Thứ Ba, 13 tháng 3, 2018

Đèn cù (chương 28)









Đèn Cù

Chương 28






Mơ hồ vì như đã nói: tôi không hình dung nổi trong đảng lại có đàn áp đảng viên khác quan điểm. Thêm vào, tôi vẫn đi làm, tôi vẫn ra vào nhà Lê Thanh Nghị, Nguyễn Đức Thuận, vẫn nói với anh chị em cơ quan kinh nghiệm viết, vẫn đưa Tô Hoài đến nói cách ghi nhật ký với anh chị em phóng viên. v.v…
Đầu 1967, Lê Thanh Nghị nhờ tôi viết hồi ký. Tôi đã từ chối vì sau khi xin phép “sát hạch” trí nhớ của anh, thấy anh không nhớ gì chi tiết cả. Và nữa, tôi không thể làm việc theo cách Nguyễn Hưng Định, thư ký của anh, nói rồi anh ngồi bên gật đầu chứng thực. Năm 1960, tôi đã rút được khỏi việc viết cho anh nhưng lần này Hoàng Tùng bảo cố viết cho ông ấy, công ông ấy đi khuân các thứ về chứ không thì cả nước đói bò ra. Nhưng tôi không thể chiều lòng anh được và tôi thật tình áy náy.
Tôi dạo ấy cũng từ chối viết hồi ký cho Nguyễn Duy Trinh. Nguyễn Tuân bảo nên viết cho ông này rồi bảo ông ấy đưa đi thăm mộ cụ Nguyễn Du ở Tiên Điền. Tôi nói Xuân Diệu đi về đã than thở với tôi rằng chúng nó phá sạch hết mộ “tên quan phong kiến” mất rồi, chẳng còn gì của Nguyễn Du ngoài “xè xè nấm đất bên đường”.
Nhưng tôi đã nhận viết báo cáo cho Lê Thanh Nghị đọc ở Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc. Nghị đã mời tôi dự cả các cuộc họp của Ban thi đua mà anh chủ trì, coi tôi như một thành viên thường trực nhưng không chính thức. Do đó tôi làm việc có đến hàng tháng ở nhà Lê Thanh Nghị. Và phạm tội hút lại thuốc lá tôi đã cai năm năm. Bởi Nghị khoe thuốc XiongmaoGấu Trúc này là Cụ Mao hút và tôi không muốn thua kém Mao.
Viết giúp Lê Thanh Nghị, tức là viết ca ngợi anh hùng, thỉnh thoảng tôi lại lởn vởn nghĩ tới câu “Thảm thay cho những đất nước có quá lắm anh hùng!” của một nhân vật trong kịch Bertold Brecht. Tôi rất thích một nhân vật nữa của Brecht. Anh ta đánh cược với chủ nhân một con mèo xem ai cho mèo tự nguyện ăn được mù tạc. Chủ mèo ôm mèo vuốt ve rồi quệt mù tạc vào miệng nó. Nó cào trả rách tay. Đến lượt kẻ ra cược. Hắn nhét một cục mù tạc tướng vào đít mèo và mèo liền phóng ra nằm ở một góc “tự nguyện” liếm ngon lành. Anh hùng và tự nguyện, hai điều cơ bản này ở Việt Nam rất sẵn.
Phan Đăng Tài phụ trách thư viện cùa báo khi lo đem thư viện đi sơ tán đã cho tôi toàn tập kịch Berthold Brecht. Và một từ điển Pháp-Trung.
Có mấy chuyện khá ấn tượng thời gian này. Trong mấy ngày cùng Nghị, Trần Danh Tuyên, Nguyễn Văn Tạo duyệt thông qua các anh hùng chiến sĩ, bỗng một sáng Tuyên ầm ầm, bao giờ cùng đùng đùng đi ầm ầm đến và nhoen nhoẻn cười, bước nhào vào cao giọng nói:
- Thằng này anh hùng được rồi. Bên an ninh nói thời kỳ ở Nhật nó không làm cái gì cả.
“Thằng này” là Lương Định Của.
Tuyên vừa dứt lời thì máy bay Mỹ ập đến ném bom kèm theo tiếng phòng không bắn rung nhà và cửa kính lên. Không kịp báo động. Tuyên leo lên đi văng Nghị và tôi đang ngồi ở trên, co cẳng toan nhảy qua cửa sổ. Định nhoài vội ra giữ Tuyên lại:
- Đây là tầng hai, anh nhảy thì chết.
Đúng là trong gang tấc!
Sáng ấy, một “thằng” lên đài vinh quang, một anh suýt hạ thổ.
Nhà Lê Thanh Nghị có một hầm bê tông cốt thép kiên cố, cửa hầm bằng thép. Nguyễn Lương Bằng ở trước cửa nhà Nghị không có hầm kiên cố bằng nên lúc báo động dữ vẫn sang tránh nhờ hầm nhà Nghị. Một lần cả bà Trinh, vợ ông cũng sang. Tôi nói anh chị khiêm tốn, giản dị quá thì chị cười:
- Tiêu chuẩn mà. Nhà tôi đi xe ca (sau gọi xe buýt) thăm các cháu sơ tán đã bị anh Tố Hữu phê bình là vi phạm nguyên tắc, không giữ gìn vấn đề bảo mật.
Tôi không hiểu chị nói ra để chế giễu nhà thơ hay để tự phê bình. Tôi nghe nhà văn N.K. (không phải Nguyễn Khải) tả cảnh sinh hoạt như công chúa, hoàng tử của ba đứa con nhà thơ sơ tán về chỗ bí thư Hải Hưng Lê Quý Quỳnh.
Hôm họp cuối cùng, Ban chuẩn bị Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua đến Phủ thủ tướng duyệt diễn văn tôi viết cho Lê Thanh Nghị. Đến câu “tuy chiến tranh ngày một ác liệt, đời sống nhân dân vẫn được giữ vững”, trong sáu bảy vị khách mời đến dự góp ý có ba vị cứ khăng khăng đòi sửa thành “đời sống vẫn không ngừng được cải thiện” vì nói “đời sống được giữ vững” là “phản ánh không đúng hiện thực vĩ đại mà đảng đã tạo nên ở trên đất nước ta”.
Ba vị đó là H.C., tướng tuyên huấn quân đội, L.X.Đ., vụ trưởng tuyên truyền Ban tuyên huấn và L.B.T., Việt Nam thông tấn xã. Các vị thi nhau phản đối “nhận xét thiếu chính xác này”. Hăng ngỡ như các vị có thể bác bỏ cả ý của nhau tuy giống nhau. Tôi xê ghế đứng lên. Định ngồi cạnh hỏi đi đâu, tôi nói to: “Đái!”
May sao phó thủ tướng đánh giá đúng cái tài ra nước ngoài xin lương thực, vải vóc, xà phòng, tetracyclin, bông băng cứu thương, thượng vàng hạ cám. v.v… của mình. Chỉ nói dối ở mức ít nhất là nhận đời sống vẫn không ngừng được cải thiện.
Tối khai mạc, Tố Hữu được cả Đại hội hò ầm ầm đòi ngâm thơ, Tố Hữu tủm tỉm ra trước micro. Cụ Hồ đỏ au như ông Tiên, giơ tay đe trước:
- Cấm ngâm thơ về Bác!
Cả hội trường liền vang lên như sấm:
- Ngâm “Sáng tháng năm”.
Nghe Bác nghìn điều nhưng việc ngâm ngợi Bác thì kiên quyết không nghe Bác! May là ở trong vấn đề dân chủ còn sót lại được cái điểm cơ bản này chứ nghe Bác hết thì có lẽ gay.
Thế là Tố Hữu theo đa số tuyệt đối thắng thiểu số tuyệt đối bèn ngọt ngào “chút lòng con nhỏ lên thăm Bác Hồ”.
Lúc này, Bác Hồ trong lòng Tố Hữu đã nhạt, so với Lê Duẩn. Nhưng muốn được các anh hùng chiến sĩ thi đua yêu mến, ông vẫn cứ “Người là cha là Bác là anh”. Tôi không thể không nhìn Cụ Hồ. Mặt đỏ au, Cụ nom có vẻ còn tiên cốt hơn nhiều. Sức mạnh thơ ca thêm rượu thuốc làm nền cất cánh quả là lớn.
Sau đó Cụ Hồ ra nói. Khen dân tộc, đất nước, mọi ngành mọi giới của ta đều anh hùng. Cuối cùng khen chính phủ ta “anh hùng dứt” (nhất). Bao nhiêu chính phủ trên thế giới theo nhau đổ nhưng chính phủ ta xưa thế nào thì nay vẫn y như thế.
Hội trường vỗ tay như sấm. Sướng quá. Đứng trên đầu chúng nó!
Ngồi trên gác ở chỗ nhà văn nhà báo, tôi nói to cho xung quanh nghe thấy: “Xét theo tiêu chuẩn lâu bền thì ta mới anh hùng hạng ba! Còn thua chính phủ Tưởng Giới Thạch bền từ 1927 và Franco từ 1936”. Cố không nói AQ. Hình như sau này khai cung có nói.
Tôi thật tình phản cảm với việc nống nhau lên bằng cách tự vỗ ngực ta đây hơn hết. Câu tôi nói - cùng với động cơ nói nó - đã vào biên bản khai cung ở Vụ bảo vệ Ban tổ chức. Ý thức rõ là mình đã góp xây dựng cho họ một quan niệm đúng về khiêm tốn cộng sản.


***


Trở lại chuyện mơ hồ. Mơ hồ đến độ công an bám đuôi mà mãi mới biết, ngay sau tối đầu tiên đến chơi nhà Phạm Viết, tháng 11 năm 1964.
Sáng đó, dắt xe ra hè đi làm, vướng chõng nước chè vợ Lê Thọ, chánh văn phòng báo Nhân Dân, tôi phải vòng ra đầu chiếc ghế băng dọc lề đường. Sợ đụng ai, tôi nhìn xuống để tránh thì thấy một người chạc tuổi tôi mặc áo đông xuân cổ lọ mầu tím than, ngoài là một vỏ áo bông cùng mầu ngồi đó. Anh ta ngước nhìn tôi. Cái nhìn trượt hơi dài trên mặt tôi. Xe đến quá nửa Hàng Thiếc, đường đông chật, tôi chợt cảm thấy nằng nặng ở sau gáy. Khẽ liếc ngoái lại: anh bạn cổ lọ đông xuân! Tôi dừng lại, dắt xe lên một quầy hàng bày đúng ba ngọn đèn dầu hoả làm bằng nguyên liệu quý hiếm lúc đó: hộp sữa bò. Nhìn vào cửa kính thấy anh ta rẽ về Hàng Nón bên trái. Tôi đổi hè, dắt xe đi ra đầu phố, ở đầu Hàng Mành, anh bạn đang đứng trước một bà bán khoai sắn luộc, cạnh mấy em bé gái đi học. Tôi lẳng lặng đến đằng sau anh ta, khẽ đập vai hỏi:
- Sao xe không biển số?
- À, à…, - anh ta giật mình, xe mới mua.
- Mới mà đã róc hết sơn à?
Tôi vừa dứt lời, anh ta liền quăng mình lên xe phóng. Tôi đuổi theo. Với cái vốn tiểu thuyết trinh thám Anh, Mỹ, Pháp đọc có tới hàng trăm quyển làm lực đẩy bổ sung. Ra tới Nhà thờ Đức Bà, anh ta rẽ sang báo Nhân Dân rồi đổ dốc Bảo Khánh ra bờ hồ quặt sang Hàng Hành, băng qua Hàng Gai lao lên Lương Ngọc Can đạp thẳng lên Hàng Cá và quẹo gấp vào bên phải, băng qua Hàng Đường sang bên Ngõ Gạch. Tôi cáu kỉnh dừng lại. Một đoàn tàu điện đi tới. Về cơ quan, tôi báo Nguyễn Thành Lê là công an vừa theo tôi và thế là phạm pháp, tôi sẽ kiện, đề nghị Thành Lê ký tên đóng dấu vào đơn chứng nhận tôi là người của báo. Thành Lê nói là kẻ xấu thôi.
Tôi cứ đơn. Gửi Sở công an. Vẽ hai lộ trình bị theo và đuổi lại. Lập trường rõ ràng, lộ trinh theo bám tôi mầu xanh còn lộ trình tôi đuổi mầu đỏ.
Một lần khác, vào khoảng đầu 1967, đến Phạm Viết, tôi thấy mấy anh Kỳ Vân, Lưu Động, Hoàng Thế Dũng, Trần Châu đang cười cười hơi lạ nhìn qua cánh chớp cửa sổ trông ra đường. Bảo công an chờ suốt hai tiếng đồng hồ ngoài kia, nay chả lẽ cả lũ kéo nhau ra sao? Tôi mở cửa đi ra. Thấy một chị đứng dắt xe dưới gốc cây trước cửa nhà Phạm Viết, túi quàng ghi đông như kiểu cán bộ. Tôi đến nói:
- Chị ạ, họ sắp giải tán rồi, chờ làm gì nữa.
Làm ra vẻ khinh khỉnh trước lời lẽ của đứa vô văn hoá ghẹo phụ nữ (xấu), chị ta lên xe đi.
Một lần thì tôi hơi chợn. Đó là sau khi Trần Châu đã bị bắt vài ba tháng. Tối đó, tôi đến thăm vợ con anh. Khi nghe tiếng tôi nói chuyện với Gia Lộc ở tầng trệt, con trai út Châu reo:

- Mẹ ơi, bố! Thấy tôi, cháu xấu hổ vì đã mừng hụt. Tôi cảm thấy như mình có lỗi với cháu.
Không hiểu sao lúc về, độ chín giờ tối, tôi lại đi lối Trần Xuân Soạn - Trần Nhân Tông. Vắng, tối và mưa lâm thâm rét. Bóng cây cao trùm đen xầm lên mặt đường lấp loáng ướt.

Quá ngã tư Trần Xuân Soạn - Ngô Thời Nhiệm, tôi bỗng thấy lùi lũi một bóng người đạp ở sau chừng năm chục mét. Đến ngã tư đầu Chợ Hôm - Phố Huế, đụng một đống rác to tướng, tôi vờ dừng lại lấy thuốc lá ra hút, Người theo sau cũng dừng, cũng lấy thuốc hút. Vào nhà Mai Ngữ ở Lê Văn Hưu, tôi thoáng nghĩ nhưng lại vào Nguyễn Du ra đầu Trần Bình Trọng quẹo sang cổng sau Nhà hát Nhân Dân, nơi Nguyễn Đức Thuận đang ở nhờ tại Nhà triển lãm tổng công đoàn. Tôi dắt xe đến bên cổng giơ tay như để bấm chuông. Mắt ngó sang đối diện. Người theo tôi đang đứng trước chùa Ngọc Liên, gần nhà Hoàng Xuân Tuỳ. Tính sao lại lọt vào trúng trung khu thần kinh công an. Thế là nhún vai lên xe về thẳng.
Song lần rợn nhất - bắt đầu thấy mình bị quây kín ở trong một mạng lưới bí hiểm - lại là lần từ Hà Nội lên Ca Sơn, Chợ Đồn, Phú Bình, Thái Nguyên. Nửa đêm hôm qua, Địch Dũng và tôi đạp xe về Chợ Dầu. Vào nhà Dũng vừa đôi hồi, đã thấy vợ anh là thư ký uỷ ban xã ra đón khách: đội trưởng dân quân và trưởng công an xã đến xem giấy tờ tôi. Tôi cho là thủ tục an ninh thời chiến. Năm giờ sáng sau, tôi lên đường. Và suốt mấy chục cây số trong mưa sầm sập, duy nhất tôi và chiếc xe giữa đồng đất bốn bề ngằn ngặt nước vắng tanh thế nhưng đến nhà, vừa thay xong quần áo chui vào chăn thì bộ tam đã đến xem giấy. Tôi vẫn cho là luật thời chiến.
Tôi về Hà Nội. Nguyễn Địch Dũng gọi tôi ra một góc cơ quan khe khẽ bảo tôi:
- Tao thương mày lắm, tao báo mày biết, không nói với ai, chết tao. Công an nó theo mày về tận nhà tao rồi vào bảo vợ tao dắt công an với xã đội vào khám giấy mày. Nói mày là phản động, có âm mưu trốn vào đại sứ quán nước ngoài.
Nghe Dũng mới run. Thế ra sớm sau lại theo đến Chợ Đồn Ca Sơn, Phú Bình! Mà sao không thấy? Đúng là chỉ có tôi và trời với nước. Hay là điện thoại bảo nhau.

Thẩm vấn, Lê Công Tuấn hỏi tại sao tôi hay đuổi an ninh. Tôi nói: Tôi coi là bị xúc phạm.
Một thời gian an ninh bố trí cả năm liền trên ban công trụ sở của một bộ phận Bộ giao thông chiếu thẳng sang theo dõi xét lại tại báo Nhân Dân. Bảo, kỹ sư giao thông học Bắc Kinh cùng tôi, làm việc ở đó sau này bảo tôi.

Những năm 90, Thắng, một công an khu vực nhờ Quảng, cán bộ Bộ văn hoá cũng ở trong khu văn công, cách nhà tôi chừng trăm mét nhắc tôi cẩn thận: ở trong nhà Hồ Sĩ Đản ngay trước nhà tôi là trạm theo dõi tôi.


***

Quay lại chuyện sáng đó đến cơ quan tìm Trần Châu. Tám giờ sáng cũng không thấy Châu tuy anh mẫu mực về giờ giấc. Đi ra chỗ để xe thấy cái Junior lở ghẻ của anh bẹp lốp nằm đó. Một lát sau tôi đến Phạm Viết. Chương, em Viết mở cửa ra khẽ nói:
- Anh Viết bị bắt rồi! Sớm hôm nay.
Thế là cả Châu rồi. Lúc tôi qua đò Đông Hội trời ửng sáng nhận ra Trà Giang rồi cùng trò chuyện mà bụng dạ thì cứ bồn chồn là lúc Châu bị bắt.
Chiều đến Phan Kế An báo tin. An nói Alexiev, phóng viên thường trú báo Pravda Liên Xô báo An là bốn nhà báo đã bị bắt. Hôm sau biết bốn người là Hoàng Minh Chính (bị lầm là nhà báo), Hoàng Thế Dũng, Phạm Viết, Trần Châu.

Công an khám nhà. Ngồi thấy cái phích nước nóng, vật đắt giá duy nhất - do tôi mua cho, cùng tủ, quạt - có thể bị rơi, Châu nhổm dậy đỡ. Thì bị quát: “Ngồi im!”. Mới hiểu là đã mất tư cách chủ.

Châu bị bắt hai ngày, tôi đến thăm vợ con anh. Gặp Gia Lộc, cùng nhà, tầng trệt. Lộc kể Lộc leo lên gác ba xem thì họ đứng đầy cả cầu thang đuổi xuống. Lúc Châu bị giải đi, Lộc chạy ra tận bên xe tiễn bạn. Tớ nhớ cả số cái xe chở nó. Nó mặc một chiếc sơ mi ca rô xanh lá cây, khoác ba lô bẹp. Hai đứa chào nhau.

Tôi nghe xong mệt rũ, nằm xuống tấm cá ngựa một mảnh ván hẹp, đầu gối lên quyển Bách khoa toàn thư Liên Xô ngủ thiếp. Tỉnh dậy gai gai lạnh và buồn. Gia Lộc đến bên chỉ vào chồng đĩa nhạc cạnh đầu tôi nói:
- Mày ngủ gối đầu bên cái gì biết không? Đĩa “Số phận” của Beethoven.

Ba tháng sau, số phận gõ cửa. Bắt Gia Lộc.





hết: Chương 28 , xem tiếp: Chương 29