Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Đèn cù - Tập 2 / chương 33




Chương 33


Tôi vừa ngồi, Lê Giản đã càu nhàu: Sao dạo này các ông ấy hay than dân trí thấp… Đảng lãnh đạo toàn diện thì dân trí thấp tại ai?

– Ngày đánh Mỹ thì dân trí cao. “Ra ngõ gặp anh hùng” rồi “Tay súng tay cày”, “Ba đảm đang…” Nay hết kẻ thù, cái đói nghèo nổi lên cần xoá bỏ nhưng khổ nỗi kè thù này nó lại gắn bó với anh quá nhiều thế là anh đổ ngay cho là tại vì… dân trí thấp.

– Luôn ca ngợi con thuyền này vượt mọi sóng gió, đáp đến mọi bến bờ thắng lợi mà lại than chân sào thấp trí. Mà đặc biệt chỉ đảng được nhận xét dân kém đầu óc chứ dân nhận xét ngược lại Đảng trí có vấn đề thì dân ngoẻo sớm. – Hegel nói rồi, tôi nói. Dân nào thì chính phủ ấy. Thuyền nan mơ đại dương là pha trò. Biết thế nên cho thuyền nan bám tàu lớn để nó kéo hộ. Lê Giản đứng lên lò dò ra bàn giấy lục trong chồng báo rồi quay lại, đưa ra một tờ báo: Xem đi, thấy cái thuyền nan này thì hiểu vì sao dân trí thấp. Tờ báo đưa tin Bộ công an kỷ niệm ngày 19 tháng 8 năm 1945 là ngày thành lập công an của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, có sắc lệnh ký hắn hoi. Tôi kêu lên: Đâu đã có chính phủ mà ra sắc lệnh ngày ấy? Hôm ấy cả Cụ Hồ lẫn Trung ương đâu đã biết Hà Nội Tổng khởi nghĩa? Còn mải đánh trại lính Nhật ở Thái Nguyên mà Nhật đã đe là không ngừng lại thi nó đàn áp. Lê Trọng Nghĩa bảo sau 19 tháng 8 mấy ngày Sở liêm phóng Hà Nội mới hỏi Việt Minh rằng chúng tôi phải làm gì đây! Lớ ngớ quên mất cả “địch” cơ mà!

Cựu tổng giám đốc Tổng nha công an Lê Giản rất bực nói: Thì bịa dựng đứng lên thế tôi mới nói! Sáng qua tôi gặp ngay Phạm Thế Duyệt thường trực Bộ chính trị. Tôi bảo Duyệt là ngày 23 tháng 8 Cụ Hồ mới về đến Hà Nội và ngày 28 mới tạm công bố danh sách chính phủ mà rồi còn phải hai lần điều chỉnh thành viên nữa thì hỏi ra cái chính phủ nào, ra chủ tịch nào ký sắc lệnh ngày 19 ấy? Anh Duyệt bảo tôi cho tên người ký đi rồi cho tôi xem mặt mũi sắc lệnh! Điêu khiếp thế này, người ta cười cho.

– Duyệt bảo sao, tôi hỏi?

– Thôi, đã lỡ nói mất thì cứ để thế bác ạ.

– Ối! Chơi cả trò cướp cờ với sự thật lịch sử! Nhưng sao cứ phải lấy ngày 19 tháng 8? – Vì phải đặt chuyên chính lên đầu, coi bạo lực là bà đỡ của cách mạng mà. Năm 1944 thành lập quân đội thì lập công an bét ra cũng phải đúng ngày tổng khởi nghĩa. Điêu rồi lại bắt tin cái điêu! Tin cái điêu mới là cao dân trí à? Nhà nào cứ dạy con dối trá thì nhà ấy cầm chắc lụn bại. Dối trá, nguồn của mọi đốn mạt, sẽ triệt hết mọi điều tử tế.

– Nghe đâu sau tổng khởi nghĩa, ông Sáu Thọ giục anh em mau đi giải quyết sinh lý cho đỡ bí kẻo mai kia mỗi thằng ôm một chức lại bù đầu lên. Còn mắng: Cái thằng này, thì cứ dẫn xác đến Sầm Công là nó kéo tuột mày vào giường nó đè ra nó dạy chứ lại còn phải vẽ lối cho mày nữa? Có người được Thọ cho cả xấp bạc Đông Dương giải bí. Rồi mấy ông bị lậu. Đấy, cái nào thật nghe là thấy thật ngay. Bây giờ nhiều người nhận nhăng vai trò lúc ấy lắm. Nguyễn Khang, Trần Tử Bình, Trần Quang Huy chết rồi, còn Lê Trọng Nghĩa thì không được cất lời. Ừ, Trần Độ bảo một khi đã cộp vào mồm cái triện Mác-Lê thì cứ tha hồ mà nói văng tê. – Tôi vừa đọc tờ Time, số trích đăng ký lục phiên toà thẩm vấn Clinton về vụ nhăng nhít với cô Monica Levinsky. Nó công khai đến thế này, anh nghe nhá. Chánh án hỏi Clinton: ông quan niệm thế nào là tiếp xúc. (…) Vâng, như ông trình bày thì như thế là quan hệ chứ không là tiếp xúc nữa. Vậy ông trả lời đây, ông có quan hệ tính giao với cô Monica Levinsky chưa?… Ông trả lời có. Đúng, chúng tôi đã xét nghiệm thấy tinh dịch ông ở váy cô Monica Levinsky… (Đến lượt Monica Levinsky) Hỏi cô có tính giao miệng với Clinton không? – Có. – Mấy lần? – Hai lần. – Ở đâu? – ở Phòng Bầu Dục khi tổng thống điện thoại cho một thượng nghị sĩ.

Thế đấy, anh xem, dù bảo đó là các đảng phái bêu nhau thì cũng phải nhận rằng dưới cái chế độ được bêu tổng thống ấy, cái gì đã thắng? Sự thật thắng. Và giá trị dân, mặt dân cứ tự nhiên rạng rỡ theo. Với ta thì cái gì tôn giá trị đảng, làm cho đảng rạng rỡ lên mới là sự thật. Còn không là địch bịa đặt để bôi nhọ, hạ uy tín đảng. Vậy thì hãy thả cửa nói dối để có uy tín đi! Hồ Chí Minh đâu có dại đem sắc lệnh thành lập công an ra mở đường cho mọi sắc lệnh Nhà nước dân chủ cộng hoà? Tây du kí viết quá giỏi. Đấy, đi đánh đấm mở đường nhưng con bú dù lại chuyên pha trò hề. Nói là theo tư tưởng Hồ Chí Minh mà làm lại cứ…

Đỏ bừng mặt, Lê Giản ngắc ngứ một lúc mới bật ra: Còn cái này nữa. Bác nói quân đội trung với nước, hiếu với dân, đứa nào lãnh đạo dạo ấy mà chả nhớ thế, thế mà đem đổi nghiến ngay ra thành trung với Đảng, biến béng luôn quân đội thành của riêng đảng. Không biết nước với đảng khác nhau hay sao? Nước mất, đảng trốn ra ngoài, chạy sang Phòng Thành, Tịnh Tây náu nấp được chứ hỏi nước chạy đâu? Quân đội trung với Đảng thì để dân quân gái trung với nước à? Không còn Bác, họ cứ bừa đi. Mà… mà thật ra là ngu bỏ mẹ. Ngu chứ! Lính là con cái của dân, lương tiền nuôi lính là thuế của dân thế mà anh lại bắt dân ngủ với nhau để đẻ ra những thứ chỉ trung thành với riêng anh thôi. Anh lột hết của dân thế thì anh là cái… cái gì của dân? Vừa điên vừa ngu…

Lê Giản không biết sau mười lăm năm, một tân binh từ chối học mười lời thề của quân đội vì anh không thể trung thành với Đảng. Vừa giải ngũ, anh lính bị bắt luôn. Anh lên là Nguyễn Tiến Trung. Thạc sĩ. Chỉ thề trung thành với Tổ quốc Việt Nam là chống phá Nhà nước, cái Nhà nước chưa hề có mặt mũi, con dấu, chữ ký đã ra sắc lệnh lập ngành công an đàn áp. Thật ra Nguyễn Tiến Trung đã làm cái việc mà dân gọi là chiến sĩ đường phố: Lấy lại cái mà kẻ gian tà chôm chỉa mất của dân.

***

Sau đó, từ Nguyễn Thượng Hiền qua Yết Kiêu tôi đến Trần Độ. Kể chuyện Lê Giản rất cáu việc sắc lệnh lập công an khi chưa hề có chính phủ v.v… Sinh con rồi mới sinh cha, Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông cả chuyện dẫn đường thỉnh kinh, Tôn Hành Giả vừa diệt tà ma vừa pha trò. Và Lê Giản bực việc đảng đổ mọi bê bối cho dân trí thấp.

– Thấy dân không tin, không nghe nữa – đấy, tin lựa chọn của đảng đến độ cả nước nhất loạt một người đi bỏ phiếu hộ cho nửa phố – nên phải kêu dân trí thấp. Lại đổ tại vì tàn dư phong kiến, đế quốc. Nhưng này, cụ Giản gớm quá, nhận xét bú dù phụ trách bạo lực kiêm cả pha trò cười thì giỏi thật. Đấy, báo Quân đội Nhân dân có bài nói rõ “quân đội ta không phải là của nhân dân mà là của giai cấp”, hất luôn đi câu Trung với nước của cụ Hồ thì đích thị pha trò cười rồi còn gì!

– Đúng, chúa là sính hão huyền… Tối qua xem đá bóng với Thái Lan, tôi mới hiểu thế nào là “chảo lửa”. Đích thị một thứ võ mồm đấu hão. Chảo lửa là gì anh biết không? À, gào, hét. Việt Nam, Việt Nam. Đến khi bị Thái uy hiếp dữ thì kéo cả Bác ra sân, rầm rập hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng…”

– Và thắng? Và vui thật?

– Không, thua quay lơ. Nhưng vẫn cứ “trong ngày vui giải phóng” ầm ầm với cái gì “Hà Nội rực rỡ chiến công”. Tôi thấy thêm thế ra ở Việt Nam chỉ có mấy chục anh quần đùi áo số mới đáng được bước vào chảo lửa cho hàng vạn võ mồm ủng hộ. Còn trường không ra trường, lớp không ra lớp hay trật tự giao thông nát bét, trẻ con suy dinh dưỡng… bao nhiêu thứ đáng xấu hố thì không được phép mở “chảo lửa”để chiến thắng! Tôi sợ người ta mượn bóng đá để kích chủ nghĩa dân tộc lên, mong nó sẽ che lấp đi những lỗ hổng ghê gớm trong đời sống đất nước. Hôm rồi tôi vào bệnh viện Việt-Xô khám sức khỏe. Một anh y tá hỏi tôi có xem đá bóng với Thái Lan không? Tôi nói không vì mệt và cũng vì hét ghê quá. Anh ta nói danh dự dân tộc thì phải hét chứ bác! Tôi hỏi thế 1958 Sài Gòn vô địch bóng đá, bóng bàn, xe đạp châu Á thì có hét ủng hộ nó không? Anh ta nói ngay: “Cháu nghe các bác lão thành nói ngày xưa chúng nó muốn bêu cộng sản nên bố trí cho Sài Gòn thắng chứ nguỵ đá đâu hay bằng Hà Nội. Với lại theo cháu danh dự ở đá bóng vẫn cao nhất. Vì vừa có trí tuệ ở chiến lược chiến thuật lại có tinh thần chiến đẩu và sức mạnh quần chúng như vũ bão…” Tôi nhắm mắt vờ ngủ. Thấy hình như võ mồm này là võ tuyên huấn mở rộng sang quần chúng.

Xã hội được chính trị hoá toàn diện. Có thể anh y tá này đang sắp vào đảng. Sửa lập trường cho Trần Độ, anh ta sẽ có thành tích vượt bậc để báo cáo và dễ được kết nạp hơn. Càng nỏ mồm chính trị thì càng ăn nên làm ra. Chính trị hoá đến mù quáng thế này. Hàn Quốc đá với Bắc Triều. Tiêu chuẩn thể thao đã bị thay bằng lập trường phe nên phùng mang lên ủng hộ Bắc Triều mặc dù phe tan tành và Bắc Triều chửi Việt Nam xâm lược Campuchia và cả mạn phía tây Hà Nội nom sang trọng hẳn lên là nhờ toà khách sạn Daewoo của Hàn Quốc. Báo chí làm om xòm về bóng đá vì sợ tội không yêu nước. Lòng yêu nước xưa thể hiện ở đổ máu thì nay ở chân đá, miệng hô. Chúng ta là một cơ thể suy nhược nặng. Người ta bèn truyền cho chúng ta một liều moriamin hỗn hợp thứ giả đạm là lòng yêu nước sai lệch và tự do cá nhân thoả mãn ảo trong tường vây. Cái hay ở đây là lòng yêu nước và tự do này chỉ được biểu hiện ở một bãi cỏ có kiểm soát.

– Dân tì rõ là mượn sân bóng để xả bất mãn rồi. Nhưng sao không nổi “chảo lửa” lên đòi tự trọng? – Đây, báo hôm nay đây. Đang họp Hội nghị dân vận trung ương. Chữ dân vận anh thấy nghịch tai không? Ừ, nghịch vì nghĩa thực sự của dân vận chính là tớ vặn cổ chủ bắt làm theo ý tớ. Rõ vớ vẩn. Nếu dân thích thì việc quái gì dân cần anh vận với động. Có ai cần tỏ trưởng khu phố đến vận để tối nó động vào vợ nó không? Anh cấm chợ ngăn sông, dân nó phản đối thế là anh vặn cổ dân cho nó chịu ngồi nhà không chợ búa, ngáp vặt thay cơm rồi khen đường lối đảng. Vì sao cứ chơi võ dân vận hoài? Vì gần bảy chục năm cầm quyền vẫn không xây nối một chế độ được lòng dân và một nền nếp công nhân viên chức trọng dân! Đọc nghị quyết dặn “làm dân vận không phải là ngồi viết mệnh lệnh” đã đủ thấy cái dân vận của đảng là vặn cổ dân rồi. Dân mà làm chủ thật thì phải lập ban đảng vận để dân vận đảng cho động đậy theo ý chủ – đằng này tớ vặn cố chủ bắt làm rồi lại bảo dân tự nguyện, nhoong nhoong trên đầu dân lại nói tôi là đày tớ của dân, ăn đủ cả hai mang.

Tôi đùa: Bertolt Brecht (nhà thơ Mác-xít người Đức – BT) viết hai anh đố nhau cho mèo tự nguyện ăn mù tạc. Anh chủ con mèo dỗ nó ăn cứ bị nó cào, anh kia bèn ôm lấy con mèo rồi nhét một cục mù tạc bằng đầu ngón tay cái vào đít mèo. Thế là mèo ra một xó nằm tự nguyện liếm mù tạc. Hay nhỉ! Thế chúng ta thì được cho xơi gì?

– Xơi mù tịt!

– Đúng! À, nhân anh nói Brecht, tôi thấy Vũ Trọng Phụng còn sống không khéo sẽ thêm vào Cơm thày cơm cô một chương về hội nghị chủ vận của các cô vú, chị sen, anh xe, thằng ở… họp tìm cách làm sao cho chủ tự nguyện chấp hành nghị quyết của mình còn chủ thì nơm nớp chờ xem liệu tớ có cho mình cái quyền thưa thốt lại với nó không.

Tôi đã đứng lên, Trần Độ lại cười rất thú vị: Tiên báo một tầng lớp Xuân Tóc Đỏ ra đời, phải nói là Vũ Trọng Phụng quá giỏi. Ngang với Tây Du Ký cho bú dù đi mở đường mà pha trò chứ không có hầm hố cái mặt. Tôi nói: Vừa qua, tôi đến Hoàng Minh Chính, nghe Hồng Ngọc, vợ Chính bảo đi họp phường người ta nói hẳn ở buổi họp rằng bọn phản động dang hoạt động ráo riết. Kể tên phản động thì có Chính, Trần Độ, Dương Thu Hương và Trần Đĩnh v.v… Còn nói “sẽ trục xuất con Dương Thu Hương…” – Nghe mà lạnh gáy! – Trần Độ vờ rụt cổ lại.

***

Tháng 3 năm 2000, tôi gửi một thư lên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Đảng không giữ lời hứa “Mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”. Đại ý: Ở nước ta không bình đẳng nên không dân chủ và khiến cả nước nói dối. Đảng nói dối để tỏ ra đảng giỏi, đảng sáng suốt. Dân nói dối để tỏ ra trung thành cho được yên. Đất nước dối trá khó lòng mà làm nổi cái gì tốt đẹp. Rồi một thư gửi Ban tổ chức trung ương. Từ lãnh đạo của đàng đến kết nạp đảng viên (“anh thợ khoá vỗ vai anh thợ vá xe bảo cậu làm đơn đi, vào đảng được đấy! Và hai công nhân hè phố liền lãnh đạo toàn phường”) rồi bầu trung ương đều là việc nội bộ bí mật của đảng mà dân không hề được bén mảng.

Vài hôm sau, Tiến và Đoan đến: Thư anh gửi các cụ đến chúng em rồi. Tôi bật cười. Kêu lên, công an sướng thật! Đọc thư riêng của Tổng bí thư. Hai anh nói vớt: Các cụ có nghiên cứu ý anh…

Không thấy nhắc đến chuyện tôi nói ở một cuộc họp tổ dân phố sau khi gửi hai thư trên kia. Bác Huy, tổ trưởng đến van tôi đi bỏ phiếu bầu tổ trưởng tổ phó. “Bác thì em vẫn không mời nhưng hôm nay thực hiện dân chủ cơ sớ, bầu cử phải đủ số người không thì quận bắt bầu lại, xin bác cố đi cho…” Thương ông, tôi dự. Khi phát phiếu bầu xong (giấy A4 in máy tính rất đẹp), tôi xin nói: Tối nay có anh Hùng bí thư chi bộ Khu văn công ta và anh Lê Hoàng Hải, công an khu vực dự, tôi xin hai anh báo cáo ý tôi lên trên là bầu tố trưởng dân phố, thì phải do dân bầu. Nhưng Trung ương, Thành uỷ mà dân hãi như cọp thì dân lại không bầu! Từ nay cũng phải để dân bầu như tổ trưởng.

Tan hợp, lúc túm tụm tìm giầy dép trước cửa nhà tổ trưởng Huy, các bà gần như đồng thanh khen: Bác nói hay quá. Làm như bác nói mới đúng chứ. Tôi không ngờ các bà các cô đồng tình sôi nổi thế. Trên đường về trăng suông len giữa các hàng rào cúc tần, tôi hỏi một bà: Sao các ông lại im, không như các chị? – Các ông ấy phải khấn vái đồng lương hưu. Chúng tôi đi chợ nên có lớp học riêng. Sáng qua một bà nói ở chợ đấy: Tôi yêu nước nhưng không yêu đảng thì tôi có tội gì, nói xem? Tôi đôi hồi lại có thư gửi đảng hay phát biểu ý kiến như trong hội nghị vừa nói. Không gửi ra ngoài vì tôi cần yên tĩnh để viết truyện tôi. Viết là cần cô đơn, cổ nhân đã dạy. Ầm lên thì chỉ cứ mải đối phó hàng ngày với nhà nước là đủ mệt. Tôi đã nói điều này với Hoàng Minh Chính, sợ anh cho tôi là trùm chăn.

***

Quê Hoàng Thế Dũng, xã Giai Phạm cũng là quê Nguyễn Bình, Nguyễn Văn Linh, được phong tặng Anh hùng vũ trang. Con trai anh bảo tôi: Các nước họ khoe GDP (Gross domestic product, Tổng sản lượng nội địa – B.T) ta khoe anh hùng. Chú ơi, bây giờ bộ mặt của đường phố là gì? Cửu vạn, xe ôm, ve chai và gái điếm! Xưa Tàu Chợ Lớn mua trinh hai cây (vàng) lận, nay được nửa cây là sướng ngất luôn. Chú có biết ông Thướng, phó ban tổ chức trung ương không? Mấy hôm trước chúng cháu vừa nhậu với ông ấy. Cuối bữa chúng cháu hỏi anh có thích nghe chuyện về tình đoàn kết chan hoà của dân ta không, ông gật. Chúng cháu bèn nói: Bây giờ thanh niên ngồi karaoke ôm, hát “Bác ôm phờ rồi Bác mới ra đi…”. Ông Thướng cười. Chúng cháu lại nói, còn chuyện nữa về đoàn kết. Cái nhà ấy có anh con lấy vợ rồi ra trận. Ít lâu nhận giấy báo tử. Sợ tuyệt tự, ông bố chồng đã cho cô con dâu tham gia phát triển dòng máu. Đẻ được thằng bé thì thình lình anh con về. Đại hội gia đình họp nhất trí từ nay cả nhà gọi thằng bé là đồng chí cho được đoàn kết hoà thuận.

Thế Dũng nói xã anh phải chi 100 triệu đồng mừng được anh hùng, tỉnh cho ba chục còn thì xã bán đất công. Các cụ nói hội hè là dịp tham ô, thời xưa chánh phó lý cũng hệt thế này. Nó thành truyền thống của đứa có quyền mất rồi. Theo nó, tiền ở trong tay mà không xà xẻo thì là đồ óc cứt. Có điều xưa ít tiền, chả chấm mút được như bây giờ. Dũng nói ở xã anh hùng Giai Phạm quê mình còn một “thôn Văn hoá” nhưng có đánh bạc với hiếp dâm. Đứa hiếp dâm là con một cậu xưa theo mình cướp Đồn Bần! Một lần tôi rủ Dũng đến Trần Độ. Anh im nghĩ một lúc mới nói: Tớ chưa tới được… Năm tớ mới bị bắt, Trần Độ bảo vợ tớ là cháu bỏ nó đi chứ cứ ôm lấy thằng phản động mãi ư? Phái nghĩ tới tương lai mấy đứa con. Vợ tớ coi Trần Độ như em mẹ mình, gọi Trần Độ là cậu. Tôi lặng, nghĩ thầm, trong dòng lũ cách mạng, mỗi chúng ta như một cái củi dều lúc chìm lúc nổi, hành động, nói năng có phải đều tự mình quyết định lấy được cho mình đâu? Những khi cây củi dều bềnh lên giữa sóng cuồn cuộn, nó lại mở miệng phát ngôn chả ra cái làm sao. May sao phần lớn đời nó là chìm. Chìm vào lại với dân.