Thứ Năm, 25 tháng 7, 2013

Võ Thị Hảo













Võ Thị Hảo
(1956 - ........) Nghệ An

Nhà văn







Võ Thị Hảo sinh năm 1956, Quê Nghệ An. 
Tốt nghiệp Đại học tổng hợp Văn, chuyên ngành Hán Nôm.
Khởi nghiệp là nhà báo, làm biên tập viên cho nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc.
Đến năm 1989 độc giả mới biết đến Võ Thị Hảo qua truyện ngắn đầu tay "Người Gánh Nước Thuê" đăng trên báo Phụ Nữ, và trở thành nhà văn nổi tiếng với tập truyện ngắn "Biển Cứu Rỗi" in năm 1993.
Được hỏi tại sao chị lại đến với văn chương? "Trước hết có lẽ là vì số phận, vì thấy hạnh phúc lắm khi đọc được một tác phẩm hay, và đó là niềm hạnh phúc không mất đi, không mong manh vì nó ở trong ta". 
Và chị cũng nổi tiếng là một nhà văn thẳng thắn, "không sợ hãi" khi đề cập đến những vấn đề "nhạy cảm" tại Việt Nam.









"Tôi viết để mong sao chúng ta được hưởng quyền làm người thực sự, trong đó không ai được cấm đoán tự do ngôn luận, trong đó mọi chính phủ, mọi nhà cầm quyền được sinh ra, được dân trả lương là để bảo vệ các quyền của con người, chứ không phải để tước đọat, bắt bớ giết chóc khi có ai đó nói trái ý mình họăc chỉ là để ban phát."

Võ Thị Hảo 











Tác phẩm








1
Biển Cứu Rỗi 
1993








2
vầng trăng mồ côi












3
Người Sót Lại Của Rừng Cười

Tập truyện ngắn, nxb Phụ Nữ














4
Giàn Thiêu
truyện dài 2003





TIỂU THUYẾT VÀ LỊCH SỬ

(Nhân đọc Giàn thiêu của Võ Thị Hảo)





Thú thật, tôi đọc Giàn thiêu khá muộn.


Ðược biết tác phẩm này ra đời đã khá lâu, được nghe ít nhiều dư luận về tác phẩm này cũng từ khá lâu rồi. Vậy mà chỉ nhân bị/được buộc chân chừng hơn một ngày bởi mưa bão, tôi mới có dịp ngồi đọc và tất nhiên đã đọc một mạch từ đầu đến cuối sách Giàn thiêu (bản in lần thứ hai, quý II/2005).


Gấp sách lại, cảm tưởng chung là hào hứng. Có lẽ ai đọc chăm chú cũng sẽ ít nhiều bị lây cái nhiệt hứng của tác giả khi khơi lại những chuyện những người ở trên đất này cách nay bảy tám trăm năm. Nhưng tựu trung các suy nghĩ của tôi do sách Giàn thiêu khơi lên đều xoay quanh các vấn đề như đề tài lịch sử và sáng tác văn học, thể loại tiểu thuyết với việc xử lý chất liệu lịch sử …


Trong vòng dăm chục năm trở lại đây ở ta đã hình thành một số quan niệm và quy phạm (không thành văn, cố nhiên) cho sáng tác về đề tài lịch sử theo đó cả lịch sử lẫn nghệ thuật đều chịu thiệt thòi, chẳng hạn người ta buộc nhà văn (và đến lượt nhà văn tự buộc mình) chỉ nên trình bày đời sống quá khứ trong trạng thái “vua tôi nhất trí”, “muôn dân một lòng”, làm như thể ở xứ này xưa kia không từng có đấu tranh quyền lực ở chính trường cấp cao, không từng có đấu tranh xã hội bên trong cộng đồng dân tộc; chính những quan niệm và quy phạm kiểu ấy đã khiến cả chất tiểu thuyết lẫn tính kịch thực sự của lịch sử bị tước mất quyền hiện diện trong văn học.


Mươi năm gần lại đây có thể thấy trên đề tài lịch sử những tìm tòi mạnh dạn hơn, vượt qua các quy phạm cằn cỗi, đem lại sinh khí cho văn chương về lịch sử. Tuy vậy, trên thực tế sáng tác đề tài này lại thường thấy sự xói mòn ranh giới thể loại giữa tiểu thuyết và truyện. Khá nhiều nỗ lực phác hoạ các bức vẽ toàn cảnh đời sống dân tộc ở những thời đoạn quá khứ nhất định, lẽ ra nên được coi là truyện dài với tính chất sử thi rõ rệt, lại thường được cả tác giả lẫn không ít nhà nghiên cứu nhà phê bình đưa ra xem xét như là tiểu thuyết, trong khi chính tác phẩm lại bỏ qua những nhiệm vụ thực sự tiểu thuyết.

Ðọc Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, một điều tôi dần dần thấy rõ là tác giả hiểu và dồn sức vào những nhiệm vụ thực sự tiểu thuyết khi tiếp cận một đề tài quá khứ. (Xin có một lưu ý nhỏ. Ðiều tôi đang gọi là “nhiệm vụ thực sự tiểu thuyết” ở đây là ứng với quan niệm và mẫu hình “kinh điển” của tiểu thuyết, tức là tiểu thuyết Âu Tây thế kỷ XIX, cái quan niệm và mẫu hình đã thâm nhập sâu vào văn chương tiếng Việt từ thập niên thứ ba của thế kỷ XX, chứ không phải là những cách tân và đột phá của giới tiểu thuyết gia thế giới trên dưới một trăm năm nay, tuy những phá cách này cũng không hoàn toàn xa lạ với hiểu biết của chúng ta).

Nhiệm vụ thực sự tiểu thuyết là trình bày đời sống cá nhân con người, số phận của nó, tính cách của nó. Võ Thị Hảo đã tận dụng những sử liệu của Ðại Việt sử ký toàn thư, đặc biệt là những sự kiện trong thời đoạn 1088-1138, dưới hai triều Nhân Tông và Thần Tông nhà Lý, đã tận dụng các truyền thuyết về Từ Ðạo Hạnh trong Thiền uyển tập anh, lại cũng đã dày công hư cấu, “thiết kế lại quá khứ”, từ núi sông cây cối, phong cảnh vùng phía tây thành Thăng Long đến thác nước sông Gâm, rồi tưởng tượng ra từ những vùng núi cao tuyết phủ xa xôi nơi Thiên Trúc, đến dinh thự quan lại, các cảnh hỗn chiến, đánh lộn, rồi các thứ lễ và hội, bánh trái, trang phục, trang sức, mỹ phẩm, v.v…, tạo nên da thịt liền mạch cho đời sống quá khứ được dựng lại trong tác phẩm. Tuy vậy tác giả khó có thể thành công nếu như không đưa ra được một kiến giải mới mẻ và khả chấp về nhân vật lịch sử đồng thời là nhân vật truyền thuyết Từ Ðạo Hạnh.

Truyền thuyết về xuất thân và quá trình tu tập và hành đạo của Từ Ðạo Hạnh trong Thiền uyển tập anh, nguồn sử liệu đã bị huyền thoại hoá thành truyền thuyết về gốc tích vua Lý Thần Tông (do Từ Ðạo Hạnh đầu thai làm con Sùng Hiền hầu) và chuyện vua bị hoá hổ, sau được sư Minh Không chữa khỏi, ghi trong Ðại Việt sử ký toàn thư, đã được tác giả Giàn thiêu tiếp nhận, xem hai tiểu truyện ấy như những kiếp sống của cùng một con người. Hai thiên tiểu sử này, − một cái đương nhiên thấm đẫm huyền thoại cả Phật giáo Mật tông lẫn Ðạo giáo, cái còn lại lẽ ra phải thuần lý kiểu Nho gia nhưng đã không thể chối từ đưa huyễn tượng vào chính sử. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lại là đọc ra từ hai thiên tiểu sử vô tình bị buộc vào nhau này một vài nét nghĩa nhân sinh phổ biến.

Võ Thị Hảo đã làm được điều này và từ các chất liệu về hai nhân vật lịch sử truyền thuyết hoá, nhà văn đã xây dựng nên một nhân vật tiểu thuyết.

Từ đây, ta sẽ nói về nhân vật Từ Lộ trong tiểu thuyết Giàn thiêu.


*


Xuất hiện trong câu chuyện, chàng trai Từ Lộ ban đầu là một công tử con quan, sinh ra dường như chỉ biết đọc sách đánh cờ thổi tiêu,… tóm lại chỉ để hưởng phúc lộc. Chàng đâu biết buổi dạo chơi cùng người vợ chưa cưới vào tối nguyên tiêu năm ấy lại là những giờ khắc cuối cuả cuộc sống phù hoa mà chàng được hưởng trên cõi đời này. Ngay đêm ấy, tai hoạ ập đến gia đình chàng: cha chàng là Tăng quan đô án Từ Vinh bị Diên Thành hầu nhờ pháp sư Ðại Ðiên dùng phép thuật giết chết. Xác cha chàng trôi ngược sông Tô, dừng lại trước nhà Diên Thành hầu, rồi dựng đứng lên chỉ tay đánh dấu kẻ thủ phạm vụ ám hại, sau đó còn nhiều lần báo mộng nhắc con trai trả thù.

Tai biến đã làm thay đổi hẳn chàng trai. Chàng nguyện từ đây sống chỉ để trả thù cho cha. Lần thứ nhất, chàng cùng mẹ dâng đơn tố cáo Diên Thành hầu lên viên quan coi việc hình án; ông này biết Diên Thành hầu là thủ phạm nhưng cũng biết thế lực vị hoàng thân này quá lớn, bèn phán quyết rằng mẹ con chàng phạm tội vu cáo, lẽ ra bị phạt nặng nhưng vì cha chàng vừa mất nên giảm xuống mức mẹ con chàng bị cách xuống làm thứ dân và bị tịch thu gia sản. Mẹ chàng chết vì uất ức.

Lần thứ hai, không cam chịu nỗi oan khuất, chàng đem bức đơn viết bằng máu đến lễ điểm binh dâng lên vua Nhân Tông, tưởng nỗi oan được giải, nào ngờ suýt bị chém đầu vì dám làm kinh động bệ rồng, lá đơn máu bị lớp lớp chân ngựa voi xéo nát.

Lần thứ ba, biết không thể động đến thủ phạm ở ngôi cao, chàng định một phen sống mái với kẻ đâm thuê chém mướn, nhưng gân sức một thư sinh như chàng chỉ có thể là trò cười trước pháp sư Ðại Ðiên phép thuật đầy mình. 

Từ Lộ hiểu rằng muốn trả thù nhà, ít nhất là muốn trừng trị kẻ giết thuê kia, thì chính chàng phải tìm nơi học được phép thuật cao hơn Ðại Ðiên. Chàng tìm đến vị đại sư trên núi Yên Tử, nhưng ngài cho chàng biết thiền viện của ngài không phải nơi dung dưỡng niềm thù hận, cũng không dạy phép lạ hại người. Thấy chàng tha thiết “nếu khoanh tay trước kẻ ác thì tất vô tình hại người thiện”, đại sư bèn chỉ lối cho chàng cùng Minh Không và Giác Hải sang học đạo bên nước Tây Trúc, nơi mà chính Ðại Ðiên đã đến học, lại lưu ý chàng cần bền gan hơn Ðại Ðiên, hơn nữa còn muốn chàng trên đường học đạo cần đốn ngộ được đôi điều cho vơi gánh nghiệp chướng…

Ở đoạn đầu con đường hành hương về phía tây, Từ Lộ có lúc gặp lại người yêu; nàng đã bị ép gả cho chính con trai kẻ chủ mưu giết cha chàng, nàng đã cam chịu bước lên xe hoa để rồi bỏ trốn trước lễ hợp cẩn, nàng đã mai danh ẩn tích đi tìm chàng, nguyện theo chàng đến cùng trời cuối đất; nhưng Từ Lộ đã nguyện chỉ còn sống với không gì khác ngoài hận thù nên cố sức dứt bỏ. Lần cuối cùng, nàng từ trên ghềnh đá lao xuống chiếc bè của chàng đang ngược sông Gâm; đôi tình nhân dâng hiến nhau lần cuối trước khi nàng lao xuống thác dữ chỉ vì chàng quyết không cho nàng đi theo mình.

Ðường đi Tây Trúc cố nhiên vô vàn hiểm trở, nhiều lần tưởng bỏ xác dọc đường. Ðến lúc gặp được thầy, trong khi Minh Không và Giác Hải chọn học cùng một hướng thì riêng Từ Lộ chọn học một hướng khác, cốt rèn được phép thuật cao cường để trở về báo thù nhà; chàng thú nhận rằng vẫn chưa thể rời cõi vô minh, vẫn chọn con đường nặng nợ luân hồi lạc kiếp.

Từ Lộ không thể ngờ rằng công phu tu luyện gian khổ đằng đẵng mười ba năm cô độc giữa núi cao tuyết giá cốt để trả thù, vậy mà khi trở về, việc trả thù lại dễ dàng đến vậy. Diên Thành hầu chỉ còn là cái xác không hồn ngày ngày chạy theo đứa con trai độc nhất đã hoá điên sau đám cưới bất thành và vụ cháy nhà ngày ấy. Chàng tìm đến kẻ giết thuê năm xưa, hắn lại gần như không một chút chống cự, để cho chàng mặc sức ra tay và hắn tiếp nhận cái chết bình thản đến mức chàng thoáng chút ghen tỵ.

“Từ Lộ rã rời, nhìn thấy kẻ thù mà chàng đã dành cả nửa đời để căm hận, để nuôi chí, nay đã tự kiệt quệ, tự huỷ hoại. Những phép thuật phải chịu khổ nhục mới luyện được trong mười mấy năm trời chẳng để dùng vào việc gì nữa. Người chàng trống rỗng” (tr. 394).

Thù nhà đã trả, chàng tìm đến thác dữ nơi người yêu đã trầm mình năm xưa toan tự tận theo nàng nhưng chính hồi ức tình yêu lại khiến sức sống trong chàng trỗi dậy.

Làm gì với phần đời còn lại? – chàng tự hỏi. Sau lúc chứng kiến lễ phóng diệm khẩu (thả linh hồn chúng quỷ khỏi hoả ngục) và đàm đạo về phật lý với một cao tăng, ở chàng thành hình một đích sống mới… “…Từ nay cuộc đời chàng sẽ dành trọn cho việc khuyến dưỡng hỷ xả, xa rời vật dục, đem chân tâm để quy tập thiên hạ muôn người làm một, lấy lẽ từ bi và sự quên mình để răn dạy chúng sinh” (tr. 400). Chàng tìm đến ngôi chùa nhỏ trên núi Sài, được tôn làm sư trụ trì, cùng chúng tăng và Phật tử vác đá xây chùa mở đường, lại đem phép thuật chữa bệnh cứu người, thu nạp được nhiều đệ tử, cảm hoá được cả những kẻ sát nhân… Chỉ dăm năm sau nơi đây đã thành một ngôi chùa danh tiếng, được dân chúng xa gần tìm đến nghe thuyết pháp, chữa bệnh, cúng dường,…, pháp danh Ðạo Hạnh mà chư tăng tôn xưng nhà sư trụ trì cũng nổi danh cùng ngôi chùa…

Dắt dẫn câu chuyện tới đây, nếu dừng lại, sẽ được một bản hạnh kể thành quả tu trì và công đức cứu nhân độ thế của một cao tăng; chuyển sơ đồ này sang văn chương cận hiện đại sẽ là chuyện anh hùng chiến sĩ; ở cả hai trường hợp trần thuật đều sẽ rời xa tiểu thuyết.

Tác giả Giàn thiêu muốn đưa chất liệu lịch sử vào tiểu thuyết.

Ta sẽ tiếp tục theo dõi cách thức tác giả Giàn thiêu dùng hư cấu nghệ thuật như thế nào để xử lý lại trong tác phẩm của mình các dữ kiện đã có trong sử ký và truyền thuyết.

Nhân vật Từ Lộ trong Giàn thiêu ở giai đoạn là vị đại sư núi Sài đức cao vọng trọng được tác giả tiểu thuyết phác vẽ ra đôi nét về đời sống bên trong. Ðương khi được chúng sinh tôn sùng vì công giáo hoá và chữa bệnh cho họ, vị đại sư bỗng nhận ra việc thao túng lòng tin của họ sao mà dễ dàng đến thế. Và, càng khuyên dạy họ coi khinh vật dục, chịu đựng mọi khổ ải hiện kiếp để hưởng sung sướng nơi Niết Bàn, đại sư càng nghi ngờ lòng tin của chính mình. Ngài cảm thấy đường đến Niết Bàn càng đi càng xa, vậy mà ngẫm ra chính mình còn chưa kịp có một ngày sống cho mình. Ngài thấy bọn quyền quý riêng hưởng xa hoa, làm đủ thứ bậy bạ, lại được quyền thay trời biến thiên hạ thành trò chơi trong tay mình, lại có quyền dựa danh đức Phật để tự an ủi và lấp liếm tội ác. Ngài tự thấy dù mình đã nhiều công tu trì, đã đạt tới những bậc cao trai giới, vậy mà nhìn sâu vào bản thân, ngài không dám chắc trong lòng không còn ước ao lầu son gác tía, không luôn mường tượng hình dáng người đàn bà đã cùng mình ân ái duy nhất một lần. Ngài tự hỏi mình đang làm gì? Chẳng phải mình hằng đêm nghiến chặt răng trên giường đá lạnh, cắn nát một bên tay diệt lửa dục, thề sẽ tu nên đắc đạo để kiếp sau trở thành người có quyền lực nhất thiên hạ, để bảo hộ người thân, để cứu giúp thiên hạ…? Ngài biết mình vẫn luôn tỉnh thức, nhưng càng tỉnh thức lại càng đối mặt nhiều câu hỏi nan giải… (tr. 426-432).

Tóm lại, trong tâm can ngài, lòng ham sống đời sống trần gian vẫn còn quá sâu nặng.

Ðối với tác giả Giàn thiêu, đoạn phác hoạ tâm trạng bên trong này là hữu cơ cho trần thuật về những biến cố tiếp theo: đại sư Từ Ðạo Hạnh đầu thai vào nhà Sùng Hiền hầu, sinh ra ở kiếp thứ hai làm công tử Lý Dương Hoán, người sẽ được lập làm thái tử và sẽ lên ngôi làm hoàng đế thứ 5 nhà Lý, ngay sau Lý Nhân Tông.

Tiết đoạn đại sư từ biệt đệ tử trước cuộc viên tịch khác lạ được mô tả như là cảnh một bậc thầy nửa đường lừa dối và bỏ rơi đệ tử. “Ta đã lừa dối họ! Ta đã bỏ rơi họ! Cả đời họ đã theo ta để bị ta lừa dối ư? Họ sẽ sống ra sao với sự lừa dối của ta?” Như là để trả lời ngài, vừa khi ngài hồn lìa khỏi xác, đệ tử từng là kẻ sát nhân bỗng lại nổi máu xưa nghề cũ… (tr. 451-454). Cách xử lý này bộc lộ cái nhìn mỉa mai, cái nhìn sáp lại gần sự kiện, phi truyền thuyết hoá cái sự việc đã bị truyền thuyết hoá. Ðó là cái nhìn tiểu thuyết. Ngay sự việc hồn Từ Lộ nhập vào thai nhi trong bụng Sùng Hiền hầu phu nhân, một hiện tượng huyền thoại phi thực, tác giả cũng mô tả khá cặn kẽ bằng cái nhìn mỉa mai trào lộng, vạch ra nét ô trọc trong tâm tình nhân vật: hồn kẻ sẽ vào vai đứa con tương lai thoáng “ghê tởm”, “xấu hổ” vì cặp cha mẹ này, lại cũng thoáng “ham muốn” cái thân thể sẽ là mẹ mình (!), và một nét ngạc nhiên dành cho người đọc: nơi bào thai cũng đã có kẻ lén trú ngụ, nhưng hồn Từ Lộ mạnh hơn đã đuổi hồn kẻ đó ra: ấy là hồn pháp sư Ðại Ðiên (tr. 455-457).  

Nhân tiện cũng lưu ý rằng bố cục tiểu thuyết Giàn thiêu tuy xáo trộn thời gian nhưng rõ ràng là được dàn thành hai mạch, bám theo thời gian các biến cố tiểu sử hai con người: Từ Lộ và Lý Thần Tông; mạch thứ nhất nằm trong khoảng thời gian 1088-1117; mạch thứ hai trong khoảng 1117-1138.

Mạch 1 (gắn với thời gian tiểu sử Từ Lộ): các chương II (Ðêm nguyên tiêu), III (Công đường), IV (Ðại đăng khoa), V (Cửu trùng), VI (Tiếng gọi), VII (Tiểu đăng khoa), VIII (Ngược thác oán), XVI (Hành cước), XVII (Báo oán), XVIII (Thiền sư), XIX (Vinh hoa), XX (Ðầu thai).

Mạch 2 (gắn với thời gian tiểu sử Lý Thần Tông): các chương I (Giàn thiêu), IX (Lãnh cung), X (Long sàng), XI (Niệm xứ), XII (Ðoạ xứ), XIII (Hổ), XIV (Cô phong), XXI (Giải thoát), XXII (Lãnh tiếu nhân gian), XXIII (Tà thư), XXIV (Ðoạn đầu đài), XXV (Lửa).

Trở lại điều đang bàn về nhân vật Từ Lộ trong tiểu thuyết Giàn thiêu.

Ở kiếp sống tiếp theo, dù có được ngôi vị cao nhất, nhân vật này vẫn chẳng làm được gì đáng gọi là vì dân vì nước. Ðiều duy nhất có thể kể lại là những lạc thú mà chỉ ở ngôi vị ấy mới được hưởng; chính đặc quyền này cắt nghĩa “tại sao trong các triều đình thường lâm vào cảnh nồi da nấu thịt, thuốc độc hoặc bùa chú ám hại lẫn nhau trong anh em ruột thịt để thoán đoạt ngôi báu” (tr. 247). Tác giả Giàn thiêu nhấn vào chỉ vài nét thôi ở kiếp thứ hai: tình và tật. Bên trong Dương Hoán có một “người già” Từ Lộ với khát khao khôn giải của kiếp trước đã in hằn thành một khắc khoải mà căn nguyên bí ẩn chỉ lộ rõ khi vua gặp mặt sư bà chùa Trầm, vốn chính là người vợ chưa cưới của Từ Lộ thời trẻ, sau khi nhảy xuống thác dữ đã được cứu vớt, rồi sống cuộc đời tu hành của một ni sư, để giờ đây gặp lại “cố nhân” đã sống ở kiếp sau trên ngôi hoàng đế. Nhưng trong Từ Lộ ở kiếp thứ hai cũng có một Dương Hoán trẻ tuổi muốn đạt tới quyền uy và danh vọng siêu việt, biểu trưng ở việc gắng thành thân bằng được với cung nữ Ngạn La, cô cung nữ có chiếc rốn màu chu sa quý hiếm, vốn được coi là nguồn khoái lạc và vận may đặc biệt cho ngôi vua, một vưu vật mà chính Dương Hoán đã cứu khỏi ngọn lửa giàn thiêu cùng 48 cung nhân khác bị buộc phải chết theo vua trước. Nếu những giây tình “hồi cố” hướng về một tiền căn mù mờ khiến Dương Hoán lâm bệnh ác, thì tham vọng “phạm thượng”lại dẫn ông vua trẻ đến cái chết.

Sự kiện Dương Hoán mắc bệnh và được cứu chữa, trong tiểu thuyết Giàn thiêu, đã được kể và giải thích theo kiểu phân tâm học.

Chàng Dương Hoán trẻ tuổi không biết mình là Từ Lộ thác sinh, không hiểu những cảm giác tựa như ký ức nào đó của mình là gì. Chỉ đến khi gặp sư bà Nhuệ Anh trong hội khánh thành tám vạn bốn ngàn bảo tháp ở gác Thiên Phù, những cảm giác kia mới lay tỉnh; chàng tìm cách giữ sư bà trong cung thì sư bà bỏ đi… Thế rồi vua lâm trọng bệnh, mọc lông hoá hổ. Triều đình lập đàn tế, toan giết cung nữ Ngạn La, lại sai quân lính đi bắt sư nữ chùa Trầm… Trước mặt sư bà, vua van xin hãy cứu chữa cho mình. Sư bà đi tìm đại sư Minh Không. Và Minh Không đã chữa cho Dương Hoán bằng cách làm cho bệnh nhân nhớ lại nhân duyên từ kiếp trước (điều này gợi nhớ đến việc các nhà phân tâm học thời nay chữa bệnh tâm thần bằng cách gợi cho bệnh nhân nhớ ra nói ra những bức bối thầm kín). Mấy bảo vật tuỳ thân của đại sư Từ Lộ được đưa ra trước “bệnh nhân” Dương Hoán: mảnh gương đồng, cây sáo mà công tử họ Từ từng thổi khúc “Phượng cầu hoàng”, chiếc đầu con dã-nhân-ân-nhân từng cho Từ Lộ bú sữa mình và ngày ngày đi kiếm thức ăn nuôi chàng, đêm đêm ấp ủ chàng suốt thời gian tu tập trên núi tuyết, cuối cùng đã chết vì quả độc vừa lúc chàng thành tài. Nhưng đánh thức tiền kiếp vẫn chưa đủ. Tác giả Giàn thiêu muốn vai trò tẩy rửa thuộc về nước mắt cố nhân! − điều này cho thấy xu hướng nữ quyền không che giấu của tác giả.

“Những giọt nước mắt của bà tưới lên người đức vua. Vua run rẩy. Và kỳ lạ, nước mắt chảy đến đâu, những đám lông vằn vện tuột ra từng đám, rồi lột hết, lộ ra thân mình của đức vua với nước da trắng xanh, thư sinh nho nhã…” (tr. 463). Gột bỏ bộ lông do bệnh tật, hình hài ông vua trẻ trở nên giống với chàng Từ Lộ của dăm chục năm trước.

Ðối với tác giả tiểu thuyết Giàn thiêu, thời điểm chữa bệnh cũng là thời điểm phê phán, thời điểm mà những cố nhân như sư bà Nhuệ Anh, đại sư Minh Không có thể “vặt lông” bệnh nhân cả về tinh thần nữa, nhắc nhủ ông-vua-bệnh-nhân nhiều điều hệ trọng. Sư bà lên án người tình cũ trong những năm cuối kiếp trước đã lừa dối chúng sinh, gây đổ vỡ niềm tin trong chúng sinh, còn trong hiện kiếp thì mải chạy theo vinh hoa, quên trọng trách quân vương, quên làm điều nhân nghĩa, “trước mặt ta chẳng phải Từ Lộ năm xưa… mà chỉ là một ông vua chưa thông thạo phép tắc trị nước” (tr. 469).

Rồi sư bà bỏ đi hẳn. Vua ngã ra bất tỉnh. Minh Không buộc bạn cũ phải lựa chọn: hoặc siêu thoát, hoặc tiếp tục ngồi trên ngai vàng và sẽ không tránh được bệnh cũ tái phát. Từ Lộ thoạt đầu nghe theo, đã phút chốc thoát hồn khỏi xác Dương Hoán, nhưng lập tức lại nhập hồn trở lại. Minh Không buồn bã: “Ta chỉ chữa được bệnh chứ không cắt được căn”.

Nhân vật vẫn chứng nào tật nấy. Vẫn theo đuổi tham vọng sống trong quyền lực, thoả mãn khát vọng cao sang, quyền quý; đây vẫn là bệnh căn từ kiếp trước, không thể chữa khỏi. 

Sự kiện Dương Hoán Thần Tông chết, ở tiểu thuyết Giàn thiêu được lý giải như bị trừng phạt vì phạm thượng, tựa như phạm tội loạn luân.

Việc vua đứng chủ lễ cầu mưa giải hạn hoá ra chỉ là việc bày biện lễ nghi cho qua chuyện; trời cho mưa xuống giải hạn là nhờ lời cầu nguyện chân thành của sư bà Nhuệ Anh chứ không phải nhờ nghi lễ tắc trách của vua. Thực chất đằng sau cuộc lễ cầu mưa của triều đình là cuộc vui chơi của ngài ngự do bọn cận thần sắp đặt: cuộc vui chơi có thể gọi là hội hoa sen mà những người được tham dự chỉ có vua cùng hàng trăm cung nữ trên đảo giữa hồ Dâm Ðàm; ở đây vua gặp lại cung nữ Ngạn La, được nàng dẫn vào thế giới của thiên nhiên ao hồ giản dị và kỳ thú mà đời sống khép kín trong cung khiến vua chưa từng biết. Ðỉnh điểm và kết cục của lễ hội này là khi Dương Hoán đuổi theo lạc thú kỳ lạ, quyết phải thành thân bằng được với Ngạn La, một quyết tâm mang tính biểu tượng, chính khi ấy, khi cặp mắt ông vua trẻ kề cận chiếc rốn đỏ quý hiếm của cô gái thì vua thấy hiện lên tại chỗ ấy gương mặt tiên đế Nhân Tông, người chủ “hợp pháp” của cung nữ Ngạn La; tiên đế “chưa từng chiếm được nàng nhưng cũng không cho nàng thuộc về ai”. Vậy là “Thần Tông ngã vật xuống đất, còn kịp nhìn thấy mép của cái miệng đẹp đẽ của tiên hoàng nhếch lên mỉm cười ma quái trước khi tan biến” (tr. 492). Có thể hiểu những tham vọng của nhân vật tầm cỡ như Từ Lộ đã trở nên quá đáng khi đặt trong trật tự quân chủ, do đó bị trừng phạt, và sự trừng phạt này được tác giả Giàn thiêu diễn tả theo kiểu thần bí, giống với những cái chết bí ẩn nơi cung cấm.

Sau cái chết của Dương Hoán Thần Tông, một chi tiết cuối cho thấy: các đệ tử của đại sư Ðạo Hạnh trên hang núi Thầy vào xem vẫn thấy nhục thân ngài chưa hề hư hoại; họ tự hỏi: chẳng lẽ đến bây giờ đức thầy của họ vẫn còn lơ lửng trong cõi trầm luân này sao? Sự ham hố cõi trần, rốt lại, vẫn là nét tính cách bất biến ở nhân vật.

Như vậy, nhân vật Từ Lộ đã được tác giả Giàn thiêu thể hiện không phải như một tấm gương hay một bản thành tích công đức, nghĩa là không phải như nhân vật sử thi, mà như một con người với số phận và tính cách riêng của nó; như những kinh nghiệm sống, như những chiêm nghiệm về lẽ thành bại trong đời người, nghĩa là như một nhân vật tiểu thuyết. Người đọc sau khi gấp lại trang cuốiGiàn thiêu có thể đi tới những nghiệm sinh đại loại như: con người ta sinh ra vốn không phải để trả thù nhưng tai biến có thể khiến người ta chỉ sống để rửa thù; người chỉ sống với hận thù cũng là một nhân dạng méo mó không dễ sửa chữa; kẻ thuyết giảng với người đời một đường, bản thân mình sống theo một đường, chắc chắn sẽ bị người đời lật tẩy; khát vọng sống nhiều hơn một kiếp hữu hạn là có thể hiểu được, nhưng tham vọng quá đáng tất sẽ bị gãy đổ, v.v… Không thể nói nhân vật Từ Lộ ở tiểu thuyết này đã được xây dựng thành nhân vật tốt hay nhân vật xấu. Chỉ có thể nói đó là một con người với số phận, tính cách của mình.


*


Tiểu thuyết Giàn thiêu còn có nhiều mặt khác đáng nói, nhất là xu hướng nữ quyền khá lộ liễu của nó, với mấy nhân vật nữ đặc sắc: Nhuệ Anh, Lê Thị Ðoan, cung nữ Ngạn La. Cả ba đều là những nhân vật hư cấu, được cài xen vào một quá khứ lịch sử, được đặt bên cạnh nhiều nhân vật lịch sử. Xin nói ngắn về ba nhân vật này.

Tiểu thư Nhuệ Anh là người tình chung thân của Từ Lộ. Nữ nhân vật này là nét bổ sung quyết định mà bằng vào đó tác giả có thể biến truyền thuyết về Từ Ðạo Hạnh thành một tiểu thuyết. Ban đầu ở nữ nhân vật chỉ có duy nhất tư cách tình nhân, nhưng sau khi bị chàng Từ Lộ từ bỏ (để riêng mình chàng đi tìm học phép thuật), nàng nhảy xuống thác toan tự tận, lại được Chàng Cá Bơn cứu thoát (tình tiết này gợi nhớ sự can thiệp của nhân vật truyền thuyết Úc châu và cuộc sống đô thị hiện đại), nàng dứt bỏ đam mê yêu đương, trở thành ni sư, được người đời biết đến dưới cái tên sư bà chùa Trầm. Gặp lại Từ Lộ dưới dạng Dương Hoán, bà đã góp phần chữa bệnh ác cho vị vua trẻ đồng thời cảnh tỉnh ông ta. Trong trần thuật của tác giả, bà như đã cắt đứt được nghiệp duyên ngay trong hiện kiếp, trở nên có khả năng cảm hoá, chữa lành bệnh cho chúng sinh, kể cả cho người điên vốn là cậu công tử Lý Câu đã cưới hụt cô dâu Nhuệ Anh khi xưa… Tác giả lý tưởng hoá nữ nhân vật này như Người Ðàn Bà Không Tuổi, người mà theo sau bước chân lang thang như gió của nàng có cả một dòng những người đàn ông bị hút theo cái nhìn thăm thẳm của mình (tình tiết này gợi nhớ đến truyền thuyết về đám tình nhân không đầu bám theo nàng Cléopatre), họ coi nàng là Thần Nữ và cũng là Phù Thuỷ của họ (tr. 499).

Ở cung nữ Ngạn La vừa có phương diện biểu tượng (biểu tượng về người đàn bà đẹp, với cái đẹp thiên nhiên, với sức hấp dẫn của một yêu nữ,…) vừa có phương diện tả thực, giúp tác giả khai triển một mô tả phê phán đối với đám quan chức quan liêu; đầu mối cho điều này là một liên hệ máu mủ không ai biết: Ngạn La là con rơi của viên quan đầu triều Lý Trác. Thưở còn là một nho sinh lều chõng trên đường đến kinh sư, chàng trai kia gặp nạn, đã được một thầy thuốc cứu chữa, được con gái ông nuôi nấng và nặng lòng yêu đến mức trao thân cho chàng ta (tình tiết này có lẽ là mượn từ một truyện truyền kỳ của Vũ Trinh: 1759-1828). Chàng ta thi đỗ, được bổ làm quan, được trọng dụng nâng dần lên chức cao tước lớn. Nhưng người đàn bà ân nghĩa dọc đường nọ thì y quên hẳn. Y đâu biết con gái của y với người đàn bà ấy lúc 12 tuổi đang bắt cua trên đồng thì bị đưa lên kiệu rước thẳng vào cung vua Nhân Tông; và chính lúc vị vua có tiếng là nhân đức ấy đang nóng lòng chờ thưởng thức hương lạ đồng quê thì chợt lâm bệnh nặng rồi qua đời; cô bé chỉ kịp thấy mặt ông vua già sắp chết nhưng vẫn bị đưa cùng các cung nhân khác lên giàn thiêu tuỳ táng theo vua. Trong khi các cung nữ khác cam chịu cái chết trong lửa thì cô bé chống lại bọn đao phủ hòng chạy trốn, suýt bị chính quan nhất phẩm Lý Trác xin vua Thần Tông (Dương Hoán) cho chém đầu, nhưng vua trẻ chỉ ra lệnh nhốt cô vào lãnh cung. Khi vua lâm bệnh ác mọc lông hoá hổ, cô bị Lý Trác và Hoàng hậu coi là yêu quái hại vua, bị trói vào cọc chịu cực hình trong lễ trừ tà, may được sư bà chùa Trầm giải thoát. Sau hội liên hoa cùng vui chơi với vua, cô lại bị coi là tội đồ khiến vua ngã bệnh, và khi vua Thần Tông chết, một lần nữa cô lại bị đưa lên giàn thiêu. Cô chống lại, không phải để thoát thân lần nữa, mà để tố cáo những mưu mô ác độc đưa tới tục lệ dã man: chôn cung phi theo vua, cũng tức là chôn nô lệ theo chủ nô. Về mặt này, cung nữ Ngạn La hư cấu lại là điểm nối vào sự thật lịch sử: Ỷ Lan Nguyên Phi tức Linh Nhân Thái Hậu đã buộc con trai là vua Lý Nhân Tông đưa tập tục chôn theo này vào lệ tục triều Lý cốt để trừ diệt Dương Thái Hậu (vợ cả Lý Thánh Tông, bị bức tử cùng 76 cung nữ, việc này đã khiến sử thần đời sau là Ngô Sĩ Liên phải lên án là “tàn nhẫn, hãm hại người vô tội”); tội ác này đã ám ảnh con người vốn xuất thân là cô gái hái dâu Kinh Bắc khiến bà ta trong phần đời còn lại phải cho xây hàng trăm ngôi chùa để tự trấn an. Cả một chương thuật những ác mộng của Ngạn La trong “lãnh cung” (tr. 219-241) là nói về sự thật ấy, theo kiểu thấy ma giữa ban ngày. Cũng như vậy, ở chương cuối, chuyện Ngạn La giật dao trong tay đao phủ tự rạch bụng mình, khấn gọi mẹ, bà mẹ xuất hiện, rạch bụng đón thi thể Ngạn La vào trong rồi bay lên trời, - sự việc thần kỳ phi thực này (có lẽ được mách nước từ Trăm năm cô đơn của G. Garcia Marquez) được thuật như sự thực nhãn tiền. Viên quan nhất phẩm nhận ra Ngạn La là con gái mình thì mọi sự đã quá muộn. Những kẻ sĩ thành đạt trong quan chức như y không xứng đáng để dân gian dành cho “bát cơm Xiếu mẫu”, tuy rằng thường khi người ta vẫn quá muộn để nhận ra bộ mặt thật phản dân hại nước của bọn chúng. 

Nhân vật Lê Thị Ðoan là một biểu hiện “lãng mạn lịch sử” của tác giả Giàn thiêu. Dường như ở Việt Nam cũng có giai thoại kể chuyện đàn bà giả trai đi thi, nhưng là vào những thời đại muộn hơn. Tác giả Giàn thiêu đặt chuyện này vào thời Lý, cố nhiên là chuyện hư cấu: Lê Ðoá và Lý Trác đều đỗ, đều được bổ làm quan, nhưng Lý Trác lừa dịp giật yếm áo tố cáo Lê Ðoá là gái giả trai khiến tài nữ Lê Thị Ðoan bị đày biệt xứ. Bà xuất hiện giữa đám thường dân trong lễ hoả thiêu các cung nữ theo vua Nhân Tông, lên án việc triều đình đem tục chôn theo của phương Bắc áp dụng vào nước mình khiến hàng trăm phụ nữ đẹp đẽ tài giỏi vô tội bị chết oan. Bà cắn lưỡi tự tận ngay khi ấy, trước mặt vua trẻ và triều thần (tr. 45-52), nhưng những bài văn của bà tố cáo chính sự hủ bại lại được kẻ sĩ trong nước chép thành sách loan truyền, thiên hạ tranh nhau đọc, trong khi cả những hiểu dụ của triều đình lẫn những sách vở của đám văn nhân được triều đình nuôi nấng, viết trên giấy hoa, tung khắp đường ngang ngõ hẻm, dân chúng cũng không thèm đọc, lại còn đặt vè giễu cợt (tr. 508). Các quan trong triều đứng đầu là Lý Trác đem cuốn sách mà họ gọi là “tà thư” ấy cùng linh hồn tác giả của nó ra xử tử, xem “đó là cách duy nhất để thị uy dẹp loạn” (tr. 520): bài vị của tác giả bị băm vằm, cuốn sách bị thuốn sắt nung đỏ xuyên nát rồi ném vào lửa, bìa sách bị quăng vào vạc dầu; nhưng con trai tác giả trước lúc bị mổ bụng vẫn lên tiếng “cảm ơn” các quan đã làm thủ tục cho sự bất tử của cuốn sách và tên tuổi mẹ mình, vì “những cuốn sách bị đốt là những cuốn sách được phong thần” (tr. 526); khi tro đốt sách bị đổ xuống sông Cái, có cơ man dân chúng lội xuống sông vục nước uống: đối với họ đó là “uống chữ của bà Ðoan vào trong tim cật… Ðể sông Cái không bao giờ ngừng chảy. Ðể chính khí nước Nam này không bao giờ cạn kiệt” (tr. 527).

Cảnh hành quyết khác lạ trên đây, dù mang màu sắc trung cổ rõ rệt, vẫn có vẻ đã được gợi ý từ hiện tại nhiều hơn.

Nhân vật Lê Thị Ðoan, như vậy, đã được tạo ra như là lương tri của dân chúng. Các tác giả khác khi viết về quá khứ thường đặt điểm tựa lương tri vào nhân vật nhà nho. Tác giả Giàn thiêu cũng chọn một nhà nho nhưng chẳng những không phải là nho sĩ quan liêu, trái lại, đây là một phụ nữ, một phụ nữ từng theo Nho học, rồi qua Nho học đã đi tới những suy nghĩ vì dân, dám lên tiếng đòi quyền sống của giới phụ nữ, lên án sự bạo hành đối với phụ nữ. Không khó để nhận ra rằng tác giả đã đưa vấn đề của thế giới hiện đại vào tài liệu quá khứ. Ðây không phải điểm yếu, ngược lại, là điểm mạnh, đem lại sức sống cho ngòi bút nhà tiểu thuyết khi nhúng bút vào tích xưa chuyện cũ.


*


Trở lại nhận xét nêu ở đầu bài viết này, xung quanh các vấn đề của tiểu thuyết khi tiếp cận đề tài lịch sử. Tôi không dám nói tiểu thuyết Giàn thiêu của Võ Thị Hảo hơn hay kém so với những cuốn cụ thể trong một loạt tiểu thuyết lịch sử ra mắt mươi năm gần đây. Ðiều tôi dám khẳng định là: sử liệu và truyền thuyết xưa đã được tác giả Giàn thiêu khai thác theo đúng cung cách của tiểu thuyết chứ không lạc sang hướng của các kiểu truyện có hơi hám sử thi. Phương hướng làm việc của tác giả tiểu thuyết Giàn thiêu cố nhiên không quá đơn độc, trái lại thậm chí đang cùng một số tác giả khác làm nên một chuyển động bên trong dòng sáng tác về văn xuôi lịch sử hiện nay. Nó cho thấy người sáng tác về đề tài lịch sử cũng phải gắn với đời sống hiện tại, phải từ những vấn nạn của hiện tại mà tìm chất liệu trong quá khứ lịch sử. Có điều, nhà tiểu thuyết phải tự tìm tòi để thấy ra đâu là những vấn nạn của hiện tại, thay vì nghe ai đó mách nước, chỉ thị, xúi giục.


Tháng 10/2005















5
Hồn Trinh Nữ
Tập truyện














6
Những Truyện Không Nên Đọc Lúc Nửa Đêm
nxb Phụ Nữ










7
Góa Phụ Đen
Tập truyện








8
Kịch bản phim truyện











9
Ngồi Hong Váy Ướt 

Tập truyện 2012












10
Dạ Tiệc Quỷ
(sắp xuất bản)

Truyện của Võ Thị Hảo đọc bởi Mạc Lâm

http://chutluulai.net/forums/showthread.php?t=10878








Tự bạch

Tôi sinh ra cùng một món nợ của người khác.
Bắt đầu bằng Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc. 
Người bước vào cuộc ấy ở cửa này, khi bước ra cửa sau đã biến dạng.
Và còn nhiều cuộc bước ra bước vào.
Chẳng còn ai có thể sống như cũ nữa.

Từ đó nhiều người lấy sự phản trắc và cướp bóc cùng dối trá để được sống, được hơn người, lấy sự giả mù, sự câm sự  điếc làm gậy dò đường.
Những rường mối gia đình, xã hội, bỗng bở nát như bị mối xông. Con tố cha, vợ đổ oan cho chồng, bội phản ân nhân, đó là cách tồn tại khốn khổ của những người nô lệ không có nơi nào để đi, không có gì để bấu víu, thôi đành vô cùng tự mãn về cách hành xử của mình.
Bao nhiêu xác chết để lại.
Bao nhiêu đớn đau què quặt và rạn vỡ linh hồn.

Lúc đó tôi chỉ là đứa trẻ trong bụng mẹ, lẽ ra chẳng cần phải chào đời. Ở trong bụng mẹ rồi tìm đường trở về nơi mình đã từ cát bụi mà đi, có thể vui hơn. Đương nhiên tôi phải là một nàng tiên hoạc phù thủy, nếu thực sự có tiên và phù thủy.
Thế nhưng tôi đã ra đời và tôi phải biết nhiều điều. Rồi tôi nghĩ cuộc đời người dân nước tôi cứ bị đẩy đi đẩy lại trong cổ họng một con rắn dài thượt cứ bò loanh quanh rồi khoanh mấy vòng.
Cái lầm lạc, nỗi đau, oan khuất không được phân định, không được sòng phẳng lại, cứ lẩn khuất và ám ảnh người sống, dù người sống có thể chẳng biết đó là gì. Nhưng cơ chế độc tài cũng như con rắn cố rướn cổ nuốt chửng con ếch.
Con ếch to nghẽn họng con rắn.
Rắn mạnh ếch yếu, nhưng con rắn sẽ chết nếu ếch không trôi qua họng.

Con ếch là món nợ công bằng.
Cần phải có người trả món nợ ấy thay những người luôn quỵt nợ nhân gian.
Trả thì chẳng bao giờ trả được vì người chết thì đã chết rồi và người biến dạng thì đã biến dạng rồi và còn gieo lại sự biến tiếp. Nhưng con người cần được an ủi.
Vì chỉ khi được sòng phẳng về tinh thần và được an ủi về sự minh bạch, con người mới có thể bước tiếp. Nói đúng hơn, người ta sẽ lại học cách sống mà không phải vờ câm điếc mù lòa, không phải đấu tố và vu oan cho kẻ khác và không phải phản trắc.
Nhìn chung là không cần phải lạc mất linh hồn.
Đừng quỵt nợ, vì nếu quỵt nợ, bi kịch chắc chắn quay lại.
Nhưng xem ra toàn những người muốn quỵt nợ.
Nhiều tác phẩm không được phép xuất bản ở Việt Nam chỉ vì viết về những điều cấm kỵ như Cải Cách Ruộng Đất hoặc nhiều điều dính dáng đến nợ nần khác. Bi kịch cứ mãi tiếp tục.
Con ếch vẫn nằm ở họng con rắn.
Con ếch không chết nhưng cũng chẳng sống...

Không ai trả, thì thói thường là những người viết phải trả. Tôi đành viết về một thế giới của những người đẹp thắt cổ chết, về Đứa Con Xanh, Đứa Con Vàng Nghệ được sinh ra bất thần trong những cuộc ếch nghẽn trong họng rắn, về ánh trăng lạnh buốt soi trên vô vàn tử thi của chiến địa nước tôi.
Tôi viết dưới ngọn lửa của những thế giới khác nhau, trong đó loài người thì bị đầy đọa, bị gọi là quỷ và vì thế rất khó để tìm tên để đặt cho cái đám không gọi là quỷ...


Võ Thị Hảo

















Tranh Võ Thị Hảo





































































Tham khảo thêm về tác giả Võ Thị Hảo











Võ Thị Hảo


“Dân khí nước ta bị suy giảm quá tệ… Khiếp sợ quen thói, nghe và thấy chật hẹp, tai như điếc, mắt dường mù… Người dưới phải làm điều đê tiện mà không biết hổ, phải chịu sự ô nhục mà không biết thẹn…

(Phan Bội Châu – Bức thư viết bằng máu và nước mắt từ đảo Lưu Cầu).


Mỗi công dân Việt Nam, nếu cố gắng vượt qua sự sợ hãi và vô cảm thì chắc chắn sẽ chấn hưng được dân khí.

Võ Thị Hảo




* Chuyện cướp bóc ở làng Vĩ Đại

Làng ấy nhỏ, nhưng có tính vĩ cuồng nên tự đặt tên là làng Vĩ Đại.
Ông Cột sống giữa làng Vĩ Đại gồm ba mươi ba người. Xung quanh có ông Kèo, bà Ninh, người làng cùng một số côn đồ.
Đám côn đồ chuyên hà hiếp cướp đoạt. Mỗi tháng tại làng có trung bình 9 vụ cướp bóc.
Người làng nhìn thấy nhưng lờ đi, chỉ đến khi mình là nạn nhân, mới kêu khóc thì đã muộn.
Không đành lòng, ông Cột, ông Kèo và bà Ninh bèn bênh vực những nạn nhân. Đám côn đồ phải chùn tay. Số vụ cướp bóc giảm còn 6.
Đám côn đồ ấy tức lắm, một hôm liền dựng ra một vụ đánh ghen, xúm lại đánh ông Cột, đã thế còn hô hào dân làng vào đổ tội, bêu riếu, làm nhục, làm chứng giả. Ông Cột bị ném đá gãy nát một chân, rồi từ đó cũng ê chề vì người làng xử ác, không dám lên tiếng nữa.
Số vụ cướp bóc tăng lên 1/3, lại trở thành 9 vụ.
Ông Kèo và bà Ninh vẫn liều mạng bênh vực người lành. Bọn côn đồ thấy chiêu dối trá bạo lực hiệu quả, liền đổ cho ông Kèo tội ăn cắp. Tòa án làng dẫu biết Kèo vô tội nhưng vẫn tống Kèo vào ngục.
Thế là chỉ còn bà Ninh đơn thương độc mã. Số vụ cướp bóc tăng lên thành 15. Thu nhập của đám côn đồ tăng theo. Mỗi tháng, tại làng Vĩ Đại có khoảng 15 nạn nhân.
Bọn chúng được đà, lại đổ tội làm giấy tờ giả, đưa tiếp bà Ninh vào tù. Số vụ cướp bóc tăng lên 20 rồi 25…
Bây giờ thì những người không phải côn đồ đều trở thành nạn nhân. Nhiều người trong đám côn đồ cũng bị kẻ mạnh hơn hà hiếp.
Lúc đó, có người dân làng Vĩ Đại mới đập đầu kêu khóc mà rằng: Bây giờ chúng ta dở sống dở chết, chẳng còn ai cứu giúp. Giá như ngày trước chúng ta dám kêu lên, không mặc kệ ân nhân bị hành hạ, không làm chứng dối, ném đá tiếp tay cho bọn cướp hãm hại người lành thì đâu đến nông nỗi này…”.


* Sự dối, bạo lực và dân khí suy đồi

Câu chuyện trên đây là thực tế đang có ở nhiều nơi tại VN, khi rất nhiều người trong chúng ta đã bỏ qua lương tri và sự thật, im lặng, vô cảm trước sự oan khuất của đồng bào mình.
Nhiều người đã từng chua chát tự hỏi, trong đám đông chen chúc kia, trong đồng nghiệp, trong hàng xóm, trong bạn bè, trong những nhà chức trách tại cơ quan đoàn thể… khi chúng ta làm điều đúng, khi bị oan khuất, liệu có bao nhiêu người trong số họ dám đứng ra nói sự thật và bênh vực ta?
Ai? Hy vọng nào ở đám người hoặc hèn nhát hoặc tham lam vô cảm chỉ sáng tối làm bóng lộn bộ da và căng đầy cái dạ dày của mình, sống chết mặc bây?
Hy vọng nào từ đa số dân biểu, quan chức, cơ quan đoàn thể, nhà báo, luật sư, văn nghệ sĩ, quan tòa, quân đội, công an, nhà khoa học, nhà giáo… – những người có công cụ ngôn ngữ, quyền lực hoặc vũ khí có thể bảo vệ công lý nhưng đã và đang cúi đầu khoanh tay câm lặng, chỉ lên tiếng khi đụng đến quyền lợi của chính họ?
Đa phần mọi người đều nói rằng tìm người có dũng khí và trung thực bây giờ thật khó như tìm kim đáy biển.
Chính bởi thế, chúng ta là số đông, gần cả trăm triệu người, nhưng lại bị gọi là một đám đông hèn yếu, thậm chí còn không dám mở miệng cất lời bảo vệ chính mình, cam tâm nô lệ, còn nói gì đến việc bảo vệ người khác!
Đó là sự suy đồi của dân khí.
Vấn đề thịnh suy của một đất nước, đương nhiên ở trách nhiệm nhà cầm quyền, nhưng không thể không tính đến nguyên nhân dân khí.
Khí chất và khí phách của người dân thể hiện trong tính cộng đồng, trách nhiệm xã hội, trong sự lựa chọn, dám tôn vinh sự thật, biết tri ân những người vì cộng đồng và công lý, dám chống lại bất công, bạo ngược.
Dân khí mạnh buộc kẻ ác phải chùn tay và phải cư xử đúng mực. Dân khí cũng khiến mỗi người có được sức mạnh tinh thần để thoát vòng nô lệ luôn chờ chực bủa vây.
Chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu từng xót xa khi bàn về dân khí.
“…Cái tệ ấy buổi đầu là do tính nhu nhược, theo mãi, hóa ngu hèn đến nỗi … có miệng lưỡi mà không biết trình bày,…u mê gàn dở, không chút căm giận, sao mà hèn nhát sút kém đến thế…( Phan Bội Châu toàn tập, tr 145. NXB Thuận Hoá Huế, 1990).

Hãy ngẫm nghĩ tiếp những lời của Phan Bội Châu: “ …Các người chỉ là một khối thịt sống, ù ù cạc cạc không biết cái gì, chỉ ngồi mà trách cứ lẫn nhau, trông mong lẫn nhau mà thôi…. đến nỗi cùng xô đẩy dắt díu nhau xuống hồ cả một lũ, một đoàn… Ngó lại các ngươi, ta chỉ hổ thẹn với con chó của tên Đạo Chích…” (Thời thế và anh hùng - Phan Bội Châu toàn tập, tr175-176, NXB Thuận Hóa Huế, 1990).

Những lời đó đã phản ánh tình trạng dân khí của người VN trong những năm đầu thế kỷ XX. Thời đó, với sự hà khắc của chế độ phong kiến, nếu dám trái ý triều đình, có thể bị tội tru di tam tộc.
Tệ thế, nhưng thời đó vẫn có những chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và đông đảo người ủng hộ… Đám tang người tù yêu nước Phan Chu Trinh ngày 4/4/1926 có tới khoảng sáu vạn người Nam Kỳ (có tài liệu nói là khoảng mười vạn, tức là khoảng 1/3 dân số Sài Gòn) theo sau quan tài ông để bày tỏ lòng biết ơn và chí khí, bất chấp sự ngăn cấm của chính quyền, phong trào truy điệu để nối chí ông được tổ chức khắp ba kỳ.
Thật đáng buồn là sau hơn một thế kỷ, những nhận định của Phan Bội Châu vẫn mang tính thời sự, thậm chí thực tế ngày nay còn đáng đau xót hơn hơn.
Làm sao tưởng tượng nổi là không khí quy chụp tư tưởng, vu oan giá họa, xét xử bất cần công lý thuở Cải cách ruộng đất những năm 50 của thế kỷ trước dường như đang sống lại ở thời này ở nhiều vụ việc, tạo vô số dân oan ở nơi nơi. Trong một số bài báo và phóng sự truyền hình, thật nhục nhã cho nghề nhà báo khi một số người thay vì làm rõ sự thật như sứ mạng, thì lại “gắp lửa bỏ tay người” chỉ để đổi lấy tiền bạc, chức vị hoặc sự yên ổn!
Trên thực tế, tỷ lệ người trộm cắp cướp đoạt không lớn so với dân số nhưng sự hoành hành của chúng thật không giới hạn. Chỉ có thể ngăn chặn bằng cải cách thể chế. Một mặt khác, mỗi công dân cũng không thể không nhìn lại trách nhiệm của mình trong việc đã để dân khí suy đồi.


* Tù nhân lương tâm - những Tráng sĩ công lý

Những tù nhân lương tâm – nằm trong số hiếm hoi những tráng sĩ vì đấu tranh cho lợi quyền chung, nhiều người trong số họ đang bị giam cầm đày đọa sau song sắt – lẽ nào ta không nợ họ?!
Khi tù nhân lương tâm Nelson Mandela khốn khổ vì bị nhà cầm quyền Nam Phi kết án chung thân, đày đọa ông trong tù tới 27 năm, mỗi người Nam Phi và người dân trên thế giới, kể cả người Việt Nam, đều nợ ông vì ông đã vì dám dũng cảm đứng lên chống lại chế độ phân biệt chủng tộc, bảo vệ quyền con người và tự do.
Mặc dù nhà cầm quyền đổ cho ông vô số trọng tội, bôi nhọ bằng mọi cách, nhưng ông đã được tôn vinh là người anh hùng của Nam Phi và thế giới, lĩnh tới hơn 250 giải thưởng, trong đó có giải Nobel Hòa bình, trở thành vị tổng thống dân cử đầu tiên của Nam Phi và là một trong những vị cứu tinh của nhân loại.
Tương tự, bà Aung San Suu Kyi đã bị chế độ độc tài quân phiệt Myanma nhục mạ, kết tội, giam cầm và quản thúc tới gần 21 năm chỉ vì bà lãnh đạo cuộc đấu tranh bất bạo động cho việc thiết lập một nền dân chủ và thể chế tiến bộ cho người Myanma. Bà cùng những đồng chí của mình đã thức tỉnh chế độ quân phiệt tàn bạo, khiến đất nước này gần đây phải chuyển đổi theo thể chế dân chủ và tự do. Bà là vị cứu tinh của Myanma, cũng được giải Nobel Hòa bình và được tôn vinh là một trong những vị anh hùng của thế giới.
Mỗi người Myanma, nếu có lương tri, đều biết rằng mình may mắn được nợ bà - nợ những nỗi thống khổ mà bà đã vì họ mà chịu đựng. Nợ những hoạt động nhằm xóa bỏ chế độ độc tài quân phiệt mà bà đã bền gan thực hiện cho bà và cho họ.
Khi xã hội loài người tiến lên được một bước về phía tự do, bình đẳng và công lý thì thường lại có rất nhiều người phải hy sinh trong công cuộc đấu tranh chống lại những thế lực luôn lấy việc cưỡng đoạt hạnh phúc của người khác để phục vụ cho quyền lợi riêng của chúng làm lẽ sống.
Suy cho cùng, không ai sống trên đời mà lại có thể chối bỏ hân hạnh gánh trên vai những món nợ tinh thần phải trả cho mình và cho cộng đồng, cho niềm hạnh phúc của con người.
Bởi thế bất kỳ công dân nào cũng có trách nhiệm đương nhiên phải đấu tranh cho tự do, nhân quyền và công lý cho mình và cho mọi người.
Đó là khí chất làm người, là dân khí, là nhân tố cốt lõi tạo nên nền công bằng và vững mạnh cho một đất nước.
Cần ý thức rằng, khi một người chối bỏ trách nhiệm đó, là đem lại tổn thương cho chính mình và cho xã hội. Trong nỗi oan khuất của người vô tội này bao giờ cũng hàm chứa mối đe dọa về nỗi oan khuất rồi cũng sẽ đến với những người khác.
Khi công dân ý thức được điều đó, nghiễm nhiên sẽ có phẩm giá của loài hiểu biết, hãnh diện về khí chất làm người của mình, sẽ không còn sợ hãi bóng tối và những sự đe dọa.
Khi nhận thức được như thế, sẽ có sức mạnh tinh thần để biết tạ ơn và biết hành động để trả nợ, để không chỉ sống cho ta, trong kiếp ngắn ngủi này, mà biết còn hân hoan sống cho cộng đồng.


* Người Việt Nam hãy “mở miệng”

Người Việt Nam, đương nhiên mỗi người cũng mang món nợ của mình.
Như người làng Vĩ Đại nợ những giọt máu, nợ cái chân gãy, nợ sự oan khuất và tự do bị tước đoạt của ông Cột ông Kèo bà Ninh…
Ta hân hạnh nợ nần bao nhiêu người anh hùng bảo vệ đất nước, chống tham nhũng - ma túy - cướp bóc, những nhà tư tưởng và nhà khoa học vì con người. Ta nợ bao Tráng sĩ lương tâm – họ xứng đáng được tôn vinh là Tráng sĩ – vì có bản lĩnh dám chỉ ra những cái sai cho nhà cầm quyền biết, thực chất là họ đã giúp nhà cầm quyền để củng cố nền hòa bình, công lý và tự do.
Thật đau lòng là nhiều người trong số họ lại đang bị giam cầm và hành hạ sau song sắt nhà tù. Đa phần trong số họ là vô tội. Càng bị đàn áp, bôi nhọ, bản lĩnh và phẩm chất của họ càng tỏa sáng.
Những người dám nói lên sự thật, đòi quyền làm người, dám phản đối cái ác và bất công, hoàn toàn không hề là người đối lập với đảng và chính phủ Việt Nam, mà chính nhiều cá nhân, tổ chức nằm trong hệ thống quyền lực đã có những hành vi ngày càng đối kháng với quyền lợi chính đáng của nhân dân, đất nước.
Nhưng danh sách tù nhân lương tâm tại Việt Nam tăng theo mức độ đàn áp. Chỉ trong nửa đầu năm 2013 này đã có tới khoảng 50 người bị bắt giam. Theo công luận và nhiều luật sư, họ đã bị kết tội oan. Đặc biệt bất công là trường hợp quy tội “trốn thuế” cho Điếu Cày và luật sư Lê Quốc Quân để bỏ tù và đối xử tàn nhẫn với họ, trong khi vô số cá nhân, công ty, đại gia, người trong giới biểu diễn… thiếu thuế hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, thì chỉ truy thu và được gọi là “kê khai thiếu chứ không phải trốn thuế” (theo trả lời PV của bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục thuế TP HCM - Theo VNExpress- 27/7/2013).
Gần đây, việc bị dồn vào tình thế phải tuyệt thực liên tiếp của một số tù nhân lương tâm như Cù Huy Hà Vũ, Lê Quốc Quân, Điếu Cày… và cuộc nổi dậy bất đắc dĩ của tù nhân tại trại giam Z30 A Xuân Lộc – Đồng Nai ngày 30/6/2013 vừa rồi đã lại làm phẫn nộ thêm nhiều người có lương tri trong và ngoài nước.
Hiện trạng ấy khiến cho dư luận đặt ra nhiều câu hỏi nhức nhối. Thật trái đạo lý, và có khôn ngoan không, khi nhà chức trách đang chọn cách giải quyết những vấn nạn chính trị - kinh tế - xã hội bằng súng và xiềng xích đe nẹt tự do ngôn luận thay vì cải cách thể chế và cải cách kinh tế?
Chỉ tìm cách đổ lỗi cho các “thế lực thù địch diễn biến hòa bình” bên ngoài chứ không cắt bỏ khối ung bướu ngay trong thể chế, đó thực ra là một sự “tự sát”, không những làm trầm trọng thêm các vấn đề cấp bách hiện nay mà còn khiến Việt Nam càng thêm giảm uy tín và khiến cộng đồng quốc tế không thể làm ngơ.
Việt Nam hiện đang bị xếp thứ gần chót hạng (172/179 quốc gia) trong bảng Chỉ số Tự do Báo chí thường niên 2013 do tổ chức Phóng viên Không biên giới thực hiện.
Không phải vô cớ, không chỉ có sự đòi hỏi từ một số đồng bào Việt Nam, mà ngày càng dồn dập tăng số lượng cá nhân và tổ chức trung lập có uy tín trên thế giới bày tỏ sự ủng hộ đối với những nhà phản biện và tù nhân lương tâm Việt Nam, đòi phải lập tức trả tự do cho họ.
Ngày 18/4/2013, Quốc hội chung châu Âu thông qua nghị quyết tố cáo Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận và hạn chế tự do tôn giáo.
Ngày 17/6/2013, có tới 12 tổ chức NGO, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Thế giới, Trung tâm nhân quyền Kennedy (Mỹ) và một đoàn gồm 12 nghị sĩ Mỹ… cũng lên tiếng mạnh mẽ yêu cầu chính phủ Việt Nam phóng thích ngay luật sư vô tội Lê Quốc Quân, đồng thời yêu cầu chấm dứt việc đàn áp các luật sư và các nhà chỉ trích chính phủ về vấn đề nhân quyền.
Ngày 27/6/2013, bản Dự thảo về luật nhân quyền cho Việt Nam được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua, đưa ra cảnh báo dứt khoát cho Việt Nam là phải cải thiện về nhân quyền, nếu không muốn có những tổn hại về kinh tế và thương mại, hoặc những nguồn viện trợ nằm ngoài chính sách nhân đạo từ Mỹ.
Một Dự luật nhân quyền cho Việt Nam và Dự luật chế tài nhân quyền Việt Nam, hiện đang được trình cho Hạ nghị viện và rồi Thượng nghị viện Mỹ, là những hành động cảnh báo mạnh mẽ để Việt Nam cân nhắc lại và hành xử cho đúng với những văn bản đã ký cam kết về Quyền con người cùng thế giới.
Trong hoàn cảnh Chủ tịch nước Việt Nam vừa ký văn bản cam kết hợp tác toàn diện với Mỹ, nếu Việt Nam không cam kết suông, thì vấn đề cải thiện nhân quyền tại Việt Nam lại càng cấp bách hơn bao giờ hết.
Mỗi người Việt Nam xin hãy tỉnh táo để tránh thảm họa đều trở thành nạn nhân của nạn côn đồ cướp bóc, như người dân làng Vĩ Đại. Hãy mở miệng bảo vệ chính chúng ta và các Tráng sĩ công lý.
Mỗi người Việt Nam vốn đều mang căn tính thiện và dũng khí trong mình, với lòng yêu công lý, hòa bình và hạnh phúc.
Vậy hãy để cho căn tính này được tự nhiên bộc lộ.
Hãy hồn nhiên “mở miệng” như tạo hóa vốn tạo nên ta thế. Như một sự xác tín rằng ta là con người, xứng đáng được hưởng những quyền tối thiểu đương nhiên của con người đã được tạo hóa ban cho. Nếu sống mà không có quyền tự do ngôn luận, quyền được hưởng công lý và bình đẳng, thì sống khác nào đang chết.
Mỗi công dân Việt Nam, nếu cố gắng vượt qua sự sợ hãi và vô cảm thì chắc chắn sẽ chấn hưng được dân khí.
Người Việt Nam cũng biết hân hạnh mang nợ và trả nợ lương tâm. Như thế không phải là chống đối nhà cầm quyền, mà là thức tỉnh họ phải trở lại con đường đồng hành cùng nhân dân xây dựng một nền dân chủ, tự do, đất nước toàn vẹn lãnh thổ và giàu mạnh.

V.T.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN












Võ Thị Hảo


"Ai đã tước đoạt của tôi quyền đương nhiên sở hữu tác phẩm mình viết ra? Ngoài việc đồng hành cùng nỗi đau của con người, tôi đã làm gì để họ đối xử như vậy?” nhà văn Võ Thị Hảo nói về tác phẩm “Dạ Tiệc Quỷ” của bà.


DCVOnline: Ban Biên tập DCVOnline đã nhận được bài viết này của nhà văn Võ Thị Hảo vừa trước ngày Quốc tế nhân quyền 10/12 nhưng vì lý do đang xây dựng lại trang mạng, nên đến hôm nay chúng tôi mới giới thiệu đến quý độc giả.


Sau bài viết này, DCVOnline sẽ đăng tải nhiều kỳ tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ của nhà văn Võ Thị Hảo.



Vì ta vốn là Người

Tôi không thích kể lể. Câu chuyện sau đây tôi đã nuốt vào lòng chỉ vì nó liên quan trực tiếp đến mình. Nhưng vì ngày Nhân quyền thế giới đã thôi thúc tôi thêm một lần khẳng định rằng mình và nhân dân Việt Nam vốn và đang là con người, lại nhân dịp tôi buộc lòng sẽ phải đăng tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ lên trang mạng DCVOnline vì trong nước Việt Nam chẳng cho phép tôi xuất bản tác phẩm này, nên đành kể ra.

Cuối năm 2006 tôi hoàn thành tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ (từ tháng 3/2005, tạp chí Nhà văn của Hội Nhà văn Việt Nam đã giới thiệu 3 chương trong cuốn tiểu thuyết này). Tôi đưa bản thảo (chừng 400 trang in) đến một nhà xuất bản chuyên về văn chương ở Hà Nội.

Phụ trách và biên tập viên đều là người trong giới văn chương cả. Nhiều người trong số họ hào hứng đón nhận bản thảo, hứa sẽ đọc nhanh, sách có thể sớm ra mắt vì “báo chí và dư luận rất quan tâm sau khi đọc ba chương của Dạ tiệc quỷ. Bạn đọc đang chờ đợi tiểu thuyết này”.


Lại “nhạy cảm” – hãy “nạo thai”

Thời gian bản thảo lưu ở NXB này khoảng hơn nửa năm. Tôi không sốt ruột, bởi biết rằng như thực tế đã xẩy ra, bản thảo của mình có thể nhiều người để ý tới, nhiều cấp muốn “kiểm duyệt”. Trong khi đó, nhiều công ty xuất bản tư nhân và nhiều nhà xuất bản cũng muốn bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh tiểu thuyết này, vấn đề chỉ là đợi Giấy phép xuất bản từ phía nhà nước mà thôi.

Biên tập viên rất tích cực. Nhưng rồi buổi làm việc cuối cùng cũng đến. Biên tập viên trả lời bất mãn: Dạ tiệc quỷ rất hay nhưng không được cấp giấy phép vì lý do “nhậy cảm”! Chị biết đấy. Ở Việt Nam ta không có sự giải thích nào khác cho những tác phẩm tôn trọng sự thật và được gọi là “động chạm” như của chị.

Tôi chẳng biết nói gì. Ừ, ở Việt Nam mấy chục năm nay, người viết như chúng tôi làm gì có quyền công bố tác phẩm của mình. Phải đợi rất nhiều cấp xét duyệt.

Và các cấp xét duyệt ấy, sinh ra rất nhiều khi không để làm việc bảo vệ và phát triển văn hóa, văn học theo quy định của pháp luật như chức năng mỹ miều của nó đã được đăng ký với công chúng.

Hệ thống đó, ai cũng biết, sinh ra chủ yếu là để kiểm duyệt, để “khai tử”, để “bóp chết các tác phẩm “nhậy cảm” từ trong trứng”. Nếu họ không bóp chết các tác phẩm đó từ trong trứng – nghĩa là ở khâu kiểm duyệt, thì chính họ sẽ bị “xử trảm”: bị kỷ luật, cách chức, cắt mất niêu cơm và đi vất vưởng tìm việc ngoài đời.

Để “trảm” một nhà văn hoặc một nhà báo, chỉ cần giết chết các tác phẩm và bài viết của người đó ngay ở khâu không cấp phép xuất bản. Nếu không có giấy phép mà xuất bản, đương nhiên sẽ bị phạt tiền, tịch thu tác phẩm, thậm chí tù tội và phải chịu nhiều hệ lụy về sau.

Những tác phẩm thiếu chất lượng, nhảm nhí, hại đến thẩm mỹ của công chúng, làm thô tục và tầm thường hóa nền văn học thì cứ cấp phép thoải mái, nhưng những tác phẩm được gọi là “nhậy cảm”- nghĩa là không đi theo lề phải, không “phải đạo” theo quan niệm của nhiều người có quyền lực, thì phải tuyệt đối “trảm” ngay từ đầu!

Tôi thở dài. Vâng, tôi còn lạ gì hệ thống này. Ngay từ sau khi giành được chính quyền, nhân dân Việt Nam, trong đó có tôi, đã được hưởng quyền bị “xử trảm” tác phẩm từ trong trứng. Vụ án Nhân văn Giai phẩm và đày đọa văn nghệ sĩ còn tày liếp đó.

Muốn yên thân, muốn vinh thân phì gia, hãy vờ vịt, hãy tiếp tay và ca tụng cái ác và cái dối trá. Hãy học nghề ăn không nói có, bợ đỡ và nịnh hót. Kìa xem có bao nhiêu là người đang làm như thế mà không biết thế nào là nhục nhã. Ngươi là đàn bà, tốt nhất hãy dùng “vốn tự có”, làm cho vài quan lớn xiêu lòng và cùng họ tận hưởng phú quý. Cả đời ngươi sẽ ngồi trên đống vàng. Nào ngươi hãy quên người nghèo, quên bất công, tham nhũng, quên nước mắt, quên những vết thương lịch sử đớn đau làm bao nhiêu triệu người chết không nhắm mắt… Quên đi quên đi.

Thà ngươi cúi xuống, chăm chăm nhìn vào cái bộ phận sinh dục đàn bà của ngươi mà mô tả trần trụi theo kiểu học sinh lớp 4, thì sách của ngươi sẽ lập tức được cấp phép và thậm chí còn được tổ chức những đợt tuyên truyền quy mô và rầm rộ.

Cả một chủ trương ngầm để giải thiêng, dung tục hóa văn chương, để nhà văn thực sự có tài và có lương tâm thì mất chỗ công bố tác phẩm và văn học tự đánh mất chức năng đánh thức lương tri và chức năng khai sáng.

Phải thừa nhận rằng đó là một chuỗi cử chỉ tinh vi, kéo dài đã hơn nửa thế kỷ, và đã rất thành công. Diến biến và những tai tiếng trong các Đại hội Nhà văn, đại hội các ngành văn nghệ khác là một thí dụ mà ngoài những lời bình luận của người trong cuộc và công chúng thì chẳng cần phải nói gì thêm.

Những câu trả lời “vì lý do nhậy cảm” cũng được lặp đi lặp lại ở những nhà xuất bản mà tôi đưa tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ đến đến xin cấp phép xuất bản. Rồi tôi lại đưa tập truyện ngắn “Ngồi hong váy ướt” đi xin cấp phép xuất bản tiếp, dù tiên liệu trước rằng rồi lại bị từ chối thôi.

Chính xác. Ngồi hong váy ướt cũng thế, cũng bị từ chối cấp phép. Vâng, tôi đã từng biết và đã được biết nay càng thêm biết.

Ngày lại ngày, nhiều người làm báo ngậm ngùi cắt xẻo, “trảm quyết” từ trong trứng những đứa con tinh thần được họ hoặc người viết hoài thai với bao đớn đau về sự thật. Những cuộc “nạo thai” phi lý như vậy diễn ra ngày ngày giờ giờ phút phút trên đất nước này. Và thế là khiến cho cả nước thành một biển người câm lặng. Khiến cho khoảng bảy trăm tờ báo và tạp chí, chưa kể các tập san nội bộ và các nhà xuất bản lớn nhỏ, nói ngược xuôi gì rồi cũng phải về cùng một giọng.

Cái giọng đó được chỉ định bởi một “Tổng biên tập” nhẩy lò cò bằng một chân phải, còn chân kia cất vào ngăn kéo để tính lập trường và tính công bộc đã bảo vệ nền chuyên chính vô sản bằng cách giết chết các tác phẩm “nhạy cảm’ từ trong trứng, mặc dù trong thâm tâm họ biết rằng làm thế là vi phạm pháp luật và đã làm cho nền chuyên chính vô sản trở nên èo uột do đã hoàn toàn chối bỏ kháng sinh!

Tôi không nản chí. Là một người viết, tôi hiểu rõ mức độ chất lượng và giá trị của tác phẩm mình viết. Tôi hiểu quá rõ chế độ “một tổng biên tập” và mức độ quyền tự do ngôn luận được thực thi thế nào ở Việt Nam.

Trước đây, trong tiểu thuyết “Giàn thiêu” và nhiều tác phẩm khác, tôi đã phải gửi gắm những tư tưởng của mình vào các câu chuyện lấy bối cảnh và những nhân vật từ quá khứ cách đây có thể cả tới ngàn năm để “lọt” qua hệ thống kiểm duyệt. Thời chính quyền hô hào “cởi trói” cho văn nghệ sĩ, xuất hiện những Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài với bà đỡ mát tay tri kỷ là nhà văn Nguyên Ngọc với báo Văn Nghệ cho phép đăng những cuộc tranh luận văn học nghiêm túc dài kỳ, được công chúng ủng hộ rầm rộ vì nói đúng nguyện vọng của họ đã qua lâu quá rồi.

Ngay sau đó, nhà cầm quyền đã hối hả thít dây trói lại và tiếp tục một đêm dài chủ nghĩa “phải đạo” và chủ nghĩa dung tục dối trá được vô tình cổ vũ. Tôi đã tiên liệu.

Tôi không ngạc nhiên. Tôi vẫn đều đặn ngồi trước trang giấy trắng mỗi ngày, và còn thu xếp, từ chối một số quyền lợi, gạt bỏ một số công việc, để viết nhiều hơn. Tôi viết cho chính tôi, cho bạn đọc yêu quý của tôi. Những người mà lâu lâu họ gọi điện không thấy tôi cầm máy thì liền lo lắng “có thể tôi đã bị bắt”.

Tôi viết cho cả những người chẳng biết chữ, cho những người sắp chết đuối hoặc đã chết vì tai nạn giao thông. Tôi viết cho cả những người chỉ lăm le hại tôi, thậm chí sẽ ném đá tôi. Tôi viết vì muốn dọn sẵn một khoảng trời sáng sủa hơn cho người Việt Nam trong đó có tôi.

Tôi viết để mong sao chúng ta được hưởng quyền làm người thực sự, trong đó không ai được cấm đoán tự do ngôn luận, trong đó mọi chính phủ, mọi nhà cầm quyền được sinh ra, được dân trả lương là để bảo vệ các quyền của con người, chứ không phải để tước đọat, bắt bớ giết chóc khi có ai đó nói trái ý mình họăc chỉ là để ban phát.

Rồi “trảm quyết” văn chương

Và tôi làm một việc đương nhiên: đưa bản thảo Dạ tiệc quỷ và Ngồi hong váy ướt đến đăng ký bảo hộ quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam. Ngoài việc để bảo hộ tác quyền chính đáng của mình – mà trong quá khứ tôi đã từng bị người khác ăn cắp trắng trợn (Truyện ngắn “Máu của lá”), tôi còn thể hiện việc công khai chịu trách nhiệm trước pháp luật về mỗi dòng tôi đã viết ra trên giấy trắng, cho dù chúng vẫn bị nhốt trong bóng tối với dụng tâm “bóp chết từ trong trứng” vì không được phép xuất bản.

Đầu tiên, cán bộ Cục Bản quyền tác giả đã đón tiếp tôi nhiệt tình. Họ còn tỏ ý hoan nghênh một nhà văn như tôi đã luôn biết tìm đến nơi bảo vệ quyền tác giả chính đáng của mình.

Một tháng sau, đúng ngay trước dịp Tết Độc lập(2/9/2010) của người dân thuộc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi khấp khởi đến Cục. Lần này các nhân viên không trả lời, chỉ cho tôi đến gặp trường phòng. Thoạt nhìn bốn bản thảo (phải nộp mỗi tác phẩm 2 bản coppy) của mình trong những ngón tay lập cập của người trưởng phòng và sự bối rối không thể nhìn thẳng vào mắt người đối thoại của anh khi giải thích, tôi mới linh cảm rằng có chuyện gì đó bất ngờ.

Quả vậy, ngoài sức tửơng tượng của tôi, Trưởng phòng trả lời: “chị thông cảm, hiện nay chúng tôi không thể đăng ký quyền tác giả cho các tác phẩm này”.

Tôi bị sốc. Hỏi vì sao, có văn bản nào quy định không, thì anh khổ sở trả lời: “bất thành văn chị ạ. Chị biết đấy, vì lý do “nhạy cảm”… Chị thông cảm cho chúng tôi…”.

Cục bản quyền tác giả là một cơ quan tồn tại bằng tiền thuế của nhân dân, làm công việc xác nhận, bảo hộ quyền đương nhiên, quyền tối thiểu là quyền sở hữu tác phẩm của tác giả. Tôi mang tác phẩm đến đăng ký, là tôi công khai, đàng hoàng chịu trách nhiệm về mỗi chữ mỗi dòng trong tác phẩm của mình dù đã công bố hay chưa công bố. Luật pháp Việt Nam cũng quy định như vậy.

Cục bảo hộ quyền tác giả không phải là nơi có quyền và trách nhiệm xem xét nội dung, chất lượng nghệ thuật của bản thảo để quyết định cho công bố hay không công bố. Cục chỉ cần xác nhận hay không xác nhận: Quả trứng này là của con gà này đẻ, không phải của con gà kia, thế thôi.

Ai đã tứơc đoạt của tôi quyền đương nhiên sở hữu tác phẩm mình viết ra?

Nếu tước đoạt của tôi quyền đó, phải chăng, Cục và bàn tay vô hình bí mật nào đó muốn khuyến khích cho những kẻ trộm cắp bỉ ổi cướp đọat quyền sở hữu tác phẩm của tôi?

Ngoài việc đồng hành cùng nỗi đau của con người, tôi đã làm gì để họ đối xử như vậy?

Ngoài tôi ra, có bao nhiêu tác giả bị tước đoạt quyền xuất bản và quyền sở hữu tác phẩm như thế trên đất Việt Nam ở thế kỷ 21 này – ở năm thứ 795 sau khi người Anh công bố Hiến chương Magna Carta trong đó có có những điều khoản về Đạo luật nhằm bảo vệ quyền Con người; ở năm thứ 62 sau Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, và cũng đã ở năm thứ 33 sau khi Việt Nam ký cam kết tuân thủ Công ước Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, trong đó đương nhiên có quyền tự do ngôn luận!

Bao nhiêu tác phẩm có lương tri và đồng hành cùng sự thật, tôn trọng những quy định của pháp luật Việt Nam nhưng đã bị những bàn tay không lộ diện “xử trảm” từ trong trứng?!

Lúc đó tôi thực sự muốn nổi điên, muốn to tiếng với anh trưởng phòng của Cục Bảo Hộ quyền tác giả. Nhưng rồi, tôi im lặng. Tôi nhìn vẻ mặt bối rối không biết nói thế nào cho phải của anh và thấy ái ngại. Ái ngại và sợ hãi. Sợ một lần nữa phải nghe câu trả lời quen thuộc: “lý do nhậy cảm”.

Hôm đó là ngày 30/08/2010. Hà Nội và cả nước đang đỏ rực cờ hoa và khẩu hiệu đón Tết Độc lập lần thứ 65 và đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

“Xử trảm” một lúc hai tác phẩm – đó là món quà đặc biệt dành cho tôi nhân kỷ niệm 65 năm Việt Nam được gọi là “giành được độc lập tự do” đấy chăng?

Tôi mệt mỏi trên con dốc nhỏ từ Cục bản quyền tác giả lên đường Hoàng Hoa Thám tấp nập xe cộ.

Đỉnh dốc trước mặt nổi rõ một băng vải đỏ dài rộng căng cao, hàng chữ nhựa màu vàng sáng lóa: “ Không có gì quý hơn độc lập tự do”!


Bây giờ thì nhân danh những người khóc

Tôi có thể đưa bản thảo tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ và Ngồi hong váy ướt lên mạng Internet hoặc gửi in ở nước ngoài từ lâu.

Nhưng tôi muốn chờ đợi để bạn đọc của tôi ở trong nước được chia sẻ nó trước.

Đến nay thì đã vô vọng. Bốn năm chờ đợi, tôi nghĩ đã quá đủ. Tôi cần chia sẻ nó với bạn đọc. Ngay bây giờ.

Vì những vấn đề của cuộc sống và thời đại hiện tại đang được phản ánh mãnh liệt, da diết trong đó. Và tôi phải đẩy chúng ra đời, bởi tôi lại đang viết cuốn tiểu thuyết khác: “Rừng đoạn đầu” – về một giai đoạn đầy tàn bạo và đau thương, luôn vì thủ cựu, tham lam và dốt nát mà làm lỡ thời cơ cả trăm năm của đất nước. Tôi phải viết chúng ra. Ôi tôi mắc nợ quá nhiều những ám ảnh đau thương và các oan hồn. Tại sao họ cứ tìm tôi để kể và để khóc? Trong khi cũng như ai, tôi muốn được yên thân.

Nhân danh những người khóc, nhân danh tự do và quyền con người cho tôi và cho người dân Việt Nam, hôm nay, ngày Nhân quyền thế giới – cái ngày tuyệt vời nhất mà con người có thể nghĩ ra, tôi chia sẻ cùng bạn đọc tiểu thuyết Dạ tiệc quỷ trên mạng Internet qua DCVOnline , mong cho người Việt Nam dù ở bất cứ đâu cũng đều có thể đọc.

Tôi kể cùng bạn đọc câu chuyện trên.

Để góp phần thúc đẩy cho một ngày, người Việt Nam được thực sự làm con người đang sống với đầy đủ quyền tự do ngôn luận. Không ai có quyền ban phát hay tước đoạt quyền đó của chúng ta.









Môn Văn bị thất sủng thì phi nhân tính lên ngôi

Võ Thị Hảo



PV: -Thưa nhà văn Võ Thị Hảo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra Quy chế tuyển sinh Đại học 2013, theo đó, các trường thuộc khối nghệ thuật sẽ không phải thi môn Văn. Học Văn là học làm người, nay bỏ thi môn Văn, chỉ xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp. Theo bà, liệu có thể lạc quan rằng, Bộ GD thừa tự tin trong việc dạy và học Văn ở cấp THPT rồi, và học sinh cứ tốt nghiệp THPT đã là người tốt rồi? So với thực tế hiện nay, cô thấy điều này có đúng không?

Nhà văn Võ Thị Hảo: -Tôi cũng đang muốn lý giải điều này đây. Tự tin thì chắc rồi. Ở VN, quan chức là người tự tin nhất vì mấy ai phải lãnh hậu quả vì quyết định của mình đâu. Một mặt, thực tế là cách dạy môn Văn cũng như nội dung của các giáo trình đang có quá nhiều nội dung nhàm chán và “cúng cụ”, né tránh sự thật, quá lạc hậu so với thực tiễn, đang làm cho học sinh chán ngán lìa xa.

Một lý do quan trọng: hầu hết người đang làm việc trong lĩnh vực liên quan đến văn chương và khoa học xã hội, nếu không phải là quan chức, thì rất khó kiếm việc làm và nghèo. Hằng hà sa số người chen chân học nghề tài chính ngân hàng và mánh khóe chạy quyền chạy chức, cho rằng thế là đủ, là công dân hạng nhất! Vì thế là đa phần học sinh không muốn dính líu đến khối C, trong đó có môn Văn. Có lẽ thực trạng này khiến cho nhiều vị có trách nhiệm trong ngành giáo dục nghĩ rằng rằng người làm nghệ thuật không cần kiến thức văn học và nhân học?

PV: - Nhiều vị hiệu trưởng khối các trường ủng hộ quy chế trên của Bộ với lập luận rằng, bỏ qua việc thi môn Văn, trường sẽ không bỏ sót các thí sinh thật sự có năng khiếu. Giả sử điều đó là đúng, liệu năng khiếu thuần túy có thể trở thành tài năng nếu thiếu việc học Văn không? Hay điều đó sẽ gây ra những hệ lụy mà chúng ta đã và đang nhìn thấy nhan nhản trong làng giải trí Việt?

Nhà văn Võ Thị Hảo: - Theo tôi, lý giải đó chưa thuyết phục. Quy định hệ số điểm ưu tiên của môn năng khiếu so với môn Văn sẽ khiến cho học sinh vẫn cố gắng rèn luyện về văn học, nhân học trong khi năng khiếu vẫn không bị bỏ sót. Nếu bỏ môn Văn, sẽ là tiền lệ cho việc tùy tiện bỏ các môn khác. Sẽ ra sao nếu mai đây có người theo “sáng kiến” đó mà đề xuất rằng những người thi vào đại học sư phạm chỉ cần thi năng khiếu nói, nên bỏ các môn khác!? Và để thi vào đại học ngoại ngữ, chỉ cần chọn những người có khả năng bắt chước nói giỏi như vẹt? …

PV: - Quy chế nói trên của Bộ Giáo dục Đào tạo được đưa ra trong bối cảnh trong xã hội, ngày ngày chúng ta chứng kiến những hành vi vô cảm với đồng loại: hàng xóm bị côn đồ vào tận nhà hành hung mà người sống bên cạnh sợ hãi không giúp đỡ, người gặp nạn giữa đường mà chỉ đứng xem... khiến dư luận vô cùng băn khoăn. Cùng với đó, ngày càng nhiều học sinh không ưa môn "học làm người", Bộ cũng coi nhẹ môn này trong thi cử thể hiện qua quy chế vừa ban hành. Cô có đồng cảm với những băn khoăn đó hay không? Có thể lý giải như thế nào về sự thất sủng của môn Văn ạ?

Nhà văn Võ Thị Hảo: - Công bằng mà nói, môn Văn thất sủng do nhiều nguyên nhân đã đề cập ở trên, và không thể không nói tới trách nhiệm là những người hành nghề văn chương và báo chí đã viết ra những tác phẩm kém chất lượng, nô lệ, cũ mòn, né tránh hiện thực.

Tầng lớp quản lý xã hội, giáo dục, người viết văn, viết báo hễ cầm đến cây bút là tự động nhận trách nhiệm khai sáng cho xã hội. Nếu tầng lớp này vô cảm, thì sự tàn nhẫn lên ngôi và là ngày thắng thế của đủ loại côn đồ cướp bóc. Một nguyên nhân cốt lõi để học sinh không ưa học làm người vì môn đó hiện đưa ra những lời khuyên sáo rỗng và thực tế thì những người lẽ ra phải gương mẫu nhất thì lại có lợi nhất, no đủ nhất vì đang hành xử phi nhân tính nhất. Ngành giáo dục cũng như ngành y tế cũng thế thôi. Khi cái phi nhân tính lên ngôi, tất cả những gì không phải là tiền hay thức ăn đều bị thất sủng, trong đó có môn Văn.

PV:- Để chữa căn bệnh vô cảm của xã hội hiện nay, một trong những phương thuốc hữu hiệu có phải là hướng con người tới những giá trị cao đẹp không thưa cô?

Nhà văn Võ Thị Hảo: - Căn bệnh vô cảm hiện nay sẽ không khỏi, nếu không chữa từ gốc. Cần một hệ thống hành động để làm trong sạch và khiến con người ngày ngày được chứng nghiệm việc sống lương thiện và tử tế là nghĩa vụ làm người và là một giá trị đương nhiên, trường tồn, được tưởng thưởng, chứ không phải lời kêu gọi suông, xui dại để “thật thà thẳng thắn thì thua thiệt” như hiện nay.

Để những giá trị làm người cao đẹp không bị thất sủng, bị giết chết, trước hết cần sự đổi mới ngay trong thể chế. Sự thật phải được tôn vinh, giám sát. Báo chí lúc đó mới bớt việc theo đuổi mông và ngực của những cô gái hời hợt hành nghề giải trí để trở về hướng con người theo đuổi tri thức và nhân tính. Những kẻ tham nhũng, cướp bóc phải bị trừng phạt đích đáng... Khi trật tự được lập lại, mới có thể hy vọng xóa bỏ tình trạng có nhiều người “vô văn hóa” lại có quyền sinh quyền sát ở ngành văn hóa, có người “vô giáo dục” lại làm ở ngành giáo dục, những “ác mẫu” lại làm ở ngành y tế …

PV:- Rất nhiều nhà chính trị thành đạt trên thế giới coi là một sự sỉ nhục nếu không am hiểu văn chương nghệ thuật. Vậy chúng ta phải ứng xử với văn chương thế nào để nó trở thành chiếc cầu nối hiệu quả? Môn Văn trong nhà trường hiện nay liệu có cần phải đổi mới không, thưa cô?



Nhà văn Võ Thị Hảo: - Theo tôi, trước hết cần thay đổi cái “vòng kim cô” đang đè nặng lên cách soạn giáo trình và dạy Văn theo lối “cúng cụ” gây tổn hại cho nhân tính lâu nay, để môn Văn thực sự là môn học hấp dẫn và cập nhật. Mục đích của việc dạy Văn phải là khuyến khích và huấn luyện con người khả năng cảm thụ, tự do bộc lộ suy nghĩ, biểu cảm, kỹ năng sống, biết yêu thương, có trách nhiệm và gắn kết với cộng đồng.

Những người hành nghề nghệ thuật, ngoài năng khiếu vẽ vời nhảy múa, cần phải đi qua một cây cầu tối thiểu, đó là am hiểu về xã hội và tâm lý, tâm hồn con người để tạo cảm hứng sáng tạo và xúc cảm nghệ thuật. Không vô cớ khi người ta đã xác nhận rằng văn chương là mẹ sinh thành, là “nguồn sữa” của các ngành nghệ thuật khác. Những nhà chính trị mà chị đề cập ở trên thực ra họ biết thực dụng đấy. Họ hiểu rằng bản thân văn chương - là bộ môn phản ánh đời sống con người một cách toàn diện nhất, nên đã không phạm sai lầm bỏ qua văn chương như một công cụ để cảm nhận cuộc đời, tìm hiểu tâm lý công chúng và những dự báo xã hội.

Hoàng Hạnh (thực hiện)










Võ Thị Hảo:
Hiến pháp và quan tài
http://doithoaionline2.blogspot.com/2013/04/nha-van-vo-thi-hao-hien-phap-va-quan-tai.html






Võ Thị Hảo:
Quốc hội không thể mũ ni che tai được mãi
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/11/121110_vn_congress_take_action.shtml




Võ Thị Hảo, Dương Tường, Lê Đạt








Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo,  ..........










Võ Thị Hảo và hai con gái Uyên Ly & Hạnh Ly





































Trở về






MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.