Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

Vũ Cao Đàm (1908 - 2000)


















Vũ Cao Đàm

(1908 Nam Định - 2000 Paris)
Hưởng thọ 92 tuổi
Họa sĩ, Nhà điêu khắc









Tiểu Sử


Vũ Cao Đàm (sinh năm 1908 tại Nam Định và mất năm 2000 tại Paris) là họa sĩ, nhà điêu khắc với nhiều tác phẩm tranh, tượng nổi tiếng được triển lãm ở nhiều nơi trên thế giới.


Chân dung


Vũ Cao Đàm là sinh viên khóa II của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng là khóa đầu tiên của Khoa Điêu khắc (1926-1931). Thoạt đầu, Vũ Cao Đàm tham gia cả hội họa và điêu khắc, nhưng tới năm thứ nhì thì ông chuyển hẳn sang điêu khắc. Ông từng kể: "Thầy Tardieu (Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương) thấy tôi có khả năng về điêu khắc và tôi đã nặn tượng bán thân cho cha tôi, ông khen đẹp. Cho nên năm thứ nhì, tôi học thẳng sang ngành điêu khắc và tôi rất thích, sau đó tôi chuyên về chân dung".

Năm 1931, Vũ Cao Đàm tốt nghiệp khóa học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương với kết quả xuất sắc. Ông được nhận học bổng sang Pháp nghiên cứu và nâng cao kiến thức về tạo hình tại Bảo tàng Louvre. Năm 1938, Vũ Cao Đàm kết hôn với nghệ sĩ dương cầm Pháp Renée. Trong thời gian diễn ra cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945), việc làm tượng trở nên hết sức khó khăn. Lý do là ở thời kỳ ấy, nhất là khi quân đội Đức chiếm đóng nước Pháp, họ sẵn sàng tịch thu những vật dụng bằng đồng để phục vụ việc đúc vũ khí. Việc đổ khuôn đồng bị cấm. Vũ Cao Đàm phải nặn tượng bằng đất nung rồi đánh bóng (như các bức ông dựng chân dung vợ chồng thi sĩ Jean Tardieu, con trai thầy dạy cũ của mình). Tình thế khiến Vũ Cao Đàm quyết định chuyển từ làm tượng sang vẽ tranh. Ông vẽ, thoạt tiên là tranh lụa, rồi sơn dầu. Lý do chuyển sang sơn dầu, ngoài sự đam mê khám phá còn xuất phát từ sự bất tiện trong việc thực hiện cũng như bảo quản tác phẩm. Ông cho biết: "Tôi thấy tranh lụa bị giới hạn bởi kích thước của bức tranh, vì có miếng kính che gìn giữ cho lụa cho nên không thể vẽ to được"

Nhiều tác phẩm điêu khắc của ông được coi là mẫu mực của điêu khắc Việt Nam hiện đại trong đó có hai bức tượng hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là Chân dung Thiếu nữ cài lược. Hai bức tượng này được nhiều thế hệ họa sĩ, kiến trúc sư vẽ lại, tạo phiên bản thạch cao. Ta có thể bắt gặp phiên bản thạch cao của hai bức tượng này ở bất kì lớp học vẽ kiến trúc, mĩ thuật nào.









Lần đầu tiên tại Việt Nam: 
tranh thạch bản của danh họa Vũ Cao Đàm 
15. 06. 2012 






Ngày 16 tháng 06 năm 2012, lúc 17h, tại sảnh chính Tòa nhà Metropolitan (235 Đồng Khởi, Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam), lần đầu tiên Bộ sưu tập tranh thạch bản của họa sĩ Vũ Cao Đàm (1908-2000) được trưng bày cho đông đảo người yêu nghệ thuật được thưởng thức. Chương trình triển lãm được đồng tổ chức bởi Quỹ Hỗ trợ Phát triển Giáo dục EDF, công ty Cổ phần Sài Gòn truyền thông và gallery Sài Gòn. Một phần tiền từ việc bán tranh sẽ được dùng hỗ trợ sinh viên nghèo hiếu học. Trong hình: họa sĩ Vũ Cao Đàm kí tặng bản tranh litho cho chị Lan Hương – chủ nhân Gallery Sài Gòn.







Sinh năm 1908 tại Việt Nam, mất năm 2000 tại Pháp, họa sĩ, điêu khắc gia Vũ Cao Đàm là tác giả của nhiều tranh, tượng sáng giá, được săn lùng trong các phiên giao dịch quốc tế... Trong hình: họa sĩ Vũ Cao Đàm hồi những năm 1926 – 1927, trong một lần đi vẽ ở ngoại thành Hà Nội.






18 tuổi, Vũ Cao Đàm là một trong hai sinh viên theo học khoa điêu khắc của Trường Mỹ thuật Đông Dương. Tháng 10. 1926, khóa học tại trường này tăng lên năm năm, và nhờ Victor Tardieu cùng một người thầy khác - Joseph Inguimberty (1896-1971), tất cả sinh viên được tiếp cận kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu và điêu khắc phương Tây, trong lúc vẫn khuyến khích họ giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam và châu Á. Sinh viên được khuyến khích vẽ tranh lụa. Giống như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm đã có những tác phẩm tranh lụa nổi tiếng trong giai đoạn 1930 - 1940. Trong hình: Vũ Cao Đàm và các sinh viên đồng khóa của trường Mỹ thuật Đông dương.




Tốt nghiệp hạng xuất sắc sau năm năm học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội, được nhận học bổng sang Pháp nghiên cứu và nâng cao kiến thức về tạo hình tại Bảo tàng Louvre, năm 1931, họa sĩ, nhà điêu khắc Vũ Cao Đàm tới Pháp sau một chuyến hải trình dài từ Việt Nam. Sau đó, có ba người bạn đồng học cùng khăn gói sang Paris với ông là họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Lê Thị Lựu. Bốn nghệ sĩ mau chóng trở thành hạt nhân của Trường mỹ thuật Pháp-Việt tại Paris. Trong hình: họa sĩ Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Mai Trung Thứ trước cửa galerie Van Rick, Paris.





Vũ Cao Đàm chọn ở lại Pháp - nơi ông có cảm hứng sáng tạo nên những tác phẩm hội họa và điêu khắc nổi tiếng đến khi ông qua đời năm 2000. Giữa thập niên 1940, Vũ Cao Đàm, Lê Phổ, Mai Trung Thứ đã có triển lãm tranh và tác phẩm điêu khắc tại các gallerie và hội nghệ thuật ở Paris. Tác phẩm của họ được bán với giá cao và nhận được nhiều lời ngợi khen từ các nhà phê bình. Trong hình: Một bức của Vũ Cao Đàm trong bộ sưu tập của Lan Hương.





Là một nhà điêu khắc, Vũ Cao Đàm học được nhiều từ tác phẩm của Rodin, Despiau, Giacometti, Picasso, Duchamp. Vũ Cao Đàm chứng tỏ ông xuất sắc trong thể loại tượng bán thân. Trong những năm học 1926 - 1931, Vũ Cao Đàm đã sáng tạo nhiều tác phẩm điêu khắc: Đầu thiếu nữ (đồng, 1927), Thôn nữ (đồng, 1927), tượng bán thân của Vũ Đình Thi (đồng, 1927)… Tượng bán thân bằng đồng của Victor Tardieu do Vũ Cao Đàm tạc năm 1928 được gia đình Tardieu tặng lại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội tháng 11.1997. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris năm 1946, Vũ Cao Đàm đã tạo nên tác phẩm điêu khắc Bác Hồ. Bức tượng này được gia đình ông hiến tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội vào tháng 6.1998.




Tranh của Vũ Cao Đàm thể hiện ảnh hưởng của mỹ thuật miền Nam nước Pháp - thời cực thịnh của trường phái Ấn tượng. Chính phủ Pháp sở hữu ba tác phẩm đầu tiên của Vũ Cao Đàm: một tượng đồng Người Đông Dương (đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Andre Diligent de Roubaix), hai tranh lụa (Chân dung người Hà Nội, 1939, và Đàn bà An Nam). Cả hai bức tranh đều được chính phủ Pháp mua vào năm 1939, 1940. Tranh lụa Phụ nữ khỏa thân (1935) của Vũ Cao Đàm thuộc sở hữu của Bảo tàng Nghệ thuật Singapore.




Năm 1966, UNICEF chọn in hình tác phẩm Mẫu tử của Vũ Cao Đàm làm thiệp Giáng sinh. Năm 1970, 1971, Vũ Cao Đàm tạo ra tranh in đá với phiên bản giới hạn 150.





Từ năm 1997, tác phẩm hội họa của Vũ Cao Đàm được Nhà đấu giá Sotheby và Christie quảng bá. Tranh của Vũ Cao Đàm được các nhà sưu tập Pháp, Mỹ, Anh, Úc, Singapore và Hong Kong - Trung Quốc và người Việt ở nước ngoài săn lùng và đẩy lên giá cao. Trong hình: bức “Gia đình”, 1964, sơn dầu trên vải, 100 x 80cm, của họa sĩ Vũ Cao Đàm, từng được đấu giá tại nhà Sotheby’s.





Tác phẩm Chuyện trò với giai nhân trong vườn (1939) được bán với giá 230.477 USD, thiết lập kỷ lục tại Sotheby’s Hong Kong vào tháng 4. 2008. Năm bức tranh sơn dầu của Vũ Cao Đàm đang thuộc về bộ sưu tập của Nguyễn Thị Lan Hương, Gallery Saigon. Trong hình: họa sĩ Vũ Cao Đàm và chị Lan Hương – chủ nhân gallery Sài Gòn, tại nhà của họa sĩ ở St.Paul de Vence, Pháp
- Benjamin Ngô chuyển ngữ











Tác phẩm 






































































































































Triển lãm thạch bản Vũ Cao Đàm: 
Nỗi buồn của một danh họa
Thứ Bảy, 23/06/2012 


Hôm nay (23/6), triển lãm Bộ sưu tập tranh thạch bản của Vũ Cao Đàm - họa sĩ bậc thầy của thế kỷ 20 tại tòa nhà Metropolitan (235 Đồng Khởi, TP.HCM) sẽ kết thúc. Đây là lần đầu tiên giới thưởng lãm nghệ thuật trong nước được chiêm ngưỡng lại một số phiên bản tác phẩm của một danh họa Việt Nam thời kỳ đầu. Thế nhưng, đằng sau hào quang ấy là một nỗi buồn “không của riêng ai”.

Sống ở Pháp, sáng tác kết hợp tư tưởng Đông - Tây với chủ đề Việt Nam, tác phẩm của Vũ Cao Đàm từ sớm đã tìm được chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Ví dụ, từ những năm 1940, Chính phủ Pháp đã mua 3 tác phẩm của Vũ Cao Đàm, đó là hai tranh lụa Chân dung người Hà Nội(1939), Đàn bà An Nam (1939) và tượng đồng Người Đông Dương, tượng này đặt tại Bảo tàng Mỹ thuật André Diligent de Roubaix. 





Tác phẩm Chuyện trò với giai nhân trong vườn, mực và gouache trên lụa, 85,5 x 115,5 cm, 1939.


Chưa tiêu biểu

Vũ Cao Đàm (1908-2000) có cuộc đời hoạt động nghệ thuật khá ổn định, kéo dài trong hơn 60 năm, kể từ đầu thập niên 1930. Trải qua nhiều chất liệu (điêu khắc, lụa, sơn dầu, nặn tượng, phù điêu, thạch bản, tranh giấy, sơn mài…), với hàng ngàn tác phẩm và bản in, thế mà trong triển lãm hồi cố lần đầu tiên tại quê nhà, chỉ có 15 tranh in từ thạch bản, thuộc sưu tập của một cá nhân. Thể loại thạch bản vốn dành cho những ai yêu mến họa sĩ mà không đủ tiền mua tranh thật; giá trị lớn nhất là tính lưu niệm và chữ ký của tác giả.

Đành rằng, có còn hơn không, nhưng điều này cũng làm lộ ra lỗ hổng và thiếu sót trong công việc sưu tập của các bảo tàng lớn. Đáng lẽ, với danh họa này, triển lãm hồi cố lần đầu tiên nên được tổ chức trang trọng và chuyên nghiệp hơn, thiếu tác phẩm thì phải đi mượn (điều bình thường trên thế giới), để làm sao phác họa được diện mạo và tôn vinh một tài năng đã có nhiều đóng góp cho lịch sử hội họa Việt Nam. Muốn làm được điều này, tất nhiên cần sự tham dự của định chế văn hóa và bảo tàng, với các sách lược bài bản, không thể chỉ trông chờ một vài cá nhân như nhà sưu tập Lan Hương lần này.

Tòa nhà Metropolitan chắc chắn có nhiều khán phòng sang trọng, tương xứng với tên tuổi và tài năng của Vũ Cao Đàm. Thế nhưng, việc tổ chức ngay sảnh ra vào, nơi có hàng ngàn người vì công việc khác phải đi qua đây, lại là một hình ảnh không được đẹp; đó là chưa nói nếu đúng ngày mưa, tuy không bị ướt, nhưng thấy quá buồn. Tôi ngồi cà phê kế bên quan sát gần như cả ngày 17/6 - một ngày mưa, khách của Metropolitan vào ra rất nhiều, số người quan tâm tới những bức tranh kế bên lối đi của họ thì khá ít. Điều này còn làm phân tâm những người thực sự muốn thưởng lãm hoặc đến mua tranh.

Điều làm cho Vũ Cao Đàm trở nên đặc sắc trong thị trường quốc tế (nếu có) là ở tranh lụa giai đoạn 1930-1952 và tượng bán thân, triển lãm này chưa thể hiện được điều đó. Mà có muốn làm bài bản hơn thì cũng rất khó, vì ở Việt Nam tác phẩm của Vũ Cao Đàm khá khan hiếm, chẳng biết mượn ở đâu để trưng bày.

Bị hoài nghi?

Một tác phẩm của Vũ Cao Đàm là Chuyện trò với giai nhân trong vườn(1939) từng được bán với giá 230.477 USD tại Sotheby’s ở Hong Kong hồi tháng 4/2008. Với giá bán này, có thể nói một số tác phẩm đẹp và hiếm của Vũ Cao Đàm đã thuộc diện cao giá nhất Việt Nam, có thể xếp cùng Nguyễn Gia Trí, Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh… Nhưng cần lưu ý rằng, số tác phẩm như vậy ở mỗi họa sĩ thường không nhiều, vì số nhiều vẫn là tác phẩm “lót đường”, nghĩa là nó được vẽ cùng thời với tác phẩm đỉnh cao, nên na ná về chủ đề và phong cách. Đó là chưa nói, khi bước qua thời kỳ đỉnh cao và chất liệu tiêu biểu (mà Vũ Cao Đàm là lụa, tượng bán thân), các tác phẩm khác khó mà đạt giá cao như vậy.

Có một nỗi buồn nữa, đó là 2-3 năm gần đây, tác phẩm của Lê Phổ, Mai Trung Thứ và Vũ Cao Đàm đã qua “cơn sốt” tại một số nhà đấu giá ở Hong Kong, Singapore… Có mấy lý do, đầu tiên, tác phẩm “hot” nhất của họ là tranh lụa (giai đoạn đầu), vốn khan hiếm, gần đây giá lên cao, nên ít có người mua và bán. Thứ hai, với tranh sơn dầu, thì chủ đề và cách vẽ thường lặp lại, sau 10 năm lên sàn đấu giá, người mua đã bớt hào hứng. Thứ ba, dù sống tại Pháp, với đạo đức bản thân và những ràng buộc của thị trường, mấy ông đã thoát được cám dỗ làm giả, thế nhưng gần đây đã xuất hiện tranh giả (do các nhà buôn làm), khiến người mua khá e dè. Trong 3-4 phiên đấu gần đây ở khu vực, tranh của mấy ông xuất hiện khá khiêm nhường, với giá khởi điểm không còn cao như 5-10 năm trước.

Chính vì những lý do như vậy, vượt qua những khiếm khuyết vốn có, triển lãm phiên bản in lần này trở thành cái cớ để chúng ta tưởng tượng về diện mạo một thời của danh họa Vũ Cao Đàm. 


Văn Bảy











Họa sĩ Vũ Cao Đàm ký tranh Thạch bản









Lụa 1930







Họa sĩ nổi tiếng tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương



Bùi Trang Chước · Bùi Xuân Phái · Cát Tường · Công Văn Trung · Diệp Minh Châu · Dương Bích Liên · Hoàng Lập Ngôn · Hoàng Tích Chu · Huỳnh Văn Gấm · Lê Phổ · Lê Văn Đệ · Lương Xuân Nhị · Mai Trung Thứ · Nam Sơn (hoạ sĩ) ·Nguyễn Đỗ Cung · Nguyễn Gia Trí · Nguyễn Khang · Nguyễn Phan Chánh · Nguyễn Sáng · Nguyễn Thị Kim · Nguyễn Tư Nghiêm · Nguyễn Tường Lân · Nguyễn Văn Tỵ · Phan Kế An · Tạ Tỵ · Tô Ngọc Vân · Trần Đình Thọ · Trần Văn Cẩn ·Vũ Cao Đàm







MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.