Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

Trinh Công Sơn (1939 - 2001)















Trịnh Công Sơn
(28/02/1939 Đắc lắc - 01/04/2001 Sài Gòn)
Hưởng thọ 62 tuổi

Nhạc Sĩ, Thi Sĩ 











"Ta thấy em đang ngồi khóc khi rừng chiều đổ mưa" 
1989
Bút tích Trịnh Công Sơn mặt sau tranh Đinh Cường
(PN sưu tập)









Thuở nhỏ Trịnh Công Sơn theo học trường Providence ở Huế, sau vào Sài Gòn học Lycée J.J.Rousseau.
Năm 1962 theo học tâm lý giáo dục trẻ em tại trường sư phạm Quy Nhơn rồi dạy tiểu học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Trịnh Công Sơn tự học nhạc, bắt đầu sáng tác từ năm 17 tuổi với bài Sương Đêm, Sao Chiều. Nhưng Ướt Mi là tác phẩm được công bố đầu tiên mà người đời được biết đến...

Ngoài hiên mưa rơi rơi ...
Lòng ai như chơi vơi ...
Người ơi nước mắt hoen mi rồi ...
Người em thương mưa ngâu ... hãy khóc sầu nhân thế ...

Năm ấy anh 20 tuổi.

Từ đó cho đến lúc trở về với cát bụi, Trịnh Công Sơn đã sáng tác hơn sáu trăm ca khúc, chủ yếu nói về thân phận con người và tình yêu. 


 Hay đúng hơn, sáu trăm bài thơ tình hát cho những dòng sông trôi giạt, cho phận người hữu hạn vắng không ... với Tình Yêu, như một biểu tượng ... Bất Tử.










Như Một Lời Chia Tay


Những hẹn hò từ nay khép lại
Thân nhẹ nhàng như mây
Chút nắng vàng giờ đây cũng vội
Khép lại từng đêm vui
Đường quen lối từng sớm chiều mong
Bàn chân xưa qua đây ngại ngần
Làm sao biết từng nỗi đời riêng
Để yêu thêm yêu cho nồng nàn
Có nụ hồng ngày xưa rớt lại
Bên cạnh đời tôi đây
Có chút tình thoảng như gió vội
Tôi chợt nhìn ra tôi
Muốn một lần tạ ơn với đời
Chút mặn nồng cho tôi
Có những lần nằm nghe tiếng cười
Nhưng chỉ là mơ thôi
Tình như nắng vội tắt chiều hôm
Tình không xa nhưng không thật gần
Tình như đá hoài những chờ mong
Tình vu vơ sao ta muộn phiền
Tiếng thì thầm từng đêm nhớ lại
Ngỡ chỉ là cơn say
Đóa hoa vàng mỏng manh cuối trời
Như một lời chia tay


                         TCS







"Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời."

TCS







ĐỂ BẮT ĐẦU MỘT HỒI ỨC 
Trịnh Công Sơn 

......,
Viết hồi ký về đời mình là quyền của mỗi con người. Ai cũng muốn ghi lại những kỷ niệm buồn, vui trong đời. Tuy nhiên cũng có những hồi ký tự thuật và những tường trình về đời mình có tính cách thiếu khiêm tốn và đôi khi không gần gũi với sự thật lắm. Ðiều đó dễ dẫn ta đi vào một thứ trận đồ bát quái tâm linh, không có thật. Tôi rất ngại nói về mình mặc dù đã có nhiều cơ sở xuất bản trong và ngoài nước đề nghị viết về một quá trình khá dài trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Cái tôi đáng ghét (Le moi est haissable) nhưng cái tôi cũng có lúc đáng yêu vì cái tôi đó biết mình và cuộc đời là một. Tôi yêu cuộc đời và cuộc đời cũng đã yêu tôi. Ðó là niềm an ủi lớn trong cuộc sống này. Vì thế trong lòng tôi không có một giây phút nào nuôi một lòng oán hận với cuộc đời.

Dù có đôi khi nhân gian bạc đãi mình, và con người phụ rẫy mình nhưng cuộc đời rộng lớn quá và mỗi chúng ta chỉ là những hạt bụi nhỏ nhoi trong trần gian mà thôi. Giận hờn, trách móc mà làm gì bởi vì cuộc đời sẽ xoá hết những vết bầm trong tâm hồn chúng ta nếu lòng ta biết độ lượng. Ta biết tha thứ những điều nhỏ thì cuộc đời sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn.

Ai cũng biết cuộc đời này là quý vì vậy ai cũng muốn ôm lấy mãi cuộc đời. Như đôi tình nhân. Nhưng mà nợ trần không dễ, không dài. Rồi sẽ có phút chia lìa. Phút ấy không biết còn ai nhớ ai nữa không trên mặt đất trần gian này.

Tôi đến với âm nhạc có lẽ cũng vì tình yêu cuộc sống. Một phần cũng do một khúc quanh nào đó của số phận. Thời trẻ tôi học võ và chơi những môn điền kinh. Sau một cơn bệnh nặng kéo dài hơn hai năm do tập dợt judo với người em trai và bỗng nhiên muốn bày tỏ một điều gì đó với cuộc đời. Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời ru con của mẹ. Triết học Việt Nam có đó nhưng không được hệ thống hóa vì nó bàng bạc trong đời sống nhân gian.

Tôi không bao giờ có tham vọng trở thành một người viết ca khúc nổi tiếng nhưng đời đã tặng cho tôi món quà ấy thì tôi không thể không nhận. Và khi đã nhận rồi thì mình phải có trách nhiệm đối với mọi người. Vì thế tôi đã cố gắng làm thế nào để có thể trong những bài hát của mình chuyên chở được một thông điệp của lòng nhân ái đến với mọi người.

Vì có tình yêu nên có âm nhạc. Vì có khổ đau nên có âm nhạc. Có hạnh phúc nên cũng có âm nhạc. Do đó khi tôi viết lên một bài hát ca tụng tình yêu, hạnh phúc hoặc than thở về một nỗi tuyệt vọng nào đó thì hình như tôi đã không mắc phải một lỗi lầm nào cả.


Trịnh Công Sơn










Trịnh Công Sơn và những ngày Văn khoa


Từ Thức Trần Công Sung
(gởi những người bạn Sài Gòn ngày xưa)




Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ ?
(VĐL) 



Một ngày đầu tháng tư (2001), tôi lên phi trường Charles de Gaulle đón một người bạn từ Việt nam qua. Trên xe về Paris, anh ta hỏi : cậu có nghe tin về Trịnh công Sơn (TCS) ? Tôi gật đầu : mấy hôm trước, có người gọi dây nói cho hay Sơn vừa từ trần. 

Anh bạn nói đám tang Sơn rất đông. Người ta ở đâu đổ về như kiến, chật cả đường phố. Quen có, lạ có. Không đủ chỗ đặt vòng hoa phúng điếu. Tôi nói với ông bạn : như vậy, cái xứ của ông vẫn còn văn minh, vẫn còn thuốc chữa.

Đó là cái tin lạc quan nhất về Việt nam mà tôi được nghe từ nhiều năm nay. Dostoievski nói : cái đẹp sẽ cứu vãn nhân loại. C’est la beauté qui va sauver le monde. Bỏ công ăn việc làm , đến tiễn đưa một thi sĩ - TCS trước hết là một thi sĩ, tác phẩm TCS là những bài thơ phổ nhạc - chứng tỏ người ta còn nghĩ đến cái đẹp, người ta còn có tâm hồn.

Tự nhiên tôi nghĩ đến bác sĩ Jivago ( Zhivago ) (1) của Boris Pasternak. Cũng như Sơn, Jivago là một thi sĩ. Cũng như Sơn, Jivago bị cuốn hút trong cơn lốc của lịch sử, bị quẳng vào một bi kịch kinh thiên động địa từ trời giáng xuống. Như hàng triệu người Nga, Jivago bị đánh bạt ra khỏi gia đình, quê hương khi cách mạng vô sản ập xuống nước Nga, cuốn trôi tất cả : gia sản, vợ con, bè bạn, tình ái, trong một xã hội thay đổi tận gốc rễ.

Chỉ có một điều không bao giờ thay đổi : là một thi sĩ, Jivago tiếp tục làm thơ. Lấy thơ làm nhân chứng. Lấy thơ làm cái phao. Lấy thơ làm một nguồn hy vọng để vươn lên, để sống. Như Phùng Quán: Có những lúc ngả lòng / Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy 

‘Khi Jivago chết, người ta ở đâu đổ về rất đông , nhiều người không hề quen biết. Pasternak viết : người Nga yêu thơ, yêu thi sĩ. Nghĩa là yêu cái đẹp, nghĩa là chưa hoàn toàn tuyệt vọng. Chỉ hoàn toàn tuyệt vọng khi ngươi ta không còn thiết tha đến điều gì, ngay cả cái đẹp. Đó là nét lạc quan nhất trong một cuốn sách đầy thảm kịch : chiến tranh, tang tóc, chia lìa, đổ vỡ. Một tia sáng loé lên trong bầu trời đen tối.



MƯA VẪN MƯA RƠI…

Khi Victor Hugo từ trần, trên hai triệu người đổ xuống đường đưa tiễn tác giả Les misérables, một cuộc tuần hành lớn nhất trong lịch sử Pháp, đông hơn cả đám đông xuống đường ngày giải phóng Paris. Victor Hugo không giải phóng nước Pháp, ông dẫn người Pháp tìm cái đẹp. Một nhà báo viết chưa bao giờ trong một đám tang người ta thấy vắng bóng cái chết, chỉ thấy tương lai và hạnh phúc trên mỗi khuôn mặt . Khi Charles Trenet chết, hàng chục ngàn người kéo về đưa tang một thi sĩ hiện đại nổi tiếng nhất của Pháp. Đưa tang Trenet, người Pháp, trong vài giờ, quên mình đang sống trong một xã hội vật chất, suốt ngày túi bụi dành dựt. Trong vài giờ, thấy mình vươn lên, thấy đời có ý nghĩa hơn, bởi còn yêu cái đẹp. Trenet viết : Những thi sĩ đã qua đời, nhưng tiếng hát của họ vẫn bay nhẩy trên khắp đường phố. (2)

TCS đã qua đời, nhưng tiếng hát của anh vẫn bay nhẩy trong các hang cùng, ngõ hẹp. Không phải chỉ ở Việt nam , mà trên khắp địa cầu. Người Việt, tan tác như một đàn gà mất mẹ, nương thân trên khắp nẻo đường thế giới, mang theo những kỷ niệm quê hương, mang theo mùi nước mắm, mùi sầu riêng, mùi phở, mang theo thiếng hát TCS.

Tôi đã nghe TCS qua tiếng hát nhừa nhựa khói thuốc của Khánh Ly, tiếng hát thánh thót, không có tuổi của Thái Thanh, tiếng hát truyền cảm của Lệ Thu , và rất nhiều tiếng hát vô danh. Tiếng hát của những người sống ở ngoại quốc nhưng chỉ nói tiếng Việt, của những người thuộc thế hệ sau này, hát TCS với một thứ tiếng Việt pha giọng Mỹ, giọng Pháp, giọng Đức. Tôi đã nghe tiếng hát TCS vọng ra từ những căn nhà ở New-york, Tokyo, Budapest, Athène hay Palerme…Một buổi chiều tàn, trong một bìa rừng ở Brésil, cách Rio de Janeiro hàng ngàn cây số, một nơi khỉ ho cò gáy, tưởng như không có hơi người, tôi nghe một giọng khàn khàn vọng ra từ một căn nhà gỗ. Mưa vẫn mưa bay, trên tầng tháp cổ. Dài tay em với những thoáng mây bay (3)…Người hát là một ông già gốc Ấn Độ, sống ở Việt nam từ nhỏ. Vượt biển, thuyền đắm, ông già đươc tầu Ba tây vớt, ở lại Ba tây, làm nghề canh rừng. Suốt ngày, lủi thủi một mình, tháng năm dài đằng đẵng, ông già Ấn mơ đến những cơn mưa trên tầng tháp cổ ở một xứ ông đã nhận làm quê hương.

Một ngày ở ngoại ô La Havane, Cuba, trong một quán cóc trên bờ biển, tôi nghe một giọng hát đàn bà, rất trong, rất ngọt từ trong bếp vọng ra. Ngày gió lớn, tai nghe môi gọi thầm. Gọi tên em, tên Việt nam , trong tiếng nói da vàng. Ngươi hát là một bà Bắc kỳ, từ Hà nội tới Cuba, trong một chương trình hợp tác gì đó giữa hai nước xã hội anh em , có lẽ đã mệt nhoài sau nhiều năm thề ăn gan uống máu quân thù .

Tác phẩm TCS đã đi sâu vào tâm hồn dân tộc. Nước ta có trên 80 triệu dân. Trừ trẻ con và những người không biết đọc, biết viết, có khoảng 50 triệu người làm thơ. Sư thực, không cần phải biết đọc, biết viết mới biết làm thơ : tác giả những câu thơ đẹp nhất trong văn chương Việt nam–ca dao-là những người nông dân không biết đọc biết viết . Trong số 50 triệu người làm thơ, mỗi thế hệ cho vài ba thi sĩ. Những thi sĩ đi sâu vào tâm khảm đám đông, gặp gỡ tâm hồn một dân tộc còn hiếm hoi hơn nữa. TCS thuộc cái số hiếm hoi đó.



SAIGON, NHỮNG NGÀY XÁO TRỘN 

Tiếng hát TCS đến với Sài gòn vào những năm 60, ở trường đại học Văn khoa Sàigon , nằm trên góc đường Gia Long-Nguyễn trung Trực, ngay trung tâm thành phố.

Sơn ở Bảo Lộc trôi giạt về , lai vãng thường xuyên vì cái sinh hoạt trẻ ở đó rất náo nhiệt. Trường đang rục rịch di chuyển một phần về cơ cỡ mới gần sở thú Sài gòn vì số sinh viên tăng rất nhanh, trường cũ không đủ chỗ. Văn khoa là trường đông sinh viên nhất ở Việt nam . Xa rồi, cái trường Văn khoa đầu tiên ngoài Bắc , do giáo sư Cao xuân Huy sáng lập năm 1949 , với số sinh viên vẻn vẹn có bẩy người, gọi là thất hiền. ( 4 ). 

Trường di chuyển, nhiều gỉảng đường bỏ trống. Gọi là giảng đường cho sang, sự thực đó chỉ là những căn nhà tiền chế.Tất cả những gì gọi là sinh hoạt văn hoá xã hội của giới trẻ Sai gòn kéo về, chiếm đóng những căn nhà tiền chế. Một phần dành cho Phong trào Học đường Phục Vụ Xã hội, một phần cho Hội Hoạ sĩ Trẻ, đoàn văn nghệ Nguồn Sống. Phần còn lại, một số sinh viên chúng tôi tịch thu làm nơi tâp trung, hội họp. Hồi đó ngươi ta tự hào thuộc giới trẻ , có lẽ vì thất vọng với những gì ‘’lơp già ‘’để lại. Gia tài của mẹ để lại cho con, gia tài của mẹ, một nươc Việt buồn. Hoạ sĩ trẻ, nhạc sĩ trẻ, ca sĩ trẻ… quên rằng người ta sớm muộn gì cũng …già. Các cụ trong nhóm làm văn nghệ ngày nay đa số là những người trẻ ngày xưa ở sân trường Văn khoa.

Phải sống ở Văn khoa những ngày ấy mới thấy sinh hoạt văn nghệ , sinh hoạt xã hội là một nhu cầu thiết yếu của tuổi trẻ, và nếu có cơ hội , sinh hoạt ấy bùng lên, tuổi trẻ bùng lên, đất nước không còn là một nước Việt buồn

Sống ở đó rất tiện : Văn khoa nằm ngay trung tâm thành phố, đi vài bước là tới những tiệm cà phê nổi tiếng trên đường Catinat, Ciné Lê Lợi, vài bước tới Khai Trí, tiệm sách lớn nhất Sài gòn, tha hồ đọc sách cọp. Ông chủ Khai trí là một người mê sách, muốn phát triển văn hoá, ông ấy khuyến khích sinh viên đọc sách cọp. Nhà cửa điện nước đều của chùa, rất tiện , trong khi hầu hết chúng tôi đều nghèo kiết xác, từ những ông hoạ sĩ trẻ, những ông văn nghệ sĩ có tiếng nhưng không có miếng ở đất nước của Tản Đà (văn chương hạ giới rẻ như bèo), những ông ký giả đầu tháng đã hết lương, những ngày cuối tháng khó khăn, nhất là 30 ngày cuối tháng (Coluche) (5), đến đám sinh viên trong đầu đầy những mộng đổi đời , dời núi và trong túi không có đủ tiền uống một ly cà phê. 


ĐẠI BÁC ĐÊM ĐÊM VỌNG VỀ…

Từ 1963, sinh hoạt giới trẻ Sài gòn cực kỳ náo nhiệt. Chúng tôi sống ở ngoài đường nhiều hơn ở trong nhà hay trong lớp học. Hết biểu tình, hội thảo chống đàn áp Phật giáo dưới thời ông Diệm, đến hội thảo, biểu tình chống các chính phủ thi nhau lên xuống . Xuống đường trở thành một sinh hoạt thường nhật. Giữa những cuộc biểu tình, những buổi hội thảo, thỉnh thoảng ghé vào giảng đường học vài chữ cho phải phép. Đó là giai đoạn giới trẻ tham gia tích cực vào đời sống chính trị xứ sở. Với lòng nhiệt thành, và cố nhiên với đôi chút ngây thơ. Ngây thơ tin vào sức mạnh vạn năng của tuổi trẻ, nhất là khi thấy chỉ vài buổi xuống đường cũng đủ lật đổ một chính phủ, một ông tướng, một chính khách. Quên rằng trong cái hỗn loạn của đất nước, người Việt chỉ là những quân cờ thí.

Trước tết Mậu thân, lớp trẻ Sài gòn còn tin tưởng, chưa hoàn toàn mệt mỏi, tuyệt vọng. Những ngày đầu thập niên 60, chiến tranh chưa thưc sự len vào thành phố , mặc dù hàng ngày vẫn đọc trên báo những cuôc đụng độ nẩy lửa ở Pleiku, Cà mau, Đồng Xoài, Bình giã . Thỉnh thoảng chứng kiến những vụ pháo kích ; thỉnh thoảng họp nhau, nhậu vài két la de , lạc rang, củ kiệu, tiễn một người bạn lên đường nhập ngũ. Chiến tranh còn ở xa, đại bác đêm đêm vọng về, người phu quét đường dựng chổi đứng nghe.. Dân Sài gòn chưa thấy tận mắt những xác người nằm chết như mơ, những xác người nằm dưới mái sân chùa, trên góc đường thành phố, 

Sinh hoạt trẻ Sai gòn ồn ào , sinh hoạt trẻ Văn khoa còn náo nhiệt hơn nữa. Bên cạnh những hoạt động chính trị, những cuộc xuống đường, còn rất nhiều những đêm không ngủ, những hội Tết, những đêm văn nghệ Nguyễn Đức Quang, Nguồn Sống, những ngày túi bụi làm báo Xuân, nguyệt san Đối Thoại. Ở đó, (và ở trụ sở Tổng hội Sinh viên SG), Phạm Duy ra mắt trường ca Mẹ Việt nam , Vũ thành An ra mắt bài hát đầu tay. Chúng tôi, tuổi 20 , kề vai nhau nghe Lệ Thu ru ngủ đi em, mộng bình thường, ru em sẵn tiếng thuỳ dương đôi bờ , nghe Thái Thanh ca tụng mẹ Việt nam không son không phấn , mẹ Việt nam chân lấm tay bùn ( Phạm Duy ); và thực tình xúc động với cái viễn ảnh Việt nam quê hương đất nước sáng ngời . Cái viễn ảnh ấy, trong những đêm không ngủ, tựa vai nhau, chỉ nghĩ lại cũng đã muốn khóc. Trước cái trống rỗng của hiện tại, và cái lo lắng cho một tương lại mù mịt, người ta ngồi sát lại nhau , ngưới ta nắm tay nhau, xin chờ những rạng đông. Những câu hát đẹp như thơ của Sơn đã đi thẳng vào lòng người, thấm từng thớ thịt.

Phong trào hoạt động xã hội cũng phát triển rầm rộ. Ảnh hưởng của phong trào thanh niên chí nguyện quốc tế của Kennedy, những hội đoàn như CPS, Thanh Niên Thiện Chí, Thanh Niên Chí Nguyện vv … mọc ra như nấm. Tuổi trẻ tích cực tham gia nhũng cuộc cứu lụt ngoài Trung, cải trang những xóm nghèo ở thành phố, leo lên những làng Thượng dạy học, đào giếng, chữa bệnh. Có anh tham dự những ngày cuối tuần, có anh bỏ học , hoạt động hai ba tháng, nhiều khi cả năm. Đó là một tuổi trẻ còn đầy lý tưởng, còn yêu đời, yêu người, còn đầy tình người trong mạch máu, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau.

Điều đó chứng tỏ tuổi trẻ rất tha thiết dến dân tộc, sẵn sàng đóng góp cho đất nước. Nếu họ thờ ơ với đất nước như người ta than phiền, lỗi không phải ở họ : người ta đã không tạo cơ hội cho tuổi trẻ tham gia. Họ bị gạt ra ngoài lề. Đất nước không còn là đất nước của họ. 


ĐƯỜNG PHƯỢNG BAY

TCS đến với Văn khoa trong bối cảnh đó. Sơn không phải sinh viên VK ; anh ở Huế vào, bỏ học vì hoàn cảnh gia đình. Những đêm trăng, chúng tôi ngồi trên bãi cỏ trước quán Văn, nghe Sơn đàn, nghe Khánh Ly hát. Khánh Ly sinh ra để hát TCS, cũng như Thái Thanh sinh ra để hát Phạm Duy.

Quán Văn là một ngôi nhà tiền chế, nằm giữa sân trường VK. Một nhóm thổ công VK sửa sang lại, biến thành môt quán cà phê, làm nơi tụ họp, gặp gỡ. Đúng là môt cái quán, đơn sơ, nhưng đầy tình bè bạn. Giống như một cái quán ở miền quê, nơi người nông dân ghé qua, uống một bát chè tươi, hút một điếu thuốc lào, ngâm vài câu thơ, vài câu ca dao, tán gẫu với nhau, hay tán nhau sau những giờ lao động. Ở đó, chúng tôi khám phá ra cái đậm đà của tình bạn, cái thi vị của những buổi hẹn hò. Ở đó đã nở ra những mối tình, đôi khi dang dở, nhưng có nhiều cặp còn keo sơn tới ngày nay.

Người nhỏ bé, gầy gò , ăn nói nhỏ nhẹ, ôn tồn ( tôi chưa hề thấy một TCS giận dữ, gây gổ ). Sơn trở thành bạn của mọi người một
cách rất tự nhiên.

Đôi mắt tinh anh, láu lỉnh, nụ cười hiền lành như một thầy tu, Sơn có cái phong thái của một thi nhân, cái khiêm tốn của một người có thực tài. Từ cách nâng ly uống một ly rượu, tiếp truyện với bạn bè, cách trang phục, giản dị nhưng trang nhã, cái phong thái thi nhân ấy hiện diện ở Sơn, thường trực , tự nhiên. Đừng tưởng ông thi sĩ nào cũng có phong thái thi nhân. Sartre nói về Heidegger , một triết gia hàng đầu mà chính ông chịu nhiều ảnh hưởng : ‘có những người, ta chỉ nên biết tác phẩm, không nên biết đến con người, nếu không muốn thất vọng ’. Heidegger là một triết gia lỗi lạc, lai cũng là ngươi theo chủ nghĩa nazi. Tôi đã quen những ông thi sĩ, tác giả những câu thơ rất đẹp, ăn uống , cư xử như một con heo đực. TCS ở ngoài đời rất giống TCS người ta tưởng tượng khi nghe những bản nhạc tình của anh.

Chúng tôi, mới đầu, ngạc nhiên thấy một gã người Huế, rất thanh nhã, rất ung dung, từ tốn; không phải cái từ tốn của một ông già, mà là cái ung dung quí phái của một con mèo; với nụ cười hiền hoà thường trực trên môi. Sơn học chương trình Pháp, nhưng xử dụng tiếng Việt một cách tài tình. Nhiều chữ rất tầm thường, với Sơn, chợt trở nên truyền cảm ; nhiều chữ do Sơn bịa ra, nhiều hình ảnh đến từ một trí tưởng tượng phong phú, nếu không nghe Sơn giải thích , chắn chắn không ai hiểu. Mặc dù vậy, người ta cũng vẫn rung động, vẫn thấy cái Sơn nói đến rất thực, rất gần gũi. Đó là cái ma lực của chữ nghĩa , của thơ. Khi thơ đạt, khi chữ nghĩa có duyên nợ với nhau. Nhiều chữ, nhiều câu rất cũ, đôt nhiên ở Sơn trở thành rất mới. Nhiều chữ nhiều câu rất cầu kỳ, đột nhiên gần gũi. Khi thất tình - người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ-, khi tuyệt vọng, mùa thu không về, mùa xuân cũng ra đi, ngay cả khi nói đến chiến tranh tang tóc , xác người nằm chết như mơ, TCS không lúc nào quên mình là thi sĩ. Những bài hát của Sơn là những chansons à texte, là những bài thơ, như những bài hát của Jacques Brel hay Bob Dylan, không phải chỉ là những điệp khúc ngớ ngẩn anh yêu em, em nhớ anh như hầu hết các nhạc phẩm hiện đại.

TCS nói về những cái rất riêng tư, những kỷ niệm rất riêng tư, qua một ngôn ngữ rất riêng tư. Và lạ lùng, cái riêng tư ấy của thi sĩ thấm vào lòng người nghe . Người ta xúc động mặc dù không hiểu từng câu, từng chữ. Nhất là trong những bản nhạc tình. Nói về chiến tranh, ngôn ngữ TCS là ngôn ngữ của mọi người ; chiến tranh là một tai hoạ chung, một thảm kịch của cả một dân tộc, không phải là thảm kịch của một cá nhân, mặc dù mỗi cá nhân là một thảm kịch.

Một người bạn tôi nói khi nghe Sơn hát đường phượng bay mù không lối vào, thấy hình ảnh rất đẹp, rất mới , nhưng không biết tác giả nói gì, cho đén một hôm, ở một tỉnh nhỏ, anh ta thấy hoa phượng rơi, bị gió cuốn mịt mù, đỏ rực cả con đường trước mắt, đường phượng bay mù không lối vào.

Nếu không quen Sơn, ít ai biết ngày mai nối bước Sơn khê, nói đến một người bạn gái tên Khê ; ngàn cây thắp nến hai hàng, mầu nắng bây giờ trong mắt em mô tả những tia nắng cuối cùng của một buổi chiều tà đọng trên những ngọn cây, giống như ngàn cây thắp nến. (6)

Ngôn ngữ TCS khác với ngôn ngữ Phạm Duy (PD). Ngôn ngữ PD là ngôn ngữ ca dao. Hình ảnh của PD là hình ảnh của ca dao. Nhiều câu, nhiều hình ảnh trong nhạc PD không hiểu là của PD hay mượn từ ca dao. Đó không phải một lời chỉ trích ; đó là một lời ca ngợi. Bởi vì dùng ngôn ngữ của một dân tộc, nói lên tình tự của dân tộc không phải ai cũng làm được, là một điều rất đáng tự hào

Lời ca của PD ai cũng hiểu, hình ảnh của PD ai cũng đã từng thấy, vì trong tiềm thức, chúng ta đã sống với ca dao từ bốn ngàn năm nay. Trong môt bài báo ngày xưa ở trong nưóc (7), tôi viết tiếng hát Thái Thanh không có tuổi, vì đã làm say mê ba thế hệ. Tôi nghĩ thêm : tiếng hát Thái thanh qua nhạc PD không có tuổi vì chúng ta vẫn nghe từ hàng ngàn năm . Tiếng hát ấy gợi ra trong đầu người nghe những cánh đồng lúa xanh, tiếng cười rúc rích cúa cô thôn nữ, những làn khói lam trên những mái nhà tranh, tiếng chuông chùa ngân nga, tiếng hò hát cũa người nông dân những ngày được mùa, tiếng nghẹn ngào của bà mẹ mù mắt chờ con đi chinh chiến, tiếng than vãn của những đời lầm than, đen tối, tiếng nức nở của bà mẹ đi tìm xác con bị giặc chặt đầu. Bạn sẽ ít xúc động hơn khi nghe Thái Thanh, nếu chưa thấy những đồng lúa xanh mùa gặt, chưa thấy khói lam chiều trên nóc nhà tranh ..

PD sống với ca dao, thở với ca dao, cười khóc bằng ca dao. Ít có người Việt nam nào Việt nam hơn PD. Có lẽ có một người : Nguyễn Bính. Nguyễn Bính là ca dao, ca dao là NB .




HAI NGHỆ SĨ, HAI CUỘC CHIẾN

Trên bãi cõ trường VK, trước quán Văn, TCS và Khánh Ly hát trước hàng ngàn người hay chỉ năm, bẩy anh em. Không phái chỉ hát cho tình yêu. Sơn càng ngày càng bị ám ảnh bởi chiến tranh. Từ hình ảnh lãng mạn của người phu quét đường dựng chổi đứng nghe, chiến tranh trở thành cụ thể hơn, ghê rợn hơn :

Một buổi sáng mùa xuân
Một đứa bé ra đồng
Một trái mìn nổ chậm
Xác không còn đôi chân. 


Nhạc tình TCS là những tiếng thở dài , có buồn cũng chỉ buồn thoang thoảng : mùa đông vời vợi , mùa hạ khói bay, có trách cũng chỉ trách nhẹ nhàng : người tình bỏ ta đi , như những giòng sông nhỏ. Một thái độ rất thiền, rất ‘zen’ ; trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, rọi xuống trăm năm một cõi đi về.

Nói về chiến tranh, TCS kêu gào, phẫn nộ. Chiến tranh không còn từ xa vọng về như những ngày đầu, nó sờ sờ trước mắt : Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng, trên nóc nhà thành phố , trên những đường quanh co.

Cùng với cuộc chiến càng ngày càng dữ dội , tiêng kêu gào của Sơn càng ngày càng thảm thiết. Sơn nói đến những em bé loã lồ, suốt đời lang thang, đến những xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa, đến những trái mìn nổ chậm , người chết hai lần. Chiến tranh trở thành khốc liệt, tang tóc đổ xuống dân tộc kinh hoàng . Từng vạn chiếc xe , claymore lựu đạn. Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành. Từng vùng thịt xương , có mẹ có em. TCS của chiến tranh trở thành một người dở điên, dở dại, thất thểu , chiều đi trên đồi cao, hát trên những xác người. Hình ảnh bi thảm, ma quái . Một thi sĩ thất thểu trên bãi dâu, hát bên những xác người . Đi trên đồi cao, bên cạnh xác người, là một hình ảnh bi thảm, nhưng hát bên những xác người, hình ảnh mang thêm một cái gì ma quái , điên dại. Điên dại như những con ngựa hí điên cuồng trong tác phẩm về chiến tranh, Guernica, của Picasso.


Ngôn ngữ TCS về chiến tranh khác với ngôn ngữ TCS về tình yêu. Chiến tranh trong nhạc TCS cũng khác chiến tranh trong nhạc Phạm Duy (PD)

PD có ‘’ cái may ‘’ sống trong một cuộc chiến tranh chống Pháp, có địch, có thù, chiến tuyến phân minh.

PD, 24 tuổi lên đường tham gia kháng chiến, như hàng ngàn hàng vạn thanh niên khác. Chiến tranh trong nhạc tiền chiến của PD nó hào hùng, nó bừng bừng khí thế. PD tiền chiến không có cái cấu xé, cái dằn vặt. Cái chọn lưa của PD nó hiển nhiên. Nhạc PD không có cái lưỡng lự, nó là một tiếng quân ca, tiếng gọi lên đường. Bên cạnh cái hào hùng là cái lãng mạn của một trí thức tiểu tư sản ở tuổi 20 , của một nghệ sĩ giầu tình cảm. Đó là cuôc chiến của những cô nàng gánh lúa cho anh đi diệt thù, của những chiến sĩ dừng chân trên chiếc cầu biên giới tưởng tới người yêu ở quê xa.

Điều đó không có nghĩa là trong nhạc PD không có cái bi thảm của chiến tranh. Nhạc PD có bà mẹ Do Linh lên đường đi kiếm xác con bị giặc chặt đầu, có bà mẹ đón người con thương binh trở về , tiếc rằng ta đôi mắt đã loà vì quá đợi chờ. PD nói ông làm tới ba bài người thương binh vì ông sống qua ba cuộc chiến. Tác giả Con Đường Cái Quan nói ông khác xa những nghệ sĩ khác thờ tiền chiến vì họ chỉ làm nhạc hùng ; trong khi ông nói cả đến cái bi thảm của chiến tranh. Nhưng cái tàn phá của chiến tranh, cái thảm hoạ đổ lên đầu dân tộc càng khiến PD thấy cuộc chiến tranh của mình có ý nghĩa hơn. PD thuộc những người, như Malraux nói, không thích chiến tranh- bởi vì có những người thích chiến tranh, coi đó là lẽ sống- nhưng tham chiến một cách dứt khoát vì là chuyện phải làm.

Cuộc chiến của TCS khác, cái nhìn của TCS khác. Đối với Sơn, đó chỉ là một cuộc nội chiến tương tàn. Nạn nhân là nước Việt, người Việt :

Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng
Cửa nhà Việt nam cháy đỏ cuối thôn

Lật xác người chết, chỉ thấy đồng bào, cha mẹ, anh em :

Bên xác người già yếu
Có xác còn thơ ngây
Xác nào là em tôi
Dưới hầm hố này
Trong vùng lửa cháy
Bên những vườn ngô khoai
Những câu hát làm người ta nghĩ đến chiến tranh của Quang Dũng :
Mẹ già tôi em có gặp đâu không
những xác già nua ngập cánh đồng
tôi cũng có đàn em nhỏ dại
bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông

Ngay cả ở cùng một thời điểm, cái nhìn về chiến cuộc của hai nhạc sĩ cũng khác nhau.Với TCS, đó là một cuộc nội chiến mà người Việt nam là nạn nhân. Với PD , đó là cuộc chiến Quốc Cộng nối dài, mặc dù sau này, Phạm Duy , vì cơm ăn áo mặc, hay vì một lý do cá nhân, đã vứt bỏ cái hình ảnh của một nghệ sỉ dấn thân, bỏ rơi vai trò thần tượng của một thế hệ để đóng vai trò ‘hàng thần lơ láo ’

Ca ngợi cái chết của môt phi công - Phạm Phú Quốc - PD gọi tên anh, anh là Quốc. Gọi tên anh, anh là nước. Đặt tình yêu nước vào nôi

Viết cho một phi công khác tử trận, TCS không nói đến chiến công, không ca ngợi anh hùng, chỉ nói đến một kiếp người : anh đã đến, đã bay cao trong vòm trời này, đã vui chơi trong cuộc đời này.

Trong bài « Em hỏi anh bao giờ trở lại “ PD viết anh trở về bại tướng cụt chân. Nếu Sơn là tác giả, tôi nghĩ chắc Sơn viết anh trở về vì đã cụt chân. Đối với Sơn, không có chiến có bại ; chỉ có người Việt nam bị cuốn hút vào một cuộc chiến tương tàn. Nếu chưa bị cụt chân thì còn đánh nhau. Đó là một cái nhìn cực kỳ bi đát về cuộc chiến. 

Trong cuộc chiến ấy, TCS không có chỗ đứng.

Người Cộng sản không chấp nhận anh là chuyện đương nhiên. Với người CS không có chuyện lưng chừng, lưỡng lự, phân vân. Những người không hoàn toàn theo họ là những kẻ thù.

Những người chống Cộng lên án Sơn đã trở cờ. Nhưng đọc kỹ những lời ca anh viết sau 75, không thấy một lời ca chứng tỏ anh về hùa, tâng bốc nhà cầm quyền. Nó vẫn chỉ là những lời ca ngợi tình yêu ; kêu gọi tình anh em, nghĩa đồng bào. Không hề thấy anh hô hào thù hận, như Xuân Diệu chẳng hạn, khi ‘ nhà thơ của tình yêu ’ ( ! ) kêu gọi đấu tố năm nào : 

Lôi cổ bọn chúng ra đây
bắt quỳ gục xuống, dập đầu chết thôi
bắt chúng đứng, cấm cho ngồi…

Còn nhạc gọi là phản chiến trươc 75 ? TCS chỉ làm công việc của một nghệ sĩ : diễn tả cái thảm kịch của chiến tranh, cái đoạ đầy của một dân tộc. Ai không chia sẻ giấc mộng của Sơn : khi đất nước tôi không còn giết nhau, trẻ em đi hát đồng dao ngoài đường.

Một câu hỏi đáng được đặt ra : TCS có ảnh hưởng xa gần dến việc miền Nam thua trận ? Có thể. Rất có thể. Một người lính xúc động vì hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng ; từng vùng thịt xương có mẹ có em chắc chắn không chiến đấu hăng say bằng những người cuồng tín. Một người lính than vãn ‘ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè, ngựa hồng đã mỏi vó, chết trên đồi quê hương’, chắc chắn không hữu hiệu chém giết bằng một người lính suốt đời chỉ đưọc dạy ăn gan uống máu quân thù. Một quân đội suốt ngày nghe ( trên dài phát thanh nhà nước ! ) những câu người già co ro, buồn nghe tiếng nổ. Em bé loã lồ, khóc trẻ thơ đi, chắc chắn không xả súng tưng bừng bằng một cán bộ suốt đời chỉ biết vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù. (Hò Kéo Pháo) Nhưng nếu cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ của miền Nam có ý nghĩa, cái ý nghĩa ấy chính ở chỗ nó cho phép mọi người, trong đó có nghệ sĩ, được tự do diễn đạt tư tưởng của mình . Đó là cái đẹp và cũng là chỗ yếu của một chế độ dân chủ, ngay cả dân chủ tương đối , dân chủ tập sự . Năm người mười ý, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Đó cũng là lẽ sống của một nền dân chủ. Cái giá phải trả ; bởi vì không có chọn lựa nào khác. Nói theo kiểu Winston Churchill : dân chủ là chế độ dở nhất , nếu không kể các chế độ khác (8)

Khó trách người nghệ sĩ bày tỏ sự rung động của mình trước cái đau thương của đồng bào. Ngay cả Phạm Duy, tác giả bài ca tụng Phạm phú Quốc, người đã tử nạn trong chuyến oanh tạc Hà nội, gọi tên anh anh là Quốc, gọi tên anh là nước, gọi tình yêu nước vào nôi, cũng đã kêu giết người đi thì ta ở với ai ? Khó trách nghệ sĩ bày tỏ sư rung động của mình. Ai gây ra chiến tranh, ai là nguyên nhân của nồi da xáo thịt, giải thích chuyện đó là chuyện của chính trị gia, của tâm lý chiến. Cái điều lạ, cái cảnh khó tin nhưng có thực, là những đêm không ngủ chống chiến tranh ở Văn khoa ngày xưa diễn ra ngay ở trung tâm Sài gòn, với …cảnh sát , quân đội giữ an ninh chung quanh sân trường. Nếu TCS sống ở miền Bắc, chắc chắn anh đã bỏ mạng trong trại cải tạo, và chúng ta không có Diễm xưa, Tuổi đá buồn.

Nhiều người trách cái ngây thơ chính trị của TCS, oán cái thái độ ‘nối vòng tay lớn’ vô ý thức của Sơn những ngày CS chiếm miền Nam. Nhưng cái ngây thơ chính trị của nghệ sĩ, của trí thức là chuyện rất phổ thông. Chỉ cần nêu trường họp Jean Paul Sartre, suốt đời hô hào ủng hộ cách mạng vô sản, nhắm mắt trước cái dã man , chà đạp nhân quyền trong những goulag. Chiến tranh, chính trị phức tạp hơn là tình cảm của nghệ sĩ. 

Chẳng hạn, TCS day dứt về ‘thân phận da vàng ’, đến kiếp nô lệ da vàng , hết tiếng nói da vàng đến dư khúc da vàng . Làm như cái bất hạnh của dân tộc nằm trong cái nghiệp sinh ra từ mầu da, quên rằng nhiều dân tộc khác, cũng vàng khè không thua gì người An nam ta , đang tiến nhanh, tiến mạnh. Nhật Bản đã làm Tây phương thất điên bát đảo trên mọi phương diện, Đại hàn trở thành một cường quốc, Trung Hoa sẽ là một trong hai lãnh tụ thế giới, và những nước phát triển nhất trên địa cầu, Đài Loan, Singapore là những nước da vàng. Một triết gia nói : ‘có hai loại người , những người chấp nhận làm nô lệ và những người không chấp nhận’. Vàng, xanh, trắng, đỏ không liên hệ gì đến thân phận của một dân tộc. Tôi chưa hề gặp một ngưới Nhật nào có mặc cảm da vàng. Họ không muốn thua ai, không muốn bằng ai, họ muốn trên mọi người, đứng đầu thiên hạ, họ không biết hai chữ thân phận, vàng hay xanh.

Những câu hát phản chiến của TCS là những tiếng nói của tình cảm, không phải là một phân tách chính trị, không phải những hô hào chính trị. Đó chỉ là những giọt nước mắt thương đất, đất cằn cỗi bao năm. Đó chỉ là giọt nước mắt thương dân, dân mình phận long đong, thoát ra từ trái tim, mặc dù những giọt nước mắt đó, vì khả năng truyền cảm của nó, chắc chắn đã có ảnh hưởng đến chính trị, đến chiến cuộc.

Nhiều người oán đến độ muốn cấm cả những buổi hát nhạc TCS, dù là nhạc tình. Thay vì hãnh diện vì một chế độ đã cho phép thi sĩ làm những bản nhạc tuyệt hay, người ta muốn làm quà tất cả tác phẩm đó cho CS, là một chế độ coi nghệ sĩ là kẻ thù , một chế độ đã đốt sách , hành hạ người cầm bút.

Cái khác giữa miền Nam với miền Bắc : miền Nam có TCS, có PD, có không biết bao nhiêu nghệ sĩ đi tìm cái đẹp, ca tụng tình người. Trong khi đó, miền Bắc đã biến tác giả của ‘ tôi khờ khạo quá , ngây thơ lắm. Chỉ biết yêu thôi, chẳng biết gì ’ của ‘những người con gái buồn không nói. Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì ?’ ( Xuân Diệu ) thành một anh khát máu , ‘lôi cổ bọn chúng ra đây..’ . Biến tác giả của ‘Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang. Tóc buồn rơi xuống lệ ngàn hàng’ , của con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô ( Lưu Trọng Lư ) thành một ông điên cuồng đấm ngực, ca tụng tên độc tài khát máu Bắc Hàn : tay dong tay, thét nổ mặt trời. Lời cất vọng tung cao : Kim Chủ tịch…hay trơ trẽn hò hét man rợ : Còn hẹn với anh Hồng Quân yêu quí. Giết, giết nữa, bàn tay không chút nghỉ…Cho Đảng bền lâu, rập bước chung lòng. Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt. Cái đẹp sẽ cứu vãn nhân loại. Cái đẹp không phải chỉ là cái đẹp của nghệ thuật. Còn là cái đẹp của một xã hội trong đó con người sống tử tế với nhau, không đòi chém giết, không hành hạ nhau, không làm nhục nhau, không gào ‘lôi cổ bọn chúng ra đây ’

Dù thái độ chính trị của họ không như ý mọi người, tác phẩm của PD, của TCS vẫn là sản phẩm văn hóa của miền Nam. Ở Đức, Heidegger là một triết gia có tư tưởng nazi, có tội ác với nhân loại, nhưng tác phẩm của ông vẫn được giảng dạy, nghiên cứu, trọng vọng. Bên Pháp, Céline đã cộng tác với phát xí Đức, bị kết án phản quốc, nhưng tác phẩm của ông vẫn được ấn hành, ca tụng , tác giả của Voyage au bout de la nuit vẫn được coi là một trong ba nhà văn đáng kể nhất của văn chương Pháp thế kỷ 20. Người ta, kể cả người Do Thái, vẫn xếp hàng mua vé nghe Lucchini đọc văn Céline. Người ta biết phân biệt tác giả và tác phẩm. Người ta không dại gì đổ nước tắm, đổ luôn đứa nhỏ trong chậu nước (9). Đó là một thái độ văn hóa trưởng thành.


CHỮ NGHĨA ÍCH GÌ ?

Từ những năm 64, 65 chiến tranh càng ngày càng dữ dội. Xã hội càng ngày càng xáo trộn, tình hình chính trị càng ngày càng nát bét. Ngay cả trong bối cảnh đó, trường Văn khoa vẫn sinh hoạt mạnh. Số sinh viên càng ngày càng đông. Ban giảng huấn đã rất tận tuỵ góp phần vào việc phát triển Văn khoa Sai gòn. Cố nhiên, đó chưa phải là một trường đại học tân tiến, kiểu mẫu. Phương pháp giáo huấn còn cổ hủ, từ chương khoa cử , chưa thực sự có đối thoại, trao đổi giữa thầy và trò. Nhưng sau này, ở đại học Sorbonne, Paris , tôi cũng vẫn thấy cái cảnh ông thầy ngồi trên giảng đường, thao thao bất tuyệt, đám sinh viên ngồi dưới hí hoáy biên chép.

Nền giáo dục Việt nam thời đó hoàn toàn miễn phí , từ mẫu giáo đến đại học. Trong một nước chiến tranh, thực hiện một nền giáo dục hoàn toàn miễn phí là một cố gắng đáng kể. Người ta có thể chê trách chế độ rất nhiều điểm, nhưng đó là một điểm son phải ghi nhận. Điểm son đó là nhờ ý thức của những người có trách nhiệm, hay nhờ truyền thống tôn trọng học vấn của một xã hội Khổng giáo ? Khổng giáo, trên phương diện đó, có khía cạnh tích cực với xã hội VN

Điều chắc chắn : nếu không có nền giáo dục hoàn toàn miễn phí, hầu hết chúng tôi đã bỏ học từ lâu.

Một câu hỏi luẩn quẩn trong đầu tôi từ nhiều năm : một trường Văn khoa đóng vai trò gì trong một nước chiến tranh ? Chữ nghĩa ích gì cho buổi ấy ? (Nguyễn Khuyến). Bên cạnh bom nổ, thịt rơi , cái sống cái chết gần kề, có phi lý không khi ngồi đó mổ xẻ Tứ thư ngũ kinh, phân tích tư tưởng Socrate, tìm hiểu nguồn gốc chữ nôm. Bên cạnh cái nghèo đói của một xã hội lạc hậu, có vô nghĩa không khi ngồi đó tụng niệm kinh điển bách gia, rung động với Lord Byron hay Beaudelaire ?.Sartre nói bên cạnh một đứa trẻ chết đói, cuốn La Nausée không có một giá trị gì.

Câu hỏi ấy lởn vởn trong đầu, rất nhiều năm, và tôi đã thực sự nhiều lúc hoài nghi , không tìm được câu trả lời.

Câu trả lời, mãi sau này tôi mới tìm ra, tình cờ. Nhờ mộ cô bạn người Pháp. Câu trả lời tên là Céline. Một buổi chiều thứ bẩy, tôi lên phi trường đón Céline từ Sarajevo về. Céline là một thiếu nữ thông minh, có bằng cấp cao, có chỗ làm tốt trong một đại công ty, sống nhàn hạ trong cái xã hội hưởng thụ là cái xã hội Pháp.Weekends bay qua Madrid hay Marakech. Mùa đông trượt tuyết ở Courchevel, mùa hè nghỉ mát ở Bali hay Bora Bora. Tóm lại, cô nàng có đủ thứ để hạnh phúc. Nhưng thay vì hạnh phúc , Céline lúc nào cũng tất tả ngược xuôi, mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần . Nhất là tinh thần. Rồi thuốc ngủ, thuốc an thần, hết Lexomil đến Prozac.

Một buổi, Céline dẹp hết, bỏ việc, bán nhà, bán xe.Và biệt tăm. Adieu Céline. Cho đến cái hôm ở phi trương, tôi gặp lại Céline, nhưng một Céline khác, má rất hồng và miệng rất tươi. Céline nói sau khi vứt bỏ mọi chuyện, cô nàng gia nhập một ban hợp tấu, lưu diễn khắp nơi. Céline là một tay violon thiện nghệ, từ nhỏ vẫn mơ thành nhạc sĩ. Céline lãnh một số lương tượng trưng, đủ cà- phê , thuốc lá, vì ban nhạc thường đi trình diễn ở những nước nghèo. Họ vừa ở Sarajevo về. Trình diễn hoà tấu ở Sarajevo, nơi người ta giết nhau như ngoé, nơi người ta thí mạng để cướp một ổ bánh mì, một cái mền ? Ở đó, người ta chờ bột mì, thịt cá, đường muối, bột giặt, aspirine, ai chờ Beethoven với Mozazt ? Ban đầu, Céline cũng nghĩ như vậy. Nhưng đêm trình diễn nào cũng đông nghẹt.

Trong một ngôi nhà thờ đổ nát, một trường học còn đang cháy dở, mưa dột vì mái nhà bị pháo kích loang lổ, người ta chen lấn nhau tới nghe nhạc. Ban ngày, người ta chạy bom, giành dựt nhau miếng ăn, một mớ củi để sưởi .Đêm xuống, người ta kéo nhau đi nghe nhạc. Đàn bà lục hành lý, lôi ra những nữ trang, những bộ quần áo đẹp . Có ông thắt cà vạt chỉnh tề. Có bà vừa nghe nhạc vừa lặng lẽ khóc. Céline vừa chơi nhạc vừa cầm nước mắt. Cô nàng vừa tìm thấy hạnh phúc. Chưa bao giờ cô nàng thấy yêu đời như vậy, yêu mình như vậy. Lần đầu tiên, Céline thấy mình có ích. Cô ta tìm thấy hạnh phúc của mình trong cái hạnh phúc của người khác. Y chang cái tâm trạng chúng tôi khi đi cứu lụt, đi làm việc xã hội ngày nào.

Céline nói có thấy tận mắt cái cảnh người ta lấy tờ báo che mưa nghe nhạc trong một ngôi nhà đổ nát , mới thấm thía cái câu quen thuộc : Người ta không phải chỉ sống bằng bánh mì.(10). Ngay cả trong những lúc khốn cùng, cái đẹp, cái thẩm mỹ không phải là một xa xỉ, vô ích. Cái đẹp sẽ cứu nhân loại, không phải Marx hay Lénine, không phải Ben Laden hay Bush.

Cái đẹp sẽ cứu vãn nhân loại. Người ta đã từng giết nhau, hành hạ nhau . bỏ tù nhau nhân danh tôn giáo, nhân danh chính nghĩa, nhân dang giáo điều, nhân danh đất nước, nhân danh đồng bào, nhân danh chân lý. Chưa bao người ta giết nhau nhân danh cái đẹp. Người ta giết nhau vì thánh kinh, vì Coran, vì Hitler, vì Mao, vì Mác, vì Bác, chưa bao giờ người ta giết nhau nhau vì Picasso, Beaudelaire, Nguyễn Du. Sau này, khi giận hờn sẽ quên, những gì người ta nhớ lại về TCS là những bát hát, những câu thơ đẹp.

Ismail Kadaré nói ngay cả trong những lúc cực kỳ khó khăn vẫn phải có thái độ nghiêm trọng đối với văn hoá. Kadaré sinh ra, lớn lên và viết văn trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, ở một nước Cộng sản độc tài bực nhất thế giới : Albanie . Kadaré viết văn trong một xứ kiểm duyệt khắt khe, một nước vỏn vẹn ba triệu dân, nghèo đói, người mù chữ đông hơn người biết đọc, biết viết. Và viết bằng tiếng Albanie. Măc dầu vậy, ông viết văn với một thái độ cẩn trọng. Ngày nay, Kadaré được coi là một trong những nhà văn quan trọng nhất thế giới.

Nghệ thuật, cái đẹp có công dụng gì ? Nó chẳng có công dụng gì. Nhưng đời sống không có cái đẹp sẽ buồn tẻ biết bao nhiêu. Bức tượng của Michel Ange, bức tranh của Van Gogh không có công dụng gì, nhưng hãy tưỡng tượng một thế giới không có Michel Ange, Van Gogh. Hãy tưởng tượng Paris không có tháp Eiffel, New-York không Nữ thần Tự do. Nghệ thuật không có công dụng gì, nhưng là một lẽ sống. Inutile et Indispensable. Vô ích nhưng không thể thiếu.

Nghe cô nàng Céline kể chuyện về những buổi trình tấu ở Sarajevo, tôi hiểu rằng trong một xứ chiến tranh, nghèo đói, một trường Văn khoa chẳng có ích lợi thiết thực gì, nhưng nó là cái cốt yếu cho một dân tôc còn muốn vươn lên.


ĐỜI SAO IM VẮNG

Tôi gặp lại TCS những ngày cuối cùng của năm 1999 , khi về thăm Việt nam . Sơn ngồi trước một cái bàn nhỏ, trong sân Hội Văn nghệ sĩ gì đó ở Sai gòn.Vẫn nụ cười hiền lành, nhưng buồn bã, vẫn thái độ từ tốn, phong nhã, vẫn đôi kính đồi mồi nhưng trước mắt tôi là một TCS lục tuần bịnh hoạn, mệt mỏi, mặc dầu đôi mắt vẫn sáng lên khi nghe đến tin bè bạn. Sơn hỏi thăm tin tức về người này ở bên Tây, người kia ở bên Mỹ. Sơn nói về những người ở lại, kẻ mất, người còn.

Bơi trong cái áo sơ mi rộng thùng thình, Sơn nói : mình chỉ còn 39 kí. Sơn nói rượu đã tàn phá lá gan đến độ không có thuốc gì chữa nổi. Có người sẵn sàng đưa anh đi ngoại quốc giải phẫu gan nhưng anh từ chối. Sơn nói anh rất mệt, nhiều khi xây xẩm mặt mày vì bịnh áp huyết thấp (hypotension).

Vừa nói chuyện, Sơn vừa chào hỏi những người qua lại. Nhạc sĩ lão thành Nguyễn Duy, tác giả bài Dư Âm nổi tiéng hồi nào ở Hà nội ( đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn mơ bao tiếng tơ…) kể truyện đi thăm bác sĩ, chuyện thuốc men. Nhạc sĩ Trần Tiến nói về đêm ca nhạc thành công tuần trước. Ông Vũ Hạnh lăng xăng chạy qua chạy lại hối bài cho một đặc san kỷ niệm cuộc chiến ‘chống Mỹ cứu nước.’

Trước mặt tôi, trong cái nóng gay gắt của Saigon, không phải là một người ngồi chờ những rạng đông. Sơn ngồi đó, mỉm cười buồn bã. Tôi hỏi Sơn có tính đi ngoại quốc chơi một chuyến, nhân tiện chữa bệnh, dù tôi biết Sơn đang sống những ngày tháng cuối cùng. Nếu người nghiện rượu tiếp tục uống, dù có thuốc thánh, dù có gỉai phẫu gan cũng không thay đổi gì. Sơn không muốn nghỉ rượu, hay không nghỉ được. Sơn nói mình uống ít hơn trước nhiều. Sơn mỉm cười : mình sang đó, sợ các ông ấy đập mình. Rồi tiếp : sự thực thì ở bên Pháp không có vấn đề gì, bên Pháp ít có người quá khích ; kỳ trước mình qua Pháp, anh em đãi ngộ rất tử tế.

Sơn tiếp : nói cho đúng, mình mệt lắm, có muốn cũng không đi được. Sơn nói, từ tốn, không lộ một chút xúc động. Anh đang ở một cõi khác, những cái lăng nhăng ở cuộc đời này không liên hệ gì đến anh nữa. Nghe tôi sắp đi Nhật, Sơn nói đến một cô sinh viên Nhật Bản làm một luận án về nhạc của Sơn, về ngôn ngữ và chiến tranh trong nhạc TCS. Phải chờ một người Nhật nghiên cứu về ngôn ngữ TCS !

Khi tôi ra về, Sơn đưa cho tôi số điện thoại ở nhà riêng : ráng đến chơi, mình có chuyên muốn nói. 

Tôi nghĩ Sơn muốn nói những gì không thể nói được ở một nơi có nhiều người qua lại. Tôi ân hận vì không có thì giờ tới nhà Sơn như đã hứa, vì phải rời Việt nam ngày hôm sau. Tôi rời Sai gòn ngày mùng 1 tháng giêng năm 2000. Thế giới đang bước sang một thế kỷ mới. Đất nước tôi không còn giết nhau, nhưng chuyện trẻ con đi hát đồng dao ngoài đường chỉ là một giấc mơ. Mẹ già lên núi tìm xương con mình là chuyện vạn nan, vì người ta đã san bằng nghiã trang, mồ mả, để dựng hộ, xây khách sạn. Tôi gọi điện thoại chào Sơn. Anh hỏi : cậu đi ngày đầu năm 2000, không sợ ‘ sự cố ’ à ? . Tôi nói, oai hùng, sự cố nó sợ tôi chứ tôi sợ gì nó. Hồi ấy, ở Sai gòn, người ta kỵ đi máy bay ngày đầu năm 2000 . Sơn nói , gịong buồn : nếu gặp lại X,Y cho mình gởi lời hỏi thăm ; chắc mình không có dịp gặp lại anh em nữa. Ôi chinh chiến đã mang đi bạn bè. Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương. Đất nước không còn chiến tranh, nhưng trẻ em không hát đồng dao ngoài đường. Trẻ em đi đánh giầy, bán dâm trên vỉa hè thành phố. Đàn bà bán mình cho người Tầu người Hàn lấy tiền đong gạo.

Mỗi lần nghe nhạc TCS, tôi nghĩ đến cái cô đơn cùng tận của người nhạc sĩ ngồi trước cái bàn nhỏ ngoài sân, mỉm cười vu vơ với người này người kia , nhưng đầu óc ở một nơi khác. Sơn ngồi đó, cô độc. Một mình tôi về với tôi . Đem cái cô đơn của kiếp người nhân lên gấp mười , bạn có cái cô đơn của người nghệ sĩ, nhân lên trăm lần có cái cô đơn của người nghệ sĩ Việt nam , nhân lên ngàn lần có cái cô đơn của TCS . Cái cô đơn của một người suốt đời ca ngợi tình yêu, tình đồng bào – ngày mai sỏi đá cũng cần có nhau - mà cuối cùng bị chỉ trích từ mọi phía. Sơn ngồi đó, nâng niu cô đơn từng ngày. Cuộc đời còn nhiều đắng cay. Sơn ngồi đó, một mình, giữa nhiều người

Đời sao im vắng
Như đồng lúa gặt xong
Như rừng núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình
giữa tường trắng lạnh câm

Cái sân chỗ Sơn ngồi đông người qua lại, và ngoài đường xe hơi, xe gắn máy chạy loạn xà ngầu, nhưng Sơn ngồi đó, giữa tường trắng lạnh câm.


Sơn ra đi ngày 1 tháng tư 2001, hưởng thọ 62 tuổi. Đời người như gió qua. Bên Pháp, ngày 1 tháng tư là ngày ‘cá tháng Tư ’ (poissons d’Avril), ngày người ta đùa nhau bằng những chuyện hoàn toàn bịa đặt . Báo cho một ông nhà văn hạng nhì là ông ta vừa chiếm giải Goncourt. Thú với cô fiancée là đã có vợ với ba con, rồi sau đó cho hay đó chỉ là những cá tháng Tư, những chuyện đùa chơi. 

TCS ra đi thật hay chỉ thả một một con cá tháng Tư ? Dầu sao, Sơn đã đến, đã vui chơi trong cuộc đời này. Bây giờ có lẽ anh đang bay cao trong vòm trời này. Nhưng, nhiều lúc, tôi tự hỏi có quả thật anh đã vui chơi trong cuộc đời này. Có bao nhiêu người Việt nam đã thực sự vui chơi trong cuộc đời này ? 


TỪ THỨC ( Paris, một ngày tháng Tư )


1/Tên người, tên sách trong bài này ghi theo chữ Pháp

2/Charles Trénet : Longtemps, longtemps, longtemps /Après que les poètes ont disparu / Leurs chansons courent encore dans les rues

3/Những chữ in ngả trong bài là chữ của TCS, hay những tác giả khác

4/Cao Xuân Huy .Tư tưởng Phương Đông. Văn Học, Hà nội ; 1995

5/Coluche, nghệ sĩ trào phúng Pháp ( 1944-1985 ) : Le plus difficile c’est la fin du mois, surtout les trente derniers jours

6/Trịnh Cung, Phan Thanh Tâm.Thế kỷ 21.May 2001

7/Đất Mới. Saigon 1964

8/Churchill : La démocratie est le pires des régimes à l’exeption de tous les autres

9/Thành ngữ Pháp : Jeter le bébé avec l’eau du bain, đến từ thành ngữ Anh : to throw the baby out with the bathwater

10/On ne vit pas que du pain. Từ Thánh kinh : l’être humain ne vit pas seulement que de pain







Ướt Mi
 
tiếng hát Thanh Thúy








Ru Ta Ngậm Ngùi
 
tiếng hát Khánh Ly









Đời và nhạc Trịnh Công Sơn





Trịnh Công Sơn chánh quán Huế, làng Minh Hương, tổ tiên gốc Trung Hoa. Làng Minh Hương nay sát nhập vào Bao Vinh thành xã Hương Vinh. Bao Vinh là thương cảng của Huế ngày xưa.

Anh sinh ngày 28 tháng 2 năm 1939, tại Lạc Giao, tỉnh Ðắc Lắc, lớn lên trong một gia đình buôn bán giữa trung tâm thành phố Huế. Nhà đông anh chị em, ba trai năm gái, mà anh là con trưởng. Tuy có thăng trầm, nhưng nói chung là khá giả. 



Trịnh Công Sơn "Tuổi đá buồn" - Tranh của Bửu Chỉ 
(Sưu tập Nguyễn Trọng Tạo, 50x80cm - phiên bản duy nhất)



Trịnh Công Sơn theo học chương trình Pháp, tại Trung học Pháp tại Huế, đến hết cấp 2. Năm ấy, 1955, cùng lớp có ca sĩ Kim Tước (Giáo sư Decoux, dạy khoa học, thỉnh thoảng mang đàn vĩ cầm vào lớp, đàn đệm cho học sinh hát). Lúc này Trịnh Công Sơn chơi guitare đã hay. Trường giải thể, dời vào Ðà Nẵng, Trịnh Công Sơn có lúc theo học trường Thiên Hựu, Providence ở Huế. Rồi chuyển vào Sài Gòn, học tại trường Taberd, hay Jean Jacques Rousseau.. gì đó. Sau đó vào học trường Sư Phạm Quy Nhơn, rồi đi dạy học vài năm tại Lâm Ðồng.

Anh tự học nhạc một mình, và đã kể lại:


“Thưở ấy, tôi là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn guitare đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát.


Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong… Ðó là những năm 56 – 57 , thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ… Dạo ấy ba tôi đã mất …”


Những câu hỏi người tò mò có thể đặt ra: một người chỉ học trường Pháp, giáo trình Việt ngữ rất hạn chế và lỏng lẻo, khi đặt lời ca, sao có thể sử dụng tiếng Việt điêu luyện đến như thế? Thỉnh thoảng anh viết truyện ngắn, tham luận, đều xuất sắc. Bạn bè nhận được thư riêng, đều nhớ rằng Sơn chữ đẹp văn hay.


Tự học đàn hát, rồi sáng tác một mình, Trịnh Công Sơn không thuộc một nhóm sáng tác nào, như những người đi trước, như Lê Thương, Hoàng Quý trong nhóm Ðồng Vọng ở Hải Phòng, như Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước trong nhóm Myosotis tại Hà Nội, nhóm Hoàng Mai Lưu tại Nam Bộ. Cũng như sau này, anh sẽ tự học vẽ một mình.


Câu hỏi tò mò thứ hai: tự học nhạc, rồi từ rất sớm đã lao mình vào đời sống sáng tác và tranh đấu, làm sao anh có thể liên tục sáng tác khoảng 600 ca khúc, phần lớn được yêu chuộng?


Nói rằng Trịnh Công Sơn là thiên tài, cũng dễ thôi. Nhưng trở thành thiên tài trên một đất nước như Việt Nam, được thừa nhận là thiên tài trong một xã hội như Việt Nam – nhất là sau cuộc đổi đời 1975 – thật không đơn giản.


Mục đích của bài này là thử tìm hiểu sự hình thành của thiên tài Trịnh Công Sơn, thử giải mã hiện tượng Trịnh Công Sơn và thử tìm hiểu vị trí của Trịnh Công Sơn trên những trầm luân của đất nước, chủ yếu là khúc quanh 1975.


Chúng tôi cũng muốn cung cấp cho các nhà nghiên cứu về sau một số tư liệu rải rác đây đó, e mai đây khó kiếm, khi những than khóc và tung hô đã lắng xuống.

*

Về hoàn cảnh sáng tác ban đầu, Trịnh Công Sơn đã tuyên bố với Vĩnh Xương, báo Ðất Việt, năm 1985: “Ðến năm 1957, tôi sáng tác, gọi là để bạn bè nghe chơi. Sau đó thấy có hứng thú sáng tác và thử viết thêm một số bài. Năm 1959, tôi viết bài Ướt Mi và được bạn bè khích lệ. Tôi mới tìm sách nghiên cứu thêm về nhạc, trao đổi thêm về nhạc lý với bạn bè. Sau đó, tôi phổ nhạc cho khoảng một chục bài thơ tình yêu (như Nhìn Những Mùa Thu Ði chẳng hạn). Năm 63, tôi có một số sáng tác khá thành công như Diễm Xưa, Biển Nhớ, Hạ Trắng. Từ đó, tôi đi vào con đường sáng tác” [1].


Và từ đó, Trịnh Công Sơn nổi tiếng.

*

Khi đặt câu hỏi: sao một thanh niên, rất trẻ, chỉ học ỏ trường Tây mà sử dụng tiếng Việt tài hoa đến vậy, tôi không có thành kiến – vì bản thân mình cũng chỉ học “trường Tây”- mà để tìm hiểu nguồn sáng tạo trong ngôn ngữ.


Trịnh Công Sơn, có lẽ – đây là giả thuyết dè dặt – không học nhiều văn chương Việt Nam được giảng dạy ở nhà trường thời đó, nên không bị nô lệ vào những khuôn sáo trường quy, không suy nghĩ bằng điển cố sẵn có, mà tạo được một hình thức mới cho lời ca. Lời ca ấy sử dụng nhiều hình ảnh, biểu tượng bị xé lẻ, đi thẳng vào tâm tưởng người nghe, mà không đòi hỏi họ phải hiểu nghĩa chính xác. Ví dụ bài Tình Sầu:


Tình xa như trời / Tình gần như khói mây /
Tình trầm như bóng cây / Tình reo vui trong nắng /
Tình buồn làm cơn say
… Cuộc tình lên cao vút / Như chim mỏi cánh rồi /
Như chim xa lìa bầy / Như chim bỏ đường bay /



Mạch lạc nội tại (cohérence organique) của ca khúc không dựa vào tương quan ý nghĩa: “tình như trời xa” thì hợp lý, nhưng gần, sao lại như “khói mây”? “Tình lên cao vút”, sao lại “như chim mỏi cánh rồi”? “Tình reo vui trong nắng”, thì phải đối ngẫu với “tình buồn cơn mưa bay” mới chỉnh, sao lại say sưa vào đây?


Thật ra, mạch lạc nội tại được cấu trúc trên hình thức ngôn ngữ: những từ lặp lại: tình, chim, như, những vần luyến láy: mây, cây, say, bay, những từ đối lập: xa/gần, vui/buồn. Hình ảnh nối tiếp nhau, không cần ăn khớp với lý luận, lại được tiết điệu, âm giai nâng đỡ, bay bổng, bay thẳng vào tâm tưởng người nghe.


Chúng ta thử so sánh, để tìm hiểu chứ không phân định hơn thua, một lời nhạc tương tợ của Ðoàn Chuẩn:

Gửi gió cho mây ngàn bay

Gửi bướm muôn màu về hoa

Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư

Về đây với thu trần gian …

Hai ca khúc na ná, vì đều là ẩn dụ xâu chuỗi (métaphore filée), nhưng ca từ của Ðoàn Chuẩn được cấu tứ theo ngữ nghĩa và quy ước, theo điển cố: gió+mây, bướm+hoa, gió+trăng, trăng+thu. Nét mới là màu xanh lá thư bị xoá nhoè giữa những ước lệ được liên kết thành một xâu chuỗi kiên cố, chặt chẽ quá làm mất chất thơ. Thêm vào đó là những câu thất ngôn đường luật rất chỉnh chu:

Lá vàng từng cánh / rơi từng cánh

Rơi xuống âm thầm / trên đất xưa

Bài Gửi gió cho mây ngàn bay rất hay, nhưng hay một cách khác, đựơc yêu chuộng ở một giới thính giả khác.

Phạm Duy, thời trẻ, đã có những sáng tạo tân kỳ:

Buồm về dội nắng đôi vai

Bao nhiêu màu hoa ngát trên đôi môi

Tiếng Ðàn Tôi, 1947

Sau đó, anh trở về với ngôn ngữ duy lý:

Bao giờ em giở lại vườn dâu (hỡi em)

Là một câu thơ tuyệt vời: vườn dâu là niềm thương nhớ muôn trùng một nền văn minh đã khuất bóng. Nhưng Phạm Duy lại bồi thêm câu sau

Ðể anh bắc gỗ xây nhịp cầu (anh) bước sang …

(Quê Nghèo, 1948)

Thì cái ý đã thu hẹp cái tứ. Câu hát trở thành thô thiển, và giới hạn âm vang.

(Tôi đã có dịp trình bày với anh Phạm Duy ý này, anh cười vui: thế à?)

Tác phẩm Lê Thương uyên bác cả nhạc lẫn lời, đã đựơc người đời yêu thích.

Trịnh Công Sơn sẽ không viết được những câu văn vẻ như Lê Thương:

Bên Man Khê còn tung gió bụi mịt mùng,
Bên Tiêu Tương còn thương tiếc nơi ngàn trùng …
Hòn Vọng Phu

nhưng đã viết:

Ðàn bò vào thành phố
Reo buồn tiếng hạt chuông
(…)
Ðàn bò tìm dòng sông
Nhưng dòng nước cạn khô
Ðàn bò bỗng thấy buồn,
bỗng thấy buồn … 
(Du Mục)

Những hình ảnh ngoài trí tưởng tượng của Lê Thương – ông vua đặt lời ca – theo sự đánh giá của Phạm Duy.

Ði vào nền tân nhạc với một tâm hồn mới mẻ, Trịnh Công Sơn đã dần dần xây dựng một nhạc ngữ mới, phá vỡ những khuôn sáo của nền âm nhạc cải cách, thành hình chỉ hai mươi năm về trước.

(Ghi chú cho ngày giỗ 01-4-2012: tính đến nay nhạc Trịnh Công Sơn đã thành công trong già nửa thế kỷ, và ngày nay còn đang được yêu chuộng, có lẽ ngoài kỳ vọng của tác giả và bè bạn thân thuộc, nhất định vì nhiều duyên do. Một trong những duyên do có thể là: nhạc Trịnh Công Sơn đáp lại một nhu cầu của xã hội và thời đại thiếu chất thơ. Nhạc và lời lấp một khoảng trống trong tâm thức con người giữa một xã hội duy lý, duy dụng, thô thiển và thô bạo. Nó vô hình trung mang lại chất thơ, nhu cầu mà ý thức và tiềm thức con người đòi hỏi. Bằng cớ là những đĩa hát, những quán nhậu… mượn tên ca từ Trịnh Công Sơn, như một thoáng mộng mơ. Nhà cầm quyền toàn trị ắt nhận ra điều này, nhưng tạm dung vì nó là một phương tiện giải tỏa và đền bù, không mấy, hay chưa thấy, phương hại. Điều này tôi đã cảm thấy và ghi nhanh vào thời 2001, nhưng thêm thời gian mười năm sau, tôi có thể xác quyết)

*

Trịnh Công Sơn tự học nhạc, chứ không được đào tạo theo hệ thống trường quy. Khi bắt đầu sáng tác, được khích lệ, mới “trao đổi nhạc lý với bạn bè”, anh không nói rõ là những ai.

Câu hỏi thứ hai người tò mò đặt ra là: học nhạc một mình, thì vốn liếng nhạc thuật lấy đâu ra mà sáng tác nhiều, nhanh và hay, như thế?

Nhiều người cho là tác phẩm anh đơn giản về mặt nhạc thuật, nói là nghèo nàn cũng được.

Văn Cao nhận xét: “Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển, theo cấu trúc bác học phương tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc, thơ tự nó trào ra” [1].

Lối nhạc hồn nhiên, dung dị này lại đáp ứng lại với yêu cầu thời đại, theo Phạm Duy:

“Về phần nhạc, toàn thể ca khúc Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại” [1].

Một thính giả bình thường, yêu quý Trịnh Công Sơn, đã viết sau khi anh qua đời: “Xét cho cùng, Trịnh Công Sơn là một nhà thơ. Một nhà thơ lớn. Nhạc là cái xe tải anh lắp lấy để chở thơ anh đến với chúng ta” (Vũ Thư Hiên, Varsovie, 4/2001). Nhận xét chưa chắc đúng nhưng tiêu biểu.

Dù cho rằng nhạc thuật đơn điệu, thì cũng phải thừa nhận tài năng, có phần học tập, có phần thiên phú. Hoa hồng đẹp là do cây hồng, nhưng cũng còn nhờ vào đất đai, phân tro, mưa nắng, người chăm sóc, thậm chí cần cả người ngắm, hoa hồng mới có giá trị cái đẹp hoa hồng. Dù ở đây chỉ là một đoá vô thường.

Ta thử nhớ lại thời đại phát sinh tài năng Trịnh Công Sơn.

Năm anh 15 tuổi, 1954, Hiệp Ðịnh Genève chia đôi đất nước, cả hai miền Nam Bắc đều hoá thân trong hoàn cảnh chính trị và văn hóa mới.

Ở miền Nam, văn hoá phương Tây tràn ngập thị trường, nhất định phải ảnh hưởng mạnh mẽ đến tuổi mười lăm.

Sách báo, đĩa nhạc Pháp du nhập ồ ạt vào Việt Nam hằng ngày, giá thực tế rẻ hơn tại Paris nhờ trợ cấp hối đoái, và đây lại là thời kỳ phát minh và phát triển của loại sách bỏ túi và đĩa hát rảnh mịn (microsillon), phát hành rộng rãi, kèm theo những phương tiện truyền thanh mới. Thời trước, tuy Việt Nam là thuộc địa Pháp, nhưng văn chương Pháp chỉ du nhập qua nhà trường, giáo trình dừng lại ở cuối thế kỷ XIX: uyên bác như Xuân Diệu mà không biết Apollinaire. Sau 1954, văn hoá Pháp , và phương Tây , du nhập thẳng vào thị trường. Công chúng đọc Françoise Sagan tại Sài Gòn cùng lúc với Paris. Trên hè phố, nhất là tại các quán cà phê, người ta bàn luận về Malraux, Camus, cả về Faulkner, Gorki, Husserl, Heiddeger.

Nhà văn Bửu Ý, bạn Trịnh Công Sơn – học trước Sơn hai lớp tại Lycée Français Huế – hát Lá Rụng (Les Feuilles Mortes) một lần với Juliette Gréco, hát Ðời hồng tươi (La Vie en Rose) một lần với Edith Piaff, hay Yves Montandá; trong khi Thanh Tâm Tuyền dịch Barbara của Jacques Prévert, đăng trên Sáng Tạo và nhà văn trẻ Nguyễn Xuân Hoàng cũng ngân nga Barbara. Nguyễn Trần Kiềm, bạn cùng lớp với Sơn, đi cyclo che nắng bằng sách của Sartre.

Người ta thắc mắc về những tên ca khúc Trịnh Công Sơn cầu kỳ như Mưa Hồng, Tuổi Ðá Buồn, trong khi Thanh Tâm Tuyền viết Ðêm Màu Hồng, về sau trở thành phòng trà lừng danh, lại viết thêm Lệ Ðá Xanh, được danh hoạ Ðinh Cường, bạn thân Trịnh Công Sơn, vẽ thành tranh trừu tượng, v…v… .

Song hành với sách báo, các cơ quan văn hoá tây phương mở cửa hoạt động: Phòng Thông Tin Hoa Kỳ, Pháp, Trung Tâmvăn hoá Ðức … dĩ nhiên là với những động cơ chính trị , tuyên truyền, tranh thủ, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, mà chúng tôi không đề cập ở đây, chỉ nhấn mạnh ở ảnh hưởng văn hoá phương Tây thời đó trên đời sống trí thức miền Nam. Những Chiều Chủ Nhật Buồn nằm trong căn gác đìu hiu.. ô hay mình vẫn cô liêu, rồi đến Ngày chủ nhật buồn còn ai, còn ai: … Tuổi buồn Em mang đi trong hư vô, ngày qua hững hờ… Không thể không nhắc đến bài Chủ Nhật Buồn, Sombre Dimanche của Seres Rejo, nghe nói đã có người tự tử vì nó. Hay vì những hư vô, cô liêu, hững hờ, thịnh hành một thời. Trong bài viết “Nỗi lòng của tên Tuyệt Vọng” anh đã tiết lộ “tôi vốn thích triết học và vì thế, tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình”. Ví dụ như: “Vết lăn trầm hằn lên phiến đá” mà anh gọi là di thạch: roche errante, người hát không hiểu gì, nhưng vẫn thích hát! Nhưng nói là Rolling Stones cũng không sai.

Ca khúc Trịnh Công Sơn gợi suy tư, đáp ứng lại nhu cầu trí thức chính đáng ở một thiểu số và ảo tưởng trí thức thời thượng ở một đa số, trong đó có các cô cậu, ở mục Tìm Bạn Bốn Phương trên các báo, tự giới thiệu là “yêu màu tím và nhạc họ Trịnh” hay “nhạc TCS” viết tắt.

Thời kỳ này, Nguyễn văn Trung đã viết bài ảo ảnh Thanh Thuý. Nếu nói về “ảo ảnh Trịnh Công Sơn”, ông ấy cũng có thể viết một bài hay.

Nhạc Trịnh Công Sơn đơn giản: một đặc điểm tạo dựng thành công. Phạm Duy nhận xét về Trịnh Công Sơn “Bài hát chỉ cần một chiếc đàn guitare đệm theo, nếu hoà âm phối khí rườm rà thì không hợp với những bài hát soạn theo thể ballade này”. Lại là một yêu cầu khác của thời đại: những Georges Brassens, Joan Baez lẫy lừng với cây đàn ghi-ta. Ca khúc Trịnh Công Sơn, có thể hát cho vài người nghe, cho một nhóm, hay trước quảng đại quần chúng. Nó đi vào quần chúng, nhất là giới thanh niên: Nó khác với nhạc phòng trà, có giàn nhạc và do ca sĩ hát, và thính giả đi nghe (và nhìn) ca sĩ nhiều hơn là nghe ca khúc.

Thời Trịnh Công Sơn cũng là thời của các tác-gia-soạn-giả-trình-diễn (auteur compositeur interprète) chẳng bao năm mà trở thành huyền thoại: Jacques Brel, Bob Dylan. Báo chí Mỹ gọi Trịnh Công Sơn là Bob Dylan Việt Nam, vì nội dung phản chiến, mà còn vì phong cách trình diễn.

Nhạc Trịnh Công Sơn không phải là nhạc giao hưởng. Những soạn giả bậc thầy của nhạc lý Việt Nam thời đó, như Vũ Thành, Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi không có quần chúng.

Trịnh Công Sơn có tài đặt nhạc, soạn lời, lại biết bắt mạch thời đại, sống đúng thế hệ của mình, trong lòng đất nước, trong nhạc cảnh thế giới. Ngần ấy cái tài dồn lại, gọi là thiên tài, cũng không quá đáng.

*

Phân chất những lớp phù sa đã tấp vào dòng nhạc của mình qua những giao lưu văn hoá, Trịnh Công Sơn có nói đến những ảnh hưởng ngoại lai: “Thưở nhỏ tôi rất thích nhạc tiền chiến và có nghe một số nhạc nước ngoài.”Những năm 60, tôi có nghe nhạc Blues nói về thân phận của người da đen ở Mỹ. Tôi rất thích nhạc của Louis Amstrong, D. Ellington… Tôi thấy loại nhạc này gần gũi với mình và thấy có khả năng muốn lấy nhạc này để nói lên tâm sự của mình”. [1]

Và cũng trên số báo Ðất Việt đó, anh cho biết thêm về ảnh hưởng. Những năm 64-66, sáng tác có chất Blues, những năm 67-72, lại mang nhiều chất dân ca.

“Chất dân ca” ở đây, phải hiểu theo nghĩa folk songs của Bob Dylan và Joan Baez thịnh hành thời đó. Cả hai danh ca đều hơn Sơn hai tuổi, cùng một thế hệ, cùng một lý tưởng chống chiến tranh, cùng một cây ghi-ta, cùng một điệu hát. “Dân ca” ở đây không phải là hò mái nhì, hò giã gạo của quê hương. Nhạc dân tộc trong thời gian đầu, dường như không mấy ảnh hưởng đến anh. Những bài theo chủ đề ru con của Trịnh Công Sơn không mấy âm hưởng những bài hát ru em Việt Nam.

Sau này, thỉnh thoảng người nghe có nhận ra chút âm hưởng hò Huế, như trong Thuở Bống là Người, hay điệu ru dân tộc, như Lời Mẹ ru Con thì cũng chỉ là đôi biệt lệ, không tiêu biểu.

Gần đây, sách báo thường trích dẫn câu Trịnh Công Sơn:

”Tôi chỉ là tên hát rong, đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”

Lại phải hiểu chữ “hát rong” theo nghĩa hiện đại: không phải là ông sẩm chợ, hát vè Thất Thủ Kinh Ðô ở phố Ðông Ba mà Huy Cận đã mô tả, mà hình ảnh người du ca hiện đại, những baladins itinérants trong ca khúc Bob Dylan, trong quan niệm Nhạc Du Bất Tận, Never Ending Tour (1988). Nhà thơ Tô Thùy Yên, chuộng thuyết chính danh, nên đã nói rõ điều này và gọi Trịnh Công Sơn là “người du ca chính hiệu”:

“Người du ca” là một nghệ sĩ đặc biệt đứng giữa âm nhạc và thi ca, đúng hơn, người du ca là một thi sĩ nhiều hơn là một nhạc sĩ.

Người du ca thường khi xuất hiện và nổi bật trong những thời đại được coi là u uất nhiễu nhương, những thời đại mà tiếng nói con người bị lấn át, tự do con người bị cưỡng chế, giá trị con người bị hạ thấp, hạnh phúc con người bị tước đoạt và ước vọng con người bị bao vây.

Thành thử những tác phẩm du ca có thể là những tác phẩm yếu hơi, dễ dãi, sơ sài, những tác phẩm thành hình trong một thoáng cảm hứng nhất thời, những tác phẩm như những ký tự ghi chép vội vàng trên một trang giấy tình cờ, và thả bay ngay theo thời thế” ( Tô Thùy Yên) .

Trong Cõi Tạm, ăn xổi ở thì này, nơi con người chôm liền chộp lẹ mọi cơ hội để mua lẻ và mua rẻ chút hư danh, có người còn viết được những lời như vậy, là nghiêm túc và tâm huyết. Nhất là viết cho một người vừa khác phe, vừa khác phái.

Văn Cao cũng là một người sành chữ nghĩa. Trong câu chuyện thân mật, anh thường nói Sơn là một troubadour (kẻ hát rong) có tài. Nhưng khi viết về Trịnh công Sơn, anh dùng chữ chantre, trang trọng hơn, trong nghĩa “kẻ ngợi ca” bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui, và biết đau đến tận cùng những nỗi đau của Tổ Quốc Mẹ hiền”. Troubadour hát nhạc mua vui cho trần thế, chantre hát những Lời Buồn Thánh. Tuy nhiên, Trịnh Công Sơn cũng chỉ tự xưng là troubadour, như tên đặt cho phòng tranh anh triển lãm chung với Ðinh Cường, Bửu Chỉ tại Gallery Tự Do, tháng 8/2000.

Năm 1969, bạn anh, họa sĩ Trịnh Cung, đã vẽ bức tranh đẹp, tên là Le troubadour = Kẻ du ca, để kêu gọi hoà bình. Những chuyện này đều tương quan với nhau.

Khi Phạm Duy gọi ca khúc Trịnh Công Sơn là những ballades, không cùng một nguồn gốc với chữ baladin, cũng là có ý trang trọng.

Các vị ấy tài cao, ý sâu mà lòng thì rộng rãi; cho nên lời cũng khoáng đạt.

*

Hôm qua trăng sáng lờ mờ
Em đi tát nước, tình cờ gặp Anh

Người con gái Việt Nam da vàng, ngày xưa, đã hát như thế trong ca dao, là để che dấu khát vọng tình yêu, chứ trong đời sống nông thôn thời ấy, làm gì có cái tình cờ.

Ðời sống thế giới hiện nay, nghĩ cho cùng, cũng vậy thôi. Những giai điệu blues, nhạc phản kháng Bob Dylan, Joan Baez, thơ Prévert, Aragon, Eluard … Trịnh công Sơn đã gặp gỡ, trên dòng nhạc, dòng thơ, dòng tâm tư. Và dòng lịch sử, dân tộc và thế giới. Trong cao trào lớn của loài người, giữa lòng thế kỷ hai mươi: cao trào giải phóng dân tộc, chủng tộc và giai cấp. Ðừng quên việc giải phóng phụ nữá: người phụ nữ Pháp đã đi phá ngục Bastille từ 1789, mãi đến 1946 mới có quyền đầu phiếu.

Người phụ nữ Việt Nam cũng vậy thôi: sau khi chờ chồng hoá đá, họ bước chân vào thế kỷ XX, thì ngồi đan áo. Từ Buồn Tàn Thu của Văn Cao, qua Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền, thơ hiện đại của nhà thơÝ Nhi, cho đến năm 2000, trong ca khúc Ðêm Xanh của Bảo Chấn, cô ấy vẫn ngồi đan áo, trong khi dọc hè phố, áo pull bán rẻ mạt.

Ðan áo là hình ảnh ẩn nhẫn, thụ động mà người đàn ông đòi hỏi. Ðan áo cho ai đó, hay để tưởng nhớ, chờ đợi ai đó. Ca khúc Trịnh Công Sơn, rất nhiều phụ nữ, nhưng không thấy họ đan áo. Mà chỉ … ngồi chơi, khi nghiêng vai, khi nghiêng đầu, khi nghiêng sầu. Ngồi chơi chán rồi thì Ðứng lên gọi mưa vào Hạ. Nếu khóc, cũng chỉ khóc cho những Chiều mưa đỉnh cao… Mai kia, có ra đi, thì cũng là Như những dòng sông nhỏ.

Người đàn bà trong Trịnh Công Sơn đẹp dung dị và tự do bình thường. Tự do với cuộc đời, với tình yêu, thậm chí với tình dục. Nhạc Trịnh Công Sơn không nói đến tình dục, vì nói đến … làm gì?

Người phụ nữ nghe và hát nhạc Trịnh Công Sơn thoải mái, vì chỉ hát, hay nghe, mà không phải làm gì cả, không phải Hái Mơ, Lái Ðò, bán Hàng Cà Phê, Hàng Nước, không phải thay quần áo làm cô Sơn Nữ, cô Láng Giềng hay mua lấy số phận Người Yêu của Lính. Và nhất là không phải … đi lấy chồng: hạnh phúc không thấy đâu mà chỉ nghe oán trách dài dài suốt nửa thế kỷ: Em đi trên xác pháo, anh đi trong nước mắt…Em ơi tình duyên lỡ làng rồi, còn chi nữa mà chờ … Và, ở một chân trời khác, họ cũng không phải ba đảm đang, ba sẵn sàng, làm Người Mẹ Cầm Súng, xung phong đi gỡ mìn ở Ngã Ba Ðồng Lộc …

Sau 1975, khi “Em ở Nông trường, em ra Biên giới” thì người nghe có cảm giác cô Tấm đã trở thành cô Cám, và Trịnh Công Sơn sẽ gào gọi Bống hỡi Bống hời, cô Tấm thỉnh thoảng có tái hiện, nhưng cũng đã tân trang nhiều lắm.

Trong xã hội Việt Nam, cho đến hôm nay, chưa chắc gì người phụ nữ đã được giải phóng, và tôn trọng đúng mức. Trong ca khúc Trịnh Công Sơn, họ được giải phóng và tôn trọng. Tôn trọng người đàn bà, không phải là tán tỉnh, Trịnh Công Sơn, rất hồn nhiên đã hiểu ra và nói vào điều đó.

*

Nhạc phản chiến, đòi hỏi hoà bình của Trịnh Công Sơn thì nhiều người biết, sẽ có nhiều người viết về đề tài này. Mới đây, trong buổi tưởng niệm Trịnh Công Sơn, tại Californie, anh Ðỗ Ngọc Yến có nói rõ và nói đúng, khác với Ðỗ Ngọc Yến cách đây 40 năm và 20 năm.

Tôi không đủ thì giờ viết về đề tài này, nhưng sẽ đề cập đến ở một dịp khác, nay chỉ vội nói ngay mấy ý kiến chủ quan:

1.- Dù đánh giá ra sao đi nữa, nhạc Trịnh Công Sơn cũng là sản phẩm của chế độ Việt Nam Cộng Hoà, trong cả hai mặt tích cực và tiêu cực của chế độ này.

Không có Miền Nam, cũng có thể có một Trịnh Công Sơn, nhưng là một Trịnh Công Sơn khác, đại khái như một Phạm Tuyên hay Phan huỳnh Ðiểu.

2.- Chính quyền Cộng Sản, sau 1975, sau những thăm dò, đã lưu dung một phần trong nhạc phẩm Trịnh Công Sơn và đã khéo sử dụng Trịnh Công Sơn. Có thể nói sau 25 năm chiến thắng, thành công hiếm hoi, nếu không phải là duy nhất, của chính sách văn hoá của chính quyền cộng sản, là tiếp thu nhạc Trịnh Công Sơn, mà công đầu là Thành Uỷ TPHCM. Dùng chữ ‘chính sách’, là để nhìn toàn cảnh, chứ đối với một cá nhân, chắc chỉ có những quyết định cục bộ, nhất thời, bất thành văn. Dù sao, họ cũng chỉ kế thừa kinh nghiệm Liên Xô vào thời kỳ Tân Chính Sách Kinh Tế (NEP) những năm 1920, sau cuộc nội chiến, khi Lenine thu dung những nhà văn, nhà thơ ‘bạn đường’ (Popoutchiki) như Alexis Tolstoi hay Zamiatine.

Trong chiến tranh chống Pháp, người Cộng Sản đã không thu phục được Phạm Duy. Sau 1954, họ không thu phục được Văn Cao. Nhưng sau 1975, họ thu hoạch được Trịnh Công Sơn, như vậy đã là thành công. Thành công về mặt hiện tượng, không phải về mặt bản chất. Về mặt bản chất, chuyên chính vô sản không bao giờ chấp nhận cái gì khác họ, không phải do họ tạo ra. Mặt khác, ca khúc Trịnh Công Sơn trước kia và bây giờ không có ‘tiêu chuẩn’ đáp lại quy luật của hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cố gắng đến đâu thì cây cam cũng không tạo được quả chanh. Trước kia ‘hai mươi năm nội chiến từng ngày’ là sai đường lối, bây giờ hỏi ‘Em còn nhớ hay Em đã quên’ vẫn sai lập trường.

Chấp nhận – dù trong giới hạn – những dư vang của một chế độ chính trị mà mình cố công bôi xoá, chính quyền TPHCM, trong chừng mực nào đó, đã nhượng bộ quần chúng, đã gián tiếp thừa nhận mình thất bại, trong việc ngăn chặn nhạc vàng, và nhất là trong việc đào tạo một nền âm nhạc mới đáp ứng với quần chúng. Chính quyền Trung ương Hà Nội wait and see để cho TPHCM “phát huy sáng kiến”; nếu rách việc thì ra tay chận đứng một “quyết đinh địa phương”, nếu vô hại thì án binh bất động, và thêm được tiếng là cởi mở, hoà hợp.

3.- Về phía Trịnh Công Sơn, anh cũng khéo thoả hiệp với chính quyền mới. Việc anh ở lại Việt Nam sau 1975, hợp tác với các hội văn nghệ Huế, rồi TPHCM là hợp lý, sau khi đã sáng tác Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm… Ðó là sự chọn lựa tự do của anh. Cũng như Nguyễn Trãi xưa kia, cháu ngoại nhà Trần, mà không phò tá các phong trào kháng chiến Hậu Trần, lại đi hợp tác với đám nông dân Lam Sơn. Hay như Ngô thời Nhậm, nhiều đời ăn lộc chúa Trịnh vua Lê, mà đã đi hợp tác với nhóm áo vải Tây Sơn. Từ đó người ta có thể thông cảm khi anh làm một số bài ca ngợi chế độ mới, không hay lắm và ít được hát, ít người biết: âu cũng là điều may mắn cho anh, vì anh đã có một số câu chữ không hay và không cần thiết.

Anh là người được hưởng nhiều bổng lộc của chính quyền, nhiều hơn những cán bộ đã vào sinh ra tử trong cả hai cuộc chiến tranh. Anh có thể hát Ðời Cho Ta Thế. Thật ra, đời không cho ai cái gì mà chỉ đổi chác; anh đã phải trả giá, có khi là giá rất đắt. Anh không trả thì nhiều người khác phải trả. ý thức điều đó có lần anh viết:” Tôi không bao giờ có tham vọng trở thành một người viết ca khúc nổi tiếng. Nhưng đời đã tặng cho tôi món quà ấy thì tôi không thể không nhận. Và khi đã nhận rồi thì phải có trách nhiệm với mọi người”.

Nói thì ngon lành như thế. Thực tế không đơn giản: người ta cho anh bó hoa, chai rượu. Ai cho anh trách nhiệm? Anh hát “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, khi bạn anh, Thái Bá Vân, nhà phê bình nghệ thuật tài danh, thuộc Viện Mỹ Thuật Hà Nội than: “một năm không được một ngày vui”. Muốn mua vui, phải vào Sài Gòn … chơi với Sơn. Nhưng chẳng qua là niềm vui của phận “chim lồng cá chậu”; Hiểu như thế, bạn bè không đòi hỏi gì nhiều ở một nghệ sĩ yếu đuối, sống chết giữa trùng vây như anh.

Người ta đánh giá một tác giả qua những tác phẩm anh ta đã thực hiện, chứ không qua những tác phẩm mà ‘lẽ ra’ anh ta phải thực thực hiện. Nhân danh cái ‘lẽ ra’ ấy, người làm văn học nghệ thuật đã là nạn nhân của bao nhiêu là oan khiên, oan khốc và oan khuất.

Không những vì chút tình riêng, nhưng còn vì tình đời, luật công bình, luật tương đối, luật chơi, chúng ta nên gạt sang một bên nhiều cái “lẽ ra” đối với Trịnh Công Sơn, mà chỉ xét những cái anh đã làm ra.

4.- Qua bốn mươi năm truân chuyên, Trịnh Công Sơn đã có những đóng góp lớn lao vào nền văn học nghệ thuật, vào đời sống xã hội, và lịch sử chính trị. Phần lớn sự nghiệp anh đã thành hình và thành công dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà, mà mọi người đã biết. Bài này tạm thời chưa nói đến.

Ngoài quần chúng cũ, nghe nhạc Trịnh Công Sơn vì yêu thích hay để nhớ lại ngững âm hao xưa cũ, thì thính giả khác, giới thanh niên Việt Nam ngày nay, hay người miền Bắc trước 1975, đón nhận ra saoá?

Trong xã hội Việt Nam ngày nay, ca khúc Trịnh Công Sơn mang lại chất Thơ cho đời sống. Nhìn qua một số đĩa hát CD, thu nhiều bài của nhiều soạn giả, thì cái tên chung thường mượn tiêu đề của Trịnh Công Sơn, như Lời Thiên Thu Gọi (Hồng Nhung), Xin Mặt Trời hãy ngủ yên (Mỹ Linh), những tiêu đề nhiều âm vang, nhiều thi vị. Những nhạc sĩ khác, Dương Thụ, Phú Quang, Trần Tiến, Bảo Chấn… đều tài cao, nhưng được đào tạo và trưởng thành trong một xã hội duy dụng và thực dụng, óc sáng tạo cao siêu của họ không đặt ra những câu hỏi vớ vẩn như là Sóng Về Ðâu? Vì thực tế: sóng thì … về đâu? Trong một mẩu xã hội nào đó, đặt những câu hỏi như thế, là có cơ nguy bị nhốt vào nhà thương điên.

Chủ nghĩa hiện thực xã hội rất nghiêm khắc, yêu chuộng văn vần, một loại văn xuôi diễn ca (prose versifiée), với điều kiện loại văn vần ấy không có chất Thơ. Thi phẩm của “công thần” Nguyễn đình Thi còn bị gạt ra, nói gì đến “hàng thần” Trịnh Công Sơn? Nhưng ca khúc Trịnh Công Sơn đã lọt qua được các mắt lưới, vì đã cấp thời đáp lại được “lời gọi của khoảng trống” (l’appel du vide) và ca khúc là một thể loại nhẹ, phù phiếm (genre léger), chính quyền dung dưỡng vì có khả năng chận đứng bất cứ lúc nào ố như đã làm với nhạc Văn Cao ngày xưa: thậm chí bài Quốc Ca còn bị hăm doạ thay đổi. Và đang làm với Phạm Duy ngày nay. Trong các CD thu tại Việt Nam hiện nay có mấy khi,mấy ai thấy Giấc Mơ Hồi Hương, nhạc Vũ Thành?

Chính quyền dung dưỡng ca khúc Trịnh Công Sơn không phải vì động cơ nghệ thuật, nhưng như một thế phẩm (ersatz), trong thời kỳ quá độ, như bác sĩ ban thuốc an thần cho bệnh nhân mất ngủ. Trong khi chờ đợi, thính giả hưởng lạc khoản, được ngày nào hay ngày ấy. Họ đang được nghe bài Sóng Về Ðâu một trong ca khúc cuối đời Trịnh Công Sơn:

Biển sóng, biển sóng đừng xô tôi
Ðừng xô tôi ngã dưới chân người
Biển sóng, biển sóng đừng xô nhau
Ta xô biển lại sóng về đâu
Sóng bạc đầu và núi chìm sâu
Ta về đâu đó
Về chốn nào mây phủ chiêm bao

Xã hội chủ nghĩa có thể tạo ra nhiều bài hát hay hơn. Nhưng tạo ra được cái gì na ná như thế thì vô phương. Thiên tài không phải là người không bắt chước ai, mà là người không để ai bắt chước được mình.

5.- Chứng từ cho giá trị một tác phẩm nghệ thuật, là khả năng kết hợp rộng rãi và lâu dài của nó. Nhạc Trịnh Công Sơn được hát rộng rãi ở Miền Nam trước 1975, chúng ta đã biết. Nhưng trước 1975, Miền Bắc đã nghe và đã thích nhạc này, như Văn Cao đã kể lại. Nguyễn Duy kể thêm rằng ở dọc Trường Sơn, bộ đội miền Bắc cũng đã nghe:

“Mặt trận Ðường Chín-Nam Lào (1971)… trong căn hầm kèo bên dòng sông Sêbănghiêng… Nghe, nghe trộm – vâng, lúc đó gọi là nghe trộm – đài Sài Gòn, tình cờ ‘gặp’ Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly… Diễm Xưa… Mưa vẫn mưa rơi … làm sao em biết bia đá không đau … Quỷ thật! giai điệu ấy và lời ca ấy tự nhiên ‘ghim’ lại trong tâm tưởng tôi ngay từ phút bất chợt ấy. Rồi Như Cánh Vạc Bay… Quái thật! … Cảm nhận bất chợt, những bài hát rất mượt mà, đắm đuối ấy… ừ thì có buồn đấy, đau đấy, quặn thắt nữa đấy… nhưng còn là cái gì lành mạnh nảy nở trong đó. Hình như là cái Ðẹp… Bảng lảng, lờ mờ, khó phân định cho đúng nghĩa, nhưng rõ ràng là đẹp, đẹp làm sao… Và cũng hơi ma quái thế nào …” [1]

Người ác ý có thể ngờ vực: Nguyễn Duy là nhà báo có quyền nghe đài, sau này là bạn rượu của Trịnh Công Sơn, nên thêm thắt. Thì đây, một chứng từ khác đến từ một anh bộ đội, không quen biết gì, không điếu đóm gì với Trịnh Công Sơn, nhà văn Nguyễn văn Thọ, hiện ở Berlin:

“Năm 1972, khi ấy tôi là bộ đội trong rừng Trường Sơn. Thằng bạn tôi, sau chiến dịch Lam Sơn 719 vớ được cái đài Sony rất tốt.

Ðêm Trường Sơn, chờ cho mọi người đi ngủ hết, chúng tôi lén mở đài BBC và cả đài Sài Gòn. Ðấy là lần đầu tiên tôi được nghe tiếng hát Khánh Ly với nhạc Trịnh Công Sơn.

Chúng tôi là lớp người lớn lên từ Miền Bắc, thường quen với những khúc thức hùng tráng. Trong tiếng chộn rộn rú rít của sóng vô tuyến, tôi vẫn thấy một giọng lạ của một thứ âm nhạc mới. Một thứ nhạc da diết, đầy lãng đãng từ ca từ, tới khúc thức. Một thứ nhạc xanh không giống bất cứ nhạc xanh nào mà tôi từng nghe, kể cả trong những đĩa hát quay tay cổ mở suốt ngày rên rỉ ở đầu chợ trời những ngày sau hoà bình.

Rất lạ, với tôi khi đó nhạc Trịnh Công Sơn như làn gió khởi từ xa xăm đâu đó, tách khỏi hận thù trận mạc, tha thiết một tình yêu đồng loại, giống nòi, yêu bè bạn, hoà bình, đạo lý. Nó lạ, vì lối ca từ phi tuyến tính, không giống cách viết truyền thống trên những ca khúc của Hà Nội khi đó”.

Quý hoá hơn nữa, anh Thọ đã ghi lại cảm giác khi tiến quân vào Sài Gòn, nghe nhạc Trịnh Công Sơn hát Nối Vòng Tay Lớn, buổi trưa ngày 30/4/1975, trên đài Sài Gòn:

“Mặt đất bao la … anh em ta về … gặp nhau trong bão lớn quay cuồng trời rộng …

Lời ca không phải là tiếng thách thức tử thủ. Lời ca không phải là tiếng bể máu như kết cục thường của chiến cuộc, lời ca khi ấy làm chùng xuống không khí thù hận và hằn học.

Chúng tôi tiến vào Sài Gòn…

Nối Vòng Tay Lớn

Chiến tranh nào bao giờ chẳng có mặt trái, nhưng tiếng hát kia, bản nhạc ấy, mở ra cho cả hai bên nghe như một liều thuốc vô hình đã làm chùng xuống một thời khắc thường dễ nổi cáu và nổi đoá.

Ðấy là kỷ niệm thứ hai của tôi về anh.”

Tiếng hát làm chùng tay súng. Một ngày, một giờ mà sinh mệnh của hằng triệu con người nằm trên đường tơ kẽ tóc, một sự kiện như thế không trọng đại hay sao?

Văn học nghệ thuật Việt Nam, đã bao nhiêu lần đóng vai trò đó?

Sau này, Thọ sang sinh sống tại Ðức, theo diện xuất khẩu lao động, vẫn nghe nhạc Trịnh Công Sơn:

“Ngay cả sau này, đôi khi tự an ủi mình, nâng đỡ mình, tôi khe khẽ hát ‘Tôi ơi đừng tuyệt vọng’… và nhiều bài ca khác trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng tôi vẫn nhớ từng chi tiết và cám ơn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở trưa phát thanh trên làn sóng Sài Gòn ngày đó” [1]

ở một chân trời khác, nhiều người oán trách Trịnh Công Sơn về việc lên đài hát Nối Vòng Tay Lớn , trưa ngày 30.4.1975. Thật ra, anh có hát hay không hát, thì chế độ Việt Nam Cộng Hoà cũng tan rã. Anh có hát, và có hợp tác với chính quyền mới, âu cũng là một cách cứu vãn vết tích văn hoá của nền Việt Nam Cộng Hoà đã đào tạo ra anh về mặt tài năng và sự nghiệp, thậm chí tạo ra cả một huyền thoại Trịnh Công Sơn.

Một lần nữa, ông Nguyễn văn Trung, sau ảo ảnh Thanh Thúy nếu viết Trịnh Công Sơn Thực Chất và Huyền Thoại cũng sẽ nghĩ ra nhiều điều hay.

Nếu có ai đó nói rằng: Trịnh Công Sơn là một khổ nhục kế, để kéo dài hơi thở văn hoá của một chế độ chính trị đã bị bức tử, thì là lời đại ngôn, duy cảm, nghịch lý, vớ vẩn.

Vớ vẩn như một số lời ca trong tác phẩm Trịnh Công Sơn. Nhưng biết đâu chẳng là sự thực? Sự thực trong bao nhiêu cái vớ vẩn, kể cả trong lịch sử.

Chế Lan Viên, năm 1984, đã viết: “Văn hoá của thực dân mới là con đẻ của chủ nghĩa thực dân mới. Quân sự, chính trị thực dân mới có chết, có băng hà thì nó cũng truyền ngôi cho văn hoá”. Và Chế Lan Viên không phải là người vớ vẩn, viết lách vớ vẩn.

*

“Không xa đời và cũng không xa mộ người…”

Trịnh Công Sơn đã xa đời lúc 12 giờ 45 tại Sài Gòn, ngày 01.4.2001.

Ðám tang ngày 4 tháng tư, nghe nói lớn lắm, hàng trăm tràng hoa ngập con hẻm 47 Duy Tân. Hàng vạn người đưa tiễn, trong đó có thể có người đi tiễn một điều gì khác, một tâm tình hay u hoài nào đó của riêng mình, chẳng hạn.

André Malraux có nói đâu đây rằng “trong Thiên Chúa Giáo, chỉ có những pho tượng là vô tội”. Trịnh Công Sơn đã sống non nửa sau cuộc đời, trong một chế độ chính trị mà các pho tượng cũng không phải là vô tội.

Những đoá hoa đặt trên mộ Toa, Sơn ơi, không phải là đoá hoa nào cũng vô tội.

Bây giờ moa mới khóc Toa đây. Tại nhà moa, ngồi ở chỗ Toa ưa ngồi vẽ, nhìn dòng sông nhỏ, mà Toa đã gọi là sông An Cựu.

Sơn ơi, đời này, và sang đời khác nữa, làm gì có đến hai dòng sông An Cựu;

an cựu, Sơn ơi.

Orléans, 14.04.2001, đọc lại, bổ sung 30- 3.2012





Tình Sầu











Quỳnh Hương








Diễm Xưa




















Tôi gọi Trịnh Công Sơn là người thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ. Và bởi Sơn đã hát về quê hương đất nước bằng cả tấm lòng của một đứa con biết vui tận cùng những niềm vui và đau tận cùng những nỗi đau của Tổ quốc mẹ hiền.

Mãi hơn một năm sau ngày 30 tháng 4, chúng tôi mới thật sự mặt nhìn mặt tay cầm tay lần đầu, nhưng tôi có cảm giác như chúng tôi đã là bạn của nhau tự bao giờ, mặc dù giữa tôi và Sơn còn cả một thế hệ đệm. Nói cách nào đó, tôi đã gặp Sơn từ những ngày đất nước còn chia hai miền và còn chìm trong khói lửa. Tôi muốn nhắc đến ở đây một kỷ niệm không thể quên ở nhà một người bạn trẻ. Đêm ấy lần đầu tiên tôi nghe (cũng có nghĩa là gặp) Trịnh Công Sơn… Những bạn trẻ hát cho tôi nghe gần suốt đêm hàng loạt ca khúc Trịnh Công Sơn (không biết họ học ở đâu?) hát say sưa đến nỗi đứt cả dây của cây đàn ghi-ta duy nhất có trong nhà .

Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi, “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra“. Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ chính là chỗ đó, ở chỗ không định tạo ra một trường phái nào, một triết học nào, mà vẫn thấm vào lòng người như suối tưới. Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà cả bên ngoài biên giới nữa. Và nếu không lầm thì dấu ấn của Sơn đã ít nhiều in trên tác phẩm của một số nhạc sĩ thời kỳ sau 1975.

Có lẽ cũng không cần nghe lại nữa, dù bây giờ và sau này Sơn có in thêm, một lần là đủ, từ cái đêm chiến tranh ấy, tôi biết mình đã gặp một tâm-hồn-chị-em xẻ chia “Một cõi đi về“. Và tôi viết lời bạt này cho tập nhạc Sơn như giữ một lời hẹn thầm chưa ngỏ, lời hẹn của một tri âm với tri âm …








Tình Xa









Mưa Hồng










Gọi Tên Bốn Mùa










Hoa Vàng Mấy Độ
















Vũ Thư Hiên:  Trịnh Công Sơn - Một nhà thơ lớn















Gia Tài Của Mẹ











Tôi Sẽ Đi Thăm











Thư tình gửi một người (1)





'Đêm đã đen như áo dạ bên ngoài. Ánh đang làm gì. Trời đã mưa ở đó rồi phải không. Anh nhớ có lần đưa Ánh về buổi tối đội áo mưa trên đầu. Con đường đen, điện vàng và những nhánh phượng có mùi hăng hắc...'. > 

Dao Ánh thân mến,


Cơn mơ kéo anh trở dậy vào lúc 3 giờ sáng.

Bây giờ đồi núi Blao còn đêm mù sương và im lìm ngủ. Anh thắp nến trắng viết thư cho Ánh và trùm chăn quanh mình. Miền cao nguyên này lạnh suốt ngày.

Ánh ơi,

Anh hơi lạ lùng là suốt những ngày lên đây anh thường nằm mơ có Ánh. Có Ánh rất yên lành qua những con đường xa lạ của một mùa Hè đã qua mà phượng vẫn còn đỏ ngời. Hình như trời vừa qua một cơn bão lụt nên con đường có vẻ xơ xác. Ánh mặc áo nâu, tóc mềm như mây có cả chiếc nơ màu nâu nhạt cài lên rất huyền hoặc. Anh còn nhớ là suốt con đường đi đó không khí bỗng ấm áp vô cùng. Anh đã trở dậy trong sự trống vắng dai dẳng ở đây.

Đáng lẽ kỳ này anh vào dạy nhạc ở Sư phạm Quy Nhơn (1) nhưng Cường và Cung (2) bảo anh nên thử liều lên nằm ở miền Cao nguyên một lần xem sao. Ở đây mà chờ ngày vào Thủ Đức (3). Thế cũng xong Ánh ạ. Có điều anh không ngờ là vùng đất này buồn đến thế. Những ngày đầu anh lên đây anh ngỡ là mình vừa mang một bản án treo đày về một hoang đảo. Anh chưa bao giờ đối diện với một dáng buồn lạ lùng và bi thảm như thế này. Không thể kể xiết sự hoang vắng bủa vây quanh mình những chiều những đêm có mưa hạt nhỏ qua đây. Buổi sáng thức dậy sương muối xuống đầy cả vùng trước mặt, cây cỏ trắng xóa và những người Thượng đi lấy củi sớm ở những đồi chè xung quanh không còn nhìn thấy nữa. Buổi chiều, có những chiều khô, hay mưa cũng thế, ngồi ở căn phòng, anh nghe rõ cả tiếng kèn đồng thổi về từ một đồn lính ở trên đồi cao rất buồn rất buồn. Như tiếng kèn trong phim Tant qu’il y aura des hommes (4).


Anh có cảm giác mình là một hóa - thân - phiền - muộn treo lửng lơ trong một khoảng không nào đó. Không là đỉnh cao. Không là vực sâu. Một cái gì mang mang không rõ ràng.


Căn nhà anh ở nằm chênh vênh ở một triền dốc. Buổi chiều ở đây chỉ còn tiếng gió hú thật não nuột về ru anh ngủ mà thôi. Anh cảm thấy như mình càng ngày càng đi vào những bất lực và vô vọng to tát hơn. Càng cố vùng vẫy thì càng bị siết lại hay càng bị ngợp chới với hơn.


Bây giờ đã xa tất cả. Anh em. Người thân. Bạn bè. Vùng đất này như một miền bỏ hoang mà anh đã hiện diện ở đây làm loài củi mục.


Suốt ngày im câm như một số phần không tên, không tuổi, không còn dĩ vãng - tương lai. Ngôn ngữ nào của đô thị, của thành phố ở dưới kia mà anh ao ước được nghe lại, được nói lại vô cùng Ánh ạ.


Hôm nay anh lên Đà Lạt (trước khi về đây), gặp Kim Vui (ca sĩ) lấy xe đưa anh đi chơi quanh thành phố đến khuya. Buổi chiều sắp tối anh có thấy thoáng ai giống như Vũ - anh gọi mà không nghe.


Ở đây đi Đà Lạt và Sài Gòn rất gần. Nhưng anh vẫn thấy có gì cách biệt xa xôi như không liên hệ gì đến nhau.


Đêm ở đây anh thường vào ngủ sớm (9 giờ) bởi vì thành phố không có một sinh hoạt vui chơi nào.


Thành phố cũng chưa có số nhà - ban đêm thì tối mù vì chưa có đèn đường. Trông bi đát lắm. Chán lắm Ánh ạ. Suốt ngày, ngoài những giờ làm việc buổi sáng, anh ngồi nhìn chiều và đêm về trên những con đường dốc đất đỏ, mây thì xuống thật gần thật thấp. Chao ôi là buồn. Có lẽ anh cũng phải tìm cách nào để thoát khỏi nơi đây dù phải làm bất cứ gì để sống. Đời chúng anh phiêu bạt quá nên càng ngày càng tự du mình ra xa những yên lành cũ. Có lẽ một ngày nào đó Ánh cũng gặp lại anh như gặp lại một sự - xa - lạ, một inconnu, một étranger (5) của một thời nào chưa hề có tên để gọi. Đất đai của chúng anh ở dưới kia, vực thẳm bi đát vừa tráng lệ. Anh mong rằng một ngày nào đó con người sẽ căng nọc mình ra trước một tòa án công minh của trời đất để thú tội để trả lời với sự sáng suốt trước mặt... - Sau đó - sau đó sẽ không còn gì hay nếu còn con người thì những con người đó yêu thương nhau, yêu chân lý, yêu sự thật, không dối lừa, không gạt gẫm mình, không sống bằng phù phép ảo tưởng. - Mọi người bây giờ đang đánh lừa mình bằng ảo tượng. Không ai biết sống thực. Chưa ai biết sống cả Ánh ạ. Trên sân khấu rộng lớn vĩ đại của cuộc đời này anh đã bắt gặp được đủ loại người: già, trẻ, giàu, sang, hèn, ngu, giỏi. Tất cả đều chạy tìm ảo tượng. Từ đó đâm ra phỉnh phờ bởi vì phỉnh phờ là yếu tố chính của những cuộc bán buôn. Nhưng rồi anh nghĩ rằng mọi người đều đáng thương, đều là những tội nhân đáng được ân huệ, tha bổng.

***

Bây giờ là đêm lại. Tiếng hát Thái Thanh và Người ra đi (6) của Phạm Duy thật buồn. Thật buồn. Anh nhớ tất cả những người thân, nhớ vô cùng và thấy ấm ức vô cùng. Đêm đã mù sương ngoài kia. Anh không đủ can đảm để nói mãi chuyện buồn của mình. Ánh đã đi học lại chưa. - Mùa thu lá có rụng nhiều ở Huế không. 

Làm sao không nhớ những vết tích đã qua. Ôi những gì êm ả đâu còn đâu còn. Anh mong nhận được thư của Ánh về vùng Blao này những mùa lạnh ở đây sẽ ấm cúng hơn. Anh còn cả bao nhiêu tháng ngày rộng mênh mông trải dài cuốn hút đằng trước mặt. Thật ghê rợn như một ám ảnh đen đủi.
Bây giờ tháng 9. Anh gởi về cho Ánh sương mù và mây tháng 9 ở đây. Không có quà gì đẹp và buồn hơn nữa cho Ánh.
Anh cầu mong Ánh còn vui hoài và bình an vô cùng ở đó.
Anh không biết phải gửi về cho Ánh ở đâu nên gửi nhờ Thúy đem qua hộ. Đừng phiền. Mong tin Ánh và J’irai pleurer sous la pluie (7).

Trịnh Công Sơn

***

Ngày 3/9/1964

Ánh ơi,


Anh vừa thức dậy. Ngoài cửa sổ mây buổi chiều đã đen từ chân đỉnh đồi. Cơn mưa đã xuống đó. Thật to. Và gió cũng hú dài như một con thú hoang.


Buổi chiều nào cũng buồn như nhau. Cũng chừng ấy hoang vắng. Khung cảnh cũng là mây đen xám, con đường dốc đất đỏ và những bãi cỏ xanh. Anh đã sắp thuộc lòng vẻ buồn ở đây. Mỗi ngày anh tự nhìn rồi tự nhắc lại lầm nhầm như một câu kinh nhật tụng.


Đường dốc bây giờ đã ướt và trắng xóa vì mưa. Chốc nữa anh đi bỏ thư cho Ánh đường sẽ trơn vô cùng. Mưa to lắm Ánh ạ.


Huế chắc cũng sắp gần với những cơn mưa như thế này. Mùa Đông chắc buốt lạnh vô cùng. Anh không hiểu rồi những con đường Ánh sẽ đi học ngang lá có còn xanh như bây giờ không. Suốt hơn một tháng ở Sài Gòn trước khi lên đây anh vẫn hằng đêm vào ngồi ở dancing (8) đến sáng. Đêm nào cũng nghe LinhĐa hát Et j’entends siffler le train... (9) và tiếng hát cũng làm anh đã bao nhiêu lần nhớ lại tiếng hát của Ánh. Đôi lần trở về khuya, còn mang tiếng hát đó trên tóc, anh định viết thư về cho Ánh nhưng lại thôi. - Như hiện tại anh cũng dụ dự lắm vì không hiểu Ánh sẽ như thế nào. Nhưng anh nghĩ là dù thế nào thì điều đó cũng không quan trọng. Từ lâu anh đã quen xem thường những điều bất nhã và không hay đã xảy đến cho mình. Nên anh vẫn gửi thư đi vì lúc này, trong thâm tâm anh thấy là nhớ đến Ánh và cần viết vài hàng về thăm. Như thế là đủ.


Mưa cũng bắt đầu tạnh rồi đó. Trời hơi sáng hơn. Sự yên tĩnh ở đây làm mọi người có cảm tưởng là đang được nằm yên trong một nhà mồ. Yên đến ghê người. Và nỗi buồn thì căng như một sợi dây thòng lọng dài đen buộc lấy cổ. Siết dần. Siết dần. Đến ngột ngạt. Bi đát.


Auras tu jamais le temps de revenir (10). Anh đang hỏi thầm anh. Đang hỏi thầm về đời mình. Thành phố còn người - người thân ở đó. Anh ngại rồi mọi người thân thuộc đang đánh mất dần mình hay ngược lại. Nếu có dịp anh sẽ kể cho Ánh nghe nhiều chuyện vui suốt mùa Hè này. Đã qua. Đã qua, mà anh rất ít gặp Ánh. Chuyện vui của anh - thật lý thú vô cùng


Thôi anh sắp đi bỏ thư cho Ánh đây. Nếu có thì giờ hãy gửi thư về đây cho vui. Rất mong đó Ánh.


Anh chúc Ánh đời đời quay về đó. Về đó.


Và xin mặt trời ngủ yên. Để Ánh là tournesol (11) mãi mãi. Anh tưởng tượng một khuôn mặt profil (12) mà một đường sáng hồng của mặt trời chạy dài từ chân tóc đến trán - mũi - cằm. Thật huyền thoại như tượng.

Trịnh Công Sơn



Địa chỉ: Bà Trần Thị Phi
Ty Công chánh Lâm Đồng, Blao
(Nhờ đưa lại cho ông Trịnh Công Sơn)
Click vào đây đọc tiếp

Chú thích:
(1) Trường Sư phạm Quy Nhơn, đến năm 1977 là Trường Đại học sư phạm Quy Nhơn, hiện là Trường Đại học Quy Nhơn. Trịnh Công Sơn học tại Trường Sư phạm Quy Nhơn hai năm (1962 – 1964)
(2) Hai họa sĩ Đinh Cường và Trịnh Cung
(3) Trường bộ binh Thủ Đức, nơi đào tạo sĩ quan trừ bị của quân đội Sài Gòn
(4) Phim Mỹ (tên nguyên bản là From here to eternity), trắng đen, sản xuất năm 1953, đoạt tám giải Oscar, đạo diễn: Fred Zinnemann, các diễn viên chính: Burt Lancaster, Montgomery Clift, Deborah Kerr, Frank Sinatra, Donna Reed… Phim được chiếu ở Sài Gòn những năm đầu thập niên 1960
(5) Kẻ vô danh, người xa lạ
(6) Bài Tiễn người ra đi của nhạc sĩ Phạm Duy
(7) Ca khúc Mỹ, nguyên tác Crying in the rain (Khóc trong mưa) do Howard Greenfiled và Carole King hát, lời Pháp J’irai pleurer sous la pluie do Richard Anthony hát.
8) Vũ trường
(9) Ca khúc Pháp Et j’entends siffler le train (Nghe tiếng còi tàu) do Richard Anthony sáng tác năm 1962
(10) Lời trong bài hát Et J’entends siffler le train, tạm dịch “Thời gian có bao giờ trở lại”
(11) Hoa hướng dương.
(12) Nhìn nghiêng












Võ Xuân Hân:  Trịnh Công Sơn, đóa hoa vô thường












Phôi Pha









Thư tình gửi một người (2)



Anh muốn biết Ánh sáng nay làm gì. Đã có lần Ánh giận anh. Những hôm đó anh buồn và nghĩ là câu nói vô tình của mình mang đầy ích kỷ. Cầu mong cho Ánh những gì Ánh hằng mong.

Chủ nhật 20/9/1964


Dao Ánh,


Buổi sáng Đà Lạt mưa. Trời lành lạnh. Ở Đà Lạt chắc sẽ có rét Nàng Bân suốt mùa.


Những người đi lễ sớm đã băng qua khoảng đường anh nhìn thấy được từ trên này. Chuông nhà thờ đổ lúc anh còn nằm yên ấm trong mền.


Trưa này đã về lại Blao.


Chốc nữa ra phố mua bì thư - uống cà phê và loanh quanh những đồi dốc trải nhựa (không như Blao) - sao anh vẫn thích vẻ tráng lệ của những thành phố hơn Ánh ạ. Rồi ở đó tự đày ải mình vào cái buồn thú hơn. Mình cần phải góp ngôn ngữ của mình vào đám đông. Anh thấy tối cần đó.


Anh xin lỗi phải viết “Bic” vì những chuyến đi surprise như thế này chẳng mang viết lách gì theo cả.


Ánh ơi,


Những lời nói từ Đà Lạt gởi về cho Ánh như thế này đây.


Xin gói những hương hoa ở đây về cho Ánh. Ngô Vũ Dao Ánh.


Trịnh Công Sơn

***

Sài Gòn 28/9/1964

Ánh ơi,


Anh viết thư cho Ánh luôn như thế này những ngày anh ở trong giai đoạn buồn bã nhất của tuổi anh. Khi anh nghiêng mình xuống một hình ảnh trong mát của Ánh anh bỗng thấy mình già nua - quá khứ đã chồng lên cao ngất. Anh thấy mình chưa có một may mắn nào từ khi vào đời. En moi, tout se réduit au minimum. Từ một niềm vui, một nỗi buồn. Từ bạn bè đến tình yêu. Rất đạm bạc, rất bé mọn đó Ánh. Chỉ còn mình Ánh để anh hàn huyên về những khoảng trống đau nhói của mình. Ngoài Cường và Cung. Đó là những "trous" những "hiatus"-vực-thẳm chôn mình bằng những cơn xoáy cuốn hút. Ánh rồi cũng làm loài chim di xám bỏ miền-giá-buốt này mà đi. Lúc đó anh chỉ còn ngồi nghe một lời bể động.


Thành phố đã ồn ào dưới kia. Căn phòng của anh Cung đầy những tranh, đĩa hát, sách báo, giấy tờ, mùng màn, quần áo. Chúng anh sống như thế đó, buồn phải không Ánh. Anh còn những chuyện sẽ kể cho Ánh nghe nếu Ánh thấy thích về những ngày chúng anh sống chuồi mình về phía trước vừa rực rỡ vừa hẩm hiu. Lắm chuyện để tạo dựng nên mình buồn thảm. Chốc anh sẽ ra nhà dây thép bỏ thư. Poste ở đây rộng và cao. Đẹp lắm. Anh nghĩ đến hai bụi hồng của nhà bưu điện Blao. Như một bé bỏng ấu thời. Rồi cũng trở về nằm cho hết những ngày bể dâu.


Anh muốn biết Ánh sáng nay làm gì. Đã có lần Ánh giận anh. Những hôm đó anh buồn và nghĩ là câu nói vô tình của mình mang đầy ích kỷ.


Cầu mong cho Ánh những gì Ánh hằng mong.


Phố sẽ nhộn. Anh sẽ uống một tách cà phê thật đậm ở Pagode. Chiều hôm qua đến tập B. Yến xin mặt trời ngủ yên hát ở dancing.

Trịnh Công Sơn




Một trang thư tay của Trịnh Công Sơn gửi cho Dao Ánh. 




Blao, 17/2/1965

Ánh,


Bây giờ là đêm Blao.

Buổi chiều anh xách valise trở về căn nhà thật hoang vắng.

Anh ngồi hằng giờ tưởng như vực sâu mở rộng quanh mình. Không thể nói là nhớ Ánh nữa mà cơ hồ như đã mất đi. Như Ánh đã chết và anh trở về sau những ngày tang chế. Ôi hư vô trên đời - sống - anh làm sao Ánh hiểu thấu. Ánh chưa có giờ phút nào gần anh để nhìn thấy được anh bằng con mắt chân thành. Bấy lâu Ánh chỉ... (mất một đoạn thư gốc).

Những ngọn nến còn sót lại của buổi chiều cuối cùng Ánh ngồi đó. Ôi hư vô là tháng ngày, là những ân - huệ - tình - yêu - hư - vô.

Anh trải chiếc khăn tay nhỏ của Ánh trước mặt và cũng chỉ còn đó là di tích duy nhất của những ngày mùa xuân. Cả cuốn La porte étroite. Anh muốn bày biện những gì của Ánh để xua bớt sự vắng lạnh quanh anh. Mọi người đã ngủ yên.

Còn anh ngồi đây chong đèn nhớ Ánh. Cho anh bàn tay trái có năm ngón giá buốt để anh vào giấc ngủ đêm nay. Bàn tay vẫn thường lạnh băng như mùa đông đã về ngủ đó.

Ánh ơi Ánh ơi Ánh ơi Ánh ơi Ánh ơi Ánh

Anh mong một tai biến nào đó đến cuốn phăng tất cả mất hút đi để anh còn Ánh đời đời. Nếu Ánh còn đó thì một ngày nào anh cũng sẽ mất đi.

Đêm đã dày. Trăng sáng mênh mông trên vùng đồi đã ngủ mê. Anh mong vào giấc ngủ này có năm ngón tay dài giá rét. Ánh cũng đã ngủ rồi có lẽ thế. Bây giờ anh còn ai còn ai. Ánh đã xa rồi làm sao nghe được những lời kêu rêu âm thầm này, như ngôn ngữ của một loài kiến nhỏ. Anh gọi Ánh bằng niềm hư - vô - thần - thoại yêu dấu. Anh sẽ nằm nhắm mắt và ngủ, giấc ngủ có những chồi -non - ngón - tay - mùa - xuân - thần - thoại.

Ôi hư vô đã đầy một đời người.

Ánh ơi Ánh ơi

Đã hằn thù anh từ bao giờ mà xua anh về đày ải nơi đây.

***

Ngày 18/2/1965

Buổi sáng đầu tiên anh dậy trên miền cao này.

Vẫn còn thấy mình bị đày ải vì không khí đầm ấm vừa qua.

Buổi sáng có sương rất mỏng. Anh ngồi hong mình trước thềm nhà rồi đi qua những con đường đất đỏ như vẫn hằng đi.

Nắng cũng lên rồi đó.

Anh phải nói là đời sống mình bị xé rách mới phải. Trở lại nơi đây những ngày đầu thường bị mất thăng bằng. Mong cho nó chóng qua. Mỗi lần đi xa là mỗi lần đánh mất. Cho nên không thể nào khỏi lo lắng. Trừ những tâm hồn kiêu hãnh tuyệt đối mà thôi. Ánh có thể là một kiêu - hãnh - tuyệt - đối. Bạn bè thì ngàn năm vẫn thế. Nhất là nhóm chúng anh.

Những gì xem như tuyệt đối thì không thể biện bạch. Tình yêu cũng là một tuyệt đối.

Anh đang mong tin Ánh. Dĩ nhiên là mong tin vui.

Ánh ở đó dù buồn vẫn còn bạn bè. Anh ở đây thì tuyệt nhiên không có ai.

Càng sống nhiều thì càng độ lượng, càng độ lượng thì càng thấy mình già nua, càng già nua lại càng đánh mất. Bởi vì mỗi ngày mình đã di mình ra xa những nề nếp sống tầm thường. Đó cũng là một loại chu - kỳ - định - mệnh.

Anh nhớ buổi chiều Ánh viết những chữ Destin Destin trong tập Paroles và thấy se thắt.

Ex nihilo nihil fit

Du rien rien ne se fait.

Mỗi người đã đi từ một đời sống hư vô và sẽ trở về một cái chết hư vô. Ai sẽ đi từ một tình - yêu - hư - vô và trở về cô - đơn - hư - vô.

Ôi Ánh - hư - vô, Ánh - không - hư - vô những ngón tay anh giữ rồi có là mây khói. Thật tội nghiệp cho mỗi người. Rồi một ngày nào đó làm những kẻ lạ với nhau. Buổi sáng trước khi lên đây anh đi bỏ thư cho Ánh và ra ngồi một mình ở Pagode.

Thành phố như chìm chết. Hay anh chìm chết. Nhạc lên từ một góc nhỏ mais la vie sépare ceux qui s’ aiment tout doucement sans faire de bruit. Có những lá me rất nhỏ lăn tăn như từng tích buồn bên kia công viên. Tất cả như muốn âm mưu, toa rập trên vẻ hư vô mênh mang anh đang chịu đựng. Anh bỏ đi và về nhà nằm úp mặt không còn lời nói. Chiều nay rồi Ánh ngồi một mình đốt nến với ai. Tóc đã cài hoa hồng chưa sao anh không nhìn thấy. Một ngày một tháng một năm buồn đi cho hết tuổi nhỏ.

Ánh ơi,

Buổi chiều. Anh vừa thức dậy nghe tiếng gió hú ngoài kia như một bầy sói rừng đến đánh thức. Buổi chiều vắng ngắt không còn nghe gì ngoài tiếng gió cũng không còn thấy gì ngoài bãi cỏ lao xao. Gió thổi những đám bụi đỏ đuổi nhau ngoài con đường dốc.

Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn. Vẻ vắng lặng làm anh thấy bàng hoàng khó tin được mình vừa ở một vùng xanh non trôi nổi về một nơi cằn cỗi như thế này. Ám ảnh của những ngày tương đối êm đềm ở đó vẫn còn chan chứa trong anh. Anh như còn thấy Ánh bước đi, ngồi hát, như còn thấy những ngón tay với hình dáng quen thuộc mà anh hằng nhìn để nhớ trên mỗi buổi chiều. Bóng Ánh như xao động trước mắt anh. Tất - cả - Ánh còn đó còn đó. Anh đã bị đày ải thật rồi đây.

Ánh đã mất đã xa đi ngoài vạn dặm. Phải gọi là niềm chua xót chứ không phải là nhớ đơn thuần.

Nắng vàng đổ xuống và gió cuốn từng bóng nắng đi. Cho anh gọi thêm bao nhiêu lần tên Ánh nữa cho gió mang về.

Gió cũng buồn như mắt người yêu. Buổi chiều thứ năm. Ánh hình như không đến trường. Ánh ở nhà có thắp nến mà nghe gió xa về không.

Những ngày vui qua mau quá. Làm sao giữ nổi một ngày vui cho mình.

Dao Ánh Dao Ánh Dao Ánh

Ở đây anh còn có đâu hy vọng mỗi chiều Ánh sang. Mỗi lần đến là mỗi lần xa lạ hẳn lên. Bỗng nhiên anh lại có cảm tưởng lạ lùng thế.

Đã có bao nhiêu lần anh kể cho Ánh nghe về vẻ hoang vu của những buổi chiều ở đây. Mỗi lần trở dậy là mỗi lần thấy mình bị tước đoạt tất cả. Từ một tình cảm nhỏ đến một tình cảm lớn. Thấy không còn gì không còn gì, như đã bị hắt hủi và mình không còn là mình nữa.

Này Ánh của anh,

Hãy hát lại lời ca của những bài hát quen thuộc đó cho anh nghe.

Buổi chiều nay anh đã chẳng còn ai nữa. Một épave trôi giạt về đây nghe tiếng nói của mình, bước chân của mình, hơi thở của mình là anh đó.

Anh đã có tất cả để rồi không còn gì. Hư vô đã choán chật khoảng sống nhỏ. Từng espace vital. Ôi buồn là đó là từng sợi thạch nhũ rơi xuống âm thầm quanh đời sống anh có Ánh đứng nhìn như một vì sao buổi chiều, anh làm người chăn cừu trở về trong những tiếng chuông lục lạc. Anh chờ mong thư Ánh và những lời - nói - cho - ngày - tháng ở đây.

Nhớ Ánh - thần - thoại như bao giờ bao giờ.

Cho anh được ru những ngón tay mùa xuân vào thiên thu.

Ánh ơi Ánh ơi

Những ngày tháng còn nghĩa lý gì khi một người đã mất tài sản quí báu nhất của đời mình.

Anh nhớ!

Ánh nhớ Ánh nhớ nghìn năm yêu dấu vô cùng.

Bao giờ hư vô biến mất trên cuộc đời này trên đời anh hở Ánh.

Ánh ơi gió đã đầy cả căn phòng anh trọ. Nhớ Ánh rất thê thiết.

Trịnh Công Sơn









Biển Nhớ






Như Cánh Vạc Bay










Phỏng vấn Trịnh Công Sơn





* Thưa nhạc sĩ, có sự khác nhau giữa một Trịnh Công Sơn trước 1975 và sau 1975 trong sáng tác của nhạc sĩ?
- Sự khác nhau là rất lớn, hai mươi năm trôi qua mà không có gì thay đổi đó mới là điều lạ, và khi ấy tâm hồn người sáng tác chẳng khác gì mặt nước ao tù.


* Quê hương xứ Huế và Ðạo Phật có ảnh hưởng thế nào đối với sáng tác của nhạc sĩ? Ðiều gì trong cuộc sống có ảnh hưởng lớn nhất tới việc sáng tác? Theo nhạc sĩ để cảm nhận được cái hay cái đẹp của âm nhạc và các sáng tác của nhạc sĩ nói riêng, thính giả cần có điều kiện gì?
- Huế và Ðạo phật ảnh hưởng sâu đậm trong tình cảm thời thơ ấu của tôi. Tất cả những gì thuộc về cuộc sống đều có ảnh hưởng trong đời sống tinh thần và tình cảm của tôi. Ðể có thể cảm nhận được cái hay cái đẹp trong âm nhạc và riêng trong những ca khúc của tôi, cần có một linh cảm nhạy bén và vốn kiến thức nhất định.


* Các ca khúc của nhạc sĩ càng về sau càng thể hiện tính triết lý. Phải chăng càng lớn tuổi người ta càng có nhiều nỗi cô đơn trong “Một cõi đi về” của mình?
- Ðúng là như vậy.


* Người ta thường nói: “Những tác phẩm bất hủ trong mỗi lĩnh vực nghệ thuật đều do tài năng cộng với sự đau khổ mà thành”, vậy các ca khúc của nhạc sĩ do những yếu tố nào tạo nên?
- Câu nói trên cũng đúng với những ca khúc của tôi.


* Theo nhạc sĩ, ca sĩ nào thể hiện thành công nhất tác phẩm của mình? Nhạc sĩ có thể cho một nhận định thật công bằng giữa Khánh Ly và cô Bống Hồng Nhung trong mối hệ với nhạc sĩ về nghệ thuật không?
- Cách diễn đạt của Khánh Ly và Hồng Nhung hoàn toàn khác nhau. Mọi người đều có khán giả riêng của mình. Tuy nhiên người nghe và người yêu thích Khánh Ly vẫn đông đảo hơn nhiều. Trong nghệ thuật Khánh Ly là một người làm việc rất nghiêm túc và luôn luôn giữ một mối liên hệ mật thiết với tác giả để tìm hiểu cặn kẽ những điều tác giả muốn nói trong tác phẩm. Ðầu năm nay Khánh Ly có dự định về nhưng phút cuối, Khánh Ly có điện về cho biết vì những lý do riêng tư nên chưa về được.


* Nhạc sĩ Văn Cao đã từng viết “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ trong túi ra”, nhạc sĩ có thể bật mí với độc giả đôi điều về cái túi của mình không? Túi có bị vơi đi khi đã quá nhiều chữ được chuyển tải vào ca khúc?
- Văn Cao chỉ nhắc lại câu nói này của Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người mà tôi rất kính trọng. Tôi có cảm tưởng cái túi này chưa vơi đi bao nhiêu.


* Nguồn lực nào đã giúp nhạc sĩ chuyển tải tới công chúng nhiều thế hệ những ca khúc như thách đố với thời gian? Trong cuộc sống đời thường, nhạc sĩ có được thành công và hạnh phúc như trong sáng tác không?
- Công bằng mà nói thì động lực chính là công chúng. Thành công và hạnh phúc không phải là cặp bài trùng luôn luôn dành riêng cho mỗi người. Vì vậy thất bại và bất hạnh là điều khó tránh khỏi.


* “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Ði đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”, nhạc sĩ nói với mình hay nói cho ai vậy? Nhạc sĩ đã đi như vậy bao giờ chưa? Và đã được ‘nếm’ vị mệt ấy chưa?
- Cõi đi về ấy dành chung cho tất cả mọi người.


* Tại sao ở xứ Huế, mà trong các tác phẩm của mình không có một bài nào nói nên phong cảnh hay nét đẹp riêng của Huế?
- Những ca khúc trước 1975 hầu như đều mang phong vị Huế, mặc dù không có một chữ Huế nào trong bài.


* Ðể viết được những ca khúc về tình yêu, sự rung động của trái tim nhạc sĩ ở mức độ chân thành trước tình yêu hay chỉ là ảo ảnh. Ðã có lần nhạc sĩ nói “Khi bạn hát một bản tình ca nghĩa là bạn đang muốn hát về cuộc tình của bạn”, phải chăng khi một ca khúc mới ra đời là một mối tình mới của nhạc sĩ?
- Tất cả đều là ảo ảnh. Thậm chí khi tôi phát biểu một điều gì đó thì chẳng qua đó cũng chỉ là ảo ảnh của những ý tưởng của riêng tôi. Có khi phải có hàng trăm mối tình thoảng qua, đọng lại, ngắn ngủi dài lâu, mới viết được dăm bảy ca khúc hay bởi vì sáng tác không hề là công việc của cái máy: cứ bỏ một đồng xu vào thì rơi ra một lon nước.


* Trong nhạc tình của nhạc sĩ, mọi người luôn tìm thấy mọi tâm trạng, tình cảm của mình về tình yêu. Nhạc sĩ nói hộ cho con người tất cả, nhưng chính mình nhạc sĩ đã trải qua tất cả chưa?
- Tôi viết về những gì tôi đã sống và cả dự đoán những gì có thể xảy ra.


* “Sống trong đời cần có một tấm lòng”, đó có phải là quan niệm sống và sáng tác của nhạc sĩ không? Theo nhạc sĩ, quan niệm đó có còn đúng trong thời nay?
- Thời buổi nào cũng cần phải có quan niệm sống như thế. Con người và động vật chỉ có khác nhau từng ấy thôi.


* Nhạc sĩ nhớ gì về quá khứ, nghĩ gì về hiện tại và hy vọng gì ở tương lai? Nhạc sĩ sẽ sống ra sao nếu một ngày nào đó nhạc sĩ chia tay với âm nhạc?
- Quá khứ, hiện tại, tương lai trong tôi chỉ là một. Nếu có gì khác biệt thì đó là trạng thái tinh thần của từng giai đoạn và sự thay đổi trong những diễn biến tình cảm. Tôi dự định sẽ chia tay với âm nhạc để viết những bài tạp bút ngẫu hứng và vẽ. Sự tài hoa của anh không chỉ thể hiện trong âm nhạc mà còn trong thi ca, hội hoạ, tư tưởng triết học và ngôn ngữ Pháp.


* Vậy nếu chiêm nghiêm lại mình, anh nghĩ gì về hai câu thơ của Nguyễn Du: “Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh ắt là ghét nhau”?
- Tôi muốn viết sai câu thơ của Nguyễn Du cho riêng mình: “Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh cùng là bể dâu”.














Xin Trả Nợ Người






Tình Nhớ










Thư tình gửi một người (3)





"Chiều thứ bảy mà cuốn chăn nằm heo hút ở đây thì không thể tưởng tượng được nữa. Radio thì vẫn la ầm những tin đảo chính. Chốn này thì vẫn ngủ ngon không hề có một xáo động nào về những biến chuyển đó."
Blao, tối thứ bảy 20/2/1965

Ánh

Một chiều thứ bảy nằm chơ vơ xa vắng tất cả. Anh bỏ một buổi trưa nằm đọc Porte étroite nhưng những tiếng hát buồn và sự im khô của buổi chiều đã kéo anh dậy nửa chừng. Này đây là Come back to Sorriento, Beau Danube bleu, Secret love [67] và bao nhiêu khúc hát khác dâng lên dâng lên như thủy triều ngập trên bãi - hoang - thân - phần - anh.

Viết quá nhiều để bày tỏ những muộn phiền của mình là một yếu điểm. Có thể Ánh sẽ chán nản trên những kêu rêu đó. Có thể anh sẽ tầm thường hơn dưới mắt Ánh. Nhưng anh đâu cần những độ lượng, anh chỉ thấy mình tha thiết muốn đối thoại với người thân yêu, nên anh phải viết vội buổi chiều quá buồn như đã từng kể lể nhiều rồi. Chiều thứ bảy mà cuốn chăn nằm heo hút ở đây thì không thể tưởng tượng được nữa. Radio thì vẫn la ầm những tin đảo chính. Chốn này thì vẫn ngủ ngon không hề có một xáo động nào về những biến chuyển đó. Thật như mình không còn một liên hệ nào với những đớn đau của quê hương này nữa.

Ánh ơi,

Anh không thể dối mình là ít nhớ Ánh được. Có thể rồi dần dà sẽ quen đi, nhưng bây giờ thì thật nhớ thật nhớ đến nỗi không thể kìm hãm mình yên ổn được. Anh chưa thể ổn thỏa nhanh chóng mình với vẻ hoang vu ở đây. Có thể Ánh không tin lắm nhưng ngày tháng còn đâu được nhiều để lừa dối nhau.

Buổi chiều thứ bảy và chủ nhật bao giờ cũng buồn và nhớ nhiều hơn, bởi vì ngày đó anh biết rằng mọi người đều rảnh rỗi như nhau. Sự rảnh rỗi sẽ làm mọi người gần nhau hơn tí nữa. Mùa này cỏ đã khô và những bụi tournesol chỉ còn những nụ đen cháy. Buổi sáng anh thức dậy sương mù xuống từng bãi rộng. Sương mù làm anh càng nhớ Ánh hơn. Ánh đừng bêu rêu trên sự nhớ nhung của anh nghe Ánh.

Chiều nắng đã mất. Ánh đang làm gì ở đó. Ngày mai hình như Trang thăm Ánh phải không. Gió lùa vào lạnh hết hai bàn tay anh. Có Ánh chắc tay Ánh đã đông băng rồi.

Anh đã ngồi đốt bao nhiêu điếu thuốc rồi không còn nhớ nữa. Chiều rồi Ánh ngồi một mình có buồn ngủ không. Mắt Ánh thì bao giờ cũng buồn như thế. Hư vô như đã vào trong đó từ bao giờ.

Buổi chiều vàng vọt xám. Những con chim về kêu trên những vùng cháy nám của cỏ khô. Anh thì âm thầm nghe những lao đao trong mình trầm xuống. Ôi kể làm sao hết những nhớ mong này và làm sao tin được. Không phải anh bi quan nhưng chỉ thử dẫn dắt Ánh về những điều có thể bây giờ Ánh đang ghét bỏ

Chúng anh có cần gì bi quan bởi vì cuộc đời sẽ nuôi sống tất cả. Điều anh muốn nói là tại sao người ta không dám đập đổ những công thức xã hội cũ kỹ để sống người hơn, nhân loại hơn và tự do hơn. Trên quê hương nhỏ nhắn của chúng mình, người ta không bao giờ biết nhàm chán những công thức, những ước lệ, những ngụy biện giả tạo. Người ta chỉ có thể trở thành những nhà - đo - lường giỏi và bằng lòng với tài năng đó. Sau đó thì họ yên tâm và đời sống đó đã trôi đi hằng bao nghìn năm rồi trên đất đai này.

Như thế đó Ánh, có phải anh đã nguyền rủa đấy không, mà nguyền rủa để làm gì. Đời sống này đã như một loại thổ ngữ ghi trên đá xưa rồi. Có thêm anh hay bớt anh thì cũng từng đó thôi.

Đêm đã rất dày rồi đó Ánh. Gió cũng đã lạnh hơn.

Anh đã bắt đầu ngồi trên ghế này, trước cửa sổ, từ 3g đến bây giờ là 10g15 - trừ hơn một giờ cơm chiều - để nghĩ đến Ánh và viết thư cho Ánh. Như thế có phiền cho Ánh lắm không. Ánh cũng đâu cần tin điều đó.

Anh vừa ra đứng ở sân. Tiếc là không có Ánh lúc này để Ánh nhìn đêm sương mù. Những khoảng đèn néon ở xa và trên đỉnh nhà thờ đã nhòa nhạt làm thành những vùng - ánh - sáng - tròn mơ hồ trông thực lạ lùng, thực huyền hoặc.

Cho anh thăm Trang và Diệm, Hoa bạn Ánh. Những người con gái rồi lớn lên rồi đi qua như từng bóng mây qua trời, như từng buổi chiều đẹp mất đi, như những vết chim di trên biển. Chúng anh là những kẻ còn sót lại để ca tụng từng vẻ đẹp phù du đó. Ánh thừa thông minh để hiểu tất cả. Phần bội bạc có bao giờ là chúng anh. Trừ một số nghệ sĩ vô liêm mới tệ thế. Ánh có thể nghi ngờ tất cả nhưng không nên nghi ngờ chúng anh. Đừng tạo nên không khí hiềm thù âm thầm trong đó, mỗi người sống cạnh nhau như một bầy thú dữ. Hãy nhân loại hơn. Hãy để trái tim trên mỗi bàn tay mà nói chuyện với nhau. Đêm đã về. Trước mặt anh bây giờ có hai khoảng xanh đen của trời và đất.

Một chiều thứ bảy đã mất đi vĩnh viễn. Ánh có buồn hơn không. Nếu một mai Ánh cũng mất đi vĩnh viễn như thế thì lúc đó có lẽ anh mới tin được rằng anh đã có Ánh ngàn - đời - ngàn - năm dù lúc đó sự khổ đau có bủa xuống làm khốn khổ đời mình hơn bao giờ bao giờ. Nhưng làm gì có điều đó phải không Ánh, và cũng mong không bao giờ có điều đó. Sự ích kỷ cũng vô biên như lòng độ lượng. Độ lượng với chính phần số mình.

Một ngày nào đó chính Ánh sẽ giao lại những chữ Destin Destin cho anh đồ lại rõ nét hơn. Rồi bao giờ cũng chỉ còn lại chúng anh ngồi viết hoài những chữ đó. Quê hương mình làm gì có một ngày sẽ xóa bỏ những nề nếp sống cũ đi.

Mây xám về bỏ những giọt mưa thưa trên đồi rồi biến đi. Có lẽ đêm nay thì mưa lớn và anh sẽ nằm yên đóng kín cửa nghe gió về hú ngoài sân, như từng đàn sói rừng mỗi đêm về ru giấc ngủ.

Mùa nắng ở đây như vậy đó, cũng có nhiều sương mù và những lần mưa lớn qua nhanh trên đồi trông rất tội.

Ánh có còn nhớ những câu trong bản hát Ánh đã chép cho anh:

…J’attendrai l’orage et la pluie pour pleurer
Je t’aime encore mais tu dois ignorer le chagrin de ma vie.
Et j’irai pleurer sous la pluie [68]

Anh muốn nghe lại tiếng hát đó cao lên trong buổi chiều này nhưng làm sao có được. Trong Porte étroite có chữ này anh thấy hay: je t’idolâtre. Tình - yêu - thần - tượng Ánh xem đã có từ hồi Gide rồi đó. Cuốn sách lại xuất bản lần đầu vào năm 1909 nghĩa là chữ đó đã lớn hơn mầy lần tuổi anh.

Trong Porte étroite Ánh thích Ánh là ai. Chỉ mới đọc được một nửa thì anh thấy thương Juliette quá. Những lá thư của Alissa cũng tội phải không. Đêm nay anh sẽ nằm đọc tiếp.

Chiều đã chiều hơn rồi đó. Những tiếng chim sẽ cũng trầm hơn. Còn tiếng chuông nhà thờ đổ xuống. Sao Ánh không thể cho anh một cái ảnh dù rất nhỏ để anh giữ nơi này. Có thể cắt ra từ một tấm hình nào đó. Nếu Ánh e ngại gì thì thôi.

Đêm nay Ánh thắp bạch lạp và đốt đến mấy giờ.

Sương mùa Hạ thì không lạnh lắm. Ở đây chỉ có hai mùa nên anh gọi thế. Một mùa lạnh đã qua. Đà Lạt cũng thế.

Trong thành phố này ít ai còn ngồi thức sau 10 giờ. Giấc ngủ rất dễ đến nhờ sự yên lặng xung quanh. Ánh có thể an lòng vì những điều anh viết cho Ánh dù có ngâm nga lên cũng chẳng còn ai nghe nổi. Sáng mai Ánh có thể dậy muộn hơn vì còn nguyên một ngày nghỉ. Anh đoán là Ánh rất bằng lòng về điều đó.

Anh hút thuốc quá nhiều nên dù buổi trưa không ngủ anh vẫn chưa thấy buồn ngủ tí nào.

Bây giờ anh sắp thắp nến, trùm chăn và đọc tiếp đoạn sau của Porte étroite. Sáng mai anh còn nhiều thì giờ để viết thư cho Ánh. Chẳng lo gì. Bonne nuit, bien chère [69].

Cho anh mượn năm ngón - tay - mùa - xuân đó.


..........................................................................................................................................................



21/2/1965

Đêm hôm qua anh đọc nốt cuốn sách đến 1 giờ khuya thì xong.

Đọc xong thì buồn. Buồn theo từng nỗi tuyệt vọng của Juliette và Alissa. Tuyệt vọng của Alissa là một thứ tuyệt - vọng - đức - hạnh. Đức hạnh đó đưa về một hạnh - phúc - ảo - tưởng - trên - cao. Yêu rồi hủy diệt tình yêu đó, quay lưng trước tình yêu đó. Như thể đã rõ ràng có sự lựa chọn giữa Chúa và Jérôme. Hiện tượng xung đột trong tâm hồn Alissa là một xung đột ngụy trang, giả tạo. Anh không thể chấp nhận đức hạnh đó dù là thứ đức hạnh thần thánh, cao cả. Anh gọi hành động đó là một hành động phi - nhân - bản. Đó cũng có thể xem như là một chọn lựa ích kỷ thoát ra ngoài thân - phận - làm - người (condition humaine).

Riêng anh, anh cho nỗi tuyệt vọng của Juliette “người” hơn, đáng thương hơn. Một tuyệt vọng còn mãi bị hành hạ, khổ sở, bị giằng co không ngừng. Hai bàn chân còn dính liền với đất. Hai bàn tay cùng thân thể đó gắn liền với thân phận. Juliette chỉ chọn lựa có một lần và lần đó là mãi mãi cho đến gần hai mươi năm sau còn có những giọt nước mắt trên những - gì - đã - mất - đi. Ánh đọc lại những câu này ở đoạn cuối cùng (tr.177):

“Alors tu crois qu’on peut garder si long temps dans son coeur un amour sans espoir? ...Et que la vie peut souffler dessus chaque jour sans l’éteindre”. [70]

Tất cả cuộc đời sau này của Juliette chỉ là một bằng lòng buông thả mà thôi. Tất cả nỗi tuyệt vọng của Juliette cũng ở trong câu nói cuối cùng: “Allons! Il faut se réveiller” [71]. Ánh có thấy được một cái gì gắng gượng nản lòng ở đó không. Một cái gì đã vùi tắt đời đời không còn trỗi dậy nổi. Câu chuyện thật nản lòng. Nỗi tuyệt vọng cuối cùng đó đã kéo anh đi xa vào giấc ngủ mỏi mê. Anh định trỗi dậy viết thư tiếp cho Ánh ngay lúc đó, bởi vì đã buồn hơn và sương cũng xuống nhiều hơn trắng mù bay như mưa nhỏ. Những ánh đèn néon chỉ còn là từng đốm sao nhỏ bất động. Nhưng rồi anh đã ngủ quên đi trong chuyện buồn đó và nến trắng cũng mòn từ bao giờ. Buổi sáng chủ nhật sương cũng giăng mù trên thành phố. Anh dậy thay áo ấm ra tiệm ngồi ăn mua bao thuốc và cũng vừa trở về để viết và nghĩ đến Ánh.

Buổi sáng trời âm u, có nắng rất mỏng, anh thì quanh quẩn trong căn phòng này. Cũng như bao giờ, anh ngồi đối diện với sự vắng lặng quanh anh. Hơn bao giờ hết, anh bỗng thấy rằng mỗi người phải có lòng tin lẫn nhau mới có thể kéo dài cuộc sống này được.

Ánh ơi Ánh ơi,

Chiều anh sẽ trở dậy với vẻ buồn bã của những chiều chủ nhật hoang vu. Anh sẽ viết tiếp.

..........................................................................................................................................................

Anh vừa dậy. 3 giờ. Ngồi đọc lại đoạn cuối thì thấy Alissa cũng đáng thương. Nỗi tuyệt vọng nào cũng mang vẻ tráng lệ như nhau. Dù sao thì cách cư xử của những người trong truyện cũng đẹp. Những lúc này đọc truyện thấy buồn hơn mà thôi. Điều anh chợt nghĩ đến trước tiên khi vừa mở mắt dậy là thành phố có những hàng lá muối Ánh đi qua thật là xa vời với đồi cao này. Nỗi bàng hoàng như mọc nấm trên cơ thể.

Những điều để nhớ lại là những điều đã mất đi hay ít nhất cũng thuộc về quá khứ. Mỗi ngày mình bước tới là mỗi lần mình bỏ lại một quá khứ nho nhỏ sau lưng. Anh chỉ mong sao có thật ít quá khứ. Người có nhiều quá khứ thường phải buồn nhiều hơn. Anh thấy mình nhớ Ánh nhiều hơn lần trước. Có lẽ vì lần trở về này - dù có nhiều chuyện phiền lòng nho nhỏ.

Buổi chiều im nắng. Phía đồi trước nhà anh ở trọ đã mọc thêm hai căn nhà mới. Gió đã lao xao ngoài kia. Anh ngồi chờ ở đây và biết rằng sẽ không ai đến cả.

Anh vẫn ngồi thắp thuốc một mình và nỗi sống rời rã hẳn đi.

Chiều nay không ai đến thăm. Chiều nay không còn năm ngón tay nồng nàn giá buốt. Làm sao yên tâm.

..........................................................................................................................................................

22 /2/1965. Buổi sáng

Sương mù trên những bụi hồng ở nhà bưu điện anh đi gửi thư cho Ánh mà nhớ hơn bao giờ, trên vẻ hoang vu này làm sao gửi hết sương này về cho Ánh.

Anh đang viết ở bưu điện, quanh anh sương không còn nhìn thấy nhau. Buổi sáng hoa hồng nở rất tuyệt diệu. Anh không còn lời nào để nói bởi vì tất cả đã âm thầm biến mất khỏi anh.

Anh chỉ còn một ngôn ngữ này để gửi về: Ánh có còn đó không. Nhớ nhung ngút ngàn.
Dao Ánh. Bao nhiêu sương mù mang tên đó, trên vùng cao anh mãi ngước nhìn.
Hãy kể cho anh nghe. Hãy nói chuyện với anh. Đã có gì qua ở đó.
Anh nhớ mãi một loài hoa mang tên Dao Ánh và mang tên hoa mặt trời.
Hoa hồng và sương mù xin chất đầy trên hai tay Ánh đây.

Anh

Trịnh Công Sơn









Có Nghe Đời Nghiêng






Bên Đời Hiu Quạnh













Trịnh Công Sơn: Tôi vui lòng cảm ơn tất cả mọi thứ tên gọi

Quốc Hưng thực hiện 



– QH – Trong các nhạc sĩ nổi danh, thưa anh Trịnh Công Sơn, anh là thi sĩ của âm nhạc hay âm nhạc của thi ca? Vì sao anh viết được lời ca mà ngay cả một thi sĩ tài danh nhất cũng phải nể phục? Có phải anh là người đầu tiên ở Việt nam đã xóa nhòa ranh giới giữa thi ca và âm nhạc?

- TCS – Có lẽ đã từ lâu lắm rồi tôi hoàn toàn quên lãng cái biên giới giữa các bộ môn nghệ thuật và văn học. Tôi đã làm tất cả những điều ấy với một sự đãng trí rất hồn nhiên. Gần như tôi không còn bận tâm về những khái niệm, về những phạm trù. Có lúc dường như tôi đã lẫn lộn tôi giữa con người đang làm việc này và con người đang làm việc kia. Có thể nói rõ hơn là tất cả những gì tôi đã làm bấy lâu nay tưởng như là nhiều công việc khác nhau nhưng thật ra chỉ là một. Và như vậy cũng có nghĩa là người đời muốn định nghĩa tôi như thế nào cũng được. Tôi vui lòng và cám ơn tất cả mọi thứ tên gọi. Cũng có thêm điều này rất cần nói với tất cả bạn bè anh em là tôi không bao giờ có ý định làm một điều gì khác thường cả. Có lẽ cũng giống như con chim sinh ra để hót, hoặc như người thợ nề thợ hồ thì xây lên một chốn trú ngụ cho con người tránh nắng tránh mưa vậy thôi. Tôi nghĩ rằng, nếu không có gì phiền, thì cũng nên đơn giản hóa vấn đề văn nghệ này đi cho đời đỡ phức tạp. Mục đích đầu tiên và sau cùng của nghệ thuật và văn học, theo tôi là mang đến cái hay cái đẹp cho đời người. Tự thân nó không có mầm mống của một mưu toan nào cả. Hãy cho nó thanh thản tự do và mãi mãi là hiện thân của điều thiện của cái đẹp.



– QH – Anh là một người Huế, vì sao ca khúc “Mùa thu Hà Nội” của anh lại Hà Nội đến thế ?

- TCS – Hình như định mệnh buộc tôi chỉ có những mối tình với những người Hà Nội. Từ đó tôi thường nghĩ về Hà Nội rất nhiều. Nếu sau 1975 tôi được phép ra Hà Nội ngay, có lẽ tôi sẽ viết được nhiều bài về Hà Nội hơn nữa. Mãi đến năm 1977 mới được đi. Nguồn cảm hứng của ngày hội ngộ như mơ ước trong bài “Tôi sẽ đi thăm” bỗng như bị một nhát dao cắt lìa đi. Tiếc quá. Nhưng rồi 1984 tôi được ở với mùa thu Hà Nội gần hai tháng. Suốt ngày nằm thơ thẩn ở bãi cỏ bên Hồ Tây. Thế là bài “Nhớ mùa thu Hà Nội” ra đời. Ra đời với một số phận không may mắn. Nghĩa là bài hát được thu xong bị cấm phổ biến cho đến vài năm gần đây mới được trả lại tự do để cho mọi người nghe. Tuy nhiên bài hát vẫn bị cắt đi cái phần coda mà tôi thích: “Nhớ đến một người để nhớ mọi người”. Khi bạn yêu một người nào đó ở một xứ sở xa lạ thì lập tức nơi chốn đó sẽ trở thành quê hương của bạn ngay điều đó đơn giản quá mà một vài người có thẩm quyền cứ muốn hiểu khác đi. Cũng đáng buồn thật.



– QH – Những người lính rất thích bài “Huyền thoại mẹ” của anh. Xin anh cho biết đôi nét về nguồn cảm xúc và xuất xứ bài ca này.

- TCS – Tôi viết bài “Huyền thoại mẹ”. Bài hát viết từ nhiều nguồn cảm hứng. Dạo tôi ra Quảng Bình được nhìn bức ảnh mẹ Suốt tóc bay ngang trời chống thuyền qua sông giữa bom đạn rồi kết hợp với những thực tế cùng những câu chuyện nghe được, tôi nghĩ đến mẹ và tôi viết. Mẹ tôi về lòng dũng cảm và lòng thương con thì là duy nhất trong cuộc đời này.



– QH – Hầu hết những người lính trẻ vẫn còn độc thân như anh, xin anh cho biết mối quan hệ giữa âm nhạc của anh và tình yêu dĩ nhiên là tình yêu đôi lứa ? Anh nghĩ gì về tình yêu, về sự bất tử và cái chết ?

- TCS – Nếu vì một lí do nào đó mà tôi mất hẳn chức năng biết yêu, và mất tình yêu có lẽ bây giờ tôi không trở thành người viết tình ca. Cái may ở đời là được yêu và đôi khi cái may ở đời cũng là bị phụ tình. Với tôi, trong tình yêu không có sự bất tử. Người ta chỉ muốn lãng mạn hóa nó đó thôi. Cái thời kỳ ấy, có nghĩa là thời kỳ hiểu nhầm ấy đã mất tăm mất tích rồi. Tuy vậy trong sự bất tử có thể có tình yêu. Ðây là một sự lãng mạn mới, âm thầm, kín đáo hơn nhưng mà cũng đáng yêu hơn. Cái chết là một điều đáng gờm nhưng không ai tránh khỏi được. Ðể có được một sức mạnh chống lại nó thì hãy yêu và hãy biết yêu như thế nào đó để cái chết chỉ còn là một tồn tại viển vông, chẳng cần thiết.



– QH – Có phải anh vừa tìm ra giai điệu mới trong hội họa của mình ? Xin cho anh cho biết mối quan hệ giữa âm nhạc của anh và hội họa của anh ?

- TCS – Như tôi nói ở trên, tôi đang ở trong một trạng thái là không còn biết phân biệt nữa. Tâm hồn tôi đang như là một ngôi nhà mà hội họa, âm nhạc, và thi ca chỉ là thời tiết mùa màng đổi thay của một sự sống đang trú ngụ trong đó.



– QH – Xin anh cho biết dự định sắp tới của anh ?

- TCS – Sắp tới tôi phải làm việc nhiều hơn để lẩn trốn sự ám ảnh về cái chết.









Ru Đời Đi Nhé






Vẫn Có Em Bên Đời














Những bài viết về Trịnh Công Sơn














Tưởng Rằng Đã Quên






Lại Gần Với Nhau






Hát Trên Những Xác Người












Thư tình gửi một người (4)





"Những tiếng súng vẫn nổ rền rất đáng ngại cả những tiếng xe nhà binh lao vút vào đêm. Những ngón tay Ánh có còn lạnh không. Anh nhớ Ánh cùng những ngón tay dài đó."

Trịnh Công Sơn - 

Blao, 26/2/1965

Dao Ánh,

Anh đọc thư Ánh từ chiều hôm qua. Cũng như tháng 8 năm ngoái, thư Ánh vẫn là thư đầu tiên trong những ngày mòn mỏi của anh ở đây. Anh đã đọc thư bao nhiêu lần. Và để mừng những tờ thư đó, anh đã mặc áo ấm vào đêm, uống thật say một mình rồi trở về cầm những tờ thư còn thơm mùi thơm quen thuộc đó mà ngủ. Bạch lạp thì cháy âm thầm trên giấc ngủ đó của anh.

Những ngày nay anh vẫn chưa làm được gì ngoài phí bỏ những giờ dài dẳng để ngồi đốt thuốc và nhìn hoài khoảng đất trời trước mặt. Anh đã viết xong một bản nhạc cho Ánh. Ru mãi ngàn năm hay Ru em từng ngón xuân hồng.

Bây giờ buổi chiều. Anh đã hết cả ngôn ngữ để nói về vẻ ảm đạm của những buổi chiều ở đây.

Thứ sáu đã gần xuống hết, những mảng đất đang mang màu nâu bạc. Những con sâu đất và dế cũng đã reo rất sớm ngoài kia. Có lẽ anh lại phải nằm thêm một thứ bảy và một chủ nhật ở đây nữa.

Bây giờ Ánh đang làm gì, bờ sông thì vẫn có những hàng cây. Những hàng cây nhìn xuống một đời nước mãi chảy và những màu lá xanh, đỏ của mỗi ngày, của mỗi tháng, của mỗi năm. Anh thấy Ánh đi qua những khung hình quen thuộc đó và mỗi ngày Ánh đã lớn lên, đã xa dần từng ngày tháng cũ. Đã bỏ sau lưng từng buổi chiều êm ả, đã quên mất những yêu dấu của một tuổi nồng nàn nhất trong đời một người con gái. Rồi sau đó còn gì ngoài một đời sống đều đặn hơn, ngăn nắp hơn và những kỷ niệm đã được trút bỏ âm thầm (như anh đã có lần nói).

Một cơn mưa qua bất chợt ở chót con đường dốc. Anh đã biết được một vài người như thế. Sau lưng họ như đã có một bức tường dựng lên che khuất những ngày tháng dĩ vãng. Có lúc họ cũng quay lại nhưng để nhìn những gì đã qua với một vẻ thản nhiên của núi rừng. Sao anh lại nói đến điều này. Có phải nghĩ rằng một ngày kia Ánh cũng bỏ ra đi như thế không. Điều đó đã hẳn rồi. Anh nghĩ mình sẽ mãi như đứa trẻ vụng về bốc từng nắm cát và để trôi qua kẽ tay. Ôi những điều quý giá có bao giờ giữ mãi được.



Đêm bỏ xuống chỗ anh ngồi và ngoài kia. Những giờ rỗi rảnh ở đây, anh tình cờ đọc được cuốn Những cặp kính màu của Võ Đình Cường. Cuốn sách viết đã lâu, hơn 17 năm, bây giờ mới xuất bản. Giọng văn đã xưa nhưng tình tiết buồn đến vỡ mật. Có những đoạn journal của Thu như của Alissa. Những ý nghĩa về tình yêu của một người con gái bao giờ cũng dễ thương, cũng nồng nàn và cũng buồn. Trong cuốn truyện có hai người con gái: một Huế và một Hà Nội. Cuối cùng thì không còn ai và Lạc đã xót xa nhận chịu những mất mát đó với một hư vô nặng nề trùm lên đời sống. Mọi người đã không ai hiểu ai. Mọi người đã nhìn nhau qua một cặp kính màu. Anh đã buồn như khi đọc Porte étroite.





Một trang thư Trịnh Công Sơn gửi Dao Ánh. Ảnh tư liệu



Bây giờ anh đã gần trở lại hẳn với vẻ bình thản cũ của anh, nhưng anh cho đó cũng chỉ là một gắng gượng giả tạo mà thôi. Anh thấy khó thích nghi mình vào với đời sống này. Dù có già nua hơn nữa. Anh nghe một người quen vừa ở Sài Gòn lên cho biết đã có danh sách động viên khóa 20. Có lẽ anh đã có tên ở đó. Vào tháng tư thì giấy gọi bắt đầu gửi đến. Không hiểu khi vào đó thì anh sẽ ra sao nữa. Thôi cũng đành mà thôi. Những vùng đất lạ đày đọa vẫn mở không ngừng trước lối đi của anh. Tất cả đời sống anh đã bị cuốn hút vào một cơn gió độc sẽ rã rời hơn nữa. Sẽ kêu rêu hơn nữa. Để rồi ích gì. Sẽ đánh mất và quên dần nhau. Định mệnh luôn luôn đào sâu những vực thẳm giữa anh và niềm an bình. Định mệnh chắc đã mãi theo dõi anh bằng đôi mắt hằn thù. Có lẽ anh đã quá ích kỷ như Ánh nói. Anh đã nghĩ về mình quá nhiều. Anh đã nhìn thấy anh và quên rất nhiều người xung quanh. Bao giờ có tin chắc chắn về chuyện đi lính của anh, anh sẽ cho Ánh hay. Sẽ có dịp để đặt mình vào những giới hạn khác. Sẽ bắt đầu một cuộc đời học trò gian nan hơn. Sẽ bỏ vào lòng súng từng viên đạn phi lý để nhắm vào đầu vào mắt vào tim nhau. Anh đã hèn nhát hay vì chiến tranh này quá thô bạo. Nhưng thôi anh sẽ câm bớt lại. Trong xã hội này lý lẽ của kẻ yếu bao giờ cũng dễ biến thành những lời ngụy biện.

Từ một cái nhìn vào xã hội - vào thành kiến đã có - đến tất cả tất cả.

Đêm đã dày và một cơn mưa vừa trút xuống. Những tiếng hát cũng đã dấy lên rất xa xưa.

Anh ngồi đây và bỗng nhận ra rằng tất cả một cuộc đời này rồi cũng chỉ là một hoài công vô ích kéo dài hằng bao nhiêu thế kỷ nữa.

Ánh hãy quay ra cửa nhìn đồi với anh. Đồi thì đen sẫm và mưa đan nhỏ dưới bóng đèn.

Anh đang bị rơi vào những ngao ngán thường trực. Những lúc này anh đang bị dao động bởi hai thứ tình cảm khác ngược, vừa yêu thương tất cả vừa chẳng cần ai. Anh nghĩ đến vai trò của mỗi người trên vùng đất này sẽ diễn biến theo những công thức cố định để rồi kết thúc theo một phương châm bi đát như nhau. Bởi thế anh hay lo sợ vẻ kệch cỡm ngụy trang của con người. Anh tự hào khởi từ những ngày lớn khôn anh chưa hề dối lừa ai.

Đêm cũng chưa khuya mà sự yên tĩnh đã nghe rất rõ. Anh nhớ Ánh rất nhiều và điều đó chỉ có thể âm thầm nói cho riêng mình nghe. Ánh có thể nghi ngờ điều đó vì Ánh chỉ đọc nó qua những dòng chữ rời rã, khô cằn. Làm thế nào mà biện bác được. Cả một vòm trời ngoài khung cửa chỉ còn có một vì sao rất sáng. Cơn mưa đã ngưng từ bao giờ anh không biết rõ.

Những tiếng súng đại bác của đêm đã nổ rất gần. Mọi người đã ngủ yên. Mấy đêm nay anh ngủ ít hơn chẳng hiểu vì sao.

Những lời nói của Ánh như bắt đầu dấy lên: Anh sẽ đền gì cho Ánh, cho Ánh, cho Ánh.

Tiếng súng nổ đã rung cả cửa kính trước mặt. Anh sẽ đền bù cho Ánh tất cả, tất cả.

Bây giờ là giờ bạch lạp. Anh thắp nến để viết tiếp cho Ánh. Anh nằm dài trong mùng và viết đây.

Những tiếng súng vẫn nổ rền rất đáng ngại cả những tiếng xe nhà binh lao vút vào đêm.

Những ngón tay Ánh có còn lạnh không. Anh nhớ Ánh cùng những ngón tay dài đó.

Bây giờ thì hãy vào giấc ngủ. Đêm đã muộn màng. “Thôi em hãy ngủ anh hầu quạt đây” [72].



***



Sài Gòn 28/2/1965

Tưởng đã không về được nhưng rồi đã về. Đến đây từ chiều thứ bảy. Anh ra phố tìm Hà được đi phép. Đi suốt đêm và ngủ rất muộn.

Rồi cả ngày chủ nhật lên Thủ Đức để lại trở về phố cùng Hà và long dong trên những con đường phố rất vắng - rất đông. Những lá me bay, những tiếng nhạc rất nhỏ. Gặp Cung. Tất cả những nhọc nhằn anh phải vui theo Hà theo Cung. Và đã buồn rời nhau. Mỗi người trở về để tiếp tục công việc ê chề của mình. Thật nản.

Anh trở về đây (nhà anh Cường) nằm dài và như mê đi trong cơn - rời - rã - vô - biên. Thật không còn biết nói gì vui vẻ với nhau lúc này. Anh chưa bao giờ thấy ảo não hơn.

Đã qua thêm một chiều thứ bảy, một ngày chủ nhật. Những khuôn mặt con gái rất đẹp, rất sang, rất nhã, rất cao đi bên cạnh những ngoại kiều trên đất nước này. Ôi làm sao giải thích cho hết những ô nhục, những khúc mắc, những rối rắm trên mặt đất này nữa.

Ánh ơi Ánh ơi,

Khi anh quay về gọi Ánh thì đã cảm thấy an tâm hơn. Có một cái gì rạng rỡ từ đó. Anh vừa từ nhà một người quen ăn anniversaire đứa bé trở về. Uống rượu rất nhiều và càng thấy mê mỏi hơn. Đã hơn 10 giờ. Suốt đêm qua anh đã phải chong mắt suốt đêm để chờ đúng 5 giờ 30 sáng thức Hà dậy cho kịp giờ trở về quân trường để canh gác.

Anh mong giấc ngủ đêm nay sẽ an bình. Trời đã nóng lắm. Những cơn mưa chưa về đây. Vào mùa hạ thì trời ở đây thường bắt đầu mưa.

Anh đang nhác nhớm muốn trở về Blao rồi. Có lẽ đến trưa thứ ba anh sẽ về trên ấy.

***

1/3/1965

Buổi sáng anh thức dậy trong căn nhà chỉ còn một mình anh. Mọi người đã đi làm việc, ra chợ, đi học. Ở đâu rồi anh cũng vẫn rơi vào sự tăm tối ngấy ngẩm.

Những lúc này câu “l'enfer c'est les autres” [73] của Sartre anh thấy mất cả nghĩa lý. Anh đang cần có bạn bè, có người thân yêu hơn thế. Không thể cô lập, rút về một an nghỉ mà chỉ còn có mình với mình. Ánh hãy tiếp tục da du với bạn bè ở đó đi - Với Hoa với Trang với những ai Ánh thấy cần.

Trời đã nắng, 8 giờ 30.

Có lẽ giờ này Ánh đã ngồi yên ở lớp học nhìn những hàng cây sắp hàng ngoài cửa sổ.

Anh Cường vẫn còn dạy ở đó. Định vào đây nhưng anh khuyên ở lại. Ở đâu rồi cũng thế cũng dậy, cũng đi cũng trở về rất buồn bã nếu không còn ai có ai.

Anh ra phố bây giờ để mua ít sách và xem danh sách động viên ở Tòa đô sảnh.

Buổi chiều sẽ viết cho Ánh nhiều hơn.

Cả buổi chiều đã qua.

Danh sách động viên vẫn chưa có. Không hiểu vì sao. Bởi vì đến 20/3 này đã phải nhập ngũ.

Trời ở đây oi bức đến rã rượi. Anh tìm ít cuốn mua cho Ánh, nhưng chẳng thấy cuốn nào hay. Cuốn Les enfants qui m’aiment mua cho Ánh lúc trước Tết trong nhà dọn dẹp để đâu tìm chưa ra. Anh tìm xong sẽ gửi ra ngay.

Thành phố này bây giờ chỉ còn lại tiếng động và sự oi bức. Khó yên tâm làm được gì ở đây. Anh sợ phải phơi mình ngoài phố. Chỉ một buổi ra phố đã thấy mình phờ phạc hẳn đi.

Trưa mai anh lại trở về Blao để hóa thân trên đó. Không có điều gì vui vẻ hơn để nói với Ánh. Ánh đang buồn hay vui hay bình thường. Có lúc rồi đời sống mình cũng âm thầm trôi đi như giòng sông. Anh nghĩ về Ánh rất nhiều nhưng rồi không viết gì được cả.

Mọi ý nghĩ đã lắng xuống hay đã bay biến mất. Sẽ viết cho Ánh khi đầu óc sáng suốt dễ dàng hơn.

Bây giờ đã 9 giờ tối. Anh định ra phố một lát, ngồi uống gì rồi về, nhưng nhác nhớm quá nên thôi. Anh cần nằm nghỉ và nhớ Ánh như bao giờ.

Anh.

Trịnh Công Sơn

(Trích Thư tình gửi một người, Trịnh Công Sơn, NXB Trẻ 2011)










Du Mục








Vườn Xưa














Khánh Ly: Nỗi buồn nhớ quê hương












Nhớ Mùa Thu Hà Nội







Bốn Mùa Thay Lá














Bửu Chỉ:  Tôi phát biểu về Trịnh Công Sơn và những ca khúc phản chiến của anh












Huế Sài Gòn Hà Nội
















Hoàng Tá Thích



Mười năm sau khi Trịnh Công Sơn mất, Dao Ánh cho rằng đã đến lúc mà những bức thư tình không còn là riêng tư của một người mà là của mọi người, bởi đó không chỉ là những bức thư tình lãng mạn, không chỉ là những đoản văn đẹp đẽ còn là những gì để người đọc có thể hiểu thêm về người nghệ sĩ tài hoa của thế kỷ hoặc trả lại sự thật những thêu dệt vô căn cứ của người đời.

Hơn ba trăm lá thư tình viết cho người yêu trong vòng bốn năm, thực không phải là ít. Nhưng đó chỉ là số lượng thư được đánh dấu ngày tháng khoảng từ năm 1964 cho đến năm 1967 mà Dao Ánh còn giữ lại được. Có một số trước và sau đó đã bị thất lạc hoặc bị rách nát sau mấy chục năm qua đi.

Chỉ chừng đó số lượng thư cũng đã làm cho nhà thơ Nguyễn Duy choáng ngợp và lời thư như những đoản văn lãng mạn đã làm cho ông phải thốt nên lời cảm ơn may mà có một người tình Dao Ánh để Trịnh Công Sơn cho chúng ta những bút tích tuyệt vời như thế.




Trịnh Công Sơn và Dao Ánh



Trịnh Công Sơn gặp Dao Ánh vào những tháng cuối năm 1962, gần một năm sau khi ca khúc Diễm xưa ra đời. Diễm là tên người chị ruột của Dao Ánh. Đó là một cô gái có dáng dấp thanh tú, hằng ngày đi trên con đường Nguyễn Trường Tộ từ trường về nhà và ngược lại ngang qua nhà Trịnh Công Sơn. Hình ảnh một người con gái áo lụa trắng thướt tha mảnh khảnh dưới những hàng cây long não của thành phố Huế cổ kính đã cho chúng ta ca khúc Diễm xưa nổi tiếng. Dĩ nhiên không chỉ là một hình ảnh gợi ý nơi Diễm xưa, mà cũng phải có chút tình cảm trong đó cho đến khi gặp Dao Ánh. Chưa hẳn đã là tình yêu, vì trong những bức thư sau này gửi Dao Ánh, gần như lúc nào cũng có lời gửi thăm Diễm hoặc những người trong gia đình.

Nếu hơn nửa năm chưa đủ làm nên một mối tình với Diễm thì Dao Ánh lúc đó chỉ mới vừa tuổi mười lăm đã đi vào cuộc đời Trịnh Công Sơn như một cơn bão cuốn lấy tâm hồn anh. Dao Ánh là màuNắng thủy tinh, là Mưa hồng, là Hạ trắng, là Còn tuổi nào cho em, là Ru em từng ngón xuân nồng… Những lá thư viết cho Dao Ánh không phải đến 1964 mà đã có từ lúc ấy. Nhưng không phải mối tình nào cũng thành hiện thực. Dao Ánh rồi cũng phải có một nơi nương tựa vững chắc, và Trịnh công Sơn cũng không thể nào níu kéo một mối tình chỉ để… là một mối tình. Người thì đã đi xa, nhưng tình thì vẫn còn đâu đó, đã để lại cho người nghệ sĩ những vết hằn không xóa nổi với thời gian. Dù có một dòng sông đã qua đời, dù tình như chút nắng qua đèo, dù Tình xa, Tình sầu, nhưng vẫn là Tình nhớ. Tưởng rằng đã quên nhưng làm sao quên được. Rồi những lá thư không phải chấm dứt năm 1967 mà vẫn còn tiếp tục mấy năm sau đó, cho đến ngày Dao Ánh lên xe hoa. Và sau đó, vẫn còn.






Hơn hai mươi năm sau, Dao Ánh trở về Việt Nam gặp lại Trịnh Công Sơn. Buổi hẹn hò đầu tiên sau bao tháng năm xa cách chẳng khác gì ngày xưa. Một địa điểm nào đó giữa phố Sài Gòn vào mùa pháo tết cuối cùng ở Việt Nam (1992-1993). Mối tình cũ sống lại và Trịnh Công Sơn đã viết Xin trả nợ người như một lời trách móc người yêu đã bỏ anh ra đi.

Rất nhiều thiếu nữ đã đi qua cuộc đời Trịnh Công Sơn và đã để lại những ấn tượng:

Diễm của Diễm xưa, Nguyệt của Nguyệt ca, Hoàng Lan của Mấy độ hoa vàng, Quỳnh Hương củaQuỳnh Hương, D.H của Trong nỗi đau tình cờ, P.T.L của Như cánh vạc bay, V.A của Con mắt còn lại, và ngay cả Bống của Thuở Bống là người, Bống không là Bống, Bống… và có thể còn nhiều bóng hồng khác. Nhưng không phải cuộc tình nào cũng đều là những mối tình. Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ… Nhưng khi ta trở lại cũng chỉ thấy tất cả những dòng sông cũ đều đã trôi về biển khơi. Dĩ nhiên Trịnh Công Sơn cũng có những đau đớn ưu phiền khi những người tình ra đi, nhưng rồi tất cả đều là những kỷ niệm đẹp. Gần như tất cả những người tình cũ, anh đều gặp lại, và tất cả với anh đều có một khoảng lịch sự cách ngăn…






Chỉ riêng một mình Dao Ánh, Trịnh Công Sơn vẫn còn yêu cho đến những ngày cuối cùng của đời anh.

Mãi đến bây giờ, mười năm sau khi Trịnh Công Sơn mất, Dao Ánh mới quyết định đưa ra công chúng những bức thư như những vết tích của một mối tình mà chính Trịnh Công Sơn cũng đã giữ kín trong lòng suốt bao nhiêu năm nay. Đã có dư luận chê trách Dao Ánh khi công khai những chuyện rất riêng tư giữa hai người. Tuy nhiên, Dao Ánh lại cho rằng đã đến lúc mà những bức thư tình ấy không còn là riêng tư của một người mà là của mọi người, bởi đó không chỉ là những bức thư tình lãng mạn, không chỉ là những đoản văn đẹp đẽ còn là những gì để người đọc có thể hiểu thêm về người nghệ sĩ tài hoa của thế kỷ hoặc trả lại sự thật những thêu dệt vô căn cứ của người đời.

Đọc “Những bức thư viết cho một người“, chúng ta có thể thấy rõ hơn con người rất đời thường của Trịnh Công Sơn: lãng mạn, tình tứ, chân thật, nhưng lúc nào cũng cảm thấy cô đơn vô cùng. Tình yêu như một thứ ánh sáng huyền diệu mang đến cho anh sức sống giữa những cô đơn trong một đoạn đời không hoàn toàn do mình chọn lựa.




Dao Ánh năm 1964



“Buổi sáng này anh nghĩ về Ánh như đang nghĩ về một đám mây bồng bềnh trong đời sống anh. Đám mây của những ngày anh qua những đèo sâu cao nguyên và mơ ước. Đám mây che khuất những phiền muộn âu lo. Đám mây ở mãi trong những thung lũng hoang vu ngàn đời đó mà bao nhiêu lần đi qua, trở lại, anh vẫn còn nhìn thấy“.

Đã qua không biết bao nhiêu ngày tháng không lúc nào anh ngớt gọi tên Dao Ánh, Dao Ánh… Em là hoa hướng dương như mặt trời trong tôi, Em là đám mây không lúc nào tan luôn che bớt những phiền muộn trong tôi, Em là ngọn hải đăng mà tôi nguyện làm người đốt lửa thắp sáng suốt cuộc đời… Vậy mà mãi đến khi đọc hơn ba trăm bức thư của anh gửi Dao Ánh, người ta mới thấy Trịnh Công Sơn đã thu hết can đảm để thổ lộ một cuộc tình lãng mạn: “Anh yêu Dao Ánh“. Trước đây anh vẫn yêu, vì tình yêu cần thiết như hơi thở để có thể sống trong những nỗi cô đơn xa vắng. Không phải là một thứ tình yêu sở hữu. Tình yêu là một cảm hứng cho những tình khúc được anh để lại cho đời. Điều này có thể trả lời cho những ai thường thắc mắc về những cuộc tình của Trịnh Công Sơn, như một Diễm xưa, như một Nguyệt Ca, như một Quỳnh Hương, như những Bống, như một loài Hoa vàng mấy độ…



Hoa hồng được Trịnh Công Sơn ép trong trang thư gửi Dao Ánh từ giữa thập niên 1960.


Đọc “Những bức thư tình viết cho một người“, những ai đã từng yêu hoặc ghét Trịnh Công Sơn đều có thể thêm một lần nữa tìm thấy ở anh một con người chân thật… “nếu mình sống thực với bản chất thì đó là một khí giới công hiệu nhất để đánh bẹp mọi lời gièm pha“.

Anh luôn luôn viết nhạc bằng những cảm xúc khi thấy bất cứ gì trước mắt. Khi Đinh Cường, Trịnh Cung và người em ruột bị động viên, đang ở quân trường, anh kể với Dao Ánh rằng mình đã viết một khúc nhạc hành quân vì nghĩ đến người thân đang gặp gian lao khổ cực. Bản nhạc được cất vào một xó xỉnh nào đó, nhưng cũng cho thấy tất cả cảm xúc của anh đều kết tinh bằng những ca khúc.

Những lúc phải xa cách bạn bè, gia đình và người yêu, giữa những mưa gió, sương mù hay khí hậu khắc nghiệt như một định mệnh phải chấp nhận, anh chỉ còn có thể gọi tên Dao Ánh như một loài hướng dương đưa anh về phía mặt trời rạng rỡ, dù Dao Ánh chưa phải là sở hữu của anh.
















Dao Ánh qua hồi ức của Trịnh Vĩnh Trinh


Trịnh Vĩnh Trinh là em gái út, cũng là người đưa thư của Trịnh Công Sơn (TCS) đến tận tay Dao Ánh trong một thời gian dài. Chị đã chia sẻ với Báo Thanh Niên về mối tình đẹp này.









1. Dao Ánh là em ruột của Ngô Vũ Bích Diễm (người mà nhạc sĩ TCS từng yêu và viết tặng Diễm xưa). Mối tình của anh Sơn với Bích Diễm không sâu nặng như với Dao Ánh. Khi Bích Diễm vào Sài Gòn học đại học, anh Sơn và chị Diễm không còn dịp gặp nhau nhiều nữa, cũng như do trắc trở gì đó không rõ lắm nên hai người đã gần như không có ước hẹn lâu bền. Có dạo Bích Diễm từ Sài Gòn ra Huế nghỉ hè và ghé thăm anh Sơn. Lúc ấy Trinh còn rất nhỏ, khoảng 6-7 tuổi, nhưng vẫn nhớ một chi tiết rất ấn tượng. Đó là một bữa anh Sơn bị ốm, đang nằm dưỡng bệnh trong nhà, bỗng nhiên nghe có mùi thơm của hoa dạ lan tỏa ngát phòng. Anh gắng đứng dậy bước ra và thấy có một bó hoa dạ lan thật lớn đặt sẵn trước cửa, trong hoa có một lá thư của Bích Diễm viết chia tay mình. Anh buồn bã quay vào và sau này khi Trinh đã lớn, anh Sơn nhiều lần kể lại với Trinh về bức thư ấy…

2. Và cũng chính từ khi biết chị mình (Diễm) đã chia tay anh Sơn, Dao Ánh viết thư nhờ Ngân (em gái TCS học cùng trường Đồng Khánh với Dao Ánh) đem về cho TCS, thư nói lên tình cảm thân thương của chị Ánh đối với anh Sơn trước những ngày không vui đang bủa vây anh. Anh Sơn viết thư trả lời. Từ đó anh với chị Ánh thư từ qua lại thường xuyên. Năm ấy, vào 1963, chị Ánh mới 15 tuổi.

3. Chị Ánh là người gốc Bắc, gia đình chuyển vào sống tại Huế từ lâu và ở cách nhà chúng tôi một cây cầu, đó là cầu Phú Cam. Ba của chị Ánh là giáo sư dạy tiếng Pháp. Chị nói giọng Bắc và là người rất kiệm lời. Gia đình chị rất gia giáo, nghiêm khắc, thường dạy dỗ và kiểm soát sinh hoạt của con cái rất chặt chẽ. Vì thế việc “nhận” và “gửi” thư của chị Ánh không thể lộ liễu, thường chỉ gửi vào lúc chạng vạng tối khi bắt đầu học bài. Người đưa thư anh Sơn đến với chị Ánh là Trinh và hai người chị kế của mình. Ba chị em thay phiên nhau “xin” anh Sơn cho được mang thư qua nhà chị Dao Ánh. Như đã nói, nhà chị Ánh chỉ cách nhà mình có cây cầu thôi, nên mỗi khi đưa thư là mấy chị em thay nhau đạp xe đi. Lúc đó vì quá nhỏ nên cả ba chị em còn chưa ngồi đến chiếc yên xe đạp cao hơn mình nữa, mà chỉ… đứng và đạp đi. Hình ảnh đó đến giờ Trinh vẫn không thể nào quên. Nhà chị Ánh trồng rất nhiều hoa dạ lan nên mấy chị em rất thích qua đó để được thấy hoa nở, hoa thơm, đôi lúc được chị Ánh hái đưa cho một vài cành thơm ngát. Mỗi khi tới nơi Trinh thường lấp ló ngoài cổng hoặc núp sau gốc cây một lát. Chị Ánh thì đã quen với khoảng thời gian có người “đưa thư” cuối ngày, khi trời sập tối, nên chị cứ canh giờ ấy là đảo mắt nhìn xem có ai ngoài cửa hay không. Khi biết Trinh hoặc chị Ngân đã tới, thì chị Ánh lẻn ra bằng cửa bên hông để nhận thư và giấu vào người…



Trịnh Công Sơn và em gái út Trịnh Vĩnh Trinh 
 Ảnh do gia đình TCS cung cấp



4. Không chỉ có Trinh mà những ai gặp chị Ánh đều nói chị Ánh đẹp, cao, duyên dáng, sang trọng và tính tình rất dịu dàng. Chị không thích ồn ào, không thích đám đông và sống nội tâm, kín đáo, rất hợp với anh Sơn. Dao Ánh trước đó là bạn của chị Trịnh Vĩnh Thúy, nhưng người thường được Dao Ánh nhờ đưa thư ở trường là Trịnh Vĩnh Ngân (học cùng trường nhưng nhỏ hơn chị Ánh). Cũng như bao cuộc tình khác, khi yêu nhau cả hai cũng có những lúc giận hờn nhau. Song anh Sơn vốn là người hiền lành, từ tốn, nên khi giận cũng hết sức nhẹ nhàng.

5. Về nguyên nhân chia tay, anh Sơn cũng nhiều lần nói với Trinh là anh nhận phần lỗi về mình. Anh nói thời đó anh chưa thể đem lại cho người mình yêu một cuộc sống hôn nhân trọn vẹn, nên anh chưa nghĩ đến việc lập gia đình. Còn phía chị Dao Ánh không thể chờ lâu được. Theo Trinh thì ai cũng buồn mỗi khi người yêu đi lấy chồng, nhưng nỗi buồn của anh rất lạ và rất nhân từ. Chúng tôi từng nói với nhau không phải vì anh Sơn là anh mình mà mình ca tụng, song rõ ràng anh là một con người đặc biệt, chúng tôi cứ tự hỏi vì sao có một con người nhân từ đến thế, cái gì anh cũng nhẹ nhàng. Ngay cả cách dạy dỗ em út trong nhà, mỗi khi ai đó có lỗi, anh thường bày tỏ ý trách giận bằng cách để thư trên gối của người đó. Mỗi lần thấy thư trên gối là chúng tôi sợ lắm, không cần anh phải la mới sợ. Cái cách mà anh giận cũng rất khác người, mọi thứ nhẹ nhàng. Thời trước chưa có điện thoại di động nên mỗi khi đi đến đâu anh thường lấy điện thoại bàn gọi về nhà và cho biết anh đang ở chỗ ấy cùng với số điện thoại ấy. Sau này chúng tôi cũng học anh cách đó. Anh Sơn tập cho chúng tôi thói quen là làm gì thì làm, nhưng đến buổi trưa mọi người phải quây quần bên nhau để ăn uống, còn chiều tối ai muốn đi đâu cứ đi.

6. Dao Ánh sang Mỹ tiếp tục học và lập gia đình. Chị vẫn giữ liên hệ rất thân thiết với những người trong nhà của chúng tôi. Sau này mỗi khi có dịp dù ở trong nước hay ở ngoài nước, Trinh và chị Ánh vẫn thường đi chơi với nhau vào cuối tuần. Sống ở Mỹ chị làm ngân hàng và có hai người con. Hiện chị đã chia tay chồng. Còn những lá thư chị Ánh trao cho gia đình chúng tôi vào một dịp chị về VN và chị nói với gia đình chúng tôi rằng những lá thư này giờ đã nằm trong tâm tưởng của chị. Chị muốn đưa ra để mọi người cùng biết thêm về anh Sơn thời trẻ, thời yêu thương say đắm dẫn đến sự ra đời của những bản tình ca mượt mà. Mới đây, trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của anh Sơn, gia đình đã mời chị Ánh xuất hiện trước công chúng, nhưng vốn là người không thích có mặt trước đám đông nên chị đã cám ơn và xin khất lại…




Thủ bút Trịnh Công Sơn trong thư gửi Dao Ánh 19.9.1965



Trịnh Công Sơn có 7 người em – 2 trai: Trịnh Xuân Tịnh, Trịnh Quang Hà và 5 gái: Trịnh Vĩnh Thúy, Trịnh Vĩnh Tâm, Trịnh Vĩnh Ngân, Trịnh Hoàng Diệu và Trịnh Vĩnh Trinh.



Giao Hưởng – Dạ Ly




Tôi đã mơ thấy chuyến đi của mình...


Càng sống nhiều ta càng thấy cái chết dễ dàng đến với bất cứ một ai.
Chết quá dễ mà sống thì quá khó, hôm qua gặp nhau đấy, ngày mai lại mất nhau. 
Sống thì có hẹn hò hôm nay hôm mai. Chết thì chẳng có một cuộc hẹn hò nào trước.
Một buổi sáng cách đây bốn năm, lúc tôi đang ngồi uống rượu với bạn, mẹ tôi bảo: 
"Mạ đi chơi chút nghe"
Thế rồi một giờ sau tôi được điện thoại báo tin mẹ tôi đã mất tại nhà người bạn.
Nhạc sĩ Xuân Hồng cũng đã từ biệt chúng tôi như thế.
Không kịp nói một lời, không kịp đưa tay vẫy chào bạn bè, vẫy chào cuộc sống.
Thế kỷ 21 thế mà cũng khó đến được dù chỉ còn mấy năm.
Càng yêu ta càng thấy: có tình yêu thì khó mà mất tình thì quá dễ.
Hôm qua mới yêu nhau đấy, hôm nay đã mất rồi.
Mất sạch như người đi buôn mất hết vốn liếng.
Cứ tự an ủi mình khi nghĩ rằng mình đau khổ thì có một kẻ khác đang hạnh phúc.
Và biết đâu cái thời gian mình được yêu thì một người khác cũng đang đau khổ vô cùng.
Nghĩ thế thì thấy cuộc đời bỗng nhẹ nhàng hơn và cũng dễ tha thứ cho nhau.
Sống mà giữ mãi trong lòng những hờn oán thì cũng nặng nề.
Có người bỏ cuộc đời mà đi như một giấc ngủ quên.
Có người bỏ cuộc tình mà đi như người đãng trí.
Dù sao cũng đã lãng quên một nơi này để đi về một chốn khác.
Phụ đời và phụ người hình như cũng vậy mà thôi.
Người ở lại bao giờ cũng nhớ thương một hình bóng mình đã mất.
Khó mà quên nhanh, khó mà xóa đi trong lòng một nỗi ngậm ngùi.
Tưởng rằng có thể quên dễ dàng một cuộc tình nhưng hóa ra chẳng bao giờ quên được.
Mượn cuộc tình này để xóa cuộc tình kia chỉ là sự vá víu cho tâm hồn
Những mảnh vá ấy chỉ đủ để làm phẳng lặng bên ngoài mà thôi.
Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống.
Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung.
Cuối cùng thì lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ lại đời người.
Cuối cùng thì tình yêu cũng không giữ được người mình yêu...



Trịnh Công Sơn (1996)













Nguyễn Duy: Trịnh Công Sơn không là Bob Dylan










Có một nhà thơ tên là Trịnh Công Sơn



Người ta vẫn gọi Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ chứ chưa mấy ai gọi anh là nhà thơ, dù anh cũng đã in dăm ba bài thơ lẻ. Cũng có người gọi anh là “người thơ ca” hay “người hát thơ”, nghĩa là, anh là người tác hợp giữa thơ và nhạc. Nhưng với tư cách là một nhà thơ, tôi đã khảo sát ca từ của Trịnh Công Sơn, và tôi dám khẳng định rằng, anh chính là một nhà thơ đích thực.

Cho dù khi sáng tác ca khúc, Trịnh Công Sơn có thể viết lời và nhạc cùng một lúc, hoặc có đoạn lời viết sau khi đã có nhạc, hay trước khi “phổ nhạc” thì mỗi lời ca của anh đều là những bài thơ hoàn chỉnh kể cả về ý, tứ, cấu trúc, ngôn từ và cảm xúc. Mà Trịnh Công Sơn không phải là một nhà thơ bình thường, anh là nhà thơ rất độc đáo ôm chứa tư tưởng nhân sinh và thời cuộc với một thi pháp khá riêng biệt trong thơ Việt.

Trịnh Công Sơn rất nhuần nhuyễn trong các thể thơ truyền thống như lục bát, đồng dao. Ngay từ lần nghe đầu tiên ca khúc Ở trọ, tôi đã phát hiện ra đấy là một bài thơ lục bát rất tài hoa. Từ cái chuyện ở trọ bình thường trong đời, anh đã đẩy liên tưởng tới cái “cõi tạm” chốn trần gian trong triết lý của Đạo Phật với một cách nói thoải mái, thông minh và hóm. Anh nhìn thấy con chim ở trọ trên cành cây, con cá ở trọ dưới nước, cơn gió ở trọ giữa đất trời, rồi đẩy tới một khái quát bất ngờ:

Trăm năm ở đậu ngàn năm
Đêm tối ở trọ chung quanh nỗi buồn

Có những liên tưởng còn bất ngờ hơn khi nói tới vẻ đẹp ở trọ trong thân thể, hay tâm hồn của người nữ:

Môi xinh ở đậu người xinh
Đi đứng ở trọ đôi chân Thúy Kiều

Vì thế mà có câu:
Xin cho về trọ gần nhau
Mai kia dù có ra sao cũng đành

Và khi con người đã ở trọ vào nhau bằng tình yêu thì dù có phải xa rời cõi tạm, vẫn mãi mãi khăng khít cùng nhau:

Tim em người trọ là tôi
Mai kia về chốn xa xôi cũng gần

Nhiều bài thơ phỏng theo nhịp đồng dao (bốn chữ) khá thành công nhờ cách lập tứ và chọn từ như Em đi qua chiều/ Cũng sẽ chìm trôi / Nhật Nguyệt trên cao – Ta ngồi dưới thấp, nhưng có lẽ Ngụ ngôn mùa đông mới là một bài thơ bốn chữ gây ấn tượng khó phai mờ trong lòng người đọc. Bài thơ nói về “Một người Việt Nam – Đi ra dòng sông – Nhớ về cội nguồn… Đi lên đồi non – Nhớ về cội nguồn” thật tươi đẹp, thật máu thịt, rồi bỗng:

Một ngày mùa đông
Trên con đường mòn
Một chiếc xe tang
Trái mìn nổ chậm
Người chết hai lần
Thịt da nát tan…

Người Việt ấy chết rồi lại còn chết them một lần nữa vì “trái mìn nổ chậm” của chiến tranh. Cái tứ thơ này không chỉ chia xẻ với cái chết đau thương tang tóc của con người mà còn có sức mạnh tố cáo chiến tranh thật sâu sắc:

Súng từ thị thành
Súng từ ruộng làng
Nổ xé da non
Phố chợ thật buồn
Cuộn giây gai chắn
Chắc mẹ hiền lành
Rồi cũng tủi thân

Nhịp thơ năm chữ trong thơ Trịnh Công Sơn cũng xuất hiện không ít, và lặng lẽ tuôn chảy trong veo buồn thương, ngơ ngác. Khi thì khao khát hồn nhiên: “Môi nào hãy còn thơm – Cho ta phơi cuộc tình – Tóc nào hãy còn xanh – Cho ta chút hồn nhiên”, khi thì hoang vắng, lạnh câm: “Như đồng lúa gặt xong – Như rừng núi bỏ hoang – Người về soi bóng mình – Giữa tường trắng lặng câm“, khi thì tuyệt vọng ngậm ngùi: “Không còn, không còn ai – Ta trôi trong cuộc đời – Không chờ, không chờ ai” (Ru ta ngậm ngùi), và có lúc đầy mộng mơ khao khát giữa ưu phiền: “Tôi con chim thanh bình – Mơ được sống hồn nhiên – Như hoa trên đồng xanh – Một sớm kia rất hồng” (Như chim ưu phiền). Nhịp thơ năm chữ vốn rất phổ biến trong đối đáp dân gian, nhưng với Trịnh Công Sơn, nó trở nên lồng lộng, thênh thang và quý phái:

Người ngỡ đã xa xăm
Bỗng về quá thênh thang
Ôi áo xưa lồng lộng
Đã xô dạt trời chiều
(Tình nhớ)

Cùng với những ý thơ bất ngờ đến từ trong vô thức:

Trăng muôn đời thiếu nợ
Mà sông không nhớ ra

Hoặc:

Cây trưa thu bóng dài
Và tôi thu bóng tôi
Tôi thu tôi bé lại
Làm mưa tan giữa trời…
(Biết đâu nguồn cội)

Ít thấy nhịp thơ sáu chữ ở Trịnh Công Sơn, nhưng không phải là không có. Câu thơ sáu chữ xuất hiện đan xen trong nhiều bài thơ của anh thường tạo được hiệu quả lạ, như một dấu nhấn của cảm xúc và ý tưởng. Ví dụ như trong bài Nhìn những mùa thu đi, sau mỗi câu năm chữ là câu sáu chữ khá hay: “… Em nghe sầu lên trong nắng… Nghe tên mình vào quên lãng… Tay trơn buồn ôm nuối tiếc”.

Bài Ru em là một bài thơ lục ngôn từ đầu đến cuối:

Ru em ngủ những đêm khuya
Ru em ngủ những âm u
Ru em cùng những u mê
Ru em dù đã chia xa…

Nhân nói đến thơ lục ngôn; bỗng nhớ đến một bài thơ nhịp 3 hết sức đặc biệt của Trịnh Công Sơn. Đó là bài Mưa hồng:

Trời ươm nắng
Cho mây hồng
Mây qua mau
Em nghiêng sầu
Còn mưa xuống
Như hôm nào
Em đến thăm
Mây âm thầm
Mang gió lên…

Điều đó nói lên sự đa dạng và tài hoa của Trịnh Công Sơn khi sử dụng thi điệu, bởi thơ nhịp 3 thường tươi vui nhí nhảnh, mà ở đây lại tả cái tâm trạng thương nhớ xa xăm: “Người ngồi xuống/Xin mưa đầy/Trên hai tay/Cơn đau dài”…). Nhịp thơ thất ngôn là một sở trường của Trịnh Công Sơn. Dường như anh thẩm thấu Đường thi, nhưng hơi thở thì đã khác. Những câu thơ bảy chữ vào bài hát của anh rất tự nhiên. Nhiều bài thơ (bài hát) đã mở đầu bằng câu thơ bảy chữ thật nhẹ nhàng như chẳng có một cố ý nào. Có thể dẫn ra nhiều những trường hợp như vậy: “Một đêm bước chân về gác nhỏ”, “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”, “Trên đời người trổ nhánh hoang vu”, “Người đi quanh thân thế của người”, “Vẫn thấy bên đời còn có em”…
Cũng là thơ thất ngôn, nhưng cách gieo nhiều vần bằng liên tiếp theo cảm hứng âm nhạc, đã khiến cho thơ anh không bị gò ép vào khuôn thước cổ thi, mà thoát ra, phong quang và mềm mại hẳn lên. Có những đoạn thơ chỉ gieo toàn vần bằng:

Màu nắng hay là màu mắt em
Mùa thu mưa bay cho tay mềm
Chiều nghiêng nghiêng bóng nắng qua thềm
Rồi có hôm nào mây bay lên
Lùa nắng cho buồn vào tóc em
Bàn tay xôn xao đón ưu phiền
Ngày xưa sao lá thu không vàng
Và nắng chưa vào trong mắt em

Cũng có khi, thơ thất ngôn của anh được gieo vần trắc:

Em đi biền biệt muôn trùng quá
Từng cơn gió và từng cơn gió
Em đi gió lạnh bến xa bờ
Từng nỗi nhớ trùng trùng nỗi nhớ

Lại có khi thơ thất ngôn được tổ chức theo từng khổ ba câu với những hình ảnh thật đẹp, thật lạ như: “lòng như khăn mới thêu”, “lòng như nắng qua đèo“, chỉ đọc một lần là bâng khuâng xao xuyến mãi:

Mười năm xưa đứng bên bờ dậu
Đường xanh hoa muối bay rì rào
Có người lòng như khăn mới thêu
Mười năm sau áo bay đường chiều
Bàn chân trong phố xa lạ nhiều
Có người lòng như nắng qua đèo

Các thi ảnh vừa tươi mới vừa lạ lùng cứ nối tiếp nhau hiện lên trong thơ Trịnh Công Sơn để đẩy tứ thơ đến tận cùng bất ngờ: “Có một dòng sông đã qua đời“. Tại sao dòng sông lại qua đời? Phải chăng, đấy chính là dòng sông biểu tượng cho tình yêu đã cạn!

Trịnh Công Sơn thuộc thế hệ những người mê đắm Thơ Mới, và thể thơ tám chữ mà các thi sĩ của phong trào Thơ Mới đã có công cải hóa và Việt hóa từ thơ Pháp có một nhịp điệu dễ mê hoặc lòng người. Trịnh Công Sơn tiếp thu nhịp điệu này, và chính âm nhạc đã thêm một lần nữa làm thơ tám chữ:

Một lần chợt nghe quê quán tôi xưa
Giọng người gọi tôi nghe (tiếng) rất nhu mì
Lòng thật bình yên mà sao buồn thế
Giật mình nhìn tôi ngồi hát bao giờ
(Bên đời hiu quạnh)

Hoặc dùng lại đúng cái nhịp Thơ Mới vẫn thường dùng, nhưng tinh thần thì đã khác:

Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng
Em là tôi và tôi cũng là em
(Tôi ơi đừng tuyệt vọng)

Một thi sĩ với rất nhiều cung bậc trong điệu nhạc tâm hồn, Trịnh Công Sơn thả sức bay lượn trong các nhịp thơ tự do đầy phóng túng. Những câu thơ dài ngắn khác nhau cứ tung tẩy trong các bài thơ tự do của anh. Khi thì triết lý:“Tình yêu như trái phá con tim mù lòa“, khi thì lộng lẫy: “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay“, khi thì trùng điệp: “Bốn mùa thay lá thay hoa thay mãi đời ta”, “Rừng núi dang tay nối liền biển xa – Ta đi, vòng tay lớn mãi để nối sơn hà“, khi thì gập ghềnh mệt mỏi: “Ngựa buông vó/ Người đi chùng chân đã bao lần/ Nửa đêm đó/ Lời ca dạ lan như ngại ngùng/ Vùng u tối/ Loài sâu hát lên khúc ca cuối cùng“, và có khi nhịp điệu trôi xa như sông bỗng quay về gần gũi như mưa:

Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ
Ôi những dòng sông nhỏ Lời hẹn thề là những cơn mưa

Dù là phóng túng trong thơ tự do, nhưng vần điệu và ý tưởng lạ và đẹp ở thơ anh giống như chiếc neo thuyền, neo vào lòng người để nó chẳng bao giờ trôi đi vô vọng.

Có lẽ Trịnh Công Sơn là nhà thơ được người ta thuộc nhiều nhất. Điều đó không lạ, bởi thơ anh luôn có sự truyền tải diệu vợi bằng âm nhạc của chính anh. Nhưng cũng có thể nói ngược lại, âm nhạc của Trịnh Công Sơn luôn được thơ nâng cánh. Trong ca từ của anh có rất nhiều những câu thơ thật hay như:

- Sống trong đời sống cần có một tấm lòng
Để làm gì em, biết không?
Để gió cuốn đi!

- Làm sao em biết bia đá không đau
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau

- Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi

- Mùa xanh lá
Loài sâu ngủ quên trong tóc chiều

- Mây che trên đầu và nắng trên vai
Đôi chân ta đi sông còn ở lại
Con tim yêu thương vô tình chợt gọi
Lại thấy trong ta hiện bóng con người

- Chiều nay em ra phố về
Thấy đời mình là những quán không
Bàn im hơi bên ghế ngồi
Ngày đi đêm tới đã vắng bóng người

- Bàn chân ai rất nhẹ
Tựa hồn những năm xưa

- Áo xưa dù nhầu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau

- Mẹ là nước chứa chan
Trôi giùm con phiền muộn
Cho đời mãi trong lành
Mẹ chìm dưới gian nan

- Hà Nội mùa thu
Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ
Nằm kề bên nhau
Phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu …
Nhớ đến một người để nhớ mọi người…

Có một tập ca khúc thời trẻ của Trịnh Công Sơn mang tên là Kinh Việt Nam. Phải chăng, trong sâu thẳm lòng mình, anh khao khát sáng tạo ra những bài kinh cầu cho dân tộc, cho tình yêu và cho thân phận? Đây chính là bài kinh cầu bên bờ vực linh hồn cần được cứu rỗi. Những bài kinh ấy chính là những bài thơ còn lại của Trịnh Công Sơn với một niềm yêu tin “gần như là tuyệt vọng” đã vượt lên số phận chia sẻ với đương thời và hậu thế, đấy là lòng tin vào con người khởi nguồn từ dòng cảm xúc tự nhiên, vượt qua cả tôn giáo và định kiến, bởi vì hương thơm đã sẵn đốt trong hồn (chữ của Chế Lan Viên). Cũng với một lòng tin như vậy, tôi xin mạn phép đổi một chữ trong câu thơ của anh để tạm kết thúc bài viết này:

Ngày sau sỏi đá cũng cần có THƠ!



Nhà thơ – Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo
(Báo Văn Nghệ 23-08-2002)






















Trong số những bóng hồng đi vào nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn không có Khánh Ly – người phụ nữ thân thiết, “một người bạn của định mệnh vĩnh viễn thương yêu nhau”. Nhưng Khánh Ly lại thấy trong tất cả các ca khúc của Trịnh đều có bóng dáng của mình.

Có một thời, Trịnh sáng tác chỉ để Khánh Ly ca. Mười năm gắn bó “duyên tình âm nhạc” để làm nên một “nữ hoàng chân đất”, một Khánh Ly hát nhạc Trịnh mãi về sau khó có giọng ca nào vượt qua…



Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thời trẻ.


Giọng ca Đà Lạt thành… “nữ hoàng chân đất”

Nhớ về Trịnh, Khánh Ly tiết lộ, Trịnh Công Sơn gặp chị trong hộp đêm Tulipe Rouge tại Đà Lạt. Thời gian ấy, nhiều người nói, Trịnh Công Sơn đang đắm say với giọng hát Thanh Thuý “liêu trai” nhưng khi nghe giọng hát Khánh Ly, ông đã bị hút hồn và tìm cách gặp chị. Những bạn bè của Trịnh cũng từng xác nhận chuyện này, vào năm 1965 tại Đà Lạt mộng mơ, Trịnh Công Sơn tình cờ nghe được giọng hát Khánh Ly. Ông biết ngay giọng hát của cô ca sỹ này hợp với những bản nhạc của mình nên mời chị tham gia. Thời gian sau, Khánh Ly rời Đà Lạt xuống Sài Gòn và trở thành giọng ca chuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn.

Khi Trịnh Công Sơn gặp Khánh Ly, chị chưa nổi tiếng, đến cuối năm 1965, họ có buổi ra mắt đầu tiên tại trường Đại học Văn khoa với hàng ngàn sinh viên và trí thức. Bằng chiếc đàn thùng đơn giản, Khánh Ly hát say xưa những bài tự tình quê hương và thân phận con người đã làm đắm say hàng ngàn khán giả cuồng nhiệt đêm đó. Cứ thế, những buổi biểu diễn liên tiếp tại các trường đại học, các tụ điểm ca nhạc công cộng khiến Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trở thành hiện tượng âm nhạc, và trở thành thần tượng của giới trẻ khi ấy.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thường đi hát không công, không thù lao chủ yếu cho khán giả trẻ nơi giảng đường của các trường đại học. Trịnh Công Sơn dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng, giọng nói nhỏ nhẹ xứ Huế với cuộc sống của một lãng tử. Khánh Ly khi hát đi chân đất, khiến khán giả quen, yêu quý mà gọi chị là “nữ hoàng chân đất”. Chị hát bằng cả tấm lòng người nghệ sỹ yêu hết mình những giai điệu của nhạc Trịnh. Nhiều văn nghệ sỹ khi ấy, coi họ là một hình ảnh lý tưởng cho nghệ thuật, nhất là nghệ thuật ca hát – mang lý tưởng nhân đạo và tình yêu thể hiện sự dấn thân.

Kể lại thời kỳ những năm 60 cơ cực, đói khổ nhưng đầy hạnh phúc ấy, Khánh Ly nói: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào. Thời ấy, tôi phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết đến ai cả, mà vẫn cảm thấy mình cực kỳ hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn”.

Hai người đi với nhau tạo thành hình ảnh “lứa đôi”, một đôi trai gái trong tình bạn trong sáng, hồn nhiên. Khánh Ly – Trịnh Công Sơn tạo thành một đôi bạn trẻ muốn phá vỡ quan niệm xưa cũ. Trong dư luận khi ấy, không ít người tò mò, định kiến, nhưng Trịnh là người tiếng tăm mà không tai tiếng, ngay từ thời đó, Trịnh khẳng định: “Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn”.

Bóng dáng ngập tràn nhưng không có… cuộc tình

Trong những tuyệt phẩm của Trịnh luôn có những bóng hồng, khi sâu sắc, lúc thoáng qua như hư ảo. Nhưng những bóng hồng ấy vẫn gọi được thành tên, gọi chung cho những cuộc tình đôi khi chỉ là chút tình nghệ sỹ đơn phương hay nhè nhẹ như chút nắng cuối thu. Riêng Khánh Ly không có cuộc tình với Trịnh Công Sơn, song định mệnh đã gắn kết hai người bằng tình yêu ca hát. Khánh Ly giã từ Đà Lạt theo Trịnh Công Sơn về Sài Gòn khi mới hơn 20 tuổi.

Nhiều người đã cho rằng trời sinh ra Khánh Ly để hát nhạc Trịnh Công Sơn. Chị yêu thương Trịnh như một người bạn, một người anh, một người thầy…. Đôi khi trước mặt những người khác, Trịnh vẫn la rầy Khánh Ly như một cô học trò nhỏ. Khánh Ly cũng chỉ biết cười buồn.

Không duyên tình lứa đôi, nhưng Khánh Ly và Trịnh Công Sơn gắn bó với nhau bằng định mệnh. Hơn 17 năm, sau ngày Khánh Ly rời Việt Nam, họ gặp lại nhau tại Canada. Đối diện với Trịnh, chị vẫn nhỏ bé như ngày xưa, luôn yêu thương và kính trọng…

Mong ngày trở về

Mấy năm gần đây, những danh ca hải ngoại về nước biểu diễn ngày càng nhiều, khán giả trong nước đã chờ sự trở về của Khánh Ly. Khi tôi có cuộc trò chuyện với danh ca Thanh Tuyền và hỏi về đời sống của các ca sỹ hải ngoại trước năm 1975, (nhất là Khánh Ly sao chưa về nước) chị nói: “Khánh Ly đã 67 tuổi rồi, cũng mong được về nước để hát trên mảnh đất quê hương. Chị ấy muốn về trước khi quá muộn”. Trong cuộc trò chuyện với tôi qua điện thoại, Khánh Ly cũng cho biết cuộc sống gia đình giờ đã quá ổn định, các con đã trưởng thành và cũng mong ngày trở về.

Khánh Ly nhớ lại: “Chúng tôi ôm choàng lấy nhau, lúc này tôi mới cảm nhận chúng tôi thật sự có nhau, không phải trong một giấc mơ kéo dài 17 năm. Hình như chúng tôi có cách nói mà chỉ hai chúng tôi mới hiểu được. Một cách nói ở bốn con mắt im lặng… Tất cả những điều cần nói, chính là những điều không bao giờ nói bằng lời”.

Họ đi dạo, im lặng bên trời Tây xa lạ mà cảm thấy gần gũi nhau như thuở người từ Sài Gòn ra Huế thăm nhau. Khánh Ly đã chia sẻ về buổi gặp nhau ấy: “Bao nhiêu ngày tháng đi qua giữa chúng tôi. Anh vẫn không bao giờ thay đổi, tôi cũng thế. Cả hai không thắc mắc về đời sống của nhau bởi 30 năm trước không hỏi thì 30 năm sau cũng không hỏi… Tôi quý những giây phút ở bên anh và tôi nghĩ, anh sẽ nói với tôi điều cần nói, nếu có”.

Với Trịnh Công Sơn, một điều chắc chắn bất cứ một người con gái nào đến với ông, đem đến cho ông dù một chút tình vẫn được ông nâng niu đón nhận. Còn riêng với Khánh Ly, ông coi đó là cuộc gặp gỡ của định mệnh vĩnh viễn yêu thương nhau. Một người hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh – hay nhất. Cảm nhận điều ấy, Khánh Ly luôn khẳng định ở họ là “mối liên hệ cao hơn, đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn là những tình cảm đời thường”.

Mười năm bên cạnh Trịnh Công Sơn, Khánh Ly đã gắn với tên tuổi của Trịnh đến nỗi không thể tách rời. Khánh Ly vẫn nói: “Tuy không có một ca khúc nào của Trịnh Công Sơn viết riêng cho tôi, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng hầu hết những ca khúc của Trịnh Công Sơn đều được viết cho Khánh Ly”. Cũng có lẽ vì thế, Khánh Ly là một trong số những người hiểu rất rõ ca từ, cũng như tâm ý phần lớn ca khúc của Trịnh.

Sau năm 1975, Khánh Ly ra hải ngoại, đi khắp thế giới với nghiệp cầm ca nhưng không bao giờ chị rời bỏ tên Trịnh Công Sơn bên cạnh cuộc đời của mình. Ngày 1/4/2001, khi Trịnh Công Sơn nằm xuống, Khánh Ly đã từng nói rằng: “Tôi đã chết nửa cuộc đời theo Trịnh Công Sơn!”.

Cuộc điện thoại nửa vòng trái đất nghe Khánh Ly mở lòng về sự “thành nhân” và “thành danh”

Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai sinh năm 1945 tại Hà Nội. Từ nhỏ chị theo gia đình vào sinh sống tại Đà Lạt và hiện đang sống tại Mỹ. Cách nhau nửa vòng trái đất, tôi gọi điện cho Khánh Ly khi ấy ở Việt Nam đã gần trưa cũng là lúc gần khuya của giờ Mỹ ngày hôm trước. Giọng nói truyền cảm của Khánh Ly, qua điện thoại rõ ràng, không khác là bao khi chị cất giọng hát trên sân khấu. Tôi hỏi thăm sức khoẻ, Khánh Ly cho biết, chị vẫn tham gia những chương trình ca nhạc ở hải ngoại. “Dù đã có tuổi, nhưng khán giả vẫn thương, mỗi tuần Khánh Ly vẫn nhận show và đi diễn khắp nơi như ở Mỹ, châu úc, châu Âu. Chương trình gần nhất, Khánh Ly sẽ đi hát cho kiều bào ở Thái Lan”, Khánh Ly cho biết. Khánh Ly cũng chia sẻ, trong những chương trình chị biểu diễn khán giả vẫn muốn được nghe những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Mỗi lần cất lên lời ca của nhạc Trịnh, cho dù ông đã đi xa, Khánh Ly thể hiện như một tấm lòng tri ân với người mà “từ ông tôi thành danh và quan trọng hơn cả là tôi được thành nhân”, chị nói.


Vương Hà
Theo Người đưa tin















Bài hát đầu tiên
Sâm Thương


Năm 1958, Sơn sáng tác ca khúc Ứớt Mi được Nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sàigòn năm 1959. Thật ra, theo như lời Sơn kể lại thì trước đó Sơn cũng đã sáng tác một số bài như Sương Đêm, Chơi Vơi… “Rất nhiều bài hát đã được viết trước bài ‘‘ Ướt Mi” nhưng riêng bài Ướt Mi thì tồn tại như một số phận của nó và của tôi”(1), do đó có thể coi Ướt Mi là tác phẩm đầu tay của Trịnh Công Sơn chính thức được công bố.

Trong một tối, Trịnh Công Sơn đã cùng một vài người bạn đến Mỹ Cảnh, một phòng trà nổi tiếng của Sàigòn thời ấy để uống rượu và nghe nhạc. Tình cờ Sơn được nghe tiếng hát của một ca sĩ chỉ mới 15 tuổi, người Huế : Thanh Thúy, người mà Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã dành một chương trong trong tác phẩm Nhận Định IV (2) mang tên Ảo Ảnh Thanh Thúy để viết về cô:

“ (…) Thường một ca sĩ ra hát, bao giờ cũng cố gắng làm sao cho người khác để ý đến mình, không những chỉ bằng sự hiện diện trước mặt họ mà còn bằng những cử động, những cái nhìn, nụ cười chiếu thẳng vào khán giả mong làm hài lòng khán giả như mời gọi, quyến rũ. Đứng trước máy vi âm, ca sĩ chú ý đến khán giả mong làm hài lòng khán giả bằng sự phô trương tất cả con người của mình.

Trái lại Thanh Thúy ra hát, dĩ nhiên cũng là hát cho khán giả, nhưng làm ra vẻ không chú ý đến khán giả, không tự giới thiệu, đi đến với khán giả bằng cử chỉ nụ cười, cái nhìn Thanh Thúy e lệ, kín đáo, bước ra rụt rè như con cò, tiến đến gần máy vi âm, mà không đưa mắt nhìn vào khán giả. Lúc hát không làm một cử động nào, hai tay luôn luôn nắm lấy cây sắt của máy vi âm, mắt nhìn xuống đất hoặc nhìn ngang, thỉnh thoảng mới nhìn lên lướt qua rất nhanh khán giả mà không cố ý nhìn một ai. Thanh Thúy không nhìn ai, để trở thành vật được nhìn của tất cả. Hình như đôi lúc Thanh Thúy lại nhắm mắt hay chỉ mở lim dim…

(…) Đứng trướcThanh Thúy, nghe Thanh Thúy hát những bài buồn buồn bằng một giọng trầm, với những nét mặt xa vắng, khán giả như thấy bị lôi kéo về một dĩ vãng xa xôi nhưng cũng rất gần gũi quen thuộc, một dĩ vãng dệt một hình ảnh rung động, cảm nghĩ gắn liền với lịch sử đất nước, với thôn quê , đồng ruộng , với sông Hương , núi Ngự, tiêu biểu cho những gì là dân tộc, cá tính địa phương về mặt tiêu cực: một nỗi buồn man mác, cô tịch, trầm lặng, vô định…Thanh Thúy là hiện thân của nỗi buồn đó. 

Giọng ca trầm buồn và phong cách trình diễn của Thanh Thúy đã gây cho Sơn một ấn tượng đặc biệt. Ngay trong đêm nhạc đó, Sơn đã viết một mảnh giấy nhỏ đề nghị Thanh Thúy hát bài Giọt Mưa Thu của Đặng Thế Phong. Thanh Thúy nhỏ nhẹ cám ơn, rồi cất tiếng hát. Khi hát do có tâm sự riêng, nghe đâu cha cô vừa mất trước đó vài tháng và mẹ cô bị lao phổi đang trong tình trạng trầm trọng. Cô đã không kiềm chế được cảm xúc, cứ để cho tình cảm tràn đầy, cô vừa hát vừa khóc.

Sau khi quay về Huế, có lẽ vào một đêm mưa, cơn mưa của Huế, Sơn đã nhớ lại những giòng nước mắt lăn dài trên má của cô ca sĩ trẻ với số phận bất hạnh, “những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ.

Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia (3).

Những giọt nước mắt đó đã trở thành một ám ảnh, một thôi thúc làm bùng lên ngọn lửa sáng tạo đang âm ỉ cháy trong Sơn. Và, Sơn đã viết ra như không kiềm giữ được:

Buồn ơi trong đêm thâu
Ôm ấp giùm ta nhé
Người em thương mưa ngâu
Hay khóc sầu nhân thế
Tình ta đêm về có ấm
từng cơn mưa em chưa (…)
Ướt Mi (4)

Bài hát Ướt Mi ra đời trong một hoàn cảnh như thế, và nó đã được giới trẻ miền Nam đón nhận nồng nhiệt vào những năm 1959-1960, đặc biệt khán giả Nhật Bản cũng rất thích bản nhạc này, một phần do dàn nhạc giao hưởng của Nhật đã thu và trình diễn. Với âm điệu đó, ngôn từ đó hình như anh đã nói thay họ những gì trong cái góc riêng tư, sâu kín nhất nhưng lại như có vẻ giản dị, dễ cảm thông mà họ không thể nói được.

Tiền bản quyền của ca khúc Ướt Mi mà Nhà xuất bản An Phú đã trả cho Sơn là 5.000 đồng (5), một số tiền quá lớn. Anh đã bất ngờ với số tiền mà mình nhận được. “Dạo ấy, trong đầu hoàn toàn chưa có một khái niệm nào về tiền tác quyền. Ở tuổi hai mươi, trong tâm trí đang còn phơi phới những ý đồ hiệp sĩ. Số tiền năm ngàn hồi ấy quá lớn đã được dùng một phần tặng người ca sĩ và phần còn lại chia đều cho các bạn cùng ở trọ. Mỗi tháng tiền ăn ở cho một học sinh, sinh viên chỉ có năm sáu trăm đồng.

Nguồn cảm hứng đầu tiên ấy đã làm cơ sở cho một loạt những cảm xúc khác thành hình. Như một khu rừng mùa thu yên tĩnh được một cơn gió thổi bùng lên đánh thức lớp lá vàng dậy, tâm hồn tôi đã bắt đầu biết xôn xao theo những tín hiệu, dù nhỏ nhất của cuộc sống. Tôi không còn nhìn ngắm cuộc sống một cách lơ đãng như trước nữa mà càng lúc càng thấy mình bị cuốn về phía những tình cảm phức tạp của con người.

Những trái cây đầu mùa ấy còn vụng về, chưa có vóc dáng riêng, nhưng nó mang đến niềm thích thú để từ đó sẵn lòng làm một cuộc hành trình dài lâu đi vào cái bề sâu của âm thanh và ngôn ngữ.” (6)

Một năm sau, năm 1959, một lần nữa, Sơn viết một bài khác, cũng để tặng người đã hát bài hát đầu tiên của mình. Bóng dáng người nữ ca sĩ nhỏ nhắn đêm đêm sau xuất hát hấp tấp bước vào ngõ tối trên đường Cao Thắng trở về nhà với mẹ. Đó là ca khúc Thương Một Người như để chia sẻ trên đôi vai cô ca sĩ trẻ sớm gánh chịu nỗi nhọc nhằn. 
Thương ai về ngõ tối 
Sương rơi ướt đôi môi
Thương ai buồn kiếp đời
lạnh lùng ánh sao rơi.
(...) 
Thương ai về xóm vắng 
Đêm nay thiếu ánh trăng
Đôi vai gầy ướt mềm 
người lạnh lắm hay không.
Thương một người (7)

Với Thanh Thúy, tình cảm mà Trịnh Công Sơn đã dành cho cô không biết có phải là tình yêu hay nỗi niềm cảm thông trước số phận nghiệt ngã của người đồng điệu? Hình như chính Sơn cũng không phân định được. 

Sâm Thương 


(1) Trịnh Công Sơn, Trịnh Công Sơn, Người hát rong qua nhiều thế hệ, Nhà Xuất Bản Trẻ, 2003, tr.16.
(2) Nguyễn Văn Trung, Nhận Định IV , Nam Sơn xuất bản, 1966, tr. 148-150.
(3) Trịnh Công Sơn, Sđd, Nhà Xuất Bản Trẻ, 2003, tr16.
(4) Trịnh Công Sơn, Ướt Mi, Nhà Xuất bản An Phú,1959.
(5) Theo thời giá năm 1956, một lượng vàng khoảng hơn 1.000 đồng .
(6) Trịnh Công Sơn, Trái Đầu Mùa, Bản thảo viết tay.
(7) Trịnh Công Sơn, Thương một người, Nhà xuất bản An Phú, 1960.














Về Một Quãng Đời Trịnh Công Sơn


Kỳ 1:


Trịnh Công Sơn đã nằm xuống...

Cát bụi trở về với cát bụi.
Xong một kiếp người.

Nhưng đằng sau ông, vấn đề vẫn chưa xong. Người khen ông rất nhiều. Kẻ chê ông cũng lắm. Dù khen hay chê, mọi người đều phải công nhận tài năng âm nhạc của ông. Cái đó đã hẳn. Không bàn ở đây. Vấn đề đang tranh cãi được đặt ra ở đây: Trịnh Công Sơn có là Cộng Sản hay không? Hay chỉ là nạn nhân đi giữa hai lằn đạn? Như ông Trịnh Cung và một số người đã nêu!

Người viết bài này có dịp gần gũi và sống chung với Trịnh Công Sơn một thời gian, từ năm 1962 đến 1967, nên biết được đôi điều về cuộc đời thường của nhạc sĩ họ Trịnh này. Nhân ngày ông qua đời, một số thân hữu yêu cầu tôi viết lại những kỷ niệm vui buồn với người quá cố để anh em hiểu thêm về một thiên tài âm nhạc. Và luận xem thử Trịnh Công Sơn có là Cộng Sản hay thiên Cộng hoặc đi giữa ?




Từ trái sang phải: Nguyễn Hảo Tâm (hiện sống tại Austin, Texas), Nguyễn Thanh Ty (Tác giả viết bài này), Nguyễn Văn Ba, và Trịnh Công Sơn. Ảnh chụp năm 1964.



Tôi chưa hề viết văn. Mong rằng những dòng thô thiển dưới đây giúp ích được phần nào cho những ai thích sưu tầm tài liệu về cuộc đời người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh này. Miễn chấp cho chuyện chữ nghĩa.

Theo chỗ tôi biết, trong số những người viết về cuộc đời của nhạc sĩ họ Trịnh trong thời gian dạy học, chỉ có bốn người mới có thể có nhiều tài liệu sống về Trịnh Công Sơn, còn hầu hết đều cưỡi ngựa xem hoa, hoặc cặm cụi mày mò, đào xới trong các bài viết của nhiều người, cóp chỗ này một ít, chỗ kia vài chi tiết và đem các ca từ của họ Trịnh ra, sợi tóc chẻ làm tám, rồi dùng ngòi bút thần kỳ hô phong, hoán vũ, tô lục, chuốc hồng mà thôi.

Bốn người đó là: Hoàng Phủ Ngọc Tường - Khánh Ly - Trịnh Cung - Đinh Cường.

Thời gian Trịnh Công Sơn còn sống, báo chí hải ngoại viết rất nhiều về người nhạc sĩ này, cả khen lẫn chê, nhiều khi đến độ gay gắt. Tôi cố tìm đọc những bài của ông Đinh Cường để xem lập trường của ông, nhưng không thấy. Mới đây ông Nguyễn Văn Liễu tức họa sĩ Trịnh Cung có phát biểu một số điều tại Cali trong dịp tưởng niệm Trịnh Công Sơn. Trong đó có một số sự việc ông không phản ảnh đúng sự thật. Tôi nghĩ rằng ông quên hoặc ông suy diễn.

Mãi đến khi tờ Hợp Lưu, số 59, phụ trang đặc biệt Trịnh Công Sơn "Một cõi đi về", tôi mới được đọc một bài duy nhất của ông Đinh Cường. Cả hai ông Trịnh Cung và Đinh Cường đều nói là bạn lâu năm với Trịnh Công Sơn, từng cưu mang, chia ngọt, xẻ bùi cùng nhau cho đến ngày nhạc sĩ họ Trịnh từ giã cuộc đời. Nhưng tuyệt nhiên, người ta không thấy hai ông đả động gì tới vấn đề Trịnh Công Sơn có là Cộng Sản hay không?

Ca sĩ Khánh Ly hết lời ca tụng người nhạc sĩ này là điều đương nhiên, dễ hiểu. Nếu không có nhạc Trịnh Công Sơn chắp cánh cho Khánh Ly bay cao, thì suốt đời Khánh Ly chỉ là một cô bé "nhếch nhác", như lời ông Cung mô tả, ở tại Đà Lạt mà thôi. Ngược lại, nếu nhạc Trịnh Công Sơn không nhờ Khánh Ly "lăng xê chùa" trên Đài Phát Thanh Đà Lạt, ròng rã ba năm liền, từ 1964 đến 1967, và "đi chân đất" về Sài Gòn hát miễn phí cho sinh viên nghe thì liệu nhạc của họ Trịnh có được phổ biến rộng rãi như ngày nay không? Cần nhắc ở đây là trước 1964, từ cái thuở mới mười bảy tuổi, Trịnh Công Sơn đã có những bản nhạc rất hay như "Ướt Mi", "Thương Một Người", "Biển Nhớ", "Nhìn Những Mùa Thu Đi" mà nào có tăm tiếng gì. Có chăng là những bạn bè trong giới Sư phạm hoặc một vài thân hữu chuyền tay nhau hát!

Người có thẩm quyền nhất để giải đáp thắc mắc của nhiều người liệu Trịnh Công Sơn có là Cộng Sản hay không chính là Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhưng đến giờ này, tôi không thấy ông lên tiếng xác nhận. Hoặc có mà tôi không biết chăng?

Hai Năm Tại Trường Sư Phạm Qui Nhơn 1962-1964:

Tôi học chung một khóa Sư phạm với Trịnh Công Sơn. Khóa I, ngày 22 tháng 4 năm 1962, khóa đầu tiên được mở ra tại thành phố Qui Nhơn, tỉnh Bình Định. Tên gọi khóa học là "Thường Xuyên", học hai năm, để phân biệt với "Khóa Cấp tốc", học một năm. Tiêu chuẩn tối thiểu để nộp đơn là Tú Tài I. Tuy nhiên khóa đầu tiên ấy đa số đã có Tú Tài II. Một vài người đã có một, hai chứng chỉ Đại học. Sĩ số giáo sinh là ba trăm người. Đa phần là người Huế, tỷ lệ có lẽ chiếm 60%. Số còn lại rãi rác ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa... lên tận các tỉnh cao nguyên Đà Lạt, Lâm Đồng, PleiKu, KonTum...

Trịnh Công Sơn theo ban Pháp văn. Tôi theo ban Anh văn. Hiệu trưởng là thầy Đinh Thành Chương. Ông này rất tôn sùng Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Mỗi sáng thứ hai, chào cờ, Ông thường có những bài phát biểu trước giáo sinh, ca tụng công đức Ngô Chí Sĩ hết lời. Ngược lại, em Ông, giáo sư Đinh Thành Bài lại thiên Cộng. Trong những giờ dạy Sư phạm lý thuyết, thầy thường xen vào những lời ca ngợi chế độ Cộng Sản.

Năm 1963, phong trào Phật Giáo nổi lên, lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm. Một nhóm giáo sinh tổ chức tố khổ thầy Đinh Thành Chương, buộc Ông phải từ chức. Trịnh Công Sơn cũng bị lôi kéo theo trong vụ này. Mấy tuần sau, Bộ Giáo Dục phải bổ nhiệm giáo sư Mẫn mới từ Hoa Kỳ về, thay thế thầy Chương, nội vụ mới êm.

Còn nhớ, ngày nhập học đầu tiên, thầy Đoàn Nhật Tấn, dạy môn tâm lý giáo dục, đọc tặng học trò hai câu thơ:

Dưa leo chấm với cá kèo,
Bởi con nhà nghèo mới học Normal ! (Sư phạm)

Đúng vậy! Đa số chúng tôi lúc ấy đều là con nhà nghèo. Hoặc học hành dang dở, hoặc cha mẹ không đủ khả năng tài chánh để gửi con ra Huế hay vào Sài Gòn tiếp tục học lên Đại học. Vì vậy chúng tôi đều cố thi vào Sư phạm để chắc chắn rằng sau hai năm sẽ có công ăn việc làm cho bản thân và có thể giúp gia đình. Tưởng cũng nên nói rõ ở đây tại sao chúng tôi cố thi vào Sư phạm. Thời gian đó hai ngành Y Tế và Giáo dục rất thiếu nhân viên. Khóa nào vừa đào tạo xong là được bổ nhiệm đi làm ngay. Trong khi các ngành khác như Công Chánh, Nông-Lâm-Súc, Kỹ Thuật Phú Thọ...ra trường, nằm nhà mấy năm vẫn chưa được bổ nhiệm.

Có một nghi vấn ở đây: Không biết ông Trịnh Cung vin vào đâu mà bảo rằng Trịnh Công Sơn vào được trường Sư phạm Qui Nhơn để núp bóng là nhờ hai ông Tường và Kha giúp đỡ. Có lẽ ông Cung đã nghe ông Tường, ông Kha hay là Sơn kể lại chăng?

Nói thêm một chút về chuyện thi vào Sư phạm. Đề thi thật ra không khó, nhưng để lọt được vào cửa ải, mỗi thí sinh phải chọi lại ít nhất mười đối thủ. Tính từ Quảng Trị, Trung Trung Phần đến miền cao nguyên hơn mười bốn tỉnh, Bộ chỉ chọn có ba trăm người. Vậy theo tiết lộ của ông Cung, người ta nghĩ đến hai vấn đề:

1/ Ông Tường hoặc ông Kha đã thi dùm cho Sơn? Hoặc 2 ông có chân trong Ban Giám khảo, chấm cho Sơn đậu?

- Tại sao lại phải vào trường Sư Phạm núp bóng mà không là Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế? Nơi mà ông Cung với ông Cường theo học.

Ông Đinh Cường từng xác nhận là Sơn có tài hội họa, vậy thì thi vào Mỹ thuật có khó khăn gì, thi chi vào Sư phạm để phải nhờ đến sự giúp đỡ của hai ông Tường và Kha?

Thứ nữa, ông Cung chê nghề dạy học không xứng đáng với tài năng của Sơn (lúc ấy?). Và ông còn cho biết đã cưu mang Sơn.

Tôi không biết ông nói chữ "cưu mang" với một nghĩa nào. Theo chỗ tôi biết, đem chỉ số lương ra so sánh thì lương của Sơn phải hơn hẳn.

2/ Trịnh Công Sơn vào Sư Phạm để núp bóng. Cả hai ông Cung và Cường đều nói như thế. Vậy Trịnh Công Sơn vào Sư Phạm để núp ai? và núp cái gì? Sẽ có hai giải thích được đặt ra cho hai chữ "núp bóng"

a/ Sơn vào Sư Phạm để tạm thời trốn lính.

b/ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Nguyễn Văn Liễu (Trịnh Cung) và Đinh Cường đã có mưu đồ gài Sơn vào Sư Phạm để thực hiện sách lược "học đường vận"?

Giải thích một: không vững. Lúc đó Sơn đã có Tú Tài I. Đâu phải ở vào trường hợp "Rớt tú tài anh đi trung sĩ". Sơn có thể theo học bất cứ một trường Trung Học tư nào để thi lấy Tú Tài II vẫn được hoãn dịch theo luật định. Nếu cuối năm, thi hỏng, thì a-lê, mời anh vào Thủ Đức, vác Garant M1 đi "ắc ê" chín tháng quân trường. Sau đó mang lon chuẩn úy, đi "mút chỉ cà tha", bốn vùng chiến thuật, trả nợ nước non. Còn nếu anh bợ được cái Tú Tài II, thì anh cứ tà tà lên Đại Học. Chí ít cũng được hoãn dịch bốn năm nữa. Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đâu có chủ trương lùa hết trẻ, già, trai, gái, lớn, bé đi "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" như ở miền Bắc.

Ông Cường nói vì tình hình, thời cuộc lúc đó... lại càng khiên cưỡng. Những ai sinh từ năm 1940 trở về trước đều biết rất rõ rằng: Miền nam được hưởng một thời gian mấy năm rất thanh bình, kể từ ngày Ông Diệm chấp chánh (54-63) cho đến lúc Ông bị đám "Thập nhị Sứ quân" giết.

Giải thích hai: có lẽ thuyết phục hơn, nếu xét theo bề dày "thành tích" Sơn đã cúc cung tận tụy, phục vụ chế độ sau tháng Tư, bảy lăm. Nhưng suốt những tháng, năm sống chung với Sơn, tôi không thấy Sơn có một hành động cụ thể nào khả dĩ gọi là có vẻ "Việt Cộng". Trừ khoảng thời gian giữa năm 1965, Sơn nhận được nhiều thư từ của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường và tiếp theo là những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc bí mật tại một trang trại ở Phim Nôm, gần Tùng Nghĩa, Đà Lạt với một nhân vật, Sơn dấu tên. Sau đó, Sơn mới vội vã sáng tác tập "Ca Khúc Da Vàng" trong vòng có ba tháng hè năm 1965.

Loại trừ hai giải thích trên, Sơn vào Sư phạm với một lý do hết sức đơn giản là:

Dưa leo chấm với cá kèo.
Bởi con nhà nghèo mới học "Sư phạm".

(Cái sĩ diện hão của đa số người Huế cứ mơ về một thời vàng son làm "ôn" làm "mệ" cố che dấu cái hiện tại suy tàn đã đành. Còn ông Liễu là dân Nha Trang-Cầu Đá-Chụt chính tông mà cũng lập lờ "đánh bùn sang ao" quả là chuyện lạ).

Nhắc lại hai câu thơ của thầy Đoàn Nhật Tấn đã dẫn nhập để thấy rằng lúc ấy nhà Sơn đang lâm vào cảnh ngặt nghèo. Cha bị tai nạn mất sớm, gia đình khánh kiệt. Má Sơn phải chật vật lắm mới nuôi nỗi đàn con còn nhỏ dại. Sơn là con trưởng, phải bỏ dở chương trình học để lấy nốt cái Bac II Philosophie, về lại Huế để phụ giúp mẹ. Sư phạm Qui Nhơn là con đường ngắn nhất có thể giúp Sơn đạt được ý nguyện này. Những ngày mưa gió ủ ê, đất nhão, không đi ra ngoài được, nằm khoèo ở nhà, Sơn tỉ tê kể cho tôi nghe về cuộc đời của Sơn nhiều buồn vui lẫn lộn. Trong đó có cả điều thất vọng và thất tình về cô Diễm. Từ đó mới có bài ca thất tình diễm lệ "Diễm xưa".

Dù bất cứ ai, vô tình hay hữu ý, che dấu hay huyền thoại hóa Trịnh Công Sơn trong giai đoạn học Sư phạm và dạy học bằng những lý do rất "mờ mờ, ảo ảo" để đánh hỏa mù dư luận với mục đích thần tượng hóa đời thường của một nghệ sĩ, cũng cần cơm ăn, áo mặc... như mọi người, đều không giúp ích gì được trong việc cung cấp tài liệu để viết lại tiểu sử một người nghệ sĩ tài ba được nhiều người mến mộ. Có khi lại phản tác dụng.

(Đón đọc kỳ 2)



Nguyễn Thanh Ty
Tác phẩm đã được in thành sách năm 2004 bán với giá 17 đô-la Mỹ một cuốn kể luôn cước phí. Xin liên lạc với tác giả tại :


Nguyễn Thanh Ty 
69 Edwin St. 
N. Quincy, MA. 02171 - USA 
Phone: (617) 328- 9833





Kỳ 2















Cuộc gặp gỡ Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Nguyễn Duy


































































Trịnh Công Sơn & Dao Ánh (16 tuổi)



















Trịnh Công Sơn & Khánh Ly










Trịnh Công Sơn & Khánh Ly









Trịnh Công Sơn & Khánh Ly









Trịnh Công Sơn & Hà Thanh








Trịnh Công Sơn & Đinh Cường


























Trinh Công Sơn & Khánh Ly










Trịnh Công Sơn & Khánh Ly 
(hát tại quán Văn)



























Trịnh Công Sơn & Đinh Cường



















Trịnh Công Sơn & Văn Cao








Văn Cao & Trịnh Công Sơn








Văn Cao & Trịnh Công Sơn








Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Trịnh Cung, Văn Cao







Trịnh Công Sơn & Hoàng Phủ Ngọc Tường













Trịnh Hoàng Diệu, Trịnh Vĩnh Trinh, 
Trịnh Công Sơn































Trịnh Côn Sơn & Trịnh Vĩnh Trinh











Nhà thơ Vĩnh Nguyên, nhạc sĩ Việt Đức, Trịnh Công Sơn, 
nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo











Trịnh Công Sơn & Nguyễn Duy









(trái) Hs Tôn Thất Văn, Nhà thơ Nguyễn Duy, Hs Nguyễn Trung
Ns Trịnh Công Sơn (đứng)









Hs Lưu Công Nhân, Hs Trần Trung Tín, Hs Thái Tuấn
Ns Trịnh Công Sơn























Dao Ánh & Trịnh Công Sơn










Ca sĩ Hồng Nhung & TCS










Đỗ Quang Em, Phan Nguyên, Michico, Trịnh Công Sơn










Đinh Cường, Dương Tường, Trịnh Công Sơn, Trịnh Quang Hà, Phan Nguyên









trái: Lữ Quỳnh, Hoàng Tá Thích, Trịnh Công Sơn, Đình Cường, Trịnh Cung, Phan Nguyên, Trịnh Quang Hà, Dương Tường












Phan Nguyen vu par Trinh Cong Son
Saigon 1989














Đám tang Trịnh Công Sơn













Tham khảo thêm về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn





















Chính thức đặt tên đường Trịnh Công Sơn ở Huế



TTO - Trong cuộc họp chiều 17-3-2011, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chính thức thông qua việc đặt tên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho con đường mới mở ven sông Hương thuộc phường Phú Cát, TP Huế.




Con đường mới mở ven sông Hương đã được mang tên người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn - Ảnh: Thái Lộc


Con đường này dài 600m, khởi đầu từ cầu Gia Hội và điểm cuối giáp đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.


Trong kho tàng âm nhạc của Trịnh Công Sơn - cũng là một người con tài hoa của Huế, có nhiều tuyệt tác mang đậm chất Huế, ẩn chứa cốt cách, con người và phong cảnh của chốn thần kinh. Một con đường mang tên Trịnh Công Sơn ở Huế là lẽ xứng đáng đương nhiên. Đại diện gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - bà Trịnh Vĩnh Trinh - chia sẻ: "Gia đình rất xúc động khi nhận được tin này từ bạn bè thân hữu ở Huế, nhất là tên anh được đặt cho một con đường đẹp tại chính quê hương anh".


Đường Trịnh Công Sơn là một trong 68 con đường tại TP Huế vừa được HĐND tỉnh Thừa Thiên - Huế thông qua trong kỳ họp này. 










Anh Sơn vô tận bấy chầy
Tôi từ lẽo đẽo tháng ngày trải qua
Niềm thống khổ đứt ruột rà
Còn chăng? ấy chỉ một là là chi?

Bùi Giáng 



Bùi Giáng Bàng Dúi Búi Giàng
Ô hay trăm ngõ bàng hoàng lỗ không
Lỗ không trời đất ngỡ ngàng
Hóa ra thi thể là ngàn hư vô

.... 

Nhớ thương vô cùng là từ
Là từ vô hạn ứ ừ viển vông

Trịnh Công Sơn
điếu Bùi Giáng


















Mộ phần Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại nghĩa trang Gò Dưa, Thủ Đức









Trở về









MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.