Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2016

Trùng Dương
















Trùng Dương

Tên thật: Nguyễn Thị Thái
(1944 - ....) Sơn Tây
Nhà văn, nhà báo, dịch giả









Tiểu sử

Trùng Dương, tên khai sinh là Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây, di cư và lớn lên tại Miền Nam từ 1954 và đã theo học năm năm tại Đại học Kiến Trúc Sài Gòn.
Nguyên là chủ nhiệm kiêm chủ bút nhật báo Sóng Thần (Saigòn, 1971-75), và là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, phóng sự, minh hoạ, và một vở kịch ba màn, Các Con Tôi Đã Về (1978).

Tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ từ 1975. Trở lại trường học và tốt nghiệp cử nhân và cao học ngành báo chí, công quyền và các vấn đề quốc tế, Đại học Tiểu Bang California, Sacramento.

Fulbright Fellow, niên khoá 1990-91 tại Hong Kong, nghiên cứu về các vùng kinh tế đặc biệt (special economic zones) của Trung Cộng trước khi nước này mở tung mọi cửa ngõ đón nhận nền kinh tế thị trường. Từ 1991-93, phóng viên cho tờ The Mountain Democrat, Placerville, Calif.; sau đó về cộng tác với nhật báo The Record, Stockton, Calif., làm copy editor rồi trưởng thư viện tin tức (chief news librarian, archivist & researcher) từ 1993 tới khi về hưu năm 2006.










Trùng Dương trước 75





Các tác phẩm văn chương đã xuất bản trước 1975:



Văn xuôi:





1
Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn
tập truyện (Khai Trí, 1966)





2
Mưa Không Ướt Đất
tập truyện (Văn, 1967)





3
Cơn Hồng Thủy và Bông Hoa Quỳ
(Trình Bầy, 1968)





4
Chung Cư
tập truyện (Tân Văn, 1971)





5
Một Cuộc Tình
tập truyện (Tân Văn, 1972)





6
Lập Đông
tập truyện (Văn, 1972)





7
Thành Trì Cuối Cùng
truyện dài
(đăng từng kỳ trên nhật báo Thần Phong, Saigòn, khoảng 1970-71, chưa in thành sách)






8
Những Người Ở Lại
truyện dài
(đăng từng kỳ trên nhật báo Sóng Thần, 1973, chưa in thành sách). 










Văn dịch:





1
The Prophet
(dịch Kahlil Gibran, đăng rải rác trong một số tạp chí, 1968-70)





2
Ngàn Cánh Hạc
(dịch Kawabata Yasunari, Trình Bầy, 1969)





3
Đường Về Trùng Khánh
(dịch Han Suyin, chung với Hồ Hải Nguyễn Vũ Thiện, không nhớ tên nhà xuất bản, khoảng 1970)





4
Người Đàn Bà Trong Cồn Cát
(dịch Kobo Abe, An Tiêm, 1971)





Từ sau 1975, viết nhiều thể loại và đăng báo, nhưng chưa xuất bản thành sách.












Ký họa Chóe




Trùng Dương trên Da Màu


















26.01.2015





30.04.2014




01.01.2014



11.12.2013



26.11.2013



21.11.2013



08.11.2013



16.09.2013



12.09.2013



20.08.2013



15.07.2013



12.09.2012




16.02.2010



01.02.2010



04.01.2010




16.10.2009



15.04.2009



01.04.2009













Vài điểm lợi và bất lợi trong việc cầm bút ở hải ngoại

Trùng Dương


Điều không ai có thể phủ nhận là con người sinh ra và lớn lên chịu ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường sinh sống. Điều này đã được thân mẫu của ông Mạnh Tử khám phá ra khi bà quyết định dọn nhà khỏi khu xóm kế bên một cái nghĩa địa đến bên một trường học. Người cầm bút lại càng không tránh được định luật này.

So với anh chị em cầm bút ở trong nước, người cầm bút ở hải ngoại gặp một số điểm bất lợi. Trước nhất và quan trọng hơn cả: Chúng ta bị bật rễ (uprooted) ra khỏi vùng đất quê hương nơi đã nuôi dưỡng tâm tình chúng ta. Điểm bất lợi thứ hai: Chúng ta ở rải rác khắp mặt địa cầu, mà người cầm bút thì lại có nhu cầu gần gũi trao đổi, phản ứng (feedback) đối với những bài đã viết hoặc đã đọc để chúng ta được yên tâm là tiếng đàn Bá Nha của chúng ta vẫn có người Tử Kỳ lắng nghe. Điểm bất lợi thứ ba là sự thiếu vắng một khối độc giả để chúng ta có thể, dù chỉ một phần nào, dựa được vào ngòi bút để sống. 

Tuy nhiên, theo nhận xét của tôi, những người cầm bút ở hải ngoại đã và đang tiếp tục vượt qua nhưng trở ngại vừa kể trên. Sinh hoạt phong phú của văn học nghệ thuật và truyền thông báo chí của người Việt tị nạn ở khắp nơi trên thế giới từ 20 năm qua là một bằng chứng cụ thể. Tôi chỉ xin đan cử một thí dụ điển hình mà tôi được thấy. Vào năm 1988, tôi có dịp đi dự hội nghị thường niên của tổ chức Ký Giả Người Mỹ Gốc Á Châu (Asian American Journalists Association) ở Los Angeles. Đây là lần đầu tiên hội này tổ chức một buổi tiếp tân đặc biệt dành cho báo chí truyền thông thiểu số. Trong phòng tiếp tân ban tổ chức cho dựng ba tấm bảng ghi tên những cơ quan truyền thông báo chí thiểu số. Tôi tẩn mẩn đếm và thấy báo chí truyền thông của người Việt chiếm tới quá nửa, vượt xa cả người Trung Hoa và Nhật đã lập nghiệp lâu đời ở đây hơn chúng ta. Đấy là chuyện 10 năm về trước, riêng tại Hoa Kỳ và đặc biệt ở California, trước khi có sự ra đời rất trăm hoa đua nở của sinh hoạt truyền thanh. Song điều đáng khích lệ hơn cả là sự xuất hiện của những người cầm bút sau 1975, và đăc biệt là một số người trẻ khởi nghiệp cầm bút viết văn làm báo bằng tiếng ngoại quốc, như Anh ngữ chẳng hạn. Những người viết trẻ này đã và đang đóng góp vào gia tài văn học báo chí của chúng ta (1) tại hải ngoại những phản ảnh về một thế hệ không chịu ảnh hưởng nặng nề của hai cuộc chiến Pháp-Việt và Quốc-Cộng bên cạnh hai lần "đổi đời" 1954 và 1975, song cũng không kém phần hoang mang trong khi tìm kiếm cho mình một cái căn cước (identity).

Tóm lại, miền đất hải ngoại thoạt tưởng là hoang sơ đối với chúng ta, song thực tế lại rất phì nhiêu mầu mỡ. Mà nó phì nhiêu là nhờ những lợi điểm mà anh chị em cầm bút ở trong nước không có sẵn. Lợi điểm thứ nhất và quan trọng hơn hết cả, đó là không khí tự do, nhất là tại Hoa Kỳ, nơi mà tự do ngôn luận và báo chí được Hiến Pháp Hoa Kỳ che chở có thể nói là gần như tuyệt đối. Có nơi nào trên thế giới mà người dân có quyền xé hay đốt lá quốc kỳ mà vẫn được luật pháp bao che, coi đó là một biểu tỏ của quyền tự do ngôn luận? Song bởi tự do như vậy mà trách nhiệm của người cầm bút càng nặng, đòi hỏi một thận trọng tối đa, không phải là tha hồ muốn viết gì thì viết. Viết ẩu tả, nếu không bị kiện tụng tốn kém dù cho mình có thắng kiện đi chăng nữa, như đã và đang xảy ra trong cộng đồng chúng ta tại Hoa Kỳ, thì cũng khó mà sống yên ổn và hãnh diện với lương tâm của một người cầm bút chân chính.

Điểm lợi thứ hai của người cầm bút ở hải ngoại là vấn đề tài liệu. Cần nghiên cứu bất cứ về đề tài gì hệ thống thư viện công cộng hoặc tại các trường đại học đều có sẵn. Từ vài năm trở lại đây, với kỹ thuật Liên mạng (Internet) ngày một phổ biến, mà Mạng nhện Toàn cầu (World Wide Web) là một bộ phận, chẳng những người cầm bút có thể tìm tài liệu tại các thư viện ở Hoa Kỳ mà cả tại các thư viện quốc gia tại nhiều nước khác. Tất nhiên không phải cái gì cũng là miễn phí cả trên Liên mạng, song trên Liên mạng vẫn là cả ‘rừng’ tài liệu sẵn sàng cho ta khai thác, vấn đề là biết cách kiếm cái mình cần và biết xét đoán cân nhắc tính chất chính xác, đáng tin cậy của tài liệu đó.

Cũng chính nhờ hệ thống Liên mạng mà dù chúng ta ở rải rác khắp nơi trên thế giới vẫn có thể liên lạc, trao đổi bài vở tài liệu với nhau mau chóng và dễ dàng qua phương tiện e-mail, thảo luận nhiều vấn đề và kể cả kết thêm bạn qua các mailing lists, newsgroups, hoặc chuyện trò trực tiếp qua IRC (Internet relay chat) và cả điện đàm trên Liên mạng mà không phải sử dụng hệ thống điện thoại viễn liên tốn kém.

Ngoài ra, với kỹ thuật Web publishing ngày một trở nên thông dụng, phí tổn xuất bản và phát hành báo chí sách vở có thể được cắt giảm đi tới 60, 70 phần trăm. Đây là cuộc cách mạng truyền thông quan trọng không kém so với việc Johannes Gutenberg phát minh ra máy in vào giữa thế kỷ 15.


Nãy giờ nói tổng quát mà chưa đề cập đến kinh nghiệm riêng sống và viết ở hải ngoại của tôi. Từ trên ba năm nay tôi (tạm?) ngưng viết, kể từ sau bài "Sao đặc trời" (Thế Kỷ 21, tháng 9-1994), và "Never had a chance to say goodbye" xuất bản ngày 30-4-1995 trên tờ nhật báo The (Stockton, Calif) Record mà tôi hiện cộng tác, nhân kỷ niệm 20 năm mất Sàigòn. Mỗi bài, với tôi, là một giải đáp hoặc kết thúc của một giai đoạn sống đã qua. Lý do chính của sự ngưng viết này là tại tôi bận với việc sở - Tôi hiện giữ phần vụ điều hành cái thư viện của phòng tin tức (news library) của tờ báo địa phương, vô cùng bận rộn song khá thích thú và có dịp học hỏi được nhiều điều mới, nhất là việc nghiên cứu (research) trên Liên mạng và những online databases thương mại. Ngoài ra, đến một tuổi nào đó tôi, như nhiều người khác, có nhu cầu tách ra và nhìn lại cuộc hành trình đã trải qua để tái định hướng, nếu cần, cho cuộc hành trình sắp tới. 

Đã hẳn là đời sống bên đây với những cơ hội và phương tiện kỹ thuật đã ảnh hưởng lớn lao đối với việc viết văn của tôi. Phải cần một bài riêng để trình bày diễn biến tư tưởng, cảm nghĩ và kinh nghiệm của tôi về đề tài này trong hai chục năm, 1975-1995. Ở đây chỉ xin tóm tắt như sau: Do tuổi đời (đã ngoài 50), ảnh hưởng nghề nghiệp và kinh nghiệm của đời sống ở hải ngoại, tôi trở nên thận trọng và cũng khó khăn với chính mình hơn, và do đấy cũng mất đi phần nào sự hồn nhiên, bộc phát và khả năng tưởng tượng không thể thiếu trong việc sáng tác.












BÁO CHÍ MIỀN NAM – NHÂN KỶ NIỆM 38 NĂM NGÀY GIỖ CHU TỬ








bởi Trùng Dương
Nhìn lại vụ Chu Tử bị ám sát hụt, ngày 16-4-1966



Kỳ 1.

Trong một buổi mạn đàm với vài người bạn trẻ, tôi được hỏi về kinh nghiệm với tờ Sóng Thần nói chung và với ông Chu Tử nói riêng. Tôi trả lời phần nói chung như đã trả lời trên tạp chí Hợp Lưu (*), rằng nhật báo Sóng Thần ra đời vào cuối năm 1971, với chủ trương chống tham nhũng trong chính quyền và quân đội nhằm làm sạch Miền Nam để hỗ trợ cho cuộc chiến đấu chống Cộng sản bảo vệ phần đất tự do cuối cùng của Việt Nam. Sóng Thần là tờ báo đầu tiên ở Miền Nam mà tài chính là do các cổ đông thuộc mọi tầng lớp quan tâm tới vận mệnh đất nước đóng góp. Tờ báo trong giai đoạn đầu do ông Chu Tử làm chủ biên với sự cộng tác, tiếp tay của nhiều đồng nghiệp khác, và tôi đứng tên chủ nhiệm chịu trách nhiệm về pháp lý. Tôi cũng nói sơ về những đóng góp nghề nghiệp của tôi trong thời gian bốn năm, 1971-75, với tờ báo.

Khi nói tới kinh nghiệm làm việc với ông Chu Tử, một chi tiết chợt bật ra trong đầu mà đã từ lâu tôi quên bẵng đi mất. Đó là việc làm “ghost writer” cho người tự nhận đã bắn ông Chu Tử năm 1966, vào một giai đoạn có thể nói là một trong các thời kỳ chính trị nhiễu nhương nhất của Việt Nam Cộng Hoà. Sở dĩ ký ức tôi không ghi đậm việc này vì có lẽ tôi không hề coi đó là một công trình gì đáng kể, vì đó chỉ là một loạt bài viết để câu độc giả, theo đề nghị của ông Chu Tử. Ngoài ra, việc thực hiện cái “hồi ký” đăng thành nhiều kỳ trên tờ Sóng Thần hoàn toàn đi ngược lại với quan niệm cầm bút của tôi sau này, khi đã trưởng thành và hiểu biết hơn. Tôi không phủ nhận việc mình đã làm, vì nhu cầu câu khách và trong một môi trường hoàn toàn thiếu sót tài liệu, chưa kể bên cạnh đó là sự non nớt nghề nghiệp của chính mình; nhưng tôi tin rằng nếu có dịp làm lại thì chắc chắn sản phẩm sẽ khác lắm với loạt bài hiện nằm trên microfilm Sóng Thần hiện được lưu trữ tại Đại học Cornell.

Bối cảnh Miền Nam giữa thập niên 1960

Vào giữa thập niên 1960, tình hình ở Miền Nam khá đen tối. Quân đội vừa lật đổ chế độ mệnh danh là “gia đình trị” của ông Ngô Đình Diệm. Một số tướng lãnh thay vì rút về lo chuyện quân sự thì xoay ra thay phiên nhau cầm quyền, đảo chính chỉnh lý lẫn nhau, bên cạnh sự tranh chấp ảnh hưởng của các phe nhóm tôn giáo, đặc biệt là Phật Giáo sau nhiều năm bị đàn áp dưới chế độ của ông Diệm vốn nghiêng về Thiên Chúa Giáo, và các đảng phái chính trị. Trong khi đó, Mặt trận Giải phóng Miền Nam, gọi tắt là Việt Cộng, do đấy cũng bận rộn thừa nước đục thả câu nhằm lũng đọan tình hình bằng những vụ khủng bố phá hoại ám sát, gây hoả mù, hết sức hỗn loạn, khiến Hoa Kỳ vô cùng quan ngại cho công cuộc chống lại sự bành trướng của chủ nghĩa Cộng sản trong cuộc Chiến Tranh Lạnh dạo ấy. Tôi vẫn nghĩ, khác với nhiều người cho rằng Mỹ đã có dự mưu từ trước đem quân vào Việt Nam, tình hình bất ổn tại Miền Nam trong giai đoạn này đúng ra là một trong những nguyên nhân đã thúc đẩy Hoa Thịnh Đốn phải đưa quân ồ ạt vào Nam Việt Nam. Đây là một quyết định đã hẳn là vô tình tạo cho Cộng sản một “chính nghĩa”, đó là “chống Mỹ cứu nước”.

Là một người cầm bút thẳng thắn, bộc trực, có sao nói vậy, thấy điều gì chướng tai gai mắt thì không thể bỏ qua, ông Chu Tử, lúc ấy đang là chủ nhiệm nhật báo Sống, đã “lùa” không thiếu các nhân vật tai mắt đương thời không phân biệt đảng phái, ý thức hệ, tôn giáo, giai cấp mà ông cho là bất xứng hay đạo đức giả vào mục “Ao Thả Vịt” được rất nhiều người đọc. Mà người đọc thì đa số đọc gì tin nấy, ít thắc mắc, tin riết rồi tưởng thật, không cả cần biết là đã gọi là “Ao Thả Vịt” thì không có bao nhiêu sự thật trong đó. Nhìn lại, tôi phải nhận là mình vừa phục vừa hãi cho người coi ao vì đã làm một cái việc quá can đảm trong một cái môi trường hết sức nhố nhăng đầy súng ống, thuốc nổ và đầu óc cực đoan, nếu không là Việt Cộng nằm vùng thừa nước đục thả câu, của thời buổi ấy.

Do đấy, bên cạnh những người thích đọc ông, cũng không thiếu người thù ghét ông, vì lý do này hay động lực khác, chính trị, tôn giáo, kể cả ghen tị cá nhân vì sự thành công của ông Chu Tử. Thật vậy, có thể nói ông Chu Tử là một trong một số rất ít người cầm bút, cả bên văn chương lẫn báo chí ở Việt Nam từ trước tới nay, trong cũng như ngoài nước, đã thành công và được nhiều người biết đến như vậy.

Chu Tử: nhà văn kiêm nhà báo thành công vượt bực

Xuất thân là một nhà giáo, ông Chu Tử (1917-1975) bắt đầu viết tiểu thuyết đăng từng kỳ vào cuối thập niên 1950, và là tác giả của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng được nhiều người tìm đọc, như Yêu, Sống (tức Loạn), Ghen (tứcNắng), và Tiền. Trong đó, cuốn Yêu nổi tiếng hơn cả và đã từng được tái bản, về mối tình giữa thầy giáo Đạt và cô Diễm, con gái của ông giáo Thức là bạn của Đạt. Yêu sau được dựng thành phim, do đạo diễn kiêm nhà văn Đỗ Tiến Đức thực hiện vào năm 1973. Rồi ông Chu Tử nhẩy vào làm báo, cũng được nhiều người thích, tìm đọc.

Về văn nghiệp của Chu Tử, nhà văn Võ Phiến — tác giả của nhiều sách truyện, tùy bút, biên khảo trước và sau 1975, và đặc biệt hơn cả là bộ Văn Học Miền Nam Tổng Quan (1986, 1992), về 20 năm văn học Miền Nam, gồm bẩy cuốn — đã nhận xét về Chu Tử, như sau: “Chu Tử viết truyện được nhiều người khoái, mà làm báo cũng khiến lắm người khoái quá trời, bất luận là cao hay thấp, người ta khoái ông, khoái cái phong cách ông trong cuộc sống cũng như trong văn chương.”

“Trong tiểu thuyết của Chu Tử,” ông Võ Phiến viết tiếp, “có những nhân vật hoặc ngang tàng, bướng bỉnh, hoặc hào sảng, khí phách, hoặc nhiều khi kỳ cục.

“Hiệp tới nhà ông đốc phủ Thinh xin việc, đã biết ông ta thân cộng, ông ta không ưa Bắc Kỳ, lại càng ghét Bắc kỳ di cư; thế mà Hiệp cứ ngang nhiên xưng là thanh niên mới di cư vào Sài gòn, lại thách thức là trong vòng sáu tháng sẽ có thể làm cho cô con gái cưng của nhà này phải ăn rau muống (Loạn). Ông Xương đánh bạc thua, nổi dóa mắng tới tấp người này vung tay tát chéo người kia, người có quyền thế có sức mạnh hơn ông nhiều; thế mà rốt cuộc trước cơn giận ‘chính nghĩa’ kẻ gian phải sợ hãi, chịu khuất (Loạn). Trang là học trò của Đạt, một cô học trò xinh đẹp; thầy trò gặp nhau ba, bốn năm sau, Trang rất lễ phép cầm tay Đạt đặt lên mông mình hỏi: ‘Anh có biết cái gì đây không?’ (Yêu). Huyền là học trò Thanh, thầy trò yêu thầm nhớ trộm nhau trong bao nhiêu lâu. Về sau Thanh vào ở trong một ngôi chùa. Một hôm Huyền tìm đến, mân mê bàn thay Thanh và nói thẳng: ‘Em muốn được làm vợ anh, ngay bây giờ… ngay lúc này…’ Thanh hoảng hốt. Nhưng Huyền nhất định tiến tới. Và nàng ‘được làm vợ’ tức thì, ngay trong chùa (Tiền) v.v… Những con người như thế, giá nghe họ sống đâu đó ở ngoài đời, thiên hạ cũng ầm ầm đổ xô đến để tiếp xúc, để cho biết. Ngộ quá mà! Người ta ai chẳng tò mò muốn chứng kiến những cái ngộ nghĩnh, độc đáo? Hiểu con ai hiểu bằng cha mẹ, hiểu nhân vật không ai bằng tác giả; thì chính Chu Tử ông ta cũng thường nói đến các nhân vật của mình như là những con người ‘bốc đồng’, ‘bốp chát’, ‘ngổ ngáo’, ‘ngang ngược’, ‘cynique’, ‘tàn bạo’, là những ‘đứa trơ’, ‘trắng trợn’, ‘trâng tráo’ vv…

“Trong truyện cũng như ngoài đời, khác gì? Cái lạ thường thu hút mạnh.” (**)

Trong văn chương đã vậy. Bước qua địa hạt báo chí, vì lối viết đơn giản, bộc trực, nên nhiều chuyện và nhân vật ông Chu Tử thả vào “Ao Thả Vịt” nghe cứ như thật một trăm phần trăm ấy, độc giả đọc nhiều người khoái tỉ, đem ra bàn tán. Do đấy, nhiều đối tượng bị ông lùa vô ao đã bất bình. Ân oán giang hồ cũng từ đấy mà ra.

Kết quả là tòa soạn báo Sống có lần bị đốt phá. Không ai biết ai chủ mưu đốt phá, nhưng có tin đồn là tay chân của Thượng tọa Thích Thiện Minh, người mới bị ông Chu Tử lùa vào ao kỳ cọ. Rồi vào buổi sáng ngày 16 tháng 4, 1966 chủ nhiệm Chu Tử vừa rời nhà ra xe để đi đến toà báo thì bị một trong hai tên lởn vởn ở đầu ngõ rút súng Colt 9 bắn bốn phát từ phía sau bên trái xe xuyên qua xe trúng ông, rồi leo lên xe gắn máy tên kia vẫn giữ máy nổ và tẩu thoát. Chu Tử bị ám sát trong vòng chưa đầy nửa năm kể từ khi ký giả Từ Chung của nhật báo Chính Luận bị bắn tử thương ngay trước nhà ông vào trưa ngày 30 tháng 12, 1965 khi ông về nhà ăn trưa.

Số ông Chu Tử còn cao, nên dù bị trúng đạn gẫy xương quai hàm, mất mấy cái răng, song không có viên đạn nào đi vào chỗ phạm. Và ông đã thoát chết nhờ sự chữa trị tận tâm của các y sĩ và nhân viên tại Bệnh viện Cơ Đốc gần nhà ông ở vùng Phú Nhuận. Báo chí Miền Nam, chưa dứt cơn bàng hoàng trước cái chết của Từ Chung, lại rơi vào cơn rúng động khác với vụ Chu Tử bị ám sát hụt.

Trong khi theo dõi tin tức về bệnh tình của Chu Tử, có thể nói hầu như cả Miền Nam cùng nhất loạt lên tiếng phản đối hành động man rợ của những kẻ dùng bạo lực đàn áp mong bịt miệng tự do báo chí và ngôn luận của giới cầm bút, đồng thời đòi hỏi chính quyền Miền Nam phải có những biện pháp bảo vệ giới trong tay chỉ có ngọn bút, và đặc biệt là phải ban hành luật báo chí công nhận quyền tự do ngôn luận. Điều đặc biệt hơn cả là chưa đầy một tuần sau ngày ông Chu Tử bị ám sát hụt, toàn thể làng báo Miền Nam đồng loạt nghỉ ra báo một ngày, đó là ngày thứ Năm 21 tháng 4, 1966, tức số báo đề ngày 22-4-66 “để tỏ tình đoàn kết báo chí trong việc tranh đấu chống đàn áp và kềm chế báo chí” và “nêu cao tinh thần tranh đấu chung cho tự do dân chủ.” (***)

Tóm lại, việc Chu Tử bị ám sát không còn là việc một cá nhân người cầm bút bị mưu hại mà đã trở thành vấn đề quyền tự do báo chí và ngôn luận bị âm mưu triệt tiêu dù bất cứ do ai, phe nhóm hay Cộng sản chủ động. Lần đầu tiên làng báo Miền Nam tỏ tình đoàn kết chặt chẽ chưa từng thấy trước đó.-Còn tiếp một kỳ





NHÌN LẠI VỤ CHU TỬ BỊ ÁM SÁT HỤT, NGÀY 16-4-1966 (KỲ 2)





bởi Trùng Dương

Báo chí miền Nam
Nhân kỷ niệm 38 năm ngày giỗ Chu Tử



Kỳ 2.



Ai bắn Chu Tử?

Hầu như mọi người đều tin Việt Cộng nằm ở phía sau vụ ám sát Chu Tử, cũng như trong trường hợp của Từ Chung, người mà trước khi bị hạ sát đã từng công khai lên tiếng báo động về việc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã nhiều lần đe dọa ông. Ông Chu Tử lại nghĩ khác, và còn có vẻ quyết đoán, rằng thì là người bắn ông không thể là Việt Cộng.

Ngay sau khi hồi phục, ông Chu Tử đã viết một bài dài đăng thành nhiều kỳ trên báo Sống, sau được ban biên tập Sống gom lại in chung với những bản tin tức, bài viết, thông cáo, tuyên ngôn xung quanh vụ Chu Tử bị bắn trong tập sách tựa là Chu Tử Không Hận Thù.(***) Theo ông Chu Tử thì người bắn ông không thể là Việt Cộng được, vì tên này hành sự “tay non” không có tính nhà nghề và “nghệ thuật” cao như Cộng sản. “Trong vụ ám sát tôi, tôi nhận thấy kẻ sát nhân của tôi không những là một tay ‘non’, khờ khạo, chưa có kinh nghiệm gì, tôi còn nhận diện rõ sát nhân của tôi là một ‘anh em quốc gia (!)’. Ở điểm hắn còn lúng túng, vương vấn đôi chút lương tâm, nên đi ngang mặt tôi mà không dám bắn, chỉ đủ can đảm bắn vào sau xe, vào lưng, vào cổ, gáy tôi, chứ không dám nhìn thẳng vào mặt tôi để bắn.” (Chu Tử Không Hận Thù, tr. 69)

Vậy người bắn ông là ai, ông không nhất quyết. Nhưng ông nói, rất…Chu Tử và hào sảng, là ông sẵn sàng tha thứ, mong có dịp gặp người đã bắn ông để… cám ơn, “không phải một lần mà tới ba lần, vì kẻ sát nhân đã giúp tôi ba điều vô giá, dù có núi tiền núi bạc, cũng không mua nổi!”

Điều thứ nhất là ông cám ơn kẻ sát nhân đã cho ông ăn bốn viên đạn mà ông vẫn sống để có dịp biết rằng mọi người, kể cả những nhân vật đã từng bị ông lùa vào “Ao Thả Vịt” cọ rửa kỹ lưỡng trước đây, đã quan tâm lo lắng cho ông và gửi thư, điện tới chúc ông chóng thoát cơn hiểm nghèo, đồng thời lên án bọn khủng bố. Và ông cũng tội nghiệp cho ông Từ Chung đã chết liền tại chỗ, không có dịp nhìn thấy người đời tiếc thương và ưu lo cho mình.

Điều thứ hai khiến ông biết ơn kẻ sát nhân là “bốn viên đạn của kẻ sát nhân đã tạo cơ hội để bao nhiêu thù ghét mà ngòi bút oan nghiệt của tôi đã tích lũy từ bao năm nay, vụt tiêu tan biến thành lòng tha thứ. Tôi vốn là kẻ vô tâm, thương mình, thương người, nhưng khi tôi cầm bút, hình như có ma lực gì, xui khiến tôi trở thành tàn ác, ba que, xỏ lá đến cùng cực. Do đó từ mấy năm nay, các bạn cộng tác với tôi và tôi đã gây ra nhiều thù ghét không đâu.” Và ông Chu Tử hứa để đền đáp lại sự “đại xá” của kể cả những người thù ghét ông song đã ưu lo cho ông khi ông bị bắn suýt chết, ông công khai xin lỗi và “tuyên bố từ nay sẽ không bao giờ còn ‘hỗn’ với ai” nữa.

Và điều thứ ba khiến ông thấy muốn gặp kẻ sát nhân để cám ơn vì – đây là điểm nói lên bản chất hồn nhiên lãng mạn của Chu Tử — nhờ bốn viên đạn đưa ông tới gần cái chết mà ông có kinh nghiệm của kẻ đã kề cận cái chết, rất hữu ích cho việc… sáng tác vì ông đã có kinh nghiệm thực, không còn phải nặn óc tưởng tượng ra nữa. (CTKHT, tr. 66-67)

Người tự nhận đã bắn Chu Tử

Và ông đã…cầu được ước thấy. Kẻ ấy, hay người tự nhận đã bắn ông, cuối cùng tìm tới ông Chu Tử vào một buổi tối vào đầu thập niên 1970, trong lúc ông đang làm chủ biên nhật báo Sóng Thần.

Một bữa nọ, ông Chu Tử ghé bàn làm việc của tôi, nói ông muốn gặp riêng tôi có việc. Tôi ngước nhìn ông, ngạc nhiên, vì chưa bao giờ ông lại muốn gặp riêng với tôi, mà bao giờ cũng có vài anh em trong nhóm chủ biên hoặc ban biên tập. Tôi đứng dậy theo ông lên phòng khách ở lầu ba của toà nhà chúng tôi muớn làm tòa soạn ở số 133 đường Võ Tánh, Sài Gòn dạo ấy. Thực ra thì chúng tôi chỉ mướn có tầng trệt và lầu hai để làm tòa soạn và trị sự (còn in báo thì mang bản kẽm sang nhà in Nguyễn Bá Tòng sát bên nhà thờ Huyện Sĩ trên đường Bùi Chu, cách tòa báo mấy khu phố), còn từ lầu ba trở lên là thuộc về gia đình của chủ nhà. Mỗi khi có việc riêng chúng tôi mượn phòng khách của gia đình chủ nhà để họp.

Ông Chu Tử tay run run (từ ngày bị bắn tay ông vẫn run như vậy) rút trong túi ra hai trang giấy viết tay đưa cho tôi, trên đó ông ghi lại cuộc gặp gỡ với tên đã bắn ông, và đề nghị tôi viết lại cái “hồi ký” của tên sát nhân đăng thành nhiều kỳ trên báo. Theo ông thì một hồi ký như vậy sẽ rất “ăn khách”, mà tờ báo thì lúc nào cũng cần những bài nằm “ăn khách” như vậy để giữ độc giả.

Cũng phải thẳng thắn mà nhận rằng sau mấy tháng đầu sôi nổi và được độc giả chiếu cố khi tờ báo mới xuất hiện vào cuối năm 1971 với sự hiện diện của ông Chu Tử trong vai trò chủ biên, tờ Sóng Thần, với chủ trương chống tham nhũng, hơi lao đao, từ trên 100 ngàn ấn bản mỗi ngày tụt xuống dần còn dăm bẩy chục ngàn, và có triển vọng tụt xuống nữa. Một phần tờ báo bị chính quyền tịch thu hơi nhiều lần, lúc thì vì lý do an ninh quốc gia khi thì vì tội xâm phạm thuần phong mỹ tục, hoặc bị các cá nhân thưa kiện. Điển hình là loạt bài của nữ ký giả Lê thị Bích Vân tố Tướng Nguyễn Văn Toàn về tội dụ dỗ gái vị thành niên, khiến cả Bích Vân lẫn tôi cùng phải vác chiếu ra hầu toà mấy lần. Đây là giai đoạn trước khi xẩy ra biến cố Mùa Hẻ Đỏ Lửa 1972, biến cố đã khiến tờ báo, nhờ sự tiếp tay đắc lực của hai văn phòng đại diện Quảng Trị và Huế với những tin tức cập nhật sớm hơn nhiều báo khác, bỗng lại lên như diều gặp gió. Nhất là sau đó Sóng Thần phát động chiến dịch hốt xác gần 2,000 đồng bào tử nạn trên Đại Lộ Kinh Hoàng (khúc giữa Quảng Trị và sông Mỹ Chánh) đã được sự tham gia của đông đảo độc giả.

Thú thực là tôi chưa hề làm “người viết ma” (ghost writer) cho ai bao giờ. Thế nhưng vì thương tờ báo, công trình đóng góp và kỳ vọng của nhiều người, và sự sống còn của nó để phục vụ lý tưởng làm sạch xã hội chúng tôi theo đuổi hồi đó, nên tôi không chút đắn đo nhận lời làm người viết ma cho người bắn ông Chu Tử.

Tôi không còn nhớ hết nội dung của hai trang giấy ông Chu Tử trao cho tôi. Nhưng đại khái, theo ghi nhận của Chu Tử, thì người nhận đã bắn ông thú nhận là anh ta là một Phật tử theo phe Thượng tọa Thích Thiện Minh, người đã bị ông Chu Tử lùa vào “Ao Thả Vịt”. Và anh ta bất bình về việc thần tượng của mình bị bôi nhọ, chứ anh ta không có dính dáng gì tới Việt Cộng. Luận điệu này phù hợp với lối suy luận của Chu Tử trong bài tự truyện “Chu Tử trong những suy nghiệm sinh tử của bản thân” in lại trong tập CTKHT, như đã đề cập tới ở trên. Và tôi đã dựng nên một “hồi ký” trong chiều hướng đó, dựa vào vỏn vẹn có hai trang giấy viết tay ghi lại cuộc gặp gỡ với kẻ tự nhận bắn mình của ông Chu Tử, với rất nhiều…tưởng tượng.

Viết lại kinh nghiệm này tôi cũng còn có một mục đích, đó là nếu có ai tình cờ đọc lại cái “hồi ký” (hình như tựa là) Tôi bắn Chu Tử trên microfilm báo Sóng Thần thì nên hiểu là đó chỉ là một loạt bài hoàn toàn do tưởng tượng của một người quen với việc sáng tác văn chương hơn là làm báo trong thời kỳ đầu thập niên 1970, nhằm câu độc giả, và hoàn toàn không có một giá trị văn học hay lịch sử nào. Người bắn ông Chu Tử không hẳn là đã có dụng ý tôn giáo. Và người đến gặp ông Chu Tử có thể có dụng ý nào khác, không ai biết được. Cũng có thể đây là một đòn của Cộng sản hồi ấy để đào sâu thêm những xung đột tôn giáo ở Miền Nam, vốn là nghề của họ, bên cạnh các hành động khủng bố, phá hoại.

Ai thực sự là người bắn Chu Tử?

Khi sưu tầm tài liệu để viết bài về ông Chu Tử, tôi tìm thấy trên Wikipedia.org có đoạn này: “Vì chính kiến, tòa báo [Sống] bị Lực lượng Tranh thủ Cách mạng của phe Phật giáo cực đoan tấn công năm 1966.[4] Cũng vào thời điểm đó ông [Chu Tử] bị mưu sát gần nhà, bị trúng đạn nhưng thoát chết. Cuộc biệt kích này do Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam chủ trương.[5]”

Tôi tìm đọc chú thích số 5 bên dưới bài viết rất sơ sài về Chu Tử với một số chi tiết không chính xác lắm, thì thấy ghi nguồn là “Captured Documents (CDEC): Report of Viet Cong Plan of Assassination and Terrorist Action in Saigon City (4 pages) 15 May 1967”, nhưng không có đường dẫn (Web link) đến chỗ chứa tài liệu trên mạng. Tìm một hồi không ra bản tường trình này, tôi liên lạc với chị bạn tại Vietnam Center để nhờ tìm tài liệu trên, chị chuyển tôi qua một người chuyên về loại tài liệu bắt được của địch này.

Cuối cùng tôi có được cái link để tải xuống tài liệu mang số F034600991054 (****), trong đó có ghi tên đặc công Việt Cộng đã có nhiệm vụ hạ sát hai ký giả Từ Chung và Chu Tử: Huỳnh Văn Long. Do thành tích này, Long đã được thưởng huân chương thành tích đệ tam đẳng của Mặt trận Giải phóng Miền Nam. Tôi có hỏi xin bản sao nguyên tác bằng tiếng Việt nhưng được biết thường sau khi làm tường trình xong thì các tài liệu nguyên thủy bị hủy bỏ. Vậy xin ghi lại để rộng đường dư luận.

Một nén hương cho ông Chu Tử

Ngày 30 tháng 4 năm nay cũng là kỷ niệm 38 năm ông Chu Tử bị tử nạn trên đường di tản. Tôi viết bài này như một nén hương chân thành tưởng niệm một nhà văn và nhà báo tên tuổi và cũng rất độc đáo của nền văn học Miền Nam, đồng thời để ghi lại một cách chính xác hơn một chi tiết quan trọng trong vụ ông Chu Tử bị ám sát hụt vào năm 1966. Tôi không có ý chống báng suy đoán về người giết mình của ông Chu Tử, có chăng là tôi muốn nói lên sự thích thú của tôi về tính hồn nhiên cả tin khá lãng mạn của tác giả Yêu — một cái tật mà chính tôi cũng mắc phải (và cũng hãnh diện mang cái tật đó).

Cuối cùng, lẽ ra bài này đã được đăng trong một tập san đặc biệt tưởng niệm và vinh danh ông Chu Tử, nhưng dự tính của một số thân hữu văn nghệ và tôi đã không thành. Riêng tôi, đã tự hứa phải có bài này để tưởng nhớ ông, nên viết. [TD, 2013/04]






Chú thích:




(*)Lê Quỳnh Mai phỏng vấn Trùng Dương: http://www.hopluu.net/D_1-2_2-117_4-355_5-4_6-2_17-15_14-2_10-92_12-1/.

 Đọc thêm về kinh nghiệm Sóng Thần của Trùng Dương qua bài tùy bút “Sao Đặc Trời” tại http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=B6288EE8499620DDDEAB8855654C4363?action=viewArtwork&artworkId=8636


(**) Võ Phiến, “Chu Tử,” Truyện Miền Nam, 1954-1975, tập hai, Nhà Xuất Bản Văn Nghệ, Westminster, Calif., 1993, tr. 10-11.
(***) Chu Tử Không Hận Thù, Nhật báo Sống biên soạn và xuất bản, 1966, Sàigòn, Viet Nam; Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ, 1987 (?). Sách dầy 200 trang, gồm bẩy phần: 1) Chu Tử trước mũi súng sát nhân, ghi nhận các sự kiện xung quanh vụ Chu Tử bị bắn, ; 2) Chu Tử trong cơn phẫn nộ thương yêu của côn gluận, ghi nhận phản ứng của đồng bào các giới với vụ khủng bố; 3) Chu Tử trong những suy nghiệm sinh tử của bản thân, là tập tự truyện của Chu Tử viết sau khi anh đã đối diện với cái chết, tr. 65-105; 4) Chu Tử trước ngòi bút thân ái của các văn hữu, gồm những bài viết đặc biệt về Chu Tử; 5) Chu Tử và anh em Sống; 6) Chu Tử và phản ứng chung của báo giới trong và ngoài nước; và 7) Chu Tử và vài hình ảnh vụ mưu sát. Sách hiện được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Hội và các thư viện công cộng tại những vùng có đông người Việt cư ngụ tại Hoa Kỳ. Độc giả có thể nhờ thư viện địa phương mượn giùm qua chương trình Interlibrary Loan.
(****) Captured Documents (CDEC): Report of Viet Cong Plan of Assassination and Terrorist Action in Saigon City, 15 May 1967, Folder 1054, Box 0099, Vietnam Archive Collection, The Vietnam Center and Archive, Texas Tech University. Web link: http://www.vietnam.ttu.edu/virtualarchive/items.php?item=F034600991054.












Trùng Dương ở Honfleur (Pháp)










Trùng Dương trên Tiền Vệ



(ký sự / tường thuật) 
[TƯỞNG NIỆM GABRIEL GARCÍA MÁRQUEZ (1927-2014)] Đại văn hào Gabriel García Márquez, gốc Colombia, tác giả cuốn tiểu thuyết danh tiếng One Hundred Years of Solitude và là người đã đoạt giải Văn Chương Nobel năm 1982, đã qua đời ngày 17 tháng 4 vừa qua tại nơi ông sinh sống bấy lâu ở Mexico City, hưởng thọ 87 tuổi... (...)



(đối thoại) 
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó công dân Hồ Cương Quyết bị tống xuất khỏi Việt Nam, như chàng thanh niên André Menras đã bị trục xuất khỏi Sàigòn cách đây gần 40 năm. Liệu ông có sẽ viết một cuốn hồi ký tựa là “J’accuse…”?



(sổ tay) 
[TƯỞNG NIỆM CAO XUÂN HUY (1947-2010)] ... Tháng Ba năm nào gẫy súng, tù đầy, nhưng không khuất tất. Trong những bài viết của anh, đặc biệt qua cuốn sách Vài mẩu chuyện anh vừa xuất bản, không có hận thù, chỉ có tình thương và lòng nhân bản không biên giới, không phe phái, là những điều sẽ tồn tại mãi với thời gian. Giờ đây Huy mới thực sự trở về quê cho một bắt đầu lại... (...)



(tư liệu / biên khảo) 
Trong một buổi mạn đàm văn học gần đây, tình cờ có người nhắc tới tên Thạch Trung Giả, một học giả của miền Nam trước 1975. Cũng chỉ là một nhắc nhở thoảng qua. Cũng thoáng qua là phần nhắc tới tên ông trong cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan (in lần thứ ba, California, Văn Nghệ, 2000) của nhà văn Võ Phiến, trang 149 và phần Tác Giả và Tác Phẩm ở cuối sách, với vỏn vẹn mấy chữ: “Thạch Trung Giả - Tác phẩm:Văn Học Phân Tích Toàn Thư (1973)”... (...)




(đối thoại) 
[VĂN HOÁ & CHÍNH TRỊ] ... Trước khi nói tới hoà hợp, hoà giải, tới việc với tay tới những “khúc ruột ngàn dặm”, việc đầu tiên người Cộng sản Việt Nam cần làm là nói lên lời xin lỗi về những thảm hoạ, chết chóc, oan khiên, dối trá, nhũng lạm mà sự du nhập một chủ nghĩa ngoại lai đã đem lại ra cho dân Việt từ Bắc chí Nam trong suốt 70 năm qua. Trước khi quá muộn, cho vận mạng đất nước và đặc biệt những thế hệ tương lai.





... Khi nghe tôi hỏi là nếu không có chị thì anh có thực hiện được bộ sách mà anh đã bỏ gần hết quãng đời trên 30 năm lưu xứ ra vừa sưu tầm vừa đọc vừa viết, trong khi vẫn đi làm công chức toàn thời, thì anh lắc đầu, song không nói gì. Tôi ao ước mình có sẵn máy quay phim để hướng nó sang chỗ chị lúc ấy đang ngồi giữa hai chúng tôi, đôi mắt rưng rưng... (...)




(ký sự / tường thuật) 
... Tôi đau khổ nhưng không muốn nôn mửa vào cuộc đời vì tôi yêu nó. Mặc dù đang rất khốn khổ song một cách vô ý thức tôi biết rồi tôi sẽ tìm ra ý nghĩa của cuộc sống, sẽ ra khỏi vùng sương mù đang vây phủ tuổi mới lớn. Tôi đọc và xem những phim dựa trên tiểu thuyết của Françoise Sagan để mơ mộng, ao ước một đời sống không phải bận tâm về chuyện vật chất mà chỉ có rong chơi và yêu đương hồn nhiên như cỏ cây. Nhưng tôi thích Albert Camus, nếu không nói là yêu ông ta, mê mẩn với và cả nương tựa vào những L’Étranger, La Peste để sống. Đâu đó trong cuốn tiểu thuyết La Peste của Camus, tôi nhặt được câu đã trở thành một trong hai phương châm sống của tôi từ thuở mới lớn: “Tout ce que l’homme pouvait gagner au jeu de la peste et de la vie, c’était la connaissance et la mémoire”... (...)




(tiểu luận / nhận định)  
... Mặc dù Cộng sản Việt Nam hô hào đốt sách để thanh tẩy “tàn dư Mỹ Nguỵ” từ ngay sau khi chiếm miền Nam, kho tàng văn hoá phẩm của miền Nam thực ra đã được “tẩu tán” ra nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ, từ lâu rồi. Trước thời Internet, những văn hoá phẩm này nằm trong hai thư viện lớn bên Mỹ, đó là Thư Viện Quốc Hội ở Washington, D.C. và thư viện Kroch Asia thuộc hệ thống thư viện của Đại học Cornell ở Ithaca, New York. Muốn tham khảo những tài liệu này ta phải tới tận nơi... (...)




(ký sự / tường thuật) 
... Đoàn người đi tìm tự do này trải qua 37 ngày lênh đênh trên biến Đông. Thuyền bị hư máy, lương thực cạn kiệt, gặp nhiều tầu lớn, trong đó có cả một chiến hạm Hoa Kỳ — chiếc USS Dubuque dưới quyền chỉ huy của Thuyền trưởng Alexander G. Balian — nhưng không được cứu vớt. Năm mươi hai người sống sót đã, để có sức mà tát nước ra khỏi con thuyền, phải ăn thịt người chết. Cuối cùng, họ được các ngư phủ Phi cứu đem vào bờ, tại làng Bolinao, do đấy nhóm này có tên gọi là Bolinao 110/52... (...)




(truyện / tuỳ bút) 
Bốn câu thơ chợt bắt gặp nơi trang giữa của một cuốn sách biên khảo về văn học làm tôi bật ngồi dậy như bị điện giật. Bốn câu thơ mà trong đó hai câu cuối Nguyễn Vũ Thiện đã chép vào một mảnh giấy ép trong cuốn nhật ký của anh, có lẽ không lâu trước khi anh bị hạ sát... (...)




(ký sự / tường thuật) 
[Ký sự bằng hình] ... Buổi họp mặt diễn ra trong bầu không khí thân mật, đầm ấm. Đặc biệt, mỗi người tới chúc Tết đều nhận được bản in trên giấy hoa tiên — với lời đề tặng và chữ ký của tác giả cuốn tiểu thuyếtGiã Từ (1962), nay đã 84 tuổi — bài thơ mới sáng tác mang nhan đề “Mộc mạc tình quê”, bên cạnh một bàn đầy những món ăn tiêu biểu của ngày Tết — bánh chưng, xôi gấc, xôi vò, giò chả, dưa giá, canh măng, v.v. — do chị Viễn Phố đãi và của khách mang tới góp... (...)




(tiểu luận / nhận định) 
Điều không ai có thể phủ nhận là con người sinh ra và lớn lên chịu ảnh hưởng rất lớn bởi môi trường sinh sống. Điều này đã được thân mẫu của ông Mạnh Tử khám phá ra khi bà quyết định dọn nhà khỏi khu xóm kế bên một cái nghĩa địa đến bên một trường học. Người cầm bút lại càng không tránh được định luật này. (...)














Phỏng Vấn Nhà Văn Trùng Dương




LTS. Trùng Dương Nguyễn Thị Thái là một “hiện tượng” của sinh hoạt văn học, nghệ thuật và báo chí miền nam Việt Nam. Ngoài những sáng tác văn học, Trùng Dương tích cực tham gia sinh hoạt điện ảnh, và nhất là báo chí trong giai đoạn hấp hối của Việt Nam Cộng Hòa [VNCH], từ 1970 tới 1974.
Người cựu nữ sinh viên Văn Khoa Sài Gòn nổi danh rất sớm, qua hai sáng tác Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn và Mưa Không Ướt Đất. Du học Liên Bang Mỹ trở về, bà đứng tên Chủ Nhiệm báo Sóng Thần mà nhóm chủ biên do nhà văn Chu Tử và nhà báo Uyên Thao trách nhiệm. Sóng Thần–đúng với danh xưng của nó–mang đến những đợt sóng dư luận chấn động miền nam, như việc khai quật những xác nạn nhân chôn vùi tập thể ở Huế và Quảng Trị trong mùa Xuân 1968, phong trào chống tham nhũng của Linh mục Trần Hữu Thanh, phong trào đòi tự do báo chí với những đợt công kích Luật 007, ngày ký giả đi ăn mày, và nhất là những cuộc tịch thu báo mới in xong, không cho phát hành, nhằm bóp tắt sự sống các cơ quan ngôn luận chống chính quyền. Đó là chưa nói đến việc truy tố chủ nhiệm và các ký giả, nhà văn ra tòa. Nhưng dù bị áp bức, trù dập, Sóng Thần không chịu khuất phục trước thủ đoạn và sự trấn áp của nhà cầm quyền lúc đó. Trùng Dương, Uyên Thao cùng nhóm chủ biên Sóng Thần (nhà văn Chu Tử đã rút lui vì lý do riêng) tiếp tục cuộc tranh đấu cho tự do báo chí. Nếu không có cuộc tổng tấn công Đông Xuân 1975–đưa đến sự sụp đổ của VNCH trong vòng 55 ngày và 55 đêm địa ngục–chẳng hiểu Trùng Dương và Sóng Thần trôi giạt về đâu.
Dù vô cùng khiêm tốn và nhã nhặn sau 35 năm định cư ở Mỹ, nữ sĩ Trùng Dương vẫn cung cấp cho độc giả Hợp Lưu, qua cuộc phỏng vấn với Lê Quỳnh Mai, những thông tin khả tín về diễn đàn ngôn luận tâm huyết do bà và văn hữu chủ trương đầu thập niên 1970. Đặc biệt, những thông tin của Trùng Dương có thể giúp những thế hệ trẻ thấy một sự thực: Văn nghệ sĩ miền nam cũng có những phần tử can đảm bất chấp mọi hậu quả bi hài đứng lên tranh đấu cho đệ tứ quyền. 
Trân trọng giới thiệu nữ sĩ Trùng Dương cùng các văn hữu và độc giả thân quí của Hợp Lưu.
Tạp chí Hợp Lưu



Tiểu sử và tác phẩm

Trùng Dương, tên khai sinh là Nguyễn Thị Thái, sinh năm 1944 tại Sơn Tây, di cư và lớn lên tại Miền Nam từ 1954. Nguyên là chủ nhiệm-chủ bút nhật báo Sóng Thần (Saigòn, 1971-75), và là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện dài, biên khảo, phóng sự, minh hoạ, và một vở kịch ba màn, Các Con Tôi Đã Về (1978). Tị nạn cộng sản tại Hoa Kỳ từ 1975. Trở lại trường học và tốt nghiệp cử nhân và cao học ngành báo chí, công quyền và các vấn đề quốc tế, Đại học Tiểu Bang California, Sacramento. Fulbright Fellow, niên khoá 1990-91 tại Hong Kong, nghiên cứu về các vùng kinh tế đặc biệt (special economic zones) của Trung Cộng trước khi nước này mở tung mọi cửa ngõ đón nhận nền kinh tế thị trường. Từ 1991-93, phóng viên cho tờ The Mountain Democrat, Placerville, Calif.; sau đó về cộng tác với nhật báo The Record, Stockton, Calif., làm copy editor rồi trưởng thư viện tin tức (chief news librarian, archivist & researcher) từ 1993 tới khi về hưu năm 2006.

Các tác phẩm văn chương đã xuất bản trước 1975: Văn xuôi: Vừa Đi Vừa Ngước Nhìn, tập truyện (Khai Trí, 1966); Mưa Không Ướt Đất, tập truyện (Văn, 1967); Cơn Hồng Thủy và Bông Hoa Quỳ (Trình Bầy, 1968); Chung Cư, tập truyện (Tân Văn, 1971); Một Cuộc Tình, tập truyện (Tân Văn, 1972); Lập Đông, tập truyện (Văn, 1972); Thành Trì Cuối Cùng, truyện dài (đăng từng kỳ trên nhật báo Thần Phong, Saigòn, khoảng 1970-71, chưa in thành sách); Những Người Ở Lại, truyện dài (đăng từng kỳ trên nhật báo Sóng Thần, 1973, chưa in thành sách). Văn dịch: The Prophet (dịch Kahlil Gibran, đăng rải rác trong một số tạp chí, 1968-70); Ngàn Cánh Hạc (dịch Kawabata Yasunari, Trình Bầy, 1969); Đường Về Trùng Khánh (dịch Han Suyin, chung với Hồ Hải Nguyễn Vũ Thiện, không nhớ tên nhà xuất bản, khoảng 1970); Người Đàn Bà Trong Cồn Cát (dịch Kobo Abe, An Tiêm, 1971).

Từ sau 1975, viết nhiều thể loại và đăng báo, nhưng chưa xuất bản thành sách.


Lê Quỳnh Mai: Xin chị giới thiệu về nhà báo và nhà văn Trùng Dương Nguyễn Thị Thái.

Trùng Dương: Khi viết báo, tôi tôn trọng dữ kiện, sự chính xác. Khi viết văn, tôi để óc tưởng tượng của tôi thở, sống, "theo chân mây", như tựa một cái truyện ngắn viết trước 1975, thay vì nhốt nó ở đâu đó. Ở cả hai bộ môn, văn chương và báo chí, chân thực là điều căn bản, nhất là sự chân thực trí thức.


LQM: Là chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần tại miền Nam Việt Nam trước 1975. Chị có thể cho quí độc giả biết về quá trình thực hiện và hoạt động của cơ quan ngôn luận này không?

TD:Tình cờ tôi vừa viết xong bài điểm sách cuốn Báo chí ở Thành Phố Hố Chí Minh – 100 Câu Hỏi Đáp Về Gia Định – Sài Gòn TP. Hồ Chí Minh, do Trương Ngọc Tường và Nguyễn Ngọc Phan biên soạn và nhà xuất bản Tổng hợp TP-HCM ấn hành năm 2006, về báo chí Miền Nam từ 1865 tới 1995, trong đó có hai trang về tờ Sóng Thần với rất nhiều sai sót. Tôi nhận thấy, vì nhu cầu trong nước và cả ở hải ngoại hiện muốn tìm hiểu về nền văn học Miền Nam 1954-1975, trong đó báo chí là một bộ phận, nên tôi có viết lại về tờ báo Sóng Thần để những ai muốn tham khảo về tờ báo như một phần của báo chí nói riêng và văn học Mỉền Nam nói chung, có tài liệu và không phải đoán mò, cương ẩu. Rất tiếc là tôi không có phương tiện, nhất là sức lực, để suy khảo về cả 20 năm báo chí Miền Nam, mặc dù một dạo rất muốn và đã thu thập được một số tài liệu. Sau đây là phần viết về tờ Sóng Thần rút ra từ bài điểm sách.

Tờ Sóng Thần ra đời vào tháng 10, năm 1971, và bị rút giấy phép vào tháng 2, năm 1975. Microfilm của những số báo Sóng Thần (trừ những số báo bị tịch thu không ra được tới sạp bán) hiện được lưu trữ tại thư viện Kroch Library Asia thuộc Đại học Cornell, Ithaca, N.Y. Bộ phim gồm bẩy cuộn, mang số 5004, gồm 1971: Oct.-Dec., 1972-1974, 1975: Jan.-Feb.

Khởi thủy Sóng Thần là cơ quan ngôn luận của nhóm chống tham nhũng Hà Thúc Nhơn (tên một đại úy y sĩ đã bị sát hại vào năm 1970 trong khi đơn thương độc mã chống tham nhũng trong chính quyền Nha Trang). Nhóm này gồm Bác sĩ Phạm Văn Lương, Giáo sư Nguyễn Liệu, Hà Thế Ruyệt, Phan Nhự Thức, Uyên Thao, Lý Đại Nguyên và một số người khác tôi không nhớ hết tên, và những người vì lý do riêng, không muốn công khai. Sau vì nhu cầu chuyên nghiệp, tờ báo tách ra đứng riêng, mặc dù vẫn theo chủ trương chống tham nhũng trong chính quyền và quân đội. Hồi ấy, tham nhũng ở Miền Nam chỉ bằng một phần nhỏ, so với bây giờ, và cũng chẳng lãnh đạo nào dám ngang nhiên tặng đảo, đất hay cho ngoại bang thuê mỏ, thuê rừng để bỏ túi riêng, như bây giờ. Và cũng không có lãnh đạo nào dám bênh vực tham nhũng, cho rằng tham nhũng ở Việt Nam còn thua xa vài quốc gia khác, như mới đây, ở Việt Nam.

Sóng Thần được hình thành là do đóng góp tiền bạc dưới hình thức mua cổ phần của các cổ đông và độc giả. Tờ báo có trụ sở đặt tại 133 đường Võ Tánh, Saigòn (không phải ở miền Trung như ghi trong cuốn Báo chí TP. Hồ Chí Minh). Tờ báo do tôi dứng tên làm chủ nhiệm, và nhà văn-nhà báo Chu Tử làm chủ biên. Sóng Thần chống tham nhũng ngay từ lúc đầu, chứ không phải mãi tới cuối năm 1974, như ghi trong bài "Xin cho biết về tờ Sóng Thần". Tuy vậy, Sóng Thần chống tham nhũng, không chống chế độ hay chính phủ, như một số báo chí ngoại quốc hồi ấy xếp loại là "anti-government". Ngoài ra là thông tin, bình luận thời cuộc, xã hội, và giải trí (mà việc đăng tải những truyện feuilleton là một).

Báo có anh Nguyễn Đức Nhuận lo trị sự, một người rất tận tụy, không những đối với tờ báo, mà còn với gia đình của anh chị em tòa soạn. Phát hành thì có Sáu Cao (tôi không nhớ trọn tên họ của anh, anh chị em quen gọi anh là Cao vì anh … rất cao và gầy, người miền Nam, năng nổ, bộc trực). Tôi vẫn nhớ hình ảnh anh Sáu ngồi kiểu nước lụt (tức ngồi xổm, theo lối diễn tả của người Bắc), bứt rứt, khốn khổ, buồn so, mỗi khi nghe tin báo bị tịch thu vì một lý do nào đó, và anh không có báo để phát hành.

Phần tòa soạn thì anh Uyên Thao điều hành, với tư cách tổng thư ký, và anh Trương Cam Vĩnh làm phụ tá. Phụ trách về trình bầy và dàn trang, lo in ấn có các hoạ sĩ Đằng Giao, Huy Tường, và Vị Ý. Hồi ấy, chúng tôi đưa báo đi nhà in mướn người ta in, nhưng có riêng một dàn sắp chữ với khoảng một tá thợ, cậu nào cậu nấy lúc nào cũng mình trần vì phòng sắp chữ vốn là một cái gác lửng trần thấp nên rất nóng, và lem luốc vì mực. Phòng sắp chữ nằm phía sau tòa soạn, do xếp typo Tấn, một thanh niên gốc miền Nam, rất tận tụy, trông coi. Giờ nhìn lại tôi không khỏi xấu hổ mà nhìn nhận là trong số thợ sắp chữ đó có một số em chỉ mới trên dưới 10 tuổi, đủ biết đánh vần để có thể sắp chữ, bỏ học đi làm để kiếm sống giúp gia đình. Tôi cũng còn nhớ cảnh Tấn giục bài, "để mấy đứa nhỏ có bài sắp chữ" vào buổi trưa sau khi báo đã in và thợ sắp chữ sắp các bài nằm, có lần đứng bên cạnh bàn làm việc của tôi với cái thước kẻ, hễ thấy viết được khoảng nửa trang, cậu ta kê thước kẻ vào trang giấy xé cái rẹt, đem phần giấy có chữ xuống nhà sắp chữ, mặc tôi ngẩn ngơ như con gà vừa bị cắt đầu. Sau kinh nghiệm đó, tôi thường viết bài ở nhà, nếu bữa nào chậm bài cho Tấn.

Thành phần biên tập, bình luận và nhiếp ảnh khá đông, nồng cốt gồm có Vũ Ánh, Đỗ Ngọc Yến, Lý Đại Nguyên, Đường Thiên Lý, Lê Thiệp, Dương Phục, Nguyễn Tiến Sơn, Lê thị Bích Vân, Anh Điển, Nguyễn Tân Dân, Chóe Nguyễn Hải Chí, Hùng Phong, Nguyễn Tuyển, Thục Viên, Triều Giang, Chu Vi Thủy, Vũ Ngọc Long, và nhiều người khác nữa. Bên cạnh đó là một hệ thống các văn phòng đại diện ở các tỉnh, đặc biệt là Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị, với Nguyễn Kinh Châu, Nguyễn Quý, Ngy Thanh, Đoàn Kế Tường và nhiều anh em khác. Cộng tác viên thì càng đông hơn. Thường xuyên lui tới toà soạn tôi nhớ nhất có các anh Trần Phong Vũ và Vũ Đức Vinh, cả hai hồi ấy làm đài phát thanh Sàigòn, với anh Vinh là tổng giám đốc. Về sau này, sau khi nhật báo Đuốc Nhà Nam của ký giả lão thành Trần Tấn Quốc tự ý đóng cửa để phản đối luật báo chí mới 007/1972 đòi mỗi nhật báo phải ký quỹ 20 triệu đồng, Sóng Thần (tồn tại nhờ vay tiền ký quỹ, và số tiền này còn nằm ở Ngân Hàng Quốc Gia khi biến cố 30 tháng 4, 1975 xẩy ra) mời được bỉnh bút Ngọa Long về cho có mầu sắc người Miền Nam vì đa số thành phần biên tập là những người gốc miền Bắc di cư năm 1954. Khác với lời ghi trong cuốn "100 Câu Hỏi Đáp" là cả ba nhà báo kỳ cựu gốc miền Nam Trần Tấn Quốc, Nam Đình và Ngọa Long "cùng sang cộng tác với Sóng Thần", thực tế chỉ có một mình ông Ngọa Long bằng lòng về hợp tác thôi.

Riêng về các nhà văn nhận lời viết feuilleton cho Sóng Thần thì khởi thủy gồm có Nguyên Vũ, Cung Tích Biền, Nguyễn Thuỵ Long, Vũ Ngọc Đĩnh, Hoàng Hải Thuỷ, vv. Sau thêm một số khác nữa trong đó tôi nhớ hơn cả, vì là do chính tôi mời, mà lại mời viết hồi ký chứ không phải tiểu thuyết, để in song song, một phần cũng là nhằm lôi cuốn người đọc, đó là hai nhà văn nữ Túy Hồng và Nguyễn Thị Thụy Vũ. Tôi đã dự tính sau hai nhà văn này thì sẽ mời Nhã Ca và Nguyễn Thị Hoàng viết hồi ký song song như thế, nhưng chưa kịp, không nhớ vì lý do gì. Cả bốn chị đều là những nhà văn có nhiều sách truyện đã xuất bản và được nhiều người biết tới và đọc, khác với tôi, một người viết truyện "xuân thu nhị kỳ", như chủ bút Văn dạo ấy, Trần Phong Giao, đặt cho tôi, có thể vì tôi luôn có những sở thích khác lôi cuốn mình, không chỉ mình văn chương. Những người viết feuilleton cho báo hàng ngày là cộng tác viên, không nằm trong thành phần biên tập.

Ngoài công việc thông tin, nhật báo Sóng Thần còn tham gia vào hoặc tài trợ cho một số những sinh hoạt giáo dục (như hỗ trợ cho chương trình gây quỹ học bổng cho trường Quảng Ngãi Nghĩa Thục dậy học miễn phí cho vài trăm em học sinh trung học nghèo ở Quảng Ngãi, do Nguyễn Liệu và trên 100 giáo sư trung học ở Quảng Ngãi đảm trách); xã hội hoặc nhân đạo (như chương trình xây nhà giúp người nghèo, hoặc gây quỹ và phát động chiến dịch hốt xác và chôn cất gần 2,000 nạn nhân chiến cuộc trên Đại lộ Kinh Hoàng trong trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972); hoặc văn nghệ (như lập nhà xuất bản Nhân Chủ, hỗ trợ gánh hát cải lương Bạch Tuyết-Hùng Cường, thực hiện phim "Yêu", do Đỗ Tiến Đức đạo diễn, dựa vào cuốn tiểu thuyết cùng tên của Chu Tử).

Cái ưu điểm của Sóng Thần, và lý do tờ báo lôi cuốn được nhiều người tham gia, hỗ trợ, đó là, ngoài chủ trương chống tham nhũng làm sạch hậu phương để hỗ trợ tiền tuyến chống Cộng đặng bảo vệ một Miền Nam tự do, còn do chỗ này: đó là tờ báo do nhiều người làm chủ, với tư cách cổ đông góp phần hùn vốn, và niềm tin của họ đặt vào hoài bão của nhóm chủ trương, cũng là ước vọng của họ. Tôi chỉ là người đứng tên trên giấy phép xuất bản và chịu trách nhiệm đối với chính quyền, trong đó có những màn đi hầu tòa mỗi khi báo bị tịch thu. Tôi còn nhớ mỗi lần tôi mặc áo dài đến tòa soạn, thế nào cũng có người hỏi: "Bữa nay bà đi hầu tòa hả?" Vì tôi ít khi mặc ào dài, mà thường mặc âu phục để đi xe đạp cho đỡ vướng. Nói tóm lại, không có các anh chị em khác đã cộng tác với Sóng Thần và sự tin tưởng vào lý tưởng của tờ báo từ các cổ đông và độc giả, chắc chắn đã không có tờ Sóng Thần.


LQM:Khó khăn lớn nhất mà chị đã gặp khi thực hiện tờ Sóng Thần.

TD:Có lẽ là sự kiểm duyệt khá khe khắt, đôi khi vô lý và lố bịch, của chính quyền của ông Nguyễn Văn Thiệu, và đặc biệt là luật báo chí 007/72 ban hành sau biến cố Mùa Hè Đỏ Lửa, đòi mỗi nhật báo phải ký quỹ 20 triệu đồng để được phép tiếp tục xuất bản. Nguyên nhân sâu xa, đã hẳn là do tình trạng chiến tranh do cộng sản Hà Nội chủ trương, với sự thâm nhập hàng ngũ quốc gia của các cán bộ nằm vùng, đặc biệt trong giới cầm bút viết văn, đưa tới thái độ "paranoid" của giới lãnh đạo Miền Nam. Khi một tờ báo bị kiểm duyệt và tịch thu hơi thường xuyên, khách hàng quảng cáo sợ và độc giả cũng dần nản, bỏ mình, rồi cái nọ kéo theo cái kia.


LQM:Mặc dù tạo được tiếng vang lớn, nhưng tuổi thọ của Sóng Thần không được lâu dài như một số nhật báo nổi tiếng của miền Nam Việt Nam trước kia. Chị nghĩ sao về cái tên của nó như điềm báo trước về hiện tượng này?

TD:Chuyện "tên như một điềm báo" chỉ là để nói đùa với nhau cho vui. Tôi không tin tên Sóng Thần tự nó là một điềm báo. Hồi đó, mặc dù Sóng Thần nghe không có vẻ tên báo, nhưng ông Chu Tử rất thích khi tôi cho biết đã chọn tên báo là Sóng Thần. Ngoài Sóng Thần, còn có vài tờ khác cũng bị rút giấy phép cùng lúc, trong đó có tờ Đại Dân Tộc của ông Võ Long Triều.


LQM:Sau nhiều biến cố xảy ra, chị có tìm ra nguyên nhân tại sao nhật báo Sóng Thần bị đóng cửa hay không?

TD:Tôi nghĩ tờ Sóng Thần bị đóng cửa là vì thái độ sợ hãi, không còn tin ở ai của chính quyền của ông Thiệu. Như tôi đã nói ở trên, chính quyền của ông Thiệu khi ở bước đường cùng càng trở nên quẫn trí, phản ứng không còn theo lý trí nữa. Người Mỹ có thành ngữ "shoot yourself in the foot" (tự bắn vào chân mình), nói cách khác là tự đào mồ chôn sống, và đấy là tình trạng của những chế độ ở bước đường cùng và không tin ai nữa, kết quả là hở ra làm cái gì cũng sai, trật, và từ từ tự đào hố chôn mình và chôn theo cả một quốc gia, dân tộc. Ta cũng thấy điều đó hiện đang diễn ra ở Việt Nam.


LQM:Chị có nhận xét và so sánh thế nào giữa hai nền báo chí ở miền Nam Việt Nam trước 1975 và của cộng đồng người Việt hải ngoại sau 1975 (nói riêng tại Hoa Kỳ).

TD:Báo chí ở Miền Nam trước 1975 có kiểm duyệt, mặc dù không bị chỉ đạo, như báo chí dưới chế độ cộng sản độc tài ở Miền Bắc và cả 35 năm qua trên toàn Việt Nam. Báo chí Việt ở hải ngoại thì hoàn toàn tự do, chỉ cần xin giấy phép mở một cơ sở thương mại (business). Ngày nay với kỹ thuật Internet phổ biến, nhiều báo điện tử không cần cả giấy phép thương mại, chỉ cần đăng ký với một trong những cơ sở đăng ký trên Internet. Tuy nhiên, nhiều người làm báo ở hải ngoại, tất nhiên không phải tất cả, hiểu nhầm quyền tự do báo chí, cho rằng mình muốn viết gì, công kích hay chụp mũ ai thì đó là quyền của mình. Điều này không đúng. Càng tự do, trách nhiệm của người cầm bút càng cao, do đấy người cầm bút càng phải luôn học hỏi, tự trau giồi, về kiến thức cũng như khả năng nghề nghiệp. Và quan trọng hơn cả, theo tôi, là vun sới đức tính khiêm tốn, đạo đức nghề nghiệp.


LQM:Chị có so sánh gì về cả hai mặt tốt xấu trong cách làm báo của người bản xứ tại Hoa Kỳ và của người Việt tại hải ngoại.Và ý kiến về sự xuất hiện mạnh mẽ của báo điện tử hiện nay?

TD:Báo Việt ở hải ngoại, đặc biệt tại Nam Cali, nhiều quá, vì ai cũng muốn làm chủ báo, mà số người viết thì có hạn, độc giả có hạn, cũng vậy là khách hàng quảng cáo. Lượng thì nhiều mà phẩm không có bao nhiêu. Về phát thanh cũng vậy. Đã vậy, báo chí Việt ngữ, vì tính chất chính trị đặc biệt của cộng đồng Việt tị nạn, ít nhiều, dù không muốn, cũng bị lôi cuốn vào vòng chính trị, khó duy trì được tính khách quan, chuyên nghiệp. Chưa kể ảnh hưởng của khách hàng quảng cáo tới sự độc lập của tờ báo nữa. Báo chí Mỹ không bị chi phối bởi đặc tính chính trị này, mặc dù cũng không tránh được sự chi phối của quảng cáo. Báo chí Mỹ cũng không xuất bản ồ ạt như vậy. Tại một thành phố như Stockton, nơi tôi đã sống và làm việc 12 năm, chẳng hạn, với dân số khoảng 250 ngàn cho thành phố và khoảng nửa triệu cho toàn quận, chỉ có một tờ báo hàng ngày, tờ The Record, với số phát hành khoảng 70 ngàn số. Vậy mà từ nhiều năm trở lại đây tờ báo cũng đang khốn đốn vì sự phổ biến của Internet vì kỹ thuật này đang lấy đi khách hàng quảng cáo, nguồn thu chính của tờ báo. Và đấy là tình trạng chung của báo in tại Mỹ: nguồn thu quảng cáo đang bị thu hẹp lại, trong khi số độc giả mua báo cũng giảm đi.

Kỹ thuật Internet chỉ mới được chính phủ Hoa Kỳ bàn giao cho tư nhân xử dụng vào năm 1995, bốn năm sau khi kết thúc cuộc Chiến Tranh Lạnh. Tuy thế, Internet đã biến đổi sâu xa đời sống của chúng ta ở mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn học nghệ thuật và cả những liên hệ và đời sống cá nhân. Cũng chưa có kỹ thuật nào từ cổ chí kim mà lại có khả năng thu nhỏ quả địa cầu, thông tin chớp nhoáng, kể cả "tin" bậy, và dân chủ hoá và trang bị sức mạnh (empower) cho người xử dụng, như kỹ thuật Internet, mà World Wide Web, gọi tắt là Web, là một bộ phận. Do đấy chúng ta không nên lấy làm lạ khi báo điện tử của người Việt trong và ngoài nước bỗng tràn lan, bên cạnh những ấn bản điện tử (online) của những báo giấy, đấy là chưa kể các trang Web của các đoàn thể, hội, nhóm và cá nhân. Không cần chi phí nhiều để mở những trang Web đó, chưa kể nếu chịu khó thì có thể tự làm lấy trang Web của mình với sự hỗ trợ của một vài chương trình computer, rồi thuê post lên Web, tốn vài chục Mỹ kim/tháng. Vấn đề là có người viết và viết như thế nào, có đáng cho chúng ta theo giõi đọc và tin được không. Không ai ở hải ngoại này, kể cả chính quyền, có thể "đóng cửa" những Web sites này, trừ phi họ vi phạm điều lệ của hãng Internet mà họ thuê post và có người khiếu nại. Do đấy, người đọc cần đủ hiểu biết và thông minh để phân biệt thực hư, giữa sự thực và dối trá, đừng bạ cái gì cũng tin, rồi chuyển đi tứ tán, qua phương tiện e-mail, một cách vô trách nhiệm.


LQM:Là nhà báo và cũng là nhà văn, chị thích lãnh vực nào hơn. Tại sao?

TD:Không có lãnh vực nào tôi thích hơn lãnh vực nào, mà cả hai bổ sung cho nhau. Càng lớn tuổi, với kinh nghiệm, mình càng thực tiễn hơn, không còn mơ mộng, đam mê như lúc còn trẻ, do đấy óc tưởng tượng cũng mòn mỏi đi. Vì nhu cầu công việc và thói quen nghề nghiệp, tôi nghiêng về báo chí nhiều. Tóm lại, tôi đọc báo, tạp chí, sách non-fiction, xem phim tài liệu nhiều hơn là đọc truyện và xem phim truyện, trừ những tác phẩm thật hay. Viết cũng vậy.


LQM:Ý kiến của chị thế nào về văn học hải ngoại. Và sự khác biệt giữa hai thời điểm trước 1975 và sau 1975 dưới mắt nhìn của chị?

(Còn tiếp...)















Chân trời mới của Trùng Dương



Từ mấy năm nay làm lại tờ Văn ở Hoa Kỳ, đời sống lữ thứ hàng ngày thấy đỡ thất lạc, bởi lại được thả trôi trở lại với một không khí tòa soạn không khí trị sự tuy đã khác biệt, nhưng vẫn còn phảng phất đâu đó, trên một góc bàn viết, dưới một ánh đèn sáng, cái không khí đã bao năm sống ở quê nhà, tâm trí tôi thường có nhiều hơn những hồi tưởng về báo quán cũ, là 38 Phạm Ngũ Lão Sài Gòn, ngày trước.
Nhớ lại. Cái chỗ ngồi trên căn gác xép, ngó chéo sang tấp nập Ciné Quốc tế. Cái ngọn điện trước bàn viết tôi, mỗi buổi chiều, lách mình qua những cỗ máy Minerve im lìm, từ báo quán đi ra. Nhớ lại. Từng khuôn mặt anh em thợ chữ. Những thân trần, những mồ hôi, những ca đêm, những bữa ăn bên máy của họ. Nhớ lại. Những bản mo-rát trễ muộn, ướt nhèm, phải đính lên tường cho khô, ngày mai mới sửa. Nhớ lại. Hết thảy. Mùi mực in. Tiếng máy chạy. Về trước lẫn về sau anh Nguyễn Đình Vượng mất, từ Trần Phong Giao đi tới Nguyễn Xuân Hoàng đến, cho tới cái ngày 30 tháng Tư bàng hoàng, tạp chí và nhà xuất bản cũng phải hạ bảng, báo quán ngưng đọng, tối thẳm trước tử hình của ngôn ngữ và khai tử của văn chương.
Nhớ lại, Duyên Anh ngồi viết ở bàn bên, chữ nhỏ như con kiến, Bùi Giáng vào đòi uống rượu, Bình Nguyên Lộc, Vũ Hoàng Chương chỉ cần một tách trà, cái quán cóc của bà Năm bên hông tòa soạn, thân hữu Văn tới ngồi đông kín, cái quán nhậu bên chợ Thái Bình, văn nghệ có tiền là ơi ới gọi nhau sang.
Và trong cái khối nhớ toàn thể này, về tiền thân của Motor Avenue bây giờ, còn là một phiến nhớ riêng, óng ả và khả ái hơn, là nhớ về cái đội ngũ những nhà văn nữ có với Văn một hợp tác từ đầu, tới với Văn bằng một lui tới thường hằng khiến mười lăm năm Văn không số báo nào là không có góp phần của văn chương nữ phái.
Những nhà văn nữ ấy, đặt họ vào tiến trình văn học Việt, là những Beauvoir, Sagan, Han Suyn, những Stein, Duras, Sarraute của chúng ta. Phá tan những vùng đất cấm nghìn đời với người viết nữ, khẳng định bằng văn chương, sự giải phóng toàn vẹn của nữ phái, và lần thứ nhất trong lịch sử văn học, trở thành những nhà văn toàn diện, toàn phần, họ đã đem lại một đổi thay lớn đến nay chưa sao đo lường hết. Có như chưa có họ, văn chương “sau lưng đêm lặn chìm chân núi" và từ có họ, văn chương “trước ngực trăng dào dạt biển khơi”.
*
Đó là Nguyễn Thị Vinh. Trắng, lạnh, như một bông huệ đài các. Là Nguyễn Thị Hoàng, buổi chiều Sài Gòn cao, điếu thuốc lá trên tay, ly khai vị ở cạnh. Là Nhã Ca, đi thăm nuôi Trần Dạ Từ, nằm ngủ trên đỉnh Đèo Cả, bà chúa của chợ trời, ra tù đòi vào lại, tửu lượng không bạn trai nào sánh kịp. Là Túy Hồng, cô giáo Huế của trường Phú Lâm, từ đổ đèo Hải Vân, chiếc dù mưa những mùa mưa Sài Gòn vẫn chỉ những trời mưa, và những mùa mưa tuổi nhỏ không quên của Tràng Tiền, Thành Nội. Đó còn là Tuệ Mai đã mất, từ xa Động Hoa Vàng. Là Thụy Vũ, với tình yêu Tô Thùy Yên, về sống khép kín ở làng Báo Chí, bây giờ thư nhà viết sang từ một vườn rẫy Tây Ninh. Là Trần Thị Nguyệt Hồng nữa, bút hiệu kiêu hãnh viết tắt chỉ còn Trần Thị Ngh. Là Minh Đức nữa, đi khắp thế giới. Là Tuệ Nga, Vi Khuê mỗi người một giải thơ, là Lệ Hằng, mái tóc đuôi ngựa, chạy như gió, ra đi như nắng, cái quần jeans xanh.
Và còn là Trùng Dương. Một Trùng Dương tôi không đến nỗi phải ném tuốt ý nghĩ về tới 38 Phạm Ngũ Lão mới thấy. Nhưng gần mà xa. Từ sang Mỹ đã 4 năm, người bạn văn duy nhất tôi chưa gặp lại.
Phải, duy còn một Trùng Dương tôi chưa thấy lại. Tưởng như chỗ ở của “bà Trùng" khó như đường vào đất Thục, đường vào đất Thục khó hơn đường lên trời. Tưởng như người nữ Chủ nhiệm Sóng Thần ngày trước chẳng còn muốn kiếm tình bằng hữu, gác kiếm quy ẩn thì chưa nhưng luyện thế tuyệt học chưa xong, còn bế môn nghìn ngày trong động.
Chưa gặp lại nhưng thư từ thì đã có. Ngày tôi tới Pulau Besar, cô bạn thân là một trong những người có thư sang Mã cho tôi sớm nhất. Thư nói vào Mỹ đừng tưởng vào thiên đường, sẽ đội một núi Hy Mã Lạp Sơn thất vọng. Thư nói “nước này thiếu hết mọi điều ở quê nhà anh hằng yêu thích, chỉ có cỏ xanh cỏ tím cỏ hồng là thừa mứa mà thôi”. Thư kèm 5 mỹ kim, dặn dùng để mua thuốc hút. Tôi nhớ đã vâng lệnh vác ngay 5 đồng bạc tặng tới quán mua 5 gói thuốc Mã Lai Số Một, và khói thuốc tôi thở ra xanh um cả một góc trời trại đảo cũng dày đặc như những vùng khói thuốc mịt mùng của Trùng Dương ở Sài Gòn. Chẳng hiểu ở Placerville, Sacramento bây giờ, cô bạn có ngán ung thư, có bớt thuốc lá? Chứ ngày trước, cùng với Nguyễn Thị Hoàng, lượng khói của Trùng Dương quả là hàng đầu thật. Người đi tới đâu khói tuôn tới đó. Ngồi đâu là sắc tay mở ra thoăn thoắt, cái bật lửa liền tay tách tách, tới Văn, cặp kính trắng lấp lánh, khuôn mặt nhỏ nhắn, nụ cười sau làn khói, mỗi buổi sáng ngon lành một gói Salem.
Rượu nữa. Bởi Trùng Dương còn đích danh một đại tửu đồ. Những trận rượu của nàng ngày trước, như những trận đế của Nhã Ca ở quận Nhất bây giờ, Tản Đà Lý Bạch cũng chào thua và Lưu Linh thì đi chơi chỗ khác. Kỳ tích và huyền thoại này, suốt dọc sinh hoạt văn nghệ 20 năm, đám Vũ Khắc Khoan, Hoài Bắc, Mặc Đỗ, Thanh Nam chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm đau đớn. Chả là, một thời cô-nhắc và uých ky ở Sài Gòn vừa hiếm vừa đắt lắm. Chúng tôi, cái hầu bao văn chương hữu hạn, phải chơi trò hợp tác xã mới mỗi chiều mua nổi một chai.
Cái chai đó trân trọng biết chừng nào. Mỗi tên một phần, từ tốn với hoàng hôn, bởi rượu thì buổi chiều cũng hết. Thế nhưng vô phúc và bất hạnh chiều nào có nữ việt cộng Trùng Dương hoặc nữ quái kiệt Thụy Vũ cái bóng hồng chợt hiện, cười cười "ồ gặp các anh” là chúng tôi rụng rời và đại sự hỏng hết. Nữ phái tới không chờ mời đã uống rất đẹp, rất thật tình lại rất khỏe, rất nhanh. Chỉ chớp mắt đã nửa chai mà tay ngà vẫn còn ung dung rót tiếp.

Kỷ niệm về rượu của bọn tôi với Trùng Dương thật nhiều. Nam nữ văn chương một thời quây quần thân thiết, hình ảnh mỗi người trong từng giai đoạn sống lúc thế này lúc thế khác, nhưng cái hình ảnh chúng tôi giữ lâu dài về Trùng Dương là cái áo bà ba trắng hồng đựng nắng gió Sài Gòn, một lối sống phóng khoáng rất đàn ông, với một điếu thuốc thả khói trên tay và tay kia ly rượu. Phần tôi thì nhớ nhất là một đêm Giáng Sinh ở một đầu quầy. Tối hôm đó, tôi buồn, ngồi uống một mình. Trùng Dương vào. Nhìn thấy, đi tới. Uống một mình buồn lắm phải không? Đúng, buồn. Tôi uống với anh cho vui. Vui thật. Chỉ không vui lắm là đêm đó tôi đã phải rời quầy khá sớm về nhà ngủ, không đợi được hồi chuông vàng vang ngân khắp cùng nhân thế báo tin vui Chúa đã ra đời. Trận rượu với Trùng Dương cái túi tiền của tôi không còn cho phép thức khuya thêm nữa.
Ở một tùy bút nổi tiếng của Nguyễn Tuân tựa đề là Những Đứa Con Hoang, có một nhân vật đàn ông khác thường, tên là Lũy, đột nhiên mất tích giữa bằng hữu, giữa đời sống.
Bỗng một chiều cuối năm, người mất tích trở về kinh thành thăm bạn. Bạn hỏi, mới biết Lũy đã âm thầm thực hiện cho cái thân thế lạc phách một cách mạng bản thân. Rời xa những chật hẹp cõi người, những tù túng nơi chốn, Lũy đến với cái vùng vô tận xanh biếc mang tên là thiên nhiên, hòa nhập với cõi không bến không bờ có tên là tạo vật. Những ánh lửa phố, giam cầm, Lũy không sống được với chúng nữa. Mà phải là hằng hà nghìn dặm của trăng sao. Những bụi bậm, những ồn ào dưới thấp cũng vậy. Đời sống chuyển lên ngày cao, giữa trong vắt đầy và tịch lặng lớn. Và Lũy đã thăng hoa, đã trở thành. Trong tự do tuyệt đối tìm thấy ở tách khoát, ở khuất biệt. Trong cái một mình. Như một đường giây vô tuyến giữa rừng. Trong cái riêng ta, một mình một cõi.
Trùng Dương không bao giờ ngộ nhận cho mình một kích thước tâm thức xuất chúng như nhân vật Lũy. Nhân vật ấy hoang đường và tiểu thuyết. Mặt khác, Trùng Dương ngày trước ngồi sau bàn giấy chủ nhiệm Sóng Thần, đấu tranh chống kiểm duyệt, điều động anh em đi nhặt xác trên Đại Lộ Kinh Hoàng, cũng như Trùng Dương hiện giờ ở Mỹ, bao giờ cũng là con người rất xã hội, rất thực tế. Danh từ xã hội và thực tế còn phải được hiểu ở cái nghĩa đơn giản nhất và cũng tận cùng nhất. Bởi từ một người đàn bà, có thể một thời đã có một nếp sống nghệ sĩ phóng lãng, nhưng từ mười năm tới Mỹ, đã chọn ngay cho mình một bến đậu với toàn vẹn tinh thần và tư cách một người đàn bà Đông Phương trong bến đậu ấy. Trùng Dương ngày trước không còn nữa. Giờ là một Trùng Dương mới. Của chồng con. Của gia đình. Toàn phần. "Nếu đời sống có nhiều cánh cửa mở ra nhiều chân trời khác biệt, tôi đã đóng lại tất cả những cánh cửa ấy, chỉ còn mở một cánh cửa duy nhất vào cái thế giới bên trong, cái thế giới ấy là 1131, Large Oak Dr, Placerville, Sacramento". Thư Placerville nào của Trùng Dương viết cho bạn bè cũng là một xác quyết rõ ràng và minh bạch như vậy. Một xác quyết trầm tĩnh, vững chãi. Của một người vợ, một người mẹ. Về một lựa chọn đã xong, một thực hiện đã là. Một lần và vĩnh viễn. Thư nói đến mua đất, đến làm nhà. Đến cái trailer đơn độc giữa rừng, những vật liệu xây cất chở lên từ một thị trấn xa, ngôi nhà vẽ kiểu lấy, đào móng, đắp nền, thành hình dầu giữa những bình minh núi và những hoàng hôn rừng cô tịch. Thư nói điện đã thắp sáng, bếp đã nhen lửa, mảnh vườn sau nhà làm rẫy chưa xong, những nụ hoa đầu đã nở trong mùa xuân này, trên lối vào đã trồng xong một hàng cây ăn trái, điện thoại chưa mắc, trăm công nghìn việc, thảy còn ngổn ngang. Toàn những chuyện hàng ngày. Toàn những điều thực tế.

Nhưng Trùng Dương vào rừng, dựng nhà, kiếm tìm một ổn định trong cách biệt, một độc lập trong riêng tây, vẫn cứ làm tôi liên tưởng tới nhân vật Lũy. Vận động và cuộc cách mạng bản thân của Lũy.
Tâm thức của người Placerville và tâm thức người trong tùy bút không là một. Động lực đẩy tới lựa chọn cũng khác biệt. Nhưng trên đại thể, thì vận động lại đồng tính đồng dáng. Trước hết, nhân vật Lũy cũng là một nhà văn. Lũy bỏ đi, hoài bão là đặt một bàn viết mới giữa tạo vật và thiên nhiên, để làm được cái mới, cái khác từ một con người mới. Trùng Dương tới Placerville, có thể khởi đầu không có một chủ định văn chương đặc biệt nào như Lũy, nhưng rồi đời sống hiện giờ của người viết nữ ở Placerville cho thấy rõ, Trùng Dương đã đích thực thực hiện cho mình một khởi hành mới của nghệ thuật và của văn chương.
Thành ra nếu chỉ nhìn một cách tầm thường, thì khuất cách Placerville như chuyến lên đường đi vào xanh thẳm của nhân vật tùy bút Lũy chỉ là một dời đổi địa chỉ trong kiếm tìm một thế sống thích hợp. Mà thấu hiểu được cái động lực đưa tới khuất cách thì đó là một vận động trí thức, một vận động văn chương đang nhìn thấy cũng khắp dưới mọi vòm trời của văn chương thế kỷ. Kẻ trước, người sau, nhà văn đều muốn bỏ đi. Ở xa. Lên núi. Vào rừng. Tạo ra những khoảng cách lớn giữa mình với những thủ đô, những trung tâm, những ngã tư đời sống. Đặt bàn viết bên bờ một giòng suối vắng. Trong một trang trại hẻo lánh. Trên một bờ biển không người. Trong cuối đời họ, hàng trăm nhà văn Âu Châu đã bỏ Paris, London, Berlin, đi vào một đời sống thôn dã, ở một địa phương xa như vậy. Cả một thế hệ những nhà văn lớn, những tiểu thuyết gia lớn Hoa Kỳ cũng lớp lớp rời khỏi những thị trấn, đi ở xa, một mình, chối từ mọi sinh hoạt chung. Từ Hemingway đến Steinbeck. Từ Faulkner đến Mailer. Hầu hết những bản ngã đặc biệt ấy đều như cùng cảm thấy sự cần thiết, cái đáp số của một tách thoát, mỗi người một phương, gần như một mất tích đâu đó trong thiên nhiên và tạo vật.
Vận động trí thức vừa nói, không cụ thể và tận cùng, bởi sự lựa chọn cách sống hữu hạn và tùy thuộc hơn, cũng đã nhìn thấy thật nhiều trường hợp ở các nhà văn Việt lưu vong, từ mười năm tới Mỹ. Vũ Khắc Khoan vẫn những mùa tuyết rơi ở Vạn Hồ. Mặc Đỗ trong đáy cùng cánh đồng Missouri City. Lê Tất Điều ở San Diego, Võ Phiến, một ngoại ô Los Angeles, Nghiêm Xuân Hồng ở Long Beach, Thanh Nam Túy Hồng ở Seattle. Hết thảy, những khuất cách. Hết thảy những ở xa. Hết thảy những cõi riêng. Hết thảy những cô tịch quanh mình, những im lặng tháng ngày, những ngôi nhà đóng kín. Hình thái sống biệt lập chừng như là một vận động khôi phục lại bản ngã, những bản ngã thất lạc cần khôi phục lại. Hình như xa cách là im lặng trong suốt và chỉ trong một im lặng trong suốt, đời sống tâm linh và trí tuệ mới có đất đai và không khí để thành hình.
Hiện tượng phức tạp. Đoán thấy hơn là mình thấy, rất khó phân tích. Nhưng là một hiện tượng có thật và nhất định không phải là một phản ảnh của xa lánh tiêu cực, của bản ngã tự hủy, của thân thế chôn vùi. Cũng nhất định ở đó không có vùng đất chết của văn chương. Ngược lại. Mùa màng ở đó mọc lên. Ở đó, những khởi hành mới. Bằng chứng cụ thể là những thể lực sáng tạo sung mãn nhất, những công trình sáng tác đáng kể nhất của văn chương Việt Nam hải ngoại bây giờ phần lớn đều đã chẳng từ những miền trời khuất cách, những đời sống ẩn lánh, những bàn viết ở xa?
Và bàn viết sáng láng nhất, lồng lộng gió nắng nhất hiện giờ là bàn viết ở trên cao Placerville của Trùng Dương. Câu trả lời trong bài phỏng vấn của Văn, rất vắn tắt: “Đọc sách, vẽ, viết, lo chuyện gia đình con cái”. Nhưng chỉ ở trong sự vắn tắt đó, đã hình dung thấy những giờ phút không bỏ phí, một cuộc sống đầy. Buổi sáng. Người nội trợ dậy sớm cùng tiếng chim hót trong cánh rừng sau nhà, bình minh yên tĩnh của Placerville vừa hồng lên những tia nắng mặt trời thứ nhất. Nàng đốt lửa, pha cà phê cho bữa điểm tâm, ra vườn thăm những cây cối mới trồng, trở vào nhà đánh thức bầy con nhỏ dậy. Dọn phòng, tắm rửa, thay quần áo cho con, từ tầm cao nghiêng xuống sát gần những vấn đề, nhiều vô kể, của tuổi thơ đời sống Mỹ. Sự giáo dục con cái, Trùng Dương coi đó là một vấn đề trọng yếu. Phải để tâm, phải đích thân. Như đích thân đưa con sáng sáng ra trạm xe buýt tới trường, mẹ con đi trên những khúc đường ngày xưa là những con đường mang tên ảo tưởng của người Mỹ từ trăm phương đổ tới tìm vàng và đã tìm thấy mỏ vàng. Như đích thân dạy con học, lật những trang sách của chúng, thấy lại ở đó tuổi ấu thơ thuở nào của mình ở Việt Nam. Rồi sương tan. Nắng chan hòa trên Placerville đuổi theo cái bóng nhỏ trong nhà, ngày trước ở Sài Gòn không nhúng tay, bây giờ làm lấy hết.

Tóm tắt đời sống ở Placerville sáng láng trong trật tự ngăn nắp, những thời giờ được dùng cho nội trợ từng ngày phải kế hoạch thế nào để có một số thì giờ nhất định cho nghệ thuật và văn chương. Cho đọc. Sách thư viện Mỹ một rừng. Cái đọc từ từ, trường kỳ, đối diện với một biển trời chữ nghĩa vô tận. Cho viết. Bằng hữu ở miền Đông miền Tây ra báo, dựng diễn đàn là lại có thư, điện thoại đòi góp phần tới Placerville. Nhưng viết ở Placerville thế nào? Một nối dài không vấn đề với cõi viết quê nhà thuở trước? Câu trả lời của Trùng Dương là không. Viết như chưa bao giờ. Viết như một khởi hành mới. Nhiều lá thư gần đây cho bạn, Trùng Dương đã tâm sự về khởi hành này khi tuổi đời vừa chẵn bốn mươi. Tôi như một cô nhỏ, lần thứ nhất trong đời từ sau một hẻm núi đột ngột nhìn thấy biển khơi, từ một cánh cửa vừa mở tung, được đi vào một cánh đồng mênh mông đầy ngập cỏ hoa muôn màu muôn sắc. Bước chân tôi yếu, bàn tay tôi nhỏ. Nhưng tôi muốn hái hết, lấy hết. Thế nào cũng chưa đủ, hái mấy cũng chưa vừa, trong khi đó thời gian vùn vụt mà tôi biết hoàng hôn của đời tôi không còn xa lắm nữa, Đời sống là vậy mà tôi chưa xong. Con đường là vậy mà tôi chưa tới. Hoa đất trời đã mãn khai nghìn cánh, mà bản thể tôi vẫn còn là một cái nụ cựa mình trong đất, chưa làm sao nở được thành hoa.

Đó là Trùng Dương. Rất trẻ. Của những thí nghiệm, những tìm kiếm mới. Của những bản thảo nghìn trang thấy là chưa được, phải viết lại từ đầu. Của trường kịch ba màn Những Đứa Con Tôi Đã Về, hồi cảnh đã dựng phá đổ hết xuống, dựng hồi cảnh khác. Đúng là cô nhỏ giữa cánh đồng cỏ. Tấm lòng muốn là đôi hài bảy dậm, đi hết những chân trời. Ngòi bút muốn trăm đầu trăm tay, sự thực hiện muốn năm chiều bảy mặt. Lại còn con đường ấy, con đường vừa mở, người vừa đi vào. Đó là con đường hội họa, cái thế giới tạo hình, mầu sắc là tiếng nói. Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân. Đặng Trần Côn. Thuở trời đất nổi cơn gió bụi. Đoàn Thị Điểm. Kiệt tác thi ca ấy của một thời chia cách và chinh chiến, hình thơ, tứ thơ, ý thơ nào cũng là một bức tranh, bảy chữ nào cũng là một hội họa tuyệt vời, lục bát nào cũng những thủy mạc tuyệt diệu. Càng đọc kỹ kiệt tác của thiên tài, người đàn bà viết chữ đời sau càng thấy hiển hiện với mình một nhu cầu mới. Cái nhu cầu hội họa. Cái nhu cầu chuyển hiện một ngôn ngữ này thành một ngôn ngữ khác. Và thế là một giá vẽ đã được dựng thêm, cạnh một bàn viết. Ngòi đầu cầu nước trong như lọc. Cho nước cầu lên vải. Múa gươm rượu tiễn chưa tàn. Cho gươm cho rượu lên khung. Và thế là bằng hữu khắp nơi đã thấy gửi đến cho mình, từ mùa thu 82, và từ Placerville, những bản in cực kỳ công phu của Chinh Phụ Ngâm minh họa.
Đọc sách. Viết. Trông coi việc nhà và con cái. Vẽ nữa. Đã xong Chinh Phụ Ngâm. Minh họa tiếp đến lịch sử kháng chiến Việt Nam. Đến bà Trưng bà Triệu. Đó là Trùng Dương hiện giờ ở Placerville. Với một giá vẽ dựng cạnh một cửa sổ nắng, một bàn viết dưới một ánh đèn xanh. Của một cô nhỏ đang chạy trên cánh đồng cỏ. Đến những chân trời mới.

Được mời định nghĩa thế nào là nghệ thuật, thiên tài vĩ cầm số một thế giới Yehudi Menuhin trả lời: “Đó là con đường anh đang đi, những bước chân anh không ngừng đi mãi trên con đường ấy và cái đích cuối cùng anh muốn đạt tới”. Cô nhỏ giữa cánh đồng đang nỗ lực làm thành sự thật cho phần đời còn lại của mình theo định nghĩa con đường và bước chân ấy của Menuhin. Trong định nghĩa ấy, Trùng Dương cách khuất vẫn là một Trùng Dương có mặt, Trùng Dương ở ngoài giòng sinh hoạt vẫn là Trùng Dương rực rỡ giữa dòng. Buổi tối, một màn trường kịch viết lại. Buổi sáng, bức hình Bà Triệu vừa xong. Buổi trưa, một cuốn sách đọc tiếp. Buổi chiều, một truyện ngắn cho một diễn đàn bạn. Giữa nội trợ, giữa củi lửa. Giữa chồng con, giữa việc nhà. Trong ngăn nắp, trong cách khuất, từ tám năm ở Mỹ, tới mùa xuân này, một đời sống vẫn có. Mọi mặt, thật đầy. Và mỗi ngày, người phát thư Mỹ từ dưới chân đồi đi lên, mang đến cho 1131 Large Oak Dr., Placerville một lá thư xa, vẫn là đang từ từ đi lên một địa chỉ đích thực của văn học Việt Nam ngoài nước.


Mai Thảo
(Chân Dung Mười Lăm Nhà Văn Nhà Thơ Việt Nam, Văn Khoa xuất bản 1985)







Nguyễn Ngọc NY giới thiệu
Tác phẩm làm nên tên tuổi Trùng Dương lúc cô mới 22 tuổi:

Mưa Không Ướt Đất
Trùng Dương

- Năm 1956 tôi vượt tuyến vào đây với hai bàn tay trắng. Nói là vượt tuyến thì không đúng. Thực ra tôi vào đây với sự thỏa thuận của ông Hồ, sau khi chịu thế chân bằng những sản nghiệp tôi có dạo ấy. Nếu tôi không trở về thì coi như mất cả sản nghiệp đó. Cố nhiên là tôi chẳng dại gì trở về. Tôi ở lại đây, vay tiền buôn bán làm ăn và tạo nên cơ nghiệp như ngày nay. Năm nay tôi ba-sáu tuổi đầu rồi mà vẫn chưa lập gia đình. Tôi không được may mắn như các anh các chị được học hành. Điều mà tôi ân hận là đã không làm sao mang được mẹ tôi vào để cùng hưởng với tôi...
Tiếng người đàn ông chủ nhà tan loãng vào trong bầu không khí cổ tích của buổi chiều nơi cư xá. Xa xa có tiếng trẻ con hát líu lo trong một cuộc rước đèn. Mặt trời đã lặn nhưng bóng tối chưa kịp buông xuống.
Thư dựa đầu vào thành ghế, lơ đãng nghe. Những âm thanh vội vã hấp tấp của người đàn ông có giọng nói đặc biệt của những người Bắc sinh sống trong các trại định cư, thỉnh thoảng có đá vào một đôi tiếng Nam với một pha trộn ngây ngô vụng về – những âm thanh ấy rơi xuống khô khan, không đủ khơi dậy một hào hứng nào. Thư xoãi chân trong một dáng ngồi thoải mái, đôi mắt khép hờ nhìn về phía Phấn, góp chuyện một cách uể oải:
- Chưa lập gia đình, chắc tại anh còn kén đấy chứ phải không ạ?
Người đàn ông đối diện với Thư, hơi có vẻ lúng túng. Duẩn quay nhìn Thư bắt gặp cái cười mỉm trên khuôn mặt trắng im lìm trong bóng chiều chạng vạng. Tự nhiên anh có cảm tưởng đó là khuôn mặt của một pho tượng. Cái ý nghĩ đó Duẩn có từ dạo quen biết Thư khi hai người còn học ở Dự Bị Văn khoa. Thuở ấy còn có cả Cương. Dạo ấy thật vui. Mỗi người đều như có điều gì muốn nói nhưng họ muốn nói lảng sang những chuyện khác để vui nhộn và quên đi những xao động mà chính họ không biết phải đặt tên cho chúng là gì. Duẩn, như tất cả những người đàn ông mập mạp khác, ưa giễu cợt, mặt luôn đỏ gay (có nhẽ vì cười nhiều?) và không có ác ý. Anh quen với Thư qua lời giới thiệu của Cương. Về sau anh được biết hai người yêu nhau. Nhưng anh không hiểu được vì sao họ có thể yêu nhau, vì theo Duẩn nhận xét, họ như hai thái cực. Cương yếu ớt, hơi giống con gái, mặc dù nhiều lúc anh tỏ ra là một người trầm tĩnh – thực ra, Cương thiếu tính chất nóng nảy của một người đàn ông thật sự và vì người anh quá mảnh khảnh. Thư, ngược lại tính nết cứng cỏi hơi lạnh nhạt, mặc dù vẻ dịu dàng của những đường nét trên khuôn mặt và thân hình. Rồi Cương du học, Duẩn mất tin Thư. Bây giờ gặp lại, bắt chợt cái vẻ im lìm cố hữu trên nét mặt người con gái, Duẩn tưởng mọi sự chả thay đổi bao nhiêu. Có nhẽ trông Thư trầm hơn, ở vẻ đẹp và lối nói chuyện. Ba năm rồi còn gì.
- Tôi đã gặp nhiều cô, nhưng họ làm tôi thất vọng. Tôi mong lấy được một người vợ – làm cô giáo, làm cô giáo thì hẳn là biết dạy con hơn...
Duẩn cười trong cổ, vẻ ngơ ngẩn:
- Thật hả anh?
Phấn, người chủ nhà, cười hờ hờ. Thư tự hỏi không biết Phấn có biết là Duẩn đùa anh ta không. Thư có ý nghĩ mỗi lần gặp lại Duẩn, nàng thấy anh béo hơn và giễu hơn - phải chăng những người béo thường hay giễu? Thư không tin như vậy. Ông cụ nàng béo, nhưng ông chẳng giễu bao giờ. Lúc nào cũng lầm lì. Có nhẽ ông không giễu được vì tuổi già và cái chết đang chờ ông. Những lúc về sau này ông đánh bạc nhiều hơn và thua đậm hơn, lầm lì và buồn bã hơn. Thư sống trong gia đình với cái bóng của ông đè nặng trong tâm hồn. Nói như vậy không có nghĩa là Duẩn hay giễu vì Duẩn trẻ và cái chết còn ở xa tầm tay anh.
Vài đứa trẻ cầm lồng đèn đi qua, gọi nhau ríu rít, mắt nhìn bọn người ngồi bên trong hàng rào, vẻ tò mò. Thư nhìn quanh lơ đãng:
- Có nhẽ nên có vài cái đèn xếp treo lủng lẳng cho nó có vẻ...
Phấn bảo:
- Tôi quên mất vụ đó. Nhà có trẻ con thì tự nhiên mình nghĩ đến điều đó…
Giọng anh ta có vẻ bùi ngùi. Thư kiếm một cái cớ để đi ra ngoài. Nàng thấy thèm đi tung tăng - vẫn thèm đi tung tăng.
– Duẩn đi ra chợ Thủ Đức với tôi đi. Hình như nhà cũng không có đèn cầy phải không anh? Chả lẽ lại ăn và nhảy dưới ánh đèn tube trong bóng tối mò?
Duẩn:
- Định chơi “lumière” hay sao?
Tuy vậy anh cũng đứng dậy, bảo Khánh đưa chìa khóa xe và theo Thư ra ngoài. Một đôi người trong bọn ngồi hoặc đứng rải rác trên nền đất lẫn lộn gạch vụn và cát, hỏi Duẩn đi đâu đấy.
- Ra chợ mua đèn, Duẩn đáp.
Lúc hai người ra khỏi cư xá trời đã bắt đầu tối. Thư ngồi sát vào người Duẩn, Duẩn nhấn ga cho xe vọt đi. Con đường dẫn vào Thủ Đức cong cong. Những cây thánh giá trắng nhờ nhờ trong một nghĩa địa bên đường. Những ánh đèn dầu le lói trong một vài mái tranh. Tòa nhà cao của một trường Đạo đối diện với những bức tường dài của trại lính bên kia đường. Chợ Thủ Đức tưng bừng dưới những ngọn đèn sáng. Những buổi chiều tan học kéo nhau lên đây cả bọn bốn năm đứa duy có mình Thư là con gái. Tại sao thích tham dự vào những buổi họp mặt của bọn con trai hơn là gần gũi với các bạn gái mà Thư thường cảm thấy quá e dè ngại ngùng? Duẩn nhớ rằng mình vẫn chỉ coi Thư là một người bạn trai, dù Thư là người yêu của Cương. Cương vừa thích có Thư tham dự vào những cuộc họp mặt này vừa không. Ở người con trai ấy có nhiều điều u ẩn và hơi lãnh đạm. Từ ngày anh đi ngoại quốc, trong những lá thư gửi về, Thư chợt “nhận ra” Cương. Người ta yêu người khác không vì những tương đồng mà vì những điều có thể rất trái ngược. Thư sống như một con mèo hoang thì Cương khép mình trong khuôn khổ mực thước, hoàn toàn lệ thuộc gia đình. Cố nhiên chẳng phải vì người này hay người kia muốn thế, hay có muốn thì cũng chỉ một phần. Đứng trước Cương, Thư cảm thấy quá cô đơn nhưng không thể không yêu. Cương thương và yêu người con gái với một lý do gần giống thế.
- Thư nghĩ gì vậy?
Thư cười một tiếng ngắn:
- Ngày xưa dạo bọn mình thường kéo nhau lên đây ăn và bây giờ tôi thấy đói. Có nhẽ mình nên ăn một cái gì đi.
Duẩn tán thành. Hai người vào một quán ăn trong chợ.
- Duẩn còn nhớ anh chàng Vinh không nhỉ?
- Nhớ, nhớ quá ấy chứ. Thỉnh thoảng tôi vẫn gặp hắn ở phố.
- Còn sống với “ma đàm” kia không không biết?
- Hình như còn. Không thấy nói đến. Hắn vào biệt kích rồi.
- Tôi không thấy ghét anh ta một mảy may. Tôi phục tài hoạt bát của anh ta. Làm sao mà anh ta đóng kịch giỏi thế?
– Thư còn nhớ một hôm ngồi ở trên xe đi chơi suối Lồ ồ, anh ta giảng cho Thư nghe về danh từ “biên tế” không?
– Nhớ. Tôi chỉ thấy mơ hồ hơn sau khi nghe anh ta giảng - mơ hồ như... biên tế vậy! Nhưng tôi lại nghĩ những người học cao thường có một lối định nghĩa tối tăm nên tôi vẫn tin được. Đâu ngờ anh ta chỉ là một thứ mật vụ quá tài tình! Chính vì cái tài tình đó tôi lại thấy quí anh ta mới lạ chứ! Tôi còn nhớ một hôm anh ta cho tôi xem lá thư tình của một cô mà anh ta bảo là fiancée, cùng học lớp với bọn mình. Anh ta bảo cho tôi cô gái ấy. Tôi cũng có dịp đứng ở xa nhìn thấy anh đi cặp kè và nói chuyện với cô nàng. Cô ta là một cô gái e lệ, tóc thề buông xõa vai, lúc nào cũng ngậm góc khăn tay, ở xa nhìn vào, làm gì mà không tin là nàng đang e thẹn trước vị hôn phu. Nghĩ cũng buồn cười. Tôi thấy thương bọn mình dạo ấy lạ, thương cái quá khứ hồn nhiên đến thơ ngây, thuở đó. Sau vụ phát giác đó, tôi thấy như có một mối nghi kỵ rơi xuống giữa bọn mình... Không biết Duẩn ra sao, tôi thấy Cương có vẻ buồn thành thật. Anh ta vốn sẵn tính đăm chiêu...
Những kỷ niệm kéo về chập chùng chập chùng và ô hợp. Giọng Duẩn trầm hẳn xuống:
- Cũng may hắn chưa khai thác gì được ở bọn mình. Mà nói cho ngay mình có hoạt động gì đâu mà khai thác? Toàn một bọn chỉ đấu láo phất phơ...
Ừ tại sao mình chưa hề một lần tham dự? Mình sống như một kẻ đi dạo vậy, một kẻ đi dạo không mấy chút hăng hái hay thảnh thơi. Làm như thể sinh ra thì phải sống, sống cho hết cuộc sống, để chết, và sống trở thành một bổn phận. Một bổn phận? Phải chăng tôi khất lần việc lấy Thục cũng chỉ vì sợ không dám chuốc thêm một thứ bổn phận nào khác? Tại sao không đủ can đảm hủy bỏ lễ đính hôn để cho Thục đi lấy chồng? Tôi không yêu nàng, không hề yêu nàng. Tôi không hủy bỏ lễ đính hôn vì có lẽ tôi chẳng đủ can đảm để cố gắng làm một việc như vậy. Tôi có hèn nhát lắm không? Tôi có bi quan không? Bạn bè thấy tôi cười nhiều – mặt tôi lúc nào cũng đỏ gay, hiện tượng của một người nhiều sinh lực? Buồn cười thật thôi! – chúng nó tưởng tôi không lo âu. Thực ra, tôi ngao ngán quá đấy thôi, ngao ngán hơn cả là mỗi bữa cơm tối về nhà, thấy mâm cơm úp lồng bàn phần tôi trên bàn và mẹ tôi đi với một-trăm-lẻ-hai-quân, thằng em mười-bốn tuổi bỏ đi lang thang. Chẳng có gì giữ tôi ở trong gia đình cả. Tôi cũng thiếu một cái điều mà tôi cho là đẹp và đáng theo đuổi ở ngoài đời. Tôi đi dạy như một cái máy, mê học trò con gái (một cách thầm kín cố nhiên vì bắt buộc thế) như một cái máy và không thấy điều đó là quan hệ, lê la các tiệm cà phê quen tán dóc với tụi bạn như một cái máy, và đây chính là điều tôi cần.
Duẩn nốc cạn ly ba-ba, nhìn người con gái đối diện, đôi mắt cận thị không đeo kính. - (Duẩn kỵ đeo kính cận) - hồn buồn bã...
*
Duẩn bước ra hiên, mở banh khuy áo ngực và thở ra: Một ly “sec” làm anh chuếnh choáng. Thư ngồi bó chân trên bậc thềm, ngẩng lên, thấy anh, mỉm cười. Không biết có phải rượu làm Duẩn thấy Thư đẹp lạ thường hay vì khuôn mặt trắng của Thư hiện trong bóng mờ mờ trông đẹp như một pho tượng. Duẩn có cái cảm giác như một người sống ở ngoài thời gian. Mọi sự vật như ngưng đọng lại, ngưng đọng lại trên khuôn mặt im lìm của Thư. Anh hỏi mà như không nghe tiếng mình hỏi:
- Ngồi ở đây à?
- Trong ấy ngột ngạt quá.
– Có lẽ vì thế mà vừa nhảy với tôi cô Thủy vừa quạt... Cũng có lẽ cô ấy quạt hơi rượu.
Thư cười nhẹ, ngồi nhích sang một bên khi thấy Duẩn ngất ngưởng bước xuống khỏi thềm nhà. Tự nhiên Duẩn có cái ý thích ngồi dưới chân Thư. Điều đó gây cho anh một cảm giác vỗ về. Điều đó làm cho Thư cảm thấy dịu vợi.
- Còn nói được như vậy à?
Duẩn ngơ ngẩn một lúc, rồi bật cười:
– Thư tưởng tôi say à?
Thực sự là Duẩn chuếnh choáng. Mấy lần trong khi ôm Thủy, anh dẫm phải chân nàng. Duẩn tưởng tượng lại lúc ôm Thủy trong vòng tay. Ở Thủy có một vẻ mộc mạc của một cô gái miền Nam. Nàng không tỏ vẻ bực bội mỗi lần Duẩn dẫm phải chân, cũng như Duẩn coi việc nàng phe phẩy chiếc quạt trên tay là một điều thú vị. Ý nghĩ đó làm cho Duẩn bật cười một mình.
Bên ngoài, tiếng hát của bọn trẻ rước đèn quanh cư xá đã ngưng từ hồi nào. Trăng đã lên cao. Ánh sáng như có màu xanh. Trước giậu, vài ba cái đèn xếp bị cháy xém còn treo lủng lẳng.
- Trông Thư có vẻ buồn?
Duẩn rút điếu thuốc xòe lửa châm hút. Anh đưa bao thuốc mời Thư. Nàng mỉm cười lắc đầu :
- Tôi bỏ thuốc từ gần mấy tháng nay vì tự nhiên sợ mùi khói thuốc.
- Tôi hút có phiền không?
- Không, không ...
Thư nói như cố không nói ra một điều mà trong thâm tâm nàng muốn nói, muốn khoe, với tất cả sự hân hoan. Duẩn cất bao thuốc vào túi áo, thở ra từng vòng tròn khói nhìn theo chúng uốn éo dưới ánh trăng thành từng sợi mỏng dài và tan loãng. Một sự im lặng bao quanh hai người. Tiếng một bản nhạc có tên “Adieu Tristesse” từ trong phòng vẳng ra hòa lẫn tiếng giày đi trên sàn nhà của những người đang khiêu vũ. Máy hát cũ quá. Tiếng kèn nghe rè rè.
- Bao giờ thì mình có thể “Adieu tristesse” được?
Thư lên tiếng. Duẩn quay lại, anh có giọng nói hơi cao, như có một cái gì vừa gay gắt vừa giễu cợt ở trong đó:
- Hết buồn thì còn vui thế quái nào được!
- Nói là nói vậy thôi... Nỗi buồn thực ra tô điểm cho cuộc sống...
- Tối nay Thư vui chứ?
- Vui. Và thanh thản nữa ... Mặc dù bữa tiệc có phần nào luộm thuộm. Tôi tưởng Duẩn quen với anh Phấn.
- Quen gì. Tôi mới biết ông ta sáng nay.
- Nhân vật ấy cũng hay hay.
- Bây giờ ông ta chỉ thiếu có một cái, là một cô vợ có học thức một chút để cho ông ta có cái cảm giác là mình cũng có dính dáng tí chút trí thức.
Thư cười một tiếng ngắn:
- Kể ra việc đó đâu khó gì, đối với một người có của như ông ta. Nghĩ cũng buồn cười. Không biết ông ta nghĩ sao... Theo tôi, báu gì cái trí thức, nhất lại là một người đàn bà trí thức.
Duẩn quay nhìn Thư:
- Sao có vẻ chửi bới ghê thế?
- Nhiều khi tôi có ý nghĩ giá đừng học, đừng đọc nhiều, mình lại sống dễ hơn. Suy nghĩ lắm đầu óc đâm trì trệ. Lỡ rồi, đành chịu. Tôi có con, sẽ để nó sống hồn nhiên, như cây cỏ... Nói vậy, cũng khó làm như mình muốn. Có thể, rồi thế hệ con mình sẽ khác, không như bọn mình. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng thế hệ bọn mình sinh ra để chịu một cuộc thí nghiệm...
- Thư nói như thể là Thư sắp có con rồi ấy!
Thư bỗng im, xúc động. Một lát nàng cười nhẹ.
– Tôi sắp có con thật, chẳng phải “như thể” đâu.
Duẩn không tin. Thư cảm thấy không thể không bộc lộ niềm vui lẫn lo âu của mình với Duẩn.
- Không tin tôi nói thật à? Hai tháng rồi...
Thư nói giọng run, nhưng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh. Duẩn nhìn Thư, vẻ ngạc nhiên pha lẫn nét vui mừng trên khuôn mặt. Anh đặt tay lên bụng Thư giản dị, tự nhiên như Thư là người yêu của anh, và dường như đó là điều anh mong đợi.
– Thế.. sao trông Thư... tỉnh thế?
Hỏi xong, Duẩn mới thấy mình có vẻ ngây ngô. Giọng Thư ráo hoảnh thật nhỏ:
- Không tỉnh, thì say à?
Duẩn rút tay về, nói như nói một mình:
- Vui nhỉ?
Trong phút giây, Duẩn có cái ao ước được úp mặt vào lòng Thư và được Thư lùa những ngón tay vào trong tóc anh, cái cử chỉ những người yêu nhau thường làm. Nhiều lúc Duẩn cảm thấy quá thiếu thốn, Duẩn cần một thứ tình yêu pha lẫn tình bạn trong đó. Điều đó nghe thật giản dị. Nhưng sao trong thực tế thật hiếm.
Duẩn nghĩ đến Thục. Mặc dù đã đính hôn với nhau, Duẩn vẫn nghĩ đây là một việc làm trái với ý muốn của anh. Tại sao Thư không là Thục nhỉ? Và tại sao Duẩn không là người đàn ông đã cho Thư đứa con nhỉ? Duẩn lần thần tự hỏi. Tiếng Thư nghe xa vắng:
- Tôi giữ đứa nhỏ lại, dù tôi biết mình sẽ phải trả một giá rất đắt. Tôi nghĩ biết đâu sự có mặt của nó sẽ thay đổi cuộc sống và những suy nghĩ của mình phần nào chăng? Có thể nó sẽ là sợi giây ràng buộc tôi vào với cuộc sống mà nhiều lúc tôi thấy quá chán ngán?...
Thư cảm thấy bị lôi cuốn bởi chính những điều nàng vừa nói ra. Mình có đang ngụy biện? Nàng thầm hỏi. Thực sự Thư không biết những gì đang chờ đón nàng cuối cùng chặng đường này. Mặc, nàng cứ dấn bước.
Duẩn cảm thấy bất cứ câu hỏi nào đặt ra bây giờ cũng là thừa. Anh hút hơi thuốc cuối cùng, khum hai ngón tay cái và ngón giữa, búng điếu thuốc văng ra xa sang bên kia hàng rào, điếu thuốc đụng phải bức tường của ngôi nhà trước mặt, những tia lửa tóe vỡ như một quả pháo bông tí hon, và rơi xuống trong đám cỏ dưới chân tường. Anh đứng dậy:
- Thư vào nhảy với tôi bản này đi.
- Không. Tôi muốn ngồi nghỉ. Tôi muốn yên tĩnh, Duẩn vào nhảy đi.
Duẩn tần ngần một lát, rồi quyết định đi vào nhà:
- Tôi đi kiếm rượu uống... Thư uống một li nhé!
Tiếng Duẩn ngập đi trong tiếng nhạc dồn dập ồn ào...
*
Chiếc xe rời đường Võ Di Nguy rẽ qua đường Chi Lăng. Trời về khuya, đường phố xe cộ thưa thớt. Thư tưởng tượng cách đây vài tiếng, từng bầy trẻ náo nức cầm lồng đèn đi tung tăng trên các đường phố, và trên những sân thượng, từng mâm cỗ trông trăng được bày ra với bưởi, cam, hồng, bánh nướng bánh dẻo, và những con giống xinh xắn đủ màu. Xa rồi những ngày rằm cùng anh chị em náo nức mua sắm. Thư nhớ lại mùa Trung Thu dạo nào, mấy bố con xúm lại làm một cái đèn kéo quân. Thư có bổn phận vẽ và cắt những hình người – những hình người vẽ lại những mẩu chuyện cóp nhặt trong thần thoại cổ tích. Ông Lư và Thức vót tre làm đèn và dán giấy. Đèn đốt lên, ba vòng tròn đầy những hình người quay tròn quay tròn. Bố con cùng ngắm tác phẩm hoàn thành và đang sinh hoạt. Cô bé Lọ Lem đuổi theo nàng Bạch Tuyết và những chú Lùn nối đuôi cô bé quàng khăn đỏ, xen vào đó, là những nàng công chúa Thủy cung nửa người nửa cá, những Hoàng tử cưỡi ngựa uy nghi... Cả một thế giới thần thoại được dựng lên, đúc kết, sống động. Bây giờ là những buổi tối trống rỗng cần sưởi ấm bởi một ngọn lửa từ bên ngoài, từ những người bạn, từ một vòng tay của người khác phái. Nhưng những tìm kiếm đó chỉ khơi thêm lỗ hổng cô đơn. Vẫn mặc. Như bị lôi cuốn bởi cơn thác lũ, Thư vẫn tiếp tục lao đầu vào, với một đam mê cuồng nhiệt không tên. Bất giác Thư đặt tay lên bụng. Giọt máu này cũng giống như cơn đam mê kia. Nó chưa có hình dạng, chưa có giống, chưa có tên gọi và chưa được nhìn nhận bởi một ai ngoài người mang nó. Và Thư nhìn nhận nó với một nỗi ngây ngất kỳ diệu. Phải chăng đó chính là cái bản năng đầy nữ tính? Cử chỉ của Thư làm Duẩn thôi nhìn về phía trước quay nhìn theo bàn tay của Thư rồi nhìn Thư, mỉm cười. Thư tìm đọc trong nụ cười đó một ý nghĩa. Nàng chỉ thấy trong đó một sự bao dung có pha lẫn vẻ lạ lùng.
- Nó... đạp chưa?
Duẩn hỏi nhỏ vừa đủ cho Thư nghe. Thư lắc đầu, cười nhẹ:
– Làm gì mà mau thế?
Phấn im lặng lái xe không nghe những lời đối thoại giữa hai người. Với hắn, buổi họp mặt vừa rồi coi như lui vào dĩ vãng. Hắn không đạt được điều mà hắn mong muốn, là tìm được một cô vừa ý hắn. Có nhẽ hắn thích Thư. Khuôn mặt có vẻ trong sáng. Cái nhìn khôn ngoan lanh lợi. Lối nói chuyện chứng tỏ người có học. Tính nết thâm trầm. Nhưng từ lúc Thư nhận lời đi với Duẩn, hắn tự ý loại nốt Thư khỏi đầu óc.
Thư cảm thấy bàn tay Duẩn vỗ vỗ nhẹ lên vai nàng. Và chiếc xe rẽ vào một ngõ hẻm đường Chi-Lăng. Đường hẻm vẽ một hình cong, vắng ngắt, không một ánh đèn. Lờ mờ một vài bóng cây màu đen sậm. Chiếc xe quẹo thêm một lần nữa về tay trái và nằm lọt giữa hai dãy nhà có những bức tường cao, vôi loang lổ, ít những khung cửa sổ. Hẻm có vẻ một nơi gồm những xưởng - xưởng gì Thư không rõ – nhưng Thư có cảm tưởng như vậy. Vành trăng hiện ra trên bờ một bức tường cao đổ xuống lòng hẻm một ánh vàng nhạt mờ mờ. Thư có cảm giác đang đi vào một thế giới xa lạ không tên gọi. Điều đó gây cho Thư một thích thú như người tham dự vào một cuộc phiêu lưu. Thư có thể hỏi Phấn và sẽ được giải thích. Nhưng nàng im lặng để giữ cho mình cái cảnh giác lúc ban đầu. Thư cũng có thể bảo với Phấn và Duẩn nàng muốn về nhà và nàng sẽ trở về nhà, sẽ dùng chìa khóa riêng mở cửa, sẽ bỏ giầy leo lên căn gác nhỏ bé thiếu khí trời, sẽ thay quần áo trong im lặng, sẽ nằm sấp trên chiếc giường sắt một người của nàng và sẽ tiếp tục nghe ngóng cái sự sống nhỏ bé đang nảy mầm trong thân thể nàng với một niềm lo-âu-pha-lẫn-thích-thú-riêng-tư-không-chia-sẻ, không-thể-chia-sẻ. Nhưng một sức lôi kéo làm Thư vẫn tiếp tục im lặng. Bất giác Thư tự hỏi mà mình mong đợi gì ở họ, ở Duẩn chứ? Thư biết rằng nếu nàng cứ tiếp tục im lặng, như thế có nghĩa là ngày mai trở về nhà, nàng phải chịu đựng cái nhìn trách móc và dò hỏi của bà Lư. Tại sao từ bao giờ đến giờ hai mẹ con vẫn vô cùng cách biệt? và dường như bà Lư cũng chẳng tỏ vẻ buồn bã, hay ít ra, ý thức về sự cách biệt này. Bà chỉ có một mối bận tâm: đi nhà thờ và cầu nguyện, cầu nguyện như một cái máy cho bà và cho phần hồn của cả gia đình đang dần dần phân tán, mỗi người một ngả. Từ đó Thư có ý tưởng cầu nguyện là một chứng tỏ của sự bất lực. Và Thư khước từ sự bất lực đó. Thư muốn được tin tưởng ở tương lai, tương lai của cuộc sống này, chẳng phải cuộc sống ở bên kia cõi sống phân cách bằng sự chết.
Phấn cho xe dừng lại trước một khung cửa sắt. Ánh đèn từ bên trong hắt ra đổ dài trên mặt hẻm thành một vệt sáng mờ. Một con chó bẹc-dê từ bên trong nhảy xô ra sủa vang. Âm thanh chát chúa như chợt đánh thức Thư dậy cùng với tiếng máy xe vừa tắt ngấm. Không gian tĩnh mịch của con hẻm bị xé toang, kéo theo vài tiếng sủa khác lập lại từ xa. Phấn mở cửa xe xuống, quát khẽ:
– Ky Ky! Im nào! Đi vào trong nhà!
Con chó nghe tiếng chủ, im bặt, nhưng vẫn còn gầm gừ trước hai người khách lạ lúc ấy cũng vừa bước xuống xe. Tiếng giày đi, lết trên sàn xi măng. Phấn loay hoay mở cửa sắt. Tiếng chìa khóa xoay trong ổ khóa và đoạn xích sắt đập vào cửa vang lên những tiếng động khô khan. Con chó quýnh quít đập đuôi phía bên trong. Nhưng cửa vừa mở nó thoát ngay ra ngoài. Phấn quát gọi:
- Ky Ky! Đi đâu? Vào nhà mau!
Con chó không nghe, làm một vòng quanh chiếc xe đậu trước cửa rồi cuối cùng theo ba người vào nhà, lúc quấn bên chân chủ, lúc theo đánh hơi hai người khách. Thư bước chậm chạp, nhìn những khung gỗ la liệt trong ánh đèn vàng kệch hắt tại từ một ngọn đèn tù mù treo lủng lẳng cuối xưởng. Nàng đoán chừng đây là một xưởng dệt. Đồ đạc lộn xộn chật chội. Phấn bước vội vào phía trong bật thêm một ngọn đèn nữa rồi trở ra loay hoay tra chìa khóa vào ổ khóa một cái cửa ăn thông sang căn bên mặt. Thư đứng lại trong bóng tối. Bây giờ nàng mới cảm thấy mỏi rã rời, chỉ muốn được ngả lưng xuống một cái giường nệm nào đó. Nàng ngó Duẩn lúc ấy đang nhìn quanh dáo dác, vẻ chán chường. Tuy nhiên Duẩn đã có vẻ tỉnh táo hơn lúc ngồi ở tiệm cà phê. Anh thọc tay vào túi tìm diêm quẹt lửa châm điếu thuốc. Bàn tay run run. Ánh sáng rung động hắt lên khuôn mặt nhiều thịt, lúc nào cũng đỏ gay của anh và mái tóc bơ phờ. Các bạn thường gọi đùa Duẩn là “Tây Say”. Duẩn nhận biệt hiệu đó không phản kháng, không buồn phiền một cách dễ dãi như anh đã dễ dãi chấp nhận nhiều sự việc khác, như việc đính hôn với Thục, chẳng hạn. Tất cả chỉ là một lô những sự tình cờ đến nỗi đôi khi làm Duẩn ngơ ngác mỗi lần nghĩ lại. Duẩn còn nhớ những lý lẽ người ta đưa ra để buộc anh phải làm lễ đính hôn với Thục. Giá Duẩn đừng ra thăm Thục khi nhận được điện tín của nàng báo tin mẹ nàng chết... Thật ra mùa hè đó Duẩn cũng muốn có một lý do để rời Saigon. Những người như Duẩn có thể làm bất cứ việc gì, đi bất cứ nơi nào không cần có lý do. Nhưng đôi lúc để thi-vị hóa cho một chuyến đi, Duẩn mong có một cái cớ. Và không có cái cớ nào lại thi vị cho bằng ra thăm người yêu và chia sẻ với người yêu nỗi buồn mất mẹ. Sự hiện diện của Duẩn trong đám tang đó ngày hôm sau được truyền đi khắp cái thành phố nhỏ bé nơi ông cụ thân sinh ra Thục giữ một chức vụ quan trọng, để rồi tiếp đó là một cuộc lễ đính hôn giữa Duẩn và người con gái hơn anh đến ba tuổi. Vì thể diện của gia đình Thục và cá nhân Thục, Duẩn về Saigon với chiếc nhẫn đính hôn trên ngón tay mà bà cụ Duẩn đã nghiêm trang đeo vào tay anh, chiếc nhẫn cưới của bà. Bà mẹ anh lại quí Thục vì tính nết hiền lành, ngoan ngoãn. Duẩn chỉ ý thức một điều là anh không hề yêu Thục và ngược lại anh không thể làm trái ngược với ý muốn của mẹ anh. Anh thường ngơ ngẩn mỗi khi nhắc lại cuộc đính hôn bất đắc dĩ này. Duẩn chỉ còn một cách là kéo dài thời kỳ đính hôn để có thể tự do sống với mấy người bạn trai mà anh thương hơn bất cứ ai, ngoài mẹ anh, ở trên đời, kể cả những người con gái mà anh đón nhận bằng một đam mê cuồng nhiệt nhưng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi vài ba tháng để rồi lại nguội lạnh. Mặc dù Duẩn ý thức mình sống không đam mê một hình bóng, nhưng đồng thời không thể sống mãi với một đam mê, Duẩn nghĩ mình là một người tình nhân không chung thủy song không thể không yêu đương. Cái gì đã thúc đẩy Duẩn muốn đổi mới mãi? Có lẽ vì mỗi ngày anh mỗi phải tiếp xúc với bầy học trò con gái lúc nào cũng nao nức trong lứa tuổi dậy thì, những người con gái mang đầy sức sống, những người con gái chứa đựng trong họ sự tươi mát mà cuộc sống nhàm chán và tù túng đang tước đi dần ở người con trai hai nhăm là anh, là những người bạn đồng nghiệp còn trẻ của anh. Chỉ ở họ, ở những người con gái mới lớn, nhiều mơ mộng ấy còn mang cái nguyên vẹn, không âu lo về thời cuộc về trận chiến đang cướp đi dần của anh những người bạn, những người bạn hôm nay còn cười nói trong một kỳ nghỉ phép, ngày mai ngày mốt đã nghe tin chết hay bị cụt tay, cụt chân trong một trận đánh nào đó trong trăm ngàn những trận đánh đang diễn ra mỗi ngày. Tuy nhiên Duẩn cũng tự hào là anh chưa để khổ cho một người con gái nào. Bởi tình yêu của anh dành cho họ đến mau rồi cũng rụng mau, trước khi nó đưa đến những liên hệ sâu xa. Điều mà anh quan tâm, mà anh tha thiết, vẫn là những người bạn trai, cái đám bạn trai còn sót lại, đi học, đi dậy, tụ họp, đấu hót, giễu cợt - nhất là giễu cợt và càng giễu cợt mỗi khi cuộc sống dồn họ vào ngõ bí, khép họ vào những mặc cảm nặng nề, không lối thoát, hoặc có, thì cũng là một ngõ thoát để rồi lại rơi vào một bế tắc khác. Thỉnh thoảng, một đôi người trong bọn anh, như Cương, may mắn, có một lối thoát không phải là lên đường nhập ngũ, mà là du học. Và trong những lá thư họ gửi về, Duẩn đọc thấy một chán nản khác mọc rễ, một thứ mặc cảm khác nẩy sinh. Trong bọn, có người, như Quảng, đi xây dựng lại một mớ giá trị đã bị vuột mất, đã bị giễu-cợt-hóa bằng cách đi xa, nhận việc huấn luyện những lớp người từ các nông thôn về theo học các lớp đào tạo một căn bản chính trị, tại Vũng Tàu. Quảng đã thành công một phần nào trong việc đi tìm lại những giá trị cần thiết đó. Nhưng phải nhận là Quảng trước đó, vẫn còn ít nhiều quan niệm đứng đắn trong đầu, nhờ giáo dục của ông bố. Duẩn bỗng nhớ đến cái nhìn tha thiết của Quảng lúc anh quyết định lên xe với Thư về đây và nhờ Quảng sáng mai đến trường xin phép hộ. Duẩn, mày về tao ngủ đi sáng mai mọi sự sẽ bình thường lại, hoặc mày sẽ đi dạy, hoặc mày sẽ nghỉ và ở chơi với tao. Duẩn nói như gắt, sáng mai nếu tao chưa về kịp mày cứ đến trường bảo là tao ốm tao chán lắm mai phải nhìn mặt tụi học trò, vì thực sự tao cũng đang chán tao chán nữa đây này. Khi Duẩn nói điều đó Duẩn nghĩ là đêm nay sẽ được nằm trong vòng tay Thư, có thể chỉ nằm trong vòng tay Thư hoặc anh sẽ ôm Thư vào vòng tay vuốt tóc nàng, an ủi nàng để nghe như chính mình an ủi mình. Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây. Duẩn cảm tưởng từ mấy năm nay quen biết với Thư, lần đầu tiên anh biết nàng. Lúc ấy Thư im lặng trong xe nhìn Duẩn và Quảng dằng co nhau trên hè đường sau khi cả bọn ra khỏi tiệm cà-phê. Cuối cùng, Duẩn lên xe, đóng cửa lại, bảo Phấn anh cứ lái đi. Phấn cho xe chạy đi. Tiếng Quảng gọi với theo Duẩn và mất hút ở phía sau. Có lẽ chính Quảng cũng đang cần sự có mặt của Duẩn. Qua tấm kính chiếu hậu, Duẩn thấy Quảng lầm lũi băng qua đường. Tự nhiên Duẩn thấy thương Quảng xót xa.
Phấn xô cánh cửa mở rộng. Duẩn bước theo Phấn vào phòng. Căn phòng bừa bãi những sổ sách và thư từ. Đằng cuối phòng có một khung cửa che rideau thông vào một căn buồng phía trong. Duẩn thả người xuống một chiếc ghế sa lông kiểu cũ không có nệm đặt ngay chỗ ra vào, thở ra, đôi mắt nhắm lại. Phấn bật đèn ở trong buồng trong rồi quay ra nói với Duẩn:
- Trong này có giường màn, anh với cô Thư có thể nằm nghỉ.
Duẩn ôm lấy đầu bắt đầu nặng chình chịch. Mỗi lần uống rượu vào, Duẩn thường bị nặng đầu khi cơn say bắt đầu nhạt. Biết vậy nhưng Duẩn vẫn không thể không uống.
- Anh nhức đầu à? Có thuốc đấy. Hồi nãy uống có nhiều không? Nhảm quá. Lẽ ra phải có soda. Tôi quên khuấy mất chỉ vác có chai whisky lên... Để tôi lấy thuốc cho anh uống.
Duẩn xua tay, nói và cảm thấy xa lạ với giọng mình:
– Không sao đâu. Anh cứ để bọn này tự nhiên. Làm phiền anh quá đi.
– Có gì mà phiền. Bây giờ tôi để hai người ở đây. Cần gì cứ tự tiện. Có nước lạnh ở phía sau.
Thư bước vào phòng ngồi xuống trên chỗ tì tay của chiếc ghế Duẩn đang ngồi bóp trán:
– Anh không ở lại với tụi này? Anh đi đâu bây giờ?
Giọng nàng bình thản, hơi mệt mỏi.
- Không, tôi phải trở về Thủ Đức.
- Bây giờ có thể đã tới giờ giới nghiêm, anh về tận Thủ Đức, làm sao kịp?
- Kịp mà. Mới có mười một giờ rưỡi. Cô đi ra phía sau với tôi, tôi chỉ cho một vài nơi cần thiết.
Thư rời chỗ Duẩn, đặt chiếc ví tay lên mặt bàn, bước ra sau với Phấn. Phía sau là một cái xưởng lớn hơn chiếm cả hai căn, nhưng trống hơn. Những khung cửì đặt ngổn ngang. Thư ngước nhìn mái nhà cao, xung quanh gần như không có gì che đậy từ mép tường cao hai thước là đến mái. Phấn trỏ tay về phía một khung cửa nhỏ nằm tận cuối xưởng:
– Nếu cô có cần đi ngoài, lại đó ...
Thư nói cảm ơn anh. Thấy nàng nhìn cái máy điện đặt ở giữa xưởng, Phấn giải thích:
– Ở đây chúng tôi dùng điện để chạy máy.
Thư bắt gặp cái cảm giác lạc lõng giữa khung cảnh của một xưởng dệt vào lúc ngưng hoạt động. Nàng thấy mệt mỏi. Thoạt tiên là một bữa tiệc, rồi Duẩn say rượu và yêu cầu nàng ở lại với anh. Thư nhận lời với ý nghĩ là Duẩn đơn độc và cần sự có mặt và săn sóc của nàng. Thư đã từng có những lần say rượu nhưng lần say rượu làm Thư nhớ hơn cả là hôm đi ăn với Cương và Duẩn sau khi tan học ở Văn khoa. Lâu rồi. Hôm ấy Cương đã thức cả đêm với Duẩn, để săn sóc cho nàng. Trong cơn nửa say nửa tỉnh, Cương đã hỏi nàng nhiều lần lý do khiến nàng khóc sướt mướt trong khi say. Làm sao có thể nói được? Một nỗi cô đơn thình lình úp chụp xuống mà nàng bị mất hút trong đó, và cái thế giới vô thức trong phút chốc được cởi tung như một đoàn quân ô hợp kéo vây kín mọi ngả tâm hồn. Từ đó mở đầu cho một rạn nứt trong tình yêu giữa Cương và nàng. Tôi tưởng sự có mặt của mình có thể làm gì được cho Thư nhưng bây giờ tôi thấy rõ là mình chẳng làm được gì cả tôi bất lực hơn tôi tưởng. Thư cố níu kéo, anh nhầm rồi em không thể nói chẳng phải vì cố tình muốn giữ cho mình sự riêng tư, lỗi không ở anh, đừng nói như vậy. Nhưng dù muốn dù không, họ đã xa nhau. Một hôm, Cương đến cho Thư biết anh sắp đi Pháp. Họ trải qua với nhau một ngày trong dịp Cương có việc phải đi Kiến Hòa và đến rủ Thư đi cùng cho biết. Thư vẫn thích những chuyến đi xa gọi là giang hồ vặt như vậy. Thư nhớ lúc hai người ngồi ở bờ một cái hồ ở tỉnh Kiến hòa và tưởng tượng như đó là hồ Hoàn kiếm Hànội - cái kỷ niệm cuối cùng họ có với nhau trước khi Cương lên đường sang Pháp. Chúng mình đã cùng ngu xuẩn đâm đầu đi tìm cái tuyệt đối. Nhưng lạ là tôi chẳng hề hối tiếc. Mỗi một vấp ngã của tuổi trẻ là một kinh nghiệm, một kỷ niệm đáng yêu, nó giúp cho cuộc sống thêm sâu thêm phong phú có nhẽ một đôi khi tôi thèm cái tuổi trẻ bình thản của nhiều người con gái bình thản và an phận. Nhưng tôi cũng còn kiêu hãnh về cuộc sống nhiều gai góc của tôi hơn. Phải chăng vì điều đó làm tôi thấy tôi là “một-người-nào-đó” chẳng thuộc về cái số đông?
Thư quay lại:
- Xưởng này của anh?
- Vâng.
– Ở tuổi anh mà gây dựng được một cơ nghiệp như thế này, thật là giỏi. Bọn chúng tôi bị chữ nghĩa, sách vở làm mù đi và mất hẳn vẻ hoạt bát linh động cần thiết...
Phấn nói:
- Nhưng cô và các bạn cô có tuổi trẻ, có học thức...
Phấn có vẻ thành thực mến phục bọn Thư. Thư bật cười lên một tiếng ngắn, nói và biết là chẳng bao giờ Phấn nghĩ và thông cảm với điều nàng nói:
– Tuổi trẻ và học thức như bọn tôi, mà làm gì, hả anh? Ra đời, có thể còn thua những người tháo vát như anh.
Thư bắt gặp một nỗi chua chát. Hình như chính mình cũng còn thích làm ra vẻ chua chát như vậy nữa? Thật khôi hài. Mình có đang sống thực tại hay thật ra đây chỉ là một lớp kịch? và Thư cũng ý thức là tra hỏi xem mình có thực không, chỉ làm cho mình trở nên không thực, mơ hồ hơn.
Thư hỏi mượn Phấn khăn mặt. Gã đàn ông sốt sắng một cách không ẩn ý; chạy đi lấy khăn mặt và không quên mang ra cho Thư một bánh xà bông thơm.
Thư nói:
- Cám ơn anh. Thật phiền anh quá!
Rồi nàng nói luôn, không đợi Phấn lên tiếng:
- Có nhẽ Duẩn vẫn còn say. Duẩn là bạn thân với tôi từ dạo ở Văn khoa. Tôi không muốn để Duẩn nằm một mình đêm nay...
Thư ngừng lại, bỗng thấy sự lố bịch của mình. Việc gì phải phân trần với Phấn? Đêm nay mình sẽ trải qua một đêm ở đây với Duẩn, ngày mai rời đây, không tìm hiểu không cần tìm hiểu nơi này, và gã đàn ông này rồi sẽ chẳng bao giờ mình gặp lại, hắn không có gì để mình lưu luyến bận tâm, thì việc gì phải phân trần làm chi vô ích? Thư múc nước xấp tay cho ướt rồi sát xà bông và rửa tay. Nàng tưởng tượng khi vục nước lên rửa mặt, mùi thơm của xà bông còn vương lại trên hai bàn tay sạch sẽ sẽ tỏa ra ôm lấy khuôn mặt mệt mỏi của mình, và làm dịu đi những suy nghĩ day dứt đang xâm chiếm tâm tư nàng. Thư rửa sạch nước xà bông ở tay, múc một gáo nước khác và thực hiện ý nghĩ trên. Nước lạnh thấm vào da mặt, thấm vào đầu óc, thấm vào tâm hồn! Nàng nghe người nhẹ nhõm. Nàng muốn cứ tiếp tục vục nước lên mặt như vậy hoài hoài. Thư nhớ có một dạo nàng thích tắm buổi sáng, và ra phố với những hạt nước lấm tấm trên da thịt. Từ cái ý thích đó, ở nàng nảy sinh ra cái dầm mình dưới mưa cho nước mưa ngấm vào tận tâm tư. Nhưng từ hai tháng nay, Thư mất thói quen tắm sáng. Nàng đâm sợ nước.
Tiếng giày của Phấn đi lên đi xuống thu xếp một vài vật dụng. Có tiếng hắn bảo Duẩn đi rửa mặt cho mát. Tiếng Duẩn đáp lại vâng anh mặc tôi, phiền anh quá bây giờ anh lại về Thủ Đức à. Tiếng Phấn đáp thường tôi về trên ấy ngủ đêm, nhưng nhiều khi bận công việc tôi cũng ngủ lại dưới này, anh thấy bớt chưa. Dạ cũng khá ạ. Tiếng Phấn, chắc hồi nãy ở tiệm càphê anh ói ra hết. Duẩn nói vậy cũng nhờ ói ra hết với ly nước chanh nên mới khá thế này, không hiểu sao lần này tôi uống rượu tồi thế, bậy thật. Phấn nói may mà lúc nãy không gặp gió, anh có nóng cứ bật cái quạt này nó tự động, mà cứ chạy một giờ thì nó ngừng lại, tôi gắn thêm cái đồ tự động này để đề phòng đêm mình có ngủ quên đi cũng không sợ, à tôi dặn anh và cả cô Thư đừng đụng gì đến những lọ thuốc này của tôi. Duẩn hỏi sao thế anh. Phấn nói dặn là dặn phòng hờ vậy vì có thể nguy hiểm. Duẩn cười, được mà anh yên chí…
Thư đổ gáo nước xuống hai bàn chân trong khi dùng khăn mặt lau khô nước trên da mặt, và cọ hai chân vào với nhau gượng nhẹ, cố không gây tiếng động. Phấn trở xuống nhà:
- Tôi phải xem xét lại một vài thứ máy móc xem buổi chiều họ đã tắt đi chưa...
Tiếng giầy của Phấn đi về cuối xưởng. Thư chống tay lên miệng lu nước, một nửa người nghiêng về phía trước, nàng soi bóng mình trong nước. Mái tóc xõa về phía trước. Mặt nàng là một khoảng tối tăm. Trong cái khoảng tối tăm ấy, những ý nghĩ ngổn ngang. Mình đến đây trong đêm nay, làm gì nơi nầy. Nơi đây là sự xa lạ. Duẩn cũng trở thành một kẻ xa lạ. Thư nhớ lại ngày nào còn có cả Cương. Bây giờ hình ảnh đó không còn đủ sức gợi cho nàng dù một chút thương nhớ. Lâu quá rồi. Sau Cương đã có những khuôn mặt khác đến thay thế. Họ đến rồi đi như những cái bóng. Thư chấp nhận dễ dãi và cũng dễ dãi buông lỏng vòng tay khi thấy đã đến lúc không thể lưu giữ. Buồn chán ngập tràn. Tình yêu chẳng phải là một phép mầu. Nhưng mình vẫn cố sục sạo tìm kiếm ở mỗi một người đàn ông - tìm gì? một mảnh bản ngã chưa chịu tìm lấy đường về? Cũng phải có một thay đổi nào đó. Thư đã lựa chọn, dù biết rằng mình sẽ phải trả một giá rất mắc về sự hiện diện của đứa con trong tương lai. Vả lại, có gì đâu mà phải băn khoăn, kia chứ? Thư mơ hồ cảm thấy như chính nàng cũng muốn nhận một thử thách. Thư nhớ dạo còn ở bậc Trung Học, mỗi lần phải lựa một trong những đề tài giáo sư ra, Thư thường chọn những đề khó và phức tạp - Đôi khi phải bỏ dở và lựa một đề khác dễ hơn. Nhưng Thư biết lần này không thể bỏ cuộc. Thư đã đánh cuộc và nàng sẽ phải đi đến cùng. Phấn trở ra, móc túi đưa cho Thư mớ chìa khoá:
- Tôi đưa cho cô chìa khóa cổng sắt. Sáng mai khi rời đây cô mở cổng rồi để chìa khóa lên nóc cái hộp đựng công-tơ điện ở bên tay mặt – tôi sẽ chỉ cho cô thấy cái hộp đó - rồi cứ thế dập cửa vào. Nếu mấy người thợ của tôi lại, cô cứ để cho họ vào nhung nhớ là để chìa khóa nơi tôi dặn cô...
Thư gật đầu nói vâng vâng. Hai người cùng lên nhà. Thư có ý nghĩ giá hồi nãy cứ đóng kịch với Phấn và biết đâu...Nàng mỉm cười với ý nghĩ đó. Hắn có của nhưng hắn không phải là type người của mình và nhất là hắn có nhiều cái tinh ranh nhỏ nhặt và buồn cười. Vả lại, dẫu chưa có ý niệm gì về giọt máu trong người, Thư cũng cảm thấy không muốn đứa nhỏ sẽ có một ngộ nhận về người cha của nó. Mình đã đang và sẽ còn nhìn thẳng vào cuộc sống với đôi mắt mở lớn, không lý gì đứa con làm bằng xương bằng thịt bằng máu của mình lại có thể mang trong nó một sự sự ngộ nhận lớn lao như vậy về cái thân thế của nó. Hãy phán đoán tôi, hãy xa lánh, nếu cần. Nhưng xin cho tôi được sống chân thực. Thư cúi mặt nhìn xuống hai chân, nghe xót xa dâng lên. Phấn đi rồi, Thư dập và khóa cổng xong bước chầm chậm trở vào nhà. Duẩn đã bỏ ra sau rửa mặt. Tiếng nước rơi lã tã trên nền xi măng vỡ. Thư nghe cả tiếng súc miệng xục xục của Duẩn. Nàng kéo chiếc rideau che cửa thông vào buồng trong sang một bên và bước vào. Bên trong đồ đạc cũng gồm những sổ sách và chai lọ lộn xộn bừa bãi. Một chiếc tủ gương kê tại cuối phòng. Các bàn kê gần bên. Không có ghế. Nơi duy nhất có thể ngả lưng là một chiếc divan. Một đống chăn màn xếp tại góc divan. Không có chiếu. Thư ngó chiếc divan, nàng thất vọng vì đó không phải là một nơi nằm mà nàng mong muốn, vừa ngượng ngập. Thư vẫn thường có những ngượng ngập như vậy mỗi khi nhìn vào nơi nằm nghỉ của một người đàn ông. Thư chưa làm quen được với hình ảnh về nơi sinh hoạt thân thiết đó của người đàn ông, dù người đó là một người bạn thân hoặc có thể là một người tình. Thư cũng biết là nỗi ngượng ngập của mình có vẻ vô lý. Thư không xa lạ gì với người đàn ông cả. Nhưng nàng cũng không cố gắng bỏ sự ngượng ngập đó. Đối với nàng đó là sự nguyên vẹn duy nhất nàng còn giữ được. Thư bước lại đứng trước gương. Nàng nhìn vào đôi mắt mình rồi thả cái nhìn xuống thân thể đang nẩy nở hơn lúc bình thường. Thư đưa tay vuốt bụng. Nàng rời chỗ đứng lại divan ngồi khi nghe tiếng chấn Duẩn bước vào phòng. Duẩn vừa đi vừa lau mặt lau cổ bằng khăn mùi xoa riêng. Anh dừng lại nhìn quanh căn buồng rồi đến ngồi xuống bên Thư. Một bầu không khí im lặng bao phủ lên hai người. Duẩn úp hai bàn tay lên đầu gối. Một lát Thư lên tiếng:
- Duẩn thấy đỡ chưa?
– Còn mệt. Đầu nhức như búa bổ.
Anh ngó xung quanh, như chợt ngạc nhiên về sự có mặt của mình giữa một nơi hoàn toàn xa lạ này. Duẩn bật cười một tiếng ngắn, tiếng cười nhuốm vẻ chua chát thoát ra từ một bất lực. Những cố gắng để thoát ra khỏi cuộc sống chật chội tù túng chỉ làm cho con người một ngạt hơn và muốn phát điên. Chấp nhận không phải là một ổn định cho tất cả. Đó chỉ là một giải pháp tạm thời để rồi đến một lúc nào đó... Duẩn nắm lấy bàn tay Thư áp lên má. Những giọt nước lạnh còn lấm tấm nơi chân tóc anh. Tiếng Thư hỏi nhỏ:
– Cười gì vậy?
Duẩn lắc đầu từ chối trả lời. Anh khép đôi mắt lại trong giây lát, nghe sự êm ả thoát ra từ lòng bàn tay người con gái.
- Duẩn biết tôi đang nghĩ gì không?
Duẩn đáp không, vẻ chờ đợi, Thư nói, mắt ngó thẳng về phía trước, giọng mơ hồ:
- Tôi nghĩ giá mình đang sống ở miền biển lúc này đây tôi sẽ chạy ra bãi biển, sẽ bỏ dép chạy chân không trên nền cát ướt lạnh và đôi khi dừng lại lắng nghe tiếng sóng từ xa dội lại như những lời thì thầm đầy bí mật.
- Còn tôi, tôi tưởng như ngày mai mà phải thức dậy, phải vác bộ mặt mô phạm vào lớp, phải nhìn bọn học trò chắc tôi chịu không nổi. Nhiều buổi sáng thức dậy, chỉ còn mười lăm phút để rửa mặt đánh răng mặc quần áo và uống vào một ly cà phê pha vội, tôi thấy ngao ngán kinh khủng. Nhưng vẫn không đủ can đảm thay đổi lại cuộc sống. Cuộc sống mà tôi hiện đang sống tuy cũng đòi hỏi sự cố gắng, nhưng là những cố gắng thụ động. Có nhẽ tôi hèn nhát. Có nhẽ...
Duẩn chặc lưỡi, ngưng nói. Nét mặt anh đăm chiêu, buồn bã. Anh ngửa bàn tay trên đùi và nhìn vào đó, bất động.
- Độ nhỏ tôi có một giấc mơ, cho đến bây giờ mỗi lần nghĩ đến tôi vẫn còn tưởng như mới đêm qua mình nằm mơ vậy thôi. Tôi mơ thấy tôi trôi giạt vào một hòn đảo nhỏ xíu ở giữa biển sóng lớn nước mênh mông, ở giữa đảo là một cái cây trụi lá, lớn như một cây cổ thụ và rễ chiếm hết đảo. Tôi như không thấy mình đâu nữa. Và tôi mơ hồ lo sợ một lúc nào đó cái cây bị sóng biển đánh bật rễ và mình sẽ không còn nơi nào để bấu víu…
Duẩn im lặng nghe Thư kể. Anh cảm thấy một nỗi xúc động mãnh liệt đang xâm chiếm người con gái.
- Rồi ra sao?
- Chả ra sao cả. Những giấc mơ vẫn vậy. Duẩn tưởng tôi nghĩ đó là một cái điềm gì à? Không đâu. Tôi vẫn nghĩ và tin là cuộc sống của tôi do tôi tự tạo một phần lớn. Tôi kể lại giấc mơ đó vì thấy là đã lâu rồi mà cái hình ảnh đó vẫn có thể làm tôi thấy sởn gai ốc mỗi khi nghĩ đến.
Duẩn châm điếu thuốc, hút một hơi, rồi sực nhớ ra cơn nhức đầu của mình, anh dụi điếu thuốc, đứng dậy đi vòng quanh phòng nhìn vào đống chai lọ nhiều màu sắc lộn xộn trên các kệ đóng sát vào tường. Thư giải một tấm mền lên divan và ngả lưng nằm xuống, tâm hồn lãng đãng. Một tay nàng để sau đầu làm gối, tay kia đặt trên bụng. Mong con sẽ là con trai, làm con trai để chịu đựng, chịu đựng cuộc đời, và nhất là để thương mẹ. Đôi khi tôi cũng tự hỏi mình có đang bi thảm hoá cuộc sống? hay thực sự tự nó cuộc sống đã có cái vẻ bi thảm? Tôi băn khoăn và thường chọn thái độ dửng dưng. Chả ích gì. Tất cả chả ích gì. Tôi nhắm mắt lại và tôi tự nhủ với tôi tạm thời hãy quên đi hãy quên đi hết cả. Tôi cảm thấy Duẩn đang đến và ngồi xuống bên tôi, cúi nhìn tôi. Tự nhiên tôi muốn khóc la. Tôi lấy tay bưng lấy mặt và cười lên một tiếng ngắn, nghe khô và buồn, như tiếng một viên sỏi bị vất xuống lòng giếng cạn nước, mất hút trong bóng tối của đáy sâu.
*
Vào cái lúc người con gái chờ đợi nhất để sẵn sàng buông thả vào trong cơn sốt rạo rực của cơ thể, Duẩn bỗng ngừng lại, im lặng, đăm chiêu. Hơi thở anh bớt dồn dập hơn trong một cố gắng tự kìm hãm, Duẩn mím môi, thở một cách khó khăn như người bị nghẹt mũi, khoảng cách còn lại thật dễ dàng để vượt qua. Duẩn dừng lại, ngơ ngẩn, chợt nghe buồn bã. Anh khẽ buông tiếng thở dài, gục đầu xuống vai người con gái, mắt nhắm lại. Rất lâu, trong bóng tối, anh nghe tiếng người con gái cất lên, rụt rè:
- Sao thế?
Có một cái gì như hờn tủi và cũng thật ráo hoảnh trong giọng nói: “Tôi cũng không hiểu sao tôi lại ngừng lại. Tôi tự thấy mình không có quyền tiến xa hơn.” Duẩn đáp và cũng nghe giọng mình thật ráo hoảnh:
- Tại... không muốn...
Duẩn bỏ lửng câu nói một sự im lặng rơi xuống giữa hai người. Duẩn mơ hồ thấy mình khổ sở, day dứt: Trong phút giây tôi muốn được gọi Thư là “em” và xưng “anh” với em, Thư ạ. Em im lặng, có thể em đang hờn giận. Nhưng anh không muốn anh sẽ ân hận bởi anh bắt đầu cảm thấy yêu em yêu em. Điều đó có vẻ khôi hài. Nhưng điều đó làm anh xúc động. Cũng như anh vẫn khôi hài trong cuộc sinh hoạt của anh đồng thời cảm thấy một xúc động sâu xa. Hình như trong khi mình giễu cợt là lúc mình ý thức rõ hơn cả về cái thân phận của mình giữa cuộc sống ồ ạt xô bồ này, giữa cuộc sống mà cá nhân chẳng nghĩa lý gì và người ta bị cưỡng bức phải làm những việc mà mình không muốn. Và anh, anh muốn không làm cái việc mà anh rất đang thiết. Để mọi sự còn nguyên vẹn. Vả lại, cái giọt máu mà em đang mang trong người với anh đã là một cái gì, một con người mà anh tự thấy mình không được quyền xúc phạm. Cho anh được quý trọng. Đó là điều duy nhất anh muốn giữ lại, một cách tự nhiên, không cố gắng, như một thứ báu vật.
Thư trở mình, vuột khỏi tay anh, xoay lưng lại phía Duẩn. Duẩn cảm thấy có một sự vùng vằng: Lẽ ra anh phải kéo em lại, ôm chặt lấy em, vuốt ve và nếu cần giải thích. Nhưng anh sợ chính anh rồi sẽ không giữ nổi bởi thằng người phá phách trong anh đang trỗi dậy, đòi hỏi. Duẩn nằm yên lặng nhìn khoảng da thịt trắng hiện ra mờ mờ dưới mắt thành một vệt chảy dài bất động. Một nỗi nghẹn ngào chận ngang cổ. Tự nhiên anh thấy thèm vô cùng được gục vào chỗ trũng nơi chiếc gáy trắng mờ mờ kia, và nếu có thể, để khóc lặng lẽ...
Thư mở mắt. Phải một lúc nàng mới định thần và nhớ ra mình đang nằm ở đâu. Bên cạnh gã con trai đã thiếp ngủ, lưng trần lớn quay lại phía nàng trong một dáng nằm rút cong như con tôm hơi thở đều đều của một người say ngủ. Thư nghe cổ họng mình khô ran. Thư cảm thấy muốn ra sau vô cùng. Nhưng nàng nằm nán lại, ngần ngại khi nghĩ đến lối đi chật chội, lồ mồ và tối mò của xưởng dệt. Trong yên lặng có tiếng vó ngựa gõ lóc cóc và tiếng xe thổ mộ lăn uể oải qua trước nhà. Có nhẽ vào khoảng bốn năm giờ sáng gì đó. Thư cảm thấy rã rời và nghe cô đơn kỳ lạ. Hình ảnh những đêm thao thức bên người đàn ông thiếp ngủ một cách thoả mãn đến trong trí nhớ. Tại sao không bao giờ mình thấy thỏa mãn cả? Luôn luôn là một khoảng trống sau đó với những dày vò không nguyên do không đối tượng. Và với một biến đổi một mình mình biết một mình mình hay. Tôi bỗng cảm thấy tất cả cái cô đơn mênh mông của một Grégoire khi hóa thân thành con bọ để rồi chết khô trong sự đơn độc và bị ruồng bỏ. Tôi đã khủng khiếp khi đọc đến đoạn Grégoire tuyệt vọng nhìn xuống sự thay đổi của thân thể mình. Có nhẽ tôi tuyệt vọng và bàng hoàng, nhưng tôi còn cảm thấy một-cách-không-thể-tự-kềm-chế được một sự rung động kỳ lạ...
Tôi đang hoá thân để trở thành một người mẹ, một người đàn bà thực sự. Có nhẽ tôi đang tìm về tôi, cái TÔI thực sự...? Thư khóc lúc nào không hay.
Thư mở mắt lại vào lúc có những tiếng đổ xuống, thoạt tiên từ từ, đều đều rồi nhanh dần và nàng bỗng cảm thấy bị vây tỏa trong một thứ âm thanh dồn dập của một cơn mưa rào. Trời mưa! Thư nhẩm với mình. Căn phòng vẫn tối om. Thư nghe một cảm giác lành lạnh. Nàng kéo tấm mền lên ngang ngực, lần hồi nhớ lại những việc đã xảy ra. Thư thấy hai má mình khô. Nàng nhớ ra vào lúc gần sáng hình như nàng đã khóc. Cũng có thể mình khóc trong giấc mơ. Trời mưa...! Trời mưa làm Thư thấy nhẹ nhõm hay chính vì những giọt nước mắt trong đêm...? Thư chỉ thấy một sự thanh thản. Bên cạnh Duẩn vẫn thiếp ngủ. Vẫn dáng nằm cũ. Và một hơi thở đều đặn, mệt nhọc. Thư cảm thấy tức bụng. Nàng lần mò trở dậy vén màn bước ra, lấy chiếc sơ-mi của Duẩn vất trên bàn mặc vào rồi lặng lẽ vén rideau bước ra. Trời đã sáng rõ. Thư sững sờ nhìn qua lớp cửa sắt. Bên ngoài trời khô ráo. Thư chợt nhận rõ tiếng rào rào mà nàng nghe lúc còn nằm trong màn thực ra là tiếng của những chiếc khung cửi bắt đầu hoạt động ở xung quanh hàng xóm. Thư bước nhanh ra phía sau. Những khung gỗ nằm bất động. Lát nữa đây bọn thợ sẽ đến và bắt đầu làm việc một cách ồn ào... Thư bỗng cảm thấy bị tràn lấn bởi những tiếng động đều đều dồn dập xung quanh. Nàng súc miệng rửa mặt, rồi trở lên nhà. Duẩn vẫn còn ngủ. Thư mặc quần áo, chải đầu xong vén màn lay bạn dậy. Duẩn ú ớ một lúc rồi tỉnh hẳn. Sự mệt mỏi còn nặng trĩu trên đôi mắt đỏ ngầu. Anh ngáp dài, nhận ra Thư.
- Sáng rồi à ? Ủa... Trời mưa?!
Thư bật cười:
– Không phải đâu! Tiếng máy dệt đấy. Lúc nãy tôi cũng có cảm giác như Duẩn...
Duẩn nhỏm dậy, hai tay vòng lấy đầu gối, vẻ ngơ ngẩn, giọng anh đặc sệt:
- Thế à?
Thư nói
- Duẩn dậy sửa soạn đi. Bọn thợ sắp đến bây giờ. Mình nên rời đây trước khi họ đến.
Duẩn uể oải đứng dậy, bước ra sau. Khi Thư đang loay hoay thu dẹp chăn màn thì có tiếng gọi và đập vào cửa sắt. Tiếng Duẩn trả lời tôi ra đây. Thư đứng trong phòng ngó ra, Duẩn mình trần loay hoay mở cửa. Một tốp bốn, năm người đàn ông kéo vào, tiếng nói chuyện giọng ngái ngủ, đứt quãng.
Lúc Duẩn trở vào, Thư đang dở xem một tập hình trên bàn. Anh nhìn mái tóc nghiêng của Thư và cảm thấy một bông hoa nhỏ vừa hé nụ trong anh. Anh đứng lại bên khung cửa, bỡ ngỡ ngây ngất. Anh tự hỏi tại sao từ mấy năm nay, bây giờ anh mới cảm thấy thế, từ dạo quen Thư đến giờ? Người con gái có cảm giác bị nhìn. Nhưng nàng vẫn giữ nguyên thế đứng cũ, không nhìn thấy gì trong những tấm hình trên tay - như thể nàng biết là quay lại sẽ làm cho bông hoa e thẹn không nở nữa.

Sàigòn 13-10-66

TRÙNG-DƯƠNG
Bách Khoa số 241-242 (tháng 1/1967) & 243 (ngày 15-2-1967)











Trở về



MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.