Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Tố Hữu (1920 - 2002)

 











http://phannguyenartist.blogspot.com/




Tố Hữu

Nguyễn Kim Thành
(1920 - 2002)
Hưởng thọ 82 tuổi

Nhà thơ, Nhà hoạt động chính trị











Bài thơ cuối cùng của Tố Hữu


Xin tạm biệt đời yêu quý nhất
Còn mấy vần thơ, một nắm tro.
Thơ gửi bạn đường, tro bón đất
Sống là cho và chết cũng là cho.













Tố Hữu năm 1945




Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành (4/10/1920 - 9/12/ 2002), quê gốc ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ông là một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam, đồng thời là một chính trị gia. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.







Tiểu sử

Ông sinh ngày 4 tháng 10 năm 1920 tại Hội An tỉnh Quảng Nam. Đến năm 9 tuổi, ông cùng cha về ở tại làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Cha ông là một nhà nho nghèo, không đỗ đạt và phải kiếm sống rất chật vật nhưng lại thích thơ, thích sưu tập ca dao tục ngữ. Mẹ ông mất vào năm ông lên 12 tuổi. Năm 13 tuổi, ông vào trường Quốc học Huế. Tại đây, Nguyễn Kim Thành đã sớm tiếp cận với lý tưởng cộng sản qua sách báo, kết hợp với sự vận động của các đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ, năm 1936 ông gia nhập Đoàn thanh niên.



Hoạt động trong đảng Cộng sản Việt Nam

Năm 1938 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 4/1939, ông bị bắt, bị tra tấn và đày đi nhà lao Thừa Phủ (Huế) rồi chuyển sang nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị) và nhiều nhà tù khác ở Tây Nguyên.
Tháng 3-1942, ông vượt ngục.
Đến năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế.
Năm 1946, ông là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. 
Cuối 1947, ông lên Việt Bắc làm công tác văn nghệ, tuyên huấn. Từ đó, ông được giao những chức vụ quan trọng trong công tác văn nghệ, trong bộ máy lãnh đạo Đảng và nhà nước:
1948: Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ Việt Nam;
1952: Giám đốc Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thuộc Thủ tướng phủ;
1954: Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền;
1963: Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam;
Tại đại hội Đảng lần II (1951): Ủy viên dự khuyết Trung ương; 1955: Ủy viên chính thức;
Tại đại hội Đảng lần III (1960): vào Ban Bí thư;
Tại đại hội Đảng lần IV (1976): Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương, Phó Ban Nông nghiệp Trung ương;
Từ 1980: Ủy viên chính thức Bộ Chính trị;
1981: Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng cho tới 1986. Ngoài ra ông còn là Bí thư Ban chấp hành Trung ương.
Năm 1996, ông được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt 1). 
Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ khác như Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng Ban Thống nhất Trung ương, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng Ban Khoa giáo Trung ương. Ông còn là Đại biểu Quốc hội khoá II và VII.
Trong thời gian phụ trách mảng văn nghệ, ông là người đã phê phán quyết liệt phong trào Nhân văn-Giai phẩm (1958). Nhiều ý kiến coi ông là tác giả chính của vụ án văn nghệ - chính trị này. Sau khi Lê Duẩn mất, có sự thay đổi mạnh mẽ tiến tới đổi mới nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế toàn diện. Ông bị mất uy tín vì vai trò "nhà thơ đi làm kinh tế" qua những vụ khủng hoảng tiền tệ những năm 1980 nên bị miễn nhiệm mọi chức vụ, chỉ còn làm một chức nghiên cứu hình thức.
Ông mất ngày 9 tháng 12 năm 2002 tại Bệnh viện 108. 
Hưởng thọ 82 tuổi 


















Quan điểm chính trị 

Là nhà thơ đã chọn con đường Cách mạng từ thời thanh niên, trải qua những năm tháng tù đày, thơ của ông là tiêu biểu của quan niệm nghệ thuật Cách mạng. Ông quan niệm: "Muốn có thơ hay, trước hết, phải tạo lấy tình. Nhà thơ chân chính phải không ngừng phấn đấu, tu dưỡng về lập trường tư tưởng; xác định thật rõ ràng tầm nhìn, cách nhìn. Tự nguyện gắn bó chân thành là yêu cầu cao nhất đối với người nghệ sĩ trong quan hệ với đất nước, với nhân dân. Ngoài ra, các nhà thơ Cách mạng còn phải kiên quyết đấu tranh, không khoan nhượng trước những biểu hiện lệch lạc, với cái xấu, cái ác. Tóm lại, viết thơ phải xứng đáng là người chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng."
Ông cũng được đánh giá là con người khá bảo thủ, khi bị phê bình về các tác phẩm của mình thì thường có phản ứng rất quyết liệt.
Ngoài vai trò nhà thơ, ông còn là một nhà chính trị, có một số bài thơ ca ngợi các lãnh tụ cộng sản quốc tế như Stalin (Đời đời nhớ Ông), Mao Trạch Đông (Đường sang nước bạn), Hồ Chí Minh (Bác ơi, Cháu nhớ Bác Hồ), Fidel Castro (Từ Cuba).















Tác phẩm









Thơ




1
Từ ấy 
(1936 - 1946)


Mồ côi
Hai đứa trẻ
Tương tri
Đi đi em!
Tháp đổ
Hãy đứng dậy
Hồn chiến sĩ
Ly rượu thọ
Xuân lòng
Dửng dưng
Đông Kinh nhuộm máu
Vú em
Lao Bảo
Lão đầy tớ
Hầm người
Tình thương với chiến tranh
Hỏi cụ Ngáo
Liên hiệp lại
Từ ấy
Hi vọng
Tiếng hát sông Hương
Đi Tây
Lạnh lùng
Hai cái chết
Như những con tàu
Tiếng sáo Ly Quê
Những người không chết
Chiều
Ý xuân
Tâm tư trong tù
Con chim của tôi
Nhớ người
Trưa tù
Quanh quẩn
Khi con tu hú
Nhớ đồng
Song thất
14 tháng 7
Giờ quyết định
Dậy lên thanh niên
Tranh đấu
Năm xưa
Con cá, chột nưa
Đôi bạn
Trăng trối
Châu Ro
Đông
Quyết hy sinh
Bà má Hậu Giang
Dậy mà đi!
Người lính đêm
Ba tiếng
Cảm thông
Người về
Tiếng chuông nhà thờ
Đời thợ
Một tiếng rao đêm
Tiếng hát đi đày
Dưới trưa
Tương thân
Đêm giao thừa
Tiếng hát trên đê
Vỡ bờ
Đi
Đói! Đói!
Xuân đến
Hồ Chí Minh
Huế tháng tám
Giết giặc
Thưa các ông nghị
Xuân nhân loại
Vui bất tuyệt










2
Việt Bắc 


3
Gió lộng 



4
Ra trận 


5
Máu và Hoa 


6
Một tiếng đờn 
(1977 - 1993)


Một khúc ca
Phút giây
Mừng bạn, mừng ta
Mừng thọ bác Nguyễn Phan Chánh
Một nhành xuân
Bài thơ đang viết
Đêm cuối năm
Sáng đầu năm
Màu tôi yêu
Làng Thượng
Ngày và đêm
Ca vui
Xuân đấy
Ngẫu hứng
Đêm xuân 85
Ngọn lửa
Sta-lin-grát anh hùng
Gửi theo anh Xuân Diệu
Phồn Xương
Đêm thu quan họ
Hà Trung
Luy Lâu
Cẩm Thuỷ
Ngọc Lặc
Như Xuân
Nông Cống
Tĩnh Gia
Hoằng Hoá
Quảng Xương
Hậu Lộc
Vườn nhà
Nhớ về Anh
Đảng và thơ
Thật giả
Dưỡng sinh
Lạc đường
Quảng cáo
Cái bánh đời
Hôn anh
Nhớ Chế Lan Viên
Bảy mươi
Giao thừa
Chào năm 2000!
Một tiếng đờn
Một thoáng Cà Mau
Anh sáo mù
Chị và em
Đêm trăng Năm Căn
Đồng Thoại Sơn
Nhà hoạ sĩ Tô Ngọc Vân
Chợ Đồng Xuân
Mới
Lạ chưa?
Vườn cam Tường Lộc
Đồng Tháp Mười
Nuôi trăn
Tằm tơ Bảo Lộc
Xưởng nhà
Có một ngày như thế
Chị bí thư nhà máy
Hát trên dàn khoan dầu
Lòng Anh
Hiên ngang Cu-ba
Chân lý vẫn xanh tươi
Dầu và máu
Xuân đang ở đâu...
Xuân hành 1992
Ta lại đi
Toà án Mỹ
Trưa tháng tư, Sài Gòn
Chùa Hương
Anh cùng em
Chân trời mới
Duyên thầm












7
Ta với ta
 (1993 - 2000)












Tiểu Luận





Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta 
(tiểu luận, 1973)



Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật 
(tiểu luận, 1981)











Phong tặng và Giải thưởng văn học chính 

Giải nhất giải thưởng văn học Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955 (tập thơ Việt Bắc)
Giải thưởng Văn học ASEAN của Thái Lan năm 1996 cho tập thơ "Một tiếng đờn".
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật 
(đợt 1, 1996)
Huân chương Sao Vàng
(1994)












Sự kiện rắc rối sau khi ông mất 

Bài phỏng vấn Tố Hữu với tựa đề: "Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng" của Nhật Hoa Khanh được công bố sau khi ông mất đã gặp phải sự phản kháng từ gia đình ông. Vào tháng 4 năm 2004, tài liệu này bắt đầu được phổ biến trong giới văn nghệ, báo chí tại Việt Nam. Vào tháng 5 năm 2004, báo Quân Đội Nhân Dân trích đăng 3 kì từ tài liệu này với nhan đề "Tố Hữu" và "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên", (kì số 3 vào ngày 7 tháng 5 năm 2004). Ngoài ra bài này cũng được đăng thành nhiều phần nhỏ trong các báo khác như Nhân Dân, Tiền Phong Chủ Nhật, Người Hà Nội,... Nội dung bài phỏng vấn có nhắc tới các sự kiện văn hóa trước đây như Nhân văn-Giai phẩm và các nhà văn nạn nhân..., ông Tố Hữu có những lời ca ngợi các người này.

Bài phỏng vấn được thực hiện năm 1997, nhưng đến khi phổ biến thì bị bà Vũ Thị Thanh, vợ của Tố Hữu, phủ nhận và cho đó là những tài liệu giả mạo "pha chế nhiều ý kiến riêng, mượn danh Tố Hữu, biến Tố Hữu thành người phát ngôn cho ý mình". Bà yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc để điều tra làm rõ sự giả mạo của tài liệu này, nhưng ông Nhật Hoa Khanh nói có đầy đủ băng ghi âm ghi lại cuộc nói chuyện của ông với Tố Hữu.

Thực hay giả, đúng hay sai, nhưng thực tế nó đã được các tờ báo chính thống ở Việt Nam phổ biến. Sau đó sự kiện này không được các cơ quan báo chí, văn nghệ nhắc tới nữa.
















Tố Hữu và vụ Nhân Văn Giai Phẩm

Tố Hữu, khi ấy là Ủy viên Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam, phụ trách về công tác văn hóa văn nghệ, tuyên truyền được coi là người dập tắt phong trào Nhân Văn–Giai Phẩm. Trong cuốn Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại "Nhân Văn - Giai Phẩm" trên mặt trận văn nghệ, nhà xuất bản Văn Hoá, 1958, mà ông là tác giả, Tố Hữu đã nhận định về phong trào này và những người bị coi là dính líu như sau:

Lật bộ áo "Nhân Văn - Giai Phẩm" thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm; (trg 9. Sđd). Trong cái công ty phản động "Nhân Văn - Giai Phẩm" ấy thật sự đủ mặt các loại "biệt tính": từ bọn Phan Khôi, Trần Duy mật thám cũ của thực dân Pháp đến bọn gián điệp Thụy An, từ bọn trốt-kít Trương Tửu, Trần Đức Thảo đến bọn phản Đảng Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt. Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ;. (trg 17. Sđd).

Báo cáo tổng kết vụ "Nhân Văn - Giai Phẩm" cũng do Tố Hữu viết có kết luận về tư tưởng chính trị và quan điểm văn nghệ của phong trào Nhân Văn–Giai Phẩm như sau:

Những tư tưởng chính trị thù địch Kích thích chủ nghĩa cá nhân tư sản, bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản. Xuyên tạc mâu thuẫn xã hội, khiêu khích nhân dân chống lại chế độ và Đảng lãnh đạo. Chống lại chuyên chính dân chủ nhân dân, chống lại cách mạng xã hội chủ nghĩa. Gieo rắc chủ nghĩa dân tộc tư sản, gãi vào đầu óc sô-vanh chống lại chủ nghĩa quốc tế vô sản. Những quan điểm văn nghệ phản động Nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" phản đối văn nghệ phục vụ chính trị, thực tế là phản đối văn nghệ phục vụ đường lối chính trị cách mạng của giai cấp công nhân. Chúng đòi "tự do, độc lập" của văn nghệ, rêu rao "sứ mạng chống đối" của văn nghệ, thực ra chúng muốn lái văn nghệ sang đường lối chính trị phản động. Nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" phản đối văn nghệ phục vụ công nông binh, nêu lên "con người" trừu tượng, thực ra chúng đòi văn nghệ trở về chủ nghĩa cá nhân tư sản đồi trụy. Nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" hằn học đả kích nền văn nghệ xã hội chủ nghĩa, nhất là văn nghệ Liên Xô, đả kích nền văn nghệ kháng chiến của ta. Thực ra, chúng phản đối chế độ xã hội chủ nghĩa, chúng đòi đi theo chế độ tư bản chủ nghĩa. Nhóm "Nhân Văn - Giai Phẩm" phản đối sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ, chúng đòi "trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ", thực ra chúng đòi đưa quyền lãnh đạo văn nghệ vào tay bọn phản cách mạng.











Gia đình
Phu nhân là Vũ Thị Thanh, nguyên Phó Trưởng ban Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương). Mối tình của hai người được họ tự khen ngợi là một mối tình đẹp và bà Thanh đã viết hồi ký về Tố Hữu mang tên Ký ức người ở lại
Bà qua đời năm 2012.
Vợ chồng Tố Hữu có ba con, hai gái và một trai.



Tố Hữu & phu nhân Vũ Thị Thanh








Tham khảo thêm về nhà thơ Tố Hữu








Thơ Xuân Sách tặng Tố Hữu

Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
Mắt trông về tám hướng phía trời xa
Chân dép lốp bay vào vũ trụ

Khi trở về ta lại là ta
Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát
Trông về Việt Bắc tít mù mây
Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường, hoa ở đây.










Trang thơ Tố Hữu
http://www.thivien.net/T%E1%BB%91-H%E1%BB%AFu/author-6uN9el0F61csLvlqLVN6gw








Để hiểu thêm Tố Hữu
Vương Trí Nhàn
http://vuongtrinhan.blogspot.com/2010/10/e-hieu-them-to-huu.html


Trước mắt tôi là sưu tập Văn Nghệ số 40 ra 3-1953. Lúc này cơ quan Hội văn nghệ đang đóng ở rừng Việt Bắc. Nhân cái chết của Stalin, tạp chí của Hội ra một số đặc biệt, không chỉ Tố Hữu mà nhiều tác giả khác có bài liên quan tới sự kiện này.
Về thơ
Chế Lan Viên có Stalin không chết, mở đầu bằng mấy câu 
Stalin mất rồi Đồng chí Stalin đã mất! Thế giới không cha nặng tiếng thở dài
Ở đoạn dưới
 Mẹ hiền ta ơi Em bé ta ơi Đồng chí Stalin không bao giờ chết
Triệu triệu mẹ già em dại
 Đều là súng Stalin để lại ( VTN gạch dưới)* Giữ lấy hòa bình thế giới Tiếng nổ ca vang dội thấu mặt trời
Các bài tiếp theo:
Trước bài Đời đời nhớ Ông của Tố Hữu là bài Nhớ đồng chí Sta lin của Huy Cận
Tiếp đó các bài của Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn.
Xuân Diệu có bài Thương tiếc Đại nguyên soái Stalin:
 Nghe tin mất mới thấy lòng quyến luyến Từ bao lâu yêu Người tận tủy xương Tiếng khóc đây là tất cả can trường Thấy Người thật là bát cơm miếng bánh Người gắn với chúng con trong vận mệnh
Về phần văn xuôi.
Phan Khôi có bài Một vị học giả mác-xít thiên tài. Trước khi viết kỹ về cuốn Chủ nghĩa Mác và vấn đề ngôn ngữ, Phan Khôi có đoạn dạo đầu ngắn:

Đối với cái chết của Đại nguyên soái Stalin, vấn đề đề ra trước mắt những người đang sống là: Chúng ta phải học tập Stalin, học tập đạo đức cách mạng và trí tuệ của ông, được cả càng hay, không thì được phần nào cũng hay phần ấy, đó là một đảm bảo vững chắc cho cuộc thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, của Chủ nghĩa tân dân chủ.
Lê Đạt thì xuất hiện như một phóng viên, ghi lại không khí một nhà máy trong rừng khi nghe tin Stalin mất. Bài viết khoảng 3.000 chữ này kể chuyện cái chết của Stalin đã gợi lên niềm xúc động to lớn, từ đó đánh thức tinh thần lao động sáng tạo của cả một tập thể công nhân gang thép.

Xin phép mở một dấu ngoặc.
Ngoài các bài Liễu, Bài thơ tình ở Hàng Châu, Tế Hanh còn có bài thơ ngắn sau đây, viết trong đợt thăm Trung quốc 1962. Tôi vẫn thường nhẩm lại mỗi khi nhớ tới đời sống tinh thần của chúng tôi những năm 1965 về trước.
 Hồ Nam xe chạy không dừng bước Dãy núi cao liền dãy núi cao Quê hương lãnh tụ mây thêu nắng Thấy mặt trời lên nhớ bác Mao
Tôi muốn thầm nói với Tế Hanh: Anh không việc gì phải xấu hổ cả. Hồi ấy, bao nhiêu người nghĩ thế, chứ đâu phải riêng anh!

Trở lại chuyện Tố Hữu.
Nếu có ai hỏi tôi thích bài nào của Tố Hữu nhất, tôi sẽ nói rằng đó là cụm mấy bài ông làm hồi đi tù, in trong phần Xiềng xích của tập Từ ấy.
Bài Nhớ đồng 
Gì sâu bằng những trưa thương nhớ Hiu quạnh bên trong một tiếng hò
Bài Tiếng hát đi đầy
 Hỡi những anh đầu đi trước đó Biết chăng còn lắm bạn đi đầy
Những bài thơ này có cái giọng mà sau này không bao giờ Tố Hữu có nữa. Nhà thơ bơ vơ trong cảnh đơn độc ở núi rừng. Phải làm thơ, phải lấy thơ để tự khẳng định, thơ cất lên không để cho ai mà trước tiên để cho mình .
Những bài thơ viết khi người ta không biết mình sẽ sống hay chết như thế này,
tôi còn gặp một lần nữa trong thơ VN về sau, đó là tập Ánh sáng và phù sa.
Khi soạn tập thơ (1960), Chế Lan Viên chưa chuyển sang giai đoạn lựa ánh sáng trên đầu mà thay đổi sắc phù sa , như Xuân Sách sẽ viết .

Sinh thời, Tố Hữu hay nói, đại ý hãy coi ông là nhà cách mạng, sau đó mới là nhà thơ.
Như thế tức là ông cũng đã biết chỗ đứng của mình trong lịch sử.
Có điều không phải luôn luôn người ta làm được đúng như những điều người ta tự xác định.
Là một người hết sức nhạy cảm và sẵn có cả chất mệ của quê hương, ông thừa biết nhiều khi dân văn nghệ ca ngợi thơ ông vì ông là quan chức phụ trách người ta, nắm sinh mệnh của người ta.
Song nếu đủ sáng suốt để từ chối những lời nịnh bợ thường trực thì ông đã không còn là ông nữa.
Lẽ đời là vậy, lúc được được quá cái đáng được, thì lúc mất cũng mất quá cái đáng mất.
Nhưng về phần chúng ta, mỗi lần đả động đến ông, tôi nghĩ nên phân biệt đang nói về ông như một quan chức cao cấp hay nói về ông như một nhà thơ.

Khoảng năm 1973, Hà Nội có một triển lãm điêu khắc với ngôn ngữ khá hiện đại của Nguyễn Hải và Lê Công Thành. Chính Tố Hữu cũng rất thích -- sang Hội nhà văn nghe ngóng về, Nguyễn Khải báo cho tôi biết tin vui đó. Nhưng rồi hóa ra chúng tôi mừng hụt. Mấy vị to hơn tới xem cho là không được. Và người ta lại thấy Tố Hữu cho truyền đi nhận định không thể tìm tòi kiểu ấy, mà hãy trở lại với thứ điêu khắc mô phỏng đời thường, kiểu Trần Văn Lắm!
Tức là cũng như chúng ta, Tố Hữu cũng có lúc phải làm ngược điều mình nghĩ.
Trước đó năm 1965, Nguyễn Thành Long bị nạn với bút ký Cái gốc. Bài ký cũng chẳng có chuyện gì đen tối lắm, chỉ tả phụ nữ trong chiến tranh quá nhếch nhác, nên bị Đảng đoàn Hội phụ nữ kêu.Theo chỗ tôi nhớ, lúc đầu Nguyễn Thành Long rất tự tin, vì Tố Hữu đã nhắn xuống tỏ ý bênh, “họ có Đảng đoàn thì mình cũng có Đảng đoàn chứ “( ý nói Đảng đoàn phụ nữ và Đảng đoàn văn nghệ-- hai cấp tương đương nhau ). Thế nhưng bên phụ nữ kiện lên trên và cuối cùng văn nghệ thua, Cái gốc chung số phận với Tình rừng.

Nguyễn Khải kể khoảng năm 1963, có lần được dự một cuộc họp cùng bí thư tỉnh ủy các tỉnh đồng bằng do Tố Hữu chủ trì, chắc là bàn về công tác tuyên huấn. Trong lúc nghe mọi người thảo luận, bỗng Nguyễn Khải thấy Tố Hữu đang đi quanh thì dừng lại, ghé vào tai mình nói nhỏ:
-- Chăc nhà văn nhìn cảnh này như một trò hề?!
Rồi ông lảng ngay, lên bàn chủ tịch, tiếp tục lo nốt các việc đang làm dở.

Cái lạ của các nhà văn sau 1945 là khi tính viết con người thời nay, chỉ hay viết về nhân vật quần chúng công nông. Còn những người kéo quần chúng đi, vẽ ra cái mẫu điển hình để quần chúng sống theo và nói chung chỉ có vai trò đơn giản là…lèo lái toàn bộ đời sống – những nhân vật quan chức nhân vật cán bộ kiểu ấy lại chả ai viết bao giờ.

Tôi đã phác qua một vài nét về Tố Hữu hồi ở Việt Bắc trong ghi chép về Nguyễn Đình Nghi.
Nhị Ca kể với tôi cái tình tiết sau đây: trong rừng, cạnh cơ quan, thường có những quán cà phê, anh em hay ra đấy đấu láo. Đang vui thì Tố Hữu đến. Thế là mọi người không ai bảo ai rút lui hết. Chỉ còn một người bao giờ cũng ngồi với Tố Hữu đến cùng. Là Hoài Thanh.
Cái công của Tố Hữu hồi ấy là giữ cho được anh em đi theo kháng chiến đến cùng không để họ trở về thành.

Những năm chiến tranh, thỉnh thoảng một số anh em viết trẻ chúng tôi cũng được gọi đi nghe Tố Hữu nói chuyện. Có một câu ông nói khiến tôi nhớ nhất và phải nói thực sợ nhất, đó là cái ý ông bảo sang nước ngoài thấy đời sống họ lạnh lùng lắm, về nước thấy đồng bào mình sống với nhau, ấm cúng hơn hẳn.
Ông cũng thường nói là nổi tiếng ở nước ngoài thì dễ, nổi tiếng ở trong nước mới khó .
Lại có lần khuyến khích lớp trẻ, ông bảo phải biết đấu tranh cho chân lý, khi cần phải cắn xé(!). May mà bọn tôi đã nghe nhiều về tính đồng bóng của ông, nên chẳng mấy cảm động, nhớ đâu hình như chính Xuân Quỳnh bảo rằng có mà ông cho ghè gẫy răng.

Tố Hữu quản cán bộ cấp dưới thế nào? Nguyễn Khải nhận xét có vẻ như càng những người bất tài và có khuyết điểm ông lại càng thích dùng. Những ông A ông B từng bị Tố Hữu mắng như tát nước vào mặt lại rất vững vàng trong vị trí của mình. Vì ông thừa biết loại đó bảo thế nào họ cũng phải nghe.
Bảo Định Giang, người phụ trách Hội liên hiệp những năm ấy thường kể với mọi người ông Lành dọa sẽ lấy đầu nếu BĐG để một vài văn nghệ sĩ tiêu biểu lơ mơ ở Hà Nội rồi dính bom đạn.

Một lần, khoảng những năm trước 1980, tôi ngồi với Nguyễn Khải, Xuân Sách, cùng giở một số báo Tết. Khi ấy Tố Hữu đã đi phụ trách kinh tế, nhưng các số báo tết vẫn có bài của ông. Nguyễn Khải sát hạch tôi:
-- Thằng Nhàn hãy thử bình một câu xem nào.
Tôi lúc đầu cũng chỉ biết nói như mọi người:
-- Thế là được một nhà kinh tế mà mất một nhà thơ.
Nguyễn Khải gạt phắt đi:
-- Không được.
Trong cơn bí, tôi phụt ra một ý mà trước đó tôi không hề nghĩ:
-- Người làm ra những bài thơ như thế này thì chắc làm kinh tế cũng không ra gì!
Bấy giờ Nguyễn Khải mới cười, bảo ra tôi cũng bắt đầu biết rồi đấy.

Kim Lân có lần rủ rỉ bảo tôi chính Tố Hữu đã kể với tác giả Vợ nhặt rằng hồi nhỏ ông mắc bệnh mộng du. Có lần chui lên cả bàn thờ họ mà làm một giấc ngủ trưa


Tố Hữu & một nền văn nghệ phục vụ cách mạng
Bài viết trên Thể thao& văn hóa, 
ngày Tố Hữu mất

Trước nay đã vậy mà vào dịp Tố Hữu qua đời cũng vậy, tác giả Từ ấy thường được biết tới như một tiếng thơ hùng tráng, nhà thơ mang tiếng nói của cách mạng, người mà sinh thời, mọi sáng tác được truyền tụng rộng rãi đến mức chưa một nhà thơ nào trong lịch sử dân tộc biết tới.
Nhưng trên cái nền rộng rãi của lịch sử đất nước nửa cuối thế kỷ XX, Tố Hữu còn nổi bật trong một vai trò lớn lao khác: ông chính là một thứ tổng công trình sư đảm nhiệm vai trò thiết kế, một thứ tổng đạo diễn, suốt đời gắn bó với mọi hoạt động của nền văn nghệ mới.

Hà Nội đầu 1946. Cách mạng thành công đã được mấy tháng, nhưng nhiều văn nghệ sĩ còn đứng ngoài, một người như Nguyễn Tuân sau này cũng kể là ông còn “ ngủng ngoẳng chưa thật sự muốn theo Việt Minh “. Một lần, nghe Hoài Thanh nói rằng có một nhà thơ cách mạng muốn gặp, ông “ nắn gân “ bằng cách hẹn ngay ở Thuỷ Tạ Bờ Hồ ( lúc bấy giờ là một nơi ăn chơi phức tạp ! ). Nhưng nhà thơ kém Nguyễn Tuân đúng chục tuổi kia không ngán, mà vẫn tới, thuyết phục Nguyễn Tuân tham gia đoàn văn nghệ sĩ đi mặt trận. Nhà thơ đó là Tố Hữu.
Hạ Hoà, Phú Thọ, mùa đông 1948. Hội văn nghệ Việt Nam đã được thành lập, song còn lúng túng trong phương hướng sáng tác, nói theo chữ của Xuân Diệu là các ông còn “ mơ màng tìm kiếm những sáng choang bóng lộn thơm phức tận đâu đâu...” Một lần, trên mặt trận đưa về một bài thơ là bài Viếng bạn của Hoàng Lộc. Đọc xong, Xuân Diệu phát biểu thành thật “ Chẳng thấy hay”. Lúc ấy có một nhà thơ khác “đã rất bầu bạn làm trạng sư cho bài thơ “. Theo chính lời kể của Xuân Diệu, “ anh chăm chăm bình lại từng đoạn một, giúp tôi cảm xúc cái tình cảm của bài thơ đặng cho tôi thành bà con rồi ruột thịt của nó. Từ đêm hôm ấy, tôi vỡ lẽ ra dần, dần dần chuyển cách thức ăn nếm của mình “. Nhà thơ đó cũng là Tố Hữu.
Hai mẩu chuyện trên đây đã tóm tắt khá đầy đủ hai phương diện còn ít được nói tới trong đóng góp của Tố Hữu đối với lịch sử văn học. Đó là, một mặt tập hợp đội ngũ sáng tác, tổ chức họ thành một binh đoàn hùng mạnh trong lực lượng cách mạng; mặt khác, dần dần từng chút một, làm thay đổi cả cách hiểu cũ về văn học, hình thành nên một cảm quan văn chương mới và thông qua các phương tiện truyền thông, nhất là thông qua hệ thống nhà trường được phổ cập rộng rãi, nhân rộng mãi nó ra, biến nó thành cảm quan của thời đại.
Những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp phát hiện cho người ta thấy hình ảnh một Tố Hữu như là một nhà cách mạng bẩm sinh : ông dám bắt đầu một công việc từ chỗ gần như chỉ có hai bàn tay trắng.Thành công của ông giữa núi rừng Việt Bắc là thu hút được những tên tuổi nổi tiếng (từng được xem như niềm tự hào của kháng chiến ) từ Ngô Tất Tố tới Phan Khôi, từ Nguyễn Tuân tới Thế Lữ, từ Hoài Thanh tới Đoàn Phú Tứ... trong một tổ chức gọn gàng là Hội văn nghệ, quản lý họ, lôi cuốn họ vào công việc, cùng với họ ra báo dịch sách và đưa họ đi tham gia các chiến dịch cho đến ngày theo chân các đoàn quân về giải phóng thủ đô 10 / 1954.
Mặc dù về sau còn được giao phó nhiều trọng trách khác trên các lĩnh vực tư tưởng và có khi cả kinh tế, song không bao giờ Tố Hữu rời bỏ công tác văn nghệ, mảnh đất đã giúp ông xây dựng sự nghiệp chính trị. Với ông những câu “ văn nghệ phục vụ chính trị “ hoặc “ văn nghệ cũng là một mặt trận “ không chỉ là khẩu hiệu mà là quan niệm có thể và cần phải được hiện thực hoá hàng ngày.
Sau kháng chiến chống Pháp, ông kiên định trong việc chỉ đạo từ vụ Nhân văn giai phẩm tới các cuộc chống xét lại cũng như giáo điều trước chiến tranh, để rồi tiếp tục huy động một cách rất thành công sự đóng góp của giới văn nghệ trong những năm chống Mỹ.
Tình thương mến, tình nghĩa, thuỷ chung... là những điều thường được ông nhắc lại nhiều hơn cả khi tiếp xúc với những con người làm việc trên lĩnh vực nhạy cảm này. Ông hiểu rất rõ chỗ mạnh chỗ yếu của họ. Khi nâng niu trân trọng lúc yêu cầu se sắt gắt gao, ông biết cách làm cho mỗi người trong họ có được kết quả cụ thể trong công việc.
Với sự nhạy cảm tuyệt vời của một nghệ sĩ, ông hình thành được một đội ngũ những người cộng sự trung thành, từ Nguyễn Đình Thi tới Chế Lan Viên, từ Hà Xuân Trường tới Bảo Định Giang... và nhờ thế có tiếng nói quyết định trong các vấn đề trọng yếu của văn nghệ ngay cả khi đã quá bận bịu vì những công việc to lớn khác.
Tinh thần cách mạng, tinh thần sáng nghiệp sử ( khai phá một con đường đi mới dám làm những việc xưa nay chưa ai từng làm ) cũng được Tố Hữu quán xuyến trong khâu xây dựng một quan niệm mới về văn nghệ. Cách mạng cần động viên tinh thần chiến đấu của công nhân nông dân ? Thì ông lo đào tạo những người sáng tác xuất thân từ công nông và nhất là lo có những tác phẩm giản dị, tự nhiên mà công nông có thể hiểu được. Những chuẩn mực của nền văn nghệ cũ tỏ ra không thích hợp với yêu cầu cấp bách của cách mạng ? Thì chúng phải bị gạt bỏ để thay thế bằng những chuẩn mực mới. Điểm xuất phát của những chuẩn mực vừa hình thành này là dễ làm nhiều người có thể làm, dễ hiểu và không ai có thể hiểu sai, bởi đây là một nền văn nghệ thuộc về nhân dân lao động.
Câu chuyện về thị hiếu về cái gout mà trên đây Xuân Diệu đã kể nhân bài thơ Viếng bạn của Hoàng Lộc mang một tinh thần như vậy. Có thể nói Tố Hữu đã làm những việc này với một niềm tin kỳ lạ. Ông không truy tìm những công việc có ý nghĩa lý luận thuần tuý. Những đúc kết của ông là đơn giản thiết thực dễ kiểm tra dễ theo dõi xem nó đã được quán triệt đến đâu, do đó nhanh chóng đi vào thực tiễn.
Những chuẩn mực mới này cố nhiên cũng là điều được Tố Hữu theo đuổi trong sáng tác thơ ( một việc mà gần như không bao giờ ông có điều kiện dành toàn bộ công sức song cũng không bao giờ xao nhãng ). Ở đây có thể nói tới một sự gặp gỡ tự nhiên giữa kiểu tài năng thơ ở ông và những gì ông tin theo và muốn mọi người cùng tin theo.
(Tôi vẫn nhớ một ý của Lê Đình Kỵ đánh giá Ba mươi năm đời ta có Đảng: Đó là một kiệt tác của thể diễn ca)*
Một điều có thể chắc chắn, chẳng những thơ Tố Hữu mãi mãi là bằng chứng của một thời đại trong văn nghệ mà cái cơ chế văn nghệ do ông thiết kế còn tồn tại dai dẳng và những tư tưởng lý luận của ông còn tiếp tục chi phối đời sống văn nghệ trong những năm sau khi ông đã qua đời. Chúng ta có thể chán nó, chê trách nó, muốn thoát khỏi nó, nhưng không thể phủ nhận là đã có nó, nó có lúc là một bộ phận trong gia tài tinh thần của mỗi người làm văn chương nghệ thuật thời nay.
Theo nghĩa ấy, tất cả chúng tôi không ít thì nhiều đều là trong bàn tay nhào nặn của Tố Hữu. Và đến lượt mình, chính ông cũng chỉ là một công cụ của lịch sử.*

Viết lần đầu 12-2002
 *Những doạn nhấn mạnh mới bổ sung 4-10-2010

HAI BÀI THƠ TỐ HỮU
Sau đây là hai bài thơ Tố Hữu viết về Triều Tiên, bọn học sinh cấp II ( trung học cơ sở ) chúng tôi được học trong chương trình chính khóa mấy năm 1956-57 ở Hà Nội, nhưng lại không thấy in trong các tập thơ của tác giả. Tôi ghi theo trí nhớ, nên có thể có khiếm khuyết, mong được lượng thứ.

Em bé Triều Tiên
Em bé Triều Tiên ơi
Mẹ của em đâu rồi ?
Có ai đây mà hỏi
Giặc bốn bề lửa khói
Mẹ của em đấy ư ?
Cái thân trắng lắc lư
Đầu dây treo lủng lẳng
Cha của em đấy ư?
Cái đầu lâu rũ tóc
Máu chảy dài thân cọc
Không, không phải em ơi
Mẹ của em đây rồi
Mẹ em đây
Người dân công tải đạn
Mẹ em đây người nữ cứu thương
Cha em đây giữa chiến trường
Mặt đen khói đạn chặn đường giặc lui.
Anh Chí nguyện
Con Bác Mao đã đến
Anh đã đến
Với cha em giết hết loài man rợ
Cho mẹ em xây lại tổ mềm
Cho em sướng cho em ca múa
Trên đồng hoa bãi lúa
Nhịp sống vui muôn thuở của Triều Tiên
Bé em ơi, giữa súng rền
Ngày mai tươi mát hát trên đất Triều!

Việt Nam – Triều Tiên
Việt Nam với Triều Tiên
Ta là hai anh em
Sinh đôi cùng một mẹ
Thương nhau từ thuở bé
Nay đều khỏe lớn lên
Việt Nam với Triều Tiên
Ta thành hai đồng chí
Ta thành hai anh hùng
Ta thành hai chiến lũy
Cùng bảo vệ hòa bình
Kim Nhật Thành—Hồ Chí Minh
Hai chúng ta là một
Qua Trung Hoa ta như liền khúc ruột
Với Liên xô ta chung một mái nhà
Bây giờ ta đến thăm ta
Nhìn nhau khóe mắt mầu da thân tình
Cây thông xanh Triều Tiên cháy xém
Thương cây tre Việt Nam giặc chém
Cây thông xanh nhựa chẩy ròng ròng
Thương cây tre đứt ruột đứt lòng
Nhưng chúng ta quyết không khuất phục
Chúng ta không một lúc cúi đầu
Chúng ta chiến đấu bên nhau
Tâm giao một tổ trước sau một đường
Ta quyết giữ quê hương Triều Việt
Cho chúng ta cho cả loài người
Quang vinh Việt Bắc Tháp Mười
Quang vinh Trường Bạch đỉnh đồi Thượng Cam
Triều Tiên với Việt Nam anh dũng
Đất nước ta dù im tiếng súng
Đường bạn còn đi tới Tế Châu
Đường chúng tôi còn tới Cà Mâu
Ta lại bước bên nhau lại bước
Như giông tố không thể nào ngăn được.
Bây giờ ta với ta đây
Triều Tiên với Việt Nam anh dũng
Hôm nay hãy hôn đôi bàn tay
Hôm nay hãy hôn đôi nòng súng
Giữ hòa bình Tổ quốc chúng ta
Và ngàn năm Triều Việt một nhà.
















VÀI Ý NGHĨ NHÂN HỘI THẢO VỀ TỐ HỮU

Lại Nguyên Ân





1

Kỷ niệm Tố Hữu năm nay, nhân 90 năm sinh, được tổ chức khá rùm beng: đã một buổi trình diễn thơ-nhạc tại Nhà hát Lớn hôm chủ nhật 2/10, lại buổi hội thảo tại ban Tuyên huấn TƯ hôm nay, 4/10. Làm lớn nhân năm chẵn, lại nhân lễ ngàn năm Thăng Long, rõ rồi; nhưng liệu có phải vì cái uy của thơ Tố Hữu đang suy trong công chúng? Nghe đôi nhà giáo đại học cho biết, sinh viên ngữ văn không thích làm luận văn, luận án về thơ Tố Hữu. Không tin thì ban Tuyên huấn cho cán bộ nhân viên làm điều tra xem? 


2

Đọc lại tài liệu giới phê bình nghiên cứu Việt Nam viết về Tố Hữu, nhất là những gì viết từ 1955 đến 2000, bạn phải lưu ý… “trừ bì”, tức là phải lượng định mức độ phóng đại của những lời khen. Một đôi người chỉ khen cho phải phép trước kẻ đắc thời đắc thế, nhưng nhiều người thì khen thơ Tố Hữu là khen cấp trên, đề lên tận lưng trời, là để kiếm lợi riêng, như cái tay phụ trách tạp chí của Viện nọ dám viết rằng Tố Hữu làm chức càng cao thì thơ càng hay! (trong khi Xuân Sách nhận xét đúng hơn: nhà càng lộng gió thơ càng nhạt!). Thơ Tố Hữu đã từng đem lại tiền bạc, học hàm học vị cho không ít nhà giáo, nhà nghiên cứu, – điều này có thật, nhưng “chất lượng khoa học” của sự phê bình nghiên cứu trước đây về thơ Tố Hữu thì nay cần phải trở thành một đối tượng nghiên cứu khảo sát, đừng có mặc nhiên trích dẫn vô tư.

3
Giá trị thực sự của thơ Tố Hữu ra sao? Có sống sót được với thời gian không? – là những điều người ta nên nghĩ tiếp.

Tôi cho rằng thơ Tố Hữu có thể có tình giai cấp, tình dân tộc, nhưng không có tình nhân loại. 

Không có tình nhân loại là ý thức, là chủ ý của nhà thơ Tố Hữu, người đã ra lệnh cho toàn giới lý luận và sáng tác văn nghệ ở miền Bắc phải loại bỏ tình nhân loại, bác bỏ chủ nghiã nhân đạo (humanisme) cả về lý luận lẫn thực tiễn, bảo nó là “nhân loại chung chung, nhân tính trừu tượng”, mang tính tư sản, cấm không ai được rơi vào quan niệm đó, nếu không muốn bị trừng phạt! Tự ông nói thơ ông là “đồng ý, đồng tình, đồng chí”, nghĩa là những ai không là “đồng chí” với ông thì không thể được ông thích, những ai không “đồng tình, đồng ý” với ông thì đều bị loại ra khỏi thế giới thơ ông. Bị nhà thơ thường dân ghét thì cũng chẳng sao, nhưng bị nhà thơ quyền uy đầy mình như Tố Hữu ghét thì kẻ bị ghét sẽ khốn nạn từ thân xác đến tận tâm thần, như những cựu “đồng chí” Nhân văn-Giai phẩm đó! 

Những nhận định cũ về tình giai cấp, tình dân tộc ở thơ Tố Hữu cần được minh định lại. Tình dân tộc ở thơ ông chỉ có trong sự phụ thuộc tình giai cấp; ông thạo các điệu thơ Việt cũ, như câu lục bát, câu song thất, lời diễn ca; nhưng ông lại bắt những gì dân tộc tính phải mang màu thời đại, lại là cái màu như ý ông, tức là phải gần gụi công nông binh, – ông chỉ thừa nhận là có tính dân tộc những gì gần gũi với các tầng lớp bình dân hoặc dưới đáy; ông là một học trò tiểu tư sản sinh ra ở đất “thần kinh” Huế nhưng lại ghét tất thảy những gì mang chất trí thức, bác học; ông là người hoạt động chính trị mạnh mẽ, nhiều đam mê và cơ mưu, nhưng thơ ông lại cổ vũ một thứ chủ nghĩa cấm dục hà khắc, may lắm cũng chỉ có một chút xíu tình yêu platonic, “trái tim chia ba phần…, dành cho Đảng phần nhiều”... Tình giai cấp ở thơ ông tựu trung là tìm sự cảm thông trong những tầng lớp dưới, bị thống trị, kêu gọi họ hợp sức lật đổ giai cấp giàu có đang thống trị và giao cái quyền lực vừa giành được ấy cho ông và các đồng chí của ông, rồi từ đấy hãy cúc cung lao động chiến đấu dưới sự dẫn dắt không thể lầm lẫn của bọn ông! Thế thôi. Tức là nó mang đầy sự thực dụng, sự tuyên truyền. Tố Hữu hiển nhiên là nhà thơ của Đảng mình, nhưng vị tất đã là nhà thơ của dân tộc mình. 

Ảnh hưởng thơ Tố Hữu ở Việt Nam (nói chính xác là ở vùng thuộc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) là lớn, nhờ việc bộ máy tuyên truyền do ông đứng đầu, đưa thơ ấy tràn ngập các kênh chủ yếu: sách giáo khoa, sách báo phổ thông, đài phát thanh… Nói cho đúng, công chúng sống trên đất Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam biết và thuộc thơ Tố Hữu là vì không thể tránh thoát thơ ấy, là vì không có chỗ trốn khỏi thơ ấy. Tất nhiên thơ ấy chiếm lĩnh tâm hồn rất nhiều lớp người, và chính vì thế mà họ đã làm những gì thơ ấy kêu gọi, nhất là… ra trận! 

Thơ Tố Hữu có những vết nhơ không thể tẩy xóa, như đoạn thơ “Yêu biết mấy nghe con tập nói / Tiếng đầu lòng con gọi “Sta-lin” ! Ý thơ ấy, ngay tầm gần, đã trái hẳn lẽ thường nhân loại: trẻ con tập nói thì gọi “mẹ” chứ đâu đã biết ai xa lạ? trẻ Việt làm sao tập nói được cái từ đa tiết xịt xoạt như thế kia? (Bài đăng tạp chí Văn nghệ1953 là Tiếng đầu lòng nó gọi ‘Ông Lin’ , bản in vào sách Việt Bắc 1955 sửa thành Tiếng đầu lòng con gọi ‘Stalin’). Lại nữa, người đàn bà Việt dân quê làm sao có thể “Thương cha thương mẹ thương chồng / Thương mình thương một, thương Ông (Stalin) thương mười” (!?!). Đây quả là một quái tượng trong thơ ca tiếng Việt và thơ ca thế giới, khi nhà thơ (thường được xem là kẻ chỉ biểu dương những gì nhân ái, lương thiện) lại ngợi ca “công đức” một Bạo chúa, một Hung thần, một Độc tài khét tiếng, một Đao phủ thủ vĩ đại, và để làm cái việc ngợi ca trái lẽ ấy, người làm thơ đã hoàn toàn xé bỏ những giới hạn thông thường của tình cảm nhân loại. 

Trên mạng internet bây giờ đôi khi còn thấy người ta cho rằng Tố Hữu là tác giả đoạn thơ khủng khiếp này: 

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt. 

Tôi thấy lạ với đoạn thơ này, vì dường như chưa từng gặp nó trong các tập thơ Tố Hữu đã đọc. Vậy nhân đây đề xuất với giới nghiên cứu, nhất là các giáo sư đã từng “ăn lộc” nhiều ở thơ Tố Hữu (như Hà Minh Đức, Nguyễn Văn Hạnh, Trần Đình Sử…), hãy tìm ra ngọn nguồn đoạn thơ này và thông tin lại cho bạn đọc; nếu nó không phải là thuộc ngòi bút Tố Hữu thì cũng là may cho ông, tuy vẫn thật buồn cho giới làm thơ của chúng ta. Lọt sàng xuống nia, nó vẫn là của một ngòi bút Việt Nam nào đó. Vượt ra ngoài chuyện xác định “tác quyền” cụ thể, đoạn thơ này thông báo rằng còn có cả một dòng thơ ca quần chúng sắt máu đầy hận thù giai cấp từng được Đảng khơi lên, từng được sáng tác ra và lưu truyền trong dân chúng, – đó là “văn thơ (có cả kịch, chèo) phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất”, xuất hiện từ khoảng 1951 và tự tắt đi vào cuối 1956. Rất nhiều tên tuổi nhà thơ nhà văn quen thuộc có góp tác phẩm vào mảng văn thơ này, kể cả Nguyễn Tuân, kể cả Nguyễn Bính, kể cả Hữu Loan…, tất nhiên số đông hơn vẫn là những tác giả quần chúng ít tên tuổi. Cho đến nay, về cải cách ruộng đất thì ít nhiều đã có những công trình, luận án sử học, nhưng mảng văn thơ cải cách ruộng đất thì vẫn chưa hề có một sưu tập, tuyển tập tác phẩm, cũng chưa có một công trình nghiên cứu, luận án hay luận văn nào đề cập tới. Cố tình hay vô ý của giới nghiên cứu văn học chính ngạch ta đây? Hãy chờ nghe trả lời từ những người đang phụ trách các cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội của nhà nước. Nhưng dù sao thì cũng đừng nghĩ rằng hễ giới nghiên cứu làm bộ quên thì mảng văn thơ này sẽ dần dần biến mất; tốt hơn là nên tiếp cận bằng các sưu tập và công trình nghiên cứu, tức là nhắc lại nó như một kinh nghiệm đau xót của một nền văn học từng sa vào những giọng điệu và tinh thần phi nhân đáng hổ thẹn ấy. 

4

Tôi không biết viết truyện, nên rất muốn mách cho ai đó giỏi viết truyện, hãy viết một truyện “chưởng” có nhan đề “Ly Khách Thần Kinh và quần anh Bắc Hà”. Đây là một chuyện “quần hùng” của giới văn sĩ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam những năm 1947-1990. 

“Ly Khách Thần Kinh” là Tố Hữu, một người Huế (= đất thần kinh), rời Huế ra Bắc hoạt động từ 1947 (hoặc sớm hơn) nên gọi là “ly khách” (dựa câu thơ Thâm Tâm “Ly khách! Ly khách! Con đường vắng ”); “quần anh Bắc Hà” dĩ nhiên là nói đám văn sĩ Việt trên đất Bắc, từ những người tham gia Văn hóa cứu quốc thời đầu đến những tài danh thuộc lớp kế tiếp. 

Những văn sĩ tham gia hội Văn hóa cứu quốc (VHCQ) thời đầu (1943-45) hầu hết đều là những tài năng trẻ ở đất Bắc, hứa hẹn kế tiếp lớp tiền chiến đầy thành tựu. VHCQ là đoàn thể nằm trong Việt Minh rộng lớn, nhưng quan hệ trực tiếp với Hội này là các nhân sự đứng đầu xứ ủy Bắc Kỳ (của ĐCS Đông Dương). Ngay sau ngày cướp chính quyền (19/8/1945) VHCQ rất được tin dùng. Việc tổ chức lễ tuyên bố độc lập được giao phần chính cho VHCQ; đến số liệu người chết trong nạn đói 1945 nêu trong Tuyên ngôn độc lập cũng do VHCQ cung cấp… 

Trong năm 1946 “Ly Khách Thần Kinh” có ra Hà Nội, có ghé thăm VHCQ trước lúc trở về Thanh, VHCQ in cho tập “Thơ” (1959 in lại đổi là “Từ ấy”), thế thôi… 
Vậy mà chỉ hơn một năm sau, lúc đã bước vào kháng chiến, tại Việt Bắc, giữa những văn sĩ đã rời Hà Nội đến “thủ đô gió ngàn” bỗng lại xuất hiện “Ly Khách Thần Kinh”, không phải như một văn sĩ như các văn sĩ khác, mà như một người của Đảng cử sang lãnh đạo cả giới này. 
Thế tức là những văn sĩ theo VHCQ từ đầu, đã không có ai được đủ tin cậy để TƯ Đảng giao cho lãnh đạo giới mình. Những Nguyễn Huy TưởngNguyễn Đình Thi hẳn là có hơi bị sốc? 
Phía “Ly Khách Thần Kinh”, một tập “Thơ” (Từ ấy) chưa đủ để đám văn sĩ đi KC này phục tài. Làm sao chàng so đọ được tài văn với Nguyễn Tuân, tài thơ với Xuân Diệu, tài nhạc với Văn Cao, …?  
Cuộc “chinh phạt” của “Ly Khách Thần Kinh” phải diễn ra với những mưu kế khác, tùy theo thời thế. 
Năm 1949 thì chỉ bằng mấy nguyên tắc “dân tộc-khoa học-đại chúng” đã có thể dằn mặt Nguyễn Đình Thi và những người trẻ đang hăm hở làm mới thơ Việt.
Sau 1950 (khai thông biên giới, tiếp nhận ảnh hưởng Trung Cộng), thì nhân danh chỉnh huấn, còn có thể buộc hầu hết “quần anh Bắc Hà”, kể cả những tài danh lớn như Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Thế LữNguyễn Công Hoan… viết kiểm điểm về lập trường giai cấp từng thể hiện trong sáng tác trước kia, tuyên bố từ bỏ thành quả văn nghệ tiền chiến của chính mình, cam kết từ đây chỉ viết trong vòng “yêu-căm-chiến-lạc” (= yêu nước, căm thù giặc, chiến đấu, lạc quan).


Tất nhiên đám “quần anh Bắc Hà” không chỉ có duy nhất một bọn, thế nên tốp này quy hàng lại có tốp khác khiêu chiến. Tranh luận tại Hà Thành hồi 1955 về tập thơ “Việt Bắc” là điểm va chạm nảy lửa; một bọn văn sĩ (Hoàng CầmLê ĐạtNguyễn Bính…) ngạo nghễ xem thường lối thơ bình dân hóa, nhân danh công nông binh của “Ly Khách Thần Kinh”, trong khi đám đã quy hàng (Xuân Diệu, Hoài Thanh, Nguyễn ĐìnhThi…) thì ra sức tâng bốc, hơn thế, còn dùng quyền lãnh đạo để buộc chấm dứt thảo luận khi những lời chê bai đậm dần lên… 

Nhưng sự tranh biện lại nảy ra ở quy mô rộng hơn, động đến những tai họa xã hội có thật, tại đất mình (cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức) và tại “phe” mình (dân Hung, Ba Lan nổi lên chống ách XHCN Xô-viết…)… “Ly Khách Thần Kinh”, cùng với đàn anh trong chính giới, dùng sách “trăm hoa đua nở” của Mao, cho “mở rộng dân chủ”, “phê bình lãnh đạo” để xả van trí thức, nhân thể cho lộ diện những gương mặt bướng bỉnh đáng ghét. Thế là có mùa vụ ngắn (từ tháng 9 đến 12/1956) của những Giai Phẩm, Nhân Văn, Đất Mới, Sáng Tạo, Trăm Hoa… Rồi thoắt cái, van phê bình khóa lại, màn đua nở hạ xuống, tất cả mọi ý kiến bất đồng đã phát biểu trở thành chứng tích để kết tội “chống chế độ”, một loạt “đồng chí” trí thức, văn nghệ sĩ được biến thành kẻ thù của tổ quốc, của chế độ… Một không khí sợ hãi đã hình thành trong giới văn nghệ, trong toàn xã hội, – mục tiêu thiết lập chuyên chế tinh thần đã thành đạt. 

“Ly Khách Thần Kinh” đắc thắng, bước thăng tiến ngày một cao. Đám “quần anh” kế sau tại Hà Thành có lúc toan thở phào, tưởng chừng khi anh Lớn bước vào nội các làm tả tướng quốc chuyên lo việc canh nông, thì thôi, để miền văn nghệ cho quan lớn… nhỏ hơn. Họ đã lầm, “Ly Khách Thần Kinh” vẫn canh chừng đất văn nghệ vốn là “đất phát tích” của mình, và vẫn thừa uy lực ngoái sang giáng một chưởng quyết định vào vài kẻ dám “đề dẫn” (1979) cho một tinh thần văn chương có mùi khác khác. Cú choảng này nhất cử lưỡng tiện: vừa cản đường và vô hiệu hóa một tay bút từ chiến trường bước ra với tương lai chính trị có vẻ tràn trề, vừa làm phúc cứu thua cho Nguyễn Đình Thi đang đứng trước nguy cơ bị thải loại quá sớm. Nguyễn Đình Thi được cứu, lại đứng ra chủ trì Đại Hội Nhà Văn thứ 3 (1983) và tái đắc cử tổng thư ký, trong hân hoan chót nói… thật những lời có cánh đầy tai tiếng, tự xem giới nhà văn của mình là những “hạt bụi” lấp lánh dưới ánh sáng đảng 

Nhưng đường thăng tiến của “Ly Khách Thần Kinh” không phải cứ lên cao … cao mãi, tuy rằng, đã có lúc khắp tam kỳ tứ trấn ngập tràn lời đồn đại Ngài sẽ được truyền ngôi tổng Bí. Sau vụ đổi tiền 1985, lạm phát sốt lên theo nhịp thơ leo thang, lên tới vài chục ngàn lần, đất nước rúng động, lãnh đạo giật mình; tài kinh tế của “Ly Khách Thần Kinh” đã bộc lộ trọn vẹn, Ngài bèn bị phạt thẻ đỏ, mất chức, rời nội các. Cuộc “đổi mới” diễn ra, nghe nói Ngài hậm hực không tán thành. Rồi thì Ngài chìm vào tâm trạng “riêng một ngọn đèn” ở bên lề giới chính khách mới… 

Ngài quay lại chơi với giới văn sĩ. Thường là dễ chơi với đám trẻ con khi xưa mà nay đã thành những nhà văn nhà thơ người lớn. Còn với những “cố nhân” nặng nợ một thời thì không dễ chút nào, khi những ân oán giang hồ cũ không thể nào vơi đi được. Một mặc cảm tội lỗi nào đó vẫn đeo đuổi Ngài chăng, khi Ngài tận dụng những phỏng vấn dài dài để gài vào tương lai một nghi án rằng Ngài từng rất mực nể trọng những thi nhân học giả lỗi lạc này kia, lẽ nào chính Ngài đàn áp họ!? Lúc khác, cầm bút viết hồi ký, Ngài sống lại tư thế cầm quyền khi trước, tiếp tục gọi tất cả đám học giả thi nhân ấy là “bọn phản động”! Quả thật, cho tới khi đậy nắp quan tài, Ngài vẫn chưa thể “nói chuyện” lại được với những nạn nhân của mình trong giới cầm bút. Phía những nạn nhân cũ ấy cũng vậy: từ lúc được khôi phục, họ lên tiếng về mình ở nhiều chỗ khác nhau, trước những công chúng và đồng nghiệp khác nhau, trừ những công chúng và đồng nghiệp đã từng la ó và cùm kẹp họ. Ấy vẫn là một bất cập lịch sử của cả hai phía. Đám “quần anh Bắc Hà” xưa bị Ngài dìm xuống bùn, phải từ bùn gượng dậy, bằng sáng tạo mà trụ lại với đời, – đám người ấy nay còn hận Ngài chăng? Khó biết hết.

Như bài Hoàng Cầm tiễn đưa Ngài đó! Chỉ phô cái tử tế ra mà thôi! Mà tử tế chưa phải là tất cả tâm địa người đời. 

Cây bút nào sẽ viết truyện “chưởng” này nhỉ?




04/10/2010
Lại Nguyên Ân


MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.

 MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.