Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Phạm Công Thiện (1941 - 2011)



















Phạm Công Thiện

Pháp danh: Nguyên Tánh
(1/6/1941 - 8/3/2011)
Hưởng thọ 71 tuổi
Học giả, Nhà thơ, Nhà văn, Dịch giả, 








Phạm Công Thiện sinh năm 1941 tại Mỹ Tho.
Là một học giả, nhà văn, nhà thơ, cư sĩ Phật giáo, một người tự học (autodidacte) được xem là một triết gia thần đồng, một hiện tượng dị thường của miền Nam Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước.
Từ 13 đến 16 tuổi ông là cộng tác viên của Tạp chí Bách Khoa.
Năm 15 tuổi, đã đọc, viết năm ngoại ngữ Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha và đã cộng tác với các báo Bông Lúa, Phổ Thông, Văn, Giữ Thơm Quê Mẹ v.v 
Ngoài ra ông còn biết tiếng Sanskrit và La Tinh.
Năm 16 tuổi, Phạm Công Thiện xuất bản cuốn tự điển Anh Ngữ Tinh Âm
Năm 1960, 19 tuổi ông khởi viết cuốn Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học. Thời kỳ này Phạm Công Thiện viết nhiều sách về Phật Giáo.
Năm 23 tuổi ông là giảng viên môn Triết học tại Viện Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn, dù chưa thi Tú Tài và chưa học trường Đại học nào.
Cũng năm 23 tuổi ông đã nổi tiếng với cuốn Tiểu Luận Về Bồ Đề Đạt Ma, Tổ Sư Thiền Tông.
Đến năm 26 tuổi ông đã viết hàng chục cuốn sách Triết học, Tiểu luận và Thơ
Đầu năm 1964, ông chuyển ra sống ở Nha Trang và quy y ở chùa Hải Đức, lấy pháp danh là Nguyên Tánh.
Từ 1966 đến 1968, ông là Giám đốc soạn thảo tất cả chương trình giảng dạy cho tất cả phân khoa tại Viện Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn, và giữ chức Trưởng khoa Văn học và Khoa học Nhân văn của Viện, đồng thời là người sáng lập và chủ trương tạp chí Tư Tưởng.

Phạm Công Thiện rời Việt Nam năm 1970 và sinh sống tại Pháp, tại đây ông trút bỏ áo cà sa và lấy vợ 

Ông sang Hoa Kỳ năm 1983, định cư ở Los Angeles, dạy lý thuyết Phật giáo tại College of  Buddist Studies và tiếp tục viết sách, phần lớn nghiên cứu về đạo Phật.

Ngày 8/3/2011, ông qua đời tại Houston, Texas, Hoa Kỳ
Hưởng thọ 71 tuổi.








Tối hôm kia thức suốt đêm và bù lại tối hôm qua ngủ lại trọn đêm. Giấc ngủ vô cùng cần thiết như cái chết vô cùng cần thiết cho đời sống. Thử tưởng tượng mình mất tất cả những gì mình đang có trong giờ phút nầy thì mình mới có được cái nhìn thân yêu đối với tất cả mọi sự đang xảy ra tại chỗ.
Mỗi một ngày là một đời sống thâu gọn, không có đời sống nào khác trong thế giới này, ngoài ra mỗi ngày và mỗi đêm duy nhất.

Ngày mai lại là một ngày và một đêm.


Mỗi ngày là một giây phút và mỗi đêm là một giây phút vừa lướt qua và đang tới. Tất cả vĩ đại linh thiêng, qúi phái, thơ mộng, tuyệt đẹp, chỉ nằm trong một phút giây phút, một cái nhìn trong giây phút, một sự im lặng trong giây phút, một ý tưởng trong giây phút, một cảm giác trong giây phút, một sự nhàm chán trong giây phút, một sự cô độc trong giây phút, một sự mệt mỏi muốn bỏ cuộc chỉ xảy ra trong nhấp nháy; chỉ cần một hơi thở nhẹ nhàng trọn vẹn cũng đủ để chuyển hóa sự thất bại thành ra sự phong phú tràn trề của một cánh đồng hực lửa khi mùa xuân đang tới. 

Hốt nhiên thấy mọi sự đều thơ mộng trong giây phút này, những lời những tiếng tới tấp hiện đến, tất cả những gì xảy ra đều linh thiêng, cảm thấy thương hết tất cả, thương hết những gì động đậy trên mặt đất và ngoài cả mặt đất; mỗi sự sống đều động đậy và ngay đến sự chết cũng động đậy, cái gì động đậy thì có tiếng, có âm thanh, dù là sự im lặng cũng có tiếng và có âm thanh; mỗi một chữ xuất hiện thì một tiếng cất lên và một thế giới sinh thành hoại diệt, rồi thì tất cả mọi sự đều "đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu", một trong những cao siêu nhất của Khổng Giáo; tất cả đều đáp ứng kêu gọi nhau; sự nông cạn kêu gọi sự sâu thẳm, thế giới này kêu gọi thế giới khác ...


Trích đoạn: Những ngày hoang vu trên mặt đất

Phạm Công Thiện 














Phạm Công Thiện lúc trẻ 











Tác phẩm đã xuất bản





1
Tiểu Luận Về Bồ Đề Đạt Ma

nxb Tân-Ý-Thức
(1964)







2
Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ Và Triết Học 

nxb An Tiêm
1965
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=8401&rb=08






3
Trời Tháng Tư 

nxb An Tiêm
(1966)

























4
Ngày Sinh Của Rắn

nxb Hoa Nắng
(1967)








Ngày Sanh Của Rắn











I



tôi đi đông chìm
trời âm u thung lũng khô
nhiều mây chim bay không nổi
tôi đi
dưới kia sụp đổ
núi cấm nổ tôi ra
cửu long ca từ tây tạng
tôi về
tôi hiện
đèn tắt trời gió tắt trăng
chim lạ
kêu tiếng người
hố thẳm ra đời
tôi bay trên biển 





II 



tôi nằm cho rã chiếu cạp điều
nước chảy lên vùng phố tịch liêu
tôi nhớ một lần cây quế mọc
tôi đứng gọi hương trọn buổi chiều 





III 



mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
cây khế đồi cao trổ hết bông 





IV 



trời mưa nữu ước cây mọc
nhớ hương trời mưa ngày tháng
nhớ hương đường hoang mái vắng
nữu ước chỉ còn hương trong giấc ngủ
tim anh tràn máu
con chim đã bay về rừng đạn
anh không còn làm tu sĩ
anh chỉ còn hương trong giấc ngủ
anh chỉ còn máu để đổ vào tim hương
đổ vào tám tách cà phê đen anh uống mỗi đêm
tại greenwich village
tại làng thi sĩ
tại đường khói bay
tại hương trong giấc ngủ
tại chiều ba mươi tết ở việt nam
bây giờ anh xa hương đến mấy đại dương xanh
mấy phương trời cỏ mọc
mấy phương trời hương khóc
hương còn ca hát
hương còn phơi áo giữa phố buồn
hương còn cười
mười năm rồi cây quế vẫn mọc trên đời anh
trên mắt anh
môi anh
trên bước chân buồn phố mẹ ngày xưa
trên bước chân chiều phố lạ hôm nay
mưa làm tóc anh thơm
mùi cây quế
giữa hồ
mọc giữa hồ quế hương
tóc anh mọc dài
che chở hương
lúc mưa rơilúc đông lạnh
lúc chim chiều đi mất
mưa trên phố đêm
trên quán cà phê ý đại lợi
trên chiến tranh
của quê hương
của quế hương
còn anh 





rạng đông tôi xin thề thức dậy ba giờ sáng 
đợi kinh đào chảy ngược 
cửa nhỏ đóng kín 
những chiếc cầu tuổi dại 
mười sáu năm tôi thức trong đời 
mười sáu con kinh đào không bao giờ chảy ngược 
đứng ngang cầu pont-neuf 
nhìn sông seine tôi thấy cửu long 
paris đuổi mất mây mộng hoang đường 
đập vỡ cơn điên trên triền đá sương 
tôi trốn giặc đời 
tắm trong hồn hương 
trái đu đủ 
trong khu vườn xưa 
con rắn nhỏ 


VI 

tôi chấp chới 
đắng giọng 
giữa tháng ngày mơ mộng 
nốt ruồi của hương 
hay nốt ruồi của rigvéda 
tôi mửa máu đen 
trên nửa đêm paris 
tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng 
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người 
cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ 
mặt trời có thai! 
mặt trời có thai! 
sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt 


VII 

tôi nuốt nọc đen giữa đường guillaume apollinaire 
từ xóm saint-germain-des-prés 
mọc lên giáo đường hang động 
cà phê biến hồn đầu thai 
hoá thành một triệu con ma đen 
nhảy múa trên núi lửa đầu tôi 
tôi mặc đồ xanh 
và mang đồng hồ da đen 
tôi chứa chấp sáu ngọn lửa điên 
trong sáu diêm quẹt còn rớt lại 
tôi gọi hương và tôi chết giấc 
tôi chạy lên trời làm rắn thâu đêm 
máu đổ mưa đen 
ồ cây mồng tơi 
của thời trẻ dại 
tôi gọi thầm 
rắn cuộn tròn 
tương lai 


VIII 

mười năm qua gió thổi đồi tây 
tôi long đong theo bóng chim gầy 
một sớm em về ru giấc ngủ 
bông trời bay trắng cả rừng cây 
gió thổi đồi tây hay đồi đông 
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng 
trong mơ em vẫn còn bên cửa 
tôi đứng trên đồi mây trổ bông 
gió thổi đồi thu qua đồi thông 
mưa hạ ly hương nước ngược dòng 
tôi đau trong tiếng gà xơ xác 
một sớm bông hồng nở cửa đông 


IX 

rắn trườn vỡ trứng chim rừng 
tôi nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm 
khuya buồn tủi nhục môi em 
mưa bay nhỏ nhẹ qua thềm bơ vơ 
tiếng ru chín đỏ điện thờ 
hoang vu tôi đứng đợi chờ chim kêu 
tay còn ôm giữ tình yêu 
tôi về phố động những chiều hư vô 
đời đi trên những nấm mồ 
đau tim em hát cơ hồ khăn tang 
phố chiều tôi bước lang thang 
nuôi con sông nhỏ mơ màng biển xanh 
nửa đêm khói đốt đời anh 
yêu em câm lặng khô cành thu đông 
lời ca ru cạn dòng sông 
trọn đời chạy trốn mống vồng cầu điên 
bỏ mình nước chảy đồi tiên 
theo con chim dại lạc miền thiên hương 
về đâu thương những con đường 
lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa 



mùa xuân bay thành khói 
tôi ca hát một mình 
suốt đời không biết nói 
nước chảy tràn con kinh 
quá khứ bay lên trời 
biến thành cánh chim non 
tôi quì hôn lá mới 
đau khổ trắng linh hồn 
hư không đổ ra khơi 
kỷ niệm trôi qua cầu 
bãi chiều chưa người tới 
tình nhỏ quên từ lâu 
xuân bay trắng núi đồi 
tôi nằm ngủ mơ chim 
bỗng hét lên trong tối 
ngồi thức dậy bảy đêm 
trời cuối năm gác trọ 
đèn tắt suốt đêm dài 
con chim mười năm nhỏ 
bay về đậu nơi đây 
hơi thở giết thời gian 
bướm nằm chết thang lầu 
tiếng chim ru ngày tháng 
máu chảy về sông sâu 
suốt đời không biết nói 
tôi ngồi thức một mình 
đốt thuốc lên nhìn khói 
đêm rạng điềm hư linh 


XI 

tôi lái ô tô buýt giữa thành phố new york 
mỗi ngày tôi lái ô tô buýt đi trên những con đường không người những con đường chim chết 
những con đường của mỗi ngày 
từ riverside drive đến broadway đến đại lộ thứ năm rồi đến washington square 
công trường nghệ sĩ tóc bay hương hát 
từ greenwich village tôi đi về chinatown 
mười lăm xu mỗi chuyến 
xa hay gần hay mau hay chậm 
tôi vẫn lái cuộc đời tôi trên những con đường quen thuộc không mây 
mùa lá hay mùa kèn nửa đêm 
dong buồm thổi đến honolulu lặng gió 
xa việt nam đà lạt và cà phê tùng cuối năm 
tôi cúi đầu trong hầm cà phê figaro nữu ước 
chuyến ô tô buýt của đời tôi vẫn chạy hoài 
trên những con đường mỹ châu trống rỗng 
chuyến xe không về harlem đói lửa 
vì mỹ châu trống rỗng trên chuyến ô tô buýt chiều nay tóc bay hương khóc 
tôi vẫn lái chuyến xe này đi về đêm tối 
đêm tối nữu ước là đêm tối nhà xác 
tôi đốt đèn cầy để nhìn xác tôi giữa nhà mồ mỹ châu lạnh lẽo mưa đen 
đêm qua tôi thấy máu đổ trong hầm xe điện irt 
giữa con đường 42nd hay times square 
tôi thấy việt nam ngang tàng cho mặt trời vẫn mọc trên rắn lửa 
trên mái ô tô buýt chiều thu 


XII 

buổi chiều mưa đụng tim 
mưa đụng máu 
đèn đường đổ xuống nước xanh 
xin hét lên rừng u minh đầu đông 
tử hình trong ngục 
nhốt vào trong ngục 
suốt đời trong ngục 
khói vóc lửa núi 
nhóm nước đầu thu 
xin đừng nói 
lá chuối 
lá me non 
xanh nhà thương 
ngồi trong thành phố 
hoa trắng không còn 
con chó đứng nhìn xe lửa mỗi ngày 
chùm hoa trắng rụng một hai bông rất nhỏ 
bông trắng quá nhỏ 
buổi chiều ích kỷ 
con đường quá dài 
những cây trắc bá chùi đầu lên nghĩa địa 
một người hoạ sĩ thất tình 
nhân loại đều thất tình 
nói đi thật nhiều 
khoai tây 
lang thang ngược vòng những vũ trụ 
anh nói gì 
tôi không nghe 
xuống phố và lên phố 
chạy hun hút qua hai nghĩa địa 
cây trắc bá 
chôn vùi con chó nhà ga 








Thủ bút Phạm Công Thịên


"Hiu hắt quê hương"

đoạn 8 tập thơ Ngày Sanh Của Rắn
đã được Nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ nhạc 
với tựa đề:



Tôi Đứng Trên Đồi Mây Trổ Bông


Thơ: Phạm Công Thiện
Nhạc: Lê Uyên Phương
Tiếng hát: Lê Uyên Phương

https://www.youtube.com/watch?v=uTgRtJobHC8




















5
Im Lặng Hố Thẳm 

(1967)
(1967)
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10033&rb=08







7
Mặt Trời Không Bao Giờ Có Thực 

8
Chỉ Còn Tiếng Thơ Trên Mặt Đất - Trở Về Rainer Maria Rilke


(?)

 (1969)







9
Henry Miller

nxb Phạm Hoàng (1969)















10
Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn

(1970)







Thực Sự Hôm Nay


                                                 Truyện có nghĩa là gì? 

                                                             


Thực sự hôm nay tôi không còn muốn sống nữa. Tôi cũng không còn muốn tự tử. Tôi cũng không sợ chết. Đôi lúc cũng sợ chết, đôi lúc thôi. Cái chết đối với tôi như một chiếc xích lô máy. Nhiều lúc ngồi xích lô máy, tôi tự hỏi: tại sao nó không lủi vào xe nhà binh cho rồi; nhưng lại có nhiều lúc khác, ngồi thúc chân trong chiếc xích lô máy, nhìn lên một chút trời nắng, tôi thấy rằng sống lờ phờ cũng vui và dễ, như đèn đỏ tắt thì đèn xanh cháy lên. Đỏ và xanh, sống và chết, vui và buồn, yêu và ghét, tôi bỗng thấy ghét mấy chữ “và” này. Và thế rồi một buổi chiều, tôi thấy yêu chữ “và” này. “Và thế rồi”, ba chữ này, ba tiếng này, tôi nghĩ rằng không thể tìm được một loạt chữ nào ở thế giới khả dĩ gọi lại tất cả lù mù hiện lên trong đó. Và thế rồi, không có quyển sách nào ở thế giới mà không lệ thuộc vào điệu cải lương: “và thế rồi...”, thế mà không ngôn ngữ nào ở thế giới có được âm thanh leo xuống và kéo dài ra như một con sông chảy ngược. Âm thanh bắc thang, tôi muốn viết một cuốn tiểu thuyết lãng mạn như thành phố Đà Lạt, mang nhan đề là “âm thanh bắc thang”. Ngày nhỏ, mỗi lúc em tôi làm lỗi, tôi bênh vực nó và mẹ tôi hay nói: “Mầy đừng bắc thang cho nó leo”. Thuở đó, tôi hay giựt mình và lấy làm lạ: “Tại sao không có thi sĩ nào dùng kiểu nói bắc thang để bênh vực cho mùa hạ?”. Tôi ghét mùa hạ và thích viết một quyển tiểu thuyết thực lạnh, không phải lạnh hiểu theo nghĩa bóng mà lại là thứ lạnh thực đen, lạnh vô cùng lạnh. Tôi lại thích viết một quyển tiểu thuyết mà nhân vật chính trong đó hay thích dùng mấy chữ “vô cùng”. Thí dụ bây giờ trưa và trời lại tối vì sắp mưa, nhân vật chính ấy đi vô đi ra trong nhà và nói lí nhí trong đầu: “Đời sống sao khó hiểu vô cùng, nhưng mình phải chịu đựng, dù sự chịu đựng ấy quả là vô cùng. Ngày mai, tôi sẽ bắt đầu lại, yêu mọi sự, ông sẽ chết, tôi và ông sẽ chết, tôi buồn vô cùng”.
— Tại sao hồi nhỏ ông hay giựt mình?
— Khoan khoan đã, ông hãy để nó giựt mình, để tôi kể tiếp...
— Hãy kể tiếp, chậm rãi, hãy kể một cách bình thản.
— Tôi nói đến đâu rồi?
— Vô cùng...
— À, mà ông biết xích lô máy là cái gì không?
— Ở Nữu Ước không có loại xe này, nhưng ông hãy kể tiếp về nhân vật yêu thích dùng mấy chữ “vô cùng”...
— Ở xứ tôi có xích lô đạp, rồi đến xích lô máy...
— Thôi, đúng giờ rồi, ngày mai, ông trở lại đây như thường lệ.
Tôi xô cửa, cửa nặng quá xô muốn té nhào. Chuyến xe lửa chiều nay chạy băng qua trên đầu tôi, tôi bước xuống hầm xe lửa, mua một đồng xu nhỏ bỏ vào máy, đi vào hầm đợi, đi trờ tới chỗ bán báo của ông Mỹ bụng phệ, mặc áo ca rô xanh đỏ, đeo kính trắng. Tôi dở tờ Playboy ra đọc mục lục, thấy bài phỏng vấn mục sư Martin Luther King và ngó sơ qua những hình đầm mộng mị. Đại khái cũng thế thôi, mỗi khi tôi tự bắt chợt mình đang làm chuyện cấm thì tôi liền độc thoại nội tâm: “Đại khái thì cũng thế thôi.” Thực ra,Playboy cũng chẳng có gì đáng gọi là chuyện cấm, nhưng đứng chờ xe lửa, bên cạnh ông Mỹ bụng phệ hút xì gà và chờ tôi trả tiền (vừa hút xì gà vừa chờ lấy tiền báo) thì tôi lại đồng hoá sự chờ lấy tiền của ông ta với chuyện chờ xe lửa của tôi; đứng lờ rờ ngó hình màu và bắt buộc người ta phải chờ mình như chờ xe lửa thì đó cũng là một thứ chuyện cấm đối với ý thức gương mẫu của một người “tự trọng”. Xe lửa rồ tới, tôi nhảy ngay vào cửa hé, ngồi ngay hướng thuận đi tới (ngồi nghịch hướng, chóng mặt chút ít). Hai người da đen đang đùa giỡn với nhau, anh lùn nhón người lên thọc thọc vào nách anh cao và nói một tràng bi bô, rồi cả hai cười ầm lên như khỉ (khỉ có cười không? Khỉ thường nhe răng. Hồi nhỏ đi sở thú, tôi hay lấy đá vụn liệng vào hạ bộ của mấy con khỉ và chúng nhe răng khè khè như ông kẹ. Từ đó, tôi bỗng thấy răng tất cả thi sĩ đều giống khỉ. Nguyễn Du là một con khỉ, một loại khỉ trắng, ngồi buồn trước thu phong). Tôi ngó chung quanh tôi, những người ngồi trong xe lửa đều giống khỉ hết, nhưng một loài khỉ không có đuôi và làm bằng sáp cứng. Khỉ bằng sáp mà cũng biết đi, biết đứng, biết nói và biết cười. Tôi cũng là một con khỉ, tệ hơn là khỉ nữa, vì tôi không biết cười, không biết nhe răng; ngồi trong chiếc xe lửa chạy giữa thành phố Nữu Ước mà tôi nhảy liệng từ nước này qua nước khác, từ Sài Gòn qua Hồng Kông, từ Bangkok qua Calcutta, từ Lhasa qua Téhéran, từ Cà Mau qua Mexico, từ lúc ba tuổi cho đến lúc hai mươi tuổi, từ mười sáu tuổi cho đến lúc tám mươi tuổi: tôi tưởng tượng mình là con voi già chống gậy đi lụm khụm trên những chiếc lá vàng, trông thơ mộng và mất dạy như chuyện cổ tích trẻ con. Tôi bước xuống xe lửa và leo lên bậc thang đá dẫn ra đường thứ mười bốn, tôi thả bộ đi xuống Greenwich Village. Vừa bước đi vừa tìm một hiệu sách chịu mua sách cũ, trong tay tôi có cả một túi ny lông, đựng năm quyển sách đóng bìa dầy, bìa cứng thực mới. Một cuốn nói về sự thông minh của loài khỉ đột, một cuốn Kinh Dịch được dịch ra chữ Anh, hai cuốn của Sayoran và một cuốn về thần học của Thomas D’ Aquin (lúc ấy tôi có ghi học mấy giờ về thần học thời Trung cổ ở trường đại học Columbia, một trường đại học mà tôi ghét đến độ muốn ăn trường trai luôn), tôi mới vừa mua năm cuốn ấy vào tối đêm qua, tiêu hết năm mươi dollars cuối cùng, sáng nay lại thèm uống cà phê, lại đói vào lúc trưa và lại không muốn chìa tay mượn tiền bạn bè nữa, tôi liền nghĩ ngay việc thủ tiêu năm quyển sách này với giá thật rẻ. Hiệu sách chịu mua sách cũ, trả tôi mười dollars để đổi lấy năm quyển sác tôi chỉ dở đọc sơ một quyển của Thomas d’ Aquin và phải nằm ngáp năm lần rồi ngủ quách với bầy chữ La Tinh vo ve trong tiềm thức). Văn minh ngàn năm của nhân loại bây giờ thực rẻ: chỉ việc vứt nó đi thì được mười mỹ kim. Với mười mỹ kim này, tôi được hai bao thuốc Pall Mall đỏ, hai buổi cơm sinh viên nghèo, ba bốn tách cà phê suốt đêm ở quán Feenjon (hay Feenjohn, tôi không rõ tên, có những tên đáng nhớ hơn như: Brooklyn, Jamaica, Untergang nhưng ngược lại khó nhớ rõ: I ging hay I king hay I jing hay là Y ching?)

Khi tôi bước vào quán cà phê Feenjon thì trời đổ mưa, đường bên ngoài ướt hết. Người đàn ông và người đàn bà ôm nhau hôn ngay lối đi còn sót lại trong quán cà phê. Tất cả bàn đều ứ người. Mùi thuốc lá ngầy ngầy bay sà vào mũi, có khác gì mùi giấy cũ pha một chút nước mưa trộn lẫn với mùa nóng có người phát thư ban đêm đi qua nhà với tay cầm đuốc đang khi người ta đốt vải rách liệng ra ngoài sân để đuổi tiếng ó ma lai kêu vọng lại từ bên kia rừng cây, bên kia đồi đá? Đà Lạt hiện ra giữa quán cà phê đông người vào một buổi chiều mưa Nữu Ước. Tôi đã làm gì cho tôi? Một chút nước mưa, một chút nước biển, một chút đá, một chút ham muốn, một chút đói bụng, đói, đói, đói, đói đủ thứ. Đói cả sự chết, đói cả sự đói, đói óc, đói tim, đói hai ngón tay cái, đói mười ngón tay (quên cắt móng, dính đất đen thui, dơ một cách dễ chịu đựng vô cùng).
— Tại sao không dọn cơm ăn đi, đói quá rồi.
— Chờ một chút xíu thôi.
— Chiều nay ăn cơm với su luộc?
— Có đậu nữa, giàn đậu chim bay về phá quá.
— Tối chạng vạng heo rừng đã về phá rau cải lung tung.
— Mầy sợ ma không?
— Ma lai hả?
— Ma, ma rừng, ma núi, ma truông, ma bờ, ma bụi.
— Đèn cầy còn hết, nhớ nhắc mai ra chợ mua thêm một hộp đèn cầy nữa, mua thứ đèn cầy lớn đó.
— Ừ mầy nhớ nhắc má mua đèn dầu lửa cho tao, tao cần thức đêm để viết bài đăng bào kiếm tiền tháng tới.
— Má có mua rồi, để ở đầu tủ sau giường anh đó.
— Hôm qua tao thấy ma hiện về, nó ngồi ngay cửa lớn, ca hát giọng gì lè nhè như con gà bị bóp cổ. Con ma nó nói nó đói quá, nó đòi ăn đèn cầy trắng...
Tôi chỉ là một con ma đói ở giữa thành phố lớn nhất thế giới. Quán cà phê này là nơi tôi lai vãng để tìm lại một chút khí dương giữa cõi chết. Đà Lạt và Nữu Ước. Đà Lạt gần gũi tôi hơn đang lúc bước vào quán cà phê ở Nữu Ước này. Tôi cần một chút Đà Lạt để sống, xin cho tôi một chút Đà Lạt, chỉ một chút, một chút thôi. Trời Nữu Ước trở lạnh, tôi cuộn khăn nỉ quanh cổ, đốt một điếu thuốc, ngồi giữa sự bình an của một mớ hình ảnh trong đầu. Một ngôi nhà to lớn, cũ, đầy rêu, nhện, chim và bồ câu, trước nhà có một hàng cây xưa cao vút và già như mấy cái cây thông rừng, ngôi nhà nằm trên một ngọn đồi ở ngoại ô Đà Lạt, trên đường đi về Dran. Một con bò nhai cỏ trườc nhà, trên cao là một đám mây. Tôi không còn nhớ mây màu gì? Mây ở Đà Lạt có màu khác hẳn tất cả màu mây ở nơi khác. Màu trắng? Không, một màu nào đó không có trong đôi mắt của người tình. Có lẽ là một màu nào đó trong mắt của người nhìn nước chảy, nước chảy trên cổ trắng thon thon của một người đàn bà vừa cắt tóc thật ngắn để trá hình trong một sự đổi thay của Định mệnh.

Tôi làm gì để sống bây giờ? Tôi không đòi hỏi gì hết. Tôi chỉ cần ăn hai bữa hay một bữa trưa cũng được, tôi cần một gian phòng nhỏ, một cái bàn viết, một cây viết và một xấp giấy trắng. Thỉnh thoảng cũng cần một chút trời mưa, mưa dai và dài cả đêm cả ngày, rồi lại nhiều ngày cũng cần có một vài chiếc lá xanh trong ly nước để trước mặt, không có lá xanh thì có cỏ xanh dài cũng được. Chỉ cần một chùm cỏ xanh để trong ly nước dựng nơi bàn viết là tôi đủ sinh tố để sống một trăm ngày trọn vẹn. Còn hoa? Tôi không dám đòi hỏi nhiều. Có hoa trong ly nước thì cũng đẹp, nhưng đẹp hơn vẫn là cỏ, cỏ héo cũng được vì cỏ héo thì cũng là cỏ, một thứ cỏ mặn mà như đất già. Hoa héo không còn là hoa nữa, giống như là đàn bà viết văn thì không còn là con gà ở rừng lúa nữa mà lại trở thành gà được nuôi bằng những thực phẩm hoá học nhập cảng từ Hiệp Chủng Quốc. Hoa héo là hoa héo, chấm một chấm xuống hàng.
Tôi đã hút đến điếu thuốc thứ mấy rồi? Năm nay là năm gì, năm của Thiên Đàng hay năm của Hoả Ngục? Không bao giờ tôi sống bình thường được, có nhiều lúc sao thấy thì giờ kéo dài ra như một người đàn ông cao gần hai thước và nằm dài trên cái giường một thước rưỡi — để hai chân lông lá thò thò dư dư ra. Có đôi lúc thì giờ giống như cây bút chì, chuốc hoài mà vẫn mòn đi, vì thân mềm như bún, bết trên giấy trơn tru như xe lửa chạy trên đồng bằng. Tôi cứ tự dạy: hãy bò thực chậm như đứa con nít bò trên sàn nhà, bò bằng hai tay và hai chân. Nhưng rồi bài học cũng khó thuộc: thường khi tôi muốn phóng nhanh hơn cả nai rừng. Tôi không chịu đi hai chân, không chịu chạy và cũng không chịu bay. Tôi muốn xẹt xẹt như làn chớp lúc trời bão. Xẹt trên trời một cái, xẹt dưới đất một cái, xẹt xuống con đường, cánh đồng, ngã tư, ngã ba. Rớt xuống một vệt sáng ở đây, ở đó, rồi tắt ngúm như lửa rạ. Viết văn không khác gì sống mỗi ngày, mỗi trang giấy trắng là mỗi ngày, muốn làm gì làm thì cũng bị nhốt vào trang giấy trắng, mỗi lần ngồi trước trang giấy trắng thì tôi chỉ lặp lại cái việc thức dậy mỗi buổi sáng, tôi ngồi thừ ra, lừ đừ như con vịt đực; viết một chữ trên trang giấy là bị lôi vào những gì không thể tránh được đi theo sau chữ ấy, đi theo một cách tế nhị khó ngờ được; chẳng hạn như khi tôi viết “gió” thì những gì không thể tránh được là “gió thổi trên thung lũng, gió về với mùa thu, tóc bạc trắng, vân vân”, hay dù tôi có nói ngược lại đi nữa thì cũng là ngược theo chiều gió, tức là một cách cuốn theo chiều gió, một cách lộn lại như hột vịt lộn. Điều đau đớn là không thể chạy trốn ở đâu mà thoát hoạ được, tờ giấy trắng nằm chình ình ra đấy, nếu tôi trốn viết, bỏ viết văn đi nữa thì cái đầu tôi vẫn nằm chình ình ra đấy; cái đầu của tôi, cái óc của tôi mới là giấy trắng, thực thụ, trắng hơn cả tờ giấy trắng, cái óc của tôi, nó làm tờ giấy trắng cho tư tưởng của con tim, rồi con tim của tôi nó lại làm tờ giấy trắng cho dòng máu của tôi; máu chảy trong thân thể tôi lại muốn viết văn trên tờ giấy trắng của con tim; rồi lại đến lượt máu của tôi lại làm tờ giấy trắng cho sự chết: sự chết viết văn trên tờ giấy trắng của máu, và sau cùng sự chết cũng lại phải làm tờ giấy trắng cho cái gì đó không có tên gọi; cái gì đó vô danh, vô tướng lại viết văn trên tờ giấy trắng của sự chết. Nếu tôi không phải là con vịt đực thì tôi phải lý luận rằng mỗi khi ngồi viết văn trước một trang giấy trắng trên bàn thì tôi chỉ lặp lại cái việc của người thức canh xác chết, ngồi trước cái khăn lịm trắng toát, nhưng có một điều khó hiểu nhất: người ngồi canh xác chết lại chính là người đang nằm chết dưới cái khăn lịm trắng kia; lắm lúc bất thần có con mèo đen nhảy phóng qua xác chết thì cái xác kia ngồi dậy bước đi lảo đảo như người say rượu. Tôi gọi con mèo đen ấy là chữ viết.
Đà Lạt mùa này đầy hoa quì rừng, vàng bên kia đồi, vàng bên này đồi, vàng dưới kia đồi, vàng trên kia, trên cao kia, cao và gần trong tầm với của mắt. Tôi bước đi không vững, vì uống cả bình cà phê to, hai bình cà phê to như hai cái lu nước. Tôi thấy chữ A ra chữ B, chữ C ra chữ D, tôi thấy tôi chảy trong cống nước, tôi bay theo khói thuốc.





                                       Trích trong Bay Đi Những Cơn Mưa Phùn 










11
Ý Thức Bùng Vỡ


nxb Đồng Nai
(1970)







12
Đi Cho Hết Một Đêm Hoang Vu Trên Mặt Đất 
sách tái bản 2001
(1988)







13
Sự Chuyển Động Toàn Diện Của Tâm Thức Trong Tư Tưởng Phật Giáo 

(?)
(1994)







14
Triết Lý Việt Nam Về Sự Vượt Biên

(?) 
(1995)








15
Nguyễn Du, Đại Thi Hào Dân Tộc 

(1996)








16
Khơi Mạch Nguồn Thơ Thi Sĩ Seamus Heaney

Giải Nobel Văn Chương 1995

(1996)







17
Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Bậc Bồ Tát Sáng Rực Khắp Bốn Phương 

(1998)








18
Nét Đẹp Tinh Túy Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo

 (1998)








19
Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im
Thơ (2000)




Đi



Đã đi thì đã đi rồi
Thượng phương trùng điệp thấy gì nữa đâu
Hạ phương ngày tháng bể dâu
Sắt son tình cũ phượng cầu túy hương
Có còn gì nữa mà thương
Buổi trưa nằm ngủ thấy nường năm xưa.

Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều
Chuyển hình trên đỉnh cô liêu
Lửa bay thành ngọn hồng điều mật ngôn

Đại Huyền biến ngưỡng triêu tôn

Tiền thân Tây Tạng nhập hồn chiêm bao

Án nga nga nẵng bạch nào

Một luồng sáng rực chiếu vào trái tim



Năm nàng thiên nữ tôn nghiêm

Trùng quan ngũ sắc ứng điềm tán không

Án Đa La tịch mịch hồng

Mười phương xuất hiện những đồng sinh thiên

Bát Nhã là gái thiên tiên

Khoan thai cởi áo mây hiền trên cao

Gió lùa thơm tóc tơ đào

Thập bát Không Định tiêu dao tiếng đàn

Trời mưa chim ngủ trên ngàn

Sắt son tình cũ nước tràn sang sông



Đã đi rồi có đi không

Thượng phương trùng điệp cỏ hồng thúy hương

Đi đâu mà lại lên đường
Hạ phương còn gặp cô nường năm xưa
Đã đi rồi đã đi chưa
Sắt son triều ngưỡng tình xưa hiện về
Phượng cầu ngũ lĩnh sơn khê
Một bông hồng nở bốn bề lặng im
Năm nàng tiên đậu vào tim
Âm nhập dương khởi lim dim xuất thần

Nhập định tam muội tần thân
Trở về động cũ như lần gặp xưa
Đã đi rồi đã đi chưa
Đền thiêng triệu ngưỡng người xưa kiếp nào
Tình bay lên nóng trăng sao
Gió lùa thơm tóc cô nào năm xưa
Đã đi rồi đã đi chưa
Thương phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch bỏ đời biệt tăm.



Phạm Công Thiện









Một Đêm Siêu Hình Với Hàn Mặc Tử 

(2000)







Tất cả những gì người ta viết và nói về Hàn Mặc Tử trong vòng sáu chục năm nay đều sai lầm hoàn toàn. Vì sao? Người ta viết và nói đến cái mà Hàn Mặc Tử đã vượt qua trọn vẹn trong mỗi lời và trong mỗi chữ mà Hàn Mặc Tử đã bỏ lại dấu vết trên mặt đất.

Chỉ xin nói lên mười điều chính yếu sau đây về Hàn Mặc Tử, nói mười và thực ra là một và ngay cái một này chỉ là giả danh, vì cái một này vừa hiện ra thì biến mất liền lập tức; cái một này từ có đến không và từ không đến có; không có cái một nào giống y cái một nào, không có cái có nào giống hệt cái có nào, và cũng không có cái không nào giống hẳn cái không nào.

Hàn Mặc Tử đã viết hai câu bí mật đơn giản:

Con sông này đã đi qua.

Suốt đời ta thề không trở lại.

Hiểu được hai câu trên của Hàn Mặc Tử thì không còn muốn hiểu nữa, vì tất cả những gì chúng ta hiểu được thì đã đi qua rồi, cái hiểu của quá khứ không thể là cái hiểu của hiện tại và cái hiểu của tương lai không thể hiểu, như vậy cái hiểu của hiện tại không thể nào có được.


Muốn hiểu và muốn được hiểu là hai trở ngại lớn nhất, ngăn chận lại không cho mìnhnhảy xuống sông để bơi lội như con rồng con, như Long Nữ tám tuổi, như con rắn nước của linh thoại. Tất cả những gì mà người ta khoái trí và khoái chí gọi là hermeneutics, hermeneutic và hermeneutical của giới phê bình gia văn nghệ hiện thời và hậu hiện thời đều sụp đổ ở nơi đây.


Vì sao, và tại sao thế? Vì cái chữ “vì”, vì “vì sao” và vì “tại sao“. Cái gọi là ”principe de raison suffisante”, La Tinh gọi là “principium reddendoe rationis”, Anh Mỹ gọi là “principle of sufficient reason”, Đức gọi là “Grundsatz vom Grund”, là cái nguyên lý tối thượng và tối hậu điều động thống trị toàn thể văn hoá và văn minh Tây phương, thống ngự tất cả triết học, thần học và khoa học, và nhất là thống trị tất cả khuynh hướng phê bình văn nghệ hiện thời và hậu hiện thời (post-modernism).


Chính nguyên lý của lý trí tự túc này đã quay lưng lại với Hố Thẳm (Ab Grund) và đưa đẩy con người lọt vào tất cả những dạng thái khác nhau của chủ nghĩa hư vô (Nihilism, Nihilisme, Nihilismus).


Tất cả chủ nghĩa hư vô là “hý luận” với cái sống và cái chết; tất cả triết học, thần học, khoa học và toán học, tất cả văn hoá và văn minh Tây phương, tất cả phê bình văn học nghệ thuật của Tây phương đều là những trò Hý luận với “hiện tượng” và “bản thể”, “chân lý” và “phi chân lý”, “vật thể”, “hữu thể” và “vô thể”, “tại thế thể” và “siêu việt thể”, “ở trên trời” và “ở dưới đất”, “lý trí” và “phi lý trí”, “nghệ thuật” và “phi nghệ thuật.” Tất cả đều kẹt dính vào nhị biên, nhị tướng, nhị lực, nhị tác, nhị dụng, nhị thể, nhị tánh, nhị nhân, nhị duyên, nhị quả, nhị báo, nhị nguyên, nhị nhị. Dẫu đã tách rời nhị tướng đi nữa để đến Bất Nhị đi nữa thì “để đến” cái Bất Nhị này cũng trở thành hình thể vi tế của cái Nhị bất trị và vô phương giải toả.



Sự điên loạn thần trí và tất cả ma quỉ yêu tinh đều là hậu quả tất nhiên của sự trói buộc vào cái hai cực đoan, hai tướng trạng, hai biên giới, hai chiều hướng đối nghịch, hai nguồn nghịch lưu. Chỉ có sự điên loạn toàn diện mới “chuyển y” được tâm thức bình thường, mới thay đổi trọn vẹn nền tảng cơ sở tầm thường của ý thức phân biệt khả dĩ đưa con người đến sự giải thoát tâm linh hoặc xô con người nhảy xuống hố thẳm của Im Lặng để được giải cứu một cách khác trong cõi Trung Hữu Ấm (Bardo).



Chỉ có Thơ mới là khoa trị liệu thần kinh hữu hiệu nhất để giải cứu nhân loại khỏi điên. Mâu thuẫn thơ mộng nhất là tất cả những nhà thơ thiên tài vĩ đại nhất của nhân loại đều là những người điên thực sự vĩ đại đúng nghĩa. Những bác sĩ, tất cả những bác sĩ chuyên trị bệnh điên đều là những người điên bình thường, nếu không muốn nói là điên tầm thường, cả Laing và Cooper cũng đều điên bình thường; điên một cách tục tĩu nhất là những bác sĩ phân tâm học, bác sĩ thần kinh trị liệu, bác sĩ thần kinh bệnh học, bác sĩ tâm thần, bác sĩ chuyên khoa thần kinh não bộ, bác sĩ giải phẫu não bộ, vân vân. Họ được quyền điên một cách khoa học. Tất cả thế giới và tất cả nhân loại hiện nay đang điên. Chỉ có những người điên thực sự hơn cả những người điên tầm thường hơn cả những người điên bình thường và hơn cả những người điên tục tĩu: đó là những thi sĩ thực sự đúng nghĩa, những nhà thơ trong sạch, những thi nhân thuần tuý.



Hàn Mặc Tử đã nói một câu mà sáu chục năm nay không có ai biết lắng nghe một cách đàng hoàng cho đến độ phải quăng ném tất cả thi ca Việt Nam hiện đại và hiện kim vào cầu tiêu công cộng:



Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo



Tại sao là khách lạ? Tại sao đi giữa?



Tại sao “nguồn trong trẻo”?



Có cần đọc Trakl và Hölderlin mới hiểu thế nào là “khách lạ”? Đó là chưa nói đến Camus hay chưa nói đến Sophocles? Có cần đọc Kant mới hiểu thế nào là “đi giữa”, đó là chưa nói đến Hegel và Schelling? Có cần đọc Hölderlin và những gì Heidegger viết về những con sông Đức trong thơ của Hölderlin mới biết được thế nào là “nguồn” và thế nào là “trong trẻo”? Tại sao phải đọc?



Đọc Thơ cũng giống như đọc kinh. Phải thọ, trì, đọc, tụng.



Đọc không phải để hiểu mà để biết.



Biết cái thâm mật của một giây phút thoáng qua nhanh chóng hơn ánh sáng và biết cái thâm mật của tam thiên đại thiên thế giới, của vô số hằng hà tỉ tỉ thiên hà trong lòng ta và ngoài kia không gian phiêu dật. Mà lòng ta là tất cả không gian phiêu dật.


Tại sao Nguyễn Du thường sử dụng chữ biết trong Thơ và ít khi dùng chữhiểu? Đây là một sự việc quảng mật cần nên biết trong tương lai của văn hoá Việt Nam.

Thơ là cái gì mà chỉ nên biết, chứ không thể hiểu.

May ra thì chúng ta có thể biết được cái thâm mật, cái quảng mật và cáithâm quảng mật, có thể biết được sơ sơ qua loa, chứ không thể nào hiểu được. Đó là diệu nghĩa vô lượng của tam mật tam muội trong Thơ Văn của những thiên tài vĩ đại ở thế giới.

Mười điều chính yếu sau đây về Hàn Mặc Tử được thoát ra từ giữa nguồn trong trẻo của tam mật tam muội (quảng mật, thâm mật, thâm quảng mật); mười điều sau đây có thể được coi như là một thứ “Giải Thâm Mật” của cái gọi là Thi Văn Nhân Loại, và nhất là của cái gọi là “sự nghiệp thi văn” của thiên tài Hàn Mặc Tử.



I. Điều thứ nhất:

Tất cả lịch sử văn học và tất cả phê bình văn nghệ đều chuyên trang điểm cho cái không bao giờ cần được hay bị trang điểm; đứng sau nguồn hay đứng bên bờ nguồn bên đây hay bờ nguồn bên kia để ba hoa lải nhải một cách buồn cười, thảm hại cho chính bản thân sử gia và cho bản thân của phê bình gia; không có sử gia văn học và không có phê bình gia văn học ở khắp thế giới từ cổ đến kim biết được tư tưởng và tơ tưởng (chữ của Hàn Mặc Tử) và sử linh tư tưởng (chữ của Hàn Mặc Tử) là cái gì.

Tư tưởng, tơ tưởng và sử linh tư tưởng, đối với sử gia và phê bình gia, chỉ làtiền tượng, hiện tưởng, tiền hiện tưởng, tiền tượng tưởng (Anh Mỹ gọi làRepresentation, Tây Pháp gọi là Représentation, Đức gọi là Vorstellung hayVor-stellung), chính tất cả thể điệu tiền tượng, nhãn tiền tượng, đối diện tượng, hiện tưởng, hiện tượng, tiền hiện tượng, tiền hình tượng, hiện diện tưởng, đối diện tưởng, tưởng tượng, hiện tưởng tượng, nhãn tiền tưởng, đối diện tưởng, vân vân (tóm lại trong một chữ Đức: Vorstellung) đã đưa loài người đảo lộn đầu nguồn với cuối nguồn; đảo ngược tất cả mọi giá trị, đảo lộn trí tưởng tượng sáng tạo thành ra một hệ thống lý luận chặt chẽ; đảo ngược tư tưởng và đảo ngược sử linh tư tưởng thành ra khoa học lịch sử, khoa học tôn giáo, khoa học về lịch sử văn học, khoa học về phê bình văn nghệ, vân vân.

Chỉ có tư tưởng, tơ tưởng và sử linh tư tưởng là xuất phát từ Hố Thẳm (Tây gọi là Abîme, Tàu gọi là Thâm Uyên, Anh Mỹ gọi là Abyss, Đức gọi làAbgrund; anh bạn ngày xưa ở Việt Nam, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền đã cho rằng tôi lấy chữ Hố Thẳm từ Nietzsche, điều này đúng, nhưng chưa đúng đắn hẳn, chính Eckhart, Kant, Hegel, Schelling, Hölderlin và Jacob Boehme mới là những người đầu tiên đã tặng cho tôi hai chữ Abgrund và Ungrund mà tôi đã nhắc trong quyển Im Lặng Hố Thẳm).

Tư tưởng, Tơ tưởng và Sử linh Tư tưởng trú ngụ nơi Hố Thẳm Không Đáymới mở ra tất cả chân trời cho Triết Học, Khoa Học, Toán Học và Tôn Giáo.

Tất cả nền tảng đều sụp đổ, ngay đến Hố Thẳm Không Đáy cũng sụp đổ, và cả đến Hố Thẳm của Hố Thẳm cũng phải sụp đổ, tất cả mọi sự sụp đổ đều phải sụp đổ ngay lập tức, còn nói chi nữa đến những cái gọi là những kiến trúc ý niệm, những xây dựng lý tưởng, những hệ thống ý thức và những tập đại thành của ý tưởng, tất cả những thứ này chỉ là những trò hý luận của những tên hề tài tử, những tên hề tập sự không còn có khả năng để làm cho nhân loại cười to tiếng hay cười nhỏ tiếng.

Một người hề duy nhất thơ mộng làm cho mình mỉm cười sầu mộng mênh mông siêu việt, một người hề đùa giỡn với Hố Thẳm, nhập một với Hố Thẳm, đó là người hề của truyện Smile at the Foot of the Ladder của Henry Miller, nhưng đây là chuyện khác.



II. Điều thứ hai:

Chỉ là lặp lại điều thứ nhất trên một bình diện bất ngờ khác.

Phải viết lại toàn thể lịch sử văn học thế giới và toàn thể văn học thế giới và toàn thể văn học Việt Nam từ khởi thuỷ cho đến hiện nay và cho cả tương lai.

Viết như thế nào? Viết về cái không thể viết được, nói về cái không thể nói được, tư tưởng và tơ tưởng về cái gọi tạm là “Bất Khả Tư Nghị.”

Từ cái “bất khả tư nghị” của Hố Thẳm mới xuất hiện ra những hợp thể phức tạp được gọi tên là “thiên tài”, “văn hào”, “thi hào”, và tất cả những gì gọi “tác phẩm”, “nghệ thuật”, “kỹ thuật” là sự “thành tựu”, “hoàn thành”, “toàn thiện”, “toàn chân”, “toàn mỹ”, “nhất thiết chân pháp”, “nhất thiết thiện pháp”, “nhất thiết mỹ pháp”.

Sự im lặng rùng rợn của Thi Ca và Văn Chương là cái “bất khả tư nghị” của tất cả những đỉnh cao nhất của Thi Ca và Văn Nghệ Nhân Loại.

Im Lặng là gì? Là sự Lặng Im của tất cả câu hỏi, của tất cả nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý, của tất cả sắc thanh hương vị xúc pháp, của tất cả nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Đó là sự Lặng Im tinh mật của tất cả hình sắc, tất cả hình tượng, của tất cả màu sắc, của tất cả tình cảm, của tất cả cảm giác, của tất cả xúc động, của tất cả ba động giác quan, của tất cả ba động cực vi tế của một ý tưởng, của bất cứ một sự phân biệt nào đó, của tất cả mọi sự tri nhận và trực nhận; sự Lặng Im của tất cả ý muốn và ý chí, sự im lặng của tất cả ý thức, linh thức, thần thức và vô thức.

Còn lại cái gì?

Hölderlin, một nhà thơ đã điên trong ba bốn chục năm còn lại của đời mình, đã tuyên bố lặng lẽ cho toàn thể loài người rằng:

Nhà thơ phôi dựng những gì còn lại...

Hölderlin là tiêu chuẩn để viết lại toàn thể lịch sử văn học Đức và toàn thể lịch sử văn học Tây phương, cũng như Nguyễn Du và Hàn Mặc Tử là tiêu chuẩn để viết lại toàn thể lịch sử văn học Việt Nam và toàn thể lịch sử văn học Á Đông.



III. Điều thứ ba:

Tất cả triết học và thẩm mỹ học Tây phương từ Plato cho đến Hegel đều trở thành sai lầm, nếu mình sống được trên nền tảng không nền tảng của Hố Thẳm Không Đáy mà không rơi lọt vào chủ nghĩa hư vô vũ trụ. Tôi nói gì? Muốn nói một cái gì thì đã kẹt vào những “phạm trù” của logos. Như thế nào? Như vầy: không có một triết gia, một tư tưởng gia, một lý thuyết gia, một con người hành động tích cực hay một phê bình gia vĩ đại nào mà không dính kẹt vào những cái này.

a/ Nói hay viết, viết để nói hay nói để viết để nói hay viết về một cái gì đó; (nói theo điệu Triết Học Hy Lạp là: logos như là logos tinos)

b/ Chính cái được nói hay được viết, chính câu nói hay câu viết lại chính là một cái gì đó;(nói theo điệu Triết Học Hy Lạp là: cái legomenon là một cái ti, tức là một cái hiện thể, cái chữ Triết Hy Lạp: on);

c/Người nói hay người viết là một cái gì đó.

Con người là một cái gì đó, lời nói hay câu viết là một cái gì đó, cái được viết hay được nói là một cái gì đó: như thế, chúng ta có ba cái.

Thơ có nghĩa là phá vỡ ba cái trên; Thơ không nói về bất cứ cái gì cả, như vậy mới là tất cả; Thơ chỉ là Thơ và Thơ tự nói về Thơ từ trong Thơ đến trong Thơ: cả cao và thấp, cả trong và ngoài, ở trên và dưới mặt đất, tất cả chỉ là Thơ.

Thơ là Nguồn Trong Trẻo nuôi dưỡng tất cả “thượng thanh khí” của tất cả mọi sự và của cả Hư vô, vì Hư vô không phải chỉ có nghĩa rằng chẳng có gì hết.

Nếu quan niệm Thơ là một cái gì đó, nhà thơ (thi sĩ) là một cái gì đó, bài thơ là một cái gì đó, tác phẩm thi ca là một cái gì đó, người thưởng ngoạn thi ca là một cái gì đó, người làm nghề phê bình văn học là một cái gì đó, ngôn ngữ là một cái gì đó, âm nhạc là một cái gì đó, màu sắc là một cái gì đó, sự im lặng là một cái gì đó. Nếu quan niệm như thế, thế thì quan niệm cái gì?

Vậy cái gì đó là cái gì?

Một hữu thể? Một vật thể? Một sự thể? Một hiện thể? Một tánh thể? Hay vô thể? Hay “cái không có gì cả” cũng là một cái gì?

Còn cái gì của cái gì ấy là cái gì?

Phải chăng đây chỉ là những câu hỏi trừu tượng?

Hàn Mặc Tử đã từng nói:

Triết Lý và Văn Thơ là những danh từ chết.

Những chữ đáng lưu ý ở trên là “những danh từ” và những danh từ, tất cả những danh từ đều đã chết, đang chết và sẽ chết.

Tất cả những trận chiến tranh tàn khốc của nhân loại đã bùng nổ vì những danh từ. Bao nhiêu thế hệ người Việt Nam đã chết vì “những danh từ đã chết.”

Triết Lý và Văn Thơ là những danh từ chết.

Khi Hàn Mặc Tử nói như trên thì chỉ có nghĩa là Triết Lý và Văn Thơ không phải chỉ là “những danh từ”. Triết Lý và Văn Thơ thì khác hẳn, một cái gì không hẳn là một cái gì, cái gì khác hẳn hoàn toàn tất cả mọi sự vật, mọi sự việc, mọi hữu thể và mọi vật thể.

Hàn Mặc Tử: “Tôi không cần ai giảng triết lý.”

Giảng Triết Lý là trói buộc Triết Lý vào những danh từ đã chết.

Hàn Mặc Tử: “Triết Lý là vun trồng, nuôi nấng thi văn, mà Thi Văn là để cắt nghĩa ra Triết Lý.”

Hố Thẳm vun trồng và nuôi nấng thi văn. Phải chăng cái (nghĩa xưa của chữ Mẹ, Má) đã từng “vun trồng nuôi nấng” tất cả thi văn Việt Nam? Không phải Triết Lý cắt nghĩa ra thi văn, như tất cả những lý thuyết gia phê bình văn nghệ lầm tưởng (tất cả lý thuyết gia phê bình văn nghệ đều là những kẻ tập tành hành nghề suy tư qua những ý niệm triết học chưa học hành được đàng hoàng). Hàn Mặc Tử xác nhận rõ ràng: “thi văn là để cắt nghĩa ra triết lý.” Như thế chỉ có nghĩa rằng Thi Văn cắt nghĩa ra tất cả mọi sự việc, vì Triết Lý chính là: Một là Tất cả, và Tất cả là Một (từ Heraclitus đến Kant, Hegel, Nietzsche và tất cả Triết Học Tây Phương chỉ là thế, nếu không muốn nói đến cái gì khác mà cái gì khác cũng vẫn là một cái gì trong nghĩa Triết Học Hy Lạp to on của ta on ta).

Văn chỉ là văn vì có Mẹ là Thi.

Chính Thi Ca xây dựng tất cả linh thoại, thần thoại, sử thoại của toàn thể nhân loại. Không có Thi Ca thì chẳng có Lịch Sử; không có THƠ thì loài người đã bị tiêu diệt từ lâu. Thi Ca phôi dựng tất cả Sử Linh Tư Tưởng.



IV. Điều thứ tư:

Thơ là cái gì?

Tất cả sự nghiệp thi văn của Hàn Mặc Tử là đã sống trọn vẹn với câu hỏi trên. Cả một cuộc đời hai mươi tám năm của Hàn Mặc Tử là sống hoàn toàn hết mình, xoáy tròn vào cơn bão tố rùng rợn của Thơ và chỉ nhìn thấy Thơ trên trời, Thơ ở dưới đất, Thơ trong tim, Thơ trong óc não, Thơ trong mạch máu, Thơ trong hơi thở, Thơ trong đời sống, Thơ trong cái chết, Thơ trong hiện thể, Thơ trong vô thể, Thơ trong Hư Vô.

Hàn Mặc Tử: “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống.”

Chúng ta phải nhập tâm, phải để năm tiếng của Hàn Mặc Tử in dấu sâu thẳm vào tận lòng mình:

“Đến Gần Đứt Sự Sống”

Khi nào “đến gần đứt sự sống” rồi mới biết Thơ là cái gì, mới biết làm thơ, mới biết đọc thơ. Khi mình chưa “đến gần đứt sự sống” rồi thì không được quyền nói bất cứ điều gì về Thơ, về Thi Ca, về Thi Nhân, về Điên Loạn, về Tình Yêu, về Hồn, về Nguyễn Du, về Hàn Mặc Tử hay về bất cứ “một con sông này đã đi qua” trong đời mình.

Hàn Mặc Tử đã sử dụng mấy chữ “cụ tượng” và “trừu tượng” và nhất là câu tuyệt vời: “Cái Thơ Trên Cái Thơ Khác Nữa”.

Thế nào là cụ thể? Hai chữ “cụ tượng” của Hàn Mặc Tử thực là tinh mật, hai chữ “cụ tượng” nói lên tinh tuý rực ngời của tất cả những gì chúng ta vẫn gọi là “cụ thể.” Ở đây, chính Thi Văn đã cắt nghĩa ra Triết Lý; Hàn Mặc Tử chỉ là một nhà thơ mà còn triết lý hơn tất cả các triết gia nhà trường và các triết gia nhà nghề. Không có gì thực sự là “cụ thể” mà chỉ có “cụ tượng”. Dẫu không đọc Kant, nhưng Hàn Mặc Tử đã nhảy vào trung tâm điểm của Triết Học Kant ở đây. (Trước khi chết Hàn Mặc tử thường đọc đi đọc lại Rousseau, một người đã từng ảnh hưởng mãnh liệt đến Kant).

Hàn Mặc Tử đã cho dân tộc Việt Nam một “định nghĩa” phi thường nhất và tuyệt vời nhất về Thể Tính của Thơ: “Màu sắc cụ tượng rất dễ tìm, dễ kiếm, trái lại màu sắc trừu tượng rất khó sáng tạo, vì đây là cái đẹp của thơ, và phải có con mắt của thi nhân, của một kẻ siêu phàm thoát tục mới nhận thấy cái đẹp thiêng liêng, phép tắc ấy, và mới thấu triệt hết tinh hoa của nó.”

Và sau đây là định nghĩa về Thiên Tài của Thiên Tài Hàn Mặc Tử: “Bắt cái vô hình trở nên hữu hình, khiến cái chết trở nên sống, cho vật câm không còn là câm nữa. Đấy là tất cả nghệ thuật và trí tưởng tượng phi thường của thi nhân, nếu thi nhân là một thiên tài!”

Cái cụ tượng của Thi Ca, ai cũng hiểu, nhưng cái Trừu Tượng của Thơ thì chỉ có Thiên Tài mới biết được Thiên Tài.

Cái Trừu Tượng ở đây “vượt khỏi ra ngoài hư linh” (Hàn Mặc Tử). Tính Thể và Thể Tính của Trừu Tượng Tính là gì?

Chính là cái gì mình gọi là “cụ thể”, “cụ tượng” lại là “trừu tượng” nhất và cái gì mình gọi là “trừu tượng” lại là “cụ thể”, “cụ tượng” nhất. Nhà thơ, nói một cách khác, là con người thực tế nhất; và tất cả con người khác, những kẻ gọi là thành công nhất trong xã hội, đều là những loài súc sinh biết nói mà không hề biết thế nào là “cụ thể”, thế nào là “cụ tượng”, huống chi đề cập đến bất cứ điều gì liên hệ đến “trừu tượng” .

Thơ là trừu tượng trong cụ tượng, và cụ tượng trong trừu tượng; Thơ vừacụ vừa trừu để rồi chỉ còn tượng. Sau cùng, tinh tuý của Thơ là chuyển hoá tất cả tượng thành ra vô tượng: chính vô tượng mới đánh thức dậy Vô Tướng của tất cả hình tượng màu sắc. Đây là Vô Tướng của Thực Tướng Thơ Mộng trong tất cả sự “rung rinh một làn ánh sáng” (Hàn Mặc Tử).

Có biết được như trên, chúng ta mới biết được tại sao một người công giáo thuần thành ngoan đạo như Hàn Mặc Tử mà vẫn tư tưởng và tơ tưởng đượcsử linh tư tưởng như câu nói sau đây của Hàn Mặc Tử:

“Và tôi sẽ ký thuyết minh một cách rất nhà Phật là sắc cũng như không, chết cũng như sống, gần cũng như xa và hư cũng như thực... Những điều phản trái ấy dầu thế nào, cũng có liên lạc mật thiết và thông cảm với nhau.”

Loài người, hạng người phàm phu tục tử, thường bị trói buộc vào cái có và cái không suốt một đời này và vô số kiếp sau nữa; họ điên mà không biết rằng mình điên. Chỉ có thi nhân là tự biết rằng mình điên và được điên thực sự, vì nhà thơ đã trừu tượng hoá tất cả mọi sự: “Tôi vừa thoát ly ra khỏi cực lạc giới, toàn thân tôi rung động như một sợi đường tơ” (Hàn Mặc Tử). Đó cũng là lý do cắt nghĩa tại sao “Thi sĩ rơi xuống cõi đời, bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình” (Hàn Mặc Tử)

Vì không có lấy một người hiểu mình, cho nên thi sĩ mới còn được là thi sĩ.



V. Điều thứ năm:

Hàn Mặc Tử đã sử dụng ít nhất hai lần trong toàn thể thi văn của mình: “một đêm siêu hình” (Chơi giữa mùa trăng: Nghĩa là trăng rằm trung thu: một đêm siêu hình, vô lượng, tượng trưng của một nguồn khoái lạc chê chán...)

Cái đêm siêu hình ở đây không có dính líu gì với Siêu Hình Học cả mà lại có nghĩa ngược lại tất cả Siêu Hình Học và Siêu Thể Học Tây Phương, vì Siêu Hình Học Tây Phương vẫn chỉ đặt nền tảng trong một căn bản tối thượng và tối hậu: Hiện Thể (hay hiện hữu) có tính cách hiện thể nhất, Hiện Thể trong Toàn Thể, Hiện Thể như là Hiện Thể, Hiện Thể như là Hiện Thể cao nhất, hiện thể đầu tiên, hoặc Siêu Việt Thể.

“Bắt cái vô hình trở nên hữu hình”, đây là ý nghĩa cụ tượng hoá trừu tượng của Hàn Mặc Tử trong mấy chữ “một đêm...” (nếunhấn mạnh vào mấy chữ “hữu hình” trong câu “bắt cái vô hình trở nên hữu hình”, hoặc nhấn mạnh mấy chữ “một đêm” trong

“một đêm siêu hình”), ngược lại “Bắt cái vô hình trở nên hữu hình”, đây là ý nghĩa trừu tượng hoá cụ tượng của Hàn Mặc Tửtrong mấy chữ “siêu hình” (nếu nhấn mạnh vào mấy chữ “vôhình” trong câu “bắt cái vô hình trở nên hữu hình” hoặc nhấnmạnh mấy chữ “siêu hình” trong “một đêm siêu hình”).

Thực ra, tất cả đêm tối đều là siêu hình, và tất cả ngày đều hữu hình mà vô hình hoặc đều vô hình mà hữu hình. Nói một cách triết lý thơ mộng như triết gia Đức Kant thì “Đêm tối thì cao siêu, ban ngày thì tuyệt đẹp” (Die Nacht ist erhaben, der Tag is schoen). Đây là câu nói tuyệt đẹp nhất và cao siêu nhất được thốt ra từ miệng của một triết gia đúng nghĩa. Chỉ có một người suốt đời sống thường trực bên bờ Hố Thẳm, bên cạnh cơn điên loạn lúc nào cũng rình rập bùng vỡ trong ý thức, chỉ có một người như thế, như Kant và ngay chính cả Hegel, mới hiểu thế nào là sức mạnh hữu hình của “nguyên lý về lý do tự tại, nguyên lý về lý trí tự túc”, mới hiểu thế nào:

Đêm cao siêu
Và Ngày tuyệt sắc.
(Kant)

Hay dí dỏm hơn như Hegel:

Ban đêm thì tất cả bò nghé đều đen thui.

Tuy nhiên, có một màu đen khác mà Hegel chưa biết tới hay không chịu biết đến, đó là màu đen sáng ngời lóng lánh của Hölderlin, người bạn thân nhất “tự mùa đầu tiên” của Hegel. Hölderlin đã viết sầu mộng như sau trong cơn loạn: “Phải giải quyết tất cả những mâu thuẫn, những lạc điệu, những lệch lạc, những bất hoà bằng cách khác”. Không thể giải quyết những vấn đề bằng trật tự phân hai hoặc phân ba (bằng Tri Thức Tuyệt Đối, hoặc bằng Kỹ Thuật Cơ Khí Vạn Năng). Nói một cách khác, một cách mơ mộng như Hölderlin:

Những ai hãy đưa cho tôi
Tràn trề ánh sáng đen tối,
Chén rượu thơm ngát.

Cái ánh sáng đầy đen tối, cái hào quang tối tăm ấy, chính là cái “đêm siêu hình” của Hàn Mặc Tử. Cái tối là cái thâm mật của cái sáng, cái tối “vun trồng nuôi duỡng” cái sáng, và cái sáng “cắt nghĩa ra” cái tối. “Đó là lý do tại sao cái tối có được cái sáng chính

yếu của chính nó” (Heidegger, “Những Nguyên Lý của Tư Tưởng” đăng trongJahrbuch für Psychologie und Psychotherapie, tập 1/3,năm 1958, Verlag Karl Alber, Freiburg và Munich).

“Một đêm siêu hình” của Hàn Mặc Tử chính là một đêm “tràn trềánh sáng đen tối” của Hölderlin.

Có một thứ ánh sáng rực chiếu một cách tối tăm, cũng như có một đêm tối lóng lánh ánh sáng rực ngời, có một màu đen óng lên ánh sáng lộng lẫy, cũng như có một thứ ánh sáng tràn trề đen tối thâm mật.



VI. Điều thứ sáu:

Tất cả ý nghĩa cụ tượng mà trừu tượng, hữu hình mà vô hình, thơ mộng mà triết lý, của tất cả thi nghiệp, tất cả sự nghiệp văn thơ của Hàn Mặc Tử được thu gọn lại trong bốn chữ:

một đêm siêu hình

Phải nhìn hai chữ siêu hình này trong một chớp mắt thu gọn lại thiên thu vĩnh c ưửu, thu tóm lại tam thiên đại thiên thế giới, phải nhìn hai chữ siêu hình này ngoài tất cả siêu hình học, ngoài tất cả thần học và ngoài tất cả hữu tượng và vô tượng.



VII. Điều thứ bảy:

Có đi vào một đêm siêu hình với Hàn Mặc Tử thì mới biết rằng những bài thơ tình yêu và những bài thơ tôn giáo của Hàn Mặc Tử không phải chỉ là những bài thơ lãng mạn về tình yêu và những bài thơ xuất thần về tôn giáo, vì ở đây những bài thơ chỉ là Thơ, có nghĩa là thơ Thuần Tuý mà Thơ vốn là Nguồn Trong Trẻo cho Tình Yêu và cho Tôn Giáo. Vì Thơ là Nguồn Trong Trẻo cho tất cả, cho nên Hàn Mặc Tử mới có thể nói:

Bay từ Đao Lỵ đến trời Đâu Suất



VIII. Điều thứ tám:

Nếu nói Hàn Mặc Tử là nhà thơ của Lãng Mạn, của Tình Yêu, của Sầu Mộng, của Điên Loạn, của Huyền Bí, của Tôn Giáo, của Triết Học, vân vân, thì chúng ta vẫn có thể ung dung nói và viết một cách tầm thường và bình thường như vậy. Bất cứ nhà thơ nhà nghề nào hiện nay cũng đều là những thi sĩ nhà nghề về Lãng Mạn, Tình Yêu, Sầu Mộng, Điên Loạn, Huyền Bí, Đạo Giáo (kể cả thơ Chúa và thơ Thiền), nhưng chỉ có Hàn Mặc Tử là thi sĩ; tất cả Hàn Mặc Tử đều là thi sĩ, nhưng tất cả thi sĩ không thể nào là Hàn Mặc Tử. Tất cả những thi sĩ thiên tài đều là người điên, nhưng tất cả những người điên không thể nào và không thể là thi sĩ; tất cả những thi sĩ thiên tài đều là người cùi, người hủi, người phung (trong mọi ý nghĩa đen, bóng, xám, trắng) nhưng tất cả những người cùi không thể là thi sĩ được (tất cả màvẫn có ngoại lệ như thế tất cả mới có ý nghĩa là tất cả; tuy nhiên người bệnh hủi mà thành thi sĩ thì bệnh hủi ấy đã mất ý nghĩa và không còn là bệnh nữa, mà là ơn phúc hay phúc đức nghịch hành của đêm thiêng liêng, đêm vô lượng, đêm siêu hình).

Chính cái đêm siêu hình đã làm cho Hàn Mặc Tử làm thơ tình mà không phải là thơ tình, làm thơ ly biệt mà không phải ly biệt, làm thơ trăng mà không phải là trăng, làm thơ đạo mà không phải chỉ là đạo, làm thơ về hồn mà không phải là hồn, về Chúa mà không phải Chúa, về Đức Mẹ mà không phảiĐức Mẹ, về Phật mà không phải Phật, về tất cả những người con gái đẹp mà không phải chỉ là những người con gái đẹp.

Tất cả đều là cụ tượng cho Tính Thể Trừu Tượng Hoá của Thể Tính Thi ca:“Tất cả trong thế gian này, hay cả một cõi xuất thế gian nào nữa, những thứ gì đã trụ trong hai thế gian ấy (cõi hữu hình và cõi vô vi) đều là hình ảnh của Thơ cả” (Hàn Mặc Tử).

Nói tóm lại, Thơ là nguyên lý chuyển động tất cả mọi sự, nguyên lý của nguyên lý này lại chuyển động cả Thượng Đế, chuyển độngcả cái gì vượt lên trên Thượng Đế, chuyển động cả “đường ngạ quỷ phơi nhiều trang gấm vóc”: Thơ là nguyên lý chuyển động cảtrời và đất, chuyển động cả những gì “vượt khỏi ra ngoài hư linh”(Hàn Mặc Tử).

Nói một cách dễ hiểu theo điệu triết học của Aristotle (Aristote) thì, đối với Hàn Mặc Tử, Thơ là cái arkhé kinéseos hay arché kinéseos, tức là cái arkhé (arché) cho kinesis (động tính) của tất cả vạn hữu và vạn đại, cho tất cảphusis (physis); cái gọi là “thơ” (poiesis) không còn ý nghĩa “việc làm” “cái làm”, “tác tính”, “tạo tính” hay “kỹ thuật tạo tác” mà “poiesis” lại trở thành “phusis” và không còn đối kháng lại “phusis” (chữ Hy Lạp phusis còn có ý nghĩa sâu rộng hơn cả chữ “nature” của La Tinh, hơn chữ “nature” của Anh, Pháp, và hơn cả “thiên nhiên” của Việt và Tàu; “phusis” có nghĩa: tất cả những gì chuyển động, tất cả những gì mọc lên, tất cả những gì trưởng thành và thành tựu, ngay đến Thượng Đế và tất cả những Thần linh đều lệ thuộc vào “phusis” của Triết Học Hy Lạp tiền thượng cổ. Như vậy, cái gọi là Thơ (poiesis) được thiên tài Việt Nam Hàn Mặc Tử chuyển hoá toàn triệt thành ra phusis; poiesis thường tách biệt ra khỏi phusis, nhưng ở đây poiesisnâng đỡ phusis và trở thành chính phusis (phusis = poiesis). Thơ là nguyên uyên hay uyên nguyên của tất cả động tính (uyên nguyên: arkhé, arché;động tính, chuyển tính, chuyển động tính: kinésis). Arché kinéseos (arkhé kinéseos) có nghĩa là “uyên nguyên của tất cả chuyển động tính”. Đó là ý nghĩa thâm diệu của mấy chữ “Nguồn Trong Trẻo” của Hàn Mặc Tử, nhà thơ được Thơ đưa trở về làm “khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo”.



IX. Điều thứ chín:

Chỉ cần một chữ thôi cũng nói lên được “một đêm siêu hình” là gì, chỉ cần một chữ thôi cũng nói hết tất cả ý nghĩa thâm mật của Thi Ca và Văn Chương của Hàn Mặc Tử.

Đó là chữ Tây: diaphane (xuyên minh, xuyên quang, thấu minh, thấu quang).

Chữ diaphane đã được Hàn Mặc Tử sử dụng trong một bài văn cuối cùng viết thẳng bằng tiếng Pháp La Pureté de l’Âme (Hồn Trong Veo), bài được viết vào đêm 24 tháng 10 năm 1940 (Hàn Mặc Tử mất vào ngày 11 tháng 11 năm 1940, sống được 28 tuổi trong veo trên đời.)

Trần Thanh Mại dịch “diaphane” là “trong mờ” (lueur diaphane: “ánh sáng trong mờ”, theo cách dịch lờ mờ của Trần Thanh Mại). TrầnThanh Mại dịch đúng theo tự điển Tây và tự điển Tây Việt, nhưngdiaphane không phải chỉ có nghĩa tự điển là “trong mờ” mà thôimà còn mang một ý nghĩa xuyên ngữ, và cái nghĩa tuyệt vời thơmộng là “xuyên qua ánh sáng, thấu qua ánh sáng, đâm qua ánhsáng, xuyên qua cái hiện, xuyên qua cái chiếu, xuyên qua cái hiệnchiếu, thấu qua cái chiếu hiện” (Chữ Hy Lạp: diaphanés: xuyên

minh, đâm qua, thấu qua, xuyên qua: dia; phaínein: hiện, chiếu, chiếu hiện; diaphaínein: xuyên qua, thấu qua, đâm qua cái hiện, cái chiếu, cái chiếu hiện; chữ phaínein có liên hệ trực tiếp với gốc chữ Hy Lạp là phós: ánh sáng). Dịch theo tinh thần Hàn Mặc Tử

thì diaphane có nghĩa là “trong trẻo”; có thể dịch lại “Nguồn Trong Trẻo” của Hàn Mặc Tử ra chữ Pháp là source diaphane hayorigine diaphane.

Tất cả Thi Ca Á Đông đều là Hồi Quang, Phản Quang, Phản Chiếu Quang, Tương Phản Quang, Tương Chiếu Quang, Tương Phản Quang Chiếu, Viên Dung Phản Chiếu Quang… Tất cả Thi Ca Tây phương đều là Đăng Quang, cái ánh sáng của bó đuốc hay của cái đèn dầu hay đèn điện, đúng hơn nên gọi là: cốc đăng quang, tức là cái ánh sáng của cái bó đuốc hay của cái đèn dầu trong hang, như cái hang trong triết học của Plato chỉ có Homer, Pindar, và Sophocles là ở ngoài hang. Cái hồi quang, phản quang và phản chiếu quang, và tương phản quang chiếu của Thi Ca Đông phương là cái “phản ảnh” và cái “phục chiếu” của mặt trời và mặt trăng. Nói theo ngôn ngữ của Hölderlin, Tây phương là chốn mặt trời chìm lặn, do đó, Hölderlin réo gọi trở về “Nguồn Trong Trẻo” là Đông phương (Ấn Độ với dòng sông Indus), sông Indus chảy từ vùng núi miền Tây của Tây Tạng; Hy Mã Lạp Sơn, núi cao nhất của Tây Tạng, sông Cửu Long cũng chảy từ Tây Tạng đến Hố Thẳm không đáy là miền Nam Việt Nam và miền Nam của Đông Nam Á Châu. Hố Thẳm và Núi Cao là một; ánh sáng từ thượng thanh khí đâm thấu xuyên qua từ đỉnh núi cao im lặng đến âm hưởng rì rào bất tận của tất cả con sông Á Đông, tính cách xuyên quang của Núi Cao đã chuyển thành hồi quang, phản chiếu quang của tất cả dòng sông của Thơ ở Hố Thẳm.

Con sông này đã đi qua
Suốt đời ta thề không trở lại

Hàn Mặc Tử đã muốn nói khác đi: cái đã đi qua thì đã đi qua rồi và cái không trở lại thì không bao giờ trở lại nữa. Tất cả hồiquang, phản quang, phản chiếu quang, phục chiếu quang, tất cảxuyên quang, thấu quang đều xảy ra chỉ một lần duy nhất. Một lần,

chỉ một lần thôi, một lần duy nhất thôi (R.M.Rilke) Tuy nhiên, tất cả thơ nằm trong hai chữ “tuy nhiên, tuy thế, thế mà”. Tất cả đều đã đi mất, tất cả không bao giờ trở lại, tất cả đều chỉ xảy ra một lần. Dẫu thế, tuy thế, tuy nhiên, dù thế, thế thì… Et pourtant / And yet... Thơ bắt đầu chuyển động sau ba chấm lửng lơ…



X. Điều thứ mười:

Tất cả những bài thơ nào của Hàn Mặc Tử cũng vẫn đều là thơ hay, dù bài nào mà thiên hạ cho rằng dở nhất của Hàn Mặc Tử cũng vẫn là thơ hay mà ít người thấy được tính cách “xuyên quang” và “phản chiếu quang” của một thiên tài vĩ đại của Việt Nam trải qua “một đêm siêu hình” ở dương thế. Bây giờ chúng ta hãy xoá đi chín điều trên, và chỉ còn lại điều thứ mười; tất cả những gì đã nói hay đã viết về Hàn Mặc Tử đều sai lầm, kể cả chín đều trên. Chỉ còn lại tiếng thơ của Hàn Mặc Tử, không cần dẫn chứng dài dòng, và không cần phải chọn nhiều bài thơ khác của Hàn Mặc Tử, chỉ cần thọ, trì, đọc, tụng một bài thơ duy nhất này của Hàn Mặc Tử thì đủ thấy “cái thơ trên cái thơ khác nữa”:

I.

Chửa gặp nhau mà đã biệt ly
Hồn anh theo dõi bóng em đi
Hồn anh sẽ nhập trong luồng gió
Lưu luyến bên em chẳng nói gì

II.

Thơ em cũng giống lòng em vậy
Là nghĩa thơm tho như ánh trăng
Mềm mại như lời tơ liễu rủ
Âm thầm trong áng gió băn khoăn

III.

Anh đã ngâm và đã thuộc làu
Cả người rung động bởi thương đau
Bởi vì mê mẩn vì khoan khoái
Anh cắn lời thơ để máu trào

IV.

Lời thơ ngậm cứng không rền rĩ
Mà máu tim anh vọt láng lai
Thơ ở trong lòng reo chẳng ngớt
Tiếng vang tha thiết dội khắp nơi

V.

Em đã nghe qua em đã hay
Tình anh sao phải chứng mê say
Anh điên anh nói như người dại
Vạn lạy không gian xoá những ngày

VI.

Những ngày đau khổ nhuộm buồn thiu
Những áng mây lam cuốn dập dìu
Những mảnh nhạc vàng rơi lả tả
Những niềm run rẩy của đêm yêu

VII.

Anh đứng cách xa hàng thế giới
Lặng nhìn trong mộng miệng em cười
Em cười anh cũng cười theo nữa
Để nhắn hồn em đã tới nơi
(Hàn Mặc Tử, Lưu Luyến)

Ở phần đầu, tôi đã trích dẫn câu của Hàn Mặc Tử:

Con sông này đã đi qua
Suốt đời ta thề không trở lại

Đoạn văn của Hàn Mặc Tử trước hai câu trên là: “Nhà nghệ sĩ bao giờ cũng điên. Tài năng thì có giới hạn. Dám đem tài mọn làm rộn nước mây. Sẽ bị mạng trời đánh ngã. Than ôi! Tài hoa là một điều tai hại!” Hàn Mặc Tử gặp lại Nguyễn Du: “Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng.” Hồi quang của Thơ là thế, nhưng xuyên quang vẫn là Nguyễn Du: “Tưởng bây giờ là bao giờ, rõ ràng mở mắt còn ngờ chiêm bao” hay thấu quang qua “nguồn trong trẻo” (source diaphane) như Hàn Mặc Tử: “Anh đứng cách xa hàng thế giới, lặng nhìn trong mộng miệng em cười”.

Nguyễn Du và Hàn Mặc Tử hai người “khách lạ” chỉ cần để lại đời hai câu thơ giản dị như trên thôi thì chúng ta cũng sẵn sàng van lạy thời gian xoá hết tất cả những bài thơ khác trên mặt đất.

Nguồn: Văn học-ngôn ngữ







20
Khai Ngôn Cho Một Câu Hỏi Dễ Hiểu: Triết Học Là Gì? 

(2000)





21
Đối Mặt Với 1000 Năm Cô Đơn Của Nietzsche 

(2000)





































Dịch phẩm đã xuất bản (chưa đầy đủ):







1
Jiddu Krishnamurti 
Tự Do Đầu Tiên Và Cuối Cùng 

(1968)







2
Martin Heidegger 
Về Thể Tính Của Chân Lý
(1968)

3
Martin Heidegger 

(?)







4
Triết Lý Là Gì? 
(1969)





5
Friedrich Nietzsche
Tôi Là Ai? 
(1969)
6
Nikos Kazantzakis 
Rèn Luyện Tâm Thuật Huyền Linh 


(1991)
























Tham khảo thêm về tác giả Phạm Công Thiện







VỀ MỘT BÀI THƠ CỦA PHẠM CÔNG THIỆN.

THI VŨ.


Thiện xem mình là triết gia. Tôi nhìn Thiện như một thi sĩ.


Năm ấy, 1966. Tình cờ đến quán ăn nhỏ Lạc Hồng nằm sau lưng điện Panthéon ở xóm La tinh, quận 5 Paris, gặp lại Trần Hiếu. Hiếu là họa sĩ mà mười năm trước sang Paris tôi có giúp đỡ việc nhập học Trường Hội họa Quốc gia ở Paris. Hiếu đang ngồi ăn với một người trông lạ, mặt đỏ gay, mắt lừ đừ. Hiếu giới thiệu tôi với người lạ. Nghe tên tôi anh đứng phắt dậy vui mừng la lớn : “Trời ơi, ông Nguyễn Thái ! hai tuần nay tôi tìm ông muốn chết”. Nguyễn Thái là bút hiệu thời tôi bỉnh bút cho tạp chí Liên Hoa ở Huế thập niên 50. Tôi lấy làm lạ cho cách ăn mặt xi vin của anh ta, vì trước đó nghe anh đi tu lấy pháp danh Thích Nguyên Tánh.

Đó là Phạm Công Thiện. Chúng tôi biết nhau từ đây. Anh bỏ học ở Hoa Kỳ sang Pháp tìm người anh du học từ lâu trước. Nhưng chuyện gia đình sao đó Thiện bỏ thành phố Rennes về sống lang thang nơi vĩa hè Paris, ngày ngày làm đuôi theo đám clochard xin những bữa ăn xã hội. Gặp Trần Hiếu đem về nuôi được mấy hôm. Sau đó Thiện về ở với tôi. Thời ấy tôi chuẩn bị luận án ở Sorbonne đồng thời làm thư ký cho giáo sư Filliozart ở Collège de France như kế sinh nhai. Chúng tôi chỉ gặp nhau về đêm, đêm nào cũng kéo nhau ra quán cà phê nơi công trường Contrescarpe ồn ào những mộng mị văn chương cho đến 3, 4 giờ sáng. Hoặc quán đóng cửa, hoặc cháy túi mới về, tửu lượng Thiện không cao nhưng uống thì vô bờ.

Suốt ngày Thiện nằm dài đợi tôi đi làm về kéo nhau ra quán. Lâu lâu nổi hứng đòi đi Tây Tạng tu như Milarépa. Tôi bỡn, ông đi mau đi Mao Trạch Đông nó chờ ông bên đó. Ngày tháng lì trôi, thấy vậy tôi bày kế cho Thiện viết khi đề nghị phát hành một tạp chí văn học. Thiện hứng khởi lấy tên một tập thơ của tôi làm đề tạp chí : Hoa Nắng. Dự tính hai đứa tôi viết bài, kêu thêm bài trong nước rồi nhờ Thanh Tuệ ở An Tiêm coi sóc in và phát hành bên nhà. Chúng tôi viết quảng cáo gửi về Bách Khoa nhờ đăng giúp, anh Lê Ngộ Châu giúp đi mấy kỳ không tính tiền. Hàng trăm thư từ trong nước gửi sang hoan nghênh với nhiều sáng tác xin đăng. Tôi mong mỏi tập họp mọi cây bút đưa văn học chồm tới giữa thời khói lửa bạo tàn. Thiện chống lại, bảo : ”Ông ở nước ngoài lâu không biết bọn làm văn trong nước bè phái, tị hiềm, dìm đè, công kênh nhau thôi”, nên khăng khăng chủ trương tạp chí sẽ không đăng bất cứ tên tuổi nào đã thành danh. Thời gian này có Nguyễn Đức Sơn trong nước gửi thơ sang tặng, mang cùng tư tưởng chống hết “bọn caïd văn nghệ”.

Kể từ đó, Thiện bật tỉnh người, không nằm co hằng ngày như trước. Ngày ngày chờ tôi về để ra cà phê, hai đứa thi nhau viết. Đêm đêm ở quán Contrescarpe, cuối tuần kéo nhau ra quán Dôme ở Montparnasse. Chúng tôi chia nhau viết theo hai con đường Tính và Tình, qua mọi thể tài. Thiện đi con đường Tính, tôi theo con đường Tình. Một tháng, chúng tôi xong Hoa Nắng số một, dày vài trăm trang.

Bài sáng tác đầu tiên của Thiện là bài thơ “Quế Hương”, sau đó Thiện viết tiểu luận “Đặt lại căn bản học vấn của Nguyễn Văn Trung - Phê bình luận án Tiến sĩ của Nguyễn Văn Trung hay là tìm hiểu một thủ đoạn phá hoại Phật giáo”.

Bài vở chuẩn bị gửi về Saigon cho Thanh Tuệ in, thì đột nhiên Thượng tọa Thích Minh Châu đến thăm. Hôm ấy đang ngồi tán gẫu với Thiện ở căn nhà tôi cư ngụ số 8 rue Guy de la Brosse xóm La tinh, nghe tiếng gõ cửa gấp. Mở ra thấy Thượng tọa Thích Minh Châu đi cùng giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch. Thượng tọa vừa nói vừa thở hắt sau hai tầng gác : “Tôi biết Nhất Hạnh đang ở với anh, nhưng tôi cứ đến vì cần bàn chuyện khẩn”. Hai vị sư này có chuyện không vui với nhau từ Saigon. Tôi đáp cho Thượng tọa yên lòng : “Nhất Hạnh đi Úc rồi, mời Thầy vô”. An tọa xong, Thượng tọa Minh Châu, vị Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh vừa thành lập tại Saigon, nói : “Tôi sang dự hội nghị UNESCO, nhưng cố ý gặp anh mời anh về giúp Đại học Vạn Hạnh. Đại học mới mở trăm công nghìn việc khó khăn, nhiêu khê, phá phách, mình thiếu người quá, anh ráng về giúp cho một tay, …”. Tôi nhận lời. Thiện ngồi cạnh mặt đỏ gay vì rượu, tóc mọc dài hippie, có lẽ vì vậy Thượng tọa không để ý. Nhận lời xong, tôi tiếp : “Xin Thầy mời luôn Thiện về cho vui”. Thượng tọa Minh Châu mặt đỏ rầng ấp úng : “Ủa, chú… chú…?!”. Tôi đỡ lời “Dạ, chú Nguyên Tánh đó !”. Thầy Minh Châu gật đầu với nụ cười hiền giải thoát y như hai mươi năm trước, thời tôi còn gọi chú Minh Châu và giúp chú đánh bài vở ở Tổng trị sự đầu đường Thượng tứ, Huế : “Ừ thì chú Nguyên Tánh về luôn hí”.

Cả hai chúng tôi chuẩn bị lên đường. Thế nhưng lên Sứ quán xin chiếu khán nhập nội, tòa chỉ cấp cho Thiện, còn tôi họ bảo do những lời tuyên bố trên Truyền hình Pháp nên tòa không dám ký, xin Thượng tọa thương lượng với Bộ Nội vụ bên nhà. Số là tôi từng nói lên quan điểm Phật giáo về một nền hòa bình không Cộng sản, không chiến tranh trên báo chí, truyền hình, đài phát thanh Pháp lúc bấy giờ nên đụng chạm các quan.

Về đến Saigon Thượng tọa can thiệp với Bộ Nội vụ cho tôi về, nhưng tôi bỏ ý định hồi hương. Thế là Thiện ra đi một mình trên chuyến bay ngày ấy, sau này anh được chỉ định làm Khoa trưởng Phân khoa Văn học và Khoa học Nhân văn ở Đại học Vạn Hạnh. Thiện mang bản thảo Hoa Nắng số một về in. Chẳng biết vì khó khăn gì Thiện không cho Hoa Nắng ra đời như dự tính, mà chỉ rút những bài Thiện viết in thành hai tập sách “Im Lặng của Hố Thẳm” và “Bay đi những cơn mưa phùn”.

Nói về bài thơ đầu tiên làm sống lại cuộc đời sáng tác của Thiện khi đến Pháp sau một thời gian dài khủng hoảng. Bài “Quế Hương” mà tôi nhắc bên trên, có chi tiết nhỏ cũng nên ghi. Khi đến Pháp Thiện đã hoàn tục. Vì vậy hai câu thơ thứ tám và chín Thiện viết trên gác trọ nhà tôi ở Guy de la Brosse :

Em còn ca hát

Anh không còn làm tu sĩ

Báo hiệu cho câu thơ thứ 15 sau đó : Tóc anh mọc dài để che chở em những lúc mưa rơi.

Nhưng từ gặp Thượng tọa Minh Châu mời về Saigon cùng tôi, thì ngày hôm sau, Thiện nhờ tôi cạo đầu và tìm bộ y vàng Nam tông cho Thiện mặc. Người thay đổi hẳn, nghiêm trọng, ít nói năng, chỉ trầm tư mặc tưởng đăm chiêu không dứt. Khác hẳn những ngày trước đó ăn nói ồn ào, nhậu nhẹt, chửi thề vung mạng. Chuyện đầu tiên là Thiện sửa lại hai câu trên thành :

Em còn ca hát

Anh không còn làm thi sĩ

Một hôm sau Thiện bảo tôi bỏ bài Quế Hương khi in. Lúc ấy tôi chuẩn bị xuất bản cho Thiện tập « Ngày Sinh Của Rắn ». Tôi cự lại : « Ông đi tu cứ đi tu, chuyện văn học để tôi. Bài này là một trong những bài hay của ông, không bỏ được ». Rồi tôi cứ cho in bài thơ ấy vào tập « Ngày Sinh Của Rắn » ấn hành tại Paris năm 1966. Sau này tập thơ được in lại nhiều lần và dường như Thiện có sửa đổi qua nhiều bài, nhiều câu hay ý.

Hôm qua từ Jakarta bên Nam Dương trở về Paris, mở Internet thấy tin Lê Phong Sương, vợ hiện nay của Thiện, khấp báo Thiện qua đời tại một thị trấn gần thành phố Houston, bang Texas, lúc 6 giờ 30 chiều thứ ba 8.3.2011, thọ 71 tuổi. Thiện sinh ngày 1.6.1941 tại Mỹ Tho, âm lịch tuổi Tỵ - con Rắn. Nhân có ghi số điện thoại, tôi gọi chia buồn vợ Thiện, thì lại gặp Loan người vợ trước. Loan cho biết sang thăm Thiện 4 ngày qua nên chứng kiến phút ra đi khá nhẹ nhàng của Thiện, chẳng đau yếu gì ngoài sự mệt nhọc lúc tuổi già. Loan kể năm năm qua anh Thiện em xa lánh cộng đồng, sống ẩn mật trong vùng u tịch tựa như Dalat. Chỉ đọc sách, không viết chi nhiều. Chiều thứ ba hôm ấy, Thiện ngồi nghe bài Mùa Thu Chết do Julie Quang hát và khen hay. Sau thấy mệt đi nằm, một lát nghe Thiện trăn trở trên giường, Sương và Loan chạy ra lấy khăn thấm mồ hôi trên trán. Chốc sau Thiện im lặng ra đi theo hoàng hôn. Loan và Sương cho biết Thiện dặn chỉ làm đám giới hạn trong gia đình rồi hỏa thiêu. Tro cốt đưa về để ở chùa Viên Thông, một ngôi chùa đạm bạc ở Longbeach bên California.

Trả lời phỏng vấn trên Gió O về « những đóng góp nổi bật nào của văn hoá Phật Giáo vào trong văn hóa Việt Nam từ trước đến nay ? », đề cập thời cận đại suy nghĩ của tôi là:

« Ảnh hưởng cận đại thì căn bản là tâm tư người Phật tử Việt Nam biến thành thái độ chính trị để rộ nở ra văn học nghệ thuật. Đỉnh mốc của ảnh hưởng Phật giáo trong lòng dân tộc rõ nét nhất từ 1963 trở đi. Một sinh-thức-mới phi nhị tướng cũng gọi là bất nhị (non-duality) ra đời đối diện nhằm hóa giải tư tưởng khủng hoảng của Tây phương mà chiến tranh lạnh làm đầu mối cho sự sụp đổ toàn triệt của phương Tây mà chúng ta sẽ chứng kiến vào cuối thế kỷ XXI”.

Trong phong triều văn học mới này, thời hậu Tây và hậu Cộng, Phạm Công Thiện có đóng góp lớn.

Trở lại bài thơ « Quế Hương » nói trên, xin in lại làm kỷ niệm bản đầu tay của Thiện mà sau này Thiện sửa đi chữa lại nhiều lần dù tứ thơ không đổi, kể cả bản chữa lần đầu chọn in trong « Ngày Sinh Của Rắn » gồm 12 bài do Nhà xuất bản Hoa Nắng – 8 rue Guy de la Brosse – Paris 5, ấn hành lần thứ nhất vào Mùa Thu năm Bính Ngọ, 1966 :

QUẾ HƯƠNG

Trời mưa Nữu Ước cây mọc
Nhớ em trời mưa ngày tháng
Nhớ em đường hoang mái vắng
Nữu ước chỉ còn em trong giấc ngủ
Trên bến điện nghiến nát
Tim anh tràn máu
Con chim đã bay về rừng đạn
Em còn ca hát
Anh không còn làm thi sĩ
Anh chỉ còn em trong giấc ngủ
Anh chỉ còn máu để đổ vào tim em
Quê hương anh làm hỏa ngục yêu quí
Thiên đàng làm lá đổ trên những đường mòn
Trên bước chân em trong giấc ngủ
Trên đôi mắt cà phê đen của Greenwich Village
Tóc anh mọc dài để che chở em những lúc mưa rơi
Những lúc đông lạnh
Những lúc lá rụng
Những lúc chim chiều đi mất
Những lúc anh chỉ còn em
Quế hương là em trên hồ quế mọc
Trên hồ thơm cây quế
Cây Quế Hương
Mười năm rồi
Cây Quế Hương vẫn nở hoa trên tim anh
Trên hơi thở anh
Trên những bước chân buồn phố mẹ ngày xưa
Trên những bước chân chiều phố lạ hôm nay



Mưa làm tóc anh thơm
Thơm mùi cây quế
Nở hoa chiều ba mươi Tết
Khi em còn nhỏ
Khi anh còn trẻ
Cây quế mọc
Như mặt trời mọc
Mặt trăng mọc
Mặt em mọc
Và nở hoa
Trên đôi mắt anh khi còn trẻ
Khi anh còn ca hát
Bây giờ em còn ca hát
Hay em đã quên
Như anh đã quên
Cây quế
Cây quế hương
Mọc mười năm trước
Và vẫn mọc hôm nay
Giữa quán cà phê Ý Đại Lợi
Tại phố Greenwich Village
Giữa lúc đêm mưa
Khi anh còn nhớ
Khi anh không còn khóc được
Nhưng anh vẫn còn máu để đổ vào những đêm khuya
Để đổ vào tám tách cà phê đen
Mà anh thường uống mỗi đêm
Tại Greenwich Village
Tại làng thi sĩ
Tại đường khói bay
Tại em trong giấc ngủ
Tại chiều ba mươi ở Việt Nam
Bây giờ anh ở xa Việt Nam
Đến mấy đại dương xanh
Anh xa Quế hương đến mấy phương trời cỏ mọc
Mấy phương trời quế mọc
Mấy phương trời em khóc
Em ơi
Em còn nói
Em còn phơi áo
Em còn đứng giữa phố buồn
Em còn cười
Cây Quế Hương vẫn mọc
Trên đầu anh
Trên mắt anh trong giấc ngủ
Trên môi anh
Trên mười ngón tay
Trên hai bước chân anh
Giữa đêm khuya ở Greenwich Village
Giữa lúc mưa
Giữa lúc anh buồn
Và hỏi
Anh đã làm gì cho chim
Anh đã làm gì cho lá
Anh đã làm gì cho cỏ
Anh đã làm gì cho những con đường
Anh đã làm gì cho những cánh đồng
Anh đã làm gì cho cây quế
Cây quế hương giữa chiều ba mươi Tết
Anh đã làm gì cho đời anh
Trả lời đi
Chim rừng
Lá rừng
Đường rừng
Cây Quế rừng
Mọc giữa hồ
Giữa Hồ Quế Hương
Anh vẫn ngồi đây
Anh vẫn còn thở
Vẫn uống cà phê
Vẫn nghe nhạc buồn
Vẫn trời mưa
Mưa trên phố đêm
Mưa trên quán cà phê Ý Đại Lợi
Mưa trên cây quế giữa hồ
Mưa trên chiến tranh
Của quê hương
Của Quế Hương
Của anh
Còn em.

PHẠM CÔNG THIỆN

Paris, 11.3.2011
Thi Vũ








Nguyễn Hưng Quốc:
Đọc lại Phạm Công Thiện






Phạm Công Thiện:
Hãy Để Tất Cả Thế Giới Bị Tiêu Diệt
Và Chỉ Xin Chừa Lại Đà Lạt
















Bùi Vị Xuyên:
Nói chuyện với tác giả "Hố Thẳm Tư Tưởng" 

Lời giới thiệu của tạp chí VĂN số tháng 9 năm 1969
Paris, 12.8.1969



Ở Paris tôi tình cờ đọc được một bài ngắn các anh viết về tôi trong một số Văn.
Tôi thấy rằng các anh có lòng quý mến tôi, nhưng các anh vẫn ngộ nhận tôi ngay nền tảng.
Những gì tôi đã viết và đã xuất bản, không phải tôi cố viết “cao”, viết “tối”, “khó hiểu”, v.v. mà vì chính điều tôi muốn nói là điều không thể nói theo ý thức thông thường hằng ngày được. Tất cả triết lý, tất cả tư tưởng cao siêu, đối với tôi, đều không có ý nghĩa gì hết, ngoài ra là ráng nói lên sự tương tranh tàn nhẫn giữa con đường và bóng tối.
Sự tương tranh tàn nhẫn này là đòi hỏi một ngôn ngữ khác, ngôn ngữ của một kẻ bại trận trước sự đổ vỡ của thế giới và mặt đất. Husserl cũng là kẻ tranh đấu quyết liệt trong sự tương tranh tàn nhẫn giữa thế giới và trái đất. Phải bắt đầu mọi sự từ sự căng thẳng xung đột ấy thì mới nói lên sự có mặt của Đêm tối trong cơn bệnh tàn tạ của nhật nguyệt.

Phạm Công Thiện.

Ít ngày sau khi nhận được lá thư trên, chúng tôi được tin anh Phạm Công Thiện đã từ Vienne trở về Sài gòn, vì bị chứng đau ruột hành. Toà soạn nhờ anh Bùi Vị Xuyên tới thăm anh Phạm. Bài dưới đây là những ghi chú về một cuộc mạn đàm dài hơn hai tiếng đồng hồ mà tác giả HỐ THẲM TƯ TƯỞNG dành cho Văn.

Xin mời bạn đọc đi vào tâm sự (để tìm hiểu) một tác giả có tiếng là viết tối tăm, khó hiểu nhất hiện nay.



________





NÓI CHUYỆN VỚI TÁC GIẢ “HỐ THẲM TƯ TƯỞNG”


BÙI VỊ XUYÊN thực hiện


“Tôi sinh ra đời bên một dòng sông gọi là sông Cửu Long, mà Cửu Long có nghĩa là chín con rồng; hồi nhỏ, tôi thường bơi lội như một con rồng con, ở bên một cù lao, gọi là cù lao Rồng. Thuở nhỏ, tôi thường trốn học để chạy rong chơi ở cù lao Rồng, hoặc trốn nhà để tắm bơi ở trong con sông chín con rồng...”

(Hố Thẳm Tư Tưởng, 1967, trang 104-105)

BVX: Xin anh cho biết thêm về quê hương anh.

PCT: Những dòng trên được viết vào năm 1966 tại Paris trong quán cà phê Dôme ở Montparnasse giữa một buổi chiều xuân phơi phới có gió rất nhẹ và lá rất non; đó là thời gian duy nhất mà tôi đã nghĩ nhiều về Việt Nam, nơi tôi đã được sinh ra để sống và khổ, nơi tôi đã bỏ đi và định bỏ đi vĩnh viễn, nơi tôi thù ghét kinh tởm đến rợn người;

đối với tôi danh từ quê hương chẳng có ý nghĩa gì cả, tôi chỉ biết rằng nơi tôi được sinh ra đời chỉ là nơi tôi đã trải qua những bi kịch đau đớn thảm khốc nhất trong một kiếp người; tôi hận thù Việt Nam, tôi kinh tởm Việt Nam, tôi muốn bôi xoá hai chữ Việt Nam trong tim tôi và óc tôi.


BVX: Trong số những nhà văn hiện đại, anh là người có dịp được đi ra nước ngoài nhiều nhất. Sao anh không thực hiện ý định bỏ đi vĩnh viễn như vừa nói?

PCT: Như anh thấy, tôi đã trở về.

BVX: Trở lại năm 1966, dạo đó anh đã...

PCT: Vâng, tôi đã kinh tởm Việt Nam, tôi đã muốn bôi xoá hai chữ Việt Nam trong tim tôi và óc tôi. Nhưng những ngày xuân dạo đó ở Paris, tôi bắt đầu cảm thấy có một cái gì nhoi nhói trong tâm hồn, có một cái gì non non như lá xuân, có một cái gì xa và gần như đêm khuya, có một con sông nào đó bắt đầu chảy nhẹ vào hồn tôi trên những buổi sáng chim hót bên hàng xóm; dòng sông Seine ôm lấy Paris. Đứng trên cầu Pont Neuf một đêm khuya, nhìn xuống dòng sông Seine xám đen, tôi thấy một trăm con sông chảy qua đời mình, một trăm con sông nhảy múa như một trăm con rắn và Ngày sinh của rắn bắt đầu xuất hiện vào đêm đó; một trăm con rắn đang cuộn nhau nhảy múa trong một vũ điệu mang tên kỳ lạ là Mặt trời không bao giờ có thực, con rắn chúa nhảy múa một lúc thì biến thành rồng, và ngay giây phút ấy, tôi sực biết rằng con rồng ấy là sông Cửu Long. Tôi mỉm cười vì thấy mình vừa sống qua một giấc mộng hoang đường, đang khi mình mộng mà hai mắt vẫn mở và nhìn xuống dòng sông Seine.

Đêm đó, bước trở lui về quán trọ ở Quartier Latin, tôi đã nằm thức suốt đêm và cũng chính đêm đó lần đầu tiên trong đời, tôi bỗng thấy hiện tính của Việt Nam ngọ nguậy cựa mình bay vụt phóng vào hố thẳm đầy lửa máu, rồi bay vọt lên cao tít mù, một nơi nào cao vút trên kia, không biết gọi tên là gì, có lẽ đó là một đám khói, khói thuốc mà tôi đang nằm hút liên tiếp từ điếu này đến điếu khác suốt trọn cả đêm. Sáng hôm sau và tất cả những ngày sau liên tiếp, Hố Thẳm Tư Tưởng được ra đời, và được ra đời kế tiếp làIm Lặng Hố Thẳm; tôi ngồi viết quyển Im Lặng Hố Thẳm tại một quán cà phê trước trạm métro Place Jussie, những ngày ấy có thi sĩ Nh. Tay Ngàn ngồi bên cạnh tôi, tôi vừa viết vừa đọc cho Nh. Tay Ngàn nghe và hắn đã nghe với lỗ tai của một thi sĩ ngây thơ vô tội, hắn là độc giả đầu tiên và chính là độc giả lý tưởng của tôi, vì tôi chỉ thích người ta đọc những gì tôi viết bằng một tâm thức mơ mộng của thi sĩ đãng trí hơn là đọc để soi mói, vì hiếu kỳ, để so sánh phê phán, vì tự mãn phè phỡn với vốn liếng học thức, để tranh luận hơn thua, vì cảm thấy mình bị sỉ nhục hạ thấp. Những gì tôi đã viết từ trước cho đến nay chỉ là những cái tát tai mà tôi đã đập vào tri thức, văn chương, văn hoá, lý luận học đường, tôn giáo, tín ngưỡng, ý thức hệ, đạo đức, tập quán và truyền thống. Tôi muốn đảo ngược lại mọi sự, đảo ngược cả chính tôi, tôi muốn cào bới cho máu chảy vọt ra từ vết thương nặng nề mà tôi, một kẻ yêu đời và thờ phụng cuộc đời, phải chịu đựng một cách tàn nhẫn vì chỉ muốn sống và sống trọn vẹn tràn trề với mình và với tất cả con người trên mặt đất này.


BVX: Anh đã hăng hái “tát tai” mọi sự, và...

PCT: Tất nhiên mọi sự sẽ tát tai lại tôi; những ngày tôi trở về Việt Nam, tôi đã sung sướng đưa tai mình cho thiên hạ tát vào; sau tập thơ Ngày Sinh Của Rắn, quyển Hố Thẳm Tư Tưởng và Im Lặng Hố Thẳm ra đời thì không có một tờ nhật báo nào mà không đem tên tôi ra để làm trò hề, nhất là có một tờ nhật báo bán chạy nhất bấy giờ là nơi tên tôi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần để đồng hoá với một cái gì nham nhở, hợm hĩnh, quái dị điên rồ ở đất nước này, sau đó có những tờ tạp chí, một tạp chí tên gì đó đã đăng một bài dài nhan đề là “Phạm Công Thiện, ông là ai?” và gần đây hơn nữa có một tạp san khác lại đăng loạt bài “Hiện tượng Phạm Công Thiện” để rồi kết luận rằng tôi là thằng điên chữ, một tên điếm đàng, một tên côn đồ trong văn nghệ vân vân. Tôi đã say sưa đọc tất cả những gì thiên hạ nói, viết, phê phán, đề cao, chỉ trích, mạt sát tôi; tôi say sưa đọc những thứ đó như đọc chính những gì mình đã viết và đã muốn viết: vì tất cả những gì người ta đã nói về tôi đều đúng là điều tôi muốn nghĩ về tôi. Tất cả những sách tôi xuất bản đều bán hết trong một hai tháng, tôi bỗng trở nên một tác giả có sách bán chạy nhất ở Việt Nam. Đó là cái tát tai thứ hai, vì không có gì nguy hiểm cho một con người sáng tạo bằng sự thành công có tính cách thương mại. Con người sáng tạo, tự nhận mình là kẻ sáng tạo, cảm thấy bị sỉ nhục vì người ta đem mình ra thị trường như đem một con quái vật từ sở thú. Cái tát tai thứ ba là sau khi tôi đã bị sỉ nhục bằng đủ mọi cách thì đồng lúc tôi cũng được vuốt ve ngọt ngào một cách lố bịch khi được biết rằng mình trở nên một thứ “thần tượng” cho phần đông thanh niên Việt Nam; họ tôn tôi là “thần tượng” vì những lý do ngu xuẩn của họ. Tôi bắt đầu đóng cửa phòng lại và xô đuổi tất cả môn đệ ngu xuẩn ấy ra ngoài hành lang. Tôi không là gì cả, tôi chỉ là một thanh niên muốn nói những gì cần nói, muốn im lặng những gì cần im lặng và muốn sống cho ra hồn cái đời sống riêng tư lập dị của mình.

BVX: Anh tự cho mình là lập dị. Nhưng tôi biết có nhiều người (trong số có Trần Phong Giao) cho anh là bậc thiên tài...

PCT: Bây giờ đây, đối với tôi, danh từ “thiên tài” chỉ là một trò ngu xuẩn, ngu xuẩn như tất cả danh từ cao đẹp hoa mỹ khác. Động từ “sáng tạo” hay danh từ “nghệ sĩ” cũng là ngu xuẩn nốt. Thiên tài, nghệ sĩ, cô đơn, thi sĩ, nổi loạn, hư vô, hiện sinh, triết lý, tất cả đều ngu xuẩn. Càng ngu xuẩn, càng sống với tất cả ngu xuẩn ấy, tôi càng thấy tất cả những ngu xuẩn đều cần thiết trong một giai đoạn để chuẩn bị cho một sự ngu xuẩn lớn nhất: đó là cái chết của tôi, của anh, của em, của tất cả mọi sự trên mặt đất. Sống là ngu xuẩn, chết cũng là ngu xuẩn, thế thì chỉ còn một con đường là ngu xuẩn với ngu xuẩn qua ngu xuẩn trong tất cả ngu xuẩn của mọi sự ngu xuẩn. Đẩy tất cả mọi ngu xuẩn đến ngu xuẩn đầu tiên và cuối cùng: mơ mộng trong khi vẫn mở mắt, cười tất cả mọi sự bi thảm, yêu tất cả những cái gì không có ở tại đây và bây giờ, đùa chơi với tấn trò đùa của thời gian vũ trụ, đóng vở tuồng chèo của đời mình cho đến độ xuất thần ngã ngửa. Nhưng vẫn chưa hết, còn nhiều nữa: đùa dai đến đâu đi nữa thì cũng thấy mệt và sự mệt mỏi ấy nói lên hữu hạn tính của con người và của cả tính thể: Henry Miller trở lại sống ở Huê Kỳ sau khi đã chửi bới Huê Kỳ không còn manh mún gì nữa; Rimbaud trở về chết và chịu rửa tội tại nhà thương ở Marseille sau khi nói Merde à Dieu; Hécralite nằm chết ứ nước với bầy heo sau khi đã ca tụng lửa của vũ trụ; Nietzsche bị đóng đinh ứ máu sau khi đã chửi bới kẻ đóng đinh trên thập tự giá. Cái tát tai tôi gửi cho anh cũng chính là cái tát tai anh gửi cho tôi, hay nói một cách tài tình thần bí như Eckhart thì “đôi mắt tôi nhìn Chúa cũng là đôi mắt Chúa nhìn tôi”, hay nói một cách triết lý thì “hữu hạn, giới hạn, chính là cửa mở ra vô hạn”. Hay nói một cách trữ tình bóng gió thì sau khi đã bỏ quên sông Cửu Long, đánh mất hẳn dòng sông của tuổi thơ mình, thì sông Cửu Long lại bắt đầu chảy lại trong đời sống tôi; điều phi thường là lần này sông Cửu Long không cần phải chảy lại trong một vị trí địa lý nhất định nào mà sông Cửu Long có thể chảy lại trong bất cứ nơi nào trên mặt đất này khi mà tôi bắt đầu mở mắt ra nhìn thấy sự chết không thể tránh được và sự sống cũng không thể tránh được, nói như Saroyan, người mà một lần tôi đã say sưa yêu mến trong quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học. Bây giờ tôi mới thấy rằng ý thức mới không phải là ý thức về sự tiến bộ mà là ý thức về sự thoái bộ. Sự thoái bộ (Rückschritt) thì cao quí và khó tìm hơn sự tiến bộ (Fortschritt) vì một bước lùi là một bước rút gần đến Nơi Suối Nguồn (Ursprung), suối nguồn ấy là Hiện tính (Anwesenheit), tức là Tính thể như là Hiện tính (Sein als Anwesenheit), nghĩa là Vô Ẩn tính (Un-Verborgenheit), mà bỏ quên Hiện tính (Anwesenheit) thì sự tiến bộ sẽ đưa lịch sử thế mệnh tựu thành một trận chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam và trên dòng sông Cửu Long, bên cạnh những bông bèo và bông lau là những xác chết của những con người Việt Nam, những xác chết trôi nổi lềnh bềnh trong nỗi mất quê hương chung của toàn thể nhân loại ở thế kỷ XX.

BVX: Sự đi nhiều có ảnh hưởng tới quan niệm về triết lý của anh không?
PCT cười buồn, ngả người ra thành ghế, ngước nhìn lên trần nhà.

BVX: Tôi thấy anh thường gọi triết lý là con đường...
PCT chồm ra phía trước, lấy tách nước trà, uống một hơi dài, chậm chạp, rồi anh trả lời, giọng rành rẽ như khi giảng bài trong lớp.

PCT: Gọi triết lý là con đường, vì con đường mở ra những ngã ba, ngã tư, tiếp nối với những con đường khác: con đường có thể băng qua những thung lũng, qua những vú đồi xanh nhung, những nội cỏ hoa vàng có bướm tình lượn nhau, những con đường cũng có thể là con sông, vì con sông có nghĩa là con đường nước: sông là thể tính của con đường, thể tính của sông là chảy, chảy là căn tính của chạy, một con đường chạy dài là sự thoái bộ của con sông đang chảy, trong danh từ triết Đức, sự thoái bộ gọi là “Rückschritt”’; ngày 20 tháng 10, năm 1966, chính Heidegger đã tuyên bố rằng trong lịch sử triết lý không có sự tiến bộ (Fortschritt) mà chỉ có sự thoái bộ (Rückschritt); đó là sức mạnh huyền bí của triết lý: Khoa học tiến thì triết lý lùi: sự thoái bộ của triết lý kêu gọi sự tiến bộ của khoa học, sự thoái bộ của triết lý không phải là vì triết lý đã đánh mất sứ mệnh và tác dụng của mình, chính sự thoái bộ của triết lý mới chính là sự thành tựu của thế mệnh hiện nay: sự thoái bộ của triết lý không phải là sự truy khảo có tính cách sử học bị chìm mất trong thời đại ảo thoại mà chính sự thoái bộ của triết lý là thuận theo tính mệnh của tính thể trong sự hiện tại của thời hiện đại. (Heidegger: Dieser Rückschritt verliert sich jedoch nicht historisch in ein mythisches Zeitalter, sondern er bewegt sich geschickhaft in der Gegenwart des jetzigen Weltalters).[1] Sự thoái bộ ở đây là sự chảy lại về nguồn của con sông, lùi lại nguồn, lùi lại nơi thể tính (Wesen) của tất cả lịch sử. Con sông có thể trở thành một con đường cho con người khai thác giao dịch kinh tế thương mại, con sông có thể trở thành một sự trang hoàng có tính cách thẩm mỹ cho một thành phố, con sông đang trở thành một đối tượng cho sự khai thác kỹ nghệ, một đối tượng cho cơ khí và khoa học, chẳng hạn như sông Cửu Long đang được khai thác trở thành nguồn điện lực cho người Việt Nam; sự tiến bộ của sông Cửu Long trong việc thích ứng với nhu cầu của văn minh cơ khí cũng là sự thoái bộ của sông Cửu Long trong việc nuôi dưỡng thể tính của suối nguồn phát xuất từ Tây Tạng. Sự tiến bộ của sông Cửu Long cũng được đánh dấu bằng những xác chết thả trôi trên dòng nước, những xác người không được thừa nhận, những xác người không thuộc về bên đây hay bên kia, những xác người đã chết cho sự ẩn tính (lēthē)[2] của tính mệnh trong thời hiện đại.

BVX: Con đường dẫn đi xa thật. Chúng ta tới Heidegger rồi, phải không anh?

PCT: Vâng, tới Heidegger và, — nếu đó là ý anh muốn ngầm hỏi, — trở lại Việt Nam. Này nhé:

“Vấn tính về sự hiển tính của Tính thể đòi hỏi một sự trầm tư về ý nghĩa nguyên uyên của Tính thể như là Hiện tính. Vấn đề này về sự hiển tính đòi hỏi một sự trầm tư về tính cách đặc biệt của sự hiển tính kia mà thuở bắt đầu của tư tưởng Tây phương điều ấy được biết (bekannt) với cái tên là A-Lētheia [3] (Vô Ẩn Tính) [Un-Verborgenheit], nhưng không được suy tưởng một cách chủ luận thấu suốt và chỉ được tri nhận [erkannt] như thế thôi. Một sự trầm tư gần gũi hơn về thể tính của Vô Ẩn Tính như thế trong tận nơi suối nguồn của nó có thể đưa dẫn đến sự nhập kiến khai ngộ rằng trong suốt toàn thể của triết lý Tây phương sự xác định luân chuyển về Tính thể như là Hiện tính là tương tức với sự thể tính hoá của Vô Ẩn Tính. Vấn tính về Tính thể phơi bày vào trong vấn tính về sự tương tức giữa Vô Ẩn Tính và Hiện Tính (“Chân lý” và “Tính thể”), tức là về cái qui định sự tương tức này như tự là thế. Với vấn tính này, tư tưởng đi trở lại đằng sau nguồn gốc của tư tưởng Tây phương tại nơi những người Hy-lạp và nhờ đường lối này mà đem đến được toàn thể lịch sử của tư tưởng từ những tư tưởng gia trước Socrate cho đến Neitzsche, đem toàn thể lịch sử tư tưởng ấy đến được một chiều hướng khai vực mới lạ. Trên con đường này thì sự việc trở nên minh bạch rằng trái ngược với những khoa học, trong lịch sử của triết lý không có sự tiến bộ (Fortschritt) mà đúng nghĩa hơn thì chỉ có sự thoái bộ (Rückschritt). Tuy nhiên, sự thoái bộ này không phải là sự truy khảo có tính cách lịch sử bị đánh chìm mất tự thể trong một thời đại của ảo thoại mà chính sự thoái bộ ấy lại dính liếu mật thiết với sự hiện tại của thời đại qua sự tương dung với tính mệnh của tính thể.”
[Đoạn văn nầy, PCT (vừa) nói (vừa viết) bằng tiếng Đức. Ít phút sau nói dứt chữ chót, anh trao cho chúng tôi bản viết tay nguyên tác chữ Đức. Chúng tôi rất tiếc vì nhà in không đủ chữ (Đức) để in nơi đây.]

Những lời nói trên của Heidegger là những bông bèo và bông lau phất phơ bên ngọn gió Tây phương thổi hiu hiu qua những xác chết của những con người Việt Nam trôi lềnh bềnh trong dòng sông Cửu Long. Heidegger đã nói những lời trên trong một bức thư gửi cho giáo sư Manfred S. Frings[4] trước buổi hội thảo về Heidegger được tổ chức tại trường đại học DePaul ở Chicago vào ngày 11 và 12 tháng 11, năm 1966. Đã lỗi thời rồi cái giai đoạn mà người ta gọi Heidegger là “tên chó săn của bọn trưởng giả tư sản không chịu quay đầu về với vô sản”. Đã quá lỗi thời rồi cái giai đoạn người ta gọi Heidegger là “tên phát xít tay sai của Hitler”, đã quá lỗi thời rồi cái giai đoạn người ta gọi Heidegger “tên hiện sinh sa đoạ, chủ nhân ông của bọn hiện sinh trụy lạc”, đã quá lỗi thời rồi cái giai đoạn người ta gọi Heidegger là “tên chủ trương chủ nghĩa hư vô, tên vô trách nhiệm”, “tên phù thuỷ man rợ tối tăm”, “tên vặn vẹo chữ nghĩa khó hiểu”, “tên bày trò huyễn hoặc vô nghĩa”. Càng ngày, tên tuổi của Heidegger càng sáng chói lên một cách kỳ lạ, càng sáng chói hơn nữa khi đêm tối của thế giới đang tràn ngập mặt đất.

BVX: Nếu tôi lầm lẫn, xin anh tha lỗi. Dường như qua các tác phẩm đã in, anh có chịu ảnh hưởng khá sâu đậm tư tưởng của Heidegger?

PCT: Hầu hết những quyển sách sôi nổi của tôi, từ Ý thức mới trong văn nghệ và triết học (1963), đến Hố Thẳm Tư Tưởng (1963) và Im Lặng Hố Thẳm (1966) đều được viết ra từ ý thức của một con người trẻ tuổi được nuôi dưỡng bằng tư tưởng của Heidegger từ gần mười năm trước.

Thực sự, tôi đã nhiều lần muốn vượt Heidegger, nhưng chính sự vượt qua ấy cũng bị kẹt trong tư tưởng của chính Heidegger. Nói khác đi là tôi muốn vượt qua cái mà chính cái ấy là cái đưa tôi vượt: đó là mâu thuẫn, mâu thuẫn ấy giống như mâu thuẫn của những người chủ trương phải gây chiến tranh để đạt đến hoà bình, mà Heidegger đã hỏi lại: làm gì có thể tạo ra cái mà mình đã phá huỷ ngay từ đầu, tôi đã trích dẫn câu nói ấy của Heidegger trong bài “Ontological Background of the Present War in Vietnam” viết trong Dialogue (Lá Bối xuất bản 1965). Mâu thuẫn ấy cũng chính là mâu thuẫn của Heidegger khi Heidegger muốn vượt qua siêu hình học của Nietzsche và Platon. Chính Heidegger cũng đã thất bại, chính sự thất bại của Heidegger đã đưa Heidegger trở về với tiếng ca của thi sĩ, như tiếng ca Hölderlin và Hebel. Tiếng ca của thi sĩ và tư tưởng của tư tưởng gia, đó là ngôn ngữ của sự im lặng phát từ sự cảm tạ, vì tư tưởng thành tựu là sự cảm tạ (Danken) của con người Suất tính (Seinlassen) vì Xuất tính (EK-sistenz), để cho Tính thể được là thể tính (sie lässt das Sein – sein). Chính sự thất bại lớn lao của tư tưởng gia Heidegger đã làm một cuộc chuyển tính (Kehre) cho tư tưởng gia Heidegger thành ra thi sĩ Heidegger. Sự thất bại của Heidegger là một điều biến đổi tôi trở nên một con người tư tưởng, nghĩa là một con người tư tưởng mãi về điều không thể tư tưởng được, điều ấy là sự thất bại của ý thức con người trước hư vô, trước cái chết, trước thể tính và tính thể, trước toàn thể và toàn tính, trước siêu việt thể và siêu vượt tính; từ sự thất bại lớn lao cao vút của Heidegger, kiên nhẫn và chậm rãi, tôi đọc lại toàn thể những gì đáng đọc trong toàn thể truyền thống triết lý Tây phương và Đạo lý Đông phương; kết quả của sự suy tưởng kiên nhẫn ấy là quyển Im Lặng Hố Thẳm. Trong quyển Im Lặng Hố Thẳm, tôi muốn dùng sự thất bại vĩ đại của Heidegger để viết lại hướng đi của triết lý Tây phương và đạo lý Đông phương, nhưng điều khó khăn nhất vẫn là cách diễn đạt của tôi, vì đối mặt với cái không thể nghĩ được, tôi không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ sáng sủa mạch lạc, vì sự sáng sủa, mạch lạc, nghĩa là viết triết lý, trình bày triết lý và tư tưởng với lập luận chặt chẽ của giáo sư đại học thì tôi sẽ rơi vào sự phản bội lớn lao nhất với chính nỗ lực suy tư của con người bị đặt trước Hư Vô và Thế Mệnh; đó là lý do cắt nghĩa tại sao có nhiều giáo sư đại học đã trách rằng tôi “viết triết lý như làm văn nghệ”, lời phê phán ấy phát xuất từ cái nhìn quá non nớt của những giáo sư triết lý mà chưa bao giờ biết triết lý hay chỉ coi triết lý như một nghề sinh nhai hoặc một sự tô điểm tinh thần cần thiết cho vị thế trí thức của mình. Đang khi siêu hình học và triết lý đã chấm dứt sứ mạng, đang khi sự sáng sủa, mạch lạc, minh bạch, khúc triết bị tố cáo như là phát xuất từ sự sai lầm của Platon trong ý niệm về λαμπρότης [5] vì cách nhìn của Platon đối với thế gian đã bị đồng hoá qua phạm trù nhãn quan, vì Platon đã thể nghiệm Tính thể như là ý quan thể (eidos),[6] tức là một vật thể được quan kiến (idein)[7] bởi con người, và chân lý đã đánh mất bản tính và trở thành sự chính xác (orthotēs)[8] của quan kiến ấy. Từ đó, đến Descartes thì triết lý cận đại và hiện đại được mở màn, từ chủ tính của Descartes mà nhu cầu về mạch lạc, sáng sủa, khúc triết lại càng trở nên khẩn cấp hơn nữa, qua quan niệm của Descartes về chân lý như là sự xác tín (certitude).[9]

BVX: Nghe anh lý luận, chính tôi, ngồi ở nơi đây, cũng khó tin anh lại là một giáo sư dạy Triết tại Đại học...

PCT: Đi từ ý thức trên, tất nhiên là tôi không thể trình bày tư tưởng hay triết lý như một học giả, hay như một triết gia nhà trường, hoặc như một giáo sư triết học ở đại học. Đó là những hạng người mà tôi tàn nhẫn gọi là những tên thợ về triết lý hoặc những tên nô lệ học đường, bàn tay của họ đụng đến đâu thì ở đó trở thành bụi bẩn ở thư viện hoặc bảo tàng viện, họ dạy vì người khác đã dạy họ học, họ viết vì người khác đã dạy họ viết như thế, họ không dám đi ra ngoài thông lệ. Nỗi khổ tâm nhất của tôi trong mấy năm gần đây là phải dạy triết lý cho Đại học Vạn Hạnh; đôi lúc tôi cảm thấy bất lực khi đứng giảng triết lý cho sinh viên, vì tôi chỉ có thể dạy họ hiểu những gì có sẵn trong những sách triết lý, nhưng mỗi khi tôi muốn giảng khác đi, dạy những gì không có trong sách vở thì tôi có cảm tưởng rằng họ không hiểu được những gì tôi muốn nói, mỗi khi tôi bắt đầu suy tư lớn tiếng qua sự đối mặt với bất khả tư nghị trong tư tưởng thì tôi có cảm tưởng rằng tôi chỉ nói với hư vô; sau mỗi lần giảng dạy theo điệu ấy, tôi luôn luôn muốn tự tử, vì tôi bị kéo trong sự căng thẳng cùng tột giữa ngôn ngữ và sự im lặng, giữa ánh sáng và đêm tối. Càng lúc tôi càng thấy rằng chỉ khi nào ngôn ngữ của tôi trở nên tối tăm, khó hiểu thì lúc ấy tôi mới cảm thấy gần với điều tôi muốn nói. Nhưng còn người nghe? Tôi càng diễn tả một cách mạch lạc, sáng suốt, dứt khoát thì tôi càng thành công trong việc tạo ra ảo tưởng cho người nghe rằng họ hiểu tôi, nhưng lúc ấy tôi đã thất bại một cách đau đớn trong sự đối chất quyết liệt với hố thẳm, với uyên nguyên tàn bạo của ngôn tính. Vấn đề lớn nhất của con người hiện nay vẫn là vấn đề về thể tính của ngôn ngữ, không ai hiểu nổi sự im lặng lớn lao của tất cả những tư tưởng gia vĩ đại của nhân loại, nếu mình vẫn chưa đi đến thể tính của ngôn ngữ.

Ở Việt Nam, từ đầu thế kỷ XX cho đến nay, tôi chưa đọc được một quyển sách tư tưởng hay triết lý nào bằng chữ Việt khả dĩ nói lên được nỗi khó khăn tàn bạo xuất phát từ sự căng thẳng cùng tột giữa hữu hạn tính của ngôn ngữ Việt Nam và hữu hạn tính của truyền thống văn hoá Đông phương trước sự đối chất quyết liệt với hữu hạn tính của truyền thống văn hoá Tây phương trong nỗi vong quốc thê thảm của con người ở địa cầu vào thời hiện đại. Suốt thời gian ở Paris, tôi cứ liên miên nghĩ về ý nghĩa của những chữ Việt thông thường như những chữ thì, thế thì, như thế, như thể, vân vân, rồi tôi suy nghĩ nhiều về những chữ Nôm, từ chữ Nôm đến những chữ Việt-Hán như tính, thể, thế, hữu, vô, thời, vân vân; từ những chữ Việt-Hán ấy, bỗng nhiên tôi chú trọng đặc biệt vào chữ Việt trong hai chữ Việt Nam; trong thời gian ấy, tôi cũng chú trọng đặc biệt đến chữ Phạn (Sanskrit) và chữ Hy-lạp, vì đó là hai ngôn ngữ của hai nền văn hoá lớn nhất của nhân loại; suốt thời gian nghĩ về ngôn ngữ, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần những quyển sách của Korzybski, I.S. Hayakawa và Wittgenstein và lý luận học biểu tượng của Suzanne K. Langer. Đặc biệt nhất là tôi đọc đi đọc lại thiên khảo luận của Karl Jaspers về tư tưởng của Long Thọ (Nāgārjuna) và quyển The Central Philosophy of Buddhism của T.R.V. Murti, nhất là sự ảnh hưởng của Kant đối với luận thuyết của T.R.V. Murti, tôi cố gắng đi sâu vào Trung Quán luận của Long Thọ và càng lúc càng thấy rằng tư tưởng gia lớn nhất của toàn thể nhân loại chính là Long Thọ. Từ cái nhìn của Long Thọ, tôi đọc lại toàn thể đạo lý của Đông phương và Tây phương qua một màu sắc mới lạ hẳn, nhưng giai đoạn ấy là giai đoạn chua chát nhất, vì tôi trải qua những sự thất bại liên miên của tất cả những bộ óc lớn lao nhất của nhân loại, trong tim và trong óc tôi chỉ còn lại một đám khói, thứ khói xanh rẻ tiền của thuốc gauloises. Khi trở về Việt Nam, tôi đã dành một niên khoá để dạy về Trung Quán luận của Long Thọ và mỗi lần vào lớp dạy là mỗi lần tôi cảm thấy mình bị đưa vào một sự mâu thuẫn gần đứt gân máu, cảm giác sau khi dạy vẫn là cảm giác của một kẻ gần sắp chết. Cũng thời gian ấy, tôi tụng kinh Bát Nhã và xoay tất cả thời gian của mình vào việc giảng dạy Heidegger, tôi muốn tạo cho Đại học Vạn Hạnh trở thành trung tâm của tư tưởng Long Thọ và của tư tưởng Heidegger. Nhưng rồi lần lần tôi lại bắt đầu nếm tất cả chua cay về sự thất bại của Heidegger, rồi tôi lại bắt đầu ngửi được sự thất bại bi tráng của Long Thọ trước sự im lặng của đức Phật, một sự im lặng mà tôi muốn gọi tên là Im Lặng Hố Thẳm. Để giải trí và làm vơi nhẹ sự căng thẳng cùng tột của trí óc mình, tôi bắt đầu tìm đọc lại những tác giả mà tôi từng khinh ghét như Platon, Aristote, Kant, Hegel và Karl Jaspers, nhất là Bertrand Russell, Étienne Gilson, Whitehead, Carnap và Ryle. Tất nhiên, Nietzsche, Rimbaud và Henry Miller vẫn là buổi điểm tâm quen thuộc mỗi ngày. Tất nhiên, trận chiến tranh Việt Nam vẫn là điều khó hiểu trong những điều khó hiểu nhẊt đã vồ chụp lấy tôi. Nghĩ đến chiến tranh Việt Nam thì tôi nghĩ ngay đến chủ nghĩa hư vô (nihilisme) hiểu theo Ernst Jünger trong quyển Über die Linie của Ernst Jünger, và mừng nhất là khi tôi khám phá ra rằng Ernst Jünger là bạn của Heidegger đã từng có những liên lạc gần gũi. Tôi bắt đầu đọc lại Biblevà ăn nằm với những tác phẩm của những nhà thần bí Thiên Chúa giáo như Eckhart, Jakob Böhme, William Blake. Trong thời gian cô liêu này, một hôm tình cờ, tôi khám phá ra Nishida Kitarō, triết gia lớn nhất của Nhật bản ở thời hiện đại, sự khám phá ra tư tưởng của Nishida Kitarō đã làm tôi cụt hứng, vì Nishida Kitarō đã làm những điều tôi muốn làm: “luận lý học trường sở” (bashoteki) của Nishida đã sử dụng tư tưởng của Long Thọ về không tính qua sự tri ngộ thâm trầm của Nishida với triết lý Tây phương, nhất là với tư tưởng của Husserl, nhất là khi Nishida áp dụng triệt để ý niệm noēma và noēsis[10] của Husserl trong việc lý hội thực tại. Sau khi khám phá Nishida rồi, tôi bỏ đọc sách triết lý và tìm đọc lại thơ của Rilke, Leopardi, Rimbaud. Tôi bắt đầu ngồi viết phần Phụ lục cho quyển Im Lặng Hố Thẳm, giai đoạn ấy, tôi thường nghe những Symphonies của Beethoven. Quyển Im Lặng Hố Thẳm được xuất bản vào ngày giỗ của Nietzsche, ngày 25 tháng Tám năm 1967. Nhan đề trọn vẹn của quyển sách là: Im Lặng Hố Thẳm, con đường triết lý Việt Nam. Tất cả những gì tôi đã trình bày từ trên là muốn nói lên không khí trí thức và tâm linh, những điều kiện phức tạp về tinh thần và vật chất, mà tôi đã sống và thở trong việc hoàn thành quyển Im Lặng Hố Thẳm. Phần chính của Im Lặng Hố Thẳm được viết ra tại Paris trong những hoàn cảnh đã kể trên, và phần Phụ lục của Im Lặng Hố Thẳm được viết ra tại Sài gòn trong những hoàn cảnh đã kể trên ( và mặc dù gọi là Phụ lục, nhưng phần Phụ lục lại dày hơn phần chính và cũng không kém phần quan trọng trong vị trí tư tưởng của tôi). Quyển Im Lặng Hố Thẳm được in ra 4.000 quyển và đã được bán hết. Khi nhà xuất bản An Tiêm tỏ ý định muốn tái bản lại, thì tôi chỉ cảm thấy lãnh đạm, thờ ơ, không hăng hái gì cả, vì tôi biết rằng một giai đoạn quá khứ đã đi qua, tư tưởng của tôi bắt đầu chuyển qua một phương hướng khác, vì tôi bắt đầu cảm thấy không còn thiết tha với con đường mà tôi từng gọi ép là “con đường triết lý Việt Nam”.

BVX: Không còn thiết tha, như vậy...

PCT: Khát vọng sống lại trỗi dậy lùng bùng bên hai thái dương của tôi, tôi bắt đầu lười đọc sách, lười viết, lười sáng tác, suốt ngày chỉ nằm dài hút thuốc và nghe nhạc; khát vọng muốn làm thánh lại nổi dậy và tôi lựa chọn cuốn kinh đơn giản chất phác nhất của Phật giáo (kinh Dhammapada) để ở đầu giường, nhưng cùng lúc với khát vọng làm thánh thì khát vọng làm quỉ lại nổ như địa chấn làm rạn vỡ tim óc tôi. Tôi không còn thích làm tư tưởng gia, không còn thích làm thi sĩ hay tiểu thuyết gia, tôi chỉ muốn bỏ tất cả, đi lại từ số không, bỏ cả ý định làm thánh, bỏ cả ý định làm quỉ và chỉ muốn sống bình thường, rất bình thường, tập cười dù chẳng có gì đáng cười trên đời cả. Tôi bắt đầu đọc lại những tác phẩm tôi đã xuất bản và ngạc nhiên nhận rằng chính tôi là tác giả mà tôi cũng không hiểu những gì tôi đã viết, thế thì làm sao mong đợi độc giả hiểu được những gì tôi đã viết? Thực ra, những gì tôi đã viết không phải là cao siêu, khó hiểu, phức tạp gì cả; trái lại, tôi đã viết rất rõ ràng, dứt khoát, đơn giản. Nhưng chính sự rõ ràng, dứt khoát, đơn giản ấy lại không nói được điều gì tôi muốn nói; đáng lẽ ra tôi không nên viết gì cả, đáng lẽ ra tôi không nên dạy học, đáng lẽ ra tôi không nên đọc bất cứ cuốn sách nào cả, đáng lẽ ra tôi không nên tự coi mình là một cái gì đó, đáng lẽ ra tôi nên không là gì cả, không làm gì cả, không đau đớn gì cả, không biết gì cả, không hiểu gì cả. Mà thực ra tôi đã hiểu được gì? Những quyển sách của tôi viết chỉ là những đôi giày cũ tôi đã vứt bỏ đây đó ở mọi nơi, như những đôi giày tôi đã vứt bỏ ở Florence, ở Genève, ở New York. Những quyển sách của tôi bắt đầu ngó vào tôi như chửi vào mặt tôi; khi bước vào những quán sách ở đường Lê Lợi, tôi thấy những quyển sách ấy ngó nhìn tôi với một ngàn tiếng “đáng lẽ”. Tôi đã làm gì cho đời tôi? Tôi đã là gì, ra gì? Tại sao thế này? Tại sao thế kia? Càng lúc tôi càng thấy mình xa lìa tất cả tư tưởng, xa lìa tất cả triết lý, xa lìa tất cả đạo lý. Sự xa lìa ấy là sự thụt lùi, sự lùi bước; tôi cảm thấy có một cái gì rút đi khỏi tôi như một cơn rút của thuỷ triều, như một con sông chảy lùi. Tôi thấy không còn tiến đi tới đâu nữa. Sự thoái bộ, à, sự thoái bộ, tôi sống qua sự thoái bộ toàn triệt của đời sống và của tâm thức. Khi sự thoái bộ của tâm thức tôi lùi đến chỗ cùng độ thì bỗng nhiên tôi gặp chữ “Rückschritt” trong một bức thư của Heidegger gửi cho giáo sư Manfred S. Frings, viết vào ngày 20 tháng 10, 1966. Chữ Đức “Rückschritt” có nghĩa làsự thoái bộ, và theo Heidegger, lịch sử của triết lý chỉ có sự thoái bộ, và triết lý khác hẳn khoa học là khoa học thì có sự tiến bộ (Fortschritt) còn triết lý, đúng nghĩa là triết lý thì chỉ có sự thoái bộ (Rückschritt) và chính sự thoái bộ ấy là sự thụt lùi để trở về suối nguồn của tất cả tư tưởng, của tất cả lịch sử, của tất cả khoa học, triết học, văn học, nói tóm lại, suối nguồn của toàn thể ăn minh nhân loại. Chỉ nội một chữ “Rückschritt” trong tư tưởng gần đây của Heidegger cũng đủ đẩy lùi tôi ra khỏi cơn bế tắc của tâm tư trong suốt thời gian gần đây.

BVX: Ra khỏi cơn bế tắc đó rồi...

PCT: Tôi bắt đầu sống hăng hái lại, say sưa viết lại, đọc sách lại, đi lại con đường triết lý mà tôi gọi là “con đường triết lý Việt Nam”, vì khi trải qua kinh nghiệm về sự thoái bộ triệt để kia thì chỉ có một chữ “Rückschritt” của Heidegger cũng đủ sức làm chảy lại dòng Cửu Long trong tâm thức tôi. Sự tiến bộ của sông Cửu Long đã được bày tỏ bằng những xác chết lềnh bềnh của những con người Việt Nam và sự thoái bộ của sông Cửu Long đã được tô điểm bằng những bông lau và bông bèo. Tôi tìm đọc lại một lần nữa, đọc lại những quyển sách tôi đã xuất bản; bây giờ những quyển sách ấy không còn nhìn ngó tôi, tôi với những tiếng “đáng lẽ”, tôi nhìn thấy rằng những quyển sách ấy phải được viết như thế, tôi để những quyển sách ấy được là thế, để cho tính thể của chúng nó được thể tính “laisser-être, letting be, senlassen” (Gelassenheit!). Đọc lại quyển Im Lặng Hố Thẳm, tôi thấy rằng quyển ấy đã trung thành triệt để với sự thoái bộ của triết lý qua phương pháp suy tư: Reductio ad Impossibile và Via Negativa. Con đường triết lý Việt Nam phải là con đường thoái bộ của triết lý, vì sự thoái bộ ấy đưa đến sự tiến bộ của hư vô và chiến tranh Việt Nam là sự tựu thành của sự tiến bộ (Fortschritt) của Hư vô. Vấn đề quyết liệt nhất hiện nay không phải là tẩy trừ hư vô, vì sự tẩy trừ đặt căn tính từ thể tính của hư vô; vấn đề quyết liệt nhất của con người Việt Nam hiện nay là cưu mang hư vô, để cho hư vô được là hư vô. Và kinh nghiệm của Việt Nam không phải là kinh nghiệm riêng lẻ mà lại là kinh nghiệm mãnh liệt nhất trong tất cả những kinh nghiệm trong toàn thể văn hoá nhân loại đối với hư vô. Chữ “việt” trong Việt Nam có nghĩa là “vượt qua” mà cũng có nghĩa là “đi lên và đi xuống”; trong tinh thần tinh nghĩa Hán – Việt thìviệt vừa có nghĩa là “vượt” vừa có nghĩa là “rơi”. Kinh nghiệm của Việt Nam là đi xuống hư vô và đi lên trên tất cả kinh nghiệm của nhân loại hiện nay về việc đối mặt với hư vô. Ở thời Lý tại Việt Nam, một tư tưởng gia Việt Nam tên là Thiền sư Ngộ Ấn, đã nói đến “Diệu Tính Hư Vô” và nói lên sự khó khăn trong việc lãnh hội diệu tính hư vô (diệu tính hư vô bất khả phan).[11] Hư vô của Thiền sư Ngộ Ấn không phải là hư vô của tư tưởng Tây phương, cũng không phải hư vô hiện nay đang vây phủ toàn lãnh thổ Việt Nam. Chủ nghĩa hư vô hiện nay đang thao túng toàn thế giới và đã thao túng Việt Nam một cách mãnh liệt nhất; chính chủ nghĩa hư vô ấy đã phát hiện qua sự thụt lùi của “diệu tính hư vô” của Ngộ Ấn. Sự thụt lùi ấy thuận theo tính mệnh của toàn thể nhân loại ở thời hiện đại. Tư tưởng gia và triết gia Việt Nam hiện nay không phân biệt Gia-tô giáo hay Phật giáo, tư sản hay vô sản, cần phải suy nghĩ về sự thụt lùi ấy, và chỉ có tư tưởng gia hay triết gia Việt Nam nào đủ sức chịu đựng sự thoái bộ của triết lý, đủ sức ý thức về ự thụt lùi của “diệu tính hư vô” thì mới đủ tầm vóc để đứng dang chân trên thế mệnh của nhân loại ở thời hiện đại.

BVX: Muốn đủ tầm vóc ấy, cần phải...

PCT: Sứ mệnh ấy đòi hỏi những điều kiện sau đây:

1. Xác định lại giới hạn của tư tưởng Tây phương (được thể hiện qua triết lý, siêu hình học, tâm lý học, luận lý học, xã hội học, tất cả những khoa học).

2. Xác định lại giới hạn của tư tưởng Đông phương (được thể hiện qua đạo học Ấn độ, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo).

3. Xác định lại giới hạn tính của giới hạn (hay hữu hạn tính của ngôn ngữ và con người).

Nhưng trước khi làm được những việc trên, tầm quan trọng nhất là phải tìm hiểu giới hạn của ý thức con người đối với hư vô. Tất cả những nền khoa học hiện nay đều chối bỏ hư vô: sự tiến bộ (Fortschritt) của hư vô là sự thoái bộ (Rückschritt) của sự Huyền bí. Huyền bí càng thoái bộ thì Huyền tính càng thụt lùi, sự thụt lùi này không phải gây ra bởi sự tiến bộ của khoa học mà chính sự thụt lùi này làm nền tảng chính phát triển toàn triệt của khoa học. Con đường triết lý Việt Nam phải bắt đầu bằng sự ý thức nẩy lửa về sự thất bại lớn lao nhất của con người trước sự lấp đầy hố thẳm không đáy: Trong quyển Hố Thẳm Tư Tưởng, tôi đã nêu lên sự xác định:

“Suy tư trong tương lai phải là suy tư về bóng tối mà không bi quan và không uỷ mị” (trang 216)

Câu nói trên trở nên khó hiểu hơn nữa khi người ta không chịu hiểu:

“Bóng tối là máu me, máu nguồn của tất cả dòng máu trong cơ thể con người và sinh vật. Bóng tối cũng là máu của mặt trời.” (trang 216)

Viết triết lý mà viết bằng ngôn ngữ như trên thì chỉ có nghĩa là làm tối thêm những gì vẫn luôn luôn đen tối.

[Một học tăng gõ cửa, bước vào trình một tờ giấy. PCT lướt đọc, vẫy tay cho người học tăng lui ra.
Tôi nhắc với PCT quan niệm về cuộc chiến tranh Việt Nam của Bertrand Russel. Anh mỉm cười buồn rồi chậm rãi nói tiếp.]

PCT: Sự leo thang của trận chiến tranh ở Việt Nam xuất phát từ sự tiến bộ của hư vô, nhưng rồi đây khi chiến tranh ở Việt Nam được chấm dứt và hoà bình hiện đến thì sự tiến bộ của hư vô lại càng đi nhanh một cách phũ phàng hơn nữa. Diễn tả sự tiến bộ của hư vô thì chỉ có nghĩa bị kẹt vào ngôn ngữ hiện thời, thứ ngôn ngữ bị qui định trọn vẹn bởi sự tiến bộ hư vô kia. Sự thoái bộ của tư tưởng chính yếu đòi hỏi sự thoái bộ của ngôn ngữ chính yếu; dụng ngữ của Việt ngữ càng nhiều thêm lên hiện nay, sự thể này chỉ chứng tỏ rằng sự tăng trưởng của Việt ngữ chỉ là hậu quả của sự tiến bộ của hư vô; ngôn ngữ Việt Nam được tăng thêm nhiều chữ mới, nhưng sự tăng trưởng ấy chỉ nói lên sự nghèo nàn của suy tư và sự thiếu thốn về sự quyết định trầm trọng đối với tính mệnh Việt Nam. Sự tiến bộ của ngôn ngữ Việt Nam hiện nay là chướng ngại lớn nhất cho sự thoái bộ của ngôn tính chính yếu, không cho tiếng nói sâu thẳm của Việt Nam được thụt lùi trở lại Uyên Nguyên. Nỗi khó khăn lớn lao nhất cho con đường triết lý Việt Nam là đứng bên trong sự tiến bộ của ngôn ngữ Việt Nam hiện nay mà vẫn giữ được sự thoái bộ của ngôn tính Việt Nam chính yếu để cho Việt Tính được tính thể như là thể tính. Quyển Im Lặng Hố Thẳm đã đi trên bước thụt lùi ấy, đó là lý do cắt nghĩa tại sao Im Lặng Hố Thẳm khó đọc và tối nghĩa. Siêu hình học Tây phương chẳng những đã đi vào trong ngôn ngữ Tây phương mà lại đi vào cả ngôn ngữ Việt Nam hiện nay. Đó là nỗi nguy hiểm lớn nhất mà Việt ngữ phải trải qua từ lúc được chuyển thể qua mẫu tự La-mã và từ đó cho đến nay, càng lúc Việt ngữ lại càng đánh mất Việt tính và bị qui định trọn vẹn bởi sự tiến bộ của Hư vô, nhưng thể tính của nỗi nguy hiểm kia đã được cưu mang bi đát qua ý thức sáng tạo của vài ba thi sĩ lớn của Việt Nam ở thời hiện đại như Hàn Mặc Tử ở thời trước. Chính họ là những người đã giữ cho ngôn tính Việt Nam được chập chững đi trên con đường của sự thoái bộ trở về Việt tính. Tất cả suy tưởng về Hư vô trong truyền thống triết lý Tây phương từ Platon cho đến Jean-Paul Sartre đều bị rơi vào bế tắc, vì ngôn ngữ họ dùng đã bị qui định bởi sự thành tựu của siêu hình học, tức là “siêu thể học”. Ngay đến một người có ý thức mãnh liệt nhất về Hư vô như Ernst Jünger, khi viết về sự vượt qua Hư vô, cũng bị kẹt vào ngôn ngữ của siêu thể học Tây phương; điều ấy đã khiến cho Heidegger phải minh định lại cùng Ernst Jünger trong tập Zur Seinsfrage (V. Klostermann, Frankfurt am Main, 1956). Sự tiến bộ của ngôn ngữ Việt Nam là đi cùng một nhịp với sự tiến bộ của hư vô và sự hỗn loạn của ý thức Việt Nam. Tìm hiểu ý nghĩa của chiến tranh Việt Nam là phải thụt lùi lại thể tính của sự hỗn loạn. Con đường triết lý Việt Nam phải đi cùng nhịp với tư tưởng Heidegger, nhưng phải vượt qua Heidegger bằng một bước lùi ở đằng sau suy tư của Heidegger về hư vô và tính thể.

BVX: Bước lùi anh vừa nói đó, sẽ đưa triết lý tới đâu?

PCT: Bước lùi ở đằng sau ấy đưa con đường triết lý Việt Nam đối mặt với Hố Thẳm; Hố Thẳm ở đây mang trọn vẹn ý nghĩa của Xáos [12] của Hy lạp (cf. Hesiod, Thegony). Những trang cuối của quyển Im Lặng Hố Thẳm có nhắc đến chữ Ungrund của Jacob Boehme. Chữ Đức “Ungrund” cũng chính là ý nghĩa của Hố Thẳm. Nếu gọi Hố Thẳm là một ý niệm thì đó phải là ý niệm giới hạn (Grenz begriff). Hố Thẳm gửi sự hỗn loạn ra đời sống, vì thể tính của đời sống là hỗn loạn, nhưng sự hỗn loạn sẽ trở nên sự giải phóng và giải thoát, khi thể tính của hỗn loạn được đặt lại trong ý nghĩa của Hố Thẳm, tức Xáos. Từ Xáos của Hy lạp đến “Diệu Tính Hư Vô” của Ngộ Ấn thì sự thoái bộ của con đường triết lý Việt Nam được luân chuyển mơ màng trong một trôn ốc xoáy tròn qua ngôn ngữ của sự im lặng. Chỉ từ đó, Việt tính mới hội thành Hiện tính của Việt Nam và đưa con người Việt Nam trở về Vùng Đất Già, mảnh đất chung của toàn thể nhân loại, tức là nguồn suối đầu tiên khi triết lý chưa ra đời và con người chưa biết lý luận, nhưng đất rất gần người, trời rất gần đất, những con đường chảy vào những con sông; trên bờ, con người hóng gió và ca hát nghêu ngao; dưới nước, con người trở thành bông bèo và bông lau, để choIm Lặng Hố Thẳm được im lặng qua tiếng vèo của lá và tiếng vù của chim giữa sự đi lên của mùa đông và sự đi xuống của mùa xuân, giữa sự vượt qua của mặt trời và sự rơi xuống của mặt trăng, một vành trăng non chưa trở thành đối tượng cho việc truy thể trong sự tiến bộ của Hư vô ở thời hiện đại. Và lời cuối cùng phải chăng là lời của thi sĩ:

A quand la récolte de l’abîme ?
René Char (Fureur et Mystère, tr. 185-186)

BVX: Lời cuối cùng của anh lại trở về với “bông bèo và bông lau”, về dòng Cửu Long rồi đó. Nhưng anh vẫn chưa cho tôi được biết gì về quê hương anh, cuộc đời anh...

PCT xô ghế đứng lên, phác một cử chỉ bâng quơ về trước mặt. Khuôn mặt anh tái xanh. Có lẽ tại anh đang bệnh. Đèn ngoài đường đã bật sáng. Bàn tay anh nóng và hơi ướt, nhưng anh siết tay tôi thật chặt. Ngay cả đến cái bắt tay của anh cũng không là cái bắt tay của người tu hành — hay ít nhất, của những tu sĩ mà tôi đã được gặp. Tôi nắm chặt tay anh, nhìn sâu vào mắt anh, và — điều lạ lùng — tôi đã bắt gặp trong đó những tia nhìn nửa như tinh quái, nửa như ái ngại. Tia nhìn đó đuổi theo tôi thấp xuống những bực thang viện Đại học Vạn Hạnh, về tận toà soạn khi tôi ngồi soạn lại bài này...


BÙI VỊ XUYÊN thực hiện



________________________________________

Phụ chú của Hoàng Ngọc-Tuấn (26.03.2011):

[1]Phạm Công Thiện trích đoạn văn này từ Heidegger, Gesamtausgabe — I. Abteilung: Veröffentlichte Schriften 1910-1976 — Band 16: Reden und andere Zeugnisse eines Lebensweges (Frankfurt am Main: Vittorio Klostermann GmbH, 2000) trang 685.
[2]Lēthē, tiếng Hy-lạp viết là Λήθη, có nghĩa là “sự quên lãng”, xuất phát từ thần thoại về dòng sông Lēthē — dòng sông của sự quên lãng, những người mới chết uống nước từ dòng sông dó sẽ quên hết cuộc sống trong quá khứ.
[3]A-Lētheia, tiếng Hy-lạp viết là ἀ–λήθεια, có nghĩa là “sự tiết lộ”, “sự phơi mở”, “sự thật”.
[4]Bức thư của Heidegger gửi cho Manfred S. Frings ngày 20 tháng 10 năm 1966, được đăng tải dưới dạng song ngữ Đức-Anh trong cuốn Heidegger and the Quest for Truth, do Manfred S. Frings biên tập (Chicago: Quadrangle Books, 1968), trang 17-21. Cuốn này in lại toàn bộ cuộc hội thảo về Heidegger ở trường đại học DePaul tại Chicago ngày 11 và 12 tháng 11 năm 1968, với sự những bài tham luận của John Anderson, Paul Ricoeur, Bernard Boelen, Calvin Schrag, Alphonso Lingis, Albert Borgmann, và Joseph Kockelmans, với lời bình luận của Bill Richardson.
[5]λαμπρότης (tiếng Hy-lạp, đọc là “lamprotēs”) có nghĩa thông thường là “sự minh bạch”, “sự sáng sủa”.
[6]eidos, tiếng Hy-lạp viết là εἶδος, có nghĩa thông thường là cái được trông thấy dưới hình thể, dạng thức trung thực của nó. 
[7]idein, tiếng Hy-lạp viết là ἰδεῖν, có nghĩa thông thường là “nhìn thấy”, “mục kích”.
[8]orthotēs, tiếng Hy-lạp viết là ὀρθότης, có nghĩa thông thường là “sự chính xác”.
[9]Trong bức thư của Heidegger gửi cho Manfred S. Frings, sách đã dẫn (xem chú thích số 4), trang 22-23, và 187-189.
[10]noēma (tiếng Hy-lạp viết là νόημα) nghĩa thông thường là “ý tưởng” hay “điều được suy nghĩ đến”; noēsis (tiếng Hy-lạp viết là νόημα) nghĩa thông thường là “nhận thức”. Trong cuốn Ideen zu einer reinen Phänomenologie und phänomenologischen Philosophie (1931), Edmund Husserl sử dụng chữ noēma như một thuật ngữ để chỉ đối tượng hay nội dung của ý tưởng, và chữ noēsis như một thuật ngữ để chỉ tiến trình của nhận thức. Tuy nhiên, ý nghĩa thật sự chính xác của noēma và noēsis trong triết lý của Husserl vẫn còn gây nhiều tranh luận, chưa có sự thống nhất về cách hiểu.
[11]“Diệu tính hư vô bất khả phan” là câu đầu tiên trong bài “Thi tịch” của thiền sư Ngộ Ấn (1020-1088):

妙性虗無不可攀 Diệu tính hư vô bất khả phan,
虗無心悟得何難 Hư vô tâm ngộ đắc hà nan,
玉焚山上色常潤 Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận,
蓮發爐中濕未乾 Liên phát lô trung thấp vị càn.
[12] Xáos, tiếng Hy-lạp viết là χάοσ, có nghĩa là “sự hỗn loạn”.











Đặng Tiến

Nhớ thương Phạm Công Thiện

  
Phạm Công Thiện, mới qua đời tại Houston ngày 8.3.2011, với tôi là chỗ cố tri thân thiết, ngang trang ngang lứa, cùng tập tành bước vào nghề văn những năm đầu thập niên 1960. 
Thời đó, Thiện đã có chút ít tiếng tăm vì từ 16 tuổi đã có soạn một từ điển tiếng Anh (Anh ngữ tinh âm Từ Điển, 1957) được Nguyễn Hiến Lê viết lời giới thiệu nồng hậu. 

Trước tiên, chúng tôi là bạn chơi, tại Sài gòn, cùng thân thiết với nhà thơ Hoàng Trúc Ly, đàn anh hiền lành và hòa nhã. Cùng đi chơi đêm lúc ấy với Thiện, thường có Trịnh Cung và nhà thơ Ninh Chữ, có tiệm may trên đường Tự Do, thường là kẻ chi tiền, dường như thỉnh thoảng có cả Tuấn Huy. Là sinh viên bận học tôi không tham dự những cuộc vui chơi này, nhưng hôm sau được nghe kể lại cặn kẽ.

Tiếp theo là bạn làm báo. Khoảng 1962-1963 gì đó, anh Hoàng Minh Tuynh làm chủ báo Mai, Sài gòn, bán nguyệt san. Anh Tuynh là người công giáo tiến bộ, có uy thế lúc ấy, và ưa giao thiệp với các bạn trẻ mà anh tin cậy, chung quanh Nguyễn Hữu Thái là sinh viên kiến trúc. Thái kéo bè với đám bạn trẻ như Phạm Công Thiện, Quỳnh Tân, Lê Hiếu Đằng, Bửu Ý và tôi. Có lúc anh Tuynh sang Đức vài tháng, giao phó tờ báo cho chúng tôi « muốn làm gì thì làm ». Thái và Thiện viết vung vít sao đó, tòa Tổng giám Mục có lưu ý và anh Tuynh kiểm soát tại tòa soạn. 

Thiện và tôi dường như có duyên nợ.  Khoảng 1964, không hẹn mà chúng tôi cùng lên dạy học tại Đà Lạt. Thiện thích Đà Lạt : gia đình anh dường như trước đó, có trang trại ở Fin Nom. Thời kỳ êm đẹp : việc dạy học nhẹ nhàng, thành phố đẹp, đồng lương dư dả. Thiện khoe tôi bài thơ mới làm xong :

Mùa xuân bay thành khói
Tôi ca hát một mình
Suốt đời không biết nói
Nước chảy tràn con kinh.

Thơ hay thiệt hay.
Anh có cho xem bài « gió thổi đồi tây hay đồi đông » mà nói rằng thơ làm trong cơn mê ngủ. 
Vì thân cận, chúng tôi thường bị ảnh hưởng thơ Hoàng Trúc Ly :        
Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh…

Thơ Phạm Công Thiện :        
Cô đơn về trắng sương rừng
Ta nghe tiếng  hát hoang đường nửa đêm
Sau này, Thiện có sửa lại câu trước.

Thơ Hoàng Trúc Ly :
Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn,
Em ngủ một mình đêm gió mưa.

Thơ Phạm Công Thiện :
Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông.

Nội dung thì khác « chiều thứ bảy » trong thơ H.T.L. là một ngày trong tuần, trước chủ nhật. Còn « chiều thứ bảy » trong P.C.T. là lấy ý tự kinh Phật. « Cây khế » cũng vậy.

Dạo ấy, Thiện đi tu ở Nha Trang với thầy Trí Thủ, pháp danh Ngươn Tánh. Một hôm xuống chơi nhà Võ Hồng – mà anh rất thân – khi về chùa thì làm câu thơ này mà về sau anh tự dịch ra tiếng Pháp :
Je suis le Retour / il fait tard sur le Chemin
      Sept jours après la pluie tombe
             En haut du Temple
          L’arbre est le Défleuri

Việt Nam giữa thập niên 1960 : chính trường biến động, chiến trường xao động và tâm lý giao động. Phạm Công Thiện xuất bản cuốn « Ý thức mới trong văn nghệ và triết học » và hằng chục sách khác trong khoảng 5 năm, đáp ứng với tâm trạng thanh niên. Phạm công Thiện là nhà văn có tài, vô cùng bén nhạy, nắm bắt rất nhanh các luồng tư tưởng thế giới và tâm lý thời đại, hành văn bay bổng nhiều hình tượng độc đáo, đã gây ảnh hưởng lớn trong đời sống trí thức miền Nam trong thời kỳ khủng hoảng. Ra nước ngoài từ 1970, định cư tại Pháp rồi tại Mỹ, Phạm Công Thiện tiếp tục viết và xuất bản, nhưng dường như không còn quần chúng độc giả.

Thiện với tôi, duyên nợ vẫn tiếp tục : tôi ra nước ngoài, làm ngoại giao tại Thụy Sĩ, khoảng 1967. Một hôm đi làm về thì thấy Thiện ôm ba lô ngồi trước cửa. Thiện ở chơi dăm ba hôm gì đó, thường uống rượu say, rồi vác ba lô lên đường. Vài ba năm sau, tôi gặp lại anh tại Paris. Anh tá túc tại nhà in của Thi Vũ, chơi thân với họa sĩ Vĩnh Ấn. Thiện sống lang bang vất vả, có đọc cho tôi nghe bài thơ về cảnh chợ trời Montreuil :
Thân anh như con chó
Đứng đợi giữa chợ chiều
Một chiều em qua đó
Con chó đứng nhìn theo.

Dường như thời đó, anh sống nhờ vào giúp đỡ của nhà văn Henry Miller gửi từ California.
Sau đó cưới vợ, sang Đức, rồi trở lại Paris. Thỉnh thoảng anh đến tìm tôi, chiều thứ hai sau giờ tôi dạy học để cùng đi uống bia tại công trường Contrescarpes, khu Censier, nhìn những con chim đến đậu trên giây thép hay những cành trụi lá. Có hôm anh hỏi xin tôi bao thuốc lá. Tôi bảo « vậy tao mua cho mày cả tút » (cartouche). Thiện trả lời « vậy mày đưa tiền ấy cho tao mua sữa cho con ». Thời điểm này anh vợ con nheo nhóc, không giới hạn sinh đẻ vì theo…quy luật thiên nhiên.
Tình hình cải thiện khi anh tìm được chỗ dạy học tại Đại Học Toulouse, môn Triết học…Tây Phương.

Sau đó, khoảng mười năm không tin tức, cho đến ngày anh lại tìm tôi tại Paris tặng cuốn kỷ yếu song ngữ Việt-Pháp có nhiều hình minh họa đẹp.

Phạm Công Thiện là người tự học, vì vậy, mà cũng vì cá tính, có lối hành văn tự do, phóng túng, không theo phép tắc trường quy, như nhiều tác gia biên khảo khác. Ví dụ Nguyễn Hiến Lê, là người đầu tiên ca ngợi Thiện, cũng là người tự học, mà cũng vì cá tính, đã có lối viết khác. Cả hai đều có nhiều tác phẩm ăn khách, nhưng đóng vai trò hoàn toàn khác nhau trong xã hội Miền Nam khoảng 1965-1970.

Thiện viết theo cảm hứng và sống hết mình với từng câu viết. Đặc biệt là Thiện sống vừa thiết tha vừa hờ hững : ăn khách một thời, thậm chí có độc giả sùng bái, anh không lấy đó là điều quan trọng. Tác phẩm Phạm Công Thiện đánh dấu một thời đại, nhưng bản thân tác giả không mấy quan tâm. Có tự hào thì cũng không phải thời thượng, mà tự hào - vì một lúc nào đó - mình đã sống tận cùng những điều mình viết, dù rằng sau đó, Thiện có viết khác đi hay ngược lại. Vì vậy, trước những tác phẩm dồi dào, người đọc khó nói đến một « sự nghiệp » Phạm Công Thiện hay một Phạm Công Thiện « triết gia » vì tư tưởng không thành hệ thống. Cuộc đời bồng bềnh của Thiện cũng góp phần soi sáng điều này, như « đi cho hết đêm hoang liêu trên mặt đất ».

Phạm Công Thiện nổi tiếng về nhiều câu văn khẳng định, chắc nịch, có khi quá kích hay quá khích, nhưng bản thân anh là khách hoài nghi. Từ đó, nói về anh, viết về anh là việc khó, như đưa dòng suối vào chai thì cũng là nước suối đấy thôi, nhưng một triệu chai không làm sống lại con suối. Chỉ nên dành cho Thiện một kỷ niệm, chút tình cảm, và niềm suy nghĩ, vậy là đủ.


Cuốn sách văn học đầu tiên trong đời tôi được đọc, lúc 15 tuổi, là cuốn Việt Thi của Trần Trọng Kim, dạy phép tắc làm thơ. Và bài thơ thất ngôn tứ tuyệt được dùng làm chuẩn về niêm luật là thơ Bùi Kỷ :
Tôi cùng bác quen nhau đã lâu,
Khi thơ lưng túi rượu lưng bầu.
Trời đất thương tôi, tôi ở lại,
Non sông nhớ bác, bác đi đâu ?

Và đây là lời Phạm Công Thiện, ngày 28.10.1984, đề tặng sách cho tôi :
« Gửi thằng ma gà khó quên trong đời chó đẻ của tao ».


Đặng Tiến,
Bệnh viện La Reine Blanche, 12.3.2011










Inrasara:
Chớp lửa thiêng Phạm Công Thiện & tuổi trẻ tôi






Jazzy Da Lam:
Thôi Hết Còn Gặp Nhau












Đọc sách "Chuyện một người đàn bà.. năm con"

của Lê Khắc Thanh Hoài].


Nhà thơ triết gia Phạm Công Thiện [1941 - 2011] qua đời năm 2011 tại Houston, nhưng chuyện kể, các bài viết về anh đã nhiều lầm lạc : Người viết : anh bỏ áo tu hành lấy cô vợ người Pháp, theo Thiên Chúa Giáo, kẻ khác viết : anh không hề có một mảnh bằng kể cả bằng tú tài mà dạy Triết Học Viện Đại học Sorbonne, mười lăm tuổi anh đọc và viết hàng chục ngôn ngữ, mười lăm tuổi anh dạy trung học, hai mươi tuổi anh là khoa trưởng khoa Khoa Học Nhân Văn, Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn, anh là triết gia không cần học một ai ? Dạy Triết học tại một Đại Học Pháp mà không cần một văn bằng nào ?

Đâu là sự thật, đâu là huyền thoại ?

Được chị Lê Khắc Thanh Hoài tặng cho quyển tiểu thuyết đầu tiên của chị : Chuyện một người đàn bà năm con, tôi đọc say mê, với lối văn giản dị trong sáng tôi đọc một mạch, tôi không ngờ chị viết hay và hấp dẫn như thế về cuộc đời khổ đau gian truân của chị với một thi nhân, triết gia mà thời niên thiếu tôi đã từng say mê tác giả : Ý thức mới trong văn nghệ và triết học , Phạm Công Thiện.

Sách trang bìa hình tháp Eiffel Paris, nơi xảy ra câu chuyện và bức chân dung chị Lê Khắc Thanh Hoài ký tên Phạm Công Thiện vẽ, ngày anh tỏ tình cùng chị, chị không dấu tên người bạn đời. Người đàn bà có năm con cùng triết gia, nhà thơ Phạm Công Thiện (1941-2011) kể lại cuộc đời mình dẫn nhập bằng cuộc đối thoại với cháu ngoại, mừng sinh nhật bà, trao phong bì : một bài thơ bằng tiếng Pháp và lì xì : 10 Euro cho bà, vì thấy bà ngoại nghèo quá thật là dễ thương, ngộ nghĩnh và cảm động. Từ đó chị kể lại cuộc đời mình qua 13 năm sống chung. Thời gian mà anh sang Pháp năm 1970, từ bỏ áo nhà tu Thích Nguyên Tánh và sau năm 1985 anh sang Mỹ cư ngụ tại Los Angeles và qua đời tại Houston..

Tuổi học sinh Trung học, tôi say mê khi đọc Phạm Công Thiện, tôi biết về thơ Appolinaire, Rimbaud, Pierre Emmanuel..về các triết gia mới Tây Phương qua anh.




Bây giờ thì tôi viết về anh qua truyện kể của chị Thanh Hoài, nhìn anh qua những Vidéo các buổi nói chuyện của anh. Tôi muốn tìm hiểu cuộc đời Hiện tượng Phạm Công Thiện, một thời làm mưa làm gió tại Miền Nam những năm 1966-1970. Và dư âm những mưa gió ấy tại Hải ngoại từ 1970 đến năm 2011. Tôi muốn hiểu Phạm Công Thiện là ai ? anh là một thiên tài thần đồng, hay một một Trạng Quỳnh của một thời ?. Những kiến thức anh lấy từ đâu ? nguyên do gì anh đã mê hoặc cả một thế hệ tuổi trẻ miền Nam trong thời điểm đó. Đâu là sự thật của đời anh, đâu là huyền thoại do anh và mọi người thêu dệt. Những người Phạm Công Thiện quen biết tôi đều có dịp gặp gỡ : từ chùa Hải Đức Nha Trang, đến Paris, đến Viện Đại Học Vạn Hạnh : Họa sĩ Vĩnh Ấn, nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái, nhà thơ Nhị Tay Ngàn đến Hoà thượng Minh Châu Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, Thiền sư Nhất Hạnh, chị Thanh Hoài người bạn đời từng chung sống với anh 13 năm, và có 5 con với anh.

Chị Thanh Hoài sinh năm 1950 tại Huế, con một vị bác sĩ nổi tiếng tại Huế trong Phong Trào tranh đấu Phật Giáo miền Trung, năm 1963 từng bị tù dưới chế độ Ngô Đình. Năm 1969 chị học Triết học Đông Phương tại Viện Đại Học Vạn Hạnh. Năm 1970 chị lên đường sang Bruxelles du học. Gặp và kết hôn với Phạm Công Thiện tại Paris. Chị Thanh Hoài còn là một nhạc sĩ đàn dương cầm, từng học Trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế, tác giả nhiều CD, và hàng trăm nhạc phẩm.

Trước nhất Phạm Công Thiện là một nhà thơ : tập Ngày sinh của rắn in năm 1988, có những bài thơ đẹp, và lạ lùng :

VI :
tôi chấp chới
đắng giọng
giữa tháng ngày mơ mộng
nốt ruồi của hương
hay nốt ruồi của rigvéda
tôi mửa máu đen
trên nửa đêm paris
tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người
cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ
mặt trời có thai!
mặt trời có thai!
sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt.

VIII :
mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông

Anh nổi tiếng thần đồng, 15 tuổi đã công tác viết bài cho tạp chí Bách Khoa, một tạp chí nổi tiếng giới trí thức miền Nam thời bấy giờ, anh thông thạo 5, 6 ngoại ngữ, một quyển sách anh được Nguyễn Hiến Lê giới thiệu. Nguyễn Hiến Lê là một học giả tự học viết khoảng 60 quyển sách từ sách : Tự học làm người, Rèn luyện nhân cách, đến Triết Học Trung Hoa. Một kiến thức đáng kính phục. Có lẽ Phạm Công Thiện đã học phương pháp tự học và làm việc của học giả Nguyễn Hiến Lê. Muốn học một ngôn ngữ, học bằng cách dịch quyển sách mình ưa thích, mỗi ngày đều đặn, chỉnh tề, ngồi vào bàn viết.. lúc đầu khó khăn, sau thành thói quen viết dễ dàng nhanh chóng. Tôi hiểu anh không nói ngoa, anh đã viết 20 quyển sách thời niên thiếu và đốt đi. Đó là cách tập luyện viết sách, đọc một quyển sách mình mô phỏng theo, viết một quyển tương tự, ban đầu mình chịu ảnh hưởng nhiều từ từ mình tạo ra một phong cách riêng, tiến đến một sáng tạo hoàn toàn.

Anh giỏi tiếng Pháp. Anh có tài dịch thơ lưu loát và quyến rũ. Anh đọc các triết gia Tây Phương và các Thiền sư Phật Giáo và diễn tả lại gọn gàng dễ hiểu. Anh đáp ứng được nhu cầu giới trẻ đương thời đang muốn mở ra tiếp xúc với Tây Phương, nhưng không đủ vốn liếng ngôn ngữ để đọc trực tiếp bằng tiếng Pháp, tiếng Anh. Kiến thức văn chương Tây Phương từ sau cuộc tiếp xúc với Văn chương lãng mạn thời Thơ Mới với Baudelaire, Edgar Poe... Các Triết gia Hiện Sinh, hiện đại như thế nào ? Anh đáp ứng được một nhu cầu muốn tìm hiểu của đương thời. Thuở còn học sinh Trung Học tại Phan Thiết, tôi và anh Nguyễn Bắc Sơn, nhà thơ, thường gặp nhau bàn về những điều Phạm Công Thiện viết. Trong không khí ngột ngạt của chiến tranh Việt Nam, thân phận thanh niên rồi sẽ đi lính, rồi sẽ chết trên chiến trường như bao bạn bè. Trong không khí thành thị miền Nam thời đó, thanh niên cần một lối thoát ra khỏi không gian tù túng, mơ ước một chân trời khác , đọc được Phạm Công Thiện hay Bùi Giáng tên tuổi các triết gia Hy Lạp, triết gia bên Tây tên tuổi nghe mù mờ, có người tóm lược giảng giải nên lấy làm thích thú. Lâu lâu lại khen chữ nghĩa, tâng bốc văn hóa Việt Nam, làm hừng chí tự ti dân tộc. Phạm Công Thiện nổi danh trên mảnh đất trống tư tưởng đó.

Phạm Công Thiện là một người quyến rũ, có sức thôi miên người đối thoại. Chị Thanh Hoài viết tr 167:

« Gặp Chàng là gặp người bằng xương bằng thịt, không phải là người trong văn chương tiểu thuyết. Chàng rất chân thật, không giả dối kệch cởm. Chàng phản ảnh đúng những gì Chàng viết. Thẳng thắn. Táo bạo. Nẩy lửa. Sức hút dữ dội. Quyến rũ lạ lùng. Người đối diện chỉ còn biết buông xuôi và.. trôi theo bấp bênh cùng Chàng !

Phải rồi ! Bấp bênh và.. vô định ! Tự dưng nàng linh cảm mãnh liệt điều đó. Đến với chàng là chấp nhận bấp bênh và vô định. Không chờ đợi, không đòi hỏi. Vô điều kiện. Là quăng bỏ quá khứ và tương lai. Là phiêu lưu không cần địa bàn định hướng. Chỉ có một chiếc kim chỉ nam là tấm lòng, là con tim, là sự thành thật. Đó mới là kho tàng vô giá. »

Thời tôi và chị Thanh Hoài đi du học, số nam sinh viên luôn luôn đông hơn nữ, tỷ lệ có thể đến 1/20. Được một cô sinh viên du học xinh đẹp mới qua là có ít nhất hàng tá chàng trai Việt chạy theo. Các gia đình thượng lưu trong xã hội Việt Nam thời bấy giờ, gửi con gái đi du học với niềm hy vọng : nếu nó học không xong cũng hy vọng có được tấm chồng trí thức, bác sĩ, kỹ sư, tương lai bảo đảm. Con gái nếu không thành công, thì có con rể vinh hiển cũng được nơi nương tựa yên ổn. Chị Thanh Hoài đã từ chối bao kỹ sư, bác sĩ đến với chị để nghe tiếng gọi của trái tim yêu một thi sĩ, một triết gia, âu cũng là một sự lựa chọn cho cuộc đời gian truân của chị.

Phạm Công Thiện là ai ? anh được đào tạo từ đâu ? hay anh là một thiên tài, đã học từ bao nhiêu kiếp trước, nay sinh ra đã trở thành một triết gia không cần học ai ?

Theo tiểu sử anh sinh ra từ một gia đình theo đạo Công Giáo, anh theo học một trường tư thục Công giáo dạy bằng tiếng Pháp, anh được cha mẹ mướn người dạy kèm học tại tư gia, nhưng năm 1963, anh ra Nha Trang quen biết với nhà thơ Quách Tấn. Quách Tấn đưa anh đi thăm viếng chùa Hải Đức, nơi đây anh tập thiền và quy y thọ giới Sa Di pháp danh Nguyên Tánh với Thầy Trí Thủ, một vị cao tăng Phật Giáo.

Phạm Công Thiện không viết hồi ký nên không rõ anh có bằng Tú Tài II hay không, nhưng giỏi sinh ngữ như anh việc thi thí sinh tự do, lấy bằng Tú Tài toàn phần không phải là chuyện khó, rất nhiều học sinh học trường Pháp, thi thí sinh tự do lấy bằng Tú Tài II Ban Sinh Ngữ Văn Chương trường Việt thật dễ dàng. Học sinh trường Pháp thi môn Anh Văn, Pháp Văn kỳ thi Tú Tài Việt được 18, 20 dễ dàng, các môn Triết Học, Sử Địa chỉ cần học một lượt cũng được trung bình là kỳ thi qua trót lọt.Triết Học lại là môn anh Thiện ưa thích lại quen viết bằng tiếng Việt. Để có học bổng tại Viện Đại Học Yale, để đi du học Hoa Kỳ khoảng đầu năm 1964, Phạm Công Thiện phải có bằng Tú Tài Toàn Phần hạng Ưu hay Bình. Phạm Công Thiện xong B.A (Cử nhân) tại Yale, và chuyển sang Columbia, nơi thầy Nhất Hạnh từng học, thì anh bỏ học ra đời.

Trong quyển Hố Thẳm Tư Tưởng, Lá Bối, Sài Gòn Xuất bản 1968, trong bức thư cho Nhị Tay Ngàn, chương đầu Phạm Công Thiện viết :« Thời gian tao ở Hoa Kỳ, tao đã bỏ học, vì tao thấy những trường đại học tao học, như trường đại học Yale và Columbia, chỉ toàn là những nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn, ngay đến những giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời, tao có thể dạy họ nhiều hơn là họ dạy tao. Qua Pháp ta đã sống nghèo đói thế nào, thì mày đã biết rõ rồi, những lúc tao nằm ngủ tại những vỉa hè Paris, vào những đêm đông đói lạnh, những lúc đói khổ như vậy, tao vẫn còn cảm thấy sung sướng hơn là ngồi nghe mấy thằng giáo sư trường đại học Yale hay Columbia giảng cho tao nghe về Aristote hay Hégel, và Heidegger hay Héraclite. »

« Bây giờ nếu có Phật Thích Ca hay Chúa Giê Su hiện ra đứng giảng trước mặt tao cũng không thèm nghe nữa. Tao là học trò của tao, và chỉ có tao là thầy của tao. Tao không muốn làm thầy ai hết và cũng không muốn ai làm thầy của tao. Còn các văn sĩ ở Sài Gòn, đọc các bài thơ của các anh, tôi thấy ngay sự nghèo nàn của tâm hồn anh, sự quờ quạng lúng túng, sự lập đi lập lại vô ý thức hay có ý thức, trí thức 15 xu, ái quốc nhân đạo 35 xu, triết lý tôn giáo 45 xu..

Không cần phải đọc Platon, Aristote, Kant, Hégel hay Karl Marx. Không cần phải đọc Khổng Tử, Lão Tử. Không cần phải đọc Upanisads và Bhagavad Gita. Chúng ta chỉ cần đọc lại ngôn ngữ Việt Nam và nội tại tiếng Việt Nam là bổng nhiên nhìn thấy tất cả đạo lý, triết lý cao siêu nhất của nhân loại đã nằm sâu trong ba tiếng Việt đơn sơ như : Con, Cái, Chay, Cháy, Chày, Chảy, Chạy và còn bao nhiêu điều đáng suy nghĩ khác mà chúng ta bỏ quên một cách ngu xuẩn.»

Phạm Công Thiện, sang Pháp, anh ghi danh ở Rennes, Bretagne, ở với người anh đã sang Pháp trước nhưng rồi không thuận với anh, ông lên Paris khoảng năm 1966. Lúc này tại Paris, Thầy Nhất Hạnh lập Hội Phật Tử Việt Kiều Hải Ngoại, chi bộ Pháp do anh Võ Văn Ái làm Tổng Thư Ký, trụ sở tại Maison Alfort, ngoại ô Paris. Phạm Công Thiện thân thiết với anh Ái và cùng ở nơi này.

Năm 1966, Hòa Thượng Minh Châu đến Paris tìm người trợ giúp Viện Đại Học Vạn Hạnh. Gặp Phạm Công Thiện, thầy thuyết phục anh làm lễ xuất gia, thọ giới Tỳ Kheo cho anh, Đại Đức Thích Nguyên Tánh và đưa anh về Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Phạm Công Thiện phụ trách Khoa Khoa Học Nhân Văn ; Sáng lập tạp chí Tư Tưởng, và soạn chương trình cho Viện Đại Học Vạn Hạnh.

Niên khoá 1968-1969 ; Thanh Hoài học môn Triết Đông với Thầy Nguyên Tánh.

Năm 1970, Thanh Hoài lên đường đi du học tại Bruxelles. Cũng năm này Phạm Công Thiện đi dự một Hội Nghị Phật Giáo cùng Hoà Thượng Minh Châu, anh xin ở lại ghi tên làm luận án Tiến Sĩ . Tại Paris, Thanh Hoài gặp lại Phạm Công Thiện tại nhà họa sĩ Vĩnh Ấn. Thanh Hoài quyết định bỏ Bruxelles sang Pháp chung sống cùng Phạm Công Thiện. Cuộc sống phiêu lưu đầy gian nan, sống với học bổng của anh trong 4 năm. Sau đó anh xin được một việc làm văn phòng Đại học Toulousse. Nhân có một chân phụ giảng trống anh làm đơn xin việc. Phạm Công Thiện được giáo sư hướng dẫn giới thiệu ‘ Sinh viên ưu tú xuất sắc hạng nhất, bốn năm cao học đã hoàn tất ‘ (tr 252). Điều này chứng tỏ Phạm Công Thiện đã xong văn bằng tốt nghiệp Ecole Pratique des Hautes Etudes (tương đương với Master) tại Sorbonne, và học xong một năm D. E. A. Diplôme Etudes Approfondies, (theo tổ chức đại học Pháp lúc đó, ngày nay đã đổi thành Master I, Master II và bỏ văn bằng Tiến sĩ Đệ Tam cấp và Tiến sĩ Quốc Gia, chỉ còn một văn bằng Tiến sĩ duy nhất). Anh làm việc này giao kèo gia hạn mỗi năm, chức vụ cuối cùng là Giảng sư (Maître de Conférence) tại Đại Học Toulousse II... Công việc tạm ổn định, chị Thanh Hoài sinh năm con, bốn cháu trai và một cô gái út, quần quật với bầy con : đưa rước đi học, ăn uống tắm rửa, bếp núp, chị còn làm việc ráp linh kiện cho hãng máy bay Airbus, nhưng Phạm Công Thiện lại rơi vào vòng nghiện rượu, sống cuộc sống đầy bè bạn quên mất chuyện gia đình.

« Và nơi ngôi biệt thự xinh xắn đó, nơi mà đáng lý ra chỉ có hương hoa và sắc màu của một vị ngọt là hạnh phúc, thì trớ trêu thay, nơi đây suốt bảy năm trời chỉ mang một vị đắng. Vị đắng của khổ đau. Vị chua chát của rượu… Chàng đã thỏa hiệp với con ma rượu.

« Anh không thấy gì hứng thú vì cứ phải lải nhải triết lý để kiếm tiền nuôi vợ con ». « Anh chỉ là chiếc bóng đằng sau bầy con. Điều này cũng làm anh đau khổ.. Lải nhải triết lý xong thì anh chỉ còn biết lè nhè . »

« Thì giờ của em dành cho con quá nhiều và em đã bỏ rơi anh.. Hay là em.. tránh né anh.. ? »

Tránh né anh vì em ghê sợ mùi rượu. Vậy anh hãy ngừng uống rượu..

Đúng là lẫn quẩn không lối thoát !

Bảy năm trời trôi qua trong cái vòng lẩn quẩn không lối thoát đó, nơi cái biệt thự màu hồng đó. Nàng thì vẫn cứ xoay mòng với bầy con năm đứa. Chàng thì cố gắng làm tròn công việc dạy học, cho dù nỗi chán chường mỗi ngày một chồng chất, nhưng bọn sinh viên vẫn ào ào tới càng ngày càng đông hơn, giới trí thức trong tỉnh lần lần nghe tiếng và bạn bè lũ lượt kéo đến càng nhiều hơn. Những buổi trà dư tửu hậu lại tiếp nối nhau. Khói thuốc vẫn mịt mù lan toả. Mùi rượu vẫn nồng nặc xông lên..

Cho đến cái ngày mà giọt nước đã tràn đầy ly thì cái vòng lẩn quẩn đó tự động ngừng quay. »

Một ngày Thanh Hoài bị suyển nặng, ho vì dị ứng phấn hoa, nhờ anh đi mua thuốc. Anh ra đường gặp bạn bè rủ đi ăn nhậu, quên mất chuyện thuốc cứu cấp cho vợ, sáng hôm sau mới về mang một hộp trứng, hỏi thuốc, anh quên mất.

« Sáng hôm ấy, vì quá mệt, Nàng đưa toa của bác sĩ nhờ Chàng ghé tiệm thuốc mua giùm Nàng. Mười lăm phút, hai mươi phút, ba mươi phút trôi qua, Nàng ngong ngóng Chàng về đưa thuốc cho đỡ nghẹt thở. Rồi một giờ, hai giờ, ba giờ trôi qua.. vẫn không thấy bóng Chàng. Nửa ngày trôi qua. Một đêm trôi qua. Nàng vẫn ngong ngóng. Nhưng vẫn không thấy bóng chàng đâu. Một đêm đã trôi thật quá dài, quá dài tưởng như bất tận. Không ngủ được vì ho, vì nghẹt thở. Nàng đã trải nghiệm cảm giác thế nào là kề cận cái chết. Nàng không đủ sức để tức giận, vì nàng nghĩ nếu chết trong sự tức tối, chỉ tự mình hại mình, sẽ không được đầu thai tốt, lại còn rơi vào đọa xứ nữa không chừng ! Chi bằng cứ thản nhiên, chấp nhận số phận và thanh thản niệm Phật. Đây là điều cần làm trong lúc này, chẳng phải là sự tức giận !

Nàng nhắm mắt chờ thần chết rước đi. Nhưng không, không được ! Nàng sực tỉnh ! Mà kia mình đã quên mất bầy con, mình chết thì chúng sẽ ra sao đây ? Mình có thể bỏ chúng để ‘ tiêu diêu ‘ nơi phương trời nào đó được chăng ? Từ bỏ cái thân thể bệnh hoạn khổ sở thì mình cũng hết nợ với thế gian này, nhẹ nhàng thanh thản cho mình, nhưng không thể chỉ nghĩ đến mình mà quên bầy con. Không được rồi, không đúng rồi.. Không mình phải sống, phải ngồi dậy, đứng thẳng và không còn nghẹt thở. Mình phải tự bảo vệ mình, không thể buông xuôi ! Mình nhớ đã từng được dạy dỗ ‘ thân người khó được ‘, phải bảo vệ nó cơ mà ! Không sát sanh, không hại vật, nhưng khi nguy cơ đến thì cũng phải biết tự bảo vệ để không mất mạng chứ ! Có thể nào chết dễ dàng như vậy được ? Không, ta phải sống !

Khi trời vừa tờ mờ sáng thì Nàng nghe tiếng cửa mở. Chỉ cần thấy dáng bộ xiêu vẹo, ngả nghiêng của Chàng là nàng thừa hiểu tất cả. Trông Chàng còn thê thảm hơn cả Nàng nữa ! Thôi thì chẳng còn gì để hỏi, để nói, để trách nữa. Chắc chắn là không có thuốc cho Nàng rồi.

Dù gì thì Nàng cũng đã quyết định rằng Nàng phải sống, Nàng phải thở, Nàng phải đứng thẳng dậy và đi tiếp.

Nhưng đoạn đường đi tiếp của Nàng chắc chắn là sẽ không đi cùng Chàng. Không vì tức giận hay oán trách, mà chỉ vì không còn giải pháp nào khác hơn.

Thế là Nàng lặng lẽ sắp đặt cuộc ra đi của Nàng. Rồi đến ngày hôm đó, không báo trước, không nói năng. Nàng âm thầm dắt bầy con ra khỏi ngôi biệt thự màu hồng . »

Thanh Hoài quyết định chia tay cùng anh, chị thu xếp cùng năm con ra đi. Phạm Công Thiện cũng mất việc đại học vì khế ước không được gia hạn và ghế giảng sư cũng không còn, anh được Hoà Thượng Mãn Giác mời sang dạy tại Viện Quốc Tế Phật Giáo, tai Los Angeles. Anh lại trở về cư ngụ tại chùa, tại nhà bạn bè.


Lê KhắcThanh Hoài



Tại xã hội Pháp nuôi nấng năm con không phải là điều dễ dàng, thường mỗi gia đình chỉ dám có 2,3 con. Thanh Hoài vừa làm mẹ, vừa làm cha, khi dạy đàn dương cầm, khi làm quản gia và các công việc khác, nuôi năm con cho đến khi trưởng thành, thành người : Cậu trai đầu , tốt nghiệp École Normal Supérieur rue d’Ulm, Tiến sĩ Vật lý , giảng dạy Vật Lý Viện Đại Học Paris Orsay. Cậu thứ hai Tốt nghiệp Cao Đẳng Thương Mại tại Bordeaux, Giám Đốc Thương Mại, cậu thứ ba Tốt nghiệp trường Mỹ Thuật tại San José Hoa Kỳ, Họa sĩ, cậu thứ tư giống bố ở chỗ thích Triết Học và cô gái út Bác sĩ Nhi Khoa. Chị có đầy đàn cháu nội, cháu ngoại.

Phạm Công Thiện qua đời năm 2011 tại Houston, các con đều sang dự đám tang cha.

« Nhờ âm nhạc, qua âm nhạc, bà luôn luôn đi sát cạnh cuộc đời, ở trong cuộc đời, thăng hoa cuộc đời, biến những nỗi buồn thành niềm vui, những chán chường thành lạc quan yêu đời, cô đơn thành cảm thông chia sẽ. »

Đứa cháu ngoại đã hỏi chị :
-« Bà ơi ! Bà có giận ông ngoại không ?
- Bà chẳng hề giận !
- Thực ra, con cũng thấy thương ông ngoại làm sao ấy..

Cháu bà giỏi lắm, các cậu và mẹ con cũng thế, luôn yêu thương ông ngoại, không hề ghét bỏ hay trách móc.

- Mỗi lần gặp lại ông, con chỉ muốn ôm ông hôn và không cần phải nói nhiều.. Con biết ông không hề có ý làm khổ bà, vì chính ông là người khổ trước tiên nếu phải làm khổ ai…. Ông ngoại vẫn luôn bảo tụi con phải yêu thương bà hết mực, vì nhờ bà mà mẹ con, các cậu con nên người. Có điều.. ông vẫn nghĩ là bà còn giận ông !
- Con có nghĩ như vậy khi bà kể chuyện cho con ?
- Không, Con nghĩ bà vẫn còn yêu ông ngoại !
- Thực ư.. Chính bà cũng không biết ! »







Khép lại trang sách tôi ngẫm nghĩ. Tiếc là sách bằng tiếng Việt, nếu viết bằng tiếng Pháp, các cháu nội, cháu ngoại chị Thanh Hoài đọc được sẽ nghĩ rằng : ông bà mình thiếu thông tin cho nhau. Nếu ông đi đâu, điện thoại cho bà một tiếng, hay nếu có điện thoại di động, bà gọi ông nhắn ông đem thuốc về gấp thì sẽ không có chuyện gì xảy ra. Tiếc thay oan Quan Âm Thị Kính nằm ở chổ, thời ấy chưa có dao cạo râu : Thị Kính phải vác con dao phay to tướng cắt râu cho chồng. Bà giận ông : vì thời ấy chưa có điện thoại di động. Nếu không bà sẽ điều khiển từ xa, ông chồng triết gia lãng trí hay quên của mình.

Các cháu Việt Nam sinh ra tại Pháp xem xong vở tuồng Quan Âm Thị Kính thường tức tối và hỏi : Où est sa bouche ?. Cái miệng bà Thị Kính ở đâu ? Sao bà không nói ? Sao ông không nói ? Tiếc thay khi ông bà giận nhau các cháu chưa ra đời !

Khép lại đọc trang cuối bìa tập sách là lời Phạm Công Thiện viết khi gặp nhau lần cuối : « Ở nơi chốn hỗn loạn, ở nơi tận cùng của khổ đau và tuyệt vọng mà tiếng nhạc của em vẫn có thể vang lên những âm thanh của dịu dàng đầm thắm, bay bổng cao vút tận chân trời, từ cái điều Không Thể mà vẫn Có Thể. Hãy gọi đó là Giai Điệu Của Cái Điều Không Thể. »

Khép lại trang sách chuyện kể một cuộc tình, hai cuộc đời không trọn vẹn cùng nhau đến cuối đời. Nhưng lời kể chuyện trong trẻo, thanh thoát khiến cho chúng ta vẫn còn nghe vang lên một dư âm tiếng đàn dương cầm chị Thanh Hoài.

Xin giới thiệu tiểu thuyết “Chuyện một người đàn bà.. năm con » của Lê Khắc Thanh Hoài do nhà xuất bản Thời Đại xuất bản tại Hà Nội và Sài Gòn cùng đọc giả trong và ngoài nước. Qua câu chuyện một kinh nghiệm sống cuộc đời, chị đã vẽ ra một khung cảnh người Việt trên đất Pháp, nó cần thiết cho các bạn trẻ, cho phụ huynh khi con em lên đường du học. Truyện còn giúp ta hiểu hơn về Phạm Công Thiện một nhà thơ, một triết gia một thời danh tiếng tại miền Nam Việt Nam.

Paris 23-7-2016
PHẠM TRỌNG CHÁNH
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne.


















Phạm Công Thiện
trên Tiền Vệ













Phạm Công Thiện lúc trẻ ở Paris (Pháp)








Đinh Cường & Phạm Công Thiện









Phạm Công Thiện & Nguyễn Xuân Hoàng









Phạm Công Thiện, Nv Doãn Quốc Sỹ, TT Thích Nguyên Siêu
Houston 2007









Trở về




MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.