Chủ Nhật, 11 tháng 6, 2023

Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát)
















Thích Trí Siêu
(Lê Mạnh Thát)
(15/4/1944 - ......)  Quảng Trị
Nghề nghiệp Giáo sư, sử gia, thiền sư
Học vị Tiến sĩ Triết học
Viện Đại học Wisconsin-Madison, Hoa Kỳ

Nổi tiếng vì Những công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử Việt Nam

Năm 1984 ông bị bắt giam cùng với Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, cả hai bị đưa ra xử vào năm 1988 và bị tuyên án tử hình. Sau đó, nhờ sự can thiệp của các chính quyền Âu Mỹ, án được giảm xuống thành 20 năm cấm cố. Ông được phóng thích ngày 31 tháng 8 năm 1998







Tiểu sử


Ông là đệ tử của Hoà thượng Thích Đôn Hậu. Là một nhà tu hành xuất gia từ bé, nhưng ông vẫn để tóc. Năm 1959, ông vào Huế trọ ở chùa Báo Quốc và theo học tại Quốc học Huế. Năm 17 tuổi ông được đặc cách thi tú tài.

Năm 20 tuổi ông đậu cử nhân ngành triết học tại Viện Đại học Đà Lạt.

Từ 1965-1974 ông theo học tại Viện Đại học Wisconsin, Madison, Hoa Kỳ, lấy bằng tiến sĩ ngành Triết học. Luận án của ông tập trung vào lĩnh vực triết học Thế Thân (Philosophy of Vasubandhu); Vasubandhu là tên của một triết gia Ấn Độ lỗi lạc sống ở thế kỷ thứ 5.

Năm 1974-1975, ông là giáo sư Viện Đại học Vạn Hạnh - Sài Gòn, giảng dạy các môn tiếng Sanskrit, lịch sử triết học Ấn Độ, lịch sử Phật giáo Việt Nam

Từ 1975-1984, ông giảng dạy tại Viện nghiên cứu Phật học Vạn Hạnh - Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1984, ông bị chính quyền Việt Nam bắt giam cùng với thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, cả hai bị đưa ra xử vào năm 1988 và bị tuyên án tử hình, vì tội "tán thành, ủng hộ, che chở, đùm bọc hành động phản cách mạng, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa" (vì ông tiếp tục tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất khi hầu hết lãnh đạo của giáo hội đã gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam được nhà nước ủng hộ). Sau đó nhờ sự can thiệp của các chính quyền Âu Mỹ, án được giảm xuống thành 20 năm cấm cố. Ông được phóng thích ngày 31 tháng 8 năm 1998, sau 14 năm giam cầm.

Năm 1998 tổ chức Human Rights Watch đã tặng giải thưởng về nhân quyền Hellmann-Hamett Awards cho ông và các người Việt khác (Hoàng Tiến, Lữ Phương, Nguyễn Ngọc Tần, Phạm Thái Thụy, Thích Tuệ Sỹ và nhiều nhà văn nhà thơ nhà báo nổi tiếng khác trên khắp thế giới)

Từ 1998 đến nay: ông là giáo sư, Phó Viện trưởng - Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2012 ông được bầu làm thành viên Ban thường trực của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII (2012 – 2017).

Ngày 27 tháng 11 năm 2021, ông được bầu làm Cố vấn Hội đồng Phiên dịch Tam tạng Lâm thời thuộc Hội đồng Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất do Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Xử lý Thường vụ GHPGVNTN thành lập.

Ông thông thạo hơn 15 thứ tiếng.



Các lý thuyết mới về lịch sử Việt Nam
Một số phát hiện

Ông tuyên bố đã phát hiện ra Lục độ tập kinh, một tập kinh quan trọng trong Đại tạng kinh của Phật giáo thế giới đã lưu truyền 2000 năm, tập kinh đó là của Việt Nam, tập kinh được dịch ra chữ Hán từ một bản tiếng Việt chứ không phải từ bản tiếng Phạn
.
Cho rằng truyền thuyết trăm trứng có khởi nguồn từ Lục độ tập kinh, trước kia chỉ biết có truyền thuyết trăm trứng là hồn thiêng dân tộc, nhưng khởi nguồn thì không biết từ đâu.
Ông khẳng định truyền thuyết An Dương Vương đánh bại vua Hùng Vương thứ 18 rồi lập nên một triều đại (dưới ngòi bút của Ngô Sỹ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư) là không có thật, nó chẳng qua chỉ là một phiên bản của câu chuyện Mahabharata (Mahàbhàrata) từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam thời Hùng Vương mà thôi.

Ông cho rằng không có chuyện Triệu Đà đánh An Dương Vương ("vì làm gì có An Dương Vương mà đánh!") và nhà Thục cũng không bao giờ bị Triệu Đà chiếm. Có nghĩa là, cho đến năm 43 (sau công nguyên), trước khi cuộc chiến tranh vệ quốc của Hai Bà Trưng thất bại, Văn Lang vẫn là một nước độc lập. Đó là triều đại Hùng Vương được xây dựng trên một nền văn hiến với điển chương riêng của nó, có luật pháp, có chữ viết, có lịch số, có âm nhạc, có văn học,... Nhà nước và văn hiến đó hoàn toàn không do người Trung Quốc đến "khai hóa" mà có. Nhà nước Hùng Vương có đủ bản lĩnh, sức mạnh để tiếp thu tinh hoa và để tự vệ trước âm mưu nô dịch của ngoại bang, đóng góp vào nền văn minh chung của nhân loại mà Lục Độ tập kinh là một trong những dẫn chứng sống động. Ông dẫn chứng, sau khi Mã Viện "chém Trưng Trắc, Trưng Nhị, đưa đầu về Lạc Dương", Hậu Hán thơ viết: "Viện (Mã Viện) điều tấu Việt luật cùng Hán luật, sai hơn 10 việc, bèn cùng người Việt nói rõ để ước thúc". Ông lập luận rằng, như vậy rõ ràng nước Việt đã có luật pháp, bộ luật đó một chính quyền Hai Bà Trưng ngắn ngủi không làm nổi, nó phải là sản phẩm của một nhà nước độc lập tồn tại từ lâu đời.



Các đề nghị sửa lại lịch sử

Dứt khoát loại bỏ truyền thuyết An Dương Vương và nước Nam Việt của Triệu Đà ra khỏi lịch sử nước ta. Lý do, trước đây ta viện dẫn từ 4 tài liệu cổ sử Trung Quốc, đó là Giao châu ngoại vực ký, Quảng Châu ký, Nam Việt chí và Nhật Nam truyện, trong đó 3 tài liệu không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, căn cứ vào những tài liệu lịch sử chính thống xưa nhất của Trung Quốc là Sử ký Tư Mã Thiên và Tiền Hán thư, hoàn toàn không thấy có chuyện Triệu Đà đánh An Dương Vương hay tương tự, mà các tài liệu đó còn có những thông báo xác định rõ ràng là cho đến hết thời Triệu Đà cùng cháu chắt ông ta làm vua Nam Việt bên đất Trung Quốc, nước ta vẫn đang có vua và đang là một nước độc lập. Vậy, nước ta chưa bao giờ thuộc Nam Việt của Triệu Đà bên Trung Quốc.
Nước ta từ thời Hùng Vương vẫn là một nước độc lập kéo dài cho đến năm 43, nghĩa là giai đoạn Bắc thuộc lần thứ nhất không tồn tại.



Lý giải về những "sai sót" chép sử trước đây

Ông cho rằng trước đây đã dùng những sử liệu không đáng tin cậy để viết sử rồi cứ đinh ninh như vậy cho tới nay. Từ Đại Việt sử lược trở đi, theo giáo sư Lê Mạnh Thát, là do "những người viết sử đã không bao giờ chịu nghiên cứu và cân nhắc một cách kỹ càng những sử liệu mà họ dùng". Ông cho rằng, để viết lịch sử nước ta vào những thế kỷ trước và sau công nguyên, phải dùng "những báo cáo của Sử ký và Tiền Hán thư như những tài liệu cơ bản cho việc kiểm soát..., dù biết rằng sự kiện của mọi cuốn sử chính thống Trung Quốc từ Sử ký trở đi không nên được chúng ta tin cậy hoàn toàn". Tuy nhiên, theo ông, "nó vẫn có giá trị và đáng tin gấp bội lần" so với những thứ như 4 tài liệu đã dẫn trên đây, bởi vì ngay cả tài liệu có nguồn gốc rõ ràng như Nam Việt chí, "nó cũng xuất hiện sau Sử ký đến những sáu trăm năm".



Nhận định về ông

Thi sĩ, nhà văn, triết gia, học giả, và cư sĩ Phật giáo Phạm Công Thiện: Tôi được may mắn quen biết Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát khi hai vị này còn rất trẻ và còn dưới 20 tuổi. Lúc tôi quen biết hai vị thì hai vị hãy còn là những chú tiểu ở chùa; bây giờ thì hai vị đã trở thành hai vị Thiền sư lỗi lạc và lại cũng là Anh hùng dân tộc của Lịch sử Việt Nam hiện đại. Tại sao "gọi là Anh hùng dân tộc" thì rất dễ nhận thấy. Nhưng tại sao gọi Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ là "hai vị Thiền sư lỗi lạc nhất, thông minh nhất, uyên bác nhất, trong sạch nhất của Việt Nam hiện nay"? "Thiền sư" à? Chỉ nội cái danh hiệu "thiền sư" đã là mệt rồi, lại còn thêm mấy chữ mơ hồ như "lỗi lạc nhất, thông minh nhất..."? Tôi muốn nói về Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát với tất cả thận trọng và suy nghĩ chín chắn cặn kẽ, và tôi xin chịu mọi trách nhiệm về cái nhìn khác thường của tôi đối với nhị vị. Tại sao là "thiền sư"? Và "thiền sư": Là thế nào? Không cần trả lời trực tiếp về những câu hỏi bất thường này. Nơi đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh đôi điều gián tiếp và ai muốn hiểu gì thì cứ hiểu. Không ai có thể tự nhận đủ thẩm quyền tôn giáo và tâm linh để trả lời dứt khoát những câu hỏi bất thường trên. Chỉ có những người bỏ cả trọn đời mình lặng lẽ sống chết với cái gọi là "Bồ Đề tâm" hay "Phát Bồ Đề Tâm" thì may ra mới trực nhận đâu đó khí phách và thần dụng bảng lảng của "nghịch hành thiền".

Ông Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương: "Tôi không phải là người nghiên cứu lịch sử, tuy nhiên tôi đã đọc bộ Lịch sử Phật giáo Việt Nam và Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta của thiền sư Lê Mạnh Thát. Với cảm nhận của bản thân, tôi cho rằng những giả thiết mà thiền sư đặt ra là rất đáng trân trọng. Trước hết phải ghi nhận là thiền sư đã có một tinh thần dân tộc, luôn mong muốn làm sáng tỏ lịch sử nước nhà. Thiền sư đã cất công tìm tòi, dò sâu vào lịch sử, đọc những tài liệu, những công trình khoa học từ nhiều nguồn, nhiều quốc gia, nhất là trong các tạng kinh Phật. Đây là một cơ duyên mà không phải ai cũng có được. Trong bối cảnh mà nhiều nguồn tài liệu khác đã bị tiêu hủy, thì việc phát hiện những vấn đề lịch sử tiềm tàng trong kinh Phật là điều rất quý"..."Đây là một vấn đề lịch sử cần trao đổi cởi mở, rộng rãi để nhân dân được nghe, được biết. Qua đó, biết đâu chúng ta sẽ có thêm được nhiều nguồn thông tin mới khác nữa từ trong nhân dân".













Các tác phẩm tiêu biểu




1
 Lịch sử và văn hoá Phật giáo Việt Nam 
gồm 26 tác phẩm với 18.322 trang




2
5 bài nghiên cứu chuyên ngành
gồm 140 trang




3
4 tác phẩm về các đề tài Phật học
1.436 trang




4
Lịch sử Phật giáo Việt Nam
3 tập. Nxb  Tổng hợp Tp HCM . 2006




5
Tổng tập Văn Học Phật giáo Việt Nam
3 tập. Nxb Tổng hợp Tp HCM.  2006




6
Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta





7
Toàn tập Minh Châu Hương Hải






8
Toàn tập Trần Thái Tông






9
Toàn tập Trần Nhân Tông






10
Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài






11
Nghiên cứu về Mâu Tử 
2 tập






12
Toàn Tập Chân Đạo Chánh Thống





13
Lịch sử Âm nhạc Phật giáo Việt Nam






14
Tự điển Bách Khoa Phật giáo Việt Nam
2 tập






15
The Philosophy of Vasubandhu






16
Ngữ pháp tiếng Phạn








17
Tâm và Ta





Một số phát hiện khác

Ông phát hiện ra một số sai sót của Lê Quý Đôn khi ghi chép về văn thơ: Bài Xuân nhật tức sự, được Lê Quý Đôn chép trong Kiến văn tiểu lục và ghi là của thiền sư Huyền Quang thời nhà Trần (1254-1334). Từ đó nhiều thế hệ học giả đã dẫn giải, bình luận, coi là một kiệt tác thi ca chữ Hán của Việt Nam. Trên tạp chí Văn học số 1-1984, lần đầu tiên giáo sư Lê Mạnh Thát đã đưa ra tài liệu chứng minh bài thơ trên không phải của thiền sư Huyền Quang mà của thiền sư Ảo Đường Trung Nhân (?-1203) thời nhà Tống bên Trung Quốc.

Bài khác cũng được Lê Quý Đôn chép trong Kiến văn tiểu lục, ghi là của Hương Hải thiền sư thời nhà Lê. Nhưng trong công trình nghiên cứu rất công phu về thiền sư Hương Hải (Toàn tập Minh Châu Hương Hải), giáo sư Lê Mạnh Thát cũng phát hiện tác giả thật của nó là thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài bên Trung Quốc thời Tống (ông còn phát hiện số 59 bài thơ được coi là của thiền sư Hương Hải do học trò của thiền sư chép trong Hương Hải thiền sư ngữ lục, có đến 47 bài không phải của thiền sư).

Lê Mạnh Thát chứng minh rằng trong số 40 bài thơ thiền được cho là của các thiền sư Việt Nam thời Lý-Trần sáng tác mà Lê Quý Đôn chép lại trong Kiến văn tiểu lục, trên thực tế có tới 32 bài là tác phẩm của người Trung Quốc, sau đó được một số người Việt Nam "gia công" lại và gán cho các tác giả Việt Nam.

Trong 1 tiểu luận viết cho Tạp chí Văn học vào năm 1992, sử gia Hà Văn Tấn dẫn lại một số ý kiến của Lê Mạnh Thát (khi này đang ở tù) cũng như nhấn mạnh rằng, ông (Hà Văn Tấn) đã lần theo những chỉ dẫn, chú thích của Lê Mạnh Thát để kiểm tra lại nguồn tài liệu lập luận của thiền sư, và ông (Hà Văn Tấn) hoàn toàn đồng ý với những khám phá này.










Hoàng Hải Vân


Các dữ liệu nghiên cứu Phật giáo của HT Thích Trí Siêu, tức GS Lê Mạnh Thát, từng được nhà báo Hoàng Hải Vân viết và đăng trên báo Thanh Niên, gây xôn xao dư luận cách đây độ 10 năm. Chúng tôi xin tổng hợp lại bài viết này để Phật tử tham khảo.

Các loại Pháp khí bạn có thể quan tâm (tại đây).


Theo báo Thanh Niên: "Ông (tức HT Thích Trí Siêu - BTV) không chỉ là một thiền sư, là nhà khoa học có nhiều bằng tiến sĩ, thông thạo hơn 15 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Nga, Đức, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Do Thái, Hy Lạp, Ả Rập, Tây Tạng, chữ Phạn, chữ Hán cổ...), ông còn là một người Việt Nam "nguyên chất" với tất cả lòng tự trọng tự hào về dân tộc mình, thể hiện một cách lạ lùng ngoạn mục ở tất cả các công trình khoa học của ông".


Hoà thượng Thích Trí Siêu, tức GS Lê Mạnh Thát.



Xin chép ở đây hai bài thơ chữ Hán:

Nhị bát giai nhân thích tú trì
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly
Khả liên vô hạn thương xuân ý
Tận tại đình châm bất ngữ thì

(Tạm dịch nghĩa:
Người đẹp mười sáu tuổi nhẹ tay thêu trên gấm
Dưới khóm hoa tử kinh con chim hoàng ly đang chuyền
Thật đáng thương nỗi lòng vô hạn đối với mùa xuân
Ngưng đọng nơi mũi kim, lặng lẽ không nói).

Đó là bài Xuân nhật tức sự, được học giả Lê Quý Đôn chép trong Kiến văn tiểu lục và ghi là của thiền sư Huyền Quang thời nhà Trần (1254-1334). Từ đó nhiều thế hệ học giả đã dẫn giải, bình luận, coi là một kiệt tác thi ca chữ Hán của Việt Nam.

Trên Tạp chí Văn học số 1-1984, lần đầu tiên giáo sư Lê Mạnh Thát đã đưa ra tài liệu chứng minh bài thơ trên không phải của thiền sư Huyền Quang mà của thiền sư Ảo Đường Trung Nhân (?-1203) thời nhà Tống bên Trung Quốc.

Một bài khác:

Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm

(Tạm dịch nghĩa:
Chim nhạn bay dài qua không trung
Ảnh chìm dưới dòng sông lạnh
Nhạn không có ý để lại dấu tích
Sông không có lòng lưu lại bóng hình).

Bài thơ này cũng được cụ Lê Quý Đôn chép trong Kiến văn tiểu lục, ghi là của Hương Hải thiền sư thời nhà Lê. Nhưng trong công trình nghiên cứu rất công phu về thiền sư Hương Hải (Toàn tập Minh Châu Hương Hải), giáo sư Lê Mạnh Thát cũng đã “trả" bài thơ này lại cho tác giả thật của nó là thiền sư Thiên Y Nghĩa Hoài bên Trung Quốc thời Tống.

Giáo sư Lê Mạnh Thát còn liệt kê trong số 59 bài thơ được coi là của thiền sư Hương Hải do học trò của thiền sư chép trong Hương Hải thiền sư ngữ lục, có đến 47 bài không phải của thiền sư. Từ đó, Lê Quý Đôn đã chép lại 43 bài trong Kiến văn tiểu lục, cả 43 bài đều của các thiền sư Trung Quốc. Ông đã chỉ rõ từng bài, là của ai, ở trong tài liệu nào, tờ số mấy.

Ông bảo sở dĩ có sai sót này là do Lê Quý Đôn chắc chắn không biết, tức không có dịp đọc các bộ chính sử Thiền tông Trung Quốc. "Hơn nữa, Lê Quý Đôn, với tư cách là một Phật tử, có thể đã quá tin tưởng vào bản in Hương Hải thiền sư ngữ lục, nghĩ rằng các thơ kệ và ngữ lục trong đó là đúng của Minh Châu Hương Hải, vì chúng đã được môn đồ của vị thiền sư này cho khắc in, nên đã không tiến hành kiểm tra, tìm hiểu và so sánh", ông viết.

Toàn tập Minh Châu Hương Hải là một trong rất nhiều công trình sử học của giáo sư Lê Mạnh Thát. Trong khi sưu tầm, đối chiếu, xác minh và giới thiệu những cống hiến quan trọng về lịch sử tư tưởng, văn học và Phật giáo Việt Nam của vị thiền sư lỗi lạc này, ông đồng thời đã cẩn trọng "trả lại cho người khác" những gì không phải của thiền sư, dù đó là những viên ngọc quý (như bài thơ nói trên). Đối với những nhân vật khác, ông cũng làm tương tự. Ông bảo những nhầm lẫn trong các công trình sử học kiểu đó không những không làm vinh dự thêm cho dân tộc mà còn rất tai hại, nó khiến cho người ta nghi ngờ chính những cống hiến quan trọng của các nhân vật lịch sử nước ta, đặc biệt khi các bậc thức giả nước ngoài tiếp cận những tài liệu này.

Dẫn ra chi tiết nhỏ trên đây để thấy sự nghiêm cẩn trong nghiên cứu của giáo sư Lê Mạnh Thát. Nhưng ngoài sự nghiêm cẩn, ông còn có một lợi thế tự nhiên khó có học giả nào có được. Là một thiền sư, ông đã đọc hết những bộ kinh sách đồ sộ như Đại tạng kinh và Tục tạng kinh chữ Hán, ông đọc trước hết là "để thưởng thức". Chính vì vậy mà chẳng hạn như đối với trường hợp hai bài thơ nói trên, ông đã biết đến khi đọc bộ sử thiền tông Trung Quốc (trong Tục tạng kinh), nên khi nghiên cứu về Huyền Quang và Hương Hải ông đã phát hiện ngay sự nhầm lẫn.
Lịch sử dân tộc bảo tồn trong kinh Phật

Lục độ tập kinh là một tập kinh quan trọng trong Đại tạng kinh của Phật giáo. Tập kinh này được dịch ra chữ Hán vào thế kỷ thứ 2, truyền bản của nó đến ngày nay gồm 8 quyển, 91 truyện, trình bày sáu hạnh vượt bờ của Bồ tát gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Các vị cao tăng đông tây kim cổ đều biết đến tập kinh này và từ lâu nó đã được dịch ra tiếng Pháp và tiếng Nhật.

Lần đầu tiên sau gần hai ngàn năm lưu truyền của Lục Độ tập kinh, giáo sư Lê Mạnh Thát có những phát hiện cực kỳ quan trọng từ tập kinh này. Ông khẳng định tập kinh đó là của Việt Nam, nó được dịch ra chữ Hán từ một bản tiếng Việt chứ không phải từ bản tiếng Phạn; Tăng Khương Hội, người dịch bản kinh đó, người mà sử sách cổ Trung Quốc coi là "bậc thánh hiền", là một người Việt Nam (ít nhất là sinh ra, lớn lên, học hành, theo đạo Phật, hành đạo và trước tác đều tại Việt Nam). Bằng kiến thức uyên bác về lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ, ông đã truy tận gốc tất cả những tài liệu cổ xưa nhất có liên quan, tiến hành khảo sát, đối chiếu, giám định và đưa ra một loạt những kết luận với các chứng cứ không thể phản bác. Ông bảo tập kinh đó chứa đựng "một lượng bất bình thường" các tư tưởng, quan điểm và đạo lý mang sắc thái chính trị và lịch sử Việt Nam.

Phát hiện đầu tiên là Lục độ tập kinh chứa đựng truyền thuyết khởi nguồn của dân tộc, đó là chuyện một trăm trứng. Điều này hết sức có ý nghĩa, là vì truyền thuyết đó được ghi vào sử sách bắt đầu từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên. Truy lùi lại thì thấy chuyện này được chép trong Lĩnh Nam chích quái. Truy nữa thì "bó tay", không biết nó xuất phát từ đâu, chỉ thấy nó liên quan tới truyện Liễu Nghi đời... Đường bên Trung Quốc. Từ trước tới nay mọi bàn cãi đều tập trung vào việc chấp nhận hay không truyền thuyết đó, mà chấp nhận hay phủ nhận nó không phải là vấn đề của lịch sử. Dân tộc nào cũng có truyền thuyết khởi nguyên, mà đã là truyền thuyết thì ít nhiều đều mang yếu tố hoang đường, nhưng đó là hồn thiêng dân tộc. Với Lục độ tập kinh, chúng ta đã truy ra thời điểm khởi nguồn của hồn thiêng dân tộc của mình.

Trong khi phát hiện truyền thuyết trăm trứng nằm trong Lục Độ tập kinh, giáo sư Lê Mạnh Thát còn khám phá một sự thật lịch sử thú vị liên quan đến An Dương Vương và Triệu Đà. Từ truyền thuyết trăm trứng nằm trong truyện 23 của Lục Độ tập kinh, ông đối chiếu với một dị bản bằng tiếng Phạn và lại phát hiện truyền thuyết An Dương Vương giống như câu chuyện về trận đánh quyết định trong anh hùng ca Mahàbhàrata giữa hai anh em Pandu và Duryodhana.

Đối chiếu với tất cả những gì được ghi trong Sử Ký của Tư Mã Thiên và các tài liệu cổ sử khác của Trung Quốc, ông khẳng định truyền thuyết An Dương Vương đánh bại vua Hùng Vương thứ 18 rồi lập nên một triều đại (dưới ngòi bút của Ngô Sỹ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư) là không có thật, nó chẳng qua chỉ là một phiên bản của câu chuyện Mahàbhàrata từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam thời Hùng Vương mà thôi.

Ông cũng tiếp tục đối chiếu sử sách và khẳng định không những không có chuyện Triệu Đà đánh An Dương Vương (vì làm gì có An Dương Vương mà đánh!) mà nước ta cũng không bao giờ bị Triệu Đà chiếm. Nước Nam Việt của Triệu Đà chưa bao giờ bao hàm nước ta trong đó cả. Có nghĩa là, cho đến năm 43 (sau dương lịch), trước khi cuộc chiến tranh vệ quốc của Hai Bà Trưng thất bại, nước ta vẫn là một nước độc lập. Đó là triều đại Hùng Vương, là nhà nước Hùng Vương. Nhà nước đó đã được xây dựng trên một nền văn hiến với điển chương riêng của nó, có luật pháp, có chữ viết, có lịch số, có âm nhạc, có văn học... Nhà nước đó, nền văn hiến đó hoàn toàn không do người Trung Quốc đến "khai hóa" mà có. Nó có đủ bản lĩnh, đủ sức mạnh để tiếp thu những gì là tinh hoa và để tự vệ trước âm mưu nô dịch của ngoại bang. Nó có đủ sự nổi trội để đóng góp vào nền văn minh chung của nhân loại mà Lục Độ tập kinh là một trong những dẫn chứng sống động. Với những khám phá của ông, chúng ta có đủ tài liệu để dựng lại lịch sử vẻ vang của dân tộc ta từ hai ngàn năm trước...

Đại Tạng Kinh là gì

Đại Tạng Kinh hay Tam Tạng Kinh Điển hay Tam Tạng Thánh Giáo là tên gọi chỉ cho toàn bộ kinh điển Phật giáo đã được hệ thống hóa trong cùng một ngôn ngữ, bao gồm 3 tạng: Kinh, Luật, Luận. Từ hai ngôn ngữ gốc được dùng để ghi chép kinh điển là Sanskrit và Pali, kinh điển Phật giáo hiện nay đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới nên cũng đã có nhiều Đại Tạng Kinh với ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, do các yếu tố hoàn chỉnh, hệ thống và ảnh hưởng lịch sử mà các Đại Tạng Kinh Pali, Trung Hoa và Tây Tạng có giá trị vượt trội hơn. Cần để ý rằng trong cùng một loại Đại Tạng Kinh có những khác biệt trong mỗi ấn bản, chẳng hạn có những khác biệt trong Đại Tạng Kinh Pali ấn bản của Thái Lan so với Đại Tạng Kinh Pali ấn bản của Tích Lan.

Cũng vậy, tuy được xem là Đại Tạng Kinh Trung Hoa, nhưng có những khác biệt về nội dung giữa các ấn bản của Nhật, của Đại Hàn, của Trung Hoa vì khi tập thành đã dựa trên những ấn bản khác nhau trước đó của Đại Tạng Kinh Trung Hoa.

(TheoThanh Niên)
















Đời và Đạo
là hai mặt của một đồng tiền

Thích Trí Siêu


Sống làm sao cho cuộc đời trở nên đáng sống, có ý nghĩa, có lý tưởng, có thương yêu hiểu biết thì đó là Ðời Ðạo. Còn như chạy theo Ðạo mà quan niệm hẹp hòi, bảo thủ cố chấp, không khoan dung độ lượng thì đó là Ðạo Ðời. Có người sống cả đời chỉ để làm một việc lợi ích thôi, như Lão tử, đến và đi không tung tích, để lại độc nhất một quyển Ðạo Ðức Kinh giá trị vô cùng, há không phải là một đại thiền sư hay sao?

Hôm nay chúng ta sẽ nói chyện đời, vì đời và đạo là hai mặt của một đồng tiền. Nếu không có đời thì sẽ không có đạo, đời và đạo nương nhau mà có.Phật pháp bất ly thế gian pháp. Không phải chỉ nói thiền, tịnh, vô ngã, tánh không, v.v... mới là Phật pháp, mà ngay cả những chuyện ăn uống, ngủ nghỉ, gánh nước, bửa củi, lặt rau, rửa chén, quét nhà cũng là Phật pháp. Phật pháp không hẳn chỉ dạy cầu niết bàn, vì căn cơ chúng sinh khác nhau, đâu phải ai cũng muốn thành A La Hán, Bồ Tát, hay thành Phật hết. Vì thế mới có ngũ thừa Phật giáo: nhân thừa, thiên thừa, thanh văn thừa, duyên giác thừa và bồ tát thừa. Có một kinh điển hình như nói về nhân thừa, đó là kinh Thi Ca La Việt (Sigalo-vadasutta), trong đó Phật giảng cho một thanh niên dòng Bà la môn, con nhà giàu ở thành Vương Xá. Ngoài ra, lúc còn tại thế, đức Phật vẫn thường giảng cho các cư sĩ tại gia sống làm sao cho an vui hạnh phúc, giảng cho vua chúa cách an dân trị nước, những kinh này bàng bạc trong các bộ A-Hàm.

Qua những dịp tiếp xúc với Phật tử, tôi thấy có nhiều người khổ vì tình. Tình ở đây gồm đủ loại: tình vợ chồng, tình cha con, tình anh em, tình yêu, tình bạn, tình đời, v.v... Nhờ có khổ như vậy mới đến chùa học hỏi mong sao hết khổ. Nhưng phần đông lại rơi vào một trường hợp, đó là lấy cảnh chùa làm nơi trốn tránh cuộc đời, trốn tránh bổn phận gia đình, chồng con, vì chồng con nhiều lúc đã làm mình đau khổ. Hãy nhìn hoàn cảnh của người phụ nữ Việt Nam. Theo truyền thống phong tục tập quán, người đàn bà chỉ biết suốt đời hy sinh cho chồng con, nhưng rồi ít có chồng con nào ý thức được sự hy sinh đó. Nho giáo đã xem nhẹ vai trò của người phụ nữ. Cái gọi là tình vợ chồng thật ra là nghĩa vợ chồng. Thời xưa, người ta cưới gả nhau ít vì tình, mà vì môn đăng hộ đối, hoặc tìm chỗ nương thân, sống chung cho đỡ hiu quạnh. Khi ký một hiệp ước sống chung thì mỗi người phải có bổn phận. Bổn phận làm vợ phải thế này, bổn phận làm chồng phải thế kia.

Người phụ nữ phải tam tòng tứ đức. Nhiều cặp vợ chồng bề ngoài có vẻ hạnh phúc, mỗi người làm đúng bổn phận của mình, nhưng bên trong rất nhạt nhẽo vô tình, không có sự thương hiểu lẫn nhau. Tuy sốngchung dưới một mái nhà, nhưng trong lòng thì cách xa nhau cả ngàn cây số, mỗi người sống riêng trong thế giới của mình. Sống như vậy đâu có vui thú gì, đúng là oán tắng hội khổ. Nay mình biết chùa muốn tu, muốn dứt bỏ chồng con, nhưng ai cho phép? Nhiều bà, nhiều cô muốn vào chùa thọ bát quan trai một ngày một đêm nhưng chồng không cho phép. Những ông chồng này nói rằng: muốn tu thì cứ việc tu, đâu ai cấm, nhưng phải làm tròn bổn phận người vợ trước đã. Ở đây tôi không thể bênh vực bên nào cả, vì mỗi khi có sự bất hòa thì cả hai bên đều có phần trong đó. Không có ai phải ai trái, mà chỉ có một sự thiếu hiểu biết, không thông cảm, không thực sự thương yêu, và thay vào đó là một sự đòi hỏi kẻ khác phải chiều theo ý mình.

Tu học không phải để chạy trốn chồng con. Tu học để tỉnh thức, nhận ra những điều mà trước đây mình không hề hay biết. Nhiều người phàn nàn, chán ngán chồng con, nhưng trước kia ai bắt mình lấy người đó, ai bắt mình đẻ con? Nếu không thương mà lỡ lấy vì bất cứ lý do gì đi nữa thì mình cũng có 50% trách nhiệm. Nếu thương mà lấy thì 100% trách nhiệm. Sinh con ra để làm gì? Ai bắt?Vì thương yêu hay vì bổn phận? Những quan niệm như con trai lớn lên phải có vợ, con gái lớn lên phải có chồng, rồi phải sinh con đẻ cái, v.v... đã gây đau khổ cho nhiều thế hệ.

Con người là loài hữu tình, tiếng Phạn là sattva, có nghĩa là có tình cảm. Ai cũng muốn thương và được thương. Khi thương ai mà được người kia thương lại thì chúng ta sung sướng. Khi cưới được người mình thương thì đúng lý ra ta phải sung sướng chứ? Việc hôn nhân cần phải đạt trên nền tảng của tình yêu. Thương yêu nhau mới cưới và muốn sống chung với nhau. Ở đây, tôi không bàn đến những cuộc hôn nhân miễn cưỡng, bất đắc dĩ, vì đương nhiên những cuộc hôn nhân như vậy vô nghĩa, vô tình, làm sao đưa đến hạnh phúc được! Nhưng ngay cả những cuộc hôn nhân do tình yêu đưa đến đi nữa, sau một thời gian thì cũng đưa đến sự nhàm chán.Như vậy là sao? Trước kia ở Việt Nam, vấn đề ly dị là điều tối kỵ, dù vợ chồng bất hòa đánh nhau đến đổ máu cũng phải cắn răng sống chung cho tới chết. Ngày nay, vợ chồng ly dị là chuyện thường. Sống chung mà không biết thương yêu nhau, chỉ làm khổ nhau thì tốt hơn là nên ly dị. Nhưng nhiều khi ly dị xong ta lại cảm thấy cô đơn, muốn đi tìm một người tình khác để yêu, để cưới và để rồi lại ly dị.

Vấn đề mà tôi muốn nêu lên ở đây là ly dị sẽ cho chúng ta bài học gì? Chúng ta hiểu được gì? Hay cứ nhắm mắt theo đà, tái diễn lại cảnh khổ. Nhiều lúc khổ quá, muốn đi tu, nhưng tu làm sao cho yên khi tình cảm hãy còn ướt át? Tôi xin nhấn mạnh một điều là tu không phải là dứt tình, mà là chuyển tình. Quan niệm chung thường cho rằng tu là dứt hết tình như câu kệ xuất gia:

Hủy hình thủ chí tiết
Cắt ái từ sở thân
Xuất gia hoằng thánh đạo
Thệ độ nhất thế nhân.

Dứt hết tình cảm thì đâu còn là người nữa, tu như vậy để thành gỗ đá chăng? Cây cỏ, núi sông còn có tình, huống chi là con người. Chúng ta đau khổ vì tình, vì tình của chúng ta là thứ tình ích kỷ, tình thương chiếm hữu mang nhiều tính chất ái luyến của ngã và vô minh. Thương mà không biết cách thương, nên làm cho kẻ khác bực bội, khó chịu đau khổ. Tu là sửa, là chuyển. Từ đau khổ chuyển thành an vui, từ tình thương ích kỷ, chiếm hữu thành tình thương ban bố vị tha. Vào chùa học đạo mà chỉ biết thương Phật, thương thầy của mình thôi, không biết thương yêu kẻ khác thì đó đâu phải là tu. Phật là người đại từ, đại bi thương chúng sinh, Phật đâu phải là người vô tình. Mặt trời tỏa ánh sáng cho khắp mọi loài, cho cả thế giới, cho khắp vũ trụ, không tỏa riêng cho người giàu, cho nước Mỹ, Canada, hoặc cho riêng trái đất.

Ở Việt Nam trong thời chiến, khi nghe tin người yêu tử trận, nhiều cô nữ sinh ngất xỉu, thấy bầu trời sụp đổ, không còn lẽ sống, có cô quyên sinh tự tử. Ðó là vì dồn hết tình yêu vào một cá nhân, một đối tượng. Một bà mẹ có đứa con cưng độc nhất, chẳng may nó bị bệnh qua đời, bà ta có thể đau khổ phát điên lên được. Nhưng nếu bà ta có mười đứa con và bà thương yêu mười đứa như nhau thì chắc chắn là bà sẽ chỉ đau khổ một phần mười mà thôi.

Ở Làng Hồng, vào mùa hè mỗi năm, có rất nhiều gia đình gồm vợ chồng con cái về làng tu học. Thầy Nhất Hạnh giảng dạy những cách thức sống làm sao cho gia đình được hạnh phúc. Có nhiều người 'chuyên tu' phàn nàn rằng thầy không chịu dạy tu mà chỉ dạy hạnh phúc gia đình, thầy chú trọng về đời nhiều quá! Có lẽ những người này cho tu chỉ là tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật thôi. Quan niệm tu như vậy thật là giới hạn. Từ đấy, họ suy ra một ông thầy tu chỉ biết gõ mõ tụng kinh thôi, ngoài ra không biết gì về việc đời. Ðương nhiên cũng có những thầy tu như thế chứ không phải là không có, nhưng theo Ðại Thừa Phật giáo thì một thầy tu là người da phát nguyện tự lợi, lợi tha, đi vào cuộc đời để cứu nhân độ thế. Ngay cả người cư sĩ sống trong đời cũng chưa chắc hiểu được cuộc đời. Một thầy tu có thể nghiên cứu tâm lý học, phân tâm học, xã hội học, nhân chủng học, v.v... để hiểu rõ những căn bệnh của con người và cũng để dễ dàng độ sinh hơn.

Người cư sĩ tại gia hãy còn sống với gia đình, nay học cách thức làm sao cho gia đình được hạnh phúc, đó không phải là tu hay sao? Ðây cũng là nhân thừa Phật giáo, hay nói cách khác là nhân đạo (con đường làm người). Nhiều lúc nhân đạo chưa xong mà lại đòi ngay Phật đạo. Tóm lại, sống làm sao cho cuộc đời trở nên đáng sống, có ý nghĩa, có lý tưởng, có thương yêu hiểu biết thì đó là Ðời Ðạo. Còn như chạy theo Ðạo mà quan niệm hẹp hòi, bảo thủ cố chấp, không khoan dung độ lượng thì đó là Ðạo Ðời. Có người sống cả đời chỉ để làm một việc lợi ích thôi, như Lão tử, đến và đi không tung tích, để lại độc nhất một quyển Ðạo Ðức Kinh giá trị vô cùng, há không phải là một đại thiền sư hay sao?

Ði tìm ý nghĩa
Có bao giờ trong cuộc sống bon chen vội vã hằng ngày, ta dừng lại vài phút và tự hỏi mình sinh ra đời để làm gì? Phải chăng là để chạy theo sau đồng tiền, danh lợi, địa vị, tình yêu, sắc đẹp, của cải, v.v...? Ðể lập gia đình, sinh con đẻ cái nối dõi tông đường? Ðể gây dựng một sự nghiệp? Ðể tranh đấu cho một lý tưởng chính trị, kinh tế, xã hội, v.v...? Hay là chỉ để đơn giản đi làm kiếm ăn sống qua ngày như bao nhiêu người khác? Ðể rồi một ngày kia nằm xuống và ra đi với hai bàn tay trắng?Dừng lại vài phút để tự hỏi hay tự kiểm lại xem cuộc đời mình đang sống đây có ý nghĩa gì không? Mình có hài lòng với những gì mình đang có và đang sống không? Những cái đó có đem lại cho mình hạnh phúc hay không? Hay mình chỉ làm một kẻ nô lệ, một người máy rô bô, mặc cho xã hội vật chất lôi kéo và điều khiển?

Ở đây không bàn đến những người vô thần vô đạo, chủ trương duy vật, sống chỉ để hưởng thụ, chết là hết. Ngay trong Phật giáo, đa số cho rằng sinh ra ở đời là để tạo nghiệp và trả nghiệp, vay trả trả vay mãi mãi không ngừng. Quan niệm này đúng chứ không sai, đứng trên luật nhân quả thì mỗi khi ta cử động, nói năng hay suy nghĩ một chút, dù chỉ vài giây thôi cũng là tạo nghiệp, và như vậy thì đương nhiên sẽ gặp quả báo, tránh sao cho khỏi. Nhưng quan niệm này nếu không khéo thì có thể khiến cho người ta trở nên thụ động, gặp việc gì cũng đổ thừa tại nghiệp rồi ngồi yên chịu trận. Cuộc đời đã lắm khổ đau, sao ta không tìm những quan niệm khác giúp ta lạc quan hơn trong cuộc sống? Ðối với tôi, con người sinh ra ở đời là để học hỏi những kinh nghiệm để tiến hóa. Mỗi kiếp sinh ra là một lớp học. Ta có thể chọn học một hoặc nhiều môn, nhưng bài học phải được hiểu và học cho xong thì mới được lên lớp.

· Ta lấy vợ lấy chồng không phải để thỏa mãn tình cảm nhục dục hay lấp vá cô đơn, mà là để học sự thương yêu và sống chung hòa hợp.
· Ta sinh con đẻ cái không phải để tiếp nối giòng dõi hay để nhờ vả khi về già, mà là để chính ta tập học làm cha làm mẹ, tập thương yêu dạy dỗ giúp đỡ con cái.
· Ta làm vua hay tổng thống một nước không phải để ăn trên ngồi trốc, bóc lột của dân, mà là để học thương dân trị nước.
· Ta làm bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ không phải để có nhiều tiền hay danh vọng, mà là để học cách giúp đỡ thương yêu bệnh nhân.
· Ta làm bác học, kỹ sư không phải để chế ra những vũ khí máy móc sát nhân hay nô lệ hóa con người, mà là để đóng góp xây dựng cho cuộc đời bớt khổ về vật chất.
· Ta có thể tiếp tục nói về từng nghề, nhưng tóm lại thì tất cả nghề nghiệp trong đời, từ cùng đinh hạ tiện cho đến quý phái sang trọng, không có nghề nào thực sự hơn nghề nào, vì nghề nào cũng có giá trị và cùng đóng góp cho sự tiến hóa của nhân loại, nếu như ta đứng trên quan niệm đời là một trường học tiến hóa.

Trong kinh Pháp Hoa và kinh Niết Bàn, đức Phật nói tất cả chúng sinh đều có Phật tánh và đều sẽ thành Phật, vậy nếu nói theo tinh thần Pháp Hoa thì mỗi kiếp sinh ra đời là mỗi kiếp cho ta cơ hội học hỏi để tiến dần đến Phật quả. Còn một quan niệm nữa, đó là không phải ai sinh ra đời cũng để tạo nghiệp vay trả trả vay, hoặc để học hỏi tiến hóa. Có những người đã học xong hoặc đã tiến hóa rất xa so với người thường, họ quay trở lại thế gian hay cõi Ta Bà với một sứ mạng cứu nhân độ thế, hay nói cách khác là giúp nhân loại tiến hóa. Những người này không hẳn phải là những giáo chủ nổi tiếng như Phật, Chúa, Mahomet, Khổng tử, Lão tử, v.v... hoặc các vị lama Trulku Tây Tạng, mà là những người thường sống ngay bên cạnh chúng ta. Ðiều quan trọng cần nhấn mạnh là chúng ta có muốn tỉnh thức để học hỏi tiến hóa hay không? Hay là tiếp tục sống đời vay trả trả vay, sống như những đàn cừu, như những người máy!?

Nguon:vuonhoaphatgiao.com
https://www.daophatngaynay.com/vn/author/thichtrisieu/









Tham khảo thêm về TT Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát)






Tác giả Thích Trí Siêu











































































Thích Trí Siêu & Thích Tuệ Sỹ








Đám tang Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ














Trở về






MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.