Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2015

Vũ Đình Liên (1913 - 1996)















Vũ Đình Liên
(12/11/1913 - 18/01/1996)
Hưởng thọ 83 tuổi
Nhà thơ, Nhà giáo













Tiểu sử




Vũ Đình Liên sinh tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

Ông đỗ tú tài năm 1932, từng dạy học ở các trường: Trường tư thục Thăng Long, Trường Gia Long, Trường nữ sinh Hoài Đức để kiếm sống. Ông học thêm trường Luật đỗ bằng cử nhân, về sau vào làm công chức ở Nha Thương chính (còn gọi là sở Đoan) Hà Nội.

Năm 1936, ông được biết đến với bài thơ "Ông đồ" đăng trên báo Tinh Hoa

Sau Cách mạng tháng Tám, ông tham gia giảng dạy nhiều năm và từng là chủ nhiệm khoa tiếng Pháp của Đại học Quốc gia Hà Nội [2].

Ngoài thơ ông còn hoạt động trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học và dịch thuật. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam









Tác phẩm


Một số bài thơ:





Ông đồ


Lòng ta là những hàng thành quách cũ


Lũy tre xanh


Người đàn bà điên ga Lưu xá...


Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam 
(cùng Nhóm Lê Quý Đôn-1957) [3]


Nguyễn Đình Chiểu
(1957)


Thơ Baudelaire
(dịch-1995)



Mặc dù được biết đến trong phong trào Thơ mới nhưng Vũ Đình Liên chưa xuất bản một tập thơ nào. Đầu năm 1941, trong một bức thư gửi Hoài Thanh, lúc Hoài Thanh làm cuốn Thi nhân Việt Nam, Vũ Đình Liên viết "Tôi bao giờ cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có chút giá trị gì nên đã lâu tôi không làm thơ nữa". Hoài Thanh nhận xét Vũ Đình Liên hạ mình quá đáng, nhưng ông cũng hiểu nỗi đau của Vũ Đình Liên [4]. Những bài thơ hiếm hoi được biết đến của ông đều mang nặng nỗi niềm hoài cổ, về luỹ tre xưa, về thành quách cũ và "những người muôn năm cũ". Hoài niệm của ông cũng là nỗi niềm của nhiều người và bức tranh bằng thơ về Ông Đồ vẫn sẽ còn tồn tại với thời gian:...

 
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ 
Hồn ở đâu bây giờ?





Chú thích


1-Nhà thơ Vũ Đình Liên: Ông đồ vẫn ngồi đấy...
2-Ở khoa tiếng Pháp trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội có một hội trường mang tên ông.
3-Gồm Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu, Lê Thước, Trương Chính, Lê Trí Viễn.
4-Thi nhân Việt nam 1932-1941 (Hoài Thanh-Hoài Chân).











Ông Đồ


Mỗi năm hoa đào nở 
Lại thấy ông đồ già 
Bày mực tàu, giấy đỏ 
Bên phố đông người qua 

Bao nhiêu người thuê viết 
Tấm tắc ngợi khen tài 
Hoa tay thảo những nét 
Như phượng múa, rồng baỵ 

Nhưng mỗi năm, mỗi vắng 
Người thuê viết nay đâu 
Giấy đỏ buồn không thắm 
Mực đọng trong nghiên sầu 

Ông đồ vẫn ngồi đấy 
Qua đường không ai hay 
Lá vàng rơi trên giấy 
Ngoài trời mưa bụi bay 

Năm nay đào lại nở 
Không thấy ông đồ xưa 
Những người muôn năm cũ 
Hồn ở đâu bây giờ?










Giữa ban ngày đốt đuốc, Tìm một tấm lòng nhân 


Phạm Việt Hưng 
26/01/2009 






                                                      
 Thiêu thân nghệ thuật là duyên nghiệp 
 Đốt trái tim trầm gửi gió hương
 (Vũ Đình Liên)


Cứ mỗi năm TẾT đến, người ta lại nghĩ tới Ông Đồ của bác Vũ Đình Liên. Riêng tôi, tôi cảm thấy ân hận vô cùng vì đã quá dốt để không sớm hiểu được bài thơ bất hủ đó cùng chân dung tác giả của nó.



Nhà thơ Vũ Đình Liên (1913 – 1996), tác giả bài thơ “Ông Đồ”



         Tôi họ Phạm, bác Liên họ Vũ, nhưng tôi là một đứa cháu trong họ gọi bác bằng bác: Thân mẫu của bác Liên là chị ruột của Ông nội tôi.
         Sinh thời, bác Liên và bố tôi thường đến thăm nhau, rất quý mến trân trọng nhau, và tôi thường được bố tôi cho “cắp tráp theo hầu” những dịp đến thăm bác tại ngôi nhà ở góc phố Trần Nhân Tông – Bà Triệu. Bố tôi hơn bác Liên 8 tuổi, nhưng lễ nghĩa họ hàng anh em đâu ra đấy. Về nghề nghiệp, hai cụ khác nhau hoàn toàn, bác Liên là một nhà thơ, tâm hồn đầy ắp chất nghệ sĩ, bố tôi là một chuyên gia kết cấu công trình, tâm hồn say mê khoa học, nhưng mỗi khi hai cụ ngồi với nhau thường trò chuyện rất lâu, bàn luận không dứt. Hồi ấy tôi còn bé, không hiểu chuyện người lớn, nhưng mãi sau này mới vỡ nhẽ ra rằng, ngoài tình anh em họ hàng, hai cụ còn đặc biệt hợp nhau ở tấm lòng nhân hậu thương người.
         Họ Phạm tuy là họ ngoại của bác Liên, nhưng cùng gốc Châu Khê, Hải Dương với họ Vũ của bác Liên, cùng di cư về Hànội từ mấy thế kỷ trước lập nên phường Hàng Bạc Hànội ngày nay. Vì thế, bác Liên rất gần gũi với bên ngoại. Gần đây, anh Vũ Đình Dương, con trai thứ hai của bác Liên, có kể cho tôi nghe rằng bà nội của anh là một người đàn bà rất mực nhân hậu, và bố anh chịu ảnh hưởng rất nhiều về tình cảm và tính cách từ mẹ đẻ của mình. 
         Nhưng những chuyện đó đâu có hấp dẫn tôi thời trẻ? Tuổi trẻ tham lam và dại dột biến tôi thành một đứa cháu hư, bởi vì tôi có nhiều dịp được ở gần bác nhưng chẳng hiểu gì về bác, không hề cảm nhận được bầu tâm sự chất chứa trong tâm hồn rất mực nghệ sĩ và đầy ắp lòng nhân ái của bác. Lúc tôi hiểu rõ bác là ai thì đã muộn, bác đã ra đi rồi. Chỉ đến khi tuổi đời thật sự đủ chín, và chỉ sau khi được đọc những tài liệu người đời viết về bác, tôi mới giật mình nhận ra lỗi của mình. Ông Đồ của bác đã được đưa vào sách giáo khoa cho học sinh, thủa nhỏ tôi cũng được học, nhưng có hiểu gì đâu, có cảm động gì đâu, chỉ cảm nhận được đôi chút vần điệu mà thôi. Tôi quả là một thằng học trò dốt và hư. Mãi sau này, khi đã từng trải, chính bản thân mình thấy xót xa đau buồn khi phải chứng kiến những giá trị truyền thống dần dần mất mát, lụi tàn, đổ vỡ thì mới bừng tỉnh ra rằng bác mình đã nhận thấy điều đó từ hơn ba phần tư thế kỷ trước đây! Trái tim đôn hậu của bác đã sớm nhậy cảm hơn bất cứ ai trước cảnh ngôi nhà văn hoá truyền thống ngày càng bị hư hỏng, xiêu vẹo, dột nát.
         Ngày nay, mỗi lần Tết đến, chứng kiến cảnh tượng xã hội đua nhau “chơi” thư pháp, tôi lại càng buồn, càng xót xa, vì biết rõ rằng đó chỉ là một cái “mốt thời thượng” tỏ ra “hoài cổ” chứ có mấy ai hiểu gì thư pháp nữa đâu. Làm gì còn thư pháp nữa, bởi vì nền văn hoá chữ Nho đã chết hẳn rồi, chết từ lâu rồi, đúng như lời bác Liên chua chát thốt lên “những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ” …
         Khi bác còn sống tôi đã chẳng làm được điều gì để cho bác thấy lũ con cháu biết suy nghĩ như bác, tôi thấy ân hận vô cùng. Thú thật, khi đã biết xúc động trước LÒNG NHÂN hiếm có ở bác – một lòng nhân dẫu có đốt đuốc giữa ban ngày cũng khó tìm thấy trong thời buổi công-nghệ-trị và đô-la-trị như ngày nay – tôi thấy xấu hổ với bản thân. Tại sao bác mình có thể sống thanh bạch và giầu lòng thương người đến thế, xúc động và chia sẻ với những số phận đau khổ đến tận cùng như thế, trong khi mình thì suốt ngày chỉ biết lo toan ích kỷ, tính toán chạy chọt kiếm miếng ăn, giành giật lợi lộc, bằng cấp, địa vị, danh vọng, bằng mọi giá cho bản thân, hoặc quá lắm là cho vợ con? Suy nghĩ ấy làm cho tôi cảm thấy tự khinh bỉ mình, tự xếp mình vào loại người thấp hèn “chỉ biết chăm lo cho bộ da của mình”, và tự trách mình không sớm ngộ ra giá trị căn bản của đời người là LÒNG NHÂN chứ đâu phải bất kỳ một thứ vinh hoa phú quý nào khác!


Mỗi năm hoa đào nở, Lại thấy ông đồ già, …



         Nay bác chẳng còn nữa để mà nói được với bác đôi lời cho bác vui, vài lời an ủi cho bác đỡ buồn trước cảnh tượng một nền văn hoá từng một thời huy hoàng nay dần dần mai một. Thôi thì cứ tin rằng ra đi khỏi thế giới này không phải là hết, rằng linh hồn bác đang ở đâu đó, và bác đọc được nỗi ân hận của tôi, bác bảo “muộn còn hơn không bao giờ” (Mieux vaut tard que jamais!). Tôi hy vọng rằng, nếu ai đó


giữa ban ngày đốt đuốc,
tìm một tấm lòng Nhân,


         thì rồi ít nhất cũng sẽ gặp được một người, đó là bác Liên!
         Người ta nói “Bụt chùa nhà không thiêng”, nhưng bác Liên đối với tôi là một ông Bụt “chùa nhà” rất thiêng. Tôi có suy nghĩ đó là nhờ được nghe và đọc nhiều điều tốt đẹp về bác, trong đó có những bài viết rất hay, rất cảm động, chẳng hạn như những bài sau đây:
                Bài 1: Ngày Tết kể chuyện về tác giả bài thơ Ông Đồ, của hoạ sĩ Bùi Thanh Phương (con trai cố hoạ sĩ danh tiếng Bùi Xuân Phái).

         Bài 2: Giáo sư-Nhà giáo nhân dân Vũ Đình Liên, của Nguyễn Như An, nhân kỷ niệm 100 Đại Học Quốc Gia Hànội.

         Bài 3: Những kỷ niệm cuối đời của nhà thơ Vũ Đình Liên với Bình Định, của Nguyễn Xuân Nhân, báo Bình Định.
         Bài 4: Vũ Đình Liên, của Vũ Quần Phương, nhà thơ kiêm phê bình văn học.

         Tôi xin phép các tác giả nói trên được giới thiệu lại nguyên văn các bài báo đó dưới đây để có thêm nhiều độc giả được biết. Xin được lượng thứ vì sự xin phép không báo trước này, và xin cảm tạ vì sự lượng thứ đó.

         Tôi cũng chân thành cảm ơn độc giả vì sự chia sẻ những suy nghĩ trong bài viết này.
                                                     Tết Kỷ Sửu 2009, Phạm Việt Hưng



 Năm nay đào lại nở, Không thấy Ông Đồ xưa …




Bài 1: Ngày Tết kể chuyện về tác giả bài thơ Ông Đồ[1]

Tác giả: Bùi Thanh Phương, hoạ sĩ,
(Con trai cố hoạ sĩ danh tiếng Bùi Xuân Phái)



         Bùi Xuân Phái và Vũ Đình Liên là đôi bạn tâm giao cùng hoài cảm cảnh xưa người cũ. Trước đó khi họ chưa gặp nhau, tình cờ Bùi Xuân Phái đọc được bài thơ Ông Đồ, họa sĩ có cảm hứng và vẽ bức tranh Ông Đồ xuất thần đến độ chính ông Vũ Đình Liên cũng phải thừa nhận lột tả cái thần hay hơn cả bài thơ của ông. Sau đó, nhà thơ Vũ Đình Liên có làm bài thơ "Gửi Bùi Xuân Phái" :


Người bảo tranh anh vốn sẵn buồn
Như thơ tôi vẫn cứ thương thương
Anh, tôi đâu phải không vui lắm
Nhân thế vì rằng chửa sướng luôn
Còn lẽ loài người da bọc thịt
Há như giống sói mõm phanh sườn
Thiêu thân nghệ thuật là duyên nghiệp
Đốt trái tim trầm gửi gió hương 
 

         Trước khi viết bài thơ Ông Đồ, nhà thơ Vũ Đình Liên, có sáng tác một bài thơ rất cảm động nhan đề Hồn Xưa. Bài này rất ít người biết, lục tìm trong tuyển thơ của Vũ Đình Liên cũng không thấy có, nên chỉ có thể tìm đến sổ tay của người yêu thơ :


Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay
Như khêu gợi nỗi niềm thương tiếc
Những cảnh và những người đã chết
Tự bao giờ mà nay biết tìm đâu
Những cảnh xưa rực rỡ đến trăm màu
Mà êm ả, mà tưng bừng, mà bé nhỏ
Đẹp như bức tranh, hay như bài thơ cổ
Những ngày xưa yên lặng nhẹ nhàng
Có những điều ước vọng mơ màng
Mà bây giờ chúng ta không còn nữa
Nhưng biết tìm đâu những cảnh xưa người cũ
Lặng lẽ bên đường lá rụng mưa bay.
 




Từ trái qua phải: Trần Văn Lưu, Vũ Đình Liên, Bùi Xuân Phái 


 

         Nhà thơ Vũ Đình Liên là người gốc Hải Dương nhưng lại sinh ra ở Hà Nội (1913-1996), nhà ông ở phố Hàng Bạc. Vốn là một hàn sĩ, đi dậy học, nhưng có bằng tú tài Pháp và từng học luật. Ông còn là chủ bút báo Tinh Hoa. Vũ tiên sinh làm thơ từ khi còn rất trẻ. Bài thơ Ông Đồ được nhà thơ làm khi tóc vẫn còn xanh và nói tới Vũ tiên sinh là người ta nhớ ngay đến Ông đồ và chỉ Ông đồ cũng đã đủ tôn xưng một nhà thơ.

         Nhớ về nhà thơ Vũ Đình Liên, tôi thấy ông có tấm lòng bao dung và thương yêu người nghèo hiếm có khó tìm. Thủa ấy, cá tính của Vũ tiên sinh thường bị mọi người cho là gàn, leng keng. Thời bao cấp, hễ cơ quan phân phối cho ông cân thịt hay mét vải, thế là ông cầm nó và hăm hở đi khắp trong thành phố tìm người hành khất đầu tiên mà ông gặp để cho. Ngày Tết, Vũ tiên sinh bỏ nhà đi, ông đem theo mấy chiếc bánh chưng đi du hành cùng với ... túi thơ, tình cờ nhà thơ gặp một người đàn bà điên đang đi ăn xin. Vũ tiên sinh bóc bánh chưng và mời người đàn bà điên cùng ăn, và rồi nhà thơ họ Vũ đề nghị được kết nghĩa chị em với người đàn bà điên ấy. Sau đó nhà thơ có sáng tác tập thơ với tiêu đề "Người đàn bà điên ga Lưu Xá" và đem tập bản thảo đó nhờ Bùi Xuân Phái trình bày bìa và bên trong có những phụ bản minh họa đẹp tuyệt vời. Tôi có được xem cả tập thơ ấy và những tác phẩm minh họa của BXPhái. Rất tiếc là sau khi Vũ Đình Liên qua đời, tập thơ "Người đàn bà điên ga Lưu Xá" cùng với những họa phẩm độc đáo của danh họa Bùi Xuân Phái cũng đi theo "Những người muôn năm cũ", và không ai biết được tập bản thảo ấy "Hồn ở đâu bây giờ ? "
         Vài mẩu chuyện vui về nhà thơ Vũ Đình Liên:
         · Một lần nhà thơ Vũ Đình Liên hớn hở đến nhà Bùi Xuân Phái khoe kể chuyện ông vừa được vinh danh là ông hoàng. Mọi người ngạc nhiên hỏi khi nào ,bao giờ,ở đâu, thì Vũ tiên sinh kể :
         -Vừa mới đây thôi, khi tôi đang đi bộ lững thững dưới lòng đường thì bị một anh lái xe thò đầu ra cửa kính, quát lên :" Nhà ông này sao đi nghênh ngang như ông hoàng " nhà thơ tỏ ra thích thú vì theo ông "Chưa bao giờ có ai gọi mình là ông hoàng". Nghe vậy, có người góp ý "Ông hoàng sao bằng nhà thơ ."Vũ Đình Liên ngẩn ra vì sướng, ông vỗ tay vào đùi, nói :
         -Ừ, đấy là tôi kể chuyện thời sự nó vừa xẩy ra trên đường mình đi, chứ bảo tôi hoán đổi chức danh nhà thơ để trở thành ông hoàng, xin thưa, không bao giờ tôi thèm.
         · Nhà thơ Vũ Đình Liên cứ sáng tác được bài thơ nào thì người đầu tiên phải chịu trận,nghe thơ của ông lại là Bùi Xuân Phái. Nhà thơ trèo lên căn gác xép của họa sĩ và đọc thơ vang lên ở trên đó, chính Vũ tiên sinh cũng có câu thơ mô tả hình ảnh này:  
Gác treo tám thước nhà anh Phái
Một tiếng thơ ngâm sóng gió đầy
 Và hầu như bài thơ nào của Vũ Đình Liên cũng được Phái vẽ minh họa. Thời các ông chưa có máy photocopy, nên muốn tự ra một tập thơ, nhà thơ phải chép tay ra vài ba quyển để tặng bạn bè, và cũng lại do BXPhái trình bày bìa . Thế nên Vũ Đình Liên cũng có bài thơ "Sách chửa kịp in đã có bìa".
                · Nhớ có lần BXPhái đã vẽ bức tranh để minh họa cho bài thơ của Vũ Đình Liên. Khi BXP vẽ xong bức tranh ấy, ông chọn một câu trong bài thơ "Đốt Trái Tim Trầm Gửi Gió Hương" và ông vẽ chữ lên bức tranh đó (người ta vẫn nói vui như thế, vì chữ viết của ông trên tranh trông như vẽ chứ không phải là viết). Sau đó có người khách hỏi mua, BXP nói :
         - Đã mang tinh thần: "Đốt Trái Tim Trầm Gửi Gió Hương" vậy mà bây giờ còn muốn đem ra mua bán sao? Như thế chỉ là người muốn nói cho sướng cái miệng mà thôi.
         BXPhái bèn sai tôi cầm bức tranh đó đi tìm nhà thơ Vũ Đình Liên để giao gửi tác phẩm ấy cho nhà thơ.
         · Một lần Bùi Xuân Phái có việc gấp phải đi ra khỏi nhà, ông đi ra cổng thì chạm trán Vũ Đình Liên đi vào. Bùi Xuân Phái tế nhị, muốn tránh cho bạn khỏi phải nhận lời xin lỗi của mình, ông vội trèo lên cái cối đá vốn nằm úp ở sân và Phái đứng im, giả làm bức tượng. Vũ tiên sinh lững thững đi qua "bức tượng" mà không hề hay biết gì.





Bài 2: GS. NGND Vũ Đình Liên: Thầy giáo tiếng Pháp với bài thơ "Ông Đồ"[2]


Tác giả: Nguyễn Như An (Đại học quốc gia Hànội)



         Mùa xuân 1962, tôi công tác ở Tổ Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi xin phép được dự thính lớp chuyên tu Pháp văn, đào tạo chuyên gia tiếng Pháp đi dạy học ở châu Phi.
         Lần đầu tiên tôi được học với một người thầy, dáng tầm thước, ăn mặc giản dị, giảng tiếng Pháp lưu loát, sang sảng. Đó là GS. Vũ Đình Liên.
         Chính thầy là tác giả bài thơ "Ông đồ" đăng trên báo Tinh hoa năm 1936. Bài thơ "Ông đồ" có tiếng vang lớn, mở đầu phong trào Thơ mới ở nước ta. Trong làng Thơ mới, lớp học trò chúng tôi nhớ nhất, thuộc nhất bài thơ "Ông đồ" của thầy Vũ Đình Liên, bài "Lời kỹ nữ "của Xuân Diệu, "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư, "Nhớ rừng" của Thế Lữ, "Tiếng địch sông Ô" của Phạm Huy Thông và "Tràng giang" của Huy Cận. Bài thơ "Ông đồ" của thầy đã dẫn dắt chúng tôi bước vào mùa xuân, đi chợ Tết và tấm tắc khen tài của thầy đồ nho viết câu đối Tết:


"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay...".


         Nhưng rồi đọc đến khổ thơ kết thứ 5, lòng tôi xúc động sững sờ, bần thần như gặp nguồn thi cảm hoài cổ, nhớ thương của thầy chan chứa trong thơ.

         Thầy nhớ cảnh cũ, người xưa, thương cho thân phận ông giáo dạy chữ Hán đã hết thời, tiều tụy, đáng thương chuyển sang nghề viết thuê mà không đắt!


"Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?"
 

         Thật là tiếng lòng thảng thốt, xót xa như chính thầy đã tự thốt ra: "Ông đồ, ông chính là cái di tích tiều tụy, đáng thương của một thời tàn" (Lời thư của Vũ Đình Liên ngày 9.1.1941).

         Tác giả bài thơ "Ông đồ" nổi tiếng đó chính là người đã xây đắp nền móng cho phong trào Thơ mới của Việt Nam từ những năm 36 của thế kỷ XX, đồng thời là một "lương sư" mẫu mực từ trường phổ thông đến trường đại học, là giáo sư đào tạo chuyên gia tiếng Pháp cho ngành giáo dục Việt Nam.
         Nhà thơ, NGND Vũ Đình Liên sinh ngày 12.11.1913 (tức ngày 15.10 năm Quý Sửu) ở Hà Nội. Quê gốc của thầy ở Châu Khê, Bình Giang, Hải Hưng với dòng họ Vũ giàu truyền thống văn hiến. Thuở ấu thơ, thầy là một học trò giỏi có tiếng ở đất Hà thành. Đỗ tú tài trường Bưởi năm 1932, thầy dạy học ở các trường tư thục Thăng Long, Gia Long, Trường nữ sinh Hoài Đức vừa để kiếm sống vừa có điều kiện học Đại học Luật. Thời gian này, Vũ Đình Liên cũng bắt đầu xuất hiện như một nhà thơ, nhà báo trên báo Phong hoá của Đoàn Phú Tứ, và một số báo khác như Phụ nữ thời đàm, Tinh hoa... Ông chủ trương mở Tạp chí Giáo dục bằng tiếng Pháp: Revue Pédagogique.
         Cách mạng tháng Tám 1945 đã đổi đời tác giả bài thơ "Ông đồ". Thầy hăng hái rong ruổi trên đường kháng chiến. Năm 1946 - 1948, thầy làm Uỷ viên Uỷ ban hành chính - kháng chiến huyện Ân Thi (Hải Hưng), năm 1948 - 1950 là Hội trưởng Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác Liên khu III. Từ năm 1950 đến năm 1953, thầy trở lại với nghề sư phạm, làm giảng viên Trường Trung cấp Sư phạm. Năm 1953 đến 1956, thầy được cử giữ chức Trưởng Phòng Huấn học Nha giáo dục phổ thông. Năm 1956 đến 1957, thầy giữ nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ Văn học - Ban Tu thư thuộc Bộ Giáo dục. Năm 1957, thầy được bầu làm Tổ trưởng Tổ Giáo học pháp Khoa Văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và năm 1962 thầy làm Chủ nhiệm Khoa Pháp để đào tạo giáo viên làm chuyên gia tiếng Pháp cho các nước châu Phi, châu Mỹ - Latinh, châu Đại Dương. Từ năm 1969, thầy được điều động làm cán bộ nghiên cứu khoa học, đảm nhiệm việc nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng giáo viên cho đến lúc nghỉ hưu.
         Có thể nói GS. Vũ Đình Liên là một con người nhân ái, bao dung, bao quát trên 2 cương vị: Nhà thơ để lại nhiều tập thơ và đặc biệt là bài thơ "Ông đồ" bất hủ, sống mãi với thời gian; nhà giáo từ phổ thông đến đại học, một lương sư mẫu mực, nhuần nhuyễn văn hoá - ngôn ngữ Pháp. Hai cương vị đó hài hoà, gắn bó vào con người và cuộc đời của thầy. Con người đó, cuộc đời đó càng rạng rỡ, chói sáng sau Cách mạng tháng Tám quang vinh.
         ... Tôi nhớ mùa xuân 1962, nghe thầy giảng tiếng Pháp ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi phấn chấn tự hào rằng: "Ông đồ" ngày nay, trải qua cuộc thử thách 9 năm kháng chiến chống Pháp và mấy năm hoà bình xây dựng đất nước đã tỏ ra sáng láng, tài ba, sáng tạo, đang mở rộng tầm nhìn của mình vượt khỏi bờ tre, chợ búa, đường phố đến tận đất trời xa xôi, sang tận châu Âu, châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Đại Dương.
         Chính tác giả bài thơ "Ông đồ" đang dồn tâm huyết, dốc trí tuệ để đào tạo đội ngũ chuyên gia giáo dục Việt Nam đi phát triển văn hoá, văn minh nhân loại thông qua Pháp ngữ. Khi làm chuyên gia giáo dục đại học tại châu Phi, tôi tình cờ tự hào đọc trong tập san "Jeune Afrique" (châu Phi trẻ tuổi) bài viết giới thiệu bài thơ "Ông đồ" và tác giả tài năng mẫn cảm - thi sĩ Vũ Đình Liên!
         Bài thơ "Ông đồ" và tác giả đã được các báo chí nước ngoài giới thiệu qua gần 10 thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Trung, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Ả Rập... Thật là một bài thơ bất hủ của nhà thơ, nhà giáo Vũ Đình Liên.
         Khi chiến tranh leo thang của không quân Mỹ mở rộng ra miền Bắc nước ta, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sơ tán về các vùng nông thôn, xa Thủ đô. Thầy vẫn hằng ngày đi giảng dạy tiếng Pháp không phải ở nơi giảng đường khang trang mà trong các ngôi đình làng hay các lán trại ẩn dưới các lùm cây xum xuê. Giọng thầy vẫn sang sảng giảng tiếng Pháp, đọc thơ Lamartine, Baudelaire, Victor Hugo như một nguồn đam mê bất tận ...
         Mãi đến năm 1975, lúc đó thầy đã 63 tuổi, về hưu và ở tạm căn nhà 3 gian thuộc thôn Tiền, cách Trường Đại học Sư phạm Hà Nội khoảng 300m. Thầy vẫn cặm cụi làm thơ, dịch thơ tiếng Pháp, đọc sách báo mặc dầu đôi mắt thầy đã mờ, thị lực giảm sút. Chúng tôi thường đến thăm thầy ở đó và thầy vui vẻ, thân mật, vồn vã trò chuyện khoe với chúng tôi những vần thơ thầy mới sáng tác ngay trên bàn án thư kê ở góc sân dưới bóng chiều xuân ấm áp. Thầy cho chúng tôi xem tập thơ văn khá dày dặn được chuẩn bị công phu "Người kỹ nữ cầu Trò" vẫn chưa được dịp ra mắt độc giả. Thầy xúc động trình bày quá trình hình thành tập thơ "Đôi mắt" đã được xuất bản năm 1975 cùng với 2 công trình nghiên cứu văn học của thầy: "Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam" (đồng tác giả với nhóm Lê Quý Đôn) và "Nguyễn Đình Chiểu - nhà chí sĩ yêu nước".
         Thầy thổ lộ: "Hạnh phúc lớn nhất cuộc đời nhà thơ, nhà giáo của tôi là được chia sẻ niềm vui và nỗi buồn với tất cả mọi người". Đúng vậy, trong bài thơ "Gửi Bùi Xuân Phái"(Nhà họa sĩ từ cảm hứng mà bài thơ "Ông đồ" mang lại đã vẽ nên bức tranh độc đáo về ông đồ), thầy có hai câu thơ kết thể hiện lý tưởng làm thơ, làm nghệ thuật của mình:


"Thiêu thân nghệ thuật là duyên nghiệp
Đốt trái tim trầm gửi gió hương!"

         Nhắc nhở mình, đồng thời cũng để dặn dò các giáo viên chúng tôi, Ông tâm sự: "Giáo dục có một vấn đề chung, một quan niệm chung là phải yêu đời và luôn luôn lạc quan. Đó là lý tưởng của tôi. Nhưng hiện nay, dường như ta bắt gặp nhiều hiện tượng buồn hơn là vui... Dù vậy, tôi vẫn tin rằng nền giáo dục nước ta sẽ có thay đổi đáng kể trong thời gian tới. Để được như vậy, theo tôi điều đầu tiên là phải gây lại tình thương trong thời buổi thực dụng. Tiên học lễ thì hậu mới có thể học văn".

         Cuộc sống của nhà giáo, nhà thơ Vũ Đình Liên thật giản dị, khiêm nhường, lạc quan, ưu ái với mọi người, gần gũi yêu thương học trò. Hình như cuộc đời thầy, thầy không thắc mắc, so đo, tính toán cho mình mà chỉ có tình thương bao dung với bao số phận, từ Ông đồ hiu quạnh của một thời tàn đến những trẻ em lang thang mồ côi, không mái ấm gia đình, không nơi nương tựa, không được đến trường học. Ghi nhận tài đức, công lao đóng góp của thầy vào sự nghiệp giáo dục đào tạo, Nhà nước ta phong tặng thầy danh hiệu cao quý - Nhà giáo nhân dân đúng vào Ngày nhà giáo Việt Nam (20.11) năm 1991.
         Nhân dịp lễ phong tặng đó, một cử chỉ đẹp đẽ, một biểu hiện trong sáng về lòng vị tha, bác ái của thầy đã làm cho bao nhiêu thầy giáo, bao nhiêu thế hệ học trò thán phục.
         Thầy đưa đôi bàn tay gày guộc tiếp nhận bằng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, ấp vào tim mình, vui mừng cảm động đến ứa nước mắt. Mười triệu đồng tiền thưởng kèm theo thì thầy tặng lại cho quỹ giúp đỡ học trò nghèo. Mặc dầu gia tài của thầy những năm tháng cuối đời có lẽ không hơn gì ông đồ xưa, cần giữ lại phần thưởng trọn đời làm thầy giáo đó để tĩnh dưỡng tuổi già sức yếu?
         Nhưng không, thầy tự nguyện gửi tặng cho trẻ em nghèo tất cả. Mà đâu chỉ có thế! Lòng ưu ái thấm sâu vào trái tim thầy, thể hiện trong sự thầm lặng ngậm ngùi đối với trẻ em thất học, lang thang trên hè phố. Hằng năm cứ đến sáng mồng một Tết Nguyên đán, thầy xuất hành kèm theo cái túi vải đựng dăm chiếc bánh chưng, một vài gói mứt kẹo, bánh ngọt, thầy đi ra các ngả phố vắng và công viên để mừng tuổi, chúc mừng xuân mới cho những cuộc đời và số phận của trẻ mồ côi, không gia đình, không nơi nương tựa. Bỗng nhiên, tôi chợt nhớ lại buổi chiều xuân đến thăm thầy nơi sơ tán, nghe thầy say sưa giảng tiếng Pháp trong ngôi đình cổ của làng quê thân thiết, tôi làm bài thơ tứ tuyệt, mở đầu bằng hai câu đối để tôn vinh thầy và ghi vào sổ tay thơ của mình để một mình mình đọc, một mình mình suy ngẫm và noi gương thầy, lo tu dưỡng, học tập, nghiên cứu khoa học.


"Đình trung sang sảng giảng tiếng Pháp,
Liên tưởng ngẩn ngơ mơ ông đồ.
Đức cao ưu ái hay ban phát,
Độ lượng thương người, quý tự do!"

         Tấm lòng ưu ái, độ lượng, thương người, quý tự do của thầy, chúng tôi vô cùng cảm phục, tôn vinh thầy như một vị tiên Phật vậy.

         Trong khoảng hơn 1000 bài thơ viết tay của thầy để lại cho con cháu, có rất nhiều bài thơ biểu lộ tình thương đồng loại một cách huyền thoại đối với những kẻ "Thân tàn ma dại" đối với "Người đàn bà điên", "Người kỹ nữ cầu Trò", đối với những "Đứa trẻ ăn mày".
         Đạo lý quên mình vì người khác và gương sáng hiếu học của thầy đã được truyền lại cho các con, các cháu noi theo. Hai người con trai của thầy đã nối nghiệp người cha kính yêu. Anh Vũ Đình Quỳ là giảng viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, anh Vũ Đình Dương là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Năm cháu nội của thầy đã theo gương ông mà học tập thành đạt trở thành cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó có cháu Vũ Thị Hiền là giảng viên Ngôn ngữ ở một trường đại học ở Tiệp Khắc, cháu Vũ Hương Giang tốt nghiệp thạc sĩ ở Australia, cháu Vũ Thị Hằng, tiến sĩ khoa học, giảng viên Đại học Quốc gia Australia.
         Tình thương con cháu, sự giáo dục truyền thống gia đình của thầy đọng lại trong nhiều bài thơ ấm áp tình người. Tình thương yêu học trò từ bậc phổ thông đến bậc đại học đã được Vũ Đình Liên ghi lại qua những bài thơ của học trò viết về ông và những bài thơ ông viết về học trò trong tập bản thảo "Nghệ thuật tình thương, tình bạn". Ông đã để lại cho con cháu tập thơ viết tay và dặn dò con cháu lưu giữ tình cảm và suy ngẫm về tình bạn trong sáng nhân hậu của thầy đối với nhà văn Hoài Thanh, các nhà thơ Thế Lữ, Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu; các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Đỗ Cung, nhà giáo và nhà cách mạng lão thành Tôn Quang Phiệt...
         Đặc biệt, một tập thơ Đường viết tay rất chân phương, thầy ca ngợi và tri ân các anh hùng và danh nhân văn hoá như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Võ Trường Toản, Trương Định, Phan Công Tòng, Bùi Hữu Nghĩa, Đồ Chiểu, Phan Văn Trị, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Tú Xương, Tô Hiệu, Hoàng Văn Thụ, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Thị Hồng Gấm, 10 cô gái Đồng Lộc (Hà Tĩnh), Nguyễn Văn Trỗi...
         Đọc thơ thầy ta thấy "Ông đồ nét chữ luôn ngay thẳng". Chan chứa tâm hồn vị tha, đạo lý quên mình vì người khác. Nhân dân và bà con nhiều địa phương đã nói về thầy: "Anh là thi sĩ của những người thân tàn ma dại, của những người bất hạnh".
         Triết lý và nhân cách đạo đức của thầy thể hiện chan chứa trong thơ đã được thầy âm thầm thực hiện qua bao việc làm đầy lòng nhân ái, nêu gương sáng cho người đương thời cũng như cho các lớp hậu sinh.
         Ngày 18.1.1996, giữa lúc đất nước và lòng người đang chờ đón Tết Bính Tý thì GS.NGND Vũ Đình Liên đã đi vào cõi vĩnh hằng. Tập thơ "Les fleurs du Mal" (Những bông hoa ác) của Baudelaire, một công trình nghiên cứu và dịch sau gần 40 năm của thầy được xuất bản năm 1995, đã được tặng giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1996, nhưng thầy đã đi vào cõi hư vô không kịp nhận thưởng...
         Thầy tôn kính ơi! Con nhớ lại và ghi lại những cảm nghĩ của chúng con để tưởng nhớ hình ảnh, bóng dáng thầy lúc sinh thời, để tôn vinh tấm gương tài đức của một tâm hồn thơ thiết tha sâu lắng, một phong cách mẫu mực của một giáo sư tiếng Pháp có trí tuệ uyên bác và trái tim bác ái, vị tha, bao dung, độ lượng./.





Bài 3: Những kỷ niệm cuối đời của nhà thơ Vũ Đình Liên với Bình Định[3]

Tác giả: Nguyễn Xuân Nhân (Báo Bình Định)



         Dạo ấy, nhận được thư người anh con bà dì ruột của tôi từ TP Hồ Chí Minh gửi ra: "Ông Đồ" sắp ra Quy Nhơn, năm nay cụ đã bảy mươi sáu tuổi rồi, đi lại khó khăn. Anh biết em phần bận công tác cơ quan, phần phải chăm sóc dì đau yếu nhưng em cố gắng giúp ông cụ sống những ngày ở Quy Nhơn cho thật có ý nghĩa nhé! Bô-đờ-le Liên (1) trở lại quê hương nhà Tây Sơn lần này là để tưởng nhớ cảnh cũ người xưa và gặp gỡ khách làng văn thành Đồ Bàn đấy!".
         Anh tôi quý "Ông Đồ" như vậy vì anh là con rể của nhà nhiếp ảnh nghệ thuật Trần Văn Lưu, người đã cùng họa sĩ Bùi Xuân Phái và nhà thơ Vũ Đình Liên kết bạn nghệ sĩ, lập nên "lầu tình bạn Lưu - Liên - Phái" tại nhà ông - số 11 Hàng Bông, Hà Nội. Căn gác nhà này là một biểu tượng tình bạn văn chương - nghệ thuật đầy ý nghĩa trong những thập niên cuối thế kỷ XX, thể hiện đời sống tâm linh của ba nghệ sĩ nổi tiếng đất Hà Thành.  Mối quan hệ đưa chân "Ông Đồ" tới nhà tôi ở Quy Nhơn vào một ngày đầu thu năm 1988 là như thế.
         Mới nhận được thư anh mấy ngày thì một buổi trưa, bác xích lô đã chở "Ông Đồ" tới tận cổng nhà. Đúng như ông đã viết trong bài thơ tặng Hội Văn nghệ Nghĩa Bình một ngày sau:


Hôm qua trong Phú Khánh
Hôm nay ra Nghĩa Bình
Ngẩng nhìn ngọn Đại Lĩnh
Cù Mông, đèo xuống nhanh

 

         Thế là trong một tuần lễ, "Ông Đồ" đã sống với gia đình tôi như một người cha. Tôi bận việc cơ quan (Trường ĐHSP Quy Nhơn) nên hàng ngày phải nhờ hai thầy giáo Đào Quốc Toàn và Nguyễn Đăng Vũ đưa ông đi gặp gỡ các cơ quan văn hóa, văn nghệ tỉnh Nghĩa Bình thời bấy giờ. Thời gian buổi tối, đêm thì mời ông nói chuyện với sinh viên, đêm thì mời ông tâm sự thân mật với các thầy cô giáo Khoa Văn ĐHSP Quy Nhơn.

         Để tưởng nhớ một nhà thơ thuộc lớp nhà thơ mới đầu tiên đã qua đời, tôi thành kính ghi lại những hiểu biết về sự nghiệp thơ ca của ông qua nhiều đêm ông trò chuyện với chúng tôi bên biển Quy Nhơn.
         Nhà thơ Vũ Đình Liên sinh năm 1913 ở Hà Nội. Ông bén duyên với thơ trên các báo Phong Hóa, Loa, Phụ nữ thời đàm, Tinh hoa khi phong trào thơ Mới mới ra đời. Bài thơ đầu tiên Đứa trẻ ăn mày của ông được in trên báo năm 1932. Rồi từ năm 1934 đến 1936, ông đã cùng hai ông Lưu Trọng Lư và Đỗ Đức Vượng hăng hái diễn thuyết cổ vũ cho thơ Mới. Tuy vậy, trước năm 1945, ông sáng tác không nhiều, chỉ có khoảng trên 20 bài đăng rải rác trên các báo mà thôi. Nhà phê bình Hoài Thanh có nhận xét trong cuốn Thi nhân Việt Nam: "Hai nguồn thi cảm chính của người là lòng thương người và tình hoài cổ" (2).
         Về lòng thương người, ông xót thương trước cảnh đời của những kẻ đói rét, những người đàn bà sa cơ, những em bé mồ côi nức nở trong cơn mê…


Tôi muốn nguồn thơ muôn năm không hết
Để ca ru nỗi đau khổ khôn cùng


(Hối hận)


         Những hình ảnh "thân tàn ma dại" trong thơ ông làm ta nhớ tới Thúy Kiều và Đạm Tiên trong Truyện Kiều, nhớ tới những người khốn khổ trong thơ văn Victo-Huygô. Kỷ niệm 100 năm ngày mất đại văn hào Victo-Huygô năm 1985 ở Hà Nội, ông tỏ lòng thương xót Phăng-tin và xúc động thốt lên câu Kiều "đau đớn thay phận đàn bà".

         Trong bài Vũ Đình Liên: Nhà thơ - tình thương, giáo sư Đỗ Đức Hiểu đã đồng cảm với nhà thơ: "Đêm khuya, tiếng khóc của người đàn bà, của trẻ thơ hòa với "nguồn lệ đau thương" của nhà thơ, thành những bi ca"(3).
         Về tình hoài cổ, khác với Nguyễn Nhược Pháp cảm nhận ngày xưa qua cô gái cầm nón quai thao theo thầy me đi trẩy hội chùa Hương, khác với Phạm Huy Thông cảm nhận ngày xưa qua hình tượng Hạng Tịch hùng tráng trong Tiếng địch sông Ô, Vũ Đình Liên cảm nhận ngày xưa qua sự nuối tiếc những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang bị nhạt phai "nay biết tìm đâu" (Hồn xưa), những văn miếu cổ "rêu phủ, lối mòn" (Văn miếu cổ) hay nàng Mỵ Ê cô đơn giữa "cảnh điêu tàn nước non Chiêm" (Tháp Chàm). Nhà thơ theo "Thuyền đi trong bóng tối lũy thành xưa", buông hồn theo "mái chèo mơ", theo "tiếng loa xưa" để "tự ngàn năm hồn xưa sực tỉnh". Và tự cảm nhận:


Lòng ta là hàng thành quách cũ
Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa
(Lòng ta là những hàng thành quách cũ)

         Nhưng rồi "Có một lần hai nguồn cảm hứng ấy đã gặp nhau và đã để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác: Ông Đồ" (4). Bài Ông Đồ được in trong Tinh hoa năm 1936. Ông Đồlà người thuộc lớp nhà nho cũ đáng thương, hàng năm hoa đào nở lại ngồi viết thuê bên đường phố. Trong bức thư gửi tác giả Thi nhân Việt Nam năm 1942, nhà thơ Vũ Đình Liên đã ngỏ lời tâm sự: "Ông chính là di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn" (5).


         Ông Đồ là một trong những bài thơ hay nhất của thơ Mới Việt Nam (1932-1945). Chỉ với bài thơ này cũng đủ để nhà thơ lưu danh với đời. Ông vui vui cho chúng tôi biết họa sĩ Bùi Xuân Phái đã vẽ ba bức tranh Ông Đồ và Fourniau đã dịch bài thơ ra tiếng Pháp. Ông tỏ vẻ tiếc có viết vở kịch về nàng Mỵ Ê trước năm 1945 nhưng bản thảo đã mất trong chiến tranh.
Một đêm, nhân trong bầu không khí thân mật như cha con ngồi tâm sự với nhau, có thầy giáo trẻ lễ phép hỏi:
         - Chúng cháu chưa hiểu vì sao sau bài Ông Đồ ra đời một thời gian, thơ bác vắng trên thi đàn thời bấy giờ?
         Ông ngẫm nghĩ giây lát rồi đọc cho chúng tôi nghe hai câu thơ cổ:


Ngâm thành ngũ cá tự
Dụng phá nhân sinh tâm


Và dịch nghĩa:

Để ngâm được một câu thơ năm chữ
Có khi phải bóp nát cả trái tim
 
        Rồi chậm rãi nói:

         - Nghiệp văn chương là như vậy đấy, thật khắt khe! Về sau tôi cảm thấy cái "thiên chức" nhà thơ mà mình chưa đạt tới, những điều viết ra chưa thể hiện được cảm hứng, ý thơ của mình nên quả là từ năm 1937 về sau không làm thơ nữa.

         Ông tạm gác bút một thời gian trong "buồn và cô đơn", tự thấy "lòng vẫn đục" trong bầu trời thơ "đầy ánh sáng anh linh".


Nặng mang khối hình hài ô nhục
Tâm hồn ta đã nhọc tự lâu rồi!

         Sau Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, ông dạy học, hoạt động văn nghệ ở Liên khu III rồi lên Việt Bắc. Tới năm 1954 về Hà Nội dạy văn học Pháp, tiếng Pháp ở trường Đại học Sư phạm, Đại học Sư phạm ngoại ngữ. Ông viết nhiều sách giáo khoa và là một trong sáu thầy giáo thành lập nhóm Lê Quý Đôn viết lịch sử văn học, dịch các tác phẩm văn học Pháp. Vì vậy, năm 1990, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân

Charles BAUDELAIRE (1821-1867).
.

         Lặng tiếng thơ một thời gian dài, tới những năm sáu mươi của thế kỷ trước cho đến khi qua đời, ông lại tiếp tục làm thơ, viết khá nhiều, và chỉ viết riêng cho mình, viết để tặng bạn bè, người thân mà ít công bố trên báo chí. Ông đã dịch bài thơ Những bông hoa tội ác và hàng trăm bài thơ của Baudelaire - nhà thơ lớn của văn học Pháp thế kỷ XIX, người mở đầu cho thơ tượng trưng Pháp. Baudelaire đã đưa thơ lãng mạn Pháp vào thế giới bên trong đầy bí ẩn của con người và tìm thấy cái đẹp, cái thiên thần trong khổ đau, trong chán chường, tìm thấy những bông hoa ngát hương trong cuộc đời trần tục vô vàn thương đau mà nhà thơ cho đó là cái Ác, nên mới viết bài thơ Những bông hoa tội ác(1857).

         Giai đoạn này, nhà thơ Vũ Đình Liên chịu nhiều ảnh hưởng của Baudelaire. Giáo sư Đỗ Đức Hiểu có nhận xét: "Ông sáng tác vẫn với đề tài "tình thương" song đưa lên chủ đề "huyền thoại", "siêu hình", sự linh ứng bên trong giữa con người với con người, con người với siêu nhiên - "tương ứng" kiểu Baudelaire" (6).
         Những bài thơ Người kỹ nữ Cầu Trò (1973), Người đàn bà điên ở ga Lưu Xá (1977) và Xem hàng độn tóc ở Hàng Đào  được bạn bè ưa thích đều phảng phất hơi thơ Baudelaire. Riêng bài Người đàn bà điên ở ga Lưu Xá đã được giáo sư Đỗ Đức Hiểu giới thiệu tiếp sau bài viết về chân dung của nhà thơ Vũ Đình Liên in trong Tạp chí Văn học số 4-1993 nhân dịp mừng thọ nhà thơ 80 tuổi.
         Một đêm ở Quy Nhơn, với vẻ mặt buồn và với giọng trầm ấm, ông xúc động kể lại với chúng tôi:
         Tết năm 1977, ông lên Cù Vân, huyện Đại Từ tỉnh Bắc Thái ăn tết với bà con, bạn bè. Khi tàu tới ga Lưu Xá, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng mười cây số thì gặp một người đàn bà điên quần áo tả tơi.


Người đàn bà điên ga Lưu Xá
Ngồi ngay trước mặt dưới chân tôi
Ai vẽ được thiên tài hội họa
Chân dung kia kinh tởm tuyệt vời

 

         Trong lúc mọi người xung quanh ngoảnh mặt đi trước "đống rác hôi thối" thì ông lại nhìn người điên "mắt không hề mỏi". Tình yêu thương tràn ngập tâm hồn đã dẫn ông đi vào chiều sâu tâm linh con người để thầm tưởng:

Đống rác kia xưa đã là hoa            Khoảnh khắc ấy, nắng mùa đông tràn qua của sổ toa tàu nhuộm vàng cái thân hình tiều tụy, xác xơ. Trước số phận bi thảm của một con người, với một cái nhìn đầy nhân ái, ông nhận ra cái đẹp, cái thiên thần ở cái xác hôi thối kia - Người đàn bà xấu số này một thời đã là bông hoa ngát hương và xưa kia đã có một mối tình đầu trinh khiết. Ông cho cảnh tượng trước mắt mình "đẹp như một bài thơ Hoa Ác".
         Thế là một nhà thơ và một người đàn bà điên, kẻ dưới sàn người trên ghế lặng nhìn nhau:


Tôi bắt gặp ba lần cặp mắt
Nhẹ căm thù như muốn làm duyên

         Tàu tới ga cuối, khách xuống xong, chỉ còn người điên ở lại với toa không. Ông lấy trong túi xách ra một góc bánh chưng, một gói mứt sen nhỏ, hai tay nâng quà tết trao tặng người điên. Hai người chia tay nhau không một lời hò hẹn.



Tôi không ngồi nữa chần chừ bước
Như cả chuyến xe nặng trĩu lòng

         Và tết ấy ở Thái Nguyên, vui cùng bà con thân thiết sang xuân nhưng ông vẫn để trong góc lòng một nỗi suy tư vì ai đã "làm hoa kia thành đống rác này". Ông tin rồi cuộc đời và lòng người đổi thay, "tình xót nghĩa thương" sẽ trở về.



Một đóa hoa tàn nay trở lại
Thắm hồng trong buổi mới xuân nay


         Mười năm sau (1987), ông viết tiếp bài thơ "Lại gặp người đàn bà điên ga Lưu Xá". Vẫn là một mối tình câm lặng. Nhưng lần này, người đàn bà ẩn hiện trong bóng trăng suông. Cái dáng hình mờ mờ trong trăng ấy đã đưa tiễn nhà thơ tới ga cuối cùng rồi chia tay. Không nói một lời.
         Về sau chúng tôi biết thêm: bốn năm sau (1992), kể từ ngày ông vào Quy Nhơn lần cuối, ông còn viết tiếp bài thơ "Người điên - Nàng tiên" khi người đàn bà điên ga Lưu Xá tới thăm ông ở gác Hương Lửa phố Bà Triệu, bấy giờ người ấy đã là một cô gái đẹp:


Thịt da trầm tỏa hương bay
Như hồi đôi tám thơ ngây má hồng

 

         Là một nhà thơ, một "ông đồ hiện đại" - Nhà giáo Nhân dân rất trung thực và khiêm tốn, ông bảo chúng tôi: "Cái nghịch lý trong bài thơ Người đàn bà điên ga Lưu Xá của tôi gần với cảm hứng của Baudelaire khi ông ta viết bài thơ Những bà già còm cõi (Les petites vieilles)".



Hãy yêu họ, vì dưới những manh quần rách tả
Những tấm áo mong manh, vẫn là những tâm hồn


         Ông còn đọc cho chúng tôi nghe đoạn cuối trong bài Gửi em gái xứ Malabar (À une Malabaraise) của Baudelaire mà ông đã dịch ra tiếng Việt như muốn chứng minh thêm cho điều ông đang tâm sự.


Thân cứng đờ trong manh áo chật
Em phải lê la trong bùn rãnh chúng tôi
Nhặt miếng bánh thừa hay miếng thịt ôi
Đem bán rảo những hương trời sắc nước
Mắt tư lự ngắm nhìn trong sương mù bẩn đục
Tìm những bóng dừa quê hương xa vắng tự bao giờ


         Ông giải thích: ở bài thơ này Baudelaire cũng đã nói lên một nghịch lý. Có cô gái da đen yêu đời, đẹp tuyệt vời đã rời bỏ quê hương là xứ Malabar bên bờ biển tây nam Ấn Độ để tới nước Pháp làm nghề kỹ nữ. Sắc đẹp của cô đã làm cho người nghệ sĩ "trầm tư say đắm", các nàng mỹ nhân da trắng "khát khao thèm thuồng". Thế nhưng cô phải sống giữa bùn nhơ trong cảnh "chen chúc, đau khổ bời bời" trên đất Pháp để đến nỗi thân tàn ma dại, tư lự nhớ những ngày vui xưa mà thương xót cho đời mình. Ông cho biết Baudelaire khi viết bài này đã tưởng nhớ người tình da đen say đắm của ông ở Pari.

Ảnh hưởng của Baudelaire đối với thơ Vũ Đình Liên thật sâu đậm, gây nên hạn chế trong thơ ông. Những bạn bè biết nhiều thơ ông sáng tác sau năm 1945 gọi ông là Bô-đờ-le -Liên, những người yêu thích bài thơ Ông Đồ lại gọi ông một cách thân mật là "Ông Đồ", còn ông thì vui vẻ tự nhận mình là "Ông đồ hiện đại" (lettré moderne).

Một tuần lễ được sống gần gũi ông, chúng tôi hiểu sâu thêm cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của một nhà thơ lão thành rất mực tình nghĩa, thủy chung.

Ngày rời Quy Nhơn, ông có để lại cho tôi ba bài thơ chép tay: Một bài tặng Hội Văn nghệ Nghĩa Bình, một bài tặng gia đình tôi và bài thứ ba có nhan đề là Tôi có ba trái tim. Ông bảo: trái tim thứ nhất vấn vương sương khói Tây Hồ đất Thăng Long nơi tôi sinh ra, trái tim thứ hai tỏa ngát hương trầm xin thành kính dâng điện Tây Sơn, trái tim thứ ba ôm ấp bóng dừa Bến Tre quê hương cụ Đồ Chiểu.

Trước khi bắt tay anh em giã từ Bình Định ra xe trở về Bắc, ông đọc cho những người đưa tiễn nghe mấy câu thơ trong bài Tôi có ba trái tim.
 



… Già lâu và trẻ mãi
Như tim Prô-mê-tê
Chết đi và sống lại
Như là thần Ăng-tê
Không phải tim thần thoại
Chỉ là tim người thôi
Yêu đời nên sống mãi…

         Ước vọng là thế, nhưng trái tim chan chứa tình thương của nhà thơ Vũ Đình Liên đã ngừng đập mười năm nay. Theo bóng hình những ông đồ "bày mực tàu giấy đỏ" bên hè phố khi hoa đào nở năm nao, nhà thơ đã là:


Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?


Ghi Chú:

1. Bô-đờ-le-Liên là cách gọi thân mật của bạn bè vì nhà thơ chịu nhiều ảnh hưởng của thơ Baudelaire.
2. Hoài Thanh, Hoài Chân - Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội 2000. tr. 65
3. Đỗ Đức Hiểu - Vũ Đình Liên: Nhà thơ - tình thương. Tạp chí Văn học số 4-1993.Tr. 60
4,5. Hoài Thanh Hoài Chân - Sđd. tr. 66
6. Đỗ Đức Hiểu - Tạp chí đã dẫn. Tr. 61

 



Bài 4: Vũ Đình Liên


Tác giả: Vũ Quần Phương,
(Nhà thơ và nhà bình luận văn học)

             Vũ Đình Liên (1913 – 1996) là một nhà thơ, nhà giáo nhân dân Việt Nam, từng là chủ nhiệm khoa tiếng Pháp trường Đại học Quốc gia Hà Nội, và là chủ biên sách sơ khảo Lịch sử thơ Việt Nam.

Ông sinh tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở Châu Khê, Bình Giang, Hải Dương, đỗ tú tài trường Bưởi năm 1932, ông từng dạy học ở các trường tư thục Thăng Long, Gia Long, Trường nữ sinh Hoài Đức để kiếm sống, ông học thêm trường Luật. Năm 1936 ông được biết đến với bài thơ "Ông đồ" đăng trên báo Tinh Hoa.         Tên thật được lấy làm bút danh, sinh ngày 12-11-1913, quê gốc Hải Dương, mất ngày 18-1-1996 tại Hà Nội, Vũ Đình Liên là một trong những người mở đầu và góp phần thắng lợi cho phong trào thơ mới bằng một bài thơ (chỉ một thôi) xuất sắc Ông đồ, lần đầu in trên báo Tinh Hoa năm 1936. Trước và sau Ông đồ, ông có viết một số bài thơ khác, nhưng chất lượng ở khá xa Ông đồ. Đầu năm 1941, trong một bức thư gửi Hoài Thanh, lúc Hoài Thanh làm cuốn Thi nhân Việt Nam, Vũ Đình Liên viết "Tôi bao giờ cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có chút giá trị gì nên đã lâu tôi không làm thơ nữa". Hoài Thanh nhận xét Vũ Đình Liên hạ mình quá đáng, nhưng ông cũng hiểu nỗi đau của Vũ Đình Liên. Quả vậy, từ năm sáu chục năm nay, nói tới Vũ Đình Liên là người ta nhớ ngay đến Ông đồ và chỉ Ông đồ đã đủ tôn xưng một nhà thơ.


         Từ kháng chiến chống Pháp cho đến khi tạ thế, Vũ Đình Liên dồn sức lực vào công việc sư phạm: viết giáo trình, dạy tiếng Pháp và dịch thơ, mà hầu như chỉ dịch thơ Baudelaire (Beaudelaire, nhà thơ Pháp). Thỉnh thoảng có làm thơ, thơ như ghi chép chuyện đời, như thù tạc với bạn bè, không mang đăng báo. Vũ Đình Liên lúc sinh thời vẫn tới gặp gỡ ở Hội nhà văn Việt Nam, nhưng ông đã là người thơ của quá khứ rồi. Hình như ông không đọc và không trao đổi gì về thơ đương đại.

         Tập thơ mỏng mảnh này được chọn từ vài chục bài thơ do con trai ông, nhà giáo Vũ Đình Quỳ, mang lại.
         Vũ Đình Liên, ngay từ buổi đầu làm thơ, đã tự nhận là nhà thơ của những người lao khổ. Trên báo Phong Hóa, số ngày 18-8-1934, ông ao ước:


Tôi muốn hát những bài ca thảm thiết
Như những tiếng kêu than của người đói rét
(...)
Tôi muốn ru những trẻ con côi cút
Không chốn nương thân, không người chăm chút
(...)
Tôi muốn an ủi những người nghèo khổ
Thiểu não bơ vơ, không họ hàng nhà cửa
(...)
Tôi sẽ gọi bạn lầm than đói khát
Đến xung quanh để nghe tôi đàn hát
(...)
Rồi hết thảy bầy rách rưới đui mù,
Từ ông lão già cho đến đứa trẻ thơ
Dứt tiếng hát đều kêu lên cảm khái:
"Anh ta thi sĩ của những người thân tàn ma dại"  

         Bốn mươi ba năm sau, 1977, khi ngoài đời đã bao nhiêu đổi thay: cách mạng thành công, nhà nước nhân dân thành lập, người lao động thành người làm chủ... Vũ Đình Liên vẫn nguyên vẹn lòng thương xót, nỗi chia xẻ tê tái với những người thất thiệt. Bài thơ Người đàn bà điên ga Lưu Xá là một ví dụ. Người đàn bà điên ấy xơ xác, rách rưới, bẩn thỉu, mọi người trên toa tàu xa lánh, chỉ có ông nhà thơ có cái nhìn xót thương:



Tôi với người điên ngồi không nói
Dưới sàn trên ghế vẫn nhìn nhau.


         Nhà thơ nhận ra giữa mình và người điên kia như được trời xếp đặt để cùng thương cảm:


Ai xui khiến và ai xếp đặt
Một nhà thơ với một người điên
        

         Quả là lời thơ Vũ Đình Liên lúc này không diễn được hết ý ở lòng ông. Nhưng vẫn đủ để ta nhận ra chất tâm hồn ấy. Thương người nghèo khổ không chỉ là việc trong thơ mà là cách sống của đời ông. Ông sống như thơ ông. Sáng mồng một Tết, ông gói đôi bánh chưng ra bến tàu xe ăn Tết cùng với những người thân tàn ma dại, tứ cố vô thân. Người nhà cho ông là trái nết, nhưng các bạn văn chương khâm phục ông. Ông ăn uống kham khổ, mặc áo vải thô, đi bộ... dành tiền tặng những người nghèo khó. Tiền thưởng danh hiệu giáo viên nhân dân, ông san sẻ cho sinh viên nghèo. Một chiếc áo dạ con trai vừa biếu, ông tặng ngay cho người bạn có con trai là liệt sỹ. Với Vũ Đình Liên, thơ là chính cuộc đời ông. Nhiều câu thơ trong bài Ông đồ như vận vào đời ông. Ông cũng ngơ ngác như lạc trong cuộc đời hiện đại. Ông yêu thơ đến mức không dám làm thơ. Ông nổi tiếng mà không có tập thơ riêng. Bài thơ Ông đồ là một thành tựu vừa như đột xuất vừa là tất yếu của chất tâm hồn ông. Đột xuất, vì vào năm 1936 ấy, thơ Việt Nam đang ồn ào trong cách tân hình thức và nồng nhiệt trong nội dung tình yêu thì Ông đồ rất bình đạm, hơi cổ điển trong thể thơ năm chữ, giản dị trong lời thơ, lại nói một đề tài xưa cũ mà ai đọc một lần thì đọng lại cả đời nỗi ám ảnh, xót thương. Ông đồ, người theo đòi nghiên bút không thành danh, phải xoay ra bán chữ nuôi thân, viết câu đối thuê trên vỉa hè Hà Nội ngày năm hết Tết đến. Lúc câu đối đắt hàng, người đời trầm trồ ông đồ tốt chữ nghe cũng đã thảm, kẻ sỹ mà phải bán chữ cực lắm, ấy thế mà bài thơ lại dắt ta vào thời Nho mạt vận, đến chữ đem bán mà không còn ai mua. Chưa thấy cảnh bán hàng nào thê thảm bằng cảnh ông đồ bán chữ không đắt:



Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay,
Lá vàng rơi trên giấy,
Ngoài trời mưa bụi bay …

        

         Hiện thực trong thơ Vũ Đình Liên là hiện thực của nỗi lòng. Một nỗi lòng hoài cổ thấm thía, sâu thẳm, rất dễ tủi thân. Lúc ông đồ đắt hàng đâu có thấy gió mưa. Bây giờ hết thời: trời thì đầy mưa bụi, rồi gió thổi, lá bay. Lá vàng cuối đông rơi trên mặt giấy, rơi và nằm lại đấy vì mặt giấy chưa được dùng đến, chẳng có nhu cầu gì phải nhặt nó đi. Cái lá bất động trên cái chỗ không phải của nó cho thấy cả một dáng bó gối cũng bất động của ông đồ ngồi nhìn mưa bụi bay. Văn tả thật ít lời, không những thấy ông đồ mà còn thấy cả cái tiêu biểu của xã hội qua mắt ông đồ. Tác giả có những chi tiết thật đắt: nơi ông đồ là bút mực, nơi trời đất là gió mưa, nơi xã hội là sự thờ ơ. Cách đối chiếu chi tiết ở đoạn này với đoạn trên: mực với mực, giấy với giấy, người với người, càng cho ta thấy nỗi thảng thốt xót xa của đổi thay sa sút. Hai câu hàm súc nhất của bài là hai câu kết:



Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?


         Chúng ta đọc được ở đây số phận của ông đồ, đúng hơn, số phận của một thời đại, và cả thái độ, tình cảm của lớp người tân thời khi chợt thức những gì thuộc hồn xưa dân tộc. Mới có mấy năm (từ lúc ông đồ đắt hàng đến lúc ông ế hàng rồi biến mất) mà thời ông đồ đã thành xa lắc. Chữ muôn năm cũ của câu trên dội xuống chữ bây giờ ở câu dưới rất gợi bâng khuâng. Dư âm câu thơ như tiếng thở dài ân hận khôn nguôi.














Trần Văn Lưu, Vũ Đình Liên, Bùi Xuân Phái













Trở về





MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.