Hoàng Phủ Ngọc Tường
(1937 - 2023)
Nhà thơ, Nhà văn, Nhà giáo
Nhà thơ, Nhà văn, Nhà giáo
Vẽ tôi một nửa mặt người
Nửa kia mê muội của thời hoang sơ
Vẽ tôi nghe tiếng mơ hồ
Bàn tay em vỗ bên bờ hư không
Vẽ tôi một đóa bông hồng
Tàn phai từ bữa em cầm trên tay
Vẽ tôi một nét môi cười
Một dòng nước mắt – một đời phù du
(Vẽ tôi/ Người hái phù dung)
HPNT
Tiểu sử
Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh ngày 9 tháng 9 năm 1937, tại thành phố Huế, Sau khi học hết bậc trung học ở Huế, ông lần lượt trải qua:
1960: tốt nghiệp khóa 1 ban Việt Hán, Đại học Sư phạm Sài Gòn.
1964: Cử nhân triết Đại học Văn khoa Huế.
1960-1966: dạy Triết tại trường Quốc Học Huế.
1966-1975: thoát ly lên chiến khu theo MTGP
1978: được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
1987: Đảng viên đảng Cộng sản Viêt Nam
1987: Đảng viên đảng Cộng sản Viêt Nam
Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên-Huế,
Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên,
Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.
Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên,
Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt.
Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, cùng đợt với vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Giải thưởng
- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1980.
- Tặng thưởng Văn học Ủy ban toàn quốc LH các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, 1999, 2008.
- Giải A giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (1998-2003).
- Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007.
- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1980.
- Tặng thưởng Văn học Ủy ban toàn quốc LH các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, 1999, 2008.
- Giải A giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô (1998-2003).
- Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, 2007.
Gia đình
Vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ
(qua đời ngày 6/7/2023)
Hai con gái là Hoàng Dạ Thư, làm việc tại Nhà xuất bản Trẻ và Hoàng Dạ Thi (từng làm thơ, viết văn) hiện đã định cư tại Mỹ.
Ông qua đời ngày 24/7/2023 tại Sài Gòn
Tác phẩm đã xuất bản
Bút ký
1
Ngôi sao trên đỉnh Phú Vân Lâu
(1971)
2
(1979, Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 1980-1981)
3
Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế (1984)
4
(truyện ký, 1984)
5
(1995)
6
(1995)
7
(2000)
8
Trong mắt tôi
(bút ký phê bình, 2001)
9
Rượu hồng đào chưa uống đã say
(truyện ký, 2001)
10
(bút ký văn hóa, 2005)
11
(2007)
12
Tinh tuyển bút ký hay nhất,
Nxb Hội nhà văn, 2010
Thơ
13
Những dấu chân qua thành phố
(1976)
14
(1992)
DẠ KHÚC
Có một buổi chiều nào như chiều xưa
Anh về trên cát nóng
Đường dài vành môi khát bỏng
Em đến dịu dàng như một cơn mưa.
Có một buổi chiều nào như chiều qua
Lòng tràn đầy thương mến
Mang cả xuân thì em đến
Thắm nồng như một bông hoa.
Có buổi chiều nào người bỏ vui chơi
Cho tôi chiếc hôn nồng cháy
Nỗi đau bắt đầu từ đấy
Ngọt ngào như trái nho tươi.
Có buổi chiều nào mộng mị vây quanh
Nửa vành mi cong hờn dỗi
Em xõa muộn sầu trên gối
Rối bời như mớ tơ xanh.
Có buổi chiều nào hình như chưa nguôi
Vầng trăng sáng màu vĩnh viễn
Em có lời thề dâng hiến
Cho anh trọn một đời người.
Có buổi chiều nào như chiều nay
Căn phòng anh bóng tối dâng đầy
Anh lặng thầm như cái bóng
Hoa tàn một mình em không hay.
Đọc thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường
Nỗi Buồn
Tiếng hát: Thùy Dung
Thể loại nhàn đàm:
15
Nhàn đàm
Nxb Trẻ, 1997
16
Nxb Thuận Hóa, 1998
17
Nxb Thuận Hóa, 2001
(Tặng thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam 2001)
4 tập, Nxb Trẻ, 2002
Tham khảo thêm về tác giả Hoàng Phũ Ngọc Tường
Thư ngỏ mới nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường
Tôi đọc cho con gái chép một bài viết nhỏ này xin gửi tới bà con bạn bè thương mến, những ai yêu mến, quen biết và quan tâm đến tôi. Còn những kẻ luôn đem tôi ra làm mồi nhậu cho dã tâm của họ như ông Liên Thành và bè đảng của ông ta, tôi không muốn mất thời giờ đối đáp với họ. Dĩ nhiên bài viết này không dành cho họ.
Năm nay tôi 81 tuổi, và tôi biết, còn chẳng mấy hồi nữa phải về trời. Những gì tôi đã viết, đã nói, đã làm rồi trời đất sẽ chứng nhận. Dầu có nói thêm bao nhiêu cũng không đủ. Tốt nhất là im lặng bằng tâm về cõi Phật. Duy nhất có một điều nếu không nói ra tôi sẽ không yên tâm nhắm mắt. Ấy là câu chuyện Mậu thân 1968.
Vậy xin thưa:
1. Mậu Thân 1968 tôi không về Huế. Tôi, ts Lê Văn Hảo và bà Tùng Chi (những người lên chiến khu trước) được giao nhiệm vụ ở lại trạm chỉ huy tiền phương- địa đạo Khe Trái (Thuộc huyện Hương Trà- tỉnh Thừa Thiên)- để đón các vị trong Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Thành Phố Huế như Hoà thượng Thích Đôn Hậu, cụ Nguyễn Đoá, ông Tôn Thất Dương Tiềm…lên chiến khu. Mồng 4 tết tôi được ông Lê Minh (Bí thư Trị- Thiên) báo chuẩn bị sẵn sàng về Huế. Nhưng sau đó ông Lê Minh báo là “tình hình phức tạp” không về được. Chuyện là thế. Tôi đã trả lời ở RFI, Hợp Lưu, Báo Tiền Phong chủ nhật… khá đầy đủ. Xin không nói thêm gì nữa.
2. Sai lầm của tôi là nhận lời ông Burchett và đoàn làm phim "Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình” trả lời phỏng vấn với tư cách một nhân chứng Mậu thân Huế 1968, trong khi tôi là kẻ ngoài cuộc.
Tôi xác nhận đây là link clip tung lên mạng là bản gốc cuộc phỏng vấn:
Để chứng tỏ mình là người trong cuộc, tôi đã dùng ngôi thứ nhất- “tôi”, “chúng tôi” khi kể một vài chuyện ở Huế mậu thân 68. Đó là những chuyện anh em tham gia chiến dịch kể lại cho tôi, tôi đã vơ vào làm như là chuyện do tôi chứng kiến. Đặc biệt, khi kể chuyện máy bay Mỹ đã thảm sát bệnh viên nhỏ ở Đông Ba chết 200 người, tôi đã nói: “Tôi đã đi trên những đường hẻm mà ban đêm tưởng là bùn, tôi mở ra bấm đèn lên thì toàn là máu ...Nhất là những ngày cuối cùng khi chúng tôi rút ra ..”. Chi tiết đó không sai, sai ở chỗ người chứng kiến chi tiết đó không phải là tôi, mà là tôi nghe những người bạn kể lại. Ở đây tôi là kẻ mạo nhận, một việc rất đáng xấu hổ, từ bé đến giờ chưa bao giờ xảy ra đối với tôi.
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn này, khi nói về thảm sát Huế tôi đã hăng hái bảo vệ cách mạng, đổ tội cho Mỹ. Đó là năm 1981, khi còn hăng say cách mạng, tôi đã nghĩ đúng như vậy. Chỉ vài năm sau tôi đã nhận ra sai lầm của mình. Đó là sự nguỵ biện. Không thể lấy tội ác của Mỹ để che đậy những sai lầm đã xảy ra ở Mậu thân 1968.
Tôi đã nói rồi, nay xin nhắc lại:
Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng.
3. Từ hai sai lầm nói trên tôi đã tự rước hoạ cho mình, tự tôi đã đánh mất niềm tin yêu của nhiều người dân Huế đối với tôi, tạo điều kiện cho nhiều kẻ chống cộng cực đoan vu khống và qui kết tôi như một tội phạm chiến tranh.
Tôi xin thành thật nhìn nhận về hai sai lầm nói trên, xin ngàn lần xin lỗi.
Sài Gòn, ngày 1 tháng 2 năm 2018
Hoàng Phủ Ngọc Tường.
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG: “ĐÙA THÔI NHÉ, THIÊN ĐƯỜNG MỘNG ẢO”
Người về soi bóng mình
Giữa tường trắng lặng câm
Trịnh Công Sơn
Kẻ nào không thể ra đi tất chẳng quyền chi ở lại
He who cannot leave cannot stay
Bertolt Brecht, translated by Frank Jones
Lời mở đầu:
Tháng Sáu năm 2008, được sự giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và nhà văn – võ sư Nguyễn Văn Dũng, chúng tôi đến thăm Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tại nhà riêng. Sau lần thứ nhất, riêng tôi còn trở lại một lần nữa theo lời mời của anh để hoàn tất cuộc trò chuyện. Chúng tôi cũng có dịp hỏi chuyện chị Lâm Thị Mỹ Dạ và một số bè bạn có mặt. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị ischemic stroke năm 1998, liệt nửa thân đối bên và rối loạn ngôn ngữ, hình như aphasia của tổn thương bán cầu não trái, qua một thời gian dài. Nhờ sự chăm sóc của thầy thuốc, gia đình, đặc biệt người bạn đời, chị Lâm Thị Mỹ Dạ, và những thân hữu như Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Trọng Tạo, Tô Nhuận Vỹ, Ngô Minh, Hồ Đăng Thanh Ngọc… anh dần dần hồi phục. Trong hai lần gặp, anh tỏ ra minh mẫn, và khi kể về các kỷ niệm của quê anh ở Quảng Trị, cũng như về Huế, anh nhớ nhiều chi tiết theo tôi là chính xác. Tuy vậy, anh phát âm khó khăn, người lạ khó theo kịp. Nhờ kinh nghiệm làm việc riêng, lại ngồi gần, và nhờ sự giúp đỡ của chị Mỹ Dạ, tôi có thể nghe được khoảng bảy mươi hoặc tám mươi phần trăm lời nói của anh ngay trong lần đầu. Sau này tôi phải nghe lại băng thu âm nhiều lần. Anh và chị đã bổ sung và đọc kỹ văn bản cuối cùng. Trong nhiều giờ làm việc, anh ít khi tỏ ra mệt mỏi; những lúc nghỉ, anh nhờ đẩy xe lăn ra phòng khách, ngồi nghe chúng tôi. Chị Lâm Thị Mỹ Dạ, tính dịu dàng, kiên nhẫn, hiền hậu, chuẩn bị chu đáo các phương tiện, thường xuyên ra vào để săn sóc anh.
Sau đó chúng tôi còn liên lạc trên điện thoại nhiều lần khác để làm rõ một số câu, chữ. Hoàng Phủ Ngọc Tường có lúc đề nghị tạm thời hoãn lại việc phổ biến để cân nhắc thêm, vì lý do riêng của anh. Tháng Sáu năm 2011, trong lần gặp chúng tôi ở Huế, sau khi bổ khuyết một vài điểm, trước sự chứng kiến của nhiều bạn bè như Tô Nhuận Vỹ, Trần Thùy Mai, Nguyễn Văn Dũng, Hồ Đăng Thanh Ngọc… anh cho biết bài phỏng vấn như thế là đã hoàn tất và đề nghị công bố. Chị Mỹ Dạ, tươi cười nhưng cương quyết, rõ ràng, hỏi lại hai ý ấy của anh một lần nữa, anh gật đầu xác nhận. Gần đây sức khỏe của anh đã rất yếu. Sau khi cân nhắc kỹ, chúng tôi cho rằng việc phổ biến, sau bảy năm, là trách nhiệm của người thực hiện đối với nhà văn và độc giả. Đây cũng là một trong những bài phỏng vấn cuối cùng của loạt bài Thơ Đến Từ Đâu.
Tháng Sáu, năm 2015
Nguyễn Đức Tùng:
Cách đây nhiều năm trong lần về nước đầu tiên, tôi được một người bạn, anh ấy cũng có mặt ở đây hôm nay, tặng tập thơ của anh, Người hái phù dung. Đó là lần đầu tôi biết đến văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường. Trước đó tôi chỉ biết đến anh qua những dư luận về vụ Mậu Thân, mà chưa hề đọc một bài viết nào. Sau này tôi nghe nói rằng, một thời gian dài độc giả trong nước rất chăm chú theo dõi những bài bút ký đăng rải rác của anh trên các báo. Trở lại với tập thơ, tôi thích một số bài trong đó. Như thế là biết đến anh bằng thơ, chứ không phải là qua bút ký hay quan hệ ngoài đời.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Cảm ơn anh vì tình cảm đã dành cho thơ của tôi. Có lẽ thơ đến với người ta mau chóng và dễ dàng hơn những phương tiện khác.
Nguyễn Đức Tùng
Anh hái cành phù dung trắng
Cho em niềm vui cầm tay
Màu hoa như màu ánh nắng
Buổi chiều chợt tím không hay
Thơ hay, mà cũng buồn quá. Nhưng trong ấy có tình yêu trẻ trung đối với cuộc đời làm ta cảm động. Tôi ngạc nhiên một người mơ mộng như anh mà lại tự nguyện tham gia vào một cuộc chiến tranh sát phạt hận thù và đi xuyên qua biết bao nhiêu là hệ lụy của nó.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Trong tập thơ ấy, tôi có viết rằng “Mỗi người chỉ thực là chính mình trong căn nhà của nó. Thơ cũng vậy, thơ cần phải trở về căn nhà của nó là nỗi buồn. Quyền của thi sĩ là quyền được buồn”
Nguyễn Đức Tùng:
Hình như Hoàng Phủ Ngọc Tường là người đầu tiên dùng chữ “quyền được buồn”. Đây là một ý niệm thú vị. Anh buồn vì thời cuộc hay buồn vì cuộc sống cá nhân mình?
Em gọi tên tôi khắp mọi nơi
Gọi tôi vang động cả vòm trời
Tôi ngồi im vắng như lau sậy
Mờ mịt như màu sương khói thôi
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Ai cũng được quyền buồn, nhưng thi sĩ buồn nhiều hơn, sâu hơn, vì họ sống bằng tất cả tâm hồn. Tôi là người sống bằng nội tâm nhưng cũng là người hoạt động, nên những vấn đề thời cuộc đất nước ám ảnh tôi nhiều hơn.
Nguyễn Đức Tùng:
Vào thời đó, đòi quyền được buồn có phải là một thái độ phản kháng văn học?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi nói đến điều đó từ năm 1990. Mặc dù là người viết văn, tôi lại mê thơ. Đó là cái quyền tự do của tâm hồn, quyền được nói lên, hát lên, không ai có thể ngăn cản.
Nguyễn Đức Tùng:
Ngày ấy tôi thường hay đến đây
Đăm đăm soi mặt nước hồ đầy
Khói sương nhả tự trên trời xuống
Chỉ một mình tôi với bóng cây
Mặc dù bút ký và tùy bút Hoàng Phủ Ngọc Tường là thành tựu lớn nhất của anh, tôi nghĩ sau này nhiều thứ có thể qua đi, nhưng thơ anh, vài bài hay nhất, sẽ còn đứng mãi với thời gian.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Nếu được thế thì đó là hạnh phúc của người viết.
Một người bạn thân của tôi, anh Nguyễn Văn Dũng, có in lại và đưa cho tôi đọc các bài thơ của anh Nguyễn Đức Tùng trên “Talawas chủ nhật” vừa rồi, trong đó có bài thơ đề tặng tôi, vì nhà tôi không có computer. Đọc xong, tôi có suy nghĩ nhiều lắm.
Tôi nói với mọi người: Đây là thơ thật.
Thơ thật, chứ không phải là thơ giả.
Nguyễn Đức Tùng:
Năm 1966, ba mươi tuổi, đang là một giáo sư ở Quốc học Huế, anh bỏ vào rừng kháng chiến, đi theo con đường lý tưởng riêng của anh. Trước năm 1975, các thầy giáo dạy trung học gọi là giáo sư, và được xã hội tôn trọng xứng đáng với danh hiệu đó. Rũ áo ra đi như thế, có lẽ anh tin là mình đã chọn được hành trình lý tưởng cho cá nhân và dân tộc. Trên con đường dài, mà đối với nhiều người là đại lộ mênh mông, đầy ánh sáng của lý tưởng giải phóng dân tộc, anh có gặp một ngã rẽ hay ngõ cụt riêng tư nào không? Những ngã rẽ của bóng tối và nỗi buồn?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
À, đây chính là tâm trạng của bạn bè tôi cùng trang lứa đi theo Đảng. Hồi đó mình cứ nghĩ những chuyện buồn đều là tạm thời nhỏ nhặt, những sai lầm rồi sẽ qua đi, nên cố lấy niềm vui chung mà át nỗi buồn riêng. Nếu không có ai bắt mình thì mình cũng tự bắt mình như thế.
Nguyễn Đức Tùng:
Ngày nay nhìn lại, anh nghĩ như thế nào về cuộc chiến tranh 1954-1975 vừa qua? Anh gọi nó bằng tên gì? Hậu quả của nó ra sao?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Mình không có giết ai trong chiến tranh. Mình có một thằng bạn, Hoàng Xuân Thiệu (?), em ruột của Trung tướng Việt Nam Cộng hòa Hoàng Xuân Lãm, bây giờ đã đi Mỹ. Tôi thương hắn lắm, có lần tôi nói với hắn: nếu tau gặp mi thì tau sẽ không bắn, ngay cả khi tụi mình đang ở hai bên chiến tuyến. Nếu gặp nhau ngoài chiến trường thì tôi sẽ nói: mi phải vất súng để đi theo cách mạng.
Nguyễn Đức Tùng:
Nếu anh ấy không vất súng để đi theo cách mạng thì sao?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi sẽ nói tiếp: Thà mi giết tau chứ tau không thể giết mi.
Nguyễn Đức Tùng:
Có thể anh đã từng chủ trương như thế thật, nhưng chiến tranh có những quy luật tàn bạo của nó. Thực tế đã không xảy ra như anh muốn, và những kẻ đứng bên cạnh anh hay đứng đối diện với anh cũng đều đã nổ súng.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đúng thế. Chúng ta đã nổ súng vào nhau và vết thương vẫn còn. Đó là nỗi đau buồn của dân tộc chúng ta. Nhưng hồi đó tôi quan niệm rằng cứ sống ngay thật, trong sáng với bản thân mình, mặc kệ người khác làm gì thì làm.
Nguyễn Đức Tùng:
Thưa anh, trong những người dân Huế mà tôi có dịp tiếp xúc nơi này nơi khác, ngay cả những người không ai có thể gọi họ là cực đoan, vì vẫn có thái độ hòa nhã trong nhiều vấn đề của đất nước, đến nay khi nhắc đến vụ thảm sát Mậu Thân vẫn còn tỏ ra xúc động. Hầu hết những người đó đều cho rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường không nhiều thì ít có một phần trách nhiệm.
Đọc những bài viết và những tài liệu gần đây, tuy vậy, tôi cũng tin rằng Hoàng Phủ Ngọc Tường không có mặt ở Huế trong vụ Mậu Thân.
Tại sao năm đó anh không được cử về đồng bằng?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Lúc đó tôi cùng làm việc với Thượng tọa Thích Đôn Hậu, bà Nguyễn Đình Chi, giáo sư Lê Văn Hảo. Tôi là Tổng thư ký của Liên minh Dân tộc Dân chủ và Hòa bình. Họ dự định sau khi vụ Mậu Thân thành công thì sẽ đưa chúng tôi về ra mắt công chúng. Nhưng cuộc tiến công bị chặn lại vì phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa phản kích dữ dội quá, bắt đầu từ lực lượng đồn Mang Cá. Mới đầu trận đánh dự định là do Trung ương phụ trách, nhưng trong thực tế thì chỉ có địa phương lo gần hết, nên thiếu thốn nhiều mặt, nhất là thiếu đạn để đánh giặc.
Vì việc không thành nên tôi không được đưa về Huế để ra mắt quần chúng.
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi còn nhớ một ca khúc của Trịnh Công Sơn viết ngay sau vụ Mậu Thân, về những mồ chôn tập thể ở Huế, với giọng hát Khánh Ly náo động bàng hoàng, lúc tôi còn rất nhỏ tuổi:
Chiều đi lên Bãi Dâu
Hát trên những xác người
Tôi đã thấy tôi đã thấy
Trên con đường người ta bồng bế nhau chạy trốn
Và một ca khúc khác của Nguyễn Minh Khôi, với Thái Thanh như con chim trúng đạn cất tiếng kêu thương:
Chiều nay không có em mưa non cao về dưới ngàn
Đàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Buồn quá. Đúng là những vết thương sâu, rất khó lành của dân tộc chúng ta.
Nguyễn Đức Tùng:
Anh tham gia kháng chiến chống Mỹ là hoàn toàn tự nguyện, nhưng trường hợp những người khác thì như thế nào? Thượng tọa Thích Đôn Hậu, một người đồng hương Quảng Trị của anh, chẳng hạn? Có một bài viết cho rằng ông bị bắt ép chứ không phải tự nguyện?
Hoàng Phủ Ngọc Tưòng:
Không thể bắt ép ai cả.
Nguyễn Đức Tùng:
Tức là tự nguyện?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Cũng không phải, họ thỉnh ông đi.
Nguyễn Đức Tùng:
Thỉnh đi như thế nào?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Lừa.
Nguyễn Đức Tùng:
Xin anh nói rõ hơn.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Họ lừa ôn bằng cách nói là mời ôn đi họp. Họ đưa ông qua một cánh đồng rộng, gánh ông đi trong một cái thúng có hai người khiêng hai đầu. Rồi họ đưa ông dần từng bước một vào những việc nhỏ nhỏ, từ từ, nhưng ngày càng sâu đến lúc biết ra thì đã muộn.
Nguyễn Đức Tùng:
Cách đây nhiều năm, trong một cuộc phỏng vấn truyền hình, anh có nói một ý rằng vụ thảm sát Mậu Thân là do nhiều nguyên nhân, do bom đạn của Mỹ, do tai nạn chiến tranh bắn qua bắn lại vô tình, và cũng do phía cách mạng xử tội những thành phần phản động, chống lại nhân dân?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đó là cuộc phỏng vấn của Úc. Trong những cái chết do chiến tranh, phía quốc gia thì đổ lỗi hoàn toàn cho phía cách mạng, phía cách mạng thì đổ lỗi hoàn toàn cho phía quốc gia, nhưng tôi cho rằng thật ra không bên nào có thể đổ lỗi hoàn toàn cho bên nào cả, vì thế nào cũng có bên này bên kia chịu trách nhiệm. Đó là nói chung. Còn riêng trong vụ Mậu Thân thì giết lầm rất nhiều. Ví dụ như tôi nhớ rằng trong mặt trận Huế có phân công cho một người là ông… tỉnh đội trưởng nắm giữ mặt trận phía trái, phụ trách vùng Phú Cam. Họ giết người nhiều ở mặt trận này.
Nguyễn Đức Tùng:
Người bạn tặng cho tôi tập thơ Người hái phù dung thì nói riêng với tôi rằng, theo anh ấy, Hoàng Phủ Ngọc Tường là một người innocent. Anh cũng vừa kể rằng anh không muốn bắn một người bạn cũ của anh, như anh Hoàng Xuân Thiệu, thà mình bị anh ta bắn. Như vậy, anh nghĩ sao về những vụ giết người trong Mậu Thân có tính tội ác?
Tôi nghĩ rằng chúng ta cần hết sức thận trọng, nghiêm cẩn, khi nói đến những vấn đề gây xúc động này, hết sức tránh thái độ cực đoan: từ một phía là đổ lên người khác những lỗi mà họ không có, nói thêm, nói oan cho những người vô tội, hoặc từ một phía khác là coi nhẹ, lấp liếm, di chuyển trọng tâm của vấn đề, đánh lạc hướng lịch sử.
Tôi nghĩ rằng đối với bất cứ người nghệ sĩ nào, cái chết và sự khổ đau của con người không thể là chuyện nhẹ nhàng. Dù do ai gây ra, dù đó là Mậu Thân hay Mỹ Lai, hay biết bao câu chuyện tương tự khác đã xảy ra trên đất nước chúng ta, chưa bao giờ được kể lại. Không thể là chuyện nhẹ nhàng. Đó có thể là quan điểm của các nhà quân sự, các nhà chính trị, nhưng không thể là quan điểm của các nhà thơ.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi hoàn toàn đồng ý với anh. Tuy nhiên trong cuộc trả lời phỏng vấn vừa kể trên tôi có nói lầm đi, nói sai đi, một ý.
Nguyễn Đức Tùng:
Thưa anh, sai hay lầm?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Lầm. Tôi có nói lầm là đánh rắn thì phải đập đầu. Họ nghĩ rằng những người làm việc cho chính quyền Việt Nam Cộng Hòa là cái đầu rắn.
Nguyễn Đức Tùng:
Chắc anh đã từng đọc cuốn sách của Nhã Ca vốn được nhiều người nhắc đến?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi có đọc. Có ba người viết về Mậu Thân. Một là nhà văn nữ Nhã Ca, từ Sài Gòn về Huế ăn Tết vào dịp đó và chứng kiến cuộc tấn công Mậu Thân. Bà đã ghi lại chuyện này trong cuốn Giải khăn sô cho Huế.
Nguyễn Đức Tùng:
Anh nhận xét ra sao về cuốn sách đó? Có đúng với sự thực không, theo anh?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Trong đó Nhã Ca viết “chắc là Phủ không về.”
Nguyễn Đức Tùng:
Phủ là ai?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Phủ là tôi đó. Bà ấy viết “chắc là Phủ không về”; “mà nếu có về chắc cũng không giết người”.
Người thứ hai là giáo sư Lê Văn Hảo, người lên rừng cùng với tôi. Ông có viết rằng tôi và ông ấy đều không về Huế, mà chỉ có hai người về là Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Đắc Xuân.
Nguyễn Đức Tùng:
Còn người thứ ba?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
(nghe không rõ)
Nguyễn Đức Tùng:
Cuộc chiến tranh vừa qua, mặc dù đã chấm dứt từ lâu, vẫn còn tiếp tục chia rẽ mọi người. Và sẽ còn lâu dài, xuyên suốt các thế hệ. Điều này thường bị cố tình coi nhẹ (underestimated). Đọc lịch sử, tôi tin là người Việt Nam rất yêu nước và đã từng chiến thắng nhiều cuộc chiến tranh chống xâm lược. Thế mà năm 1975, theo lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lần đầu tiên có chuyện lạ lùng là nửa nước thì vui, nửa nước thì buồn. Hiện nay, cuộc chiến tranh Nam Bắc đối với một số người từ cả hai phía vẫn còn là hận thù, đối với một số người khác là phẫn nộ trước lịch sử, và đối với nhiều người khác là vết thương tâm hồn, là sự hoài niệm về một nền Cộng hòa đã bị xóa bỏ, một nền tự do mà theo tôi nửa là hoàn toàn có thật, nửa là chưa bao giờ kịp có thật.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi không bao giờ muốn chia rẽ dân tộc. Khi lên rừng đi kháng chiến chống Mỹ tôi chỉ nghĩ đến một chính phủ hòa hợp. Sau 1975 tôi tin rằng chúng ta đã có cơ hội để làm được điều này, nhưng rồi chúng ta để lỡ dịp may đó.
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi tin vào suy nghĩ ở thời điểm này của anh, nhưng tôi cũng không nhất thiết cho rằng đó là những suy nghĩ bất di bất dịch. Điều đó là dễ hiểu. Đối với nhiều người đi theo Mặt trận Giải phóng miền Nam vào những năm sáu mươi, có khi đó chỉ là một khẩu hiệu dân vận, và vấn đề họ quan tâm hơn, nói thẳng ra là, chiến thắng tuyệt đối về quân sự và chính trị.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi tâm sự với anh thế này: sau vụ Mậu Thân xong tôi suy nghĩ mãi, tôi buồn quá, tôi muốn một mình ra một hoang đảo ở một mình và sẽ không chọn một phe phái nào cả.
Nguyễn Đức Tùng:
Nếu trong Tết Mậu Thân anh được cử về thành thì anh sẽ làm gì, có thái độ như thế nào trước những vụ giết người?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi sẽ không làm gì được, nhưng tôi biết chắc là tôi sẽ không giết người. Có lần, trên một dốc núi, một người bạn của tôi là anh Lê Hữu Bôi, Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, đã bị giết. Anh ấy cũng người cùng quê Quảng Trị mình, tuy học ở Sài Gòn nhưng về Huế đi tu ở chùa Tường Vân, rồi bị bắt đi từ chùa Tường Vân trong Tết Mậu Thân. Trường hợp ấy nếu gặp tôi, tôi sẽ tha. Còn những vụ giết người hàng loạt, tôi chỉ nghe nói chứ không chứng kiến, nhưng tôi biết là mình không thể hành động như thế.
Tính tôi có lẽ hợp với đi tu, thấy chuyện máu me dư rứa tôi rất gớm (lắc đầu). Tôi không làm được. Hồi nhỏ, tôi không thể giúp mẹ tôi làm được việc cắt cổ gà.
Nguyễn Đức Tùng:
Lúc đó anh có nhận ra là có một sự khác nhau nào đó giữa anh và những người cũng lên rừng đi kháng chiến như anh? Ví dụ như tỉnh đội trưởng mà anh nhắc đến chẳng hạn?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Không thể có khác biệt sâu xa được. Khi đã ở với nhau lâu rồi thì người ta sẽ dần dần trở nên giống nhau, cũng như nhiều anh em khác, tôi phải nén cái riêng tư của mình lại. Mà những người đi kháng chiến đa số là từ nông thôn nên họ suy nghĩ giản dị lắm. Một số người có thù sâu nên có dịp là họ trả thù.
Nguyễn Đức Tùng:
Như vậy trong chiến tranh chuyện trả thù trả oán cá nhân là có thật?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Dĩ nhiên là có thật.
Nguyễn Đức Tùng:
Anh lên rừng từ năm 1966, nhưng đến năm 1987 anh mới được chính thức kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Như vậy là vì anh xin vào mà không được hay vì anh chưa muốn vào?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi xin vào mà không được. Lúc mới gia nhập cách mạng, tôi thuộc về Quảng Trị, ở đó tôi cũng bị theo dõi. Rồi khi vào Huế, tôi phụ trách tờ báo Cờ Giải Phóng, có một ông bí thư luôn luôn đố kỵ tôi. Tôi làm đơn vào Đảng lúc nào cũng bị bác vì nói là chưa đủ điều kiện.
Trong thực tế lúc ở trên rừng, tôi chẳng nói điều gì khác biệt với mọi người cả, mà chính tôi cũng phải nói hùa theo những người khác, và cho vụ Mậu Thân là một chiến thắng, không có thất bại. Tiến sĩ Lê Văn Hảo, hiện nay làm ở viện bảo tàng Louvre ở Pháp, có biết rõ giai đoạn này của tôi.
Nguyễn Đức Tùng:
Như vậy việc anh không được vào Đảng Cộng sản là do những đố kỵ cá nhân chứ không phải là vì những khác biệt lớn hơn, ví dụ về quan điểm chính trị.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Rất khó phân biệt giữa Đảng và cá nhân, vì Đảng cũng là đảng viên.
Nguyễn Đức Tùng:
Có phải chính anh là người đã viết và đọc lời hiệu triệu nhân dân nổi dậy trong vụ Mậu Thân? Ngày nay nếu lặp lại anh có thay đổi lời hiệu triệu đó không, hay vẫn giữ nguyên?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Vẫn giữ nguyên. Tôi viết và đọc lời hiệu triệu đó thay mặt Liên minh Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình, họ thu băng rồi phát lại ở Huế. Nếu viết lại tôi sẽ không thay đổi gì cả, vì trong đó tôi nhớ là chỉ kêu gọi đánh đuổi Mỹ và xây dựng một đất nước hòa bình, dân chủ.
Nguyễn Đức Tùng:
Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi để ý vài điều. Anh làm thơ ít, nhưng bài nào cũng thể hiện một tâm trạng rõ rệt. Những bài thành công thường dùng ngôn ngữ cổ điển, bút pháp cổ điển, mà vẫn lay động lòng người. Đó là nhờ cái tình. Nhưng nói đến tài năng của anh, thì phải nói đến những trang văn xuôi trác tuyệt trong thể loại bút ký và tùy bút. Đó thực sự là một trong những thành tựu của văn học Việt Nam. Người ta thấy rằng các chất liệu văn học của anh đều lấy từ thời kỳ gian khổ trong rừng, nhiều hơn là những ngày thanh bình ở thành phố. Nhìn lại đó là thời kỳ vui nhiều hay buồn nhiều?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Vui buồn lẫn lộn. Trên rừng, có những sự việc tôi được chứng kiến tận mắt, nhưng hầu hết là nghe kể lại. Nhiều người nghĩ lầm rằng trong thể ký hay phóng sự, người viết đều chứng kiến cả. Thật ra mình đâu có thể thấy được tất cả. Đó cũng là những ngày mình còn trẻ, xông xáo, đi nhiều, có nhiều ấn tượng sâu đậm. Sau này khi hòa bình, mình viết các tùy bút ngắn, đặt tên là nhàn đàm.Trong bút ký, các sự kiện có thật xuất hiện nhiều hơn.
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi nhớ một chi tiết văn học được anh kể lại. Trong bài Bản di chúc của cỏ lau, anh tả một buổi sinh hoạt của du kích cách mạng với những người dân đi rừng. Cuối buổi sinh hoạt là mục đọc những bức thư đầu tiên của anh em binh sĩ trong quân đội Cộng hòa gởi cho cách mạng, nói về nguyện vọng của bản thân họ mong được tổ chức hiệp thương tổng tuyển cử để tránh khỏi một cuộc chiến tranh mà họ sẽ phải đổ máu. Sau đoạn văn đó anh lại viết rõ ra, thực ra thì toàn là thư bịa ra, do nhân vật Hoàng cặm cụi ngồi viết ở trại Cây Thị.
Những phương pháp hay thủ đoạn tuyên truyền như thế là điều có thể hiểu được trong chiến tranh, từ cả hai phía. Tuy nhiên tôi tự hỏi, một nền văn học có sứ mệnh tuyên truyền sẽ phải trả giá như thế nào để chuộc lại sự thật mà nó đã trao đi trong thời buổi ban đầu, để đổi lấy chiến thắng sau cùng bằng mọi giá?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Văn học phải đi sát với cuộc sống. Nhà văn trung thực là kẻ nói lên những điều anh ta cảm nhận về cuộc đời trong hiện tại, trong ngày hôm nay. Không điều gì có thể chuộc lại sự thật đã mất, không một thời gian nào có thể thay thế được ngày hôm nay. Có thể không phải bao giờ nhà văn cũng đúng, nhưng khi anh ta sai thì sai một cách chân thành.
Nguyễn Đức Tùng:
Trong những bài viết thời kỳ chiến tranh ý thức hệ, anh có những nhận định rất quyết liệt và rõ ràng, như vấn đề ta – địch. Về nghệ thuật, những trang mô tả của anh về miền Nam thời đó rất hay, mặc dù người ta có thể tranh cãi tính xác thực của chúng.
Những nhận định và mô tả ấy cũng không hẳn là phù hợp với những suy nghĩ về hòa giải dân tộc sau này của anh đâu. Hình như có một so le nào đó. Phải chăng có một sự phát triển hay biến đổi trong tư tưởng đối với các vấn đề chiến tranh và dân tộc?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đúng là tôi có thay đổi. Nhưng ai mà không thay đổi? Chúng ta học mỗi ngày, học mãi. Sau những ngày nhiệt huyết, mình dần dần nhận ra thực tế có những cái cần điều chỉnh. Nếu có một điều gì không thay đổi ở tôi, thì đó là cái tính không thích sự giết người, ghét tội ác.
Trong cuộc đời đi làm cách mạng của tôi, tôi chỉ bắn một phát súng duy nhất. Tôi bắn rụng một chiếc lá trong một cuộc bắn thi. Đó là phát súng duy nhất và là phát súng cuối cùng của tôi.
Nguyễn Đức Tùng:
Tại sao anh gọi đó là phát súng cuối cùng?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Vì tôi chủ trương không bắn ai. Và thực tế là như thế.
Nguyễn Đức Tùng:
Chủ trương của anh là không muốn giết người, cá tính của anh cũng như thế, nhưng con đường mà anh đi là con đường cách mạng bạo lực. Những người cộng sản bao giờ cũng khẳng định nguyên lý đấu tranh giai cấp và bạo lực cách mạng. Như vậy có mâu thuẫn không?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
(Trầm ngâm) Tôi hiểu rằng trong chiến tranh thì các bên tham gia không thể không nổ súng, nhưng cá nhân tôi thì vẫn không thay đổi cá tính của mình được. Tôi đã và sẽ không bắn ai cả.
Nguyễn Đức Tùng:
Năm 1966, điều gì dẫn anh đến với Mặt trận Giải phóng miền Nam? Đó là tình yêu nước, muốn đánh đuổi ngoại xâm, tương tự như ngày xưa những người đi kháng chiến chống Pháp năm 1945, hay là niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới? Niềm tin vào chủ nghĩa Marx?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Chủ nghĩa Marx. Niềm tin vào chủ nghĩa Marx.
Là một thanh niên mới lớn, đứng trước những bất công xã hội thời đó, tôi không hài lòng với những biện pháp tạm thời mà tin vào cách giải quyết triệt để hơn. Điều đó tôi tìm thấy ở học thuyết cộng sản.
Nguyễn Đức Tùng:
Ngày nay nhìn lại anh nhận xét như thế nào về niềm tin thời trẻ?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đến nay thì đã rõ chẳng ai làm được gì trên toàn thế giới. Cải thiện đời sống vật chất là do những tiến bộ về khoa học kỹ thuật mà thôi; còn làm cho tốt đẹp hơn về tinh thần, về tâm hồn, thì chưa ai làm được nhiều. Chỉ có Mỹ. Theo tôi, Mỹ nó đã làm được một phần.
Nguyễn Đức Tùng:
Ở Canada, tôi nhận thấy một điều đặc biệt, có vẻ khó hiểu, là những người thầy giỏi nhất của tôi ở trường đại học Y khoa, không phải là tất cả, nhưng một phần lớn, đều thiên tả và khá ngây thơ về các vấn đề ngoài y khoa. Họ quá nặng về lý thuyết và đến nay, sau sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, vẫn còn đi trên mây. Nhiều người vẫn còn tin rằng sống ở Cuba thì cũng tương tự như sống ở Canada. Trong khi cổ vũ cho các khái niệm có tính nhân loại, như bình đẳng, tự do, thì họ lại tin rằng người dân Trung Hoa đang có đủ thứ quyền như họ. Vì vậy tôi hiểu được phần nào tình cảm và suy nghĩ của thế hệ anh những năm sáu mươi ở miền Nam tự do, một thế hệ trí thức đẹp, nhưng có nhiều người không tưởng, viễn mơ.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi có một bài thơ, trong đó có câu
Vẽ tôi một nửa mặt người
Nửa kia mê muội của thời hoang sơ
Vẽ tôi một nét môi cười
Một dòng nước mắt một đời phù du
Nguyễn Đức Tùng:
Anh sinh ra trước 1954, nhưng lớn lên, đi học và đi dạy ở miền Nam. Ở Huế thời ấy anh có một vị trí tốt đẹp, được kính mến. Như thế người dân và chính quyền Huế có lẽ đối với anh đã có một thái độ ít nhất là không đến nỗi tệ lắm. Nhưng về phía anh thì anh nghĩ sao vế chế độ Việt Nam Cộng hòa? Anh có căm ghét nó không? Anh có những kinh nghiệm tốt hay xấu nào đối với miền Nam tự do?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Về mặt lý trí, tôi nhìn chế độ Việt Nam Cộng hòa qua hình ảnh người bạn thân của tôi là Chủ tịch Tổng hội sinh viên Lê Hữu Bôi bị giết trong vụ Mậu Thân.
Vì hắn là chủ tịch sinh viên nên tôi phải tìm cách để đánh đổ hắn. Nhưng về mặt tình cảm, thì cá nhân tôi không có chi ghét hắn. Hắn là người đi tu.
Trong chế độ Đệ nhị Cộng hòa thì tôi không bị ai bắt cả mặc dù tôi hoạt động trong phong trào sinh viên.
Nguyễn Đức Tùng:
Anh chưa từng bị bắt?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Có một lần. Dưới thời Đệ nhất Cộng hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm, tôi bị bắt trong kế hoạch Nước Lũ, của ông Ngô Đình Nhu, tháng 8 năm 1963. Một người bạn của tôi dạy ở đại học Y khoa Huế, trước đó có dạy ở Đại học Minh Đức, phải bán một phần tài sản đi để chuộc cho tôi ra.
Những người cực đoan, đòi chống cộng tới cùng, thường đồng hóa tôi với cộng sản. Nhưng tôi không phải như thế.
Không nên buộc tội tôi như vậy.
Nguyễn Đức Tùng:
Anh được mọi người biết đến vì nhiều lý do, nhưng trước hết vì anh là một nhà thơ và một nhà văn viết bút ký tài ba. Anh cũng là nhà báo, đã từng chủ trương tờ Cửa Việt, đóng góp rất nhiều cho tờ Sông Hương. Anh nghĩ sao về nền văn học Việt Nam hiện nay?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Trước khi chúng ta trở lại nói chuyện về văn học nghệ thuật, tôi nhờ anh tóm tắt lại cho tôi ba điều với những độc giả sau này đọc bài nói chuyện của chúng ta hôm nay.
Nguyễn Đức Tùng:
Thưa anh, đó là ba điều gì?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Thứ nhất là tôi không liên quan gì đến vụ Mậu Thân. Thứ hai, tôi rất mong muốn có một chính phủ hòa giải dân tộc. Trước đây tôi đã nghĩ như thế mà bây giờ tôi vẫn nghĩ như thế. Chính phủ hiện nay không phải là chính phủ hòa giải dân tộc, mà là chính phủ của thể chế cộng sản. Thứ ba, tôi không liên quan gì đến Đảng Cộng sản hiện nay cả. Họ không làm được những điều mà tôi mong ước ở họ. Họ không làm được những gì cho dân tộc như thời trẻ lúc đi kháng chiến chống Mỹ tôi đã từng kỳ vọng ở họ.
Nguyễn Đức Tùng:
Đó là những kỳ vọng nào?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Có hai vấn nạn, một là vấn đề dân chủ, hai là vấn đề tham nhũng. Họ chưa làm được việc nào trong hai việc đó.
Nguyễn Đức Tùng:
Chủ nghĩa Marx không thừa nhận khái niệm dân chủ như nhiều người hiện nay đang nghĩ, và tôi tuyệt nhiên không nhìn ra được cách nào để một nhà nước xã hội chủ nghĩa có thể chia sẻ quyền lực cho những thành phần đối lập, và cho những giai cấp khác, mà không vi phạm nguyên tắc căn bản của chính họ, đó là chuyên chính vô sản.
Dĩ nhiên là chúng ta đang nói về lý thuyết.
Nhưng còn tham nhũng thì sao? Chính phủ hiện nay hình như đang rất có quyết tâm chống tham nhũng? Anh có tin rằng với thời gian mọi việc sẽ khá lên không?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đảng không thể diệt được tham nhũng. Tôi đã suy nghĩ về vấn đề này sâu xa, và kết luận rằng Đảng không thể diệt được tham nhũng trong khi nó đang cầm quyền.
Nguyễn Đức Tùng:
Anh thường nhắc đến khái niệm hòa hợp, hòa giải dân tộc. Ngày nay khái niệm này có còn giá trị nữa không?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Từ khi rời thành phố đi theo cách mạng, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến nay, lúc nào tôi cũng chủ trương như vậy. Khái niệm đó không những vẫn còn giá trị mà mỗi ngày mỗi trở nên cần thiết hơn. Ngày trước nhờ có chính sách này mà Đảng Cộng sản đã đoàn kết được dân tộc.
Nguyễn Đức Tùng:
Theo anh muốn hòa giải hòa hợp thực sự thì phải làm thế nào? Nhiều người nay không còn tin vào chuyện ấy nữa đâu.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đánh giá lại lịch sử, quên đi quá khứ đắng cay thù hận, cần thực sự tôn trọng và thương yêu nhau.
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi nghĩ rằng đối với vấn đề hòa hợp dân tộc, tinh thần căn bản là tha thứ. Ở Huế, khắp ngã đường có chùa, mỗi cánh cổng một lời kinh, đó là chìa khóa vàng của khái niệm hòa hợp. Nhưng tha thứ không có nghĩa là quên lãng. Trái lại, đó là hiểu biết, tức là nhận ra sự thật từ hai phía, là không bôi xóa lịch sử.
Mỗi người cần suy nghiệm về sự thật, lầm lỗi, về quá khứ riêng chung, đánh giá đi đánh giá lại mỗi ngày, đặt mình vào vị trí của người khác trong “hai mươi năm nội chiến từng ngày”, cần nắm được sự thật trong tay trước khi có đủ tư cách để tha thứ cho người khác hay tự tha thứ cho mình.
Một dân tộc phải có trình độ văn hoá rất cao mới đủ khả năng làm điều này.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi lúc nào cũng thực tâm nghĩ đến việc những người ở các phe phái khác nhau cùng ngồi lại. Trong thời kì chiến tranh, có những xung đột, hận thù thì cũng nên bỏ qua, không nên tiếp tục buộc tội lẫn nhau.
Nguyễn Đức Tùng:
Đã từng là người chủ trương tờ báo Cửa Việt, sau đó bị đóng cửa, anh nghĩ sao về tình hình báo chí ở Việt Nam hiện nay?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tờ Cửa Việt bị đóng cửa vì có người cho rằng nó quá cởi mở và đi chệch hướng, tờ Sông Hương cũng bị chấn chỉnh. Thời đó, cùng với tờ Văn Nghệ ở trung ương, đó là hai tờ báo địa phương đã góp phần tạo nên văn chương đổi mới. Việc đóng cửa tờ Cửa Việt là biểu hiện không tốt về nền tự do báo chí chưa trưởng thành. Tôi nghĩ là chúng ta cần thông cảm hơn với các nhà văn và nhà báo hiện nay. Họ viết rất khổ sở. Kẻ nào cho rằng họ không chịu một sức ép nào cả là không đúng đâu.
Nguyễn Đức Tùng:
Trong văn xuôi, tôi chú ý nhiều hơn đến những bài nhàn đàm có tính chất tiểu luận của anh, viết sau này. Khác với nhiều người, tôi tin là khi hoàn cảnh lịch sử của chúng ta thay đổi, chúng sẽ ở lại lâu dài trong lòng người đọc hơn những bài bút ký về chiến tranh của anh. Anh có một hoặc hai bài rất hay viết về quẻ Dịch, tôi đọc đã lâu nên không nhớ rõ lắm. Đó là bài nói về hai quẻ cuối cùng của Kinh Dịch, Thủy Hỏa Ký Tế và Hỏa Thủy Vị Tế. Tế là vượt qua sông. Ký Tế là đã vượt qua, việc đã thành tựu. Vị Tế là chưa qua sông, chưa thành. Có phải năm 1975, cách mạng và chiến tranh Việt Nam mà anh là một thành phần tích cực trong đó, đã vượt qua sông, đã ký tế?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Qua sông rồi mà vẫn chưa xong. Đó là bài học lớn của Kinh Dịch nói về lẽ trời đất sinh sinh hóa hóa. Vận mệnh thịnh suy, đường thế gập ghềnh, người đi tới cuối cuộc lữ hành, rồi thở phào nhẹ nhõm ở quẻ Ký Tế. Tưởng rằng việc đã xong, nợ đời đã trả, chỉ còn một bước nữa thôi là hoàn tất. Ngờ đâu sau cái bước ấy lại là quẻ Vị Tế, lại phải khởi đầu. Một dòng sông khác lại hiện ra trước mặt.
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi nghĩ rằng “một dòng sông khác lại hiện ra trước mặt” thật ra đã có sẵn từ lúc khởi đầu của cuộc hành trình. Trong bài viết ấy, anh có ý nói về cá nhân hay nói về việc chung?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi muốn nói về cả hai.
Nguyễn Đức Tùng:
Anh chính thức gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1987. Hiện nay anh có phải là đảng viên không?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi đã thôi sinh hoạt đảng ba năm sau đó.
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Nhưng anh ấy cũng không có giấy tờ gì chính thức.
Nguyễn Đức Tùng:
Chị Lâm Thị Mỹ Dạ vừa mới kể với tôi rằng lúc đó có người bạn của anh than phiền trong lúc người ta tìm cách xin ra khỏi đảng thì anh lại tìm cách xin vào.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi muốn chứng minh rằng tôi trung thành với niềm tin thời tuổi trẻ, và với lý tưởng cộng sản của tôi.
Nguyễn Đức Tùng:
Trong bài thơ tặng Irina Zisman, anh viết:
Đùa thôi nhé, thiên đường mộng ảo
Thế giới vỡ tan ngoài chân mây
Anh muốn nói số phận của chính mình?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi vừa nói về lý tưởng của tôi thời trẻ tuổi, lý tưởng mà chủ nghĩa Marx đã mang lại, nhưng tôi cũng muốn nói về giấc mơ chung của con người. Ai mà không có ước mơ của mình, khi về già như tôi đây thì thấy bao nhiêu điều không phải như mình nghĩ, mà lúc còn trẻ thì cứ khẳng định một trăm phần trăm là đúng, mới nghiệm ra rằng cuộc đời nửa hư nửa thực.
Nguyễn Đức Tùng:
Tôi vừa được đọc trọn vẹn tuyển tập bốn cuốn của anh do nhà xuất bản Trẻ (2002) in rất đẹp, đóng bìa cứng. Tập 1 là tùy bút và tiểu luận mà anh gọi là nhàn đàm, tập 2 và tập 3 là bút ký, tập 4 là thơ. Nhiều trang viết đẹp như mơ nhưng cũng có nhiều chi tiết trong bút ký mà tôi cảm thấy nghi ngờ và rất mong được gặp tác giả tận mặt để trao đổi lại sau này.
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Tuyển tập ấy nhờ có anh Trần Thức là người rất hăng hái tuyển chọn, tập hợp bài vở, vận động mới được.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi cũng rất mong có dịp trao đổi với độc giả và với các nhà phê bình như anh Nguyễn Đức Tùng. Văn học chúng ta ít có cơ hội để tác giả được dịp thảo luận trực tiếp với nhà phê bình như thế này, về những vấn đề xã hội và văn chương mà tôi đoán rằng mọi người đều quan tâm.
Nguyễn Đức Tùng:
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong vài người viết bút ký và tùy bút hay nhất nước, có thể đặt tên anh bên cạnh Nguyễn Tuân, Võ Phiến, Vũ Bằng, Phan Nhật Nam không chút do dự. Nhưng viết bút ký là một trò chơi có phần nguy hiểm: Nó chính là sự thật hay chỉ là hư cấu của tác giả? Bao nhiêu phần trăm là sự thật, bao nhiêu là tưởng tượng? Trách nhiệm làm chứng của nhà văn là ở đâu?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Nhiều người cũng cho rằng ký chỉ là hình thức phóng sự, ghi chép, nhưng tôi cho rằng ký có thể trở thành một loại hình văn học có tính sáng tạo, cũng như truyện ngắn, tiểu thuyết. Vì vậy tôi đã dành nhiều thời gian cho ký và may mắn được nhiều anh em lấy làm thích và khuyến khích. Nếu ký là văn học thì phải nhìn nó như một tác phẩm sáng tạo văn học.
Nguyễn Đức Tùng:
Nghĩa là các sự kiện trong đó không thể tin cậy như các tài liệu lịch sử?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Rất khó trả lời câu hỏi của anh. Nhưng tôi cho rằng đọc văn chương, không thể hoàn toàn như đọc các tài liệu khoa học được, vì ký cũng là một thể loại văn học.
Nguyễn Đức Tùng:
Về thời gian, anh chỉ viết nhiều trong khoảng từ 1975 đến 1990.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Anh nói đúng. Đó là thời kỳ tôi dành nhiều thời gian hơn cả cho việc viết. Trước đó thì bận nhiều công việc, cũng chưa đủ thời gian tích lũy.
Nguyễn Đức Tùng:
Xa Huế, xa nhà, anh có nhớ bạn bè, học sinh, nhớ Tuyệt tình cốc, nhớ ngôi trường Quốc học hay mối tình nào đó của anh không?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
(Cười) Nhớ chứ. Nhưng tôi là người hoạt động nên cũng phải nén lòng mình xuống.
Nguyễn Đức Tùng:
Trong cuốn sách Trịnh Công Sơn và cây đàn lya của Hoàng tử Bé anh mới viết gần đây (2004), anh có kể rằng anh và Trịnh Công Sơn cùng học một lớp ở trường tiểu học, sau đó hai người vẫn còn gặp nhau nhiều lần nữa như hai người bạn. Thời kỳ anh ở thành phố, chưa vào bưng, thời kỳ Trịnh Công Sơn đệm đàn cho Khánh Ly hát trên sân trường đại học miền Nam, có sợi tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ nhoi, và cả thời kỳ sau 1975.
Tình bạn của anh và tác giả Ru ta ngậm ngùi, có cay đắng, có thăng trầm lắm không?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi lúc nào cũng coi Trịnh Công Sơn là người bạn thân. Mỗi người quyết định đi một con đường riêng, có lúc tưởng không bao giờ gặp nhau được nữa, nhưng rồi cũng lại gặp nhau. Quá khứ là tài sản quý báu của một đời người, cái còn lại sau cùng không bao giờ thay đổi.
Nguyễn Đức Tùng:
Cũng trong cuốn sách ấy, anh có viết rằng một nền nghệ thuật đánh rơi mất nỗi cô đơn của phận người chưa phải là một nền nghệ thuật hoàn hảo.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đó là tôi viết về âm nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng suy nghĩ ấy cũng có tính cách tổng quát đối với cả nền văn học nước ta, nhất là dòng văn học cách mạng.
Nguyễn Đức Tùng:
Thời gian đi vào rừng, anh cho là đẹp. Còn thời gian trước đó, lúc anh đi học và đi dạy ở miền Nam thuộc Việt Nam Cộng Hòa, có phải cũng là một trong những thời kỳ đẹp nhất của anh không?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đối với tôi, đó là thời kỳ rất đẹp, đáng nhớ, đáng quý.
Nguyễn Đức Tùng:
Khi trở về A Sao, anh viết:
Chợt giật mình những tháng năm lơ đãng
Anh biết đâu em khóc em cười
Trở về chiến khu nơi anh sống những ngày hào hùng, lòng anh có vui không, trong khi thơ anh lại có vẻ buồn?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Đúng là nửa vui nửa buồn. Mất mát của chiến tranh. Mất mát một phần đời mình cho nó. Cái được cũng bằng cái mất. Trong ký tôi cũng có viết về mảnh đất A Sao.
Nguyễn Đức Tùng:
Trong thể ký và tùy bút, anh quan tâm đến nhiều vấn đề, thay đổi rất nhiều văn phong, ví dụ viết về Huế thì nồng nàn sâu lắng, viết về bóng đá thì triết lý, viết về công nương Diana bạc mệnh thì thanh khiết. Anh lấy đâu ra những kiến thức như thế? Anh có lời khuyên nào đối với các nhà văn mới viết?
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Tôi là người mê đọc sách từ nhỏ. Chương trình Đại học Sư phạm và Đại học Văn khoa của miền Nam trước đây dạy tôi nhiều điều, rồi sau này vừa đi vừa đọc vừa tìm hiểu. Những nhà văn trẻ hiện nay có nhiều người cũng đọc, nhưng đa số hình như ít đọc hơn thời trước. Đó là điều đáng tiếc.
Nguyễn Đức Tùng:
Thưa chị Lâm Thị Mỹ Dạ, là một nhà thơ nổi tiếng, lại là người bạn đời của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, chị có thể nói vài lời được chăng?
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Hôm nay xin dành cho anh Tường, chúng mình sẽ có dịp khác. Nếu nói về anh Tường thì tôi xin nói rằng tôi đã sống nhiều năm với anh ấy và hiểu rất rõ. Đó là một người tốt nhưng chỉ quan tâm tới công việc, mà không quan tâm gì tới vợ con.
Như một người đàn bà, tôi sống với anh ấy rất là khổ.
Nguyễn Đức Tùng:
Xin chị nói thêm về bản thân mình.
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Tôi quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Cha tôi vào Nam trước năm 1954, mẹ tôi lọt lại một mình ở lại nuôi con. Chúng tôi có hai đứa con gái, một cháu là Hoàng Dạ Thi đã lấy chồng được qua định cư ở Mỹ, bây giờ chỉ còn hai vợ chồng ở với nhau. Mọi việc gì đều nhờ đến tay bạn bè thân thiết của anh Tường.
Nguyễn Đức Tùng:
Chị đã từng viết:
Cuộc đời em đơn thân đến nỗi
Chưa bao giờ em tựa vào anh
Và vì thế em âm thầm sống
Tựa vào chính mình trĩu nặng, đớn đau
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Mình biết làm sao được, vui ít, buồn nhiều. Cái an ủi lớn nhất của mình là anh Tường rất thành thật, tính hồn nhiên nhiều khi như trẻ con. Có lần đi uống rượu gặp một cô tiếp viên nhà hàng, cô ấy than thở với anh là không có tiền nuôi mẹ phải bỏ quê lên tỉnh đi làm nghề không xứng đáng. Anh ấy liền cởi cái đồng hồ quý được một người bạn tặng đem cho cô ta. Mấy người bạn phải năn nỉ bà chủ quán để lấy lại, nhưng anh ấy nhất định không chịu, nói là đã cho rồi thì không lấy lại nữa.
Nguyễn Đức Tùng:
Có một người đàn ông như thế thì ít ra có thể lấy làm an ủi rằng sự hy sinh của chị cũng có phần xứng đáng, không đến nỗi phí hoài.
Nước mắt lặn vào trong cho anh thấy nụ cười
Bệnh tật lo toan giấu vào đêm trắng
Giữa tháng ngày trĩu nặng
Em đứng thẳng người
Cho anh tựa vào em.
Lâm Thị Mỹ Dạ:
Chăm sóc anh Tường trong những ngày ngã bệnh là nhờ sự giúp đỡ và thuốc men, công lao rất lớn của bè bạn khắp nơi, chứ một mình tôi cũng không làm gì được. Bây giờ anh ấy đã từ từ hồi phục một phần, viết được trở lại. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của mình đến tất cả những người bạn chung của hai chúng tôi.
Nguyễn Đức Tùng:
Một hôm về Sài Gòn, buổi chiều tối tìm đến quán cà phê gần Đại học Vạn Hạnh trên đường Trương Minh Giảng vì nhớ Hoàng Thị Hạnh, người nữ sinh viên tóc xõa ngang vai năm cũ, tôi tình cờ được nghe một ca khúc phổ nhạc thơ anh. Bài hát bồi hồi xúc động.
Có buổi chiều nào như chiều xưa
Anh về trên cát nóng
Đường dài vành môi khát bỏng
Em đến dịu dàng như một cơn mưa
Vết thương nào cố che khuất cũng sẽ bị nhiễm trùng, cần mở chúng ra, rửa sạch, khâu vá lại, rồi cùng nhau vượt qua phiền não, đó là mới thật sự là khởi đầu của hàn gắn. Tôi tin vào sự cứu chuộc của tình yêu và tha thứ.
Những câu thơ có thể anh đã viết riêng cho chị Mỹ Dạ. Mà người viết khi đọc lại cũng còn hạnh phúc.
Hoàng Phủ Ngọc Tường:
Cám ơn anh đã nhớ những câu thơ của tôi. Điều đó làm tôi thật cảm động.
Nguyễn Đức Tùng:
Xin cảm ơn và chúc anh chị sức khỏe, bình an.
***
Hoàng Phủ Ngọc Tường
qua nét vẽ Đinh Quang Tỉnh
Từ A đến Z với Hoàng Phủ Ngọc Tường
Thứ Năm, 16/04/2015
...Anh thấy sự nổi tiếng có gì đáng vui và đáng buồn không?
- Cả hai. Đáng vui là có nhiều người hy vọng về mình, đáng buồn là mình bị buộc phải sống như một huyền thoại!
Đến World Cup 2002 này, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường bị bạo bệnh tai biến mạch máu não vừa tròn 4 năm. Dù viết và nói rất khó khăn, nhưng trí cảm của anh vẫn minh nhậy lắm. Từ Hà Nội, tôi gửi tới anh 24 câu hỏi từ A đến Z, và anh đã vui vẻ trả lời bằng cách đọc cho vợ và mẹ vợ ghi lại. Dưới đây là cuộc trò chuyện (gián tiếp) giữa tôi và anh.
- Thú thật tôi rất sợ sự nổi tiếng, vì nó dễ làm cho người ta tự mình nhầm lẫn với "hư danh". Tôi không phải là "người nổi tiếng từ A đến Z" như anh đã ban cho. Tôi chỉ là người cắm cúi viết từ trẻ đến giờ. Vì thế tôi đã chẳng nhận một "gánh nặng" của ai trao lại cả. Tôi thích thì viết, thế thôi.
B. Bên cạnh nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Con người nào được anh coi trọng hơn?
- Tôi thích danh nghĩa "nhà thơ" hơn, vì nhà thơ cần có cảm hứng, mà cảm hứng thì là một ngón tay lượm được cả trời. Chẳng thế mà Kant chỉ xếp hạng nhà thơ vào phạm trù "thiên tài", còn nhà văn thì không. Ở văn xuôi chỉ có sự lao động cần cù.
C. Cái tên Hoàng Phủ Ngọc Tường hơi bị hay nhưng cũng hơi bị... dài. Tại sao lại không phải là Hoàng Ngọc Tường? Chữ "Phủ" ở đây mang ý nghĩa gì?
- Xin anh hỏi bố tôi, vì chính ông là người đặt tên cho tôi. Khi tôi cầm bút thì cái tên đã có. Tôi không có bút danh theo yêu cầu của tổ chức nghĩa quân thời ấy. Trước khi viết tôi hoạt động xã hội. Còn chữ "Phủ" có nghĩa là "chỗ chứa sách vở hay tiền bạc" gì đấy.
D. Dường như anh ham văn chương từ nhỏ, nhưng lý do gì khiến anh đã chọn văn chương ngoài sự ham thích nó?
- Như đã nói, trước khi theo nghề văn, tôi đã là một người nghĩa quân. Chả ai chọn nghề ấy cả vì nó không đem lại sự bảo đảm tính mệnh cho một người khởi nghĩa.
Đ. Đang là giáo viên được coi như một thần tượng của học sinh, sinh viên Huế, anh lại bỏ nghề dạy học để lên rừng kháng chiến. Điều gì đã dẫn anh tới quyết định thay đổi ấy? Và anh đã "ra đi" như thế nào?
- Tôi đã ra đi theo "thân pháp" của nghề trên, nghĩa là len lỏi qua vòng vây của địch để tìm đến với tổ chức của mình.
E. "Em" nào làm nên tiếng sét ái tình đầu tiên trong đời anh? "Típ" người phụ nữ mà anh yêu thích?
- "Em" nào thì tôi xin được phong kín vì tôi chưa hỏi ý kiến xem "người ta" có đồng ý để cho tôi nhắc đến tên không. Chỉ có thể chắc chắn rằng, hiện giờ "em" đang định cư ở hải ngoại.
G. "Ghen tuông thì cũng người ta thường tình". Nguyễn Du thác lời Hoạn Thư thế đấy. Còn anh?
- Tôi cũng giống thế!
H. Hai vợ chồng anh đều là nhà văn nhà thơ nổi tiếng, lại thêm cô con gái út cũng từng đoạt giải văn chương. Một gia đình như thế thật là hạnh phúc?
- Nếu một nhà như thế thì chưa chắc đã được hạnh phúc - kinh nghiệm cho tôi thấy như vậy. Nghề viết cần đến sự hy sinh của người thân, thử hỏi có công bằng không? Nếu một cộng đồng dám chấp nhận sự bất công thì lấy đâu ra hạnh phúc.
I. In được tác phẩm đấy là niềm vui của người viết. Anh đã cho xuất bản 12 cuốn sách, và hiện giờ người ta đã xuất bản tuyển tập của đời anh. Lần in nào làm anh vui sướng nhất? Vì sao?
- Thường thì lần in thứ nhất làm người ta vui sướng nhất. Trường hợp tôi thì không. Vì nhà xuất bản Giải phóng ở quá xa, nên khi quyển "Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu" đến tay tôi thì những bài bút ký khác đã in ở báo và tạp chí, và tôi đã nhận được thông tin. Lần in vui sướng nhất đến với tôi chính là lần này. Lý do: Tôi đã vào tuyển tập (coi như giang hồ gác kiếm), tôi vẫn giữ được nhân cách người cầm bút.
K. Kỷ niệm sâu sắc của anh khi nhận giải thưởng văn chương (với 2 tác phẩm: "Rất nhiều ánh lửa" và "Ngọn núi ảo ảnh"). Quan niệm của anh về giải thưởng?
- Tôi cho rằng đối với tác phẩm văn học, thì giải thưởng không nên chỉ để vui lòng người khác, mà phải khẳng định cho được một giá trị văn học. Với tôi, giải thưởng cho tác phẩm "Rất nhiều ánh lửa" (của Ban sáng tác Hội Nhà văn Việt ) để lại kỷ niệm sâu sắc nhất, vì là mới mẻ, và về nguyên tắc thì ban giám khảo chỉ chọn một. Càng về sau càng trở nên bình thường. Tác giả được giải thưởng cũng không lấy gì làm sung sướng ngoài sự nhận được một chút tiền. Sự mới mẻ ban đầu đã không còn nữa, và sự khen thưởng cũng có tính chất tùy tiện, khiến nhiều độc giả cảm thấy bực mình.
L. Là một nhà văn từng viết lời bình cho các phim "Nguyễn Trãi ở Côn Sơn", "Chìm nổi sông Hương"... lại còn xuất hiện trong phim "Việt Nam thiên lịch sử truyền hình" của hãng BBC như là một nhân vật được chọn mời, anh nghĩ gì về điện ảnh và điện ảnh Việt Nam?
- Anh đã hỏi đúng vấn đề tôi đang suy nghĩ. Quả thực tôi dính líu rất nhiều với điện ảnh. Nhưng cũng chỉ ở mức độ "dính líu" thôi. Với tôi, kịch bản điện ảnh là một tác phẩm văn học được nhiều người xem nhất, vì thế sự khen chê của khán giả cũng đồng thời là cách phê bình trung thực nhất. Với tôi, điện ảnh cốt nhất là ở khâu kịch bản. Xin hãy thông cảm với "tâm lý nghề nghiệp" của tôi, nhưng dù sao cũng có một chút sự thật ở trong ấy. Còn điện ảnh Việt Nam theo tôi, đáng ngợi ca nhất là vào những năm kháng chiến chống Mỹ. Hồi ấy, hình như điện ảnh có giá trị thức tỉnh nhiều hơn. Hồi ấy hình như chỉ toàn phim đen trắng, nhưng tôi có cảm tưởng các nhà làm phim tôn trọng sự thật hơn, và hình như đều tâm huyết để nói lên sự thật. Còn hiện nay, xin tha lỗi cho vì thói bi quan và điếc không sợ súng, tôi thấy hình như đối diện với một cuộc sống rất thật, chúng ta lại có một nền điện ảnh rất giả. Xin lỗi các diễn viên một lần nữa, cho phép tôi nói thẳng.
M. Muốn thành một nhà văn lớn có cần phải làm một nhà báo nữa không? Hình như anh đã mấy lần làm tổng biên tập báo, nó có chi phối công việc sáng tác của anh không?
- Tôi nghĩ rằng, nói chung trên đời này chẳng có gì là cần thiết cả, kể cả sự hiện hữu của mỗi chúng ta. Nhưng có nghề làm báo song song với nghề văn, thì vẫn hơn, trong viễn tượng là nó không nêu những vấn đề ở góc độ trái với văn học, sau nữa là nó đem lại nhuận bút nhanh hơn văn.
N. "Nhàn đàm" là một chuyên mục của báo Thanh Niên do anh phụ trách rất được bạn đọc ưa thích. Anh có thể "nhàn đàm" một chút sau khi 3 tập sách nhàn đàm của anh đã được xuất bản?
- Cảm ơn anh đã nhắc đến "nhàn đàm" sau khi 3 quyển sách của tôi đã xuất bản, tôi có thể kết luận rằng, "nhàn đàm" cũng là một thể loại văn học, nó là một loại bút ký cực ngắn, và chỉ triển khai một vấn đề. Tuy nhiên chúng ta không nên lạm dụng nó. Hễ đã lạm dụng thì vitamin B12 cũng trở thành có hại!
Ô. "Ông Tường đi nói rồi" - đấy là câu trả lời vui của "mệ ngoại" với khách khi anh vắng nhà. Giữa nói và viết có gì khác nhau?
- Có khác nhau: Viết là viết mà nói là nói. Nhưng viết mà đọc lên nghe trôi chảy như nói thì đấy là thi pháp đáng mong muốn, không phải dễ mà có.
P. Phải nói rằng, tôi rất ấn tượng 3 chữ về anh: Nói - Viết - Uống (rượu). Từ ngày anh bị bạo bệnh, những cuộc chơi của bạn bè thiếu đi một tay chơi hùng biện. Vậy hiện nay anh chơi với bạn bằng cách nào?
- Hiện nay tôi vẫn giao lưu với bạn bằng lời nói và bằng nước suối. "Quân tử chi giao đạm nhược thủy" đó mà.
Q. Qua nhiều chặng cuộc đời, nghe nói anh từng được tiếp xúc với 12 nguyên thủ quốc gia? Cuộc tiếp xúc với nguyên thủ nào anh ghi nhớ nhất?
- Nó chẳng có gì đặc biệt cả, nên tôi cũng đã quên. Cái tạng của tôi là nhớ những chuyện "thương hải" của cuộc đời, và không phải là các vị nguyên thủ.
R. Rất nhiều phụ nữ hâm mộ anh. Anh nhận xét gì về phụ nữ miền Bắc, miền Trung, miền Nam ?
- Tôi không sâu sắc gì điều ấy. Chỉ nhớ rằng, những người phụ nữ đã sinh đẻ ra dân tộc này. Hồi Cách mạng tháng Tám (1945), dân ta chỉ mới có 25 triệu. Tôi biết ơn phụ nữ Việt ở chỗ ấy, Bắc, Trung, Nam gì cũng thế.
S. Sâu kín trong tình cảm của anh về 2 cô con gái rượu là gì vậy? Nếu một trong 2 cô ấy là con trai thì tình cảm của anh sẽ có gì khác không?
- Tôi rất thương yêu những đứa con gái của tôi, trước hết bởi nó là "con gái". "Phận gái chữ tòng" mà. Nói một cách bài bản là: Không có gì khác cả. Còn nói thực thì tôi chưa rõ, vì chưa có con trai.
T. Trịnh Công Sơn là người được anh ưu ái bằng những trang viết thật diệu vợi. Có phải đấy là sự đồng điệu của hai tâm hồn đầy ắp tâm thức Huế?
- Tôi không rõ. Nhưng tôi công nhận rằng, Trịnh Công Sơn có nhiều điều đáng viết. Theo tôi, đó là một nghệ sĩ có tầm vóc thế kỷ.
U. Uống rượu với bạn là một thú vui của anh. Bây giờ không uống rượu được nữa, anh có nhớ rượu không? Quan niệm về rượu của anh?
- Bây giờ tôi rất nhớ rượu, cũng như người khác nhớ thuốc lào. Rượu có khía cạnh văn hóa của nó, các cụ nói rằng, rượu làm "tiêu sầu" (như với Cao Bá Quát). Tại sao anh Tạo lại hỏi tôi nhiều về rượu, anh cũng mê nó chăng?
V. Vâng, tôi mê rượu như mê tiểu thuyết. Tại sao anh không viết tiểu thuyết? Hình dung của anh về một nền văn học mà không có tiểu thuyết?
- Một nền văn học "bất thành văn" nếu không có tiểu thuyết, nhưng nó có thể thiếu tôi. Còn việc tôi không viết tiểu thuyết, ấy là vì tiểu thuyết dài quá, trong khi tôi muốn rằng cần viết ngắn hơn còn để thì giờ cho người đọc làm việc khác cần hơn.
X. Xa Huế anh có chịu nổi không?
- Tôi không muốn xa Huế, e cũng như con sâu kén không muốn rời xa cái tổ của nó. Tôi cảm thấy rằng ở Huế, tôi vừa sống vừa quên lãng chính mình. Bất cứ ở đâu, nếu người ta "quên" được thì thú vị quá.
Y. Yêu và ghét là một cặp song sinh muôn đời tồn tại. Điều gì anh yêu nhất và điều gì anh ghét nhất?
- Anh nói đúng! Yêu và ghét đều tồn tại cùng một lúc, không thể tách riêng hai mặt của một đồng xu. Nói đúng ra tôi cũng không biết ở đời này tôi yêu cái gì nhất, nhưng tôi biết rất rõ là tôi ghét nhất hai điều: một là sâu róm; hai là thói phản bạn (đồng loại với thói phản bội, thói "bội tình", thói "vong ân bội nghĩa"...).
Z. Ziczăc với nhau cũng đã dài, giờ kiểm lại mình, anh thấy sự nổi tiếng có gì đáng vui và đáng buồn không?
- Cả hai. Đáng vui là có nhiều người hy vọng về mình, đáng buồn là mình bị buộc phải sống như một huyền thoại!
Huế mùa Festival 2002
N.T.T
HPNT qua nét vẽ Trịnh Công Sơn
Nói chuyện với Hoàng Phủ Ngọc Tường về biến cố Mậu Thân ở Huế
(RFI, 12 tháng 7, 1997)
Thụy Khuê: Thưa anh Hoàng Phủ Ngọc Tường, đây là lần đầu tiên anh đến Pháp? Lý do gì đã khiến anh được đi? Xin anh cho biết cảm tưởng của anh.
Hoàng Phủ Ngọc Tường: Đúng là lần đầu tiên tôi tới Pháp. Tôi sang Pháp qua cửa ngõ của nước Đức, ở đấy tôi đã nhận được sự bảo trợ của hiệp hội Schmitz Stiftung để đi dự tuần Việt Nam của tổ chức "Chung Một Thế Giới" ở thành phố Freiberg. Tiếp theo tôi đi dự hội thảo Euro-Việt III tại Amsterdam. Và sau đó tôi sang Pháp chơi. Ấn tượng mạnh nhất của tôi sau gần một tháng lãng du bên Tây là như thế này: Trước mắt tôi là một cuốn sách mà tưởng chừng như tôi đã biết hết mọi cái ở trong đó, nhưng chính lúc này tôi lại đang giở ra những trang đầu. Cuốn sách đó tên gọi là Châu Âu.
TK: Thưa anh, nhân dịp này xin hỏi anh một vài vấn đề liên quan đến biến cố Mậu Thân ở Huế mà từ bao nhiêu năm nay, anh đã bị một số dư luận xem như anh có dính líu vào, hoặc anh là một trong những "thủ phạm" vụ Mậu Thân. Trước hết, xin anh cho biết: Mọi việc thực sự đã xẩy ra như thế nào?
HPNT: Hàng chục năm nay, mỗi năm cứ tới dịp 30 tháng 4, hoặc dịp Tết thì nhiều tờ báo hải ngoại lại đưa tên tôi ra làm con vật tế thần, bằng cách nói đi nói lại, y như thật, rằng tôi là một tên đồ tể Mậu Thân ở Huế. Thực ra thì đó là một sự bịa đặt, mang ý định vu khống hoàn toàn. Sự thực là tôi đã từ giã Huế lên rừng tham gia kháng chiến vào mùa hè năm 1966, và chỉ trở lại Huế sau ngày 26 tháng 3 năm 1975. Như thế nghĩa là trong thời điểm Mậu Thân 1968, tôi không có mặt ở Huế.
Sau năm 1975, ít ra là đã có ba tài liệu sau đây xác nhận rằng tôi không có mặt ở Huế hồi Mậu Thân:
1. Nhiều người hay nhớ lõm bõm bài trả lời phỏng vấn của anh Lê Văn Hảo trên báo Quê Mẹ, xuất bản ở Paris, để buộc tội tôi. Thực ra thì trong bài này, tôi đã đọc kỹ, thấy anh Hảo nói rất đúng rằng, hồi Tết Mậu Thân, cả anh Hảo và tôi đều đang ở trên một vùng núi, cách xa Huế gần 50 cây số, và không hề có chuyện tôi về Huế để giết người.
2. Bài viết của anh Đặng Tiến đăng trên báo Thông Luận, Paris, trong đó Đặng Tiến dẫn chứng nhiều nguồn tư liệu đã công bố ở trong nước, do nhiều nhân vật khác nhau cung cấp, bác bỏ những lời lẽ xảo ngôn lệnh sắc trên báo Thông Luận buộc tội tôi về chuyện giết người ở Huế trong năm Mậu Thân.
3. Trong cuốn Giải Khăn Sô Cho Huế, của Nhã Ca in sau biến cố Mậu Thân, tác giả cũng nói rằng: Phủ (tức là tôi), không về Huế, và nếu có về thì chắc cũng không giết người. Tôi thành thật cảm ơn chị Nhã Ca đã dành cho tôi điều nhìn nhận khách quan rất quan trọng này, dù trong cảnh tượng máu lửa hỗn quan hỗn quân của Huế Mậu Thân.
Đã không có mặt ở Huế thì làm sao tôi -Hoàng Phủ Ngọc Tường- lại có thể làm cái việc ghê gớm gọi là "đồ tể" Mậu Thân ở Huế được?
TK: Như vậy thì anh đã làm gì trong thời gian Tết Mậu Thân? Anh ở đâu? Anh làm những chức vụ gì?
HPNT: Có một tổ chức chính trị của các lực lượng đấu tranh của phong trào Huế ra đời trong bối cảnh xuân Mậu Thân, ấy là Liên Minh Các Lực Lượng Dân Tộc Dân Chủ Và Hòa Bình Thành Phố Huế, do anh Lê Văn Hảo làm Chủ tịch, Hòa Thượng Thích Đôn Hậu và bà Nguyễn Đình Chi làm Phó chủ tịch. Với tư cách Tổng thư ký, tôi luôn luôn có mặt bên cạnh các vị kể trên để làm công tác chính trị của Liên Minh, tuyệt nhiên không dính líu gì đến chuyện nhúng tay vào máu ở Huế. Trụ sở chiến dịch của Liên Minh là một địa đạo Trường Sơn, thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, Huế. Trụ sở này, đã được mô tả đầy đủ trên báo Lao Động, ở trong nước cách đây hai tháng.
TK: Nhìn từ phía những dữ kiện lịch sử mà anh nắm bắt được, diễn biến Mậu Thân đã xẩy ra trong một trình tự như thế nào?
HPNT: Huế Mậu Thân đã xẩy ra cách đây gần 30 năm. Sách vở, tài liệu đã được công bố từ nhiều phía của cuộc chiến, khá đầy đủ, có thể làm cơ sở cho những phân tích khoa học để giải phẫu một cuộc chiến mà thật ra, không thể đơn giản tách riêng ra trong biến cố Mậu Thân. Điều quan trọng còn lại tôi xin ngỏ bầy ở đây, với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng.
Nhưng tôi tin rằng đây là một sai lầm có tính cục bộ, từ phía những người lãnh đạo cuộc tấn công Mậu Thân ở Huế, chứ không phải một chính sách toàn cục của cách mạng. Bởi vì tình trạng giết chóc bừa bãi như vậy, đã không xẩy ra ở những địa phương khác trong Mậu Thân, ngay cả trên một địa bàn rộng lớn với tình trạng xen kẽ giữa những lực lượng đối địch rất phức tạp như ở Sài Gòn thời ấy.
TK: Vậy, theo anh, ai trách nhiệm những thảm sát ở Huế?
HPNT: Tôi không đủ thẩm quyền để phán xét bất cứ cá nhân nào. Xin trích dẫn theo trí nhớ một ý tưởng trong hồi ký của chính ông Lê Minh, tư lệnh chiến dịch Huế Mậu Thân: Dù bởi lý do nào đi nữa, thì trách nhiệm vẫn thuộc về những người lãnh đạo mặt trận Mậu Thân, trước hết là trách nhiệm của tôi. Qua bài hồi ký tâm huyết này, đã được công bố trên tạp chí Sông Hương, Huế, và sau đó, nếu tôi không nhớ lầm, đã được dịch và in toàn bộ trên báo Mỹ Newsweek, tác giả, Lê Minh (lúc đó đã nghỉ hưu), còn nhắc nhở rằng, điều quan trọng có thể làm, và phải làm bây giờ, là những người lãnh đạo kế nhiệm ở Huế, phải thi hành chính sách minh oan cho những gia đình nạn nhân Mậu Thân, trả lại công bằng trong sáng và những quyền công dân chính đáng cho thân nhân của họ.
TK: Ngoài ra anh còn "được" hay "bị" là nhân vật của nhiều tiểu thuyết, đặc biệt là Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác. Tường trong tiểu thuyết của Nguyễn Mộng Giác và anh, có chỗ nào giống nhau? Chỗ nào khác nhau?
HPNT: Có lẽ chỉ giống nhau ở cái nốt ruồi ở góc cằm, như Nguyễn Mộng Giác đã lưu ý độc giả vào cuối bộ sách. Ngoài ra thì không nên nói đến một sự giống hoặc khác nhau nào giữa một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết và một con người thực đang sống ở ngoài đời là tôi. Nhưng có điều khác nhau rất quan trọng là: Tôi, Hoàng Phủ Ngọc Tường, thì không có mặt trong Mậu Thân ở Huế như nhân vật trong tiểu thuyết của anh Nguyễn Mộng Giác. Và tôi cũng chưa bao giờ biết làm công việc của một tên chỉ điểm hèn hạ để hại bạn như là cái thằng Tường trong sách của anh Giác.
À mà anh Nguyễn Mộng Giác này, chán chi tên mà tại sao anh lại lấy tên tôi để đặt cho cái nhân vật khốn khổ tội nghiệp của anh, khiến những kẻ độc miệng cứ nhè vào tôi mà vu khống, mà nguyền rủa mãi như vậy? Nếu nhân vật trong Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác mang một cái tên nào khác, thí dụ như Vách, Phên chẳng hạn, chắc chắn là không có gì dính líu tới Tường này cả.
TK: Anh nghĩ sao về Giải Khăn Sô Cho Huế của chị Nhã Ca?
HPNT: Dù có một số sự việc không đúng sự thực, do có hoặc không có dụng ý của tác giả, Giải Khăn Sô Cho Huế đối với tôi, vẫn là một bút ký hay, viết về Huế Mậu Thân; hàng chục năm qua đọc lại, tôi vẫn còn thấy quặn lòng. Chị Nhã Ca làm tôi liên tưởng tới Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh.
TK: Về một lời tuyên bố của anh trong một phóng sự chiếu trên đài truyền hình Mỹ, Anh, Pháp ... mà nhiều người đã dựa vào đó để đả kích anh. Anh đã tuyên bố những lời ấy trong trường hợp như thế nào? Tại sao?
HPNT: Hồi đó, ông Burchett và đoàn làm phim "Việt Nam một thiên lịch sử truyền hình" tới Huế, chọn tôi để chất vấn về chuyện tang tóc của Huế Mậu Thân. Tôi nhớ một cách đại thể, là tôi đã nói về ba thành phần nạn nhân khác nhau: 1) Những người chết do hành động trừng phạt của quân giải phóng dành cho những người thực sự có tội. 2) Những người bị giết oan. 3) Những nạn nhân chết do Mỹ ném bom vào đám đông hoặc quân chính phủ bắn giết trả đũa khi phản kích. Cả ba trường hợp này đều có thực, chết nằm xen kẽ nhau trên các đường phố Huế Mậu Thân.
Lâu rồi, trả lời ứng khẩu thế thôi, tôi không nhớ thật cụ thể những điều đã nói, và cũng không có dịp xem lại nguyên bản phim như nó đã được chiếu ở nước ngoài; nên không biết cuốn phim có tái hiện trung thành những ý tưởng của tôi hay không.
TK: Xin anh một lời kết cho buổi nói chuyện hôm nay. Đối với những người đã "kết tội" anh, anh nghĩ sao? Và nói rộng ra đến tình trạng chung của các sự ước đoán và quy kết.?
HPNT: Xin cám ơn đài RFI và chị Thụy Khuê đã dành cho tôi một cơ hội để tự bạch trước thính giả mà lâu nay, chắc có không ít người đã căm hận tôi, do tin lầm vào những lời vu khống của người khác. Người đời thường tình, dễ nghe, dễ tin, không nói làm gì; ở đây lại là những người cầm bút, là nhà văn, là nhà báo, họ chưa quen biết tôi, và tôi cũng chưa quen biết họ bao giờ. Sao người ta lại cứ mải say mê trong hành động vu khống kẻ khác như vậy. Sự lên án hoặc buộc tội là quyền chọn cách nhìn cuộc chiến, nhưng sự vu khống lại thuộc về nhân cách của người cầm bút.
Tôi đã nói hết sự thật trong một lần. Xin thưa, từ nay đừng bắt tôi phải chịu trách nhiệm những tội lỗi mà tôi không hề đụng tay tới bao giờ, và mọi sự phán xét xin hãy dành cho những kẻ thích tạo dựng tên tuổi bằng cách lấy nhọ nồi bôi vào trán người khác.
Tôi xin chân thành biết ơn sự quan tâm của quý vị thính giả dành cho câu chuyện có phần nào liên quan tới lương tâm và danh dự của tôi, và xin bạn hữu ở khắp bốn phương trời, hãy giữ trọn vẹn lòng tin vào thằng bạn ngày xưa của mình, rằng Tường vẫn là một con người tính bản thiện.
TK: Xin cám ơn anh Hoàng Phủ Ngọc Tường.
© Copyright Thuy Khue 1997
Hoàng Phủ Ngọc Tường giữ trọn nhân cách người cầm bút
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
"Đời tôi, chỉ tiếc là đã không đi được nhiều hơn thế. Tuy nhiên, trong nghề viết, có một điều còn quan trọng hơn cả sự "đi" kia: đó là sự "thấy" và sự "luyện kim" bên trong mỗi chúng ta. Phải đủ sức biến thực tế thành văn hóa rồi mới hy vọng có được văn học. Phần tôi, tới lúc này, tôi đã đủ kinh nghiệm để xây dựng thế giới của mình", nhà văn tâm sự.
- Tóm tắt đời văn của ông, nhạc sĩ Trần Hoàn đã dùng 7 chữ T: có tầm, có tình, có tài, có thực tiễn và trung thực. Ông tự thấy sao?
- Đời viết của tôi, cũng có cái viết xong khiến tôi không hài lòng, nhưng có một điều luôn khiến tôi tự hào, đó là trước sau tôi vẫn giữ được trọn vẹn nhân cách của một người cầm bút. Cốt lõi của nhân cách đó theo tôi không gì khác ngoài sự trung thực trên ý nghĩa phải xây dựng được một thế giới theo ý mình muốn bằng những sự kiện của tâm linh.
- Ông quan niệm thế nào về tính hư cấu trong bút ký?
- Tôi không tin rằng, cái gì đã gọi là văn học mà lại không có hư cấu. Một bút ký giỏi theo tôi phải là một sự hư cấu được ráp lại từ những mảnh thực tế khác nhau như những mảnh vá nhưng không làm lộ mối chỉ và nếp gấp. Bút ký chỉ trọn vẹn khi chứa trong nó cái tầm văn hóa của người viết.
- Vẫn nhận nhuận bút đều ngay cả khi đã nằm trên giường bệnh, tới lúc này, ông thấy sống bằng nghề cầm bút có khó và bạc không?
- Nói đủ sống là khó và cũng là vô cùng. Nó có gì giống như lao động của người nông dân trên cánh đồng từ tháng này qua năm khác. Phải làm việc rất ghê gớm mới mong đủ ăn. Đành phải nghĩ, trên đời này, họa may chỉ có trúng số mới là cách làm giàu mau chóng nhất.
- Nếu chọn giữa hai danh hiệu "cây bút ký" và "nhà Huế học" thì ông chọn cái gì?
- Không bao giờ tôi dám coi mình như một nhà Huế học, bởi điều đó đòi hỏi phải chính xác và trung thực tới 100%. Tôi chọn cái còn lại, bởi tôi thích những cái gì có sự hiện diện của sáng tạo.
- Nếu phải chọn trong nhiều tên sách, tên bài đã đặt để có thể tóm được toàn bộ đời viết của mình, ông sẽ chọn cái tên nào?
- Cho hai mặt khác nhau trong đời viết của mình, tôi chọn 2 cái tên: Người hái phù dung và Rất nhiều ánh lửa.
(Theo Lao Động)
Trái: Nt Nguyễn Trọng Tạo, Nt Trần Dần, Nt Hoàng Phủ Ngọc Tường, ......?......, Nt Phùng Quán , ....???
Nt Lâm Thị Mỹ Dạ & Hoàng Phủ Ngọc Tường
Nv Hoàng Phủ Ngọc Tường & Nt Nguyễn Trọng Tạo
Nv Lê Thị Thấm Vân & Nv Hoàng Phủ Ngọc Tường
Hs Đinh Cường & Nv Hoàng Phủ Ngọc Tường
Huế 1998
Nv Hoàng Phủ Ngọc Tường & Hs Phan Nguyên
Huế 1998
Huế 1998
Thôi em cảm tạ con người
Đau thương đã ghét
giữa đời vắng không
Đêm qua rơi xuống cội lòng
vàng im ngọn lá ngô đồng thiên thu...
Hoàng Phủ Ngọc Tường
Paris 26/07/1997
(ghi trong sổ vàng phòng tranh PN)
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.