Thứ Hai, 9 tháng 4, 2012

Nguyễn Vĩnh Nguyên






















Nguyễn Vĩnh Nguyên
(1979 - ......) Khánh Hòa

Nhà văn, Nhà báo
















Chỉ là hai bàn tay!
Không được biên tập!









'Nếu tồn tại một môi trường văn hóa, nơi những lưỡi hái sắc bén lại được trao vào tay những người thiếu thiện chí với sáng tạo, tệ hại hơn, thiếu các trang bị cơ bản, tầm nhìn chuyên môn; nơi mà những điều luật, quyết định cấm kỵ được tha hồ ban ra từ các thế lực cơ bắp, những "sát thủ" giấu mặt ...
 Mà tất cả những điều đó, hài hước thay, lại được coi là hợp pháp, thì chắc rằng, ở đó đời sống sáng tác chỉ là một khái niệm viễn tưởng'

(NVN trả lời phỏng vấn VNT số 48)












Nguyễn Vĩnh Nguyên sinh năm 1979 tại Khánh Hòa, lớn lên tại Ninh Thuận; tốt nghiệp Sư phạm Ngữ văn Đại học Đà Lạt khóa 1997 - 2001.
Hiện sống bằng nghề viết báo tại Sài Gòn.










Tác phẩm mới nhất








Đà Lạt, một thời hương xa
2016








Đọc sách của Nguyễn Vĩnh Nguyên: Để được trò chuyện với Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương…
Thứ Ba, 27/09/2016 


(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn Đà Lạt, một thời hương xa (Du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 - 1975) của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên vừa phát hành là một góc nhìn vừa phổ quát vừa khá riêng biệt về Đà Lạt. Đây cũng là một trong số ít sách nghiên cứu về Đà Lạt, dù thành phố này đã quá nổi tiếng và quá thân thuộc. Vì sao Nguyễn Vĩnh Nguyên dành nhiều công phu cho Đà Lạt là câu hỏi mà bất kỳ độc giả nào cũng muốn nghe câu trả lời.

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên: 

Đọc sách này, độc giả dường như được trò chuyện với Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Bạt Tụy, Phạm Công Thiện, Lê Uyên Phương, Hoàng Nguyên, Đinh Cường, Linda Lê…

* Ngoài cái duyên gắn bó, ngoài thưa vắng sách vở nghiên cứu trước đây, anh "nợ" Đà Lạt những điều gì mà phải viết sách này?

- Tôi chẳng nghiêm trọng lắm trong chuyện viết, nên tự thấy không nợ gì cả. Tôi thuộc thế hệ hậu chiến có may mắn gắn bó với Đà Lạt, dù ngắn ngủi. Thời sinh viên ở Đại học Đà Lạt, tôi được ngồi học ở trong những giảng đường xây dựng từ cuối thập niên 1950, nơi từng là không gian văn hóa - giáo dục khai phóng, sáng tạo, tự trị học thuật trong quá khứ - Viện Đại học Đà Lạt. 

Nơi đó, những nhân vật lớn của văn hóa miền Nam như Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Khắc Dương, Đỗ Long Vân, Nguyễn Văn Trung hay Trần Thái Đỉnh… từng ghé qua, truyền trao tri thức, niềm đam mê học thuật cho một thế hệ vàng của miền Nam có nhiều đóng góp văn hóa về sau (cả cho đến ngày nay) như Trần Trọng Thức, Huỳnh Phan Anh, Diệu Hương, Nguyễn Thuyên, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Thùy Nhân... Tôi nhiều lần nhìn những vết tích của các giảng đường cũ và tự hỏi, làm sao tái hiện, nối kết hiện tại bạc màu này với một quá khứ vàng son đã chìm khuất bởi bụi thời gian và những định kiến?...

Tôi cũng từng có những ngày thất nghiệp đói meo ngồi ở cà phê Tùng nhìn mưa thuở Đà Lạt còn tương đối yên bình và tự hỏi, những Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Trịnh Công Sơn hay Đinh Cường… cũng có tuổi 20 băn khoăn ở đây, họ ngồi chính chỗ ngồi này nhưng “cảm thức nhìn mưa” trong bối cảnh văn hóa của tuổi trẻ những năm đầu thập niên 1960 từ điểm nhìn này chắc sẽ khác? Khác ra sao?... Và tôi làm một cuộc viễn du vào vùng trí quyển văn hóa đô thị của thời hoàng kim để tìm kiếm những câu trả lời, trước hết là cho mình.

* Qua cuốn sách, Đà Lạt ngày trước và sau này (cột mốc 1975 chẳng hạn) có những gì khác biệt, được mất?

- Cuốn sách không giải quyết vấn đề so sánh trực tiếp thực tế đô thị Đà Lạt trước và sau 1975 mà chỉ đi vào những hiện tượng văn hóa, nhân vật, sự kiện với tôi là tiêu biểu (giai đoạn 1954 - 1975) thông qua thao tác kết nối tư liệu, ghi chép và phân tích. Cái khác biệt về căn bản, có lẽ mỗi người đọc sẽ tự nhận ra sau khi đọc sách. Tôi muốn cuốn sách là một hành trình mang tính gợi mở và để dành câu trả lời thấu đáo nhất cho độc giả của mình.

* Vì sao Đà Lạt hay như thế mà lâu nay thưa vắng sách vở? Có cái gì cấm kị, e ngại...?

- Về biên khảo, nghiên cứu đô thị học, Đà Lạt không nằm ngoài các vấn đề phức tạp chung của đô thị miền Nam trước 1975. Nhưng tôi nghĩ một phần khác nằm ở chỗ vai trò địa chính trị và văn hóa Đà Lạt từ sau 1975 không còn ở “đỉnh cao” (từ dùng của Eric T. Jennings - nhà nghiên cứu Canada trong cuốn Đỉnh cao đế quốc) như thời thực dân, thời hoàng triều cương thổ và Việt Nam cộng hòa, nên ít người chịu quan tâm đến.

Người ta thích cảm giác ngắm nhìn, thụ hưởng khung cảnh đô thị đó bằng thị giác hơn là để những giá trị thâm trầm của nó xâm chiếm tâm trí của mình, biến mình thành một kẻ bị lưu đày trong nó. Thứ mỹ cảm bề mặt cho thành phố này nhiều du khách và cư dân mới nhưng cũng đồng thời đem đến những thỏa mãn chung chung, dễ đạt được.

* Viết xong cuốn sách, tâm hồn/linh hồn Đà Lạt theo anh là gì?

- Tôi không coi cuốn sách là một tổng kết. Cuộc tri hành, đi vào tâm hồn đô thị Đà Lạt hãy còn dài ngày. Tôi chưa thể cho phép mình khái quát gì vào lúc này.

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa










Bài viết mới







Về một loại chó săn trong phê bình văn nghệ

Nguyễn Vĩnh Nguyên



Chuyện tập truyện ngắn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông của tôi (Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phương Nam book & NXB Hội nhà văn, 2011) bất ngờ bị Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM ra công văn thu hồi trên địa bàn Sài Gòn cách đây gần 3 năm là một chuyện cũ, rất cũ. Ngay cả lúc khi sự việc đang xảy ra và gây sự quan tâm của báo chí dư luận, thì tôi vẫn khước từ bày tỏ thái độ liên quan đến chuyện luận về nội dung, chất lượng hay “giá trị nghệ thuật” của nó. Tôi vẫn nghĩ, công việc của tác giả đã xong rồi; nên dành quyền phán xét cho người đọc và giới chuyên môn.

Từ bấy đến nay, tôi thực tình không muốn nhắc lại chuyện cũ vì tin rằng, nơi xuất bản, giới chuyên môn, báo chí công tâm đã bàn luận khá kỹ về nó; chuyện nó có mắc cái tội mà cơ quan công quyền kia nêu ra hay không, thực ra là đã quá rõ. Chuyện cơ quan công quyền kia đúng hay sai về chuyên môn trong một lệnh cấm cục bộ, thực ra, những ai quan tâm đến đời sống văn nghệ lành mạnh hẳn không quá khó để nhận biết.

Chuyện cũ hôm qua, tưởng đã được qua. Từ bấy đến nay, tôi cũng đã ra hai đầu sách mới, đó là: Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và các thứ khác (do Alphabooks & NXB Lao động Xã hội, 2012) và Những đồ vật trò chuyện cùng chúng ta (NXB Trẻ, 2014). Tôi vẫn đang tiếp tục theo đuổi sự độc lập trong sáng tác.

Nhưng thật ngạc nhiên, qua vài người bạn viết, nay tôi nhận được bài báo của tác giả Đỗ Ngọc Yên, đăng trên tờ Nhân dân cuối tuần:http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/van-nghe/item/23844502-nhieu-loan-sach-van-chuong-tai-ban.html, trong sự xúc động được vinh dự làm đối tượng theo dõi lâu năm của tác giả một bài báo, tôi nhận thấy cần trả lời cho thật minh bạch một vài điều mình biết chắc, vì chuyện không chỉ liên quan đến cá nhân tôi, mà liên đới với nhiều phía, nhiều người khác; cũng tiện thể, bày tỏ thái độ cá nhân với một kiểu làm nghề chữ nghĩa mà theo tôi, là không đứng đắn và văn minh.

Thứ nhất, đây là một bài báo ẩu, khó chấp nhận được. Sự lười biếng, cẩu thả trong thông tin được thể hiện ngay ở việc ông Đỗ Ngọc Yên nhắc đến tên cuốn sách ba lần trong bài viết, thì đến hai lần là không chính xác. Xin nhắc lại để ông Yên rõ, tiện cho việc đính chính, tựa sách chính xác là Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông chứ không phải “Trên lưng chừng nhìn xuống đám đông” như ông đã viết. (Ở đây, cũng cho thấy luôn sự yếu kém, thiếu nghiêm túc trong nghề của Ban biên tập tờ Nhân dân Cuối tuần!)

Thứ hai, theo như những gì tác giả bài báo “Nhiễu loạn sách văn chương tái bản” đề cập, thì cuốn “Trên lưng chừng nhìn xuống đám đông” đã nằm trong diện “nối bản, tái bản, in lậu, đổi tên sách, rồi tiếp tục cho in lại”. Đây lại là một thông tin không chính xác. Vì: nơi nắm tác quyền, đầu tư xuất bản cuốn sách Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông là công ty Phương Nam book chưa từng tái bản cuốn sách này lần nào kể từ sau khi có công văn thu hồi sách trên địa bàn Sài Gòn của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Còn việc cuốn sách có bị “nối bản”, “in lậu”, “đổi tên sách”, “rồi tiếp tục cho in lại” thì cho đến nay cơ quan quản lý thị trường, tòa án ở Việt Nam chưa từng nêu được chứng cứ hay kết luận nào có liên quan nên không thể nói mò, nói bừa. Thiết nghĩ, ông Đỗ Ngọc Yên cần làm rõ luận điểm của mình để tránh sự áp đặt, vu khống, gây bất lợi về mặt pháp lý, có thể phương hại đến hoạt động kinh doanh của công ty đầu tư và nhà xuất bản đã đứng tên cấp phép cho cuốn sách nêu trên.

Thứ ba, sau khi gom rất nhiều cuốn sách (mà có lẽ nhiều trong số đó, ông chỉ mới đọc qua loa… cái bìa!) vào diện “kém giá trị, thậm chí bị dư luận xã hội cho là có vấn đề, song chúng vẫn được in đi, in lại nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau như: nối bản, tái bản, in lậu, đổi tên sách, rồi tiếp tục cho in lại”, thì cây bút phê bình văn nghệ trên tờ Nhân dân Cuối tuần đã không giấu được cái giọng điệu mông muội quy chụp: “Những dạng sách nêu trên không những không bồi đắp cho tâm hồn và trí tuệ của công chúng, mà tệ hơn, chúng còn hướng người đọc đến những chuyện bậy bạ, tầm thường, cố tình khoét sâu, tô đậm những mặt tiêu cực, những góc khuất, mảng tối trong đời sống xã hội và đời sống cá nhân con người. Điều ấy, dù vô tình hay cố ý cũng đã góp phần làm băng hoại đạo đức cá nhân và xã hội, xói mòn lòng tin của công chúng vào bản chất tốt đẹp của con người.


(…)


Nói vậy để thấy, không nghi ngờ gì nữa, trách nhiệm trước hết ở đây là phía tác giả-những cây bút lợi dụng tinh thần dân chủ và cởi mở trong quá trình hội nhập của nước ta từ khi mở cửa nền kinh tế (1986), để du nhập những thứ cặn bã của văn hóa nước ngoài qua mạng internet và các trang mạng xã hội. Cùng đó là các nhà xuất bản, công ty sách tư nhân hay những đầu nậu sách luôn tìm mọi cách lợi dụng các khe hở trong công tác quản lý để chạy theo lợi nhuận kinh tế. Nhiều cuốn sách đã bị cơ quan chức năng thổi còi, thậm chí thu hồi, cấm phát hành vẫn được in đi, in lại nhiều lần dưới các hình thức khác nhau”

Những điều trên liên quan tới quan điểm về văn nghệ, tôi chỉ dẫn lại như một cách nhấn mạnh để mỗi người đọc văn minh có thể tự luận xét, miễn bàn thêm ở đây, tốn chữ.

Thứ tư, có một ý trong bài viết mà cá nhân tôi rất quan tâm, với tinh thần thượng tôn pháp luật của một công dân được tác giả Đỗ Ngọc Yên “khai sáng” cho: “Có thể khẳng định chắc chắn rằng, không một đơn vị, cá nhân làm sách nào lại không vui vẻ nộp dăm ba triệu đồng tiền phạt hành chính, bởi khoản tiền nộp phạt như vậy chẳng thấm tháp vào đâu so với lợi nhuận mà hàng ngàn cuốn sách ấy mang lại. Theo pháp luật hiện hành, những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật về lĩnh vực xuất bản nhiều lần như vậy phải bị khởi tố, nhưng đáng tiếc là cho đến nay chưa hề có một vụ án dân sự nào về lĩnh vực này”.

Người viết ra được những dòng trên, hẳn cũng biết những cái sai trong bài báo (từ tên tác phẩm, chi tiết thiếu thẩm định chính xác trong thông tin liên quan đến việc việc tái bản, nối bản sách) đều là những thứ, mà chiểu theo luật báo chí, tờ báo và tác giả cần phải có trách nhiệm tương thuộc, đính chính rõ ràng để tránh sự ngộ nhận cho độc giả.

Khởi tố “những trường hợp cố tình vi phạm pháp luật” là một ý tưởng hay, nhưng nếu không tự chứng minh cụ thể được điều đó, thì trước hết, theo tôi, nên áp dụng khởi tố đối với những kẻ lạm quyền, sử dụng ngòi bút, danh nghĩa phê bình, phương tiện báo chí để đi chụp mũ, vu khống người khác một cách hùng hổ công khai.

Cuối cùng, đây mới là phần chính bày tỏ thái độ của tôi, nói một lần cho xong chuyện. Theo Wikipedia thì có ba loại chó săn cơ bổn:

1/ Chó săn đuổi hay còn gọi là chó săn rượt là những con chó săn mà chủ yếu săn bắt bằng tốc độ và tầm nhìn thay vì bởi đánh hơi và kiên nhẫn theo dấu như những con chó săn đánh hơi. Thông thường những con chó săn này thường đi theo bầy và hay phối hợp tấn công con mồi.

2/ Chó đánh hơi là loại chó săn mà chủ yếu săn bằng mùi hương chứ không phải là tầm nhìn, chúng không chạy nhanh. Các giống chó này thường được coi là có mũi nhạy cảm nhất trong số các loài họ chó. Hầu hết chúng có ngoại hình dài, tai rủ giúp thu thập mùi hương từ không khí, đặc biệt là chúng có lỗ mũi lớn và ẩm ướt để xử lý mùi hương tốt hơn.

3/ Chó săn chim hay chó định vị là loại chó hỗ trợ trong việc tìm kiếm của thợ săn trong một trò săn bắn và thường là các loài chim, chúng dùng để làm chó tha mồi và chó chỉ điểm tìm ra vị trí con mồi khi bị thợ săn bắn hạ.

Đọc bài viết của ông Đỗ Ngọc Yên, tôi đã nghĩ, Wikipedia nên sớm cập nhật thêm một loại chó săn mới. Loại này vừa chỉ điểm, vừa ăn sẵn, vừa nhớ mùi lâu, vừa hung hăng, vừa theo bầy, và dĩ nhiên, là vừa trung thành, vừa hăng hái đến kệch cỡm – chó săn trong phê bình văn nghệ.

Những người lạc quan chủ nghĩa nói với nhau rằng, loài này chó săn này đã tuyệt chủng trên thế giới. Và có thể cũng sắp tuyệt chủng ở Việt Nam. Kinh nghiệm của tôi là sống ba năm thì mới may mắn gặp được một hai con.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Sài Gòn, 25.7.2014






















Những Đồ Vật Trò Chuyện Cùng Chúng Ta
Tạp văn
nxb Trẻ 2014













Tác phẩm đã xuất bản











1













2
Phù Du Của Núi
(Tập truyện ngắn)










3
Năm Mười Mười Lăm Hai Mươi 
Tập truyện ngắn  (nxb Hội Nhà Văn  2005)










4
Giỡn Với Số 
Tạp văn  (nxb Trẻ  2006)










5
Khu Vườn Lưu Lạc
Tập truyện ngắn  (nxb Văn Nghệ  2007)











6
Động Vật Trong Thành Phố 
Tập truyện ngắn (nxb Hội Nhà Văn  2008)











7
Đi Tìm Hoang Dã

Sách thiếu nhi  (nxb Hội Nhà Văn  2010)










8
Ở Lưng Chừng Nhìn Xuống Đám Đông
Tập truyện ngắn (nxb Hội Nhà Văn  2011)
'Sách bị yêu cầu tịch thu vì cho là dâm ô'










Nguyễn Vĩnh Nguyên: 

Câu chuyện của “búa rìu” nằm ngoài tinh thần của cái mới

Nguyễn Thị Thu Huệ:

“Sự việc ảnh hưởng đến cả không khí chung của văn học Việt Nam”

Sự việc này, tôi nghĩ, ảnh hưởng đến tác giả thì ít mà ảnh hưởng đến không khí chung của nền văn học Việt Nam thì nhiều, đặc biệt là tâm lý của nhà văn thế hệ 1975. Một thế hệ nhà văn trẻ đang tìm tòi, phá cách để có những tác phẩm mang dấu ấn cá nhân sẽ thế nào đây khi phải vừa “viết” vừa lo “lách” để có tấm vé thông hành cho tác phẩm, mà cửa cấp phép thì đâu chỉ có mỗi cục Xuất bản như tất cả nhà văn Việt Nam lâu nay vẫn tưởng?


Nguyễn Thị Thu Huệ (VNT) phỏng vấn:

 nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên




“Chỉ tuân thủ một thứ “cơ chế” duy nhất – đó là sự tự do khi viết”









Cây bút Nguyễn Vĩnh Nguyên.- Tuần qua, trên Tuần báo Văn nghệ (Hội nhà văn Việt Nam) đã đăng tải khá chi tiết cuộc họp thẩm định tác phẩm Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông do NXB HNV tổ chức, trong đó có sự tham gia của những vị lãnh đạo là đại diện của Hội nhà văn, của Cục xuất bản và nhiều nhà văn nhà nghiên cứu, phê bình văn học có uy tín. Trong bài tường thuật này, nhà phê bình Nguyễn Chí Hoan đã viết “Sẽ thật đơn giản nếu đó chỉ là hậu quả từ một nhìn nhận vội vàng võ đoán nào đấy: thì giản đơn là phải quán triệt một tinh thần Đổi mới thậm chí đã được chế định hóa đối với văn học nghệ thuật nước ta trong thời kỳ mới, khiến đã không còn chỗ cho căn bệnh quy kết võ đoán một thời”. Là tác giả cuốn sách đang “gây sóng gió”, anh có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về điều này?


Sự thật, lâu nay tôi ít quan tâm đến những vấn đề thuộc về cơ chế văn nghệ. Tôi chỉ tuân thủ một thứ “cơ chế” duy nhất thuộc về nội tại – đó là sự tự do khi viết. Từ lâu, tôi cũng thoát ra khỏi “lực hấp dẫn” của những nhóm, tổ chức, tập thể, cộng đồng viết để dành thì giờ cho các việc khác rất riêng tư như: đọc sách, chăm sóc gia đình bên cạnh kiếm sống bằng nghề báo... Có người cho rằng đó là ích kỷ. Bởi theo họ, giá trị sáng tạo cá nhân sẽ được thúc đẩy bởi một điều kiện cộng đồng, môi trường sáng tạo tự do đúng nghĩa, và các tác giả cần đấu tranh cho một môi trường sáng tạo lành mạnh, để không trở thành nạn nhân của chính mình. Đúng vậy. Nhưng rất chủ quan, tôi nghĩ rằng, có một cách thế khác vừa sức với bản thân, đó là bằng tác phẩm, cố gắng mở rộng biên độ của tự do sáng tạo, đó cũng là một cách thế thiết thực để cải thiện dần trước là trường sáng tạo cá nhân, sau là góp vào trường sáng tạo chung.

Về phía nhà quản lý, nếu họ có những phán quyết theo cách đặt ra những trò cược nhân danh quyền lực, áp đặt cách hiểu chủ quan và can thiệp vào đời sống tự do của tác phẩm, thì, như chị thấy, trò cược chủ quan đó sẽ phải đương đầu với dư luận độc giả và giới chuyên môn. Vì trong thời đại truyền thông của chúng ta, mọi thứ từ tốt đẹp đến ngớ ngẩn nhất đều có thể được phơi bày trong phút chốc.

Còn trong tư cách một tác giả, “kẻ đã chết từ khi sự viết bắt đầu” (theo cách nói của Roland Barthes), thì, hãy hiểu rằng, lúc những cuộc va chạm hay “sóng gió” đó xảy ra với tác phẩm, anh ta đã ở “một nơi rất khác”.


- Việc một lệnh cấm đã ban ra mà trước đó không hề có một sự giám định nghệ thuật công khai nào đối với tác phẩm, theo anh có phải là một sự lạm quyền và thiếu tôn trọng với người cầm bút?
Có lẽ chị đã có câu trả lời hiển nhiên.


- Nhân sự việc vừa xảy ra với mình, anh đã đề xuất cần thiết lập một Hội đồng thẩm định uy tín để tránh những cái “chết oan ức” cho tác phẩm. Nhưng điều này chưa được “luật hoá”, vì thế việc thực hiện được nó hình như vẫn khá xa vời?
Cần thoát ra khỏi sự kiện này để thử hình dung. Nếu tồn tại một môi trường văn hóa, nơi những lưỡi hái sắc bén lại được trao vào tay những người thiếu thiện chí với sáng tạo, tệ hại hơn, thiếu các trang bị căn bản, tầm nhìn chuyên môn; nơi mà những điều luật, quyết định cấm kỵ được tha hồ ban ra từ các thế lực cơ bắp, những “sát thủ” giấu mặt… – mà tất cả những điều đó, hài hước thay, lại được coi là hợp pháp, thì chắc rằng, ở đó đời sống sáng tác chỉ là một khái niệm viễn tưởng. Đời sống văn học Việt Nam hiện nay có những tổ chức nghề đang hoạt động theo tôn chỉ mục đích của nhà nước, nhưng lại thiếu những tổ chức có tiếng nói và trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người viết trước những sự cố , như các tổ chức hiệp hội bảo vệ quyền xuất bản và công bố tác phẩm, các công ty hỗ trợ pháp lý về tác quyền, bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm xuất bản…


- Còn bản thân người viết, theo anh, liệu có cách nào để họ tự bảo vệ mình, trước khi một (giả sử có một) Hội đồng nào đó lên tiếng bênh vực?
Tôi nghĩ, có lẽ cần một kháng thể tốt nhất để tự bảo vệ, tiếp tục viết những gì mình muốn, không bị những trò quy chụp, cấm kị phi lý kia chi phối.

“Cái mới luôn có mặt”

- Trong quá trình viết, điều gì là quan trọng nhất đối với anh?
Tìm kiếm cái mới.

- Cho dù cái mới ấy có thể phải chịu búa rìu?
Đó là câu chuyện của “búa rìu” và người sử dụng “búa rìu”, nó nằm ngoài tinh thần của cái mới và người kiếm tìm cái mới.

- Anh quan niệm thế nào là cái mới trong văn chương?
Một vấn đề quá rộng. Tôi chỉ xin phát triển một ý căn bản, đó là, cái mới thuộc về nhận thức, quan niệm và khát vọng thẩm mỹ của người viết trong tiến trình sáng tạo văn học. Việc nhà văn chối bỏ những phương pháp cũ, lối tư duy sẵn có để phiêu lưu thể nghiệm, mở rộng những biên độ trong sáng tạo có thể xem như một nhu cầu thẩm mỹ rất tự thân của cái tôi sáng tạo. Có thể thấy ở đó sự mong muốn khác biệt, làm cho đời sống văn chương thêm giàu có hay đơn giản là tìm cách thoát khỏi sự nhàm chán tự thân trong sáng tác. Chúng ta chứng kiến những cái mới tạo nên lịch sử văn học và cũng cay đắng nhận ra có không ít những “cái mới” thải rác vào lịch sử văn học. Nhưng tôi nghĩ, dù cho đó là những thứ phế bỏ - sản phẩm của những nỗ lực tìm kiếm bất thành - thì cũng đáng được trân trọng hơn việc người ta cứ chấp nhận đi theo những lối mòn nát dấu chân người, coi sáng tác là một quán tính, bị chi phối, khống chế bởi các quy phạm cũ kỹ, không có mưu cầu tạo ra một sự đổi thay nào.

Cái mới thường được nhiều người quan niệm là những gì thuộc về tự do trên địa hạt hình thức (dĩ nhiên, điều này rất cần thiết), nhưng theo tôi, nó còn là cuộc khám phá, khảo sát sâu xa và vô tận về những thực tại mới đang diễn ra, chuyển biến thường trực trong tâm thức con người. Tất cả được tự do khơi dòng, chảy tràn vào tác phẩm một cách tự nhiên. Ở đó, tác giả lật đổ chính sự độc tài truyền thống của mình, để đóng vai kẻ bày biện một trò chơi trên văn bản, đề xuất những cách tiếp cận “vấn đề” khác nhau, rồi mời gọi độc giả cùng dự phần, làm người vận hành, làm chủ trò chơi đó. Với một không gian “dân chủ”, từng người đọc có thể tự do “viết” - hoàn thiện tác phẩm - theo cách riêng của họ. Qua tác phẩm, phát triển tối đa những khả năng hồi đáp sáng tạo, theo tôi cũng là một lẽ sống của cái mới.

- Văn học Việt Nam hiện nay, anh có tìm thấy nhiều cái mới như vậy không?
Tôi có may mắn được đọc nhiều bản thảo chưa được xuất bản hoặc được xuất bản nhưng chưa được chú ý nhiều của những bạn viết, và nhận thấy rằng, cái mới luôn có mặt. Nó là một dòng chảy ngầm, rất mạnh mẽ bên dưới sự huyên náo phù phiếm hay cũ kỹ ao tù mà chúng ta vẫn thấy. Tôi trân trọng họ. Với tôi, đó mới là những tác giả đúng nghĩa làm nên chuyển động đích thực của đời sống văn học.

“Xuất bản càng tự do, đa dạng, nhiều sắc thái càng tốt”

- Những sự việc vừa xảy ra có ảnh hưởng nhiều đến việc sáng tác của anh sau này hay không?
Tôi không thể biết trước điều gì sẽ xảy ra với việc công bố những sáng tác mới trong môi trường xuất bản thời gian tới. Song, với việc viết, thì chắc chắn là sẽ không có ảnh hưởng gì. Thời gian này, tôi vẫn đủ lạnh lùng đứng bên ngoài sự việc để tập trung cho những trang viết mới.

- Văn chương giai đoạn này, có người đã đánh đồng nó với giới showbiz. Rằng một số tác giả hình như thích sách mình “có vấn đề”, có lệnh thu hồi… như thế sách sẽ bán chạy và tác giả thì nổi tiếng. Điều đó cũng khiến cho một số người tìm đến văn chương như là thứ kiếm danh lợi. Điều này đã xúc phạm đến những người cầm bút chân chính. Anh có buồn về những sự nhiễu loạn đang xâm nhập đời sống văn học hay không ? Theo anh, văn chương liệu có cần một “chống chỉ định” nào đó không?
Tôi nghĩ rằng, đời sống văn học, xuất bản càng tự do, đa dạng, nhiều sắc thái càng tốt. Mỗi người có một sự chọn lựa. Thực tình, cá nhân tôi không mấy quan tâm đến những thứ mà chị gọi là “nhiễu loạn xâm nhập”. Tôi tin những người viết có ý thức sẽ quan tâm đến cái họ viết; đủ bản lĩnh để không dễ gì bị những “nhiễu loạn” kia làm mảy may ảnh hưởng.

- Sự cố “ngoài sức tưởng tượng” vừa diễn ra, anh thấy mình được gì?
Tôi tập trung trồng được thêm vài cây xanh trong ngôi nhà của mình.





P.V.
Nguồn: Văn nghệ Trẻ số 48
.



Dịch giả Cao Việt Dũng: Sửng sốt!



Quyết định thu hồi tập truyện ngắn Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên gây sửng sốt vì nhiều lẽ.

Thứ nhất là mức độ quyết liệt, có thể nói là cứng rắn của nó. Điều này là hiếm thấy trong các vụ việc liên quan tới thu hồi ấn bản phẩm xưa nay. Cách làm ta thường chứng kiến là các quyết định xử lý sai phạm về quy trình xuất bản, chẳng hạn tên sách in ra khác với tên sách khi đăng ký, người ký duyệt bản thảo không đủ thẩm quyền, không nộp lưu chiểu hoặc nộp lưu chiểu muộn… mặc dù lý do chính yếu của động thái từ phía cơ quan quản lý có thể là khác. Ở lưng chừng nhìn xuống đám đông nhận quyết định thu hồi với những lý do rất cụ thể, đi thẳng vào nội dung sách: “Truyền bá lối sống dâm ô đồi truỵ, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam”.

Điều gây sửng sốt thứ hai là hành động cương quyết này (cương quyết đến nỗi nhấn mạnh rằng “việc khiếu nại [từ phía công ty liên kết xuất bản cuốn sách, tức Phương Nam] không làm đình chỉ quyết định xử phạt”) được đưa ra rất muộn: sở Thông tin và truyền thông đợi đến gần sáu tháng mới ra quyết định thu hồi một cuốn sách. Có cảm giác sự cương quyết của sở xuất phát một phần từ việc họ đã không hoàn thành trách nhiệm theo luật định. Hành động này cũng cho thấy cơ quan quản lý không mấy coi trọng thẩm quyền chuyên môn của nhà xuất bản Hội Nhà văn, nơi xuất bản và cấp phép xuất bản cho rất nhiều tác phẩm văn học.

Theo: SGTT














Truyện ngắn 





Vết Bướm Bay





Những Tháng Ngày Xa Xỉ




Chữ Bay











Lấp giếng
Nguyễn Vĩnh Nguyên


Giếng đất nằm mé bờ rào cuối vườn, cây cối mọc um tùm che kín miệng. Từ lâu, nó như một cái hang tối om, ẩn mật mọc xuyên lòng đất. Bao nhiêu rác rưởi nhà tôi vứt xuống đó, nhưng mãi không đầy.

Ngày trước, nó nằm cạnh nền nhà cũ. Tôi còn nhớ nó có một cái thành xây bằng xi măng, thô ráp, méo xẹo, lùm lùm. Nhưng hình ảnh đó thân quen với anh em chúng tôi từ khi còn ở truồng.


Cũng vào cái thuở còn ở truồng ấy, chị Hai tôi có lần ham chạy nhảy, bị té lọt xuống dưới đó. Cả xóm hoảng hồn. Ba tôi đang lợp nhà cho xóm trên, nghe tin con gái té giếng, nhảy từ mái nhà xuống, trẹo chân. Người ta giữ lại, không cho ông về, bảo con cái té giếng thì cha mẹ không được xuất hiện ngay, mà phải đợi cho đứa trẻ hoàn hồn. Nghe nói, dưới giếng nhiều khí âm, các hồn ma bóng quỷ chỉ chực sẵn có ai té xuống là vồ lấy linh hồn như chơi, nếu người lớn xuất hiện, chúng sẽ mang linh hồn đó mà bỏ chạy, chưa nói là, có khi chúng trả linh hồn đó vào một con người khác, thì rất nguy.


Giữa lúc cha tôi ôm cái chân đang bong gân đau quằn quại, vẻ mặt bơ phờ lo âu thì đám thanh niên trong xóm đã kịp thòng một sợi dây gàu vào cái sọt thép, thả xuống. Chị tôi sau khi lang thang bơi lội dưới đó bắt cóc nhái ễnh ương, liền leo vào an tọa trong lòng chiếc sọt thép để người ta kéo lên. Dân gian vẫn nguyền rủa kẻ tính khí ngẩn ngơ là té giếng. Nhưng chị tôi thì không thuộc số đó.





Minh họa: Văn Nguyễn



Thấy con gái không bị chút trầy xước nào, nghĩ có thánh thần dang tay phù hộ, ba tôi làm một con gà trống chưa đạp mái, đặt cùng bảy quả trứng so, hai nắm xôi, ba ly rượu, ba thẻ nhang với trầm nghi ngút, một cây đèn dầu hột vịt, một lọ hoa cúc nở chín cái, làm mâm cúng tạ ơn thổ công trong lòng giếng đã ra tay cứu giúp. Trai tráng trong xóm được hưởng một bữa rượu thịt say sưa.


Sự kiện đó còn sống động trong tâm trí chúng tôi. Mà không chỉ người trong nhà, cho đến khi chị Hai đi lấy chồng, có anh hàng xóm hậu đậu ngày xưa từng góp tay giữ tao dây buộc sọt kéo chị Hai lên từ lòng giếng đã say mèm đến độ đang hát bài nhạc Tôi đưa em sang sông thì rớt ngay trên sân khấu, quíu tay quíu chân, cấm khẩu, khiến quan khách hai họ một phen hoảng hốt. Bác sĩ trạm xá bảo tên này bị ngộ độc rượu ở mức nguy kịch. Anh rể tôi vốn tính ghen tuông, cưới xong khăn gói đưa vợ đi biệt xứ, sau khi chứng kiến cảnh một thằng hàng xóm vật vã thất tình vì vợ mình.


***


Sự ra đi của chị Hai khiến kẻ thất tình kia trở thành một bóng ma thực sự, đêm đêm cứ ôm chai rượu trắng, đạp rào đến bên thành giếng ngồi uống một mình rồi khóc ư ử. Người già trong làng nói, nó bị ma hành. Con ma không bắt kẻ té giếng mà bắt nhầm kẻ lụy tình. Con ma tình đã hành ai thì coi như cả cuộc đời con người đó sống trong đày ải, mê lú. Dù sao thì trời cũng tính rồi, cho con người ta một cái tật càng xốc nổi bốc đồng thì càng dễ quên, nên chỉ uống hết chừng lít rượu thì kẻ thất tình cũng lên đường theo đám thanh niên vào phố làm thợ hồ.


Với đám thanh niên quê tôi, vào phố là đi vào chốn mịt mùng, hư thực không phân biệt được nữa, đến người ngợm cũng không chắc vẹn toàn mà trở về. Nhưng chẳng còn con đường nào khác. Người ta phải đốt sức mình để sống nhanh hơn, vội hơn. Vào phố thì người ta được độc lập mà sống theo từng ngày, còn ở quê gắn với ruộng nương thì lún sâu với từng mùa, cứ được mất quẩn quanh.


Vậy là đi. Chỉ lấp loáng những mặt người trở về khoác lên chút hãnh diện hão huyền vào mỗi dịp tết. Như thể tinh khôn hơn, văn minh hơn. Nhưng sao giấu được chút tủi phận nằm sâu trong đáy mắt, cái khổ sở, trầy sẹo hằn chai trên những gò bàn tay.


Mỗi dịp tết, đám thanh niên tha phương cầu thực kéo nhau trở về nhưng cái kẻ thất tình năm nào vẫn biệt vô âm tín. Có lời đồn rằng, y làm bao nhiêu cúng cho bọn gái đứng đường bấy nhiêu, người gầy như cái xác ve, không chừng cũng đã mắc bệnh thế kỷ.

***

Kể dông dài như thế để thấy rằng, ngày xưa nền đất nhà tôi cạnh bờ giếng, nó mang trong mình quá nhiều những điển tích, nhân quả.

Rồi sau này, chị tôi theo chồng khấm khá, gửãi về chút đỉnh, ba mẹ tôi đi coi thầy, thầy phán, mọi biến cố xảy ra trong nhà tôi xưa nay vẫn được điều khiển bởi các vong trong lòng giếng. Nhưng đây là những vong lúc sống bèo bọt, chết đi cũng bọt bèo, chỉ phù hộ bình yên, không đủ sức giúp người trần phát đạt, giàu sang. Song, cứ phải giữ gìn họ sống chung với mình, một mặt, phải đổi hướng nhà để rước những vong lành đủ sức độ trì thịnh vượng về của cải.

Ba mẹ tôi đập ngôi nhà cũ, xây ngôi nhà mới khang trang sáng sủa, hướng ra mặt tiền đường liên thôn vừa trải nhựa. Bây giờ nhà nhà hướng mặt tiền lớn, chẳng còn ai chịu nấp bóng cây xanh, khiêm nhường thấp thoáng trong những khu vườn như xưa.

Làng tôi phơi bày những mặt tiền cao ráo nhưng lạnh lẽo. Hệ thống nước máy được dẫn về tận nhà xí, chỉ cần vặn vòi là có nước sạch đã qua hệ thống khử công nghệ cao, không còn lơ lớ vị đất mà thoang thoảng mùi khử hóa chất. Giếng không cần thiết nữa. Người ta chỉ giữ nó lại để làm nơi trú ngụ cho ma cỏ. Cũng chẳng phải vì người ta thích dính líu với quá khứ của khu vườn hay ngôi nhà, mà là rơi vào thế phải giữ lại để đỡ áy náy tâm hồn trong hành xử với người cõi khác.

Nền nhà cũ chỉ trơ lại đống đất đá hoang tàn, cỏ mọc rậm rì, vài nếp ván ngổn ngang. Lũ cây dại mọc phủ kín những lối đi xưa, rồi rủ nhau um tùm phủ xanh lên miệng giếng. Giếng trở thành một hốc tối đen ngòm như con mắt mù đục của khu vườn. Đôi mắt ấy đang nhìn vào sự hoang phế của chính nó và chẳng buồn trách móc sự ghẻ lạnh của con người.

Hoang phế. Nhưng nó không chịu sụp. Nhất định, cái hốc mắt mù ấy vẫn ẩn mật sau bụi cây xanh, dây leo chằng chịt, để nghe ngóng chuyện cõi người. Bao nhiêu rác rến được quét dọn từ ngôi nhà mới, mẹ tôi đổ xuống lòng giếng, biến nó thành một hố rác khổng lồ. Nhưng dù đổ đến bao nhiêu, nó cũng không hề đầy ngập.

Có lúc tôi nghĩ, hẳn nó là một cái động được khoan sâu vào lòng đất, không đáy, có thể chứa mọi điều trong thế gian. Cũng có thể, nó là một con quái vật có cái bụng khổng lồ, sẵn sàng nuốt vào bên trong đủ thứ đồ vật và rác rưởi trên đời để thanh lọc cái góc vườn bị con người thành kiến là đầy những vong linh thấp cổ bé họng.

***

Năm đó, trong làng có người bị bệnh thế kỷ, về nằm chờ chết.

Không ai khác, đó chính là kẻ ngày xưa đã từng thất tình chị Hai tôi. Gã trở về, tiều tụy, xanh đét, mắt lờ đờ thất thần như một bóng ma, đi đứng hẫng hiu, chừng như không bén đất.

Chờ chết, gã mắc võng nằm dưới gốc xoài mặc cho gió thổi đòng đưa, đòng đưa như cái lá vàng võ neo trên sợi mạng nhện mỏng manh chỉ chờ một đợt gió hiu hiu là bay đi, tự hủy trong không gian trước khi chạm đất. Gã không nói không rằng với ai một câu nào. Mỗi chiều, gã ôm chai rượu lần sang vườn nhà tôi, ngồi gục đầu trước cái hốc tối đen ngòm và xông mùi hôi hám rác rến, trầm ngâm và khổ hạnh như một triết gia nào đó bị cầm tù thời cổ đại.

Ba tôi đọc sách, học một triết gia nào đó, kết luận một câu gần như không ai còn thêm bớt hay tranh luận gì thêm, cũng là đóng đinh cho cuộc đời của gã trai thất tình: “Tính cách tạo nên số phận!”. Thế là xong. Cách mà ba nghĩ về cuộc đời người khác đã bị đóng đinh bởi một câu nói.

Còn mẹ tôi thì tin lời thầy bói, bảo rằng, những vong hồn trong lòng giếng trả thù vì ngày xưa gã đã giành con bé khỏi tay họ, bây giờ thân thể mới ra nông nỗi đó.

Thế rồi, chiếc lá vàng vướng trên mạng nhện kia cũng không trụ lại được bao lâu. Nó sẽ phải bay đi tìm một miền yên ổn nhất trong vũ trụ bao la này.

Đám tang gã, chị Hai tôi có về rồi đi trong ngày. Chị Hai khóc trù trù, trách cuộc đời sao không duyên không nợ mà đày đọa con người ta đến nước này, anh Khờ ơi là anh Khờ ơi! (Xin lỗi bạn đọc, vì đến lúc nhân vật chết thì tôi mới dám tiết lộ danh tánh của y. Có thể là với một con người phận tối như lòng giếng kia thì cái tên lúc sống nào có quan trọng gì. Đôi khi cả cuộc đời trôi qua dằng dặc nhưng con người chỉ được nhắc đến tên một lần trong gió thoảng, đó là lúc lâm chung).

Rồi chị Hai đi. Không kịp chứng kiến cái cảnh quan tài của kẻ lụy tình trôi nổi bập bềnh trên lòng huyệt ngày mưa gió tháng bảy.

Mười thằng con trai khỏe mạnh trong làng, trong đó có tôi, phải tát suốt buổi sáng nhưng mạch nước trong lòng huyệt ba thước đất cứ tuôn ra ào ạt, không thể nào giữ yên được quan tài. Mẹ tôi lầm bầm, cả đến lúc chết rồi, nó còn bị đám vong trong đất ghét bỏ.

Chúng tôi ngâm mình trong nước cùng cái quan tài nổi lều bều. Chúng tôi kêu la í ới cố nhận nó xuống sâu. Đứa tát nước đứa cưỡi đầu đứa cưỡi chân, đứa neo đá, vậy mà nó vẫn nổi trên mặt nước. Mấy người làng đi đưa tang đã mất kiên nhẫn, bỏ về cả. Có lẽ trong cuộc đời họ chưa có một cuộc chôn cất nào khó nhọc đến là vậy.

Bây giờ là tháng bảy âm. Mưa ngâu. Mẹ tôi đi xem bói. Thầy lại bảo, góc vườn có một trục âm khí xuyên lòng đất, tụ hội nhiều vong linh. Đặc biệt, ở đó mới có mặt một vong linh mới, loài vong này mang trong mình mối lụy trần duyên nên sẽ ở đó cho đến khi nào đất cũng đã về với đất. Là sao, mẹ tôi hỏi. Là khi con người mà nó đeo đuổi cũng đã tìm về với đất.

Mẹ tôi hốt hoảng nghĩ đến chị tôi. Bà khóc vì lo cho con gái. Trong điện thoại, chị tôi nói, vậy thì cũng còn lâu. Nhưng ngay cả kiếp sau, con cũng không chịu lấy anh Khờ đâu. Má đừng nói chuyện này cho chồng con hay. Ảnh lên cơn ghen, lại sinh sự. Bao nhiêu năm nay con quá khổ sở vì cái tính ghen tuông của ảnh rồi. Mỗi lần nghe ở đâu có người té giếng, là anh lại đem chuyện cũ dằn vặt con. Hu hu.

***

Từ dạo anh Khờ mất, lũ trai làng khác đến làng tôi tán gái về khuya, đứa nào cũng sợ té đái khi ngang ngõ giáp góc vườn nhà tôi. Chúng đồn thổi ở đó có một người đàn ông đêm nào cũng uống rượu suông dưới trăng và cười hách hách như thể bất cần đời. Có đêm mưa, chúng lại thấy cục lửa bay từ cái hố đen kia vút lên trời cao. Tôi có học, không tin ma cỏ, tôi giải thích đó là phốt pho bị đốt cháy thành ma trơi, bay lên thôi. Nhưng tôi cũng không tránh được cảm giác rợn người khi nghe đám nhóc tán gẫu về những hiện tượng lạ nơi góc vườn nhà mình.

Cái giếng vẫn sâu hút. Bao nhiêu rác rưởi vẫn cứ được đổ xuống. Cha tôi nói, đó là cuộc đất yếu trong vườn. Đợi chị Hai gửi tiền về, sẽ dựng lại thành giếng. Lúc này lời đồn ma quỷ nhiều quá, ba cũng lo lo. Ông dẹp hết những cuốn sách triết rồi bắt đầu nhang đèn hằng đêm như một thầy cúng chuyên nghiệp. Của lễ thì ai bày sao ông về làm theo vậy. Có khi thì xôi với rượu, có lúc lại nước lọc với mâm cơm canh, lúc lại vẩy nắm gạo cho đến cháy hết tuần nhang…

Và lần nào cũng vậy, ba mẹ tôi vái tứ phương như thể đã phạm phải một điều gì đó tồi tệ lắm với những vong hồn. Ba tôi nói chuyện một mình với cỏ cây và bóng tối dưới lòng giếng. Tất cả đều đáp lại ông bằng sự im lặng.

Tháng mười. Mưa dai dẳng. Lũ ếch nhái sinh sôi trong lòng giếng đêm hôm kêu râm ran một góc làng. Chúng kêu to đến nỗi người già, trẻ con đều không ngủ được. Càng đổ rác xuống bên dưới thì càng tạo ra môi trường thức ăn tốt cho chúng sinh trưởng và gào thét. Rồi từ đây, lũ ếch nhái lớn rất nhanh, chúng di cư qua những góc vườn khác, kêu rền vang khắp làng.

Chúng khiến cho nhiều người ở độ tuổi già đâm mắc chứng mất ngủ. Gà mới gáy hai tiếng mà cả xóm có khi đã bật đèn sáng trưng. Người ta gửi đơn từ khiếu nại lên xã, tố cáo gia đình tôi ăn ở mất vệ sinh, khiến bọn bò sát tụ về sinh sôi, phát tán ôn dịch và chứng mất ngủ cho cả làng.

Hôm họp ở thôn, người ta biểu quyết gây áp lực lấp giếng. Mẹ tôi hốt hoảng, hết đốt nhang khấn vái rồi lại gọi cho chị Hai. “Họ sắp lấp giếng nhà mình rồi, con ơi”. “Thì má cứ để họ lấp, hơi đâu mà giữ cái hầm rác chẳng bao giờ đầy đó…”. “Nhưng con không hiểu đâu, thầy nói chỗ ấy là nơi duy nhất quen thuộc mà các vong linh có thể trú ngụ ở trong cái làng này”. “Lo người sống còn chưa xong, nay lại lo người chết nữa, sao xuể hả má?”. “Thì tao với ba mày cũng phải tính đường cho mình để sau còn chỗ đi về chứ…”.

Mẹ tôi khóc. Chị Hai tôi không lường hết được những tác động tâm lý hết sức nghiêm trọng với hai ông bà già sau cuộc tranh luận đó.

***

Thợ thầy kéo đến. Người của xã hẳn hoi.

Ba tôi không cho lấp giếng. Ông mắc võng ra hai chạc cây hai bên thành giếng, nằm đòng đưa trên miệng giếng đen sì và hôi hám bởi rác rến, tù đọng. Ông thách thức đám người kia đến độ chẳng ai dám chạm vào.

“Tao mà rơi xuống dưới đó thì tụi mày ăn cho hết!”.

Đám thợ lắc đầu bỏ về. Không ai dám động vào một ông già ngang bướng, chẳng còn gì để mất và luôn sẵn tinh thần nằm vạ.

Ba tôi vẫn nằm trên chiếc võng đòng đưa, đòng đưa.

“Chỉ có tao mới thấu hiểu được những gì đang diễn ra bên dưới cái giếng này!” - ông nói.













Vú Mên
 Nguyễn Vĩnh Nguyên




Ngày trước, nhà nội tôi thuộc vào hạng thương gia có của ăn của để ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Ông bà chỉ có hai người con trai: Bác Lữ và bố tôi. Cuộc sống của họ khá bình yên và sung túc. Ăn rồi chỉ lo học, không phải làm lụng bất cứ việc gì. Việc nhà từ trong ra ngoài, nặng nhẹ đều có bọn con ở lo hết. 


Từ khi bác Lữ ra đời, đã có mặt vú Mên. Vú bỏ quê Thái Bình lên Hà thành làm con ở cho ông bà từ năm mười lăm tuổi. Bà bảo vú là người mát tay, đảm đang và trung thành nhất trong nhóm người giúp việc nhà. Cũng phải, ngoài trách nhiệm của con ở ra, vú còn là kẻ hàm ơn ông nội rất lớn. Tôi nghe kể lại, ngày ấy, trong một chuyến buôn vật liệu về Thái Bình, ông đã gặp cô bé Mên trong cảnh thảm thương. Nạn đói năm 1945, gia đình của bé Mên đã lần lượt ra đi. Cô bé mười lăm tuổi chơ vơ bên bố mẹ - hai tử thi không một manh chiếu chôn cất mà khóc vật vã, khóc đến cạn nước mắt. Trong cái cảnh đời tối tăm u ám ấy, bàn tay của một thương gia giàu có đã nâng đỡ cô bé Mên đứng dậy. Đó là ông nội tôi. Ông bỏ tiền ra mua ván thiên, lo chôn cất hai cái tử thi đã tới ngày dậy mùi và đưa cô bé Mên lên Hà Nội cho giúp việc trong nhà mình. 

Từ đó, vú Mên bám theo chân ông lớn lên. 

° ° ° 

Trong nhà nội, vú Mên thương bố tôi hơn bác Lữ, vì bố hiền lành và biết chuyện hơn. Ngược lại, bác Lữ là người bẳn tính, hay la rầy đám con ở trong nhà và đôi lúc còn cãi lại ông bà nội. Phận làm con ở cam chịu và lặng lẽ đã làm cho vú quên khuấy tuổi xuân của mình đến và đi tự bao giờ... Vú không biết mình có thời con gái, lòng vú không có chỗ cho khát khao mơ ước thiếu nữ trỗi dậy. Chưa bao giờ vú dám nghĩ đến chuyện lập gia đình riêng với ai đó. Vú lo sợ. Nỗi ám ảnh quá khứ như một vết thương cứ nhói đau, day dứt khi lòng người lắng dịu. Công việc lặt vặt làm cho vú quên đi nhiều điều đáng quên và nhiều điều lẽ ra không có quyền được quên. Tuổi xuân lặng lẽ trôi đi... Cứ nhìn vú lúc già thì biết ngày trẻ cũng không đến nỗi nào. Vú có cái duyên hương đồng gió nội nào thua chị kém em ở cái đất Hà thành phồn hoa này. Nhưng vú thiết chi gương lược. Ngày đêm cứ cung cúc làm lụng như một chiếc bóng. ẹt nói và hiền hậu. Cam chịu và nhẫn nại. Có lần ông nội định gả vú cho chú Hậu - người kề cận ông trong những chuyến đi lấy hàng xa. Nghe nói, dạo ấy chú Hậu mê vú lắm. Nhưng ông bà vừa nhắc đến chuyện ấy vú đã oà khóc: 

- Con chỉ còn ông bà làm nơi nương tựa. Thời buổi này ông bà gả con đi, con sợ lắm. Ông bà thương tình cho con ở đây hầu hạ được ngày nào hay ngày đó. Con có lỗi gì ông bà cứ đánh, cứ đập như con trâu con chó chứ đừng gả con đi. Cho con ở đây trả hết cái ơn, cái đức ông bà dành cho bố mẹ con... 

Ông bà nghẹn ngào xót thương cho phận đời bé mọn và cơ cực của vú. Từ đó về sau, cái thiện chí mai mối lấy chồng cho vú không được ông bà nhắc lại nữa vì nghĩ đến một lúc nào đó vú sẽ tìm được người để gắn bó suốt đời, biết đâu lại chẳng nôn nóng trốn nhà mà đi... 

Cuộc sống của vú Mên là một chuỗi ngày dài không nỗi buồn cũng chẳng niềm vui. Cho đến khi việc làm ăn của ông nội ngày càng thua kém, đám con ở lần lượt ra đi thì chỉ mình vú Mên neo lại. Sự ở lại của vú Mên khiến cho bác Lữ nghĩ chẳng khác gì cảnh huống một con chim đã quen lồng nên sợ hãi và nhút nhát trước vòm trời rộng. Bác Lữ càng khinh miệt vú ra mặt. Vú chỉ lặng lẽ, không nói. Cũng chẳng ai thấy vú khóc. Sự tồn tại của vú trong nhà nội bây giờ chỉ là chiếc bóng. Một chiếc bóng vật vờ... 

Từ lúc làm con ở cho nhà nội cho đến mãi sau này, trong túi vú Mên không bén chút hơi đồng. Vú không biết xài tiền hay mua sắm gì cho riêng mình. Một năm có hai bộ đồ bà nội cắt may cho, vú không đòi hỏi gì thêm. Sự giản dị lắm lúc làm cho con người ta dễ dàng bằng lòng và cam chịu. Bản thân vú ở Hà Nội mười mấy năm rồi thế mà mấy gã lái buôn bạn ông nội cứ loóc léc như mèo trông thấy mỡ: "Con bé nhà quê ấy tìm đâu khéo thế...". Gã khác lại xuýt xoa: "Cho nó về nhà tôi đi, tôi sống độc thân, dễ tính...". Ông nội tảng lờ sang chuyện khác. Nhưng nghe thấy, vú buồn lắm. Thể nào cũng lo lắng đến vài đêm mất ngủ... Bà nội cứ chê vú khờ. Vú không nói gì. Có ai đời tiền đi chợ, thừa một xu cũng đưa về trình bà. Đổi lại cái đám con ở trong nhà dạo trước, cứ mua bớt mua xén dồn làm của riêng. Được cái thật thà đến khờ dại. Vì thế bà thương vú như con. 

Bác Lữ lấy vợ tận Sài Gòn - Gia Định rồi theo gia đình vợ vào tận trong ấy. Gia đình nội lại vắng. Bà đau yếu luôn. Ông cũng có tuổi, không đủ sức rong ruổi theo những chuyến hàng xa dài ngày. Cơ nghiệp chỉ trông chờ vào của ăn của để tích trữ từ trước. Gia đình cũng không đến nỗi túng bấn ngặt nghèo. Nhưng đến bây giờ ông bà nội vẫn còn day dứt một điều đó là chưa tìm được nơi nương tựa cho vú Mên. Phụ nữ vẫn là phụ nữ. Cái quyền được làm vợ, làm mẹ người đàn bà nào chẳng được ông trời kia ban phát, dù ít dù nhiều. Nhất là khi ở vào độ tuổi "hồi xuân", sự cần thiết phải có một gia đình đối với người phụ nữ là thực sự quan trọng. Dù đối với vú, mùa xuân nào có đến để ra đi hay trở lại!... 

Ngày bố tôi lấy mẹ tôi. Bà nội đút vào tay vú Mên năm khoanh vàng, nghẹn lời... 

- Vú cầm số vàng này về quê tìm người thân thích tựa nương. Dù sao, máu mủ vẫn hơn. Vợ chồng tôi ơn vú nhiều. Giờ già cả, con cái đứa nào cũng có chỗ có nơi... Chúng tôi sống sao cũng được, chỉ lo cho vú chôn chân ở đây cả đời, khổ sở... 
Vú Mên nuốt nước mắt: 
- Bà đuổi con thì con đi, nhưng ngần này con biết đi đâu, về đâu hả ông bà... con chỉ còn nơi này là nhà cửa... 
- Thì tôi bảo thế - ông trầm ngâm - vú đi về tìm bà con xem có ai. Nếu không phiền thì cứ quay lại đây rau cháo qua bữa với vợ chồng già chúng tôi... 
Năm ấy, vú Mên cầm năm khâu vàng ra khỏi nhà nội. Nhìn dáng vú lẻ loi nhỏ bé khuất giữa dòng người bề bộn, bà tôi chỉ biết đổ vào vai ông mà khóc. 
... Nhưng rồi không lâu... chừng một tuần sau, vú Mên mệt mỏi xách nón tìm về nhà nội. Cái khuôn mặt hốc hác ấy khóc tức tưởi: 
- Bà ơi, bà thương con, cho con ở lại, con không còn ai thân thích cả. Cũng không nhận ra xóm làng nhà cửa mình ở đâu nữa. Không ai còn nhớ con cả bà ơi. May mà còn tìm thấy mộ bố mẹ, thắp cho các ngài thẻ nhang... Con chỉ còn ông bà thân thích. Con không biết về đâu nữa rồi bà ơi... 
Bà nội nước mắt lưng tròng: 
- Thế tiền tàu xe tôi gửi vú có đủ không? 
- Dạ,... dạ, con nào dám xài... Còn cả đấy bà ạ! Con giả bà, bà thương cho con ở lại giúp việc nhà... - Nói rồi vú móc túi áo nâu lấy ra đúng năm khoanh vàng được gói kỹ lưỡng đưa lại cho bà - con không mua gì cả. Con sợ phí của ông bà. Hôm nọ ông cho con mười hào về tàu lửa con trót xài hết... bà đừng giận con... 
Tôi được nghe kể lại mẹ tôi sinh khó, bà qua đời sau tiếng khóc đầu tiên tôi cất lên. Bố tôi lả đi trong nỗi đau mất vợ...Õ thế rồi từ đấy tôi lớn lên trong tình thương của vú Mên. Năm 5 tuổi, tôi mới gọi vú là vú. Trước đó mọi người dạy tôi gọi vú là mẹ. Đối với một đứa bé, ngày nó nhận ra sự mất mát ấy là ngày tuổi thơ khủng khiếp nhất. Đối với tôi, đó cũng là ngày tuổi thơ ra đi. 
Đến năm bố dẫn tôi vào Nam lập nghiệp và tục huyền tôi lại mất thêm một người mẹ trong cuộc đời này.... Tôi sẽ có người khác chăm sóc thay vú Mên đó là dì tôi.Õ Nhưng tôi đã đủ khôn để biết mình đã bỏ lại những ngày ấu thơ ở phố Khâm Thiên, nơi tôi có người mẹ đã khuất và một người vú mỏi mòn già nua. Ngày đi, tôi hỏi bố: 
- Bố ơi, sao không dẫn mẹ Mên đi cùng... 
Bố tôi ngửa mặt lên trời, câm lặng... 
Đó là mùa thu. Hương cốm dần lan trong gió vỉa hè. Đường phố dài xao xác lá vàng. Gió mịn màng thổi không đủ làm khô giọt nước mắt trên gò má hanh hao nham nhở những vết nhăn của mẹ Mên. 
- Ta không phải là mẹ con. Ta già nua, xấu xí. Ta là vú nuôi con thôi... 
Cả vòm trời đang sầm sập gió và lất phất mưa, Những hạt mưa thu bay chéo, lạnh buốt...Từ dạo bố tôi vào Nam đâm làm ăn thua lỗ, ông thất chí, rượu chè say xỉn luôn. Kể ra, hồi mới vào đây, của nả còn khấm khá, cách đối xử giữa dì và bố khác. Còn bây giờ, bao nhiêu giận dữ, bao nhiêu hẹp hòi ích kỷ dì trút cả vào tôi. Bởi vì tôi là món nợ của dì. Dì không cho bố đứa con nào. Bố là người đàn ông khổ sở và đáng thương sống bên dì khác nào trong nấm mồ. Dì cũng có nỗi khổ của dì. Tôi nào trách gì được. Tôi không muốn nghĩ đến câu "Mẹ gà con vịt chít chiu...". Bởi dì không phải là dạng dì ghẻ gắt gỏng quá đáng. Tôi mang ơn dì, một sự hàm ơn không kính phục... Tôi xin dì: 
- Dì ơi, còn muốn về Hà Nội... 
- Bố con anh đòi hỏi tôi hơi nhiều đấy. Nhìn ông bố anh thấy phát chán kìa. Anh bảo tôi còn trả cái nợ đời này đến bao giờ. 
- Nhưng con xin về với bác Lữ... 
- Mặc xác anh! Kéo cả ông bố anh về càng tốt. Anh có ăn học cũng biết phụ nữ thời buổi này không chấp nhận loại đàn ông vô tích sự... 
- Dì không được nói xấu bố con! 
- Chứ ổng có gì tốt nào? Thất nghiệp, nằm vểnh râu, trắng da dài tóc, cái nhà này một tay tôi lo. Thế đấy! Dì ném cái bĩu môi dài thườn thượt rồi ngoảy đi. 

° ° ° 
Cho đến năm kia, khi trở lại đất Hà thành này, tôi chẳng còn ai thân thích nữa. Tôi quỳ trước bốn nấm đất xanh cỏ giữa nghĩa trang, thổn thức. Suốt mấy ngày liền về đây, bố tôi không nói năng gì. Ông lặng câm, lầm lì. Nhưng hôm nay, quỳ trước mộ mẹ, ông bà và vú Mên, bố đã oà khóc. Tiếng khóc thoát lên từ bao nỗi âm u. Tôi nhìn bố run run cắm nhang lên từng nấm đất, miệng lấm rấm nguyện cầu, chợt nghe lòng chua xót. 
Trên mộ phần của vú Mên, những cụm hoa kèn nở rộ, tím ngát như màu trời chiều nghĩa trang. Những cụm hoa ấy đổ bóng sang chỗ nằm của ông bà tôi. 
Lặng lẽ...




Các tác phẩm khác của Nguyễn Vĩnh Nguyên
Gió xuân
Thức Ăn Của Người
Sự bảo thủ của… trái ớt xanh
Những vùng đau vô định
Mảnh tường vàng ở phố Vườn Xoài
Khu vườn lưu lạc
Điều phi lý giữa Hamburger và thịt cầy
Bên kia của mùa xuân
Ba nụ hôn trong chuyến bay ngắn












Thơ







Từ những trục nhìn khác





Chùm thơ năm bài 




Xóa




Thất bát yêu




Đối diện với những con chữ












Tham khảo thêm về tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên











Phong Điệp: Nguyễn Vĩnh Nguyên: 
Trang viết đã là một dự báo!


TTO - Gây xôn xao từ khi còn là một bản thảo, cuối cùng tập truyện ngắn Năm mười mười lăm hai mươi cũng có được một số phận đàng hoàng. Độc lập tư duy, đổi mới quyết liệt, cây bút trẻ Nguyễn Vĩnh Nguyên với tác phẩm mới này đã xới lên những cuộc trò chuyện về cái gọi lại là sự dũng cảm trong thái độ cầm bút.

Tuổi Trẻ Online trích giới thiệu cuộc trò chuyện thú vị giữa hai cây bút trẻ - tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên và Phong Điệp - PV Văn Nghệ Trẻ.



Tôi đổi mới quyết liệt



* Năm mười mười lăm hai mươi (NXB Hội Nhà văn 2005) có thể ghi nhận một cuộc vượt thác (tôi thích từ này hơn chữ lột xác) thành công của bạn được chưa nhỉ?


- Nguyễn Vĩnh Nguyên: Tôi chưa bao giờ đánh giá cao những gì mình đã làm xong. Vì vậy, xin nhường câu trả lời này cho độc giả và bạn bè, những người viết đã đọc và chia sẻ với tôi.

* Mỗi người viết đều có khát vọng làm mới mình. Nhưng không thể nói miệng rằng tôi đổi mới đây là xong. Tôi nhớ không lầm thì nhà văn Nguyễn Ngọc Tư có lần tâm sự rằng: tôi thèm ai đó quất cho mình một roi. Còn bạn, nguyên do nào đã khiến bạn đổi mới được mình một cách quyết liệt đến vậy?

- Ngày nhỏ, tôi là đứa ngớ ngẩn, làm gì cũng chậm chạp. Mẹ tôi quở: “Để mẹ thả kiến vào trong ống quần cho con nhanh nhẹn hơn nhé!”. Đấy là một chuyện vui tuổi thơ có thật mà tôi được người lớn nhắc lại.

Tôi không biết chị Nguyễn Ngọc Tư nói câu đó trong tình huống nào. Nhưng tôi hoàn toàn có suy nghĩ ngược lại. Người cầm bút chẳng phải là trẻ con để chờ ai đó quất vào đít mình một roi hay cột lửa vào đít thì mới khá lên được. Trẻ con sau khi ăn roi thì có thể sẽ ngoan hơn đấy, nhưng vì chúng sợ…roi. Thử hỏi, người viết ăn roi xong, sẽ thế nào? Nếu anh ta ngoan hơn trong mắt người lớn thì cũng chẳng hay ho chút nào cho văn chương của anh ta.

Tôi hiểu chị Tư cũng vô tư, nên nói vậy thôi, bởi vì chị ấy có cảm giác sao văn chương của mình viết ra dễ được chấp nhận quá, được các chú các bác nâng niu nhiều quá, chẳng có ai cho mình một lời chê để tiến bộ. Nhưng tôi lại nghĩ rằng, ý thức đổi mới nếu không trở thành một dằn vặt, thôi thúc thường trực của người viết thì chẳng hay ho gì mà cứ tiếp tục cầm bút cả.

Tôi đổi mới quyết liệt để chống lại sự nhàm chán, đơn điệu và vô vị trong chính con người mình.

* Có một điều tôi thấy khá thú vị, đó là những minh hoạ trong sách đều do bạn tự biên tự diễn. Bạn không lo cứ đà này, cánh hoạ sĩ sẽ thất nghiệp ư? Sao bạn không nhờ hoạ sĩ để những minh hoạ này có tính chuyên nghiệp hơn?

- Tôi thích khái niệm amateur với nghĩa là tay chơi tài tử. Ngày trước, tôi đọc sách hội hoạ nhiều, xem tranh nhiều, nhưng chưa từng thử vẽ cái gì cả. Vậy thì đây cũng là cách để thử nghiệm theo kiểu của mình. Có thể sẽ ngớ ngẩn, nhưng tôi nghĩ nó lại có cái ngẫu hứng và thú vị rất amateurish. Còn ai muốn thất nghiệp thì tự họ thất nghiệp. Đâu có vì một thằng vớ vẩn như tôi.

Khi nghĩ đến chuyện minh hoạ, tôi đã bảo anh Trần Đại Thắng rằng, tôi khó tin có ai đó vẽ diễn tả hết không khí cuốn sách mình. Thôi thì để tôi vẽ! Rất may là anh Thắng tin tôi. Vậy là chiều ấy tôi chạy qua nhà ông hoạ sĩ Trịnh Cung, mượn cọ và một hộp màu a-ri-lic về, thức liền 3 đêm để vẽ. Thật tội nghiệp cho hộp màu của ông hoạ sĩ già. Nó quá đắt tiền nhưng lại khá hào phóng với một tay nguệch ngoạc!

Vẽ xong, đẹp xấu chưa nói nhưng ít ra, đó là những bức tranh minh hoạ hợp với không khí những truyện ngắn của tôi. Và có gì đó không giống cái cách mà tôi vẫn thấy người ta minh hoạ trong các cuốn sách văn học hiện nay. Hình như tôi cũng ảo tưởng về chuyện vẽ vời, nhỉ?!

* À, chuyện này thì tôi tin thiên hạ còn bình luận nhiều (cười). Đọc tập truyện mới này, tôi thấy tốc độ viết của bạn thật đáng nể. Cả tập có 19 truyện thì 12 truyện được hoàn thành trong năm 2005, trong đó tháng năm viết được 3 truyện, tháng 7-8 đều viết được 2 truyện. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng trong cuộc đổi mới này của mình, bạn hơi nóng vội?

- Đó là những thời gian hoàn thành. Thực ra, năm 2004 với tôi là chẳng làm được gì cả. Tôi gần như sụp đổ sau những sự cố về tình cảm, đời sống và đặc biệt là cuốn sách đầu tiên ra đã rơi vào im lặng. Tôi có những chuyến đi dài ngày để đọc, nghiền ngẫm và mạnh dạn viết với một tâm thế hoàn toàn tự do, không tự kiểm duyệt hay nghĩ tới chuyện đăng báo gì cả và y như rằng, khi viết ra thì có nhiều báo từ chối in truyện tôi, một cuộc thi đã đẩy tôi ra rìa sau khi dán cho cuốn sách một cái nhãn chẳng lấy gì tử tế… Dù sao, tôi cũng thấy mình không hối hận khi bỏ rất nhiều để xây dựng lại hình ảnh của mình.

Còn nóng vội? Tôi rất bình tĩnh để thấy những lúc mình… thiếu bình tĩnh!


Sự bất lực của những kinh nghiệm sống


* Bạn có nghĩ rằng tập truyện của bạn có phần đánh đố với những độc giả thích sự rõ ràng của câu chữ và ý tưởng?

- Tôi thật sự không thích chữ đánh đố dù nó đã được đặt trong ngoặc kép. Vì đó là điều tôi chưa từng nghĩ tới. Tôi có một món ăn mà chủ quan chị không hợp khẩu vị, không có nghĩa là tôi đánh đố chị. Đây là một bữa tiệc buffet, có đông thực khách và nhiều món ăn. Chị có thể chọn lựa món ăn mà! Dĩ nhiên, tôi nghĩ món ăn mà tôi chế biến sẽ không hợp lắm với những người vừa bơi vừa ăn theo kiểu thường thấy ở các hồ bơi trong khách sạn 5 sao!

* Bạn quả là một người đầy tự ái (và có phần cực đoan?)! Nhưng người ta viết không thể không suy tính tới độc giả của mình sẽ là ai. Quá kén chọn để rồi chẳng may rơi vào im lặng như bạn đã từng gặp phải liệu có phải là một điều nên tránh?

- Tôi chỉ sợ tác phẩm của mình rơi vào im lặng vì nó… quá tệ. Khi in cuốn sách ra, tôi nghĩ rằng nó là một thứ hàng hoá, sản phẩm đặc biệt. Và tôi rạch ròi chọn lựa, ký thác cho mình cách viết ngay lúc đầu cũng có nghĩa là đã ngầm chọn cho mình một đối tượng khách hàng nào đó hợp lý. Vì chúng ta không thể cứ nghĩ rằng bạn đọc là một lớp người chung chung, cần dạy bảo và khuyên nhủ, tư duy giúp. Tôi không tin tưởng vào giá trị tức thời và đầy cảm tính của những cuốn sách văn chương phổ biến gần với kiểu sách dạy nấu ăn và nghệ thuật sống!

* Ở đây, cũng xin lưu ý bạn một điều, không ít người cho rằng độc giả của chúng ta ngày nay giỏi hơn chúng ta rất nhiều. Họ bỏ tiền ra mua sách và họ hoàn toàn có quyền lựa chọn. Và bạn phải “đương đầu” với điều này đấy?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng hiện nay ở ta dân trí đọc thấp hơn dân-trí-viết. Nhưng tôi thấy ở đây có sự trật chìa giữa người đọc và người viết. Nhà văn tự hạ thấp giá trị của văn chương mình bằng sự mặc cảm kém cỏi trước người đọc uyên bác vô hình. Nhưng anh ta cũng dễ dàng cao ngạo vênh váo và bằng sự ảo tưởng nghĩ rằng mình cao hơn bạn đọc một cái đầu.

Tôi xin cam đoan rằng, mình không thuộc hai tâm thế này. Tôi viết bằng một sự độc lập tư duy và nghĩ rằng cũng tìm thấy một đối tượng bạn đọc độc lập tư duy tìm đọc nó! Chị cũng chia sẻ điều này chứ?

* Tôi thì thấy rằng: khi người cầm bút ngồi trước trang giấy của mình, điều choán hết tâm trí họ là cái mà họ mong muốn chuyển tải qua những con chữ. Còn những vấn đề khác thường đến trước và sau khi quá trình sáng tạo hoàn thành. Và tôi muốn đặt lại một câu hỏi ở đây, bạn thích đối tượng bạn đọc của mình là 10 người hay 1000 người?

- Tôi nghĩ rằng, dù muốn dù không thì người viết cũng đã ngầm chọn lựa độc giả thông qua cách xử lý trang viết và thái độ của anh ta đối với những vấn đề đang đề cập. Nếu chọn giữa số 10 và 1.000 thì đến một đứa bé cũng thích con số nhiều hơn, thậm chí, có thể nó sẽ thích 10.000 cơ.

Nhưng tôi sẵn sàng hy sinh con số 1.000 để chọn lại con số 10 kia, nếu nó thực sự đòi hỏi và kích thích tôi rơi vào một cuộc mạo hiểm và tự đổi mới mình chứ không buông theo thị hiếu và số đông kia để tự huyễn hoặc và rơi vào đơn điệu, nhàm chán. Thậm chí nếu đủ sức để làm nên giá trị mới, tôi nghĩ nhiều nghệ sĩ tiền phong sẽ sẵn sàng viết cho một lớp độc giả tiềm năng hoặc mở ra một lối khai phá mà anh ta chỉ là viên đá lót đường không được lịch sử nhắc tới.

Nói thì nói đến cùng. Nhưng tiếc thay, tôi thì chưa đủ tự tin về khả năng để nghĩ đến việc đó. Tôi chỉ đang tự chống lại “cơn buồn ngủ tự thân” khi cầm bút bằng vài việc phá bĩnh tự coi là mạo hiểm vớ vẩn mà thôi!

* Sau khi đã bình tĩnh nhìn lại tác phẩm lần này của mình, tôi hỏi thật nhé, bạn có cảm thấy hài lòng? Thường sau khi làm xong một việc gì đó (ví như việc ra sách vừa rồi của bạn cũng có thể coi là xong một việc), người ta tự cho mình nghỉ ngơi. Còn bạn?

- Tôi cũng nói thật nhé, tôi chưa bao giờ đánh giá cao những gì mình đã làm xong!Tôi chỉ thấy nó có giá trị khi mình đang… vật lộn với nó. Mà hiện tại, tôi đang vật lộn với cuốn tiểu thuyết mới đầy hứng thú. Đến khi trả lời chị thì tôi đi được 50 trang rồi!

* Và bạn có thể hé lộ chút thông tin?

- Đó là một cuốn tiểu thuyết viết về sự bất lực của những kinh nghiệm sống. Vì mọi thứ sẽ không diễn ra theo lẽ thường hay quy luật nữa mà toàn những trục trặc lạ đời. Tất cả nằm ngoài khả năng nhận thức và xử lý của con người.

* Hiện có hai luồng ý kiến khác nhau về không khí văn trẻ hiện nay: một cho rằng những sáng tác của người viết trẻ đang có phần chững lại, một lại cho rằng không khí văn trẻ đang hết sức sôi động và hứa hẹn những sự bùng nổ. Tôi rất muốn nghe ý kiến của bạn?

- Tôi thấy cả hai ý kiến ấy đều đúng với hai xu thế của văn học tạm gọi là đương đại. Có một xu hướng viết để thoả hiệp với chính mình, với môi trường văn học mà mình đang sống. Cón có một hướng khác là viết để giải toả cơn dằn vặt dữ dội của ý thức, viết trong khát vọng hội nhập thế giới đang ngày càng bức thiết. Họ muốn tìm kiếm những giá trị mới cho văn học.

Mặc dù biết, những nỗ lực hiện tại của họ chưa hẳn đã được môi trường chính thống công nhận hay ủng hộ ngay. Thậm chí, họ còn dễ gặp những tai bay vạ gió ngoài văn chương. Nhưng tôi rất tin tưởng, họ sẽ là những người làm nên chuyện. Vì bản thân trang viết đã là một dự báo!

* Vâng, khả năng dự báo của văn chương là một điều vô cùng có ý nghĩa. Và tôi tin rằng, trong dòng chảy văn học hiện nay, những mạch chảy dầu lặng lẽ âm thầm hay cuồn cuộn, bão tố thì mỗi người viết chân chính đều mong muốn cống hiến những tác phẩm có giá trị tới độc giả. Cám ơn bạn đã nhiệt tình với cuộc trò chuyện này. Tôi chờ cuốn sách mới của bạn.












Inrasara : Sau nỗi lưu lạc của khu vườn quen thuộc








NXB Hội Nhà Văn: 'Sách Nguyễn Vĩnh Nguyên không dâm ô, đồi trụy'







Nguyễn Vĩnh Nguyên: Câu chuyện của "búa rìu" nằm ngoài tinh thần của cái mới






































Nguyễn Vĩnh Nguyên & Phan Nguyên














Trở về 



MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.