Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Viên Linh (1938 - 2024)











http://phannguyenartist.blogspot.com/ 




Viên Linh

Tên thật: Nguyễn Nam
 (1938 - 2024) Hà Nam 
Nhà thơ, Nhà văn, Nhà báo
hưởng thọ 86 tuổi

 Chủ trương Tạp chí Thời Tập
 Chủ Tịch Văn Bút Hải Ngoại 1993-1997
 Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút Tạp chí Khởi Hành












"Ở đây sầu đã tan tành
Người đi chưa đủ về quanh chiếu ngồi"
Viên Linh

VI.2017
California









Tiểu sử:


 
Nhà văn Viên Linh tên thật là Nguyễn Nam, sinh ngày 20-1-1938 tại Hà Nam. Ông quê ở Đồng Văn.
Tác phẩm đầu tiên được trả nhuận bút ông viết năm 14 tuổi, đăng trên Nhật báo Tiếng Dân Hà Nội. 

Ông di cư vào Nam năm 1954, và trưởng thành tại Sài Gòn. 
Viên Linh sống bằng nghề làm báo,viết văn từ thập niên 60, là tổng thư ký Tòa soạn nhiều tuần báo chuyên về văn học nghệ thuật như Kịch Ảnh, Nghệ Thuật, Khởi Hành, Hồng, Thời Tập.... và cũng là tác giả của gần hai mươi tựa sách trước 1975. 
Viên Linh đoạt Giải nhất Giải Văn chương Toàn quốc VNCH năm 1974 với tác phẩm Gió Thấp.

Ông là một tên tuổi của Văn học miền Nam từ những năm 60, 70 thế kỷ trước.

Ông qua đời vào ngày 28/3/2024 tại Hoa Kỳ
Hưởng tho 86 tuổi
 



















Tác phẩm đã xuất bản:






1
Hóa Thân
thơ, 1964

Lục Bát Viên Linh
Tuệ sỹ
 https://gdptvietnam.org/tue-si-luc-bat-vien-linh.gdpt






2
Thị Trấn Miền Đông
truyện, 1966

Tây Phố là một thị trấn nhỏ nằm ven quốc lộ số Một, về mé biển, thuộc miền đông cao nguyên Trung phần. Thị trấn lưa thưa khoảng gần một trăm nóc nhà, phần lớn là nhà gỗ lợp ngói, kiểu cổ xếp sau những hàng cây. Liên trở về đó vào tháng Mười, trong những ngày mùa mưa đang tàn ....

 http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11912&rb=08





3
Cảnh Tượng Đêm Nay
1966





4
Một Chỗ Nào Khác
1967








5
  Cuối Cùng Em Đã Đến
1978







6
Cánh Cửa Đêm Thâu
1969








7
Chiều Hôm Gió Cuốn
1969







8
Cuối Trời Hôn Mê
1969






 
9
Mã Lộ

truyện dài, 1969







10
Một Mùa Mê Hoặc









11
Vườn Quên Lãng
nxb Hoàng Hạc 1971







12
Tình nước mặn
truyện dài, 1972
 http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12095&rb=08









13
Hạ đỏ có chàng tới hỏi
truyện, 1973








14
Lòng gương ý lược
truyện, 1973








15
Tới nơi em ở
truyện, 1973








16
Gió thấp

1974








17
Thuỷ Mộ Quan
thơ, 1982








18
Chiêu niệm văn chương

biên khảo, 2000








19
Tâm Sử ca
Nxb Khởi Hành,Thơ,2013







(Danh sách tác phẩm)


Hóa Thân (1964)
Cảnh Tượng Ðêm Nay (1966)
Một Chỗ Nào Khác (1967)
Cuối Cùng Em Đã Đến (1968)
Chiều Hôm Gió Cuốn (1969)
Mã Lộ (1969)
Vườn Quên Lãng (1970)
Con Đường Ngựa Chạy (1972)
Một Mùa Mê Hoặc (1973)
Gió Thấp (1974)
Thủy Mộ Quan (1982)
Cội Nguồn Bất An (dịch Roots of Unrest của Phan Trần Hiếu 1999)
Chiêu Niệm Văn Chương (2000)












Thơ Viên Linh





Mộng du


Chiều rơi với mốc ưu tư
 Tay xương đá mặn thân gù núi cao
 Trong tôi niên cổ rì rào
 Hồn không phách nhẹ mộng nào trôi qua

Năm năm mòn mỏi quê nhà
 Thời gian nổi bóng còn ta đứng chờ
 Tay dài viễn mộng quanh co
 Canh thâu bóng đợi bây giờ bóng đi

Ngủ còn quên khép đôi mi
 Xương da những bọt phân ly tiếp dài
 Sáng rồi tắt bóng tương lai
 Thôi xong tuổi trẻ thôi hoài mộng em.

(Hóa Thân)










Cúc Hoa

Ngồi ôm gối hạc canh dài
 Sáng hung ta thấy bụi ngoài xác khô
 Ðứng ôm vóc hạc gầy gò
 Quanh ta bỗng lẫn sương mù nghìn năm.

(Hóa Thân)










Dương thế

Thôi em cõi đó ưu phiền
 Anh xin thân thể kiếm miền truy hoan
 Ngón này chỉ lạc nhân gian
 Luân lưu kiếp mọn còn tham dục đời

Kiếp về trả lại thân ôi
 Ðêm nay hóa tượng thành ngôi đứng chờ
 Tượng này lệ nhỏ tay thưa
 Sầu tôi dương thế còn chưa đủ buồn.

(Hóa Thân)










Dấu tích

Lệ tôi dấu tích tôi mòn
 Lên cao tiếng biển xưa dồn ngón tay
 Xuống rồi quẹo ngả nào đây
 Quán thưa buồn tạt bụi đầy ghế con
 Ra rồi dốc đá chon von
 Trông trường giang rộng nghĩ còn quanh co
 Thôi qua con lộ sương mù
 Hồn im nghe chiếc xe đò về không.

(Hóa Thân)










Ký ức

Bẵng đi từng ấy năm
 Bây giờ trông lại mặt
 Về đây nằm khóc than

Thôi em ơi hạnh phúc
 Thôi thời gian lỗi lầm
 Sống ngoài hai mươi tuổi
 Ðêm đêm mơ hồi xuân

Tay vót mòn nến đỏ
 Da kéo dần nếp nhăn
 Ðêm coi sao mù mịt
 Khi không vùng cười khan

Bẵng đi từng ấy năm
 Ðời chờ dài rét mướt
 Coi xe về nhớ em
 Càng nghĩ càng thương tiếc.

(Hóa Thân)









Những lời vĩnh biệt của nàng

Tôi ngỏ lời chào tất cả anh em
 Rồi trở về đêm đi rất muộn màng
 Một người con gái đứng trông thành phố
 Sợi tóc dài rơi xuống cánh tay
 Tôi cúi lượm ngậm ngang môi rồi khóc
 Làm con chim tha cọng rác khô
 Rũ cánh tay về hiên ngói xám
 Ðêm muộn màng đêm hãy xót thương
 Tôi đi trên những bước chân buồn
 Qua tuổi đời rồi qua một bến kia
 Bóng cây xếp hàng coi cột điện
 Trong lòng khô từng miếng sắt non
 Mẫu than tro kẹt trong kẽ tay gầy nọ
 Là mặt trời cô đơn chết giữa hàng cây
 Ðốm thuốc lập lòe trên đôi môi buồn nọ
 Là lời ca em tôi vẫn kiếm tìm
 Mây xuống thấp cây còn những tăm hương
 Trời rã thành bụi tàn rơi lặng lẽ

Rồi lụi dần trong đó cùng em.

(Hóa Thân)










Tư tưởng

Tôi ngồi quán nhỏ
 Ngóng tầu đi qua
 Bến xe ngựa cũ
 Nằm dài biên khu

Cây sầu chín đỏ
 Dăm ngành trơ vơ
 Trăm năm rét mướt
 Ngày trôi ơ hờ

Nhớ chăng nhớ chăng
 Xưa kia buồn thế
 Nói chi bây giờ

Tôi ngồi quán nhỏ
 Con tàu băng qua
 Tiếng chân ngựa gõ
 Xong rồi êm ru.

(Hóa Thân)










Một nhánh sông

Chiều về trên một nhánh sông
 Bên tôi con nước đỏ lòng quanh co
 Nước loang dưới đáy trời dò
 Buồn tôi thánh thót trên lò nhân sinh.
 Tôi sôi bộ ngực ái tình
 Tan thân địa ngục biến hình dương gian
 Tôi tan vồi vội tôi tan
 Bay trên cái sống mối hàn âm ty
 Củi tôi đây củi tứ chi
 Ðốt lên sưởi ấm từng khuya với người
 Chiều về trong một cánh dơi
 Bên tôi bóng xám bay trời âm u
 Mắt vàng khép muộn trời thu
 Hồn tôi chập choạng cái mù nẻo xa
 Tôi nghiêng một bóng chiều già
 Soi trong tâm trí ngôi nhà tịch liêu
 Tôi yêu vồi vội tôi yêu
 Ôm chưa đầy ngực bấy nhiêu mộng tàn
 Chiều về thân ngại truy hoan
 Nghe trên giá sách bụi vàng dâm thư
 Ðêm nay ngọn lửa chần chờ
 Bên tôi trời đất từ từ quên quên

(Thủy Mộ Quan)








Cõi đời tôi

Chiều nay tôi tỉnh hay mê
 Ở đây hay đó mới về hay đi
 Ðời nay tôi lỡ xuân thì
 Soi gương lệch mặt khác gì nhân gian.
 Mưa gieo theo mái buồn vàng
 Nhân sinh những bóng điêu tàn nghiêng nghiêng.
 Chiều nay tôi đó ưu phiền
 Ngón tay dài ngắn đất liền biển khơi
Sống tôi này chết như tôi
 Thịt xương của quỉ xui đời gian tham.
 Mưa gieo, trăm giọt xô đàn
 Xuân thu cuồn cuộn tiếng hàn kêu lên.
 Giờ đây hình thẳng bóng nghiêng
 Ban đêm tránh sáng ngày kiêng mặt trời
 Ở đời địa phủ cho tôi
 Về đâu kẻ lạ, đứng ngồi loanh quanh.
 Mưa gieo tâm trí tan tành
Chiều nay con thú soi hình tưởng ai.

(Thủy Mộ Quan)






















Tham khảo thêm về nhà văn Viên Linh








Lục Bát Viên Linh

Từ thủa bình minh ấy, khi biển Đông vừa tàn cuộc khói sương, những đợt sóng vỗ bờ, xô nắng mai lên bãi cát, ghi dấu phế hưng của một thời lãng mạn bi hùng; có đoàn người lần theo duyên hải, định hướng chân trời, đâu là phương sinh nhai cho tròn cõi nhân sinh. Không biết tự bao giờ, là thiên mệnh, hay là huyền sử, tôi đọc thơ và yêu thơ từ những chuyện lãng du. Người đi, từng bước để lại phương trời quá khứ, ghi vết tích trên từng dấu chân, để rồi sóng biển xóa nhòa. Ký ức thành mộng tưởng.

Khi mà ký ức còn bị vùi lấp trong những lớp bụi mù phố thị, eo xèo tiếng vọng từ hí trường giả dối, lãi nhãi trên những giá trị phù hoa không thực chất; ngôn ngữ nguyên sơ, tiếng khóc từ khi lọt lòng Mẹ, chỉ là âm vang của ma quỷ tranh nhau trong bóng tối. Ta hay người, bỗng chốc lạc loài trong lòng đất Mẹ. Chợt đồng vọng tiếng ru đâu đó, giai điệu u trầm ấp ủ đàn con từ những ngày dựng nước. Đàn con ra đi theo những lớp phong ba của lịch sử quay cuồng, anh em như những người khách lạ, nhìn nhau mà không biết ai đến từ phương nào. Hình đã đổi khác, mà tâm tư cũng thành cách biệt. Chợt nhận ra một nửa hồn mình khi nghe tiếng khóc của người.

Tôi đi tìm tiếng khóc còn hồn nhiên, để nghe truyện kể bắt đầu từ những hạt mưa trên đỉnh Trường sơn, đổ xuống bình nguyên mà vào Đông hải. Tiếng khóc chào đời hồn nhiên, bởi tình yêu của Mẹ trong điệu ru sáu tám. Một mai, tiếng khóc trong cõi nhân sinh nhuộm máu quân thù để viết thiên lịch sử quan phương, để xóa nhòa huyền sử, thì trong nguyên ngôn, trong tiếng khóc ban đầu, vẫn là khúc hòa âm của huyền sử được viết bằng thơ. Nghe huyền sử, được kể bằng thơ, để yêu mình và yêu người, để còn nghe đồng vọng tình yêu của Mẹ, từ lòng Đất Mẹ. Mai sau dù có bao giờ… Mai sau, khi ta đi đến cuối, hay gần đến cuối, những đoạn đường khổ lụy lưu đày trong cõi nhân sinh này, đã đơn độc giữa toàn anh em mà như khách lạ này, lúc ấy biết đâu ta cũng tình cờ muốn nhẫm đọc những câu thơ như vầy:

Sinh ở đâu mà giạt bốn phương
Trăm con cười nói tiếng trăm giòng
Ngày mai nếu trở về quê cũ
Hy vọng ta còn tiếng khóc chung.
(Thủy mộ quan 78)

Lời thơ như nửa hận, nửa yêu. Yêu và hận, từ một chân tình diệu vợi:

Tình ta một mối tình câm
Nói ra im lặng, âm thầm tiếng vang.
(Thủy mộ quan, Ngoại vực).

Buồn vui, yêu hận, loanh quanh trong một kiếp người, của một đời lãng tử, lênh đênh qua mấy ngọn hải triều, để nghe trong ta, một thời xa xưa, Lưu Nguyễn lạc lối đào nguyên mà vẫn mơ màng phố thị, hành trang chỉ là một gói hoài niệm trong bóng điện đường, những chuyến xe đò khuya tạnh:

Đêm sâu giữa lũng bò vàng
Điện lu phố nghiệp xe dàn bến không.
(Hóa thân, Kinh cầu nguyện)

Đâu đây, nghe như truyền thuyết của một cuộc lữ hành bất định và bất tận. Từ đó ta nghe da diết một vần thơ, điệu ru huyền sử, huyền thoại về những người con theo Mẹ lên rừng và theo Cha xuống biển:

Nước tôi huyền sử chẳng hoang đường
Lưu Nguyễn rời non mỗi rạng đông
Về kiếm người thân người mất dấu
Nhà xưa tìm đến thấy dâu xanh.
(Thủy mộ quan, 82)


Thế giới thơ – cõi thơ, và thế giới thực của người làm thơ, không là một, và cũng không là hai. Buồn vui với chính mình, với tình đời và tình người, người làm thơ trong khoảnh khắc tan biến vào một thế giới hoang liêu. Đêm dài với ngọn đèn lu; ánh điện đường với bến xe trống vắng. Có thể là như thế. Chỉ trong khoảnh khắc chìm đắm, và tan biến. Tan biến trong thơ để tính thể tồn tại của ta phơi bày như lãng tử bị ném vào một cuộc lãng du vô định và bất tận. Rồi tan biến trong đám người trong các ngõ hẻm, trên hè phố, để vật lộn với nhân sinh, khắc khoải với ngày mai tồn tại hay không tồn tại, với những lợi đắc hay thất, vinh hay nhục, với những viên đạn lạc loài, với những mảnh vỡ bom, mìn, bên vệ đường, trên đê ruộng.

Anh, trong thế giới hiện thực ấy, hằng ngày vẫn phải giao tiếp mọi người, những con người mà “gót danh lợi bùn pha sắc xám”. Bận tâm với số lượng tăng giảm của những tờ nhật trình, với những lời khen chê, những chuyện thị phi phù phiếm, với các giải thưởng. Thế giới thực mà không thực. Thi sỹ, tự trong tính thể, cũng chỉ là một hữu thể tại thế, một mảnh đời được ném ra đó để phải tự mình sáng tạo nên giá trị của sự sống. Ta từ đâu đến? Mọi người đi tìm câu trả lời trong các tôn giáo, triết học. Tín đồ tôn giáo tìm thấy câu trả lời cho định mệnh tồn tại của mình từ tượng Thánh trang nghiêm trên bệ thờ, với những vòng hào quang rực rỡ và tinh sạch, thánh thiện. Sinh viên triết học tìm câu trả lời từ các giáo sư đạo mạo trên bục giảng nghiêm túc của Đại học. Thi sỹ đi tìm câu trả lời từ những rác rưởi của đời sống thường nhật – mà các nhà mô phạm văn hóa gọi là đời sống hiện thực. Những giá trị nhân sinh được thẩm định là cao thượng, thánh thiện, vinh quang, để dành cho các nhà văn hóa quan phương trong các dinh thự cao sang. Giá trị nhân sinh tồn tại nơi thi sỹ chỉ là những mảnh vụn bị bỏ quên. Ưu tư, khắc khoải, hoang vu, sầu muộn, ưu phiền, những từ ngữ chất đầy bóng tối não nùng trong các vần thơ, như là biểu hiệu thái độ ươn hèn, khiếp nhược, trong trường cạnh tranh sinh tồn; là những từ ngữ có nội hàm đen tối trong các pho từ điển triết học. Chất liệu phế thải trong đống rác là những thứ đáng lợm giọng của nhà phú hộ; nhưng là dưỡng chất tồn tại của những người cùng khổ. Chúng hàm giá trị dinh dưỡng không hề nhượng bộ các thứ cao lương mỹ vị khi được tiêu hóa bởi dạ dày của hạng cùng đinh. Thi sỹ tiêu hóa trong thơ mọi thứ hạ liệt thấp kém, những thứ xấu xa vô nghĩa trong đời thường thành những giá trị vĩnh cửu; thành những thực phẩm dinh dưỡng tất yếu cho tính thể tồn tại của nhân sinh. Vậy thì, nhà thơ ấy từ đâu đến?

Nhớ tôi, tiền kiếp rưng rưng
Dài tay địa phủ ôm lưng kẻ nào
(Hóa thân, Tôi)

Từ một tiền kiếp xa xôi nào đó, nơi mà định mệnh nhân sinh được tẩm ướt bằng nước mắt. Những giọt lệ bi thương, hay đấy là những giọt sương long lanh trên ngọn cỏ, đẹp vô chừng thoáng chốc trong ánh ban mai?

Hay từ cõi địa ngục u tối cùng với những thân phận bị đày đọa; ở đó ta có những người thân quen, những bằng hữu chân tình, yêu nhau mà cũng hận nhau, bởi “vì chàng thân thiếp lẻ loi, vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi một mình”?

Phân thân hóa kiếp này thôi
Hồ xa cố thổ chân dời nẻo em
Ba trăm cửa ngục người quen
Lên đây phố rộng đời chen bước hờ.
(Hóa thân, Địa phủ)

Tôi đến từ một thế giới khác anh. Từ một thế giới thần tiên bị lưu đày, bước đi vô cảm trong thế giới xa lạ này; rồi nghe hơi thở từ thơ, – từ thơ anh hay từ Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, từ tiếng khóc oán hận của cung nữ hay từ giọt lệ tình yêu của người chinh phụ, chợt thấy viên đá cuội lăn lóc bên vệ đường cũng chất nặng tình đời, yêu và hận.

Hóa trang làm nhà triết học, tôi dẫm bước lần theo từng gác sách mấy tầng thư viện, thập thò trong các giảng đường mênh mông. Rồi máng áo nhà mô phạm, tôi lang thang trên các vỉa hè, với một nhà thơ, thật như điên mà cũng dường như tỉnh. Chợt bắt gặp anh, ở đâu đó – cứ nói là trong quán lú từ một ngõ hẻm lầy lội; anh trong phong vận thanh lịch hào hoa của thanh niên Hà nội. Tôi chợt tưởng, đâu là tính thể của thơ? Một nửa thế kỷ sau, tôi gặp lại anh, không trực diện, mà trong những câu hỏi:

Ai biết trời cao có mấy chân
Mây bao nhiêu cánh ngục bao hầm
Biển bao nhiêu sóng triều bao nước
Đông Hải bao lâu lại cát lầm?
(Thủy mộ quan, 81)

Người mà đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, vinh nhục, qua bao nhiêu sóng gió trường đời, có thể không còn hỏi thơ là gì, đời là gì nữa. Dù vậy, trong trí óc tôi vẫn mập mờ ám ảnh về một hình ảnh, về một cuộc đời hay cõi thơ xa xăm; hình ảnh Nguyễn Gia Thiều mà anh dẫn về như lạc lõng giữa hiên ga tàu hỏa Sàigòn.

Anh nói:

Nguyễn Gia Thiều đêm qua mang áo tơi và mũ nỉ đen về ngồi chơi ở hiên ga Sàigòn, tôi có thấy. Bấy giờ chuyến tàu nhám và khô sắp sửa khởi hành, khói nước và tiếng động, lời chào, một con dơi ngoài cột điện, một đồng hào rớt trong chiếc cốc thủy tinh xanh. Người nói thì thầm như hơi gió trong toa miệng các lỗ thủng, một tiếng ầm của vỏ xe rập ngoài đường.

(Hóa thân, Nói thêm về Nguyễn Gia Thiều)

Đó là thơ hay là câu chuyện kể thường thấy trên các trang nhật báo? Thật khó phân định cái gì thực, cái gì hư, trong thơ và ngoài thơ. Vẫn câu hỏi, thơ là gì, nhưng được nói sảng, một cách tự nhiên hay vô tình, thành câu hỏi, tại sao lại Nguyễn Gia Thiều?


Con người vương giả ấy ngồi trên nhung lụa mà khóc cho thân phận bọt bèo, cho sự đời hư ảo. Thơ của ông vẫn là cái phong vận hào hoa, nỗi hiu hắt trong bóng tối của lầu son gác tía. Rồi một mai lịch sử thiên di, ai đã dẫn ông lang thang giữa chợ đời bát nháo? Thơ dù đi giữa phố chợ ồn ào, lăn lóc trong những ngõ tối lầy lội, nhớp nhúa, vẫn không mất đi cái cốt cách thần tiên, bởi như “Bờ cõi dựng xuân xanh em còn đó, chốn Đào nguyên anh khoác áo khinh cừu” (Bùi Giáng). Vẫn còn đó, một cõi thơ, và hồn thơ, nâng niu tâm tình của một dân tộc, qua bao nhiêu vật đổi sao dời, qua những trận lũ tàn khốc của lịch sử.

Nguyễn Gia Thiều “mang áo tơi và mũ nỉ đen về chơi ở hiên ga Saigon”, hay “ngồi xe một mình khi về Lăng Cha Cả”, thì cũng y như những vần thơ lục bát thanh tao chen lẫn giữa những đoạn văn thuật sự. Có thể chăng, do bởi tình cờ của lịch sử, hay do tính chất huyền thoại hoang đường văn minh tiến bộ, mà Nguyễn Gia Thiều lại hội ngộ Rimbaud? Nguyễn Gia Thiều, nhân cách trong lớp áo thượng lưu, bỗng nổi hứng xúi dục cô gái bị ruồng rẫy nổi loạn, “bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra.” Rimbaud, cậu học sinh con nhà dân dã, nổi thịnh nộ, đứng dậy chống lại trật tự văn minh, “je suis armé contre la justice”. Một cuộc tương phùng điên đảo, thế nhưng, trong cách nghĩ nào đó, trong một cảm thức thi ca và thời đại như thế nào đó, đấy có thể mường tượng như là hình ảnh, hay ấn tượng một thời thi ca, của miền Nam.

Thơ lục bát của Viên Linh, bên ngoài khoác y trang nho nhã của Cụ Ôn Như; dịu dàng như, “Biển nằm dỗ mộng thùy dương” (Hóa thân, Ký thác); nhưng bên trong lại cưu mang tâm tình nổi loạn của Rimbaud. Anh không nổi loạn để chống lại trật tự đã sắp đặt sẵn ở đó, mà nổi loạn chống lại cái định mệnh đam mê trong chính mình.

Chống lại chính ta, chống lại những xúc cảm bồng bột trong ta, nhà thơ vẫn không thể vượt qua khỏi cái bóng định mệnh của mình. Ở nơi thơ, là một góc nhìn của thế giới, và thời đại; từ đó, để ta nhìn xuyên qua, và nhìn sâu vào, tính thể của tồn tại. Thời đại như bóng câu, đến rồi đi; cái còn đọng lại như là tồn tại của bóng mờ quá khứ.

Ngồi trông cổ tích bay vèo
Muông đi thú lại rừng treo mối sầu


Ngồi trông tóc trắng từng giờ
Chân nhang bụi mọc ta thờ một ta.
(Hóa thân, Bản thân)

Không phải là bóng mờ đơn độc từ nhân cách của nhà thơ. Tính thể tồn tại được ném vào trong dòng chảy thời gian, như Kiều bị ném vào “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần”; nhà thơ bị ném vào cuộc nhân sinh, âm thầm ghi dấu phong ba của thời đại.

Thời đại chúng tôi, một phương trời khói lửa, một dân tộc quằn quại nhưng vẫn không mất đi khí phách anh hùng từ thời dựng nước. Khí phách ấy tìm đâu đây trong những lời thơ xót xa thân phận?

Phận nào xác ấy cô liêu
Chim đêm rủ tóc ngồi kêu đường về
(Hóa thân, Buôn Hô)

Từ đây khổ kiếp u hoài
Một tôi ngắn phận cho dài thế gian
(Hóa thân, Tôi II)

Ai có thể biết ngọn cỏ dại tàn úa bên vệ đường vẫn mang trong nó cả một trời thu?

Một lớp thanh niên cùng trang lứa lên đường theo tiếng gọi Núi Sông. Nhà thơ cũng bồn chồn, nửa đêm khoác áo ra đi. Vẫn âm vang câu hỏi nghìn đời, sống và chết, ai còn, ai mất? Bởi những kẻ ra đi không bao giờ trở lại. Bức tranh vân cẩu của thế hệ ấy, của thời đại ấy, cõi nhân sinh ấy, là gì?


Ngõ con bụi đỏ trăm ngày mẹ mang
Xương khô gót chị kinh hoàng
Kẻng khuya đồn lẻ đêm vàng mấy anh.
(Hóa thân, Cõi nhân sinh)

Vậy, phải chăng sinh ra để làm thơ, là một định mệnh? Thời đại và nhân sinh là những trận cuồng phong trên mặt biển, mà từ đáy sâu hun hút, nghìn đời vẫn âm thầm chuyển tải nguyên ngôn của tính thể tồn tại. Ai có thể đào bỏ đi đáy biển, để cho mặt biển nổi sóng? Gạt bỏ đi những lớp phồn hoa của thời đại, dứt đi những sóng gió, bi thương và hùng tráng của một thời, nhà thơ bước đi không ngừng nghỉ, cho dù bị hắt hủi bởi cát bụi từ ngựa xe dồn dập trên đường, đi tìm bóng dáng chân thực của ta và thế giới của quanh ta. Nguyễn Du, trước sau vẫn là bóng mờ bên dòng lịch sử, với câu hỏi trải dài từ thủa hoang sơ: “Trăm năm trong cõi người ta.”

Cõi người ta, như một thung lũng trong bóng tối đêm sau, cho đàn bò ngơ ngác.

Cõi người ta, thành phố điện mờ, mà người bị đẩy vào đó như bởi định mệnh mù quáng, luôn luôn chuẩn bị để lên đường, cho cuộc lữ hành vô định, loanh quanh trên những bến xe hoang vắng.

Đâu là thi ca của một phương trời trong một thời đại lịch sử?

Đêm sâu giữa lũng bò vàng
Điện lu phố nghiệp xe dàn bến không.
(Hóa thân, Kinh cầu nguyện)

Thơ – thơ của anh, và của những người cùng thế hệ của anh, vẫn là một góc nhìn, để từ đó ta nhìn vào thế giới, mà sử tính huyền sử bị xóa mờ để được viết lại thành lịch sử.

Cuối thu, Canh dần, 2010.

















Viên Linh – Nhà văn Duyên Anh, chọc trời khuấy nước

Duyên Anh (1935–1997)

Nhà văn nhà báo Duyên Anh (1935-1997) là khuôn mặt khó vẽ nhất trong những chân dung văn nghệ sĩ nổi tiếng sau 1954 tại miền Nam. Cuộc sống và cái chết của cây bút nòng cốt của tuần báo Con Ong gây nhiều xung đột, hành trình văn chương của tác giả Hoa Thiên Lý (tác phẩm đầu tay, Sài Gòn) tạo nhiều mâu thuẫn, trong khi ấy, ông là nhà văn có nhiều tác phẩm xuất bản nhất (trên 50 nhan đề sách trước 75), là người có nhiều độc giả nhất, và mặt khác, là cây bút gây nhiều thảo luận nhất trong các giới. Con người ấy lại là chủ nhiệm một tờ báo thiếu niên, tờ Tuổi Ngọc, viết truyện cho lớp choai choai: Tuổi Mười Ba (1969), Dzũng Đa Kao (1966), Ngày Xưa Còn Bé (1968), và viết về thế giới hè phố, những nhân vật bị coi là côn đồ, du đãng; đến khi ra hải ngoại, 1983, lại trở thành tác giả của những vấn đề thời thế, viết về cộng sản, về chế độ cầm quyền trong nước: Một Người Tên Là Trần Văn Bá (1985), Một Người Nga Tại Sài Gòn (1985), Nhà Tù (1987), Trại Tập Trung (1988), và cuốn hồi ký văn nghệ Nhìn Lại Những Bến Bờ (1988). Viết về Duyên Anh cũng giống như đụng vào một bày ong, chạm vào một tổ kiến, mà con ong cái kiến ấy lại chính là các tác phẩm của ông. Nhiều vô kể và ồn ào vô kể. Tháng 2, 2012 này là ngày giỗ thứ 15 của tác giả Điệu Ru Nước Mắt (1965), tôi sẽ viết về ông như viết về một đồng nghiệp, một người bạn, qua vài kỷ niệm riêng tư.
Duyên Anh tên khai sinh là Vũ Mộng Long, người Thái Bình, sinh ngày 16.8.1935, năm 1954 bỏ gia đình lớn, di cư vào Sài gòn một mình, sinh sống trong ngành thông tin thuộc bộ thông tin. Khi gần 30 tuổi anh mới xuất bản tác phẩm đầu tay nhan đề Hoa Thiên Lý. Hôm ấy nhân đến thăm một người bạn làm báo cư ngụ ở khu Bùi Viện, gần ngã tư Cống Quỳnh, Nguyễn Cư Trinh, đang đi xăm xăm tôi bị chận lại trên hành lang và tác giả Duyên Anh tặng tôi cuốn sách của anh. Đó là lần đầu chúng tôi gặp nhau. Trước đó khoảng năm bảy năm, anh sống ở Trảng Lớn, Tây Ninh, như anh kể chi tiết trong cuốn hồi ký: “Tôi dẫn cô Hiên đi trên hương lộ đi ra thị xã Tây Ninh (…) Cô Hiên và tôi đang sống và bây giờ là 1956 (…) Tôi ở Trảng Lớn hơi lâu rồi. Giữa tôi và sinh hoạt văn nghệ, báo chí Sài Gòn hoàn toàn xa lạ. Văn nghệ ví như đất thánh. Mà tôi, kẻ ngoại đạo. Tôi ôm mộng trở thành nhà văn cũng giống những kẻ tưởng mình sẽ câu được trăng sao in hình trên mặt nước” (Nhìn Lại Những Bến Bờ, 202- 203).
Tuy viết thế mà chỉ ít lâu sau, chàng trẻ tuổi đột ngột bỏ cô Hiên, vì muốn một cuộc sống bay bổng hơn một cảnh đời bình dị. Không rõ hư hay thật, cuốn hồi ký kể lại chuyện Vũ Mộng Long đang ôm đàn hát (đàn của ty thông tin Trảng Lớn), thì một ông thầy bán thuốc sán lãi chạy xe ngang qua. Nghe tiếng hát chàng, ông ta vào làm quen, rủ chàng hãy đi theo ông ta, dùng tiếng hát mưu sinh đây đó, sống cuộc đời tự do nay đây mai đó, hơn là chôn chân ở một xóm quê. Nghe lời rủ quyến, chàng bỏ cô thôn nữ đi theo tay bán thuốc dạo. Nhưng chỉ hơn 4 tháng sau, hai người chia tay vì sứ mệnh: ông bán thuốc chính là một nhân vật đảng phái quốc gia ở miền Trung, bị mật vụ của ông Ngô Đình Diệm truy nã, đang đi kết hợp lại các đồng chí chống Diệm và chống cộng sản, còn Vũ Mộng Long trở về Sài Gòn, quyết đi vào văn nghệ. Trong đoạn hồi ký này, xuất bản vào năm 1988, Duyên Anh đã vô tình báo trước cái chết thảm của mình vào chín năm sau. Vốn là trên bước đường bán thuốc dạo (kéo dài bốn tháng 13 ngày), hai thầy trò đàm đạo đủ chuyện nhân sinh, triết lý, đạo đức, chính trị, và một hôm thày bảo trò: “Mày mâu thuẫn với chính mày. Mày sẽ trở thành con người tổng hợp trí nhớ, trí tuệ, trí khôn và trí ngu. Rốt cuộc, mày là đứa đối địa, nghịch thiên, chung thân bất mãn, chồng chất oan khiên. Mày sẽ giống Nễ Hành [một tay thuyết pháp trong truyện Tàu] không chết bởi tay Tào Tháo, Lưu Biểu, mà bị bêu nhục bởi đám vô lại Hoàng Tổ” (Nhìn Lại Những Bến Bờ, 222).
Tám chín năm sau, trong khi đang đi trong khu tiệm sách Tú Quỳnh trên đường Bolsa, Quận Cam, Duyên Anh bị đánh bởi một bàn tay sắt. Theo lời của một họa sĩ nhân chứng ngồi trong tiệm ăn Ngân Đình gần đó, Duyên Anh đang đi, có hai kẻ từ phía sau tiến đến gần, lên tiếng gọi. Duyên Anh ngoái cổ lại xem là ai, thì một bàn tay sắt vung lên, đánh một cái gọn vào thái dương anh. Chỉ một cái, rồi người đó và kẻ đồng hành đi thẳng ra đường Bolsa, khuất sau một góc nhà về phía đường Bushard, biến mất. Duyên Anh bất tỉnh, được đưa vào bệnh viện. Vì định cư ở Pháp, anh không có bảo hiểm sức khỏe ở Mỹ, nên được đưa lên máy bay về Pháp. Cú đánh đã khiến nạn nhân tê liệt nửa người, sau này phải tập viết bằng tay trái. Anh từ trần ngày 6 tháng 2.1997 tại Paris. Vụ ám hại Duyên Anh đã tốn nhiều giấy mực, và nước bọt, khi dư luận đặt các giả thuyết ai muốn giết nhà văn? Việt cộng, tư thù cá nhân, hay một tổ chức kêu gọi kháng chiến, như câu văn có linh anh viết từ nhiều năm trước, viết ở trên: “Mày sẽ giống Nễ Hành, chết bởi tay Hoàng Tổ.”
Văn chương của một tác giả nhà nghề, viết cách gì đi nữa cũng hàm chứa tâm thức và thái độ đối với cuộc sống. Riêng về Duyên Anh, người viết bài này còn nghĩ rằng văn thơ anh là vũ khí của anh. Một hai năm sau cuộc đảo chính 1.11.63, hai tướng Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, lúc ấy đang là nghị sĩ Thượng Viện, xuất bản nhật báo Công Luận, Duyên Anh phụ trách trang trong, có mang tôi vào làm việc một thời gian, trong khi tôi đang viết truyện dài đăng báo từng kỳ nhan đề Cuối Cùng Em Đã Đến cho báo này. Anh cũng nói với ông Tướng Đính để một mục cho Mai Thảo, lấy tên là “Nhận Đường.” Đến giờ giao bài, Mai Thảo không viết được, chúng tôi bàn nhau và thỏa thuận hôm đó tôi phải viết thế, nhưng không ký tên, làm như bài đó do Mai Thảo viết. Sau này mục “Nhận Đường” xuất hiện hàng tuần trên tờ tuần báo Khởi Hành do tôi làm thư ký tòa soạn. Tháng nào đi cắt tóc ở đường Gia Long, Duyên Anh cũng kéo tôi đi cùng, nói đủ thứ chuyện đời.
Thân Duyên Anh từ niên thiếu có nhà thơ Vũ Băng Đình, giám đốc báo chí phủ tổng thống, hiện là chàng duy nhất còn sống trong tám chàng nhà quê tỉnh Lúa (Thái Bình), năm 1950 rủ nhau dinh tê vào Hà Nội. Băng Đình làm bài thơ có đoạn như sau về bạn: “Duyên Anh văn sĩ Vũ Mộng Long/ Bút sắt vườn hoang lúc thẳng cong/ Chúng bẩn ông tha hồ viết nhảm/ Lâu đài công lý ngụ lâu không (“Thái Bình Bát Mẻ,” Khởi Hành hải ngoại, 2011). Mấy chữ “lâu đài công lý” ngoài nghĩa bóng, còn nghĩa thật: nhà Duyên Anh tại Sài Gòn là một tòa biệt thự khá sang có sân có vườn ngay trên đường Công Lý, là con đường xe hơi cắm cờ quốc gia qua lại mỗi khi đưa đón quốc khách giữa phi trường Tân Sơn Nhất và Dinh Độc Lập.
Để kết thúc bài viết nhớ bạn ngắn ngủi này, mời độc giả đọc một đoạn thơ của chính tác giả cuốn truyện Nặng Nợ Giang Hồ:”
“Tôi khôn lớn ở Sài gòn
Biết thấm nỗi buồn sau mỗi cơn chính biến
Chưa hề đi lính
Nhưng bạn thân chết trận dần mòn …
Em ơi chiều ba mươi tháng tư
Tâm hồn tôi chít mảnh khăn sô
Tôi đứng giữa hoàng hôn nào đó
Như ngày xửa ngày xưa bé nhỏ
Đếm xác người chết đói ngổn ngang
Ôi xác ngày xưa
Hôm nay súng ngắn súng dài mũ sắt quân trang
Nằm rên rỉ dưới dép râu cộng sản …
Tôi đã đến vùng Orange County
Của Hiệp chúng quốc Hoa kỳ
Và cần thiết thơ tôi tuyên chiến
(…)
Thứ thơ văn tô móng tay khi dân tộc đói nhăn răng
Thơ văn nhầy nhụa môi son
Vênh vang trưng diện …
(…)
Tôi làm thơ không gióng trống phất cờ
Tôi làm thơ vì công bằng lẽ phải
Thơ nâng niu nỗi khổ mủ sưng
Thơ vuốt ve niềm hiu quạnh quê hương …
Thơ tôi sẽ tiết kiệm giùm nước mắt
Sẽ lãi gấp trăm trương mục nụ cười…”

(“Nhân Danh Tất Cả Những Gì Tôi Biết”)

(Khởi Hành, số tháng 5 & 6, 2012. Đăng lại với sự đồng ý của tác giả)
 










Thế Dũng Phỏng Vấn Viên Linh: Văn Chương Tôi Không Phục Vụ Niềm Vui







1. THẾ DŨNG: Thưa anh Viên Linh, đúng vào năm 1951, anh đã bỏ quê Đồng Văn lên Hà Nội để học hành. Cho đến bây giờ, từ cái nhìn của một cậu ấm con nhà khá giả năm xưa, anh có thể phân biệt được sự ưu việt của việc dùi mài kinh sử ở Hà Nội so với việc học hành ở Đồng Văn thuở ấy không?

VIÊN LINH: Thuở ở Đồng Văn tôi là một thiếu nhi, lúc năm, sáu tuổi đã mồ côi cha, nên học với Ông Nội trước tiên. Ông tôi, người ta thường gọi là Cụ Tú Đồng Văn, thi đỗ Tú Tài khoá chót hình như năm 1915 ở Trường Nam (Nam Định); thi xong thì Nhà Nước Bảo Hộ dẹp bỏ chữ Nho, nên sẵn có thằng cháu mồ côi quanh quẩn bên ông lo đun nước pha trà, và sai vặt, cụ mang thằng cháu ra dậy. Cụ chỉ có một người bạn là Cụ Cử ái Niên, thỉnh thoảng từ xa vác dép trên vai tới chơi. Thuở đó tôi vừa được học chữ Nho, vừa được học lóm "phép làm thơ," là đề tài hai cụ thường nói suốt bữa trà. Tôi học ông năm, sáu năm, những câu còn nhớ cho tới bây giờ là ‘Đàn ông con trai không đứng trước gương chải đầu,’ ‘Sĩ phu bách nghệ.’ Mãi năm lên tám mới được học ABC rồi đi học ở Trường Làng.
Trường Làng là một ngôi nhà gạch ba gian bên cạnh Đình Làng, trên một cái đồi nhỏ, có Thầy Giáo Vịnh từ làng khác tới dạy. Đầu tuần đứng trên đồi đợi Thầy, thấy bóng Thầy từ xa; Thầy đi bộ từ làng Thầy, không rõ ở đâu, tới dậy bọn nhỏ chúng tôi. Lần nào cũng thấy Thầy mang một cái cặp cũ, và một chai nước mắm. Còn ở Hà Nội tôi học Trường Đồng Nhân, làng Đồng Nhân, ngay trong khu Đền Thờ Hai Bà Trưng; rồi lớp Nhất ở trường Ngô Sĩ Liên Phố Hàm Long, đệ Thất Chu Văn An, khác nhau xa. Nhưng cũng chẳng dùi mài Kinh Sử gì, đọc truyện nhiều hơn. Sự việc in hằn vào đầu tôi từ khi lên Hà Nội học là ở đó, học trò là người tứ chiếng, dân tứ xứ tới, mỗi cá nhân là một mục tiêu để bạn đồng môn châm chọc, chế diễu, nhiều khi độc ác đến bất nhẫn. Tôi vốn nhút nhát, nhưng được cái to con, nên hay can thiệp khi thấy chuyện bất bình.

2. T.D.: Tác phẩm đầu tiên anh được trả nhuận bút vào lúc anh mười bốn tuổi, đăng trên nhật báo Tiếng Dân Hà Nội, bây giờ, đúng năm mươi năm qua rồi, anh còn nhớ lúc đó anh ký bút danh hay tên thật dưới tác phẩm tuổi học trò ấy? Nghe nói năm 16 tuổi anh đã mở Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh và chọn cho mình bút hiệu Viên Linh. Anh có thể tiết lộ về những cảm xúc của tuổi 16 dạo đó với cái bút hiệu mà anh đã dùng suốt đời? Thảo nào anh đã tìm kiếm bằng được di cảo của Đào tiên sinh...

V.L.:Chuyện xảy ra quanh cái truyện ngắn đầu tiên được trả nhuận bút ấy như mới xảy ra mới đây thôi. Tôi gửi cho họ mới vài hôm đã thấy nó ở trên mặt báo, không sót một chữ. ở cuối truyện có dòng NHẮN TIN như sau: "Mời ông Nguyễn Nam tới Tòa soạn Tiếng Dân trong giờ làm việc để lãnh nhuận bút 150 đồng." Chỉ có thế. Nhưng tôi đọc đi đọc lại kỹ lắm. Lúc ấy mỗi sáng tôi được phát hai đồng ăn sáng. Chủ nhật nghỉ dĩ nhiên không có hai đồng, vì ăn ở nhà. Vậy một tuần được lãnh đâu mười hai đồng. Số tiền nhuận bút 150 đồng là "lương" hơn mười tuần lễ. Hai chữ nhuận bút từ đó đối với tôi là hai chữ rất khả ái. Mặt khác, truyện tôi viết, nhân vật là đứa nhỏ (thật ra gần bằng tuổi tôi lúc đó), tôi đoán họ sẽ đăng trên Trang Nhi đồng, ai ngờ họ đăng trên Trang Xã hội. Điều này gây cho tôi sự tự hào ngầm (và khiến tôi vượt qua giai đoạn viết văn học sinh, "đi cái một" vào Văn Đàn người nhớn.) Truyện ngắn đầu tiên gửi đi đã được đăng ngay, và được trả nhuận bút luôn, cho nên Nghề Văn đến với tôi trước khi tôi biết có nghề văn.
Khi tôi bước vào báo Tiếng Dân chỉ thấy một ông đang thu cả hai chân lên ghế rít thuốc lào. Tôi nói lớn tôi tới lãnh nhuận bút truyện ngắn Hắn của Nguyễn Nam. Ông xua tay tíu tít "Về bảo bố em tới lãnh mới được." "Thưa ông bố tôi mất rồi." "Thì bảo anh em đến lãnh, trẻ con không lãnh được, 150 đồng to lắm." "Nhưng thưa ông tôi viết cái truyện ngắn ấy."
Ông ta nhìn tôi tròng trọc: "Chú mày có chứng minh thư không?" "Thưa chứng minh thư chắc là thẻ học sinh?" Tôi có cái thẻ học sinh Chu Văn An, có hình đàng hoàng. Ông ta lôi trong ngăn kéo bàn ra một cái phong bì, ngoài có đề Monsieur Nguyễn Nam. Tôi phải ký tên vào cái sổ là đã nhận tiền đầy đủ. Không nhìn tôi cũng biết ông ta ngắm nghía mình kỹ lắm. Ông nói "Chú mày khá lắm. Cố lên nhé. Xem ra chú mày có triển vọng thành nhà văn đấy. Nhà văn gái mê lắm đấy."
Mấy ngày sau tôi đãi hơn mười đứa bạn chơi đá bóng với tôi ở bãi cát gần Viện Viễn Đông Bác Cổ ra hàng Mụ Béo bên Hồ Gươm ăn đu đủ bò kho và bánh tôm. Chưa bao giờ tôi oai phong đến thế. Sau này ở Saigon, tôi viết truyện ngắn gửi các báo với nhiều bút hiệu khác nhau, mục đích lấy tiền chi tiêu thay vì như các bạn cùng tuổi phải đi kèm học tư. Trên các báo Ngôn Luận, Tiếng Chuông, Văn Nghệ Tiền Phong khoảng 1955, 1956 có nhiều truyện ký tên Sầm Tham, Nguyễn Văn Ba, Lê Nguyên đều là tôi. (Tôi là con thứ ba và lúc này tôi đã yêu cô bạn học Đệ Tứ lớp hè trường tư họ Lê, sau là Dược sĩ, và đã tự tử chết lúc 24, 25 tuổi. Còn Sầm Tham, ai yêu thơ Đường đều biết Sầm Tham. Ký lung tung là vì truyện ngắn gửi nhật báo, hay báo tuần không hẳn loại Văn học Nghệ thuật, viết cái vèo vài giờ một cái truyện, mình không quan tâm lắm. Với lại tôi không quí Văn xuôi bằng quí Thơ. Chỉ khi làm thơ tôi mới nghĩ đến chuyện phải có một bút hiệu cho ra gì.
Tôi dở Hán Việt Từ Điển Giản Lược của Đào Duy Anh ra tìm một cái tên ra gì như tôi muốn. Có nghĩa là vừa khó trùng, vừa dễ nhớ, thơ đọc lên dù dở mà bút hiệu hay người ta cũng nhớ tới mình như thường. Ở trang 551 có hai chữ viên linh. Cụ Đào viết: "viên linh: Trời, vì hình trời tròn, nên gọi là viên-linh." Tôi chẳng muốn làm ông Trời với ai bao giờ, nhưng tôi yêu Nắng Miền Nam, yêu nắng đến nồng nàn, nhất là phóng xe máy ào ào trên đường vắng giữa trưa Sài Gòn là điều tôi thường làm, nên tôi đã tìm thấy bút hiệu cho mình. Bút hiệu ấy đã dùng gần 50 năm nay.

3. T.D.: Thời anh học đệ lục ở Phủ Lý với thầy Chu Thiên, anh đã có một ngày rất đáng nhớ với tác giả Bút Nghiên vào mùa hè năm 1954. Thủa ấy, anh có xe đạp Peugeot nên thày Chu Thiên đã nhờ anh đèo lên Hà Nội. Hình như trong chuyến đi đó thày Chu Thiên đã hỏi anh: ‘Sao em không đi Nam?’ Bấy giờ, trong mắt tác giả Bút Nghiên: không đi Nam là một sự lạ? Tại sao vậy?

. V.L.:Hè 1954 tôi về quê Đồng Văn, nơi Mẹ, Chị và Em gái tôi vẫn ở, chỉ có em trai Nguyễn Hữu Hiệu và tôi lên Hà Nội trọ học. (Anh tôi đi bộ đội ở xa.) Mẹ tôi là đại lý độc quyền muối Văn Lý (bãi bể Văn Lý, Hà Nam) ở Phố Ga Đồng Văn. Nên hè thì về quê. Ở nhà chán, vả lại có cái xe đạp vào loại tối tân nhất lúc ấy, Peugeot Dura (loại nhẹ, một tay nhấc cao lên được, vì bằng nhôm cứng, dura) nên tôi xuống Phủ Lý học. Phủ Lý cách Đồng Văn 11 cây số, đạp nhanh chỉ khoảng 15, 20 phút. Còn từ Đồng Văn lên Hà Nội có 48 cây số, khoảng một tiếng rưỡi vừa đi vừa ngắm cảnh. Nhưng hôm ấy Thầy bảo tôi ngừng ở bến xe hàng, chứ không muốn tôi chở hẳn lên Hà Nội. Trên đường từ Phủ Lý về Đồng Văn, chúng tôi nói nhiều chuyện. Đúng ra là Thầy hỏi, và tôi trả lời. Sau khi hỏi han gia cảnh, Thày hỏi tôi: Gia đình em có định đi Nam không? Tôi đáp có. Nhiều chú bác đã đi rồi. Thày hỏi tôi: Bao giờ đi? Sao chưa đi?
Cái nhìn của Thày khiến tôi cảm thấy câu nói có một hàm ý gì đó.
Tôi biết Thày Chu Thiên quý tôi. Tôi từng chơi quanh bên Thày khi lớp đổi giáo sư giữa hai môn học. Vì tôi hay hỏi về Việt văn. Tôi nhớ Thày rất rõ: quần áo kaki luộm thuộm bạc sờn, tóc sơ xác, đứng tựa cửa bóc sắn hay chuối ăn vào buổi trưa. Ngày nào cũng thế. Thày gầy teo, ngồi lọt thỏm trên khung ngang của cái xe đạp, giữa hai vòng tay tôi, mà không đụng tay tôi. Lúc ấy tôi đã to con lắm, 16 tuổi mà nặng 54 cân. Cô tôi vẫn gọi tôi là thằng Tạ Gạo. Câu nói của Thày không phải do lấy làm lạ, mà nghe như một câu nhắc nhở: "Sao chưa đi Nam? Hãy đi ngay, kẻo muộn."

4. T.D.: Anh đã vào nhập học Đệ ngũ ở trường Chu Văn An từ ngày 26 tháng 10 năm 1954. Trong khi đó họ hàng nhà anh đã đi Nam từ ngay sau hiệp định Geneve, 7.1954. Gia đình anh thì đang ở Hải Phòng chỉ chờ anh nữa để đi Nam. Rốt cuộc, anh đã rời trường Chu Văn An, rời Hà Nội để có mặt tại Sài Gòn vào đêm 25 tháng 12 năm 1954. Cho đến nay, chưa một lần trở lại Hồ Gươm. Tính đến năm 2004 là vừa tròn 50 năm anh xa Hà Nội. Kể từ cuộc phân ly ấy cho đến bây giờ chắc anh thấy rõ sự tàn phá cũng như sức sinh thành của những cơn bão thời thế lên số phận của mình?

V.L.:Năm mươi năm giữa những cuộc phân ly của Đất Nước, của Dân Tộc, những cuộc chính biến nửa thế kỷ bên này cũng như bên kia, sự tàn phá hẳn không tránh được, tuy nhiên tàn phá không phải là tiêu hủy. Trái lại, tôi cứng cỏi và trưởng thành lên nhiều qua những đổi thay. Tôi luôn luôn nhớ một câu thơ của Thế Lữ, và chỉ một câu thôi: "Ta là ai giữa mùa thay đổi ấy?" Câu hỏi để tự định lại vị trí và vị thế mình sau một biến động.

5. T.D.: Cha anh mất từ năm 1945. Lúc ấy anh mới bảy tuổi. Cho đến tháng 12 năm 1954, anh phải thú thật với thầy Tạ Quang Bửu là anh phải đi Nam theo mẹ, theo gia đình (dù không muốn). Như vậy có thể nói, người mẹ (của anh) là người đã ảnh hưởng tới cuộc đời anh nhiều hơn người cha của anh ư? Có lúc anh đã viết: "Anh nhớ lại từ đầu. Anh nhớ lại lúc anh ngọn tóc phất phơ, chân đi guốc mộc, trong ngõ trúc, trên đường làng. Lúc anh ngất ngây vì một giải thắt lưng màu hoa thiên lý. Một mái tóc ngang vai. Lúc mẹ dẫn anh đến trường. Lúc cha cầm roi chỉ sách. Cuộc đời anh từ đó bắt đầu." Nghe nói Mộ của ông cụ hiện nay đang ở gần Ga Đồng Văn. Có lần Phùng Quán đã về đó cắm nhang? Anh biết Phùng Quán là người gọi Tố Hữu bằng cậu ruột không?

V.L.: Hồi sau này tôi mới biết chuyện Phùng Quán là cháu Tố Hữu. Phùng Quán về Đồng Văn, ra mộ Thầy tôi thắp một nén nhang, là vì anh kết nghĩa huynh đệ với em trai tôi. Những năm ‘80 từ Mỹ Nguyễn Hữu Hiệu đã về Hà Nội thu thập tài liệu quanh về Nhân Văn - Giai Phẩm và giúp làm Chòi Ngắm Sóng cho Phùng Quán trên Hồ Tây. Tôi có đọc nhiều thư Phùng Quán viết cho Hiệu trong đó có nói tới những đêm thức đọc sách trong căn phòng của Hiệu ở Viện Đại Học Vạn Hạnh. Trước 1975 Đại Đức Chơn Pháp Nguyễn Hữu Hiệu là Trưởng ban Tu Thư của Viện nên có căn phòng trên lầu hai của Viện ở đường Trương Minh Giảng. Phùng Quán từ Hà Nội vào đã ở trong căn phòng này của Hiệu.
Thật không rõ tôi ảnh hưởng ai giữa cha và mẹ. Bố mất khi mình mới hơn 6 tuổi, nhưng tôi còn nhớ rõ khi 4 tuổi hơn ông đã dẫn tôi đi cô đầu trên Phố Khách; gọi Phố Khách vì khu đó có nhiều cửa hàng do người Tầu làm chủ. Đồng Văn là một làng đặc biệt, chia làm hai khu bởi một con sông nhân tạo, gọi là Sông Đào. Bên kia Sông Đào là làng, nơi có Đình làng và 99% cư dân; bên này Sông Đào, chạy dọc Quốc Lộ số 1 khoảng hơn hai hay ba cây số, có đường xe lửa xuyên Việt chạy qua, có ga Đồng Văn, có chùa làng, gọi là Chùa Cảnh Phúc do nhị vị công chúa nhà Lê xây từ thế kỷ XV, và khoảng 1% cư dân của làng. Nhà tôi vừa có nhà trong làng, nhà tranh, vừa có nhà ngoài phố, nhà gạch, nơi U tôi buôn gạo buôn muối (bán sỉ chứ không bán lẻ) và cũng là nơi đặt văn phòng làm việc của làng, vì Thầy tôi là Lý trưởng. Khoảng năm 1943, 1944, đất nước còn thanh bình lắm, từ chiều tới đêm trên phố, gần bến xe hàng, gần nhà ga, có nhà hát êm đềm vui vẻ, các cô thấy bố con tôi đều vui mừng mở rượu mở bia chiêu đãi. Các cô thường ôm tôi chứ Thầy tôi rất nghiêm chỉnh, vì là Ông Lý trưởng, con Cụ Tú Tiên Chỉ, tuy uống nhiều, và tom chát thì tôi không rõ sành điệu hay không, vì lúc ông đàn hát thì tôi say bia đã ngủ mất rồi. Đương nhiên là ông có làm thơ, phú, Hát Nói, đưa cô đầu hát. Ông chết trẻ, năm 38 tuổi, tiếc là tôi không được đọc, được nghe thơ phú của ông. Đương nhiên là hay thôi. Còn nhớ, U tôi, (tôi vẫn gọi Mẹ bằng U), sau này đôi khi có nói: "Anh ấy (tức là tôi), mới bốn tuổi đã đi cô đầu và uống bia cơ đấy."

6. T.D.: Thỉnh thoảng trong thơ anh có những câu như
Hỡi ôi hoang phế miếu đường
Lòng son như ngói Âm Dương tan tành
hoặc:
Các con ở tám phương trời
Nhớ cha như nhớ một người ngoài hiên.
Nhiều bạn đọc tò mò vào gia cảnh của nhà thơ đoán già đoán non là gia đình họ
hàng nhà Viên Linh hiện nay phiêu bạt khắp thế giới? Tôi nghĩ đó vừa như rủi
lại vừa như may?

V.L.:Cả hai đều đúng. Vừa rủi vừa may. Gia đình nhỏ của tôi không ảnh hưởng tới tôi mạnh bằng gia đình lớn: bố chết trẻ, mẹ goá mới khoảng ba mươi tuổi ở vậy suốt đời nuôi năm con, mà tôi là con thứ ba. Bố chết hình như sáu bảy tháng thì chiến tranh Pháp Việt bùng nổ, anh cả vào bộ đội, rời nhà, dân Hà Nội tản cư về tràn ngập Đồng Văn. Mẹ và bốn chúng tôi đều còn bé, em gái út ra đời mấy ngày đã phải bế xuống hố tránh bom (Mẹ hoài thai em ít tháng thì bố mất, em ra đời không thấy mặt bố.) Máy bay hai thân của Mỹ ném bom suýt trúng nhà tôi (vì đó là căn nhà gạch nổi bật trong khu phố dưới, giữa đám nhà tranh). Chính chúng tôi phải tản cư.
Gia đình nhỏ phân tán ở Hoa Kỳ. Tôi có làm riêng một tập thơ cho các con tôi, nhan đề là Thơ Của Một Người Cha Xa Vắng . Các con ở tám phương trời là nghĩa đen chứ không phải nghĩa bóng. Lúc này đây thì một đứa ở Thượng Hải, một đứa ở Boston, một ở Rockview, một đứa ở Charlotteville, và Las Vegas, Long Beach, Los Angels, còn một đứa quanh đây. Các cháu đều nên người, mấy đứa tốt nghiệp hậu Đại Học, từ các chuyên khoa như FIT (về vẽ mẫu thời trang) ở New York, Cổ ngữ La tinh ở Boston, Quản trị Kinh doanh ở Las Vegas, Kiến trúc và ấn hoạ ở Charlotteville, Richmond, Đồ hoạ Kỹ nghệ ở Los Angeles...

7. T.D.: Có bao giờ số phận những người thân trong gia đình ám ảnh anh mạnh đến nỗi họ được tái hiện trong các tác phẩm của anh không? trong Hóa Thân? Thị Trấn Miền Đông? trong Mã Lộ?

V.L. :Số phận những người thân không xuất hiện trong tác phẩm của tôi, vì tất cả đều thành công tốt đẹp, mà sự thành công ngoài đời không có gì hấp dẫn trong một tác phẩm văn chương. Nếu các nhân vật trong thơ trong truyện của tôi có ở trong cảnh chia tan mất mát, có thể vì tôi bị ám ảnh với những gì đã thấy trong đời, có lẽ cái máy hình trong đầu tôi khá tốt, nhìn cảnh gì cũng thu ngay đuợc vào khiá cạnh sắc nét nhất. Chẳng hạn những xác chết dọc Quốc lộ số 1 năm 1945, những người chết đói năm Ất Dậu đó; chẳng hạn khi bảy tuổi tôi đang chơi trong chùa làng -ngôi chùa Cảnh Phúc do nhị vị Công chúa nhà Lê xây cất cách đây đã 500 năm- chợt nhìn thấy một bóng người bay ngang đầu mình, nhìn lên thì là một cái xác treo cổ trên cành soan; chẳng hạn đang bơi trong Hồ Sen sau chùa thì thấy cái xác một hài nhi trắng bệch trên đầu có một cái lỗ tròn như một đồng xu nhẵn thín bơi theo mình; chẳng hạn chứng kiến Thầy tôi bắt một tướng cướp nhốt vào nhà giam, anh tướng cướp ôm chặt một đưá bé gái một hai tuổi không rời, không cho nó ăn, hơn một ngày Thầy tôi phải thả anh tướng cướp, vì sợ đưá bé chết đói... Chẳng hạn khi mười tám tuổi tôi cùng mấy đứa bạn đã bắt gặp một ông linh mục đang vén áo dòng làm tình với một phụ nữ có gương mặt thánh thiện sáng như trăng rằm, làm tan nát lòng tin của một thanh niên vừa vào đời...Tôi thu những hình ảnh ấy vào trong tâm trí, sống mãi với những cảnh vật tang thương, diễu cợt, phỉ báng, thống khổ...Văn chương tôi không phục vụ niềm vui. Văn chương tôi đào xới sự bất hạnh, để làm gì thì tôi không thể nói. Đời tôi có nhiều người thân yêu ra đi, như cánh rừng có nhiều muông thú bị hại. Tôi sống trong mất mát của đời, tôi khóc trong đêm khuya chia ly mộng tưởng tuy nhiên ban ngày tôi hớn hở chào đón mọi sự gặp gỡ.

8. T.D.: Năm 1969 anh in năm cuốn tiểu thuyết và cưới một cô vợ trẻ hơn mình chín tuổi. Lúc ấy chắc anh chưa biết nhà văn Tiệp Milan Kundera đã phải chạy sang Pháp tỵ nạn từ năm 1968. Rồi, ngay từ chiều ngày 19 tháng Tư năm 1975, anh đã cùng bầu đoàn thê tử rời Sài Gòn ra đảo Phú Quốc bằng máy may. Đến đêm 29 tháng Tư năm 1975, anh cùng hai người vợ, kể cả bà vợ cũ, và các con trai con gái đã rời đảo Phú Quốc để tới Mỹ bằng con tàu American Challenger. Gần 30 năm nay anh cũng vẫn chưa về lại Sài Gòn, thành phố thời anh viết Hóa Thân?

V.L. :Chưa, tôi chưa trở lại Sài Gòn lần nào từ khi bỏ đi, năm 1975. Tôi cũng chưa trở về Hà Nội lần nào từ lúc từ giã, năm 1954. Thế kỷ XX là thế kỷ của di dân, của lưu đày; cho nên sống lưu đày hiểu theo nghĩa tiêu cực là sống lưu vong, mà hiểu theo nghĩa tích cực là sống tự do. Ta Việt Nam lưu đày là ta Việt Nam tự do. Người Việt Nam trong thế kỷ XX và XXI không sống lưu đày là người Việt Nam sống trong nô lệ, bị áp bức, bị trị, tha hoá, sống trong môi trường của những nhân danh tập thể, quốc tế, từ Liên bang Đông Dương tới Công xã Xô viết, trong khi hạnh phúc đời người là hạnh phúc riêng; con người khác con vật ở chỗ gìn giữ cá tính và phẩm giá mình theo truyền thống nhân cách riêng của mình, gia đình mình, và xã hội văn hiến miền đất đã nhiều đời khai phá, phát triển. Con người sống với thiên nhiên, theo tiếng chim hót, không sống trong trại tập thể, theo tiếng kẻng kim khí hay tiếng loa, tiếng đài. Tôi không thấy cần phải về khi đã học được một ý nghĩa chân lý của André Malraux: "Nơi nào có Tự Do nơi ấy là Quê Nhà tôi."

9. T.D.:Nửa thế kỷ nay anh chưa bao giờ trở lại thành phố Hà Nội, thành phố thời niên thiếu? Giả sử, bỗng nhiên bây giờ, có việc khẩn thiết, bằng mọi giá phải hạ cánh ở Nội Bài, anh đã có sẵn một số điện thoại một địa chỉ để trở lại với bằng hữu cũ của Trường Chu Văn An chưa?

V.L.:Có lẽ chưa, nếu đó là số điện thoại của người thân. Có lẽ có, nếu đó là số điện thoại của một vài bạn văn học. Tôi thư từ, gặp gỡ Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng từ năm 1991 khi anh từ Hà Nội qua Hoa Kỳ làm việc ở Đại học Cornell, Ithaca, New York. Anh cũng dân Phủ Lý "nơi ăn sóng nói gió" như chữ anh dùng. Tôi vẫn liên lạc với anh. Gặp nhau tại xứ người, bên ly rượu, chúng tôi chỉ nói chuyện về các ngõ ngách Hà Nội, về vết đạn Đường Thành, tuyệt nhiên không đả động tới chính trị. Tôi cũng liên lạc bằng điện thoại thư từ nhiều lần với cháu Phương Thảo, con gái út nhà thơ Quang Dũng.

10. T.D.: Có lần anh kể, năm 1963, anh sống trên một căn gác xép (nhà của Mẹ ở Chí Hòa), căn gác không đủ cao nên chỉ có khoảng giữa là đứng thẳng lưng lên được. Nhiều tháng không ra khỏi nhà vì sợ bị Công an của Chính phủ Ngô Đình Diệm lùng bắt. Thật ra họ lùng bắt Nguyễn Hữu Hiệu. Vì Hiệu lúc ấy là sinh viên Cao Đẳng Phật hoc, đi rải truyền đơn chống Diệm, nên nếu bọn họ thấy anh chắc cũng bắt luôn thôi. Nên phải trốn trên đó khoảng ba tháng. Truyện Thị Trấn Miền Đông được viết trong thời gian ba tháng này. Viết đi viết lại. Cho nên dạo ấy, dùng hai cái tai rất kỹ. Nghe nghóng tiếng giầy ở bên dưới, biết là đàn ông hay đàn bà, đi giầy hay đi dép...
Năm ấy, năm 1963, là năm Nhất Linh Nguyễn Tường Tam tự tử tại Sài Gòn vào ngày 07 tháng 07. Chính là năm có đảo chính. Các ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị giết vào tháng 11. Phải chăng anh là một người luôn luôn bị (được) ràng buộc, gắn bó với một đời sống gia đình nhiều sự cố? Điều đó mang lại cho văn nghiệp của anh nhiều may mắn hay hoạn nạn?

V.L.: Tôi không nghĩ một gia đình Việt Nam như gia đình tôi là có nhiều biến cố như Dũng nghĩ. Rất bình thường thôi. Các biến cố gia đình nếu có, không gây ảnh hưởng bao nhiêu cho văn nghiệp của tôi.

11. T.D.: Tập thơ Hóa Thân được anh khởi viết từ lúc còn trẻ đến năm 1964 mới ra mắt tại Sài Gòn.
Nay anh đang chuẩn bị cho ra đời tập thơ thứ ba, tập Âm Thất . Tính từ 1975 ngược về năm 1960, số lượng đầu sách Thơ của anh ít hơn số lượng đầu sách tiểu thuyết rất nhiều. Tôi thì tôi cho rằng vì Tám chữ Hà Lạc của Viên Linh chỉ có một chữ thuộc hành Hỏa (là chữ Đinh trong Đinh Sửu, chỉ năm sinh), còn lại là bốn chữ thuộc hành Thủy, hai chữ thuộc hành Thổ, một chữ thuộc hành Kim; cho nên Viên Linh không làm thơ ào ạt sòn sòn như làm văn xuôi. Thơ của anh hiếm nhưng hay.
Mãi tới 1992-1994, tôi mới được đọc Hóa Thân và Thủy Mộ Quan. Hồi tưởng lại anh thấy anh viết tiểu thuyết dễ dàng hơn là làm thơ hay ngược lại? Trong số ba tập thơ Hóa Thân, Thủy Mộ Quan và Âm Thất , anh tâm đắc với thi phẩm nào hơn?

V.L.:Việc tôi viết truyện khó khăn hơn làm thơ là việc dĩ nhiên. Truyện là sản phẩm của tưởng tượng, cho nên ta thường thấy các nhà văn sợ trí tưởng tượng của mình quá hạn hẹp, trùng với sự thật ngoài đời, nên phải cảnh giác người đọc "nếu có sự trùng hợp ngoài đời là do sự tình cờ, ngẫu nhiên, ngoài ý muốn của tác giả." Có ai phải cảnh giác người đọc khi làm thơ đâu? Cho nên nếu văn là hư cấu, thì Thơ là tình thật. Nhân vật trong Tiểu thuyết là người ta, nhân vật trong Thơ là ta, chính ta. Viết về cái ta khó lắm, trừ phi ta tha hoá, coi ta là người khác, làm thơ tưới sượi như phạt cỏ vét bùn, tát nước sang ao. Làm thơ theo tôi là một cách viết nhật ký, song không viết cho mình hôm nay, mà viết cho mình ở đâu đó, có khi là ở tận mai sau. Viết truyện là dựng nên, hay vẽ ra, những nhân vật điển hình của một xã hội; làm thơ là đào sâu, chôn chặt chính mình vào lòng mộ, có thể là một ngôi mộ tâm linh mà thôi. Mà đường đời thì rải rác những mồ hoang, những mồ vô chủ. Thơ ta mà có người hương lửa thì ta cũng không mong gì hơn.
Tôi còn đang bằng lòng với Thuỷ Mộ Quan. Tuy nhiên Âm Thất là thi phẩm tôi gửi gấm nhiều hơn nữa.

12. T.D.: Sau này từ khi làm báo Khởi Hành , tôi thấy anh hay viết Tiểu luận, Chân dung Nhà Văn. Là một người có năng lực hướng nội mạnh mẽ có khi nào anh tự lý giải tâm lý sáng tạo của mình trước hiện tượng thay đổi bút pháp và thể loại trong từng thời kỳ khác nhau?

V.L. :Câu hỏi này nặng lắm, có thể viết thành một cuốn sách. Tâm lý sáng tạo của một nhà văn, nhà thơ thì vô cùng phức tạp, nhất là khi người ấy đã cầm bút 50 năm. Tôi lấy hai ví dụ.
Khoảng 1960, tôi lên Ban Mê Thuột dạy học, và bắt đầu đăng thơ trên các Tạp chí Sáng Tạo của nhóm Mai Thảo và Thế Kỷ 20 của Nguyễn Khắc Hoạch. Tờ Sáng Tạo có khi dành tới 4, 5 trang liền để đăng thơ Lục Bát Viên Linh . Như thế, người ta thấy thơ lục-bát-viên-linh khác với lục bát người khác. Hẳn phải có nguyên do. Trong khi ấy tôi gửi truyện ngắn đăng ở những báo khác. Hẳn tôi có lý do cho sự chọn lựa nơi gửi bài. Ở trường hợp trên, tôi làm mới thơ lục bát, vì Sáng Tạo là tạp chí cổ võ "đứng về phiá những cái mới." Ở trường hợp dưới, tôi viết truyện mà không khổ công khai phá kỹ thuật làm văn cho lắm, viết để lấy nhuận bút, viết để viết, để mưu sinh thôi.
Năm 1978, phong trào vượt biển gây dư luận trên thế giới, thảm cảnh biển Đông với thuyền lật, người chết, hải tặc Thái Lan tấn công thuyền nhân, hãm hiếp phụ nữ Việt, gây rúng động lòng người khắp nơi. Trong khoảng hai năm liền, mỗi sáng sớm tôi trăn trở với mấy tờ báo The Washington Post (vì lúc ấy tôi còn cư ngụ trong vùng thủ đô Hoa Kỳ, là nơi tôi tới định cư từ tháng 8.1975), và các báo Việt ngữ (báo tuần báo tháng, Việt ngữ chưa có báo ngày), chỉ cốt đọc tin về thuyền nhân. Tôi không thể viết như cũ được nữa. Tôi không thể làm thơ như vẫn làm thơ được nữa. Tôi tự hỏi: "Tổ tiên ta đã làm gì để phụ nữ Việt, con cháu Việt phải "trả nợ" đến thế? Trong dòng Lịch Sử nói chung, dòng giống Việt đã làm gì để người Việt đất Việt thảm thương như thế, từ Bắc chí Nam, từ trong nước ra hải ngoại.
Tôi nghe nhiều, đọc nhiều về sự kiêu hãnh ngớ ngẩn của người Cộng sản Việt, sự tự hào thảm thương của người bộ đội bác Hồ, lời nhân nghĩa của cán bộ Lý Thông khuyên nhủ người chủ đất nước Thạch Sanh, ...hay chuyện hai anh em ruột Ngô Xuân Diệu nhà thơ vào Nam gặp Ngô Xuân Phụng nhà báo, quân nhân Cục Tâm Lý Chiến, cũng là nơi tôi từng phục vụ.
Phụng làm một bữa cơm có con cá nướng đãi anh. Anh không đụng đũa mà cứ ngó ra cửa. Mãi rồi hỏi em: Sao mãi những người khác chưa đến. Em nói: Có ai nữa đâu, chỉ có hai anh em mình. Diệu tác xác: Con cá này phải tám người ăn là ít, sao lại chỉ có tôi và chú? Chú là đại úy Nguỵ, quen thói bóc lột nhân dân, v.v... Đại khái, vô vàn chuyện như thế. Anh em trí thức xô xát, chỉ từ cái kim sợi chỉ, miếng cá hạt cơm. Tôi tìm đọc lại Lịch sử Dân tộc, tôi tìm đọc lại Cổ tích dân gian, và tôi thấy...Và tôi "thay đổi một quan điểm sáng tác" như nhan đề bài diễn văn tôi đọc trong Đại Hội Việt Học ở Chicago sau đó vài năm. Năm 1982 Thuỷ Mộ Quan ra đời. Tập thơ này sở dĩ có là do cuộc vượt biển đó. Trong đó nói tới nhiều chuyện, từ cảnh ăn thịt người của đám thuyền nhân trên một cái bè mất hướng trên biển, tới cục đường mang vào Nam của người bộ đội man tưởng; và sự hùng dũng của vài nam nhi Việt khi ở Mỹ, trong có một nhà văn, người từng ngồi im trên thuyền chứng kiến cảnh hải tặc Thái Lan hiếp vợ và con gái mình... Bài thơ "Chuyện Vãn Cùng Sách Cũ" của tôi làm trong giai đoạn này:
Chữ nghĩa đã hàm oan / Tâm kiệt cùng mực cạn / Ẩn mật chút men trong / Cất lòng sầu vô hạn... Có chiều thương bút mực / Bàn viết như mồ hoang / Yên nằm hồn lệ quỉ / Chờ ý xuống hộ tang...Quỉ ơi đời giấy trắng / Chờ ngươi đã nhiều năm / Có nghe nghìn xác sóng / Tìm nhau ngoài hư không?
Nội dung thay đổi thì bút pháp phải thay đổi. Nội dung và bút pháp thật ra chỉ là một: nhiều khi nhà văn không ý thức được là có sự phân biệt. Thơ khẩu khí chẳng hạn. Chữ khẩu khí là nhà phê bình sau này đặt ra, chứ người thi sĩ làm thơ bộc trực, không cần phân biệt nó là khẩu khí hay tâm khí hay chí khí hay não khí hay thân khí hay tinh khí. Nguyễn Biểu thấy cái đầu người cầm đũa móc mắt ăn và làm thơ, chưa rõ lúc ấy ông no hay đói. Chưa rõ đó là thơ khẩu khí hay can khí, vị khí hay thực khí.

13. T.D. : Nhà văn Tam Ích Lê Nguyên Tiệp đánh giá cao Thị Trấn Miền Đông [trong bài Văn chương Tân Duy Nhiên ở Việt Nam, đăng trên Khởi Hành số 16, tháng 8.1969.] Năm tháng trôi qua, suy ngẫm lại, có lẽ bởi vì, trong Thị Trấn Miền Đông , anh đã nhìn xứ sở bằng một cái nhìn đầy biểu tượng, căng thẳng, lạnh lùng cho nên ít người hiểu thấu và đồng cảm. Nhất là sự cảm thấu của độc giả miền Nam, một cộng đồng người hay hảo ngọt, ưa không khí cải lương, vừa êm ái nỉ non não ruột vừa ngọt ngào sầu muộn tả tơi?

V.L. :Nhà phê bình Tam Ích trong bài trên gọi văn của Thị Trấn Miền Đông thuộc "nền Văn chương Tân duy nhiên ở Việt Nam", một nền Văn chương đang được những nhà văn trẻ xây dựng. Ông cũng cho nó là "độ không của Văn chương", có lẽ lúc đó ông đang say mê Roland Barthes, tác giả cuốn Le Degré zéro de l’écriture . Như anh biết tôi không viết phê bình, nhưng tôi cũng hiểu rằng Tam Ích hay Barthes chủ trương phê bình một tác phẩm không cần tìm hiểu kiểu tra vấn (investigation) ý hướng của tác giả, mà chỉ cần tìm hiểu biểu tượng mà tác giả đưa ra trong tác phẩm. Nghĩa là không phân tích tác phẩm của người ta dựa trên các giá trị truyền thống như lối cổ, mà nói ra những gì các biểu tượng ấy nói.
Để tôi kể chuyện này : Đầu tiên tôi mang Thị Trấn Miền Đông tới tạp chí Bách Khoa đưa cho ông Lê Ngộ Châu, chủ nhiệm tờ tạp chí. Vì nó dài trên 100 trang in, nên ông hẹn tuần sau trở lại, để ông có thì giờ đọc. Khi tôi trở lại xem kết quả, thì ông giận dữ nói: "Tôi không chịu được các anh. [Lúc ấy tôi 25, 26 và ông khoảng gần 40.] Các anh không coi lễ giáo xã hội ra gì cả. Tại sao con cái lại nói giọng đó với bố mẹ? Em lại nói giọng đó với anh? V.v..." Tôi xin lại tác phẩm; không hề giận, chỉ lấy làm buồn cười. Ông nói ông để nó ở nhà. Ông mang về nhà đọc. Tôi đòi ngay. Thế là ông và tôi về nhà ông lấy. Dường như tôi chở ông trên chiếc xe Lambretta của tôi. Trên xe, ông đã dịu giọng, nói là cuốn sách thì hay, nhưng tờ Bách Khoa thì không thể in được. Đó là tờ tạp chí chừng mực và như cái tên báo, gồm bài vở thuộc nhiều lãnh vực: kinh tế, tài chính, chính trị, xã hội, văn học. Bách Khoa đã từng đăng một số thơ của tôi. Khi tôi mang bản thảo lại tạp chí Văn cho Trần Phong Giao thì ông này nói rằng nó dài quá cho báo Văn, ông sẽ in riêng thành một cuốn sách nếu tôi chịu viết lại. Viết lại, vì cho tới lúc ấy, Thị Trấn Miền Đông là một vở kịch. Tôi đành thoả hiệp: Bỏ dạng kịch, chuyển thành dạng truyện. Thật ra thì không phải là viết lại: tôi chỉ sửa mấy cái ghi chú của kịch thành câu văn thường, không thêm gì cả. Nhưng cũng bởi lẽ ấy, văn chương của nó là loại văn gọn ghẽ tối đa, loại văn kịch. Do đó tôi đề hai chữ "Tân truyện" ngay dưới nhan đề. Thị Trấn Miền Đông trở thành một cuốn sách, một tân truyện phát hành vào tháng sau đó, cuối năm 1966. Đó là tác phẩm văn xuôi đầu tay của tôi được xuất bản thành sách.

14 . T.D. : Bí quyết gì đã làm cho một Viên Linh Đồng Văn Bắc Kỳ có giọng điệu kể chuyện rất chi là Anh Hai Xè Goòng trong tiểu thuyết Mã Lộ vậy?

V.L. :Tôi cho rằng một thi sĩ phải biết làm đủ mọi thể thơ, từ thơ luật đến thơ tự do, giống như một võ sĩ phải biết thập bát ban võ nghệ, chứ không chỉ biết một vài món quèn, có ngày chết tốt nếu đụng tay giang hồ lão luyện. (Các nhà thơ tự do làm thơ tự do rất dở nếu bản thân chưa từng rành thơ luật.) Viết văn cũng thế, mình người Bắc viết giọng Bắc là thường thôi, phải viết cả giọng Nam. Mà giọng Nam ở đây lại chính là giọng người dân nơi mình trưởng thành, càng quan trọng cho một nhà văn. Nhà văn phải sống trong lòng xã hội mình. Cho nên tôi dùng toàn giọng Nam trong Mã Lộ . Sau này Gió Thấp cũng thế. Tôi vui vì một hôm vào quán cà phê ngã tư, gặp nhà văn Ngọc Linh, với Lê Xuyên, hai nhà văn nổi tiếng Sài Gòn, mà Ngọc Linh, Lê Xuyên lại viết cho các báo tôi làm Thư ký Toà soạn, nên thân nhau, anh nói : "Sao mày viết đặc Nam kỳ tụi tao vậy hả mày?" Chẳng có bí quyết gì hết. Chỉ là do suy nghĩ như trên. Tuy nhiên từ nhỏ (khoảng 17 trở đi) tới lớn, tôi có nhiều bạn gái và người yêu gốc người Nam, Tây Ninh, Vĩnh Long, Sài Gòn, nên tôi thích nghe giọng nữ miền Nam, du dương hơn giọng Huế hay giọng Bắc nhiều. Tôi cũng thích vọng cổ nữa. Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, Khoa trưởng Văn Khoa Đại học Sài Gòn, chủ nhiệm Tạp chí Thế Kỷ 20 tôi quen từ 1960, [nhà thơ Trần Hồng Châu] hay đùa với tôi: "Thằng cha này khôn lắm. Nó có pillow teacher không à!"

15 . T.D. : Thành phố Sài Gòn đã liên quan như thế nào tới truyện ngắn Ngôi Nhà Tôi Đã Ở của anh. Theo tôi đó là một thiên truyện giầu chất điện ảnh? Hình như có lần anh đã tham gia đóng phim hoặc là đã cùng với Chu Tử làm cái gì đó có dính dáng đến điện ảnh ở Sài Gòn?

V.L. : Ngôi nhà trong truyện ngắn đó chính là ... ngôi nhà tôi đã ở, ngôi nhà tôi thuê của Chùa Phú Thạnh tại đường Nguyễn Huỳnh Đức, Phú Nhuận, khoảng 1961. Nó ở sau chùa, vắng tanh, vì lối vào phải đi ngang qua hai nghĩa trang, nhà ván gỗ cất một nửa trên một con kinh, nửa kia trên đất chùa, một mình nổi lên cao. Nhà hàng xóm ở xa xa, và ở dưới thấp. Lúc đầu tôi thuê chung với hoạ sĩ Nguyễn Trung, sau này là hoạ sĩ số 1 của Miền Nam trong nhiều thập niên. Tôi từng cầm cọ vẽ sơn dầu ở trong căn nhà này. Khi Oanh bạn gái của Trung đến thì tôi đi, khi Kim Xuyên của tôi đến thì Trung đi. Bạn gái tôi hay nói: Số em gặp anh thành số hoa rơi cửa Phật. Trước đây ai nói thì em không tin, bây giờ đúng y chang.
Tôi thuê căn nhà được nửa tháng thì Sư bác hỏi tôi: Thày ở đó có yên không? Tôi nói tôi thích lắm. Sư bác bảo Thày giỏi đa, người ta cứ dọn vào vài ngày là bỏ chạy. Có cặp vợ chồng dọn vào ở đúng một đêm hôm sau trả lại nhà, bỏ cả tiền nhà luôn. Họ bảo nhà có con ma nữ, phá dữ lắm. Thày giỏi đa.
Không biết thì thôi, khi biết nhà có ma thì tôi bắt đầu để ý. Tôi thấy sát mái nhà có một miếng gỗ như cái mặt bàn, bắc ghế trèo lên xem thì hoá ra trên mặt cái bàn chế biến đó có một bát hương thờ, đầy bụi bậm. Thế là ngay đêm đó con ma hiện ra. Tóc nàng rất dài, đè tôi ngạt thở, phủ kín cả người tôi, giãy giụa đến toát mồ hôi mới tỉnh lại được. Lúc ấy khoảng hơn hai giờ sáng, không đi đâu được vào giờ đó, tôi bèn thắp đèn thắp nến sáng chưng, cầm một nắm dao dài ngắn chém nàng lia lịa. Tôi cũng phóng dao vào bốn phiá nhà. Tôi làm như thấy nàng, và chém đến đâu thì nàng chạy đến đó, nên tôi chém một vòng quanh mình. Chém xong tôi nói: Nè, anh ở đời đã là một con ma tổ bố rồi, anh không sợ ma đâu. Em đang là ma, anh giết cho thành mị luôn đấy. Làm ma em có thể trở lại thành người, chứ khi ma chết thành mị, thì không hoá kiếp thành người được nữa đâu nhé. Thế là từ đó lại yên như cũ. Tôi đọc Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh khi còn nhỏ, khoảng mười mấy, còn nhớ có câu "ma chết thành mị" nên mới đem ra doạ nàng. Có khi là đúng.
Chuyện điện ảnh thì tôi có được mời làm phụ tá đạo diễn phim Yêu, quay theo tác phẩm cùng tên của Chu Tử. Tôi lo về casting, tức là chọn diễn viên và chỉ cho diễn viên cá tính của nhân vật mà họ sẽ đóng. Các vai chính trong phim là Anh Ngọc, Lê Tuấn, Thanh Lan, Thanh Khiết...

16 . T.D. : Thời kỳ từ 1960 đến 1975, có thể nói là thời kỳ anh sáng tác rất sung sức. Trong đó từ năm 1965, 66 đến năm 68, anh làm việc tại Đài Tự Do, và 1974 làm Đài Mẹ Việt Nam nơi anh có điều kiện tiếp xúc với các thông tin đa chiều, trực thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam Cộng hòa. Giai đoạn đó, anh có theo dõi được số phận các tác phẩm bị phê phán của các nhà văn miền Bắc như Nguyễn Công Hoan, Hà Minh Tuân, Nguyễn Dậu, Nguyễn Đình Thi, Phùng Quán, Việt Phương, Nguyễn Tuân, Hoàng Cầm... hay không? Các hiện tượng văn học đó ở miền Bắc theo anh, đã ảnh hưởng như thế nào tới anh? Tới các nhà văn Việt nam ở miền Nam?

V.L. :Đài Tự Do do người Mỹ điều hành kỹ thuật, Trưởng đài là một Thiếu tá người Việt, trụ sở ở Gia Định, tôi là môt biên tập viên thường trực từ lúc đầu; đài Mẹ Việt Nam còn Mỹ hơn nữa, trực thuộc Toà Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, trưởng đài là người Mỹ, tôi được người ta tới tận nhà mời vào làm để thay thế vị Trưởng ban Biên tập "bỏ nhiệm sở không baó trước". Lúc ấy là tháng 11.1974. Ở đó tôi có báo Miền Bắc đọc mỗi ngày, chỉ chậm khoảng một tuần so với ngày báo in ra ở Hà Nội. Văn Nghệ, Nhân Dân, Hà Nội Mới, v.v... Trên hồ sơ lương tôi là political analyst, việc phải làm là phân tích sách báo Miền Bắc và đề ra các đề tài để viết. Mặt khác tôi có hai bạn đồng sự là một đạo diễn tu nghiệp ở Mạc Tư Khoa hồi chánh, nhà văn Xuân Vũ hồi chánh, và một cố vấn là Thượng tá Tám Hà, Trung đoàn phó Trung đoàn VC (hình như 205? Ông nói mà nay tôi không nhớ rõ.) ở Nha Trang, về hồi chánh, là cố vấn của tôi. Bàn ông ngồi ngay bên tay phải bàn của tôi.
Như thế, quả là tôi có thông hiểu tình hình văn học, cũng như các phương diện khác trong xã hội Miền Bắc, hơn nhiều người cầm bút ở Miền Nam. Những um xùm quanh truyện Đống Rác của Hà Minh Tuân thời đó nếu tôi nhớ không lầm, tôi biết ngay khi nó xảy ra. Hay các tố cáo có tính "nêu quan điểm" tôi cũng biết. Nhưng ảnh hưởng về văn học thì không.

17. T.D. : Thoạt tiên anh chỉ có ý định hoàn thành Bộ sách có tính chất biên khảo mang tựa đề: Các Khuynh Hướng Văn Học Miền Nam Việt Nam. Sau khi đi Đông Âu và gặp gỡ những người ở đó trở về Mỹ, công trình dự định biên khảo của anh có tên mới là Chiêu Niệm Văn Chương . Anh đã cho biết, thời gian của bộ sách này khởi từ 1950, khởi từ 1954, khởi từ 1975 và chưa chấm dứt... Vì sao anh chọn Vũ Hoàng Chương cho Chiêu Niệm Văn Chương Tập I?

V.L. : Như tên gọi, Chiêu Niệm Văn Chương là bộ sách viết về các nhà văn nhà thơ bị Cộng sản giam hãm, lưu đày và chết vì văn chương của mình. Vũ Hoàng Chương là nhà thơ lớn của Miền Nam và là người chết đầu tiên vì tù đày cộng sản, dù rằng ông chết ít ngày sau khi ở tù ra.

18 .T.D : Sau Vũ Hoàng Chương, Lịch Sử Thơ cho tập I, Án Mệnh Quang Dũng sẽ là tập II? Với đà này thì phải bao lâu bộ sách mới xong? Một mình anh làm sao xuể?

V.L. : Án Mệnh Quang Dũng viết xong rồi. Các tập I I I, IV, V cũng đã xong rồi, chỉ chưa in được thôi. Tôi đang thu xếp thời gian và công việc để lo in sách nhanh hơn.

19.T.D. : Trong lần trả lời phỏng vấn của báo Văn học (tháng 9 năm 1994) về Hai mươi năm văn học Hải Ngoại có đoạn anh đã phân tích:
"Vậy thì theo tôi, văn học (Việt Nam) hải ngoại thời chiến tranh lạnh chính là Văn học Miền Nam. Nói một cách khác, dòng văn học hải ngoại chính là dòng Văn học Miền Nam nhưng thiếu những người bị Miền Bắc cầm tù và những người đã tự nguyện gia nhập dòng văn học Miền Bắc. Mà trong khi văn học miền Nam trở thành văn học hải ngoại thì văn học miền Bắc trở thành văn học quốc nội. Cùng một phút, cùng một giờ. Chỉ có một thay đổi: biên giới. Thành ra chữ miền Nam-hải ngoại, miền Bắc-quốc nội chỉ có một ý nghĩa là ý nghĩa địa lý, lại là địa lý chính trị: miền Nam hay hải ngoại là văn học Việt Nam Quốc gia; miền Bắc quốc nội là văn học Việt nam Xã hội chủ nghĩa. Cho tới phút tôi đang viết câu trả lời này, Việt Nam vẫn là một nước Xã hội Chủ nghĩa. Chưa ai thấy một nhà văn nào, một Tạp chí văn học nào hay một nhóm nhà văn nào ở trong nước thuộc dòng văn học miền Bắc phủ nhận chủ nghĩa xã hội, phủ nhận thể chế xã hội. Cho nên tôi không thể nghĩ khác được rằng văn học của một nước Xã hội Chủ nghĩa lại không phải là văn học xã hội chủ nghĩa...
"... Đoạn trên tôi có dùng mấy chữ trong chiến tranh lạnh. Những nhận định trên của tôi cũng chỉ nói tới các nền văn học Việt Nam trong thời kỳ ấy. Khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt: các nền văn học ấy khởi sự thay đổi: Hải ngoại trước chỉ có Bắc Mỹ và Tây âu, nay thêm Đông âu. Trong nước, trước, chỉ có xã hội chủ nghĩa, nay thêm cởi trói. Chính do biến cố chính trị ấy chúng ta mới có chuyện để nói. Không có biến cố chính trị ấy thì không có đổi mới hay cởi trói..."
Như vậy, cuối cùng, chắc chắn Bộ sách Chiêu Niệm Văn Chương của anh khi tới tay thế hệ con cháu chúng ta, sẽ được đón nhận như là một gia sản trong kho tàng Văn học Việt Nam?

V.L. :Hãy tưởng tượng "một gia sản trong kho tàng văn học Việt Nam" sau này như anh nói không có những cáo trạng kể trong Chiêu Niệm Văn Chương (và sách khác của những người khác tương tự) về tội ác đã tung hoành giết hại phỉ nhổ lăng nhục hai hay ba thế hệ nhà văn Việt Nam cuối thế kỷ XX, đồng thời đưa hàng trăm ngàn người khác lý tưởng vào các trại tập trung lao động và mấy triệu người lưu vong, trong có hàng trăm ngàn người vùi thây nói tới trong Thuỷ Mộ Quan ? Tôi làm thơ viết văn là cầm bút viết về đồng loại trong thời đại của mình, không mơ màng chuyện vĩnh cửu. Tôi không muốn con anh và con tôi và bạn bè trang lứa chúng sau này đọc thơ văn của cha chú chúng lại chỉ thấy những tiểu phẩm văn minh phục vụ cho tiện nghi, đường lối văn chương lo toan chuyện mỹ từ pháp, hở rốn hay cắt dòng bá láp, phê bình thì kênh kiệu hàn lâm lẩm cẩm thư lại hay ăn đong kiến thức second hand giao tế và xưng tụng kẻ cầm quyền bằng văn tụng, báo biếu, và đài ké. Cảm ơn

Thế Dũng.
(Hợp Lưu online 10/2008)






Tranh Đinh Trường Chinh













Viên Linh & Nv Mai Thảo







Viên Linh & Nv Hồ Đình Nguiêm






Viên Linh & Phan Nguyên 2017







Nv Viên Linh & Hs Phan Nguyên 2017









Trở về









MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.