơn bà. Cám ơn những hạnh phúc muộn màng bà đã mang đến cho ông trong cuộc đời, những hạnh phúc hiếm hoi mà ông chưa bao giờ nghĩ đến. 

Số tranh ấy, cho đến bây giờ, bà Hồng vẫn giữ gìn gần như nguyên vẹn trong căn nhà bà đang sống. Nhiều người thấy bà Hồng sống đạm bạc đã khuyên bà bán đi một số bức tranh để sửa sang nhà cửa, trang trải cuộc sống, nhưng nhất định bà không chịu bán. Dắt chúng tôi đến bên chồng tranh được gấp xếp lên nhau cẩn thận, ngay trung tâm phòng khách của căn hộ tập thể chưa đầy 10m2 bà đang sống, bà Hồng nấc nghẹn, xót xa: "Đây là toàn bộ gia tài nghệ thuật mà chồng tôi - họa sĩ Trần Văn Cẩn để lại. Đã 16 năm, kể từ lúc ông ra đi đến nay, những tác phẩm nghệ thuật này phải chịu số phận đắng cay là nằm ủ rũ dưới tấm ni lông che tạm, bởi mái nhà đã xuống cấp, chỉ cần mưa to, nước thấm từ mái nhà xuống rất nhiều. Tôi muốn làm cho ông Cẩn một bảo tàng nhỏ để trưng bày những tác phẩm nghệ thuật này lên cho công chúng gần xa có cơ hội tiếp xúc với tranh ông, nhưng do một mình, không có tiền, không có đất, nên lực bất tòng tâm... Tôi từng đi gõ cửa rất nhiều nơi để nhờ họ giúp đỡ, nhưng ai cũng hứa hẹn rồi lại bặt tăm. 

Nhiều người khuyên tôi nên bán đi một số bức tranh để có tiền thực hiện tâm nguyện của mình, nhưng tôi tiếc lắm. Tôi giữ gìn và bảo bọc những tác phẩm đó đến giờ phút này, nghĩa là xem chúng như những đứa con tinh thần, không thể nào rời xa chúng được. Cho đến bây giờ, lòng tôi day dứt khôn nguôi. Đã bao nhiêu năm rồi, tôi vẫn chưa làm được gì cho chồng tôi... Năm nay vừa tròn 100 năm ngày sinh của ông, chắc là tôi sẽ phải đưa tranh ông về một tỉnh nào đó, nơi đó người ta chấp nhận mình. Tôi sẵn sàng mang nghệ thuật đến nơi đó gầy dựng, để nó không bị lãng quên, không phải xếp xó một cách phí phạm như thế này...". 


Bà Hồng bên mộ họa sĩ Trần Văn Cẩn 


Giờ đây, trên căn hộ tập thể bà Hồng vẫn sống đơn độc một mình với hai chú mèo con. Thi thoảng bà vẫn vẽ tranh, nặn tượng... như để sống lại ký ức của những ngày còn có ông. Ngoài ra, bà cũng tham gia một số công tác xã hội như Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội, ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội. 

Bà Hồng cho hay, bà tham gia công tác xã hội là để công việc cuốn bà đi cho bà bớt nhớ thương ông. Tuy nhiên, dù bận việc đến đâu thì đều đặn mỗi tháng một lần bà lại ra thăm mộ họa sĩ Cẩn. Mỗi lần ra mộ, bà thường ngồi trò chuyện với ông hàng tiếng đồng hồ mới đứng dậy ra về. Mới đây, bà đã cố gắng dành dụm được một số tiền và xây lại mộ cho ông rất đẹp. Chỉ buồn một nỗi, sau những khi rảnh việc sự cô đơn lại kéo dài lê thê, mênh mang khiến cho bà cảm thấy như khó lòng sống tiếp những ngày còn lại khi không có ông bên mình. 

Hà Tùng Long 









UẨN KHÚC CỦA TÁC GIẢ QUỐC HUY VIỆT NAM

Sơn Kiều Mai


1/ Từ năm 1955 đến năm 2004, suốt nửa thế kỷ, trên các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan Nhà nước đều viết: Họa sĩ Trần Văn Cẩn (1910-1994) là tác giả Quốc huy Việt Nam.

Chỉ đến năm 2001, khi Họa sĩ Lê Lam đăng bài trên tờ Nhân dân Cuối tuần nêu ra TÁC THẬT của Quốc huy Việt Nam là Họa sĩ Bùi Trang Chước (1915-1992) thì dư luận lại được một phen xôn xao. Cách đấy khoảng 10 năm, cũng đã xôn xao chuyện có 2 tác giả Quốc ca. Cuối cùng mọi việc khép lại thì chỉ có duy nhất Nhạc sĩ Văn Cao là tác giả Quốc ca chứ không có ông Đỗ Hữu Ích hay Đỗ Hữu X nào hết.

Đến năm 2004 thì sự việc đẩy đến cao trào khi gia đình Họa sĩ Bùi Trang Chước công bố hơn 100 mẫu phác thảo Quốc huy Việt Nam cùng những bằng chứng chứng minh cụ Chước đã vẽ Quốc huy như thế nào. Sự việc khi đó mới ngã ngũ. TÁC THẬT Quốc huy là Bùi Trang Chước, còn Trần Văn Cẩn đã "cố ý cầm nhầm" Quốc huy suốt 40 năm (từ 1955 cho đến khi ông mất - 1994).

Khi tôi viết cụm từ "cầm nhầm", Tiến sĩ Dân tộc học Mai Thanh Sơn có bình luận rằng tôi "nói cụ Trần Văn Cẩn cầm nhầm e hơi quá". Theo anh Mai Thanh Sơn thì "Thực ra, sinh thời chưa bao giờ cụ Cẩn tự khai chuyện đó. Hồ sơ Giải thưởng Hồ Chí Minh là do các con của ổng làm".

Sự việc diễn ra đã lâu, nay ít người được biết, nhân bình luận của anh Mai Thanh Sơn, tôi sẽ dẫn lại tư liệu để mọi người đọc chơi.

2/ Đầu tiên, phải đi từ bản Di bút TÔI VẼ MẪU QUỐC HUY của Họa sĩ Bùi Trang Chước.

Mở đầu, cụ viết: ""Năm 1953, nhân dịp Nhà in Bộ Tài chính biệt phái tôi một thời gian sang để vẽ mẫu Bằng và Huân chương cho Chính phủ, đồng chí Trịnh Xuân Côn - Ban Pháp chế Phủ Thủ tướng phụ trách Bộ phận Huân chương đưa cho tôi một số mẫu Quốc huy của các nước Xã hội Chủ nghĩa làm tài liệu tham khảo để tôi phác sẵn mẫu Quốc huy của ta. Qua nghiên cứu số Quốc huy của bạn, các nước bạn đều dùng những bông lúa hoặc liềm, búa hay bánh xe để tượng trưng cho công nông nghiệp. Về nội dung bên trong dùng hình tượng mang đặc điểm của đất nước, dân tộc mình".

Tôi lược bỏ những nội dung cụ Chước nêu về ý tưởng trình bày và thiết kế mẫu Quốc huy, chỉ dẫn tư liệu khi mẫu hoàn chỉnh đem nộp:

"Sau khi nộp mẫu, qua thời gian chờ đợi, đầu năm 1955, một đồng chí (tôi không nhớ tên và ở đâu) tìm tôi ở Nhà in Ngân hàng mang theo mẫu Quốc huy của tôi đã làm, nói là trên Trung ương đã duyệt mẫu này và có ý kiến đề nghị tôi sửa lại cho bông lúa nhiều hạt. Tôi sửa đi sửa lại hai lần. Bản mẫu này tôi đưa cho đồng chí ấy để đệ trình lên trên, còn bản mẫu đen trắng tôi vẽ tách màu để chuẩn bị sẵn khi in (Bản này hiện nay tôi còn giữ, do đồng chí Nguyễn Hải, họa sĩ Phòng vẽ Nhà in Ngân hàng tìm thấy ở Nhà in đưa lại cho tôi làm tư liệu). Anh em ở Nhà in Ngân hàng hồi đó đều biết về việc này và cũng mừng cho tôi là hy vọng mẫu của tôi vẽ có triển vọng được duyệt chính thức. Lần thứ ba, đồng chí mà tôi quên tên đó lại đến nói với tôi: Vì điều kiện thời gian gấp, trên Trung ương có nói họa sĩ Trần Văn Cẩn đến tập trung một chỗ để sửa và làm gấp mẫu Quốc huy cho kịp".

Sau khi chỉnh sửa một vài họa tiết (theo gợi ý của Trung ương, mà cụ thể ở đây là Tổng Bí thư Trường Chinh, do Họa sĩ Bùi Trang Chước phải sang Trung Quốc nhận một nhiệm vụ bí mật lúc đó không thể nói cho bất cứ ai, kể cả vợ con, đó là vẽ tiền), thì Họa sĩ Trần Văn Cẩn trở thành... tác giả!

"Bẵng đi một thời gian dài, được tin mẫu Quốc huy Việt Nam đã được duyệt và đã in chính thức để thông báo. Tôi xem thì thấy mẫu Quốc huy đó từ hình dáng, từ hình thức trang trí họa tiết đến nội dung bố cục trình bày hoàn toàn giống mẫu của tôi mà quá trình tôi đã làm từ năm 1953 đến đầu 1955 và đã được Trung ương sơ duyệt. (...) Khi xem đến tên tác giả lại là Trần Văn Cẩn (!) do đó đã làm cho tôi phải suy nghĩ và thắc mắc. Vì nghĩ rằng:

Nếu như mẫu Quốc huy này do sự đóng góp chung của tập thể họa sĩ mỗi người một phần tạo nên thì theo tôi:

1- Là không nên đề tên một người nào hết, vì đó không phải riêng của một ai làm ra, đó là vinh dự chung cho cả giới Mỹ thuật.
2- Là nếu đã đề tên tác giả thì phải đề tên các tác giả chủ yếu đã có công đóng góp cụ thể để xây dựng nên mẫu đó.
Còn đã dựa vào mẫu của người khác từ đầu đến cuối, chỉ có một việc là sửa chữa về chi tiết cho hoàn chỉnh mà đề riêng một tên tác giả, thì vô hình chung là đã phủ nhận bao công lao của người khác để xây dựng nên, đó là điều hết sức vô lý không thể chấp nhận được".

3/ Khi phát hiện ra sự việc này, Họa sĩ Bùi Trang Chước đã có ý kiến đến Đảng đoàn Hội Mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Bùi Trang Chước có chia sẻ với người học trò là Họa sĩ Lê Lam rằng, ông không muốn làm đơn kiện vì cùng là NGƯỜI LỚN VỚI NHAU. Ông chờ đợi sự lên tiếng cải chính của Họa sĩ Trần Văn Cẩn. Tuy nhiên, điều ông mong chờ đã không đến.

Vì vậy, "ngày 15 tháng 4 năm 1973, tôi có viết đơn lên Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày về việc này, không rõ đơn có đến tay Thủ tướng hay không, tôi không thấy được trả lời".

Họa sĩ Bùi Trang Chước còn có đơn gửi Đảng đoàn Hội Mỹ thuật Việt Nam. Điều này được các Họa sĩ Phan Kế An và Họa sĩ Huỳnh Văn Thuận xác nhận. Nhưng vì những lý do nội bộ cho nên sự việc bị chìm đi.

Ngày 26 tháng 4 năm 1985, Họa sĩ Bùi Trang Chước sang tuổi 70. Tuổi cao, sức yếu, không biết sẽ ra đi ngày nào, ông buộc lòng phải viết Di bút TÔI VẼ MẪU QUỐC HUY coi như Di chúc để lại cho con cháu./.



ảnh: Hồ sơ Quốc huy Việt Nam tại Lưu trữ Quốc gia (Tư liệu Họa sĩ Lê Lai)




















"Em Thúy" ngoài đời










Trần Văn Cẩn 
Họa sĩ Nguyễn Văn Len ghi

































































Trở về 





MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.