Thứ Sáu, 5 tháng 8, 2022

Bùi Bảo Trúc (1944 – 2016)

 











BÙI BẢO TRÚC
(1944 – 2016)

Ký mục gia



https://petruskyaus.net/tuong-niem-bui-bao-truc/






Ông sinh năm 1944 tại làng Trình Phổ, tỉnh Thái Bình. Đi học ở tỉnh Hải Phòng năm 1952, sau lại dời lên Hà Nội vào năm 1953 để theo học Tiểu học tại trường Lý Thường Kiệt nằm ở phố Sinh Từ. Thời gian này ông cư ngụ ở ngõ Yên Sơn, đối diện với Chùa Bà Ngô, là một ngôi chùa nhỏ kế cận Văn Miếu, tức Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ông thường nói ông đã từng có tuổi thơ vui đùa chạy nhẩy trong Văn Miếu với những cây muỗm cây xoài rậm rạp và những con rùa đội bia tiến sĩ ở nơi này.

Năm 1954 ông di cư theo gia đình vào Nam, theo học nốt chương trình bậc Tiểu học ở trường Nguyễn Tri Phương, Sài Gòn, sau đó tiếp tục bậc Trung học ở trường Chu Văn An, và tốt nghiệp Tú tài Toàn phần, Ban C năm 1963.

Sau đó ông du học ở Tân Tây Lan (New Zealand) và trở về nước năm 1965 để dạy Anh ngữ ở Hội Việt Mỹ và trường London School của giáo sư Nguyễn Ngọc Linh.

Thời gian sau ông qua làm việc với Phủ Tổng Ủy Dân Vận và Chiêu Hồi của ông Hoàng Đức Nhã.

Năm 1973 ông đảm nhiệm chức vụ phát ngôn viên chính phủ, mà trong cương vị này, với khả năng Anh ngữ lưu loát, ông đã đối phó với nhiều ký giả ngoại quốc một cách thích đáng và hữu hiệu để bảo vệ lập trường của Việt Nam Cộng Hòa trong tình thế khẩn trương – Hồi đó, do cuộc chiến càng lên cao độ, ký giả ngoại quốc càng hay soi mói, đặt ra nhiều vấn đề.

Năm 1974, ông làm việc tại Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Anh Quốc, và sau biến cố tháng 4-1975, ông qua Canada vào tháng 6 cùng năm.

Năm 1977 ông làm việc cho đài VOA ở Hoa Thịnh Đốn cho đến năm 2001 thì nghỉ hưu. Tuy nhiên ông vẫn tiếp tục viết loạt bài Thư Gửi Bạn Ta cho nhiều báo, được rất đông độc giả tán thưởng.

Ông cũng cộng tác với đài Little Saigon Radio, Hồn Việt TV trong hai chương trình Ngày Này Năm Xưa, Chào Hoàng Hôn mỗi ngày, và Anh Ngữ Trong Đời Sống hằng tuần.

Sau vài tháng trở bệnh, ông từ giã cõi trần hồi 11:45 pm hôm 16-12-2016 tại Fountain Valley, California.










Bùi Bảo Trúc nhớ về Sài Gòn
Trở về căn nhà cũ ở Sài Gòn
gửi các con





Hỡi căn nhà của ta thời tuổi trẻ
Của những chiều mưa buồn gõ xuống mái tôn
Những buổi sáng nắng lùa qua khe cửa
Vẫn theo ta những đêm tuyết mịt mùng

Hãy ngỏ cửa, đêm nay ta trở lại
Cánh cửa ơi có còn nhớ nhau không?
Chiếc chìa khóa năm xưa ta làm gẫy
Mấy chục năm trời trên cổ vẫn tòn ten

Này buổi tối, cứ nằm yên ở đó
Đèn ơi đèn, đừng trở dậy đêm nay
Ta nhớ kỹ ở đây là chiếc ghế
Tủ sách ngày xưa đứng ở chỗ này

Chiếc bàn viết chắc còn nguyên trong góc
Những đêm buồn ngồi dậy viết lăng nhăng
Giấy mực ơi, biết có còn trong hộc
Hãy ra đây, nói tiếp chuyện văn chương

Ở dưới bếp vẫn những đồ thân thiết
Bể nước mưa ngày đó phải nằm đây
Chiếc ống máng vẫn lạnh tanh mùi thiếc
Từ bếp này xưa khói ấm xa bay

Vòng trở lại là chiếc cầu thang gỗ
Ta vẫn thường rón rén tối về khuya
Ở trên gác, nơi các con ta ngủ
Mấy chục năm rồi, mùi chúng vẫn đâu đây

Phòng bên cạnh ta đã nằm đêm cuối
Ngó trần nhà mà nước mắt rưng rưng
Ngoài cửa sổ lao xao giàn bông giấy
Cỏ cây ơi, phút chốc đã như sương

Đêm còn tối trên tàng cây trứng cá
Ta phải đi, buổi sáng sắp lên
Căn nhà cũ sẽ bỗng đầy người lạ
Đường sá xác xơ, thành phố cũng thay tên.

Bùi Bảo Trúc

==================================

Gửi căn nhà cũ

Hãy tưởng tượng khi bước vào cuối ngõ
Căn nhà xưa rêu phong kín tường vôi
Khung cửa sắt sơn đã bong lỗ chỗ
Chìa khóa mòn trong ổ bỗng reo vui

Hãy tưởng tượng trong hộp thư ngoài cửa
Mấy bức thư đọng lại những năm qua
Một tấm thiệp báo tin người yêu nhỏ
Đã tìm ra hạnh phúc dưới trời xa

Hãy tưởng tượng trong khu vườn thuở trước
Cây ngọc lan ngày đó đã ra hoa
Mấy bụi trúc và một hàng thược dược
Mùi đất thơm cơn mưa nhỏ đầu mùa

Hãy tưởng tượng khi bước chân lên gác
Bàn ghế còn nguyên, sách vở còn bầy
Bỗng nghe thoáng tiếng mưa khuya dìu dặt
Những giọt buồn rơi mãi xuống đêm nay

Hãy tưởng tượng đêm sẽ nằm nghe gió
Trên chiếc giường thân thiết mấy năm xưa
Mấy con muỗi nhận ra người bạn cũ
Chú thạch sùng trong vách cũng bò ra

Hãy tưởng tượng trở về nơi hẹn cũ
Thăm hàng sao và bể nước đầy mây
Trên ghế đá vọng âm lời tình tự
Nét chữ mờ quấn quýt vẫn còn đây

Hãy tưởng tượng buổi chiều ra ngồi quán
Bạn cũ tới đầy, đủ mặt cố tri
Dăm ba đứa biệt tăm trong thời loạn
Đã trở về cùng khật khưỡng vài ly

Hãy tưởng tượng lại đi trên đường cũ
Những lề đường đá lát lá me non
Thời trốn học lang thang trên vỉa phố
Sách trong tay, mộng ước chất đầy hồn

Hãy tưởng tượng ghé vào thăm tên bạn
Bắc ghế ra ngồi đọc lại Đường thi
Trên căn gác năm xưa trăng vẫn sáng
Nhớ Hạc Vàng từ thuở mới bay đi

Và tưởng tượng vừa tan cơn mộng dữ
Bạn bè xưa, người tình cũ về đây
Căn gác nhỏ của một thời sách vở
Vẫn còn nguyên, cơn ác mộng xa bay.

Bùi Bảo Trúc

====================================

Gửi người sắp rời Sài Gòn

Em Sài Gòn, bao giờ em đi
nhớ mang theo chút trời và chút đất
tẩm trong mái tóc
nhớ mang theo chút gió, chút mưa
chút nắng mùa hạ
gói trong vạt áo
nhớ mang theo tiếng guốc trên đường về học
những chiều tan trường
những bàn tay thơm
và những trang sách
cất trong ngăn kéo bàn học từ mấy chục năm nay

Em Sài Gòn, bao giờ em đi
nhớ mang cho anh miếng môi
miếng mắt
miếng tóc
miếng đồng tiền
miếng cằm chẻ, miếng nốt ruồi duyên
miếng chanh chua, miếng hay hờn, miếng làm cao, miếng điệu
miếng ngúng và miếng nguẩy, miếng mắc cỡ, miếng bày đặt
miếng nguýt, miếng lườm, miếng làm lành, miếng nói mát…

Em Sài Gòn bao giờ em qua đây
làm ơn mang theo chút bụi đường tội nghiệp
chút thổ mộ khốn khổ
chút xích lô nhọc nhằn
chút xe lam chật chội khói mù
và chút xe buýt ngột thở buổi chiều
chút xe lô mệt mỏi qua cầu

Em yêu dấu bao giờ em đi
mang cho anh miếng nước mía Viễn Đông
mang cho anh miếng đậu đỏ bánh lọc
mang cho anh miếng bò khô, miếng bò bía, miếng bia 33
miếng chanh muối, miếng bánh cuốn Phan đình Phùng
miếng bia ôm, miếng quán cóc, miếng phở đêm, miếng mì thất nghiệp…

Em Sài Gòn bao giờ em lên đường
nhớ mang cho anh
thật nhiều Việt Nam
thật nhiều Sài Gòn, thật nhiều Chợ Lớn, thật nhiều Phú Nhuận, Đa Kao
nhớ mang cho anh thật nhiều Thủ Đức và Gia Định
thật nhiều ngã năm, ngã bảy
thật nhiều ngoại ô, thật nhiều ngõ tối
thật nhiều ổ gà, thật nhiều mái tôn, thật nhiều ngõ lội
thật nhiều bùn lầy đêm mưa
và thật nhiều số nhà năm bẩy lần chồng chất lên chúng ta

Em Sài Gòn, bao giờ em đi
nhớ thăm hộ anh những hàng cây trong sở thú
đọc hộ anh những hàng chữ viết trên tường
thăm hộ anh những chiều mưa
những đêm cúp điện
những đầu ngày nóng hổi mệt nhoài trước mặt
những rạp ciné thường trực
những quán nước, những hàng hiên đã giữ chúng ta trong cơn mưa hạnh phúc
nhớ mang câu vọng cổ trưa buồn não nuột xuyên qua vách ván
nhớ mang truyện tình kết rất đẹp đêm cải lương thứ bẩy
và nhớ mang cho anh một chút dịu dàng mà ở đây anh rất thiếu

Em Sài Gòn, bao giờ em đi…

Bùi Bảo Trúc





Blog

Bùi Bảo Trúc

http://thuguibanta.blogspot.com/









VỀ TRỊNH CÔNG SƠN – LẶNG LẼ NƠI NÀY

Bùi Bảo Trúc

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người mà ai cũng biết nhưng cũng không ai biết ông bao nhiêu ngoài gia đình và một vài người bạn rất thân.

Sinh ngày 28 tháng hai năm 1939. Trịnh Công Sơn quê ở Huế nhưng ra đời ở Đắc Lắc. Tiểu sử, ông chỉ ghi như thế.

Trời cao đất rộng, một mình tôi đi
Đời như vô tận, một mình tôi về
một mình tôi về với tôi. . . .

Từ căn nhà cũ ở Phú Cam, Huế, Trịnh Công Sơn lớn lên, bỏ vào Sài Gòn, theo bạn bè, âm nhạc. Ông không ồn ào những bước đưa nhạc của mình vào với người nghe.

Năm 1965, ở trụ sở sinh viên đại học góc đường Duy Tân Hồng Thập Tự, người thanh niên có cái vẻ rất thư sinh, gầy gò ấy cầm chiếc Tây Ban cầm bước lên bục, sau đôi lời giới thiệu rất ngắn và giản dị của một người trong ban tổ chức, cất lên tiếng hát chưa mấy ai biết ở Sài Gòn thời ấy, và từ đó, nhạc Việt Nam không bao giờ còn như cũ nữa.

Trong số những ca khúc ông hát hôm ấy có bài Gọi tên bốn mùa. Sài Gòn hôm ấy vừa xong một cơn mưa. Cơn mưa vào hạ những giọt thì thầm, cành khô bơ vơ, buổi chiều xao xác, tuổi thơ, tin buồn… Không khí ấy, cứ nghe lại vài ba đoạn trong ca khúc Gọi tên bốn mùa, lại trở về, như mùa thu cũ, một thời, một đời…

Trịnh Công Sơn tới với người thưởng ngoạn bằng nhạc nhưng căn bản, ông là một thi sĩ.

Ông như người nhạc sĩ mù trong một bức vẽ của Picasso, thời kỳ xanh.

Người nhạc sĩ cầm cây đàn không có dây, giơ lên những âm thanh mà chỉ ông nghe thấy, vì nó đi ra thẳng từ quả tim của ông.

Trịnh Công Sơn cũng thế. Ông viết rất dễ dàng. Trong trí, trên một mảnh giấy lau tay trong một tiệm nước, bất cứ chỗ nào. Như một thi sĩ, vì ông chính là một thi sĩ.







Nhớ họa sĩ Ngọc Dũng
(1931-2000)

BÙI BẢO TRÚC

Trong những tháng cuối của Mai Thảo, hễ có dịp sang miền tây, tôi đều đến thăm anh. Lúc ở căn apartment sau nhà hàng Song Long, lúc ở bệnh viện, cuối cùng ở một khu điều dưỡng ở Orange County.
Mỗi lần đến chơi với anh, tôi tránh không hỏi về tình hình sức khỏe của anh. Chúng tôi châm thuốc cho anh, rót cho anh ly cognac. Toàn những thứ cấm kỵ. Nhưng làm sao từ chối anh được. Làm sao từ chối khi biết không có điếu thuốc, không có ly cognac, anh cũng sẽ không bao giờ còn có thể mặc áo, đi giày, đi ăn với chúng tôi, lêu bêu lên đồi Cam, hay ra một quán rượu ở Laguna ngồi uống nhìn ra biển đen xanh buổi tối.
Chúng tôi không hỏi anh về sức khỏe sau lần thấy một phụ nữ đến thăm, hỏi anh có khỏe không, anh gắt lên “Khỏe cái đếch gì!”
Từ đó, tôi thấy câu hỏi ấy vừa thừa thãi vừa vô duyên trong những trường hợp như vậy. Mỗi lần đến thăm sau đó, chúng tôi chỉ đốt thuốc và rót rượu cho anh, và không nói gì.






Bạn tôi, Bùi Bảo Trúc.


Tôi không biết, có phải cú điện thoại của Trần Duy Đức, đêm qua, đã hất tôi trở lại nguy cơ mất ngủ? Đó là lúc 10 giờ tối. Tôi mới “text” cho Topaz Trần biết rằng, muốn viếng thăm nhà báo Bùi Bảo Trúc, Topaz sẽ phải đợi đến Thứ Sáu tuần tới, phòng số # 5, từ 11AM tới 5PM, nhà quàn Peek Famiy. Tôi dợm bước khỏi bàn làm việc thì có Tel. của Đức.


Nhà văn Bùi Bảo Trúc (trái) và nhà thơ Du Tử Lê, 1996 
(Hình: dutule.com)



Đức báo tin tình trạng tuyệt vọng của bạn chúng tôi, chị T. Mai. “Đã phải thở bằng máy trợ thở. Bác sĩ cho biết, chỉ còn trông vào phép lạ…” Tôi nói với Đức, tới nước này thì chúng ta bất lực. Chỉ mỗi điều làm được là, hiệp lời cầu nguyện cho chị T. Mai mà thôi.”

Tắt máy. Thay vì đi nằm (dù ngủ được hay không) như thói quen tôi đã có được từ hơn một tuần qua, kể từ ngày bị nhận chìm cùng một lúc, bởi hai căn bệnh tồi tệ: Cúm và, ngộ độc thực phẩm - - Thì, tôi lại ngồi trơ trước màn ảnh computer – Như thể muốn tìm kiếm một điều gì mà chiếc máy không muốn cho tôi biết!?!

Tôi ngồi như thế tới hơn một giờ khuya.

Sớm mai, tôi kể chuyện T. nghe về cú điện thoại của Đức và, tin nhắn của Topaz. T. hốt hoảng hỏi, làm sao có được tên nhà thương để đi thăm chị T. Mai? Tôi hứa.

Khi ra xe để T. chở tới hiên café TB. Đoạn đường ngắn. Bầu trời mù. Những đám mây mẩy, mọng hơi nước, thả “âm khí” xuống ngang tầm mấy vòm cây phong thấp, đổi màu. T. nói, rồi đây, anh em văn nghệ của tôi, như những chiếc lá vàng, rơi, rụng dần! Trong khi lá xanh chưa kịp mọc! Tôi nói, đúng vậy. Số còn lại, đếm được trên đầu ngón tay!…

T. im lặng, đưa tôi một tờ A 4, gấp đôi. Đánh máy. Đã ngả mầu. Ít chữ thôi. Xuống dòng nhiều. Có thơ nữa:

“Annandale ngày 25 tháng 4 năm 1994.



“Bạn ta,

“Đây là 100.00 của cậu Toàn và 100.00 của cậu Trúc gửi cậu Lê cà phê, thuốc lá, trà Tầu, tắm hơi.

“Vật giá bất thường, cậu khéo... co cho ấm. Thích cái này thì chịu khó bỏ cái kia.

“Thích tất cả thì chỉ có chó nó mới lo được cho cậu.

Thơ rằng:

Một trăm một quả tắm hơi
Tắm xong, thấy "phẻ," thảnh thơi về nhà
Về nhà thèm một ấm trà
Tiền trót tắm hết, ngồi nhà "tru keo"...

“Chúc cậu gặp lành bất kể cậu... ăn ở thế nào đi chăng nữa. Gặp cậu sau ở Canada vậy.

BBT.”



Thư bạn tôi viết cách đây trên 20 năm...
Đó là một trong rất nhiều mẩu giấy bạn tôi gửi cho tôi mà, T. còn giữ được!

Tôi điếng, lặng trong bất ngờ sống lại giữa khe hở hẹp của cảm nhận đã có một cuộc “đoạn bào” tức tưởi, giữa chúng tôi!!!

T. kể ngày 16 Tháng Mười Hai mới đây, khi T. báo cho Orchid biết “Bố Trúc” không còn nữa, Orchid đã bật khóc nức nở…

Tôi biết, sau bác Mai Thảo thì, Bố Trúc là người gần gũi nhất với Orchid. Mỗi khi có dịp, Orchid đều không quên mua bánh đậu xanh, gửi Bố Trúc…

Đó là thời kỳ tình bạn đặc biệt của chúng tôi chưa bị “khai tử” thình lình, vì những trớ trêu của định mệnh. Tôi không than phiền, không oán giận gì về đổi thay này, kể từ đầu thập niên 2000, khi bạn tôi từ Virginia, chính thức dời về Cali. Tôi chỉ tiếc, tiếc cho sự ngắn ngủi của một tình bạn, tôi nghĩ, tôi may mắn có được.

Khi T. thả tôi xuống hiên Café TB, buổi sáng vẫn mù. Những đám mây mẩy, mọng hơi nước, thả nhiều “âm khí” xuống ngang mấy vòm cây phong thấp, đổi màu. Tôi im lặng, ngồi nán trong xe. Trời chưa mưa.

Nhiều phút sau, khi ĐP. Phong tới, tôi kể Phong nghe vắn tắt nội dung cuộc điện đàm đêm trước của TD. Đức. Phong lắc đầu. Không biết Phong nghĩ gì? Lát sau, Phong hỏi tôi tin tức về tang lễ Bùi Bảo Trúc…

Đó là lúc mưa sáng, bắt đầu. Mỗi lúc hạt nước một mẩy, mọng hơn và, gió cũng buốt hơn - - Như muốn xua đuổi chúng tôi khỏi hàng hiên lặng. Vắng.

Nhớ lại, tôi nghĩ, có dễ không có một giao tình nào mà, người ta có thể vượt qua vạch phấn cấm kỵ! Đó là sự kiện bất cứ lúc nào, ở đâu, trên trang báo, nơi công cộng, một người bạn dù tâm giao, có thể đem văn chương của bạn ra “giễu nhại” một cách thoải mái, thích thú như người bạn họ Bùi đã dành cho tôi, nhiều năm, quá khứ.

Tỷ như đầu năm 1996, tôi cho in tập thơ “Sông Núi Người Thơm Nỗi Nhớ Nhà;” trong đó có bài “Em Khoan Thai Trả Áo Quần Lại Tôi,” viết hồi Tháng Bảy, 1994, những ngày tôi có mặt thường xuyên ở Montreal, khi T. mới từ VN sang.

Bài thơ có hai câu:

“Mùi hương? Mùi? Hương nhang? Trầm
Em khoan thai trả áo quần lại tôi.”

“Mùi hương” ở đây, mang tính hoán dụ/ metonymy.

Tôi muốn nói, với tôi, tình yêu nào cũng mang lại cho những người yêu nhau, nhiều hương thơm. Kể cả hương thơm có tính tôn giáo, như mùi nhang hay, dân gian, như mùi trầm. Hương thơm tình yêu, theo tôi, làm thành một thứ y phục riêng. Nó có khả năng đưa người được yêu, lên những tầng cao “hư ảo” khác… Tuy nhiên, một khi tình yêu không còn nữa, mọi mùi hương sẽ biến mất. Người được “nâng, niu” trong tình yêu, bị ném trả trở lại mặt đất. Tuy nhiên, tôi không thể nói, kẻ thụ hưởng hương thơm tình yêu kia, trở thành trần truồng, trơ trẽn… vì nó thiếu thi-tính! Nên từ ý niệm một thứ y phục khác, tôi viết “em khoan thai trả áo quần lại ta.”

Ngay khi “chộp” được câu này, bạn tôi với máu tiếu lâm dồi dào, phong phú, đã ra Phở Xe Lửa của ông Toàn-Bò, oang oang nói rằng, tôi mới có hai câu thơ cực kỳ… hậu hiện đại:

“Sức anh chỉ có một lần
Em khoan thai trả áo quần lại tôi!”

Thời gian đó, tôi còn “tỵ nạn tình cảm” ở Virginia. Những ai không đọc bài thơ hoặc tập thơ, đều tin rằng đó là thơ của tôi. Người thì cười thích thú. Kẻ lắc đầu… ngao ngán!!!

Được hưởng ứng mạnh mẽ, bạn tôi thêm hào hứng mang 2 câu thơ đã sửa của tôi, đi “rao giảng” khắp nơi.

Một người bạn thân chung của chúng tôi, mà bạn tôi nhắc đến trong thư ngắn ở trên là “Cậu Toàn” có lần hỏi tôi:

“Sao tao không thấy mày đính chính?”

Tôi nói, đâu cần. Miễn bạn mình vui là được. Thêm nữa, đó chỉ là một trong hàng chục “nỗ lực xuyên tạc thơ tôi” một cách thương yêu của bạn, dành cho tôi…

Bẵng đi một thời gian rất dài, dù “định mệnh đời riêng” hay, “biến cố đời thường” trong tình trường quá nhiều “sôi động” của bạn, liên quan tới tôi, qua đi rất nhanh…, chúng tôi vẫn không thể “khâu lại” cái vạt áo tình thân riêng mà bạn tôi đã xuống tay cắt đứt… Mãi tới cuối Tháng Năm, 2016, trong đêm nhạc “Thầy Tôi” của nhạc sĩ Hoàng Công Luận, khi bạn tôi được mời phát biểu, bạn tôi đã bất ngờ đọc lại 2 câu thơ “tự chế” kể trên, cho mọi người nghe.

Tiếc thay, khi ấy, tôi đã ra ngoài hút thuốc. Tôi không biết phản ứng của khán giả… Nhưng sau đó, T. và Orchid không che dấu niềm vui. Họ cho rằng, đó là dấu hiệu “tan băng” của tình bạn hiếm hoi giữa chúng tôi. Sau này, T. kể, trước khi ra về, T. và Orchid đã chận bạn tôi lại, nói lời “cảm ơn anh Trúc.”

Tôi không nghĩ bạn tôi bị bất ngờ trước lời cảm ơn, không chờ đợi này.

Cũng như tôi không chờ đợi điện thoại từ bạn tôi… Khi đầu năm 2015, xót bạn bị “ném đá” tơi tả trên không gian… ảo, tôi đã viết một bài khá dài về bạn tôi: Bùi Bảo Trúc, nhà văn. Viết xong, tôi đưa T. đọc. T. post ngay lên trang nhà (tháng 2-2015).

Hôm nay, ráp nối hai diễn biến không báo trước, tôi chợt nhớ một trong những nhận định của đạo Phật mà tôi cho là cực kỳ uyên áo. Đó là quan niệm “Ngọn lửa tắt: Không mất.” “Thanh âm tan: không mất.” Huống chi tình bạn, tấm lòng tử tế với nhau…


ĐP.Phong chở tôi về nơi ở mới của chúng tôi, đường Catherine, Garden Grove, lúc 12:30PM. Dù P. thả tôi xuống ngay bậc thềm, nhưng gió và mưa lớn bẻ gập tôi xuống. Vào nhà, cảm giác đầu tiên của tôi là nghe mình muốn trở lại cơn sốt mới tạm lui chân vài ngày trước. Thả mình xuống giường, dù khó thở, tôi co rúm trong giấc ngủ li bì. Lạnh.

Trong giấc ngủ phập phều, tôi trôi qua nhiều giấc mơ ngắn. Một trong những giấc mơ gập ghềnh ấy, tôi thấy bạn tôi ngồi cạnh tôi (như ngày nào). Vẫn phong cách, thói quen có từ nhiều chục năm trước, bạn tôi cho tôi một loạt câu hỏi, trong tình thân, cũ:

“Cậu Lê hồi này ra sao? Có còn ra thăm anh Cảnh?”

“Con Orchid dạy học nhiều giờ như vậy, thì ai lo cho hai đứa con của nó?”

“Cậu có còn thường đi Virgina, khu Falls Church? Có gặp lại mấy con đ… chó của cậu?”

(…)

Tôi nhớ, tôi định nói với bạn tôi rằng, tôi mới đọc lại bài thơ “Trở Về Căn Nhà Cũ Ở Saigon…” Nhưng bạn tôi đã khoát tay, bảo:

“Thôi! Tớ có việc, tớ phải đi đây. Hẹn gặp lại cậu dịp khác.”

Rồi, bạn tôi quay lưng đi ngay!


Tôi tỉnh dậy giữa căn phòng vắng. lặng. Trời tối xầm. Như đã rất khuya. Gió vẫn mang tiếng sóng biển ì uồm đuổi nhau trên mái. Mưa lớn?

Tôi nhoài người tìm chiếc cell phone. Đồng hồ chỉ 4:15. Màn hình hiện ra hai tin nhắn. Một của Ngụy Vũ ở Virginia. Một của Vũ Thành An ở Portland, Oregon. An trả lời thư Trần Duy Đức, báo cho An và tôi biết về cái chết của chị Tuyết Mai. Tôi tựa vách tường, viết lại cho An mấy chữ. Nhân tiện nhắc Bùi Bảo Trúc. Tôi tin An không ngạc nhiên.

Nhiều chục năm trước, khi chập chững bước chân vào sân trường CVA, Saigon, cả ba chúng tôi được sắp chung vào Đệ thất B1. Năm sau, ba chúng tôi lại cùng được chuyển qua Đệ lục B4. Đúng như tôi nghĩ, ít giờ sau, An viết lại cho tôi, nói, An đã cầu nguyện không chỉ cho chị Mai mà, cho cả Bùi Bảo Trúc nữa.

Bốn rưỡi, tôi ngồi vào bàn computer. Mở trang nhà. Đọc lại bài thơ “Trở Về Căn Nhà Cũ Ở Saigon” của bạn; đúng lúc Nguyễn Vũ Nhã ở San Jose gọi. Tôi đoán Nhã muốn nói với tôi về sự không còn nữa chị Tuyết Mai hay Bùi Bảo Trúc. Hoặc cả hai? Tôi những muốn đọc cho Nhã nghe vài đoạn của bài thơ duy nhất (?) bạn tôi đề “Gửi Các Con.” Nhưng khi Nhã thấy tôi thở khó khăn vì những cơn nấc liên tục… Nhã nói:

“Thôi anh nghỉ đi. Lúc khác, em gọi lại…”

Dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, cả bạn tôi và Nguyễn Vũ Nhã đều không muốn nghe tôi đọc thơ bạn; tôi vẫn đọc thầm, bài thơ “Gửi Các Con” của bạn:

“Hỡi căn nhà của ta thời tuổi trẻ
Của những chiều mưa buồn gõ xuống mái tôn
Những buổi sáng nắng lùa qua khe cửa
Vẫn theo ta những đêm tuyết mịt mùng

“Hãy ngỏ cửa, đêm nay ta trở lại
Cánh cửa ơi có còn nhớ nhau không?
Chiếc chìa khóa năm xưa ta làm gẫy
Mấy chục năm trời trên cổ vẫn tòn ten”



Đọc lại thơ bạn, với mưa đem theo tiếng sóng biển ì uồm trên mái, tôi không chỉ thấy thương bạn, thương mình mà, thương cả những người còn sống hay đã chết!!! Người nào thì “trên cổ (cũng) vẫn tòn ten chiếc chìa khóa (một thời đã) gẫy!” Như “mặc niệm” một tình bạn. “Mặc niệm” chính mình!

.

Cậu Trúc,

Tôi thực sự không muốn mình sa đà thêm trong bài viết này. Trước khi ra khỏi, tôi muốn mượn chính lời nói của cậu, dành cho tôi, cách đây hơn hai mươi năm rằng:

“Dù bây giờ cậu đã ở cõi khác. Nhưng tớ vẫn muốn nhắc cậu đừng tiếp tục hoang đàng nữa… Vì hoang đàng như cậu “thì chỉ có chó nó mới lo được cho cậu” mà thôi!!!

Cách gì, cậu Trúc, Thứ Sáu tới đây, cả bà T., Orchid, và tớ cũng sẽ đi… “thăm” cậu; trước khi tớ sẽ gặp lại cậu, như ngày nào hẹn nhau ở Canada… cậu còn nhớ chứ?


Du Tử Lê
(Garden Grove, Dec. 21-2016)













Trở về













MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.