Lữ Quỳnh
(1942 - ........) Huế
Nhà thơ, Nhà văn
Dẫu ngày mai ra sao đi nữa
SJ,6/2017
Tiểu sử
Lữ Quỳnh là bút hiệu của Phan Ngô, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên-Huế. Thân phụ mất sớm, lúc một tuổi. Tuổi nhỏ phần lớn sống tự lập. Học sinh Quốc Học-Huế năm 1959-1962. Dạy học, trường Bán công Vinh Lộc 1962-1963.
Cựu Sĩ Quan VNCH (Khóa 19 Trường Bộ Binh Thủ Đức, ngành HC Quân Y) Đơn vị phục vụ : *Tổng Y Viện Duy Tân - Đà Nẳng năm 1965-66. *Tiểu đoàn 22 Quân Y (SĐ22BB) -Bình Định, năm 1967-70,*Quân Y Viện Quy Nhơn, năm 1971-75.
Có mười năm sống ở Quy Nhơn. Tại thành phố này, trong một số sinh hoạt, được gặp các anh Quách Tấn, Võ Phiến; các bạn văn Hoàng Ngọc Tuấn, Nguyễn Mộng Giác, Doãn Dân, Trần Hoài Thư, Lê Văn Ngăn, Võ Chân Cửu....
Sau 1975, “Học tập cải tạo” ở trại Cồn Tiên, Ái Tử (Quảng Trị).
Là một trong ba sáng lập viên (gồm Ngy Hữu, Lữ Kiều) đầu tiên của tạp chí Ý Thức, hậu thân tờ Gió Mai ở Huế 1958. Ý Thức qua nhiều giai đoạn in ấn từ roneo, typo đến offset, tòa soạn di chuyển theo chân Ban biên tập. Cho đến 1970, Ý Thức được cấp giấy phép xuất bản tại Sài Gòn, trở thành Tạp chí Bán nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật, với số ra mắt phát hành rộng rãi bởi nhà Đồng Nai, số lượng lên tới 7.000 bản. Lúc này, Nguyên Minh là chủ báo với sự cộng tác của: Châu Văn Thuận, Trần Hoài Thư, Nguyên Thạnh, Đỗ Nghê, Nguyễn Lệ Uyên, Nguyễn Mộng Giác, Ngụy Ngữ, Trần Nhựt Tân, Nguyễn Ước, Võ Tấn Khanh, Phạm Ngọc Lư, Bửu Chỉ, Huỳnh Hữu Ủy, Trần Hữu Lục, …..Tạp chí Ý Thức ra được 24 số thì đình bản.
Từng cộng tác : Tạp chí Mai (1961), Phổ Thông (1960), Bách Khoa (1962), Khởi Hành, Thời Tập (1972), Ý Thức (1970), Nhật báo Công Dân-Huế (1960-61) mà tiền nhuận bút đã trở thành sinh hoạt phí của tác giả trong những năm cuối trung học[Ở trong nước]. Và Văn Học, Hợp Lưu, Khởi Hành, Tân Văn…[Ở hải ngoại,từ 2001]
Đến Hoa Kỳ năm 2000, Hiện định cư cùng gia đình ở San Jose, California./.
Tác phẩm đã xuất bản :
1
CÁT VÀNG
Tập truyện (NXB Ý Thức, Sài Gòn 1971; NXB Văn Mới tái bản, Calif. 2006)
2
SÔNG SƯƠNG MÙ
Tập truyện (NXB Ý Thức, Sài Gòn 1973)
3
NHỮNG CƠN MƯA MÙA ĐÔNG
Truyện vừa (NXB Nam Giao, Sai Gòn 1974; NXB Thư Quán Bản Thảo tái bản, NJ. 2010)
4
VƯỜN TRÁI ĐẮNG
Truyện dài (Đăng nhiều kỳ trên tạp chí Ý Thức, Sài Gòn 1971-1972)
5
SINH NHẬT CỦA MỘT NGƯỜI KHÔNG CÒN TRẺ
Tập thơ (NXB Văn Mới, Calif. 2009).
6
ĐI ĐỂ THƯƠNG ĐẤT NƯỚC MÌNH, Ký
(NXB Văn Mới, Calif. 2012)
7
Những Giấc Mơ Tôi
8
Thành Phố Mùa Đông
Tập thơ phổ nhạc Nxb Ý thức 2013
9
Mây Trong Những Giấc Mơ
Tập thơ, Nxb Ý Thức 2015
tranh Đinh Cường
Tổng số tác phẩm: 69
(điểm sách)
(thơ)
(tạp văn)
(thơ)
(thơ)
(thơ)
(ký)
(truyện ngắn)
(thơ)
(truyện ngắn)
Tôi giữ nguyên thế nằm từ lúc vừa thức giấc. Gió làm lay động những lá cỏ ngoài lỗ châu mai. Tôi ngửi thấy mùi đất ẩm, và liên tưởng tới những nấm mồ hoang, những bộ xương trắng phếu trong hang sâu mà ngày còn nhỏ tôi đọc trong các truyện đường rừng. Bây giờ tôi nằm đây. Tôi đang nằm dưới một pháo đài chìm, có khác gì nấm mồ hoang trong trí tưởng? Tôi nằm im. Tôi muốn tan ra trong sự yên lặng của đêm. Trí óc tôi có thể tự do ngắm nhìn thân xác. Tôi nhìn nó – cái thân thể có ở tôi suốt một phần tư thế kỷ nầy vẫn có thể làm tôi cảm thấy lạ hoắc? Tôi thấy lòng hoang vu khi nhìn xuống mỗi vuông da thịt. Sao nó xa lạ đến thế? Tôi không còn nghĩ ngợi gì nữa. Như Chiến thế đó. Như những đám mây trắng lơ lững trên vòm trời, như sự ngu si của ký ức. Tôi chợt buồn đến ứa nước mắt, như mọi lần mỗi khi nhớ tới Chiến. Tôi cứ tưởng rằng mình sẽ khóc thật dễ dàng khi đứng trước nấm cát vàng của Chiến. Nhưng không, trong tôi sợi thần kinh tuyến lệ hình như đã tê liệt hẳn rồi. Bây giờ người ta không còn khóc được nữa. Tâm hồn là đá, mà nỗi buồn cũng thành đá. Chiến đã nằm xuống và không một ai có thể thay hắn, sống phần đời còn lại. Những kẻ còn sống còn bôi đen tương lai mình, huống gì nghĩ tới việc sống thay đời kẻ khác.
Ánh sáng mờ nhạt bắt đầu hiện rõ dần ở lỗ châu mai. Một hình chữ nhật màu sữa.
Tôi lắng nghe bước chân của người lính đi tuần phía ngoài. Tiếng động đều, rả rời, âm thầm không dứt .Nó lê thê như nổi chán chường và cô đơn hơn sức chịu đựng. Tại sao tôi không chết lúc nầy. Cái chết của tôi thật hợp lý, vì tôi là lính. Tôi đã chờ đợi và chấp nhận. Còn Chiến thì không thể được. Chiến như một cây xanh. Đôi mắt hắn tròn xoe, đã nhìn qua chiến tranh và chắc chắn phải vượt qua sự chết. Những lời thì thầm của Chiến còn đó, hoài bão của Chiến còn đó. Nhưng bây giờ thì tôi phải thăm Chiến bên một nấm cát vàng, phải nghe gió thì thào và hơi nóng mùa hạ hắt lên từ đất.
Con đường cát mịn giữa hai hàng liễu xanh của chiều thu ngày nào. Những dấu chân tôi bơ vơ đến tội nghiệp trên cát. Ngày đó chưa mặc áo rừng, cổ chân chưa có những vết chai cứng vì giày trận. Cái thời mà quê hương còn tiếng chó sủa, đêm trăng còn nhìn lá dừa lấp lánh sương khuya. Con đường đó thật thơ mộng, đẹp dịu dàng như tuổi thơ, đã chôn vùi bao nhiêu vết chân Chiến. Quê hương những hoàng hôn chúng tôi nằm dài trên cát chờ sao mọc. Giọng Chiến còn đó, bao giờ cũng ngập ngừng : Tôi hiểu anh…Chúng mình phải phấn đấu. Quá khứ bi thảm cũng là hơi men váng vất trong hơi thở đủ ta say…
Tôi mỉm cười. Tôi đã say. Quá khứ cùng một dáng dấp. Tôi cúi đầu đi, quên cả đôi chân bỏng rát vì cát nóng mùa hạ. Qúa khứ thảm thương của một thế hệ . Bấy giờ thì tôi chưa nghĩ thế, nhưng từ khi Chiến chết, tôi đã nghĩ thêm được nhiều điều. Tôi cảm thấy thêm sự ngọt ngào của những củ khoai bột vàng, những chén cơm gạo đỏ trộn lẫn sắn khô, những đêm trăng bà mẹ của Chiến bắc thang hái trầu, và chúng tôi nằm bên nhau thao thức. Chiến đã sống bên tôi, nhưng Chiến chưa nói hết. Có những điều hắn không muốn nói ra, nhưng tôi hiểu. Tôi còn nhớ rõ ràng khuôn mặt già nua đầy âu lo của người mẹ khi ngồi xếp từng lá trầu hoặc những cuốn lá chuối khô để mang ra chợ bán. Chiến đã lớn lên bằng những đồng tiền kiếm được từ mỗi ngọn trầu, mỗi lá chuối qua bàn tay khô đét của người mẹ. Tôi biết Chiến đã nghĩ gì,khi ánh mắt đăm chiêu nhìn những đứa bé hàng xóm trần truồng ngồi chơi với cái bụng ỏng căng tròn như chiếc trống. Màu vàng trên da lũ trẻ còn thê thảm hơn thân phận của màu da quê hương. Tôi biết hắn đang ao ước điều gì. Không thể ngồi mơ có chiếc đũa thần để lần lượt gõ lên khắp bụng đám trẻ. Tôi nghĩ tới tương lai không một sự rào đón, không một chút đề phòng. Quê hương tôi đói khổ, lũ trẻ con cần được hướng dẫn. Những người mẹ của chúng không thể suốt đời đi chợ mỗi ngày bằng năm đồng bạc. Năm đồng bạc đủ mua mấy con cá vụn nấu với một trách bỏng nước cho cả gia đình cùng húp. Chúng ta phải phấn đấu, dù có chết đi cũng sung sướng vì được chết trong ước mơ làm nhỏ lại những cái bụng màu nghệ căng tròn, làm cho mỗi ngọn trầu, mỗi chiếc lá chuối khô có thể đổi được nhiều hơn những con cá vụn với năm đồng bạc chợ mỗi ngày. Tôi hiểu Chiến. Tôi chờ đợi, và không hề nghĩ tới một sự trắc trở, vì Chiến còn đi học, Chiến mới hai mươi tuổi.
Tôi nhớ thật rõ nét mặt của bà mẹ Chiến hôm tôi về thăm. Da mặt xạm đen, và hai gò má nhô hẳn ra. Bà nói với tôi, giọng bùi ngùi: Ngày Tết mà thằng Chiến không về được.
Tôi thản nhiên, vì tôi đã biết hắn ngồi trong tù. Ở tù hắn sẽ có dịp để suy nghĩ nhiều hơn. Cơm tù chắc chắn cũng không khổ hơn những bữa cơm nhà với mỗi ngày năm đồng tiền chợ. Quả thật tôi yên tâm hơn khi biết chắc chắn Chiến ở tù không vì lý do nào cả. Một buổi trưa ở trường về, bị người ta chận ở đầu cầu rồi dẫn đi. Cảnh Chiến ngồi tù cũng không làm tôi cảm thấy buồn. Ở đời vẫn có vô số kẻ chỉ sợ có mỗi sự âm thầm, nhất là sự âm thầm của Chiến. Sự âm thầm làm kẻ khác nhìn vào tối mắt. Tôi lấy giọng ngọt ngào để trả lời mẹ Chiến: Chiến không có tội gì, thế nào người ta cũng thả anh về, bác nên yên lòng.
Người đàn bà rướm nước mắt: Người ta cũng bảo thế, nó còn dại đã biết gì mà người ta đòi làm tù làm tội…
Tôi tưởng tượng khuôn mặt Chiến sau những chấn song tù ngục, mà mỉm cười chua xót. Dù là mẹ, những người đàn bà làm sao hiểu được những mơ ước trong lòng con. Mẹ thương con bằng những củ khoai bột vàng buổi sáng, những bữa ăn đằm thắm buổi trưa, những đêm thức dậy nhìn con ngủ, đắp lại chiếc chăn, sửa lại chân mùng. Mẹ thương con bằng ấy thứ, nhưng mẹ làm sao hiểu được những tiếng thở dài vu vơ, những giấc ngủ chập chờn mộng mị nước mắt…Chiến ở tù thật yên ấm.
Thế là đêm giao thừa thiếu Chiến để đốt nến, thiếu Chiến để nhìn bàn tay run cầm cây hương thắp vào chuôi pháo. Tôi biết thiếu Chiến. Và tôi cảm thấy tết nầy không đầy đủ thật sự.
Tiếng pháo nổ dòn hơn mọi năm. Niềm vui cũng bừng sáng trong lòng mọi người.
Tiếng pháo nổ dòn quá, làm người ta nghĩ sự tốt đẹp, thanh bình phải đến trong năm mới. Nhưng pháo đã không nổ dòn như họ tưởng. Sự bình yên vốn có ở thành thị làm người ta không thể phân biệt được tiếng súng bấy giờ. Pháo nổ tràn ngập. Và súng nổ tràn ngập. Cho dến khi nhận ra sự bất an thì đã quá muộn. Thành phố thành chiến trường. Biết làm thế nào khi bên kia vành nôi là họng súng, trong lời ru hớt hãi của mẹ là tiếng ì ầm của đại bác. Tôi không thể tưởng tượng được trong giây phút đó Chiến đã nghĩ gì? Lần đầu tiên trong đời phải đối diện chiến tranh, và cũng là lần mang theo vĩnh viễn cái vốn liếng xác xơ của quê hương nghèo khổ. Khi cánh cửa ngục được súng đạn và sự hỗn loạn mở tung, những người tù trở nên tự do. Họ quên nghĩ rằng họ đã vượt ngục. Họ đang sợ hãi sự chết, đang cố gắng vượt qua sự chết, vì bom đạn giây phút đó đang trút xuống quanh họ, trên cùng khắp các đường phố. Đạn bay ra từ mọi cánh cửa sổ. Bom dội xuống từ tiếng thét rợn rùng của máy bay. Những người tù cắm đầu chạy không định hướng, chạy theo đồng bào, theo tiếng khóc hãi hùng của trẻ thơ. Trong sự hãi hùng bi thảm nhất, tôi biết chắc một điều là Chiến đã chạy về phía tôi, về căn nhà mà mỗi buổi sáng buổi chiều, tôi đã nhắc tới Kim với Chiến. Những buổi trời sáng trong và chúng tôi cùng nhận ra khuôn mặt rạng rỡ của mình. Bước chân của Chiến thế nào mà chẳng run lên vì lo lắng và mừng rỡ. Bằng bước chân trần trên ngói gạch vụn, Chiến đã chạy như con nai giữa phố phường. Buổi sáng trời thật xanh, nhưng không một người chú ý. Tiếng súng làm căng thẳng trí não họ. Hơn nữa, họ đã dành hết thì giờ để nhìn thật kỷ khuôn mặt vợ con, nhìn mà cứ ngỡ nhìn lần cuối cùng. Không một ai nghĩ rằng bầu trời bấy giờ thật xanh, và giòng sông thì thật buồn đang âm thầm chảy. Chiến vẫn như một con nai không bao giờ nghĩ tới họng súng săn đang di chuyển theo mình. Tâm hồn Chiến trong sáng quá. Tâm hồn đó đầy ắp yêu thương, không biết tới tầm đạn đi cũng không nghĩ rằng mình có thể chết.
Tôi nghe kể lại, Chiến đã nằm chết thật thản nhiên trước mặt một trường tiểu học,phía sau sân vận động. Thành phố bấy giờ nhiều xác người quá, nên thân thể Chiến chẳng gây thêm sự tò mò nào cho kẻ còn sống. Chiến bị ngã giữa lúc muốn vượt qua con đường, con đường dẫn tới căn nhà quen thuộc, mà ở đó mỗi sáng mỗi chiều tôi đã kể về Kim với hắn. Nhớ lại buổi sáng cuối cùng được nhìn nụ cười ánh mắt của Chiến cùng câu chuyện vu vơ về một đám cưới. Chiến muốn ngày cưới Kim tôi phải mặc áo rộng xanh, và Kim chít khăn vành thật rộng, Chiến muốn thấy lũ trẻ xách lồng đèn, những người đàn ông mặc áo dấu, đội nón Gò găng.
Cái gì Chiến ước mơ cũng tầm thường như thế cả. Hình ảnh một đám cưới ngày xưa, cũng như những đứa trẻ với chiếc bụng căng tròn vàng ỏng nước, những ngọn trầu, những lá chuối, những đồng bạc bé nhỏ trên tay mẹ già… Quả thật những ước mơ của Chiến quá nhỏ.Quá nhỏ, nhưng đến lúc buông xuôi hai tay, lòng chưa toại nguyện.
Tôi cảm thấy mắt mình cay rát, lạnh hai bên khóe. Bây giờ thì tôi không cảm thấy gì hết. Suốt ngày, tầm mắt với màu đỏ núi đồi, tôi thật thản nhiên khi nhớ tới quá khứ, khi nghĩ về tương lai. Và đêm xuống, dưới chiếc pháo đài chật hẹp nầy, tôi cũng bình thản ngắm nhìn thân xác mình. Tôi nghĩ tới cát bụi, nghĩ tới hư vô. Rồi tâm hồn tôi bỗng chao đi chới với, như cảm giác một đêm nào uống say mèm ở thành phố, nhìn thằng bạn vừa kéo violon vừa khóc tức tưởi. Tôi đã ôm hắn, kéo đầu hắn vào lòng mà thầm dỗ: Nín đi con, nín đi con. Còn khóc ta đánh chết bây giờ!
Tôi đã buồn thật nhiều. Tôi nhớ Chiến se sắt. Tôi muốn khóc cho Chiến nhưng không thể nào khóc được. Trong ánh sáng đầu tiên của ngày, tôi nghĩ đó cũng là đìều bất hạnh./.
Lữ Quỳnh
(tạp văn)
(tạp văn)
(thơ)
(truyện ngắn)
(truyện ngắn)
(thơ)
(thơ)
(thơ)
(truyện ngắn)
(tạp văn)
(chân dung)
(thơ)
(ký)
(tạp văn)
(ký)
(ký)
(thơ)
(ký)
(thơ)
(truyện ngắn)
(thơ)
(thơ)
(ký)
(thơ)
(truyện ngắn)
(thơ)
(thơ)
(ký)
(tạp văn)
(tạp văn)
(thơ)
(tạp văn)
(thơ)
(thơ)
(truyện ngắn)
(truyện ngắn)
(tạp văn)
(thơ)
(tạp văn)
(truyện ngắn)
(thơ)
(tạp văn)
(tạp văn)
(thơ)
(thơ)
(truyện ngắn)
(thơ)
(thơ)
(thơ)
(thơ)
(thơ)
(tạp văn)
(thơ)
(thơ)
(văn hóa)
(ký)
(thơ)
(tạp văn)
Tham khảo thêm về tác giả Lữ Quỳnh
Đồi cát vàng, Phan Thiết (Ảnh: tourcuatoi.com)
Câu chuyện kể một lần trong tiếng hát
Bến đò xưa mây nước rộng xanh trời
( Bùi Giáng )
Người ngồi đợi mưa, không hiểu sao tôi cứ thích cái truyện ấy của Lữ Quỳnh, khi vẽ bìa cho tập Cát Vàng do Văn Mới – California xuất bản năm 2006. Tôi thấy như đó là hình ảnh của Lữ Quỳnh - hình ảnh người lính trẻ cô đơn trong chiến tranh. Ôi một thời chiến tranh với những băn khoăn, những câu hỏi cứ nóng bừng trong đầu. Một thời để yêu và một thời để chết. Cũng cứ nhớ hoài khi làm bìa cho tập truyện dịch ấy của Erich Maria Remarque cho nhà xuất bản An Tiêm – Sài Gòn khoảng năm 1970...
Lữ Quỳnh, nhà văn, nhưng tôi lại đọc thơ Lữ Quỳnh rải rác trên các báo cũ xưa còn lại, như Thời Nay, Bách Khoa, Văn rất sớm. Không kể tạp chí Ý Thức mà anh là một trong số những người chủ trương. Nguyên Minh là linh hồn của Ý Thức cho đến tận bây giờ. Chỉ có những bạn anh từ thời đi học, lập nhóm văn chương, mới hay gọi anh là Ngô (tên thật anh là Phan Ngô). Hình như Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Tôn Thất Văn và tôi chưa gọi Ngô bao giờ, mà chỉ gọi Lữ Quỳnh. Cũng không tìm hiểu bút hiệu ấy do đâu mà có.
Và Lữ Quỳnh nhà văn, nhà thơ đã định hình từ rất sớm - từ thập niên 1960, cùng thời (và là bạn thân) của Nguyễn Mộng Giác, cùng các nhà văn khác như Trần Hoài Thư, Y Uyên, Doãn Dân… và bạn trong ngành quân y với Tạ Chí Đại Trường. Hình ảnh anh ngồi trước volant chiếc Jeep chạy ven biển Qui Nhơn, một hôm gặp Mai Thảo thật đẹp (Lữ Quỳnh - Nhớ lần gặp Mai Thảo ở Qui Nhơn – Thư Quán Bản Thảo – số đặc biệt Tạp Chí Sáng Tạo – số 60 tháng 7- 2014 ). Lữ Quỳnh dáng cao gầy không kém gì Mai Thảo. Không kém gì tình yêu bạn:
Ngồi tưởng quê nhà đang có bạn
Đứa nằm hiu hắt chốn trăng sao
Đứa đang chiếc bóng đêm mờ tỏ
Thì cuộc sum vầy nay chốn nao ?
(Lữ Quỳnh – Trái của đời dù đắng – Sinh nhật của một người không còn trẻ – Thơ. Văn Mới - 2009)
Tình bạn có khi đẹp hơn tình yêu, nhớ Trịnh Công Sơn đã viết. Thật vậy, và có người bạn như Lữ Quỳnh là yên tâm, luôn sống trọn tình trọn nghĩa. Một mẫu người nghiêm túc, chững chạc (chữ của Trần Hoài Thư). Chúng tôi đã có với nhau biết bao kỷ niệm, bao nhiêu ảnh cũ vẫn còn đó. Vậy mà nhìn lại đã sương mù che khuất không còn thấy nhau: Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, Tôn Thất Văn, Định Giang, …, các anh Ưng Lang, Hồ Đăng Lễ của một thời sum vầy ở Huế.
Paste vào đây một đoạn ghi gởi Lữ Quỳnh viết hồi năm ngoái :
rượu đỏ trên tay tràn nỗi nhớ
hoàng hôn nào hoàng hôn trong tranh
( Lữ Quỳnh )
Cám ơn Lữ Quỳnh gởi tặng
Những giấc mơ tôi, tập thơ
nhà xuất bản Văn Mới của
Nguyễn Khoa Kha vừa in xong
ngày trời nắng chói chang
chim hót không ngớt
chỉ không có tiếng chim
cơm còn cho cục
hình như chỉ kêu khan ở
những vùng cát bỏng miền trung
nhưng nụ cười thì quá đẹp
một mình cười nẻ răng
tôi yêu câu thơ ấy vô cùng
như yêu những giấc mơ bè bạn
năm mươi năm rồi từ ngày bạn viết
vẫn một tấm lòng thủy chung
tình bạn êm đềm hơn viên thuốc ngủ
cũng có nhiều đêm tôi nhớ Sơn, nhớ Chỉ
nhớ Định Giang, nhớ Tôn Thất Văn
cả các anh Văn Cao, Nguyễn Tuân...
chúng ta đã cùng chung tiệc rượu
nay chỉ còn lại những ngọn nến
thắp bằng ánh sao lung linh
lung linh giấc mơ tình bạn thiết.
( Virginia, July 8, 2013 - Đinh Cường )
Tuần đầu tháng 7 năm nay chúng tôi có những ngày gặp lại nhau tại Nam và Bắc California thật thú vị.
Cùng ghé thăm Nguyễn Xuân Hoàng, những phút giây vui hiếm có bên nhau. Cùng các bạn quý Hoàng Ngọc Biên, Trần Đình Sơn Cước, Lê Quế Hương... dự bữa cơm trưa ở nhà Lữ Quỳnh, do chị Kim Nhung - vợ Lữ Quỳnh - nấu món canh cá Chim quá ngon. Làm nhớ Huế vô cùng, nhớ Truồi, Mỹ Lợi (quê của Lữ Quỳnh) và căn nhà ở Hồ Mưng trong Thành Nội nay đã xây cất lại thật đẹp, nơi ở của Bà Ngoại các cháu Hải (Phan Triều Hải – con trai đầu Lữ Quỳnh – nhà văn nổi tiếng hiện nay ở Việt Nam), Tây (Phan Triều Giang - con trai thứ hai – tốt nghiệp Tiến Sĩ ở Mỹ) và Bê La, nay đã cùng gia đình định cư tại San Jose … Anh chị Lữ Quỳnh đang ở cùng con gái cưng này và cháu ngoại. Thật còn gì hơn một gia đình con cháu hạnh phúc. Mừng Lữ Quỳnh, người bạn thiết, người ngồi đợi mưa. Nay thì trời đã thật quang đãng…
Virginia, July 22, 2014
Đinh Cường
Đinh Cường, Hoàng Ngọc Biên, Lữ Quỳnh, Trần Đình Sơn Cước 2013
Trần Đình Sơn Cước, Lữ Quỳnh, Trần Doãn Nho, Hoàng Ngọc Biên
Tôn Thất Văn, Trịnh Công Sơn, Lữ Quỳnh, Đinh Cường
Lữ Quỳnh, Tôn Thất Văn, Đinh Cường, Trịnh Cung, Trịnh Công Sơn
Thanh Tùng, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Bảo Phúc, Lữ Quỳnh
Bửu Ý, Lữ Quỳnh, Đinh Cường, Tôn Thất Văn, Trịnh Công Sơn (nằm)
Lữ Quỳnh, Phan Nguyên, Nguyễn Phú Yên 1/5/2016
Gặp lại nhà thơ, nhà văn Lữ Quỳnh tại Sài Gòn sau ... 30 năm!
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.