Lê Văn Đệ
Tên khai sinh: Lê Văn Đệ
Nghệ danh Celso-Léon Lê văn Đệ
(24/8/1906 Bến Tre - 16/3/1966 Sài Gòn)
Hưởng dương 59 tuổi
Hưởng dương 59 tuổi
Họa sĩ
Đào tạo:
Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương
École Nationale Supérieure des Beaux Arts (Pháp)
Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương
École Nationale Supérieure des Beaux Arts (Pháp)
Trào lưu Tân cổ điển
Tác phẩm:
Bà thầy bói, Trên sân ga Montparnasse, Thiếu nữ điểm trang, Trong gia đình, Thánh mẫu nhân từ, Thánh nữ Madeleine dưới chân thánh giá, Thiếu nữ ngủ ngày
Bà thầy bói, Trên sân ga Montparnasse, Thiếu nữ điểm trang, Trong gia đình, Thánh mẫu nhân từ, Thánh nữ Madeleine dưới chân thánh giá, Thiếu nữ ngủ ngày
Giải thưởng Giải nhì Hội họa của Hội Nghệ sĩ quốc gia Pháp 1933
Giải nhất Hội họa Triển lãm Báo chí Công giáo Thế giới 1936
Ông là thủ khoa khóa I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930 và cũng là Giám đốc đầu tiên của trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (1954-1966). Ông là người chịu trách nhiệm trang trí cho lễ đài tại Quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945.
Thân thế
Họa sĩ Lê Văn Đệ sinh ngày 24 tháng 8 năm 1906, tại Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình khá giả. Cha của ông là ông Lê Quang Hòe, cai tổng Minh Đạt, hàm Tri huyện, xuất thân là một nhà nho và là một nhà Đông y có tiếng. Lê Văn Đệ là người con thứ 10 trong gia đình 13 anh chị em.
Xuất thân từ gia đình Nho giáo. Lúc nhỏ, ông học trường tiểu học ở quê nhà. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, ông được cho lên Sài Gòn, theo học tại trường Trung học Lasan Taberd.
Ông ham thích nghệ thuật hội họa từ nhỏ. Thời học trung học, ông đã được bạn bè ngợi ca về tài vẽ nhanh và đẹp. Mỗi ngày sau khi tan học, ông đến học vẽ với họa sĩ Huỳnh Đình Tựu.
Sau khi đậu bằng Cao đẳng Sơ học (Brevet Élementaire), gia đình khuyến khích ông ra Hà Nội học trường Luật hoặc trường Thuốc như phong trào thời bấy giờ, tuy nhiên ông thể hiện ý nguyện theo học ngành Mỹ thuật. Năm 1925, ông thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École Supérieure des Beaux Arts de l'Indochine) tại Hà Nội và là một trong số 8 học sinh nhập học khóa đầu tiên của trường.[1]
Trong những năm theo học ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ông luôn được xếp vào hạng sinh viên xuất sắc của trường. Năm 1930, ông tốt nghiệp thủ khoa. Sở trường của ông là tranh lụa, tranh sơn dầu và bích họa với khuynh hướng tân cổ điển.
Năm 1931, ông nhận được học bổng của hội SAMPIC[2] sang Pháp theo học trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Pháp (École Nationale Supérieure des Beaux Arts) tại Paris, dưới sự hướng dẫn của giáo sư J.Pierre Laurence về vẽ tranh sơn dầu. Trong thời gian học tại Paris, nhiều tác phẩm của ông đã gây được sự chú ý trong giới nghệ thuật. Năm 1933, ông đoạt được giải nhì cho hội họa do Hội Nghệ sĩ quốc gia Pháp tổ chức với 3 tác phẩm Bà thầy bói, Trên sân ga Montparnasse, Thiếu nữ điểm trang. Tranh ông được chọn triển lãm tại phòng số 1 - một gian phòng dành cho những tài năng xuất sắc chọn từ 5.000 họa sĩ các nước. Có hơn 40 tờ báo Pháp lúc bấy giờ đã đề cập đến tác phẩm của ông (theo Đông Dương tuần báo). Trong cuộc triển lãm Nghệ sĩ quốc gia Pháp năm 1934, Bộ Văn hóa Pháp đã chọn mua ngay một bức tranh "Trong gia đình" của ông để treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Luxembourg.
Với thành tích này, ông được nhận tiếp một học bổng đi tu nghiệp thêm về hội họa tại Roma (Ý) và Athena (Hy Lạp). Năm 1936, ông được Giám mục Celso-Costantins, Thư ký Bộ Truyền giáo Vatican rửa tội với tên thánh Celso-Léon Lê văn Đệ. Cũng trong năm này, tại cuộc Triển lãm Báo chí Công giáo Thế giới (World Catholic Press Exhibition) được tổ chức tại Rome, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của 30 quốc gia trên thế giới, cùng với danh họa Bouleau (Pháp), tác phẩm của Lê Văn Đệ được tặng giải nhất (1st prize). Hai bức bích họa (fresco) tựa là Thánh mẫu nhân từ (Mater amabilis) và Thánh nữ Madeleine dưới chân thánh giá được đưa vào lưu trữ viện Bảo tàng Vatican. Ông được Tòa Thánh La Mã bổ làm họa sĩ cho Tòa Thánh và được mời phụ trách một nhóm 11 kỹ sư và 20 họa sĩ làm nhiệm vụ vẽ, chạm trổ, trang hoàng trong điện Vatican. Công trình do ông chỉ đạo thực hiện đã được báo chí Ý và nhiều nước đánh giá cao.
Năm 1938, ông trở về nước, vừa sáng tác vừa tiếp tục nghiên cứu hội họa dân tộc và các nền hội họa phương Đông. Bức tranh "Thiếu nữ ngủ ngày" của ông là một tác phẩm nổi tiếng thời bấy giờ
Năm 1942, ông quy tụ các họa sĩ tài danh lúc bấy giờ, lập ra nhóm Nghệ thuật An Nam (F.A.R.T.A - Foyer de l'Art Annamites), tổ chức nhiều triển lãm gây tiếng vang lớn, với những tác phẩm đi vào lòng người như: bức tranh lụa "Rèm thưa", "Mẫu Tử"… tại Hội chợ Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế lần I ở vườn Tao Đàn Sài Gòn. Nhiều họa sĩ đàn em của ông cũng sinh hoạt tại đây như Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ông về Sài Gòn sinh hoạt với Trung tâm Nghệ thuật Việt Nam, mà tiền thân chính là Nhóm Nghệ thuật An Nam do ông sáng lập. Ông cũng là người vẽ lại cờ vàng ba sọc đỏ trình lên quốc trưởng Bảo Đại để chọn trong mấy mẫu cờ làm quốc kỳ Quốc gia Việt Nam. Lá cờ này được chính phủ Nguyễn Văn Xuân công bố ngày 2 tháng 6 năm 1948.
Sự nghiệp đào tạo
Với sự thành lập Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1954, ông được chính phủ Việt Nam Cộng hòa bổ làm giám đốc trường cho đến năm 1966 khi ông mất. Trường này đã đào tạo nhiều họa sĩ danh tiếng ở Miền Nam như Lê Thành Nhơn và Đỗ Quang Em.
Ông qua đời ngày 16 tháng 3 năm 1966 tại Sài Gòn. Để vinh danh và tưởng nhớ đóng góp của ông, năm 1973, trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn cho dựng bức tượng chân dung đặt ở sân trường do điêu khắc gia Lê Thành Nhơn thực hiện. Sau năm 1975, bức tượng đã bị dỡ đi, tuy nhiên vẫn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày nay.
Chú thích
1/ Trong đợt thi tuyển đầu tiên này có tất cả 400 người dự tuyển và chỉ lấy tuyển 8 người. Ngoài Lê Văn Đệ, còn có Nguyễn Tường Tam, Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Lê Ang Phan, Công Văn Trung và George Khánh. Trong số này, trừ Nguyễn Tường Tam và Lê Ang Phan bỏ dở việc học, 6 người còn lại đều tốt nghiệp.
2/ SAMPIC - Société d'Amélioration Morale, Intellectuelle et Physique des Indigènes de Cochinchine: Hội Đức Dục, Trí Dục và Thể dục của người bản xứ Nam Kỳ
Tác phẩm tiêu biểu
Tác phẩm “Trưa Hè”
rất nổi tiếng của ông được vẽ năm 1954 tại Hà Nội
Tác phẩm "Thiếu nữ bên cầu ao"
Tác phẩm “Trong Gia Đình” (1934) cũng có bố cục mẹ bồng con nằm võng và thêm nhiều nhân vật, đã triển lãm tại Milan (Ý) và được Bộ Trưởng Thương Mại Pháp Lamoureux mua về để treo tại Viện Bảo Tàng Luxembourg
Tác phẩm "Thánh nữ bồng Thánh trẻ hài nhi"
Tưởng Nhớ Họa Sĩ Lê Văn Đệ (1906-1966)
họa sĩ Đinh Cường
Lê Văn Đệ là Giám Đốc đầu tiên của trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Sau khi trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương thành lập tại Hà Nội năm 1925 dưới quyền Giám Đốc của Victor Tardieu. Trường này hoạt động cho đến năm 1945 thì đóng cửa.
1954, Hiệp định Genève chia đôi đất nước; do đó một số giáo sư và sinh viên di cư vào Nam đã tổ chức một Hội Nghị Tối Cao Toàn Quốc họp tại Gia Định, thỉnh nguyện lên chính phủ thành lập một trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật. Do theo bản thỉnh nguyện ấy, ngày 31 tháng 12 năm 1954, Thủ tướng Chính Phủ đã ký nghị cho phép thiết lập trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định và bắt đầu hoạt động.
Ông là một họa sĩ tài danh, tốt nghiệp thủ khoa khoá I trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dươngvào năm 1930. Khóa I gồm tám sinh viên trong số bốn trăm thí sinh của các xứ Đông Dương thuộc Pháp (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Lào và Campuchia), Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, George Khánh, Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Công Văn Trung, Nguyễn Tường Tam và Lê Ang Phạm. Sau đó, dù chỉ có sáu người theo đuổi đến cùng, còn Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh) và Lê Ang Phan thì bỏ dở không theo học hết khoá.
Lê Văn Đệ sinh ngày 24 tháng 8 năm 1906 tại Mỏ Cày, Bến Tre, trong một gia đình phú hào. Thân sinh là cụ Hàm Tri Huyện Lê Quang Hòe, nguyên cai tổng Minh Đạt (Bến tre). Thân sinh ông vốn là cựu học và là một nhà đông y có tiếng. Gia đình có mười ba người con. Lê văn Đệ thứ mười, nên ở nhà có tên là Dix (Mười).
Học trung học tại trường Taberd, Saigon và đậu bằng Cao Đẳng Sơ Học (Brevet Élementaire), gia đình khuyến khích ra Hà Nội học trường Luật hoặc trường Thuốc, ông đều không thích. Chỉ thích thi vào Mỹ Thuật. Ông có năng khiếu hội họa từ nhỏ. Sau khi rời trường Taberd, mỗi ngày ông đến học vẽ với họa sĩ Huỳnh Đình Tựu.
Sau năm năm học tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương Hà Nội với các giáo sư Victor Tardieu, Joseph Inguivaberty. Ra trường được học bổng của hộâi SAMPIC (Société d'Améloration Morale, Intellectuelle et Physique des Indegènes de Cochinchine: Hội Đức Dục, Trí Dục và Thể Dục của người bản xứ Nam Kỳ) ông tiếp tục theo học trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Pháp (École Nationale Supérieure des Beaux Arts). Đáng lẽ phải vào học lại từ lớp Dự Bị, nhưng nhờ có thư giới thiệu của Victor Tardieu và một số tranh của ông đem theo từ Việt Nam qua nên được nhận vào học vào năm thứ nhất ngay. LạÏi thêm được giáo sư Viện Sĩ Jeans Pierre Laurens (Membre de l'Institut) nhận dạy riêng ở xưởng vẽ về tranh sơn dầu. Nên buổi sáng học ở trường; buổi chiều về lại làm việc ở xưởng vẽ của họa sĩ J.P. Laurens. Ông tiến bộ quá nhanh, nhiều tranh giá trị ra đời lúc này. Gởi tranh dự thi nhiều nơi, được rất nhiều giải thưởng. Lần tiếng tăm vang dội nhiều nhất là đoạt giải nhì cuộc triển lãm lớn do Hội Nghệ Sĩ Quốc Gia Pháp tổ chức tại Paris, ngày 1 tháng 5 năm 1932. Ông đã gởi dự ba (3) bức: "Mụ Thày Bói", "Bến Ga Monparnasse" và "Người Đàn Bà Cài Đầu".
Tranh của ông không nhiều, số lớn nằm trong các sưu tập ở Pháp, ở Ý. Một số chân dung vẽ rất tinh tế (các nhà phê bình thuờng ví nét vẽ chân dung của Lê Văn Đệ với Foujita; nhưng Lê Văn Đệ còn giữ được nét Á Đông hơn) . Các nhân vật trong tòa thánh Vatican như "Chân Dung Đức Giáo Hòang Pie XI", "Chân Dung Đức Hồng Y Verdier", ... một số chân dung các thiếu nữ người Ý, Pháp như "Mỹ Nhân Ở Capri" và "Chân Dung Tự Họa". Một số tranh nghiêng về đề tài tôn giáo như: "Thánh Mẫu Nhân Từ", "Thánh Mẫu Kiểu Á Đông", "Thánh Mẫu Madeleine" là những bức tiêu biểu.
Rất nhiều báo chí trong lúc bấy giờ viết bài khen ngợi ông hết lòng. Bức "Bến Ga Montparnasse" được in vào sách và ông được nhận vào Hội Nghệ Sĩ Quốc Gia Pháp. Là nguời Á Đông đầu tiên vào hội cũng nhờ tài năng và tiếng tăm lừng lẫy đó, người họa sĩ trẻ Việt Nam, lúc ấy hai mươi lăm (25) tuổi, được một học bổng qua La Mã va Hy Lạp khảo sát và nghiên cứu.
Xin được trích sau đây một đọan trong chương "Vào Vatican" trong quyển "Một Nhà Họa Sĩ Ta: Lê Văn Đệ" do Nguyễn văn Hanh viết và xuất bản tại Saigon năm 1939, cũng để đọc lại lối hành văn lúc ấy:
"Năm 1936, Lê Văn Đệ được vào đền Vatican xếp đặt các gian phòng Đông-Pháp và luôn cả Á Châu. Từ Tiểu Á Châu, Thiên Trước, Mã Lai, Xiêm La, Nam Dương quần đảo, Trung Hoa, Nhật Bản đến Úc Châu trong cuộc Đấu Xảo báo chí toàn cầu sẽ mở ra năm ấy.
Lê Văn Đệ chỉ huy kiến trúc, điêu khắc, trang sức, hội họa, gia cụ. Dưới quyền họa sĩ da vàng có một (1) nhà kiến trúc, một (1) nhà điêu khắc, ba (3) họa sĩ, một (1) kỹ sư, năm (5) tay trang sức và hai mươi (20) phu; cả thảy là người mũi cao da trắng!
... Cuộc Đấu Xảo này có trên ba mươi (30) nước dự. Sau ban trị sự định mỗi xứ gửi tài tử mình đến. Pháp sai qua nhà kiến trúc đại danh Hilt, có phần thưởng thành Rome, và nhà đại họa sĩ Bouleau.
Lê Văn Đệ được lãnh công việc trong tòa thánh, còn nhiều tài tử rành nghề lại không có, thật đáng phục tài. Xưa nay các tài tử có phần thưởng thành Rome chỉ mong ước được tòa thánh mướn mà thôi. Biết bao nhiêu người không được đắc vọng! Nay một họa sĩ ta vào được thì biết Lê Văn Đệ có tài quán chúng dường nào! Thầy của Lê Văn Đệ, ông Victor Tardieu, chưa được Vatican giao việc lần nào! Dầu vậy, lúc hay tin học trò mình làm công việc trong Vatican cũng như Raphael, Micheal Angelo, chắc ông cũng tự đắc lắm!
Làm trong Vatican bốn (4) tháng trường, từ chín giờ mai đến mười hai giờ khuya, chỉ xả hơi ba giờ để ăn uống.
Khi làm xong, phần việc Lê Văn Đệ đẹp nhứt. Đáng để ý hết là bức tranh "Thánh Nữ Bồng Thánh Trẻ Hài Nhi" ... Đức Giáo Hòang bằng lòng đến đỗi Ngài cho vào yết kiến và cho hôn nhẫn. Được vào bệ kiến Đức Phalpha không phải dễ. Lại hôn nhẫn, trong đạo, cũng là một danh dự tối trọng ..." (Sách đã dẫn, trang 53)
Sau gần mười năm ở Âu Châu, năm 1939, ông từ Paris về thăm gia đình và ở lại luôn, muốn đóng góp sức mình cho nghệ thuật đất nước. Cùng trong năm trở về này ông đứng ra thành lập hội Hội F.A.R.T.A (Foyer de l'Art Annamites: Nhóm Nghệ Thuật Annam) quy tụ các họa sĩ tài danh lúc bấy giờ như: Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Văn Tị ... Tổ chức triển lãm gây tiếng vang lớn, với nhiều tác phẩm giá trị.
Ngoài bột, màu, sơn dầu. Lê văn Đệ nổi tiếng nhất là lụa, cũng như Nguyễn Phan Chánh, người bạn đồng khóa với ông. Nhưng hai tính chất của hai bực thầy về tranh lụa Việt Nam khác nhau. Tranh Lê Văn Đệ óng chuốt, có tính đài các, quí phái, ngược lại tranh Nguyễn Phan Chánh tạo mặt phẳng dẹt, giữa một gam màu nâu cố hữu, bình dị, mộc mạc, mang đầy âm sắc quê hương. Tranh lụa của hai ông này rất hiếm, khó tìm thấy.
Năm 1942, công chúng yêu nghệ thuật ở miền Nam lần đầu tiên được xem tận mắt bức tranh lụa "Rèm Thưa" của ông tại Hội Chợ Triển Lãm Mỹ Thuật Quốc Tế lần thứ nhất năm 1962, to chức tại vườn Tao Đàn, Sài Gòn. được thưởng lãm bức "Nắng Hè" rất nổi tiếng của ông. Bức tranh lụa này ông vẽ năm 1954 tại Hà Nội. Năm 1959, Sở Văn Hóa Thông Tin Hoa Kỳ đã in trang đầu quyển lịch Tết để tặng bạn đọc. Tấm tranh này làm nhớ lại bức sơn dầu của ông vẽ năm 1934: "Trong Gia Đình" cũng bố cục mẹ bồng con nằm võng và thêm nhiều nhân vật, đã triển lãm tại Milan (Ý) và đã được Bộ Trưởng Thương Mại Pháp Lamoureux mua về để treo tại Viện Bảo Tàng Luxembourg.
Ông là một họa sĩ Á Châu đầu tiên có tranh ở đó. Cùng thời với ông, lúc ấy, tên tuổi họa sĩ Nhật Fujita đã lẫy lừng khắp nơi, cũng chưa có cái vinh dự ấy.
Tưởng nhớ họa sĩ bậc thầy Lê Văn Đệ, mong sao có một quyển sách riêng về ông, cũng như họa sĩ lỗi lạc Nguyễn Gia Trí, hai tên tuổi lớn ở miền Nam, chưa được nghiên cứu và phồ biến nhiều ...
Trong "Các Họa Sĩ Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương" do Nhà Xuất bản Mỹ Thuật Hà Nội in năm 1993. Tác giả Nhuyễn Quang Phòng, đã không công bằng khi nhắc đến các họa sĩ đã từng tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương ở miền Nam. Nhất là hai vị Giám Đốc của hai trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định và Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế: Lê Văn Đệ và Tôn Thất Đào, chỉ nhắc qua vài dòng về Lê Văn Đệ và không thấy in tranh của hai ông. Còn nhiều họa sĩ, giáo sư như: Nguyễn Văn Long, Lưu Đình Khải, Lê Yên, U Văn An ... đều tốt nghiệp ở Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương tuyệt nhiên bị quên lãng ...
Bà Lê Văn Đệ nghe nói hiện cũng đang ở Mỹ, và những họa sĩ trong các khóa đầu tiên tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định do vị thầy khả kính Lê Văn Đệ hướng dẫn hiện sống tại Mỹ, có thể kể: Nữ Họa Sĩ Trương thị Thịnh, Vũ thị Ngà ... ở Bắc California, Nguyễn Thanh Thu, Nguyễn Trung; ở Nam California , Thái Bá (đã về sống tại Huế), Nguyễn Văn Minh (Virginia), Nguyễn Tánh Đệ (Hiếu Đệ) ở Michigan ... và nhiều khóa kế tiếp xuất thân từ "Lò Lê Văn Đệ"rất nổi tiếng hiện nay như: nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn (vừa mất tại Úc ngày 1 tháng mười một năm 2002), Đỗ Quang Em, Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm ... (Việt Nam). Nguyễn Phước (Minesota), Nguyễn Khai, Nguyễn thị Hợp ... (Nam California và nhiều họa sĩ nổi tiếng khác nữa ...
Chúng ta còn giữ được những kỷ niệm gì về Thầy? Tôi không xuất thân từ trường Mỹ Thuật Gia Định, nhưng có hai năm trong hai giai đoạn ngắn học ở đó: năm Dự Bị và năm Sư Phạm . Còn nhớ, năm 1959 vào học lớp Dự Bị, tại dãy nhà sau trại gia binh, giờ trang trí ngồi bàn với Hồ Hữu Thủ, Mai Chững ... Những người vẽ Hình Họa khá, được lên vẽ cùng năm thứ nhất, vào tuần lễ tập vẽ than (fusain). Cuối tuần được thầy Lê Văn Đệ vào sửa bài. Làm Giám Đốc nhưng đích thân dạy lớp căn bản nhất, tôi nhớ mãi. Đó là một người thầy sửa bài hay nhất. Chỉ cần một nét quệt, ngón tay của Thầy vào bài thấy ngay chỗ sai, nét than bay bớt đi, nét nhấn khối đậm thêm, hình vẽ mới được chắc, độ đậm nhạt cũng rõ ràng ...
¨Là một họa sư bậc thầy về tranh lụa Việt Nam. Am hiểu sâu rộng nghệ thuật phương Tây cũng như phương Đông. Luôn để tâm trí và tấm lòng mình trong việc giáo dục , đào tạo lớp môn sinh nối tiếp. Có công lớn sáng lập lại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định, đặt nền móng vững chắc cho Nghệ Thuật Hiện Đại Miền Nam. Có thể mượn lời của nhà viết lịch sử hội họa nghiêm túc là Huỳnh Hữu Uỷ để kết luận:
"Sự đóng góp của ông quả là khá lớn. Đối với thế giới, ông đã làm vẻ vang cho giống nòi, đối với trong nước thì ông đã xây dựng được một đội ngũ nghệ sĩ tài năng để nhân lên mãi cuộc sống phong phú, đa dạng, có gốc gác và rất hiện đại."
Virginia, Tháng Hai, 2003
Đinh Cường
Ghi Chú Thêm:
- Lê Văn Đệ, là một người công giáo thuần thành, từ năm 1939, ông đã được Đức Cha Celso - Costantins, thư ký toà truyền giáo Vatican làm lễ rửa tội, ông có tên thánh là Celso - Léon.
-Những báo và sách có viết về Lê Văn Đệ:
Pháp:
·Le Journal des Débats (29 Avril 1932) bài của Pierrens
·L'oeuvre ( 3 Mai 1932) bài của Tabarrant
·Les Artistes d'Aujourd'hui ( 15 juin 1932) bài của A. Pascal Lévis
·La Revue Moderne Illustrée des Arts et De La Vie (15 Sept. 1932) bài của Clement Morro
·Le Temps ( 29 Avril 1931) bài của Th. Sisson
·Gallaria Pesario - Milano - Esposizione del Pittore Indocenese Le Vande (1934) tác giả: Anselmo Bucci
Việt Nam:
·Báo Đồng Nai số 14 (ngày 1 tháng 9 năm 1932) bài phê bình triển lãm Lê Văn Đệ của Cử Nhân Đoàn Quan Tuấn
·Lục Tỉnh Tân Văn (ngày 19 tháng 10 năm 1934)
·Nam Kỳ Điạ Phận số 1411 (ngày 16 tháng 7 năn 1936)
Sách:
·Nguyễn Văn Hanh: Một Nhà Họa Sĩ Ta: Lê Văn Đệ (xuất bản năm 1939. Saigon)
·Nguyễn Văn Phương: Nghệ Thuật Việt Nam Hiện Đại (Nha Mỹ Thuật Học Vụ Bộ Giáo Dục Việt nam Cộng Hòa ấn hành năm 1962)
·Huỳnh Hữu Uỷ: Địa Chí Văn Hóa TP Hồ Chí Minh (nhà xuất bản TP. HCM.1990)
Giáo Sư Lê Văn Đệ và họa sĩ Trương Thị Thịnh
Giáo Sư Lê Văn Đệ và các sinh viên Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định
QUỐC KỲ QUỐC GIA VIỆT NAM VÀ VIỆT NAM CỘNG HOÀ.
Kế thừa quốc kỳ triều Nguyễn dựa trên quẻ ly, sọc đứt nằm giữa hai sọc liền; thời kỳ Quốc gia Việt Nam đứng đầu là quốc trưởng Bảo Đại và thủ tướng Trần Trọng Kim, đã tiến hành vẽ lại quốc kỳ Việt Nam.
Công việc đó được giao cho hoạ sĩ Lê văn Đệ, một hoạ sĩ trứ danh thời bấy giờ và cũng là người tham gia vào việc dựng lễ đài Ba Đình cho ông Hồ Chí Minh trong dịp 2 tháng 9, 1945. Ông Đệ, xuất thân là gia đình quý tộc trí thức, cha là cai tổng Lê văn Hoè đồng thời cũng là thầy lang có tiếng, gia đình khá giả. Ông học trung cấp ở Saigon, trường dòng danh tiếng thời bấy giờ cho học sinh khá giả, La San Taberd (nay là trường Trần Đại Nghĩa); tốt nghiệp xuất sắc, ông ra Hà Nội thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (École Supérieure des Beaux Arts de l'Indochine) và thuộc 8 sinh viên đầu tiên của trường; tốt nghiệp, Đệ đỗ thủ khoa năm 1930. Vì quá xuất sắc, ông có học bổng du học Pháp ngay sau đó, năm 1933 ông nổi danh trong giới hoạ sĩ tại Pháp khi đoạt giải nhì do Hội nghệ sĩ quốc gia Pháp tổ chức. Tranh của ông treo danh dự ở phòng triển lãm số 1, là phòng duy nhất dành cho những tài năng thời đó trên tổng số 5000 hoạ sĩ. Gần 40 tờ báo Pháp phải nhắc về ông Đệ cùng tranh của ông. Danh tiếng đến mức, Bộ văn hoá Pháp phải mua một bức tranh về treo tại phòng làm việc. Danh tiếng ông Đệ chưa dừng ở Pháp mà lan tận sang Roma, ông có học bổng tiếp tục việc học ở Roma. Ở đây, ông gia nhập hội thánh với tên thánh là Celso-Léon Lê văn Đệ. Cùng năm đó, ông Đệ đoạt giải nhứt cuộc thi Triển lãm Báo chí Công giáo Thế giới (World Catholic Press Exhibition) ngang hàng với danh hoạ Pháp là Bouleau. Ông được toà thánh mời làm hoạ sĩ riêng cho toà thánh, danh dự đó chỉ dành cho 20 người.
Bảy năm sau, ông Đệ về nước, năm 1938. Ông thường xuyên nghiên cứu văn hoá nghệ thuật nước nhà, lập nên nhóm nhóm Nghệ thuật An Nam (F.A.R.T.A - Foyer de l'Art Annamites) để nâng đỡ đám hoạ sĩ đàn em, trong đó có cả Tô ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần văn Cẩn v.v.
Chính quyền Bảo Đại mời ông Đệ vẽ lại quốc kỳ, ông đã sử dụng hai màu căn bản của quốc kỳ trước đó. Tránh không quẻ Ly, ông sử dụng quẻ càn. Dường như ông Đệ đã lồng ghép vào đó nhiều ý nghĩa: Quẻ càn tượng trưng cho trời, đại diện cho người cha, mang ý nghĩa sáng tạo và còn có biểu tượng là cái đầu, hàm ý nhắc đến lý trí; đồng thời, ba nét màu đỏ tượng trưng cho 3 miền; màu sắc vàng-đỏ, ý nghĩa da vàng máu đỏ. Nhưng đồng thời là người Công giáo, ba vạch còn hàm nghĩa Chúa ba ngôi. Quốc kỳ này được Việt Nam Cộng Hoà kế thừa nhưng ba nét liền được làm dầy hơn.
.
Năm 1945, ông Đệ bị quân Việt Minh bắt và phục vụ cho chính quyền ông Minh. Khi đào thoát khỏi miền Bắc, ông vào Saigon và trở thành giám đốc Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn cho đến năm 1966, ông mất. Hoạ sĩ Lê Thành Nhơn tạc tượng ông đặt ở khuôn viên trường năm 1973 để ghi nhớ công lao. Sau 1975, chính quyền gỡ nó mang đi, cùng chung số phận với pho tượng nhà bác học Trương Vĩnh Ký, ngày nay vẫn còn trong khuôn viên nhà chú Hoả, tức Bảo tàng Mỹ thuật.
Kết quả, toàn bộ di sản của ông Đệ dành cho Việt Nam bị xoá sạch, kể cả quốc kỳ miền Nam. Cho đến ngày nay, dường như giới hoạ sĩ trẻ biết rất ít về danh hoạ Lê văn Đệ.
Chắc cũng ít người biết, bìa sách Chính đề Việt Nam dựa trên nền tảng màu sắc Da vàng-Máu đỏ mà ông Đệ đã sử dụng cho quốc kỳ Quốc gia Việt Nam.
NXB Vô Danh
Trở về
MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.