Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Đèn cù - Tập 2 / chương 19




Chương 19


Một sáng hè ở Sài Gòn, Nguyễn Văn Trung (giáo sư Triết các đại học miền Nam trước 1975 – BT) đạp xe đến tìm tôi. Mời đến nhà ăn cơm với Nguyễn Đức Nhuận mới ở Paris về thăm nhà.

Mới hôm nào Nguyễn Văn Trung mời Nguyễn Khải, tôi và vài anh em đến nhà Nguyễn Linh, phó tổng giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật nghe anh trình bày quyển sách anh mới viết về tình hình Thiên chúa giáo, Cơ đốc giáo xâm nhập Việt Nam. Anh đã nghiên cứu công phu, soạn thảo rõ ràng và viết khá hấp dẫn. Anh nhấn mạnh đến thái độ bình Tây sát tả của nhà Nguyễn, một chính sách dập khuôn Nhà Thanh. Tôi đã có ý kiến: “Anh viết khá hấp dẫn. Giá như anh nhấn mạnh hơn đến vấn đề quyền tôn giáo là một nội dung quan trọng của quyền con người. Nên đứng cao hơn nhãn quan triều vua Nguyễn”. Đến nhà Trung; thấy Nhuận, tôi chìa tay: Bonjour Van Dulik, – chào Văn Du Lịch.

– Anh biết, Nhuận cười hỏi lại?

– Viết trên Le Monde với Le Nouvel Observateur hay thế, ai lạ nữa?

Le Nouvel Observateur vừa đăng một bài của Nhuận (tôi đọc bài báo hai trang thấy quá hay) ca ngợi đổi mới cùng người hùng của nó là Nguyễn Văn Linh và chỉ ra người cản nó là Lê Đức Thọ. Ai chả thấy đổi mới là chống Lê Duẩn và Lê Đức Thọ cùng công ty. Ở Paris mà biết chuyện Thọ cản thì Đảng tất phải biết. Về chỗ này Nhuận sẽ cho thấy dưới đây.

Nhuận cho hay sau khi Hà Nội tịch thu tờ Le Monde đăng mấy tiếu lâm của anh, anh không xin được thị thực về nước nữa. Nhưng gần đây bỗng một hôm đại sứ quán ta ở Paris đến thăm. Hỏi giáo sư bận gì mà lâu nay ít về nước? Nhuận nói vì không xin được thị thực thì đại sứ quán ta kêu trời lên sao lại có chuyện lạ đó được chứ giáo sư? Giáo sư muốn về là có thị thực ngay thôi mà. Quay ngoắt này là nhờ Madeleine Riffaud đến Việt Nam đã đưa cho Nguyễn Văn Linh tờ Le Nouvel Observateur trên kia.

Có nghĩa rằng Linh biết rõ đồng chí mình cản mình nhưng im. Sợ Thọ. Và Thọ biết. Quân hầu thày tớ phải báo Thọ chuyện Linh mời Nhuận về chứ! Chung sống “hài hoà” trên cơ sở cảnh giác, nơm nớp với đối thủ sát nách và ngấm ngầm chờ thời, tạo thời là võ đầu tiên để sinh tồn của phần lớn những vị lãnh đạo ở các đảng cộng sản. Trong lúc chờ đợi ai hạ ai thì cả đôi bên đều cùng chung sức chung lòng giấu dân cái bí mật kẻo nó phanh ra thì các vị mất hết đến cả chỗ để đòn nhau. Trường Chinh ôm mộng đổi mới để chuộc lỗi với dân nhưng thua Sáu Thọ phải bỏ về ngồi nhà, việc ấy đã chấm dứt thời kỳ hai phe Trường Chinh – Lê Duẩn âm ỉ giằng co. Thọ sẽ cho Linh về theo nốt và lúc ấy đàn em Thọ sẽ lên và. Thọ thu vén sơn hà vào tay, không còn lo đứa nào chọc phá nữa. Để giữ vững vai tổng bí thư, Linh nhảy sang quy hàng Trung Cộng.

Tôi đã trò chuyện với Nhuận dăm buổi. Phải nói tôi cần cảm ơn Nguyễn Văn Trung đã tin tôi mà mời tôi đến gặp Nhuận để cùng trao đổi ý kiến về tình hình đất nước.

Chẳng hạn về vấn đề trí thức. Tôi nói ở ta không có trí thức theo nghĩa intelligentsia mà chỉ có tầng lớp thơ lại, công chức fonctionnariat của Đảng và Nhà nước được tu luyện trên ba bài bản ở đại học là sử đảng, chủ nghĩa duy vật biện chứng và kinh tế xà hội chủ nghĩa. Còn về chính trị? Ở ngoài chớ nên “giáo điều”, nghĩa là thấy thế giới có gì thì ngỡ trong nước cũng y thế. Không, Lại chẳng hạn như chính trị. Tất cả quốc sự, dân sự đều do tổng bí thư và vài ba ông chủ chốt trong Bộ chính trị quyết định. “Tổng thống Mỹ, Pháp cũng thế”, Nhuận nói. “Nhưng ý kiến của tổng thống lại phải được hạ viện, thượng viện rồi Quốc hội thông qua”, tôi nói, còn ở Việt Nam chỉ có cây kiểng. Hay chẳng hạn kinh tế. Kinh tế Việt Nam là loại đặc biệt, què quặt, bất toàn, sơ đẳng, lạc hậu, nó chỉ chạy phập phù để tự túc tự cấp lấy một phần còm nào còn đời sống đất nước chủ yếu trông vào cưu mang của bên ngoài. Một ông chủ là đảng quản lý bao la bát ngát hết toàn hộ dây chuyền sản xuất, phân phối, tiêu thụ của xã hội. Tất cả sức lao động đều là người làm thuê rẻ mạt của ông chủ. Từ lúc Marx còn sống Proudhon đã nói chủ nghĩa xã hội của Marx sẽ biến người lao động thành nô lệ hay tài sản gì đó của Nhà nước, tôi nhớ hình như thế có phải không anh Nhuận, anh Trung, các anh xài sách hơn tôi? Tóm lại, một nền kinh tế không tư hữu, không hàng hoá, không thị trường, không giá trị ngoài giá trị sử dụng xoàng xĩnh, được chăng hay chớ như bao diêm đánh bẹp cả hộp mới cháy cho mấy que. Nhưng lại nên thấy chất lượng hàng tiêu dùng đã góp phần nhào nặn nên chất lượng con người, tôi nói ở nghĩa phẩm giá, nhân cách. Con người cũng sẽ giống như bao diêm trăm que chỉ cháy một que. Mỗi người làm thuê cho ông chủ Nhà nước nhận một phần tem phiếu quy định mỗi tháng được hưởng bao nhiêu nhu yếu phẩm phân phối. Thí dụ sáu bao diêm (bị móc vơi mất gần nửa vì gian giảo là thuộc tính trời sinh của thứ kinh tế tạo ra bằng những kẻ đói ăn, thiếu mặc nên quay sang tháu trộm lại của Nhà nước). Thí dụ mạt cưa và củi mua về đốt lò nấu cơm thì ướt dề dề vì nhà mậu rẩy nước vào cho nặng cân. Thí dụ nước mắm pha nước lã, đậu phụ trộn thạch cao. Nhà nước độc quyền mọi sản vật, nhất là lương thực. Nông dân với tư cách xã viên làm việc láy công điểm, công điểm được ban chủ nhiệm quy ra thóc và tiến trình dẫn đến: “Mọi người làm việc bằng hai, Để cho chủ nhiệm mua đài, mua xe”. Tóm lại, một phương thức sản xuất mới nhất vì nó lạ lùng nhất, kinh hoàng nhất, lịch sử chưa hề nếm qua. Nhưng điều đáng chú ý hơn nữa có lẽ là chất lượng hàng tiêu dùng đã góp phần nhào nặn nên chất lượng con người, tôi nói ở nghĩa phẩm giá, nhân cách. Con người cũng sẽ giống như bao diêm trăm que chỉ cháy một que, sống điêu sống gian, sống vờ, sống giả.

Nhuận có nói chuyện với uỷ ban nhân dân thành phố. Anh bảo vấn đề có lẽ làm các vị lạ và khó chấp nhận là dân số sẽ tập trung vào vài thành phố. Hình như các vị cho rằng ngược lại, quy luật mác-xít lại đòi phát triển nông thôn lên ngang thành phố!

Một sáng trên đường Duy Tân, trước mặt Nguyễn Văn Trung, Nhuận mời tôi cùng anh làm một chuyến du lịch xuyên Việt, hết chuyến anh lại đưa tôi về lại Sài Gòn. Tôi thật tình cảm ơn anh nhưng xin kiếu. “Anh được về nước để có thể viết bài cho báo Pháp là rất quan trọng, vậy ta nên bảo vệ cái đó. Tôi cặp kè xuyên Việt suốt với anh thì e không hay”. Nhuận hỏi tôi ra Hà Nội nên gặp “xét lại” nào. Tôi lại nói cố giữ thị thực cho các lần về sau. Nay ra Hà Nội anh có thể gặp Trần Dần, Lê Đạt… vừa được tháo khoán phần nào.

Nhuận ra Hà nội không gặp ai. Chắc đã thấy tín hiệu.

Không ngờ 2010 tôi lại gặp Nguyễn Đức Nhuận. Ở Câu lạc bộ Cà phê Thứ bảy. Dương Thụ mời tôi dự đều như khách đặc biệt. Tôi đã đến bắt tay Nhuận, chào tác giả Những câu chuyện không thật ở Việt Nam trên Le Monde. Rồi kể với anh chị em ở đó chuyện cách đây hơn hai chục năm Nguyễn Đức Nhuận thình lình được vời về nước sau bao năm cấm bặt vì mấy chuyện tiếu lâm anh đăng trên Le Monde (có kể sơ lại mấy tiếu lâm đó nó thế nào) rồi chính lại nhờ một bài báo anh tố cáo Lê Đức Thọ ngăn cản Đổi mới cũng như ca ngợi Nguyễn Văn Linh đổi mới mà được “bị động” mời về ra sao.

Nói xong chợt thấy té ra tôi đã ôn lại một đoạn lịch sử chất chứa đầy trò cười ra nước mắt. Và vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Đất nước đã mắc phải một giống vi trùng có tên gọi tính đảngnó kháng lại mọi yêu cầu tử tế của con người.

***

Đi thăm Trần Châu thoát chết lần thứ hai về, tôi mừng quá đến ngay nhà Minh Việt để rủ anh đi cà phê sáng. Con rể anh báo anh bị xuất huyết đi cấp cứu ở bệnh viện và hiện đang hôn mê. Tôi rụng rời. Gan đã từng cổ chướng mà nay xuất huyết và hôn mê. Tôi đạp xe vòng qua cổng bệnh viện nhưng không vào, sợ thấy sự thật hãi hùng. Bèn cứ vào nhà Gia Lộc nghe ngóng.

Rồi Minh Việt chết. Đúng ngày 29 lấy làm 30 Tết. Anh phải chờ một mình trong nhà lạnh hết ba ngày Tết mới được đi ra khỏi cái mặt đất nhiều tội lắm nợ với anh

Đám tang anh ở nhà tang lễ Việt – Xô. Đông bè bạn và bắt đầu đã có nhiều tiếng khóc, những tiếng khóc như còn mang nếp vụng trộm râm ran lan rộng đi dần dần. Tiếng cán các con chim ra ràng khe khẽ tập bay. Vào luồng thương xót một nạn nhân đau khổ.

Tôi như bị liệt. Không đi bờ hồ hằng chiều nữa. Bờ hồ, vườn hoa Nhà kèn, vườn hoa Con cóc, đê và bãi sông Hồng, tít lên tới Nhật Tân (đồng đất mênh mông mà đi vào cứ ngỡ trở về nguồn về cội)… nhiều năm là chỗ Lê Đạt và tôi đều đặn dạo bước. Ở tù về, Minh Việt nhập bọn. Gần đây cái ghế đá trông sang Câu lạc bộ Thiếu nhi khống đủ chỗ thì ngồi ra đất và đứng. Sau này Lê Tự, tổng giám đốc su-pe phốt phát Lâm Thao một dạo cũng quần soóc trắng, tóc trắng lòng khòng, nhấp nhổm từ xa đã cười cười đi đến.

Xin nói thêm. Từ 1969, vùng này Lê Đạt và tỏi di như cơm bữa, có khi ngày hai ba lần. Một dạo, Lê Đạt còn sáng sáng đạp xe vào đón tôi ở tận đầu Núi Trúc, Ngọc Khánh – những chỗ bà con Cổ Nhuế đêm vào thành lấy trộm phân ở các nhà xí hai ngăn về vẫn đỗ “tập kết” đầy ở chỗ nay là cổng đại sứ quán Thuỵ Điển – để “dạ, xin rước anh đi làm ạ!” Những cuốc đi bổ ích cho cái chữ.

Chuyện đến chữ nghĩa, tôi thường rất bốc. Nghĩ tới người ta nói Picasso thiên tài ở chỗ đã bắt được hai mệnh lệnh của thời hiện đại là gẫy vỡ và sáng chế nên ông tự tóm tắt là “đặt mắt vào giữa hai đùi và bộ phận sinh dục lên mặt!” Gẫy vỡ và sáng chế đến thế! Vậy tôi cũng phải sáng chế. Tuyên ngôn xưng xưng lên với Đạt: Thơ là cho hai hành tinh xa lạ làm một cuộc hôn phối lóe sáng rồi đến đăng ký hộ khẩu thường trú ở trong thế giới xúc cảm của con người. Thơ là tiếng Nghệ trọ trẹ hay là nói nhịu vô thức tiếng Hà Nội. Wiliam Yeats nói rồi đó: Tranh luận với người là hùng biện, éloquence, nhưng tranh luận với chính mình thì là thơ! Tôi cũng bảo thơ Đường chính là một kiểu gá lắp cấu trúc các modules, – các cục tổ hợp có sẵn rất quen thuộc về đề tài nhớ bạn – gồm cả mỹ nhân, nhớ quê, chia li, nhân sinh, về hình tượng cũng như các cục từ tổ để cho nhà thơ gá lắp. Gá lắp giỏi thì bài thơ thành một tác phẩm độc đáo, mới. Không thì cóp-pi vô duyên người làm trước.

Minh Việt chết, tôi bỏ hẳn những chuyến đi. Sợ người bạn bị tước mất quyền dạo chơi xôn xao phố sẽ buồn.

Có một câu chuyện về hai vị thống đốc ngân hàng quốc gia mà qua Minh Việt tôi được nghe kể không lâu trước khi anh chết. Một chiều Minh Việt và tôi ngồi ở ghế đá vườn hoa Con cóc thì Tạ Hoàng Cơ ngồi xuống thăm hỏi Minh Việt. Lan man chuyện, Cơ kể là trước đây anh có một cửa hàng guốc ở Hà Nội, thuê dăm ba người thợ. Cách mạng vô sản đã đưa anh tiểu chủ đẽo guốc làm tới tổng giám đốc ngân hàng. (Cũng không khó vì ngân hàng vô sản chỉ là một kiểu két bạc). Rồi về hưu. Lương còm, thiếu thốn, anh đành xoay xở thêm. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, lại nhào vào nghề guốc. Khốn là nay anh làm thợ đẽo guốc, sơn guốc cho một cửa hàng gần Hàng Điếu. Cơ cười hơi tự riễu: Không ngờ đời tôi lại quay về nghề guốc. Có điều trước kia là chủ, nay là thợ, thợ già. Minh Việt nói, thì chúng ta giải phóng cho công nhân lên ngôi chủ mà anh vẫn cứ là chủ thì chẳng hoá ra cách mạng của anh công cốc ư?

Ít lâu sau, cũng tại cái ghế xi măng nhìn sang Ngân hàng Nhà nước ấy lại gặp Lê Viết Lượng, cũng một tổng giám đốc Ngân hàng quốc gia về hưu. Anh vừa ở Sài Gòn ra. Khoe chỉ ba ngày Tết vừa rồi anh kiếm có tới bao nhiêu vạn đồng.

– À, coi xe ở vườn hoa Tao Đàn. Trong kia, anh thấp giọng giải thích, là thuộc địa cũ của Mỹ cho nên họ quen ăn chơi rồi, Tết đến xe gửi cứ là bạt ngàn.

Minh Việt lại đùa, nhờ thuộc địa cũ của Mỹ mà về hưu anh vẫn được là đày tớ của dân nhưng khác là nay anh chuyển sang lao động chân tay thì thù lao lại bộn.

Những kỳ tích kiểu hai ông trên đây lẽ ra đảng nên tuyên truyền nhiều không kém các chiến công vang dội trên chiến trường. Đúng là cách mạng rất thạo đổi đời con người.

Minh Việt bệnh trọng giữa lúc đất nước đang chìm sâu vào khủng hoảng. Món bồi dưỡng duy nhất cho anh, người cổ chướng: phở thúng. Anh đã đưa tôi đến Hàng Mắm ăn nó. Lẽ ra chỉ được một bát thì ăn phở thúng được hai, anh cười hiền lành nói.

Tôi không thể quên ngày Minh Việt mới ở Chợ Thắng, Hiệp Hoà hết hạn quản thúc về. Tôi đến tìm anh. Chúng tôi tíu tít bá vai nhau đi mà thấy quãng hè Ngô Quyền trước nhà Trần Vĩ, chủ tịch Hà Nội sao mà thênh thang thế!

Minh Việt nói, đúng sai thế nào khoan bàn, chỉ biết mấy chục đứa chúng mình đã dám đứng giang tay ra hét lên với đoàn tàu đang tốc hành lao nhanh xuống vực rằng: Đứng lại!

– Chiến tranh thì là vực thẳm quá đi rồi, tôi nói và bất giác đọc hai câu thơ Vũ Hoàng Chương: Một ánh dao bay ngàn thuở đẹp, Dù sai hay trúng cũng là dư.

Đúng, dù bị thất bại nhưng ngăn một cuộc chiến tranh không cần thiết cũng là dư rồi.

Tôi nhắc lại một sáng, trước khi Minh Việt bị bắt chừng một tháng, tôi đi bộ từ Lò Sũ quặt ra Hàng Vôi để đến anh thì thấy anh đi bộ từ Ngô Quyền lên. Mừng quá, tôi nhe răng cười toan đi đến thì anh khẽ lắc đầu, mắt liếc lại phía sau. Hôm ấy tôi vừa cụt hứng vừa ngờ vực vừa lo âu, mặc dù bản thân từng là đối tượng đeo bám. Chả lẽ phó bí thư thành uỷ Hà Nội, tuy sau Nghị quyết 9 vừa mới bị điều sang Bộ công nghiệp nặng, mà…?

– Muốn gì thì nay so với cái sáng ấy đã khác xa lắm, đúng không, tôi hỏi? Nghĩa là ta đã có thể cho hy vọng nó le lói lên ở trong ta! Bảo thủ đã húc phải tường, ông xem Indonesia hiện vẫn giam tù cộng sản họ quét sạch từ 1965.

Rồi tôi bỗng sôi nổi quàng vai Việt: “Lúc này tôi đang muốn gọi to lên: Đây, ở ngay trước thành uỷ bọn tôi đang nói đất nước đã cựa mình, dân đã nhìn thấy vì đâu ra nông nỗi!”

Trong lúc khai cung, Minh Việt bị vặn dữ nhất chuyện đầu năm 1965, thủ tướng xét lại Liên Xô Kossyghine đầu hàng Mỹ sang Hà Nội đã lén cho Minh Việt vào đại sứ quán để bàn chuyện chống Việt Nam và Trung Quốc như thế nào. Nói sao cũng cứ nhất định là anh đã gặp thủ tướng xét lại, có bằng chứng cả đây nhưng muốn để cho anh có dịp thành khẩn. Đành khai bừa là gặp. Có tiệc chứ? Có tiệc. Tiệc to không? To. Ăn uống những gì? Việt cố nhớ lại những thứ đã ăn ở Liên Xô và những thứ đã đọc thấy trong sách Nga để khai cho ra một đại tiệc. Trong khi ăn thì nói những gì? À, chỉ nói là Liên Xô cần viện trợ nhiều để Việt Nam đánh Mỹ và như thế sẽ kéo được Việt Nam ra khỏi khống chế tuyệt đối của Mao. Thấy chúng nó nghe thế nào?… À, có vẻ nghĩ ngợi nhưng im lặng.

Theo hồi ký Anatoli Dobrynin (đại sứ Liên Xô qua sáu đời tổng thống Mỹ) thì đầu 1965 Kossyghine sang Hà Nội để viện trợ tên lửa SAM. Nhà ngoại giao kỳ cựu này viết rõ rằng lúc Việt Nam nổ chiến tranh với Mỹ, Liên Xô “không hề biết chút nào hết đồ chiến tranh của Bắc Kinh và Hà Nội”. Tức là thanh minh Liên Xô chúng tôi không hề gây chiến. Nhưng rồi tụi tham chiến dữ dằn để cũng góp súng chia phần song ông không nói ra.

Tù 1987, Phúc Thổ Thần, nguyên thường vụ thành uỷ, trưởng ban tổ chức thường hay mò sang nhà Việt mỗi khi thấy tiếng chúng tôi chuyện trò. Nói: “Nghe các ông, tôi thấy tôi đúng là bị bịt mắt, chẳng biết cái gì hết”. Tôi nói: “Thì V. I., thư ký của một cụ đại cốp bảo Chính Yên và tôi rằng họp Bộ chính trị chỉ có ba ông chủ chốt nói còn gần như im và… thiu thiu ngủ”.

Một hôm Phúc bảo tôi: Nhưng chắc chắn có một điều anh không biết là ai xui chị dâu anh bỏ anh Trần Châu. Chính ông Sáu Thọ! Tôi trưởng ban tổ chức thành uỷ nên biết.

Minh Quang bèn nói: Thì ông ấy khuyên cả tôi với Tuyết Minh, vợ Lê Vinh Quốc bỏ chồng cho có tiền đồ mà… Tôi mà bỏ anh Minh Việt thì tôi được thứ trưởng ngay.

Phúc Thổ Thần cạnh buồng bắt đầu lui tới. Tôi bảo Minh Việt: Cái boong ke giấu sự thật bắt đầu lòi cốt tre ra. Sự thật phơi bày thì hết độc tài toàn trị!

Nay cả Trần Vĩ cạnh nhà Minh Việt cũng thôi lảng tránh. Một sáng tôi đến thì Minh Việt bảo chờ, anh ra ngoài hè mua hành về ngay. Nhoáng sau, trở về, anh giơ cái túi lưới bằng cước ni lông Liên Xô lên hỏi tôi: “Vừa có chuyện gì ông có đoán được không? Trần Vĩ. Trước kia Vĩ với tôi cũng như ông với tôi bây giờ, ngày vài ba bận thì thào. Thế rồi một hôm Vĩ bảo tôi Vũ Tuân mới được gặp ông Sáu Thọ, ông Sáu Thọ nói cậu này nó có xét lại xét đi gì đâu, cứ nói oan cho nó và sau đó Vũ Tuân vào Trung ương. Ít lâu sau, Trần Vĩ được Thọ gọi đến và thế là lại vào Trung ương kiêm chủ tịch Hà Nội. Có điều từ đấy Vĩ tìm mọi cách tránh tôi. Tôi biết ý cho nên hễ thấy Trần Vĩ trước mặt thì đều đi vòng xa đường đất ra cho Vĩ đỡ lúng túng”. Minh Việt hỏi tôi: “Vừa rồi mua hành về, thấy Vĩ đứng trước nhà, tôi cũng đi vòng thì ông biết sao không? Thì Vĩ tới huých vào tôi một cái hỏi: – Đi đâu đấy? – À, đi mua hành”.

Thật là thảm. Bao nhiêu năm trời, bạn bè tâm giao cũ trao đổi lại với nhau được bốn chữ: À, đi mua hành.

Rồi Minh Việt chết.

Cuối những năm 80 Lê Đạt làm một trường ca trong có một đoạn về Minh Việt:

Qua T. Đ. tôi biết M. V. 
Một những V. I. P1 cái thiên hạ quen gọi 
Nhóm chống đảng vừa tù về… 
Thằng Nhân Văn, thằng chống đảng tù đày
Lòng thổi bận tuổi gió đều Tháng Tám mộng hồng cờ đỏ phố truyền đơn
Thuở cách mạng chưa lành nghè thưa bấm 
Dép lốp trường kỳ gối chửa biết đi 
Lý tưởng chưa ăn theo vần thủ trưởng
Nói và làm, Tôn Thất Thiệt chửa chia hai
Tiền Cụ Hồ, Thảo Mai chưa phá giá

Lê Đạt tặng Minh Việt khổ thơ này. Đề: “Tặng Minh Việt thời Việt Minh”.

Trong xà lim biệt giam, Minh Việt nuôi một con gà. Chủ buồn đi bách bộ, ba mét dọc, một mét ngang. Và chủ lạ, hễ anh đến gần con gà, nó lại nằm ẹp xuống. Ngỡ nó như chó, nịnh chủ. Mãi mới hay con gà này mái, nó ngỡ – và chắc cả có mong – Minh Việt là con đực sắp đạp mái nó. “Thế mà mình cũng học được ở nó đấy. Hãy sống tự nhiên dù ở đâu”.

Tôi kể cho Minh Việt chuyện hai tù xét lại cùng chuyển trại tuy ở hai nhà giam khác nhau. Khi ra xe, một thằng thấy một oan hồn ngơ ngác, gây guộc bèn gật đầu chào rồi khẽ hỏi anh là ai. – “Trần Châu, còn anh?” – “Ôi Châu, Kiến Giang đây”. Hai bạn mới hai năm xa cách mà đều thấy nhau dị hình quái hết. Hai đứa vừa kịp ôm lấy nhau thì còng số tám ngoạm đánh chát vào cổ tay hai người rồi giải xuống phà qua sông Hồng về Ba Sao Hà Nam giữa thời bom đạn. Phản đối. Máy bay nó bắn thì chúng tôi làm thế nào? Không biết, đây là kỷ luật. Trên xe, mỗi thằng một cũi sắt đứng đấy, ra ngoài phải còng.

Phan Thế Vấn và Hoàng Thế Dũng bị nhốt trong cũi đứng trên xe hơi. Qua phà, vẫn cứ trong cũi.

Chuyện Phan Thế Vấn bị bắt khá kỳ quặc. Công an đến bắt Kỳ Vân thì gặp anh ở đó săn sóc cho bạn cái nhọt. Thế là tiện thể bắt luôn.

Thêm một chút về bố Vấn. Ông mở trường học ở Lamblot Hà Nội, mướn Trường Chinh, bạn học ở college Nam Định, không biết Trường Chinh đã cộng sản. Trường của ông đi diễn kịch ở Đông Triều lấy tiền tế bần cứu đói. Trường Chinh xúi giỏi thế nào mà ông ra diễn thuyết mở đầu bằng tiếng Pháp tuy rất run.

Những lúc chuyện với Việt về hai “oan hồn” chung còng số tám qua sông, con gà chờ đực đạp mái và Vấn bị nạt không là đảng viên sao dám thư lên tổng bí thư và đòi nói chuyện luật với đảng… tôi thường thấy cay mắt và thường vởn lên trong tôi mấy câu:

Cuộc đời nước mắt gương soi,
Gian nan là nợ anh hùng phải mang.

Và như cùng một bài thơ, thế nào cũng đọc tiếp hai câu của Vũ Hoàng Chương lần đâu tiên tôi nghe Nguyễn Sơn ngâm trong campus Bắc Kinh đại học.

Học làm Trang tử thiêu cơ nghiệp
Khúc cổ bồn ca gõ hát chơi.

Anh chị em đều kiên cường, bền bỉ. Hình như mình tôi, bên cạnh cái chí cố giữ gìn cương thổ nhân phẩm của mình không cho nó biến hình hay sứt mẻ vì tay kẻ khác, tôi cứ thấy mang máng trong tôi một vùng hư vô nó hay rủ gạ tôi thiêu cơ nghiệp, cái cơ nghiệp đã nhỏ con lại dựng trên sa mạc. Nhưng chính cái vùng mang máng ấy cũng lại đã giúp tôi sống tử tế. Nôn ọe vào tất cả. Có lẽ sẵn một gien hư không trong tôi. Cùng gien bướng. Họ chửi tôi láo, tôi càng láo. Với họ thôi. Theo họ đế mà rồi mất toi cái thằng mình nó vốn là của rất quý báu với mình ư?