Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Trần Dạ Từ




Trần Dạ Từ

Tên Thật: Lê Hà Vĩnh
(1940 ........) Hải Dương

Nhà thơ, Nhà báo, Viết nhạc














Hãy tin sự khôn ngoan của nhân loại
6.12.2017











Trần Dạ Từ tên thật Lê Hạ Vĩnh, sinh năm 1940 tại Hải Dương, Bắc Việt. Ông là chồng của nhà văn – nhà thơ Nhã Ca (Trần Thị Thu Vân).

Ông di cư vào Nam năm 1954, định cư tại Sài Gòn, nơi ông bắt đầu làm thơ và viết báo, trở thành một thi sĩ được yêu thích trong giới văn nghệ miền Nam. 

Đầu thập niên 1960 ông cộng tác với Nguyên Sa làm tờ Gió Mới.

Năm 1963 ông từng bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam vì bất đồng chính kiến.

Sau ngày 30/4/1975 vợ chồng Trần Dạ Từ bị bắt giữ vì bị xem là “biệt kích văn hóa”. Ông bị giam cầm từ năm 1976 đến 1988. Thời gian này ông cho ra đời hàng loạt bài thơ, nổi tiếng nhất là Hòn đá làm ra lửa dài hơn 4000 câu.

Năm 1989, dưới sự bảo trợ đặc biệt của chính phủ Thụy Ðiển, gia đình ông được sang Thụy Điển sinh sống. 

Năm 1992 sang định cư tại California, Hoa Kỳ. Tại đây cùng với Nhã Ca, ông xuất bản tờ Việt Báo.
















Tác phẩm:









Thuở làm thơ yêu em
(Sài Gòn, 1960)




Tỏ tình trong đêm
(Sài Gòn, 1965)




Nụ cười trăm năm
(Viết tại Mỹ, chưa xuất bản)




























Thơ









Thơ Cũ Của Nàng

Người đi qua đời tôi 
Trong những chiều đông sầu 
Mưa mù lên mấy vai 
Gió mù lên mấy trời 
Mây mù lên mấy biển

Người đi qua đời tôi 
Hồn lưng mùa rét mướt 
Đường bay đầy lá mùa 
Vàng xưa đầy dấu chân 
Lòng vắng như ngày tháng 
Đen tối vùng lãng quên

Người đi qua đời tôi 
Chiều ầm vang tiếng sóng 
Bàn tay mềm khói sương 
Tiếng hát nào hơ nóng

Người đi qua đời tôi 
Nghe những lời linh hồn 
Phi lao dài tiếng ru 
Êm ái lòng hối tiếc 
Trên lối về nghĩa trang 
Trong mộ phần tối đen

Người đi qua đời tôi 
Không nhớ gì sao người

Em đi qua đời anh 
Không nhớ gì sao em.





Phổ nhạc: Phạm Đình Chương












Mộng Đời 

Hoa và trái một đêm nào thức dậy, 
Nghe mộng đời xao-xuyến giấc xuân xanh 
Con đường đó một đêm nào trở lại 
Cùng gió mưa phùn trên cánh tay anh 

Hoa bỗng nở và trái sầu bỗng chín 
Tim xa-xưa còn đó chút trông-chờ 
Màu thơ dại vẫn tươi màu kỷ-niệm 
Bóng cây nào ôm mãi mắt hư-vô 

Tháng giêng đó, anh mỉm cười bước tới 
Khi yêu em tay cũng mở như lòng 
Môi Thần-Thánh biết gì đâu tội-lỗi 
Lối đi nào ngây-ngất bước song-song ? 

Anh sẽ nhắc trong những tàn phai ấy 
Đêm hoàng-lan thơm đến ngọt vai mình 
Ai sẽ biểu trong một lần trở lại 
Hoàng-lan xưa còn nức-nở hồn anh 

Tháng Giêng hết thôi giận hờn đã muộn 
Khi xa em, vai mới biết đau buồn 
Tơ gấm biếc nào nâng từng bước chậm 
Trả giùm tôi về những dấu chân chim 

Hoa và trái đêm nay đây thức dậy 
Ôi mộng đời em hiểu chữ xuân-xanh 
Con đường đó đêm này đây trở lại 
Cùng gió mưa phùn buốt cánh tay anh ...











Thủa làm thơ yêu em 

Thủa làm thơ yêu em 
Trời mưa chưa ướt áo 
Hoa cúc vàng chân thềm 
Gió mây lưng bờ dậu 

Chiều sương dầy bốn phía 
Lòng anh mấy cách xa 
Tiếng đời đi rất nhẹ 
Nhịp sầu lên thiết tha . 

Thủa làm thơ yêu em 
Cả dòng sông thương nhớ 
Cả vai cầu tay nghiêng 
Tương tư trời thành phố 

Anh đi rồi lại đến 
Bài thơ không hết lời 
Bao nhiêu lần hò hẹn 
Sớm chiều sao xa xôi 

Mười bảy năm chợt thức 
Bây giờ là bao giờ 
Bàn tay trên mái tóc 
Nghìn sau còn bâng quơ






Nhạc: Võ Tá Hân



Nhạc: Cung Tiến
tiếng hát Camille Huyền










1.Nhã ca 

Bây giờ ngày đã hết 
Ban đêm đương bắt đầu 
Chỉ còn lại mình anh 
Và trái đất cằn khô 

Bây giờ tháng đã hết 
Mùa đông đương bắt đầu 
Chỉ còn lại mình anh 
Và tiếng nói hư vô 

Bây giờ năm đã hết 
Thời gian đương bắt đầu 
Chỉ còn lại mình anh 
Và nốt nhạc cô đơn 

Bây giờ thôi đã hết 
Lãng quên đương bắt đầu 
Chỉ còn lại mình anh 
Và nỗi nhớ nhung đen











Buổi hẹn đầu 

Biết yêu người, thuở mười lăm 
Trong vườn ngây dại, ta nằm xót xa 
Cỏ cây ồ ạt ra hoa 
Chùm môi bông phượng la đà tới lui 
Khi không da thịt cả cười 
Cùng ta trộn lẫn đất trời với em.











Tự Tình Ca

Tại sao mặt trời chọn tôi để rực rỡ 
Tại sao mặt trăng chọn tôi để tình tứ 
Tại sao những vì sao chọn tôi để long lanh 
Tại sao những bông hoa chọn tôi để nở 
... Và tại sao 
Trong giấc mơ ở mãi cuối trời kia 
Cả em cũng chọn tôi để nhớ ? 












Bài Ru

mi sầu thôi khép đi em
hồn anh rộng đã trăm miền không gian
ngày vơi, cửa trống, thu tàn
lá thưa cành nặng cây dàn quạnh hiu
lối đi vừa chớm tiêu điều
mùa nghiêng bóng nhỏ ngày xiêu cột dài
phố chiều gió vọng bàn tay
ru anh về với đôi ngày lãng quên.












Khi Em Mười Sáu 

Cho tôi xin nửa bóng trăng ngoài 
Với nửa mùa thu trong mắt ai 
Lá rụng bao nhiêu hè phố cũ 
Sao nghe lòng rưng rưng nhớ người 

Đêm biếc cành soan, thơm giấc mơ 
Đầu hiên hoa trắng nở bao giờ 
Em mười sáu tuổi trăng mười sáu 
Áo lụa phơi buồn sân gió xưa 

Tôi dối lòng tôi đêm sắp tàn 
Đêm tàn để lạnh giấc mơ em 
Để bàn tay gối sầu trên ngực 
Và gió thu đầy trong mắt trăng 

Tôi dối lòng tôi trăng sắp mờ 
Trăng mờ em sẽ thấy bơ vơ 
Sẽ thương cho những con đường cũ 
Và nhớ bao nhiêu lối hẹn hò 

Nhưng hẳn là em không nhớ đâu 
Giấc mơ còn mát ánh trăng sầu 
Hoa còn thơm tuổi đời trên má 
Mùi áo còn say muôn kiếp sau 

Lòng nhớ lòng thương lòng ngại ngùng 
Bây giờ tôi cách núi xa sông 
Bài thơ từ thủa trăng mười sáu 
Mười sáu trăng chờ em biết không 

Tôi dối lòng tôi bao nhiêu lần 
Bao nhiêu lần trăng vẫn là trăng 
Lòng nhớ lòng thương lòng sắp khóc 
Đêm chưa tàn đâu đừng nói năng. 

Hoa và trái đêm nay đây thức dậy 
Ôi mộng đời em hiểu chữ xuân-xanh 
Con đường đó đêm này đây trở lại 
Cùng gió mưa phùn buốt cánh tay anh ...












Dạ Khúc Một Hai Ba



I. 
Khi buổi chiều rụng xuống, lũ cột đèn đứng lên 
Con phố này nỗi đau buồn bật sáng 
Làm sao anh không thể nhớ em ngày tóc chẻ đôi 
Mùa đông dài, tiếng guốc nhỏ, 
Khua mãi vào vô thức 

Làm sao anh không thể nhớ em 
Dù chỉ một lần 
Đã đi qua đây không nhìn ai 
Và gọi tên anh 

Đêm rũ rượi bài hát buồn, cánh tay 
Rồi nước mắt 


II. 
Một vòng hoa trôi tới chân anh 
Với con mắt trên lầu cao lén ngó 
Khi hạnh phúc vỡ tan như bóng đèn 
Dơ tay lên, che mắt nhìn 
Quá khứ 


Một vòng hoa trùm lấy thân anh 
Bàn ghế thoi thóp thở 
Hai người bên cạnh, những người xung quanh 
Thoi thóp nhớ. 

Một vòng hoa đặt xuống đời anh 
Rồi cỏ mọc lên không nói gì 
Không nói gì, không, không còn thiết nói gì 
Cả bài thơ, cả tuổi thơ này nữa 

Người ca sĩ già ôm chiếc máy phóng thanh 
(vòng hoa trôi tới vòng hoa trùm lấy 
và vòng hoa đặt xuống) 
Ôi tiếng nào ru anh vào giấc ngủ em 
Bài ca ấy hay vòng hoa phúng viếng. 


III. 
Anh đi qua đó lần thứ hai 
Giấc mơ quen tựa bàn tay bỏ thõng 
Hai dãy lầu cao chiếc bóng lẻ loi 
Dấu vết em không còn lại chút gì 
Như đời sống 
Đi qua đó lần thứ hai 
Này 
Người đàn bà đứng trên bao lơn nhìn xuống kia 
Nhớ tôi không 
Một cái đầu to hai cánh tay dài 
Và những cơn bão vọng 

(Trích Thủa Làm Thơ Yêu Em)













Mùa ngô cũ

Đuổi bắt trên đồi cao 
Trời mưa dầm gió rét 
Hai đứa níu kéo nhau 
Té lăn cù tưởng chết 

Tỉnh dậy dưới chân đồi 
Ruộng ngô ai ngào ngạt 
Chạy khắp ruộng tìm coi 
Nào ngờ em trốn mất 

Tháng Ba ngô kết trái 
Một mình ta giận thay 
Bắt đền ruộng ngô đấy 
Bẻ về cho biết tay 

Ôm về em bó ngô 
Hai đứa cười khúc khích 
Đêm nay ta nhóm lửa 
Nướng ngô vui bằng thích 

Hạt ngô thơm mùi sữa 
Nở đều như răng em 
Ta ghé môi cắn vỡ 
Ăn mãi chưa đã thèm 

Ngô chín vàng đêm đêm 
Giục lòng ta cháy đỏ 
Gío mưa gieo ngoài thềm 
Giật mình biết đâu đó 

Lời muốn nói yêu em 
Như than hồng trong miệng 
Nhai dập nghìn hạt mềm 
Vẫn cất không thành tiếng 

Muốn nương nhờ vai em 
Hai bàn tay bão dậy 
Vật vã trăm nghìn phen 
Vẫn dằn lòng mai vậy 

Mai rồi mai lần lữa 
Thoáng chốc mười mấy năm 
Bao nhiêu mùa ngô vàng 
Bấy nhiêu muà nhung nhớ 

Hôm nay qua đồi xưa 
Trượt chân bàng hoàng mãi 
Ôi ngày thơ tình thơ 
Mất về đâu tuổi dại 

Tháng Ba ngô kết trái 
Một mình ta buồn thay 
Ruộng ngô vàng vẫn đấy 
Nhưng bẻ về với ai 

Về với ai giờ nữa 
Một mình ta ngẩn ngơ 
Nghe hạt ngô đầu mùa 
Vỡ trong răng nức nở











Bài Kỷ Niệm 

Tôi nhớ người thôi hết mùa xuân 
đường đi nghe mắt đã âm thầm 
chân buồn lên đống đôi chiều nắng 
mang lá xanh còng gây tiếc thương 

thuở ấy tôi về ngang đất cũ 
ngày thơ ngây cũng đẹp như hồn 
người đi trên những con đường đó 
lòng cũng lên mùi cỏ mới thơm 

em áo còn bay chiều ước hẹn 
giấc mơ đời ngọt vị bâng khuâng 
nắm tay dài mãi niềm lưu luyến 
chân chậm dừng như đến ngại ngần 

tôi gửi đời tôi trong tóc ấy 
ôm người chưa chắc nổi vòng lưng 
chiếc hôn đầu chết trên vừng trán 
môi đã nghìn năm biết tủi hờn 

tôi nhớ người thôi hết đời tôi 
đường đi không kết nổi câu cười 
buồn hoang đến nửa đời thơ dại 
trong những chiều ai mang áo phơi 











Ký ức về Huế 

Một con đường bắt đầu từ mùa đông 
Băng ngang vườn hoa nhỏ 
Ăn thẳng vào trí nhớ 
Nơi đi về của em 
Từng ấy năm 
Từng ấy năm bao nhiêu đêm 
Bao nhiêu cành khô 
Bao nhiêu lần thức dậy 
Một hòn đá trên đỉnh núi ném xuống 
Tiếng còi xe lửa đều đặn những buổi chiều 
Và những toa tàu hiền lành, chậm chạp 
Mang anh tới 
Trong sương lam và khói 
Dưới chân núi 
Cơn mê sảng của em 
Từng ấy năm 
Từng ấy bao nhiêu đêm 
Bao nhiêu nước mắt 
Bao nhiêu lời nguyền rủa 
Một khách sạn tồi tàn giữa khu phố sầm uất 
Phòng số 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và hành lang 
Với mùng nệm chăn gối bàn ghế 
Và mắc áo 
Tro bụi của chiến tranh 
Nơi khua động của em 
Từng ấy năm 
Từng ấy năm bao nhiêu đêm 
Bao nhiêu lo âu 
Bao nhiêu lần trở lại 
Một dòng sông bắt đầu từ giấc mộng 
Cắt đôi thành phố 
Chảy thẳng vào anh 
Cùng tiếng chuông với bọt bèo mưa lũ 
Nơi trôi nổi của em 
Từng ấy năm 
Từng ấy năm bao nhiêu đêm 
Bao nhiêu chìm đắm 
Bao nhiêu lần sống chết 
Bao nhiêu anh và em










Ngự trị 

Mang trong mắt bao nhiêu lời tình tự 
Thuở ta về mùa đông dài phố cũ 
Đi bên nhau hồn chậm với vai gần 
Tiếng ca buồn ôi tiếng hát thanh xuân 
Ta dừng lại và nghe chiều rét mướt 
Em mười sáu, tuổi kiều thơm dịu ngọt 
Chiều đời êm áo lụa mát bàn tay 
Tình song song phơi với dấu chân bầy 
Đi rất chậm sợ ngày vui chóng hết 
Thuở ta về mấy con đường lá chết 
Mùa đông làm sơ xác những xương khô 
Người hoang mang sầu lẩn dấu sương mù 
Hơi thở nóng gọi dồn lên triền mắt 
Tim đập mạnh như vỡ niềm khao khát 
Ta níu hồn cho tình nhẹ nhàng trôi 
Tay ước mong không dám níu vai người 
Mây chờ đợi vẫn nguyên vầng trán ấy 
Ngực thê thiết còn ngàn đời thơ dại 
Chút xuân đầu chưa đủ ấm lần vai 
Giờ cách xa, mầu dạn với đêm dầy 
Tay đã với bao nhiêu niềm nhục nhã 
Môi đã nhận trăm ngàn lần sỉ vả 
Ngực dại khờ hơi thở đã nồng tanh 
Tiếng ca buồn ôi khúc hát thanh xuân 
Ta vẫn nhận trong những chiều rét mướt 
Thuở ta về giấc mơ nào dịu ngọt 
Bước chân đời sau đã cách xa nhau 
Em biết không hờn tủi chiếc hôn đầu 
Trong những lần mùa đông dài phố cũ 
Mà sớm Nam Giao hay còn chiều sông Ngự 
Ta vẫn tưởng mình đương kiếm tìm nhau.











Lục Bát Tháng Tư 

Cây ngùi, bóng sẻ đôi hiên 
Chiều vơ ngõ lụi, tay phiền giấc trưa 

Lòng đi bước sẻ đôi mùa 
Tóc thơ dại đã xanh vừa khói sương 

Một xa mắt sẻ đôi tường 
Hồn lưu lạc muốn về nương náu người 











Lục Bát Tháng Sáu 

ngày mưa lũ giọng sông hồ 
lòng nghiêng mái dột màn thưa mặt người 

cây buồn nặng lá chia phôi 
hồn đưa tiễn cũng vừa thôi nghẹn ngào 

ngồi coi đời sắp thương đau 
anh nghe tóc nhỏ mang sầu tương lai. 













Và Một Chút Đời Sống

Một mảnh khăn ướt đắp lên mặt nàng 
Trên đó những mùa đông xám phẳng 
Một tấm mền đen đắp lên thân thể nàng 
Với cỏ dại lút đầu, cùng khắp mình dĩ vãng. 

Tôi mở mắt, quờ tay, nhưng chẳng còn ai 
Duy bài hát mang tên người xa vắng. 

Và sự vô cùng ấy trùm lên linh hồn nầy 
Rồi trong đó, biển cao dần tiếng vọng.













Hòn Đá Làm Ra Lửa


Đen đúa. Sần sùi. Không đáng một xu
Vụt gốc xoài, quạ không thèm mổ
Quăng tận ổ, kiến không thèm bu
Phơi giữa trại tù, kẻ thù không ngó

Đó là một trong hai hòn đá cổ sơ
Chỉ có em và tôi cất giữ
Rời nhau ra. Lặng lẽ. Dư thừa
Hợp đôi lại, chúng làm ra lửa

Không hề từ que diêm, từ hộp quẹt
Chính từ lửa chung của đôi ta
Những quả bóng lân tinh đêm ấu thời
Đã đưa tôi về em

Không hề từ cột điện, từ dây nhợ
Chính từ lửa chung của đôi ta
Ngọn đèn nơi ngã ba năm nào
Khuôn mặt đêm tháng giêng giàn giụa

Không hề từ mặt trời, từ gió nồm
Chính từ lửa chung của đôi ta
Những cành phượng chụm đầu bốc cháy
Lợp đỏ một mùa hè ngây dại

Chính từ lửa chung của đôi ta
Đám cháy hoa phượng
Đám cháy những nụ hôn lặng lẽ
Những năm tháng mù lòa
Những bài thơ khù khờ, cóp nhặt
Đã cuộn khói ngạo nghễ

Không phải quê quán, mẹ cha, con cái
Cũng chẳng phải đất đai, của cải
Chính cuộn khói dại dột bốc lên
Từ lửa chung của đôi ta
Đã làm tôi kéo em vấp ngã

Chúng ta đã chia lìa
Chúng ta bị tước bỏ, bị bôi xóa
Lần cuối, khi quay đi trong xiềng xích
Em nhớ mà. Chúng ta cùng thấy nhau
Hòn đá cổ sơ sần sùi
Trong mắt nhìn mỗi đứa

Cánh cửa bứt khỏi cổng, nhà bứt khỏi người
Trang giấy bứt khỏi mặt bàn
Chữ nghĩa bứt khỏi sách
Chúng ta bị bứt ra khỏi nhau
Ngày tháng năm bị bứt khỏi sự sống
Em vào nhà tù này, ra nhà tù kia
Bị đạp đổ. Đứng dậy
Bị phủ dụ. Quay đi
Bị đe dọa, mặc cả. Nhổ bọt

Em đã nhe răng, đã giương vuốt
Nghĩa lý gì
Mọi loại móng vuốt dữ dằn của tuyệt vọng
đều vô hiệu
Em đã bị xua đuổi khỏi thành phố
Và biến mất
Như bao nhiêu người đã lặng lẽ biến mất

Tôi không biết giờ này em ra sao
Có lượm lại đủ lũ con cái tan tác không
Tôi không biết giờ này chúng thế nào
Em có gì để ăn, cho chúng ăn
Em có cách gì để thở, cho chúng thở
Em còn chỗ nào để nương náu, tạm bợ
Những con số dầu hắc hằn học
Hằn trên lưng trên ngực rách rưới
Những con số chì than dửng dưng
Trong sổ cái, sổ con bụi bậm
Những con số lặng lẽ lầm lì
Trong những T. những K. những Z. *
Những con số vô danh, vô nghĩa
Những chữ cái vô tư, vô tội
Nhan nhản khắp nơi
Em sẽ tắt đi vĩnh viễn trong đó chăng
Như tôi. Như bao nhiêu người khác
Khi đĩa đèn ta cạn

Tôi đã kéo em vấp ngã
Chúng ta thật dễ vấp ngã nữa
Đã có lúc tôi thấy em đang chìm
Tôi mong em được chìm nhẹ nhàng
Như bao nhiêu người đã chìm xuống

Chúng ta bặt tin nhau. Ba trăm ngày
Có lúc tôi thấy em trôi dạt
Tôi mong em được cứu, được vớt
Được quên hết và thức dậy thảnh thơi
Lỗi tại tôi. Tôi thật mong ước vậy
Chính tôi đã kéo em vấp ngã
Em chỉ lỡ nhận quá nhiều nụ hôn
Và xây xẩm
Em làm gì đâu nào

Em sẽ ăn cơm mới, mặc áo mới
Đi đứng nhẹ nhàng trên những lối đi mới
Trò truyện thung dung bằng một tiếng nói mới
Em xứng đáng được vậy
Em làm gì đâu nào
Như bao nhiêu người khác
Dưới một bầu trời khác
Trên một mặt đất khác
Trong một cuộc đời khác

Tha lỗi cho tôi. Tôi lỡ yếu mềm
Đã tưởng tượng vớ vẩn và mơ ước tồi tệ
Chúng ta không dễ dàng được thế

Bầu trời của ta. Mặt đất của ta. Đời ta
Nụ cười chân thật mà chúng ta phụng sự
Thứ tiếng nói tuyệt vời cho thi ca
Sự diễm lệ của khổ đau mơ ước
Mà chúng ta tự hào
Tình bạn, tình yêu mà chúng ta gìn giữ
Chưa hết. Nụ hôn và hoa phượng
Lửa và khói. Hạnh phúc và lỗi lầm
Chúng ta đã bứt ra khỏi nhau
Em mất tích. Em kiệt sức. Em một mình
Thật quá nặng cho em
Làm sao em thở

Mà đã hết đâu. Vẫn còn. Còn nữa
Vẫn còn nó. Nó sần sùi trong cổ
Không bay hơi. Không bốc khói
Không khò khè
Nó lầm lì buộc ta phải nhớ
Có thể không được sống,
không được chết bên nhau
Tên ta, đời ta. Đừng hòng rời nó

“Tại sao tôi chọn em. Nào tôi có chọn”[1]
Chính nó chọn ta để buộc vào nhau

Chính nó. Hòn đá cổ sơ tai quái trong ta
Ngọn lửa chung của ta
Chính nó chọn cho ta bạn hữu
Chính nó chọn cho ta kẻ thù
Cách nói. Cách cười. Cách nhìn. Cách nuốt
Nó đang chọn giùm ta
Cả cách còn, cách mất

Ta có thể không biết nhau giờ này ra sao
Không biết chính mình giờ tới, ngày tới ra sao
Nhưng nó. Nó biết nó ở đâu trong ta
Nó biết nó phải sần sùi lúc nào
Như đã sần sùi trong mắt khi quay đi
Nó biết nó phải sần sùi kiểu cách nào
Như đã sần sùi theo ta đi tù đầy
Nó biết nó phải sần sùi mức độ nào
Như nó đang sần sùi trong cổ 

Làm thế nào cạn được
Trong nụ hôn nông nàn
Gắn bó hạnh phúc và khổ đau
Dưới chân những thánh đường tương lai chưa hiện hình
Các đôi lứa sẽ còn hẹn hò nhau
Như chúng ta từng hẹn hò
Suốt mùa hè ngây dại ở Thiên Mụ

Làm thế nào cạn được
Chúng đâu chịu ngừng thì thầm dụ dỗ
Trái chanh, trái cóc,
Quả khế, quả me
Giữa kẽ răng cô vợ trẻ mang bầu
Lần đầu thèm của chua
Như em ngày nào

Làm thế nào cạn được
Trong cái miệng háu đói
Anh chồng đi làm về
Ngó vợ cạnh nồi cơm bốc khói
Như chúng ta vẫn tin sẽ cùng nhau thấy lại

Làm thế nào cạn. Chẳng bao giờ cạn nổi
Nước miếng. Tình yêu. Sự sống
Dòng sữa nuôi đích thực các câu hò đối đáp ví von
Nhiên liệu bất tận cho tiếng cười tiếng nói
Nguồn khởi đầu của dòng suối sinh nở
Sẽ còn sinh nở mãi

Yên tâm nhé em. Em lo lắng gì nữa
Quả thật đằng sau khúc tụng ca bi tráng của J. S. Bach
Có nỗi khiếp sợ dịch đậu mùa la hét
Nhưng, cái mặt rỗ chằng chịt của tôi em từng ôm
Nó chẳng nhắc em sao: Việc chủng ngừa đậu mùa đã công hiệu

Sẵn sàng nhé, hòn đá cổ sơ
Đây rồi, ngọn lửa chung của ta
Được lắm. Chẳng cần phải nhờ thêm bóng tối
Tôi đang tưởng tượng em dễ dàng
Chân tay mặt mũi em. Thân thuộc biết bao
Hình thể con người. Tuyệt diệu thật

Hèn chi ta yêu nhau đến thế
Hèn chi ta yêu bạn bè ta đến thế

Chúng ta không chọn nhau
Chính ngọn lửa của chúng ta chọn giùm
Chúng ta cũng không chọn quê hương
Không chọn cha mẹ, anh chị em
Chúng ta đâu có chọn bằng hữu

Chúng ta yêu nhau. Yêu bè bạn.
Yêu quê hương
Giản dị. Bình thường
Tôi quên nói với em điều này:
Tôi yêu em đến mức có thể yêu luôn
Những người đang gọi chúng ta là kẻ thù

Tội nghiệp. Em hãy hình dung họ
Anh cùm. Anh kẻng. Anh bẹc giê
Anh bom. Anh mìn. Anh tên lửa
Anh loa rỉ hí hửng tung hô
Anh súng ống hầm hè bắt bớ
Anh kẻng tù hả hê nạt nộ
Anh danh tướng đánh trống thổi kèn
Anh lãnh tụ tiền hô hậu ủng
Tội nghiệp. Tội nghiệp họ

Dễ hiểu thôi. Em nhớ mà
Để nhuộm đỏ những nụ hôn đầu đời
Chúng ta đã hì hục làm đẹp
Nhét hoa phượng, nhét thơ thẩn vào lửa
Lửa và những nụ hôn, chúng cần gì làm đẹp
Trò vớ vẩn phù phiếm bị đốt bỏ
Bốc khói

Khói. Sự đỏm dáng liều lĩnh khờ khạo
Anh lính rơm khoe khoang được dịp canh giữ lửa
Tôi kéo em vấp ngã vì hắn

Như chúng ta
Để làm đẹp những dấu chân của mình
Nhân loại đã ném vô số thứ quái gở vào lửa
Lửa và dấu chân, chúng cần gì làm đẹp
Sự quái gở phí phạm bị đốt bỏ. Bốc khói

Những cuộn khói khổng lồ
Vần vũ khắp lịch sử 

Trang giấy chúng ta bị vò nát, ném bỏ
Có thể không bao giờ còn được nhặt lên
Bài thơ này, bài thơ khác có thể không viết ra
Tình yêu, sự ấm áp tôi hưởng nơi em
Như hòn đá cổ sơ trong chúng ta
Có thể không bao giờ còn được nhắc tới 

Vẫn chẳng hề hấn gì
Nụ hoa tình yêu và đạo đức vô hình
Nở mãi trong vườn ta
Ý nghĩ, sự ăn ở tốt lành
Dù không ai biết đến
Vẫn lặng lẽ toả hương trong không gian
Làm đẹp bầu trời và cuộc sống

Khỏi cần sần sùi nữa
Hòn đá cổ sơ đen đúa của ta
Tôi biết chúng ta sẽ ra sao
Bạn bè chúng ta. Kẻ thù chúng ta
Quê hương đẫm lệ và thế giới ngộp khói
Tôi biết chúng ta sẽ gặp nhau thế nào

Trong mắt. Trong cổ. Trong ngực em
Trong mắt. Trong cổ. Trong ngực tôi
Ngọn lửa ta hớn hở, tung tăng
Hòn đá ta to nhỏ, rì rầm
“Chẳng hề hấn gì. Chẳng hề hấn gì”

Và tôi mỉm cười

Thư thái hình ảnh em bước tới

Đó là một buổi sáng tháng giêng rực rỡ
Không thứ cờ quạt nào vấy nhơ nổi bầu trời
Không thứ chủ nghĩa nào bôi bẩn được trí nhớ
Đồi núi và em mặc chung áo nắng vàng
Suối nước và em đi chung từng bước chân
Giản dị thôi. Như ngày nào. Em tới
Tới và nói chung với cây cối một lời

“À. Anh ấy nằm đây
Phải vậy chớ
Anh ấy vẫn giữ nó
Hòn đá làm ra lửa.”[2]






Chú thích

1-Thơ Thanh Tâm Tuyền 

2- Bài thơ này Trần Dạ Từ viết tặng người bạn đời là nhà thơ Nhã Ca khi tác giả đang bị giam trong trại tù Gia Trung-Hàm Tân (1979-1988). Bài thơ được viết ra giấy lần đầu tiên tại Thụy Điển năm 1989. 













Nụ Hôn Đầu

Nhạc Phạm Duy

Thơ Trần Dạ Từ
Tiếng hát Quỳnh Giao















Tham khảo thêm về nhà thơ Trần Dạ Từ














Hồi ký: Ở Tù Với Trần Dạ Từ Và Bạn Hữu



Sơ lược về người viết: Hồ Văn Đồng là một nhà báo lớn của miền Nam. Sinh tại đất Quảng, học tại Huế, lập nghiệp tại Saigon, ông từng là tổng thư ký, chủ bút, chủ nhiệm nhiều nhật báo danh tiếng của miền Nam. Năm 1950, ông là người sáng lập văn phòng Việt Tấn Xã tại Hà Nội. Những năm sáu mươi, ông là người sáng lập, tổng thư ký Nghiệp Đoàn Ký Giả Nam Việt, chủ tịch Hội Chủ Báo. Ông cũng là nhà báo duy nhất của Việt Nam có hai năm tu nghiệp báo chí tại đại học Stanford, tham gia sinh hoạt báo chí quốc tế và là Phó Chủ Tịch Liên Đoàn Báo Chí Thế Giới đặc trách khu vực châu Á. Sau tháng Tư 1975, ông hai lần bị Cộng Sản bắt giam, cộng chung 12 năm. Năm 1989, sau khi ra khỏi nhà tù cộng sản, ông vượt biển, định cư tại Virginia từ 1989, tiếp tục viết bình luận cho nhiều báo Việt ngữ tại hải ngoại. Bài viết sau đây của ông được trích từ sách “Quê Hương Bạn Hữu Tù Đầy” do Trung Tâm Độc Lập, Stuttgard, Cộng Hoà Liên Bang Đức ấn hành nhân “Ngày Văn Nghệ Sĩ Việt Nam 1990” được tổ chức tại Stuttgard. Nhà báo Hồ Văn Đồng bệnh nặng từ giữa năm 2005 và từ trần sau đó, hưởng thọ 83 tuổi.



Ngày 3 tháng Tư, 1976, khi công an Cộng sản mở chiến dịch hốt gọn văn nghệ sĩ Saigon, tôi đang ở Phan Rang, ngụp đầu trong một cánh đồng mía.

Là một anh nhà báo về già, từ nhiều năm trước 1975, sau khi đóng cửa báo Quyết Tiến, sang nhượng nốt cơ sở nhà in ở đường Võ Tánh cho anh Đặng Văn Bé –chủ nhiệm báo Thách Đố, tôi thực sự về vườn, hiểu cả theo nghĩa đen: Ra Phan Rang, tự tay tổ chức trồng dăm ba mẫu mía, vật lộn với mấy lò nấu đường, mỗi tháng chỉ về thăm nhà ở Saigon vài ngày.

Khi Cộng sản chiếm Saigon, dù có chung tâm sự với anh em làng văn làng báo cũ, tôi vẫn cười cười, biểu họ: “Moa đâu còn là nhà báo. Moa là nông dân. Lê Nin kêu nông dân là liên minh vững chắc của giai cấp tiên phuông. Mao chủ tịch còn sửa lưng cả Lê Nin, kêu nông dân là thành phần cốt cán. Các toa phởn phơ ở thành phố quen hư thân mất nết, ngán đi kinh tế mới. Moa đã tự giác đi kinh tế mới lao động sản xuất từ khuya rồi. Nông dân trăm phần trăm, còn ngán chó gì nữa.”

Ngày 9 tháng 3, khi tôi xách cái bị lát nông dân từ Phan Rang về Saigon thăm nhà, công an Cộng sản đã rình sẵn từ bao giờ, còng tay cái rụp.

Tại sở công an thành phố, trước là trụ sở Nha Cảnh sát đô thành, đường Trần Hưng Đạo, khi cánh cửa sắt nặng nề của phòng giam mở ra, tôi nghe nhiều tiếng cười. Một giọng nói vui vẻ vang lên: “A, Anh Đồng đen đây rồi. Đi đâu giờ này mới chịu mò tới. Nhờ anh tí, bắt anh em chờ mãi.” Vẫn in hệt lối nói quen thuộc trong làng báo miền Nam, thường dành cho anh em tới trễ trong một buổi họp mặt thân mật. Chỉ khác chút xíu: cuộc họp mặt lần này đông đảo chưa từng thấy, mà lại là họp mặt trong nhà tù Cộng sản.

Phòng giam vuông vắn mỗi bề khoảng 5 thước, lố nhố năm sáu chục hình người, gần như nêm cứng, chen chân muốn không lọt.

“Lại đây nè, cha nội. Xớ rớ chi vậy.”



Giọng nói quen thuộc lại vang lên. Một anh chàng thấp lùn phe phẩy quạt giấy, mặt mũi vêu vao, đang ngoác miệng ra cười, vẫy vẫy về phía tôi. Tôi nhận ra anh bạn phóng viên Anh Quân. Bên cạnh là anh Doãn Quốc Sỹ, anh Đằng Giao, anh Trần Dạ Từ … Phòng giam nêm chặt kiểu cá mòi đóng hộp, dưới mái tôn nóng điên người, tất cả đều cởi trần, mồ hôi nhễ nhại. Tôi chào tất cả và nói:
“Đông đảo phe ta cả, vui quá há.”
Đáp lời tôi, anh Doãn Quốc Sỹ cười hiền lành: 
“Vui thật ông ạ. Còn Khô Vinh đại sư nữa kìa.”
Tôi nhìn theo mắt anh Sỹ hướng về một góc phòng. Trên bệ cao cầu tiêu chung trong góc, tôi nhận ra còn có thêm anh Nguyễn Mạnh Côn. Khô Vinh đại sư là tên một nhân vật tiểu thuyết của Kim Dung. Anh em gán cho anh Côn biệt danh này trúng quá vì anh vốn gầy gò, người nhỏ thó, xương xẩu giống hệt một nhà tu khổ hạnh. Ngồi trần trụi trên cầu tiêu, Khô Vinh đại sư nhìn tôi cười cười, ra dấu chào.
Phòng giam chúng tôi ở, được gọi bằng một tên hoa mỹ là “Tập thể hai.” Tại sở công an, còn có khu A, khu B, tập thể một, phòng giam nữ, và các phòng biệt giam… Thời điểm này, không kể khám Chí Hòa, Đề lao Gia Định, trụ sở các phường quận, nghe nói bin đinh Đại Lợi và nhiều cao ốc, nhà cửa khác trong thành phố, cũng đều đã biến thành trại giam. Số văn nghệ sĩ bị giam ở nhiều nơi, nhưng đông nhất vẫn là Đề lao Gia Định cũ, (nay được gọi bằng một bí số: T20) và ngay tại Sở công an.

Ký giả Nguyễn Tú (Nhật báo Chính Luận), đã bị bắt cùng với văn nghệ sĩ Miền Nam trong chiến dịch tổng truy lùng của chính quyền Cộng sản ngày 3 tháng 4 năm 1976. Ông gây tiếng vang trong làng báo quốc tế qua những bài báo viết về cuộc rút lui của quân đội Miền Nam từ những vùng Cao Nguyên trong những ngày tháng cuối cùng của mùa Xuân 1975. Nguyễn Tú bị giam ở nhiều trại tù lao động trong 13 năm, ông được thả vào năm 1989 và sau đó vượt biên sang Hồng kông, và được bảo lãnh sang Hoa Kỳ năm 1990

Khi công an Cộng sản bắt văn nghệ sĩ, nghe kể, họ bắt luôn vợ chồng Đằng Giao – Chu Vị Thủy và cháu nhỏ mới sinh bẩy ngày. Chị Thủy là con gái nhà báo Chu Tử. Có anh em nói, danh sách bắt bớ này phần chính do Vũ Hạnh đề nghị. Vũ Hạnh thời trước, viết phê bình văn nghệ cho báo Bách Khoa theo lối hiện thực xã hội kiểu Cộng sản, rồi nằm trong tờ Điện Tín của nhóm Lý Quí Chung, chuyên viết những truyện kháng chiến đường rừng. Báo Sống của anh Chu Tử có hồi chỉ trích đích danh Vũ Hạnh là Cộng sản nằm vùng.

Khi tôi bị bắt vô sở công an, chị Chu Vị Thủy đã được cho mang cháu nhỏ về quản thúc tại gia. Trong số văn nghệ sĩ nằm tù Cộng sản, chỉ có chị Nhã Ca là phụ nữ duy nhất. Suốt thời kỳ ở sở công an, chị bị nhốt cát sô. Anh Nguyễn Mạnh Côn cười, bảo tôi: “Con mụ dữ quá.” Tuy cười, anh rất quan tâm việc này.

Một bữa, sau buổi “đi làm về”, có nghĩa là bị gọi đi hỏi cung, khi trở về phòng, anh kể với chúng tôi: “Moa bảo họ là bao nhiêu tai to mặt lớn ở miền Nam này, đâu có người nào cách mạng bắt đi tù cả chồng lẫn vợ như trường hợp Trần Dạ Từ và Nhã Ca. Nhốt bà mẹ của 6 đứa con nhỏ, có đứa còn chập chững tập đi, thì vẻ vang gì. Nói thật, bà ta chỉ là một bà viết văn bình thường, chẳng hiểu biết gì về chính trị. Nếu sách bà ta có chống cộng, ấy là do tôi mà có. Thả bà ta về, rồi muốn tôi làm trâu làm chó gì cũng được”.

Tuy Hồ văn Đồng thuật lại rằng “Nhã Ca là phụ nữ duy nhất nằm tù Cộng Sản,” nhà văn Lý Thụy Ý (chủ biên tờ Văn Nghệ Tiền Phong trước 75) cũng bị bắt đi tù lao động ở rừng Bô La 3 năm. Chóe biến bút mực của Lý Thụy Ý thành thập tự trong bức ký họa
Anh Côn hút thuốc phiện lâu năm, đang bị vật lên vật xuống. Nhiều phen phải cấp cứu. Một buổi tối, công an mở cửa kêu anh “đi làm việc.” Vài phút sau đã thấy anh trở vô. Mọi người hỏi sao lẹ vậy, anh đáp: “Tên X. gọi ra. Hắn đưa cho moa một cục, nói là cách mạng chiếu cố. Moa trả lại hắn, bảo tôi không cần nữa. Chỉ có vậy thôi.” Tôi còn nhớ rõ, có người hỏi “cục gì?” Anh Anh Quân, cũng là dân từng nằm bàn đèn thuốc phiện, nháy mắt: “Cái ông này. Cục vàng chớ gì nữa.” Anh Côn bấm vô đầu ngón tay út: “Bằng chừng này này”. Thấy Anh Quân suýt soa tiếc rẻ, tôi nói với anh Côn: “Sao anh không cầm đại vô, rồi cho Anh Quân nó phê cho coi.”

Người tù được cử làm trưởng phòng, anh Hoàng Phú Lâm, gia đình chủ Đệ Nhất Khách Sạn, cũng là một quân nhân trong văn phòng ông Đại tướng Cao Văn Viên ở Tổng tham mưu. Anh Lâm từng chính mắt thấy ông bà Viên kính nể anh Côn như ông thầy, nên rất trọng anh Côn. Cả phòng, đối với mấy anh em nhà văn, đều rất quí mến.
Từ lúc hết bị thuốc phiện hành, anh Côn tươi tỉnh hơn, trò chuyện vui hơn. Các bạn trẻ trong phòng giam thường ngồi quanh anh, để nghe anh kể những truyện khoa học giả tưởng rất hấp dẫn. Trong tù, có gì đâu để ăn, anh cũng nói ăn ngon miệng hơn hồi ở nhà.
Mấy năm trước, Nguyễn Mạnh Côn trở thành nhà thầu khoán có hạng trong quân đội. Anh Trần Dạ Từ đã thu xếp xong từ lâu, việc anh Phạm Duy nhường lại ngôi nhà cũ (một “dinh cơ” đồ sộ trong ngõ Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận) cho gia đình anh Côn. Năm 1975, cùng với Trần Dạ Từ, “nhà thầu” này bao dàn việc ấn loát binh thư cho Tổng cục quân huấn do tướng Nguyễn Bảo Trị làm Tổng cục trưởng. Riêng dịch vụ này đã lên tới cả trăm triệu bạc, lại còn đang khởi công đại tu bổ Nghĩa trang quân đội ở xa lộ. Khi bắt anh Côn và anh Từ, công an cộng sản dùng cả đoàn xe chở đầy nhóc toàn sách binh thư chiến thuật, dạy đủ món, từ thủy lôi tới tổ chức biệt kích. Công an nghe đâu còn thu cả lô quĩ phiếu mấy chục triệu bạc tiền in binh thư chưa kịp lãnh ở nhà anh Trần Dạ Từ, hèn chi họ chả cho là ghê lắm. Các “đồng chí” làm sao tưởng tượng nổi, ở miền Nam, đây chỉ là việc làm ăn bình thường, người thầu khoán vớ vẩn nào cũng có thể như vậy.
Trong tù, nhiều khi vui chuyện có lần anh Nguyễn Mạnh Côn kể: “Một lần hai anh em vô Tổng tham mưu thăm Trung tướng (Nguyễn Bảo) Trị, khi ra tớ bảo Từ hỏng rồi cậu ạ. Một anh thi sĩ, một anh nhà văn, mở miệng ra toàn là thấy tiền với bạc. Xe vô một chỗ thế này thì anh em lính canh phải đứng đón, mở cửa. Vậy thì còn chó gì là thi sĩ với nhà văn nữa. Cứ điệu này, chắc tiêu tùng luôn.”
Anh nói thêm, một cách nghiêm chỉnh:
“Cái vụ anh em mình ai nấy sạch sẽ vô tù, không chừng là vớ bở to đấy các cậu ạ. Tin lời tới đi. Biết đâu, nhờ đó mà nhà văn nhà thơ tái sinh.”
Anh Doãn Quốc Sỹ kết luận:
“ Mèo lại hoàn mèo.”

Chân dung nhà thơ, nhà giáo dục Nguyễn Sỹ Tế (còn có bút hiệu là “Người Sông Thương”). Ông bị giam tù 12 năm ở trại Gia Trung và Hàm Tân. Họa sĩ Chóe phác họa chân dung ông như một tên tù “thâm niên” sống trong thời Trung Cổ ở Âu Châu
Chúng tôi đều cười, mừng cho sự tỉnh táo lạc quan của bạn, khi bạn đã chia tay được với nàng tiên nâu.
Nhưng cũng ngay thời gian ở sở công an, anh Côn bắt đầu nói về cái chết. Một bữa, anh bàn với tôi:
“Lần này, sống mà về được, hai anh em mình phải xuống Thủ Đức, tìm một khu đất riêng, làm sẵn một “sanh phần” cho bọn mình, ông ạ.”
Sanh phần là ngôi mộ làm sẵn. Thấy chúng tôi bàn hoài chuyện trồng cây, đào huyệt cho mình, anh Trần Dạ Từ gạt đi, kêu là thời của bọn đỏ mà tính chuyện vớ vẩn.
Anh Côn nói với anh Từ:
“Không vớ vẩn đâu, cậu ạ. Đỏ đen gì cũng chỉ là nhất thời. Thời của họ cũng chẳng lâu lắt gì. Các cậu sẽ được nhìn thấy nó phải sụp đổ như thế nào. Ở tuổi của Từ, điều này chắc như đinh đóng cột. Thế hệ các cậu, chính cậu, sẽ phải góp phần làm cho nó đổ, rồi rán mà gánh vác lấy việc thu dọn sau đó. Còn tớ với ông Đồng đen, bọn tớ già rồi, xong phần mình rồi. Bọn tớ nhất định cứ đi tìm đất làm sanh phần như thường.”
Anh Nguyễn Mạnh Côn là tác giả cuốn “ Chống Mác xít,” nhiều năm phụ trách phần bình luận phát thanh bằng tiếng Pháp của đài Saigon. Anh rất giỏi toán học, khoa học, anh viết văn, viết báo hình như bằng thứ chữ nghĩa chính xác của nhà toán học nhiều hơn là chữ nghĩa kiểu nghệ sĩ. Sau hiệp định Paris, anh Côn cho phát hành cuôn sách dầy cộm, mang tên “Hòa Bình, nghĩ gì, làm gì?” Những người từng chỉ huy ngành chiến tranh chính trị, cao đẳng quốc phòng, như các tướng Vĩnh Lộc, Trần Văn Trung, Nguyễn Bảo Trị… đều tâm phục anh.
Có ông bạn dược sĩ già, nói là thông gia với gia đình nhà báo Đỗ Quí Toàn, ở tù cùng phòng, không khoái mấy chuyện xây sanh phần, nhưng nghe anh Côn bảo thời của bọn đỏ chẳng lâu lắt gì, thì như người vừa uống xong thuốc bổ, nhất định bắt cả anh Côn lẫn tôi phải xài tiếng Pháp, phân tích thật kỹ cho ông nghe.
Ông bạn dược sĩ già trong buổi truyện trò năm nào hiện đang ở khu Irvine, Nam California. Vợ chồng Trần Dạ Từ ở Thụy Điển. Tôi vừa vượt biển vô được đất Mỹ. Đằng Giao, Anh Quân còn bên nhà. Anh Doãn Quốc Sỹ đang tiếp tục nằm trong nhà tù. Riêng anh Nguyễn Mạnh Côn không còn nữa. Lời xưa anh nói, chỉ hơi sai một chút: Chúng tôi không còn dịp cùng nhau xuống Thủ Đức, tự trồng cây, đào huyệt, lo lấy sinh phần cho mình.
Đúng hai năm sau ngày anh Trần Dạ Từ ra khỏi nhà tù Cộng sản, cũng đúng một năm sau ngày Văn Bút và chính phủ Thụy Điển đón tiếp gia đình anh ở Stockholm, ngày 9.9.1989, bạn hữu văn giới ở Hoa Kỳ đã họp mặt mừng anh tại một nhà hàng ở Nam Cali.
Cùng với các anh Nguyên Sa, Phạm Duy, Mai Thảo, Tạ Tỵ, Viên Linh, Lê Đình Điểu và nhiều anh em khác, tôi đã có dịp nói về chuyện ở tù cộng sản với Trần Dạ Từ và bạn hữu. Tiếc thay, khi chỉ vừa nhắc tới trái chuối, củ khoai hai anh em có lần bẻ cho nhau trong tù, là tôi đã òa khóc ngay trên diễn đàn, không sao nói được thành tiếng nữa. Sức lực tuổi già tệ hại quá. Bao nhiêu năm trong ngục tù, anh em nhà văn nhà báo bên nhau đâu có ai nhìn thấy nhau khóc. Tất cả chúng tôi, ngay trong ngục tù, vẫn ráng tươi cười với nhau.
Tôi thú thật không hề biết gì về văn thơ. Về thơ Trần Dạ Từ cũng vậy. Chỉ biết anh trong nghề làm báo. Tờ nhật báo cuối cùng của anh Từ, trước khi đóng cửa vì luật báo chí VNCH đòi chủ báo thế chân 20 triệu, in trong nhà in của tôi ở đường Võ Tánh.Vị trí làng báo Saigon dành cho Trần Dạ Từ làm tôi ngạc nhiên, cứ tưởng anh phải là một người lớn tuổi hơn. Khi gặp, tôi mới biết anh sinh năm 1940. Thời đệ nhất Cộng Hòa, cả miền Nam chỉ có 9 nhật báo. Năm 1962, anh Trần Dạ Từ đã là Tổng thư ký nhật báo Dân Việt, một tờ báo gốc Thiên Chúa giáo cánh Bắc. Anh Chu Tử viết truyện dài và mục Ao thả Vịt nổi tiếng, là từ báo này. Sau 1964, bộ biên tập bạn hữu của Từ sẽ còn điều khiển các tờ báo có lúc có số bán vượt mức như Sống, Hòa Bình, Độc Lập.

Tú Kếu (tên thật là Trần Đức Uyển), tác giả của 1001 bài thơ trào phúng trước 1975, cũng là chủ biên của tuần báo Sống. Sau 1975 ông bị án tù 18 năm vì tội âm mưu tuyên truyền chống chính quyền, nhưng nhờ tài sửa TV trong tù, ông được thả ra khỏi tù trước khi bản án mãn hạn (ký họa Chóe) 
Sau khi bị cầm tù thời Phật giáo tranh đấu năm 1963, ra tù, Trần Dạ Từ vẫn tiếp tục làm tờ Dân Việt, nay đã đổi tên thành Việt Báo, do anh Phương Linh làm chủ nhiệm.Tôi còn nhớ đây là lúc thịnh thời nhất của Phật giáo miền Trung. Tờ “Lập Trường” do nhóm các anh Tôn Thất Hanh, Lê Tuyên, Cao Huy Thuần xuất bản ngoài Huế, làm mưa làm gió, tới mức đòi phải thiên đô ra Huế. Bài quan điểm đòi Thủ đô chính trị phải là Huế thì viết rằng gần mực thì đen. Thủ đô chính trị phải là Huế, gần đèn, mới mong rạng được.
Thời ấy, cánh chính khách theo các thầy ngoài Huế đang lên chân. Chủ báo Lập Trường được mời vô Saigon làm Hội đồng Nhân Sĩ. Chính nghĩa chống độc tài quân phiệt rạng ngời, phần lại lo bị chụp mũ cần lao, chế độ cũ, làng báo Saigon êm re.
Chính lúc đó trên tờ Việt Báo xuất hiện loạt bài ký rõ tên Trần Dạ Từ, minh danh “hỏi thăm” anh em nhóm Lập Trường, từng điểm một rành rọt. Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, phần quan điểm thời cuộc do anh Nguyễn Mạnh Côn, thường viết với bút hiệu Đằng Vân Hầu, gọi việc anh Từ ký rõ tên cho loạt bài này là sự dại dột đáng kính trọng của người làm báo. Còn nhớ, lãnh tụ sinh viên nổi danh thời 1964 là anh Nguyễn Trọng Nho, tuyên bố tán thành các luận cứ của Trần Dạ Từ. Làng báo Saigon bắt đầu hưởng ứng. Báo Lập Trường im, một thời sau, tự đóng cửa. Cao Huy Thuần lấy học bổng đi sang Pháp học. Sau 1975, báo Cộng Sản ở Hà Nội nói Cao Huy Thuần là nhà nghiên cứu, chuyên về tiểu sử Hồ Chí Minh.
Sống với nhau trong tù, nhất là qua anh Côn lúc đầu, biết thêm về anh Trần Dạ Từ, tôi càng ngạc nhiên hơn. Hóa ra anh Từ còn lạ hơn tôi tưởng. Thấy anh hồi ngoài hai mươi tuổi đã làm tổng thư ký một tờ nhật báo công giáo, lại là người đưa hồi ký của Linh Mục Cao văn Luận lên báo Độc Lập, tôi đinh ninh anh phải là công giáo thì anh lại là một Phật tử. Trong bộ biên tập anh Từ điều khiển và bạn hữu anh, nhiều người là đại khoa bảng. Tôi đinh ninh anh phải là người học hành ghê lắm, hóa ra anh chưa học xong tiểu học. Tiếng Tây, tiếng Mỹ bập bẹ, cùng lắm chỉ đủ để đoán mò ra nội dung bản tin viễn ký hàng ngày, trước khi trao cho người phiên dịch trong tòa báo. Thì ra, người bạn đồng nghiệp trẻ của chúng tôi, vốn xuất thân chỉ là cậu bé bán báo, mười hai tuổi đã sống ngoài lề đường.
Tết năm 1955, trước khi người Pháp rời hẳn Việt Nam, đài Pháp Á ở Saigon tổ chức giải thơ, phần thưởng lớn gấp ba đài Saigon. Người tới đòi lãnh giải nhất là một cậu bé 15 tuổi mặc quần sọoc. Chủ sự chương trình Pháp Á là anh Hoàng Cao Tăng phải họp hội đồng giám khảo lôi cậu bé ra thử tài đủ kiểu, buộc anh Hồ Đình Phương, thư ký hội đồng, phải lập biên bản, ký bảo lãnh, mới chịu phát cho cậu bé mấy ngàn bạc tiền trúng giải. Năm 1956, vẫn cậu bé, lại đoạt giải nhất giải truyện ngắn của tuần báo Nhân Loại, do anh Tam Ích coi ban giám khảo. (Người đoạt giải nhì là anh Lê Vĩnh Hòa, sau này là nhà văn liệt sĩ của Mặt Trận Giải Phóng). Anh Hồ Đình Phương phụ trách trang “Bình Thơ” trên báo Văn Nghệ Tiền Phong dành cả 4, 5 kỳ báo bình thơ cậu bé khác thường này.
Bước vô làng báo chuyên nghiệp, cậu bé làm thơ văn ấy phải làm từ việc thầy cò, viết lấp chỗ trống đủ các mục, từ tin cán chó, tới bài quan điểm, rồi mới thành Trần Dạ Từ.
Hồi còn tù ở Sở công an, anh Nguyễn Mạnh Côn có lần nói với tôi: “Có dịp, ông nhớ bắt tên Từ học thêm, phải cho nó thật giỏi tiếng Pháp.” Anh Côn kể từ lâu đã bắt anh Từ học thuộc bản tuyên ngôn của Đảng cộng sản bằng tiếng Tây. Tôi nghe mà phì cười. Học kiểu ấy thì làm sao mà khá cho nổi.
Hồi hai anh em cùng nằm một chiếu ở trại khổ sai Gia Trung, đến phiên tôi dạy anh Từ học thêm tiếng Pháp. Lại có thêm một chuyện buồn cười. Không khá gì hơn ông thầy Nguyễn Mạnh Côn, anh Từ lại phải tộng cho bằng hết toàn văn Lê Nin bằng tiếng Tây, nhờ hình Lê Nin, mà sách gửi được vô trại tù.
Tụng kỹ Lê Nin quá, có lần anh Từ nói: “Có dịp, anh em mình ph đượcải chú giải lại Lê Nin bằng sự việc ông ạ. Tức cười thật, thì ra trí tuệ phương tây bị chữ nghĩa bắt nạt, chả hiểu gì cả.”
Năm 1977, cũng tại Gia Trung, chị Nhã Ca đi cùng vợ tôi lên thăm, sau đó anh Từ cho tôi biết anh Mai Thảo, sau cả năm bị lùng bắt, đang ở trong nhà anh trên đường Tự Do. Tôi với anh Doãn Quốc Sỹ nhìn nhau, không biết nói sao.



Nhà văn Mai Thảo được Chóe vẽ đang ngồi trên xe xích lô đạp (đây là phương tiện giao thông duy nhất của Mai Thảo ở Sàigòn trước 1975). Sau 2 năm lẩn trốn sự truy nã gắt gao của chính quyền Cộng sản, ông vượt biên thành công và sang Mỹ năm 1978, qua đời ở quận Cam năm 1998
Đầu năm 1978, thân nhân anh Mai Văn Lễ (Khoa trưởng luật khoa Huế, nguyên phó chủ tịch Hội đồng kinh tế quốc gia, rất thân quí anh Từ) lên thăm cho hay chị Nhã và lũ nhỏ bị đuổi khỏi nhà, trục xuất khỏi thành phố.
Suốt cả năm không có tin nhà, chả biết vợ con sống chết ra sao, anh Từ không hề hé răng nói một câu lo lắng, vẫn bình tĩnh tụng Lê Nin toàn tập.
Anh Doãn Quốc Sỹ sau này, trong tù, sẽ thay tôi đọc cả chục bài thơ của Trần Dạ Từ, bằng tiếng Tây.
Nói rằng trong tù không hề khóc, với tôi, cũng sai. Tôi đã có hai lần khóc.
Một lần, khi làm việc trực nhật, xuống bếp trại bưng nồi cơm, thấy mấy hạt cơm rơi phía ngoài nồi, trước mặt đông đủ anh em, tiếc của trời, cho là thường, tôi bốc bỏ vô miệng.
Hôm sau, có người báo là bọn cán bộ bảo đội trưởng phải họp đội, mang tôi ra đấu tố vì tội lượm cơm của đội ăn riêng. Anh Từ bảo riêng tôi: “Nó muốn kiếm chuyện, chọc mình cãi lại cho có cớ bêu xấu rồi nhốt. Chuyện không đáng. Đừng dại húc đầu. Anh đừng thèm cãi tiếng nào. Nhận ngay lỗi, tự mình xin chịu biện pháp kỷ luật nặng nhất. Vậy là hết chuyện để nói qua nói lại.”
Phiên họp đội đấu tố được tổ chức. Tôi nói, bao năm rồi tôi vẫn nhớ nguyên từng chữ, như sau: “Tôi xin nhận hết tội lỗi đã bốc cơm của đội và của nhân dân bỏ vô miệng. Năm nay tôi gần 60 tuổi, một người chừng ấy tuổi mà không ra gì, bốc cả đến mấy hạt cơm rơi bỏ vô lỗ miệng, ngay trước mặt bao anh em khác, thật làm tất cả phải xấu hổ. Tôi xin nhận hết tội lỗi to lớn này. Xin các anh em hãy hăng hái phê bình. Xin cán bộ hãy cho tôi hưởng hình phạt nào nặng nhất, như cúp phần ăn hoặc đi kỷ luật, để giúp tôi tự sửa mình. Xin hết.”
Mọi người nhìn nhau, không thấy ai đấu tố. Sau đó cũng không thấy hình phạt. Chúng tôi cũng chỉ lặng lẽ cười với nhau. Ít lâu sau, khi nghe tin anh Nguyễn Mạnh Côn chết, lại nghe kể trước khi chết miệng anh còn kêu cơm cơm. Tự nhiên, tôi bỗng thấy mình khóc.
Tôi còn khóc một lần nữa, khi chuyển trại.
Được rời khỏi đội khổ sai nặng nề nhất trại, bị gọi là đội trừng giới, với nhiều người, là cái may. Với tôi, thì vậy là phải xa anh Từ và bạn hữu. Trong tù, anh Từ là người lặng lẽ, không bao giờ chịu hái một cây rau cọng cỏ hoặc kiếm thêm củ khoai củ sắn, chính tôi vẫn thường lo cho anh.
Gặp nhau lần cuối bên bờ suối, kiếm được trái chuối củ khoai, tôi dúi vội cho anh.
Khi quay đi, một lần nữa, tôi thấy mình lại khóc.
Xin các bạn họp mặt hôm 9.9.1989 chào mừng Trần Dạ Từ tha lỗi cho tôi, đã vì khóc mà bỏ ngang phần phát biểu.

Hoa Thịnh Đốn, tháng 3.1990 
HỒ VĂN ĐỒN 













Nhạc Trần Dạ Từ







Đêm ra mắt CD "Gội Đầu - Bay" của Thi-Nhạc sĩ Trần Dạ Từ










Gội Đầu
Tiếng hát Khánh Ly





Bay
Tiếng hát Thương Linh






Gọi Tên Dòng Sông
Tuấn Ngọc






Em Đi Với Con Thơ
Thương Linh






Thành Phố Tuyết
Khánh Ly







Ném Con Cho Giông Tố
Quang Tuấn







Cho Tôi Về Kiếp Xưa
Khánh ly






Dế Mèn
Khánh Ly







Đi Giữa Cơn Mê
Lê Uyên







Lòng Ta Ở Với Người
Phạm Hà








Lời Năn Nỉ
Thương Linh






Saigon Blues
Thương Linh






Tấm Lòng Phan Rang
Lê Uyên








Make Me Your Guitar
Thương Linh








The End














Nhã Ca & Trần Dạ Từ
1960











Trần Dạ Từ & con trai
(1976)


















Nhã Ca, Kiều Chinh, Du Tử Lê, Trần Dạ Từ











 
Nhà thơ Du Tử Lê & Trần Dạ Từ













 
Trần Dạ Từ & Nhã ca























Trần Dạ Từ & Phan Nguyên

















Trở về






MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.