Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2013

Võ An Ninh (1907-2009)

















Võ An Ninh

Tên thật : Vũ An Tuyết
Quê: Hải Dương
(18/06/1907 - 04/06/2009)
Hưởng thọ 102 tuổi
Nhiếp ảnh gia









Tác phẩm tiêu biểu













































































































































Võ An Ninh
















Tiểu sử

Võ An Ninh




Võ An Ninh (18 tháng 6 năm 1907 [3] – 4 tháng 6 năm 2009), quê Hải Dương [1],tên thật là Vũ An Tuyết [4], là một nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng của Việt Nam. Ông sở hữu nhiều bộ ảnh có giá trị của lịch sử Việt Nam. Ông từng làm phóng viên nhiếp ảnh Sở Kiểm lâm Hà Nội thời Pháp thuộc, khu Triển lãm Trung ương và Xưởng phim Đèn chiếu Việt Nam (1954 - 1970), ủy viên Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam khóa 3.

Võ An Ninh đã có một tác phẩm Buổi sáng trên đê sông Hồng được giải thưởng ngoại hạng do Hội mỹ thuật kỹ nghệ Việt Nam tặng.

Năm 1938, tác phẩm Đẩy thuyền ra khơi được giải thưởng ngoại hạng triển lãm ảnh Paris-Pháp

Cuối năm 1938, ông được Bằng khen của triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế Bồ Đào Nha cho tác phẩm Chợ bán nồi đất và Huy chương vàng trong cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân tại Huế.

Bộ ảnh ghi lại nạn đói năm 1945 là một thành công trong sưu tập ảnh: bức ảnh hai em bé ngồi bên cây số hai Thái Bình chờ chết.

Năm 1960, ông được Huy chương đồng triển lãm ảnh quốc tế tại Liên Xô với tác phẩm Nước ròng bãi Trà Cổ.

Bằng khen do triển lãm ảnh quốc tế BIFOTA tặng tác phẩm Đôi nét thủy mặc Sa Pa.

Tháng 7 năm 1981 ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội năm 1983: Các tác phẩm về Hồ Gươm như Hồ Gươm buổi sớm, Hồ Gươm bốn mùa, có những bức man mác nét cổ hoài như Thu về, Nhớ xưa, những bức ảnh về thiếu nữ như Thiếu nữ Hà Nội, Trong vườn si đền Voi Phục, Một nét quê hương, Hương lúa... Nhiều bức ảnh khác chụp ở những vùng đất khác nhau trên khắp mọi miền đất nước như Thác Bản Giốc (Cao Bằng), Đỉnh Phan-xi-păng, Xuân về trên dãy Hoàng Liên Sơn, Phơi lưới trên sông Cấm, Biển bạc (Đà Nẵng), Suối nắng rừng thông (Đà Lạt), Nhà thờ Đức Bà,...

Ông sống trọn đời cho nghệ thuật nhiếp ảnh và cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam, Ông được thưởng nhiều huân chương cao quý của Việt Nam: Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhì, Huân chương Độc lập hạng ba và gần đây nhất ông được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I.

Nghệ sĩ Võ An Ninh từ trần hồi 18 giờ 45 phút ngày 4 tháng 6 năm 2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh, thọ 102 tuổi.


Huân chương

Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996)
Huân chương Độc lập hạng Ba
Huân chương Lao động hạng Nhì
Huân chương Kháng chiến hạng Nhì
Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất
Huy chương vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật Việt Nam
Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa - Thông tin
Huy chương vì sự nghiệp phát triển Nghệ thuật Nhiếp ảnh Việt Nam



(theo Wikipedia)








Những tác phẩm nổi tiếng của Võ An Ninh


Năm 1945, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh một mình, một máy ảnh, đạp xe suốt đoạn đường Hà Nội - Thái Bình chụp lại nạn đói đang hoành hành. Tấm lòng giàu cảm xúc giúp người nghệ sĩ để lại cho đời nhiều bộ ảnh có giá trị.
























 





















Nạn đói Ất Dậu dưới ống kính nhiếp ảnh gia Võ An Ninh
 
5







Hà Nội xưa trong mắt Võ An Ninh



Cột cờ thành Hà Nội (ảnh chụp năm 1945).









Chợ Đồng Xuân (ảnh chụp năm 1956).








Gò Đống Đa (ảnh chụp năm 1942).








Cầu Thê Húc vào hạ (ảnh chụp năm 1945).








Mái nhà cổ phố Hàng Bạc (ảnh chụp năm 1956).








Xẻ gỗ trên bãi sông Hồng (ảnh chụp năm 1940).








Cửa Ô Quan Chưởng (ảnh chụp năm 1940).










Bậc đá đền Voi Phục (ảnh chụp năm 1956).











Nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh: Ất Dậu 60 năm trước






Cụ Võ An Ninh và các bức ảnh chụp nạn đói


TTCN - Hơn ba năm trước, những ngày cuối tháng chạp năm Tân Tỵ là khoảng thời gian buồn bã, đau thương đối với gia đình cụ Võ An Ninh và đại gia đình nhiếp ảnh.

Ban tổ chức lễ tang chúng tôi đã chuẩn bị xong điếu văn, di ảnh, thông tin báo chí…, gia đình cũng đã đặt mua áo quan…

Sau ba ngày chết lâm sàng ở bệnh viện Chợ Rẫy, cụ Võ mở mắt: “Tôi sống lại rồi à, để tôi kể chuyện cho mà nghe…”. Trưa ngày 2-3-2005, tại nhà riêng, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh ở tuổi 100 râu tóc như tiên ông, vẫn tinh tường, minh mẫn ngồi kể chuyện chụp ảnh nạn đói năm Ất Dậu…





Tấn thảm kịch với dân tộc Việt - nạn đói năm Ất Dậu xảy ra cách nay tròn 60 năm, với con số 2 triệu người chết vì đói trên tổng số 13 triệu dân quả là cực kỳ khủng khiếp! Vốn giàu cảm xúc, nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh lúc ấy đang tuổi 40 đã phải cố nuốt nước mắt vào trong, dấn bước trên các nẻo đường đói ăn bằng chiếc xe đạp và chiếc máy ảnh Đức hiệu Zeiss Ikon (sản xuất năm 1928, ông mua với giá 32,5 đồng, một số tiền rất lớn khi ấy) thực hiện thiên phóng sự ảnh về cảnh ngộ đau thương, thảm khốc của dân tộc.

Một nửa bàn chân đã mất sau một tai nạn, mỗi ngày ông đạp xe đoạn đường Hà Nội - Thái Bình, đi và về trên 140km, quyết tâm ghi bằng được thảm cảnh người dân chết đói. Bởi lẽ lúc ấy nếu để quân phát xít Nhật trông thấy ông cầm máy ảnh chụp tội ác của chúng thì chắc chắn chúng sẽ bắt và đánh chết ông ngay!

Cụ Võ nói: “Chẳng ai còm măng(*), chẳng ai bảo, tôi tự lăn vào làm. Đây là tang tóc chung của dân tộc, tôi tự thôi thúc mình phải chụp, làm ảnh…, trước tiên công bố cho đồng bào cả nước chia sẻ, kế đến tố cáo tội ác trước dư luận thế giới…”. Lăn lộn từng ngày, ông tìm đến những nơi có người chết.

Trên đường đi, có ai mách chỗ có người đói, người chờ chết đang nằm lăn ra đường, ông đến ngay; có những nơi thây người đã thối rữa, cũng có những người bò lê trên đường tìm ăn bất cứ thứ gì họ cho là ăn được…, có những nhóm người dìu nhau từng bước về Hà Nội để tìm đến các hội, tổ chức cứu đói, nhiều người trong số họ đã ngã quị dọc đường vì kiệt sức! Cảnh xác người chồng chất trên xe bò, trong số đấy có người còn cố giãy chân thều thào: “Tôi…chưa…chết…!”. Còn cả cảnh thu dọn xác chết thả xuống hố để chôn.

Mỗi ngày đi săn ảnh, ông Võ phải vứt bỏ một bộ quần áo vì tất cả bị đẫm mùi tử khí! Ông chụp nhiều lắm, dù đầu óc tê dại vì đau thương. Nhiều hôm, về đến nhà ông không hề ăn cơm vì mất cảm giác đói! Nhưng Võ An Ninh còn đầy đủ ý thức để xây dựng bộ phóng sự ảnh có một không hai này.



Cụ Võ An Ninh và nhà báo Đồng Đức Thành tại nhà riêng của cụ trưa 2-3-2005


Chụp về ông tráng phim, làm ảnh ngay. Những bức ảnh cỡ 18x24cm đầu tiên ông đem đến trụ sở Hội Hợp Thiện - một hội từ thiện lớn ở Hà Nội lúc bấy giờ, vào thẳng phòng họp, ông nói ngay: “Trời ơi, các cụ ơi, người chết đói nhiều lắm rồi, các cụ còn chờ họp bàn gì nữa, có hình ảnh để thập mục sở thị đây, phải cứu ngay thôi các cụ ơi!”.

“Chết nỗi, chúng tôi nào đã biết đến nông nỗi này!...” – thế là các vị tai mắt ở TP Hà Nội, hội viên của Hội Hợp Thiện, gửi ngay ảnh của Võ An Ninh vào Sài Gòn, trưng bày ngay trên phố Catinat (đường Đồng Khởi hiện nay) để quyên tiền cứu đói. Hình ảnh những thân hình gầy guộc đói ăn, trơ xương, những cụ già, em bé trần truồng nằm co quắp và chết trong đói lạnh đã gây xúc động mạnh mẽ nơi người xem trong nước và tố cáo trước dư luận thế giới. Và đông đảo bà con đã góp tiền, gửi lương thực, thực phẩm cứu đói…

Phóng sự còn tiếp tục với những ảnh hậu đói: những “núi” sọ người, những bia khắc ghi mộ tập thể… ở chợ Hàng Da, nhà mồ Giáp Bát. Bộ ảnh quí với trên 50 ảnh đã và đang được lưu trữ, trưng bày trong nhiều bảo tàng, sách, trên nhiều thước phim điện ảnh trong nước và quốc tế. Cố tổng bí thư Trường Chinh từng đánh giá: “Bộ phóng sự ảnh này của ông Võ An Ninh là một tài sản vô giá của loài người, một bản án kết tội chủ nghĩa thực dân mà không cần thêm một lời nói nào cả!”.

Tôi không thể nào quên ánh mắt ngời sáng của cụ Võ lúc chào chia tay cụ: “Ơn Giời, tôi thọ đến hôm nay; có phúc, được con cái nuôi nấng, chăm sóc tôi khỏe mạnh thế này là một đền bù quí báu nhất rồi còn gì…! Tôi chẳng ước gì hơn…” .

ĐỒNG ĐỨC THÀNH









Nghệ sĩ Võ An Ninh: Một đời phiêu linh không mệt mỏi


Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh, người nghệ sĩ của 2 thế kỷ, đã phiêu linh trong những miền phong cảnh để ngắm nhìn và lưu giữ hình ảnh đất nước bằng tâm hồn của người nghệ sĩ, bằng tâm thức của người Việt Nam yêu nước. Những bức ảnh của ông là món quà vô giá giành cho hậu thế. 

18 giờ 45 phút ngày 4-6-2009, NSNA Võ An Ninh vĩnh biệt tuổi 103 của mình nơi trần thế, để lại một gia sản ảnh nghệ thuật và phóng sự đồ sộ.

Ghi hình Tổ quốc bằng tâm hồn nghệ sĩ 


NSNA Võ An Ninh



Sinh năm 1907 (Đinh Mùi), nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Ninh sống gần trọn thế kỷ 20, vắt qua thế kỷ 21. Cụ đã nhận giải thưởng lớn đầu tiên, giải ngoại hạng của Hội Mỹ thuật kỹ nghệ Việt Nam cho tác phẩm "Buổi sớm trên đê sông Hồng", năm 1935. 

Gắn bó với nhiếp ảnh cả cuộc đời, ở các cột mốc 70, 80, 90 tuổi, Võ An Ninh được Nhà nước và nhân dân trao cho những phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng nhì (1984), Sách ảnh Võ An Ninh do TTXVN in tặng (1991), Huân chương Độc lập hạng ba, Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1-1996).

NSNA Võ An Ninh đã để lại thế hệ sau những bức ảnh giá trị như bức ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước VN ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, là nhân chứng sống của những bức ảnh nổi tiếng về nạn đói của nhân dân ta năm Ất Dậu 1945. 



Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên chụp cùng "tiền bối" Võ An Ninh



Bức ảnh đầu tiên của ông được công bố vào năm 1932. Từ đó đến nay, trải qua bao thăng trầm của những biến động lịch sử, và cả ngay với chính bản than, ông vẫn cầm máy, vẫn say sưa sáng tác, vẫn tiếp tục có thêm những tác phẩm để lại cho đời. 

Năm 1938, tác phẩm "Đẩy thuyền ra khơi" được giải thưởng ngoại hạng triển lãm ảnh Paris. Cùng năm này, ông được Bằng khen của triển lãm ảnh nghệ thuật quốc tế Portugal cho tác phẩm "Chợ bán nồi đất" và Huy chương vàng tặng cho cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân tại Huế. 

Ông là người có một tình yêu Tổ quốc rất đặc biệt, nên phong cảnh VN với ông là những vẻ đẹp không gì sánh được, có lẽ thế mà những bức ảnh phong cảnh của ông có vẻ đẹp thoát tục như những chốn thiên thai, tiên cảnh. 

Hiếm tác giả nhiếp ảnh nào có gia tài ảnh về chủ đề tổ quốc được như ông. Không chỉ ghi chép Tổ quốc rộng dài qua ống kính, ông còn dày công chọn góc độ, khuôn hình tô đậm hình ảnh đất nước bằng chất thơ trữ tình của một nghệ sĩ lớn, bằng tâm hồn của một bậc minh triết. 

"Người ta đang chết đói, còn họp bàn gì nữa" 

Nạn đói năm Ất Dậu 1945 là tấn thảm kịch với 2 triệu người chết. NSNA Võ An Ninh lúc ấy đang tuổi 40 đã phải cố nuốt nước mắt vào trong, dấn bước trên các nẻo đường đói ăn bằng chiếc xe đạp và chiếc máy ảnh Đức hiệu Zeiss Ikon thực hiện thiên phóng sự ảnh về cảnh ngộ đau thương, thảm khốc của dân tộc. 

Chụp về, ông tráng phim, làm ảnh ngay. Những bức ảnh cỡ 18x24cm đầu tiên ông đem đến trụ sở Hội Hợp Thiện - một hội từ thiện lớn ở Hà Nội lúc bấy giờ, vào thẳng phòng họp, ông nói ngay: “Trời ơi, các cụ ơi, người chết đói nhiều lắm rồi, các cụ còn chờ họp bàn gì nữa, có hình ảnh để thập mục sở thị đây, phải cứu ngay thôi các cụ ơi!”. 

Phóng sự còn tiếp tục với những ảnh hậu đói: những “núi” sọ người, những bia khắc ghi mộ tập thể… ở chợ Hàng Da, nhà mồ Giáp Bát. Bộ ảnh quí với trên 50 ảnh đã và đang được lưu trữ, trưng bày trong nhiều bảo tàng, sách, trên nhiều thước phim điện ảnh trong nước và quốc tế. 

Cố Tổng Bí thư Trường Chinh từng đánh giá: “Bộ phóng sự ảnh này của ông Võ An Ninh là một tài sản vô giá của loài người, một bản án kết tội chủ nghĩa thực dân mà không cần thêm một lời nói nào cả!”. 

Giá trị ảnh của ông là ở chỗ đó, là những tư liệu lịch sử quý giá, lưu giữ những gì đã mất đi không cưỡng lại được bởi thời gian, chiến tranh và cả sự hủy hoại của con người. Những bức ảnh chụp ở Tây Nguyên những năm 40 của thế kỷ 20 là nguồn sử liệu quý cho công việc nghiên cứu Tây Nguyên. 

Mãi mãi là một hoài niệm, đó là hình ảnh những cụ đồ gò lưng viết câu đối Tết trên phố Hà Nội năm 1940. Đến ngày nay, nếu không phải qua ảnh của ông thì cũng khó mà thấy lại được hình ảnh cô thôn nữ khăn mỏ quạ, áo tứ thân lả mình trên đống rơm trong tác phẩm Hương lúa chụp năm 1950 ở Hà Đông; hay những cô thiếu nữ Sài thành hoa lệ trong tà áo dài và kiểu tóc đặc trưng thập niên 50 được ông chụp trước Lăng Ông Bà Chiểu… 

Một tấm gương lao động nghệ thuật 

Năm 1930 nhờ sự bảo trợ của nhà hàng Godart, thanh tra kiểm lâm Võ An Ninh được mua trả dần chiếc máy ảnh Đức tuyệt vời lúc bấy giờ hiệu Zeiss Ikon sản xuất năm 1928 giá 32,5 đồng Đông Dương, một số tiền rất lớn khi ấy. Chiếc máy ảnh này là "người tình chung thủy" theo NSNA Võ An Ninh đến tận bây giờ.

Ông gần như đã đi khắp Đông Dương để chụp ảnh. Trong chuyến đi từ năm 1937 ông đã mất một bàn chân sau một tai nạn giao thông và di chuyển chủ yếu bằng xe đạp mới thấy khâm phục nghị lực và tình yêu nghệ thuật của ông. Cho đến cuối đời ông chưa bao giờ làm ảnh dịch vụ. 

Năm 1933, ông đã đến Sapa và có ảnh, năm 1956, 1960 ông lại đi, nhưng đến 1961 mới có tấm ảnh Sapa ưng ý. Để "chinh phục Sa Pa", ông lên đó không dưới 40 lần, từng đứng lên yên ngựa, vươn qua hàng rào thưa chọn góc độ đẹp để bấm máy, hoặc ngồi "rình" cả tuần liền để "chớp" được khoảnh khắc cả Sa Pa trong biển mây trắng bồng bềnh. Chính bức ảnh Đôi nét thủy mặc Sa Pa này đã đem đến cho ông bằng khen triển lãm ảnh quốc tế BIFOTA (Berlin) 1965. 

Năm 1943 ông chụp Thiếu nữ Êđê, năm 1981 ông lại chụp Thiếu nữ Êđê, ông bảo chỉ cần nhìn ảnh là thấy được sự đổi đời của các dân tộc Tây Nguyên.

NSNA Võ An Ninh được anh em đồng nghiệp gọi là người luôn khởi xướng ra đề tài mới: người đầu tiên giới thiệu Sa Pa với công chúng; người phát hiện ra những cái đẹp "một đi không trở lại" của thời đại như cảnh chợ hoa ngày Tết, vẻ đẹp của các cô thiếu nữ thời những năm 30, những ông đồ nho bày mực tàu giấy dó viết câu đối xuân, đưa bút hất lên nét cong sống động... 

Các nhà phê bình nghệ thuật Pháp đã gọi NSNA Võ An Ninh là "con người của phong cảnh"... Hỏi ông có bí quyết riêng gì khi cầm máy, ông sôi nổi: "Thực ra cũng là cảnh ấy nhưng chỉ cần nhích máy lên cao một chút hoặc thấp xuống một chút, sang trái một chút hoặc sang phải một chút... là bức ảnh đã khác. Phải "bới" chỗ đó ra bằng mắt để chộp được cái đẹp".

Trong một chuyến đi săn ảnh với 9 anh em ở vùng quê tại Nam Định, NSNA Võ An Ninh dám "chấp" anh em chọn cảnh chụp trước, còn mình chọn những góc mà anh em... không thèm để ý. Dẫu vậy, tác phẩm của ông lúc đó khiến đồng nghiệp kinh ngạc. Với ông, cái quan trọng nhất của người nghệ sĩ là phải đi nhiều. 

Đi và thu lại trong ống kính của mình những hình ảnh và sự kiện, bởi chỉ "quanh quẩn xó nhà" rồi cũng sẽ nhàm. Sức đi của ông khiến cả người trẻ cũng phải choáng, ngay cả khi đã trên trăm tuổi, ngồi xe lăn nhưng ông vẫn khao khát đi. Tuân thủ nguyên tắc này, nên tác phẩm của NSNA Võ An Ninh rất có chiều sâu và ý nghĩa không chỉ là nghệ thuật mà còn mang tính tư liệu giá trị.










MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.