Thứ Sáu, 18 tháng 12, 2015

Chế Lan Viên (1920-1989)

















Chế Lan Viên

Phan Ngọc Hoan
 (20/10/1920 Quảng Trị - 19/6/1989 Tp/HCM)
Hưởng thọ 69 tuổi
Nhà thơ, nhà văn










 Những bài thơ "trăn trở"của Chế Lan Viên lúc cuối đời






Khi Cây Chết

Khi cây chết, ta làm chim bơ vơ
Khi không gian đã hết những đợi chờ
Khi trưa xuống khóc trên lòng sông bể
Ta muốn ta mai sau là hạt lệ
Khóc trên lòng hậu thế cũng đau thương.












Một người bình thường

“Người nông dân ấy đã bốc mộ cho hàng ba trăm thương binh
Xác anh em và xác con mình
Anh xếp trên giường nhà anh như họ còn nằm ngủ
Vợ, dâu anh thì sợ
Nhưng anh vẫn làm nhiệm vụ
Việc ấy không để lại hào quang trên tay
Ánh sáng gì trong mắt
Hay huân chương trên tường
Có khi bản thân anh cũng muốn quên giữa cuộc đời chật vật
Còn ta à! Thì bận vì dạ hội, liên hoan
Tình ca, hội thảo...
Bao nhiêu điều láo nháo chúng ta quên
Quên rằng giờ chiến thắng mười năm
Anh ta vẫn khổ
Con vào trường không có chỗ
Đến bệnh viện không tiền
Ra đường không ai nhớ
Về làng người ta quên”

1985










Ai? Tôi!

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi! Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười

1987














 Bánh V

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Ðêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi

Nhai nhồm nhoàm


(Prométheé 86, Văn học và Dư luận, 8-1991)











 Trừ Đi

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu? Một nửa
Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ,
Tôi giết cái cánh sắp bay...trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời trên biển,
Giết mưa và giết cả cỏ mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gày còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi - người có lỗi!
Ðã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình!
(Tạp chí Văn, Paris 1992)















Tìm Đường

Nửa thế kỷ tôi loay hoay
Kề miệng vực
Leo lên các đỉnh tinh thần
Chất ngất
Theo các con đường ngoắt ngoéo chữ chi
Gẫy gập
Mà đâu được gì ?
Khi tôi cưỡi trên mây
Thì máu người rên dưới đất
Mẹ hỏi tôi
- Con lên cao mà làm chi ?
Mẹ ở dưới này cơ cực
Về đi !
Ôi ! con đường không ra đường
của kẻ tìm thơ
Cái thơ không ra thơ của kẻ tìm đường
Đã gần hết thời gian của tôi ở trên
trái đất
Mà tôi chưa có thể trả lời cho mẹ
Mẹ đâu biết cho rằng:
Hoa tôi hái trên trời
Cũng chính là nước mắt
Dưới xa kia

(Rút trong tập nháp: Bào thai và mảnh vỡ)














 Tay Thứ Mấy

Phật trăm tay, anh gửi mình
vào cánh tay thứ mấy
Nhiều tay chi thêm bối rối
trước đời
Dẫu trăm tay không thể níu
mùi hương lại
Và mùa xuân trôi tuột, ở Như Lai













Khoảng Cách

Khi em xoay lưng lại với anh
Hai đứa cách nhau một vòng quay Trái Đất
Khi hai đứa mắt đã soi trong mắt
Thì không gian còn khoảng cách nào đâu












Mùa Ve


Tất cả trẻ phố phường
Ngây dại với mùa ve
Sáng dậy từ rất sớm
Khuya thức chờ rất khuya.

Tay cầm một ngọn đèn
Tay khum khum che gió
Bóng trẻ lẫn thân cây
Theo tiếng ve im, rộ.

Hai dãy sấu bên đường
Ran lên rồi im bặt
Như mưa rào từng chặp
Như tình yêu thất thường.

Ồ! Còn gì lạ hơn
Chú ve con quằn quại
Lột mình thay vỏ non
Cái hình xưa vứt lại.

Cái phép lạ phi thường
Không dưng mà bỗng có
Trẻ con nhìn nín thở
Đôi cánh ve mờ sương.

Ngày nhỏ ta tìm ve
Dưới gốc cây vườn mẹ
Ai hay lớn vào đời
Lại vẫn tìm như thế.

Cái tìm không phút nghỉ
Tuổi mình vào sáu mươi
Thơ, tình yêu, chân lí
Cái lột vỏ của đời.

Nguồn: Mùa hạ trong thi ca, tuyển thơ nhiều tác giả, NXB Hội nhà văn, 2007












Quách Tấn, Nguyễn Đình, Chế Lan Viên


Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 20 tháng 10 năm 1920 tại xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị.

Ông lớn lên và đi học ở Quy Nhơn, đỗ bằng Thành chung (THCS hay cấp II hiện nay) thì thôi học, đi dạy tư kiếm sống. Có thể xem Quy Nhơn, Bình Định là quê hương thứ hai của Chế Lan Viên, nơi đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn của nhà thơ.

Ông bắt đầu làm thơ từ năm 12, 13 tuổi. Năm 17 tuổi, với bút danh Chế Lan Viên, ông xuất bản tập thơ đầu tay nhan đề Điêu tàn, có lời tựa đồng thời là lời tuyên ngôn nghệ thuật của "Trường Thơ Loạn". Từ đây, cái tên Chế Lan Viên trở nên nổi tiếng trên thi đàn Việt Nam. Ông cùng với Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn được người đương thời gọi là "Bàn thành tứ hữu" của Bình Định.

Năm 1939, ông ra học tại Hà Nội. Sau đó Chế Lan Viên vào Sài Gòn làm báo rồi ra Thanh Hóa dạy học. Năm 1942, ông cho ra đời tập văn Vàng sao, tập thơ triết luận về đời với màu sắc siêu hình, huyền bí.

Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông tham gia phong trào Việt Minh tại Quy Nhơn, rồi ra Huế tham gia Đoàn xây dựng cùng với Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Đào Duy Anh. Thời kỳ này, Chế Lan Viên viết bài và làm biên tập cho các báo Quyết thắng, Cứu quốc, Kháng chiến. Phong cách thơ của ông giai đoạn này cũng chuyển dần về trường phái hiện thực. Tháng 7 năm 1949, trong chiến dịch Tà Cơn-đường 9 (Quảng Trị), Chế Lan Viên gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương[1].

Năm 1954, Chế Lan Viên tập kết ra Bắc làm biên tập viên báo Văn học. Từ năm 1956 đến năm 1958, ông công tác ở phòng văn nghệ, Ban tuyên huấn trung ương và đến cuối năm 1958 trở lại làm biên tập tuần báo Văn học (sau là báo Văn nghệ). Từ năm 1963 ông là ủy viên thường vụ Hội nhà văn Việt Nam, ủy viên ban thư kí Hội nhà văn Việt Nam. Ông cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa các khóa IV, V và VI, ủy viên Ban văn hóa - giáo dục của quốc hội.

Sau 1975, ông vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông mất ngày 19 tháng 6 năm 1989 (tức ngày 16 tháng 5 năm Kỷ Tỵ) tại Bệnh viện Thống Nhất, thành phố Hồ Chí Minh, thọ 69 tuổi.

Ông được nhà nước Việt Nam truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).

Con gái ông, bà Phan Thị Vàng Anh, cũng là một nhà văn nổi tiếng.

Phong cách của Chế Lan Viên
 
Con đường thơ của Chế Lan Viên "trải qua nhiều biến động, nhiều bước ngoặt với những trăn trở, tìm tòi không ngừng của nhà thơ"[2], thậm chí có một thời gian dài im lặng (1945-1958).

Trước Cách mạng tháng Tám, thơ Chế Lan Viên là một thế giới đúng nghĩa "trường thơ loạn": "kinh dị, thần bí, bế tắc của thời Điêu tàn [3] với xương, máu, sọ người, với những cảnh đổ nát, với tháp Chàm". Những tháp Chàm "điêu tàn" là một nguồn cảm hứng lớn đáng chú ý của Chế Lan Viên. Qua những phế tích đổ nát và không kém phần kinh dị trong thơ Chế Lan Viên, ta thấy ẩn hiện hình bóng của một vương quốc hùng mạnh thời vàng son, cùng với nỗi niềm hoài cổ của nhà thơ.

Sau Cách mạng tháng Tám, thơ ông đã "đến với cuộc sống nhân dân và đất nước, thấm nhuần ánh sáng của cách mạng"[4], và có những thay đổi rõ rệt. Trong thời kì 1960-1975, thơ Chế Lan Viên vươn tới khuynh hướng sử thi hào hùng, chất chính luận, đậm tính thời sự. Sau năm 1975, "thơ Chế Lan Viên dần trở về đời sống thế sự và những trăn trở của cái "tôi" trong sự phức tạp, đa diện và vĩnh hằng của đời sống"[5].

Phong cách thơ Chế Lan Viên rất rõ nét và độc đáo. Thơ ông là sức mạnh trí tuệ được biểu hiện trong khuynh hướng suy tưởng - triết lí. "chất suy tưởng triết lí mang vẻ đẹp trí tuệ và sự đa dạng, phong phú của hình ảnh thơ được sáng tạo bởi một ngòi bút thông minh, tài hoa"[6] Khai thác triệt để các tương quan đối lập. Và nổi bật nhất là năng lực sáng tạo hình ảnh phong phú, độc đáo nhiều ý nghĩa biểu tượng.

 
Các bút danh

Ngoài bút danh Chế Lan Viên (được hiểu là tác giả tự nhận mình là bông hoa lan trong khu vườn nhà họ Chế- dòng họ vua chúa của dân tộc Chàm ở nước Chiêm Thành xưa) nổi tiếng, trong bài giới thiệu tập tiểu luận Những bước đường tư tưởng của tôi của Xuân Diệu, đăng trên báo Văn học tháng 9 năm 1958, ông ký bút danh Thạch Hãn (tên một con sông tỉnh Quảng Trị quê ông). Nhiều bài báo in trên báo Thống Nhất, xuất bản ở Hà Nội trước tháng 5 năm 1975, ông cũng ký bằng bút danh này.

Từ năm 1959 đến năm 1963, trong thời gian làm biên tập báo Văn học, phụ trách chuyên mục Nói chuyện văn thơ, trả lời bạn đọc, ông ký bút danh Chàng Văn. Năm 1961, Nhà xuất bản Văn học đã cho xuất bản hai tập Vào nghề và Nói chuyện văn thơ của tác giả Chàng Văn.

Trong mục Nụ cười xuân trên báo Văn học, Chế Lan Viên có hai bài viết ngắn là Ngô bói Kiều và Lý luận Đờ Gôn ký tên Oah (tức Hoan).




























Tác phẩm chính








Thơ



Gửi các anh
(1960)
 
...Cái vui bây giờ
A và H
Đêm ra trận
Đêm tập kết
Ðêm xuân sầu
Đọc Kiều (I)
Đi ra ngoại ô
Đi thực tế
Điện và trăng
Ý nghĩ mùa xuân
Ôi chị Hằng Nga cô gái Nga
Bay ngang mặt trời
Cành hoa nhỏ
Cành phong lan bể
Cách chia
Cỏ nghĩa trang
Cờ đỏ mọc trên quê mẹ
Chị văn công
Chớ hái hoa trong bệnh viện
Chim lượn trăm vòng
Gắn huân chương
Gốc nhãn cao
Giữa ngày Phú Lợi
Giữa tết trồng cây
Hai câu hỏi
Hoa đào nở sớm
Hoa hồng trong bệnh viện
Kết nạp Đảng trên quê mẹ
Khi đã có hướng rồi
Lá nguỵ trang
Lạ nhà
Lương mới
Mây và hoa
Mặc dù trong đêm, mặc dù trong tối
Mẹ
Một ngày thống nhất, ngày mai
Nay đã phù sa
Nỗi đau ngày cũ...
Ngô thuốc độc ngợi ca máy chém
Ngủ rừng Lào 1952
Nghĩ về thơ (I)
Ngoảnh lại mùa đông
Ngoảnh lại mười lăm năm
Người đi tìm hình của nước
Nhật ký một người chữa bệnh
Nhớ Bế Văn Đàn
Nhớ Việt Bắc
Qua Hạ Long
Tàu đến
Tàu đi
Tình ca ban mai
Tặng An-tô-kôn-sky
Tết trung thu
Từ xa rừng bản...
Thăm bia liệt sĩ Nam Ninh
Theo tình nguyện quân qua biên giới năm 1952
Thư mùa nước lũ
Tiếng chim (I)
Tiếng hát con tàu
Tiếng hát thằng điên trong dinh Độc Lập
Toán
Trên dải Trường Sơn
Trông thư
Trăng
Trưa
Vàng của lòng tin
Xa Tổ quốc
Xóm cũ
Xem ảnh
Xuất cảng trúc








Hoa ngày thường - Chim báo bão
(1967)

60 tuổi một nhà thơ lưu vong nước Thổ
Đế quốc Mỹ là kẻ thù riêng của mỗi trái tim ta
Đức Chúa Trời của chúng mặt Xa-tăng
Đừng quên
Đi trong hương chùa Hương
Ở đâu, ở đâu, ở đất anh hùng
Bé Thắm đàn
Cái hầm chông giản dị
Cây dẫn về em
Cảnh giác
Cờ giặc Mỹ
Chùm nhỏ thơ yêu
Chiều
Chim vít vịt
Con đi xơ tán xa
Con cò
Con hỏi cha
Con lên Quế Võ
Con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa
Con tập nói
Con thức dậy
Cuối năm
Cuộc vui trong dinh Độc Lập
Dậy
Gửi Kiều cho em năm đánh Mỹ
Hoa những ngày thường
Không ai có thể cứu chúng mày
Làm bà mẹ ở Việt Nam
Lộc mùa xuân
Mây và hoa trên Vạn Lý Trường Thành
Ngọn lửa Mô-ri-xơn
Nghĩ về Đảng
Nghĩ về thơ (II)
Người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi
Nhớ
Nhớ em nơi huyện nhỏ
Phải có thời gian
Quả vải vào mùa
Sao chiến thắng
Sông Cầu
Suy nghĩ 1966
Tôi đi từ... Tôi đến...
Tặng bạn gần gửi những bạn đang xa
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
Thành phố tuổi thơ
Thóc mới Điện Biên
Thế đấy mà miền Nam
Trời đã lạnh rồi
Trước hầm Đờ Cát









Những bài thơ đánh giặc

(1973)

Đào
Đạp tuyết
Đặt tên con
Đọc "Bất khuất"
Đợi thư con
Bác
Bác vẫn còn đây
Búp lộc vừng
Cành đào tiểu đội Y
Cây giữa chu kỳ
Cây mai vườn Thống Nhất
Cầu vồng
Chim ấy, rau này
Chim bao gặp mẹ
Chim biếc Vĩnh Linh
Chim con trong liễu
Chim về
Chuỗi thơ anh Trỗi
Chơi chữ về ngõ Tạm Thương (tức Tạm Sương)
Chơi Yên Tử, nhớ Hoa Yên
Dương liễu thôn
Hồng trận địa
Hoa chùa Hương
Hoa gạo son (I)
Hoa lau trắng
Hoa mộc trong vườn Bác
Hoa quê mình
Hoa tháng ba
Hoàng thảo hoa vàng
Im bớt màu hoa
Lòng anh làm bến thu
Lặng im thì mới nghe
Liễu cũng chờ em
Mai
Mây của hoa
Nội dung và hình thức
Nghĩ suy 68
Nghĩ về nghề, nghĩ về thơ, nghĩ...
Nghìn rưởi ngày đêm
Nhánh đào yêu
Nich-xơn chơi hoa
Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể
Rễ... hoa
Súng bên bàn
Sổ tay thơ
Sơn Mỹ
Tặng một chiến sĩ Pathét Lào
Tặng thơ
Từ đất đến bình
Thời gian không đợi
Thời gian và nỗ lực
Thăm sư cụ ngày mùa
Tranh ngựa
Trận tuyến này cao hơn cả màu da
Trở về Quảng Bá
Trăng hoả tuyến
Trung thu 69
Tu hú
Tuỳ bút một mùa xuân đánh giặc
Tuyên bố của mỗi lòng người, khẩu súng, cành hoa
Vừa thấy môi hoa
Vườn mẹ không hoa
Xuân 68 gửi miền Nam Tổ quốc
Xuân vĩnh viễn










Ngày vĩ đại
(1976)









Hoa trước lăng Người
(1976)







Hái theo mùa
(1977)
 
Anh ấy tên Đào
Đói
Đến con trẻ cũng lưu đầy ư, nước Mỹ?
Đọc Kiều (II)
Đi giữa mùa xuân
Biện chứng
Bướm Trường Sơn
Canh cá tràu
Cành mai ở chốt
Các anh xưa
Cây và bóng
Chân trời
Chơi với sư
Dây thép gai
Dọc đường
Gửi Nguyễn Du
Gửi nhà thơ lớn Chi–Lê: Pa-lơ-lô Nê-ru-đa
Gió mùa đông bắc
Giống quê ta
Hai bờ Bến Hải
Hai danh hiệu
Hai giây
Hầm rượu nho
Hoa đại đỏ
Hoa gạo son (II)
Hoa hoài trên đảo Long Châu
Hoa súng hồng
Hoa súng tím
Hoa trong vườn mẹ
Hương lúa hương rừng
Hương lúa vào chùa
Hương trái đất
Kém mắt
Làm Hăm-let ở Việt Nam
Lời ru tháng chạp
Lửa rừng
Nếu
Ngày vĩ đại
Nghe sóng
Nhắn Tô Đông Pha
Pháo binh
Pho, tên mẹ mìn của thế kỷ hai mươi
Quá nửa đường
Quê và hương sơ tán
Ra hoa và đậu củ
Rừng Cúc Phương
Sau cơn bom, hoa sữa
Tìm lại ra mình
Tóc mẹ
Tấn kịch
Tập qua hàng
Tằm và nhện
Tặng Việt kiều về nước
Tự trách mình
Thà nó cứ là thằng mất dạy
Thỏ thẻ hoà bình
Thống kê ở ga Yên Viên
Thơ bổ sung
Tiếng bom
Tiếng chim (II)
Tiếng cười năm đói
Tiếng gọi
Tiếng mùa xuân
Trang giấy
Trận đánh
Tương quan
Và ong
Vào chùa
Vào lịch sử
Vòng cườm trên cổ chim cu
Vẫn cành mai ấy
Vịt trời Hồ Tây
Vườn mẹ
Xã viên
Xe sợi










Hoa trên đá
Tuyển tập thơ Chế Lan Viên
(tập I, 1985; tập II, 1990)







Ta gửi cho mình
(1992, 1993, 1995)

Phần I - Những bài đã hoàn chỉnh
Đảo nhớ đất liền
Đằng nào cũng vậy
Chính uỷ
Chọn một đề tài
Chị Ba
Chung một bóng đèn
Gội tóc nơi trọng điểm
Khách lấy hàng
Mưa đêm
Ngủ rừng
Rét đầu mùa
Sa mạc
Tiếng ve
Tuổi già làm thơ tứ tuyệt
Vô thần







Phần II - Các bài mới ở dạng phác thảo



Đông Kisốt
Đạo diễn
Đất nước ta
Đến ngày
Đừng ngăn cản
Định nghĩa dân tộc
Bến Lú - sông Tương
Cô Tấm
Cho em
Hai chiều
Hai thứ tiếng
Hái trên trời
Hỏi? Đáp
Hương sen
Lên gác
Lò thiêu
Một người thường
Nai bất tử
Ngàn lau
Ngày trống không
Người mai sau
Nhiệm vụ
Quên
Sao (1)
Sao (2)
Từ thế chi ca (I)
Từ thế chi ca (II)
Về quê cũ







Phần III - Nghĩ về thơ và nghĩ ngoài thơ (phác thảo)


Ai? Tôi!
Ảo tưởng
Ấy
Ba lần
Các mùa hoa
Cờ đỏ sao vàng
Chuyến xe
Chơi
Con nhặng xanh
Giàn hoả
Gió lật lá sen hồ
Giếng
Giọng trầm
Giờ báo tử
Hạt gạo
Họ
Hồi ký bên trang viết
Kịch (2)
Lừa
Mèo chuột
Nợ
Người nữ tử tù đan áo
Pútskin
Quan niệm thơ
Tôi viết cho người...
Thời thượng
Thơ thế kỷ 21
Tiếng ru
Tiếng vang
Xe tang qua nhà






























Văn




Vàng sao
(1942)







Thăm Trung Quốc
(bút ký, 1963)







Những ngày nổi giận
(bút ký, 1966)







Bác về quê ta
(tạp văn, 1972)







Giờ của s thành
(bút ký, 1977)







Nàng tiên trên mặt đất
(1985)
























Tiểu luận phê bình







Kinh nghiệm tổ chức sáng tác
(1952)







Nói chuyện văn thơ

(1960)







Vào nghề
(1962)





Phê bình văn học
(1962)







Suy nghĩ và bình luận

(1971)







Bay theo đường bay dân tộc đang bay

(1976)







Nghĩ cạnh dòng thơ
(1981)







Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân

(1981)







Ngoại vi thơ

(1987)







Nàng và tôi
(1992)















Chú thích

1- Có tài liệu ghi ông sinh ngày 14 tháng 1 năm 1920.

2- Thực ra trong thời gian 1945-1950 Đảng Cộng sản Việt Nam không hoạt động công khai mà tuyên bố tự giải tán, chỉ có một bộ phận "công khai" mang tên Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin.

3- Hoàng Như Mai, Nguyễn Đăng Mạnh, Hà Minh Đức, Nguyễn Văn Long, Trần Hữu Tá, Văn học 12, nhà xuất bản Giáo dục, 2007, trang 119

4- Sđd, trang 119

5- Sđd, trang 119

6- Sđd, trang 119














Chế Lan Viên


 Vương Trí Nhàn
Trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam, chữ trạng giành để chỉ một lớp người đặc biệt. Theo nghĩa thông thường, đó là những người giỏi giang, học vấn cao, đọc nhiều sách thánh hiền, và thường là thành công trên đường hoạn lộ (Trạng là cái cách gọi tắt của chữ trạng nguyên, danh hiệu để chỉ những người đỗ cao nhất trong các cuộc thi quốc gia do nhà vua chủ trì). Nhưng trong ý niệm dân gian, chữ trạng còn kèm theo một ý nghĩa cụ thể nữa: đó là những người lém lỉnh, ranh mãnh, ứng xử giỏi, đặc biệt thành công trong một lĩnh vực nào đó, một sự thành công đến mức siêu việt mà chỉ giải thích bằng sự nghiêm cẩn học vấn không đủ, phải cộng thêm vào đó nhiều thủ thuật dân gian nữa. Người ta dùng chữ trạng đặt trước tên ai đó: Trạng Cờ, Trạng Vật. Và ai nói giỏi, thì người ta ví : nói như trạng.
Bao nhiêu cuộc thi của các triều đình phong kiến, để lại bao nhiêu trạng nguyên, nhưng những ông trạng ấy, mấy ai được nhắc tới bây giờ. Trong khi đó, nghĩ đến trạng, là người ta liên tưởng ngay đến Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, những trí thức dân gian mà đến nay, người ta còn kể lại cho nhau nghe, hết sức thú vị và chắc chắn, nếu được phân tích kỹ, có thể cho thấy quan niệm của người Việt Nam về khuôn mặt giới trí thức có thể có.
Nhiều người sống qua những năm Cách mạng, đặc biệt những năm chống Mỹ, thường nhớ tới Chế Lan Viên như một người nói giỏi, thuyết khách giỏi, chứng minh giỏi. Không đỗ đạt cao nhưng biết sử dụng kiến thức của mình. Ranh mãnh mà lại hồn nhiên, hình như thích nói, chỉ lấy nói làm sướng, nói hay hơn mọi người làm chuyện tự hào. Trong một ý nghĩ nào đó, có thể gọi đấy là một thứ trạng của thời đại này. Dù công việc không rộng ra các vấn đề chung của quốc gia, mà chỉ thu hẹp trong giới văn nghệ, nhưng vì ở Việt Nam, trong những năm sau cách mạng, không có sự bận tâm nào của giới văn nghệ sâu sắc hơn sự bận tâm tới các vấn đề quốc gia - cho nên, Chế Lan Viên cũng được rất nhiều người biết tới.
Chế Lan Viên, quê ở Nghệ An, nhưng lại lớn lên ở Bình Định. Vùng đất này của miền Trung là quê hương của nhiều nhà thơ “tiền chiến” nổi tiếng: Bích Khê, Hàn Mặc Tử… Trong sự phát triển muộn mằn của mình, nền thơ Việt Nam hiện đại, sớm trải qua tất cả các giai đoạn phát triển tiêu biểu: từ tiếng thơ nồng nhiệt yêu đời của Xuân Diệu sang thơ điên, thơ loạn của Bích Khê, Hàn Mặc Tử, chỉ có một quãng thời gian ngắn ngủi. Chế Lan Viên không những gần gũi với mấy nhà thơ trên ở tình đồng hương, mà còn ở xu thế tìm tòi của mình. Cái tên Chế Lan Viên, gợi nhớ đến Chế Bồng Nga, vị vua Chiêm thuở nào. Nói về Chiêm Thành để nói lên cảm giác về một cái gì lớn lao giờ bị mất mát. Nhiều khi trong thơ gợi lên hình ảnh ma quái, cho nên gây ấn tượng kinh dị.
Suốt một thời gian dài, thơ Hàn Mặc Tử, thơ Bích Khê bị giới nghiên cứu văn học Hà Nội đẩy vào bóng tối. Nền văn học thuộc về quần chúng trong cái trong sáng, cái dễ hiểu, không thể chấp nhận được những tìm tòi siêu hình kiểu đó. Bản thân Chế Lan Viên hình như cũng muốn quên đi thơ của mình, không coi đó là niềm tự hào như Xuân Diệu. Điều này diễn ra suốt mấy chục năm trời, cho đến 1985-1986: Khi làm tuyển của mình (xêri in ở nhà xuất bản Văn Học), trong khi Xuân Diệu lấy lại gần hết Thơ thơ, Gửi hương cho gió, thì Chế Lan Viên chỉ lấy lưa thưa dăm ba bài, không đáng kể . Phải tới 1987, 1986, quan niệm này của Chế Lan Viên mới lung lay một chút. Khi làm tuyển thơ Hàn Mặc Tử, thơ Bích Khê, ( việc do nhà xuất bản Nghĩa Bình nhờ), Chế Lan Viên xuất hiện với những bài giới thiệu hết sức ca ngợi trường thơ gọi là điên loạn kia, và miêu tả các nhà thơ đó, như những người gần gũi với cách mạng, chỉ một chút xíu nữa trở thành cốt cán của cách mạng như chính mình.
Thoạt nhìn, thì đây là một ví dụ về tính đỏng đảnh của Chế Lan Viên một người lúc nói thì thế này, lúc nói thế khác, và lúc nào nói cũng đầy tâm huyết, cũng hết sức thuyết phục cả.
Ở một phương diện khác, lại có thể thấy cách giải thích sau này của Chế Lan Viên cũng cực kỳ sâu sắc. Cái kỳ lạ của cuộc cách mạng Việt Nam là nó mang vào mình đủ mọi tầng lớp khác nhau. Trong đó, có những người hình như chả dây dưa gì với Cách mạng cả. Mới đây thôi (1988) ở Hà Nội có cuộc thảo luận về chức năng của văn học. Nhiều người bắt đầu nói tới tính dự báo: văn học giống như một thứ tiên tri, báo truớc những điều xảy ra. Giá kể trong một trường hợp khác, cần ủng hộ ý kiến ấy, thì Chế cũng tìm ngay được dẫn chứng trong văn học Đông Tây kim cổ để chứng minh cho tính đúng đắn của nó. Nhưng lần này, tình thế buộc Chế phải đứng ở phía đối lập, và ông tìm ngay ra một dẫn chứng hết sức thuyết phục. Cứ xem văn học Việt Nam thì biết. Đọc văn học Việt Nam trước 1945 ai ngờ là sẽ có cách mạng xảy ra (Đây là một câu chuyện hết sức thú vị, chúng tôi mong có dịp trở lại khi bàn về mối quan hệ giữa văn học và cách mạng). Trong một dịp khác Chế Lan Viên kể vắn tắt và cụ thể hơn: Lúc cách mạng xảy ra, ông ở bờ biển Nha Trang. Đang tắm thì thấy người ta biểu tình đi qua. Thế là nhà thơ chạy theo. Có lẽ bấy giờ chính ông cũng không ngờ là có lúc, ông trở thành một nhà thơ phát ngôn của cách mạng, ở một thời điểm quan trọng những năm chống Mỹ

Vai trò mờ nhạt trong kháng chiến và đầu hoà bình.
Trung tâm của văn học kháng chiến là ở Việt Bắc, mà những năm này, Chế Lan Viên lại ở chiến trường Trị Thiên. Những sáng tác của ông bấy giờ còn rất thưa thớt, sau này tập hợp lại, trong tập Gửi các anh. Ở tập thơ có khoảng vài chục trang này người ta bắt gặp một Chế Lan Viên rất hỗn tạp, có những bài cao giọng nhưng lại có những bài tập theo lối dân gian (Bữa cơm thường trong bản nhỏ sau này thường được chọn như là một đỉnh cao trong thơ Chế Lan Viên hồi kháng chiến). Nhưng ngay lúc ấy, Chế Lan Viên đã có một cuốn tiểu luận mỏng, mang tên
Sau này, trong một cuộc tranh luận, Lại Nguyên Ân mỉa mai: thế là một bậc thày của văn học cũ, lại sớm trở thành người rao giảng lý luận của nền văn học mới.
Nhìn chung lại, cho đến trước 1958, vai trò của Chế Lan Viên chưa có gì đáng kể. Thời gian 1945-1946 - thời gian Xuân Diệu ở trong ban biên tập tạp chí Tiên Phong , trở thành đại biểu Quốc hội, đi Pháp, viết tráng ca Ngọn quốc kỳ, thì Chế Lan Viên hoàn toàn không thấy xuất đầu lộ diện. Thời gian sau, người ta cũng không thể mang một ít thành tựu chịu đựng gian khổ của Chế ra so với những hoạt động rộng rãi của Xuân Diệu, như đi bình thơ, như giữ mục Tiếng thơ trên Đài tiếng nói Việt Nam và cùng Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng làm tạp chí Văn Nghệ.
Đến đầu hoà bình, Chế Lan Viên lại bị một bệnh hiểm nghèo so với tình hình lúc ấy - bệnh lao, và phải đi Trung quốc điều trị. Sự vắng mặt ở Hà Nội khiến cho Chế Lan Viên không có vai trò gì nổi bật, trong vụ Nhân văn-Giai phẩm - không dao động chút ít, đủ để phải kiểm điểm, như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, cũng không làm việc “truy kích” những tàn dư của cánh Nhân văn, như Xuân Diệu gọi công việc của mình, những năm 1958. Chuyến đi Trung quốc chỉ tạo cho Chế Lan Viên một dịp suy nghĩ nghiền ngẫm về nghề nghiệp, và những quan hệ tốt với Trung quốc mà ông sẽ gìn giữ cho đến trước cuộc xung đột Trung-Việt (1978)
Sự sống lại trong thơ đến những bước bột phát trên đường hoạn lộ.
Tập thơ hay nhất của đời thơ Chế Lan Viên, Ánh sáng và phù sa, in ra năm 1960, và những bài chủ yếu trong tập, cũng chỉ được làm cách đó ít lâu, 1958, 59 gì đó. Bây giờ nhìn lại, thì thấy sau cuộc đấu tranh Nhân văn-Giai phẩm, có một hiện tượng kỳ lạ: nền văn học không những không bị tàn phá, mà lại có được sức sống mới: Nguyễn Tuân có Sông Đà, Xuân Diệu có Riêng chung, Nguyễn Khải cho in Xung đột, Bùi Đức Ái bắt đầu nổi tiếng với Một truyện chép ở bệnh viện. Điều này không có nghĩa là đấu tranh chống Nhân văn hoàn toàn đúng đắn như sau này người ta giải thích, mà có lẽ nên tìm lý do ở sự hạn chế của nhu cầu dân chủ lúc ấy. Kháng chiến chống Pháp là một cuộc chiến tranh rất gian lao nhưng vẫn còn ở mức mà dân tộc này có thể chịu đựng được. Sự hồi sinh của dân tộc bắt đầu vào những năm sau 1954, sẽ lên đến đỉnh cao vào những năm 1960-61. Đấy là một ít năm tháng thịnh trị nhất trong đời sống Việt Nam sau cách mạng. Giữa con người với hoàn cảnh có một sự hoà hợp tuyệt vời, hầu như người ta có thể đạt được gần hết những điều người ta nghĩ. Do sự hạn chế của tầm nhìn, số đông còn dửng dưng trước nhu cầu dân chủ, và không hề thấy rằng ít nhiều Nhân văn-giai phẩm đấu tranh cho chính cái phần quyền lợi của mình. Vì thế, cho nên, “không khí phấn khởi” - như chữ người ta thường nói - sau vụ Nhân văn giai phẩm là có thật. Ở trường hợp của Chế Lan Viên, thì cuộc đời lúc ấy lại hai lần đáng yêu, vì nó, là cuộc sống mà hôm qua, tưởng đã mất hẳn. Giữa tết trồng cây và Tình ca ban mai… những bài thơ mang hơi thở phập phồng của sự sống ở một người khỏi bệnh, cho nên có sự quyến rũ rất chân thành. Giá kể chỉ dừng lại ở đây thôi, thì thơ Chế Lan Viên cũng đã hay lắm.
Nhưng từ sau ánh sáng và phù sa, Chế Lan Viên cũng bắt đầu một chặng đường mới trong cuộc đời của mình. Từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui là tên một bài tiểu luận rất hay người ta đọc được trên tạp chí Văn nghệ 5-1961. Và nhiều người lập tức hiểu rằng từ nay, đây sẽ là người phát ngôn cho những đánh giá chính thức về nền thơ Việt Nam. Liên tiếp, Chế Lan Viên xuất hiện với các bài đánh giá chung về thơ Việt Nam 1945-60, về thơ Tố Hữu… Nhà thơ và nhà lý luận song hành, đó là dấu hiệu của những người chủ trì của những cốt cán như Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu…

Một bậc thày
Thông qua một người bạn là Xuân Quỳnh, tôi có dịp làm quen với lao động nghề nghiệp của Chế Lan Viên từ những năm 67-68.
Nguyên hồi ấy, Xuân Quỳnh phải vừa lo học thêm về văn, vừa học thêm tiếng Pháp. Một người mới vào nghề trước Xuân Quỳnh ít lâu là Vũ Thị Thường cũng phải học vậy. “Tốt nhất là đối chiếu những bài thơ tiếng Pháp với bản dịch tiếng Việt, một công đôi việc, thật tiện.” Người có sáng kiến này chính là Chế Lan Viên. Vũ Thị Thường thấy phải, rủ Xuân Quỳnh học cùng. Và thế là đi đâu tôi cũng thấy trong cái làn của Xuân Quỳnh có một quyển sổ rất dày chép những bài thơ tác giả Điêu tàn dịch từ tiếng Pháp sang cho Vũ Thị Thường và Xuân Quỳnh học. Ấy là những bài thơ của Apollinaire, S.Prudhomme, Brecht, Evtouchenko… Người nào đã quen với thơ dịch trên báo đều biết: do yêu cầu có vần, nhiều khi bài thơ dịch lủng củng về vần ngô nghê tầm thường về ý, đọc rất khó chịu. Còn trong những bản dịch ra văn xuôi, nhất là ở một người thông thạo cả thơ lẫn tiếng Pháp như Chế Lan Viên, chất thơ hiện ra thân tình và bất ngờ. Lại mộc mạc nữa. Nên đọc rất thích.
Chúng tôi vừa đọc vừa nghĩ đến một nền văn học Pháp xa vời mà thế thệ chúng tôi không bao giờ với tới.
Thế mà những nhà thơ đàn anh như Xuân Diệu, như Chế Lan Viên lại sinh ra từ đấy… Đáng sợ thế chứ!
Một điều nữa, cũng để lại ngạc nhiên trong tôi là sự thông thạo của Chế về thơ Đường. Trong bài giới thiệu bộ Thơ Đường hai tập in ra 1963, Nam Trân có kể là đã nhờ những người sành về thơ Đường, như Thế Lữ, như Chế Lan Viên soát lại cho lần cuối cùng bộ sách ấy. Tôi đọc mà gần như không tin ở mắt mình. Nhưng đúng là thế chứ còn sao nữa. Không thế sao trong Ánh sáng và phù sa lại có những bài tứ tuyệt cỡ cổ điển: Nhớ xuôi trông mãi mảnh tin nhà… hoặc Hết nhớ hoa thôi lại nhớ người.
Khoảng 1973, sau một lần đi công tác với Chế Lan Viên vào đường 559, Nguyễn Minh Châu trở về còn cứ ngạc nhiên mãi về “bố” Chế. Nghĩa là “bố” rất lạ. Mỗi sáng dậy, phải học thêm một bài thơ Đường. Để làm gì không biết, nhưng cứ học cái đã và học thật đều. Người ta có thể không muốn bắt chước (đúng hơn, không thể bắt chước), nhưng người ta phải bái phục!
Cũng đáng bái phục là lao động của Chế Lan Viên trên từng câu thơ. Một lần Xuân Quỳnh dẫn ra một ví dụ
- Vinh quang nhất là những người nổ súng
Vinh quang hơn là những kẻ đi đầu
(Bài Trận tuyến này cao hơn cả màu da)
Lối nói Vinh quang hơn…, tiếp sau Vinh quang nhất… cái lối nói rất tây ấy, đối với chúng tôi, là cái gì không bình thường.
Xuân Quỳnh còn kể: Chế Lan Viên có lối làm thơ sẵn, ghi vào sổ từng câu thơ hoặc vài câu thơ một. Sau đó khi có tứ, lo cả bài, thì lắp vào những chỗ cần thiết. Giống như người ta đúc sẵn những tấm pa-nen để rồi khi cần sẽ dùng cần cẩu, cẩu tới ghép nên căn nhà. Cách viết ấy, trong giới làm thơ đâu có nhiều người biết áp dụng!
Hồi đầu chống Mỹ, nhóm anh em làm thơ trẻ khá đông. ồn ào, nhốn nháo như bất cứ đám trẻ nào, những Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Trúc Thông, Trí Dũng, Hoàng Hưng, Thi Hoàng, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật… thường đặt ra với nhau một câu hỏi: Theo ai bây giờ, theo Xuân Diệu hay Chế Lan Viên? Người nói phải theo Xuân Diệu. Vì Xuân Diệu tự nhiên. Người nói phải theo Chế Lan Viên. Vì Chế Lan Viên hiện đại. Số người nghĩ rằng phải theo Chế Lan Viên đông hơn (nói nghĩ rằng vì có khi nghĩ một đằng làm một nẻo, có ai có tôn chỉ chặt chẽ đâu). Một bậc cao niên trong nghề, nhà thơ Khương Hữu Dụng cũng tán đồng và giải thích hiện tượng này như sau:
- Ông Xuân Diệu là một người được trời phú. Còn ông Chế Lan Viên lấy công phu làm đầu. Theo người dụng công là phải.
Ngoài giai thoại “mỗi ngày học thuộc một bài thơ Đường”, chúng tôi còn được nghe nhà văn Nguyễn Thành Long kể: trước cách mạng, có lần Chế Lan Viên ra Hà Nội chỉ dể đọc sách. Ngày nào cũng tới thư viện. Xong là về! Thật là một ý chí đáng vì nể! Cộng với lối nói lối viết như thế nào đó làm cho người ta cảm thấy lúc nào ông cũng đọc, cũng đối thoại với những vấn để rất trừu tượng (có những người đọc nhiều mà lẫn đi, giấu đi, không thấy dấu vết của những điều đã đọc trên trang giấy), Chế Lan Viên thật đã có cốt cách của một nhà thơ trí thức.
- Tại sao một người có thể làm việc nhiều như thế?
Đấy là câu hỏi tôi thường nghe được từ miệng nhiều người, qua đó họ tỏ ý thán phục Chế Lan Viên.
Tuy nhiên, đây đó cũng đã bắt đầu có người nói: chẳng qua Chế Lan Viên có một lối nói lợi hại. Ấy là một người lợi khẩu, một thứ trạng của nước An Nam xưa, nay tái sinh.
Nghe Chế Lan Viên nói nhiều khi sướng tai thật!
Nhà thơ H.T bảo ”Trong các buổi họp, anh Chế Lan Viên hay dìm tôi lắm”. Lời phàn nàn đến tai Chế. Ông bác lại:
- Người ta có nổi thì tôi mới dìm được. Đằng này ông H.T. ấy có nổi bao giờ?
Một lần khác, một người cho rằng ra tờ Tác Phẩm Mới thêm làm gì, nó cũng giống hệt như tờ Văn Nghệ.
- Nhưng còn rộng chỗ đăng. Ba thằng giống nhau còn hơn một thằng tự giống mình.
Trong các buổi họp thơ, ý kiến của Xuân Diệu và Chế Lan Viên thường khi là sắc sảo nhất, nhưng cũng lại thường trái ngược nhau, và nếu không có cả hai ý kiến ấy, buổi họp mất vui. Xuân Diệu có cái tâm huyết của mình, nhưng thường nói quá lên, đôi khi rất hớ. Chỉ cần phát hiện đúng chỗ yếu rồi điểm huyệt là tác giả Thơ thơ quỵ ngay. Ngươi biết làm cái việc điểm huyệt ấy thật giỏi là Chế Lan Viên. Xuân Diệu phàn nàn:
- Anh Chế Lan Viên anh ấy tài nói lắm. Có sai đứt đuôi đi nữa, anh ấy cũng vặn vẹo để đúng hơn mình. Về nhà mới biết rằng anh ấy nguỵ biện, nhưng lúc ấy, ôi thôi, mọi việc đã xong rồi.
Vâng, cái sắc sảo của Chế Lan Viên nhiều khi biến thành nguỵ biện. Nghe một lần thì thú, về sau đâm nhàm. Điều này rất rõ với văn xuôi Chế Lan Viên.
Hình như nhà thơ cũng biết chỗ chỗ yếu của mình như thế. Nghe đồn là con người mang bút hiệu Chàng Văn có lần lẩy Kiều:
- Cái nghề văn xuổi từ sau xin chừa.
Riêng tôi, tôi hay tự hỏi: Một phẩm cách quan trọng của trí thức là phải biết hoài nghi. Phải dè chừng. Phải nghĩ rằng lời nói của mình có thể sai có thể đúng. Chế Lan Viên thì bao giờ cũng tuyệt đối hoá ý kiến của mình, cũng cho các ý kiến ấy mang hình thái một định lý vĩnh cửu. Cái đó là phi trí thức chăng.
Một điều khiến tôi cũng lạ là mặc dù nói năng rất đàng hoàng vậy, nhưng Chế Lan Viên ăn ở rất lúi xùi, lối sống mang nặng cốt cách nhà nho nghèo ngày trước, có vẻ như không trọng vật chất, không cần tiện nghi. ‘Trong cách cư xử hàng ngày, đôi lúc ở ông thấy đắp đổi những trạng thái trái ngược nhau, sang trọng đàng hoàng đấy, mà cũng nhếch nhác thảm hại đấy.
Câu chuyện sau đây xảy ra vào hồi 1980. Nhà xuất bản của chúng tôi nhận được tập bản thảo Từ gác Khuê văn đến quán Trung Tân, còn đang tính kế hoạch in thì Chế Lan Viên đến.
- Thế nào, bao giờ các anh in?
- Thưa anh để chúng tôi còn xem xem vì kế hoạch năm tới đủ rồi.
Thế là Chế Lan Viên nổi xung lên:
- Bây giờ mà đã xong kế hoạch hả? Thế thì trả tôi, để tôi về tôi chùi giầy!
Rồi nhân cơn thịnh nộ, không kìm được, ông tuyên bố:
- Tôi là một trong những sáng lập viên của nhà xuất bản. Để tôi lại đề nghị giải tán nhà xuất bản, chứ bây giờ mà đã xong kế hoạch rồi à?
Có hai việc chúng tôi đã làm sau cơn giận dỗi ấy của Chế Lan Viên. Một là đảo lại kế hoach, đưa Từ gác Khuê văn đến quan Trung Tân in ngay trong năm 1981. Hai là, trong một đợt sinh hoạt chính trị, chúng tôi phê bình là Chế Lan Viên áp chế anh em. Điều kỳ lạ là hôm qua Chế Lan Viên chân thành bao nhiêu trong cơn giận của mình, thì hôm nay, Chế Lan Viên cũng chân thành bấy nhiêu trong sự hối hận. Rưng rưng cảm động, mắt đỏ lên vì những giọt nước mắt không sao ngăn nổi, ông nói như nói với ai khác, chứ không phải những người ông đã quát nạt hôm qua:
- Chế Lan Viên tôi mà lại còn tính chuyện áp chế ai!
Sau này, tôi mới biết rằng sở dĩ Chế Lan Viên cố ép Tác Phẩm Mới in ngày Từ gác Khuê văn… là bởi cũng năm ấy, nhà Văn Học ra cho ông tập Nghĩ cạnh dòng thơ. Nếu Nghĩ cạnh dòng thơ ra trước, thì Từ gác Khuê văn hết lý do để đến với bạn đọc. Khốn khổ! Thì nó cũng là cái bệnh thường thấy ở các nhà văn: bệnh muốn có mặt thật nhiều. Tuyển tập Xuân Diệu, 238 bài, thì Tuyển tập Chế Lan Viên phải 243 bài. Tôi nghĩ, giá đời sống được đảm bảo hơn, lý tưởng nghề nghiệp cao xa hơn, chắc các bậc đàn anh trong nghề chẳng phải khổ sở vì những chuyện vặt vãnh kiểu ấy.
Cho đến những ngày cuối đời, cuộc sống hàng ngày của Chế Lan Viên vẫn rất đạm bạc. Tên cái địa điểm, thường ký bên cạnh các bài viết của ông lúc này là: Viên Tĩnh Viên. Nghe thật sang, nhưng khốn khổ có gì đâu, một căn nhà hẹp ở ngoại ô Sài Gòn cũ!
Ở đó, Chế Lan Viên vẫn là mình. Ở đó, ông nói những chuyện cao xa của thời đại. Ở đó, ông bàn chuyện đổi mới cho văn học cả nước “Đổi mới chứ không phải là đổ máu..” “Thà phải đạo còn hơn phản đạo”. Với lối viết, lối nói sắc như dao, người này mà đứng về phía nào thì phía kia chỉ có chết! Nhưng cũng giống như bên cạnh những bài thơ câu cú thật dài, ý tưởng thật quyết liệt - những bài thơ đánh giặc, như Chế Lan Viên gọi - lại còn có những bài tứ tuyệt Hoa gạo, Tập qua hàng, Em về Dương liễu thôn… Giờ đây, bên cạnh những ham hố đấu người này trị người kia, Chế Lan Viên lại có những ý nghĩ rất hư vô về cuộc đời, mà bài thơ Từ Thế thi ca, lá thư gửi nhà văn Nguyễn Minh Châu, những lời dặn dò vợ con khi lên bàn mổ… là những chứng minh. Và trong hướng đi này, Chế Lan Viên cũng đi xa hơn ai hết!
Cái hoài nghi trí thức mà tôi mong mỏi thấy ở Chế Lan Viên lúc đang sung sức, cái hoài nghi ấy thật ra vẫn tiềm ẩn trong ông và đến lúc chết mới trình diện đầy đủ chăng? -Tôi nghĩ.
Trong đời, tôi không có may mắn được nói chuyện nhiều với ông. Sự quyết liệt thái quá của Chế làm cho một số chúng tôi ngại ngần khi đến với ông. Nhưng vượt lên trên mọi sự yêu ghét, chúng tôi hiểu ông vẫn là một bộ mặt tiêu biểu của thời đại. Nếu nói đến phê bình văn học một thời, phải nói đến Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Vũ Đức Phúc, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức… thì nói đến thơ một thời phải nói đến những Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh và một người đứng ở hàng đầu, ở ngay bên Xuân Diệu, cũng giỏi viết tiểu luận như Xuân Diệu và tuy không công phu nhưng lại sắc sảo hơn Xuân Diệu nữa, người ấy là Chế Lan Viên!

 Vương Trí Nhàn
















Chế Lan Viên năm 17 tuổi














Vợ chồng Chế Lan Viên & Vũ Thị Thường,
Phan Thị Thắm & Phan Thị Vàng Anh (được cha bế)
















Chế Lan Viên & con trai Phan Lai Triều















Chế Lan Viên, Kim Cương, Nguyễn Tuân






















(Chiến khu Việt Bắc năm 1951)










Trở về







 

MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều qua.