Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Phan Vũ (1926 - 2019)

















Phan Vũ

(1926 Hải Phòng - 17.7.2019 Sài Gòn)
Nhà thơ, Họa sĩ, nhà viết kịch
Hưởng thọ 94 tuổi












Em ơi! Hà Nội phố!
Ta còn mãi mãi còn em








Phan Vũ sinh ở Hải Phòng năm 1926. Ông là nhà thơ, nhà viết kịch, là tác giả của nhiều tác phẩm được công chúng ái mộ: tập thơ Hà Nội – Phố, kịch Lửa cháy lên rồi (giải thưởng Văn học năm 1955), Thanh gươm và Bà mẹ, kịch bản phim Dòng sông âm vang…

Ông từng đạo diễn các phim Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại .
Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, khi đã ngoài 70 tuổi, ông chú tâm đến hội họa và đã có 9 cuộc triển lãm tranh ở trong và ngoài nước.

Trường ca "Em ơi Hà Nội phố!"
Gồm 23 đoạn, được ông sáng tác vào mùa đông năm 1972, khi Hà Nội bị bom B52 đánh phá ác liệt.









Hà Nội - phố


Gửi những người Hà Nội đi xa 

1. 

Em ơi! Hà Nội - phố! 
Ta còn em mùi hoàng lan. 
Ta còn em mùi hoa sữa. 
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya? 
Cọt kẹt bước chân quen. 
Thang gác thời gian 
Mòn thân gỗ. 
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ... 

Ta còn em chấm lửa 
Điếu thuốc cuối cùng, 
Xập xoè. 
Kỷ niệm... 
Một con đường 
Một ngôi nhà 
Khuôn mặt ai 
Dừng trong khung cửa... 
Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ 
Không tên người, 
Không tên phố. 
Người gửi không tên. 
Ta còn em chút vang động lặng im, 
Âm âm tiếng gọi 
Trong lòng phố... 


2. 

Em ơi! Hà Nội - phố 
Ta còn em một gốc cây, 
Một cột đèn. 
Ai đó chờ ai? 
Tóc cắt ngang 
Xoã xoã bờ vai, 

Khung trời gió. 
Con đường như bỏ ngỏ... 

Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ 
Thoáng qua... 
Khuôn mặt chưa quen. 
Bỗng xôn xao nỗi khổ. 
Mỗi góc phố một trang tình sử 


3. 

Em ơi! Hà Nội - phố! 
Ta còn em rì rào hạt nhỏ, 
Cơn mưa chợt đến trong chùm lá 
Vòm trên cao chuông hồi đổ, 
Nhà thờ Cửa Bắc, 
Tan chiều lễ 
Kinh cầu còn mãi ngân nga... 

Ta còn em đôi mắt buồn 
Dõi cánh chim xa. 
Trên hè phố 
Gã Trương Chi ôm ghi ta. 
Ngước lên cửa sổ, 
Có một ngày... 
Trống không ô cửa. 
Tiếng hát Trương Chi. 
Ngợi số nhà... 

Ta con em chuyến tàu khuya 
Về muộn 
Vào ga... 


4. 

Em ơi! Hà Nội - phố 
Ta còn em quả bóng lăn, 
Một mình, 
Trên sân cỏ. 

Cơn mưa đầy 
Những hố sâu trước cửa, 
Chiếc thuyền giấy lang thang 
Không bến đỗ 
Thằng bé qua tuổi thơ vội vã, 
Chợt ngẩn ngơ 
Với bóng nước lung linh! 
Bầu trời. 
Khoảng lạ! 

Ta còn em cánh cửa sắt 
Lâu ngày không mở. 
Nhà ai? 
Qua đó, nao nao nhớ tuổi học trò... 

Dàn thiên lý đã chết khô! 
Năm xưa, 
Những chùm hoa, 
Thơm hò hẹn. 
Cuộc tình đầu ngọt lịm. 
Nụ hôn còn xanh mãi trên môi... 


5. 

Em ơi! Hà Nội - phố 
Ta còn em chuỗi cười vừa dứt 
Chút nắng vàng le lói vườn hoang, 
Vàng ngọn cỏ. 
Cô gái khẽ buông rèm cửa, 
Anh chàng lệch mũ đi qua, 
Lời tỏ tình đêm qua dang dở... 

Ta còn em ngày vui cũ, 
Tàn theo mùa hạ. 
Tiếng ghi ta bập bùng tự sự, 
Đêm kinh kỳ thủa ấy xanh lơ... 


6. 

Ta còn em tiếng tích tắc 
Chiếc đồng hồ quả lắc già nua 
Đếm thời gian theo nhịp đong đưa, 
Những tiếng quen 
Ngán ngẩm, 
Mệt nhoài... 

Căn phòng trống bỗng mênh mang bóng lẻ. 
Nửa đêm đành mở cửa ra đi, 
Những bước liêu xiêu, 
Miền u tịch dọc dài, 
Hàng soan nghiêng, 
Lá đổ. 
Tiếng mõ từ ngôi chùa, 
Ẩn trong tận cùng hẻm phố... 

Ta còn em ánh đèn mờ đầu ngõ 
Sáng màu hoa đỏ 
Bên gốc gạo 
Lao xao cười nói, mời chào, 
Xe cộ nổi còi hối hả... 

Buổi chợ chiều trên phố vừa tan 
Chợ đêm giữa kinh đô họp muộn... 
Những kẻ nghèo khuya thức, 
Đợi tinh mơ lại mở chợ ngày. 


7. 

Em ơi! Hà Nội - phố... 
Ta còn em vầng trăng nửa, 
Người phu xe đợi khách bến đầu ô. 
Tiếng rao đêm lạc giọng 
Ơ hờ... 
Căn gác trọ đường vào bằng cửa sổ 
Lão Mozart hàng xóm 
Bảy nốt cù cưa. 
Từng đêm quên giấc ngủ... 

Ta còn em tiếng dương cầm. 
Trong khung nhà đổ 
Lả tả trên thềm 
Beethoven và sonate Ánh trăng. 
Nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ... 

Cô gái áo đỏ venise 
Xa Hà Nội, 
Vẽ clavecin 
Tập đàn 
Trên phản gỗ... 

Ta còn em những tràng pháo tay vang dậy. 
Đêm lộng lẫy! 
Cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa, 
Nước mắt lã chã trên áo đỏ. 

Rồi một ngày tả tơi, 
Loạn gió. 
Vườn Ngọc Hà 
Mùa hoa cánh rã, 
Đường Quán Thánh. 
Bản giao hưởng Lặng câm 
Trong một ngôi nhà... 

Ta còn em một đam mê. 
Một vật vã, 
Một dang dở, 
Một trống không, 
Một kiếp người, 
Những phím đàn long... 


8. 

Em ơi! Hà Nội - phố 
Ta còn em khuya phố mênh mông. 
Vùng sáng nhỏ. 
Bà quán ê a chuyện nàng Kiều. 
Rượu làng Vân lung linh men ngot. 
Mắt cô nàng lúng liếng đong đưa... 

Ngơ ngẩn bao chàng trai Kẻ Chợ. 
Cơn say quá dài thành một cơn mê... 


9. 

Em ơi! Hà Nội - phố 
Ta còn em tiếng hàng ngày. 
Reo vang đường phố. 
Lanh canh! Lanh canh! 
Tia hồ quang chớp xanh. 
Toa xe điện lên đèn. 
Người soát vé áo bành tô sờn rách... 

Lanh canh! Lanh canh! 
- Ai xuống Bờ Hồ! 
Ai đi Mơ! Ai lên Bưởi! 

Lanh canh! Lanh canh! 
Một đời cơ nhỡ. 
Trăm ngày ngược xuôi 
Đầm đìa nước mắt. 
Aó vã mồ hôi. 
Bơ gạo mớ rau... 
Mẹ về buổi chợ 
Lanh canh! Lanh canh! 
Lá bánh, củ khoai. 
Đàn con trên bến đợi. 
Cuối ngày... 


10. 

Em ơi! Hà Nội - phố! 
Ta còn em ráng đỏ chiều hôm. 
Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ. 
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá 
Gã đầu trần thơ thẩn đường mưa.... 

Ta còn em Cổ Ngư, tên thật cũ, 
Nắng chiều phai 
Là đà, cành phượng vĩ, 
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa... 

Chiếc lá rụng. 
Khởi đầu ngọn gió. 
Lao xao sóng biếc Tây Hồ. 
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ? 
Những bước chân tìm nhau 
Vội vội. 
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang... 


11. 

Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm 
Thoáng mùi sen nở muộn. 
Nhớ Nhật Tân. 
Mùa hoa năm ấy. 
Cánh đào phai... 

Người dẫu ra đi vạn dặm dài. 
Gió ngọn vẫn vương hương phố cũ... 


12. 

Em ơi! Hà Nội - phố... 
Ta còn em cơn mưa rào qua nhanh 
Sũng ướt bậc thềm. 
Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ. 
Cô gái băng qua đường bỗng hồng đôi má. 
Một chút xanh hơn 
Trời Hà Nội. 
Hôm qua... 

Ta còn em cô hàng hoa 
Gánh mùa thu qua cổng chợ. 
Những chùm hoa tím 
Ngát 
Mùa thu... 


13. 

Em ơi! Hà Nội - phố... 
Ta còn em con đê lộng gió. 
Dòng sông chảy mang hình phố. 
Cô gái dựa lưng bên gốc me già. 

Ngọn đèn đường lặng thinh 
Soi bờ đá... 

Ta còn em mùa nước đổ 
Sông Hồng mất tăm bãi Giữa, 
Bè xuôi, không ghé bến 
Con tàu nhổ neo về biển. 
Hồi còi vọng 
Như một tiếng than dài 
-“Mùa này trăng vỡ trên sông” 

Ta còn em hàng cây khô, 
Buồn như dãy phố. 
Người bỏ xứ 
Quay nhìn lần cuối. 
Hạt sương tan, 
Nhoè nhoè đuôi mắt. 

“Người đi! Ừ nhỉ! Người đi thực!”... 
Lữ khách khẽ ngâm câu Tống biệt 
Đành đoạn một lần dứt áo xanh... 


14. 

Em ơi! Hà Nội - phố... 
Ta còn em một Hàng Đào. 
Không bán đào. 
Một Hàng Bạc. 
Không còn thợ bạc. 
Đường Trường Thi 
Không chõng, không lều. 
Không ông Nghè bái tổ vinh qui... 

Ngày đi, 
Một nỗi mang tên nhớ. 
Ngày về phố cũ bỗng quên tên. 
Quên bậc đá, 
Quên mái hiên. 
Quên cây táo trồng ngay trước cửa. 
Thưở ấu thơ thoả thích leo trèo... 

Ngày về, 
Ra rả tiếng ve, 
Võng trưa hè kẽo kẹt, 
- “À ơi! tùng tùng trống đánh ngũ liên 
Bước chân xuống thuyền 
Nước mắt như mưa...” 
Bài tập đọc 
Quốc văn giáo khoa thư 
Bà ru cháu ngủ... 

Người về sững sờ bên cánh cửa, 
Tiếng ru hời! 
Gọi lại mảnh đời quên... 


15. RIÊNG VỀ MỘT CHUYẾN ĐI 

Sân ga Hàng Cỏ. 
Tuổi mười tám trong hàng quân, 
Năm khởi chiến. 
Thề ra đi 
Không trở về khi giặc chưa yên! 
Cô gái Hà Nội trong đám đông đưa tiễn 
Gửi chàng trai một bó hoa, 
Và một nụ hôn. 

Đoàn tàu chở đoàn quân về phía Nam 
Vào trận đánh 
Chở theo dãy phố, 
Chở những con đường, 
Chở nguyên Hà Nội nhớ, 
Những bó hoa và cả vết môi hôn... 

Khi khai trận 
Anh lính trẻ bỗng bàng hoàng, 
Thật bất ngờ khi súng nổ. 
Và bỡ ngỡ, 
Như đầu đời vừa nhận nụ hôn... 


16. 

Em ơi! Hà Nội - phố. 
Ta còn em chiếc xe hoa 
Qua hàng liễu rủ 
Cánh tay trần trên gác cao 
Mở cửa. 
Mùa xuân trong khung 
Đường phố dài 
Chi chít chồi sinh 
Màu ước vọng in hình xanh nõn lá 
Giò phong lan. 
Điệp vàng rực rỡ. 
Những gót son dập dìu đại lộ 
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào? 

Ta còn em tiếng trống tan trường. 
Màu thanh thiên lẫn trong liễu rủ 
Đêm hoa đăng tà áo nhung huyết dụ. 
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa. 
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa. 
Bậc thềm nào in dấu hài hoa? 


17. 

Em ơi! Hà Nội - phố 
Ta còn em đường lượn mái cong 
Ngôi chùa cổ. 
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương. 
Ai còn ngồi bên gốc đại già? 
Chợt quên vườn hồng đã ra hoa. 
Chợt quên bên đường ai đứng đợi... 
Cuộc đời có lẽ nào. 
Là một thoáng bâng quơ! 

Ta còn em một cuộc tình 
Như một bài thơ. 
Mỗi nỗi đau gặm mòn thêm phận số. 
Nhật ký sang trang ghi thêm nỗi nhớ... 


18. 

Em ơi! Hà Nội - phố 
Ta còn em lô xô màu ngói cũ. 
Hiu quạnh 
Một ngôi nhà 
Oa oa tiếng khóc. 
Ngày con ra đời. 
Cơn bão rớt bẻ gãy cành đa. 
Con vừa lớn... 
Chinh chiến gần kề trước cửa. 

Ta còn em con đường đá 
Lát bao niên kỷ? 
Cây si kia trồng tự năm nào? 

Ngày đi, 
Qua đò Dâu 
Nhìn về bến vắng, 
Ruột đau, 
Xót mẹ còng lưng gánh buổi chiều! 


19. 

Em ơi! Hà Nội – phố 
Ta còn em đống kim ngân 
Đổ đầy Hàng Mã 
Lâu đài, dinh thự 
Ngựa, xe, võng, lọng 
Gấm, vóc, lụa, là. 
Những hình nhân hầu gái 
Đẹp như hoa. 

Ta còn em đống than tro. 
Một ngày gió nổi, 
Mớ giấy tiền, 
Phù du của nả. 
Hai cõi âm dương, 
Mịt mù bụi phố! 


20. RIÊNG VỀ MỘT THÁNG CHẠP 

Tháng Chạp! 
Những tàng cây óng ả sợi tơ hồng. 
Tháp chạp thủ thỉ lời hò hẹn. 
- “Qua đợt gió cuối mùa... 
Ngày mai ta đến với mùa xuân” 
Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa. 
Đã có tên trong vòng hoa tưởng niệm... 

Một tháng Chạp trắng khăn sô, 
Khói hương dài theo phố. 
Một tháng Chạp 
Thâu đêm. 
Mẹ 
Thức. 
Hoá vàng... 

Tháng Chạp con đường ngẩn ngơ, 
Dãy phố thành toạ dộ. 
Khu trắng không người ở, 
Dòng chữ phấn ghi trên cánh cửa, 
Lời thề của người bỏ phố: 
Còn một đống gạch, còn trở về nhà cũ! 
Sập gụ, tủ chè, sách xưa và bình cổ 
thí thân cho mất cho còn! 

Một tháng chạp, 
Trên nóc cao, còi hụ, 
Cái chết đến tự phương nào? 
Cách thủ đô bao nhiêu cây số? 
Giọng Hà Nội thật ngọt ngào, 
Cô gái loan truyền tin bão lửa: 
“Hỡi đồng bào! Hỡi đồng bào...” 

Một tháng Chạp, 
Cây bàng mồ côi mùa đông, 
Nóc phố mồ côi, mùa đông, 
Mảnh trăng mồ côi, mùa đông. 

Thang Chạp năm ấy in hình bao mộ phố! 


21. 

Em ơi! Hà Nội - phố... 
Ta còn em mảnh đại bác 
Ghim trên thành cổ 
Một thịnh, một suy. 
Thời thế. 
Lẽ hưng vong. 
Người qua đó hững hờ bài học sử... 

Ta còn em dãy bia đá. 
Danh hình hội tụ 
Rêu phong gìn giữ nét tài hoa... 

Ly rượu đầy xin rót cúng cha. 
Nghìn lạy cúi đầu thương đất Tổ. 
Bến nước nào đã neo thuyền ngự 
Đám mây nào in bóng rồng bay?... 

Ta còn em những giấc mơ lộng lẫy xiêm y. 
Nhã nhạc nhịp nhàng, 
Vóc dáng cung phi. 
Những hào kiệt, những anh hùng, 
Vương triều nào cũng có, 
Và kẻ cuồng si gọi tên thi sĩ! 
Thắp nén hương nhớ người tri kỷ... 


22. Em ơi! Hà Nội - phố! 
Ta còn em năm cửa ô. 
Năm cửa gió 
Cơn bão những mùa nào qua đó? 
Ba mươi sáu phố 
Bao nhiêu mảnh vỡ? 

Ta còn em một màu xanh thời gian. 
Màu xám hư vô. 
Chợt nhoè. 
Chợt hiện. 
Chợt lung linh ngọn nến. 
Chợt mong manh, 


Một dáng, một hình. 
Nhợt nhạt vàng son. 
Đậm đầy cay đắng. 

Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố, 
Bỗng thấy mình không nhớ nổi con đường, 
Một mình giữa bóng chiều sa, 
Tha hương ngay trước cổng nhà mẹ cha... 

Bầu trời này như của riêng ta! 
Nỗi buồn vô cớ luôn rất lạ... 


23. 

Em ơi! Hà Nội - phố! 
Ta còn em cánh nhạn chao nghiêng, 
Chiều cuối. 
Những giọt sương nhoà bóng điện, 
Mặt nước Hồ Gươm bỗng nhiên trở lạnh, 
Thap Rùa ngả bóng, 
Lung linh... 
Người ra đi mang theo buốt giá, 
Áo choàng không ấm thân gầy 
Cầm bằng theo cánh chim bay... 

Người đi tìm khoảng cách để quên, 
Nào biết phương xa, 
Mài mòn đôi mắt nhớ? 


24. 

Em ơi! Hà Nội - phố 
Ta còn em mùi hoàng lan. 
Ta còn em mùi hoa sữa, 
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya. 
Cọt kẹt bước chân quen, 
Thang gác thời gian 
Mòn thân gỗ, 

Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ...!
Hà Nội, tháng Chạp 1972 

Bài thơ này được sáng tác từ năm 1972 nhưng trong một thời gian dài không được in trong bất kỳ tập thơ nào. Mặc dù vậy, bài thơ được biết đến nhiều qua ca khúc Em ơi, Hà Nội phố do nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, và lên sóng phát thanh vào năm 1987 qua giọng ca Lệ Thu. Do không được in trong các tuyển tập nên bài thơ có nhiều dị bản được lưu truyền. Năm 2008, nguyên tác bài thơ mới in trong tập Phan Vũ - thơ (NXB Văn học). Bản chép ở đây đã được tác giả xác nhận là bản sửa đổi cuối cùng.
































Họa sĩ Phan Vũ: 'Tôi vẫn chờ thế hệ vàng của hội họa'



Phan Vũ cho hay, nhiều năm nay ông lui về ở ẩn vì ngán ngẩm cảnh "bát nháo" của đời sống mỹ thuật trong nước. 



- Những năm 1990, khi đang là đạo diễn có tiếng với hàng loạt vở kịch và phim điện ảnh, vì sao ông dừng lại và chuyên tâm cho hội họa?

- Thực ra, tôi thích vẽ tranh và mày mò tự học từ lâu. Tôi cùng thế hệ với các anh Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên... Khi các anh ấy còn sống, tôi không dám vẽ vì thấy xấu hổ với tiền bối. Sau khi họ ra đi, tôi mới cầm cọ. Đó cũng là lúc tôi hết cảm hứng với điện ảnh. Quan điểm về nghệ thuật của tôi và của đơn vị phát hành không gặp nhau. Tôi dừng hẳn làm phim, dựng kịch để chuyên tâm cho hội họa, sống một đời sống lặng lẽ.

- Ông học vẽ tranh như thế nào?

- Tôi là người không tốt nghiệp bất kỳ trường lớp nào liên quan đến nghệ thuật. Mọi kiến thức đều tự học từ giáo trình nước ngoài. Mỗi khi có dịp xuất ngoại, tôi sưu tầm nhiều sách rồi đem về nhà đọc dần. Với hội họa, tôi theo đuổi trường phái trừu tượng. Trong các tác phẩm, tôi chú ý đến sự đối lập của các mảng màu hơn là hình khối. Tôi cũng ưa thích tự họa chân dung mình. Số tranh tự họa không hề nhỏ trong gia sản của tôi. Tôi rất yêu bản thân nên đó là cách để tôi ngắm mình mỗi ngày.


Họa sĩ Phan Vũ.


- Những bức tranh của ông được người mua đánh giá ra sao?

- Tôi không bao giờ định giá tranh của mình, giá do người xem tự trả. Khách mua tranh của tôi phần lớn là người nước ngoài. Họ trả thấp nhất là 1.000 USD cho một bức tranh, cao nhất có khi lên tới 10.000 USD. Đa phần các bức được mua với giá 4.000 - 5.000 USD. Hai năm trở lại đây, tôi ít bán tranh. Phần vì tôi chuyển về ngoại thành sinh sống, khách mua tranh cũng ít lai vãng tới phòng trưng bày của tôi trong nội thành.

- Thu nhập từ tiền bán tranh quan trọng thế nào với cuộc sống của ông?

- Tôi vẽ tranh không phải để bán. Ai thích thì mua và tự trả giá. Tiền bán tranh tôi cho vợ tôi hết. Cách đây gần 10 năm, có lần qua Pháp, tranh của tôi bán được 6.000 euro. Tôi dùng phần lớn số tiền mở tiệc chiêu đãi anh em nghệ sĩ là bạn bè mình bên đó. Khi về nước, tôi chỉ mua tặng vợ được hai chiếc áo dài.

Ngày thường, tôi sinh hoạt, ăn uống đơn giản. Tôi thức dậy từ 3h sáng để vẽ. Buổi trưa, tôi lang thang tụ tập với bạn hữu, ăn uống qua loa. Chiều tối, vợ tôi mua đồ ăn về nhà cho cả hai.

Điều tôi chú trọng nhất là luyện tập sức khỏe. Khi 70 tuổi, tôi tập tạ ngang với các bạn trẻ. Giờ đã ngoài 90 tuổi, tôi chỉ còn sức để mỗi ngày đi bộ vài cây số.

- Vì sao ông ít xuất hiện trong các sự kiện mỹ thuật dù ảnh hưởng của ông đối với lĩnh vực này không nhỏ?

- Tôi là người sáng lập và là thành viên của nhiều hội như Hội Văn học, Hội Âm nhạc, Hội Mỹ thuật... nhưng không mấy khi tôi tham gia sinh hoạt. Tôi có quan điểm nghệ thuật riêng, có thể không phù hợp với số đông nên không thể đứng chung với họ. Đời sống mỹ thuật hiện tại quá bát nháo, nhiều trường phái, nhiều phong cách nhưng tôi không tìm thấy cho riêng mình những tác phẩm ngang tầm những bức của "thế hệ vàng" ngày trước như của Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái...

Tôi vẽ tranh là để thỏa mãn chính mình. Tôi thích sống trong sự chiêm nghiệm nỗi cô đơn hơn là lẫn mình vào đám đông. Làm nghệ thuật mà hùa theo đám đông thì anh là thợ vẽ chứ không phải nghệ sĩ.


Ở tuổi ngoài 90, Phan Vũ vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông chú ý tập thể dục để giữ cho cơ thể săn chắc.


- Ông nghĩ sao nếu cho rằng, quan điểm "thế hệ vàng" trong hội họa của ông thể hiện sự hoài niệm quá khứ?

- Tôi không hề hoài niệm quá khứ. Tuổi tôi ngoài 90 nhưng tôi chơi với rất nhiều bạn trẻ chỉ 20 - 30 tuổi. Điều gì hay, sáng tạo ở họ tôi vẫn thừa nhận và thẳng thắn khen họ trước đám đông. Nhưng để có được một thế hệ vàng trong hội họa phải do bối cảnh xã hội tạo nên. Thời Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên... bối cảnh xã hội có sự giao thoa giữa mỹ thuật phương Tây và truyền thống mỹ thuật phương Đông. Các trường phái, quan điểm nghệ thuật được định hình rõ ràng, nên mỗi nghệ sĩ đều xác định được phong cách riêng trong tác phẩm của mình. Ngày nay, tôi thấy ranh giới giữa các quan điểm, trường phái đều mập mờ. Một số nghệ sĩ kiên định với phong cách của mình hay tỏ ra lập dị. Với tôi, hội họa đơn giản chỉ để chơi cho thỏa.

- Quan niệm của ông ra sao với thơ văn?

- Thơ của tôi cũng như tranh vậy. Đôi khi tôi lẫn lộn giữa hội họa và thơ ca. Trong một số bức chân dung tự họa, tôi vẽ kèm cả câu thơ tự miêu tả mình. Tôi làm thơ theo cảm xúc, không tuân theo quy luật gieo vần nào cả. Tôi là người kín tiếng, không ham phát ngôn nên mọi suy tư sâu kín, tôi gửi cả vào thơ.

Thơ tôi khó phổ nhạc. Ngoài Em ơi Hà Nội phố, tôi có bài Tình ca cho em được nhạc sĩ Nguyễn Nam phổ nhạc. Không hiểu do sơ suất hay do lỗi của nhà in mà lâu nay bài hát này chỉ được nhắc tới tên nhạc sĩ.


Phan Vũ (trái) và người vợ hiện tại, nhà báo Diễm Chi. 


- Trong tình yêu, ông là người thế nào?

- Tôi thương phụ nữ. Với tôi, thương sẽ gắn bó được với nhau lâu hơn là yêu. Trong đời tôi trải qua nhiều chuyện tình nhưng người vợ đầu, diễn viên Phi Nga, là người có ảnh hưởng đến tôi nhiều hơn cả. Cô ấy đối với tôi như một con chiên với chúa, thành thử tôi rất sợ làm tổn thương vợ mình. Phi Nga bị tim bẩm sinh, sau khi sinh cho tôi hai con, bệnh của cô ấy tái phát. Tôi dành gần 30 năm chăm sóc vợ đến mức nhiều khi các con ghen tỵ với tình cảm tôi dành cho mẹ chúng.

Người vợ sau này là bạn của con gái tôi. Dù cô ấy luôn nói "không thể buộc nổi Vũ", tôi luôn tôn trọng cô ấy. Chúng tôi sống với nhau bình lặng, cuộc sống do một tay vợ tôi sắp xếp. Hồi mới lấy nhau, tôi coi cô ấy là trẻ con nhưng bây giờ thì ngược lại. Cô ấy coi tôi như một đứa trẻ vì sự đãng trí của tôi. Mọi việc hàng ngày, từ việc đồ đạc để ở đâu, khi nào đến giờ ăn, hôm nay làm gì... cô ấy đều phải nhắc tôi. 


Phan Vũ sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Ông là nhà thơ, nhà văn, tác giả kịch bản, đạo diễn sân khấu và đạo diễn điện ảnh.

Ngoài tác phẩm Em ơi Hà Nội phố được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc, Phan Vũ còn là tác giả phần lời bài hát: Tình ca cho em của nhạc sĩ Nguyễn Nam.

Phan Vũ có một số tác phẩm gây tiếng vang như phim: Người không mang họ, Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại, kịch: Lửa cháy lên rồi (giải thưởng Văn học năm 1955), Thanh gươm và Bà mẹ, Dòng sông âm vang, Ngọn lửa thành đồng.

Đầu thập kỷ 1990, Phan Vũ chuyển qua vẽ tranh, ông đã có một số triển lãm chung và riêng tại TP HCM. Hiện, họa sĩ sống cùng vợ tại quận 9, TP HCM.


Châu Mỹ thực hiện




































































































Trở về 




Chân Dung Văn Nghệ Sĩ 
Danh Sách Tác Giả 

Emprunt Empreinte 





MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả. 
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.