Thứ Năm, 15 tháng 3, 2018

Đèn cù - Tập 2 / chương 18




Chương 18


Nguyễn Văn Linh lên, tôi thuyết phục mọi người tin ông. Ông từng mất ghế Bộ chính trị, rớt xuống làm chủ tịch Tổng công đoàn lênh phênh nhàn rỗi. Ông đã nói ngoài Bắc làm ăn như “con c…”, rồi bị phán Nam bộ “sặc mùi Nam Tư” nghĩa là toan theo tư bản. Ông đã ra nghị quyết không khai trừ tù cộng sản ở Côn Đảo vờ “ly khai”, trái với nghị quyết của Sáu Thọ. Ông tán thành Trần Văn Trà ra hồi ký “Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” bóc mẽ Văn Tiến Dũng gạt Giáp, xí phần và đề cao Sáu Thọ, quyển sách rồi bị cấm lưu hành.

Tôi thích nhất câu Linh nói với Ba Khiêm, Hai Khuynh, Xích Điểu: Nhiều đêm trước khi ngủ tôi sợ sáng mai mở mắt đã thấy cờ của thằng nào cắm khắp Sài Gòn mất rồi. Việc Linh có gan chấp nhận sự thật đen tối đã đủ cho tôi tin ông. Vì tôi thấy ở đằng sau tất cả những điều trên đây, chính là ông đã nhận ra cái điều chí mạng cho đảng: Nhân tâm đang không cùng với Đảng. Thì mới có thằng của nợ nào đó nó cắm được cờ của nó lên khắp Sài Gòn chứ! Và mới nữa là ông trả tự do cho Hoàng Minh Chính, Hoàng Chính.

Vừa thấy ở trên tờ Le Nouvel Observateur có bài của Nguyễn Đức Nhuận không chỉ ca ngợi ông tích cực đổi mới mà còn tố cáo Lê Đức Thọ ngăn cản đổi mới, ông đã xoá cho Nhuận cái tội từng đăng trên Le Monde mấy tiếu lâm (cho Cụ Hồ mắc lỡm vàng giả “độc lập, tự do” của Bộ chính trị và lòng dân muốn các ông lãnh đạo nhảy máy bay chết hết). Ông đã cho mời Nhuận về nước. Có nghĩa ông hy vọng Nhuận sẽ ca ngợi Đổi mới và ông hơn nữa, cũng như kể tội Lê Đức Thọ ra hơn nữa.

Làm gì mà Thọ không biết chuyện này? Mà không thấy Linh tán thành Nhuận bêu ông lên trước thế giới? Vậy ông chịu bó tay hay sẽ chống trả?

Linh như thế, sao mà tôi không tin?

Đến thăm Chính vừa ra tù, tôi bảo anh nên viết thư vừa cảm ơn Linh vừa nói chúng mình ủng hộ Linh đổi mới. Chính bảo còn cần phải xem thế nào đã. Tôi lại thuyết phục anh về Linh. Nhưng Chính muốn tôi hệ thống hoá các nhận xét về Linh.

Nói tin Linh nhưng tôi vẫn thấy cần có quả bóng thăm dò Linh. Tôi viết đơn tố cáo hai ông Hoàng Tùng, Hồng Hà ức hiếp người lao động là tôi, bắt tôi về hưu non trái pháp luật. Còn con trượt đại học thì Hồng Hà đưa vào làm thợ ở nhà in vì Hồng Hà biết ba tháng nữa một đoàn thợ in của báo sẽ sang Liên Xô học nghề rồi sau đó sang ngay Đức học năm năm nữa lấy “bằng đại học” về in. Cậu con quả nhiên vào đoàn thợ du học! (Thự nhà in báo đảng lại bảo tôi anh ơi, anh phải nói là ru học!… Thì đi êm như ru ấy mà lại).

Chắc chẳng mấy thích hai ông chủ báo Nhân Dân từng lên án Sài Gòn sặc mùi tư bản, Linh giao cho Ban bí thư xét đơn kiện của tôi.

Sáng 6-1-1987, tôi nhận thư của Ban bí thư do Nguyễn Đức Tâm ký mời hôm sau đến gặp.

Tôi đến 10 Nguyễn Cảnh Chân, trường Tây con cũ. (May mà Tây xây cái trường cho trẻ con thực dân này chứ không thì Trung ương Đảng lấy đâu ra chỗ làm việc oách thế?)

Người thay mặt Ban bí thư tiếp tôi là chính Lê Công Tuấn, người hỏi cung tôi chín năm trước và nay sắp lên vụ trưởng vụ bảo vệ, Ban tổ chức trung ương thay Nguyễn Trung Thành.

Thấy Tuấn, tôi ngán. Biển hiệu mới nhưng vẫn chủ quan và dao thớt mùn thớt cũ. Đồng thời cũng thấy Tuấn phải dè nể tôi. Quần cung tôi suốt mấy tháng, Tuấn thừa biết tôi là thế nào.

Tuấn đon đả nói ngay:

– Anh Trần Đĩnh ạ, thế này, anh xem đây, Ban bí thư rất dân chủ. Nhận chỉ thị tổng bí thư, Ban bí thư họp ngay với anh Hoàng Tùng, đảng uỷ báo Nhân Dân để nghiên cứu vụ anh kiện. Bây giờ kết luận thế này nhá, anh Đĩnh ạ: Việc để anh về hưu non là đúng vì anh ở trong tổ chức chống đảng, lật đổ. Nhưng vì anh thâm niên, có cống hiến cho báo nên đảng chiếu cố do đó báo đảng làm giúp luôn hết thảy mọi khâu thủ tục hộ cho anh. Cũng vì chiếu cố nên không lập hội đồng giám định y khoa hay kỷ luật như anh đề nghị. Còn anh không nộp mà có ảnh dán vào sổ hưu thì là thế này, anh quên thôi. Khi làm sổ lao động, anh có nộp thừa một số ảnh cho nên nay cơ quan lấy ra dùng.

Miệng nói, tay Tuấn mở cặp lấy ra năm sáu bức ảnh chân dung tôi cho vào lòng bàn tay khẽ xóc lên. Khôn mà không ngoan: Đưa ra quá nhiều ảnh làm bằng! Làm cái sổ lao động ẩm ương mà đứa nào lại đem nộp cơ quan những ngần kia ảnh? Và có phép nào được lấy ảnh cũ có sẵn dùng cho việc mới? Thú thật là nhìn đống ảnh tôi sởn da gà. về vật lý, tôi thấy tôi như đã ma hoá. Kinh tởm cho sự man trá tập thể. Và sự ăn nói bạt mạng.

Về vụ con trai Hồng Hà được cài vào làm thợ để chẳng phải thi mà đi ru học luôn hai nước, Tuấn đưa ra cả lô công văn, nghị định… để nói việc đó hợp pháp.

Hồng Hà chánh văn phòng trung ương thì tất yếu thuộc diện được che chắn chống kẻ xấu hãm hại rồi. Khi anh ta vào ghế này, tỏi đã có thư đê nghị Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh thay người khác vì anh ta chinh là “cái phễu ma quỷ” hứng mọi tin tức, tình hình cho đổ cả về kênh Lê Đức Thọ nữa. Tôi chưa biết Linh đề nghị để Chín Cần (Nguyễn Văn Chính – Phó thủ tướng 1981 – 1987) làm trưởng ban tổ chức mà bị Sáu Thọ lắc.

– Anh nói xong chưa, tôi hỏi Tuấn? À, nay đến lượt tôi có ý kiến lại với Ban bí thư, Anh nói Ban bí thư rất dân chủ đã họp ngay hôm Nô-en với anh Hoàng Tùng và đảng uỷ báo Nhân Dân về chuyện tôi kiện. Dân chủ nào mà lạ quá vậy? Dân chủ mà chỉ mời bên bị họp riêng trong bóng tối? Sao không mời cả tôi, bên nguyên? Anh nói tôi về hưu non vì ở trong tổ chức chổng đảng. A, ai kết luận thế? Điều lệ đảng quy định kỷ luật đảng viên phải tuyên bố trước mặt đảng viên sau khi đã trao đổi ý kiến với đảng viên, và nếu đảng viên không đồng ý có thể khiếu kiện lên tới tận Trung ương. Nào, đã ai gặp tôi trao đổi ý kiến? Các anh vi phạm như bỡn điều lệ đảng. Thứ ba, các anh nói chiếu cố tôi. Chiếu cố thì phải mời tôi ở lại làm việc quá cả tuổi hưu chứ sao tôi chưa năm chục đã bắt về và bất chấp tôi phản đối? Tôi gần ba năm phản đối quyết định sai pháp luật, các anh bèn trắng trợn vi phạm pháp luật, lén lút tự làm lấy mọi thủ tục mà người về hưu có quyền và có nghĩa vụ phải làm lấy như ký vào quyết định về hưu sớm. Không cần tôi nộp ảnh, các anh man trá in ảnh trong lý lịch tôi để làm bậy sổ hưu vắng mặt tôi! Tôi rồ hay sao mà nộp ảnh thừa nhiều đến thế này? Cơ quan rồ hay sao mà lưu giữ ảnh nhân viên lâu và nhiều thế này? Ba tháng đã gọi đồng nát đến bán tống bán tháo sách báo, bản tin, tài liệu cũ mà lại đi nâng niu ảnh thừa của tôi thế này ư?… Thôi, tôi đề nghị anh về nói lại với Ban bí thư trung ương rằng kết luận của Ban bí thư về việc tôi khiếu nại là mờ ám, khuất tất và từ đầu đến cuối đều sai pháp luật.

– Ố! – Tuấn khẽ kêu lên, mặt trắng bệch ra.

Hãi công khai, hãi trung thực. Rồi khẽ nói, như sự có người nghe thấy: Đây là kết luận của Ban bí thư trung ương, anh Trân Đĩnh!

– Biết thế tôi mới nhờ anh báo cáo nguyên văn nhận xét của tôi với Ban bí thư chứ.

Khoác túi vào vai, tôi đứng lên nói: “Chỉ việc thấy anh đến gặp tôi, tôi đã kết luận là các anh sai pháp luật. Xưa hễ học sinh ta và Tây đánh nhau là cảnh sát tự động bênh Tây, nay đảng tự động bênh đồng chí và cán bộ cao cấp, y hệt nhau. Tôi không ngờ Ban tổ chức trung ương mà lại thu nhận vào hồ sơ lưu trữ của mình các tấm ánh man trá ghê gớm này”. Nói câu này tôi rợn người, có lẽ nhìn thấy ma cũng như thế này.

Cảm giác lờm lợm còn lại mãi cho tới khi tôi vào Trường Bưởi để kể lại cho Trần Thư, Mai Luân. Trần Thư đã đi cùng tôi từ Cầu Giấy đến cổng Văn phòng trung ương.

Chúng tôi thấy: Một, Linh sẽ bất lực vì bị bộ máy che mắt, trói tay. Hai, vây cánh Sáu Thọ rất hùng hậu, vụ án xét lại vẫn là tai ương tiềm ẩn với họ. Ba, họ có thể làm những trò gian trá.

Tôi viết một thư gửi Nguyễn Văn Linh nói lại việc gặp Tuấn cùng nhận xét của tôi về Ban bí thư khuất tất, mờ ám và hoàn toàn sai pháp luật. Có thể Hồng Hà ở Văn phòng trung ương đã “hàn khẩu” bằng nhét rác vào miệng phễu.

Khi Linh giải tán hai đảng Dân Chủ và Xã Hội, tôi tán thành. Các vị thân sĩ thoát phận bù nhìn! Lúc này mới biết Đảng Xã Hội chỉ có 92 đảng viên ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, với tuổi bình quân đảng viên là 76! Sau 1975, Đảng Xã Hội xin cho mở vào Nam nhưng Đảng Cộng sản lắc – “giải phóng dân tộc” xong rồi bày kiểng làm gì? Dịp ấy, Lưu Động đến chào Tổng thư ký đảng Nguyễn Xiển, vốn là thày cũ. Nói “tôi bị Đảng đánh vì chống đảng” thì thầy nghẹn ngào: “Tôi hèn… tôi hèn… thấy cả đấy mà chẳng dám làm gì…”.

Linh thật sự được lòng trí thức trong cuộc họp ông nêu mấy khẩu hiệu lẫy lừng một thời: “Chống im lặng đáng sợ”, “tự cởi trói”. Nguyễn Khải bảo tôi là ngồi nghe mà anh ngỡ ngủ mê, mồm há hốc ra, không ngờ và sướng quá mà. “Còn Nguyên Ngọc ở ghế trên thì nhợt cả mặt đi, ghì lia lịa như máy, hắn phải viết tường thuật mà”.

Nguyễn Khải tham luận trên báo Văn Nghệ nói chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa nó hại anh, nó cấm anh phê phán. Chính sách giả, nhà văn ca ngợi chính sách giả hoá ra giả nốt, rút lại ba thằng nhà văn nói dối lẫn nhau.

Nguyễn Minh Châu gửi một “Ai điếu” cho “nền văn học nói dối” (Một chiều trên hồ Đại Lải, anh bảo Dương Thu Hương: “Dấu chân người lính” của tôi dụ bao nhiêu thanh niên vào chỗ chết).

Chắc Di cảo cựa quậy trong đầu Chế Lan Viên những ngày tưởng tiếng nói chân thành sẽ là tiếng chung của đất nước.

Một hai năm sau, sau chuyến Linh đi Trung Quốc, một hôm Đinh Văn Đảng khẽ bảo tôi: Tôi nghe thấy cái này… không biết đúng sai thế nào nhưng…

Thấy ngay Đảng không tin nhưng anh không thể giữ riêng cho mình cái tin này. Cuối cùng anh nói: Vừa rồi Nguyễn Văn Linh sang gặp Giang Trạch Dân. Hắn lại bắt Linh đến Thành Đô chứ không gặp ở Bắc Kinh. Linh đã nói với Giang Trạch Dân rằng Lê Duẩn chống Trung Quốc là sai lầm, chúng tôi nay sửa sai, xây dựng lại mối quan hệ anh em thân thiết với các đồng chí.

Giống Đinh Văn Đảng, tôi cũng không tin Linh lại có thể xuống xề đàn em dữ như thế. Tôi chỉ hỏi Đảng: Ai nói với ông?

– Mình khó nói đấy, Đảng cười như cáo lỗi… Nhưng người này đứng đắn.

– Có phải Tạo Cuội không?

Đảng vẫn cười không nói.

Phải nói tin này có hai tác động với tôi. Một là không tin Linh vạch tội Lê Duẩn ra với Trung Quốc nhưng tôi lại thú vị thấy uy tín của Duẩn đã tụt xuống đến mức bị đem ra bêu với Trung Quốc. Tuy cũng biết ở đây có thể có cả ác cảm cá nhân của Linh đối với Duẩn. Tóm lại tôi còn tin Linh. Một người vừa hết chiến tranh đã đến kéo ngay Ung Văn Khiêm “chống đảng” về Sài Gòn, bất chấp phép tắc.

Lê Giản cho rằng Linh mời anh đến nói chuyện là một dấu hiệu Linh có tình nghĩa. Tôi cũng cố ý không nhớ câu Ung Văn Khiêm nói khi tôi hỏi anh về Linh. “Linh ấy à? cậu này nó khó hiểu đấy!” Mà chỉ nhớ khía cạnh Linh ưu ái Khiêm. Chỉ nhớ câu “sáng sau dậy thấy cờ nào đã treo đầy ở Sài Gòn!” Rồi đi tới hiểu ra thành Linh đồng tình với Khiêm về mọi sự. Tôi đã nói ở đâu: “Hy vọng không trọng lượng nhưng đè sập bao đời người”.

Giữa những ngày he hé cửa cho trí tuệ rón rén ló đầu ấy, Dương Thu Hương và Thanh An điện ảnh đến tôi. Tiếc quá, tôi vắng, không được tiếp nhà văn nữ vừa nổi lên với sức công phá trẻ trung, mới mẻ vào dinh luỹ Thiên đường mù.

Tôi đến chào lại Dương Thu Hương. Đinh Văn Đảng bảo cho mình đi với.

Những ngày này tôi đọc Những ý nghĩ trái khoáy của Gorki. Ông ra tờ Tân sinh hoạt từ trước Cách mạng tháng 10 và ông lớn tiếng phản đối ngay khía cạnh vô nhân đạo của cuộc cách mạng này khi nó lập tức tước đoạt tài sản quý tộc, tư sản, đuổi đàn bà, trẻ con ra khỏi nhà để rồi chân trần kéo nhau đi trên tuyết. Bút chiến giữa Gorki với các cây bút của đảng lên đến cực điểm khi ông lôi Lê-nin ra công kích. Viết Lê-nin biến đất nước Nga thành bản thảo để thử những cuồng mộng tiểu tư sản của mình. Cuối cùng vợ Lê-nin đã ký nghị định đóng cửa tờ báo của Gorki. Gorki “được” sang nghỉ ở đảo Capri, Italia. Lê-nin mất, ông về nước và chứng kiến những cái chốt có công dụng làm cẩm khẩu người sống. Thành lãnh tụ vãn học xô viết, Gorki quay sang bảo vệ lừa dối. Vở kịch Nói dối của Afinoguenov ca ngợi cần phải dối trá vì lợi ích cách mạng đã bị ông phê phán là bênh vực yếu đuối cho dối trá, cái sự tất yếu trong cuộc đấu tranh vì chiến thắng của chân lý vô sản. Ông viết hẳn bài báo “Chống lại sự thật”. Riêng nhà văn Pháp Romain Rolland trước vẻ bảnh bao tư sản của Gorki ở Đại hội Hoà bình thế giới năm 1935 vẫn nhận thấy “lão già vô chính phủ này chưa hề chết” ở nụ cười mệt mỏi của Gorki.

Có lẽ Gorki vẫn sẽ cứ mãi Gorki “chua chát đắng cay” nếu Hoàng đế Đức không chấp thuận một đề nghị của Lê-nin. Theo một tờ báo Đức, ngày 23-3-1917, người của Lê-nin đến xin hai đại sứ Đức, Von Romberg ở Thuỵ Sĩ và Von Brockdorf – Rantzan ở Đan Mạch chuyển tới bộ trưởng ngoại giao Đức, Arthur Zimmerman đề nghị của Lê-nin gửi Hoàng đế Đức xin cấp giấy tờ và phương tiện cho Lê-nin về nước ép chính phủ Nga ký hiệp ước hoà bình với Đức để Đức rảnh tay đánh Pháp, Anh, Mỹ, Ngày 14-4, Hoàng đế Đức phê duyệt. Lê-nin lên một toa xe hàng cặp chì niêm phong qua Đức và Stockholm về Petrograd ngày 16 để lật đổ Kerenski chính phủ tư sản dân quyền đầu tiên của Nga. Tin Lê-nin về Petrograd này in lại trong Biên niên Thế kỷ 20 mà Nhà xuất bản Thế Giới đưa tôi dịch.

Rồi Lê-nin ký nhượng Brest-Litovsk cho Đức. Đến Stalin thì ký hiệp ước bất khả xâm phạm Đức phát xít – Nga Xô. Đều là nhượng bộ Đức để trút tai hoạ cho phương tây. Nhưng Hitler xấp mặt hơn. Chính Nga Xô nhận đòn đủ.

Trần Châu thình lình giữa đêm lên cơn hôn mê co giật. Vợ anh cho anh lên xe cải tiến rồi ngồi ôm anh cho đỡ xóc, còn làm bò kéo là một người họ hàng. Xe cải tiến gập ghềnh lăn bánh năm cây số đường quê khuya khoắt đến bệnh viện huyện và Châu thoát nạn. Năm sau tái diễn một cơn nguy cấp hơn. I.ại xe cải tiến khuya khoắt đáo đồng lắc lư. Xe vừa đặt càng vào hiên bệnh viện thì mưa ầm ầm đổ xuống.

Nhưng lúc đứng bên giường bệnh nhìn Châu li bì tôi lại nghĩ tới các gian truân anh trải và cái may thoát trận mưa kinh hoàng mà chỉ chậm mười phút là anh cầm chắc chết. Lại nghĩ tới bức thư đấu tiên sau mấy năm biệt giam anh gửi tôi hồi 1969: Nếu còn tình anh em thì Đĩnh làm ơn gửi cho minh xin ít thuốc lá, diêm, giấy trắng, bút và vài đồng. Cái giọng thư e dè làm tôi nhòe mắt. Biết thế nào? Thế thái nhân tình hoàn toàn chiếu theo lập trường địch ta mà đối xử mà. Bài học xấu xa thời Cải cách Ruộng đất cuối cùng vẫn cứ được người ta tuân thủ. Bạo lực đã cho một vết hằn kinh hoàng lên tâm trí, vô thức của tất cả. Biết nó xấu, nguyền rủa nó nhưng vẫn không dám từ bỏ nó những khi cần có thái độ trước chuyện “địch ta”. Nghĩa là Châu đã chuẩn bị nhiều phần tôi sẽ ngoảnh mặt đi. Kia, vợ anh đã bỏ anh. Nhưng thư cho tôi vì Châu vẫn tin vợ chồng tôi.

Tôi thích thú khoe ở báo Nhân Dân là nhận được thư Châu. Một số anh em liền khuyên ngay tôi “cắt đứt”. “Này, cẩn thận không lại mất mạng…“

Từ đấy tháng tháng tôi gửi thư và tiền tiêu, quà cáp cho anh. Hiểu rõ rằng Châu thừa biết đây vượt xa ra ngoài đồng tiền tấm bánh. Sau này anh bảo nếu đảng biệt giam tiếp, nếu không liên hệ được với tôi thì chắc chắn anh chết hoặc điên. Anh chị em tù xét lại đều khổ như nhau. Nhưng Châu chịu thêm một nhát chém ngang mình: Vợ anh gửi đơn vào tù yêu cầu anh ký li dị. Việc này đau hơn việc bị tù, anh nói. Trong lịch sử tù có mấy chuyện như thế?

Ở nhà máy nông cụ Quốc Oai, một nữ cấp dưỡng hai con thương anh. Hai người đi với nhau ở phố huyện, dân chửi con đĩ cặp bồ với thằng tù già. Sao chửi? Tôi thật không hiểu làm sao mà Đảng dạy được cho dân có được lập trường chính trị cao siêu đến thế.

Lại văng vắng bốn tai lời Nona, vợ Nguyễn Tài Cẩn: Tôi đi đường cứ bị chửi, cả trẻ con ném đá rồi chửi “đ… mẹ, con xét lại”…

Chúng ta có một kho vũ khí vô tận mà nếu xuất khẩu được thì giàu và danh giá to. Đó là vũ khí “đ… mẹ nhà mày”. Đảng dạy dân yêu nước bằng cách “đ… mẹ” nước khác, trừ hai nước cộng sản đàn anh.

***

Nguyễn Khắc Viện viết Hai mươi lăm năm ấy đăng trên báo Văn Nghệ, rằng mừng là từ ngày sạch bóng quân viễn chinh Pháp, đất nước đã sạch bóng phản động, lưu manh, gái điếm. Chúng đã rút cả vào Nam. Căn dặn mọi người nắm chắc chuyên chính vô sản, “cần nhớ dân chủ với ai và chuyên chính với ai”.

Tôi viết cho Viện một thư nhờ Hoàng Minh Chính chuyển. Vì từ 1963 tôi không giao du với Viện nữa sau khi hỏi mượn anh số báo Pensée (Tư tưởng) tháng 5 mà anh bảo không có, sau khi đã cất giấu nó đi. Thư tôi nói không tán thành anh phân biệt đối xử theo chế độ chính trị và ý thức hệ. Nó dễ thành kiểu thanh lọc chủng tộc khiến người ta sẵn sàng nghĩ ở lục địa Trung Hoa thì tốt, ở Đài Loan thì xấu; Việt kiều ở Pháp xấu (hơi gợi ý đến chuyện anh từng bị dư luận kêu rằng anh “ủng hộ Hitler và có công đưa học sinh Việt sang Đức quốc xã học” sau khi Pháp đầu hàng), Việt nội địa tốt; đồng bào trên vĩ tuyển 17 tốt, đồng bào dưới vĩ tuyến xấu. Và đuổi người Hoa thì lãnh thổ liền trong veo. Vả chăng, nếu phản động, lưu manh, gái điếm dạt cả vào trong kia như anh nói thì có nên sướng vì đồng bào trong kia chịu đựng hộ cho ngoài Bắc không? Còn nay quân viễn chinh nào đến Hà Nội mà tối tối ở hông cơ quan thành uỷ, gái điếm đứng đầy lên đến hai nẻo vệ đê sông Hồng, nhận ra ngay vì mông mẩy đùi vế cứ trắng hếu như cò? Tôi nói anh nghĩ lỗi thời về chuyên chính vô sản. Vâng, xin hỏi anh ai được phép cho ai dân chủ, cho ai chuyên chính?

Viện trả lời. Cũng qua bưu điện dân doanh Hoàng Minh Chính. Anh tán thành không nên gọi là phản động, lưu manh mà nên gọi là “rác rưởi”, chỗ này anh đã “dùng chữ chưa chính xác” chứ còn, anh nhấn mạnh, “chế độ xã hội chủ nghĩa thì tất nhiên là phải tốt đẹp hơn chế độ tư bản”. Còn anh không nói đến chế độ Quốc xã của Hitler như từng ca ngợi nó trong một bài báo viết khi còn ở Pháp mà Trần Đức Thảo vẫn giữ nguyên cả hai trang và đưa tôi xem.

Về chuyên chính, anh thẳng thắn nói anh phản đối “anh (Trần Đĩnh) và một số trí thức hiện nay bài bác chuyên chính”. Anh viết: “Tôi phản đối Mao nhưng tán thành Stalin chuyên chính với đế quốc”. Dĩ nhiên cuối cùng anh nói thêm “tuy nhiên tôi không tán thành đàn áp nhân dân”.

Hoá ra anh không thấy rằng khi đã chuyên chính với đế quốc thì khó mà tránh được chuyện đàn áp kẻ thù trong nó nấp ở nội bộ nhân dân! Mà đấu tranh trong đảng là phản ánh đấu tranh giai cấp ở ngoài xã hội và đặc biệt càng gần thắng lợi lại càng gay gắt. Thủ tiêu, bắt bớ tất phải nhiều lên.

Vũ Cận đọc thư Viện gửi tôi xong nói: Anh Viện rất giống Đảng, không bao giờ nhận mình sai. Vũ Cận và Viện cùng cơ quan, cùng chung trách nhiệm xuất bản sách báo tiếng Pháp. Cả một thời gian dài, tôi không viết cho báo nào. Thôi đi, đón gió, hóng hơi làm gì. Tôi đã có một bài học: Theo lời Sáu Thọ, cho Nguyễn Đức Thuận đứng đèn và nhịn khát mười sáu ngày liền, rồi tôi có muốn thanh minh sao thì cũng vẫn cứ lòi ra là một gã thơ lại.

Thì một hôm đến Vạn Lịch, tôi gặp Tô Hoài. Tôi nói: Lâu lắm rồi, vẫn thế nhỉ, mắt vẫn hoa tình, nói nôm na là đĩ.

(năm 2009, tôi đến Tô Hoài. Câu đầu tiên lại nói: “Cha này 90 rồi mà mắt vẫn đĩ nhỉ!” Tô Hoài sướng cười tít cả mắt lại).

Tô Hoài bảo cậu viết cho Người Hà Nội đi.

– Thật chứ, tôi hỏi? Muốn thử Tô Hoài.

– Thật. Đăng hẳn cả tên Trần Đĩnh của cậu ấy chứ… Tớ đếch sợ!

Nhân báo Người Hà Nội của Tô Hoài vừa đăng một bài của Mai Ngữ nói xã hội ta nay nhiều tiếng tục, tiếng lóng quá, xin ngành văn hoá ra tay, tôi viết bài Vượt rào xổ lồng. Cho rằng tiếng tục, tiếng lóng vượt rào xổ lồng là vì chữ nghĩa quen thuộc đã bị lạm dụng thành xác xơ, dân phải lấy tiếng lóng, tiếng tục nó tươi tốt, mơn mởn sức sống ra thay. Thí dụ: giỏi thì thành đểu; hăng hái thì thành máu, ngầu; thành công, thắng lợi thì thành vào cầu, trúng quả… Người dân ưng tiếng lóng tiếng tục hơn vì ngoài sức sống trẻ trung, tiếng lóng tiếng tục còn cho người dùng nó một mã hiệu về tổ chức, khi dùng nó lập tức thấy ta có vai vế hơn trong xã hội – ấy là được ở trong bè đảng cùng với những phe, những phò, những đầu gấu đông đảo, hùng mạnh đến mức công an cũng phải ngại. Đây không là địa hạt văn hoá mà sang địa hạt chính trị – xã hội mất rồi. Dân mượn tiếng lóng, tiếng tục để đổi chứng minh thư. Nói cho đúng nhất, một cách vượt biên ở ngay trong nước! Đó là tinh thần bài viết chứ cố nhiên nếu tôi viết “đổi chứng minh thư” hay “Vượt biên” thì chắc chắn Tô Hoài sẽ phải bỏ. Vượt biên là cực phản động. Chả thế Đảng phải ra luật phạt rất nặng với ai vượt biên. Tô Hoài đã đăng với tên Trần Đĩnh. Người đầu tiên phá cái hàng rào giam kín tên tôi.

Mai Văn Hiến thư ngay cho tôi: “Cóc đọc tên tác giả tớ cũng biết thừa là cậu. Rất hay. Đến tớ chơi đi”.

Vạn Lịch hò hẹn đạp xe vào tận Cầu Giấy đưa nhuận bút. Tô Hoài nó nhờ tao, anh nói. Nó bảo cậu chơi khăm, đề địa chỉ ở nhà Lê Đạt vậy Tô Hoài nó khó đến mà bảo nhân viên đem đến thì càng không hay. Thế là nhờ tao.

Đã lâu, Vạn Lịch ra toà cãi bênh Tạ Đình Đề. Sau đó, anh bảo tôi: Có đứa nó bảo tớ các cụ đang cáu, mày nên tạm lánh lên Hà Đông đi.

Tôi bảo anh, một trưởng ty Hà Tây sắp bị khởi tố vì tham nhũng thì bí thư tỉnh gọi chánh án đến hỏi anh là gì? Dạ, tôi là chánh án tỉnh. Chỉ thế thôi sao? Dạ, còn là đảng viên. À, vậy anh nghe luật hay đảng? Không xử trưởng ty nữa… Muốn nghe nữa không? Có nhớ cua rơ xe đạp lừng danh Đông Dương Vũ Quốc Thân không? À, con cụ Tư Đường giàu có tiếng Hà Nội. Bây giờ cả nhà rúc ở một căn hộ chật hẹp ở Mã Mây để sửa xe máy. Chung nhà vệ sinh với một hộ bên cạnh thì hộ nó bít tường, cả nhà Thân toàn phải đi vài trăm mét qua đê sông Hồng làm chuyện vệ sinh hàng ngày. Thân kêu, tớ bèn nhờ Nguyễn Đức Mưu chuyên phụ trách mục Ý dân ở báo Hà Nội Mới. Mưu hăng hái nhận lời nhưng mấy hôm sau bảo tớ là mình không làm được vì cái hộ nó chiếm nhà vệ sinh của Vũ Quốc Thân lại là em bà phó chủ tịch thành phổ Hà Nội. Đấy, tuỳ cậu…

Nghe tôi, Vạn Lịch thôi “sơ tán”. Chả đâu có hầm hố tử tế cho anh trú ẩn.