Thứ Hai, 13 tháng 2, 2017

Nguyễn Lương Vỵ (1952 - 2021)















Nguyễn Lương Vỵ

(1952 - 17/2/2021) Quảng Nam
Hưởng thọ 69 tuổi
Nhà thơ, nhà văn









Đã có thơ đăng báo (Văn, Khởi Hành, Thời Tập, Văn Chương) từ 1969 tại Sài Gòn.
Qua đời ngày 17/2/2021 vì Covid 19 tại California, Hoa Kỳ












Nguyễn Lương Vỵ
Oct. 2014 Calif


















Đã in:





1
Âm Vang Và Sắc Màu
(NXB Trẻ, Sài Gòn 1990)



NGUYỄN THỊ KHÁNH MINH
NGUYỄN LƯƠNG VỴ, NGƯỜI THƠ HÁT ÂM


Một Người Thơ, hát âm giữa đôi bờ sinh tử.

Sao gọi Hát Âm? Xin nghe đoạn thơ trong bài Âm Nhạc của Nguyễn Lương Vỵ viết năm 1970:

…Âm nhập cốt
Âm binh phiêu hốt tiếng tru
Ta tru một kiếp cho mù mắt
Mù lệ đề thơ để nhớ đời… 

(Tập San Văn Chương 1973, Sài Gòn - Âm Vang Và Sắc Màu, 1991.) 

Phải chăng, Âm nhập cốt, để rồi, Ta tru một kiếp cho mù mắt / Mù lệ đề thơ để nhớ đời đã vận vào mệnh-chữ Nguyễn Lương Vỵ (NLV) cho thơ rền tiếng hú âm?

Một Người Thơ, vẽ chân dung của mình: 

...Vẽ chân dung mộng ảo mà chơi
Mắt môi nắng quái cái luân hồi... 
...Chân dung ảo thơ rền thạch động
Nước khua rằm rụng xuống hai vai... 
...Vẽ chiêm bao chào cái chân dung… 
(Hòa Âm tr.13) 

Một Người Thơ, tờ tợ hình ảnh một hiệp sĩ, hứng nghịch cảnh: 

Này cái lạnh ta thề sẽ buốt
Suốt xương da để vẽ môi cười
Mắt vời vợi lời kia trong suốt
Để ta cuồng khóc hận khôn nguôi… 
(Hòa Âm, tr.13) 

Một Người Thơ, với niềm tin duy nhất là Thơ, tận hiến trong cô độc, cảm xúc Thơ, cho dẫu chết, vẫn thơ mộng quá, một con quỷ đọc thơ, một bóng ma nhặt bóng chiều tà: 

Chết tươi làm con quỷ xướng thi
Chết héo làm con ma lầm lì
Quỷ xướng thi, kinh kỳ rụng xuống
Ma ta lầm lũi lượm tà huy 
(Bốn Câu Thất Huyền Âm, tr.74) 

Nếu con ma lầm lì, mỗi hoàng hôn được có trên tay một chút nắng tàn đem về vẽ chiêm bao để nhận diện mình, thì, tôi cũng muốn được cái lầm lì ấy của một bóng, ma. 

Vẽ ra một chân dung như vậy, thật quá đậm, hình lẫn bóng. 

Tôi đã đọc những thi phẩm: Âm Vang Và Sắc Mầu - Phương Ý - Hoà Âm Âm Âm Âm… - Huyết Âm – Tinh Âm, của nhà thơ NLV. Điều cảm nhận đầu tiên của tôi là cái khí nhất quán các tập thơ, một mạch chảy của một dòng sông, nhưng ở mỗi thi phẩm lại thể hiện mỗi lực chảy khác nhau. Từ ý tưởng, ngôn từ, nhạc thơ, và trên hết, là cảm xúc thực của tác giả, phát ra một lực mạnh mẽ truyền đến người đọc. Và bây giờ, trong tay tôi, tập thơ mới nhất, Bốn Câu Thất Huyền Âm (2011.) 

Với một chữ huyền đã khiến u buồn, nghe như mình lọt vào không khí những tiếng đàn trầm. Nghe thôi, muốn tìm ở đâu đưa đến những âm thanh ấy thì hình như chạm vào ảo mờ của bóng sáng tối. Và có phải, giữa vườn hoa chập chùng, tôi chỉ tìm được lối đi bằng tiếng rơi của cánh hoa? 

Vâng, tôi đang lắng đi theo tiếng rơi ấy. 

Đó là điều làm tôi muốn viết thêm về NLV, bằng cách lồng vào bài viết cho Huyết Âm từ năm 2009 (đã đăng trên web Da Mầu). Tôi muốn những ý nghĩ của tôi xuyên suốt một sợi chỉ cảm xúc, vì rung động từ những thi phẩm của NLV như những mắc xích nối nhau. Phải để nó phơi một mạch như thế này thì mới nhận được hết những bổng trầm của cảm xúc. Nên tôi cũng xin lỗi những ai đã đọc bài tôi viết về Huyết Âm trước đây, bây giờ lại thấy khác đi, thì cũng vì điều tôi đã nói ở trên. Và, cũng vì Thất Huyền Âm trong khu vườn Bốn Câu mênh mông của nhà thơ.

Viết về Huyết Âm, tôi chỉ nói đến cảm xúc của người đọc thơ, hôm nay, tôi lại muốn nói hơn một

điều, không, hai điều, mà cũng không chắc được, vì, cho đến lúc này, ngoài cái đồng điệu văn chương ra, tôi còn nương tựa vào đó một nghĩa bạn hiền, một đạo bạn bè. Cứ theo cảm xúc ấy mà đi...


Hồi 17 tuổi, tôi đã chép vào cuốn sổ ghi chép của mình, những câu thơ từ một tạp chí, nó làm tôi quá thích, chẳng hiểu sao mà hình ảnh và những chuyển động trong 4 câu thơ hòa quyện vào cùng một không gian một cách nhịp nhàng đến thế: 

Biển đắp một toà sương
Lạnh đôi bờ vú nhỏ
Nàng tắm trong tịch dương
Núi gầm lên khóc nhớ… 

Giữa cái cô liêu của tịch dương và tiếng gầm vô thanh hạt lệ núi cùng đôi bờ lạnh, nhỏ, khói sương kia có một nhịp tương giao rất đỗi quạnh hiu, và cũng quá thơ mộng trong 20 âm, ẩn hiện bóng chiều tàn.

Mãi đến 40 năm sau, tôi mới gặp được người viết, NLV (viết bài thơ nầy vào năm 16 tuổi). Gặp được, là nhờ cái cười vô vi, cái vẫy gọi hý lộng cuộc đời của nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan (NTN).


VÀ NGUYỄN TÔN NHAN, 

…Ba người ngồi đó, một mái hiên tây, tôi nghe NLV dạ thưa chào hỏi, tôi nghe đôi mắt NTN cười sau cặp kính trắng, tôi nghe tôi im lặng, chưa nguôi nỗi ngạc nhiên giữa nắng vàng Calif. lại đang vẽ một cách mong manh cái dáng mảnh khảnh, lãng đãng của NTN. Tôi nhìn anh, và tôi vẫn thấy ở đó, cái điệu ơ hờ như là bất cứ thứ gì bám trên màu áo bụi bụi kia cũng đều bị hụt hẫng. Anh nói lẫn trong tiếng cười: “Khánh Minh đấy Vỵ, xem tôi nói có đúng không. Rồi ông sẽ thấy những gì tôi nói đều không sai.” Giới thiệu hai bên như vậy.Tôi nghe họ cười, rất trẻ (thơ?) khiến một lúc tôi có cảm giác như mình là bà chị, của một người hơn tôi bốn tuổi, của một người thua tôi 6 tháng. NTN khuấy ly cà phê đá bằng những tiếng lanh canh thật to của cái muỗng dài, rồi hớp một hơi, đặt xuống bàn, kêu, dở muốn ói! 

Không khí buổi gặp gỡ ấy hình như im lặng nhiều hơn. Tôi thì có một nỗi xôn xao, trong buổi trưa ở phố Bolsa này, lại thấy lênh đênh dạt tới một vạt nắng ấm Sài Gòn ngày cũ. Ba người ngồi đó trong tiết xuân mát lạnh. Ca dao bảo: Ba cây chụm lại nên hòn núi cao; còn ba bóng cô đơn đang ngồi gần nhau thì làm nên cái gì đây? Nếu tôi đem câu này mà hỏi anh NTN vào lúc đó thì chắc chắn tôi sẽ nghe một câu trả lời lẫn tiếng cười ha hả sảng khoái: Thành cái bếp chứ cái gì!!! Mà hình như anh Nhan có nói thế thật, ở một lúc khác sau đó, để chọc tôi, sao anh không thấy là nó sẽ thành ngọn núi cao như ca dao đã bảo thế? 

Cái im, lặng đến nỗi tôi cảm thấy như chúng tôi đang lọt vào một cõi trời đất nào khác, mà NTN thì muốn rống lên một tiếng: Lòng như trời trống mênh mông… rỗng rang chẳng một vọng âm (NTN), NLV thì muốn thả một làn khói vào phổi mà Tri ân tiếng nói giữa trần gian, mà nghe Trong mịt mùng của một trái tim đã khô / Những niềm trời vẫn còn long lanh giọt lệ (NLV), còn tôi thì mềm lòng: Dạ thưa trời đất cùng ta cõi này, một vòng sinh tử đang quay… 

Tôi cũng cảm nhận được cái không lời giữa họ, hai nhà thơ, đồng thời với tôi, mà tôi quý mến, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Lương Vỵ; một người thì xem mọi điều trong cõi đời nầy như trò bông đùa, hóa giải mọi nỗi thống thiết thành tiếng cười, mà khi nghe thì người ta cảm thấy cả tiếng vỡ của một hạt bụi. Một người thì tận thấu những nỗi đau của kiếp người bằng cái trầm thống của máu thịt tủy xương, mà khi nghe ta cảm ứng được âm vang lồng lộng tiếng rơi của từng hạt lệ. Tôi chợt hiểu ra, tận cùng, họ gặp nhau trong cái bóng của niềm cô độc riêng tây. Bởi vậy mà họ nói với nhau bằng nỗi tri kỷ im lặng, bằng nỗi long lanh của bọt bia trắng như mép một con sóng đang vỡ ra trên bờ cát im, trong đêm trăng sáng. Đó là Nguyễn Tôn Nhan và Nguyễn Lương Vỵ mà tôi thấy trong những ngày ngắn ngủi ở Little Saigon này, cộng thêm một tôi, một cái bóng của niềm thơ cô độc nữa. 

Đó là buổi đầu tôi gặp NLV (còn thơ NLV thì tôi đã gặp từ hồi tôi 17 tuổi rồi), một nhịp của số mệnh để có một tình bạn cho tôi chỗ dựa tin cậy trong những chia xẻ đồng điệu của văn chương.

Mà phải tường tận điều này để đừng đớn đau: Vừa mới hợp là vừa mới tan / Tuyệt bi âm. Sấm dậy tro than (Bốn Câu Thất Huyền Âm, tr.18) 

Biết thế, mà vẫn nghe quá đỗi bi thương của tiếng tro than sấm dậy ấy, khi gần hai năm sau, nghe tin NTN: Thiết tha anh đến mép viền vô vi / Thõng tay chẳng đem chút gì… cho dẫu đối với anh Mai kia cõi ấy dịu dàng lặng câm...(NTN), nhưng, với tôi và NLV ở lại, thì, bây giờ đúng là đang ngơ ngác lặng câm cõi này. Anh không đem theo chút gì, nên dường như anh đã để lại cho hai người bạn nơi mái hiên tây ngày nào một chỗ mênh mông lạnh. Anh có nghe Vỵ thất thanh gọi Nguyễn Tôn Nhan không? Và anh có nghe những giọt nước mắt giả vờ của tôi trước cái đùa ly biệt của anh? 

Trong cuộc điện đàm viễn liên, một tháng trước khi anh đột ngột ra đi, anh nói có viết tặng tôi một bài thơ cuối năm, giờ đọc lại tôi thấy lời lẽ trong bài thơ ấy, y như là anh đã linh cảm được cái chết. 

Từ buổi NTN Ba La Yết Đế tới rồi / Ngó lui còn một em ngồi bên kia, và không biết bao giờ thì anh Vậy thì anh cũng xin về? 

Trong khi chờ đợi NTN quyết định xin về, những lần ngồi nói chuyện với nhau, không thể nào mà hai chúng tôi không ít nhất là, rất nhiều lần, nhắc NTN. NLV vẫn đốt thuốc nhìn trời khuya nói chuyện với người bạn tri âm của mình. Một tối, Vỵ gọi phone cho tôi,“Tui nhớ Nhan quá, nghe dùm tui câu thơ vừa viết cho Nhan”. Nỗi nhớ cũng lây hay sao?! Tối đó tôi nằm mơ, thấy NTN nói, anh chỉ cho tôi “ngôi nhà” của anh. Sau khi đi qua một con đường đất có tiếng xe ngựa chạy lóc cóc, nhà anh có ba ngọn đèn sáng, anh nói anh ở với ông Mai Xuân Thưởng và gần nhà ba tôi (ba tôi mất trước anh Nhan 4 tháng.) Sáng dậy, tôi gọi phone cho Vỵ, hỏi,“Ông Mai Xuân Thưởng là ai? Đêm qua, KM nằm mơ thấy anh Nhan, nói ở chung nhà ông ta.” Vỵ nói,“Đừng nói tào lao nữ sĩ ơi! Có nhớ thì mần thơ đi!” Tôi tìm tài liệu biết được ông là một nghĩa sĩ chống Pháp, lúc đó tôi mới biết tới Mai Xuân Thưởng mà tôi nghe anh Nhan nói trong giấc mơ đêm qua... 

Ôi, Nguyễn Tôn Nhan, anh đi vô hạn/ anh về vô biên...(NLV)


MỘT THÂN MỘT BÓNG NGUYỄN LƯƠNG VỴ, 

Máu đá hòa với máu ta
Nở ra một đoá kỳ hoa
Tỉnh ra thấy mây đầu núi
Chó bay sủa trắng chiều tà… 
(Âm Vang Và Sắc Màu, tr.29)

Thời gian?! Đàn lỗi nhịp khôn kham
Không gian?! Mây trắng nhớ vân am
Còn một mình một thân một bóng
Con Ma Ta vừa mới hội đàm… 
(Bốn Câu Thất Huyền Âm, tr.16)

Ma ta lầm lũi gom tiếng nói
Ngần sương dấu hỏi dấu than bay… 
(Bốn Câu Thất Huyền Âm, tr. 83) 

Từ con Người-Ma chênh vênh giữa buổi tiệc-máu-xương trong Huyết Âm đến bóng ma lầm lũi gom nhặt tiếng nói, về cùng người thưa thốt, có phải là băng qua giấc mộng tử sinh dằng dặc để có non xanh một quỷ xướng thi? Cái không khí Con Ma Ta vừa mới hội đàm…, làm ưng ức nhịp hiện tiền và con Người-Ma đi ra từ nước mắt, hạt máu làm tôi thấy sợ cái màu trắng của núi xương… 

Cho là tôi chủ quan, cũng không hề gì, khi nói thơ NLV, nhất là ở Huyết Âm, luôn gây ra cảm xúc đau lẫn sợ, bởi tôi cảm thấy được, dù là trong sầu bi hay đôi khi trong phẫn nộ, dù là với những lời thơ đẹp hay với những lời thơ thô xì tàn nhẫn bông đùa, thì NLV cũng đã viết ra từ phản hồi âm vang của huyết lệ. Tôi cũng cho rằng, khi đã sống trọn vẹn, sống thực với cảm xúc của mình thì sẽ thấy được, nghe được Âm Vang và Sắc Màu của tâm linh, và sẽ phổ được nó vào hồn cốt của chữ nghĩa, một chữ-nghĩa-nguyễn-lương-vỵ: 

...Thơ biếc máu để nuôi hoài chút lửa… ...Vuốt mắt sắc tím hát / Nghe âm hoa trong veo / Nghe âm đá cuốn theo…,

…Nghe hết cái không nghe… ...Gió vô sắc nhưng rằm kia quá mượt / Thơ u hồn đắp nấm gọi tinh âm…, ... Xác chữ hồn âm ngân ánh lửa…, ... Âm ngún cháy xanh lời mở cửa… ... Rú máu sông đồng vọng bóng quê nhà… 
(Trích rải rác trong thi tập Hòa Âm Âm Âm Âm…) 

Trong Bốn Câu Thất Huyền Âm, tôi càng thấy rõ rằng tôi đã cảm nhận đúng ngay từ những câu mở đầu trong bài viết về thi phẩm Huyết Âm trước đây, vẫn khí thơ: 

Vậy nhé! Xé câu thơ đứt ruột
Vẫn chưa bưa cái buốt giang hà
Vẫn hận mãi một lời đã vuột
Vẫn trông vời hồn cốt trôi xa … 
(Bốn Câu Thất Huyền Âm, tr.50.) 

Nếu Huyết Âm là âm vang vết roi bi thương của cảm xúc, thì Bốn Câu Thất Huyền Âm là nhịp búng từng tiếng trầm, những tiếng đàn được gảy ra từ một tâm khí thơ đầy nội lực, khi nghe, nếu không đủ sức thẩm âm thì sẽ khó mà nghe cho thấu, nhìn cho ra cái điệp trùng mênh mông của cõi miền hư không tịch mịch ấy. Khi đã nghe thấu, nhìn ra, thì, tất cả lại được ném vào cái phiêu bồng của nhớ quên… 

Gió cứ đi và sấm cứ rền
Cho chiều câm bầm huyết gọi tên
Cho ta cắn nát màu ưu hận
Nhai nuốt ngon lành chuyện nhớ quên… 
(Bốn Câu Thất Huyền Âm, tr.62.) 

Thấy như mình đang đi một mình trên đường đầy gió, tiếng gió rau ráu chuyện buồn đau nhân sinh, và những sợi tóc nhỏ quay lại thảng thốt…

Thơ NLV, luôn là như thế, ngoài hình gợi, nhạc gọi, ý lay, còn mở ra một không gian chập chùng muôn chiều, thổi tràn một khí lạnh, bắt người ta phải liên tưởng… 

Khí lạnh ấy là âm vang của nỗi bi thương tự tại: Chân dung ảo thơ rền thạch động/ Nước khua rằm rụng xuống hai vai… (Hòa Âm, tr.13.) Những ảo, rền, khua, rụng, kéo người ta cảm thấy như hai vai của chính mình đang chạm vào từng hạt rằm của con trăng vắng bóng.

Khí lạnh ấy là âm thang cao nhất của cô độc: Độc tấu với bóng mình / Ngực rêm rêm mộ địa (Hòa Âm, tr. 31). Hỏi ai đã từng cảm thấy nhịp đập con tim là tiếng rêm của huyệt mộ?

Mà cũng lạ, thức ngàn năm một hạt sương câm, thì Thơ mới bắt đầu chín tới, khi gỡ khỏi cái vòng Kim-Cô-Thiên-Địa ư? 

Giọt sương thức ngàn năm
Ta ngồi câm tuyệt đối
Khi thiên địa xa xăm
Thơ bắt đầu chín tới… 
(Hòa Âm, tr.34) 

Hú một mình vì khô nước mắt
Cô liêu. Trời đất ác vô cùng 
(Bốn Câu Thất Huyền Âm, bài 15.) 

Ác hay là…? Ngẫm ra, Người Thơ có được một đặc ân khi mang số phận cô độc để bước vào hành trình Thơ hun hút, thử hỏi nếu đầy tiếng xôn xao thì làm sao nghe được tiếng khô của hạt lệ? 

Nếu coi hành trình đến với Thơ là một cuộc hành hương thì Người Thơ dường như đã chạm ngõ được cái nguyên vẹn, tinh khôi, và mới mẻ được nuôi dưỡng từ những con chữ kỳ diệu ấy: 

Năm mươi năm theo em
Từ khi trong mầm khí
Con trăng non rên rỉ
Con suối khát nguồn xưa… 
(Hòa Âm, tr.27) 

Ngàn câu thơ chết yểu
Xanh hết suối hồn ta… 
(Hòa Âm, tr.28) 

Rất mát lạnh câu thơ chín tới
Nhịp bàn chân. Chuông ngân vời vợi
Vỗ bàn tay vũ trụ vần xoay
Lời vô ngôn mà sao mắt cay?! 
(Bốn Câu Thất Huyền Âm, tr.66.) 

Có phải một mình trong hang động im vắng của cõi Thơ, cái tịch mịch làm người ta nghe được mọi âm vang của cõi tồn sinh - như người xưa đã nói - mà Người Thơ đã hoà âm được cảm xúc của mình với tiếng vang của thời gian, tiếng rền của một hạt bụi?

Và cả tiếng chân của đứa con gái bé nhỏ yểu mệnh về từ âm tuyết lạnh, để thấu được tủy chiều, để nghe trời ứa mật, đá khóc? Nếu thế, thì cái-một-mình quả là một hồn ai nghiêng xuống rất bầu bạn, trong đêm. 

Xin nghe tiếng máu chảy mềm của người cha khiến nước mắt, xương tủy chờ con quặn đau đến thành tiếng hú: 

Chờ con về trong âm huyệt tuyết
Nhai tiếng chuông rền trong xương ta... 
...Chờ con về trong âm huyệt tuyết
Lạnh trầm ngân
Búng huyết
Thơ Ca 
...Con về chưa mà tuyết vẫn rơi
Ngàn bông lau
Huyệt tuyết
Hú dài… 
(Hòa Âm tr.175) 

Tôi cũng chưa được đọc ở đâu những lời thơ nói về niềm thương cảm người Mẹ như vầy: 

Con về bên Mẹ nghe huyết âm
Nghe tuỷ xương réo rắt mưa dầm…
Chắp tay hứng trọn huyết âm Mẹ
Lô hoả thuần thanh âm huyết hoa 
(Huyết Âm, tr.59.) 

Cũng hiểu được, khi biết NLV đã rút từ đâu ra những con chữ để có được nỗi niềm thương và đau dữ dội thấm thía như thế: Róc huyết âm / Đá khóc /...Róc con âm / con chữ lạnh thấu tuỷ xương… 

Vậy nhé! Xé câu thơ trắng tủy
Để còn nghe rền rĩ mưa âm
Âm đỏ ngực một bầy ngựa hí
Thây ma trôi. Thế kỷ tím bầm...
(Bốn Câu Thất Huyền Âm, tr.52)

Tủy của Thơ. Mưa của Âm, tận hiến đến thế. Hình ảnh nằm trong câu 4 của đoạn thơ trên là của thế kỷ chúng ta đó ư, nhà thơ? Tại sao chúng ta để nó hằn dấu bầm tím của vết thương vậy? Hỏi và đã biết cái nguyên do đau lòng…

Ôi cái thế kỷ!

Mẹ huyền vi / Rung huyết / Đón tinh Cha (Huyết Âm, tr.16). Rung huyết, hình ảnh rúng động thiêng liêng của giây phút sáng tạo. Để rồi đưa đến cái bất ngờ chua chát, bi phẫn: A! / Gái huyền / Đẻ đái / Cái Người-Ma (Huyết Âm, tr.17), làm tôi liên tưởng một cách rất buồn về thế giới chúng ta đang sống. Nơi người ta coi thường sinh mạng con người, coi nhẹ cái nghèo, cái đói, cái bất hạnh của người khác. Hình ảnh Người-Ma này theo hoài trong Huyết Âm như một ám ảnh, ở những trạng thái mà đôi khi không biết nghiêng về Ma hay Người… Cái bóng Người-Ma đeo đẳng như một cặp song sinh: Bóng Ta chìm bóng Ma / Bóng Ma chìm bóng Ta. Cũng không biết được cả hai có bắt tay thoả hiệp không. Hoặc giả, cười ngạo hay bất lực trước nó?

Nếu ở Hoà Âm, dòng suối lặng lẽ gửi âm vang tiếng reo sâu thẳm, thì đến Huyết Âm, cuộn lên những dòng khinh bạc, quyết liệt.

Trọn đời thống thiết Người-Ma
Bẻ đốt xương nghe cái rắc...
...Mây đùn tuỷ óc phôi pha…
(Huyết Âm, tr.24)

..Mồ-Ma-Người-Ngợm quá ể
Vỗ tay xương máu tiệc tùng
(Huyết Âm, tr.32)

Nuốt ực hết bi âm rền vang của máu và lệ - nơi chúng ta đang hít thở - nơi mà Ta-Người đối ẩm Ta-Ma, nơi mà nhân tính con người thúc thủ trước những cuộc tiệc-tùng-xương-máu. Thôi đành lui về Chi bằng độc ẩm huyết âm…, thấm nó vào trong thịt xương mình, để biết yêu quí và trân trọng máu lệ của chúng sinh. Cho nên, không phải tình cờ, cái bước lui về là bước đánh động vào cuộc tiệc-tùng-xương-máu kia…

Từ “Độc tấu với bóng mình” ở Hoà Âm đến “Độc ẩm huyết âm” ở Huyết Âm, có phải là chặng đường dài của cốt tuỷ hòa thanh, đi qua Mỗi chữ mỗi kiếp cháy sáng rực?... để nghe Vết thương ta ủ trong tiền kiếp / Mỗi chữ oan khiên hoá núi ngồi…(Huyết Âm, tr. 34)

Để mà khóc cười với ngàn kiếp thâm u có lẽ phải có nội lực của, chữ hoá núi.

Và có phải khi dùng lời như trẻ thơ thì mới hoá giải được cái đau phận kiếp, trong khổ thơ bốn câu, nghe như là đồng dao này?:

Hồn âm cứ nhấn
Xác chữ cứ nhai
Sai cái không sai
Đúng cái không đúng
Sống không để bụng
Chết không mang theo
Huyết âm trong veo…
(Huyết Âm, tr.99)

Như thể một anh mõ làng đi trong đêm vắng, trên những con đường xóm thôn đang ngủ mà rao những lời nhắc nhở, tối lửa tắt đèn…

Tôi tin với nội lực đã tấu lên được những âm vang bi thương nơi lòng người như thế sẽ lan ra, tỏa khắp, để cùng nhau chấm dứt cái cảnh núi xương, sông máu, biển lệ này.

Đọc thơ NLV, cho dù chưa thể “lên thêm một tầng lầu nữa” để “tận cái nhìn nghìn dặm” như nhà thơ Lý Đợi đã trích hai câu thơ của Vương Chi Hoán “Dục cùng thiên lý mục / Cánh thướng nhất tằng lâu” trong bài bạt thi tập Huyết Âm, nhưng với tôi, tôi cũng đã bắt được nhịp từ bản giao hưởng huyết lệ ấy. Làm sao mình biết hạt lệ mặn thế nào khi mình không-biết-khóc? Bằng cách đó tôi đọc Huyết Âm. (Có thể rồi, tôi sẽ thấy được cái nghìn dặm của Huyết Âm, nhưng chắc gì vào lúc ấy, có được cái cảm như bây giờ?) Bằng cách đó, tôi chia sẻ được chuỗi ÂM thống thiết trong thơ NLV.

Tôi tin NLV tiếp tục đi mãi trong cuộc hành trình rất riêng, rất độc sáng của mình, cho dù, Mần thơ / Quả thật / Đại tào lao như anh đã viết tinh nghịch, tếu như vậy, để tôi, và những người đồng điệu sẽ còn nghe được nữa cái “Tịch Mịch như Nguyên Thủy Nguyên Sơ” trong những bước trở về cùng Thi Ca như Người Thơ đã giải bày.

Và cũng như thế, tôi đi đến Thất Huyền Âm hôm nay, với những nhịp lắng theo dấu những tiếng trầm trầm từ Bốn Câu âm âm vô biên…


Santa Ana
Mùa Đông, 2011

Đọc lại và hiệu đính 05.2014, nhân sinh nhật lần thứ 62 của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ.










2
Phương Ý
(NXB Thanh Niên, Sài Gòn 2000)








3
Hoà Âm Âm Âm Âm...
(Thư Ấn Quán - USA 2007)








4
Tám Câu Lục Huyền Âm
Q&P 2013










5
Năm Chữ Ngàn Câu
(Nxb Sống 2014)



TRỊNH Y THƯ
NGUYỄN LƯƠNG VỴ; VẤN NẠN CỦA CÁI BEING



(Cảm nhận của Trịnh Y Thư về tập thơ Năm Chữ Ngàn Câu của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ)


Có thể nói những bài thơ trong tập thơ Năm Chữ Ngàn Câu của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ (xuất bản cuối năm 2014) là những biến tấu liên miên bất tận của cái Being.

Being chứ không phải đời sống như chúng ta thường hiểu. Bạn có thể gọi nó là kiếp nhân sinh, kiếp người, đời sống, hữu thể, hiện tồn, hiện hữu, hiện sinh, hiện tính, thể tính, hoặc cả chục từ ngữ khác tương tự. Nhưng xin bạn cho phép tôi gọi nó bằng cái từ tiếng Anh Being. Giản dị, hàm súc, nhưng hết sức bao la, gợi mở. Dịch sang tiếng Việt, gọi nó là “đời sống” hoặc “kiếp người” thì không đủ nghĩa, còn các thuật ngữ Hán-Việt thì bị tô đậm bởi màu sắc Triết học nặng nề, khó hiểu. Kì thực, dưới luồng sáng của Triết học, Being được định nghĩa là, “Một hình thái ý thức chủ quan lẫn khách quan lí giải thực tại và sự hiện hữu.” Các triết gia Hy Lạp thời cổ đại nói nhiều về nó. Sang thời cận, hiện đại các triết gia như Hegel, Heidegger, Sartre, v.v… cũng tốn khá nhiều giấy mực về nó. Tuy nhiên, bởi không mấy mặn mà với Triết học nên tôi thích hiểu từ Being theo cái nhìn của thi ca, một suy nghiệm giao thoa giữa thực tại và huyễn mộng, bằng một thứ ngôn ngữ trong suốt chứ không dày đặc thuật ngữ vốn rất dễ đưa người ta sa vào chốn hoả mù. Being dưới mắt nhìn của thi ca, có lẽ đơn giản hơn và dĩ nhiên “thơ” hơn. Vì nó, Shakespeare băn khoăn, “to be or not to be”; Nguyễn Du gọi nó là “cuộc bể dâu [với] những điều trông thấy mà đau đớn lòng”; gần chúng ta hơn, Milan Kundera gọi nó là cái “hệ toán hiện sinh”; và nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, với tinh thần cụ thể Việt Nam tính, thấy gì nói đó, gọi nó là “bầu trời lộn ngược.” Hiển nhiên, các thi sĩ cũng đã tốn không ít giấy mực cho cái Being mà tập thơ Năm Chữ Ngàn Câu của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ này là tốn kém mới nhất.

Mở tập thơ, tôi bắt gặp ngay thái độ và câu trả lời của nhà thơ, mà tôi đặc biệt yêu thích và tâm đắc, về cái Being, “Hỏi ta vui hay buồn? Theo nắng sáng xuống phố!” (Âm Cuối Thu). Một thái độ trầm tĩnh thấm đẫm tinh thần Đạo giáo đông phương! Nhẹ nhàng. Phơi phới. Thong dong. Không cần đi vào những suy nghiệm siêu hình mà lại tác động mạnh mẽ lên cảm xúc, đó là lợi thế của thi ca trên Triết học. Câu thơ biểu hiện một ý thức trong sáng nắm bắt được lẽ sống thiên nhiên, thấu hiểu lẽ đời và những hữu hạn tất yếu của con người sinh sống trong đó. Sống hài hoà với những quy luật tự nhiên, sống nương theo lẽ đời chứ không chinh phục cuộc đời; sống luôn luôn khiêm tốn, chẳng bao giờ dám vọng động đến độ tự nhận mình là đỉnh cao (mà khiếp hãi nhất là đỉnh cao trí tuệ). Phải chăng đấy là triết lí sống của người xưa mà ngày nay chúng ta gần như quên bẵng?

Theo tôi, nhà thơ chẳng cần phải trả lời câu hỏi đời buồn hay vui, bởi cuộc truy tìm ấy là một “nghịch lí chung cuộc”, nếu tôi được phép vay mượn cụm từ này của Kundera. Một nghịch lí “hết thuốc chữa” của cái Being. Và, với Nguyễn Lương Vỵ, nó là “Dấu hỏi hẳn đã chìm trong mộ / Hay vẫn lang thang trên đường về?” hay “Dấu hỏi giữa hư không thầm nhắc / Xa lòng giấc mộng vẫn cầm canh.” (Dấu Hỏi Giữa Hư Không). Mọi suy diễn và lí giải về cái Being đều mang nặng tính chủ quan và không thực. Quan trọng hơn, nó sẽ không đi đến đâu và giải quyết được gì cho chính bản thân chúng ta, nói gì đến tha nhân. Nhà thơ là kẻ nhạy cảm với đời sống hơn ai hết, đau cái đau của nhân sinh, vui cái vui của đồng loại, nhưng đừng kêu gọi nhà thơ cho lời giải đáp của cái “hệ toán hiện sinh” kia. “Đời thơ không khổ nạn / Làm sao thấu được thơ?” (Không đề IV). Bởi nó là câu hỏi giữa hư không.

Không có câu trả lời nhưng cũng không tuyệt vọng. Vâng, nhà thơ chìm đắm trong nỗi buồn, từ nỗi buồn vạn cổ cho đến nỗi buồn vu vơ, nhưng nhà thơ không tuyệt vọng. Quả thế, tôi không hề tìm thấy một ý nghĩ tuyệt vọng nào trong thơ Nguyễn Lương Vỵ. Ngược lại là đằng khác. Cho dù “khổ nạn” bao nhiêu chăng nữa, nhà thơ vẫn “xanh” như trong bốn câu, “Thánh ca rồi cũng tan / Cầm dương rồi cũng tạnh / Lạnh lạnh lạnh lạnh lạnh / Thi sĩ đã về xanh.” (Không Đề VIII).

Ugo Betti, nhà văn kiêm kịch tác gia người Ý có lần nói, “Tại bất cứ giây phút nào tôi mở mắt, tôi đều hiện hữu. Còn trước đó, trong suốt cái vô hạn, là cái gì? Thưa, không là gì cả.” Một tình cờ thật thú vị, tôi tìm thấy ý tưởng này của ông nhà văn viết cách đây gần ba phần tư thế kỉ trong mấy câu thơ sau của Nguyễn Lương Vỵ, “Mộng ngày quên hỏi lại / Chùm bông dại bay rồi. Lòng tay vắng tiếng trời / Biết làm sao gặp được. (Phải Vậy Không?). Sư thật là, chỉ cần sống, chỉ cần hiện hữu trên mặt thế gian này đã đủ cho nhà thơ cảm thấy toại nguyện, “Sống cho trọn kiếp, nào phải trò trẻ con.” Câu thơ của Boris Pasternak trong bài thơ bất hủ Hamlet. Tôi nghe kể hôm nhà thơ qua đời, nhà nước Sô-viết chẳng những không loan báo mà còn tìm mọi cách ngăn cản người tiễn đưa thi hào quá cố ra huyệt mộ. Thế nhưng vẫn có vài ngàn người đến dự đám tang ông. Chừng chục người ghé vai khiêng quan tài, nắp áo quan mở toang, họ vừa đi vừa cất giọng trầm hùng đọc to bài thơ Hamlet như lời tiễn đưa vĩnh biệt nhà thơ vĩ đại của dân tộc họ. Tôi chạnh nghĩ, thực ra họ đọc lời tâm nguyện sống như ông đấy. Sống cho trọn kiếp! Ôi, một điều khó khăn vô hạn!

Người là con vật duy nhất mà cái Being của riêng hắn là vấn nạn chỉ mình hắn giải quyết. Sự vĩ đại của con người không nằm ở những thành tựu chính trị hay kinh tế, không ở chỗ “thành công hay thành nhân,” mà chính ở chỗ hắn can đảm sống và sống cho trọn kiếp. Âm nhạc của Beethoven không ca ngợi con người anh hùng hay cá nhân thần thánh. Nó là bản tụng ca cho cái tinh thần sống như con người. Và đừng quên câu nói bất hủ của Jean-Paul Sartre, như nguyên lí thứ nhất cho Triết học Hiện sinh, “Con người chẳng là cái gì ngoài cái hắn tạo dựng nên chính hắn.”

*

Mặc dù tự nhận mình có sống trong mộng ảo trong những câu thơ sau, “Cuối đời càng lắm mộng / Đêm về mộng am mây / Ngày ủ trong lòng tay / Ngát thơm chùm bông dại.” (Phải Vậy Không?). Thế nhưng Nguyễn Lương Vỵ không có xu hướng quay về cõi mộng như rất nhiều nhà thơ miền Nam Việt Nam thuộc thế hệ trước. (Một hiện tượng khá lạ bởi trong một đất nước tơi bời khói lửa chiến tranh mà chỉ có vài ba thi sĩ nói về chiến tranh). Không quay về cõi mộng, Nguyễn Lương Vỵ cũng tuyệt đối rũ bỏ son phấn lụa là. Bạn sẽ không tìm thấy những thi ảnh kiểu “em buông tóc kiêu sa đi trong chiều nắng hạ” hoặc “ngón tay em dài, ngón chân em nhỏ” trong thơ Nguyễn Lương Vỵ bao giờ. Tôi mừng lắm. Bởi thú thật, tôi ớn loại thơ đó đến tận óc. Mong nó sẽ mãi mãi nằm trên kệ sách bụi bám của các thư viện thị trấn miền xa.

Thơ Nguyễn Lương Vỵ không son phấn lụa là nhưng nhục cảm thì có.

Hai bài thơ thấm đẫm nhục cảm là bài “Đêm Tượng Trưng” và bài “Hà Hà Hà!”. Thấm đẫm nhục cảm nhưng cả hai đều kết bằng tiếng cười ha hả như khoái trá, như chọc ghẹo, như đùa cợt bông phèng. Tôi lấy làm lạ. Khi đụng chạm đến vấn đề thân xác nhục cảm, người ta thường hay “chất ngất cơn say” hoặc “đưa em lên đỉnh cuộc tình” chứ ai đời lại cất tiếng cười ha hả bao giờ. Tôi có cảm tưởng đây chỉ là sự châm biếm, tự biếm thì đúng hơn, nào đó của chính nhà thơ. Nhục cảm được thăng hoa bởi tiếng cười ha hả chăng? Nhục cảm ở chừng mực nào đó biến thành sự hài hước. Nhưng cái hài hước ở đây nhất định không phải là sự trào phúng hoặc mỉa mai cay độc. Ngược lại, nó chính là tinh thần tích cực yêu cái đẹp tự nhiên. Nó được thể hiện bằng tiếng cười khoái trá. Trong thơ Nguyễn Lương Vỵ, có nhiều tiếng cười khoái trá như thế lắm. Dịch xong một câu thơ cổ, “Mừng rơn hơn trúng số” (Hương Cổ Thi). Hoặc tự biếm “Mừng ta ngày càng khù!” (Không Đề III). Tự biếm rồi cười khà khoái trá. Một thái độ khinh mạn ư? Nhưng nếu hiểu hài hước là cảm xúc chủ quan về tính mâu thuẫn (cái nghịch lí hết thuốc chữa) của đối tượng thì chúng ta nhận thức được thái độ hết sức nhân bản của nhà nghệ sĩ. “Je suis Charlie!”

Đọc thơ Nguyễn Lương Vỵ, bạn sẽ ít bắt gặp những thi ảnh cụ thể của thực tại. Không có những thao thức hay trăn trở (đôi khi rất giả tạo) của kiếp sống hay kiếp tha hương. Tôi không trách nhà thơ quay lưng với thực tại, bởi thực tại lắm khi chỉ là giấc mộng vô thường, đến rồi đi, tồn tại rồi tan biến, có rồi không, hoan lạc rồi đau khổ, nói chung là cái vòng luẩn quẩn vô thủy vô chung. Nó có gì đáng cho nhà thơ ca ngợi đâu. Hãy xem nó như cỏ rác, bụi bặm bám lên người trong những giây phút vô ý, sa đà, biếng nghĩ; hoặc nếu cần thì cứ đổ lỗi cho số kiếp, cho định mệnh tai ương hay quyền lực bạo tàn nào đó. Nó là phần dư thừa, những tế bào ung thư của đời sống. Cái đáng ca ngợi trong thi ca chính là sự cô độc, sự hiu quạnh của kiếp người. “Đêm lạnh không tiếng dế / Chỉ có tiếng thạch sùng / Tiếng trời là tiếng gió / Cửa sổ khép hờ rung.” (Mấy Bận Thu Phai). Hay “Người đi đâu lặng ngắt / Đời về đâu lặng thinh.” (Không Đề V). Sự thinh lặng giúp nhà thơ chiêm nghiệm lẽ sống và những điều khác lạ mà có lẽ khó nhận thức nếu chung quanh là cảnh huyên náo của cuộc đời. “Khách lạ đứng nín thinh / Cúi nhặt vài âm lạ.” (Trưa Ở Chùa Linh Ứng).

Nguyễn Lương Vỵ bảo làm thơ tức là làm thinh. Câu “Mần thơ là mần thinh” (Tự Hỏi Tự Đáp), như một lời tuyên ngôn cho việc làm thơ của mình, láy đi láy lại như một điệp khúc trong tập thơ. Nó đồng nghĩa với sự cô độc. Làm thơ là nói với chính mình, là độc thoại với khoảng không vô hạn trong lòng mình. Đúng ra, nghệ thuật nào cũng là sự đối diện của người nghệ sĩ với sự cô độc của chính mình. Chỉ sự cô độc mới cho người nghệ sĩ tìm ra cảm hứng sáng tạo, cho “Chữ reo xanh ý tứ / Sắc màu ứa vó câu.” (Không đề IX). Trăm năm trong cõi người ta là Trăm năm hiu quạnh. Hoặc như Octavio Paz, nhà thơ lớn nhất của nền thi ca Mexico thời hiện đại nhận định trong cuốn The Labyrinth of Solitude, “Sự hiu quạnh là cái gì sâu thẳm nhất của kiếp người. Con người là sinh vật duy nhất biết mình cô đơn.”

Tôi yêu thích những bài “Không Đề” trong tập thơ Năm Chữ Ngàn Câu này, nhất là bài Không Đề IV đề tặng nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh. Nó gói ghém cái nhìn của nhà thơ về nhà thơ. Như trả lời câu hỏi, “Nhà thơ, mi là ai?” Có những câu khá cường điệu trong bài thơ như, “Đời thơ không lời đáp / Tự móc mắt moi tim.” Sự cường điệu có lẽ là cần thiết như một hình thức biểu đạt, nhưng tựu trung, nó vẫn khẳng định thi sĩ luôn luôn là kẻ cô đơn. “Đời thơ không quán xá / Chữ buốt giá tuỷ trời.”

Mô-típ huyết-âm, âm-huyết xuất hiện như nốt nhạc láy rền vang động trong thơ Nguyễn Lương Vỵ. Chúng hiện hữu như một ám ảnh khôn nguôi, quay về mãi, mỗi lần với một ý nghĩa khác nhau, và tất cả những ý nghĩa khác nhau đó tuôn chảy qua cụm từ như dòng nước tuôn chảy qua lòng sông. Tôi muốn gọi chúng là lòng sông của Heraclitus. (“Bạn không thể bước hai lần xuống cùng một dòng sông”). Tôi không rõ lắm hiệu ứng thi ca của các cụm từ đó khi xuất hiện trong những bài thơ mà đôi khi hiện ra như tiếng kêu tắc nghẹn, ngậm ngùi. Chỉ thấy bàng bạc một cảm xúc mơ hồ dấy lên trong tâm tưởng chảy qua dòng sông này có một dòng sông khác; dòng sông với ý nghĩa mới và những ý nghĩa cũ cộng hưởng, hòa nhập vào nhau. Cuộc nghiệm sinh mỗi lần vang lên là một lần hòa nhập vào nhau khiến bản hòa âm đời sống càng thêm phong phú.

Ít thấy những thi ảnh cụ thể trong thơ Nguyễn Lương Vỵ, và nếu có thì nó mang hơi hướm cổ điển như những câu sau trong bài Âm Cuối Thu, “Chiêm bao màu nắng lụa / Hửng sáng ửng một đoá / Cúc vàng đang ngậm sương / Tóc bạc vừa níu gió.” Cú điệu, nhạc tính trong thơ đều đều, êm nhẹ, đa phần là thuận âm, bởi hầu hết là thơ năm chữ niêm luật chỉnh chu. Đọc tập thơ, thú thật có lúc tôi muốn tìm một nốt nhạc nghịch âm nào đó, và mặc dù trước khi gấp sách, tôi bắt gặp vài ba bài thơ xuôi và thơ tự do, nhưng nhạc tính của những bài thơ đó vẫn không thoát khỏi sự êm dịu cố hữu của thuận âm. Bạn cũng sẽ thất vọng nếu bạn tìm kiếm sự khai phá (hoặc đột phá, bứt phá, công phá, nếu muốn nói theo ngôn ngữ thời thượng) trong thơ Nguyễn Lương Vỵ. Không có những thử nghiệm mới lạ hoặc những hình thức làm dáng kiêu kì. Không có những kiểu vắt dòng ngược ngạo hay những kí hiệu gạch ngang gạch chéo ngớ ngẩn như thơ của nhiều nhà thơ ngày nay. Không có những thi ảnh trừu tượng, bí hiểm, làm dáng. Thơ Nguyễn Lương Vỵ chủ về ý nghĩa và nghệ thuật phối từ. Nhà thơ cẩn trọng với chữ nghĩa vốn là truyền thống của thi ca Việt Nam từ thời Trung đại. Đọc thơ Nguyễn Lương Vỵ, tôi ít bắt gặp những từ hào nhoáng, nuột nà. Thế nhưng, nhờ tài năng và một tâm hồn yêu thơ cao độ, Nguyễn Lương Vỵ đã khéo léo sắp đặt những từ tưởng là tầm thường như hòn sỏi bên cạnh nhau để biến chúng thành chuỗi ngọc sáng ngời.

Đọc xong tập thơ của Nguyễn Lương Vỵ, nếu có kẻ hỏi tôi đời buồn hay vui thì tôi sẽ trả lời kẻ ấy bằng câu thơ “Theo nắng sáng xuống phố!” rồi thản nhiên nhìn cái Being chảy trôi trước mắt.

18.01.2015








6
Tuyển Tập Thơ 45 năm
(Nxb Sống 2015)


NGUYỄN LƯƠNG VỴ - 45 NĂM THI CA:
CHỮ NÉN HUYỀN ÂM TƯỢNG SỐ NGÂN DÀI 

Tô Đăng Khoa



“Thinking and Being are The Same”
(Tư tưởng và Tồn sinh là Một)
(On Nature - Parmenides) 

Tôi đến với cõi Thi Ca và Tư Tưởng của Nguyễn Lương Vỵ (NLV) bằng con đường rất tự nhiên của một độc giả yêu thơ, thường theo dõi thơ trên các tạp chí và nhất là các trang mạng văn học nghệ thuật. Còn nhớ lúc đó vào cuối năm 2012, khi tôi đang ngồi lướt mạng, tình cờ đọc được bài thơ “Hòa Âm Âm Âm Âm... ” của NLV trên một trang văn học, tôi đã rất sững sờ và rung động vì ý tứ của bài thơ rất lạ và cũng rất thâm sâu:

"…Mẹ đẻ đỏ loe tiếng khóc
Càn khôn tìm về ngay chóc
Vũ trụ đùn ngay một bọc
Âm âm âm
AAA
UUU
câm câm câm
Chỉ biết tri âm là đây
Ngáp dài một cái tròn đầy
Xương tàn cốt lụi òa bay…"

Sau đó, tôi dùng Google để tra cứu thêm và được biết nhà thơ NLV đang cư trú tại Quận Cam, miền Nam California, cũng là nơi tôi đang ở. Tôi đã mạnh dạn email cho nhà thơ NLV để hỏi mua tập thơ "Tám Câu Lục Huyền Âm" của ông vừa mới phát hành (theo giới thiệu trên các trang mạng), đồng thời, hỏi mua thêm các tập thơ khác của ông đã phát hành trước đây. Ngay ngày hôm sau, tôi nhận được hồi đáp của nhà thơ và đã có một buổi gặp gỡ rất chân tình. Kể từ đó, tôi đã trở thành người em, người bạn vong niênrất thân thiết với ông. (Về tuổi đời, tôi nhỏ hơn ông đúng 2 con giáp, cùng bổn mạng con Rồng).

Nhà thơ NLV đối đãi với tôi như một người anh, người bạn vong niên rất chân tình, cởi mở. Mỗi sáng thứ Bảy hay Chủ Nhật, chúng tôi thường hẹn nhau ở một quán cà phê để trò chuyện tâm tình. Dáng người NLV tầm thước, mái tóc đã bạc gần hết, thường được che bằng chiếc mũ bê-rê trắng. Đôi mắt ông sáng hẳn lên và giọng nói hào sảng, đầy hứng khởi mỗi khi đề cập đến Thi Ca và Phật Pháp.

Càng gần gũi và thân thiết, tôi càng quí trọng ông, một nhà thơ rất tài hoa nhưng sống ẩn dật. NLV sở hữu vốn kiến thức rất từng trải và uyên thâm về triết học, tư tưởng, nhất là Phật học. Phong cách ông bình dân, giản dị đến mức xuề xòa. Ông đã ăn chay trường hơn 3 năm nay, sống kham khổ và đạm bạc ở một căn phòng nhỏ trong một mobile home với một người bạn cũng độc thân như ông và cũng là một nhà thơ nghèo. Nhớ có một lần gần đây, ông tâm sự với tôi: "Đã trên 6 bó rồi, nên sống theo kiểu tri túc là thanh thản nhất, vui nhất. Tu Chữ - Tu Thơ, giống như kiểu tu theo Phật pháp. Nói chung là để tu Tâm, dưỡng Tánh, cố gắng không dính mắc điều gì nữa. Thế là đại phước lắm rồi." Câu nói ngắn gọn, nhưng được hàm dưỡng một nội lực, một sức sống rất thâm hậu.

Cách nay hơn một tháng, nhà thơ NLV báo tin cho tôi biết, rằng ông đang chuẩn bị ấn hành tuyển tập thơ 45 năm (1969-2014) của ông và ông đã gửi toàn bộ thơ trong tuyển tập nầy cho tôi đọc, với mong muốn tôi viết một số cảm nhận để in vào sách làm kỷ niệm. Tôi nghĩ, đây cũng là do duyên tiền định không giải thích được. Cũng do ông khuyến khích và hết sức chân tình (có lẽ do cảm mến, thấu hiểu những nhận định về thi ca, Phật pháp của tôi trong những lần chuyện trò, tâm tình), nên trước đây tôi đã mạnh dạn viết 2 bài viết ngắn về 2 tập thơ "Năm Chữ Năm Câu" và "Năm Chữ Ngàn Câu" của ông trong năm 2014 và đã được ông đưa vào sách làm Lời Bạt. Lần nầy, tôi bày tỏ thật lòng với ông: "Viết về thơ anh là một niềm vui thật sự với em. Nhưng phải nói thật, khi đọc lướt qua tuyển tập 45 năm nầy thì em cảm thấy choáng ngợp. Sợ rằng không đủ sức đâu anh à." Ông cười và nói: "Khoa cứ viết thoải mái. Không khiên cưỡng, áp lực gì cả thì sẽ viết được thôi. Chủ yếu là sự cảm nhận về thơ, không hàn lâm lý luận gì cả. Cảm nhận như thế nào thì viết như thế ấy. Tôi muốn nhận nơi Khoa một tri tình, một cảm nhận về thơ tôi của một người bạn trẻ thuộc thế hệ sau. Đó cũng là niềm mong mỏi duy nhất và là nguồn an ủi đối với tôi rồi."

Tôi thật sự bất ngờ và kinh ngạc khi đọc những bài thơ của NLV viết vào những năm 1969-1974. Nhất là 2 bài thơ "Nửa Đêm Thức Dậy Nhìn Mây Trắng" (1969) và bài thơ "Âm Nhạc" (1970) của ông, tức là thời gian ông mới 17, 18 tuổi, nhưng hồn thơ thật bát ngát dị thường. Xin trích nguyên văn bài thơ "Nửa Đêm Thức Dậy Nhìn Mây Trắng":

"Lung linh hồn quê cũ
Mây trắng phủ khắp trời
Nhớ trăng khô hết máu
Muôn trùng dặm núi ơi..."

"Hồn quê cũ", "mây trắng", hình ảnh xa xôi, diệu vợi về nơi chốn quê nhà của nhà thơ, nhưng cũng có thể hiểu là nơi chốn nguyên sơ của con người. "Nhớ trăng khô hết máu", "Trăng" và "Máu", một cảm xúc không thể diễn tả bằng lời được thông qua cái "Nhớ". Tiếp theo là tiếng thở dài "Muôn trùng dặm núi ơi... ". Tôi không phân tích hết được ý nghĩa bát ngát mênh mông của bài thơ, nhưng đọc xong, tâm hồn bỗng trào lên một cảm xúc khó tả.

Xin trích tiếp đoạn mở đầu bài thơ "Âm Nhạc":

"Âm nhập cốt
Âm binh phiêu hốt tiếng tru
Ta tru một kiếp cho mù mắt
Mù lệ đề thơ để nhớ đời
À ơi! Rượu đỏ hoàng hôn tắt
Ta dắt hồn ta túy lúy chơi..."

Nhịp điệu của bài thơ ầm ào, thảng thốt, đúng như câu ông viết dưới tựa đề của bài thơ: "Viết trên nền nhạc symphony số 5 của Beethoven." Một bài thơ rất lạ, rất bạo liệt, sầu thảm nhưng bi hùng. Tôi nghĩ, đây là một bài thơ rất hay và rất hiếm của một người làm thơ lúc còn đang ở độ tuổi thanh niên. (Bạn đọc có thể đọc nguyên văn bài thơ nầy trong tuyển tập).

Khi chuẩn bị cho bài viết nầy, tôi có email cho nhà thơ NLV, tạm gọi là "phỏng vấn" ông quan niệm về thơ như thế nào, để làm "nền" cho bài viết, thì nhận được email hồi đápcủa ông, nguyên văn như sau:

"Câu hỏi của Khoa làm tôi nhớ đến một câu của nhà thơ Bùi Giáng. Trong một cuốn sách nào đó của ông, tôi không nhớ rõ, đại ý, ông bảo ông bắt chước "giọng" của Khổng Tử, viết rằng: "Con chim thì ta biết nó bay. Con cá thì ta biết nó lội. Thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ. Nhưng thơ là gì? Thì điều đó ta không biết." Câu nói của nhà thơ Bùi Giáng thật ly kỳ thơ mộng, theo kiểu ẩn ngữ lai rai của ông.

Từ tuổi thiếu niên, hình ảnh "máu me" đã sớm đi vào những bài thơ đầu đời của tôi, nhất là khi mẹ tôi bị băng huyết, sẩy thai người em thứ năm của tôi mới chừng hai ba tháng gì đó. Tôi nhớ rất rõ, vào một buổi chiều chạng vạng, sau khi dùng đôi đũa bếp gắp cái hình hài lầy nhầy chưa tượng hình người của em tôi, bỏ vào chiếc nồi đất nhỏ, phủ tro lên, đậy nắp lại, hai tay ôm chiếc nồi đất ấy, đi theo sau ông Nội tôi ra khu nghĩa địa trong làng, gọi là Gò Chùa để chôn cất em tôi. Chẳng biết vì sao, sau khi rời nghĩa địa trở vềnhà, trên đường đi, trong tâm trí tôi hiện rõ mấy câu thơ, "Mẹ băng huyết giữa đồng / Đứa em chưa kịp tượng / Trôi tuốt ngoài thinh không / Chập chờn con bướm lượn." Mấy câu thơ nầy, mãi đến 3 năm sau tôi mới viết ra trên giấy. Cho đến bây giờ, là bài thơ nằm lòng và là kỷ niệm đẹp nhất trong đời làm thơ của tôi.

Tiếp đến, năm tôi gần 13 tuổi (1965), đang học lớp đệ ngũ tại trường trung học kỹ thuật Đà Nẵng, cha tôi và người chú ruột của tôi bị chết thảm trong một vụ án chính trị, hình ảnh "máu me" lại càng ám ảnh tuổi thơ tôi một cách mãnh liệt hơn, nên khi chuyển vào Qui Nhơn (1967) để tiếp tục việc học, tôi lại viết tiếp mấy câu thơ song thất lục bát: "Thơ là máu, kinh kỳ là nguyệt / Nguyệt đầy vơi ta biết làm sao / Nguyệt cuồng trong máu lao xao / Nói chi sấm chẻ ngàn cao giữa mùa..." Bài thơ khoảng chừng ba bốn khổ gì đó, đến nay tôi không nhớ hết, nhưng đại thể là sự bộc bạch tâm sự của mình về thơ, về cuộc đời. Bây giờ đọc lại thì thấy ngô nghê, cố làm ra vẻ "trịnh trọng" người lớn, nhưng thật tình, mỗi khi nhẩm lại những câu thơ nầy, tôi vẫn còn cảm động vô cùng.

Năm 1987, lúc đã qua ngưỡng "tam thập" (35 tuổi), tôi viết bài thơ "Thanh Ca". Bài thơ viết một mạch, khá dài, không dấu chấm dấu phẩy gì hết, để bày tỏ quan niệm về thơ của mình, giờ đọc lại cũng thấy ngồ ngộ, hay hay vì cái ý bảng lảng phiêu bồng của nó. (Bài thơ nầy, tôi cũng in lại trong tuyển tập). Tiếp sau đó, cảm nhận về thơ gắn liền vớisố phận, số kiếp con người giữa thời buổi "tang thương ngẫu lục", tôi đã viết:

"Ta quí thơ như máu
Quí gạo cũng tương đương
Thời nhiễu nhương lộn lạo
Máu cũng phí như thường... "
(Thiệt Tình - Âm Vang Và Sắc Màu)

Đến bây giờ, đã bước qua ngưỡng "lục thập" (63 tuổi), sống nơi đất khách quê người, tôi chỉ còn biết thơ là nơi chốn để mình tu: Tu Chữ và Tu Thơ. Tu như vậy cũng là tu Tâm theo nghĩa của Phật pháp. Tu để chờ một chuyến trở về cuối cùng cho một đờingười. Như một vị thiền sư nào đó đã nói: "Ta từ hư không mà đến đây, rồi lại trở về với hư không." Nhẹ nhàng. Thanh thản. Cố gắng không dính mắc điều gì nữa. Vậy thôi!

Câu Khoa hỏi, thật tình tôi chẳng biết trả lời như thế nào cho thỏa. Mỗi một người làm thơ, đọc thơ đều có quan niệm riêng, cách nhìn riêng về thơ. Cả tỉ tỉ quan niệm, cách nhìn, cách hiểu, cách cảm nhận, làm sao tổng hợp cho hết được. Chỉ biết rằng, một bài thơ, một câu thơ mình viết ra (tất nhiên, trước hết là để bày tỏ nỗi lòng của mình), khi được công bố trên báo chí, hay các phương tiện truyền thông khác, gặp được sự cộng hưởng, cảm ứng của người đọc thì xem như mình được an ủi, hạnh phúc lớn lắm rồi. Còn quan niệm thơ là gì? Tôi xin phép được quay trở lại câu của nhà thơ Bùi Giáng nêu trên là đề huề, vui vẻ, thơ mộng nhất vậy."

Đọc thư phúc đáp của nhà thơ NLV, tôi nhận ra được tính xuyên suốt và nhất quántrong thơ ông: "Máu" và "Âm" chính là định mệnh của thơ NLV, cũng chính là nguồn cảm hứng bất tận trong thơ NLV, kể từ lúc tóc còn xanh cho đến lúc tóc đã bạc trắng như bây giờ.

Thật vậy, từ những bài thơ được sưu tầm lại (1969-1975) cho đến những tập thơ "Âm Vang Và Sắc Màu", "Phương Ý", "Hòa Âm Âm Âm Âm... ", "Huyết Âm", "Tinh Âm", "Bốn Câu Thất Huyền Âm", "Tám Câu Lục Huyền Âm", "Năm Chữ Năm Câu", "Năm Chữ Ngàn Câu", thơ NLV là một chuỗi dài vang vọng bất tận của "Máu" và "Âm" bằng đủ loại tiết tấu: Lắng đọng, trầm hùng, bi tráng, bi thiết, bạo liệt, dữ dội, tịch mịch... Tôi nhớ, nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh trong một bài viết, đã mô tả, ví von một cách hình ảnh, đại ýrằng, mỗi tập thơ của NLV là một dòng chảy nhỏ của một con suối, để rồi hợp thành một dòng chảy lớn của một con sông, trôi ra biển rộng muôn trùng. Tôi nghĩ, nhận xét nầy phần nào đã nói lên được một cách khái quát về đặc điểm và tầm vóc thơ NLV.

"Hòa Âm Âm Âm Âm... " là tập thơ sung mãn và phong phú nhất của NLV, được ấn hành sau 5 năm ông định cư tại Hoa Kỳ. Khác hẳn với "Âm Vang Và Sắc Màu", "Phương Ý" trước đây khi còn ở Việt Nam, với tính cô đọng, thâm trầm - "Hòa Âm Âm Âm Âm... " đã hòa quyện âm vang bi hùng, bi tráng một cách mênh mông, sâu thẳm của nhà thơ khi phải sống cô độc, chịu nhiều cảnh ngộ bi kịch thương tâm nơi xứ người. Theo tôi, đây là tập thơ "đỉnh cao" của NLV, hội tụ tinh túy tài hoa, với tư tưởng rất uyên áo. Chính nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan, người bạn tri âm tri kỷ của NLV, trong bức thư gửi cho bạn mình, đã viết một cách thảng thốt trước Thi Ca của NLV: “Chỉ thấy Tính-Linh, phải đâu là chữ!....Tôi phải cảm ơn Vỵ nhiều lắm. Hãy cho tôi đọc nhiều thơ nữa đi, đọc suốt đờicàng thích. Vì “chữ” của Vỵ đâu phải chỉ là “chữ” không thôi, nó chính là TÍNH-LINH của chúng ta, dù chỉ là loại Tính-Linh đầy những máu.”

Tiếp sau đó, liên tục các tập thơ "Huyết Âm" dữ dội, bạo liệt tuôn trào; "Tinh Âm" lắng đọng, bi thiết; "Bốn Câu Thất Huyền Âm" và "Tám Câu Lục Huyền Âm" càng lắng đọng và trầm sâu hơn; "Năm Chữ Năm Câu" và "Năm Chữ Ngàn Câu" vi diệu và uyên áo, thơ NLV đã thực sự đi đến "mùa hương chín" của Thi Ca và Tư Tưởng.

Đặc biệt, tập thơ "Huyết Âm", theo tôi, là tập thơ dữ dội và bạo liệt nhất về sức Thấy và sức Nghe của nhà thơ. Ngay đầu tập thơ, nhà thơ viết 4 câu thơ song thất lục bát, mỗi chữ đều viết hoa (có lẽ là để nhấn mạnh từng chữ):

"Gió Bức Bách Trong Tờ Giấy Lật
Thơ Muôn Trùng Phơ Phất Nẻo Xa
Ngàn Thâu Bích Huyết Chiêu Hoa
Ngàn Trùng U Mộng Người-Ma U Hoài..."

Tuy không hiểu hết các ẩn dụ của nhà thơ trong 4 câu thơ trên, nhưng khi đọc lên một cách chậm rãi, tôi cảm nhận được khí lực, thần thái của thơ thật dữ dội, uyên áo, nói về thân phận của kiếp người.

Nhà thơ Lý Đợi, trong Lời Bạt cho "Huyết Âm" đã trích lại giải thích ý nghĩa của "Huyết Âm" mà nhà thơ NLV đã giãi bày: "Huyết, trong từ Hán Việt có hai nghĩa chính: Máu và Lệ. Huyết Âm: Âm vang của Máu và Lệ, khóc cười đủ các kiểu cho nó xôm tụ. Lấy hào cửu cửu làm gốc, nên đánh số từ 1 đến 81 (9 x 9 = 81), thêm một bài ngoại tập: Huyết Âm Tây Tạng, như một tiếng thở dài giữa thời mạt pháp." Trong đoạn cuối của Lời Bạt, nhà thơ Lý Đợi viết:

"Đọc thơ là đọc giữa hai hàng chữ, giữa hai con âm, nhiều người đã nói như vậy, nghe đã mòn tai. Nhưng quả là có những trường hợp, không làm như vậy không được. Nguyễn Lương Vỵ đã tìm mọi cách để nhét những ưu uất của mình vào giữa hai con âm. Tìm cách hướng người đọc vào những động thái bên lề, nhằm quên đi một thực tạiđang được dựng xây bằng máu và nước mắt.

Trong một cách nào đó, đọc Huyết Âm cũng như là:

Dục cùng thiên lý mục
Cánh thướng nhất tằng lâu
(Muốn tận cái nhìn ngàn dặm
Thì cứ lên thêm một tầng lầu nữa).
(Vương Chi Hoán)"

Như vậy đã rõ, Huyết: Máu và Lệ, "Huyết" và "Âm" chắc là để minh chứng, minh giảithêm cõi thơ, hồn thơ NLV mà thôi. Thơ trong "Huyết Âm" phần lớn là thơ ngắn, chỉ có đánh số mà không có tựa đề, có khi rất ngắn nhưng dữ dội và quyết liệt bằng sức Thấy sức Nghe xuyên thấu và kinh hoàng của nhà thơ:

"Róc huyết âm
Đá khóc
Xanh
Tuyệt đối... "
(# 1)

"Mẹ huyền vi
Rung huyết
Đón tinh Cha
A! Gái huyền
Đẻ đái
Cái Người-Ma"
(# 5)

"Hoàng hôn muôn thế kỷ sau
Dứt khoát
Thơ
Còn
Đỏ
Au…"
(# 33)

Đến "Tinh Âm", thơ càng cô đọng và vi diệu hơn: "Ôi con chữ máu rung / Ôi cái nghĩa kỳ cùng... " hay 3 bài thơ Nhị Tuyệt: "Nghĩa đời trong lá khô / Ý đời trong mầm biếc…" - "Cồi máu phơi tiếng hú / Óc phơi ngọn nến mù…" - "Muôn chiều. Chiều hết đời / Muôn đời. Đời phơi thây…" Thơ đã đạt đến "ý tại ngôn ngoại", không thể nghĩ bàn, chỉ còn lại sự cảm nhận, rung động, cảm ứng của người đọc thơ với thơ mà thôi.

Những tập thơ tiếp sau, "Bốn Câu Thất Huyền Âm", "Tám Câu Lục Huyền Âm", "Năm Chữ Năm Câu", "Năm Chữ Ngàn Câu", thơ NLV ngày càng đi sâu vào cấu trúc tiếng Việt với nhiều thể loại thơ truyền thống, mà tập trung nhất, phong phú nhất là 2 tập thơ "Năm Chữ Năm Câu", "Năm Chữ Ngàn Câu". Đây là 2 tập thơ thể hiện nỗ lực sáng tạorất độc đáo và vi diệu của nhà thơ, với ngôn ngữ thơ rất bình dị, trong sáng, đa phần là âm thuần Việt, nhưng ý tứ, tư tưởng trong thơ rất mênh mông, sâu thẳm về sức Nhìn, sức Thấy và sức Nghe:

"nhìn trong thơ thấy đạo
nhìn trong đạo thấy thơ
nhìn trong thơ thấy gạo
nhìn trong gạo thấy mình
có-không thiệt rốt ráo"
"nhìn trong hạt thấy mầm
nhìn trong mầm thấy mộ
nhìn trong mộ thấy âm
nhìn trong âm thấy số
ôi tượng số điếc câm…"

hay là:

"thấy và nghe huyết tan
từ rất lâu trong chữ
chữ lòn trong nắng tàn
ta lòn trong mưa lụi
lượm lên phủi hú vang…"
(Trích Năm Chữ Năm Câu)

Khi tôi đặt vấn đề với nhà thơ NLV, vì sao cấu trúc, thể loại trong thơ ông đa phần là thơ có vần theo kiểu truyền thống mà ít thơ tự do hay không có thơ theo kiểu hậu hiện đại? Ông trả lời chậm rãi và chân thành: "Có thể là do tôi đã quen với cách sống kỷ luật, kham nhẫn và chịu đựng với chính bản thân từ lúc thiếu thời. Càng sống, càng trải nghiệm, thì tôi lại nhận ra rằng: Kỷ luật, kham nhẫn và chịu đựng cũng chính là phương pháp tu tập tốt nhất để bản thân mình ngày càng được hoàn thiện, thật sự đạt đến tự do, tự tại, được sống một cách trọn vẹn với cái-đang-là bất tuyệt. Thiển nghĩ, thơ cũng vậy. Thơ có vần, tuân thủ theo luật tắc, hoàn toàn không đồng nghĩa với gò bó, câu thúc, khô khan, cổ hủ mà như ý trên đã giãi bày cái diệu nghĩa của kỷ luật, kham nhẫn và chịu đựng đối với người mà tôi tạm gọi là Tu Chữ, Tu Thơ. Thể loại, trường phái, cấu trúc trong thơ không phải là vấn đề quan trọng, sinh tử của thơ, mà suy cho cùng, chính là hồn vía của chữ, của thơ. Thông qua sức Thấy và sức Nghe, làm thế nào đểhồn vía của chữ, của thơ tạo được rung cảm cho chính mình, rồi sau đó cảm ứng đến với người đọc. Đó mới là cái chính, cái cốt lõi, cái đáng suy nghĩ nhất trong quá trình sáng tạo thơ. Chỉ xin mạo muội lạm bàn đôi điều như vậy thôi."

Tôi rất thấm thía về những giãi bày của ông. Cũng từ giãi bày trên, có thể chiêm nghiệmthêm rằng, quá trình sáng tạo thơ, cũng là quá trình tu tập về tâm thức, hiểu theo nghĩa tích cực nhất, nhân bản nhất:

"Mỗi chữ mỗi kiếp cháy sáng rực
Thâm âm thâm u từ lâu nay..."
(Huyết Âm)

***

Đối với tôi, tuyển tập thơ 45 năm của NLV là một trong những tác phẩm rất có giá trị của thi ca đương đại Việt Nam. Tôi rất tâm đắc nhận định của nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan về thơ NLV: "Chỉ có Tính-Linh, phải đâu là chữ!". Thật vậy, càng đọc và chiêm nghiệm thơ NLV, chữ thơ NLV không còn là những con chữ bình thườngnữa, mà chữ thơ đã trở thành hồn vía, thành Tính-Linh. Mỗi chữ thơ, câu thơ, bài thơ của NLV đã được viết ra từ một tâm lực đầy kỷ luật, kham nhẫn và chịu đựng, với tình yêu tận hiến cho thơ một cách tha thiết và mãnh liệt. Vì vậy, tôi nghĩ, nội lực thơ của NLV ngày càng thâm hậu theo thời gian, với một hồn thơ mênh môngvà sâu thẳm của Nhân Bản và Minh Triết.

Tính-Linh trong thơ NLV là "Chữ nén huyền âm Tượng Số ngân dài" (Huyết Âm). Sức "nén", sức cô đọng của chữ để trở thành "huyền âm Tượng Số ngân dài" trước thử thách khắc nghiệt của thời gian và sự quên lãng. Đó cũng chính là giá trị nội tại của thơ NLV, "Nghĩa đời trong lá khô / Ý đời trong mầm biếc". Đó cũng chính là bản hòa âm bất tuyệt của cái-đang-là, cái Thực Tại Hiện Tiền đang trôi chảy trong từng sát na. Tôi thật sự cảm động khi đọc 4 câu thơ sau đây:

"Hỏi cái Mình ngồi đó
Có nhớ cái Ta xa?
Chợt quên rồi chợt nhớ
Thảng thốt giọt lệ sa."
(Trích Năm Chữ Ngàn Câu)

Câu hỏi thoạt nghe qua, có vẻ rất bình thường, nhưng có mấy ai đã hỏi với chính mình như vậy, để rồi "Thảng thốt giọt lệ sa"?!

Nhà thơ nhẹ nhàng viết trong "Lời Thưa" tập thơ "Năm Chữ Ngàn Câu", từ tốn nhưng đầy niềm bi mẫn, cảm hoài:

"Câu hỏi đã từ rất lâu, không lời vọng lại hồi đáp.
Câu trả lời vẫn còn im lắng, ngất xanh trong những giấc mộng dị thường." 

Câu hỏi của NLV cũng chính là câu hỏi của William Shakespeare đã đặt ra cho Tây Phương từ khá lâu theo lối trực tiếp: “To be or not to be, that is the question” (Tồn tại hay không tồn tại. Đó chính là vấn đề). Đó cũng là câu hỏi về “Being” mà Martin Heidegger đã dành trọn đời để soi sáng ý nghĩa của nó. Nhưng để có thể tiếp xúc với câu hỏi của “Being”, đòi hỏi chúng ta cần có một thái độ thích hợp đối với ngôn ngữ, mà theo Heidegger thì:

“As soon as we have the thing before our eyes, and in our hearts an ear for the word, thinking propers.” (Heidegger - Building Dwelling Thinking).

Tạm dịch:

“Ngay khi một điều gì phơi bày ra trước mắt, và trong tâm chúng ta biết lắng nghe ngôn từ (cảm ứng cho chính nó), ấy là lúc tư duy khai phóng.”

Tôi rất hạnh phúc là một độc giả rất yêu và quí thơ NLV, một người em, người bạn vong niên của nhà thơ NLV. Bài viết nầy, tạm gọi là chút tình tri ngộ, tri tình, tri ân cùng ông giữa cõi đời và cõi người rất mong manh, mộng ảo nầy. Và, cũng giống như nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan, tôi rất mong sẽ được đọc thơ NLV nhiều hơn nữa, vì thơ NLV "Chỉ thấy Tính-Linh, phải đâu là chữ!... nó chính là TÍNH-LINH của chúng ta, dù chỉ là loại Tính-Linh đầy những máu."

Westminster - CA, September 20, 2015

TÔ ĐĂNG KHOA










7
Tiếu Ngạo Giang Hồ
Nxb Sống 2016



CẢM NHẬN CỦA BẰNG HỮU VỀ

TẬP THƠ
“T[I]ẾU NGẠO GIANG HỒ”
CỦA NGUYỄN LƯƠNG VỴ

Giữa thực trạng “hạn hán” trầm trọng, tính riêng cho những người cầm bút trước tháng 4-1975, ở quê người, (thì), Nguyễn Lương Vỵ vẫn hiển lộng thi ca của ông, như một dòng suối mát.
Lại nữa, chữ, nghĩa đối với nhiều thi sĩ, dường chỉ là phương tiện chuyển tải những rung động, cảm nhận về đời sống, hiện tượng,… (thì), với Nguyễn, chữ, nghĩa còn là bản mệnh của chính ông nữa. Du Tử Lê, nhà thơ, nhà văn. (Calif. Oct. 2016) 

Ngôn ngữ Việt Nam đã trở thành hơi thở của thi nhân Nguyễn Lương Vỵ. Qua tập thơ “T[i]ếu Ngạo Giang Hồ” cho thấy ông bình thản thở từng con chữ, có khi rất ngắn, một con chữ hay hai, ba, v.v… một cách vô ngại tự tại. Nếu chỉ vì dấu chấm hay dấu phẩy để bảo đó là một “ý nghĩa” biệt lập, thì thật là không nhìn ra trọn vẹn một làn hơi bao trùm trong đó nhịp nhàng ngưng ngắt như nhịp điệu của những nốt nhạc trong một bản hòa tấu “Sonate”, những nốt thở nhìn thấy riêng biệt lại liên kết nhau thành một hơi thở chứa chan và mông mênh ý tưởng, làm cho trái tim và tâm hồn va chạm bỗng rung động cảm nhận từng nét biến thể của bức tranh lập thể có vẻ kỳ dị lại cấu trúc nên một tổng thể thơ mộng vô cùng…
Lê Giang Trần, nhà thơ. (Calif., Oct. 2016) 

“T[i]ếu Ngạo Giang Hồ” là âm vang tiếp nối của Hòa Âm, Huyết Âm, Tinh Âm… trong cõi thơ Nguyễn Lương Vỵ.
T[i]ếu viết như vầy thì có Tếu bên trong. Tếu trong cảnh đời có khi là tan nát cõi lòng, nên chi cái tan nát kia là âm bản của nụ cười hắt hiu năm tháng. Đây là khúc ca được viết bằng tiết tấu máu lệ. Dường như đã thấu được núi thẳm đường dài, vừa đủ nội lực gian nan, hành giả kia đóng cửa gỗ thõng tay vào chợ? Để kề vai gánh những bi hài trần thế, tùy nguyện tùy duyên mà t[i]ếu ngạo giang hồ, mà theo hạnh Người Xưa: “Ta còn chút nợ phải trả” nữa chăng? Nguyễn Thị Khánh Minh, nhà thơ. (Calif., Oct. 2016)

Vài lời với thơ Nguyễn Lương Vỵ? Vài lời hẳn là không đủ, với bản thân tôi, người đã nhiều năm mê thơ Vỵ, đã dịch thơ Vỵ sang Anh văn dài cả trăm trang (trí nhớ sương khói, nếu tính cả kiếp trước, hẳn là nhiều ngàn trang).
Thế đó, tôi đã đọc thơ Vỵ, mê thơ Vỵ, dịch thơ Vỵ — đó là những ngày bay bổng của đời tôi, một người mê chữ từ thời còn nắn nót mực tím trên chữ i, chữ tờ. Thơ Vỵ đã mở ra các cửa sổ [và rất, rất nhiều cửa sổ đa dạng] để độc giả nhìn thấy và rung động với cái đẹp của một cõi ngôn ngữ. Tôi đọc thơ Vỵ và nhận ra một thế giới thơ rất là xa vắng, như dường Nguyễn Lương Vỵ đã bước từ cõi khác tới để hóa thân vào trang giấy, nhưng lại thấy rất gần như dường cũng từ trong tim mình nhói đau, khi Vỵ nói về quê nhà, về mẹ, về những người bạn vĩnh viễn lìa cõi này…
Thế đó, tôi rất mực trân trọng khi đọc thơ Nguyễn Lương Vỵ.
Phan Tấn Hải, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu Phật pháp.
(Calif., Oct. 2016)

“T[i]ếu Ngạo Giang Hồ” của Nguyễn Lương Vỵ là một cột mốc mới trên độc lộ “tu chữ” của Thi Sỹ. Ở đây, những con chữ đầy nội lực được viết ra từ những trải nghiệm gần gủi hàng ngày, từ nhận thức rất cô đọng của chính Thi Sỹ về những chủ đề lớn của sự hiện hữu: Thời Gian, Sự Sống và Cái Chết. Qua “T[i]ếu Ngạo Giang Hồ”, ý nghĩa của sự-sống được thiết lập trở lại, một cách chân chánh, trên nền tương phản của cái-chết, trên những nếp gấp thời gian khép lại, mở ra trong từng phút giây.
Tô Đăng Khoa, nhà nghiên cứu Phật pháp. (Calif., Oct. 2016) 

Với tập thơ “T[i]ếu Ngạo Giang Hồ,“ phong vị thơ Nguyễn Lương Vỵ như muốn lui về cổ lục nghìn năm điêu thạch, dõi con mắt thơ về quá khứ xa xăm để tìm kiếm cái ẩn mật nằm sâu kín trong vô thức tập thể của dân tộc. Nhưng thật ra, bên dưới hành trạng ấy, người ta vẫn thấy một Nguyễn Lương Vỵ với tất cả những băn khoăn bộn bề khôn dứt về cái hiện tồn trước mặt và cái miên trường sau lưng.
Trịnh Y Thư, nhà thơ, nhà văn, dịch giả. (Calif., Oct. 2016)

















Thơ Nguyễn Lương Vỵ




(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ)


(thơ







8
Tuyển Tập Thơ 50 Năm





Tuyển Tập Thơ 50 năm (1969-2019)
Nguyễn Lương Vỵ

Thiết kế bìa @ Lê Giang Trần
Văn Học Press xuất bản, 11/2020



Tìm mua trên:
BARNES & NOBLE

Tập 1:
https://www.barnesandnoble.com/w/tuyen-tap-tho-50-nam-1969-2019-tap-1-nguyen-luong-vy/1137959618?ean=9781663565365

Tập 2:
https://www.barnesandnoble.com/w/tuyen-tap-tho-50-nam-1969-2019-tap-2-nguyen-luong-vy/1137959617?ean=9781663582232




CHÚC MỪNG CỦA THÂN HỮU VỀ “TUYỂN TẬP THƠ 50 NĂM” CỦA NGUYỄN LƯƠNG VỴ

“… Dù luôn tẩu hỏa, Nguyễn Lương Vỵ rất nghiêm túc với chữ nghĩa riêng mình, tận hiến cho nghiệp dĩ, và rất sáng suốt không làm nhiên liệu đốt cháy vô dụng, cho bất cứ trào lưu, trường phái canh tân rào rạt nào.

Trong lịch sử thi ca Việt Nam, đương nhiên là Ngoài-Hệ-Thống-Chuồng-Trại-Bầm-Trầy, chúng ta đã hạnh phúc có những Nhà Thơ lớn, những tượng đài sừng sững. Ở đó mỗi Dị-nhân có mỗi Cõi đời đẹp, một Cõi thơ lạ và rất riêng. Mai kia, một ít tài năng hiếm hoi từ những kẻ tới sau, mà nếu vinh hạnh nhắc nhở, không thể nào không nhắc tới Nguyễn Lương Vỵ, cái hạc bay lên vút tận trời.”

Cung Tích Biền

“… Nguyễn không chỉ có được cho mình một nội lực thi ca thâm hậu, một đam mê quyết liệt tới mức sẵn lòng đánh đổi mọi tiện nghi, may mắn (?) đời thường và, nhất là những thảm kịch, ngộ nhận mà Nguyễn đã trải qua tự những ngày thơ ấu tới hôm nay!…Tất cả vẫn còn đeo đẳng Nguyễn, như thể, đó mới chính là chiếc bóng, thẻ nhận dạng, song hành cùng Nguyễn trong cuộc trường chinh chữ, nghĩa mang tính sử-thi trên lộ trình thi ca của riêng ông…”
Du Tử Lê

“… Tuyệt vời là Nguyễn Lương Vỵ. Có những câu thơ của anh hay tới nỗi, tôi đọc hoài vẫn thích, vẫn nghe âm vang rung động, vẫn thấy xao xuyến như các cậu học trò lần đầu được học về thơ. Trong các thi tập Nguyễn Lương Vỵ, gần như trang nào cũng có những câu tôi ưa thích. Một khía cạnh khác của thơ anh là, lẫn trong các dòng thơ đẹp vẫn là một nỗi buồn, và đọc thơ anh cũng là nếm được giữa những ngọt ngào thơ mộng là vị đắng của đời. Như hai câu cuối trong bài ‘Người Hải Ngoại’ của Nguyễn Lương Vỵ:

Gió đưa cây cải ngọt ngào
Rau răm nhẫn nại xin chào đắng cay…

Xin chúc mừng 50 năm Nguyễn Lương Vỵ làm thơ.”

– Phan Tấn Hải

“… Dòng sông thơ Nguyễn Lương Vỵ chính là dòng sông đời tuôn chảy trên dòng thời gian. Dòng sông thơ hay dòng sông đời này cũng chỉ là biểu hiện tâm thức qua âm vang sắc màu một định mệnh. Thơ Nguyễn Lương Vỵ tuôn chảy từ một cội nguồn đậm nét bi kịch. Nỗi cô đơn, cô tịch chập chùng trong từng bài thơ dù ngắn hay dài của anh. Không những thế, nỗi thống khổ xen kẽ trên những con chữ là biểu tượng một thứ trầm luân thường trực tác động lên con người phải chịu đựng một phận số. Do đó trong từng bài thơ anh hàm chứa chấp nhận thực tại mang căn tính ‘can đảm (the courage) như hành động con người, như thẩm định giá trị, là một khái niệm có tính luân lý. Tính can đảm, vốn phổ quát và thiết yếu tự xác định sự tồn tại của một con người, là một khái niệm hữu thể’.”
– Lê Lạc Giao

“50 năm Thơ của thi sĩ Nguyễn Lương Vỵ giống như một quặng mỏ kết tinh theo thời gian trở thành kim cương. Đạo Phật mượn tính chất Kim Cương biểu ý sự “bất hoại” đứng ngoài thuyết “vô thường.” Ngôn ngữ thơ ông ngoài tinh chất văn chương con chữ còn bao hàm “tứ thơ” phong phú ẩn dụ, qua cách biểu tượng thâm thúy, rực lên biệt tài chữ nghĩa sáng tạo hóa thành kỳ hoa dị thảo. Dù ngàn câu thơ vẫn đẹp từng câu, cho thấy một tài thơ, bình thản cô độc một ngọn núi riêng; và pháp “đang là” đối với ông chỉ là “thế gian pháp” biến hiện từng sát-na trong cái gọi là “thời gian” mà thi sĩ đã siêu việt. Thi ca của ông là kim cang không lệ thuộc thời tính nữa.”
– Lê Giang Trần


















Văn








Phê bình

Chuyện vãn với mất hay còn…và, Chuyện vãn với…chuyện vãn
Nguyễn Lương Vỵ




Chuyện vãn?

Có thể là độc thoại. Có thể là song thoại. Có thể là đối thoại.

Thi sĩ chuyện vãn?

Cũng chỉ ngần ấy thôi. Nhưng, chuyện vãn của thi sĩ là những con chữ, con âm bất tận.

Rất có thể, anh bảo: “Chuyện vãn. Hai tiếng nghe sao rất thân thương. Nhất là những đêm tận, những khuya tận. Những con chữ vang lên từ muôn cõi máu xương. Hư không huyễn ảo nhưng rất thật, rất gần. Thế ra, những con chữ tri âm từ rất lâu, những giọt mưa nắng trong ngần, những Búp-Nõn-Không-Thời-Gian diệu kỳ chớp tắt. Mình cầu mong cơn bệnh hiểm nghèo nầy chậm lại, để sẽ được tiếp tục thêm một đôi lần chuyện vãn nữa là mãn nguyện lắm rồi.”

Thoáng chốc, xế bóng một đời người ! Hơn nửa thế kỷ anh đã từng trầm mình chuyện vãn với thi ca. Giờ đây, nghe như anh đang buông những con chữ chảy xuôi, ngậm ngùi:

Trong đời sống ẩn tàng muôn kiếp khác
Đôi khi ta quên gọi chính ta về.(*)

Ta vong thân? Ta kẻ lạ? Hay ta đã dự cảm cái bản thể tự hủy của ta giữa hư không?!

Tôi quay trở lại buổi sáng cuối Thu 2008, để gặp thi sĩ Du Tử Lê.

Anh cười thanh thản, hồn nhiên, viết lời đề tặng tôi trên trang đầu tiên của hai tập thơ vừa mới in xong: “Chuyện vãn với những đêm tận, những khuya tận. Gần bốn năm dầm mình sống với căn bệnh ung thư quái ác. Mình rất thèm chuyện vãn với kỷ niệm, chuyện vãn với hơi thở, chuyện vãn với những tình thân, và, nhất là chuyện vãn với Ông-Thần-Chết quái…kiệt!”

Tôi chúc mừng thi sĩ và lướt nhẹ qua từng trang còn thơm mùi giấy mới.

Tôi trở về một đêm tận, một khuya tận. Chuyện vãn với…chuyện vãn của Du Tử Lê.


1. Mất Hay Còn,
Chưa Hẳn Khác Nhau Đâu!?!.

Mất hay còn? Tồn tại hay không tồn tại? Câu hỏi của muôn thuở cát bụi ngu ngơ, của kiếp người bơ vơ tội nghiệp.

Chưa hẳn khác nhau đâu!?!.

Một con bướm bay trong một cơn gió lạnh, hanh hao trong màu nắng úa.

Chưa hẳn. Thi sĩ buông một câu lơ lửng. Nhưng, trong hơi-thở-độc-thoại, khi chuyện vãn với chính mình thì thi sĩ xác quyết:

em / tôi /không có mặt
(ở bất cứ nơi nào.)
chúng ta ở trong nhau:
khi ngọn đèn đã tắt.

Xác quyết hay dự cảm của tự-hủy-phục-sinh?!
Không hy vọng. Không tuyệt vọng.
Mất hay Còn?
Hơi-thở-độc-thoại mở và khép trong tịch mịch.

Anh ù té chạy băng băng trong khoảng không vắng lặng rợn người. Trong chất ngất cơn đau của thân bệnh. Trong sấm chẻ giữa hai bờ sinh tử:

chào thần chết, đừng nhìn tôi thế chứ!
ông trong tôi từ thuở mẹ mang thai.
trời đất những tưởng hai (mà,) vẫn một.
ông hãy cười, tôi sẽ nói:
- đi thôi!

Chao ôi! Cái Ông-Thần-Chết. Trong cái mầm phôi thai tinh Cha huyết Mẹ thì Ông-đã-là-Tôi rồi. Đó cũng là cái hoan-hỉ-tử-sinh. Đi thôi hay về thôi thì cũng…thế thôi!

Đã vậy, mùa đông, từ cửa sổ Fountain Valley Hospital, anh đã áp má vào những con chữ để chuyện vãn:

trong khu vườn mùa đông
sự chết hớn hở trình diễn khắp sân khấu
riêng cụm birdflower
bất ngờ
nở đôi chim ối, đỏ.
Trong thân thể tôi
Chemo và, radiation
Thao diễn khả năng tàn phá tận tình
nhất định không bỏ sót
dù chỉ một tế bào.
bất ngờ
tôi nhận ra
trong xó, góc
vẫn nguyên vẹn đó:
tình yêu em - -
đỏ!
ối! ngậm ngùi.

Đôi chim ối, đỏ vừa nở, còn tình yêu em thì đỏ ! ối ! ngậm ngùi.

Anh vẫn còn đang áp má vào những con chữ vừa ứa ra từ những giọt máu ối-đỏ-ngậm- ngùi. Cụm birdflower đã vươn cánh bay lên. Tiếng hót của đôi chim rền cả một đường bay, đỏ, ối…

chim ngậm hạt vong thân,
rớt, dọc đường chiếc bóng.

Một cõi quên? Có lẽ nào?!

thân nương/ ấm hạt kinh
tâm cúi, tìm kiếp khác.
gió phổ độ cánh chim.
mây quên đòi giải thoát!?!

Phổ độ cũng là một cách quên? Một cách quên ba-la-mật.

Tiếp tục nhớ để quên.

đất / da / thịt vốn chờ tôi trở lại
lửa cho tôi hơi ấm tự tiền thân.
Gió nhắc nhở đừng quên ơn hơi thở.
nước đi quanh như máu rất ân cần

Hơi thở là một huyền nhiệm của vũ trụ.

Hai vai tôi, mặt biển xuôi dài, tít tắp những ngọn sóng bạc đầu, những bóng khuất của sử lịch hiện ra vẫy gọi. Tôi nhìn thấy tôi trong chập chùng sinh linh.

Tôi tiếp tục thở.
Tôi tiếp tục thở.
Tôi tiếp tục thở…

chỉ một giọt nước thôi,
đủ biết rằng biển mặn.
chỉ một đôi môi thôi,
đủ có toàn thế giới.

chỉ một mái tóc thôi - -
nghìn sâu còn ấm áp.
chỉ một đôi mắt thôi - -
cảm ơn: rừng an, lạc.

chỉ một ngón tay thôi,
thơm đời sau. tiếng hát.
chỉ một thời kinh thôi,
che, ấm phần tan, nát.

Những con chữ, con âm bình an như hơi thở. Đêm tận. Khuya tận. Hình như có tiếng vọng lại, từ một nơi chốn, một chỗ ngồi nào đó, của một thời khắc đã trôi qua:

Tôi trở lại đáy khuya ngồi với bóng.
Những chiếc bàn trật khấc nổi cô đơn.(*)

Đáy khuya tuyệt cùng. Những chiếc bàn trật khấc. Bóng của tôi đóng đinh với tịch mịch. Thi ca hắt bóng tôi trong niềm bi mẫn của hư không. Một nơi chốn, một chỗ ngồi nào đó, của hơi-thở-hiện-tiền. Đêm tận. Khuya tận.

tôi ngồi khô vườn sau.
hỏi han tiền kiếp. lạnh.
những con chim sẻ nâu
báo tin: người xuất hiện

Thơ trùng phùng bể dâu, kéo lê rừng tóc trắng. Tôi hỏi han dư ảnh của tiền thân, tiền kiếp. Lạnh. Lạnh mà an nhiên. Bóng tôi hắt bóng người xuất hiện.

nhìn thôi. đừng nói! nói.
nhìn thôi. đừng nói! nói.

Thi sĩ khép nhẹ những đêm tận, những khuya tận. Mất hay Còn? Có hay Không? Nhớ hay Quên?

Chỉ còn nghe tiếng-hót-của-những-con-chim-sẻ-nâu trong hơi thở.

2. Lại Chuyện Vãn /

(Lần Này, Ít Thôi)/
Với Bệnh Ung Thư/

Chuyện vãn với bệnh ung thư? Lạ. Thử nghe trong đêm tận, khuya tận vang lên những lời ối, đỏ. Như cách ẩn dụ của thi sĩ.

Ung thư? Căn bệnh quái ác nhất, kinh hoàng nhất của nhân loại. Những tế bào bỗng nhiên hung hãn, vô kỷ luật, “quậy” tưng bừng trong máu me xương tủy. Liệu pháp chemo, radiation được xem như là vũ khí tối ưu của y khoa hiện đại, dĩ độc trị độc, nhằm cô lập, bao vây, tiêu diệt những anh chàng [hay chị nàng] tế bào bất hảo, bất trị nầy. Ấy tuy nhiên, y học hiện đại vẫn chưa tìm ra một liệu pháp triệt để khả dĩ ngăn chặn nguy cơ tử vong của người bệnh.

Đại để là, một cái chết được báo trước. Hoặc nhanh hay chậm. Nhanh, nếu phát hiện bệnh muộn. Chậm, nếu phát hiện bệnh sớm. Thoát chết? Có cơ may. Nếu phát hiện sớm và có những liệu pháp điều trị đúng mức.

Dài dòng về bệnh ung thư, để dẫn đến chuyện thi sĩ Du Tử Lê phát hiện [giữa sớm và muộn] cơn bệnh hiểm nghèo: Ung thư ruột già, vào tháng 2.2005. Anh đã trải qua hơn hai năm dùng liệu pháp chemo và radiation để điều trị. Như đã nhắc ở trên, đây là liệu pháp dĩ độc trị độc, đòi hỏi tiên thiên của cơ thể người bệnh phải có sức chịu đựng dẻo dai mới có thể thích ứng, vượt qua cơn hiểm nghèo. Hồng huyết cầu sẽ tiêu hao rất nhiều, tóc rụng, da xảm tái vì mất máu, chưa kể những phản ứng phụ khác, vật vả người bệnh.

Dáng ngồi gầy guộc, mái tóc hớt ngắn (vì rụng nhiều?) điểm bạc, ánh mắt nhìn còn thấm mệt, nhưng giọng nói vẫn ấm, vang: “Sống hay chết thì cũng vậy thôi. Trước đây, khi biết bệnh, cảm giác có nhói và choáng trong một vài giây khi trong tâm tưởng bật lên một tiếng vang: Tiếc quá! Thế là hết. Trong những ngày tháng sống với chemo và radiation, khó mà diễn tả được những cơn đau, có lúc tưởng đã không vượt qua nổi, và cũng không hiểu vì sao xác thân mình có thể chịu đựng những cơn hoành hành, tàn phá, giao chiến khốc liệt giữa tế bào bệnh và thuốc. Ông-Thần-Chết, giờ đây, mình có thể nói chuyện với…ổng, là nằm trong nghĩa đó! Cũng vậy thôi, nhưng nếu mỗi ngày, mỗi sớm mai thức giấc, biết mình còn sống, còn thở cái hơi thở kỳ diệu của kiếp người, của cuộc đời, được gặp mặt những người thân yêu, bằng hữu thì hạnh phúc biết bao nhiêu.”

Tuyển tập thơ, đúng như anh bảo, ít thôi, 29 bài, đúng điệu chuyện vãn.

Một Du Tử Lê rất khác, lạ. Một hơi thở cô liêu với rất nhiều hồi ức về những người thân yêu, bằng hữu. Khác, lạ: Thanh thản dầm mình trong cơn bạo bệnh để nghe và thấy rõ hơn vòng quay luân hồi của Sống-Chết.

chúng ta, những con ong:
hút mật vườn thế giới.
(rồi,) trở thành nhụy, hương:
- trả lại đời-sạch-sẽ!!!!!

người cho tôi-đời-sau
cách gì tôi đền, đáp?!?

Trả lại đời-sạch-sẽ. Nhẹ tênh nhưng nặng trĩu niềm tri ân!

…Tháp Trong Tim Bấc, Ngọn Nến, Cũ!?! Như kiểu hồn lìa khỏi xác, chập-chờn-tôi giữa sống/chết. Như kiểu nhục thân đã hắt hơi ngưng thở, hồn thoát ra nhìn lại hình hài nằm trơ vơ giữa khung cảnh thân yêu. Hồn nhìn, nghe, thấy, cảm nhận được hết:

tôi xỏ đôi tay thất lạc mình
trong tay áo / ngực nàng
rách bươm
nước mắt

buổi trưa
lũ cockatail xao xác
hỏi bầy cá koi
- vì sao bức tượng cuối vườn
bữa nay
bỗng dưng
rớt lệ?

Bức tượng cuối vườn rùng mình: “Giọt lệ hóa kiếp của ông đấy!”
Nhớ có lần, trước đây, anh bảo:

tôi muốn nhắc: niềm vui là nấm mộ/
chỉ nổi buồn mới thực của ta, riêng(*)

Một kiểu nói ngược đầy ẩn ý, để có cớ nói tiếp:

ta đi mấy kiếp còn trông lại
lồng lộng trần gian một cõi riêng(*)

Một Cõi-Người-Ta bi mẫn khôn nguôi!!!

Tôi đã đi quá xa rồi. Xin hãy trở lại tuyển tập, tiếp tục chuyện vãn.

Bài thơ có tên gọi chung cho tuyển tập, Lại Chuyện Vãn / (Lần Này, Ít Thôi) / Với Bệnh Ung Thư/, khung cảnh của một người tự dọn mình trước giờ lâm tử với những lời [gần như, đúng là, đích thị là] trối trăn bằng điệp ngữ Cám Ơn, trong đó, lặp lại nhiều nhất là cám ơn ung thư (5 lần – Không biết có trùng hợp với những lần “ăn nằm” với chemo và radiation???!!!) còn lại là cám ơn mọi điều, cám ơn trọn gói trước khi hắt hơi lần cuối, lìa đời.

Đây là bài thơ “dở” nhất trong tuyển tập! “Dở” nhất, nhưng cảm động nhất! Vì sao? Vì nó bộc lộ được hết hơi-thở-gấp của thi sĩ, đúng tâm trạng của thi sĩ. Bài thơ bất cần cấu trúc, cấu tứ, thi pháp gì ráo. Một Du Tử Lê khác, lạ, nhưng rất chân tình.

Tôi nhẫm lại trong trí nhớ, một trong những bài thơ đẹp nhất của anh cách nay trên bốn mươi năm, một khổ đầu trong Khúc Thêm Cho Huyền Châu:

hạnh phúc tôi từ những ngày con nước lớn
trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng
bầy sẻ cũ hom hem chiều ngói xám
trời xanh xao chân nhỏ cũng không về
cây mộng nở từng ngón tay lá nõn
nôi tương tư cỏ ấm thịt da người…

…con dế nhỏ lớn lên đầm tiếng hát
khi đêm về ru giọng đớn đau hơn
cây niên thiếu cũng thui mầm trong sáng
lá oan khiên lả tả mái hiên người…(*)

Một Du Tử Lê lãng tử, bềnh bồng của ngày xưa. Anh có không ít những bài thơ tình đẹp thê thiết, áo não và những bài thơ đời ưu uất phận người, mệnh nước.

Và, giờ đây, một Du Tử Lê đang thọ bệnh ung thư. Những chuyện vãn trong những giây, phút, ngày, tháng thọ bệnh, thật ra, đáng quý biết bao nhiêu. Quả tình, anh phải hối hả trối trăn, vì biết đâu, như anh nói, đã từng nói chuyện với…ổng, Ông-Thần-Chết, và, nếu ổng thích quá, ổng rủ đi theo bất thình lình thì không kịp trối trăn. Ý là vậy!

Thơ-theo-kiểu-chuyện-vãn? Một cách để kéo dài thêm những đêm tận, khuya tận? Một cách để tự xoa dịu bớt nổi đau của thân bệnh, để tĩnh tâm, quán niệm theo cách thế của thi sĩ? Anh bảo, lại chuyện vãn…ít thôi, nhưng thật ra, phần lớn những bài thơ trong tuyển tập, là giọng thơ-theo-kiểu-chuyện-vãn, những con chữ, con âm rất đời thường, rất mộc, nhưng rất tươi cảm xúc, rất gợi tâm cảnh. Tôi đã dừng lại khá lâu ở một số bài: Như Con Dao Tự Hủy: Lưỡi Và, Cán, - Tôi Đã Đi Rất Xa (Cùng Thần Chết,) - Trả Lời # 1, # 2, # 3, # 4, # 5, # 6, # 7 –

Em Kỳ Quan Thứ Tám/Mây Phóng Sinh Lời Nguyền. Bài thơ cuối của tuyển tập, tôi dừng lại lâu nhất, xin trích một vài khổ, tôi cho là đắc nhất:

tóc che rừng mùa đông.
lá tận tình phát tán
những nụ hôn lao lung - -
trôi. nõn. vùng kết án.

treo ngược thời tiết xanh
người xững. im. cáo buộc.
tường trắng. đàn. giao tranh.
những ngọn đèn tự sát.

………………………

em: kỳ quan thứ tám.
bình-minh-chim thiếu đôi
lá xây đài kỷ niệm - -
giữa vườn khuya. biếc môi

……………………….

chúng ta ngoài khí quyển
tình yêu khuất nhân gian.
người hiệp thông tối / sáng.
mây phóng sinh lời nguyền.

………………………..

từng con chữ bước ra:
từ cõi tôi-bí-mật!.!

Một cách thế Du Tử Lê, khác, lạ. Bài thơ chưa [rất có thể là không] khép lại. Lời nguyền hay là lời tụng ca Cái-Đẹp-Vĩnh-Hằng của một nơi chốn khác, một “ảnh kép” của trần gian bất tuyệt, một khát vọng Ra-Đi-Từ-Chốn-Quay-Về? Hãy để những con chữ, con âm vọng lại hồi đáp. Hãy cầu mong Ông-Thần-Chết ngủ quên thật lâu, để thi sĩ được tiếp tục chuyện vãn trong những đêm tận. Khuya tận:

chào tuyệt tác / thiên nhiên / đừng lý giải
“- mất hay còn chưa hẳn khác nhau đâu.”


Quận Cam, Calif. Cuối Thu, 2008

Chú thích:
1. Hai tuyển tập thơ của Du Tử Lê vừa mới ấn hành:

- Mất Hay Còn. Chưa Hẳn Khác Nhau Đâu. Tuyển tập thơ thiền tính 3( 2004-2008). H.T. Productions ấn hành lần thứ nhất, tháng 6.2008, California, USA.

- Lại Chuyện Vãn/(Lần Này, Ít Thôi)/Với Bệnh Ung Thư/. Tuyển tập thơ (2005- 2008. H.T. Productions ấn hành lần thứ nhất, tháng 9.2008, California, USA.

2. Những câu thơ trích dẫn, chữ nghiêng trong mỗi phần của bài viết, từ hai tuyển tập nêu trên.

3. Những câu thơ trích dẫn, chữ nghiêng, có dấu (*), từ những bài thơ khác của Du Tử Lê, nằm ngoài hai tuyển tập nêu trên.

Nguyễn Lương Vỵ










Điểm sách



22 Tản mạn của Võ Chân Cửu

Nguyễn Lương Vỵ




Sách mới


Đầu tháng 6/2013, Công ty TNHH sách Phương Nam, Sài Gòn in xong tập sách “22 Tản Mạn” của nhà thơ Võ Chân Cửu. Sách do NXB Hội Nhà văn xuất bản, in theo khổ 12x20cm, dày 216 trang, tranh bìa của Đinh Cường. Hình thức trình bày đẹp, trang nhã.

Nhà thơ Võ Chân Cửu sinh năm 1952 tại Qui Nhơn, Bình Định. Anh có thơ đăng báo khá sớm (từ 1965 trên các trang văn nghệ thiếu niên các nhật báo, và từ 1969 trên các tạp chí văn học nghệ thuật như: Bách Khoa, Tư Tưởng, Văn, Khởi Hành, Thời Tập…) Trước 1975, anh đã ấn hành 2 tập thơ: Tinh Sương, Đại Mộng. Năm 2011, NXB Thư Ấn Quán – New Jersey, Hoa Kỳ (do nhà văn Trần Hoài Thư chủ trương) đã in tập thơ Ngọn Gió với tựa đề Trước Sau. Tuyển tập này bao gồm những tác phẩm thơ sáng tác trước 1975 và một số sáng tác gần đây của Võ Chân Cửu. Những năm qua, Võ Chân Cửu tập trung viết tạp bút, phần lớn là những hồi ức ghi lại những sinh hoạt văn học nghệ thuật của miền Nam (1954-1975). 22 Tản Mạn “cho ta hình dung lại rất nhiều khuôn mặt thi ca của miền Nam. Có nhiều tác giả mà hiện nay với độc giả thế hệ 8X trở đi, hầu như không ai biết cả. Nó cho thấy sự phong phú trong sáng tác của các văn nghệ sĩ thời đó…”(trích lời bạt của nhà thơ Chu Ngạn Thư.)

Với tính nhạy cảm của một thi sĩ, với ký ức phong phú, kinh nghiệm sống dày dạn của một người luôn nặng tình với văn chương, bằng hữu, 22 Tản Mạn đã có sức hấp dẫn, lôi cuốn người đọc bằng một giọng văn trầm tĩnh, giản dị nhưng vẫn sâu sắc, thấm đẫm chất văn học. Có những đoạn nhận định rất ngắn, rất cô đọng mang tính ẩn dụ khiến chúng ta phải ngậm ngùi khi nhìn lại một thời kỳ văn học nghệ thuật vô cùng phong phú, sinh động của miền Nam trước 1975: “Dưới dòng suối, những rễ cây vô tình ngoạm đá. Dâu biển tang thương, phá xong những cánh rừng, người ta moi đến gốc. Những rễ cây ôm đá qua các nhà sinh vật cảnh đã trở thành các món hàng vô giá. Dòng chảy 21 năm văn học miền Nam có thể sẽ được đào xới lên theo nhiều cách. Một nhà khoa học sinh học chăm băm vào các đề tài nghiên cứu, khi nhìn thấy các món sinh vật cảnh nầy quả quyết qua tháng năm, nó tích tụ nhiều chất phóng xạ; có loại đem chưng trong nhà sẽ rất độc hại. Cách nhìn duy vật thô sơ vẫn xem gỗ đá là những loài vô cơ. Cách nhìn mới cho rằng trong đó sự sống vẫn dịch chuyển. Có khi nó chứa đựng cả phần hồn. Thật vậy chăng?!”

Cách nói ví von trên ám chỉ về tình hình văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975 một cách khéo léo, bản lĩnh, ẩn chứa một mối tri tình nồng ấm, thật đáng trân trọng. Cây bút phê bình văn học Cao Huy Khanh rất quen thuộc với người Sài Gòn trước đây, trong bài tựa sách đã viết: “…Trong giới văn học Miền Nam từ trước 1975 đông hằng hà sa số vô thiên lủng. Từ các bậc lão trượng như Quách Tấn, Bùi Giáng, đến các bậc trung niên:Nguyễn Mộng Giác, Joseph Huỳnh Văn, Cung Tích Biền, Trần Tuấn Kiệt, Hoài Khanh, Nguyễn Đức Sơn…Rồi lớp bằng vai phải lứa Thế Vũ, Vũ Hữu Định, Lê Xuân Tiến, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Lương Vỵ, Thái Ngọc San, Phù Hư, Mường Mán, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Miên Thảo, Từ Hoài Tấn, Từ Kế Tường, Phạm Chu Sa, Lê Nguyên Ngữ, Trần Dzạ lữ, Hoàng Ngọc Châu, Hồ Ngạc Ngữ, Đặng Tấn Tới, Nguyễn Đạt…

Cái danh sách còn dài này cho thấy tính quảng giao của Cửu “không bờ bến. Đẹp như kiếp bô-hê-miên”. Mà giới văn nhân thi sĩ này, trên chốn giang hồ “trường văn trận bút” thì ai cũng biết: trong ta bà thế giới, mỗi người một cá tính, mỗi người một phách, mỗi người là một quả núi, ít ai chịu ai. Thế nhưng Võ Chân Cửu có cái hay là chịu được tất cả. Và hầu như tất cả đều “chịu” anh. Ấy là bởi Cửu có tấm lòng đôn hậu, chân thật đối xử với mọi người tình nghĩa, bản chất hiền lành, như tự nhận mình vốn là người “dĩ hòa vi quý”…

Có lẽ đó cũng là lý do làm bạn đọc ở trong cũng như ngoài nước dễ cùng tác giả chia sẻ qua “22 Tản Mạn” !


California12-6/2013
Bạn đọc ở xa có thể liên lạc với Tổng Phát Hành PNC theo email sach@pnc.com.vn, hay điện thoại 091-489-1656.

Nguyễn Lương Vỵ










Nguyễn Lương Vỵ & Bùi Giáng






Hoàng Pháp & Nguyễn Lương Vỵ






Võ Chân Cửu & Nguyễn Lương Vỵ






Nguyễn Lương Vỵ, Viên Linh, Nguyễn Tôn Nhan






(Đứng) Phan Tấn Hải,
Nam Dao, Nguyễn Lương Vỵ






Nguyễn Miên Thảo & Nguyễn Lương Vỵ








Phạm Việt Cường & Nguyễn Lương Vy








Nguyễn Lương Vỵ & Phan Nguyên
Cali 2017





















Trở về











MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.