Thứ Năm, 6 tháng 10, 2016

Lê văn Trương (1906 - 1964)
















Lê Văn Trương

(1906-1964)
Hưởng dương 58 tuổi
bút hiệu Cô Lý
Nhà báo, nhà văn

(Theo nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt, ông được xem là cây bút có số lượng tác phẩm nhiều nhất, gần 200[1]. Nhưng cũng có ý kiến không phải tất cả đều là của ông!)







Thân thế & sự nghiệp

Lê Văn Trương sinh tại làng Đồng Nhân, nay là khu phố Thịnh Yên, quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.

Cha ông là Lê Văn Kỳ, gốc người Hà Đông cũ, lên lập nghiệp ở Bắc Giang (nay là phố Nghĩa Long, thành phố Bắc Giang). Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Sâm.

Thuở nhỏ, Lê Văn Trương học tiểu học ở Bắc Giang. Năm 1921, ông theo cha về Hà Nội thi vào học trường Trung học Bảo hộ (tức trường Bưởi, Hà Nội). Học đến năm thứ ba (có sách ghi năm thứ hai) thì bị đuổi, vì cùng với một vài bạn cầm đầu cuộc phản kháng chống lại một Hiệu trưởng người Pháp đã mắng học sinh người Việt là "Sale Annamite" ("Tên An Nam bẩn thỉu!").

Năm 1926, sau khi đi học thêm, Lê Văn Trương thi đậu vào Sở Dây thép Đông Dương (Bưu điện Đông Dương). Mãn khóa, ông được bổ đi làm tại Battambang (Campuchia). Ở đây, ông cưới cô Ngô Thị Hương [2], một nữ sinh trường Battambang, và là con cả trong một gia đình người Việt đang cư trú nơi đó.

Năm 1930, ông chán nghề công chức, bỏ đi khai khẩn đồn điền ở huyện Monkolboray, thuộc tỉnh Lovea (Campuchia), giáp biên giới Thái Lan.

Sau khủng hoảng kinh tế 1931-1932, sau khi bị phá sản, ông đi làm thầu khoán, buôn bò, buôn ngọc, buôn lậu...có khi sang tận Thái Lan, Trung Quốc.

Năm 1932, ông trở về nước tham gia làng báo, làng văn ở đất Bắc, cộng tác với báo Trung Bắc tân văn, với nhà xuất bản Tân Dân và các cơ quan ngôn luận của nhà xuất bản này: Tiểu thuyết thứ Bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Ích hữu, Truyền bá.

Năm 1937, Lê Văn Trương được Chủ nhiệm Vũ Đình Long cho làm Chủ bút tờ Ích Hữu. Cuối năm đó, ông chủ trương ra tờ tuần báo Ích hữu đổi mới, và sau nữa là tờ Việt Nam hồn. Thời này, ông thường đi đôi với Trương Tửu, cổ xúy cho cái "triết lý về sức mạnh".

Sau 1945, ông làm chủ tịch Ủy ban Đãi vàng Bắc Bộ một thời gian rồi vào Tiểu ban Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn thuộc Phòng Chính trị Liên khu III.

Lê Văn Trương có tham gia chiến dịch đánh Pháp ở Nam Định (28 tháng 5 năm 1951 - 20 tháng 6 năm 1951), và ở Hòa Bình (tháng 12 năm 1951 - tháng 1 năm 1952) và đã tường thuật lại trong cuốn tiểu thuyết "Tôi là quân nhân", nhưng bị phê phán tơi bời là đề cao "chủ nghĩa anh hùng cá nhân".

Buồn chán, nhân bệnh gan cũ tái phát ông đến Ủy ban Hành chính kháng chiến Liên khu III (lúc ấy đóng ở Xích Thổ, tỉnh Ninh Bình) xin phép được về thành (Hà Nội) chữa bệnh (1953). Về lại Hà Nội, ông cộng tác với báo Mới ở Sài Gòn, và viết sách.

Đầu năm 1954, ông vào Sài Gòn viết báo, tái bản sách. Ngày 25 tháng 2 năm 1964, Lê Văn Trương mất tại một căn nhà hẹp ở hẻm Bùi Viện, Sài Gòn (nay thuộc phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), trong cảnh nghèo đói và tật bệnh, lúc 58 tuổi.

Mộ phần ông và vợ ông (Ngô Thị Hương) hiện ở tại Gò Sao thuộc Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh








Tác phẩm

Lê Văn Trương là nhà văn chuyên viết tiểu thuyết, theo một số nhà nghiên cứu, ông có đến 200 tác phẩm; nhưng theo bản thống kê của gia đình ông, thì chỉ còn lưu giữ được 125 tác phẩm, gồm 96 cuốn đã in và 29 cuốn chưa in[1].








Liệt kê theo Từ điển Tác gia Văn hóa Việt Nam[3]:






1
Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích
Nhà in Trung Bắc tân văn, Hà Nội, 1934













2

Đưa cháu đồng bạc

(tiểu thuyết)
Tân Dân, Hà Nội, 1939






3

Dưới bóng thần Vệ Nữ

Nam Kí thư quán

Nhà in Trịnh Văn Bích, Hà Nội, 1939



4
Cô Tư Thung
Phổ thông bán nguyệt san, số 2 (1942)



5
Một người
Phổ thông bán nguyệt san, số 6 và 7 (1942)



6
Một người cha
Phổ thông bán nguyệt san, số 12



7
Một lương tâm trong gió lốc
Phổ thông bán nguyệt san, số 21 và 22



8
Trong ao tù trưởng giả
Phổ thông bán nguyệt san, số 28 và 29



9
Ngựa đã thuần rồi, mời ngài lên
Phổ thông bán nguyệt san, số 31



10
Một cô gái mới
Phổ thông bán nguyệt san, số 38



11
Tôi là mẹ
Phổ thông bán nguyệt san, số 43 và 44



12
Cánh sen trong bùn
Phổ thông bán nguyệt san, số 51 và 52



13
Bốn bức tường máu
Phổ thông bán nguyệt san, số 62 và 63



14
Trường đời
Phổ thông bán nguyệt san, số 73, 74 và 75



15
Nó giết người
Phổ thông bán nguyệt san, số 84



16
Người anh cả
Phổ thông bán nguyệt san, số 73, 74 và 75



17
Hai anh em
Phổ thông bán nguyệt san, số 98



18
Tiếng gọi của lòng
Phổ thông bán nguyệt san, số 106 và 107.


19
Lòng mẹ
Phổ thông bán nguyệt san, số 113 và 114
(Các cuốn không ghi năm đều in từ 1937 – 1942)



20
Hận nghìn đời
Hà Nội, 1938



21
Một linh hồn đàn bà
Hà Nội, 1940



22
Tôi thầu khoán
(hay Ba tháng ở Trung Hoa)
Hà Nội, 1940



23
Điều đàn muôn thuở
Hà Nội
1941



24
Một cuộc săn vàng
(phiêu lưu ký sự)
1941



25
Một trái tim
Phổ thông bán nguyệt san, số 15



26
Con đường hạnh phúc
Phổ thông bán nguyệt san



27
Con chim đầu đàn. 
Cuộc chạy thi quanh Hồ Tây.
Truyện học sinh Đời mới
(cùng viết 1942)



28
Sau phút sinh li
(tiểu thuyết)
Hà Nội, Tân Dân, 1942



29
Sợ sống
(Tủ sách người hùng...)
Hà Nội, Nhà xuất bản Lê Văn Trương, 1942



30
Ái tình muôn mặt
(tiểu thuyết)
Hà Nội, 1942



31
Anh và tôi
(giáo dục tiểu thuyết)
Hà Nội, Nhà xuất bản Đời mới, Nhà in Thụy Kí, 1942



32
Bóng hạnh phúc.
Hà Nội, Cộng Lực, 1942



33
Chồng chúng ta
(xã hội tiểu thuyết)
Hà Nội, Nhà xuất bản Đời Mới, 1942



34
Cô Thơm
(xã hội tiểu thuyết)
Hà Nội, Nhà xuất bản Duy Tân thư xã, 1941



35
Đầu bạc đầu xanh
(xã hội tiểu thuyết)
Hà Nội, Nhà xuất bản Đời Mới, 1942



36
Những thiên tình hận
Hà Nôi, Nhà xuất bản Hương Sơn. Nhà in Thụy Kí, 1943



37
Chung quanh người đàn bà
(tâm lí tiểu thuyết)
Nhà Nội, Nhà xuất bản Hương Sơn, 1943



38
Ái tình muôn mặt
Hà Nội, Lê Cường, 1941



39
Lịch sử một tội ác
Hà Nội, Nhà xuất bản TÂn Dân, 1941



40
Triết học sức mạnh
Hà Nội, Nhà xuất bản Hương Sơn, 1941



41
Bị sa lầy
(truyện học sinh Đời Mới)
Hà Nội, Nhà xuất bản Đời Mới, 1942



42
Chờ chết
(truyện học sinh Đời Mới)
Hà Nội, 1942



43
Hai người bạn
(tiểu thuyết)
Nhà Nội, Nhà xuất bản Đời Mới, 1942



44
Kẻ đến sau
(tiểu thuyết)
Hà Nội, Nhà xuất bản Đời Mời, 1942



45
Lấy chồng cọp
(truyện học sinh Đời Mới)
Hà Nội, 1942



46
Những kẻ có lòng
(tiểu thuyết)
Hà Nội, Nhà xuất bản Đời Mới, 1942



47
Săn đuổi
(truyện học sinh Đời Mới)
Nhà xuất bản Xuân Thu, 1942



48
Tiếng còi báo động
(truyện học sinh Đời Mới)
Hà Nội, 1942



49
Giọt nước mắt đầu tiên
(tiểu thuyết)
hà Nội, Nhà xuất bản Hương Sơn, 1943



50
Hai tâm hồn
(tiểu thuyết)
Hà Nội, Nhà xuất bản Đời Mới, 1942



51
Lỡ một kiếp người
(tiểu thuyết)
Hà Nội, 1943



52
Người mẹ tội lỗi
(tâm lý tiểu thuyết)
Hà Nội, 1943



53
Ba ngày luân lạc
(giáo dục tiểu thuyết)
Hà Nội, 1943



54
Cô giá tỉnh lị
(tiểu thuyết)
Hà Nội, 1943



55
Con đường dốc
(truyện dài)
Hà Nội, 1943



56
Dây san
(truyện dài)
Hà Nội



57
Hai ban tay thằng con trai
(xã hội tiểu thuyết)
Hà Nội, 1943



58
Kiếp hoa rơi
(xã hội tiểu thuyết)
Hà Nội 1943



59
Những người đã sống
Hà Nội.1943



60
Lịch sử một tan vỡ
1943



61
Những mái nhà ấm
1943



62
Những kẻ không nghèo
1943



63
Những chợp mắt lịch sử
Sài Gòn, 1958



64
Những người có sứ mạng
Sài Gòn, 1959




V.V...











Tháng 10 năm 2005 bà Lê Thị Giáng Vân (con gái Lê Văn Trương) đã cho in bộ "Lê Văn Trương - tác phẩm chọn lọc" gồm 02 cuốn vào quý I năm 2006.





Nhận xét



Tác giả

Theo thi sĩ Nguyễn Vỹ-bạn Lê Văn Trương- ông Trương là người rất vui tính, rất tốt, ăn to, nói lớn, mà nói luôn mồm, chuyên môn nói phét, nói tục, nhưng rất thành thật, ngay thẳng, không làm hại ai cả...Lê Văn Trương nói chuyện thế nào, thì viết tiểu thuyết cũng y như thế. Có thể nhận xét rằng: "Lê Văn Trương là một cái máy nói ra một cái máy viết"...Nói liên miên, và liên miên...Anh ưa dẫn chứng những câu triết lý của vài ba danh nhân xưa mà anh ta đã đọc...Nhớ gì nói nấy, nhiều khi chẳng ăn khớp vào đâu với đâu cả...đến nỗi nhiều khi anh tự mâu thuẫn với anh mà anh không biết...Ở Hà Nội tiền chiến, Lê Văn Trương là một tay phong lưu hào hiệp, áo quần bảnh bao, ăn tiêu rộng rãi. Từ khi di cư vào Sài Gòn, anh nghèo túng, lại mang bệnh ghiền (thuốc phiện). Anh không còn viết được một tiểu thuyết nào nữa[4], và cũng không cộng tác với một tờ báo hay một cơ quan văn nghệ nào được lâu. Khả năng sáng tác của anh hoàn toàn kiệt quệ...[5]



Tác phẩm

GS. Nguyễn Huệ Chi viết: Với hơn trăm tác phẩm trong hơn 30 năm đời văn, Lê Văn Trương quả là một cây bút tiểu thuyết sung sức. Tất nhiên, cũng giống như đa số người cầm bút ở giai đoạn này, nhất là những nhà văn thuộc nhóm Tân Dân, một phần trong khối lượng đồ sộ đó của ông là loại sách viết để "kiếm sống", chứ không gửi gắm tâm huyết gì của tác giả...[6]

Theo GS. Phạm Thế Ngũ, thì số tác phẩm ấy, có thể phân chia thành ba loại:
Loại truyện phiêu lưu ly kỳ của những trai tứ chiếng, gái giang hồ: Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích, Cô Tư Thung, Cánh sen trong bùn, Trường đời, Tôi thầu khoán, Những đồng tiền xiết máu,...
Loại truyện đề cao những quan hệ tình cảm gia đình, với tám gương mẫu mực của những người làm cha, làm mẹ, làm anh, làm vợ: Một người cha, Người anh cả, Người vợ lý tưởng, Người vợ hoàn toàn, Một đứa bé mồ côi, Con đường hạnh phúc, Đứa con hạnh phúc...
Loại truyện phê phán, đả kích những thói hư tật xấu của Xã hội thượng lưu trưởng giả: Trong ao tù trưởng giả, Một lương tâm trong gió lốc, Đứa cháu đồng bạc, Một cô gái mới, Chồng chúng ta...

Theo đánh giá của GS. Nguyễn Huệ Chi, thì cái chung nhất trong cả ba loại truyện trên là cái "triết lý sức mạnh", biểu hiện qua nhân vật người hùng. Người hùng không chỉ oanh liệt trong cuộc phiêu lưu mạo hiểm, mà còn là người có lương tâm cao quý, gương mẫu. Đó là kiểu người hăng hái, xông pha, không từ nan trước mọi khó khăn, luôn gánh chịu phần thiệt thòi về minh, nhằm trừ tai cứu nạn, đem lại hạnh phúc cho người khác. Tuy nhiên, trong phong cách thể hiện, Lê Văn Trương thường cường điệu lên quá múc khiến cho câu chuyện cứ lộ dần những ảo tưởng...Đa phần tác phẩm của ông là loại tiểu thuyết chú trọng đến cốt truyện. Ở đó, ông biết khéo léo dẫn dắt để mạch truyện lôi cuốn độc giả. Những nhân vật mà ông dựng lên rất giàu cá tính nên dễ ăn sâu vào tâm trí người đọc. Nhưng cũng có khi vì thái quá, nhiều nhân vật "người hùng" của ông có những hành vi bất thường, quá khổ một cách không thực[6].

Còn Phạm Thế Ngũ thì nhận xét đại để như sau: Lê Văn Trương đã không thành công lắm về phương diện nghệ thuật. Bởi ông không có bản lĩnh để dựng nên một câu chuyện tự nhiên hoặc vẽ nên một nhân vật trọn vẹn. Truyện của ông thường đầy những vô lý về tình tiết, những giả tạo về tâm lý. Cái hấp dẫn người đọc ở ông thường chỉ là ở những tiểu thuyết giang hồ: cái vị lạ, những cảnh tượng xa xôi, những gặp gỡ kỳ thú hay gian hiểm...Còn văn của ông, thường là lối nói khoa đại, kêu mà rỗng, nhất là ở những chỗ ông nghị luận...Ông ít khi tìm được một lối bình dị thuần nhã, mà thường bị cái tật huênh hoang lôi cuốn làm cho người đọc hết cảm động. Nói chung văn nghiệp của ông có lượng mà không có phẩm, do ông không săn sóc câu văn mấy. Trừ mấy tác phẩm đầu như cuốn "Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích", văn viết chải chuốt, còn về sau ông viết nhanh một cách cẩu thả. Thường cứ nghị luận một câu lại xuống hàng, hoặc để cho nhân vật đối thoại lê thê nhạt nhẽo, gây cho ta có cái cảm tưởng như lối "kéo dài ăn trang" của những nhà tiểu thuyết viết thuê, nhằm đến một số công chúng dễ dãi, không cần gì đến sự trau tria nghệ thuật.... Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở chúng chính là cái tư tưởng người hùng của tác giả. Con người hùng ấy đã thể hiện được một phần nào nguyện vọng của một số người bất bình với những cột buộc hay ghê tởm trước những sa đọa của xã hội thực dân, muốn vươn lên tìm một lối thoát cho tâm hồn.[7]

Sau khi phân tích một số tác phẩm của Lê Văn Trương, nhà văn Vũ Ngọc Phan cũng đã kết luận rằng: Lê Văn Trương là một nhà tiểu thuyết luân lý, nhưng cái luân lý của ông là một thứ luân lý rất thông thường: vợ phải nghe theo chồng, em phải nghe anh...Ông lại tựa vào một lý thuyết rất hẹp. Cái thuyết sức mạnh của ông là thứ lý thuyết nông nổi, không có gì vững vàng...Tiểu thuyết của ông mỗi ngày một nhiều, nhưng xét chung tất cả, người ta thấy các truyện của ông không khác nhau mấy tí. Người ta lại thấy về đường tư tưởng và ý kiến, những truyện của ông chỉ có chiều rộng mà không có chiều sâu...Về cách hành văn...cũng không thay đổi mấy. xưa kia ông hay nghị luận...thì bây giờ ông cũng hay nghị một cách trường giang đại hải. Văn ông chỉ là một thứ văn hoạt, thứ văn dễ hiểu,...không có gì đặc sắc.[8].



Tư liệu liên quan

Thi sĩ Nguyễn Vỹ trong hồi ký của mình đã cung cấp thêm mấy nét về Lê Văn Trương, trích:Vài ngày sau cái chết của Nguyễn Tường Tam, Lê Văn Trương đến thăm tôi tại tạp chí Phổ thông. Anh buồn bã gục đầu xuống. Tôi lặng thinh chờ xem anh muốn nói gì. Một lúc khá lâu, có vẻ trịnh trọng, Lê Văn Trương cất tiếng: "Thằng Nhất Linh đi rồi, bạn cũ tụi mình ở đây chỉ còn mày, với một vài thằng nữa thôi. Nhưng tao buồn là không để lại một tác phẩm nào xứng đáng với cuộc đời của tao". Im lặng một lúc, Lê Văn Trương lại nói tiếp: "Tớ muốn cậu tự ý chọn một quyển truyện nào của tớ mà cậu ưng ý nhất, cậu viết một bài phê bình thật đầy đủ, cho tớ xem trước khi tớ làm cuộc du lịch cuối cùng và vĩnh viễn."Tôi hỏi: "Trong tất cả các truyện cậu đã viết cậu thích quyển nào nhất". Lê Văn Trương trả lời liền không do dự: "Tớ đ. thích quyển nào". -"Ít nhất cũng có một vài quyển hay hơn các quyển khác chứ". -"Tớ viết quyển nào cũng hay cả, mà chẳng có quyển đ. nào hay cả! Thế mới chó!"Câu nói mâu thuẫn đó tiết lộ tính chất sáng tác đặc biệt của Lê Văn Trương. Tác phẩm nào cũng hấp dẫn nhưng không có một kiệt tác. Tôi bảo: "Cậu chọn một vài quyển tương đối nổi bật hơn hết, đưa đây tôi. Tôi sẽ viết một bài dài và thật khách quan". Nhưng tôi đã chờ mãi Lê Văn Trương cho đến ngày anh chết.

Và nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn có lời bàn:Với một cuộc đời nhiều phen ngang dọc như Lê Văn Trương, một kết cục như thế thật ngoài sự chờ đợi của mọi người. Hôm qua, trong văn học, ông như con cá kình trên sông lớn, muốn in gì thì in, muốn viết thế nào thì viết, tha hồ lui tới. Đã bao nhiêu lần người ta chê bai ông, giễu cợt ông, bảo ông là vội vàng cẩu thả là văn chương dây cà ra dây muống, nhưng đã lại có không biết bao nhiêu độc giả lắng nghe ông, suy tôn ông, thế là được rồi. Đến nay rút lại, hoá ra thời gian vẫn làm công việc của nó, và cái đòn chí tử giáng vào văn nghiệp Lê Văn Trương lại chính do Lê Văn Trương thực hiện. Công bằng làm sao mà cũng oan nghiệt làm sao!...Trên nhiều phương diện trước sau, Lê Văn Trương vẫn là một số phận văn học mà các thế hệ sau cần luôn luôn nghiền ngẫm để rút kinh nghiệm[9].



Sách tham khảo

Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại (trọn bộ 2 cuốn, tập 2). Nhà xuất bản.Khoa học Xã hội, Hà Nội in lại năm 1989.
Nhiều người soạn, Từ điển Văn học (bộ mới). Nhà xuất bản.Thế giới, 2004.
Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến. Nhà xuất bản.Văn học in lại năm 2007.
Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (trọn bộ 3 quyển, quyển 3). Quốc học tùng thư ấn hành, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản.



Chú thích

1/ a ă Theo Nhà văn Lê Văn Trương và kỷ lục viết nhiều sách.
2/ Trong cuộc đời, ông Lê Văn Trương chính thức có hai bà vợ. Bà cả - Ngô Thị Hương sinh với ông được năm người con (bốn trai, một gái. Trong số đó chỉ có người con trai cả theo nghiệp của ông, đó là nhà văn Mạc Lân [Lê Văn Lân]). Bà hai là Nguyễn Thị Đào, kém ông gần hai chục tuổi. Bà xuất thân là cô gái nông thôn có nhan sắc, quê ở Lạc Quần, Nam Định. Vì bị ép duyên ở quê, bà bỏ làng lên Hà Nội rồi bị sa chân đi làm gái nhảy, lấy một ông chồng làm đốc tờ thú y (bác sĩ thú y), được một thời gian thì họ bỏ nhau. Ông Trương gặp bà Đào khi ông đã rất nổi tiếng trong làng văn. Trai tài gái sắc gặp nhau, bất chấp sự chênh lệch tuổi tác, bà thuận theo ông Trương về làm vợ hai. Điều đặc biệt, bà Hương và bà Đào sống với nhau rất hòa thuận, thân ái...
3/ Từ điển Tác gia Văn hóa Việt Nam. Nhà xuất bản. Văn hóa-Thông tin, Hà Nội, 1999.
4/ Tuy nhiên, theo bảng liệt kê sách, Lê Văn Trương vào Sài Gòn có viết thêm hai tác phẩm, đó là: Những chợp mắt lịch sử (1958) và Những người có sứ mạng (1959).
5/ Nguyễn Vỹ, Văn thi sĩ tiền chiến, tr. 81.
6/ a ă Nguyễn Huệ Chi trong Từ điển Văn học (bộ mới), tr. 845.
7/ Lược theo Phạm Thế Ngũ, tr. 532-540.
8/ Lược theo Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại (Q.2), tr. 892-893.













Lê Văn Trương




Vài nét tiểu sử 
Lê Văn Trương (1906-1964), nổi tiếng với các tiểu thuyết in trên Tiểu thuyết thứ bảy. Phổ thông bán nguyệt san v.v... Tác phẩm chính: Một người (1937), Tôi là mẹ (1939), Trường đời (1940), Tôi thầu khoán (1940) v.v...

Hiệp sĩ của một trường đời éo le

Mặc dù vắng bóng đã lâu, song hoàn toàn có thể nói trên phương diện văn chương, Lê Văn Trương vẫn có một cuộc sống riêng, nối tiếp, thay đổi, mỗi thời người ta lại nhìn nhận về ông một khác.
Sau các nhà văn Tự Lực văn đoàn, sau Vũ Trọng Phụng và Lan Khai, Nguyễn Bính và Quang Dũng... trong không khí cởi mở của đời sống văn học thập kỷ cuối cùng thế kỷ XX, giới văn học bắt đầu nhắc nhở nhiều đến Lê Văn Trương, cây bút có số đầu sách chiếm kỷ lục trong văn học ta. Hình như giờ đây những thành bại của nhà văn ấy đang trở thành những bài học sốt dẻo với nhiều người, nhất là những ai muốn coi sáng tác như một nghề kiếm sống và thích tạo nên bùng nổ trong mối quan hệ sinh động với đông đảo công chúng.
"Ông lớn" một thời
Chỉ cần nhìn thoáng qua về xã hội tiền chiến, người ta thấy ngay rằng Lê Văn Trương thuộc vào loại những tên tuổi được nhắc nhở nhiều nhất trong văn học những năm từ 1931-32 trở đi. Trong đầu óc một người trung lưu bấy giờ, ba chữ Lê Văn Trương gắn liền với một loại tiểu thuyết thông tục. Dù in trong Phổ thông bán nguyệt san hay ở các nhà xuất bản khác, Đời Mới, Cộng Lực, Tân Dân, các tiểu thuyết ấy đều bán giá phải chăng vừa tầm với túi tiền mọi người. Và trước tiên là sự phải chăng trong nội dung câu chuyện: một tham tá bất bình với ông sếp, liền bỏ việc làm, quyết chí trở thành nhà văn bênh vực những kẻ hèn yếu (Một người), một cô gái tân tiến, theo cha là một chủ thầu xông pha vào đủ nơi nguy hiểm (Trường đời). Một người anh cả hy sinh vì đàn em, quyết trông nom cho chúng khôn lớn, nên người, rồi mới tính đến những vui buồn của riêng mình (Người anh cả). Một cô gái nhẹ dạ, sau tu tỉnh lại, trở nên một người đàn bà đức hạnh (Kẻ đến sau). Đại khái là như vậy. Qua lời kể không mấy trau chuốt khéo léo, nhưng được cái dễ hiểu, những tiểu thuyết ấy biết mang lại cho người đương thời những lời khuyến khích cụ thể: hãy giữ lấy chút lòng tự trọng dám đối mặt với đời. Hãy gắng kiếm thêm đồng tiền để có thể sống tự lập, sống đàng hoàng. Và nhớ đừng quên "giấy rách phải giữ lấy lề", nếu cần hãy xả thân hy sinh vì danh dự, đúng như đạo đức cổ truyền đã dạy. Trong sự pha trộn giữa chất á Đông cố hữu còn đang sâu cây bén rễ trong xã hội với ảnh hưởng Tây phương vừa du nhập - ít nhất trong cái vẻ không quá khắc kỷ mà cũng không buông thả - quả thật triết lý "người hùng" mà Lê Văn Trương ca tụng có chút gì đó rất vừa với khẩu vị đám đông độc giả đương thời, nó là lý do chính khiến cho sách của ông dù thường in với số lượng bấy giờ coi là lớn (2.000 - 3.000 bản), song vẫn tiêu thụ đều đều. Và Lê Văn Trương cái máy nói và máy viết đó (chữ của Lan Khai) cứ thế tồn tại như một phong cách, một tác giả - chúng tôi còn muốn nói: một ông lớn trong văn học - dù về sau, khi cần chọn ra một hai tác phẩm thuộc loại để đời thì chính ông cũng phân vân và thất vọng, mà thiên hạ lại càng phân vân, vì hình như... rất khó tìm ra một cuốn trội hẳn lên cỡ như Đoạn tuyệt, Tắt đèn, chứ đừng nói như Chí Phèo, Số đỏ.
Người hùng yếu đuối
Trên đại thể, công chúng văn học trước 1945 gồm hai nhóm lớn: một là bộ phận quan lại, công chức cao cấp cũng là trí thức thượng lưu, số người này ngoài sách báo bằng tiếng Pháp, chỉ đọc đến Tự Lực văn đoàn là cùng. Bên cạnh đó là bộ phận công chúng đông đảo hơn nhưng cũng táp nham hơn, bao gồm các nhà buôn nhỏ, các loại thầu khoán, ký ga, giáo viên tiểu học, thư ký hãng buôn và công chức loàng xoàng... Mang nặng dấu ấn của một đời sống thành thị vừa hình thành, bộ mặt tinh thần của họ thường khi pha tạp, nửa tỉnh nửa quê, nửa cũ nửa mới. Không bao giờ họ bị đẩy vào cảnh khốn quẫn như những tầng lớp bần cùng nhất của xã hội, song cuộc sống trước mắt họ cũng đầy tai biến, cũng hội tụ đủ chìm nổi, rủi may, xót xa, ân hận... Cố nhiên là họ dễ có sự thông cảm với tác phẩm của những Nguyễn Công Hoan, Lan Khai, Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Thanh Châu, Nguyễn Đình Lạp... Trong số này, Lê Văn Trương có một vai trò đặc biệt. Cuộc đời của ông, tính cách của ông mang nặng cái chất trung lưu mà chỉ thời tiền chiến mới có. Theo lời kể của Lan Khai (trong cuốn Lê Văn Trương, mớ tài liệu cho văn học sử Việt Nam in ra cuối những năm 1930) thì Lê Văn Trương "tầm vóc cao nhớn, dáng đi lừ lừ như một con cá chắm lội, với một màu da bánh mật, gương mặt rắn căng, một cái trán hẹp của người thiết thực, đôi mắt sâu gườm gườm và những cái nhìn nhanh như chớp". ấy bề ngoài như vậy, song thực ra, theo Lan Khai, Lê Văn Trương lại là một con người yếu đuối "nhát như thỏ, mềm như sứa". Luôn luôn, ông phải gồng mình lên mà sống. Sở dĩ trong các tác phẩm, ông nói rất nhiều "những lời liên miên, những lời sảng loạn", bởi lẽ ông muốn cầu xin những cái chính ông đang thiếu. Một người mù rên rỉ đòi ánh sáng - trong cái nhìn của Lan Khai, hành động sáng tác của Lê Văn Trương hiện ra vừa anh hùng, vừa thảm hại như vậy! Thoạt đầu, ông chỉ nói một mình mình nghe, một mình mình biết, "những lời lặp đi lặp lại của một kẻ gần như mất trí". Đến lúc nhận ra rằng nó cần cho chung quanh, ông mới nảy ra ý định kêu gào hộ mọi người. Rút cục thì cái tính cách phường tuồng của các nhân vật Lê Văn Trương dù đôi khi gợi lên ái ngại, ít nhiều vẫn cứ làm người đọc cảm động. Có thể là ngòi bút ông còn thiếu chất nghệ sĩ, lại càng chưa được tinh luyện, nhưng có hề gì, cái chính là ông đã lên tiếng, nhân danh những con người giống ông, những con người cũng khao khát hành động như ông, theo những chuẩn mực mà ông và họ cùng tin tưởng. Từ chỗ "tự thôi miên", ông đã mặc nhiên tạo được khả năng thôi miên kẻ khác, lý do là ở chỗ ấy.
Nỗi buồn để lại
Vào thời tiền chiến, hầu như trong giới viết văn, người ta chưa thật có một ý niệm đầy đủ về văn hóa đại chúng, như cách bây giờ chúng ta thường hiểu. Nỗi lo của các nhà văn Tự Lực là nỗi lo góp mặt với đời, chứ mấy ông đâu có bận tâm nhiều đến chuyện chiều nịnh bạn đọc để kiếm sống. Các nhà văn trong nhóm Tân Dân có vất vả hơn trong việc nuôi sống bản thân và gia đình, song từ Nguyễn Tuân ung dung tài tử, tới Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng... có phần túng đói hơn, cũng chưa ai sa đà đến mức thương mại hóa ngòi bút. Lê Văn Trương là một ngoại lệ chăng? Không hẳn. Với mỗi cuốn sách, ông đều gửi gắm vào đấy khá nhiều tâm huyết; hơi thở hổn hển của ông đôi khi có thể cảm thấy trên từng chương từng đoạn tiểu thuyết. Sự thiêng liêng của nghề nghiệp là điều mà Lê Văn Trương hằng tâm niệm. Chỉ hiềm một nỗi nó không được bảo đảm bằng một nghệ thuật tương xứng. Sở dĩ ông vẫn thường bị kêu là làm hàng, lý do là ông viết quá nhiều, không để công chăm chút tác phẩm mà chỉ mải viết cho xong, cốt viết lấy được, và có vẻ sẵn sàng kiêu hãnh vì thấy nhiều độc giả bị cuốn hút theo. Chưa hẳn Lê Văn Trương cố tình sống và viết vội vã, cẩu thả, mà cái tạng của ông là thế. Với cái tạng ấy ông có những chỗ được của mình và những sự phải trả giá. Chỗ được (sách bán chạy - độc giả đông - tác động xã hội lớn) - ông chỉ kịp hưởng trong một thời gian ngắn. Còn sự thất thiệt lại kéo dài. Suốt mấy chục năm nay, thành kiến còn đè nặng lên Lê Văn Trương, khiến các nhà văn học sử nhiều khi bất công mà quên cả công góp của ông. Số phận của ông là thế. Nếu để ý kỹ sẽ thấy hiện tượng Lê Văn Trương tồn tại ở những nền văn học khác nhau, trong những thời khác nhau. Từ những sáng tác của họ, đúng hơn từ ảnh hưởng mà các cây bút đó gợi ra, người ta có thể nhận ra những đường nét làm nên bộ mặt xã hội đương thời. Còn ở góc độ thuần túy văn chương, bài học rút ra từ trường hợp Lê Văn Trương, tiếc thay lại là những bài học buồn mà trong nghề, người ta không mấy khi nói thẳng với nhau, người ngoài nghề cũng ít biết, song thực tế vẫn là có thật. Chỉ có trong các cuốn sách giáo khoa, văn học mới phát triển mạch lạc, công bình, hợp lý. Còn trong thực tế, các quá trình văn học thường khi xô bồ hỗn độn, cái tinh túy pha trộn giữa bao cái xoàng xĩnh tầm thường, nhất là ở những nền văn học mang nặng tính cách thuộc địa như ở ta thời tiền chiến.

Lời kêu gọi: Phải biết vượt thoát khỏi những định kiến

Không được vồ vập săn đón như tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử... song dần dà, nhiều cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Lê Văn Trương đã được lục tục in lại. Phải chăng, sau một thời gian dao động, rồi giá trị thực của Lê Văn Trương cũng được xác định? Và người ta có thể bắt đầu nói tới những bài học rút ra qua "một cách tồn tại trong văn học" mà ông theo đuổi?
Văn chương là khu vực ở đó dành chỗ rộng rãi cho sự sáng tạo. Các giá trị được hình thành trong văn chương thường khi là những giá trị khác nhau như cây cỏ muông thú trong thiên nhiên vẫn khác nhau, mỗi loài mỗi giống kiếm ăn một kiểu và sống một kiểu, nên người ta dễ công bằng chấp nhận nhau, lấy sự khác của người làm niềm vui của mình. Có điều những người đã sống lâu với nghề còn biết thêm rằng thời nào cũng vậy, nghề này còn mang đầy những thành kiến định kiến, người hành nghề ở đây, vô tình cũng có mà hữu ý cũng có, thường không tránh khỏi sự dòm ngó xét nét nhau, rồi lấy những luật lệ không ghi thành văn bản ra để bó buộc nhau; bởi vậy mỗi ngòi bút sống được với nghề, nhất là những người có tên trong lịch sử thật ra đều là một ngoại lệ, một trường hợp vượt thoát, bẻ gãy thành kiến, chế ngự mặc cảm để tồn tại. Như ở trường hợp Lê Văn Trương, mà đây đó chúng ta đều đã nghe nói. Truyện ông viết nhiều khi dễ dãi, văn chương cẩu thả, nhân vật chắp nối tùy tiện. Song càng biết vậy người ta càng phải lấy làm lạ mà tự hỏi tại sao nhiều người vẫn thích đọc văn ông và một thời gian dài, đây vẫn là một tác giả ăn khách, sách in ra đều đều với số lượng lớn, bán khắp Bắc Trung Nam, và sự thực là đã tạo nên một cái tên, có được một khuôn mặt dù thế nào đi nữa thì cũng là một khuôn mặt còn lại với lịch sử. Riêng đối với những ai tài năng có hạn - chúng tôi định viết: những người hiểu mình "tài hèn sức mọn" song lại tràn đầy tâm huyết, và sức lực có thừa, và sẵn rất nhiều ham hố lập nghiệp - thì cuộc đời của Lê Văn Trương, cách tồn tại của nhà văn này, đáng được coi là một gợi ý, hơn nữa, một sự cổ vũ. ý nghĩa phổ biến của hiện tượng Lê Văn Trương là ở chỗ đó.
Chiếc giày vàng
Những ai ham thích bóng đá đều biết ở châu Âu hiện có hai giải thưởng chính dành cho các cầu thủ: một, cho người được coi là xuất sắc nhất của một mùa bóng; và một nữa, cho người đã chơi hiệu quả nhất, tức sút vào lưới đối phương được nhiều hơn ai hết.
Mượn cách nói đó, để phân loại các nhà văn tiền chiến, có thể bảo: trong khi Nhất Linh, Khái Hưng, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao thay nhau giành "quả bóng vàng" thì Lê Văn Trương chỉ nhăm nhăm tính chuyện giành "chiếc giày vàng" và sự thực là đã sống trong tâm trí người đương thời với cái danh tiếng đó. Về sự độc đáo công phu, những cái thiết cốt với nghề, ông không bằng ai. Song ông chịu viết, dám viết và phải nói là rất có duyên "làm bàn", tổng cộng ông đã đứng tên sau hơn một trăm đầu sách.
Ngay ở điểm này thấy Lê Văn Trương vượt qua được một định kiến hết sức phổ biến xưa nay; định kiến rằng trong văn chương quý hồ tinh bất quý hồ đa; nhà văn phải lấy chất lượng làm chính, với nghĩa phải thôi xao cân nhắc đắn đo từng chữ, phải sẵn sàng viết đi viết lại hàng trăm lần mỗi bản thảo như ông Tolstoi và những nhà văn kếch sù nào đó đã làm. Không! Trong khi ở xứ sở này nhiều nhà văn chạy gạo nuôi vợ nuôi con chưa xong, lấy những tấm gương ấy ra dỗ ngon dỗ ngọt họ, buộc họ phải theo, thì có khác chi xui dại họ, tước vũ khí đồ nghề, cái cần câu cơm của họ. Từ cuộc đời của Lê Văn Trương, người ta nghe ra những lời khuyên khác về nghề. Vâng, chữ văn kia cũng có ba bảy đường! Hãy cứ viết như mình có thể viết, miễn có bạn đọc là được. ở thời của Lê Văn Trương, chưa có chế độ bao cấp, nên nhà văn sách bán ế là nhà xuất bản cúp lương ngay, chỉ sợ các ông chủ xuất bản cắt suất quá nhanh, chứ không sợ ai nuông chiều làm hỏng mình cả.
Viết cho bạn đọc hôm nay
Để đạt tới sự sung mãn của ngòi bút, tức luôn luôn viết nhiều viết khỏe, một thành kiến khác mà Lê Văn Trương phải vượt, mà xem ra đã vượt qua dễ dàng: ông không quá quan trọng hóa nghề nghiệp. ở dạng thô thiển của nó, triết lý "hạnh phúc là ở trong hành động" luôn luôn ám ảnh ông. Và toàn bộ cuộc đời ông là nhằm minh họa cho nó. Với Lê Văn Trương, viết văn không phải thứ nghề cứ đốt lò hương cho đến sáng, rồi băn khoăn, rồi chiêm nghiệm, đến mụ mị cả tâm hồn, mà là chuyện mở sạp hàng giữa chợ, có khách đến đâu phục vụ đến đấy, trong lúc mọi người đang đói chưa làm được thức ăn ngon, thì một ít mì ăn liền sốt dẻo cũng đã quý lắm rồi.
Không phải Lê Văn Trương không biết đến những thiêng liêng cao cả người đời gán cho nghề văn, song ông có cách hiểu riêng và con đường riêng để đi tới sự thiêng liêng đó. Triết lý người hùng của Lê Văn Trương không mới mẻ, cao xa, thậm chí là còn có vẻ phường tuồng giả tạo, song nó giản dị, thiết thực và vẫn là hướng thiện, nên thích hợp với đám độc giả trung lưu đương thời. Về phần mình, Lê Văn Trương đã rất trung thành với triết lý đó; trước sau ông vẫn là một trong số ít nhà văn tiền chiến có một triết lý để theo đuổi từ đầu đến cuối.
Người nhẹ vía
Đẩy quá lên một chút, cái nhìn thực dụng kiểu Lê Văn Trương có thể dễ dàng dẫn tới cách sống tàn nhẫn, dùng văn chương xúi giục bạo lực, và tối thiểu biến việc cầm bút thành một hành động bịp bợm. Song Lê Văn Trương đã dừng lại đúng lúc. Trong các tiểu thuyết, con người đạo lý của ông thường xuyên phơi ra lộ liễu đến mức trở thành mọi cái đích cho mọi kẻ ghét ông tha hồ nhắm bắn. Có điều không nên quên là chính nhờ có thứ đạo lý ít nhiều cổ lỗ ấy mà con người hùng trong các tiểu thuyết của ông lại có được cái yếu đuối dễ gần của những con người bình thường. Trong đời tư, ông cũng là kẻ sẵn sàng phô ra mọi chỗ yếu như vậy, ông thích khoa trương; mỗi khi cơn bốc đồng kéo đến, ông không ngại đứng ra nói dông nói dài đủ điều về những chuyện mà thật ra ông không thành thạo. Để bù lại, được cái bao giờ ông cũng thành thật và tính thích sòng phẳng. Ông không có lối làm bộ làm tịch hù dọa mọi người, vênh vang tưởng rằng mình thuộc loại cao lương mỹ vị tới mức thiên hạ không ai hiểu. Với sự nghiệp của mình, ông có cái nhìn nhẹ nhõm hồn nhiên, nghĩa là mặc dù thường xuyên thao thao bất tuyệt thuyết lý song ông không ràng buộc ai hết, đến cả chính đời sống bản thân, Lê Văn Trương cũng không quá coi trọng, nói chi là những ý tưởng hão! Day tay mắm miệng để viết, song, theo hồi ức của những người đương thời, Lê Văn Trương vẫn ham chơi chẳng kém một ai. Sau mỗi lần viết lách được ít tiền ông hào hiệp thết đãi bạn bè đến đồng bạc cuối cùng. Ông lại cũng hay làm việc nghĩa, kể cả những việc nghĩa với các đồng nghiệp. Đọc mấy câu một ông lớn trong nghề đương thời như Lê Văn Trương giới thiệu một cây bút mới vào nghề như Nam Cao in ở đầu tập Đôi lứa xứng đôi (tức Chí Phèo) người ta không khỏi ngạc nhiên. Ông không ích kỷ. Nhiều kẻ ích kỷ chỉ bởi họ quá coi nặng ý nghĩa của những gì họ viết ra, lúc nào họ cũng chăm chút lo liệu chỉ sợ không đắc đạo để kịp trở thành thánh. Sự lương thiện nơi Lê Văn Trương trước tiên bộc lộ ở chỗ, cả đời ông không bao giờ tính chuyện thánh hóa. Với sự lương thiện ấy, ông thật đã vượt qua một thành kiến lớn ngầm chi phối nghề cầm bút đương thời. Và đây có lẽ là sự vượt thoát quan trọng nhất trong đời văn của ông, nó cũng là một lý do khiến Lê Văn Trương có thể tồn tại một cách đàng hoàng trong thời tiền chiến, mặc dù không bao giờ ông là một nhà văn lớn.
Hai đoạn văn ngắn của Lê Văn Trương
* Vai trò của những thử thách trong quá trình lập nghiệp của một con người 
"Có nhiều thiếu niên thật có đủ thông minh và nghị lực để gây một sự nghiệp mà đến nỗi suốt đời chẳng có sự nghiệp gì, lại còn bị bả yên hoa cám dỗ đến thành ra người vô dụng và đắc tội với xã hội: ấy cũng chỉ vì họ gặp nhiều may mắn quá (...) Biết bao thiếu niên có tài trí mà đến nỗi mai một một đời, chỉ vì cả đời không bị nhịn đói một bữa nào, không bị rét cứng hàm một đêm nào, không bị người ta đem ném sự thực cay đắng vào mặt một lần nào!
Trái tim và khối óc là hai vật quý nhất trời ban cho loài người, để làm tăng giá trị của mình, cần phải được đem dùng một cách mãnh liệt, cần phải đem hun vào lò lửa nóng của thế sự thì nó mới chịu "nhả" ra hết chất vàng của nó.
(Trích từ tiểu thuyết Một người)
* Một định nghĩa về hạnh phúc
"Tôi có cảm tưởng như tôi đã hiểu hạnh phúc là gì. Nó không ở đâu cả, nó ở ngay trong hành động của ta. Chúng ta đi tìm hạnh phúc trong yêu đương, chúng ta đi tìm hạnh phúc trong hôn nhân, chúng ta đi tìm hạnh phúc trong sự thành tựu của những công việc chúng ta mưu toan, chúng ta đi tìm nó ở những kết quả.
Nếu chúng ta đi tìm như thế thì chúng ta không tìm thấy nó ở đâu cả. Cứ hành động đi với tất cả lửa thiêng và niềm tin, đó là hạnh phúc rồi. Hạnh phúc toát ra ở ngay việc làm, chứ không phải chờ ở kết quả..."
(Trích từ tiểu thuyết Người chồng hoàn toàn)













Đọc truyện Lê Văn Trương
























Nhà văn Lê Văn Trương và những cuộc tình không giống ai


Lê Văn Trương được mệnh danh là nhà văn đắt giá nhất thời tiền chiến. Sách của ông luôn được bạn đọc đón đợi, tìm kiếm bởi sức lan toả, khêu gợi và cuốn hút. Những hình tượng ông xây dựng trong tác phẩm thật gần với con người ông: Phong lưu, hào sảng. Ngoài ra ông còn là mạnh thường quân trong mắt mọi người. Thế nhưng ít ai biết, đằng sau ánh hào quang chói lọi, Lê Văn Trương lại là một người không giống ai trong lối sống và cách làm việc.

Bắt vợ cả mang trầu cau đi hỏi vợ hai cho mình

Giữa cái nắng như đổ lửa, chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Giáng Vân, con gái của nhà văn Lê Văn Trương tại Gò Sao, quận 12 TP. Hồ Chí Minh. Sau cánh cổng sắt nặng nề là khuôn viên cây xanh vô cùng đẹp mắt. Đây là nơi con gái nhà văn sinh sống đồng thời là nơi an nghỉ vĩnh hằng của hai vợ chồng nhà văn Lê Văn Trương. Nằm trên tấm phản trong căn buồng nhỏ, dù đang bị gãy chân, bà Vân vẫn gượng dậy để tiếp PV báo ĐS&PL. Khom người đỡ chiếc chân đang bó bột, bà bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện xung quanh người cha nổi danh của bà.


Bà Lê Thị Giáng Vân, ái nữ của nhà văn Lê Văn Trương bên nơi yên nghỉ vĩnh hằng của cha mẹ.

Ngày ấy, trong những lần đi nhảy đầm, như bao người đàn ông khác, cụ Trương mê đắm cô Đào. Sau khi lân la, làm thân, biết được hoàn cảnh đưa đẩy, biến nàng Đào từ người phụ nữ đoan trang thành cô gái giang hồ, ông càng thương cảm và mê nàng. Nguyễn Thị Đào kém nhà văn gần hai chục tuổi. Trước khi bước chân vào vũ trường làm gái nhảy, Đào là một người con gái đáng thương. Nhan sắc mặn mà, hơn người, vì gia cảnh khó khăn, nàng bị cha mẹ ép duyên. Không đồng ý với cuộc hôn nhân sắp đặt ấy, cô bỏ miền quê Nam Định lên Hà Nội lập nghiệp. Thân gái dặm trường, cô bị sa chân đi làm gái nhảy. Sau đó, cô lấy một ông (đốc-tờ), có với nhau một mặt con, nhưng được một thời gian thì bỏ nhau. Để có tiền nuôi con, cô bắt buộc phải theo nghề gái nhảy.

Điều đặc biệt, mối tình giữa nhà văn và cô Đào được chính người vợ cả chấp nhận. Theo lời kể của Giáng Vân, con gái nhà văn, sau khi cưới bà Đào, cha bà để hai người phụ nữ sống cùng với nhau. Các lễ nghi cưới xin, một tay người vợ cả lo chu đáo. Lý giải về điều này, bà Vân tâm sự: "Hành động đi cưới vợ hai cho chồng của mẹ tôi là một việc làm vô cùng cao thượng. Có ai chấp nhận được hành động đớn đau ấy. Thế nhưng mẹ tôi vẫn làm việc ấy bằng cái tâm của mình. Có lẽ hành động ấy xuất phát từ tình yêu bà dành cho bố tôi”. Cũng theo lời kể của bà Vân, từ ngày có hai người vợ cùng thương yêu, chăm sóc cho mình, sự nghiệp của nhà văn lên như diều gặp gió. Chưa bao giờ Lê Văn Trương phải đau đầu vì chuyện của các bà vợ bởi họ luôn yêu thương, giúp đỡ nhau như chị em.

"Phía sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng người phụ nữ", quả thật đúng với nhà văn Lê Văn Trương. Có thể nói, thành công của ông phải kể tới đức hy sinh của người vợ cả. Bà Ngô Thị Hương, người vợ cả sẵn sàng hy sinh tất cả, làm những điều ngược đời: Mang trầu cau đi hỏi vợ lẽ cho chồng chỉ để ông vui vẻ để viết văn. Nói về người vợ cả của nhà văn, người vợ ba tên Lan luôn dành những từ đẹp đẽ cho người phụ nữ ấy dù bà chỉ ở cùng ông trong 3 năm (bà Lan là người vợ thứ ba của nhà văn. Bà kém ông nhiều tuổi nhưng bà yêu ông từ khi 17 tuổi qua việc đọc các tác phẩm. Là con nhà giàu, gia giáo, nhưng vì tình yêu với ông, bà bất chấp tất cả để được làm vợ ba).


Nhà văn Lê Văn Trương.
Người cha lập dị đầy tự hào


Mối tình văn nghệ

Là một nhà văn nổi tiếng, số lượng sách xuất bản vào bậc nhất (thời kỳ 1935-1944) nên bản thân ông có cuộc sống vô cùng phong lưu. Có lẽ chính sự phong lưu ấy đã khiến những người phụ nữ xung quanh ông xiêu lòng, sẵn sàng bất chấp để được ngả vào vòng tay yêu thương của ông. Thế nên, dù rất yêu thương người vợ của mình, ông cũng đành phụ bà, lấy thêm người vợ lẽ. Đó là Nguyễn Thị Đào, một cô gái nhảy.

Cách đây 15 năm, khi vô tình gặp lại cô Lan, người vợ thứ 3 của cha mình, bà Lê Thị Giáng Vân đã mời về nhà dự đám giỗ nhà văn. Bà Vân không thể nào quên được những lời nói xuất phát từ đáy lòng của dì ba: "Mợ thấy con phải cảm ơn thầy con và tự hào là con có một người cha đặc biệt. Tuy có đến ba đời vợ, nhưng thầy con không bao giờ muốn có nhiều dòng con. Mợ là người mê sách, ham đọc sách. Đọc nhiều sách của thầy con, mợ yêu lúc nào chẳng hay. Khi yêu rồi, mợ bất chấp tất cả để được làm vợ của cha con. Ba năm chung sống cùng mẹ con dưới một mái nhà, vậy mà chưa bao giờ, chị em xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Mợ ra đi vì không có kết quả với thầy con. Chỉ đến khi quyết định ra đi, mợ mới vỡ lẽ nguyên nhân vì sao ba năm ấy, mợ không có được một mụn con. Tình yêu giữa mợ với thầy con là tình văn chương nên không thể có con được. Khi mợ đòi có con, mợ nhận được câu trả lời: "Nếu em yêu cầu có con thì anh xin lỗi. Anh không bao giờ muốn có hai, ba dòng con". Nghe câu trả lời ấy, quá đau lòng nên mợ phải ra đi”.

Là con của một nhà văn lớn, lại mang trong mình tình yêu văn chương mãnh liệt, Lê Thị Giáng Vân luôn hiểu và thương yêu cha mình hết mực. Bà hiểu và cảm thông với những tình cảm của cha mình khi dành cho nhiều người phụ nữ khác ngoài mẹ. Thế nên, trong số 5 người con đẻ của Lê Văn Trương, Giáng Vân là cô con gái duy nhất và cũng là người con được nhà văn yêu quý nhất. Mỗi khi ông tự nhốt mình, cô lập với thế giới bên ngoài để viết văn, Giáng Vân là người duy nhất được ông gọi vào chỉ để trò chuyện. Cứ hai đến ba ngày, cụ lại gọi vợ bảo mang con gái vào chơi còn những người khác, không được tới gần căn buồng để tránh việc làm phiền ông. "Cha tôi nhốt mình trong phòng có khi một tuần, hai tuần chỉ để viết văn. Viết xong tác phẩm, ông mới ra ngoài gặp gỡ mọi người. Ngay cả việc ăn uống, ông cũng ăn trong phòng. Hàng ngày, đến giờ cơm nước, mẹ tôi lại đưa cơm vào qua một ô vuông nhỏ, ăn xong thầy lại đưa bát ra", bà Giáng Vân chia sẻ. Hay như khi biết tin nơi gia đình ở giặc đang càn, chẳng ngại mưa đạn, cụ Trương phi ngựa về nhà chỉ để xem xét con gái và các thành viên trong gia đình có an toàn không. Có lẽ, nhờ tình yêu bao la với gia đình, lối làm việc không giống ai cùng những hạnh phúc viên mãn trong tình yêu, Lê Văn Trương mới trở thành nhà văn ăn khách nhất thời đó. Những nhân vật ông xây dựng trong tác phẩm thật chân thực, gần gũi cho nên ông có một lượng độc giả lớn, các nhà xuất bản thi nhau đặt hàng.

Mỗi khi lĩnh tiền xuất bản sách, ngoài việc mua sắm cho vợ con, Lê Văn Trương còn gọi bạn bè đến nhà ăn uống. Đặc biệt, những nhà văn mới vào nghề, nhà văn nghèo khổ, ông sẵn sàng gọi họ đến nuôi ăn, ở miễn phí mà không đòi hỏi được báo đáp, trong đó có nhà văn Nguyễn Bính, Trúc Đường, Trần Huyền Trân, Đinh Hùng.

Khi mọi người đến nhà, ông hồ hởi bảo: "Các chú cứ ngồi đây mà viết văn. Ma đam của tớ sẽ thết đãi cơm rượu. Ăn xong mỗi người một xó mà viết". Khi gần hết tiền thì ông bảo mọi người tạm thời giải tán, khi nào có tiền, ta lại tụ tập tiếp. Trong mắt những nhà văn thời đó, ông được coi là mạnh thường quân. Chính vì những điều đó, Lê Thị Giáng Vân luôn tự hào mỗi khi có dịp nói về người cha của mình.


Tình yêu duy nhất

Ở vào cái tuổi thất thập cổ lai hy, có lẽ chưa bao giờ bà Giáng Vân chứng kiến tình yêu mãnh liệt nào như tình yêu của cha mẹ dành cho nhau dù ông có tới ba người vợ. Trong một lá thư gửi cho người vợ cả khi đi đến quyết định lấy thêm vợ, nhà văn cũng luôn khẳng định ông chỉ yêu một mình bà và chỉ có những đứa con với người vợ cả. Những thứ tình sau, chỉ là tình văn chương: "Em thân yêu của anh. Em hoàng hậu của anh. Anh cúi xin em tha thứ cho cuộc đời nghệ sỹ lầm lỗi của anh. Anh chỉ có một mình em và những đứa con thân yêu thôi. Còn anh có chung sống với bao nhiêu người phụ nữ khác, chỉ là tình văn nghệ”.


Hồng Mây











TRƯỜNG ÐỜI LÊ VĂN TRƯƠNG


Năm tôi 11, 12 tuổi, tôi đọc tiểu thuyết Trường Ðời của Nhà Văn Lê Văn Trương, tôi đọc tiểu thuyết Giông Tố của Nhà Văn Vũ Trọng Phụng, Tôi đã viết nhiều lần:

“Ai hỏi những tiểu thuyết nào có ảnh hưởng đến việc tôi thích viết truyện, tôi trả lời: Trường Ðời của Lê Văn Trương, Giông Tố của Vũ Trọng Phụng.”

Trước năm 1945 tôi théc méc về 5 chữ “Phổ Thông Bán Nguyệt San” in trên trang bià những quyển tiểu thuyết như quyển “Trường Ðời.” “Phổ Thông Bán Nguyệt San” là cái gì? Mấy ông anh tôi, các ông chú, ông cậu tôi có nhiều ông thích đọc tiểu thuyết, tôi hỏi nhưng không ông nào trả lời được. Những năm xưa ấy tôi không chú ý đến dòng chữ nhỏ “Tạp chí văn học ra đầu tháng và giữa tháng” nằm dưới hàng chữ “Phổ Thông Bán Nguyệt San.” Mà có chú ý tôi cũng không hiểu nghĩa. Nhiều năm sau, khi cuộc đời không còn những quyển tiểu thuyết “Phổ Thông Bán Nguyệt San” tôi mới biết Phổ Thông Bán Nguyệt San là tờ báo tháng ra hai kỳ, Nhà Xuất bản Tân Dân dùng cách này để được dễ dàng trong việc kiểm duyệt sách, Như vậy mỗi tháng Nhà Tân Dân xuất bản 2 quyển tiểu thuyết, đều đều trong nhiều năm. Một nhà xuất bản mỗi tháng in ra hai quyển tiểu thuyết phải kể là nhiều. Một kỷ lục trong số những nhà xuất bản Việt từ ngày Việt Nam có Nhà Xuất Bản Tiểu Thuyết.

Tôi không biết sau chiến tranh năm 1946 ông Lê Văn Trương trở về Hà Nội năm nào, tôi chỉ thấy ít nhất ông cũng trở về sống ở Hà Nội hai, ba năm trước năm 1954 là năm ông vào Sài Gòn. Về Hà Nội sau năm 1946,, ông Lê Văn Trương, Nhà Văn viết nhiều tiểu thuyết nhất Việt Nam, nhiều tiểu thuyết của ông rất “ăn khách”, không viết gì cả. Nguồn sáng tác của ông bị cạn. Một truyện ngắn ông cũng không viết. Vào Sài Gòn năm 1954 ông cũng không viết qua một trang tiểu thuyết nào. Thời gian đầu ông tìm những tiểu thuyết đã xuất bản của ông, nhiều quyển ông lấy ở những nhà cho mướn truyện, đem đến dạm bán cho mấy tờ báo, đề nghị nhà báo mua, đăng. Theo lệ, nhân viên những nhà báo nhận tác phẩm dạm bán không trả lời không mua ngay, mà nói:

“Ðể chúng tôi đọc. Tuần sau ông trở lại.”

Tuần sau ông LV Trương trở lại, nhà báo đưa trả mấy quyển truyện của ông:

“Truyện này không hợp với báo chúng tôi. Xin gửi lại ông.”

Nhà Văn LV Trương bắt đền:

“Trong lúc báo ông giữ tác phẩm của tôi, có người hỏi mua, tôi không có tác phẩm để bán. Báo ông làm tôi bị thiệt hại..”

Nhà báo phải bồi thường cho ông một khoản tiền. Tôi – CTHÐ – chứng kiến chuyện tôi vừa kể ở toà báo Ngôn Luận.

Sau 1954 Sài Gòn tái bản những tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Bằng, Khái Hưng, nhưng không tái bản một tiểu thuyết nào của Lê Văn Trương. Tôi không biết tại sao.

Ông Lê Văn Trương là nhà văn Việt Nam – có thể là duy nhất – có đàn em viết truyện, ông sửa lại rồi ký tên ông đem bán cho nhà xuất bản. Vì ông nổi tiếng, vì truyện ông có nhiều người mua đọc, nên cứ truyện ký tên ông là nhà xuất bản mua. Người Pháp gọi những người viết truyện loại này là nègre. Hai ông đàn em viết truyện cho ông Lê Văn Trương ký tên làm tác giả là ông Ðặng Ðình Hồng, và ông Tân Hiến. Hai ông này cùng vào Sài Gòn năm 1954. Cả ba ông cùng nghiện thuốc phiện.

Tôi thấy từ ngày vào Sài Gòn ông Lê Văn Trương không làm qua một công việc gì cả. Ông nghiện thuốc phiện nặng. .Ðời sống của ông đi vào tình trạng thiếu đói, vất vả, cực khổ. Từ năm 1960 ngày ngày ông lang thang đi tìm người quen để xin tiền, giới văn nghệ sĩ Sài Gòn gọi việc đi xin tiền người quen này là “đi cốc.”

Khoảng năm 1958 hai ông Hoàng Xứ Lào Phoumi và Phouma tranh quyền làm Thủ Tướng Chính Phủ. Mỗi ông Hoàng có một số quân sĩ, hai ông dùng quân đội đánh nhau, những cuộc binh biến xẩy ra liên miên trên đấi Ai Lao. Nguồn cung cấp thuốc phiện cho Sài Gòn thời ấy là Ai Lao. Thuốc phiện từ Lào về Sài Gòn bằng đường hàng không. Một lần xẩy ra cuộc binh biến, phi trường Vientiane bị đóng cửa nhiều ngày. Nguồn thuốc phiện từ Vientiane về Sài Gòn phải ngừng. Thuốc phiện trở thành khan hiếm ở Sài Gòn. Những nhà buôn thuốc phiện không bán hàng ra, có bán thì cầm chừng, và bán giá đắt. Giới đệ tử của Phù Dung Tiên Nữ rơi vào tai kiếp không có thuốc hút. Dân Hít Tô Phê – Hít Thuốc Phiện – có thể nhịn ăn vài ngày nhưng nhịn thoóc một bữa thì không được. Không có thoóc. có tiền cũng khó mua được thoóc. Mà 90/100 dân Hít Tốp là dân nghèo, không phải nghèo thường mà là nghèo mạt rệp, nghèo đến con rêp cũng không sống nhờ được.

Thời ấy Sài Gòn có câu:

“Phu-mi, Phu-ma đánh nhau. Phu-mơ chết.”

Phu-mơ: fumeur: người hút.

Trong cơn bĩ cực ấy có ông nghiện nghĩ ra chuyện lấy sái thuốc phiện nấu với nước, lọc cho hết chất sạn, than, tro, dùng ống chich hút chất nước sái thuốc phiện chích thẳng vào mạch máu. Chất thuốc phiện vào máu, người nghiện phê ngay trong nháy mắt. Ðang hút 100 đồng, chỉ cần chích 10 đồng là người nghiện phê hơn hút. Nhưng việc chích – dân nghiện gọi là choác – làm hại cơ thể người chích gấp nhiều lần việc hút. Chích 1 năm hại người bằng hút 10 năm. 10.000 người nghiện hút may ra có một, hai người bỏ được hút, người choác thì 10.000 người chết cả 10.000 người.

Ông Lê Văn Trương trở thành dân choác. Người ông khô đét, da ông đen sạm. Bà vợ sống với ông từ Hà Nội trước 1946 tới ngày ông qua đời ở Sài Gòn là bà Ðào. Bà này không phải là vũ nữ Dancing Fantasio mà là bà cô đầu.

Trên Internet bài viết về Nhà Văn Lê Văn Trương do một người Hà Nội – Việt Cộng – viết có đoạn như sau:

Buồn chán, nhân bệnh gan cũ tái phát ông đến Ủy ban Hành chính Kháng chiến Liên khu III (lúc ấy đóng ở Xích Thổ, tỉnh Ninh Bình) xin phép được về thành (Hà Nội) chữa bệnh (1953). Về lại Hà Nội, ông cộng tác với báo Mới ở Sài Gòn, và viết sách.

Ðầu năm 1954, ông vào Sài Gòn làm thầu khoán, viết báo, tái bản sách. Năm 1959, ông làm việc cho Ðài Phát thanh Sài Gòn được một thời gian thì gặp chuyện không may: Vì trùng tên với một người dám đả kích bà Cố vấn Ngô Ðình Nhu (tức Trần Lệ Xuân), ông bị gọi vào Phủ Tổng Thống làm việc. Mặc dù đã minh oan và cả sau khi sự việc đã rõ, bà Trần Lệ Xuân vẫn dửng dưng không đính chính. Ông bị Ðài Phát thanh sa thải. Cảnh nhà hết sức quẫn bách cộng thêm nỗi sách in ra không bán được, công việc kinh doanh cũng đình đốn.

Ngày 25 tháng 2 năm 1964, Lê Văn Trương mất tại một căn nhà hẹp ở hẻm Bùi Viện, Sài Gòn (nay thuộc phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), trong cảnh nghèo đói và tật bệnh, lúc 58 tuổi.

Ngưng trích bài trên Internet.

CTHÐ: Ðoạn trên có những sự kiện không đúng: ông Lê Văn Trương không viết gì khi ông trở về Hà Nội, không có chuyện vào Sài Gòn ông làm thầu khoán, viết báo, tái bản sách, làm nhân viên Ðài Phát Thanh Quốc Gia. Bệnh nghiện làm ông suy nhược cả thể xác và tinh thần. Chuyện ông bị gọi vào Phủ Tổng Thống “làm việc” vì ông trùng tên với một người đả kích bà Ngô Ðình Nhu là chuyện bịa em nhỏ lên ba cũng không tin. Chuyện bịa cho thấy sự ngu dốt của người bịa.

Tú Kếu có bài thơ về Nhà Văn Lê Văn Trương:

Nhớ Một Lần Bác Trương

Một lần tôi gặp bác lang thang
Bác gọi tôi sang giọng vội vàng
“Ðằng ý có tiền cho tớ ít”
Ðường trưa bốc khói nắng chang chang

Lúc ấy tôi đang quả thật nghèo
Tiền lương viết báo chẳng bao nhiêu
Tay không lúng túng sờ trong túi
“Còn mỗi trăm đồng bác tạm tiêu”

“Một trăm tốt quá “mẹc xi vu”
Chính phủ mày xem chúng nó mù
Văn nghệ như tao mà bị đói
Trách nào không khổ bọn dân ngu.”

Bác nói tôi nghe mủi cả lòng
Ngày xưa có thuở bác thành công
Một thời hiển hách ngôi thần tượng
Tiền bạc ê hề như nước sông!

Thấm thoắt qua đi đã hết thời
Bây giờ bác rách chẳng ai chơi
Cái đời văn nghệ buồn hơn chó
Thua thiệt riêng mình thua thiệt thôi

Từ đấy đôi lần nhớ bác Trương
Lòng tôi se thắt nghĩ mà thương
Thương mình, thương bác, thương đồng nghiệp
Muốn dứt tơ tằm sợi vấn vương

Con tằm dứt ruột nhả tơ dâu
Rút cuộc hồn đơn nặng gánh sầu
Nhân thế lập lờ đôi mắt giấy
Chiều tà bóng xế ngẫm càng đau

— Tú Kếu Trần Ðức Uyển

Tú Kếu tả cảnh Nhà Văn Lê Văn Trương trong những ngày tàn tạ đi lang thang tìm người quen để xin tiền ở Sài Gòn. Ông chỉ xin tiền người quen, Tôi – CTHÐ – nhiều lần xuống tinh thần khi thấy ông Lê Văn Trương đứng ở cửa những toà báo chờ người quen để cốc tiền.

Theo tôi người bị ông Lê Văn Trương cốc tiền nhiều nhất ở Sài Gòn những năm 1960 là ông Nguyễn Vỹ. Hai ông thân nhau từ những năm 1940. Trong Hồi Ký “Những văn nghệ sĩ theo tôi biết” ông Nguyễn Vỹ kể ông không hút thuốc phiện, không uống rượu, không thích đi hát cô đầu, ông thường phản đối những ông bạn ông sống trụy lạc, nghiện ngập. Một hôm – theo ông Nguyễn Vỹ kể – ông Lê Văn Trương cùng vài ông khác kéọ ông Nguyễn Vỹ đi hát cô đầu cho bằng được. Nể bạn, ông Vỹ đi theo. Sáng ra các ông chuồn hết, bỏ ông Vỹ nằm lại. Kiểu nằm nhà cô đầu này được các ông nhà văn tiền chiến – “tiền chiến”: trước chiến tranh Việt Pháp 1946-1954 – gọi là “nằm va-li.”

Thành ngữ “nằm va-li” đi vào ngôn ngữ ăn chơi Việt từ việc theo thể thức Hotel của Pháp ngày xưa, khách mướn phòng khi đi mới trả tiền mướn phòng. Khách có thể đi công việc rồi lại về hotel. Va-li của khách để trong phòng là vật bảo đảm việc khách sẽ trở lại. Do đó có những ông khách để lại hotel những cái va-li rách, trong va-li không có gì đáng giá, để đi mà không trả tiền mướn phòng. Lại có chuyện những ông văn sĩ thời ông Lê Văn Trương xuống xóm hát cô đầu mà không có tiền trả chầu hát, nhưng các ông cứ đến hát, ăn hút, sáng hôm sau các ông để một ông nằm va-li ở nhà cô đầu, mấy ông kia về các tòa báo chạy tiền đến trả.

Ông Nguyễn Vỹ vào Sài Gòn một hai năm trước năm 1954. Khác với ông Lê Văn Trương, ông Nguyễn Vỹ viết truyện, làm thơ, làm báo rất nổi đình đám ở Sài Gòn. Và Nhà Văn Nguyễn Vỹ thành công. Ông là chủ nhiệm tuần báo Phổ Thông, làm thủ lĩnh Thi Ðoàn Bạch Nga – các ông ký giả gọi Thi Ðoàn này là Thi Ðoàn Ngỗng Trắng – có thời ông làm chủ nhiệm Nhật báo Dân Ta. Ông ngồi cả ngày ở tòa báo đường Phạm Ngũ Lão, ông LV Trương đến tìm ông Nguyễn Vỹ rất dễ. Mỗi lần ông LV Trương chỉ cốc 100 đồng là ông đủ choác một ngày. 100 đồng không lớn. Khổ nỗi ngày nào cũng phải cúng ông 100 đồng thì số tiền đó là vấn đề.

Khoảng năm 1971, 1972 một lần tôi đến tiệm hút của chủ nhân Ba Lân, Bàn Cờ, Sài Gòn. Nghe nói Ba Lân là con trai một nhà hớt tóc ở Hà Nội. Anh theo mấy ông đàn anh đi hát cô đầu. Anh nghiện hút và lấy một bà cô đầu làm vợ. Ðến tiệm Ba Lân khoảng 4 giờ chiều, tôi thấy một bà trạc 50 tuổi ngồi trong phòng khách. Lên lầu, Ba Lân hỏi tôi:

“Có thấy bà ngồi dưới nhà không?”

“Thấy.”

“Biết ai đó không?”

“Ai?”

“Bà Ðào, vợ ông Lê Văn Trương đấy. Bà ấy chờ vợ tôi về để vay tiền.”

Vợ Ba Lân – là cô đầu xưa, là bạn bà Ðào – đi đánh chắn, sáu, bẩy giờ tối mới về nhà.

Tôi thương vẻ mặt buồn của bà Ðào. Ngay tuần ấy tôi đăng Lời Kêu Gọi anh em Ký giả góp tiền giúp Bà Vợ ông Lê Văn Trương. Tiền quyên đưa cho Minh Vồ, chủ nhiệm Tuần Báo Con Ong. Ông Trần Tấn Quốc gửi giúp 5.000 đồng. Trong thư ngắn ông viết cho tôi có câu:

“Chỉ có người viết truyện mới thương xót người viết truyện.”

Số tiền quyên được khoảng 40.000 đồng. Bà Ðào cùng một người con đến toà báo Con Ong nhận tiền. Sau đó Nữ diễn viên Thẩm Thúy Hằng cho người mời bà Ðào đến nhà, hỏi mua bản quyền tiểu thuyết Bốn Bức Tường Máu để làm phim. Thẩm Thúy Hằng trả bà Ðào 100,000 đồng.

Một hôm có anh tên là Dư đi tìm tôi. Anh này không phải là ký giả mà quen nhiều ký giả. Dư nói:

“Có người quen tao nhờ tao đến nói với mày là ông Lê Văn Trương đã bán bản quyền tiểu thuyết Bốn Bức Tường Máu cho anh ta..”

Tôi biết ngay Dư, và người bạn anh ta, muốn gì. Họ muốn tôi cho Thẩm Thúy Hằng biết chuyện ông Lê Văn Trương đã ký giấy bán bản quyền tiểu thuyết Bốn Bức Tường Máu cho họ. Nay Thẩm Thuýy Hằng muốn làm phim Bốn Bức Tường Máu thì phải điều đình với họ, tức là phải chi cho họ khoản tiền. Tôi bảo Dư:

“Chúng mày tồi lắm. Chúng mày đưa ông Trương trăm bạc, chúng mày bắt ông ấy ký cái gì mà ông ấy không ký. Nay thấy có người mua, chúng mày định làm tiền. Chúng mày cứ đến nói cho Thẩm Thúy Hằng biết, tao không dính vào chuyện này.”

Internet ghi Nhà Văn Lê Văn Trương có 5 người con ra đời ở Hà Nội trước năm 1954, 5 người này sống ở Hà Nội. Ở Sài Gòn có cô Lan làm vũ nữ ở Dancing Tự Do, cô này có tên là Lan Khùng. Cô này là con gái ông Lê Văn Trương.

Tôi viết vài đoạn về tiểu thuyết Trường Ðời.

Chương 1

Tháng Tám, năm 1935, một chàng tuổi trẻ bước vào sòng bạc Pakha.

Lúc ấy vào khoảng tám giờ đêm. Những chiếc “tai-cong-tắng” ném cái ánh lửa trắng tinh, chiếu một quang cảnh hỗn độn trong một bầu không khí làm mửa ra dạ dày.

Chàng tuổi trẻ vừa giẫm chân lên cái ngưỡng cửa đã in dấu bụi của bao con người máu mê thì liền bị cái mùi hôi hám bắt ngừng ngay lại. Thốt nhiên, chàng đưa tay lên che mũi và miệng, rồi lẩm bẩm:

– Chà chà.. Thế này thì sống làm sao được?

Chàng không sống được nhưng những con người ở trong vẫn sống được, sống say mê, sống sôi nổi, chung đúc bao nhiêu nguồn sống lên cái diện tích nhỏ xíu của mấy đồng tiền sấp ngửa, dồn dập tất cả cảm giác vào cái khắc – cái khắc ngắn ngủi nhưng dài bằng cả một thời gian vô tận – của chiếc bát đồng lúc lật ra.

Ngưng trích.

CTHÐ: Ðoạn mở đầu Trường Ðời gợi tôi nhớ đến đoạn mở đầu tiểu thuyết La Peau de Chagrin của Balzac. Nhân vật Trọng Khang, vai chính tiểu thuyết Trường Ðời, làm nghề buôn gỗ ở nơi ngày xưa người Bắc gọi là mạn ngược. Bè gỗ của chàng thả trôi trên sông Hồng về Hà Nội, gặp bão, bè vỡ, gỗ trôi mất hết, chàng hết vốn. Còn 200 đồng, Trọng Khang vào sòng bạc đánh để gỡ lại vốn. Việc làm ngớ ngẩn đến em nhỏ lên ba cũng không làm.

Ðây là đoạn Trọng Khang gặp nữ nhân vật chính là Marie Khánh Ngọc:

Sáng hôm sau, lúc Trọng Khang ra đứng cửa nhìn ông Phó đóng ngựa cho mình đi thăm Khôi thì thấy một người con gái ăn mặc quần áo cưỡi ngựa, chân đi giày ủng, lưng đeo một khẩu súng lục nhỏ, tay ve vẩy một chiếc roi ngựa bằng sừng từ phiá chợ đi lại.

Người con gái ấy trạc hai mươi hai, hai mươi ba, cắt tóc ngắn theo lối đầm, trang điểm một cách rất Tây phương. Cách đi đứng tỏ ra là một người bạo dạn. Trong Khang đoán ngay là con gái ông chủ thầu.

Nàng đi đến trước mặt Trọng Khang, hỏi bằng tiếng Pháp:

“Con ngựa này của ngài đấy ư? Ngài có thể cho phép tôi được xem một tí không?”

Ngưng trích’

Trọng Khang và Marie Khánh Ngọc nói với nhau về Súng:

Trường Ðời: “Chà, khẩu súng lục ngài đeo sao to thế? Hình như nặng lắm thì phải. Ðến vài cân.”

“Chả mấy. Hơn ba cân”

“Thế thì lúc bắn thế nào?”

“Dùng nó quen đi. Tôi cho là không nặng. Chúng tôi sống cái đời rừng núi, phải cần đến thứ súng Mauser này mới bắn được xa. Chứ thứ súng của cô, không bắn xa được mấy. Ði ngựa mà lại đeo súng trường thì bất tiện lắm.”

“Súng của ngài bắn xa được bao nhiêu?”

“Có thể được hai cây số.”

“Thế cơ à? Bao nhiêu phát?”

“Hai mươi bốn phát. Sang đến đất Tầu những thứ súng này cần lắm. Bên đó giặc cỏ như rươi.”

“Ba tôi cũng đem theo mười mấy khẩu súng trận. Sang đến địa phận Tầu lại có lính của chính phủ Vân Nam đón chúng tôi. Ông có thể cho tôi xem khẩu súng của ông được không?”

“Xin vâng, nhưng mời cô vào trong này.”

*

Khánh Ngọc hấp tấp hỏi ngay:

“Ông bắn giỏi lắm à?”

“Tôi có thể bắn vỡ một quả trứng ngoài ba mươi thước.”

Ngưng trích.

CTHÐ bàn loạn: Nhà Văn tác giả Trường Ðời quên, hay không biết, trong thời gọi là thời Pháp thuộc, chính phủ Bảo Hộ Pháp không cho phép người An Nam có súng lục. Người An Nam thời ấy được cấp giấy phép mua súng săn thú, đa số là súng bắn chim, nhưng súng lục là loại súng có thể bắn chết người thì Chính phủ Bảo Hộ tuyệt đối cấm. Ngay cả đến Vua Bảo Ðại – tôi chắc – cũng không có súng lục. Ông Trọng Khang chỉ là ông lái buôn gỗ, ông lái gỗ này cần gì đến súng lục mà có súng lục? Ông Lái Gỗ không có việc gì phải sang đất Tầu giặc cỏ như rươi. Cô Marie Khánh Ngọc du học ở Pháp mới về nước, cô có bằng Tiến sĩ, làm ký gì mà cũng lưng đeo một khẩu súng lục nhỏ? Việc ông Nam Long người Việt, thầu làm một đoạn đường bên Tầu, đã là chuyện khó tin, ông Nhà Thầu này còn mang theo mấy khẩu súng trận – súng mousqueton chỉ lính khố xanh, khố đỏ mới có – là chuyện làm tôi phi-nỉ lô đia: tôi hết lời bàn loạn.

Ðây là chuyện hút thuốc phiện trong Trường Ðời:

Cơm xong, Trọng Khang thấy mặt Khánh Ngọc vẫn cứ bần thần, đem lòng ái ngại. Chàng thấy thương cái yếu ớt của người đàn bà ẩn trong cái thân thể mỹ miều của nàng. Chàng khẽ bảo:

“Tôi có một cách làm cho những dây thần kinh của cô lại yên tĩnh được ngay. Nhưng chỉ sợ cụ không bằng lòng. Tôi thú thật với cô chính lòng tôi bây giờ cũng thấy xao động nhưng cái việc nó bắt thế thì phải thế.”

“Ông bảo có cách gì? Tôi chắc ba tôi bằng lòng. Ba bằng lòng trước đi nào.”

“Ừ, ông Trọng Khang đã đề nghị ra thì chắc là hay và hiệu nghiệm.”

“Bây giờ chỉ có cách : tôi cho nó đem một cái bàn đèn về đây, cô hút ba điếu tự khắc hết ghê mình ngay. Thuốc phiện có phép mầu nhiệm làm trấn tĩnh lòng người ta.”

Khánh Ngọc vỗ tay:

“Thế thì tốt quá. Tôi chưa được hút thuốc phiện bao giờ. Tôi nghe người ta nói hút vào đi mây, về gió sướng lắm. Ông cho người đi lấy đi. Tưởng cái gì chứ cái ấy thì ba tôi bằng lòng ngay. Mẹ tôi nói lâu lâu ba tôi cũng có hút.”

Ông Nam Long biểu đồng tình:

“Ừ, phải đấy. Ðã lâu không hút, hút một vài điếu cũng hay. Ông Trọng Khang ở trong rừng nhiều, chắc cũng hay hút.”

“Vâng. Lâu lắm tôi mới hút. Nhưng đã hút một lần thì hút thật nhiều để cho thật say.”

Khánh Ngọc nhìn chàng:

“Ông không sợ nghiện à?”

“Nghiện. Nghiện ở mình. Một người đã để cho thuốc phiện bắt phải nghiện thì người ấy là một người hèn. Nói thí dụ nếu một ngày kia mà tôi có nghiện thì chính tự tôi làm cho tôi nghiện chứ không phải thuốc phiện bắt tôi phải nghiện được. Ông Giáp đã hút bao giờ chưa?”

“Có, tôi có hút vài lần cho nó biết mùi, nhưng về sau thấy tuy có khoái một tí nhưng gãi khổ quá tôi lại thôi.”


Khánh Ngọc hút liền ba điếu đã thấy hơi lảo đảo, hơi thôi, nhưng nàng cũng nhắm mắt giả say, không ngồi dậy, để được huởng cái thú nằm cạnh người mà mình yêu mến.


Một giờ sau cửa mở. Người mang chăn, quần áo, người gánh củi, ngươi bưng một mâm cháo. Lại kèm cả một cái bàn đèn.

Một tên giặc ra dáng là đàn anh trong bọn nói với Trọng Khang:

“Lão gia tôi bảo bưng bàn đèn xuống để các tiên sinh hút cho đỡ buồn. Lão gia tôi bận việc không thể xuống hầu tiếp được.”

Trọng Khang khêu ngọn đèn dầu lạc:

“Tối nay Vương Lão gia có bụng tốt mời thì ta hút cho thật say. Nhưng mai có mời thì ta phải khước đi. Bởi vì ở vào cái cảnh buồn như thế này, cứ hút mãi thì nghiện mất.”

“Phải đấy. Hôm nay ông cho tôi hút say. Tôi thấy trong người buồn bã thế nào ấy.”

“Hút thì có thể hết buồn. Nhưng cái lối này gọi là lấy thuốc độc mà chữa bệnh đây. Bệnh khỏi, thuốc độc ngấm vào người.”

Trọng Khang tiêm luôn cho Giáp ba điếu.

Ðến khi đưa mời Khánh Ngọc, Khánh Ngọc từ chối:

“Ðêm qua tôi đã hút rồi.”

“Cô không thích thì thôi. Nhưng tôi, tôi hút hết chỗ thuốc này, để thử sống lại cái đời lười biếng mơ màng một đêm xem sao. Thứ đời ấy đã lâu lắm tôi không được sống. Nay có cơ hội, sao lại bỏ qua?”

( .. .. .. )

Trọng Khang ngồi dậy, đánh sái mà không trả lời. Và từ đấy chàng chỉ hút mà không nói chuyện gì nữa.

Ngưng trích.

CTHÐ tái bàn loạn: Chuyện ông Lái Gỗ Trọng Khang, cô Tiến sĩ Marie Khánh Ngọc có súng lục đã là chuyện lạ rồi, đến chuyện ông Trọng Khang cho cô Khánh Ngọc hút thuốc phiện để cô hết buồn thì tôi chạy luôn. Thế rồi khi cô Khánh Ngọc đòi đi tắm suối làm cho ông Lái Gỗ Người Hùng Trọng Khang, người xa ba mươi thước bắn súng lục Mauser 24 viên đạn vỡ quả trứng vịt lộn, ông Tấn sĩ Bị Thịt Francois Giáp, cô Tấn sĩ Ða Tình Khánh Ngọc, ông Nhà Thầu Khù Khờ Nam Long bị anh Tướng Giặc Cỏ Tầu, bắt cóc, đòi tiền chuộc mạng. Bốn người bị giam trong hang đá, Anh Tướng Giặc Tầu cho đàn em bưng vào hang một khay đèn thuốc phiện để các vị tù nhân hút cho đỡ buồn trong khi chờ đợi người nhà mang bạc vạn đến chuộc mạng. Ông Lái Gỗ bắn súng vô địch phoong phoong khêu đèn tiêm thuốc hút thoải mái, ông lại còn kẽo kẹt đánh sái nữa.

Lần thứ hai tôi hết nước nói.

Trường Ðời, Giông Tố, hai tiểu thuyết tôi đọc năm tôi 10 tuổi, hai tiểu thuyết làm tôi có mộng viết tiểu thuyết, cả hai tác phẩm cùng có nhiều đoạn các nhân vật Hít Tô Phê. Trong Giông Tố, khi Long vừa đến gặp Nghị Hách, Nghị Hách hỏi:

“Biết tiêm thuốc phiện không?’

Long trả lời biết. Và thế là chàng thư ký Long lên nằm bên bàn đèn ngoay ngoáy tiêm thuốc cho Nghị Hách hút.

Ông Giáo Tú Anh khi đến tiệm hút tìm Long cũng nằm bên bàn đọi tiêm thưốc cho Long hút.

Một lần nữa tôi fi-ní lô đia.












Những ngày cuối cùng của nhà văn lê văn trương





Đây không phải một bài viết có tính cách khêu gợi của độc giả, của anh em, văn nghệ đồng thời với Lê Văn Trương - cũng không cần phải là bài nói lên sự có mặt của mình trong giờ phút tranh sống của Lê Văn Trương. Chính tôi, người đã được hân hạnh, một cách buốn khổ; khi cùng 1 người cháu của ông tên là Phú, đưa ông lên tầng lầu thứ 3, gọi là Trại 3 Bệnh viện Saigon .


Cũng không cần gì nhắc nhở đến sự nghiệp văn chương, và triết lý người hùng của ông, kẻ viết bài này , chỉ xin nói đến cái giờ phút đau thương của Ông mà thôi.

Khi được tin ông Nguyễn Vỹ cho hay, Lê Văn Trương sắp chết, và nhờ tôi đến xem sự thể ra sao; tôi ngạc nhiên, gần như hốt hoảng - bởi vì - Lê Văn Trương với tôi gần gũi quá, gần gũi [ từ] mấy năm gần đây, trong căn nhà ở hẻm Bùi Viện, gần trong những giờ Lê Văn Trương say sưa kể chuyện đường rừng- trong lúc Lê Văn Trương ngâm thơ Quang Dũng.

Lê Văn Trương viết văn, nhưng lại say thơ; và tỏ vẻ phục Vũ Hoàng Chương lắm. Ban đêm, nếu không đi dạo, Lê Văn Trương thường ngồi khom lưng, mân mê, đùa với mấy con mèo của ông. Có người nói, mèo chết, Lê Văn Trương khóc tới 3 ngày, khóc, kể lể thảm thương, còn hơn [ khóc] con ông ta chết ! Rất đúng. Ông thương mèo đến đỗi, tôi nghĩ, tiền kiếp ông có lẽ là mèocũng nên ! Nhà ông thường rộn rịp bóng dáng những bạn thanh niên; ít khi gặp người cùng tuổi ông lui tới thăm viếng.

Và Lê Văn Trương chơi với bạn trẻ , chơi vời mèo, ngâm thơ sang sảng, [ có khi ] suốt đêm; hăng hái, say sưa; còn hơn [ cả ] những người đầy sinh lực nữa. Giọng ngâm thơ từng đoạn vang lên, rồi trầm xuống; đôi lúc tắt nghẹn; khiến tôi nghĩ đến tiếng gầm gừ của 1 loài dã nhân- mà trước kia là loài người trong rừng rậm - dã nhân trước kia [ cũng ] là loài người, đã từng sống oanh liệt, đã từng chơi hòa hoa, đã từng là vị chủ soái cầm quân băng rừng , đã từng là một Mạnh thường quân ! Những buổi xế chiều đã hiện thân thành loài dã nhân trong rừng rú, không cần phải hối tiếc, than van chi hết !

Sau này, lý tưởng người hùng của Ông [ Lê Văn Trương ] ít nghe ông nhắc tới , ông hay ngâm thơ nhiều hơn. Ông đã quên nhiều và buồn nhiều, cái buồn từng trải đời người, [ nỗi ] buồn của sự từng trải đời người, [ nỗi ] buồn của một tâm hồn cao đẹp, đúng với ý nghĩ của nó.

Lê Văn Trương bằng lòng với cái Chơi của mình- đó là điều tôi nghĩ, ông không là một kẻ thất bại, hay bất đắc chí , vì 1 ước vọng nào cả. Ông không cần nghĩ đến chính trị hay nghệ thuật, triết lý, tư tưởng gì đâu - nói như thế, không có ý phủ nhận triết lý, văn chương của ông.

Nhưng lại là 1 người Khoái * chơi, biết chơi ! Chơi mà không biết chán. Như 1 lần , ông nói vời tôi trong đêm. Ông có tiền !!! - rủ tôi và 3 người con nuôi, dắt nhau xuống Quán Biên Thùy ở chợ Cầu Ông Lãnh ăn cháo cá. Tôi hỏi ông có buồn không ? Trả lời rất hăng hái :
"... tao biết chơi, nên không buồn, không chán, chỉ tại người ta không biết chơi, nên phải buồn vậy thôi ! ".
* chữ khoái ở đây là tiếng của ông, hay hét lên, khi làm xong 1 công việc gì. ( TTKiệt chú thích ) 
Rồi ông nói về cách chơi của ông. Tôi tiếc không thấy được Tản Đà chơi, chỉ nghe nói ông ta chơi rất phong lưu . Nhưng tôi đã nghe, đã thấy, đã sống với Lê Văn Trương, nên biết thú chơi của ông lắm ! Cả đến cái việc chơi không có gì [ gọi là chơi ]. [ Chẳng hạn ông ] chơi với mấy cái khoen sắt , mấy cái roi ngựa [ cũ ] cũng đã là thú rồi !

Và tôi không ngần ngại nói rằng :
".. văn chương nghệ thuật nào lại không thể hiện nên 1 đời sống lý tưởng, và cái lý tưởng sống của loài người, đó là biết sống. Và biết sống tức là phải biết chơi , cái chơi đó, chính là lẽ sống của đời người vậy. Cái chơi của một Lý Thái Bạch, của một Tản Đà không hẳn là một cái chơi tầm thường ." 

Lê Văn Trương già, đói và nghiện; đó là những cái tật, những thói xấu, những tôi lỗi của 1 nhà văn chăng ? Thật ra, ông cũng chẳng coi ra gì những lời khen, chê về Ông; vì có ai hiểu thật lòng Ông đâu ? Một kẻ nghiện biết nhịn cơn ghiền, để lấy tiền giúp đỡ 1 kẻ đau gần chết, thì kẻ nghiện đó đáng cho chúng ta cúi đầu ! Một người nghiện mà suốt đời không 1 lời ai oán như Ông, rất khó tìm ra người thứ 2 trên đời này.

Kẻ viết bài này đã từng chứng kiến nhiều trường hợp đó, và cũng đã từng biết những trường hợp phản bội bất nhân của vài người trong lớp [ tuổi của ] Ông. 
Đau nhức là ở phút cuối cùng, ông biết mình chết,. đem hết tinh thần để chống với cái chết, thật quá đỗi bi đát trên giường bệnh ở Bệnh viện Saigon. 
Chúng tôi đỡ ông lên tầng thứ nhì. Ông mệt lả ra , chân co rúm lại- tôi sợ ông chết bất đắc kỳ tử trong tay mình. Ông ngồi dựa lưng vào vách [ cầu ] thang, thở dốc. 
Một lát , người y tá bảo đỡ ông lên mau, chúng tôi, mỗi đúa cặp 1 bên nách dìu ông đứng lên. Khi đó, thì, bọt từ bụng ông sôi lên mép, ứa ra ngoài.

Ngồi được trên giường bệnh rồi, Ông tựa vào vách tường nghỉ mệt. Tinh thần vẫn sáng suốt . Tôi đưa 500 đồng của Nguyễn Vỹ , Ông cầm [ lấy ] và móc cái bốp, trong toàn giấy 500 đồng, lấy ra [ một tờ] bảo Phú đi mua lon nước uống, và 1 chiếc gối . Phú [ đã đi ] xuống đường [ nên ] ông gọi tôi:
"Tao có tiền nhiều lắm , mày đi mua giùm tao 1 cái đồng hồ Wyler và 1 sơi giây đeo [ bằng] vàng y ."
Tôi lấy làm lạ, nhưng Ông nói [ rất ] nhanh :
" Đi mua đi , ráng giúp tao lần cuối, nghe lời tao đi ! "
Ông đưa thêm [ cho ] tôi 1 ngàn , nhập với tờ 500 đồng của ông Nguyễn Vỹ, và dặn:
" Đi mau lên, tao cần đeo để xem giờ ! " 

Xuống lầu, ra đường , tôi gặp Phú - anh bàn - không nên mua - vì số tiền này là của ông bán nhà, lấy cọc trước 10.000 đồng. Sợ, khi lành bệnh ra, rồi không còn tiền xài, và không còn nhà để ở nữa.
Tôi và Phú trở lên. Phú khom [ người ] xuống, nói với ông, tại sao không nên mua đồng hồ ?

Lần đầu tiên, tôi thấy Lê Văn Trương nổi giận, ông hét lớn, làm giật mình tới cả những người đang nằm chung phòng. Ông la rầy anh Phú, khiến anh tái mặt, rồi quay sang, bảo tôi :
"... ráng giúp tao lần cuối, nghe lời tao, tao cần có nó để mang đi ... " 

Tôi nghe , rờn rợn gáy, nghĩ tới cái chết mà ông đã tự biết trước. Ông muốn có một vật gì ở bên mình để mang theo.
Lập tức, tôi mang tiền xuống chợ, tìm mua đồng hồ và sợi giây vàng cho Ông. 
Giữa trưa, tìm không ra tiệm bán đồng hồ Wyler, tôi vào tiệm vàng, mua 2 chỉ vàng, gía 1400 đồng ( vàng + tiền công). Đó là lần đầu tiên tôi biết được giá vàng, mỗi chỉ giá 650 đồng.

Thấy tôi đem vàng về, Lê Văn Trương bằng lòng lắm, nhưng Ông lại bảo, tôi đi mua cho [ bằng] được vái đồng hồ Wyler. Ông đưa tôi thêm tiền , tất cả là 1600 đồng, bảo đi mua cho được đồng hồ và giây mạ vàng. Tôi xuống đường, lại gặp Phú, lần này tôi không mua và trao tiền cho Phú, bảo đem về gửi [ lại ] Ông. 
Còn tôi, mệt, đói lả, tôi kêu xe về nhà.

Phú, thì ngay sau đó, về nhà , tìm bà Trương , nhưng không gặp.

Qua ngày sau, tôi ngồi sửa bài ở tòa soạn Phổ Thông, thí có người báo tin Lê Văn Trương đã chết. Tôi không ngạc nhiên lắm, vì ông đã quá mệt mỏi. Nhưng tôi còn nhớ, Lê Văn Trương lúc gần chết ở Bệnh viện [ Saigon ] , tinh thần vẫn còn sáng suốt và còn [ nói ] đùa với người tiêm thuốc ( tôi không nhớ là bác sĩ hay y tá) . Khi người đó tiêm vào làn da tay sần sùi đầy gân của ông, mấy lần rút [kim tiêm] ra , rồi lại tiêm vào, mà thuốc không xuống. Ông hinh- hinh, nói khao khao , giọng lúc đó đã mệt lắm, nói những gì không nghe rõ- nhưng nét mặt thích thú thì lộ ra, tươi tỉnh hẳn. 

Nguyễn Vỹ và tôi đến thăm bà Trương. Nguyễn Vỹ giở tờ giấy đắp [ lên ] mặt Lê Văn Trương, và đặt [ tay] lên trán ông.
Lúc đó, Lê văn Trương đã không còn mang một ý nghĩ, một nỗi buồn, vui gì ở đời nữa ! Ông chì còn là một thân [ xác] không gầy guộc [ cho lắm], mắt nhắm như ngủ, đôi gò má xương xẩu nhô lên, đen xạm, và làn da [ thì ] xanh mét !

Và cũng lúc đó, bà Trương (một người đàn bà đã sống đau khổ cùng ông suốt 25 năm trời). Bà Trương đang kêu gào, ôm cứng xác ông, không cho người hàng xóm khâm liệm .

Tôi ra ngoài, đợi Nguyễn Vỹ, và cũng để tránh [ nhìn] cảnh đó; tôi muốn quên hết cái khung cảnh đó.
Cái khung cảnh [ của] người chồng chết, vợ ôm xác và người con gái mệt mỏi của ông, ngồi dưới chân ông yên lặng đến lạnh người ! 
Hàng xóm thương tiếc Ông, họ giúp bà Trương may tang phục; chung quanh đường hẻm cạnh nhà.

Nguyễn Vỹ đứng thật lâu, rồi [ đi ] ra. Tôi và Nguyễn Vỹ ra [ tới ] đường, khi chia tay, Nguyễn Vỹ nói :
" Anh thấy chưa, kiếp nhà văn, là như vậy đó ! ".











Trở về





MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.