Thứ Ba, 13 tháng 3, 2018

Đèn cù (chương 13)









Đèn Cù

Chương 13



Thép Mới đón ở ga. Xích lô chở cái thùng gỗ thông đựng sách Tàu ngất ngưởng và tôi. Thép Mới đạp xe bên cạnh. Lên gác gặp ngay tổng biên tập. Câu đầu tiên Hoàng Tùng hỏi:
- Mao xếnh xáng thu về được hết âm binh chưa? Có trắng tay chuyến này không?
Ở trong nước Mao Trạch Đông đang là “chàng cả lố”. Chế giễu ông ta là bằng chứng của người Mác-xít, Lê-ni-nít. Tôi thì không chế, nhưng sau vụ chống phái hữu, tôi chẳng còn mặn mà với ông.
Ngày hôm sau Nguyễn Thành Lê, phó tổng biên tập báo tin Trường Chinh mời tôi.
Tôi rất xúc động. Năm năm rồi. Lần cuối gặp anh bên cây vả rừng dáng rất Tahiti của Gaughin, một ống bương dẫn nước róc rách, mùi lá cơm nếp và Tâm, cô gái địa phương đẹp cả một vùng biết tiếng đứng nghển chân trên đẳng cười với tôi, bất chấp Tổng bí thư đang phủ dụ đi học.
Tôi nói mấy lần anh qua Bắc Kinh tôi không đến chào vì ngại phiền anh. Anh bảo từ nay cứ đến gặp, anh cũng muốn chuyện trò với tôi. Cứ đến và báo tên ở cửa là được, trừ phi anh đi vắng.
Nhưng anh liền hạ ngay giọng, chằm chằm nhìn tôi, hỏi khẽ:
- Anh có biết vì sao đồng chí Bành Đức Hoài bị kỷ luật?
Không ngờ đến câu hỏi này, tôi hơi lúng túng:
- Thưa anh cũng là nghe bạn bè Trung Quốc thôi, nhưng trong họ cũng có người là đảng viên hay gia đình là cán bộ cao cấp… Theo họ thì vì Bành Đức Hoài viết thư phê phán Cụ Mao quen nghênh ngang thói thái thượng hoàng chỉ biết phán người nay cuồng tiến tiểu tư sản làm tan hoang tất cả lên rồi thì phải ngồi nghe người ta phán lại. Vụ Bành Đức Hoài cho thấy mâu thuẫn to trong lãnh đạo cao nhất. Nổ ra từ Hội nghị Lư Sơn. Nhật thực từ nay thường trực…
- Khoan…, cái gì nhật thực… À, tôi hiểu. Mao Trạch Đông thôi chủ tịch nước. Dân chúng nghĩ sao?
- Nói chung bàng hoàng. Ngồi nghe loa thông báo đầy ở bên đường trong sân trường, sinh viên nom âm thầm lắm.
Sau vụ chống phái hữu mọi người rất kín đáo, không ai dại bày tỏ thật mình ra…
Trường Chinh cũng biết Hội nghị Lư Sơn. Nhưng lúc ấy anh không thể biết chỉ hai ba năm sau, tại cũng một hội nghị Lư Sơn, Mao sẽ nói tới “cuộc đập tan những đòn tiến công của chủ nghĩa xét lại”. Lúc ấy nào ai rõ Mao ám chỉ đến những cải cách (đòn tiến công) của Lưu Thiếu Kỳ (hay là Khruschev Trung Quốc 1), Đặng Tiểu Bình (hay là Khruschev Trung Quốc 2). Hướng diệt kẻ thù mới này - chủ nghĩa xét lại - rồi làm chỏng vó cả Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình. Rồi Trường Chinh. Rồi một thế hệ nạn nhân trong đó có tôi. Mao cựa mình để đổi thế ngồi thoải mái đều bắt chết theo cả đống.
Sáng ấy tôi hỏi thăm Đặng Việt Nga, cô con gái cưng của anh.
- À, học ở Liên Xô. Có bạn trai rồi… nhưng tôi không thích cậu này, người khu 5…
- Người khu 5? - Tôi khẽ hỏi lại.
- Không, cậu này gạo cụ mà tôi thì không thích gạo cụ.
Một phát hiện bất ngờ mà lý thú nên tôi mới kể ở đây.
Sau này có khi nghĩ lại chuyện này, tôi lại thầm hỏi: “Thế mà sao Trường Chinh lại gạo cụ với Lê-nin, Stalin như thế?”
Cơ quan báo nay đã thay đổi cơ bản. Về nhân sự và về cả nhân cách. Từ trên rừng đi thẳng ngay ra nước ngoài học năm năm, tôi đã bỏ qua một giai đoạn quan trọng hình thành và phát triển tâm tính thơ lại: tất cả sao cho thủ trưởng vui lòng để được đề bạt, tăng lương. Ở Atêka, không có chế độ lương, đi học thì hưởng trợ cấp học trò. Những ngoắt ngoéo mới nảy sinh ở đằng sau các dịp đề bạt, tăng lương tôi thật sự ngu ngơ. Trở lại cơ quan vô tư như thuở ở rừng, tôi không ngờ tới lòng đố kị và các ngón đòn hiểm đang chờ. Người ta cho rằng Hoàng Tùng, Thép Mới ưu ái tôi chẳng qua vì tình cảm “cánh hẩu” căn cứ địa với nhau mà thôi. Họ xét nét tôi mà tôi không hay. Cũng đâu có hay một thường vụ tỉnh uỷ nay là trưởng ban ở báo mỗi lần sắp gặp Hoàng Tùng lại ghé mắt nhòm lỗ khoá xem trước vẻ mặt Tổng biên tập. Vui vẻ thì gõ cửa, lầm lì thì đi giật lùi xuống cầu thang, chờ lát nữa lại hồi hộp lên trở lại. Cho nên họp ké ban biên tập góp ý cải tiến báo, hết ghế, tôi ngồi lên tay ghế bành của Tổng biên tập thì liền thành cái gai cắm vào mắt nhiều người. Tôi khó tránh khỏi gièm pha, điều mà sắp tam thập nhi lập tôi vẫn chưa được nếm mùi vị.
Đi một người tôi nhớ: Kỳ Vân. Sang tạp chí Học Tập.
Tháng 10, Hồng Linh về nước.
Tháng 1 năm 1960, sáng ngày 29 lấy làm 30 Tết Canh Tý, chúng tôi cưới nhau. Thép Mới, Phạm Lợi, vụ trưởng tổ chức làm chứng chờ ở quán ông lão bán bánh mì hằng sáng cho quan viên nhà báo và các cô làm đầu hai hiệu Tân Trang, Miwaco. Tám giờ, bốn người sang Uỷ ban Hành chính Khu Hoàn Kiếm xế tờ báo ký tên. Ba phút xong đám cưới.
Được tin tôi sắp lấy vợ, Hoàng Tùng bảo tôi cần xe hơi (chiếc Pobeda duy nhất ở báo của Tổng biên tập) hay hội trường thì cơ quan cho mượn. Tôi nói chỉ ra uỷ ban.
- Vậy thì cơ quan in biếu thiếp mời hay báo hỉ, cái này cần đấy! - Hoàng Tùng nói.
- Cảm ơn anh, tôi không báo ai cả! - tôi nói.
Một thoáng rất nhanh tôi thấy trong mắt Hoàng Tùng xổ tuột ra hết chiều dài một cỗ thước dây. Xem vẻ chưa đủ cho anh đo độ quái đản.
Mẹ Linh và Trần Châu, anh cả “quyền huynh thế phụ” đều không biết Linh và tôi cưới nhau lúc nào.
Chẳng cái gì thuận chèo mát mái mãi.
Một sáng tôi ở chỗ Tố Hữu về tới vườn hoa Hàng Đậu thì thấy Phạm Văn Khoa đạp xe đi đến bên.
- Thép Mới nó bảo mày lấy vợ bí mật… - Khoa nói - Này, từ nay mày phải gọi tao là bố! Vợ mày là con gái thằng Cúc bạn chúng tao ở Hải Phòng ngày xưa đấy. Tao với nó cùng dạy học, tao tiếng Pháp, nó tiếng Tàu. Lê Giản, tao và nó dạy học ở Hải Phòng mà. Mày có biết chuyện chúng nó mười ba thằng bị giết oan hồi cuối 1947, đầu 48 không? Mỗi đứa một cũi chó nhốt trong. Thằng Nguyễn Công Thành, bí thư Tuyên Quang hồi ấy bảo tao là thấy chúng nó ở trong cũi nhìn ra mà nó muốn khóc. Toan liều mở cũi đánh tháo cho chúng nó mà không dám. Cùng tù Sơn La với nhau mà. Nhất là thằng Ưng Khầy Mùi. Lý Ban tố cáo chúng nó là đặc vụ của Tưởng vì muốn gạt chúng nó để nổi lên thành tổng đại bài của Trung Quốc ở ta.
Tới nhà thờ Tây Đen, Hàng Gà, anh nói tiếp:
- Lý Ban như thế nào tao đâu lạ. Tao giúp cho nó sống và bố vợ mày có công rất to trong việc ấy. Lý Ban lúc ấy trốn khủng bố ở Quảng Đông, chạy sang ta. Tìm đến trụ sở báo Cờ Giải Phóng ở Hàng Bồ mà tao là chủ nhiệm. Ông Trường Chinh bắt chủ nhiệm báo tiếp dân hằng ngày như kiểu báo Pháp nhưng ông ấy ngồi tiếp thì lo Tàu Tưởng nó “cõng” đi, vì thế cho nên tao mới phải làm hình nhân thế mạng. Một sáng một cha xưng tên Lý Ban gặp tao xin liên hệ với Đảng cộng sản Đông Dương. Tao báo cáo. Ông Trường Chinh dặn cảnh giác. Đặc vụ Tưởng có thể vờ để chui vào nội bộ ta. Cho nên tao lờ đi. Thì hắn lại đến. Mời tao đến khách sạn Đồng Lợi lấy một tờ giấy trắng cất kỹ trong va-ly mây ra nói “tây chấng chỉ của tôi, tòông chí tem nó về tưa cho tổ chấc thì tòông chí sẽ pết”. Tao đem về đưa cho chính bố vợ mày lúc ấy phụ trách kỹ thuật của tổ đặc nhiệm tại nha công an của Lê Giản. Bố vợ mày xem nói đây là tỉnh uỷ viên Quảng Đông, tên Lý Ban… Như thế tao hỏi mày, có phải là tao, bố vợ mày cứu thằng Lý Ban không? Nhưng rồi Lý Ban nó báo cáo đám Ưng Khầy Mùi là đặc vụ Tưởng. Ta thịt nghiến luôn cả lũ. Lý Ban có giấy của cộng sản Trung Quốc, bọn Mùi thì chỉ có giấy An Nam, thua nhau chỗ ấy, cái chỗ sùng ngoại, mày hiểu không. Tao đề nghị mày cứ hỏi trung ương thế này là ra hết sự thật, đúng, hỏi nếu bố vợ mày là đặc vụ Tưởng thật thì sao xem giấy Lý Ban nó dại gì mà không đổ vấy cho Lý Ban là đặc vụ để ta thịt ngóm? Nay vu đặc vụ cho bọn Mùi thì lẽ ra phải biểu dương “đặc vụ” đã có công giúp đảng vớ được Lý Ban để đưa vào Trung ương đảng chứ? Bây giờ mày làm đơn kiện đi. Tao cùng ký, với tư cách bạn bè chúng nó và nhân chứng.
Nghiện đọc trinh thám Mỹ, Anh, Pháp, tôi ớ ra. Đúng, trong một vụ án chỉ cần một chi tiết lô-gích như của Khoa là phá được bao bí ẩn. Nhưng làm gì có chuyện phá án với đảng.
Khoa rất chân tình và bất bình. Phần đông nạn nhân trong vụ này là bạn thân của anh. Tôi rất cảm động. Nhưng tôi lờ mờ thấy việc kiện sẽ rất khó. Khoa là nhân chứng nhưng thiếu trọng lượng: anh có tên Khoa Tếu do chính Cụ Hồ đặt.
Anh đằng thằng có thể lên rất cao nhưng như Kỳ Vân, anh thích tự do. Hai nữa, Lý Ban sắp vào trung ương. Bắc Kinh cần thêm tiếng nói. Thứ ba nữa, tôi ngại, một thứ ngại rất chung chung, mơ hồ. Như thuở bé chiều hôm nhìn đỉnh núi Yên Tử mù mịt mà thấy huyền bí và sờ sợ.
Tối hôm chúng tôi cưới nhau, Hoàng Tùng mời đến nhà anh ăn tất niên. Trong bữa ăn, Nguyễn Thành Lê báo Trường Chinh mời vợ chồng tôi sáng mồng một Tết lên nhà anh ấy.
Từ đấy theo lệ, sáng mồng một Tết tôi phải đưa Linh đến nhà Trường Chinh. Năm 1962, vui chuyện, khi Trường Chinh hỏi thăm bố mẹ Linh, tôi nói luôn, cũng là để xem thái độ Đảng:
- Con của Hồng Tông Cúc, anh ạ.
Tôi không ngờ Trường Chinh biến sắc nhanh như thế.
Anh tái mặt và lùi xa Linh ra. Vụ án mười mấy cán bộ người Trung Quốc vẫn còn lưu lại ấn tượng sâu sắc. Qua thái độ Trường Chinh, tôi thấy đúng là giết oan nhưng đồng thời lại thấy như vậy thì khó lòng mà minh oan nổi.
Sau đó, Tết tôi không đến nữa. Tôi đã thành xét lại, sợ Mỹ, sợ chiến tranh. Trường Chinh còn nhờ Quang Đạm nhắn tôi là “không ngờ Trần Đĩnh sa đoạ chính trị đến như thế”. Trong khi tôi lại không ngờ anh sa đoạ nhanh như vậy, đầu hàng nhanh như vậy.
***
Như đã nói ở trên kia, lúc mới về nước, tôi không hiểu rằng bước vào cơ quan là tôi bước vào quan lộ chông gai. Cho nên thấy người ta gọi tôi “thày Tàu”, tôi cho là chuyện vui đùa, không phản ứng. Anh em không thích Mao thì mượn tôi để chế Mao và như thế là tốt chứ sao. Tôi bắt đầu ngờ ngợ và khó chịu khi thấy họ nâng cấp tôi lên thành manh piê, tay chân của Hoàng Tùng. Tôi chưa biết với nhiều người ở cơ quan, tôi đang là đối tượng cần hạ gục.
May sao được Mao Chủ tịch… cứu.
Người phất cờ đánh xét lại. Cái bàn cờ thế giới gồm hai phe trong đó Trung Quốc chỉ đóng vai phò tá, Mao phải phá để lập nên một bàn cờ Tam Quốc mới với thêm chân kiềng Trung Quốc. Mao kỵ Liên Xô từ lâu. Còn tôi thì kị Mao từ Chống Phái Hữu và Gang thép, Công xã Nhân dân… Và vẫn ôm nguyên vẹn trong lòng mối thiện cảm to lớn đối với những chiến sĩ - đúng hơn, những hiệp sĩ, hiệp khách - đòi dân chủ tự do mà người ta gán cho cái tội Phái Hữu rồi trấn áp, đày đoạ.

Nhờ Mao phất cờ giáo chủ mới, tôi lập tức bị tước danh hiệu “thày Tàu”, biến thành “thằng láo chống Cụ Mao”. Đám hôm qua mỉa tôi “thày Tàu” hôm nay nhao nhao ùa theo lãnh tụ oa-la-din (tiếng Pháp origine: chính gốc - BT), đạo chủ thiêng liêng trong cuộc chống xét lại vô cùng hiển hách.
Tôi nói đến hai chuyện gây ấn tượng mạnh với tôi lúc đó. Vì trực tiếp đụng tôi. Và qua đó thấy người ta trở mặt nhanh thế nào.
Một hôm Hoàng Tùng đưa tôi một quyển sách chữ Hán mỏng trên Cụ Hồ gửi xuống bảo tôi theo đó viết bài. Đó là chuyện một Bạch Mao Nữ thật ở miền Nam Trung Quốc. Chuyện xoàng nhưng có hơi Cụ Hồ nên người ta thêm ghét.
Sáng hôm báo đăng bài này, tôi vừa đến cổng cơ quan thì đã thấy mấy người ăn bánh mì ở quán ông già trước cửa báo đang cười chế tôi.
Tiếng Hữu Thọ át tất cả:
- Dạ, thế ra pên Tồ ngổ nó lại có ké (cái) sớm mùa xoan.
Mọi người khoái trá cười theo. Ở trong bài tôi có viết sấm xuân.
Hữu Thọ lại nói:
- Thế này là thày nhập cảng pẹ (mẹ) nó ké ké (cái) sớm xoan pên Tồ vào ké nước ngổ tây. Nông nghiệp ké nước ngổ thế này thì chết pỏ ké con pà nó mất, hí hí hí…
Tôi đã toan đứng lại hỏi: Thế “Lúa chiêm nấp ở đầu bờ, Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên” thì là sấm hè hay đông?
Nhưng im, chợt hiểu ra quán ăn này là nơi sáng sáng người ta mượn làm câu lạc bộ đến ngồi xúc miệng bồi dưỡng nghiệp vụ vắng mặt đồng chí để hạ thủ đồng chí. Đời quá nhiều o ép thì kiếm chỗ chửi văng mạng cho xả cơn ẩn ức.
Nói vậy nhưng tôi rất lạ. Không hiểu tại sao người ta lại có thể quay ngoắt nhanh đến thế, có thể bảo vệ bạo chúa Stalin như xưa đến thế, có thể cứ nhìn Mỹ, Anh, Pháp, Nhật là những kẻ thù phải tiêu diệt bằng vũ trang đến thế. Lúc ấy chưa đọc hồi ký Lý Chí Toại, bác sĩ riêng của Mao nên tôi chưa biết Mao đã bảo Lý rằng phải nuôi kẻ thù trong cũng như ngoài, chẳng hạn ngày ngày hô giải phóng Đài Loan thì mới yên được để cầm quyền. Dân ngột ngạt thì Mao cho xả van hờn căm vào ngả khác, chẳng hạn xả vào xét lại Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình. Mà Mao lúc đó đang nuôi chí phục thù, quyết dẹp những Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình từng làm nhục ông.

Lúc ấy, 1960, Hữu Thọ mới cán sự 5 ban nông nghiệp. Trần Minh Tân, người đưa Hữu Thọ lên báo còn giấu chuyện Hữu Thọ lai Tàu. Theo Minh Tân, bố Hữu Thọ gốc Hoa nhưng láu đời, biết đảng kỵ ngoại nên anh ta giấu dòng máu. Mãi sau này, Minh Tân mới nói cho tôi hay.
Còn một người hầm hè tôi nữa mà tôi hoàn toàn bất ngờ. Một trưa từ cơ quan về nhà tập thể ở ngõ Lý Thường Kiệt, tôi đang đi ở hông bệnh viện Việt-Đức thì thấy Hà Đăng vượt lên đi ngang. Anh đỏ gắt mặt phê bình tôi:
- Anh kiêu ngạo lắm, anh không nói chuyện với tôi.
Tôi ngẩn ra thì anh đã đạp vút đi. Lần đầu cất lời nói với tôi là phê phán. Và không cho cãi.
Rồi hai ông này đều Tổng biên tập, đều Trưởng ban tư tưởng văn hoá trung ương, và đều cất lời là phê phán, bắt ne bắt nét phần hồn của toàn đảng toàn dân và có nhiệm vụ ngăn chặn mọi đối thoại chứ chưa nói đến cãi. Chữ “đối thụi” của Lê Đạt là tả môi trường đối thoại tê liệt của đất nước.
Khi các ông vào tuổi xưa nay hiếm thì chuyển sang làm trợ lý cho các Tổng bí thư. Đám nhà báo nói các ông 75, 76 tuổi vẫn theo Tổng bí thư vào Sài gòn và dù các ông có mặt cùng không ai giới thiệu, ra ý miệt thị rõ ràng. Nhưng vẫn quyết trụ ở bên bám hơi các cụ tổng đến cùng.
Từ giữa những năm 1990, báo Nhân Dân xuất hiện một tác giả ký Nhân Đăng. Thật tình không biết là ai, nhưng kỵ với người coi mình là thừa sáng để đi soi lối cho thiên hạ, tôi đã gửi một thư cho Nhân Đăng đề nghị báo chuyển giúp. Viết rằng cái tên Nhân Đăng không hay, nó gợi đến các nô tỳ thị nữ ngày xưa đội đèn cho bọn quyền quý tiệc tùng hưởng lạc. Đèn, từ đèn trời, đèn biển đến đèn dầu, đến que tăm xiên hạt bưởi khô thay cho đèn đều hay nhưng đèn người thì xấu, tác giả nên thay đi.
Hỏi thăm anh em ở báo, mới biết đó là Hà Đăng. Lúc ấy tôi lại chợt thấy “đăng” còn là “lên cao, đăng cai”. Và ghế… (Sau không thấy tên “đèn người” này nữa).

Hữu Thọ Vina Mưu nay lấy tên Nhân Nghĩa, mỗi số Nhân Dân cuối tuần đều được dành một chỗ cùng nhuận bút chắc là cao ráo. Một lần thấy một quyển sách của anh mới xuất bản - cái gì tự nhận trí tuệ cao mắt sáng tim đo đỏ gì đó - ở hiệu sách, tôi vội quay đi. Không thấy chữ. Chỉ thấy con mắt láo liên và đôi môi mỏng dính.
Và xin vượt thời gian bốn chục năm. Cuối 2009, báo điện tử Vietnamnet phỏng vấn nhà báo lão thành cách mạng. Nhà báo lão thành nói “Phải chống im lặng đáng sợ”.
Ôi. Mở mặt nhờ bưng bít sự thật, xuyên tạc sự thật thì nay hô phá vỡ nó. Một bạn lão thành bảo tôi viết bóc cái mặt nạ hắn ra đi, tôi cười:
- Bao la hề, ông dẹp sao cho hết? Vả có để hề bao la thế thì dân mới có chỗ để ghét mà đứng dậy chứ ông?



hết: Chương 13 , xem tiếp: Chương 14