https://phannguyenartist.blogspot.com/
Trần Thiện Đạo
(1933-2017)
dịch giả, nhà văn và nhà phê bình văn học
Trần Thiện Đạo (1933-2017) là một dịch giả, nhà văn và nhà phê bình văn học [1][2][3] Ông thường lấy bút danh là Trần Mai Lan,[1][4][5] Mõ Văn Làng,[2][4] Trần Kim Lân.[2][4] Ông là một trong những người đóng góp cho ngành kinh tế bảo hiểm tại Việt Nam thuở sơ kỳ.
Tiểu sử
Năm 1950, ông sang Pháp định cư với nghề dạy học.[1][5] Tuy định cư tại Pháp, ông vẫn cộng tác bằng nhiều tác phẩm dịch thuật và viết phê bình được xuất bản tại Việt Nam trong giai đoạn 1964-1975.[1] Ông là một trong những người viết chính của "Tạp chí Văn" và đặc san "Văn - Nghiên cứu và phê bình" thời Việt Nam Cộng hòa,[1][2] đồng thời cộng tác với "tuần báo Nghệ thuật" và "tạp chí Bách Khoa".[2]
Sau năm 1975, ông hoạt động phê bình văn học tại hải ngoại.[2]
Sau chính sách Đổi mới của Việt Nam, ông trở về Việt Nam với vai trò chuyên gia đóng góp cho ngành bảo hiểm tại Việt Nam thuở sơ kỳ.[2]
Dịch thuật
1
Le petit prince Saint Exupéry
2
Noces
Albert Camus
Giao cảm
3
L'envers et l'endroit
Albert Camus
Bề trái và bề mặt
4
La chute
Albert Camus
Sa đọa
5
Huis Clos
Jean Paul Sartre
Kín cửa
6
Pour un nouveau roman
Alain Robbe Grillet
Phấn đấu cho một nền tiểu thuyết mới
7
Le silence de la mer
Jean Bruller Vercors
Im lặng của biển cả
8
Zadig
Voltaire Zadig
9
La mare au diable
George Sand
Ao qủy
Phê bình, nghiên cứu
The stream of consciousness in Virginia Woolf's novels
[Độc Thoại Nội Tâm Trong Tiểu Thuyết Của Virginia Woolf] tiếng Anh
Văn nghệ
Những nụ cười giòn tiếng Việt
Văn học phương Tây
lý luận, phê bình và dịch thuật
Từ chủ nghĩa hiện sinh tới thuyết cấu trúc
Cửa sổ văn chương thế giới
Chú thích
^ a b c d e f g Lucy, Nguyễn (30 tháng 11 năm 2017). “Nhà văn, dịch giả Trần Thiện Đạo về cõi vĩnh hằng”. Thanh Niên. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2017.
^ a b c d e f g h i j k Nguyễn, Đình Thành (30 tháng 11 năm 2017). “Nhà văn, dịch giả Trần Thiện Đạo qua đời ở tuổi 85 tại Paris”. Tuổi trẻ. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2017.
^ a b Nguyễn, Quỳnh Trang (9 tháng 1 năm 2007). “Dịch giả Trần Thiện Đạo: Phải tôn trọng văn phong của tác giả”. Tuổi trẻ. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2007.
^ a b c d e Phi, Hà (17 tháng 3 năm 2012). “Dịch giả Trần Thiện Đạo - Người đồng hành với sự hoàn mỹ của việc dịch thuật”. Đài Tiếng nói Việt Nam. VOV 5. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2012.
^ a b c Bảo, Bình (28 tháng 11 năm 2017). “Dịch giả kì cựu Trần Thiện Đạo qua đời”. Thể thao & Văn hóa. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2017.
^ Thu, Hà (9 tháng 5 năm 2013). “Nóng chuyện dịch và phê bình dịch thuật”. Tuổi trẻ. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2013.
Hôm qua là đám tang chú Trần Thiện Đạo, một người mà khoảng chục năm trước mình ít nhiều được dịp gặp gỡ. Về một nhân vật kín đáo như chú Đạo, chắc phải tìm hiểu kỹ thì mới dám viết sâu. Nói chuyện với chú, chưa bao giờ thấy chú tâm tình, kể lể. Khoe khoang, khuyên bảo lại càng không. Nghe câu chữ và tư duy sắc sảo của chú, mình cũng đoán chú có tham gia viết, nhưng không hề biết rằng chú là một trong những cây bút chủ lực của hai tạp chí văn chương danh tiếng Sài Gòn trước 75: tạp chí Văn và đặc san Văn - Nghiên cứu và phê bình. Thực ra cũng khó hình dung vì chú Đạo sống ở Paris mà những năm 60, 70 thế kỷ trước đã làm gì có email hay internet. Vừa nãy qua Thụy Phương con dâu của chú, mình mới biết thêm rằng chú Đạo thường xuyên viết bài và nhuận bút thời Việt Nam Cộng Hòa rất khá, đủ để trang trải cuộc sống cho cha đẻ của chú trong gần hai mươi năm, tới tận tháng Tư 1975 lúc các tạp chí trên buộc phải đóng cửa. Và cũng chỉ sau khi chú mất, mới hôm kia, tình cờ đọc bài báo của Nguyễn Đình Thành, mình mới hay chú Đạo dịch khá nhiều, phần lớn là những tác giả khó nhằn, như « Cậu Hoàng con » (Le petit prince) của Saint Exupéry, « Giao cảm » (Noces) của Albert Camus, « Bề trái và bề mặt » (L'envers et l'endroit) của Albert Camus, « Tiểu luận » của Albert Camus, « Sa đọa » (La chute) của Albert Camus, « Kín cửa» (Huis Clos) của Jean-Paul Sartre, « Phấn đấu cho một nền tiểu thuyết mới » (Pour un nouveau roman) của Alain Robbe-Grillet, « Im lặng của biển cả » (Le silence de la mer) của Jean Bruller, « Zadig » của Voltaire, « Ao quỷ » (La mare au diable) của George Sand…
Đám tang của chú Đạo không ủy mị, dông dài, rất tương đồng với con người chú. Mình tưởng tượng nếu hôm qua nằm trong quan tài mà chú còn tỉnh táo thì hẳn chú cũng thấy vừa lòng. Giữa những người được mời lên phát biểu, ấn tượng nhất với mình có lẽ là các con của chú - anh Gilles và chị Raphaele - cả hai cùng giản dị, kiệm lời nhưng chốc chốc lại khiến cả phòng phì cười vì vẻ hài hước và cách họ gọi cha là « Đạo » chứ không phải thân mật là « papa », hay nghiêm túc là « mon père», hoặc trịnh trọng là «Tran Thien Dao ». Anh Gilles chủ yếu chiếu ảnh chú Đạo lên cho mọi người cùng xem, kèm vài câu thuyết minh kiểu : đây là Đạo khi mới sang Pháp năm 49, trên tàu Pasteur xuyên lục địa đầu tiên sau Thế Chiến II, trời lạnh, mặc áo măng tô, tay đút túi ; đây là Đạo những năm 50 chụp với các đồng môn, lấp ló ở hàng cuối, có vẻ là lúc mới gặp Hiền, cô bạn gái sẽ trở thành má của Raphaele chị cùng cha khác mẹ với tôi; đây là Đạo chụp cùng tôi những năm 60 lúc tôi học vỡ lòng, trông tôi rất nghịch; đây là Đạo những năm 70 làm trong ngành bảo hiểm để kiếm cơm nuôi vợ con tức là mẹ tôi và tôi; đây là Đạo năm 1994, ngồi xích lô ở Sài Gòn, lần đầu tiên được cấp thị thực về thăm cố hương…
Chị Raphaele còn phát biểu ngắn hơn, có vài phút thôi, mặt hơi căng, giọng hơi khàn, lời hơi châm biếm, có lẽ để giấu xúc động, vì trước đó ngồi sát chị, mình thấy chị vài lần lau nước mắt. Là con gái lớn của chú Đạo với một bạn nữ đồng môn, chị tuy không còn trẻ nhưng mảnh dẻ và xinh đẹp, có mái tóc bông dày rất đặc biệt, dường như chị cũng biết thế nên khi nói rất hay lúc lắc đầu. Mình nhớ mãi mấy câu của chị : … « Đạo ạ, chỉ gần đây con mới hiểu được thế giới nội tâm của cha, nó chẳng đơn giản chút nào. Với con, cha là ông bố tuyệt vời nhất mà cũng kinh khủng nhất. Cha lúc nào cũng mỉa mai, chọc ghẹo con và không bao giờ khoan nhượng. Bây giờ con bắt đầu thấy thiếu cha. Chào Đạo nhé ! ». Mình cũng nhớ khi nói xong, chị về ghế, ngồi cạnh mẹ của anh Gilles mà không hiểu sao lúc đầu, khi chưa nghe giới thiệu, mình cứ nghĩ đấy là mẹ đẻ của chị, bởi hai người trông thật thân mật, và tuy bà là người Pháp nhưng có lẽ sống lâu với chú Đạo nên cũng hao hao Việt Nam, còn chị Raphaele thì tuy toàn bộ dòng máu trong người là Việt Nam nhưng sinh ra và lớn lên ở đây nên lại hao hao Pháp.
Buổi lễ kéo dài khoảng một tiếng, trong không khí thoáng chút hoài cảm và thư giãn. Hai đứa cháu nội của chú Đạo đôi khi không thể ngồi yên, chụm đầu vào nhau cười đùa mà không hề bị người lớn nhắc nhở. Có vẻ như ai cũng hiểu rằng với chúng nó, ông nội chỉ đang ngủ ngay bên cạnh, trong quan tài.
Mình chẳng biết viết gì, chỉ kể lại vài hình ảnh vụn vặt cuối cùng có liên quan đến chú Đạo, một con người mà theo mình rất đặc trưng của một thế hệ trí thức thiên tả phương Tây, nghiêm khắc trong học thuật, yêu nước không ồn ào, đóng góp không khoa trương, và trên hết là tinh thần tự do. Có lẽ, cũng giống như hai đứa con của anh Gilles và Thụy Phương, mình cảm giác chú Đạo vẫn đang ở đâu đấy. Có lẽ, chẳng khách dự nào thấm được hết nỗi đau của người trong cuộc. Mình hình dung, tuy nói cười bình thường, trong lòng anh Gilles và chị Raphaele là một khoảng trống lớn có thể sẽ không gì bù đắp nổi. Và cả vợ chú, Thụy Phương con dâu chú và những người cháu vừa cười vừa kể lại một chuyện đùa nào đó về "tonton Đạo".
Một ngày đã qua, mong chú Đạo có một chuyến đi bình yên. Nơi ấy, có thể chú sẽ được gặp gỡ Sartre và Camus mà chú từng dịch. Chú Đạo ơi, nếu có thời gian, hãy ghi lại cho độc giả Việt Nam các cuộc cãi vã mà cháu tin là sẽ kéo dài bất tận của các vị ấy !
Đoàn Ánh Thuận
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.