Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Đèn cù - Tập 2 / chương 12




Chương 12


Vụ đổi tiền quỷ khốc thần sầu của Tố Hữu năm 1985 dìm sâu đất nước hơn nữa vào cuộc khủng hoảng cùng cực. Lạm phát lên đến 780%. Theo truyền đạt ở báo, một cụ chóp bu đã phải thốt ra: Khủng hoảng tới đáy rồi! Lê Duẩn có lẽ bỏ ý định để nhà thơ làm Tổng bí thư (“làm bí thư hoài có bí thơ”) từ đây.

Nhưng Đỗ Mười sang Phnom Penh lại triệu tập toàn thể chuyên gia ta trong B68 đến đại sứ quán của Ngô Điền nói đổi tiền là thắng lợi cực kỳ to lớn. Cụ một tay chống nạnh, một tay xỉa liên hồi vào cán bộ đầy bên dưới giải thích: Tổng ngân sách đang có 1, nhớ nhá, có mỗi 1 thôi, thế mà chỉ một phát liền vọt lên thành 10! Một phát thôi, nhanh như thế hỏi đã có ghê chưa!

Lạy thày, ghê thật. Cái gì thày cũng (đỗ) đạt mười hết. Từ chĩa cả mười ngón tay vào cán bộ để dạy dỗ, sai phái.

Dân đã cất lên một công trình ngôn ngữ tuyệt hảo – chữ này nhập của Sài Gòn, như chữ xịn, hết ý, chí cốt, bồ, nhậu, lai rai, ghế (là đít con gái chứ không phải là lãnh đạo)…

Hữu Mười Phương Nguyên Liệu Kiệt
Cụ Hồ ra đi để lại Ba Đồng Chinh Bằng Tôn

Tầng trên của lâu đài ngôn ngữ này gồm tên sáu vị phó thủ tướng: Tố Hữu, Đỗ Mười, Trần Phương, Đồng Sĩ Nguyên, Vũ Đình Liệu và Võ Văn Kiệt. Có mười phương (trời) mà nguyên liệu kiệt (hết). Thế mà trong sáu vị bị yếm bùa này rồi vẫn nhấc lên được một Tổng bí thư và một thủ tướng. Nguyễn Văn Linh đã từng ca cẩm với Ung Văn Khiêm nay Đảng tìm nhân sự kế thừa mà như thắp đuốc đi vồ ếch.

Tầng trệt dành cho Ba Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Tôn Đức Thắng.

Dân gọi là Nhà nước Ba Đồng Chinh.

Rồi mong Bao giờ hồ cạn đồng khô…

Năm 1961, trong một hội nghị “trí thức”, Phạm Văn Đồng mạt sát phương Tây là “vật chất, vật chất, vật chất khốn nạn”, ca ngợi phương đông là “tinh thần, tình thần, tinh thần cao quý”. Bất chấp nghị quyết Đảng lần 3 vừa nói phải ra sức xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội! Đồng đề cao tinh thần là vỉ thấy tại mình mà dân bị treo mõm dữ quá. Dân bèn cho ông một tên riêng Phạm (phải) Văn (bài) Đồng (tiền) nên lương ông cho cán bộ, công nhân chỉ cần để ăn 10 ngày. Kỳ dư sống cao quý với nhau bằng các thứ mánh mung đê tiện.

Nhờ tinh thần cao quý, dân cỏ óc sáng tạo thật đáng nể. Các thiết chế chính trị, các bộ trong chính phủ đều được dân cho chung một họ vương giả. Tôn Thất Nghiệp (Bộ lao động), Tốn Thất Bát (Bộ Nông nghiệp), Tôn Thất Thểu (Bộ giao thông), Tôn Thất Thoát (Bộ xây dựng), Tôn Thất Học (Bộ giáo dục), Tôn Thất Thiệt (Bộ thông tin), Tôn Thất Luật (Bộ tư pháp), Tôn Thất Đức (Bộ Công an), Tôn Thất Nghĩa (Bộ Thương binh), Tôn Thất Tiết (Hội phụ nữ), Tôn Thất Lễ (Đoàn thanh niên, Tôn Thất Quyền (Quốc hội) dân là Tôn Thất Vía còn Đảng là Tôn Thất Tiệt.

Xuân Giáp Tý, 1984, xã luận báo Nhân Dân phân tích:

“Ba năm qua, cách mạng nước ta đã hình thành một cục diện mới, một thế đi lên ngày một vững chắc. Cái thế của cách mạng nước ta và cả cách mạng ba nước Đông Dương vững chắc chưa từng có. Âm mưu của kẻ thù phá hoại, bóp nghẹt; lật đổ đã phá sản. Rõ ràng cách mạng đang đứng trước bước ngoặt mới, tiền đề và điều kiện của một thời kỳ phát triển mới. Tinh thần sáng tạo của chủ nghĩa anh hùng là đặc trưng phong trào cách mạng của quân chúng. Ý chí cách mạng quyết định sự phát triển của một dân tộc”.

Rỗng nên om xòm như truyền thống. Tôi vụt nhớ Hồng Hà sau Đại hội 5 báo cáo trước toàn cơ quan báo tình hình đại hội. Nói đến nhân sự, anh nghẹn ngào khóc: “Xin báo cáo với các anh chị là tôi đã được trúng cử vào Trung ương”.

Lần khóc công khai minh bạch đầu tiên là khi anh cảm tạ Mao Chủ tịch đã mở mắt cho anh thấy Liên Xô phản bội đầu hàng. Thiếu lần khi ta ra Sách Trắng lẽ ra nên khóc thú tội đã tin yêu Mao.

Nhưng phải công nhận Hồng Hà đã có lần nói hay. Bữa ấy anh nói trước toàn cơ quan về chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Kể: Khi quân ta tràn từ Tây Nguyên xuống, Bộ chính trị chỉ thị nếu B52 Mỹ nó cất cánh ở Guam thì lập tức rút…

Chỉ có thể nói là có biết hãi. Và phương châm là vừa đánh vừa mò.

Khi Sách Trắng tố cáo Mao, tôi đùa bảo Minh Việt, Lê Đạt: Muốn thế giới và dân khâm phục Đảng ta đạo đức, văn minh chả khó gì. Đề ra một ngày cả nước khóc nhận lỗi đã từng mê mết Mao dài dài. Bao nhiêu đội nhạc hiếu huy động hết ra tấu vĩnh biệt một thời mụ mị.

– Bao giờ thôi mụ mị mày, Lê Đạt hất đầu?

Nói lại một chút về đổi tiền. Tôi nghe thư ký một cốp cho hay trước khi đổi tiền Trường Chinh đã thư gửi Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Tố Hữu đề nghị hoãn vì không có lợi nhưng các vị kia trả lời đã “cưỡi lưng cọp” rồi, không thể ngừng. Trường Chinh bèn ký lệnh đổi tiền với tư cách Chủ tịch Quốc hội. Sau này Trường Chinh nói với mấy thư ký rằng ông biết sẽ gay go nhưng phải tuân theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Tôi chợt hiểu ra lý do vì sao đang “đồng chí Khroutchev có gì mà chửi đồng chí ấy”, ông đã lại “điếm chỉ” vào Nghị quyết 9. Tôi bảo anh bạn cho hay tin này: Nghĩa là khi tập thể bị kim la xắng téng anh cũng phải lây theo cho được nhất trí vững bền theo nguyên tắc tập trung dân chủ!

Trong khi bóng đen của khủng hoảng phủ lên từng gia đình, từng cái thân còm cõi các cháu bé thì cái u tiền liệt tuyến của Lê Duẩn cũng to ra. Đồn là Duẩn đã chấm Tố Hữu làm kế cận. 1967- 68, Duẩn có ý đưa Tố Hữu vào phụ trách Bình-Trị-Thiên cho nhà thơ rèn luyện. Nhưng rồi với cớ gì không rõ, nhà thơ vẫn ở Hà Nội, không “đi thực tế” như ông thường giục giã văn nghệ sĩ. Nên ra đời hai câu thơ:

Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường, hoa ở đây.

Dư luận réo tội Tố Hữu nhiều quá, Hoàng Tùng trong một hội nghị chủ báo đã phải đe: “Nhà đang cháy thì xúm lại mà chữa chứ không được phép chất vấn ai gây ra”. Tô Hoà, báo Sài Gòn Giải Phóng đứng lên nói: ”Bành trướng Bắc Kinh hay phản động làm cháy thì là chuyện khác, rõ rồi, nhưng đây là ta làm cháy thì phải cho hỏi chứ”. Hoàng Tùng im.

Nghe Tô Hoà, tôi không thể không nhớ lại hồi giữa 1950, Hoàng Tùng từ Ban thi đua ái quốc của cụ Tôn Đức Thắng tận xó xã Báo Đáp, Yên Bái đến phụ trách Sự Thật, sát nách Tổng bí thư. Mới về còn chân ướt chân ráo, ông cho đăng lên báo ngay một khung thông báo tên tuổi tổng biên tập và các uỷ viên toà soạn. Trường Chinh sạc luôn. Ai khiến? Ai bảo ra thông báo? Sau đại hội 2, Tố Hữu về làm tổng biên tập Sự Thật, Hoàng Tùng sang học Trường Đảng Bắc Kinh. Lòng mong ước làm báo từ lâu của Hoàng Tùng thế là chưa được thoả. Phải mãi tới đầu 1954. Bọn tôi bảo nhau vì ông thích lộ diện sớm quá.

Lại một chuyện nữa.

Khoảng tháng 5 tháng 6-1960, Hoàng Tùng chưa vào được Trung ương, cùng tôi đạp xe lên Tố Hữu nhưng Tố Hữu vắng nhà. Hoàng Tùng lấy danh thiếp viết “Tôi và Trần Đĩnh đến nhưng ngài đã xa giá đi…“ rồi đưa tôi xem.

Chúng tôi ra đến cổng vừa vặn máy chiếc Pobeda (tiền thân của xe Volga, Liên Xô – BT) thì Tố Hữu về. Vào nhà cầm danh thiếp lên đọc, Tố Hữu sầm ngay mặt, liệng tấm thiếp xuống bàn. Tôi chợt thương Hoàng Tùng và nhớ đến Kỳ Vân nói: Trong tù vẫn đùa chộp cu nhau mà sau 1945, gặp nhau mình đã phải báo cáo nó với xin chỉ thị. “Nó” đây là chỉ cấp trên nói chung. Tôi thì nghĩ: với đồng chí còn hơn thua thế thì làm đày tớ cho dân chắc khó khăn đây.

Trên kia tôi đã nói tới nỗi tủi khi nghe con của Lê Liêm kể tội chủ nghĩa. Còn tủi là còn nặng nợ. Theo nó mãi rồi! Vả chăng trước mắt tôi vẫn óng ánh Kadar (Tổng bí thư Đảng xã hội công nhân Hungary) – Dubcek (Bí thư thử nhất Đảng cộng sản Tiệp Khắc – BT) rồi nữa Gorbachev, các ông cho thấy còn rất đáng hy vọng! Mộng tưởng không trọng lượng nhưng đè sập biết bao đời người.

Người ta tổng kết tôi đã bị “tà thư” làm cho hư hỏng. Tôi không mấy bận tâm vì đã đem tri thức ra chia địch – ta thì khỏi nói. Hơn nữa, tôi không cho rằng nghĩ trái lại Đảng trong chuyện theo Mao phát động chiến tranh là hư! Tôi phản đối Đảng vì vào lúc gay go nhất tôi đã thấy Đảng xa rời lẽ phải. Đánh Mỹ có là lẽ sống còn trước mắt của đất nước không? Với tôi, ùng hộ lẽ phải lớn hơn hết. Vả chăng, đến nay tôi đã thấy “tà thư” đầu tiên đích thực với tôi là chính bản thân đường lối chính sách bạo lực, các nghị quyết sai lầm chết người của Đảng. Đó, Cải cách ruộng đất, sùng bái Mao, đàn áp trí thức, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, sính chiến tranh… Đối nội với dân thì cứng thế nhưng đối Trung Quốc, Liên Xô lại nhũn thế. Khoan nói tới chủ nghĩa Lê-nin và kim chỉ nam tư tưởng Mao mà hãy nói tới các cái nhỏ. Bất kỳ gì của hai ông anh là sẵn sàng nâng niu, học tập. Thí dụ một dạo Hà Nội nhảy sang đứng chung múi giờ với Bắc Kinh cho tiện phối hợp chiến đấu. Nghĩ ra thấy chữ “theo” của Việt Nam rất hay. Phó từ “với” của Anh và Pháp không như phó từ “theo” của Việt Nam có cả nghĩa đàn em, lép vế. Đi theo, nghe theo, làm theo, ăn theo, thằng bé này anh nó đi ỉa là nó cũng ỉa theo, ỉa theo nghe thấy có mùi vị sùng bái hít hà, không bình đẳng như ỉa cùng.

Phải nói tà thư ghê gớm đầu tiên tôi đọc là Từ số không đến vô định của Arthur Koestler. Phải nói là đọc trộm – tôi tình cờ thấy nó ở một góc bày sách ngoại văn cũ kỹ ở thư viện Đại học Bắc Kinh. Tôi đứng xem tại chỗ. Đọc hai giờ, nhét nó vào dưới một chồng tạp chí Pháp, khuất nẻo và hôm sau đến lấy ra đọc tiếp. Một địa chấn với tôi. Rồi tà thư Những ý kiến trái khoáy thu thập các bài báo Gorki đăng trên báo Tân sinh hoạt do Gorki chủ biên trong hai năm 1917 đến 1918 ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Mười phê phán ác liệt đích danh Lê-nin và Đảng cộng sản bôn-sơ- vích. Vợ Lê-nin đã ký lệnh đình bản tờ báo. Bài báo Khúc van-xơ của những vĩnh biệt của Aragon cũng là nhát búa quạng sập thêm nữa những mảng bê tông còn lắt lẻo trên mái hăm boong-ke ý hệ ở tôi. Les lettres francaises, báo Văn chương Pháp do Aragon chủ biên đóng cửa. Nó không nhận dối trá là sự thật nên Liên Xô đã cắt tiền bao thầu. Aragon viết bài vĩnh biệt trên số báo khai tử: “Tôi đã nhìn thấy đáy vực. Tôi đã huỷ đời tôi, có thế mà thôi”.

Lê Văn Viện, bố ca sĩ Hồng Nhung, làm ở đại sứ quán Ấn Độ photocopy cho tôi sáu bảy trang Time 1982 phân tích ba nguyên nhân cơ bản (trong đó có vấn đề dân tộc) khiến Liên Xô tất yếu sụp. Tôi giữ sáu bảy trang đó cho tới tận bây giờ.

Một “tà thư” làm tôi cảm kích: Albert Camus nói trong tiệc chiêu đãi của Hoàng gia Thuỵ Điển nhân ông nhận giải Nobel. Ông nói: “Văn nghệ chỉ phục vụ chân lý và phục vụ tự do. Nhà văn có hai gánh nặng khó cáng đáng là không chịu nói dối về những cái hắn ta biết và chống lại áp bức”.

“Tà thư” có sức lôi cuốn vì nó đánh thức lòng trung thực ở con người. Và lòng trung thực có lẽ là hồn cốt của phẩm chất người. “Tà thư” chính là lương tri của thế giới, của loài người. Nếu biết sớm đón nhận “tà thư”, chúng ta sẽ không “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” và Cải cách ruộng đất với những buổi đấu tố, những cọc trói người sắp đem bắn và thói gian dối, trí trá.

Có một số Le Monde tuyệt vời. Hai trang dày đăng bốn năm chuyện dưới đầu đề chung Những chuyện không thật ở Việt Nam. Tác giả: Van Dulik. Tiếu lâm chính trị Việt Nam.

Tôi kể ra ở đây hai mẩu.

Buồn đất nước kém cỏi, Bác Hồ bèn bỏ lăng ra đi tìm đường cứu nước lần thứ hai. Vào Nhà Rồng. Xuống một cái tàu. Thuỷ thủ đuổi: đi đi lão già. Nói: Tôi muốn xuất ngoại, xưa tôi đã đi, miễn là có ý chí và hai bàn tay lao động. – Thôi ông già, bây giờ phải tiền đâu trong túi thòi ra! Bác lại lọ mọ về lăng. Leo lên bóc chữ “Không có gì quý hơn độc lập tự do” mang đi để “đầu tiên”. Tới Quận 5, mời Ba Tàu mua. Ba Tàu thử xong mắng: Vàng dỏm cái lão này… Bác lại về lăng. Đánh thức Bộ chính trị dậy nói các chú bảo mấy chữ này là vàng mà chả có chữ nào xài được! Nói dối cả với dân, với Bác.

Chuyện nữa về chuyến tuần thú bằng máy bay trực thăng của Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp. Trước cảnh hoang tàn của đất nước nhìn từ trên cao, Lê Duẩn động lòng trắc ấn nói: Tôi có 100 đồng đây, tôi xung phong ném xuống, ai nhặt được thì ít ra cũng có một người biết thế nào là hạnh phúc. Đồng bèn nói: Xịn đổi ra tôi thì được những 100 nhà hạnh phúc cơ. Trường Chinh lại nói: Thế thì đổi ra tôi. Những 1000 nhà hạnh phúc đấy. Đang mải tranh luận cách nào hạnh phúc cho dân hơn cả thì đoàn phi hành bảo nhau: Ném cả bốn xuống thì toàn dân hạnh phúc!

Tờ báo bị tịch thu ngay lập tức. Quá xá tà thư. Tôi kịp đọc ở Ban quốc tế báo Nhân Dân. Đúng là ngưu tầm ngưu thật. Bao nhiêu người đọc mà như không, riêng tôi xúc động. Và mừng. Thê giới đã nhòm đến cái đáy huyệt tối om này.

Vài năm sau, tác giả Van Dulik đến Sài Gòn đã gặp tôi mấy lần. Và không ngờ ba chục năm tôi gặp lại tác giả ở Sài Gòn

***

Chính Yên phát hiện ra bị tiểu đường. Bất hạnh này không ngờ chấm dứt đời anh mau quá.

Chính Yên luôn thiếu và đói. Trong những năm 60, một lần họp chi bộ, tôi đã mạn phép kể tài sản nhà Chính Yên mà tôi thấy. Cốt nói rằng chúng ta quá khổ. Một tối tôi đến chơi, thấy Chính Yên quần đùi lá toạ cởi trần ngồi xếp bằng tròn trên phản cá ngựa kéo violon cho hai đứa con gái lên sáu và lên ba cầm hai cái mê nón rách bươm múa xòe Thái. Tí tà tí tí ti, con tôi nó lây con hà, hai đứa chúng cùng ê no, bà về trình bày với ông, tối nay ra đình liên hoan… Trên mặt sau cánh cửa gỗ lim (bố anh xưa là quan huyện), hai dòng phấn nắn nót viết: Guốc Chi mua ngày… tháng… cố đi đến tháng… Guốc Ánh mua ngày… tháng… cố đi đến… Cương lĩnh phấn đấu trao cho bốn bàn chân trẻ thơ thật sự làm tôi rớm nước mắt. Tôi nói tiếp ở chi bộ: Cả nhà Chính Yên có một chùm chìa khoá gồm ba cái. Một cho cửa phòng, một cho khoá xe đạp vợ anh ấy và cái thứ ba là cái chìa dự trữ của khoá xe đạp.

Một hôm Chính Yên nói với tôi về tai hoạ lý lịch hiện vẫn bám lấy nhà anh. Thằng con cả của anh cả Chính Yên tốt nghiệp đại học với một lý lịch ghi rành rành: gia đình nhiều phần tử chống đối và bản thân thì vô chính phủ, tự do chủ nghĩa. Người cháu này phạm tội họp lớp, vì trong lúc ai cũng ca ngợi nhờ Đảng mà được vào đại học thì cháu lại nói lẽ ra cháu theo chú, theo cô sang Pháp học từ 1953 nhưng mẹ không cho, sợ lấy vợ Pháp thì mất con! Chưa hết, cô em út anh luôn đổ tội cho bố quan lại khiến người đại uý yêu cô cứ bị ngăn cản lấy cô và bi kịch gia đình nổ ra…

Tôi bất bình nhưng không dám nêu lên chuyện chính trị bèn quặt sang chuyện nghèo.

Bệnh hai năm, Chính Yên vào Sài Gòn và biệt tin. Tháng 7-1984, tôi vào Sài Gòn, hỏi tin anh thì đâu cũng lắc. Tôi đã nghĩ chắc cha này định học tổng thống Pháp Pompidou mong được chết trang nhã như một con vật, không cho ai biết, không cho ai đưa. Thì một chiều mưa rất to, cháu gái Chính Yên ướt hết đến đưa tôi cái thư. “Anh cả mình cho biết Đĩnh vào, mình mừng quá, đến với mình đi. Mình ở bệnh viện Nguyễn Trãi… Thư là cháu đưa thư này, cái Hiền viết hộ. Mình không viết được nữa”.

Tôi đến gặp ngay. Chính Yên cười yếu ớt, nói: Đĩnh nhớ là với mình Đĩnh luôn là một liều thuốc bổ… Mình vui quá… Hình như mình bị sốt rét. Da vàng lắm không?

Tố Anh, vợ anh theo chồng chăm sóc.

Hôm sau tôi đến. Thì anh đã xuống phòng cấp cứu. Cười nhợt nhạt. Tôi đi đến thì giơ tay: “Ne t’approehe pas de moi – Đừng đến gần, gan áp xe mất rồi”. Tôi cứ đến. Lại cười nhè nhẹ: “Plus direction, – liệt cu hoàn toàn rồi”.

Cho biết nhờ tôi cho tin, báo Nhân Dân đã đến thăm và yêu cầu anh phải ra Hà Nội điều trị. “Tớ bảo rồi, tớ bị đưa ra Hà Nội là tớ nhảy lầu”. Không hiểu sao sợ Hà Nội thế.

Chính Yên về Hà Nội một tuần thì chết. Dao vừa chích, mủ đầy gan đã trào ra. Tôi không được đưa anh bạn. Khi ra lại Hà nội, việc đầu tiên là tôi chở Lê Đạt đi thăm mộ Chính Yên. Rồi về nhà Chính Yên thắp hương. Lê Đạt viết vào sổ tang: Lần này là lần duy nhất, Chính Yên đi không có bài về, Xe nghĩa ầm ì, Trang trắng khóc người đi…

Tố Anh nói ở tang lễ, khi Bùi Tín thay mặt Ban biên tập lên điếu văn ca tụng Chính Yên thỉ chị đã giằng lấy micro nói: “Giá ngày nhà tôi còn sống mà nghe được những lời nhân nghĩa ông nói hôm nay thì nhà tôi đâu có…” Người ta vội kéo chị ra chỗ khác. Nửa tháng sau, chị đến gặp phó tổng biên tập Bùi Tín, nhờ giải quyết một vài việc liên quan dển chồng đã chết. “Gớm sao hôm nay lão ta hách kinh khủng thế chứ? Mặt lạnh như tiền…”

Sáng 49 ngày, tôi đến thắp hương. Nhìn mãi ảnh Chính Yên. Hai mắt vằng vặc thách thức. Tôi chợt nhớ một sáng họp cơ quan, Hoàng Tùng mạt sát bọn xét lại sợ chiến tranh không dám đánh Mỹ. Chính Yên ngồi bên tôi hí húi ghi. Anh mắc tật không cái gì không ghi. Hoàng Tùng bèn nhìn anh nói: Ghi đi, để rồi sau này bắt bẻ, ừ, cứ ghi đi. Chính Yên dừng tay nhìn Hoàng Tùng và lại cúi xuống, ghi tiếp. Con mắt nhìn giây phút ấy đã vào bức ảnh này.

Gần đây, Tố Anh mời tôi đến dự sinh nhật chị. Tôi rủ Vũ Cận cùng đến. Chị hỏi tôi: Xưa tôi nói tại anh Chính Yên theo anh chửi Mao nên khổ, anh còn giận không?

– Chị còn bảo Chính Yên là anh còn cứ chơi với Việt gian phản động Trần Đĩnh thì gia đình, vợ con anh còn chết, Chính Yên mách tôi. Giận sao tôi lại ngồi đây.

Chính Yên ghi chép hàng ngày hàng chục năm ròng, sổ tay đến cả trăm tập, cùng một khổ giấy, đóng khâu cẩn thận. Anh mấy lần nói: “Mình nhờ Trần Đĩnh sửa cho mình và in!” Tôi nhận lời. Dặn cả con trai út anh giữ cẩn thận cho tôi. Không may, rồi hết sạch.

Những ngày cuối 1963 chờ cơn bão Nghị quyết 9 sắp phát động chiến tranh đánh Mỹ, tôi rất buồn. Đã nhờ Chính Yên viết lời mấy bài hát để tôi coi mà hát với anh trong phòng làm việc của tôi nhìn xuống mấy hiệu làm đầu Miwaco, Tân Trang Hàng Trống mưa dầm lê thê.

Si tu veux me dire au – revoir/ Fais – le demaiiỉ mais pas ce soir (Nếu em muốn nói chia tay thì để mai, chớ tối nay…)

Rồi Sweet songs of spring were sung/ And music was never so gay/ You told me you love me/ When we were young one day. (Xuân khúc ngọt ngào đã hát lên, Âm nhạc chưa bao giờ vui đến thế, Em nói em yêu anh, Hồi hai chúng mình đầu xanh).

Những tình ca chia ly nghe lúc ê chề chính trị chợt an ủi lạ. Coi Đảng như người con gái mình say đắm. Nhưng rồi nó đá mình! Mà mình thì chưa đủ đoạn tình để đá lại nó. Mết quá, muốn nức nở. Nức nở một mình, chứ không với nó. Bắt đầu biết tự trọng hơn. Là dã bớt trọng nó.

Trong biên bản khai cung năm 1968, tôi viết: Chân lý Mác Lê nay như một vòm pha lê vỡ vụn, mỗi anh nhận một mảnh và bảo đó là chân lý chung. Tôi nhìn Đảng như một quái vật hai đầu, một đầu của cô gái xinh đẹp là cuộc tống khỏi nghĩa, và một đầu nghiệt ngă, dữ dằn là Đảng hiện nay. Có khi muốn đẩy cái đầu dữ đi thì đầu cô gái mà tôi mê lại khuyên ráng chịu.