Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

Doãn Mẫn (1919 - 2007)















Doãn Mẫn

Tên khai sinh Doãn Mẫn
(15/10/1919 - 13/4/2007) Hà Nội
(87 tuổi)

Nhạc sĩ


Doãn Mẫn, còn được viết Dzoãn Mẫn, là một nhạc sĩ nhạc tiền chiến nổi tiếng, thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam.




Tiểu sử

Doãn Mẫn sinh ngày 15 tháng 10 năm 1919 tại thôn Đoài làng Hoàng Mai, Hà Nội. Cha của ông là Doãn Tính, một viên chức ở ga Hàng Cỏ (xếp ga vào những năm 1930-1940), nhưng mê âm nhạc dân tộc và chơi đàn bầu rất hay. Được cha hướng dẫn, từ nhỏ Doãn Mẫn đã biết chơi đàn tứ và một vài nhạc cụ truyền thống khác. Sau khi tốt nghiệp Trường nam Sư phạm, ông vào làm thư ký tại bệnh viện Bạch Mai.

Doãn Mẫn tự học nhạc qua sách tiếng Pháp. Ông cũng học một người Pháp tên Banal, nguyên chỉ huy một dàn nhạc Quân đội Pháp, trong khoảng thời gian 4 tháng chủ yếu là về phối âm, phối khí. Trước khi là nhạc sĩ, Doãn Mẫn từng là nhạc công biểu diễn nhiều nơi.

Cũng như nhiều thanh niên thời đó, Doãn Mẫn bị dòng nhạc phương Tây, mà chủ yếu là nhạc Pháp cuốn hút. Ông cùng Văn Chung và Lê Yên lập nhóm nhạc Tricéa tụ tập trao đổi về âm nhạc và sáng tác. Tên nhóm Tricéa có nghĩa: 3 chữ C và 3 chữ A được viết tắt từ tiếng Pháp: Collection Des Chants Composés Par Des Artistes Annamites Associés: "Tuyển chọn các tác phẩm âm nhạc của nhóm người viết nhạc Annam". Cùng nghe những đĩa nhạc của Tino Rossi, Josephine Baker, họ cùng nhau sáng tác những bài hát của riêng mình: Văn Chung có Bóng ai qua thềm, Đôi mắt huyền và Lê Yên có Bẽ bàng, Vườn xuân. Theo đánh giá của Phạm Duy, thì: Doãn Mẫn là người thành công nhất trong 3 thành viên nhóm nhạc Tricéa. Ngay những năm đầu thời tân nhạc Việt Nam, Doãn Mẫn đã sáng tác liên tiếp khoảng 10 ca khúc hay, như: Sao hoa chóng tàn, Biệt ly, Cô lái thuyền, Tiếng hát đêm thu, Một hình bóng, Một buổi chiều mơ, Gió xa khơi, Nhạc chiều, Trở lại cùng anh,... Nhạc của Doãn Mẫn dành riêng cho Ghi-ta Hawaii, loại nhạc cụ sở trường của ông, và thuần túy soạn trên âm giai thất cung (heptatonic, bảy nốt) của phương Tây, mà không dùng âm giai ngũ cung của nhạc dân tộc.

Doãn Mẫn sáng tác ca khúc đầu tay Tiếng hát đêm thu năm 1937, lời của Văn Chung. Sau đó nhiều nhạc phẩm khác lần lượt ra đời Gió thu (1937), Một buổi chiều thu (1939), và Biệt ly (1939).

Những năm cuối thập kỷ 1930, ga Hàng Cỏ Hà Nội là nơi chia ly của nhiều đôi tình nhân, khi các thanh niên lên đường làm lính lê dương cho quân đội Pháp. Chứng kiến nhiều cuộc chia tay ở đó, Doãn Mẫn đã viết bài Biệt ly, nhạc phẩm nổi tiếng nhất của ông.

"Tôi viết Biệt ly năm tôi vừa 20 tuổi. Hồi đó, cha tôi làm việc ở ga Hàng cỏ, Hà Nội. Nhà ở gần ga nên tôi thường hay ra ga chơi, chứng kiến nhiều cuộc chia tay đầy nước mắt trên sân ga, nhất là những đôi trai gái yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh phải ly biệt. Điều đó khơi dậy trong lòng tôi nhiều cảm xúc và tôi có ý định sáng tác một bài hát về đề tài chia ly. Tôi nghĩ rằng tôi sáng tác bài Biệt ly với rất nhiều kỷ niệm. Qua những cuộc chia ly mà tôi được chứng kiến ở sân ga Hà Nội, ở bến cảng Hải Phòng đã cho tôi rất nhiều xúc động. Tôi đã dự kiến làm bài Biệt ly này từ năm 1937, tức là năm tôi bắt đầu sáng tác. Nhưng mà rồi có nhiều trường hợp khác cho nên tôi lại viết về chủ đề khác, cho đến năm 1939, có mấy việc dồn dập đến, tôi trở lại cái đề tài này. Có những buổi biểu diễn ở các rạp, một phần nữa do các anh em ở trường Bưởi làm ca cảnh, cho nên cái bài đó mới được phổ biến."

Doãn Mẫn từng giữ chức trưởng phòng giáo vụ của Nhạc viện Hà Nội, ông làm việc ở đó khoảng 20 năm. Thời gian đó ông không sáng tác gì, vì theo lời của Doãn Mẫn, ông "phải đi lo cả việc... học viên có con nhỏ không ăn được thì phải làm thế nào, chỗ ăn, ở, nhà vệ sinh bẩn thỉu thì làm sao". Ngoài 70 tuổi, Doãn Mẫn có viết nhạc trở lại.

Ông qua đời ngày 13 tháng 4 năm 2007 tại Hà Nội.

Trong sự nghiệp của mình, Doãn Mẫn viết khoảng 50 ca khúc, trong đó nhiều bài được đánh giá vượt thời gian như Biệt ly, Hương cố nhân.













Doãn Mẫn lúc trẻ








[70 năm Tình Ca Việt Nam]

Biệt Ly - Dzoãn Mẫn






Bài hát: Biệt Ly 
Sáng tác: Doãn Mẫn 
Tiếng hát: Khánh Ly

Biệt ly nhớ nhung từ đây 
Chiếc lá rơi theo heo may 
Người về có hay 
Biệt ly sóng trên giòng sông 
Ôi còi tàu như xé đôi lòng 
Và mây trôi nước trôi 
Ngày tháng trôi cùng lướt trôi 

Mấy phút bên nhau rồi thôi 
Đến khi bóng em mờ khuất 
Người về u buồn khắp trời 
Người ra đi với ngàn nhớ thương 

Mấy phút bên em rồi thôi 
Dáng em sống trong hồn tôi 
Xa cách ta còn tìm đâu ngày vui 

Biệt ly ước bao đường tơ 
Réo rắt trong muôn hương mơ 
Thành sầu tiễn đưa 
Biệt ly ước mong hoàng hôn 
Êm đềm về ru ấm tâm hồn 
Người yêu đương cách xa 
Đành sống vui cùng gió sương 












Tác phẩm

Ca khúc








Bến yêu đương





Biệt ly


Cô lái thuyền


Dũng tiến


Gió thu





Gió xa khơi





Gọi nghé trên đồng





Hương cố nhân





Một buổi chiều mơ





Một buổi chiều thu


Một hình bóng





Nhạc chiều





Nhắn người chiến sĩ


Những mầm sống


Sao hoa chóng tàn


Sông Thao


Tiếng hát đêm thu


Trở lại cùng anh


Từ đâu tiếng tơ






Sách nhạc lý và nghiên cứu âm nhạc


Tự học xướng âm

Góp phần tìm hiểu sự hình thành nền âm nhạc cải cách Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945

Những bước phát triển trong công tác đào tạo cán bộ âm nhạc từ Cách mạng tháng Tám đến năm 1975






















Nhạc sĩ Doãn Mẫn không còn bận tâm thế sự


"Biệt ly. Nhớ nhung từ đây. Chiếc lá rơi theo heo may, người về có hay. Biệt ly. Sóng trên dòng sông. Ôi còi tàu như xé đôi lòng...". Ca khúc "Biệt ly" (1939) đã được hát suốt nửa thế kỷ, tên tuổi Doãn Mẫn lịch sử tân nhạc VN đã ghi nhận. Nay ở tuổi 86, ông chẳng còn bận tâm đến được - mất thế sự.

Cụ thân sinh Doãn Mẫn vốn là một công chức ở ga Hàng Cỏ. Hồi ấy đồng lương của công chức không đến nỗi "ba cọc ba đồng" như bây giờ, nên từ bé chàng đã chẳng mảy may bận tâm đến "miếng cơm manh áo" độ nhật. Thẳng một lèo học hết Sư phạm, Doãn Mẫn vào làm thư ký cho bệnh viện Bạch Mai.

Cuộc đời chàng có lẽ sẽ thẳng băng và an bài nếu không gặp buổi Âu hóa. Mê nhạc Pháp, Doãn Mẫn mày mò tự học, rồi bắt chước soạn lời ta theo điệu tây, hát bài Ta theo điệu Tây cho... phổ thông hơn. Trong những ngày đầu, hầu hết các ca khúc của anh và các bạn đồng lứa đều chỉ ở trình độ nhạc lý căn bản.

Cái "mốt" Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn (Xuân Diệu) hay Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây vay mượn của buổi đầu Thơ mới nhuốm đầy ca khúc của Doãn Mẫn... Chưa đến tuổi 20, Doãn Mẫn đã lần lượt cho ra đời Gió thu (1937), Tiếng hát đêm thu (1938), Một buổi chiều thu (1939), và Biệt ly (1939) - tình khúc buồn đến nao lòng và cũng đẹp đến nao lòng.

Rồi Doãn Mẫn cũng tưởng tượng ra những nỗi buồn của cô lái đò, của khách sang sông với Bờ sông xa vắng khách riêng mình tôi/ Dừng chèo lại đây cô lái đò ơi!/ Dừng chèo lại đây giây phút ngừng bơi/ Cho tôi dăm phút con tim tàn héo/ Rồi cho sương gió lấp tàn đời tôi... (Cô lái đò); và thả hồn vào tiếng chuông chiều buông ngân để quên hết nỗi chứa chan niềm cay đắng, để ôm ấp những sầu cố hương, những vương sầu cho đời thắm phai..., những giấc mơ triền miên tràn không bờ (Hương cố nhân), những nỗi hiu hắt sầu đời đời chưa quên (Gió xa khơi) trong một đêm mưa gió rung tiếng đàn suốt canh thâu...

Khi nhắc lại những ca từ trên, ông nhạc sĩ già, móm mém cười bảo: "Tôi bịa ra đấy. Tất cả chỉ là chuyện... bịa. Tại hồi đấy mình bắt chước, mình cố làm ra thế". Tất nhiên, trong buổi đầu "âm nhạc cải cách", cũng thiếu gì nhạc sĩ bị ngợp, bị lai Pháp, chắp vá theo kiểu đầu Ngô mình Sở. Có điều, những nhạc sĩ có tinh thần dân tộc như Doãn Mẫn, Văn Chung, Nguyễn Xuân Khoát... biết nhắc nhau giữ lòng quý trọng với những tinh hoa dân tộc dù chỉ về hình thức. Ông lại móm mém cười: "Hóa ra lứa chúng tôi đã thấm nhuần ý thức dân tộc, đại chúng trước cả khi có Đề cương văn hóa năm 1943 cơ đấy. Bây giờ, người ta viết ca khúc dễ như ăn cháo vì chẳng cần bố cục gì, cứ pha tạp lung tung cũng xong".

Ông kể tiếp: "Lứa chúng tôi chỉ 'anh anh em em' suông thế thôi chứ chẳng dám... chơi cô đầu như cánh ông Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng. Tiếng là hoạt động văn nghệ nhưng chúng tôi vẫn sinh hoạt như một anh công chức cần mẫn "sáng cắp ô đi, tối vác về". Mà hồi trước làm gì đã có hát karaoke mỏi tay như bây giờ. Tôi nói thật là cả đời vợ chồng tôi chưa bao giờ có chuyện ghen tuông cãi cọ".

"Trong giới nhạc sĩ hồi ấy có chuyện ngấm ngầm tạo danh tiếng không bằng tài năng hay dùng "thủ thuật" để bon chen không?". Ông xua tay: "Chúng tôi được đào tạo trong môi trường giáo dục Pháp nên cư xử với nhau lịch sự, hào hoa và văn minh lắm. Làm gì có chuyện ghen tỵ, đố kỵ".

Gia tài âm nhạc của Doãn Mẫn tính đến nay cũng chỉ ngót dăm chục bài. Ấy là vì quãng đời sung sức nhất, ông được bổ nhiệm làm trưởng phòng. Nghe rất oách nhưng thực chất thì trăm thứ bà rằn cũng đến tay. "Mình là anh trưởng phòng giáo vụ (Nhạc viện Hà Nội), thế mà suốt 20 năm phải đi lo cả việc... học viên có con nhỏ không ăn được thì phải làm thế nào, chỗ ăn, ở, nhà vệ sinh bẩn thỉu thì làm sao. Không dứt ra được. Ngoài 70 tuổi, tôi mới bắt đầu sáng tác trở lại. Đường quan tước cũng bình bình như thế, chả lên được. Mà tôi cũng chả cần. À, mà tôi còn được bằng khen Đảm việc nước, đảm việc nhà của Hội liên hiệp phụ nữ Trung ương kèm một hộp bánh về chia cho các cháu. Làm gì có chuyện "kiếm chác", "cánh hẩu", "chạy sô"... ráo riết", ông bộc bạch.

Lứa học sinh của ông giờ đều thành danh cả: Hồng Đăng, Trần Hiếu, Quý Dương... Thế mà cho đến cuối đời, ông vẫn chẳng có nổi một chương trình cho riêng, cũng chẳng phải nghệ sĩ "ưu tú" hay "nhân dân" gì! Khi được hỏi: "Nổi tiếng" như ông thiếu gì nhà tài trợ?", ông lắc đầu: "Tôi mệt lắm. Giờ chỉ muốn nghỉ ngơi. Làm được đến đâu, lịch sử âm nhạc đã ghi cả rồi, đã biết cả rồi, ham hố làm gì nữa cho mệt. Mà ầm ĩ cả lên cũng chả biết có được thêm gì không? Cũng không để ý đến âm nhạc đương đại nữa. Vì nghe không lọt... lỗ tai. Lại còn 'phong trào' rủ nhau đi hát nhạc tiền chiến cho sang nữa chứ. Nhiều bài của tôi được phối khí lại mà tôi còn chẳng nhận ra. Làm mới, không có nghĩa là làm khác đi. Nửa thế kỷ rồi cũng trôi qua. Những giai điệu nào, đóng góp nào, những tác giả nào, con người nào còn lại?", nhạc sĩ Doãn Mẫn than thở.

(Theo Thể Thao Văn Hóa)








Thời Kỳ Thành Lập (1938-45)
Xu Hướng Nhạc Tình Duy Nhiên/Lãng Mạn/Trữ Tình
Nhóm TRICÉA




Ðồng thời với nhóm MYOSOTIS, ngay từ trước khi Nguyễn Văn Tuyên ra Bắc "hô hào nhạc cải cách", nhóm TRICÉA gồm ba kiện tướng Văn Chung, Lê Yên, Dzoãn Mẫn cũng đã có sinh hoạt âm nhạc rồi nhưng chỉ sau khi Nguyễn Văn Tuyên dám đưa ra trước quần chúng hai bài ca thử thách thì mấy chàng nghệ sĩ tài tử của hai nhóm đó cùng với nhiều nhạc sĩ mầm non khác mới đùng đùng nổi dậy và cho ấn loát những bản nhạc hãy còn trinh trắng của mình. Nhất là khi phong trào âm nhạc cải cách vừa ra đời lại được tờ NGÀY NAY làm hậu thuẫn cho việc thành hình của nó. Theo lời nhạc sĩ Vũ Thành là người đã có những sinh hoạt tân nhạc ngay từ lúc sơ khai thì nhà văn Nhất Linh, linh hồn của tờ NGÀY NAY, đã đảm trách việc thổi kèn clarinette trong một ban nhạc tài tử do hai nhóm kể trên phối hợp dể trình diễn vào một ngày mùa Thu năm 1939.

Trong nhóm TRICEA, Văn Chung được coi như người có bài hát được dân chung ưa thích cho nên Thẩm Oánh của nhóm MYOSOTIS đã phê bình trong báo Việt Nhạc số 5 đã dẫn kể : "Nhóm TRICEA chủ trương đi sát quần chúng (ngụ ý là loại nhạc thấp)"... Trong thực tế, nhạc của Văn Chung trong thời gian nay thì cũng không xa nhạc ngũ cung của Thẩm Oánh cho lắm đâu. Cũng là bài hát về thiên nhiên (và về thuyền) như Ðóa Hồng Nhung, Trên Thuyền Hoa, Sóng Vàng, Khúc Ca Ban Chiều... nhưng nhạc Văn Chung có vẻ thiên về nhạc chủ thể (musique tonale). Ngoài mấy bài vừa kể, Văn Chung còn đưa ra một bài mà ông ghi rõ là điệu tango. Ðó là bài Bóng Ai Qua Thềm, được xây dựng với nét nhạc Ré mineur rõ rệt. Bài hát đưa ra hình ảnh dễ thương sót của một thiếu nữ ngồi đan áo cho người tình, hình ảnh này sẽ còn được khai thác mạnh mẽ khi tân nhạc đi vào giai đoạn phát triển:

Những lúc em ngồi xuốt canh khuya bên đèn
Miệt mài cùng một manh áo len
Vắng bóng anh, em chờ mong anh
Cố sức em đan cho thật nhanh
Em đan áo cho xong còn hòng Ðông này
Vắng hình anh em lạnh lùng theo
Xa anh em nhờ manh áo ấy
Khiến em quên lạnh lùng khi ngồi trước đèn...

Nếu ta phân tích bài này dựa trên căn bản của nhạc chủ thể thì chỉ thấy những chuyển cung từ Ré mineur qua Sol mineur, La mineur và Fa majeur chẳng han. Nhưng nếu ta cho rằng bài hát này được thốt lên bởi chàng thanh niên nhạc sĩ còn nặng tình với nhạc ngũ cung, thì ta thấy là vô tình Văn Chung đã sử dụng nhiều hệ thống ngũ cung với hiện tượng chuyển hệ (métabole). Ngoại trừ 4 mesures INTRO, nét nhạc của câu đầu là ngũ cung Ré Fa Sol La Do, có chuyển tí ti ở cuối câu qua ngũ cung Fa Sol Sib Do Ré. Hai mesures đầu của câu thứ hai nằm trong ngũ cung Sol La Do Ré Mi và nửa sau lại quay về ngũ cung Ré Fa Sol La Do.

Tôi không nghĩ là vào lúc đó, Văn Chung đã hệ thống hóa việc sáng tác của anh như tôi vừa kể, nhưng anh (cũng như Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước) đã dung hòa cả hai hệ thống âm giai Âu, Á trong những sáng tác đầu tay của mình. Ðoạn sau của bài Bóng Ai Qua Thềm, này sẽ là nhạc thất cung tây phương thuần túy với cung Do# hiện ra, trói chặt ca khúc vào Ré mineur :

Bóng ai qua thềm
Vừa nhìn thoáng lướt trên nền trời đêm
Ngừng đan, em thấy gió lay mành trúc
Bóng qua êm đềm
Cùng cơn gió êm làm sơ tấm áo len trên lòng em
Lòng em xao xuyến
Muốn nghiêng mình tránh gió qua bên thềm
Rồi thời gian ấy qua
Tấm áo em đan chưa xong mà...
Cứ mỗi khi chiều gió lướt qua bên mình thì lòng em
Thấy sốn sang vì gió nâng áo len lên em kề bên trái tim
Mùa đông sắp đến gió lay mành trúc
Bóng ai qua thềm...

Nếu so sánh với nhạc Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước thì nhạc Văn Chung già dặn như nhạc Thẩm Oánh nhưng không ướt át bằng nhạc Dương Thiệu Tước. Văn Chung, ngay từ lúc còn thanh xuân, với dáng người gầy gò, thấp lùn, chắc chắn không giống công tử bột đa tình con nhà quan Dương Thiệu Tước tí nào cả. Nhạc Văn Chung chân phương, thực thà như con người Văn Chung vậy. Tứ nhạc (inspiration) chỉ đến với Văn Chung bằng những bài thơ hay của thời đại, chẳng hạn thơ của Thế Lữ lúc đó, hay là thơ của Simonov sau này (do Tố Hữu dịch ra lời Việt), bài Ðợi Anh Về. Văn Chung cũng không phải là người gây được một phong trào, nhưng cái công đóng góp vào tiến trình của tân nhạc của anh không phải là ít. Tôi biết Văn Chung đã phổ nhạc một bài thơ của Thế Lữ, bài Hồ Xuân và Thiếu Nữ. Bài này đã được đăng trên báo NGÀY NAY vào năm 1941. Hi vọng có ngày tôi có được bản nhạc trong tay, nay thì hãy ghi lại bài thơ rất đẹp này :

Hồ Xuân và Thiếu Nữ
(Thế Lữ -1941)

Trên mặt hồ in mầu ngọc biếc
Cô em đang bơi một chiếc thuyền non
Lửng lơ như cái chuồn chuồn
Rỡn đuôi trên nước chập chờn ghẹo hoa.
Chân gió nhẹ lướt qua làn sóng
Nắng chiều xuân rung động trên cành
Mấy hàng lau yếu nghiêng mình
Cô em bỗng ngẩn ngơ tình vì đâu ?
Ðặt mái chèo, ngả đầu trên gối
Trong mây chiều phơi phới trên kia
Hỏi xem mây có duyên gì ?
Mà con chim én đi về lửng lơ...

Khởi đầu với những bài hát tình cảm lâng lâng, không buồn lắm, không vui lắm nghĩa là ít tính trữ tình hay tính lãng mạn hơn các nhạc phẩm của bạn bè trong nhóm của mình (như Dzoãn Mẫn chẳng hạn)... Văn Chung sẽ còn tiếp tục soạn nhiều bài trong nhiều thể loại khác nhau cho tới khi ông qua đời trong năm 1984 tại Hà Nội


Trong nhóm TRICEA, Lê Yên là người có vốn nhạc nhiều hơn các bạn đồng hội đồng thuyền. Ông học nhạc từ lúc 14, 15 tuổi và biết kéo violon, violoncelle để tham gia vào các ban nhạc tài tử lúc đó, trình tấu nhạc cổ điển (như một trích đoạn trong Symphonie Inachevée của Schubert chẳng hạn). Sáng tác đầu tay của Lê Yên là những bản Vườn Xuân, Một Ngày Vui... đã được Văn Chung bỏ vốn ra để xuất bản và phát hành.

Sau này Lê Yên mới có cơ hội quay về với nhạc cổ truyền để làm điểm tựa sáng tác, nhưng trong thời gian thành hình của Tân Nhạc, nhạc bản của ông hoàn toàn được cấu tạo như một ca khúc tây phương hiện đại. Ví dụ bài Bẽ Bàng mà ông cộng tác với Văn Chung để soạn ra. Nhạc khúc nghe như một bài ''valse'' của Strauss, rất lưu loát, có đoạn hát, có đoạn dạo nhạc với chuyển cung thông thường : tonique, dominante, sous dominante, relatif, kết thúc với CODA có pha trộn một chút mầu sắc mineure của giọng sous dominante cho cuộc tình duyên của một đôi lứa bẽ bàng thêm phần sót sa. Giản dị, không cầu kỳ như nhạc Dương Thiệu Tước chẳng hạn :

Tình duyên đôi ta bẽ bàng
Ðành để muôn năm lỡ làng
Còn nói ái ân làm chi
Ngày vui xưa qua mất rồi
Lòng thương xưa phai hết rồi
Tình yêu xưa tan mất rồi
Còn oán trách nhau làm chi...
Vì đâu đôi ta bẽ bàng
Vì đâu muôn năm lỡ làng
Thật đáng tiếc thay tình xưa
Vì đâu vui kia hết rồi
Vì đâu thương kia hết rồi
Vì đâu yêu kia xoá rồi
Mà nỡ chóng quên tình xưa...
(Dạo nhạc)
Xin đừng nhắc những lời êm đềm ấy hết rồi
Sao không cùng chung sống trong yêu đương
Từ ngày còn được gần gũi bên nhau
Khiến phút ấy qua mất rồi còn đâu...
Xin đừng nhắc mối tình ban đầu ấy đã đành
Tan theo cùng mây khói trong không gian
Từ ngày nào cùng nhau lỡ nhịp cầu
Mà khiến đến nay khó lòng gặp nhau
Tình đôi ta nay lỡ rồi
Ðành ôm đau thương suốt đời
Buồn tiếc mối duyên từ xưa
Nhìn mây, mây trôi hững hờ
Nhìn trăng, trăng soi lững lờ
Nhìn hoa, hoa phai úa mờ
Âm thầm riêng có bóng ta trong giấc mơ...

Nhạc tình của Lê Yên sẽ luôn luôn theo nhạc pháp tây phương, còn tứ nhạc thì cũng không ra ngoài chủ đề nhạc tình cảm. Nhưng nhạc Lê Yên không thể buồn sâu sắc được vì tính hiếu động của chàng thanh niên nghịch ngợm mang tên Lê Yên. Tôi không được quen biết Lê Yên nhiều, chỉ gặp ông vài lần để hiểu ông là con người rất nhanh nhẹn, rất thông minh, rất bén nhạy, và không phải là người soạn nhạc tình thâm trầm. Sở trường của Lê Yên là nhạc vui, chẳng hạn bài Nghệ Sĩ Hành Khúc soạn theo thể pasodoble và bài Ngựa Phi Ðường Xa mà ban Thăng Long đã coi như bản nhạc dễ khích động khán thính giả nhất, trong do Lê Yên cho ta thấy cái tài soạn Tân Nhạc có tiết điệu nhanh nhẹn, một nhạc tính mà ta ít thấy trong nhạc Việt Nam vào thời đó.

Dzoãn Mẫn mới là người thành công nhất trong nhóm TRICEA. Hồi Tân Nhạc mới được thành lập, ông đã sáng tác được khoảng mười ca khúc rất hay, một số bài còn được lưu truyền tới bây giờ, trong khi nhạc Văn Chung, Lê Yên thì gần như ít được quần chúng biết đến. Trong những bản như Sao Hoa Chóng Tàn, Biệt Ly, Cô Lái Thuyền, Tiếng Hát Ðêm Thụ Một Hình Bóng, Một Buổi Chiều Mơ, Gió Xa Khơi, Nhạc Chiều, Trở Lại Cùng Anh... tối thiểu cũng có ba bài mà trong suốt mấy mươi năm liền, không lúc nào là không được thu thanh vào băng nhạc, phóng thanh trên các đài vô tuyến, hay hát trong phòng trà, các nhà hàng khiêu vũ.

Nhạc Dzoãn Mẫn là nhạc cho guitare hawaienne là cây đàn mà ông nắm rất vững. Dzoãn Mẫn nghiêng hẳn về nhạc thất cung thuần túy. Bài bản của ông, cũng như của các bạn đồng thời, đi theo một cấu phong đã có sẵn : A-B-A rồi CODA để hết. Cũng có khi không có CODA mà chỉ là ba đoạn thông thường kể trên. Sự phát triển giai điệu không bay bướm (như giai điệu Dương Thiệu Tước chẳng hạn) mà có khi chỉ là những chuỗi âm giai phần nhiều là majeurs. Bài Cô Lái Thuyền sau đây là một ví dụ :

Dừng chèo lại đây cô lái thuyền ơi
Dừng chèo lại đây dây phút ngừng trôi
Cho tôi sang đến bến sông xa vắng
Bờ sông xa vắng khách riêng mình tôi...

Nhạc điệu, tiết điệu, lời ca của Dzoãn Mẫn đều rất giản dị nên rất dễ hiểu, dễ nghe, dễ hát. Ca khúc ''gọi đò'' này rất phổ thông trong dân chúng. Ngộ nghĩnh nhất là Dzoãn Mẫn cũng kêu gọi cô lái thuyền cũng như Thẩm Oánh, nhưng nếu trong ca khúc Thẩm Oánh, chưa chắc đã có ai ngưng mái chèo và ghé bến để Thẩm Oánh đỡ phải mong chờ... thì cô lái thuyền và Dzoãn Mẫn lại bốn mắt nhìn nhau, sẽ nói một câu, ta đi tìm chốn ân ái dài lâu, muôn năm hạnh phúc rực rỡ muôn mầu... Không trách bị Thẩm Oánh phê bình là đi rất sát quần chúng! Thế nhưng theo tôi nghĩ, trong buổi đầu của nền Tân Nhạc, chúng ta cần phải đi sát quần chúng. Nếu ta cần những người luôn luôn có đầu óc sáng tạo, ta cũng cần cung cấp cho quần chúng những sáng tác gần gũi với quần chúng dể nuôi dưỡng phong trào.

Bài Cô Lái Thuyền của Dzoãn Mẫn cũng giống như những sáng tác khác của ông và của các bạn đồng đội, thuộc xu hướng nhạc tình cảm, nhưng ông đã bớt đưa thiên nhiên như hoa cỏ, mây trời, sông hồ, trăng sao, mưa nắng... vào nhạc tình của mình. Ðã có đôi chút lãng mạn len vào nhạc Dzoãn Mẫn và nhạc tình lãng mạn sẽ còn càng ngày càng được những nhạc sĩ đồng thời như Ðặng Thế Phong, Lê Thương, Văn Cao đưa lên rất cao lên không trung và đưa vào rất sâu trong lòng người mộ điệu. Lãng mạn tính trong ca khúc Dzoãn Mẫn nổi nhẹ lên trong bài Biệt Ly, vì đã có lá heo may len lén thổi vào ca khúc rồi :

Biệt ly! Nhớ nhung từ đây
Chiếc lá rơi theo heo may, người về có hay
Biệt ly! Sóng trên dòng sông
Ôi còi tầu như xé đôi lòng
Và mây trôi, nước trôi
Ngày tháng trôi cùng lướt trôi
Mấy phút bên nhau rồi thôi
Ðến nay bóng em mờ khuất
Người về u buồn khắp trời
Người ra đi với ngàn nhớ thương
Mấy phút bên em rồi thôi
Dáng em sống trong hồn tôi
Xa cách xa, ta tìm đâu ngày vui...
Biệt ly! Ước bao đường tơ
Réo rắt trong muôn hương mơ
Thành sầu tiễn dưa
Biệt ly! Ước mong hoàng hôn
Êm đềm về ru ấm tâm hồn
Người yêu đương cách xa đành sống vui cùng gió sương

Nét nhạc hoàn toàn tây phương nhưng khéo xếp đoạn, khởi sự bằng các nốt trầm rồi bay vút lên nốt cao nhất (anacrouse) để sẽ trở về câu nhạc chủ đạo lúc đầu. Bài Biệt Ly được hát dài dài trong suốt nửa thế kỷ nay.

Dzoãn Mẫn có mặt một cách rất rạng rỡ trong thời kỳ thành hình của tân nhạc với một số tác phẩm để đời. Chúng ta sẽ gặp lại ông trong những thời kỳ sau.












Cố nhạc sĩ Doãn Mẫn: "Biệt ly" - một khúc tình si


"Biệt ly/ Nhớ nhung từ đây/ Chiếc lá rơi theo heo may/ Người về có hay..." - hơn bảy mươi năm nay, những ca từ đẹp như thơ và giai điệu mượt như nhung ấy đã chiếm lĩnh tâm hồn bao thế hệ. Khi viết "Biệt ly", tác giả còn rất trẻ, chưa tới hai mươi tuổi, vậy nhưng nỗi nhớ thương, sầu tủi ẩn chứa trong lời ca thì vô cùng thấm thía. Chính "Biệt ly" chứ không phải tác phẩm nào khác sẽ đưa tên tuổi của tác giả - nhạc sĩ Doãn Mẫn - mãi mãi neo lại với thế gian. 


Cố nhạc sĩ Doãn Mẫn (1919-2007).


Cùng với các nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Đặng Thế Phong, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước...; Doãn Mẫn còn được ghi nhận là một trong những người "khai sơn phá thạch" mở đường cho nền tân nhạc Việt Nam...

Nhạc sĩ Doãn Mẫn sinh năm 1919 tại làng Hoàng Mai, Hà Nội. Cụ thân sinh ra ông là một viên chức làm việc ở ga Hàng Cỏ. Mặc dù không theo nghề nhạc song cụ rất đam mê nhạc dân tộc, đặc biệt là "món" đàn bầu. Được cha hướng dẫn, từ nhỏ Doãn Mẫn đã biết chơi một số nhạc cụ truyền thống. Song ông không lấy đó làm ngón nghề mưu sinh. Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm, Doãn Mẫn vào làm một chân thư ký tại Bệnh viện Bạch Mai.

Không được học hành bài bản về âm nhạc nhưng với niềm khao khát bản năng, Doãn Mẫn tự mày mò trang bị kiến thức nhạc lý cho mình qua sách báo, mà chủ yếu là sách báo Pháp. Khi "vốn liếng" đã hòm hòm, ông chuyển sang việc đàn hát - thoạt đầu với tư cách một nhạc công, tiếp đó, ông bắt chước soạn lời (ta) cho các điệu nhạc Tây.

Sau này, nhạc sĩ Doãn Mẫn đã hồi cố lại cái thuở chập chững đến với âm nhạc của mình: "Vào khoảng năm 1936 -1937, khi phong trào âm nhạc cải cách phát triển, những ca khúc do người Việt Nam sáng tác xuất hiện thì tôi gặp lại Lê Yên, cũng không nhớ rõ trong hoàn cảnh nào. Chúng tôi rất vui được gặp lại nhau, cùng chung chí hướng trên con đường nghệ thuật mới mẻ… Yên và tôi thường bổ sung cho nhau về kiến thức âm nhạc và kinh nghiệm sáng tác, trao đổi tác phẩm, vì lúc đó chúng tôi đều là những người tự học, hoàn toàn sáng tác theo bản năng.…Cũng trong thời gian này (1936-1939), chúng tôi có thêm một người bạn chí cốt: Văn Chung. Là công nhân một nhà in tư nhân phố Hàng Điếu, cạnh rạp chiếu phim Olympia (rạp Hồng Hà ngày nay), Văn Chung là một con người tháo vát, có nhiều sáng kiến trong tổ chức biểu diễn và xuất bản, in ấn".

Cũng theo hồi ức của Doãn Mẫn thì năm 1938, sau khi xuất hiện bản nhạc in đầu tiên được bán trên thị trường là bài "Hồ xưa" của Thẩm Oánh, nhạc sĩ Văn Chung đã chủ trương in các bài hát của mấy anh em (gồm Văn Chung, Lê Yên và Doãn Mẫn) đứng tên nhà xuất bản Tricea (từ đó, giới âm nhạc thường gọi nhóm ba nhạc sĩ này là nhóm Tricea). Số lượng các bản nhạc được in ra mỗi lần vào khoảng 1.500 đến 2.000 bản, bán hết veo, vốn thu hồi nhanh.


Đến nay, có thể xem "Tiếng hát đêm thu" là ca khúc đầu tay của Doãn Mẫn. Nó ra đời năm 1937, với sự hỗ trợ phần lời của nhạc sĩ Văn Chung. Cùng năm đó, Doãn Mẫn còn có "Gió thu". Tới năm 1939, người nhạc sĩ trẻ đã nhanh chóng bứt lên, trở thành một trong những tên tuổi sáng giá trong làng tân nhạc Việt Nam với ca khúc "Biệt ly" hiện vẫn là "bài ca đi cùng năm tháng". 

Cũng giống như nhà thơ Tế Hanh, kỷ niệm từ những lần thơ thẩn dạo chơi ngoài sân ga, chứng kiến bao sự biệt ly của những người vì nhiều lý do phải dứt áo chia tay nhau, đã viết nên những vần thơ đầy chua xót (bài "Ga"), Doãn Mẫn do có người cha làm ở Ga Hàng Cỏ, là nơi chứng kiến nhiều cuộc chia ly đầy bi lụy của bao gia đình, bao cặp tình nhân, đã xúc động viết nên ca khúc "Biệt ly", nhạc phẩm để đời của ông.

Đây là nguyên văn ca từ của bài hát:


Biệt ly nhớ nhung từ đây
Chiếc lá rơi theo heo may
Người về có hay
Biệt ly sóng trên dòng sông
Ôi còi tàu như xé đôi lòng
Và mây trôi nước trôi
Ngày tháng trôi cùng lướt trôi
Mấy phút bên nhau rồi thôi
Đến nay bóng em mờ khuất
Người về u buồn khắp trời
Người ra đi với ngàn nhớ thương
Mấy phút bên em rồi thôi
Dáng em sống trong hồn tôi
Xa cách ta còn tìm đâu ngày vui
Biệt ly ước bao đường tơ
Réo rắt trong muôn hương mơ
Thành sầu tiễn đưa
Biệt ly ước mong hoàng hôn
Êm đềm về ru ấm tâm hồn
Người yêu đương cách xa
Đành sống vui cùng gió sương.

Với một số nghệ sĩ, sau khi tác phẩm của họ được phổ biến rộng rãi, trở thành một thứ "huyền thoại" trong lòng công chúng, họ thường hay thêm thắt ít nhiều, như vẽ ra mối tình này mối tình nọ nhằm tô điểm thêm cho sự lãng mạn của đời mình. Doãn Mẫn không vậy. Khi được hỏi về các hình mẫu phụ nữ trong một số nhạc phẩm tiêu biểu của mình, ông thật thà: "Tôi bịa ra đấy. Tất cả chỉ là chuyện…bịa". Nhân vật "em" trong "Biệt ly" cũng là trường hợp như vậy. Doãn Mẫn từng kể: "Tôi viết Biệt ly năm tôi vừa 20 tuổi. Hồi đó, cha tôi làm việc ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Nhà ở gần ga nên tôi thường hay ra ga chơi, chứng kiến nhiều cuộc chia tay đầy nước mắt trên sân ga, nhất là những đôi trai gái yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh phải ly biệt. Điều đó khơi dậy trong lòng tôi nhiều cảm xúc và tôi có ý định sáng tác một bài hát về đề tài chia ly. Tôi nghĩ rằng tôi sáng tác bài Biệt ly với rất nhiều kỷ niệm. Qua những cuộc chia ly mà tôi được chứng kiến ở sân ga Hà Nội, ở bến cảng Hải Phòng đã cho tôi rất nhiều xúc động. Tôi đã dự kiến làm bài Biệt ly này từ năm 1937, tức là năm tôi bắt đầu sáng tác. Nhưng mà rồi có nhiều trường hợp khác cho nên tôi lại viết về chủ đề khác, cho đến năm 39, có mấy việc dồn dập đến, tôi trở lại đề tài này".

Nếu như nhiều ca khúc mới của nhóm Tricea thường được "thâm nhập cuộc sống" bằng cách, hoặc được tổ chức hát tại các gia đình, hoặc trong các dịp diễn kết hợp với các buổi chiếu phim lấy tiền giúp các hội từ thiện thì quá trình phổ biến của "biệt ly" cũng tương tự vậy. Theo như nhạc sĩ Doãn Mẫn thổ lộ thì lần đầu tiên ca khúc "Biệt ly" được công bố là vào năm 1940 ở Hà Nội. Người đầu tiên hát bài này là một giọng ca được yêu mến lúc bấy giờ, có tên là Phụng (tác giả không nhớ nghệ danh), nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên. Cũng nhờ những buổi biểu diễn ở các rạp chiếu phim, phần nữa "do anh em ở trường Bưởi làm ca cảnh, cho nên Biệt ly mới được phổ biến". 

Khi được hỏi, đến nay, ai là người thể hiện ca khúc "Biệt ly" hay nhất, nhạc sĩ Doãn Mẫn tỏ ra khá thận trọng. Ông cho biết, có một thời gian dài, "Biệt ly" không được lên sân khấu. Nó chỉ được công diễn trở lại kể từ năm 1988. Và trong số các ca sĩ thể hiện bài hát mà ông trực tiếp "thẩm định" thì "có lẽ Lan Ngọc ở trong Nam và Thùy Dung ở ngoài Bắc là thể hiện được cái ý tình mà tôi muốn gửi gắm" (theo một bài viết in trên Báo Thanh niên). Doãn Mẫn cũng than phiền là nhiều người rủ nhau đi hát nhạc tiền chiến như một thứ "mốt", song không mấy quan tâm tới việc hát thế nào cho đúng nhạc. Và ông than thở: "Nhiều bài của tôi được phối khí lại mà tôi còn chẳng nhận ra. Làm mới, không có nghĩa là làm khác đi".

Sinh thời, nhạc sĩ Doãn Mẫn từng có tới 20 năm giữ chức Trưởng phòng Giáo vụ của Nhạc viện Hà Nội. Đó là thời gian ông "phải đi lo cả việc học viên có con nhỏ không ăn được thì phải làm thế nào, chỗ ăn, ở, nhà vệ sinh bẩn thỉu thì làm sao". Nói chung, đó là quãng thời gian ông chỉ thuần túy với công việc hành chính, sự vụ chứ không sáng tác được gì. Và người từng được xem là một trong những nhạc sĩ có công khai mở nền tân nhạc Việt Nam chỉ sáng tác trở lại khi đã ở tuổi ngoại bảy mươi.

Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Doãn Mẫn chỉ sáng tác chừng 50 bài, trong đó, những ca khúc như "Biệt ly", "Hương cố nhân" được xem là những nhạc phẩm xuất sắc nhất.

Nhạc sĩ Doãn Mẫn qua đời ngày 13 tháng 4 năm 2007. Rất nhiều người hay tin đã xếp hàng dài đến tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Điều này vừa là thể hiện sự mến mộ của người đời đối với những nhạc phẩm bất hủ của ông, vừa là thể hiện sự trân trọng của họ với một con người có nhiều phẩm chất đáng yêu, đáng mến. Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Hoàng Giác (tác giả "Mơ hoa") đã có lần phải thốt lên: "Người mà tôi quý nhất là anh Doãn Mẫn"




Đỗ Đình Hoạt









Trở về





Chân Dung Văn Nghệ Sĩ 
Danh Sách Tác Giả

Emprunt Empreinte




MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.