Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Đèn cù - Tập 2 / chương 54




Chương 54


Nghĩa tử là nghĩa tận. Tôi thấy cần đưa chung vào đây vụ án giết mười mấy cán bộ đảng viên cuối 1947, đầu 1948, trong đó có bố vợ tôi, ông Hồng Tông Cúc. Chính cựu giám đốc Tổng nha công an Lê Giản, người phụ trách của họ thời đó, cũng xin minh oan qua con đường pháp lý chính thức. Như Nguyễn Trung Thành đã làm trong trường hợp chúng tôi vậy.

Tháng 6 năm 1992, Lê Giản gọi đưa tôi xem cái đơn anh gửi Ban chấp hành trung ương đảng đề nghị lập một tiểu ban xét lại vụ giết oan mười mấy cán bộ và đảng viên Trung Quốc trong đó có Hồng Tông Cúc, bạn anh và là bố vợ tôi hồi cuối năm 1947.

Đơn – mười một trang lớn – viết tỉ mỉ, xúc động. Theo đó thì chính Lê Đức Thọ sau Cách mạng tháng Tám đã trao những anh em này cho Lê Giản để tổ chức một nhóm công tác đặc biệt trực thuộc Lê Giản. Nhóm có quỹ riêng và chỉ làm việc với mình Lê Giản. Rồi Lý Ban xuất hiện. Nhóm trưởng Ngô Kỳ Mai (hay Ưng Khầy Mùi) cùng tù Sơn La với Lê Đức Thọ thế nào rồi hoá thành đặc vụ Tưởng Giới Thạch. Lan cả sang Xìn Xí Pô, cố vấn quân sự Trung Quốc phái sang ta, cũng tù Sơn La với Thọ. Trong hồi ký Một cơn gió bụi, trong bảy “yếu nhân” Việt Minh, Trần Trọng Kim nêu ra có Pô cùng với Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Bùi Lâm. Ở Sơn La, Ưng Khầy Mùi và Xìn Xí Pô đã dạy tù cộng sản hát Xên Xên – Tiến lên, quốc ca Trung Quốc sau này. Họ phần lớn là bạn cũ của Lê Giản. Riêng Ưng Khầy Mùi còn kết nghĩa anh em. Ưng Khầy Mùi và Hồng Tông Cúc lại thân hơn một nấc nữa: đổi tên cho nhau.

Năm 1947, Pháp đánh Việt Bắc, nhằm đúng căn cứ địa trung ương, Lê Giản bận bảo vệ Trung ương và Hồ Chủ tịch chạy giặc, đã gửi anh em tổ đặc nhiệm này ở ty công an Tuyên Quang của Nguyễn Văn Luân. Tình cờ ghé qua ty, nghe nói có họ ở đây, Lê Đức Thọ đã lệnh giết. (Lê Giản, khi nói với tôi đã hất đầu, bắt chước động tác ngụ ý thủ tiêu của Sáu Thọ mà Nguyễn Văn Luân làm lại cho anh xem). Đều mất xác. Bố vợ tôi – Hồng Tông Cúc, lúc ấy ba mươi tuổi.

Trong đơn Lê Giản viết một câu nói lên hết nỗi lòng anh: “Khi tôi quay lại đón anh em thì như “sét đánh ngang tai”, anh em đã “bị thủ tiêu hết”.

Năm 1951 hay 52, vẫn đơn viết, một đoàn cán bộ Đảng cộng sản Trung Quốc sang tìm hiểu vụ này, Lê Giản đã gặp họ, trình bày rằng các anh em đó bị thủ tiêu oan. Đoàn Trung Quốc nghe chăm chú. Lê Giản hy vọng vụ án sẽ được làm sáng tỏ nhưng rồi mọi sự lại rơi vào im lặng. Lê Giản đành nuốt hận một mình, từ nay anh không được phép thổ lộ với ai. Tôi cho rằng Trung Quốc thấy đã có Lý Ban rồi thì cho qua – Lý Ban là tỉnh uỷ viên Quảng Đông hoạt động ở Trung Quốc măỉ cho tới cuối 1945 nên đáng tin hơn số anh em kia – nhưng Lê Giản nói chỗ này anh không biết.

Tôi đánh máy rồi photocopy nhiều bản trao lại Lê Giản, nói rất cảm ơn anh. Lê Giản nhăn rút mặt lại đấm mạnh tôi một cái nói: “Tao đã đau khổ quá mà mày lại cảm ơn!” Tôi ngỡ anh bật khóc.

Văn phòng trung ương báo anh là đã nhận được đơn, sẽ nghiên cứu. Báo tôi, Lê Giản lắc đầu: Thế này là sang bước om tép ngâm tôm đây… Còn biết làm sao nữa bây giờ?

Hệ thống chân rết Sáu Thọ chăng lên bao la rồi. Phận kẻ bị oan nhỏ như con sâu cái kiến làm sao mà chòi tới được công lý, cái thứ vốn bị đáng coi là xấu xa, phản động của chế độ tư bản.

Đơn Lê Giản đề nghị minh oan cho hơn mười cán bộ đảng viên Trung Quốc là có cả ý kiến của thiếu tướng Nguyễn Văn Luân, nguyên trưởng ty công an Tuyên Quang thời thủ tiêu nhóm đặc nhiệm. Luân nhiều lần ngùi ngùi bảo tôi: Lương tâm và trách nhiệm của bọn tôi là phải xin minh oan. Luân và Lê Giản đã lên lại tận nơi các anh em kia từng bị giết. Nhưng nay nhà cửa phố xá đầy đặc cả rồi, không nhận ra nổi địa thế xưa nữa, Luân cho tôi hay.

Tháng 2-1998, Lê Giản lại làm giấy chứng nhận ông Hồng Tông Cúc là cán bộ hoạt động bí mật của Nha công an “bị mất tích trong đợt tập kích của giặc Pháp đánh lên Tuyên Quang tháng 10 năm 1947”, và đưa cho con cháu của ông Hồng Tông Cúc giữ cho địa phương đỡ quấy quả.

Lê Giản và Nguyễn Văn Luân, quan chức kỳ cựu ngành công an thường bảo vợ chồng tôi: Minh oan cho các đồng chí ấy là chúng tôi làm theo đúng lương tâm người cộng sản.

“Vậy thì hai anh đã công nhận rõ rằng người phụ trách đảng cộng sản là không có lương tâm”, tôi thầm nghĩ. Và thương cho hai anh còn tin vào hai chữ lương tâm thấp cổ bé họng trong chế độ này.

Mà ngay đến Lê Giản thì nông nỗi nào cũng có ít lênh đênh.

Một hôm đến anh, tôi thấy anh giập giập xoá xoá, thuật lại thời kỳ bị tù ở Madagascar được quần Anh giải phóng khỏi nhà tù Pháp, huấn luyện công tác tình báo như lấy tin, truyền tin, mật mã, điện đài rồi thả dù xuống Việt Bắc để tìm Việt Minh theo nguyện vọng của các anh. Với quân lính Anh thì miễn là sẵn sàng đánh Nhật, ngoài ra chuyện vặt hết. Đảng lúc ấy người hiếm của kiệm nên tin ngay các anh. Nhưng nay người ê hề, chế độ phải ngặt nghèo, đảng cần xét kỹ quan hệ cửa các anh với đế quốc đề xem có đáng được cấp huân chương, trợ cấp không. Có thể tin cậy kỹ thuật tình báo các anh học của chúng nhưng bụng dạ các anh, đảng phải cảnh giác. Tôi thật không ngờ đến giữa những năm 90, đảng lại lôi chuyện xưa ra bắt các anh từng được đảng tin dùng mãi phải lận đận giãi bày tấm lòng son, một việc làm nếu biết suy nghĩ sẽ thấy là hết sức nực cười, lố bịch, ừ, nhưng mà biết thế nào được! Nhân dịp khai lý lịch lấy tiền trợ cấp này có khi lại lòi ra chuyện man trá.

… Có một chuyện tình cờ rất hay: Không hề bàn với nhau, trong thời gian Lê Giản gửi đơn, Lý Bạch Luân, tức Lý Nguyên Cát, cựu bí thư Yên Bái, cựu phó bí thư và phó chủ tịch Quảng Ninh cũng gửi Trung ương một đơn xin minh oan cho Hồng Tông Cúc, với tư cách bạn thân thiết của Hồng. Bằng vào quan hệ lâu ngày, Lý khẳng định những anh em bị thủ tiêu oan đều là người trung thành với cách mạng. Theo Lý, đây là một vụ giết người oan trái do một cá nhân ra lệnh, không có xét xử của đảng. Không cả ai luận tội kết án.

Lý Bạch Luân viết: “Tôi đã định nhiều lần nói ra nhưng lại sợ không hay cho uy tín của đảng nên đành im cam chịu một mình. Tôi đã bao đêm không ngủ nghĩ tới các đồng chí bị giết oan cùng gia đình vợ con họ không còn đâu nương tựa”.

Cuối 1948, Lý viết tiếp, trên đường công tác qua Hoa kiều vụ Liên khu 10, tôi thấy ở đấy có hai cháu bé giống Hồng Tông Cúc quá bèn thăm hỏi rồi đưa về Trung đoàn 98 của tôi hoạt động tiễu phỉ ở Đông Triều, Đồng Vành, Bến Tắm Hải Ninh. Cháu Hồng Linh là chị, lúc này lên mười, đứa em Hồng Phong lên tám. Ba đứa em dưới đều cho làm con nuôi.

(Linh kể lúc mới làm “bộ đội” nhớ mẹ đau quặn bụng, không đi nổi cứ ôm bụng ngồi sụp. Có lẽ vì thế mà bảy chục tuổi từ giã cõi đời liêu xiêu vì ung thư, hay chính mối oan chính trị này di căn sang cơ thể). Trước đó mấy mẹ con theo bà con người Hoa lên tận Quản Bạ, Đồng Văn, Mã Pì Lèng, Cổng Trời, Lũng Cú. Mẹ kiết lị nặng, chỉ nằm – mà may vẫn sống sót; chị cả bảy tám tuổi ngày ngày đi bắt ngoé nhái về để mẹ thịt cho lũ em từ một tuổi rưỡi trở lên ăn. Rồi những ngày theo bộ đội tiễu phỉ, nhìn bộ đội mổ bụng phỉ lấy gan nhai sống, những tối cố nhớ xem hôm ấy trong lán có ai coi vẻ tươi tỉnh với mình thì lén đến chân giường người ấy mượn tạm dép ra suối rửa chân. Đoạn suối này hổ đã vồ mất mấy anh bộ đội. Có lần qua vùng “bà ngoại” tản cư, xin phép về qua thăm. Bà (thật ra là “xaipua”, sai bà, – bà giúp việc lâư đời trong nhà) ho lao được dân cho lên ở một cái lán. Đứa cháu dưới chân núi ngửa cổ gọi mãi bà: Bà đi giặt thuê. Lại cắm đầu chạy đến hơn cây số mới đuổi kịp đơn vị. Linh không biết là bố bị giết ở đó, mẹ nay làm cấp dưỡng ở ty công an Tuyên Quang, cái cơ quan đã giết chồng mình, và “bà ngoại” ở lại chỗ có xác ông chủ cũng chết, mất luôn tăm tích. Nghĩa là có thể bố đã nghe thấy tiếng đứa con gái gọi bà… Cả một tuổi thơ gian truân lặng lẽ tha một quả núi đen ngòm ở trong đầu: Bố nó đặc vụ bị ta thịt. Hầu như câu “bố nó đặc vụ bị ta thịt” là tiếng nổ duy nhất sớm chiều vọng lên làm nỗi kinh hoàng nhật tụng trong lòng đứa bé phải gánh chịu oan bố, không người an ủi. Thế mà đứa bé đã không sa vào cái vực đốn mạt là nịnh hót, cầu cạnh xin một con mắt đỡ đần. Thế này là “tuổi thơ rên thầm” phản diện bên cạnh “tuổi thơ dữ dội” chính diện đấy Phùng Quán nhỉ? Một đằng dữ dội vì chiến đấu cho chính nghĩa, một đằng câm lặng vì ở phe phản động. Bốn năm sau, 1952, Linh cũng không biết mình đã trở lại trung đoàn 98 múa hát liên hoan sau trận đánh Mộc Châu. Lúc ấy Vũ Lãng mới về phụ trách 98. Và tôi thì lần đầu tiên gặp Hồng Linh ở đó, cô văn công mười bốn tuổi, cạnh các chị Thuỳ Chi, Song Ninh)…

Trở lại đơn Lý Bạch Luân. Cuối đơn ông viết: “Là một đảng viên cộng sản Việt Nam, tôi cả đời hoạt động cho cách mạng Việt Nam, nay đã gần chín chục, tôi xin Trung ương trước hết vì sự trong sáng của đảng, vì kỷ cương và công bằng xã hội và vì quan hệ Việt Trung lâu dài, hãy minh oan cho vụ án”.

Lý viết thư này ở thị xã Quảng Yên. Ông đã bị xúc đi khỏi Hòn Gai, bất chấp là đảng viên từ 1930 và bí thư tỉnh, ông còn nhẹ nợ, không phải như Lê Giản viết tường trình vì sao lại được tình báo Anh chọn huấn luyện và rồi lại về Việt Nam? Lẽ ra ông cũng phải viết vì lý do gì mà Trung Cộng lại cho ông sang Việt Nam chứ nhỉ?

Tôi chắc khi đơn tâm huyết của mình không ai đếm xỉa mà cứ phải nghe những pháp chế, công bằng, đạo đức, văn minh thì Lê Giản, Lý Bạch Luân dứt khoát cũng thấy mình đã vớ phải một cha đại bịp lăm lăm một khẩu súng sẵn sàng nhả đạn ở trong tay.

Hồng Phong, em dưới Linh, rồi định cư ở Canada. Trong bữa ăn li biệt Lý Bạch Luân, người cưu mang Phong cho đến trưởng thành, Phong nói: “Bố mẹ chúng con rồi chúng con đều tuyệt đối tin cách mạng, theo cách mạng, ông cũng thế. Nhưng rồi chúng con tan nát, ông thì bị hắt hủi đến xó này. Ôi, con thật tình sự cách mạng quá rồi, sao cách mạng lại chỉ thích đầu rơi máu chảy, thù hận nghi ngờ và tiêu diệt?”

Năm 1997, Lý Ch., một người Việt gốc Hoa cho tôi quyển Một đời Ngô Kính Nghiệp của Ban nghiên cứu lịch sử đảng tỉnh uỷ Quảng Đông xuất bản tháng 3 năm 1990. Theo sách này, Ngô Kính Nghiệp từng “bị tù với Hồ Chí Minh và từng là thư ký chính trị của Hồ Chí Minh”. Ông ở trong số người bị giết nói trên. Vợ con ông trốn được về Trung Quốc do đó Đảng cộng sản Trung Quốc đã minh oan, bình phản tuyên dương cho ông. Nhắc đến tên Ngô Kỳ Mai (Ưng Khầy Mùi), Hồng Tông Cúc, cuốn sách đã vạch tội “Việt Cộng thủ tiêu oan các đảng viên chân chính của Đảng cộng sản Trung Quốc mà đến nay vẫn chưa phục hồi danh dự”, Nay kéo Việt Nam, Trung Quốc lại lờ. Như đã lờ sau khi nghe Lê Giản trình bày vụ án oan thảm khốc. Quyển sách kể đủ tên 13 người “bị Việt Cộng bí mật hành quyết” gồm: Ngô Kỳ Mai (Ưng Khầy Mùi), Ngô Kính Nghiệp, Trình Mẫn Đức (Xin Xí Pô), Hồng Tông Cúc, Ngô Kỳ Anh, Trần Tinh Minh, Chung Quỳ Hưng, Lâm Trung, Lý Lý, Tô Cô, Tẩy Trung Nam, Phùng Chỉ Thương, Lữ Giang Vượng.

Năm 1991, Hiến pháp Việt Nam bỏ câu Trung Quốc là thù, Ban dân vận trung ương cử hai cán bộ đến gặp Linh. Định lập một đoàn văn công người Hoa, ban mời Hông Linh giúp. Linh đã dự cuộc họp nhưng khi Ban lại mời lần hai thì Linh kiếu. Đề nghị đảng minh oan cho bõ chúng tôi rồi hãy dùng chúng tôi. Không nói mới hôm nào đảng đuổi tôi đi cơ mà!

Từ đấy tạnh luôn…

Tờ báo năm 19 tuổi tôi làm phóng viên mang tên Sự Thật.

Ôi, cái tên mới thích chui rúc ấn nấp làm sao! Mà một chỗ ẩn nấp để có thể rúc rích tốt nhất là dưới ghế bành của Ban tổ chức.