Cao Xuân Hạo
(30/7/1930 -16/10/2007)
(thọ 77 tuổi)
Nhà ngôn ngữ học. Dịch giả
Cao Xuân Hạo (1930-2007) là một nhà ngôn ngữ học với nhiều đóng góp trong việc định hình phương pháp phân tích cấu trúc câu tiếng Việt. Ngoài ra, ông còn là một dịch giả, giáo sư văn chương uyên bác.
Tiểu sử
Cao Xuân Hạo sinh ngày 30 tháng 7 năm 1930 tại Hà Nội[1]. Cha ông, Cao Xuân Huy, cũng là một học giả nổi tiếng. Ông nội ông là Cao Xuân Tiếu. Dòng họ Cao Xuân của ông (Diễn Châu, Nghệ An) có nhiều danh sĩ. Từ nhỏ, ông đã có giai thoại tự học nghe, nói và viết thành thạo tiếng Pháp chỉ từ việc chơi với một người bạn Pháp. Ông từng làm giảng viên ngôn ngữ học, khi đó ông đảm nhận phần lớn công việc dịch sách và hiệu đính các sách dịch tại bộ môn ngôn ngữ học, tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông được biết đến với tư cách nhà ngôn ngữ học và dịch giả, và là thành viên Hội Nhà văn Việt Nam. Giáo sư Cao Xuân Hạo đã được trao tặng Giải thưởng về dịch thuật năm 1985 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Ông mất lúc 19h 40 phút ngày 16 tháng 10 năm 2007 tại Bệnh viện Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh sau hai tuần nằm bệnh do một cơn đột quỵ.
Tác phẩm
Sách ngôn ngữ Tiếng Việt
1
Sơ thảo ngữ pháp chức năng
Nxb Khoa học xã hội. 1991. Ấn bản 2017
2
Tiếng Việt - Sơ thảo ngữ pháp chức năng
Nxb KHXH và Công ty Văn hóa Phương Nam. 2006
3
Tiếng Việt – Mấy vấn đề ngữ âm, ngữ pháp và ngữ nghĩa.
Nxb Giáo dục. 1998
4
Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt
Nxb Trẻ. 2001.2011
5
Âm vị học và tuyến tính: suy nghĩ về các định đề của âm vị học đương đại
Nxb KHXHvà Công ty Văn hóa Phương Nam. 2017
Sách dịch
6
Người con gái viên đại uý
(truyện, 1959)
7
Chiến tranh và hòa bình
(tiểu thuyết, dịch chung, 1962)
8
Truyện núi đồi và thảo nguyên
(tập truyện ngắn, dịch chung, 1963)
9
Trên những nẻo đường chiến tranh
(tiểu thuyết, 1964)
10
Truyện ngắn Goócki
(1966)
11
Con đường đau khổ
(tiểu thuyết, 1973)
12
Tội ác và hình phạt
(tiểu thuyết, dịch chung với Cao Xuân Phổ, xuất bản năm 1983 với tên Tội ác và trừng phạt do BTV tự ý sửa)
13
Đèn không hắt bóng
(1986)
14
Papillon
(1988)
15
Khải Hoàn Môn
(tiểu thuyết) (1988)
16
Nô tỳ Isaura
(tiểu thuyết 19??)
17
Âm vị học & Tuyến tính (Phonologie et linéarité)
Nguyên bản tiếng Pháp được GS viết năm 1980, bản dịch do chính GS thực hiện, xuất bản năm 2006)
Bài viết quan trọng
"Hai cách miêu tả hệ thống thanh điệu của tiếng Việt".
"Chiết đoạn và siêu đoạn trong ngôn ngữ học phương Tây và trong tiếng Việt"
"Nguyên lý tuyến tính của năng biểu" trong âm vị học"
Phonologie et linéarité: réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine, 1985
viết bằng tiếng Pháp, do Hội Ngôn ngữ học và Nhân loại học Pháp (SELAF) xuất bản.
"Vấn đề âm vị trong tiếng Việt".
"Trọng âm và các quan hệ ngữ pháp trong tiếng Việt" (1978).
"Về cương vị ngôn ngữ học của tiếng".
"Nhận xét về các nguyên âm của một phương ngữ ở tỉnh Quảng Nam".
"Một số biểu hiện của cách nhìn Âu châu đối với cấu trúc tiếng Việt".
"Về cách phân tích âm vị học một số vận mẫu có nguyên âm ngắn trong tiếng Việt".
"Thêm mấy giải pháp âm vị học cho các vận mẫu có nguyên âm ngắn của tiếng Việt".
"Sợ hơn bão táp", Báo Văn Nghệ.
"Tư tưởng"...
Nhược điểm của chữ Quốc ngữ không phải ở chỗ nó chưa thật là một hệ thống phiên âm âm vị học, mà chính là ở chỗ nó có tính chất thuần tuý ghi âm, và hoàn toàn bất lực trước nhiệm vụ biểu hiện nghĩa mà lẽ ra nó phải đảm đương, và nhược điểm ấy lộ rõ nhất và tai hại nhất là trong các từ đồng âm vốn có rất nhiều trong tiếng Việt...Bỏ chữ Hán và chữ Nôm là một tai hoạ không còn hoán cải được nữa, nhưng ta có thể bổ cứu cho sự mất mát này bằng cách dạy chữ Hán như một môn học bắt buộc ở trường phổ thông..."[2].
"Chẳng hạn, từ những năm 20 của thế kỷ XX những người làm từ điển Anh - Việt đã thấy ngay rằng (lạ thay!) tiếng Việt không có "tính từ", là vì nếu có thì không thể nào hiểu nổi tại sao người Việt nói Cha tôi già rồi mà không cần và không thể dùng một "động từ" như to be xen vào giữa (tức nói Cha tôi là già rồi)"[3].
"Câu là mệnh đề được thể hiện bằng ngôn từ thực hiện ngay trong lúc nó được phát ra"[4].
"Những cuốn sách đầu tiên viết về ngữ pháp tiếng Việt, - trừ một số ngoại lệ hiếm hoi như những tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, Trần Trọng Kim, Phạm Duy Khiêm (đó là những người không phải chỉ biết tiếng Pháp), - đều do những người chỉ được học một thứ ngữ pháp duy nhất là ngữ pháp tiếng Pháp, hay có chăng cũng lại là một thứ tiếng châu Âu nào đó khác, cho nên dễ tưởng rằng đó là thứ ngữ pháp duy nhất mà một ngôn ngữ có thể có được. Thế là từ đó trở đi các thế hệ sau, tuy hầu hết không biết tiếng Pháp, đều coi sách vở của các bậc tiền bối như là hiện thân của chân lý và không có mấy ai thấy cần nghiên cứu lời ăn tiếng nói của người Việt nữa. Ngữ pháp sao chép từ tiếng Pháp trở thành một thứ tôn giáo nghiệt ngã: bất kỳ một nhận định nào về tiếng Việt cho thấy một cái gì không giống tiếng Pháp đều bị coi là tà thuyết. Từ đó, ta có thể hiểu tại sao 75% những câu thông dụng nhất của tiếng Việt không bao giờ được dạy ở nhà trường"[5].
"Họ [học sinh] chỉ được học những kiểu câu nào hoàn toàn giống câu tiếng Pháp, còn những kiểu câu có thật trong tiếng Việt (vốn chiếm khoảng 75% tổng số câu), thì không có sách nào viết lấy một dòng. Chính ca dao tục ngữ - những câu tiếng Việt mẫu mực nhất, kết tinh những phẩm chất đáng tự hào nhất của linh hồn dân tộc - nằm trong cái số 75% kiểu câu bị loại ra khỏi nội dung giảng dạy ấy. 25% là một tỷ lệ quá ít ỏi để có thể nói rằng học sinh đã học xong ngữ pháp tiếng Việt. Những cách hành văn như ca dao, tục ngữ thường được coi là "lỗi thời" và "không chuẩn" chỉ vì đó chính là cách hành văn thuần tuý Việt Nam, cho nên không giống tiếng Pháp, mà đã không giống câu tiếng Pháp thì tất nhiên là sai chuẩn, là vô văn hoá tồi, còn học làm gì cho nó hư người đi?"[6].
Chữ Tây và chữ Hán, chữ nào hơn?
Cao Xuân Hạo
Từ những thập kỷ đầu của thế kỷ XX trở về trước, người châu Âu thường yên trí rằng mình dùng thứ chữ viết hợp lý nhất, khoa học nhất, tiến bộ nhất. Vì thứ chữ ABC của họ là thứ chữ ghi âm. Năm 1897, Hội ngữ âm học quốc tế ra đời cùng với bảng chữ cái gọi là Tự mẫu phiên âm quốc tế - International Phonetic Alphabet (IPA), được coi là lý tưởng của lối chữ ghi âm. Trong mấy thập kỷ kế theo, người ta thi nhau lên án những cái "bất hợp lý" trong hệ thống chính tả của những thứ tiếng như tiếng Pháp và tiếng Anh ("phát âm một đàng viết một nẻo") và những đề án cải cách chính tả thi nhau lần lượt ra đời.
Thế nhưng gần một trăm năm đã qua, mà không có một đề nghị nhỏ nào trong các đề án đó được thực hiện.
Thật là may, vì đó là một việc không thể làm được, và không nên làm một chút nào. Niềm tự hào ấu trĩ về lối viết ABC cũng như những cáo trạng ồn ào về tính "bất hợp lý" của chính tả Pháp, Anh và những đề nghị cải cách chữ viết đủ kiểu đều xuất phát từ một sự lầm lẫn thô thiển: lúc bấy giờ người ta chưa hiểu cho lắm là chữ viết có chức năng gì trong đời sống và trong nền văn minh, và nó cần phải như thế nào mới làm tròn được chức năng ấy ở mức tối ưu.
Kể từ những năm 30 trở đi, sau những công trình của Trường ngữ học Prague nêu rõ những chức năng và yêu cầu của ngôn ngữ viết khiến cho nó khác với ngôn ngữ nói, những tiếng kêu gào trước kia dần dần im lặng, và chẳng còn mấy ai buồn nhắc đến nữa.
Người ta đã hiểu rằng không có lấy chút cơ sở khoa học nào để khẳng định rằng chữ viết ghi âm là "khoa học nhất", và thứ chính tả lý tưởng là "phát âm thế nào viết thế ấy".
Kịp đến thập kỷ 70, những bước tiến lớn của ngành ngữ học và những phát hiện của âm vị học về khái niệm "tổ hợp âm" càng khiến cho các định kiến cũ lộ hết tính chất vô căn cứ của nó.
Số là ở phương Tây người ta nhận thấy có một số trẻ em không sao học đánh vần được, và do đó học mãi cũng vẫn không biết viết. Số này rất ít, nhưng không ít đến mức có thể bỏ mặc làm ngơ, nó chiếm khoảng 0,01% đến 0,02% số trẻ em ở lứa tuổi học tiểu học. Nghĩa là trong một triệu em có khoảng từ một ngàn hai đến hai ngàn em như thế. Người ta gọi "chứng bệnh" này là alexia (chứng không đọc chữ được) hay dislexia (chứng mất khả năng đọc chữ). Những em này thường được coi là "khuyết tật" hay thậm chí "quá đần độn" không hy vọng gì trở thành người có chút ít học thức được.
May thay, có những nhà ngữ học nảy ra cái ý nghi ngờ rằng nguyên nhân của tình trạng này không phải ở các em, mà chính là ở lối viết ABC. Năm 1978, một nhóm ngữ học Mỹ quyết định làm một cuộc thí nghiệm. Họ mở một số lớp gồm toàn trẻ em "khuyết tật" mắc chứng alexia và dạy chương trình tiểu học cho chúng bằng chữ Hán (xin bạn đọc hiểu đúng cho: dĩ nhiên các em ấy học tiếng Anh và học các môn khác bằng tiếng Anh, nhưng các từ tiếng Anh đều được viết bằng chữ Hán. Chẳng hạn, câu He came to a high mountain được viết bằng sáu chữ Hán là "Tha đáo cập nhất cao sơn"). Sau năm đầu, các em đọc và viết được 1600 từ đơn, và về khả năng hấp thu tri thức, chúng tỏ ra không "đần độn" chút nào, mà kết quả học tập của chúng lại có phần trội hơn các em học tiểu học bằng chữ ABC.
Người ta hiểu ra rằng các em này chẳng phải có khuyết tật gì, chẳng qua trong não của chúng hình như công năng của bán cầu bên phải (tri giác tổng hợp) trội hơn công năng của bán cầu bên trái (tri giác phân tích) cho nên chỉ nhận dạng được chữ Hán vốn có hình thể đặc trưng rất rõ, mà không tách được các từ ra từng âm tố - từng chữ cái.
Ðể hiểu rõ hơn hiện tượng này, ta hãy xét qua cơ chế của việc đọc chữ. Khi đọc, người biết chữ thành thục không hề đánh vần. Họ nhận ra các từ ngữ qua diện mạo chung của chúng, không khác gì ta nhận ra một vật, một người quen không phải bằng cách lần lượt nhận ra từng chi tiết (mắt, rồi mũi, rồi miệng, rồi tai ...) mà nhận ra ngay tức khắc toàn thể diện mạo của vật hay người đó [1] .
Trong tâm lý học hiện đại, khái niệm "diện mạo tổng quát" này được gọi là Gestalt. Cái Gestalt này càng gọn ghẽ (prégnant) bao nhiêu thì việc nhận dạng "tức khắc" càng dễ dàng và tự nhiên bấy nhiêu. Về phương diện này, chữ Hán hơn hẳn chữ Tây. Mỗi chữ Hán là một Gestalt tuyệt hảo, trong khi cái chuỗi chữ cái La-Tinh chắp thành một hàng dài không làm thành một hình ảnh có thể nhận diện dễ dàng trong một chớp mắt như chữ Hán. Ta thử so sánh cách viết mấy từ sau đây, trong cách viết bằng chữ Hán được đặt cạnh cách viết bằng chữ Tây (ABC)*.
Không có gì đáng lấy làm lạ nếu sách chữ Tây rất khó đọc theo cách "Nhất mục thập hàng" như sách chữ Hán.
Có khá nhiều người Việt nghĩ đến những ai đã đem chữ "Quốc ngữ" thay cho chữ Hán, chữ Nôm với một lòng biết ơn sâu xa, cho rằng việc đó đã đưa nước ta tiến vào hiện đại. Nghĩ như thế tôi e có phần vội vàng. Chẳng lẽ sự tiến bộ củaTrung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan, Hương Cảng, Ðại Hàn, Singapore không đủ để chứng minh sự sai trái của ý nghĩ đó hay sao?
Năm 1985, trong một cuốn sách nổi tiếng, cuốn Le nouveau monde sinisé (Thế giới Hán hóa ngày nay), Léon Vandermeersch [2] khẳng định rằng sở dĩ những "con rồng" nói trên thành rồng được chính là vì họ vẫn dùng chữ Hán [3] . Chỉ còn một nước chưa thành rồng được: Việt Nam. Nước này đã bỏ mất chữ Hán mà trước kia nó đã từng dùng Dĩ nhiên, ta có thể không đồng ý với học giả này, nhưng khó lòng có thể nói rằng đó là một chuyện hoàn toàn ngẫu nhiên.
Chữ ABC đối với đa số quả có một ưu điểm lớn là học rất nhanh. Muốn đọc chữ ABC chỉ cần học vài tháng, trong khi muốn viết 1200 chữ Hán thông dụng thôi đã phải mất một năm. Ưu điểm đó khiến cho chữ "quốc ngữ" đắc dụng trong thời Pháp thuộc, khi mà người ta cần thanh toán việc học đọc học viết tiếng mẹ đẻ cho nhanh để chuyển sang học chữ Pháp và tiếng Pháp. Nó cũng đắc dụng trong thời kháng chiến, khi cần thanh toán mù chữ cho thật nhanh để còn lo đánh giặc.
Nhưng trong hoàn cảnh độc lập, trong hòa bình, trong sự nghiệp xây dựng văn hóa, cái ưu thế này không còn lớn như trước nữa. Trong những điều kiện bình thường, dành vài ba năm tiểu học cho việc học chữ (đồng thời các môn khác), không phải là một việc gì quá phí phạm. Tốc độ và chất lượng giảng dạy ở các trường tiểu học, trung học và đại học ở Trung Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan, Hương Cảng, Singapore không hề kém so với các nước dùng chữ Tây, trong đó có Việt Nam.
Trong hoàn cảnh lịch sử của nước ta còn có một điều làm cho chữ "quốc ngữ" đâm ra có vẻ ưu việt đặc biệt: đó là sự tồn tại của chữ Nôm hồi bấy giờ. Trước khi có chữ "quốc ngữ", ông cha ta dùng chữ Nôm để viết tiếng mẹ đẻ. Mà chữ Nôm thì khó hơn chữ Hán rất nhiều (theo một chuyên gia Hán Nôm, nó khó gấp 5 lần). Chính nhờ sự tương phản với thứ chữ phức tạp, khó học ấy mà chữ "quốc ngữ" có vẻ như "tiện"hơn hẳn.
Giá hồi ấy ông cha ta không sáng tạo ra chữ Nôm, mà cứ dùng chữ Hán để viết cả văn Hán lẫn quốc văn như người Nhật Bản đã làm (và hiện nay vẫn làm), nghĩa là mỗi chữ có hai cách đọc, Hán âm (Kan-on) và Quốc âm (Go-on) [4] , thì tình hình có lẽ đã khác.
Tiếng Nhật là tiếng đa âm tiết; thế mà người Nhật vẫn dùng được chữ Hán (Kanji) cho hầu hết các văn bản, tuy thỉnh thoảng có thêm như chữ Kana (ghi từng âm tiết) cho các phụ tố (như no: chỉ sinh cách, de chỉ vị cách , ni chỉ tặng cách v.v.). Nhưng nếu vậy làm sao người đọc biết được một chữ nào đó cần được đọc theo Hán âm hay theo quốc âm? Chẳng hạn nếu viết , làm sao biết lúc nào đọc là sơn, lúc nào đọc là núi? Trong đa số trường hợp, văn cảnh sẽ mách cho ta biết. Chẳng hạn nếu thấy viết 高山上 ta sẽ biết phải đọc là cao sơn thượng, còn nếu thấy 上山高, ta sẽ biết đó là trên núi cao, trừ phi có những lý do khác không cho phép đọc như vậy. Nếu cần, có thể dùng một vài dấu phụ. Kinh nghiệm hàng chục thế kỷ dùng chữ Hán để viết tiếng Nhật ít ra cũng chứng minh được rằng lối viết nói trên có thể dùng một cách có hiệu quả. Tiếng Nhật, vốn là ngôn ngữ chắp dính (agglutinating) đa tiết, đã dùng được chữ Hán như vậy, thì tiếng Việt, vốn cùng loại hình đơn lập như tiếng Hán, lại càng dễ dùng chữ Hán hơn.
Tiếng Việt có một cấu trúc ngữ âm khác hẳn các thứ tiếng châu Âu. Trên hơn 320 trang sách, người viết mấy dòng này đã chứng minh rằng âm vị học của phương Tây (vốn là nền tảng lý thuyết của cách viết ABC) không thể đem ứng dụng để nghiên cứu và phân tích những thứ tiếng đơn lập như tiếng Hán, tiếng Việt hay những thứ tiếng chắp dính như tiếng Nhật, hay những thứ tiếng "có sườn phụ âm" như tiếng A Rập, tiếng Do Thái v.v. Nó chỉ có giá trị và hiệu lực đối với các ngôn ngữ biến hình. Việc phân tách mỗi tiếng (âm tiết) ra thành nhiều âm tố (speech sound), rồi thành nhiều âm vị (phonems), là một hiện tượng kỳ quặc chỉ có thể có với một cấu trúc ngữ pháp trong đó mỗi tiếng có thể gồm hai ba yếu tố có nghĩa (chẳng hạn, từ shla trong tiếng Nga (1 âm tiết) gồm có ba hình vị (ba yếu tố có nghĩa): sh có nghĩa là "đi", l có nghĩa "quá khứ", a có nghĩa "giống cái" [5] .
Từ đó ta có thể thấy rõ rằng chữ viết ABC, vốn phản ánh cái cấu trúc ấy, khó lòng thích hợp với tiếng Việt và cách tri giác của người Việt đối với tiếng mẹ đẻ của họ. Tiếng Việt (và khá nhiều thứ tiếng khác ở Việt Nam), tiếng Hán, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Thái, tiếng Lào, tiếng Myanmar, tiếng Malagasy (Madagascar), tiếng Mixteko, tiếng Mazateco, v.v. là những ngôn ngữ âm tiết tính, trong đó âm tiết là một đơn vị có cương vị ngôn ngữ học minh xác, lại không thể phân tích ra thành những "âm tố" có cương vị tương đương, trong khi trong các thứ tiếng châu Âu chính âm tố mới có cương vị của những đơn vị ngôn ngữ ("âm vị") còn âm tiết lại không có cương vị ngôn ngữ học gì. Không phải ngẫu nhiên mà châu Âu chính là nơi phát minh ra chữ viết ABC. Và sở dĩ thứ chữ này được phổ biến ra khắp thế giới, khônh phải vì một nguyên nhân ngôn ngữ học, mà chính là vì địa vị thống trị của các nước đế quốc chủ nghĩa ở châu Âu.
Hiện nay tất cả các khách du lịch đến nước ta đều kinh ngạc trước tình trạng người Việt không đọc được những dòng chữ đề trên các đền đài và di tích lịch sử. Họ nói "Các ngài là những người mù chữ ngay trên đất nước mình". Nạn mù chữ Hán cũng là cội nguồn của việc hiểu sai các từ Việt gốc Hán. Cũng như người Pháp không thể giỏi tiếng Pháp nếu không biệt tiếng La Tinh, người Việt Nam cũng không thể giỏi tiếng Việt nếu không biết chữ Hán, thứ chữ đã từng được dùng để viết hơn 70% số từ của tiếng Việt, những từ mà ngày nay vẫn được dùng với một tần suất rất cao.
Việc học chữ Hán không thể không được đưa vào chương trình trung học.
Ngày nay nhiều người, trong đó có cả những nhà ngữ học phương Tây, đã thấy rõ những ưu điểm lớn lao của chữ Hán. Có người còn tiên đoán rằng chỉ vài ba mươi năm nũa, cả thế giới sẽ nhất loạt dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của từng dân tộc (theo họ, đến lúc ấy các hàng rào ngôn ngữ - barrières linguistiques - xưa nay vẫn ngăn cách các dân tộc, sẽ bị vô hiệu hoá, và đến lúc ấy nhân loại sẽ giao tiếp với nhau dễ dàng gấp trăm lần so với hiện nay.quay lại với chữ Hán. Việc từ bỏ chữ Hán để chuyển sang chữ Tây là một sự kiện không còn hoán cải được nữa rồi. Nhưng, cũng như một trận hồng thủy, những tác hại của nó có thể khắc phục được: ta còn có thể học và nghiên cứu chữ Hán như một di sản của văn hoá dân tộc, và do đó mà bảo tồn một truyền thống quý giá đi đôi với những nghệ thuật cao cả như thư pháp, vốn là tài sản chung của các dân tộc Viễn Ðông và có thể làm thành một mối dây liên lạc giữa các dân tộc rất gần gũi nhau về văn hoá này.
(Ðăng lần đầu trên Kiến thức ngày nay số 14, 15-6-1994)
Chú thích:
[1] Do đó, lối học đọc thông qua "đánh vần" là một cách làm sai trái ngay từ nguyên lý. Bây giờ trên thế giới không còn mấy nơi dùng cách học này
[2] Hiện nay là Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ (École francaise d´Extrême-Orient- trước đây ở Hà NộI, bây giờ ở Paris).
[3] Léon Vandermeersch 1985, Le nouveau monde sinisé. Paris: Seuil.
[4] Chẳng hạn, cách đọc Kan-on của chữ SƠN…* là [san], còn Go-on là [yama].
[5] Cao Xuân Hạo 1985, Phonologie et linéarité. Réflexions critiques sur les postulats de la phonologie contemporaine. Paris: SELAF.
Nên hay không nên dạy chữ Nho cho học sinh phổ thông?
21/01/2016 | 20284
PGS.TS Lê Xuân Thại thuyết trình bài viết tại Hội thảo NNH toàn quốc
Gần 20 năm nay trên báo chí có một số nhà giáo, nhà ngôn ngữ học chủ trương đưa chữ Nho vào chương trình giáo dục phổ thông. Người đầu tiên đưa ra chủ trương này có lẽ là PGS. Cao Xuân Hạo với bài viết “Chữ Tây và chữ Hán thì chữ nào hơn?” in lần đầu tiên trên Kiến thức ngày nay số 141 năm 1994. Sau đó là các bài viết “Chữ Nho với nền văn hóa Việt Nam” của GS. Nguyễn Cảnh Toàn; “Cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam” của GS. Nguyễn Đình Chú; “Vai trò Hán Nôm trong các ngành khoa học xã hội” của GS. Lê Văn Quán v.v...
Trước Cách mạng tháng Tám, tôi đã học chữ Nho, theo sách thành hiền 2 năm trước lúc học chữ quốc ngữ, sau đó vào học tiểu học ở trường Pháp - Việt, đến lớp nhì đệ nhất mỗi tuần chỉ học một tiết chữ Nho gọi là giờ Caractère Chinois. Sau Cách mạng tháng Tám trường phổ thông không dạy chữ Hán và đến cuối năm 1954 tôi sang Trung Quốc học đại học. Một người như tôi, đã gắn bó với chữ Hán, tiếng Hán trong một thời gian dài như vậy, đáng lẽ khi có người chủ trương dạy chữ Nho cho học sinh phổ thông Việt Nam thì phải nhiệt liệt tán thành, ủng hộ. Nhưng trái lại tôi lại rất băn khoăn trước chủ trương này.
Thứ chứ Hán hay chữ Nho mà các học giả trên đây chủ trương đem dạy ở trường phổ thông là thứ chữ Hán của văn bản cổ đại mà Trung Quốc gọi là văn ngôn. Chủ trương dạy chữ Hán ở đây thực chất là chủ trương dạy văn ngôn chứ không phải là dạy tiếng Hán hiện đại. Việc dạy chữ Hán và tiếng Hán hiện đại thì chẳng có gì phải bàn cãi nữa vì trước đây và hiện nay trong trường phổ thông Việt Nam đều có môn tiếng Trung (tiếng Hán hiện đại) bên cạnh các môn sinh ngữ khác như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga v.v... mặc dù số lượng học sinh học tiếng Trung bây giờ không nhiều như trước nữa. Học chữ Nho thì phát âm theo cách đọc Hán Việt, còn học chữ Hán tiếng Hán hiện đại thì phát âm theo hệ thống ngữ âm Bắc Kinh hiện đại.
Để sáng tỏ vấn đề chúng ta thử tìm hiểu những lí do mà các học giả trên đây dựa vào để chủ trương dạy chữ Nho ở trường phổ thông.
Trước hết, là về tác dụng của chữ Hán đối với não bộ con người và sự tiến bộ xã hội. GS. Cao Xuân Hạo và cả GS. Nguyễn Đình Chú đều đánh giá rất cao tác dụng của chữ Hán đối với não bộ con người tức là đối với cơ quan của tư duy, nhận thức. Lòng tin này dựa vào một thành quả của việc dạy tiếng Anh bằng chữ Hán cho các học sinh Mỹ mắc chứng alexia (không học được cách “đánh vần”). “Năm 1978, một nhóm ngữ học Mỹ quyết định làm một cuộc thí nghiệm. Họ mở một lớp gồm toàn trẻ em “khuyết tật” mắc chứng elexia và dạy chương trình tiểu học cho chúng bằng chữ Hán (xin bạn đọc hiểu đúng cho: dĩ nhiên các em ấy học tiếng Anh và học các môn khác bằng tiếng Anh, nhưng các từ tiếng Anh đều được viết bằng chữ Hán. Chẳng hạn, câu He came to a high mountaine được viết bằng sáu chữ Hán là “Tha đáo cập nhất cao sơn”. Sau năm đầu, các em đọc và viết được 1.600 từ đơn, và về khả năng hấp thu tri thức chứng tỏ ra không “đần độn” chút nào, mà kết quả học tập của chúng lại có phần trội hơn các em học tiểu học bằng chữ ABC”. Trên cơ sở thực nghiệm này, lại dựa vào khái niệm “diện mạo tổng quát” (được gọi là Gestalt) trong tâm lí học hiện đại, người ta cho rằng chữ Hán - một thứ chữ không ghi âm - là một thứ chữ hơn hẳn chữ Tây.
“Mỗi chữ Hán là một Gestalt tuyệt hảo, trong khi cái chuỗi chữ cái La - Tinh chắp thành một hàng dài không làm thành một hình ảnh có thể nhận diện dễ dàng trong một chớp mắt như chữ Hán” (Cao Xuân Hạo).
Từ chỗ ca ngợi tính ưu việt của chữ Hán đối với não bộ con người, đối với nhận thức, tư duy, GS. Cao Xuân Hạo và GS. Nguyễn Đình Chú rất tâm đắc với nhiều nhận định của một số học giả nước ngoài về tác dụng của chữ Hán đối với tiến bộ xã hội. Đó là ý kiến của Léon - Vandermermeesh cho rằng những nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thương Cảng, Đại Hàn, Singapore là những “con rồng” và sở dĩ thành rồng được chính là vì họ dùng chữ Hán. Chỉ còn một nước chưa thành rồng được: Việt Nam- Nước này đã bỏ mất chữ Hán mà trước kia nó đã từng dùng. Đó là những lời tiên đoán của một số người phương Tây cho rằng chỉ vài ba mươi năm nữa, cả thế giới sẽ nhất loạt dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của từng dân tộc... chữ Hán là thứ chữ tương lai của nhân loại (dẫn theo Cao Xuân Hạo).
Quả thật, đọc rất nhiều sách báo của Trung Quốc tôi chưa thấy một học giả Trung Quốc nào ca ngợi tính ưu việt của chữ Hán như mấy người nước ngoài này. Chữ Hán do đặc điểm của nó có thể là “liều thuốc” để chữa khuyết tật cho những người mắc chứng elexia nhưng không nên ngộ nhận là thứ thuốc đó có thể dùng để kích thích trí thông minh của con người lên vượt bậc, nhất là đối với con người bình thường không mắc elexia. Nếu học chữ Hán mà thông minh, sáng tạo vượt bậc thì giải thưởng Nobel phần lớn phải thuộc về người Trung Quốc nhưng thực tế không phải như vậy. Nếu học chữ Hán mà xã hội văn minh, tiến bộ đến như vậy thì hiện nay Trung Quốc phải đứng hàng đầu thế giới về kinh tế, khoa học, kĩ thuật nhưng thực tế không phải như vậy. Ông Lý Quang Diệu, một người gốc Hoa, nguyên thủ tướng Singapore, người lãnh đạo Singapore trở thành con rồng khi sang thăm Việt Nam nói về kinh nghiệm phát triển kinh tế, xã hội của Singapore, ông không hề nói đến vai trò của tiếng Hán, chữ Hán mà khuyên Việt Nam nên đẩy mạnh việc học tập tiếng Anh. Một số người phương Tây cho rằng chỉ vài ba mươi năm nữa, cả thế giới sẽ nhất loạt dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của từng dân tộc, lời tiên đoán này đến nay cũng đã vài mươi năm rồi mà trên thế giới chưa thấy nước nào “rục rịch” dùng chữ Hán để viết tiếng mẹ đẻ của dân tộc họ!
Theo tôi thì thứ chữ nào hiện nay trên thế giới cũng có ưu điểm và nhược điểm của nó. Ưu điểm của chữ Hán đã được nhiều người nói đến. Chữ Hán thường có bộ phận biểu ý nên trong trường hợp đồng âm, nhìn vào chữ là biết ngay được nghĩa của yếu tố đồng âm đó. Chữ ABC không có được ưu điểm này. Chẳng hạn một người ViệtNam có tên là Dương thì rất khó biết tên anh ta có nghĩa là gì: là mặt trời, là biển lớn, là tên một loài cây hay là con dê. Sức mạnh của chữ Hán cho mãi đến ngày nay là phương tiện giao tiếp chung của nhân dân Trung Quốc trong tình trạng các ngôn ngữ địa phương quá cách xa nhau, người Thượng Hải không hiểu tiếng Quảng Đông, người Quảng Đông không hiểu được tiếng Tứ Xuyên v.v... nhưng mọi người Trung Quốc có học đều đọc hiểu các văn bản chữ Hán. Cũng chính vì thế mà cho đến nay chữ phiên âm của tiếng Hán chỉ có thể là phương tiện phụ trợ trong việc dạy chữ Hán chứ không thể thay thế chữ Hán được. Nhưng nhược điểm của chữ Hán là rất khó học. Người Trung Quốc và những người nước ngoài học chữ Hán đều thấm thía điều này. Nó là một cản trở rất lớn cho việc xóa nạn mù chữ ở Trung Quốc. Trong lúc đó thì chữ ABC của ta tuy có nhược điểm như trên đã nói nhưng học rất nhanh, điểm này thì ai cũng thấy.
Từ chỗ ca ngợi tính ưu việt của chữ Hán, GS. Cao Xuân Hạo coi việc bỏ chữ Hán, chữ Nôm ở nước ta là “một tai họa, một trận đại hồng thủy” gây nhiều mất mát, không còn hoán cãi được nữa. Nói như vậy cũng có nghĩa là chê trách cha ông ta đã không sáng suốt, đã quá nhu nhược. Tôi thì tôi không nghĩ như vậy, tôi cho rằng việc lựa chọn chữ ABC là sự lựa chọn sáng suốt của lịch sử, của nhân dân ta. Và chữ ABC đã có công lớn trong sự phát triển của xã hội ta, nhất là từ Cách mạng tháng Tám đến nay.
Một lí do khác của chủ trương dạy chữ Nho ở trường phổ thông là việc tiếp nhận, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Một lí do, một mục đích thật là hấp dẫn ! Quả thật, cha ông chúng ta đã để lại một di sản văn hóa vô cùng quý báu, trong đó một khối lượng không nhỏ được viết bằng chữ Hán: Bài thơ Nam quốc sơn hà (có người cho là của Lý Thường Kiệt), Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, văn thơ Lý Trần, Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, Ngục trung nhật kí của Hồ Chí Minh, Nam dược thần liệu của Tuệ Tĩnh, Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Bản thảo thực vật toát yếu của Phan Chu Tiên, Đại thành toán pháp của Lương Thế Vinh v.v... Nếu ai cũng có trình độ chữ Hán đọc trực tiếp các văn bản chữ Nho đó thì tốt quá. Nhưng vấn đề là ở chỗ ngày nay dạy chữ Nho cho học sinh phổ thông có thể đạt đến trình độ đó hay không. Ai cho rằng dạy chữ Nho ở trường phổ thông để học sinh trực tiếp đọc được văn bản chữ Hán trong di sản văn hóa dân tộc thì đó là một ảo tưởng. Các cụ ta ngày xưa bao nhiêu năm đèn sách, sôi kinh nấu sử mới đạt được trình độ đó chứ đâu phải là chuyện dễ! Học chữ Nho khó không phải chỉ vì bản thân chữ Nho phức tạp mà còn vì văn chữ Nho là văn cổ đại (văn ngôn) mà ngay người Trung Quốc hiện đại cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tôi là người cảm nhận rất rõ điều này. Tôi học tiếng Hán hiện đại đến nay đã hơn 50 năm, chữ Hán tôi học được cũng khá nhiều nhưng đọc loại văn cổ đó tôi cũng chẳng hiểu được bao nhiêu. Không những tôi mà ngay các bạn học Trung Quốc cùng lớp với tôi cũng không hiểu gì mấy khi bất đầu tiếp xúc với Kinh thi, với Luận ngữ, với Sở từ v.v...
GS. Cao Xuân Hạo cảm thấy chạnh lòng khi hiện nay, tất cả các khách du lịch đến nước ta đều kinh ngạc trước tình trạng người Việt không đọc được những dòng chữ đề trên các đền đài và di tích lịch sử. Họ nói: “Các ngài là những người mù chữ ngay trên đất nước mình”. Nếu là tôi, tôi sẽ trả lời với người khách du lịch đó rằng, thứ chữ này không phải là chữ của Việt Nam mà là chữ Hán trước đây cha ông chúng tôi dùng, bây giờ chữ của Việt Nam là chữ quốc ngữ. Cho nên thứ chữ này bây giờ ít người đọc được là chuyện bình thường. Thực ra thì hiện tượng này không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam mà ngay ở Trung Quốc cũng có khá đông người đến đền, chùa của họ mà vẫn không đọc được hoặc đọc mà không hiểu được các dòng chữ viết trên câu đối hoặc hoặc các bức hoành phi mặc dù họ cũng có một vốn chữ Hán kha khá.
Theo tôi thì để tiếp cận di sản văn hóa chữ Hán ở Việt Nam, cần phải đào tạo một đội ngũ chuyên gia Hán học để họ có thể nghiên cứu và dịch các trước tác chữ Hán có giá trị của cha ông ra tiếng Việt chứ không trông chờ gì ở việc học tập chữ Nho của học sinh ở trường phổ thông. Việc dịch thuật này ngay từ thời phong kiến đã có người làm như Đoàn Thị Điểm đã dịch Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, thời Pháp thuộc vẫn tiếp tục có người làm, và sau Cách mạng tháng Tám nhất là mấy chục năm gần đây đã đạt được rất nhiều thành tựu. Việc thành lập Viện Hán Nôm, việc thành lập khoa Hán Nôm ở một số trường đại học đã có tác dụng rất lớn trong vấn đề này.
Ngoài hai lí do trên, còn một lí do nữa mà những người chủ trương dạy chữ Nho ở trường phổ thông thường hay nêu ra là dạy chữ Nho để nâng cao trình độ hiểu biết và sử dụng tiếng Việt. GS. Cao Xuân Hạo viết:
“Nạn mù chữ Hán cũng là cội nguồn của việc hiểu sai các từ Việt gốc Hán. Cũng như người Pháp không thể giỏi tiếng Pháp nếu không biết tiếng La Tinh, người Việt Nam cũng không thể giỏi tiếng Việt nếu không biết chữ Hán, thứ chữ đã từng được dùng để viết hơn 70% số từ của tiếng Việt, những từ mà ngày nay vẫn được dùng với một tần suất rất cao”. Để chứng minh cho điều này, người ta đã đưa ra rất nhiều dẫn chứng, các lỗi về âm, về nghĩa, về phong cách trong việc sử dụng từ ngữ Hán Việt trên sách báo và trong cuộc sống thường nhật. Những lỗi này là sự thật không thể chối cãi nhưng phải chăng là do nạn mù chữ Nho và muốn khắc phục cái lỗi này thì phải dạy chữ Nho từ bậc học phổ thông? Thử lật lại vấn đề: nếu các lỗi về sử dụng từ ngữ Hán Việt là do mù chữ Nho thì tại sao có rất nhiều nhà văn, nhà báo, nhà khoa học Việt Nam chẳng biết một chữ Nho nào cả mà tác phẩm của họ chẳng có một lỗi nào về từ ngữ Hán Việt. Sở dĩ như vậy là vì tuy không biết một chữ Nho nào cả nhưng họ đã có một quá trình tu dưỡng tìm hiểu âm, nghĩa, giá trị phong cách của từ ngữ Hán Việt. Việc thụ đắc từ ngữ Hán Việt không nhất thiết phải qua chữ Nho. Người ta hoàn toàn có thể thụ đắc từ ngữ Hán Việt bằng cách liên hệ với tư duy, liên hệ với thực tế, với giao tiếp. Điều này không những đúng với việc thụ đắc từ ngữ Hán Việt mà còn đúng với việc thụ đắc các từ ngữ ngoại lai khác trong tiếng Việt. Trong tiếng Việt có nhiều từ gốc Pháp nhưng để hiểu những từ đó người Việt không nhất thiết phải học chữ Pháp, tiếng Pháp. Điều này cũng đúng đối với việc thụ đắc các từ ngữ ngoại lai của người bản địa dân tộc khác. Trong tiếng Hán có nhiều từ gốc Nhật, nhưng người Hán cũng không nhất thiết phải học tiếng Nhật, chữ Nhật (mặc dù trong chữ Nhật có nhiều chữ Hán). Như vậy, theo tôi là những người dùng sai từ ngữ Hán Việt không phải là do không biết chữ Nho mà là do họ không học tập đến nơi đến chốn tiếng Việt nói chung và từ ngữ Hán Việt nói riêng.
Có người nghĩ rằng có học chữ Nho mới hiểu được nghĩa của yếu tố cấu tạo từ, hiểu được yếu tố cấu tạo từ thì mới hiểu được nghĩa của từ ngữ Hán Việt. Thực tế không hẳn là như vậy. Có nhiều trường hợp người ta không hiểu nghĩa của yếu tố Hán Việt nhưng vẫn hiểu và sử dụng đúng từ ngữ Hán Việt. Người ta có thể không hiểu áitrong ái nam ái nữ nghĩa là gì, nhưng hiểu rất đúng thế nào là ái nam ái nữ (Ái ở đây có nghĩa là phảng phất, gần như), có thể không hiểu ái trong ái ngại nhưng ai cũng hiểu dùng đúng từ ái ngại (Ái ở đây có nghĩa là băn khoăn), có thể không hiểu sở trong từ khổ sở nghĩa là gì nhưng không mấy ai không hiểu và dùng sai từ khổ sở (Sở ở đây có nghĩa là đau xót). Như vậy có thể thấy rằng trong việc thụ đắc từ ngữ Hán Việt, quan trọng là việc hiểu nghĩa, hiểu cách dùng từ ngữ chứ không phải là hiểu nghĩa của từng yếu tố cấu tạo từ. Mà ngay cả việc hiểu nghĩa của yếu tố Hán Việt cũng không nhất thiết phải qua chữ Nho mà có thể dạy qua chữ quốc ngữ như chúng ta đã dạy ở các giờ ngữ văn phổ thông cơ sở và phổ thông trung học. Tất nhiên việc dạy từ ngữ Hán Việt ở trường phổ thông hiện nay còn nhiều điều phải cải tiến để thu được nhiều hiệu quả hơn nữa, nhưng đó là chuyện khác mà chúng tôi không bàn đến ở đây.
Nói tóm lại, chúng tôi cho rằng không nên, không cần thiết phải dạy chữ Nho cho học sinh phổ thông với tư cách là một môn học bắt buộc, có tính chất đại trà. Tất nhiên, những em học sinh phổ thông nào thích học chữ Nho mà nhà trường có điều kiện thì cũng có thể theo học ở những giờ ngoại khóa. Và chúng tôi cũng không phản đối việc giảng dạy cho học sinh phổ thông hiểu thế nào là chữ Nho, thế nào là chữ Nôm và học nhận diện một số lượng chữ Nho nào đó mà không bắt buộc phải nhớ như GS. Nguyễn Quang Hồng đề nghị.
Thực ra thì đây không phải là ý kiến của riêng chúng tôi. Đã có một số người viết bài tỏ rõ ý kiến không đồng tình với chủ trương dạy chữ Nho cho học sinh phổ thông như bài “Vấn đề dạy chữ Hán cho học sinh trung học phổ thông Việt Nam” của Trương Đức Quả, “Vấn đề đưa chữ Hán vào nhà trường phổ thông” của Nguyễn Thìn Xuân. Và cuộc thăm dò ý kiến của chúng tôi cũng cho thấy khá nhiều người tán thành với ý kiến của chúng tôi. Bài viết này của chúng tôi muốn góp thêm một tiếng nói để trong tương lai những người làm chương trình và SGK mới tham khảo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Cao Xuân Hạo:
- Chữ Tây và chữ Hán, thứ chữ nào hơn ? “Kiến thức ngày nay” số 141, năm 1994.
- Mấy nhận xét về chữ Quốc ngữ, Báo cáo Khoa học, năm 1995, đăng lại trên “Tiếng Việt, Văn Việt, Người Việt, Nxb trẻ, 2001.
Nguyễn Cảnh Toàn: Chữ Nho với nền văn hóa Việt Nam, “Hán Nôm học trong nhà trường”, Nxb KHXH, 2008.
Nguyễn Đình Chú: Cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam, “Hán Nôm học trong nhà trường”, Nxb KHXH, 2008.
Nguyễn Minh Tường: Suy nghĩ về lợi ích của việc dạy chữ Hán cho lớp trẻ hiện nay, “Hán Nôm học trong nhà trường”, Nxb KHXH, 2008.
Lê Văn Quán: Vai trò Hán Nôm trong các ngành khoa học xã hội, “Hán Nôm học trong nhà trường”, Nxb KHXH, 2008.
Nguyễn Quang Hồng: Chữ Hán, chữ Nôm với học sinh trung học, “Hán Nôm học trong nhà trường”, Nxb KHXH, 2008.
Lê Anh Tuân: Mấy vấn đề đặt ra từ thực tế giảng dạy Hán Nôm cho giáo viên dạy văn phổ thông cơ sở, “Hán Nôm học trong nhà trường”, Nxb KHXH, 2008.
Trương Đức Quả: Vấn đề dạy chữ Hán cho học sinh trung học phổ thông ViệtNam, “Hán Nôm học trong nhà trường”, Nxb KHXH, 2008.
Nguyễn Thìn Xuân: Vấn đề đưa chữ Hán vào nhà trường phổ thông, “Hán Nôm học trong nhà trường”, Nxb KHXH, 2008.
Lê Xuân Thại: Xung quanh vấn đề dạy và học từ ngữ Hán Việt, “Ngôn ngữ”, số 4 năm 1990.
Nhận định
“ Cao Xuân Hạo thuộc vào số rất ít nhà ngữ học Việt Nam vượt lên khỏi cái địa vị thuần túy cung cấp tư liệu minh họa cho các lý thuyết ngữ học của phương Tây, để đĩnh đạc tranh luận với giới ngữ học quốc tế. ”
“ Hình như trong cuộc đời ông cũng chịu không ít bầm dập. Nhưng tôi cho là may mà đời có ông. Ông chân thực vô tư mà minh triết như chú bé trong ngụ ngôn Andersen đã nói huỵch toẹt: hoàng đế cởi truồng. Không hiểu sao tôi có liên tưởng ngộ nghĩnh: một chiều gió bấc, một con đường mòn xa tít hun hút tới chân trời. Trên đó chàng kỵ sĩ gầy, mái đầu muối tiêu, nách cắp cây thương, cưỡi trên con ngẽo cà khổ. Đó là ông, Cao Xuân Hạo, chàng kỹ sĩ độc hành. Trong chiều tà, ngọn bút của ông được phản quang phóng to thành cây thương. Một người một ngựa, ông trơ trọi đi trong chiều vắng. Trước mắt, những hồn ma bóng quế chập chờn. Nhưng ông vui vì tin rằng một ngày mai những con chữ Việt sẽ tưng bừng trong cuộc hoan ca chào đón ông - người giải phóng... ”
“ Hình như không có lúc nào mà trong tâm trí ông lại không bận rộn chuyện về phương cách, biện pháp phải làm thế nào để miêu tả đúng bản chất tiếng Việt để người Việt vận dụng cho chính xác. Theo cá nhân tôi, Cao Xuân Hạo là một nhà ngữ học chuyên thông của Việt Nam chúng ta... ”
“ Chính nhờ sự thấu hiểu tuyệt vời của mình về tiếng mẹ đẻ, kết hợp với sự tham khảo sâu rộng, sáng suốt và không bao giờ mệt mỏi của mình ở nhiều công trình hữu quan thuộc loại mới nhất của nước ngoài; nên Cao Xuân Hạo chẳng những có nhiều cống hiến to lớn cho Việt ngữ học mà còn buộc người ta hoài nghi nền ngữ học đại cương bằng cống hiến độc đáo và đặc sắc của mình về bản chất của âm vị trong tiếng Việt (và các ngôn ngữ khác cùng loại hình). Lâu nay, người ta cứ mê đắm trong cái biển ngập ngụa chất muối "Âu châu tâm điểm" của ngữ học đại cương mà miêu tả rồi định nghĩa âm vị tiếng Việt chẳng khác gì âm vị trong các ngôn ngữ Âu châu. Cao Xuân Hạo chứng minh rằng làm như thế là không đúng với bản chất của đơn vị này trong tiếng Việt: của tiếng Việt là trường âm vị (macrophonématique) còn của các ngôn ngữ Âu Châu là đoản âm vị (microphonématique). Điều này buộc ngữ học đại cương phải định nghĩa lại khái niệm "âm vị" để cho nó có thể thích hợp với các loại hình ngôn ngữ. ”
“ Lối dịch văn học của Cao Xuân Hạo vừa sáng vừa chuẩn nhưng vừa mờ ảo. Đó là điều không hề dễ dàng với bất cứ dịch giả nào, khi bản dịch không xấu hổ có thể đứng đàng hoàng bên cạnh nguyên tác, không hề "phản" cũng không hề hạ thấp chất văn trong nguyên tác mà lại thăng hoa chất văn trong Việt ngữ. Có được thành công ấy, vì Cao Xuân Hạo trong sâu thẳm tâm hồn mình là một nghệ sĩ, một nghệ sĩ ngôn từ, nghệ sĩ của tiếng Việt ”
Chú thích
^ Tiếng Việt Văn Việt Người Việt, Nhà xuất bản Trẻ, 2001, bài "Mấy nhận xét về chữ Quốc ngữ"
^ Nguyễn Đức Dương, "Lời giới thiệu cuốn Tìm về linh hồn tiếng Việt", Nhà xuất bản Trẻ 2003, trang 7
^ Nguyễn Đức Dương, Tìm về linh hồn tiếng Việt", Nhà xuất bản Trẻ 2003, trang 152
^ Nguyễn Đức Dương, "Lời giới thiệu cuốn Tìm về linh hồn tiếng Việt", Nhà xuất bản Trẻ 2003, trang 10
^ Nguyễn Đức Dương, "Lời giới thiệu cuốn Tìm về linh hồn tiếng Việt", Nhà xuất bản Trẻ 2003, trang 11
Liên kết ngoài
Cao Xuân Hạo
Cao Xuân Hạo
Hà Văn Thuỳ
Hoàng Dũng
Thanh Thảo
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.