Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Đèn cù - Tập 2 / chương 34




Chương 34


Đúng sáng 30 tháng 4, Hương gọi tôi. Hẹn năm giờ chiều đến một khách sạn quen.

Đến đã thấy Hương ngồi ở sân cà phê ngoài trời. Lát sau một người nước ngoài đi đến. Khẽ nghiêng mình nói: Bà là nhà tiểu thuyết Dương Thu Hương? Xin chào bà. Tôi là nhà báo của BBC, đã liên hệ với bà và muốn được gặp phỏng vấn bà (Rồi liền đó băn khoăn). Nhưng chúng tôi không chỉ phỏng vấn…, chúng tôi còn… quay phim… Nghĩa là… như thế… có phiền gì bà không? – Ồ, không, sợ phiền cho ông thôi.

Nhà đài BBC mừng ra mặt. Khẽ khàng gật đầu: Vậy xin mời… Khẽ khàng quay đi, hai bàn tay buông úp xuống xoè ra hai bên hơi dập dềnh vỗ vỗ, như muốn nói xin yên tâm, vâng, chúng tôi xin rất cẩn thận, vâng, rất cẩn thận… ông biết rõ điều kiện hoạt động gay go như thế nào khi gặp những phần tử như Dương Thu Hương. Biết cả vụ phá Brian Eads phỏng vấn trước đây nữa. Gân cốt thả chùng, ông bước đi rón rén, một viên chức giáo vụ lành hiền ở một trường đại học cố kính. Tự nhiên tôi nghĩ đến Georgetown, ông sẽ dẫn chuyện. Kíp làm việc gồm ba người Mỹ, trong có một cô gốc Thái, cao, đẹp, hay im lặng cười. Mỗi lần cô cười, tôi lại ngỡ cô mới là người cầm trịch. “Sắc bất uy quyền dị khiển nhân” – Nhan sắc không có quyền uy mà dễ sai bảo người. Tôi chợt nghĩ ra.

Quay phim ở trong phòng ông trưởng nhóm và cửa đóng, rèm hạ lúc nào rất nhanh. Máy quay, đèn chiếu, máy ghi âm, micro lấy ra từ các bao các túi đồng loạt phát ra mấy tiếng kim loại va chạm e dè rồi tắt ngấm, kiều tiếng nhạc cụ lén thử trước buổi diễn tấu long trọng. Khung cảnh vừa có vẻ vui đùa vừa căng thẳng. Như không khí vừa trân trọng, giữ gìn lại vừa thì thào, thân kín ở các cuộc chơi của trẻ nhỏ. “Bà có thể cho biết cảm tưởng hay ý nghĩ của bà về ngày 30 tháng Tư, bà ngồi đây, vâng ở ghế ấy, xin bà cứ nói tuỳ thích. Vâng,… Tại sao bà là chiến sĩ lại quay ra chống đối? Sáng nay chúng tôi vừa phỏng vấn Đại tướng Văn Tiến Dũng, chúng tôi dành tối nay cho bà”. Ánh đèn dọi, những tấm rèm nhung mầu cổ vịt cao vút tự nhiên mang vẻ những hiệp sĩ nhân chứng đang thành kính tuyên thệ trong nhà thờ, tiếng camera rì rì êm và tiếng Pháp Hương vừa nghĩ vừa nói giật cục và mắt liếc về tôi chờ chi viện… Cô Mỹ gốc Thái ngồi xệp, hai gối gập lại về một bên kiểu lễ chùa ở cạnh chân ghế Hương, cầm micro ngước đầu lên nhìn chăm chú, cần cổ dài hơi gồ lên ở cuống gáy loa ioá sáng, điểm nhấn đặc tả kỹ trên công trình điêu khắc ngà trắng óng ả… Tôi thấy rõ mình là ông từ coi đền. Thỉnh thoảng ông từ lại thoáng nghĩ đến một cuộc đột nhập… Lúc chờ nhà đài BBC ở sân trời uống giải khát, Hương nói khi Hương sắp ra khỏi nhà thì Nguyễn Chí Hùng an ninh điện thoại đến, một điều rất lạ vì lâu lắm rồi không gọi. “Chào chị Hương, chị dạo này khoẻ không?” – “Cảm ơn, tôi đâu phải là các mẹ mệnh phụ phu nhân lắm tiền tập nhảy đầm, tập aerobic để giữ nhan sắc, giữ eo…” – Chắc Hùng báo cho hay là đi gặp ai chúng tôi biết đấy, tôi nói. Bụng nghĩ khéo hiện ở đâu đó trong khách sạn đã có “người” rồi.

Chín giờ tối xong, Hương gọi taxi đi Thuỷ tạ. Cà phê. Mưa thình lình rất to. Mượn hai áo mưa ra mép thềm Thuỷ tạ bước xuống sân trông ra hồ. Thu lu xem mưa trên mặt nước.

Theo tin tham khảo mật, ở Trung Quốc, Thủ tướng Chu Dung Cơ đã thổ lộ ở hội nghị rằng nhiều khi ông thấy xấu hổ với lương tâm, với chức vụ vì chỉ cứ nói ra những điều cũ rích, rỗng tuếch, sáo mép. Thú thật là bảo ông giải thích chủ nghĩa xã hội là gì, ông cũng chịu.

Mấy cụ cựu chiến binh cho tôi mượn Tin mật hỏi sao dám nói thật đến thế nhỉ.

– Bên đó đã tắm gột, tẩy uế phần nào, tôi nói.

– Tắm gột? Là nhận ra phần nào mặt mũi thủ phạm từng gây cho đất nước các bất hạnh thời qua. Bên ấy có nơi làm bia kỷ niệm những nông dân bị chết đói trong thời kỳ Đại tiến vọt.

– Thế nay… ba đại diện là…? Nôm na là bỏ giai cấp đi mà nhảy trở về lại với thế giới, với nhân dân. Thí dụ đảng đại diện cho sức sản xuất tiên tiến nhất chứ không phải cho quan hệ sản xuất tiên tiến nhất là công hữu hoá, tập thể hoá. Rồi thôi xoá bỏ giai cấp mà trước hết là thôi xoá bỏ đế quốc Mỹ. Trong khi nghị quyết đại hội ta vẫn nói ta đấu tranh giai cấp. Ba cụ im lặng, ba bàn tay đồi mồi nhăn nheo tự nhiên cùng xoay xoay ba cái miệng tách nhựa trắng có chữ Vietnam Airlines – con dâu cụ chủ nhà làm tiếp viên ở đó. Tôi chợt thấy ba cụ đang như cố cọ bóng chính danh giai cấp vô sản chúng tôi từng xây đắp. Tự nhiên thương nhau bạc đầu cả rồi mà xem ra chính danh ngày một hụt, như miếng da lừa.

Tình cờ vài hôm sau, xếp lại giá sách, tôi thấy lại một số Tạp chí Kinh tế Viễn Đông (Far East Economic Review, gọi tắt FEER) trong đó một giáo sư khoa chính trị trường đại học úc đăng một bài về Việt Nam. Ông cho rằng năm 1991, Liên Xô và phe cộng sản sụp, Việt Nam trải qua một cuộc khủng hoảng ghê gớm về ý thức hệ. Bây giờ theo ông, Việt Nam đang ở vào cuộc khủng hoảng thứ hai có khi còn ác liệt hơn. Đó là khùng hoảng về tính hợp pháp của chế độ. Chế độ một đảng, đảng tự chỉ định mình độc quyền lãnh đạo chứ dân không bầu. Rồi sớm muộn dân sẽ nhận ra nghịch lý này.

Nhìn lại bài báo, trong chớp nhoáng tôi bỗng nhớ lại như in những ngày đầu năm 1960, viết kỷ niệm thành lập Đảng, tôi gặp Trịnh Đình Cửu hay Lê Đình, Trần Văn Cung, hai trong năm người của chi bộ cộng sản đầu tiên còn sống đến lúc đó. Trần Văn Cung tiếp tôi trong phòng hiệu trường Đại học Kinh tế trước Bệnh viện Bạch Mai (phòng hiệu trưởng đại học y hệt phòng bí thư huyện, không có giá sách, trên cái đinh thuyền đóng rất kiên định vào cây cột gỗ sau ghế hiệu trưởng treo một: xấp cà mèn men vẽ hoa và cá vàng mắt đỏ vây đỏ). Còn Trịnh Đình Cửu thì tại nhà ông sát chân sóng ì uồm Hồ Tây. Những nhân vật lẽ ra lẫy lừng… mà sao nay gặp, tôi lại cứ ngậm ngùi cho cảnh hiu hắt lủi thủi của họ, nói theo cách bây giờ là hạ cánh xuống phải bãi rác. Đến nỗi tôi chẳng hề phản ứng khi nghe lần lượt từng ông chê Trần Phú. (“Cậu này hắn chả biết gì đâu…”Anh này năng lực cũng thường”). Hay khi Trần Văn Cung nói: Bọn tôi lúc ấy chửi An Nam cộng sản đảng của Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn là “phản cách mạng”.

Thoáng nghĩ lúc lập đảng các vị mới hơn hai mươi tuổi, đánh giá người dễ cay cú cá nhân lắm. Sau này, thân phận cá nhân của hai ông như cái bóng mờ cứ ám ảnh tôi. Một chút se lòng. Như kiểu Nguyễn Ái Quốc bị cho “de” để Trần Phú lên.

Vài hôm sau, Cao Xuân Hạo đưa tôi đĩa “Cám dỗ cuối cùng của Chúa”. Martin Scorcese, cái tên đạo diễn đã cám dỗ.

Cõi thế đau thương, Chúa tìm lối giải thoát khổ nạn cho dân bằng lên đường rao giảng Tình yêu. Và Chúa đã thành cồng, giáo lý của Ngài đã được tin theo nhưng Ngài chịu tội đóng đinh câu rút, máu me đầy người. Lúc ấy, quỷ Satan hoá làm thiên sứ đến báo tin mừng Đức Chúa Cha trên trời cho phép Chúa đã hoàn thành sứ mệnh, từ nay được trở về với mẹ và vợ con mà Chúa lìa bỏ. Chúa liền tụt xuống cây thập tự, về nhà hú hí. May thay, thánh Pierre, thánh Paul và Judas đến tố giác Chúa bỏ cuộc! Chúa giật mình. Leo lại lên cây thập tự trở về vị trí cửu thế. Để xứng danh Đấng cứu thế, Chúa phải vĩnh viễn làm biểu tượng hy sinh đau khổ. Hưởng thụ vinh hoa, lên xe leo biệt thự là thôi, hết Chúa.

Bộ phim bất thần cho loé lên trong đầu tôi một câu chuyện Thợ Rèn kể. Thợ Rèn thường về quê Thái Bình ăn Tết. Mồng một Tết năm ấy, bí thư tinh Lương Quang Chất mời anh đi thăm mấy bà con cơ sở cách mạng. Ở nhà đầu tiên, ông chủ mừng quýnh lấy vội bao chè ba hào tiêu chuẩn Tết trên ban thờ xuống, cầm mảnh vải điều vừa lau vừa thổi thật kỹ đủ cả sáu cạnh rồi mới bóc nó ra pha mời đồng chí bí thư. Nhưng người bảo vệ đã gạt chén trà sang bên. Rồi nghiêng bình thuỷ bên hông rót vào nắp bình thuỷ ít sâm tiêu chuẩn thường ngày. Trên đường đến “cơ sở cũ” thứ hai, Chất kể năm ấy Chất làm liên lạc cho tỉnh uỷ thì bị lính và trương tuần đuổi gấp. Bí quá, ông chạy liều vào một nhà, tức là ông chủ nhà vừa rồi, nằm nép giữa hai bức tường đất nện ngăn đôi bếp với chuồng lợn. Rồi thì đói, bụng sủi ầm, có cơ lính chúng nghe cả thấy. Thò đại tay vào sau tường bếp sờ lần. Thấy cái vại bèn thọc tay thăm thú. Cà pháo! Vốc ra một nắm vừa nằm nấp vừa mút (cho im lặng và được hưởng thụ lâu). Một lúc sau, binh tình xem vẻ yên, toan lủi thì một người ở đằng sau chợt nắm lấy tay nói: Vào nhà đã, lúc anh vào tôi biết, tôi cứ chờ đây, nếu chúng sục thì dẫn anh chạy. Rồi thấy anh sủi bụng lại vét cà ăn thì biết anh đói. Nào, vào đây, tôi có ít khoai luộc đây… Bây giờ thì cách trùng! Ôi, vại cà cách mạng. Nhờ mày mà bao nhiêu lợi quyền đã qua tay tao! Một chuyện vui về Lương Quang Chất.

Một sáng chủ nhật ở tỉnh uỷ, nơi tôi đến làm phóng viên thường trú để lánh nạn Mao-nhều Hữu Thọ, Phan Quang đánh phá “xét lại”, anh em văn phòng đang đánh bóng bàn thì bí thư tỉnh cầm một cặp kính đi vào, xuýt xoa: Gớm, kính Đức có khác, đeo vào sáng choang lên ngay! X., phó văn phòng bỏ vợt cầm lấy kính đeo vào mắt: ôi chết thật, sao quăng quắc lên đến thế này cơ chứ lại! Bí thư thọc hai ngón tay vào hai mắt kính kéo cái gọng ra: Có sáng cái… cái… mép cậu. Chỉ gọng không thôi mà sáng à?

Tất cả cười rất vui. Như được thủ trưởng soi thấu ưu điểm trung thành nhất trí của mình vậy.

***

Năm 1960, ngồi xem lại bài sắp nói với đồng bào tỉnh Thái Nguyên trong mít-tinh sau đó, Cụ Hồ nói với tôi ở bên cạnh Cụ: Nói năm 1945 có 5.000 đảng viên là ngoa. 500 mới đúng. Thôi cứ cho ngoa thành 5.000. Năm ngàn người này từ đấy đã đoạt lấy quyền lực của 25 triệu đồng bào. Cụ nói câu kia trong gian nhà khách tình uỷ bằng gỗ mộc, hết sức thô sơ, cái nghèo lồ lộ, nhà khách nom cứ ngơ ngác như đang tìm một cái gì. Bây giờ nhà khách nào cũng đồ sộ nguy nga. Trong khi xóm dân khắp nơi biến thành khu ổ chuột đầy ắp trẻ con suy dinh dưỡng và ma tuý và HIV. Những ngày tháng Tám tưng bừng, đứa thiếu niên 15 tuổi là tôi chỉ thấy đảng tù đày, máu me, biểu tượng của hy sinh cao quý. Nó đã theo vị Chúa tân thời để được hy sinh, gian khổ chuộc lại những tháng năm nhớp nhơ của nó. Nó đã một thời đắm chìm trong cuồng ảo xoá bỏ chế độ tư hữu, dựng xây chế độ đại đồng cho loài người sung sướng với công hữu mà chuồng xí khi ấy cũng dát vàng. Nhưng rồi tôi bắt đầu thấy Chúa tân thời phát hành bạc giả. Chấp nhận bạc giả thì vinh hoa, từ chối thì tan nát. Hai ngả rõ như ban ngày. May sao có một thằng Đại lưu manh sẽ tóm cổ tất cả bắt đi theo nó. Tên nó là THỜI ĐẠI.

THỜI ĐẠI là sản phẩm của nhân quần. Mông muội hay văn minh, hỗn độn hay ngăn nắp, lặng lẽ hay ồn ào thì cái nhân quần đầy đại trí, đại đức, đại dũng này nó vẫn cứ là kẻ khơi dòng chảy của tiến hoá, cuốn trôi đi tất cả quân tử lẫn tiểu nhân. Nhưng chả lẽ quân tử tiểu nhân đều như nhau sao? Không, có khác. Trôi đi thì quân tử ngửa mặt nhìn trời xanh còn tiểu nhân thì úp mặt xuống nhòm bóng tối rồi lặn xuống hoà vào bóng tối.