Thứ Năm, 25 tháng 2, 2016

Tạ Tỵ (1921-2004)










Tên thật: Tạ Văn Tỵ
(1921 Hà Nội - 2004 Saì Gòn)
Hưởng thọ 83 tuổi
Họa sĩ, Nhà thơ, Nhà văn   










Những Con Đường Hà Nội

Nửa đêm không ngủ
Nhớ về Hà Nội mến thương
Hà Nội ơi Hà Nội
Tương tư thức trắng canh trường

Hà Nội của tôi
Của một triệu người lìa Hà Nội
Bỏ quê hương bỏ cả phố phường
Đánh mất tuổi thơ, chôn vùi kỷ niệm
Bỗng đêm nay sống lại trong tôi
Những con đường Hà Nội mến thân ơi

Hỡi những con đường
Có từ lúc tôi ôm bầu sữa mẹ
Những vỉa hè quen thuộc tự ngày xưa
Những vỉa hè phơi nắng dầm mưa
Chân chập chững theo chiều tay mẹ dắt
Rồi nhớn lên
Giữa những con đường dằng dặc
Tiếp nối nhau theo bờ ngói xiêu xiêu
Tiếp nối nhau như tay của người yêu
Truyền hơi thở khi gió mùa đến sớm

Những con đường
Những con đường rờn rợn
Tiếng chân người lạnh lẽo gõ đêm khuya
Nghe than van từng điệp khúc não nề
Nghe rỉ rả mưa phùn lầy lội
Nghe rụng xuống dưới chân tường xám hối
Những thân tàn rũ gục chết mùa đông
Từng âm thanh gờn gợn buốt trong lòng...

Hà Nội, ôi Hà Nội !
Hà Nội của tôi
Với hình ảnh Mẹ già khắc khoải
Với em thơ mòn mỏi đếm ngày xanh
Vọng tiếng thời gian bóng xế ngang mành
Nghe thương nhớ nghẹn ngào trong ngực
Đường phố cũ chôn vùi uất ức
Thanh xuân nào e ấp giữa bàn tay
Vào chợ đời đánh mất tuổi thơ ngây
Nhìn mắt trắng buồn tênh cười thế sự

Những con đường
Ôi, những con đường cũ
Chiều phế hưng nằm ngủ dưới thời gian
Lớp bụi đời phủ trắng màu tang
Trong im lặng của bao người Hà Nội
Mà năm tháng chưa xoá mờ tội lỗi
Cứ đêm đêm từ 5 cửa Ô xa
Hát vọng về theo những canh gà
Tiếng sênh phách hú hồn ma quỷ
Bánh xe nghiến mặt đường rền rĩ
Tóc ca nhi chảy ướt vũng bùn nhơ
Hà Nội ơi ! Vỡ nát cả mong chờ

Hà Nội, chao ôi Hà Nội
Hà Nội với những con đường đọng tím
Những con đường câm nín
Những con đường chết lịm ở tim tôi.
Tuổi hoa niên từng hát khúc yêu đời
Và nhảy múa khắp nẻo đường Hà Nội
Bao thương mến với bao nhiêu bối rối
Trôi về đây tàn phá cõi tâm linh
Trắng đêm thâu, trắng cả khối chân tình
Từng xác lá thu về vàng lối cỏ
Mùa úa héo dâng đầy đôi mắt nhỏ
Em ơi em ! Có biết thuở nào khuây
Nhớ thương nhau qua những cánh đêm gầy
Nhìn gương mặt hãi hùng sau giấc ngủ.

Ôi, Hà Nội
Ôi những con đường cũ
Đâu hàng Bông hàng Trống với hàng Khay
Đâu hàng Đào khoe nõn những bàn tay
Những đôi mắt nhìn nhau sầu ly cách
Nước Hồ Gươm còn xanh màu cẩm thạch ?
Tà áo ai còn đẹp buổi hoàng hôn ?
Nhớ thương xưa nhạt nắng những khung tường
Nghiêng nghiêng xuống mặt hồ ôm bóng nước

Những con đường
Những con đường năm trước.
Của ngày xưa, xa lắm Hà Nội ơi
Đêm nay về ngự trị giữa lòng tôi
Đêm nay về, với 5 cửa Ô nghẽn lối.
Thao thức mãi, từng canh gà báo vội
Rạng đông nào gối lệch tóc đêm sâu

Ở ngoài kia, bóng tối đã phai mầu !..

Tạ Tỵ


Trích trong thi phẩm Cho Cuộc Đời xuất bản năm 1966.
In lại tại Hoa Kỳ trong Tuyển Tập Tạ Tỵ.














 
Tiểu sử

Ông sinh ngày 3 tháng 5 năm 1921 (tức ngày 26 tháng 3 năm Tân Dậu) tại Hà Nội. Nhưng trong giấy khai sinh của ông lại ghi là ngày 24 tháng 9 năm 1922, vì khai muộn mất một năm.

Từ khi còn là một sinh viên, Tạ Tỵ đã thành danh khá sớm. Năm 1941, nhờ nhận một giải thưởng tranh, ông được đến thăm kinh đô Huế.

Năm 1943, ông tốt nghiệp tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. Và cũng năm này, bức tranh "Mùa Hè" của Tạ Tỵ đoạt một giải thưởng của Salon Unique.

Năm 1946, chiến tranh nổ ra giữa Việt Nam và Pháp, Tạ Tỵ cùng với nhiều hoạ sĩ Việt Nam khác, đã tham gia mặt trận Việt Minh chống Pháp và ông là người thầy dạy mỹ thuật đầu tiên trong Liên khu 3. Tác phẩm "Nhớ Hà Nội" năm 1947 (20 × 25 cm) được Tạ Tỵ vẽ trong giai đoạn này.

Tháng 5 năm 1950, Tạ Tỵ rời khỏi vùng kháng chiến để trở về Hà Nội. Ông viết cho một người bạn rằng "Cách suy nghĩ của tôi không hợp với kháng chiến sau mấy năm chung sống với họ".

Bắt đầu từ đầu thập niên 1950, ngoài tài vẽ chân dung hí họa, ông còn sáng tác trên nhiều lĩnh vực khác, như: truyện, thơ, kịch bản, bút ký...

Năm 1951, ông triển lãm 60 bức tranh tại Hà Nội.

Sau 1954, ông vào Nam và sống ở Sài Gòn. Ở đây ông đã phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc sau cùng là trung tá trong Tổng cục Chiến tranh Chính trị.

Năm 1956, ông triển lãm hơn 60 bức tranh đầu tiên tại Sài Gòn. Năm 1961, ông triển lãm lần thứ hai 60 bức tranh lập thể và trừu tượng cũng ở nơi đó.

Năm 1975, sau thời gian học tập cải tạo, ông cùng vợ con vượt biển đến Malaysia và đến định cư tại Hoa Kỳ.

Trong thời gian sống tại nước ngoài, Tạ Tỵ lại tiếp tục sáng tác. Năm 2003 sau khi vợ ông qua đời tại Hoa Kỳ, ông quyết định trở về Việt Nam với ước vọng sống những ngày cuối cùng ở quê hương mình.

Vào 10 giờ sáng 24 tháng 8 năm 2004 (mùng 9 tháng 7 năm Giáp Thân), Tạ Tỵ đã từ trần tại nhà riêng số 18/8 đường Phan Văn Trị, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, sau một cơn bệnh kéo dài do tuổi già, hưởng thọ 83 tuổi.











 Tạ Tỵ
 Hà Nội 1952





Tạ Tỵ và trường họa lập thể nhân cái chết của Picasso

BÁCH KHOA: Người ta thường cho rằng tranh của Họa sĩ Tạ Tỵ thuộc trường họa Lập-thể và chịu ảnh hưởng của họa sĩ Picasso vừa mới từ trần. Xin anh cho biết sự thực có thời kỳ nào anh về theo trường họa Lập thể hay không và tại sao anh lại chọn đường lối sáng tạo này?

TẠ TỴ: Trước hết, tôi xin cảm ơn Tòa soạn Bách-Khoa đã có nhã ý đặt ra câu hỏi trên, nhân dịp Picasso, nhà danh họa lớn của Thế kỷ 20, vừa qua đời, và tôi cũng mượn cơ hội này để bày tỏ cùng bạn đọc Bách Khoa một vài điều về đường lối sáng tạo của tôi trong địa hạt Tạo Hình. Từ lâu, tôi vẫn bị hiểu lầm là đại diện cho trường họa Lập Thể tại Việt Nam, do Picasso nhà danh họa đọa Tây Ban Nha khởi xướng đầu Thế kỷ thứ 20 này. Sự thực, không hẳn như vậy. Tôi đã đi qua rất nhiều trường họa (école) với mục đích để tìm tòi xem trường nào hợp nhất với khả năng chuyên môn và sở thích của riêng mình. Tôi đã bước vào trường Siêu Thực (surrealisme) từ năm 1941 ngay khi còn đang theo học tại Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà-nội. Qua năm 1943 tôi mới xô cửa bước vào khung trời của trường họa Lập Thể với mục đích đi tìm chiều thứ tư (4è dimension), tức là chiều động trong kỹ thuật tạo hình. Ở giai đoạn này, tôi chịu ảnh hưởng của G. Braque nhiều hơn Picasso. Lý do chủ quan, ở Braque, tôi thấy có một cái gì “trí thức” hơn, “Phương Đông” hơn Picasso. Nói về trường họa Lập Thể (Cubisme) mọi người thường chỉ nghĩ về Picasso (có lẽ nhà cố danh hoạ được ngôi sao tốt chiếu mệnh) nhưng đúng ra, người có công xây dựng và kiến tạo chung với Picasso để trường họa này mỗi ngày mỗi phát triển và đứng vững, lịch sử mỹ thuật nhân loại và giới yêu tranh không thể quên được G. Braque cùng một số nhà danh họa khác. Tôi chỉ dừng lại ở trường họa Lập Thể độ mươi năm. Sau khi đã tìm kiếm và nhận thấy những khuyết điểm, nhất là sự gò bó, không buông thoát của hình kỷ hà đối chiếu với sự vật vẫn-còn-nhận-được, qua cung cách cấu tạo tác phẩm, dù cho sự vật đã được biến chất bởi màu sắc và hình thể. Nhưng ở đó, phần tâm linh vẫn bị chìm khuất nhường chỗ cho qui tắc tạo hình. Nói như vậy, không có nghĩa tôi phủ nhận giá trị độc đáo của trường họa Lập Thể mà già nửa thế kỷ nay vẫn được sự hâm mộ của giới thẩm mỹ quốc tế, nhưng chính thực, để xác định, giá trị lịch sử của trường họa Lập Thể đã qua rồi, qua lâu rồi, do sự tiến hóa của Văn Nghệ nói chung.

– Như vậy hiện nay anh vẽ theo trường họa nào?

- Tôi đã rời xa trường họa lập thể từ gần 20 năm để tiến vào một khung trời khác của nghệ thuật tạo hình, đó là trường Trừu Tượng (abstrait). Tôi không muốn so sánh cái hay giữa các trường phái, vì mỗi trường phái có mặt để chứng minh một giai đoạn tiến hóa, và không có một trường phái nào toàn bích. Bên cạnh mỗi cái hay đều có cái dở mà chỉ ở trong nghề mới biết. Do vậy, quan niệm về cái Đẹp bao giờ cũng dừng lại ở ranh giới hiểu biết của mỗi người hoặc từng lớp người làm nghệ thuật hay thưởng ngoạn cũng vậy.

- Xin anh cho biết cảm tưởng của anh sau cái chết của Picasso, và cảm tưởng của anh đối với các họa phẩm của nhà danh họa này?

- Sự vắng mặt vĩnh viễn của nhà danh họa Picasso là một cái tang chung cho giới hội họa, ông mất đi để lại một sự nghiệp lẫy lừng và giữ trọn vẹn uy tín về nghề nghiệp, đó là một vinh dự chẳng những cho gia đình ông mà còn là tấm gương cho mọi nghệ sĩ, nếu muốn hy sinh đời mình cho nghệ thuật, cần phải biết kiên trì và tự vượt để tồn tại, như Picasso đã tồn tại dù hôm nay hay mai sau. Còn cảm tưởng của tôi đối với họa phẩm của Picasso, nói cho đúng, có nhiều tác phẩm của ông đã làm tôi rung động đến đáy sâu tâm thức như bức Les trois musiciens, Guernica v.v... nhưng bên cạnh đấy, cũng có nhiều bức chung chung. Một vài tác phẩm thuộc loại đồ gốm cũng lạ mắt và gây được cảm mỹ. Tôi thường nghĩ, một khi hỏi về Picasso là nói về khám phá sẽ có ích lợi nhiều hơn là phê bình vì phê bình đối với một danh họa lớn của nhân loại là một công trình chứ không phải và không thể chỉ là những dòng chữ vô trách nhiệm. Bài đó, xin hứa với độc giả Bách Khoa, nếu có dịp, tôi sẽ viết một loạt bài trên tạp chí này để giới thiệu các họa sĩ lớn và họa phái Âu Châu từ Trung Cổ tới tới Hiện đại.

BÁCH KHOA ghi lại
(Bách Khoa ngày 15-6-1973)








 
Tác phẩm








Hội Họa








Nhớ Hà Nội  











 
"Đàn bà" còn có tên là "Cô Đơn", tác phẩm tiêu biểu thời kỳ Lập Thể của Tạ Tỵ, 1951 
 
Năm 1951: triển lãm 60 bức tranh tại Hà Nội.
Năm 1956: cuộc triển lãm hơn 60 bức tranh đầu tiên tại Sài Gòn.
Năm 1961: Cuộc triển lãm lần thứ hai 60 bức tranh lập thể và trừu tượng ở Sài Gòn.

Tác phẩm của ông được trưng bày tại nhiều bảo tàng viện nghệ thuật quốc tế ở Tokyo, San Francisco, New York và Paris










 









 
Văn chương




 1
Những Viên Sỏi
(tập truyện)
Nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư 1962











 2
Yêu Và Thù
(tập truyện)
Nhà xuất bản Phạm Quang Khải 1970








 3
Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ

(nhận định văn học)
Phạm Duy Còn Ðó Nỗi Buồn
Nhà xuất bản Văn Sử Học 1971








 5
Cho Cuộc Đời
(thơ)
Nhà xuất bản Khai Phóng 1971









Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ Hôm Nay 

(Nhận định văn học)
 7
Bao Giờ
(tập truyện)
 Nhà xuất bản Gìn Vàng Giữ Ngọc 1972








 8
Ý Nghĩ 
(tạp văn)
Nhà xuất bản Gìn Vàng Giữ Ngọc 1974








 9
Ðáy Ðịa Ngục
(hồi ký)
Nhà xuất bản Thằng Mõ 1985








  10
Những Khuôn Mặt Văn Nghệ - Đã Ði Qua Ðời Tôi
(hồi ký)
11
Xóm Nhà Tôi
(tập truyện)
Nhà xuất bản Xuân Thu 1992







12
Một Chuyến Ngao Du
Nxb Xuân Thu














 Trịnh Cung ký họa




 
Tranh Tạ Tỵ 




 Năm 1951, Tạ Tỵ triển lãm tranh tại Hà Nội, có lẽ bức tranh sơn dầu mang tên Cô Đơn (67 x 54.5 cm) đã có mặt. Bức tranh Cô Đơn được nhà Sotheby đấu giá hồi tháng 4 năm 2000, và bán được với giá khá cao: 19.550 Singapore dollars. 


Trong catalogue của Sotheby đã nhận xét bức tranh: "Đây là một trong những tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ Lập Thể của Tạ Tỵ. Tác giả sử dụng tài tình những màu sắc mạnh mẽ, đặt nhân vật ngay vào ngay trung tâm bức tranh, những hình thể kỹ hà, chẳng hạn như việc xử lý mái tóc không tuân theo luật đăng đối, đường nét mạnh bạo của chiếc cổ và sự sắp xếp của khăn quàng thành những mặt cắt của một hình kim cương… tất cả bố cục này tạo thành một bức tranh Lập Thể độc đáo." 

Vào đầu thập niên 1960, Tạ Tỵ vẽ một loạt 50 chân dung của các nhân vật văn nghệ miền Nam Việt Nam. Đây là loạt tranh chân dung đầu tiên thể hiện những cá nhân độc đáo, trong một phong cách đặc biệt. Sự phối hợp truyền thần và phong cách Lập thể, những mảng màu tương phản gắt gao cắt nhau, nhằm bộc lộ cá tính và nghề nghiệp của nhân vật. 

Như bức tranh Chân dung Vi Huyền Đắc là một ví dụ. Vi Huyền Đắc vừa là nhà ngôn ngữ học, tự vị học và nhà viết kịch. Nhưng nơi con người có nhiều khả năng này, Tạ Tỵ đã chọn "nhà viết kịch" để thể hiện Vi Huyền Đắc: chân dung được trình bày bên cạnh bức màn sân khấu đỏ rực, cứ như Vi Huyền Đắc đang ở bên cánh gà. 

Bức Mùa hè đỏ lửa (1972, 350 x 170 cm), khi Tạ Tỵ trở về Việt Nam, bức tranh được đổi tên Cất Cánh, vẽ theo phong cách trừu tượng, được treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1998. Đây là bức tranh sơn dầu lớn nhất trong bộ sưu tập của nhà bảo tàng này.












































Khăn choàng , bột màu, 1956






















Thi sĩ Đinh Hùng 1964











Chân dung Vi Huyền Đắc




















Tạ Tỵ Sài gòn 1955
 
Thơ Tạ Tỵ
 
Thương về năm cửa Ô xưa
Tôi đứng bên này vỹ tuyến
Thương về năm cửa Ô xưa
Quan Chưởng đêm tàn dẫn lối
Đê cao hun hút chợ Dừa
Cầu Rền mưa dầm lầy lội
Gió về đã buốt lòng chưa?
Yên Phụ đôi bờ sóng vỗ
Nhị Hà lấp lánh sao thưa
Cầu Giấy đường hoa phượng vĩ
Nhớ nhung biết mấy cho vừa...
Cửa Ô ơi, cửa Ô
Năm ngả đường đất nước
Trôi từ vạn nẻo sông hồ
Nắng mưa bốn hướng đổ vào lòng Hà Nội
Gục đầu nhớ tiếng võng đưa!...
Có biết chăng ai, mái tóc bồng bềnh chảy xuôi ý đẹp
Có nhớ chăng ai, lệ nào ướt đẫm tình người
Tê tái tiếng cười
Từng cánh hoa đời khép lại
 
Đàn Tím
 
Một chiều xưa
em hát
tôi nghe
trong hơi thở
nén đau thương
em cười vỡ cung ngà
màu đàn
đỏ lên sắc máu
ở môi em
trong tim tôi
xa rồi ngày cũ
tay chùng cứa đứt lằn tay
tiếng nấc
nghẹn ngào khuôn ngực
(mùa thu đã chết
lá vàng thôi rụng em ơi)
Chiều nay
em không hát
tôi lặng ngồi
nhìn qua da trời bịnh tật
màu đàn tím ngắt
in trong ánh mắt
của em
của tôi
của những người
sống trong chờ đợi
buồn ơi!



Thương Về Mười Sáu
 
Đừng hát nữa để tơ sầu rối chỉ
để nhạc buồn đổ nặng xuống bờ mi
để âm thanh nức nở quá chu kỳ
vẫn chưa hết tuổi thương về mười sáu

Anh biết lắm nỗi đau còn ẩn náu
quẩn quanh đây đè nặng trĩu hai vai
mười ngón tay rung bắt bóng đêm dài
khói thuốc chẳng che mờ hai khuôn mặt

Để anh khỏi nhìn em bằng hố mắt
của giận hờn vì đánh mất ngày thơ
năm tháng dang tay chắn nẻo hẹn hò
tình chết yểu phai mờ gương hương sắc

Anh lang thang với u hoài dằng dặc
mênh mông về trán nhỏ đọng trời cao
cửa lòng anh bỏ ngỏ chẳng ai vào
bốn mùa lạnh gió lùa trong óc rỗng

Buồn thế kỷ anh chôn theo giấc mộng
cùng tình em dài lắm với mùa thu
cùng thơ anh với tất cả oán thù
tuổi mười sáu đi rồi không trở lại

Đừng hát nữa bây giờ và mãi mãi
đừng cho anh tuổi mười sáu ngày xưa
để nhớ thương xỏa tóc rợn âm thừa
từng ngón nhạc cong cong vào kỷ niệm

Anh mất em mà chẳng hề tìm kiếm
từ mùa xuân cho tới hết mùa đông
chỉ lắng nghe mưa gió buốt trong lòng
tay khờ dại thả hồn ra khỏi cửa

Để mười sáu không quay về lần nữa
tuổi học trò tóc kẹp với môi tươi
khép áo thời gian trắng nửa kiếp người
anh bắt gặp bóng mình in vách đá

Đời nghèo quá không cài hoa kết lá
để làm duyên ngày trẻ với em thơ
lỡ thanh xuân tàn lụi cả mong chờ
anh ôm mặt thương mùa thương mười sáu

Tạ Tỵ
(tập thơ Cho Cuộc Đời 1971)



Cho Em
 
Cho em tâm sự vơi đầy
Với bao dòng lệ hao gầy tuổi xanh
Cung buồn dìu tiếng lênh đênh
Tưởng đâu giây phút môi gần gũi môi
Mây đem nhung nhớ trong tôi
Hồn phiêu du gửi chim trời lên cao
Gió ru sóng liễu rạt rào
Êm êm năm tháng trôi vào hư vô
Có ai vui thuở đợi chờ
Vòng đôi tay nhỏ ôm bờ yêu đương
Mờ rung bóng dáng thiên đường
Len trong mộng cũ còn vương ý đời
Sầu lên khép kín nụ cười
Chập chờn điệu múa chơi vơi giữa hồn
Ngoảnh nhìn nắng quái hoàng hôn
Mang mang nhân thế nỗi hờn chớm đau
Thắp lên ánh nến nguyện cầu
Để cho hy vọng thấm màu thời gian
Lắng nghe lá đổ về ngàn
Cho em này nhé, muôn ngàn mến thương.


Cho Anh
Tặng Nguyễn Tử Đóa

Cho anh này cốc rượu đầy
Với năm tháng cũ với ngày buồn tênh
Cho anh tuổi trẻ phai dần
Cho anh cuộc sống nợ nần hôm nay
Hát ngao tan vỡ bóng ngày
Đêm về nhìn đốt ngón tay vẽ buồn
Dặm dài lối nhạt tơ vương
Dấu chân lãng đãng cuối đường nhân sinh
Vỗ tay mình lại gặp mình
Lỡ câu hò hẹn vỡ hình chiêm bao
Cho anh giọt lệ tuôn trào
Này đây tâm sự gửi vào hư không

Tạ Tỵ
(tập thơ Cho Cuộc Đời 1971) 









THU TRÊN ĐẤT LÀO
TẠ TỴ 


Thành phố Vạn-Tượng nằm dài trên bờ sông Mekong lững lờ chảy xuôi theo đôi bờ cát trắng.
Vạn-Tượng, Vạn-Tượng, xứ của Phật, của lòng tín ngưỡng vô biên giữa con người và đấng thiêng liêng.
Từng buổi sớm, có những nàng “phù sảo” xiêm y rực rỡ quỳ xuống ven đường dâng bình xôi ngang đầu, khi thấy bóng những chiếc áo vàng nghiêm trang mầu khổ hạnh đang từ từ đi sâu vào lòng thành phố. Nắng cuối thu trong như một hạt kim cương, lấp lánh, nhảy múa trên những nóc nhà rêu phong, khấp khểnh. Nắng đùa trên những ngọn phi lao cao vút đến trời xanh.
Vạn-Tượng, xứ của màu sắc, đất của ái tình. Con người lắng xuống, lắng xuống một quá khứ, mà ở đâu nền văn minh cơ khí hầu như không bao giờ xâm nhập qua ngưỡng cửa tâm hồn. Cuộc sống ở đây, dệt bằng thơ và mộng. Không có đấu tranh và chẳng hề hờn tủi. Sắc màu được tự do lựa chọn qua những mảnh “sarong” chói chang mầu hoang dại như những tấm thảm Ba-Tư thời Trung Cổ. Có những đôi mắt trong như nước trường giang. Có những đôi môi thắm ánh dương hồng, và có những đôi má căng tròn quả chín. Người con gái Lào đẹp như một con rắn trườn mình trong rừng vắng, và đáng yêu như một nụ cười.
Nắng lên, nắng lên rồi trong một ngày thu chết muộn. Từng mảng nắng vàng chấp chới như muôn vạn cánh bướm lạc loài vương trên thảm cỏ. Mây trời cao và xanh quá muốn làm cho ngợp.
Những mái chùa cong vút, nằm im lìm dưới gốc cọ già và cằn cỗi như những thân hình các nhà sư đang nhắm mắt để mơ thấy Nát Bàn, bỏ quên cuộc sống bên ngoài có những lối mòn phơi bụi đỏ.
Thành phố Vạn Tượng có duyên trong câm nín.
Chiều xuống giữa lòng sông Mekong. Mầu tím của trời ngưng đọng lại và hình như chết đi trong cái tê tái của hàng cây trụi lá cuối thu. Dòng nước xám ngắt, mênh mang giữa đôi bờ cách biệt. Tiếng mái chèo vỗ nước nhè nhẹ rung lên giữa buổi chiều cô tịch. Những ánh đèn đỏ quạnh, chạy thấp thoáng trên bờ phố đìu hiu.
Chiều xuống, chiều xuống rồi ở bên kia bờ biên giới. Có những đốm lửa sáng lên. Cũng những đốm lửa ấy, nhưng chỉ cách có một dòng nước, mà thấy nó xa xôi làm sao, có lẽ trong lòng kẻ nhìn đèn có biên giới chăng?
Dòng sông Mekong đen kịt lại, và con trăng nhô lên xanh biếc như chiếc đũa thủy tinh sau vòm cây xơ xác. Gió về theo trăng thổi buốt bàn tay. Mùa thu ở đâu, làm nhớ mùa thu đất Bắc. Gió heo may về trên đất Lào, về cả tâm hồn của những kẻ ly hương nhớ thương mảnh vườn, mái lá và những kỷ niệm xa xưa! Tình hoài hương làm cho lạnh cứng đôi môi.
Con trăng đã lên cao, và đang cài trên ngọn phi lao cuối xóm. Mặt sông đã chẩy đầy ánh sáng, một thứ ánh sáng dệt bằng mộng và thơ, hơn nữa, của ái tình và thỏa mãn. Một khúc nhạc nổi lên chập chờn, xa vắng. Đó đây dăm bảy tiếng cười lả lơi trong lùm cây, khóm cỏ. Tất cả hợp lại thành một bản trường ca bất tận của dân tộc Lào để làm thành nghĩa sống. Hình như, có người muốn dìm sự nghiệp, và cuộc sống vào cái suối mê ly của hiện tại.
Thành phố Vạn-Tượng đìu hiu, dấy lên một niềm khát vọng. Những ô cửa thấp lập loè ánh lửa vàng vọt không xua đuổi nổi bóng tối mênh mông bao trùm trên những nẻo đường ngập ngụa rác và bụi.
Buồn quá đi thôi, có những khung vuông đã khép chặt mầu sắc của người đẹp, đứng trên lan can nhìn hoàng hôn rụng trên sông Mekong với sự ước mong rạo rực in trong đáy mắt và rung động toàn thân khi bất chợt thấy bâng khuâng ngồi kế bên mình. Giòng trăng chẩy xiết trên mặt nước rờn rợn. Có một con thuyền nhỏ đi dần vào u tối.
*
Hàng cây cao vút che lấp ánh trăng soi vào lối xóm Dạ-Lạc. Có những chàng lãng tử hát nghêu ngao sau khi hành lạc. Tiếng hát kéo lê thê, ẩm ướt đập xuống mặt đường rồi ngân dài theo hơi gió. Tiếng hát mới thấm thía làm sao, nó chập chờn, nửa như luyến tiếc nửa như giận hờn. Nào ai biết, có một mối tình mới khám phá ra, và một mối tình vừa mới chết?
Niềm vui của đêm sâu giữa đất Lào đang khiêu vũ trên những tấm “sarong” mầu huyết dụ.
Tiếng hát chưa tan hết thanh âm thì tiếng nhạc lại nổi lên theo những bước chân nhảy xầm xập trên nền gỗ láng. Cung đàn nấn nuối dặt dìu những cung bậc lưu huyền của điệp khúc “Lam Thôn”. Những cô gái thoa thắm đôi môi, cười như chiêm bao. Những đôi ngực chứa đầy nhựa sống căng lên mầm đất trào sức sống không tàn phai của ái tình và rượu mạnh. Những cánh xiêm y bó chặt lấy đường cong lượn sóng như ru hồn vào một thế giới nửa vời.
Có ai thèm khát xin mời vào, môi của người sẽ không bao giờ lạnh và áo của người không sợ ướt khi quên đường về.
*
Có một kẻ ôm đàn, ngủ trên bờ sông vắng. Từng đợt sóng xa xôi của dòng sông Mekong trào lên mi mắt. Khối nhớ thương của năm tháng phai dần đột nhiên trở lại và táo bạo hơn tuổi đôi mươi. Nằm giữa đôi bờ biên giới, nghe sóng nước rì rầm xô bờ cát. Những con thuyền viễn xứ buông neo lạnh lùng tắm ánh trăng suông.
Một vài tiếng động rơi bơ vơ giữa cái u tịch của Đất Trời. Có lẽ là những cành lá cuối cùng của một mùa sắp chết, hay là tiếng chân ai đạp trên những mảnh tình đẹp, đã tan vỡ làm nghẹn thở trái tim. Chỉ có những đường cong vút lên của những mái chùa Vạn Tượng họa chăng hiểu nổi. Nhưng, câm nín vốn là đức tính cần thiết nhất cho những màu vàng của Đạo giáo ngàn xưa và cả ngàn sau nếu ai tìm hiểu.
*
Nằm ngủ suốt một đêm trên bờ sông Mekong, tưởng như mình đã chết.
ΤẠ TỴ
Vạn Tượng 56
(Sáng Tạo tháng 1/1957)





Truyện ngắn



TẠ TỴ
Mưa gió trên đồi


Ánh nắng nhô ra khỏi ngọn đồi phía xa. Những ngọn đồi chạy dài nối tiếp bởi những hàng cây không đều thấp thoáng sau màn sương trắng đục. Một cảm giác là lạ xâm chiếm, len lỏi qua hơi sương, thấm vào ý nghĩ làm cho Phong thấy dễ chịu. Cứ mỗi lần gặp lại núi rừng, không hiểu sao tâm hồn Phong xao xuyến. Máu như chảy mạnh trong huyết quản. Những giòng máu từ lâu ứ nghẹn bụi đường đô thị. Bao nhiêu mệt nhọc của cuộc hành trình hôm qua Phong không còn coi là dại dột.
Đứng trước tấm gương con, đưa lưỡi dao cạo bào những sợi râu còn sót lại, Phong thấy như mình trẻ ra sau một đêm ngủ đẫy giấc. Cảnh đẹp núi rừng quyến rũ, vây chặt lấy Phong như mắc lưới. Ý định trở về Sài-gòn tối qua đã nhạt trong đầu. Phong thấy ân hận tại sao lại không viết thư báo ngày lên chơi để Lâm ở nhà tiếp mình, nếu có Lâm chắc vui lắm.
Phong vừa cạo râu xong thì cà phê cũng vừa được bưng lên, hương thơm phưng phức. Đứa bé đặt ly cà phê vào giữa bàn rồi lặng lẽ lui ra như một cái bóng.
Phong xúc đường cho vào cà phê quấy nhè nhẹ. Nước cà phê sánh ra ngoài miệng tách đậm mầu như những giọt nha phiến. Phong tợp một ngụm cà phê rồi ngả người vào thành ghế ngắm nghía sự trang trí của căn phòng Phong ngủ đêm qua.
Với những đồ đạc tuy không quý nhưng Lâm có khiếu thẩm mỹ, biết chọn lọc kích thước và mầu sắc từng thứ, để gây cho căn phòng sự ấm cúng. Một khuôn cửa sổ to nằm dọc theo chiều dài của chiếc đi văng, nếu mở rộng ra, người ta có thể nhìn thấy chân trời rộng lớn lượn theo những sườn đồi uốn cong, lồng vào nhau như những ngón tay đan. Gần bên cửa sổ là giàn hoa giấy, mầu hoa tím như mầu áo nữ sinh trường Đồng-Khánh ngày xưa. Dưới giàn hoa treo rất nhiều lan rừng. Một vài cây đang nở hoa thơm ngát. Sau giàn hoa, phía bên trái có xây một hòn non bộ và bên phải trồng những cây ăn quả chạy xuôi xuống chân đồi. Những chiếc lá vàng rơi bừa bãi làm lấp cả lối đi như không có người quét dọn. Giàn hoa giấy đã đổ xiêu mà chưa được sửa lại. Nhìn kỹ, Phong nhận thấy hình như mảnh vườn này thiếu sự chăm chút của chủ nhân. Có lẽ tại Lâm quá bận về công việc làm ăn cho nên không để ý đến. Vả lại chỗ này là nơi nghỉ chân của bè bạn mỗi khi lên chơi, ở dăm ba hôm - chứ không phải là nơi thường ngày Lâm nhìn thấy cho nên ít được người nhà săn sóc.
Làn gió nhẹ thổi hây hây làm lay động tấm màn ngọc thạch treo bên cửa sổ. Phong mở bạc dà lấy đồ vẽ bậy lên mặt bàn. Những ống mầu xinh xinh trông ngon lành như những viên kẹo. Những chiếc bút vẽ trắng muốt như những ngón tay ngà xòe ra muốn ôm lấy sắc màu quen thuộc.
Qua khung cửa, Phong nheo mắt lại, đắm đuối nhìn những giọt nắng rơi trên mầu hoa tím. Phong lấy bút chì và giấy đi ra cửa.
Cả một vùng đồi núi chập chùng bao quanh lấy Phong. Lúc này Phong mới nhận rõ ràng vị trí ngôi nhà của Lâm nằm trên ngọn đồi tròn xoe như quả cam cắt đôi. Ngôi nhà của Lâm không to lớn lắm, kiến trúc theo những kiểu nhà núi. Mái nhà thật cao rồi đổ thấp xuống trông như tấm phản dựng nghiêng. Bốn bề cây cỏ mọc chi chít. Những giàn hoa leo chạy tràn lan hỗn loạn trên mái, trên tường và nhiều cành lại đâm ngang vào giữa nhà. Căn nhà quét vôi màu trắng, nhưng lâu ngày mưa nắng đã làm ố hoen và ngả mầu xám xịt. Những tảng rêu xanh sẫm vẽ lên tường những đường nét quái dị, nhiều chỗ trông giống như mặt quỉ. Những cánh cửa đóng im im. Hoàn toàn vắng lặng giữa mênh mông của mầu xanh bát ngát. Căn phòng của Phong ngủ tách rời khỏi căn nhà chính, nhưng được nối liền bởi một con đường lát gạch nhỏ cỏ mọc đầy gần phủ hết lối đi. Lưng của căn phòng quay vào gian nhà chính. Một chiếc cửa nhỏ có thể mở ra để nhìn thấy gian chính nhưng đã bị đóng bít lại bằng chiếc then ngang to lớn. Cho tới bây giờ Phong mới thấy sự không chăm sóc ở toàn diện chứ không riêng một chỗ nào. Trong bao quát, Phong tưởng tượng có một cái gì u uất, lạnh lùng, buồn nản. Căn vườn rộng, cây cối nhiều nhưng là một thứ cây cối mọc với sức sống tự nhiên thiếu chăm bón.
Phong nghĩ rằng có lẽ Lâm cố tình bài trí khung cảnh này vì Lâm muốn gây một không khí là lạ có thể là hoang dại. Việc này cần phải gặp Lâm mới biết được.
Riêng Phong, thấy say mê, nét bút của Phong xào xạo chạy trên mặt giấy. Phong vẽ hết góc này đến góc khác. Vẽ mê mải vì từ lâu Phong đã mất đi cái thú thiên nhiên, nay bỗng dưng gặp lại và dược thiên nhiên ôm ấp trong cánh tay trìu mến của sắc màu lung linh biến chuyển không ngừng trong từng phút từng giây cảm xúc.
*
Giấc ngủ trưa đang ngon, Phong bỗng giật mình vì có tiếng gọi lớn:
- Phong ơi, Phong ơi!
Phong ngồi nhổm dậy, đưa tay lên dụi mắt. Lâm nhảy choàng đến ngồi sát bên Phong, cho tay quàng vai Phong ôm sát vào người mình.
- Cậu lên tối qua phải không? Sao cậu không tin cho mình hay để ở nhà tiếp cậu. Thơ trước cậu viết lững lờ không nói rõ ngày nào lên chơi cho nên mình cứ yên trí rằng cậu hẹn cuội. Cậu ở chơi đây lâu lâu với mình nhé! ở trên này buồn quá chỉ mong có bạn lên chơi!
Lâm nói một hơi dài - Phong cảm động vì tấm lòng yêu bạn của Lâm, Phong trả lời nồng nhiệt:
- Ờ, ờ tôi sẽ ở lâu với cậu, nhưng mà cậu đi vắng luôn ấy mà.
- Không, tôi sẽ không đi vắng nữa. Công việc của tôi đến hôm nay là xong rồi, xong hẳn rồi.
Phong nhìn mặt Lâm thấy xọp hẳn đi chứ không đầy đặn như khi gặp Lâm lần đầu ở Đại lộ Tự-Do. Nói đến chữ “xong rồi, xong rồi” môi Lâm mím chặt lại. Trông thấy Lâm, Phong lại nhớ đến tuổi ấu thơ, và lo sợ sự ra đi nhanh chóng của thời gian.
- Buổi trưa nay, mình định ăn cơm xong, nằm xem sách một chút rồi bảo cháu bé đưa lên chào chị, nào ngờ gió mát quá mình ngủ quên đi mất. Nếu cậu không gọi, có lẽ mình ngủ tới chiều tối mất.
Phong nói để dè sự sơ xuất của mình đối với chị Lâm, sợ chị Lâm giận vì lên chơi mà không vào chào chị.
Lâm gật đầu:
- Nhà tôi mệt chưa khỏi. Ờ, nhà tôi mệt lâu lắm rồi, cậu có muốn lên chào, chắc cũng phải xin lỗi không tiếp được vì nhà tôi rất sợ khách lạ, dù là bạn thân đi nữa.
- Chị đau bệnh gì thế?
- Bệnh tê liệt nửa người, tôi đã chạy chữa nhiều nơi mà chưa bớt chút nào!
- Chắc chị ở đây khí hậu không quen rồi, cậu thử đưa về ở miền khác xem sao!
Ờ, có phải nhà tôi lên đây mới đau đâu. Đau từ lâu rồi, và bác sĩ khuyên nênở vùng này đấy. Từ ngày lên ở đây bệnh tê liệt không nặng lên mà cũng chẳng bớt.Đôi mắt Lâm tự nhiên mờ đi, nét mặt trông dại hẳn ra. Hai hàng lông mày rậm chạy díu vào nhau trông thành một nét than đậm chia đôi khuôn mặt.Biết rằng không nên đào sâu vào tình cảm của Lâm, nhất là thứ tình cảm vò xé qua lời nói trầm trầm và tiếng thở dài nhè nhẹ, Phong rẽ sang chuyện khác:- Cảnh ở đây đẹp Lâm nhỉ? Mình tiếc rằng mang ít đồ vẽ quá. Nếu vẽ hết cảnh đẹp ở vùng này tôi chắc cũng đủ tranh làm một phòng triển lãm. Cứ vẽ ngay ở vườn nhà cũng được đến mười bức đẹp rồi. À, chúng mình đi ngắm cảnh đi. Nhân tiện cậu về, cậu đưa mình đi xem quanh vùng một thể.Nói xong Phong nhanh nhẹn đứng lên xỏ chân vào giầy đi ra ngoài.- Này chiều rồi, cậu muốn đi nên mặc áo ấm vào, gió ở đây nhiều lắm, sợ cậu chịu không quen nhỡ bị cảm.- Cậu khỏi lo, minh quen với nắng gió từ lâu rồi, nếu động một chút là phải cảm thì làm họa sĩ sao nổi.Muốn cho bạn tin lời mình nói là thật, Phong giơ tay nắm lấy tay Lâm kéo ra phía cổng.Buổi chiều nay trời không có nắng. Từng trận gió thổi mạnh làm rụng rất nhiều lá úa. Tiếng lá đập vào nhau rào rạt. Phía sau những ngọn đồi, từng phiến mây nặng nề đè ấn những ngọn thông xuống. Mầu xanh của đồi núi không tươi mát nữa, nhưng xám quạnh và đặc sệt như mầu sơn sắp khô. Từng tiếng hú dài vẳng lại tự đàng xa do gió lùa vào khe rừng đập vào sườn đồi vang trở lại. Vài đám khói trắng đục bay vơ vẩn bốc lên từ những cánh rừng ở phía xa làm cho Phong thấy bâng khuâng.Trong khi ấy Lâm cúi đầu xuống nhìn mầu đất đỏ. Lâm lấy chân hất khe khẽ vào mặt đường làm cho bụi bám đầy vào đôi giầy đen đã trở thành màu nâu.Đột nhiên Lâm chỉ tay ra phía trước mặt hỏi Phong:- Cậu có nhìn thấy ngọn đồi như nắp vung ở đằng xa kia không?Phong phóng mắt nhìn và gật đầu tỏ ý trông thấy.- Đấy, từ ngọn đồi ấy vòng qua cái thung lũng bên trái, rồi đến ngọn đồi thấp phía sau này là đất của mình đấy, nhưng...- Nhưng làm sao? Phong hỏi.- À, mà thôi cậu chả nên biết làm gì, cậu lên chơi đây với mình, ở với mình cho vui là đủ rồi.- Đất rộng nhỉ, những đồi chè đẹp quá, ở xa trông như tấm thảm xanh mướt tưởng có thể nằm ngủ ở trên được.- Ờ, mùa hái chè vui lắm, mình tiếc cậu không lên đúng dịp đó, mà rồi đây chắc chẳng còn dịp nào cậu có thì giờ lên chơi nơi đây nữa nhỉ. Nếu có dịp thì ít nhất cậu cũng nhìn thấy sự thay đổi.- Thay đổi gì mới được chứ? hay cậu định biến khu đồi chè này thành một xưởng máy nguyên tử?Phong hỏi đùa Lâm cho vui, vì Phong đã nhận thấy ở giọng nói, ở dáng điệu Lâm có những u uẩn gì đang cố đè nén để khỏi lộ ra. Lâm nhếch mép cười, nụ cười thật thà, nhưng gắng gượng.Con đường đất đỏ bò ngoằn ngoèo như con rắn chạy ôm lưng đồi rồi mất dần vào vườn chè. Phong quay nhìn lại thì căn nhà của Lâm đã bị lấp sau ngọn đồi. Những đám mây nặng sũng nước như muốn đổ xuống. Lâm giơ tay lên coi giờ:- Thôi gần tối rồi, trời lại sắp mưa, chúng mình về thôi, để mai tôi đưa cậu đi về cả ngày.Lâm nói xong quay phắt người lại. Gió thổi mạnh quá làm cho đầu tóc của Lâm rối bù in lên nền mây như một chiếc tổ chim.*Tối hôm ấy, Lâm ngủ với Phong. Hai người nằm chung trên chiếc đi-văng. Ở bên ngoài tiếng mưa rỏ tí tách mặt thềm. Lá cây xào xạc.Tiếng rít như còi tầu của từng cơn gió mạnh lùa qua thung lũng. Cánh cửa kính rung bầm bập vào khuôn. Vài tiếng chó sủa đêm nghe thê thiết. Tiếng chim từ quy vọng đến não nề. Phong trằn trọc mãi không ngủ được, có lẽ tại giấc ngủ ban trưa. Trong khi ấy Lâm đã ngủ say sau mấy giờ tâm sự. Tiếng thở không đều của Lâm nhiều lúc như đứt quãng. Cho tới phút này Phong mới hiểu rõ hoàn cảnh của Lâm, một hoàn cảnh co rúm lại như bàn tay hủi. Cứ nhắm mắt thì Phong lại thấy hiện ra năm ngón tay nhầy nhụa đang kều cào xiết vào cổ Lâm - và tiếng Lâm thét lên làm vang cả núi đồi.Phong mở mắt nhìn trừng trừng vào bóng tối. Chắc lúc này cũng đến 2, 3 giờ sáng. Phong nghĩ thầm và mong cho bình minh sớm trở lại để cứu Phong thoát khỏi ám ảnh. Trong đêm tối dày đặc của tâm hồn, Phong thấy nhô lên những hình ảnh, này mái tóc xanh mướt, này đôi mắt bồ câu, này làn môi tươi thắm mầu son, này đôi tay trắng muốt như ngó cần dịu dàng ôm ấp mộng hoa niên.Rồi đến một con đường nhỏ heo hút với hai hàng cây xơ xác gục đầu dưới ánh đèn quạnh quẽ của Hà-Nội ngày xưa. Một mái nhà xinh xinh. Một khung cửa sổ. Một nữ sinh tên là Yến. Bức thư tình bị dẫm nát. Những thất vọng não nùng của tuổi thanh xuân.Lâm đã kể lại với Phong tất cả sự nổi chìm của cuộc đời, từ lúc lìa bỏ gia dinh, lìa bỏ đường phố mến thân, lìa bỏ Phong và những thằng bạn yêu mến khác để một mình đi dựng cuộc đời. Lâm đã làm ma cà bông, làm phu bến tàu, đi buôn lậu thời Nhật, thời Pháp, làm chủ hãng buôn. Lâm đã từng nắm trong tay bao nhiêu triệu rồi lại trắng tay, phải đi chạy hàng sách kiếm vài trăm một. Sau những cố gắng và gặp may Lâm lại có tiền và có rất nhiều. Nhưng gần một năm nay, Lâm bị thua lỗ quá nhiều. Hôm qua Lâm phải lên Đà-Lạt ký giấy bán cái đồn điền này mà cũng chưa đủ tiền trả nợ. Lâm chỉ còn ở đây độ vài tháng nữa rồi sẽ rời đi nơi khác mà chưa biết sẽ đi đâu. Sự chìm nổi ấy Phong cũng cho là lẽ thường của cuộc đời nhưng người đàn bà có cái tên Yến đã làm Phong nghẹn ngào. Người đàn bà ấy Lâm đã gặp ở trong một hộp đêm ở trung tâm thành phố trong mấy năm trước. Sau sự đi lại thường xuyên, và nhận thấy ở người con gái này không phải là hạng gái điếm tầm thường, Lâm đem lòng thương và lấy làm vợ, là chị Lâm bây giờ.Tiếng nói của Lâm âm âm trong bóng tối:- Cậu đừng cười mình nhé! Mình lấy Yến sau khi đã biết rõ đời tư Yến, một đời tư thực một trăm phần trăm, chứ không phải là thứ đời tư được tạo ra do óc tưởng tượng của các cô gái giang hồ thuở trước. Mình đã bị đàn bà phụ nhiều rồi, và trái lại, nhưng chưa bao giờ mình lại được gặp một tâm hồn đàn bà đáng yêu như thế. Nhưng, Phong ơi làm sao mà biết được? làm sao mà biết được?...

Mình chắc cậu cũng biết Yến, hoặc có nghe thấy nói đến Yến ở Lò-Đúc, nữ sinh Đồng-Khánh, con ông phán S. ấy mà.- Ở, tôi có nghe nói đến, nhưng sao lại có thể như thế được nhỉ? Cô ta đã lấy một bác sĩ trước khi xảy ra chiến tranh kia mà.- Đúng rồi, chính Yến ấy đó. Nhưng khi chiến tranh xảy ra ít lâu thì ông bác sĩ kia chết vì một trận ném bom vào đúng Quân Y Viện do ông ta phụ trách. Sau khi chồng chết được mấy tháng, Yến vào thành với ý định quyết trả thù tên phi công nào đã lái chiếc phi cơ oanh tạc nọ, và Yến đã trả thù được, bằng cách hy sinh thể xác để lấy một tên Trung úy Không Quân Pháp. Yến dò hỏi và được biết tên tuổi viên phi công đã lái chiếc máy bay đó. Yến làm quen và rủ đi chơi. Cậu còn lạ gì cái tính háo sắc của tụi lính Pháp dù là sĩ quan. Vô tình một đêm kia tên phi công đã ngã gục dưới viên đạn súng lục mà Yến đã lấy dấu của tên Trung úy Pháp đem đi theo mình. Trả được thù rồi, Yến lại trở vào hậu phương. Về sau, không chịu được kham khổ lại về thành để lấy một tên phú hộ già. Thời kỳ này Yến có tiền, Yến ăn chơi tha hồ. Hắn thuê hẳn một biệt thự cho Yến ở. Thực ra, Yến cũng chẳng thấy vui gì vì hoàn cảnh chưa cho phép Yến làm hơn được cho nên Yến đành mặc đời mình trôi theo số phận. Cho tới một ngày kia, Yến được biết tên này đang làm tay sai cho Pháp để giết hại đồng bào vô tội. Thế là Yến khinh bỉ rồi bỏ hắn. Có điều tai hại là trong thời gian ở với hắn, Yến đã nhiễm phải cái tật thích ăn chơi và làm quen với đàng điếm. Chính vì lý do đó mà Yến phải lăn mình vào vòng sa đọa. Yến đã khóc với mình rất nhiều Phong ạ! Yến đã yêu mình vì sau bao nhiêu ngày tháng đầy đọa, Yến muốn tìm một chỗ nghỉ chân, như con chim trời phiêu bạt đến đâu rồi cũng có một ngày tìm về tổ ấm. Thế là đã năm năm rồi đấy. Năm năm biết bao nhiêu kỷ niệm. Chúng tôi ở với nhau sang năm thứ 2 thì Yến có mang. Yến vui mừng hết sức và mình cũng thế, vì còn gì sung sướng hơn là có một đứa bé ra đời làm vui cảnh gia đình. Nhưng hy vọng chưa nuôi đã vội tàn trong cay đắng. Yến có mang được 6 tháng thì bị sẩy và bị băng huyết. Hai đứa tôi đều khóc. Từ đó Yến ốm và thể xác cứ suy sụp dần dần, cho tới hồi cuối năm thì nửa thân Yến bị bại hẳn không đi lại được. Có nhiều lúc Yến ngất đi rồi sống lại. Đêm đêm Yến thường thét thật to và kêu gào. Yến nhìn thấy tên phi công mà Yến bắn nó ngày trước hiện về giơ bàn tay đầy máu bóp cổ nàng. Yến nhìn thấy cả tên phú hộ hiện ra sỉ vả nàng là vô tình bội nghĩa, và còn nhiều hình ảnh khác nữa. Nhưng tất cả những hình ảnh kể trên không làm cho Yến khổ não bằng hình ảnh một cậu học trò người nhỏ bé, có đôi mắt thơ ngây, có mái tóc bồng như mây núi, cứ mỗi chiều đi qua nhà Yến nhìn say đắm. Rồi một chiều cậu học trò si mê ấy đón buổi học về trao cho Yến lá thư xanh với bàn tay run như sợ hãi. Nhìn thấy dáng điệu ấy, Yến cười to với bạn hữu và lấy tay đập mạnh cho lá thư rơi xuống đất rồi lấy guốc dẫm nát. Cậu học trò đau đớn cúi mặt lủi thủi đi giạt vào hàng rào tầm xuân. Chiếc bóng gầy gầy đổ xiêu rồi chìm dần vào bụi đường mất hút. Yến những tưởng rằng sự độc ác của tuổi trẻ rồi nó sẽ phai mờ trong ký ức, nào ngờ đâu trong những ngày tàn lụi của cuộc đời nó bỗng trở về, và trở về mãnh liệt làm mờ hẳn những hình bóng khác. Yến khóc lóc thâu đêm vì sự tàn nhẫn của mình do tuổi thơ gây ra - và Yến đã gục đầu vào vai mình nói qua ngấn lệ:- Anh ơi! em thú thật rằng, trong đời em, em chỉ còn yêu có một hình bóng đó thôi. Em biết rằng nói thế là có lỗi với anh lắm, nhưng biết làm sao được?Cậu cũng biết rằng, khi nghe Yến nói thế mình đau biết chừng nào. Mình thương yêu và cứu Yến thoát khỏi một kiếp đọa đày. Yến đau ốm mình hy sinh bao nhiêu tiền và công lao khó nhọc. Mình thất bại ở cuộc đời về tiền bạc, mình mong có Yến ở tâm hồn, mà nay ở cuộc đời thì thua tiền mà trong lòng thì thua tình. Cậu bảo thế có đau xót không? Sự thực, hình ảnh cậu học trò nào đó mà Yến mến thương lúc này có đứng ngay trước mặt Yến, chắc nàng cũng không nhận được, và cậu học trò nhỏ bé kia, bây giờ thời gian có làm cho cậu lớn khổng lên, nếu để cho cậu nhìn thấy Yến lúc này chắc cậu ta cũng không có can đảm mà viết bức thư tình thứ hai cho Yến. Tôi nói ra với cậu chuyện này, không phải tấm lòng thương yêu Yến đã nhạt trong tôi, trái lại không hiểu vì đâu, tôi thấy tôi có bổn phận làm cho Yến được vui sướng, tôi thú thật, đời tôi chưa hề yêu người đàn bà nào từ trước tới nay bằng Yến, kể cả lúc này Yến đã thành một phế nhân, già yếu chứ còn đâu xuân sắc như xưa.Người Phong toát cả mồ hôi, tuy bên ngoài gió lạnh lắm. Những lời Lâm kể lúc tối mà Phong cảm thấy dư âm của nó còn đủ tác động đâm vào đầu não Phong những mũi dao nhọn. Lâm ngủ say đưa chân gác lên người Phong. Hai tay Lâm cào xuống mặt đệm sần sật. Tiếng thở của Lâm không đều như tắc nghẹn ở cổ. Nào có ai ngờ sự việc xảy ra quá phũ phàng như thế? Nếu Lâm biết được cậu học trò nhỏ bé kia là Phong thì câu chuyện sẽ ra sao nhỉ? Mối tình buổi ấu thơ Phong đã quên đi, vì Phong cho là cái không may của cuộc đời, và do sự dại dột của tuổi trẻ. Phong dấu kín không hề cho ai hay biết. Phong đã xấu hổ và đau đớn, cái đau đớn của người trai mới lớn, biết yêu và không được yêu. Phong đã tủi hờn khi nhìn thấy lá thư tình thứ nhất của mình gửi đi bị dí nát dưới bàn chân tàn nhẫn của nhan sắc. Phong thật không ngờ câu chuyện hai mươi năm về trước lúc này lại quay về hành hạ Phong trong câm nín, trong đêm tăm tối, với tiếng gió hú sau đèo lạnh lẽo. Phong cũng chẳng bao giờ ngờ được nạn nhân của câu chuyện này lại là Lâm, người bạn đáng thương. Nếu Lâm biết, chắc chẳng bao giờ Lâm dám mời Phong lên chơi nơi đây để trước khi Lâm ngủ, Lâm còn cố năn nỉ nhờ Phong vẽ cho vợ mình một tấm chân dung làm kỷ niệm. Lâm chắc cũng nhìn rõ rằng Yến chẳng sống được bao lâu nữa, cho nên Lâm muốn có một hình ảnh do nghệ thuật tạo nên.Phong lo sợ giờ phút gặp Yến, nếu mình còn có một nét nào của tuổi ấu thơ mà Yến nhận ra, mà từ chối không vẽ thì sợ phụ lòng Lâm. Quanh quẩn mãi trong cái vũng lầy trí não, Phong đã nghe thấy tiếng gà gáy cất lên tự cuối vườn.

Trong khi ấy Lâmcựa mình. Phong nằm im như ngủ say. Một lát sau Lâm nhỏm dậy mở cửa nhè nhẹ đi ra ngoài.*Mưa gió liên miên đã hai ngày rồi. Đồi núi như bao phủ bởi một lớp sữa từ sáng tới tối. Tiếng gió hú lạnh lùng thổi sâu vào rừng thẳm. Thời gian dằng dặc, Phong quanh quẩn hết đứng lại ngồi nhìn ra đồi núi xem mưa phủ mịt mùng như một tấm màn tang vĩ đại. Phong không còn ngạc nhiên với sự tàn lụi của không khí nơi đây. Phong thấy ngực như nghẹn thở. Lâm luôn luôn có mặt bên cạnh mong làm cho Phong được vừa lòng trong những ngày Phong lên ở đây. Thấy mưa gió dầm dề không biết lúc nào tạnh, Lâm năn nỉ Phong vẽ chân dung cho vợ mình trong khi chờ đợi ngày nắng ráo để Phong có thể đi vẽ bên ngoài.Không nỡ phụ bạn, Phong sửa soạn đồ dùng để vẽ chân dung Yến. Phong đưa mắt nhìn Lâm thấy Lâm tỏ vẻ sung sướng.Đồ dùng đã soạn xong. Lâm nhanh nhẹn đưa Phong lên gian nhà chính. Lâm dẫn Phong đi qua một hành lang dài ăn sâu vào một căn phòng khá rộng. Lâm mở khe khẽ cửa phòng. Ánh sáng trong phòng mờ mờ không rõ gì cả, vì ở ngoài nhìn vào. Những chiếc cửa sổ đều đóng kín trừ một cánh sát góc bên phải cửa ra vào mở he hé, nhưng vì mầu màn cửa hơi đậm cho nên ánh sáng lọt vào chẳng được bao nhiêu.- Mình ơi! anh Phong đã lên hỏi thăm mình.- Chào chị ạ! thưa chị mạnh.Tuy Phong chưa nhìn thấy Yến nằm ở góc nào cả nhưng thấy Lâm nói cũng đành phải nói theo.- Dạ, cám ơn anh - giọng nói ngân lên yếu đuối nhưng không kém phần trong trẻo - Mình mời anh ngồi chơi.Lâm cầm tay Phong dắt vào. Lúc này mắt Phong quen dần với thứ ánh sáng đặc biệt ở căn phòng. Lâm đưa Phong ngồi vào chiếc ghế sa lông đóng theo kiểu đời vua Lô-Y Thập Tứ kê phía cuối phòng. Lâm ghé ngồi xuống giường kê chéo góc để cho ánh sáng khỏi xuyên thẳng vào chỗ nằm.- Mình hôm nay có khá không? Mình muốn gì để anh làm?Lâm hỏi vợ bằng một cách hết sức trìu mến.- Sáng nay em thấy dễ chịu nhiều, bên ngoài hình như trời mưa to phải không mình?- Nho nhỏ thôi mình ạ! nhưng gió to lắm.Một cảm giác là lạ, làm cho da thịt Phong gợn lên, Phong không thể tin được người nằm kia là Yến, là một cô gái cách đây hai mươi năm đã làm Phong say mê cuồng dại.Qua ánh sáng mờ Phong chỉ nhìn thấy một cái sọ người biết cử động. Hai hố mắt trũng sâu và thâm quầng nổi bật giữa màu xanh tê tái của sắc mặt. Chiến chăn len màu hồng tía đắp lên che kín ngực cũng không đủ xua đuổi sự xanh xao của bệnh tật và đau buồn.- Mình ơi! anh Phong là họa sĩ lên đây, ở với chúng mình ít hôm để anh ấy vẽ phong cảnh sửa soạn cho cuộc trưng bày vào cuối năm, nhân tiện anh có nhờ anh Phong vẽ cho mình một bức chân dung làm kỷ niệm, mình bằng lòng nhé!Lâm nói xong đưa tay lên vuốt tóc vợ.- Ồ, hình ảnh em lúc này xấu quá rồi vẽ làm gì cho mất công của anh Phong.Yến nhìn chồng rồi nhìn Phong làm cho Phong thấy hình như có một luồng điện chạy từ kẽ tóc tới bàn chân.- À, anh Phong, anh ở đây với chúng tôi lâu lâu cho nhà tôi vui nhé!Giọng nói của Yến có vẻ khó nhọc.- Thưa chị vâng.Lâm quay sang nói với Phong:- Anh sửa soạn đi, nhà tôi bằng lòng rồi đấy, thật là may lắm.Phong biết rằng Lâm nói như thế để du Yến vào một tình trạng khó từ chối. Phong cúi xuống mở nắp hộp mầu, còn Lâm dựng giá vẽ.- Căn phòng hơi tối khó nhìn rõ màu sắc và đường nét, có thể mở thêm được một cánh cửa nào không Lâm?Phong hỏi sẽ.- Mở ra sáng quá, nhà tôi không chịu nổi, hay là kéo rộng cái màn cửa ra một chút.- Cũng được!Phong đặt tấm khung vải lên giá vẽ xoay qua, xoay lại để tìm thế cho chỗ nhìn hợp với ánh sáng xong Phong cầm bút chấm vào mầu vạch nét đầu tiên trên mặt vải.Tâm hồn Phong hoang mang. Những nét bút run run chạy ngoằn ngoèo không định - chưa bao giờ Phong thấy mình làm việc vụng dại đến thế. Đầu óc Phong lúc này như đang bị muôn vạn con vật nhỏ li ti gậm nhấm. Hình ảnh của cô nữ sinh Đồng-Khánh tuổi 16 hiện ra chập chờn dưới nét bút. Mắt Phong thấy cay cay và nặng. Những tảng mầu ướt nhẫy nằm hỗn loạn làm mặt vải thu hẹp dần lại. Phong vẽ như kẻ mất hồn. Phong không dám nhìn thẳng vào mặt Yến. Phong vẽ bằng tiềm thức và bằng kỷ niệm. Lâm ngồi nguyên như pho tượng đưa mắt nhìn vợ rồi lại nhìn vào bức tranh. Những miếng mầu vừa đặt vào lại bị lấy đi ngay bởi những nhát dao vẽ. Mỗi lần đưa dao lên cạo vào mặt tranh, Phong có cảm tưởng như lưỡi dao ấy nạo vào chính xương mình nghe rào rạo. Phong lùi xa rồi lại tiến gần. Tiếng đập mạnh của nét bút sơn vào mặt vải tưởng như tiếng búa nện trên mặt quan tài. Phong vẽ trong đau xót triền miên quên cả Lâm đang chăm chú nhìn, quên cả Yến đang nằm hắt hiu trong cái sa mạc của dĩ vãng.Nét mặt Lâm cứ biến đổi dần dần theo nét vẽ của Phong. Lâm tin rằng bạn mình có tài, nhưng Lâm đã hơi thất vọng khi trông thấy mầu sắc và nét vẽ không giống vợ mình chút nào. Một nét mặt xanh xao ốm yếu thế kia. Một khối đau buồn đang đè nặng trong mái tóc rối tung kia. Một thế giới xa vắng đã ôm chặt lấy thể xác chết một nửa kia mà sao Phong không nhìn ra, lại đi vẽ những sắc mầu tươi vui với nét phởn phơ trên gương mặt trẻ dại của cô gái 16 tuổi?Lúc này Phong đã bị quyến rũ bởi sắc mầu, Phong không côn tự chủ được nữa. Hai mắt lim dim, đầu ngả nghiêng say sưa vờn nhẹ mầu hồng lên đôi má yêu kiều. Đôi mắt của người trong tranh, đôi mắt bồ câu đen lay láy, nhìn Phong như thuở nào nghịch ngợm. Làn môi dưới hơi trễ ra như kiêu ngạo với cuộc đời. Người trong tranh thoát ra một hơi ấm, một làn hương. Phong mê man ngắm. Người trong tranh đã dẫn dắt Phong về với nẻo đường xa cũ mà Phong chẳng bao giờ ngờ rằng mình sẽ đi trở lại. Phong đã pha đi, trộn lại mầu tím của chiếc áo mùa xưa. Màu áo tím ngăn ngắt bay bay trên mặt hè Hà-Nội những giờ tan học. Những cánh hoa sấu trắng ngà rơi lốm đốm trên mầu áo đẹp làm sao? Ôi đẹp làm sao, tuổi 16 ơi? Phong kêu nhè nhẹ trong cuống họng giữa sự ngạc nhiên của Lâm mỗi phút mỗi tăng để trút ra những tiếng thở dài và lắc đầu chán nản.Lúc này, trước mắt Phong làm gì có Lâm và chị Lâm đang ốm nằm đau khổ nơi kia. Trước mắt Phong chỉ còn lại cô nữ sinh là Yến của tuổi 16.Đột nhiên mắt Phong quắc lên. Hai hàm răng nghiến chặt vào nhau kêu ken két. Phong cúi xuống nhặt con dao vẽ nắm chặt trong tay. Phong đứng nguyên trước bức chân dung của Yến.

Phong đưa mạnh lưỡi dao vẽ cạo vào mặt tranh. Mầu sắc quện nhau dính vào lưỡi dao rơi lả tả xuống mặt sàn. Bức tranh bị xóa nhòe nhoẹt. Hình ảnh của bức thư tình đầu tiên bị dẫm nát với tiếng cười kiêu căng của Yến năm nào. Hình ảnh một cậu học trò nhỏ bé đi xiêu vẹo trên mặt hè gió bụi với bao nhiêu tủi hổ. Lòng tự ái bị bóp nghẹt - vết thương rớm máu và trào ra khóe mắt những giọt lệ đầu trong tuổi thơ ngây.Nét bút của Phong lại chạy trên mặt vải. Những nét bút tàn nhẫn ghi lại sự thật phũ phàng. Màu sắc tái tê chạy dần dần lấp kín màu sắc tươi vui. Những nhát dao ấn xuống mặt vải như muốn cắt đứt mặt tranh thành trăm ngàn mảnh. Mắt Phong dại khờ rồi theo trong ánh sáng mờ mờ nét mặt của Yến nằm nhợt nhạt như người chết đuối. Niềm đau xót lại dâng lên, dâng lên rồn rập rồi ứ đọng lại dưới nét bút lông mềm mại. Toàn thể bức tranh đã biến thành họa sắc xám. Ánh mắt Lâm sáng lên khi nhìn ra bóng hình của vợ mình hiện dần lên mặt vải. Phong vẽ quên cả mệt. Yến lúc này thiêm thiếp, hai mắt nhắm lại – gian phòng yên tĩnh không có một tiếng động trừ tiếng bút và tiếng dao đập vào mặt vải. Phong nheo mắt nhìn Yến rồi lại nhìn vào bức tranh. Mầu tang tóc phủ đầy trên mặt vải. Chao ôi! nét mặt đau thương kia, có ai ngờ là kết quả của một vài kỷ niệm. Phong thấy khổ sở hơn bao giờ hết. Phong rẫy rụa trong niềm thương vô bờ bến. Phong mạnh tay ấn bút vào mầu đen rồi quệt lên mặt vải. Cả người Phong đổ xiêu vào mặt tranh. Phong ôm ghì lấy bức họa khóc nức nở giữa đôi mắt mở to ngạc nhiên của Lâm...

TẠ TỴ (Văn Hữu số 7, tháng 7/1960)








Tham khảo thêm về tác giả Tạ Tỵ







Tạ Tỵ - Vườn Xưa Đã Khép
Văn Quang
(Viết ở Sài Gòn) 

"Mời bạn hãy vào
* Cửa vườn tôi đã mở sau 5 năm trời khép kín - vườn của tôi sau khoảng thời gian giam cầm trong Suy Nghĩ, trong Dằn Vặt, trong Giận Hờn để tìm những cánh màu của tâm tư chắp nối lại và thêu dệt bằng Tin Tưởng, tạo thành một thế giới của Hình Thể, của Sắc Màu, qua bức tường vách ngăn của Lý Trí và Rung Động..."
(Tạ Tỵ 8-8-1956)


Đó là những hàng chữ mở đầu trong tập sách giới thiệu về triển lãm Tạ Tỵ 50-56 tại Sài Gòn mà tôi vừa tìm lại được.

Tôi muốn mượn chữ nghĩa của anh để nói về anh như một khu vườn đầy kỳ hoa dị thảo vừa khép lại. Nó khép lại với anh, nhưng hương sắc của nó sẽ còn lại mãi mãi với thời gian, với con người. Nó chỉ có nghĩa là từ nay sẽ không còn bông hoa nào tỏa thêm một sắc hương nào nữa.

Nói về Tạ Tỵ, những người yêu nghệ thuật hội họa không còn xa lạ gì tên tuổi ấy trong nửa thế kỷ vừa qua. Anh không chỉ là một họa sĩ mà còn viết văn và làm thơ nữa, nhưng riêng tôi, không gọi anh là nhà văn hay nhà thơ bởi sự nghiệp vẽ tranh của anh đã lấn át hết những tài năng khác. Con người anh, tôi vẫn nhìn nguyên vẹn là một họa sĩ. Một họa sĩ rất hiếm hoi trong làng nghệ thuật hội họa ở VN. Tự anh đã đứng vững sừng sững với màu sắc, hình khối và tâm linh. Nhìn tranh của anh, không thể lẫn với bất cứ một bức tranh của một tác giả nào khác, không những chỉ có ở VN mà với cả thế giới bên ngoài.

Thời kỳ đầu mới vào nghề anh đã từng vẽ sơn mài, nhưng chỉ vài năm sau anh vẽ sơn dầu và có người xếp anh vào trường phái "lập thể", cũng có người cho rằng anh thuộc trường phái "trừu tượng". Nhưng dù trường phái nào thì tranh của anh chỉ thoạt nhìn cũng đã thấy nó vững vàng, khỏe mạnh, đặc sắc, riêng biệt mà chỉ có thể thấy ở Tạ Tỵ. Đó là cái nhìn rất thường tình của một người yêu và kính phục tài năng của anh như tôi.

Vài hàng tiểu sử

Vì thế ở đây tôi không nhắc lại chi tiết phần tiểu sử cùng những tác phẩm dù là trong văn chương hay hội họa của anh. Tôi chỉ xin tóm tắt rất ngắn gọn: anh tên thật là Tạ Văn Tỵ, sinh ngày 3-5-1921 (tức ngày 26 tháng 3 năm Tân Dậu tại Hà Nội). Về điểm này có nhiều nguồn tin cho rằng anh sinh năm 1922, nhưng tôi đã kiểm chứng lại với những người con anh, được biết trong giấy khai sinh của anh khai muộn mất một năm, đó cũng là chuyện thường thấy ở những vùng quê hay "thói tục" ngày xưa của các cụ nhà ta, mừng sinh con mà quên làm giấy khai sinh hoặc vì thấy nó cũng chẳng quan trọng gì nên để đó "bao giờ tiện thì làm cũng được". Nên chính anh đã nói đúng năm sinh của mình và đã tính thành ngày giờ Âm Lịch. Anh tạ thế vào lúc 10 giờ sáng 24-8-2004 (tức ngày Thứ Ba, mùng 9 tháng 7 năm Giáp Thân) tại nhà riêng số 18/8 đường Phan Văn Trị, Q5, Thành phố Sài Gòn. Thọ 84 tuổi.

Anh được lệnh động viên vào Khóa 3 trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức và sau đó anh phục vụ hầu hết tại Tổng cục chiến tranh chính trị QLVNCH. Anh giải ngũ trước năm 1975, nhưng năm 1975 anh vẫn bị gọi đi "cải tạo". Khi trở về Sài Gòn, anh vượt biên, định cư tại Hoa Kỳ. Trong thời gian ở nước ngoài, anh lại tiếp tục sáng tác. Cho đến năm 2003, sau khi vợ anh qua đời tại Mỹ, anh trở nên buồn chán và trở lại Sài Gòn sống với người con gái út của anh vẫn còn ở lại Sài Gòn từ sau năm 1975 đến nay trong căn nhà trước anh cùng gia đình đã sống.

Những ngày tháng 8 định mệnh

Cuộc triển lãm vào năm 1956 của Tạ Tỵ cũng vào tháng 8 năm 1956 tại Sài Gòn. Đó là lần đầu tiên tôi được dự triển lãm của anh và cũng là thời kỳ tôi mới quen anh khi bắt đầu về Nha Chiến tranh tâm lý Bộ Quốc Phòng, hồi đó vừa được chuyển từ Nha Tác Động Tinh Thần ở đường Gia Long về đường Thống Nhất. Cơ sở còn chật chội, chỉ có một dãy nhà trệt, chia ra làm hai dãy chính và vài căn nhà phụ nhỏ hẹp. Nha CTTL cũng chỉ có vài Sở chia ra chừng hơn 10 phòng và nhân viên cũng chỉ có năm bảy chục người, kể cả "quan và lính". Tôi về ban Báo chí làm việc cùng với Huy Sơn, Tô Kiều Ngân, Phy Phy (tục gọi là Phi chọi), Lý Quảng, Viêm Hồng.. trong hai tòa soạn báo Phụng sự và Quân Đội (sau đổi tên thành bán nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa). Vài năm sau có thêm Huy Vân, Tường Linh... Lúc đó anh Tạ Tỵ là trưởng phòng Hội họa, mang cấp bậc trung úy, nhưng so về tuổi tác và "thâm niên", anh hơn tôi đúng một giáp (12 năm) và ra khóa trước, nên tôi vẫn coi anh như đàn anh, cả trong nghề nghiệp và trong đời thường.

Rồi cũng đến những ngày cuối tháng 8 năm 2003, tôi được tin anh về VN và đang nằm ở bệnh viện của Đại học Y dược thành phố. Tôi và Phan Nghị đến thăm anh. Vừa gặp tôi anh nhận ra ngay, nhưng Phan Nghị thì phải xưng tên anh mới nhận ra được. Những giọt nước mắt của anh chảy dài. Có thể nói anh là người rất "mau nước mắt". Còn nhớ vào khoảng năm 1970, khi anh được lệnh giải ngũ, chúng tôi làm một bữa tiệc trà tiễn anh rời khỏi quân ngũ, khi nói vài lời giã biệt, nước mắt anh cũng chảy dài như thế. Và đến ngày 24 tháng 8 năm nay anh cũng bỏ chúng tôi ra đi. Phải chăng đó là những ngày cuối tháng 8 của định mệnh?

Hai con người trong một

Vào những năm 1956-1964, hàng ngày chúng tôi ở quá gần nhau nên thường xuyên gặp mặt, liên hệ công tác về hai tờ báo quân đội mà anh là người vẽ minh họa, gần như phụ trách phần trình bày cả hai tờ báo. Nhưng về cách sinh hoạt thì anh ít có dịp đi chung cùng với anh em. Những buổi sáng khi chúng tôi rủ nhau đi ăn bánh cuốn hoặc ra ngồi ở Givral cà phê thì anh vẫn chững chạc trong bàn làm việc. Ngay cả những chiều thứ bảy, Huy Sơn, Nguyễn Ái Lữ thường rủ tôi đi ăn đi nhảy cũng chẳng bao giờ "dám" rủ anh Tạ Tỵ vì anh sống rất mẫu mực. Hồi đó trong sở chúng tôi còn có cả các ông "chánh sở" như anh Phạm Xuân Ninh, Phạm Văn Sơn, anh Nguyễn Xuân Vinh (tức nhà văn Toàn Phong) mới đi du học ở Mỹ về cũng "tá túc" ở đó một thời gian ngắn trước khi về làm Tham Mưu Trưởng Bộ tư lệnh Không quân. Ở bên đài Phát thanh Quân đội có Vũ Quang Ninh, Vũ Đức Vinh (tức nhà văn Huy Quang) và những ca nhạc sĩ như Đan Thọ, Nhật Bằng, Văn Phụng, Canh Thân, Xuân Lôi, Xuân Tiên, Vũ Huyến, Hoàng Hải... Tất cả hợp thành một khối, "chung sống hòa bình" và thân thiện.

Anh Tạ Tỵ có lối sống riêng, nghiêm khắc với chính mình và cả những người xung quanh. Từ trong gia đình đến trong công sở, cái gì cũng phải ngăn nắp, sạch bóng từ cái xe đến bàn giấy. Việc gì cũng phải trọn vẹn từ đầu đến cuối, cẩn thận từng chi tiết theo đúng ý anh không được sai sót. Anh có nguyên tắc sống và làm việc của mình và thực hiện những nguyên tắc chung cũng như thế. Nếu không hiểu anh chắc chắn có những nhân viên cảm thấy khó chịu. Đối với bạn bè, sự thân thiết cũng ở một mức độ nào đó. Dường như sau công việc ở sở, mọi suy nghĩ và thì giờ của anh đều dành cho hội họa. Việc viết lách làm thơ chỉ là sau những ngày giờ nhàn rỗi, cảm thấy hài lòng sau khi đã hoàn thành những tác phẩm hội họa. Tuy vậy anh cũng đã có những tác phẩm văn thơ xuất sắc, riêng tôi nhớ nhất bài thơ "Thương về năm cửa ô xưa" đã phổ nhạc, một thời lừng lẫy trên các đài phát thanh và đại nhạc hội.

Tạ Tỵ có hai tính cách khác nhau trong một con người. Một con người chi ly, cẩn trọng, tiết kiệm từng chút thì giờ, quý từng món đồ dùng thường ngày đến áp dụng nguyên tắc luật lệ như một cỗ máy. Một con người phóng túng trong màu sắc và bay bổng với những nét bút tài hoa trong từng bức tranh. Con người gần như khép kín ấy lại chan hòa tình yêu thương trong nghệ thuật như "tình yêu thương giữa con người với con người" mà anh đã mở lòng trong "Triển lãm Tạ Tỵ 1950-56".

Tôi đã nhìn anh như thế trong suốt những ngày tháng tôi được hân hạnh quen anh và sống gần anh. Cứ cho là hơn mười năm, tôi quen anh, chỉ có vài lần cùng đi ăn với anh. Lần anh thăng chức đại úy, tôi không nhớ rõ vào năm nào, có lẽ là năm 61-62 gì đó, anh ôm vai tôi đưa xuống câu lạc bộ khao một chầu ăn sáng. Và nếu tôi nhớ không lầm một lần anh Cao Tiêu và anh Phan Lạc Phúc và tôi được anh mời đến nhà ăn cơm. Đó là sự "đãi ngộ" rất đặc biệt dành cho những người bạn mà anh thân quý. Một lần khác sau cuộc triển lãm anh đưa tôi và một hai người bạn nữa vào ăn chim bồ câu quay ở nhà hàng gọi là "nhà hàng ga xe lửa cũ" trong Chợ Lớn. Tôi nói như thế để chứng minh rằng anh rất ít hoang phí thì giờ vào những cuộc ăn chơi. Khó lòng mà rủ được anh đi phòng trà nghe nhạc chứ đừng nói đến những chuyện ăn chơi vô ích khác. Chị Tạ Tỵ lại là một mẫu người đàn bà chịu đựng rất giỏi, hết lòng vì chồng con, tôi chưa từng thấy chị đi cùng anh đến bất cứ nơi nào có hội hè đình đám. Có lần anh nói với tôi, chẳng hiểu anh nói chơi hay nói thật: "bà ấy chỉ may có hai cái áo dài nên không thiết đi đâu hết". Anh Tạ Tỵ cũng là một mẫu người nghệ sĩ rất chung thủy, tôi chưa từng thấy anh có tình ý với bất kỳ một phụ nữ nào khác, mặc dầu bên cạnh anh không thiếu những "nữ độc giả" trẻ đẹp coi anh là thần tượng. Và trong những câu chuyện phiếm cũng rất ít khi tôi nghe anh nói về "đàn bà". Con người của Tạ Tỵ là như thế.

Những ngày cuối cùng của Ta Tỵ ở Sài Gòn

Sau gần ba mươi năm xa cách, như trên tôi đã nói, một ngày cuối tháng 8 năm ngoái (2003), tôi được tin anh từ Mỹ trở lại Sài Gòn và có ý định ở hẳn lại đây. Tôi chưa tin hẳn, khi điện thoại tới nhà mới biết anh hiện nằm trong bệnh viện. Tôi rủ Phan Nghị tới thăm. Không ngờ đến hôm nay thì cả hai anh bạn tôi đã ra đi. Tôi có cảm tưởng như "họ" đã bỏ tôi lại một mình. Phan Nghị kém Tạ Tỵ 4 tuổi nhưng "đi" trước hai tháng, Tạ Tỵ đi sau và cuối cùng gặp nhau ở Bình Hưng Hòa. Lúc ở bệnh viện, anh bày tỏ ý định thật của mình sẽ ở lại Sài Gòn và hỏi chúng tôi: "ở đây sống thế nào?". Phan Nghị cười: "Người ta sống được thì mình cũng sống được, chấp nhận một số điều kiện, cuộc sống sẽ dễ dàng hơn".

Một thời gian ngắn, sau khi ở bệnh viện ra, anh Tạ Tỵ gọi điện thoại cho tôi hỏi chỗ nào bán màu và bút vẽ chuyên nghiệp. Tôi rất mừng, hy vọng anh đã có thể làm việc lại được rồi. Anh nói còn một vài bức tranh để lại nhà, màu đã phai và xuống sắc hết rồi, phải làm lại. Tôi đi tìm chỗ bán đồ dùng cho những nhà họa sĩ chuyên nghiệp. Biết tính anh cẩn thận nên đến tiệm rồi, tôi điện thoại về nhà hỏi lại từng thứ màu, từng loại bút anh cần. Khi tôi mang dụng cụ đến, mắt anh sáng rỡ lên và gật gù: "để đó cho tớ khi nào hứng, tớ bắt đầu".

Gần một tháng sau, tôi đến anh vẫn không nói gì đến chuyện sửa lại những bức tranh. Anh hỏi tôi "bức caricature tôi vẽ cho cậu hồi xưa còn không?". Tôi lắc đầu: "đến vợ con nhà cửa còn mất, tôi chẳng còn cái gì cả". Anh nhỏm dậy, có vẻ còn khó nhọc, vận quần áo đàng hoàng kéo tôi ra nhà ngoài, nhờ bác Tư - người săn sóc anh từ ngày anh về cho đến ngày anh ra đi- chuẩn bị giấy và bút chì. Anh ngồi ngắm tôi rồi bắt đầu vẽ. Nhưng tôi nhận thấy rất rõ sự chậm chạp trong tư thế và nét vẽ của anh. Nó khác hẳn với cái dáng vẻ phóng túng, nhanh nhẹn của anh vào năm 1957 khi anh vẽ cho tôi lần thứ nhất. Lần đó chỉ trong vài phút tôi đã thấy nét tài hoa rất Tạ Tỵ trên tờ giấy trước mặt. Trong "Phụng Sự Đặc san văn nghệ" xưa ra đời năm 1957, anh vẽ cho hàng chục anh em như Phạm Văn Sơn, Diên Nghị, Mạc Ly Châu, Huy Sơn... Mỗi bức vẽ của anh như một giây phút vui chơi, hứng thú song với tôi đó là một sáng tạo nghệ thuật. Có thể nhận định khó có ai sánh kịp với Tạ Tỵ về lối vẽ chân dung. Nhưng bây giờ cái nhìn của anh chắc cũng khác đi và bàn tay cũng đã không đi theo ý anh nữa. Một chút bùi ngùi xúc động dâng ngập khi tôi nhìn nét vẽ của anh trong những ngày tháng sau cùng này. Chính anh cũng không bằng lòng với mình nên ngay khi đó anh vẽ cho tôi bức caricature thứ hai. Anh ngắm nhìn rồi buông bút không nói lời nào. Làm sao mà hiểu hết được những gì anh đang nghĩ. Làm sao mà nói hết được những ẩn chứa sắc như dao trong lòng một người nghệ sĩ khi tuổi tác làm cho tài năng không phát huy hết được tinh hoa của mình. Tôi nghĩ đó là bức vẽ caricature cuối cùng của anh.

Một ước mơ không thực hiện được

Có lẽ chính vì thế nên dự định làm lại những bức tranh treo trong nhà của anh cũng không bao giờ thực hiện được nữa. Bệnh già càng làm anh suy yếu thêm. Những lần sau này tôi đến thăm, anh không nói về chuyện hội họa nữa mà nói về những cuốn sách anh đang đọc, anh đọc rất nhiều như một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hiện tại. Anh nói về cuộc sống ở Mỹ và những người bạn ở đó. Nhận xét của anh chín chắn, rất rõ ràng về từng con người, từng sự việc. Anh cởi mở hơn xưa nhiều và bằng lòng với đời sống hiện nay tại Sài Gòn.

Có lần anh nói với tôi: "Ở Mỹ, tớ chưa bao giờ được sống trong một căn phòng như thế này". Tôi cho là anh nhún mình hoặc quá bằng lòng với những gì anh đang có. Người con gái út của anh đã chăm sóc anh hết lòng, thuê hẳn một người giúp việc cho bố ngày cũng như đêm. Anh sống trên lầu ba trong hai căn phòng rất đầy đủ tiện nghi. Một bên là phòng ngủ, một bên là phòng làm việc và tiếp khách. Bác Tư là người đã săn sóc anh trong suốt một năm cuối trong đời. Chỉ tiếc cho một ước mơ cuối cùng của anh không bao giờ thực hiện được. Những bức tranh cũ vẫn nằm trên tường, vàng vọt theo ngày tháng.

Anh là người rất kén ăn, không ăn thịt heo, thịt gà và cả thịt bò. Anh chỉ ăn chim bồ câu, sau này không ăn quay được thì nấu cháo nhừ và cua lột, tôm hấp. Hai tháng cuối cùng anh bị té từ trên giường xuống sàn nhà. Từ đó anh không đi lại được nữa và sức khỏe của anh suy sụp nhanh hơn. Mới thứ sáu tuần trước đây thôi (20-8-2004) anh còn gọi điện thoại cho tôi hỏi thăm về nhà cửa và cảm ơn về chuyện tôi cho người mang cháo sang cho anh. Anh đòi cảm ơn "bà xã cậu chứ không phải cậu". Anh rất cẩn thận, mỗi lần mang cho anh tô canh anh cũng phải cảm ơn bằng được người đã đích thân nấu canh cho anh và dặn người nhà nhớ mang trả lại cái cà men nhựa. Cho anh mượn cuốn sách, anh xem xong gọi tôi sang nói chuyện về cuốn sách đó và gói ghém rất đàng hoàng đưa trả tận tay. Lúc này anh rất mong được gặp bất cứ ai trong số những người quen cũ.

Nhưng hai hôm sau cùng thì anh nói gì trong điện thoại tôi nghe không rõ nữa. Bác Tư phải "thông ngôn" lại tôi mới hiểu anh nói gì. Nhà tôi sang nhà anh rất gần chỉ cách có một cái ngã tư. Anh hứa hôm nào khỏe sẽ sang nhà tôi ngồi ăn cơm với các bạn bè cũ. Nhưng rồi chẳng bao giờ anh sang được.

Mười phút trước khi anh ra đi

Đúng 6 giờ sáng ngày Thứ Ba 24-8 vừa qua, người điện thoại báo tin cho tôi anh Tạ Tỵ mất lại là anh Phan Diên từ Mỹ gọi về. Tôi bàng hoàng trước nguồn tin này vì không lẽ anh mất mà người nhà anh không cho tôi biết? Tôi vội vàng báo tin cho vài người bạn rồi phóng sang nhà anh. Lúc đó các con từ Mỹ đã về Việt Nam đầy đủ. Nhưng anh vẫn còn nằm đó thở bằng bình oxy, không biết gì nữa. Chiếc máy laptop để bên đầu giường rỉ rả những câu chuyện cũ. Hoàng Song Liêm, Nguyễn Quốc Thái rồi vợ chồng Đằng Giao cũng đã có mặt. Lúc đó gia đình anh cũng đã lo mọi chuyện lễ tang chỉ chờ giờ phút anh ra đi mà thôi. Chúng tôi đến bên anh, ai cũng biết đó là lúc cầm tay anh và nhìn anh lần cuối.

Tôi ra về, điện thoại sang Mỹ báo tin lại cho các anh Thái Thủy, Vũ Đức Vinh và Phan Diên về nguồn tin ở Mỹ chưa đúng hoàn toàn. Nhưng chỉ mười phút sau đó gia đình anh cho tôi biết đúng 10 giờ sáng anh đã ra đi. Tôi lại phải điện thoại lại báo tin cho các bạn ở nước ngoài. Theo như dự định gia đình anh sẽ quàn anh một ngày tại chùa Xá Lợi, nhưng sau đó lại quàn linh cữu anh ở nhà. Hôm sau, hầu hết bạn bè anh còn ở lại Sài Gòn đều có mặt. Trong số hàng trăm vòng hoa của thân hữu ở VN, tôi thấy có vòng hoa của anh Đinh Cường từ Virginia đưa đến và một vòng hoa của Hội Nghệ Thuật thành phố Sài Gòn.

Cho đến 9 giờ sáng ngày 26-8 đưa anh đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. Buổi đưa tiễn anh có rất nhiều những khuôn mặt thân quen của anh từ xa xưa. Ông Mạnh Đan râu bạc như cước, anh Lê Cao Phan cũng đã 82 tuổi rồi song còn khỏe mạnh, lớp người trên 70 như Hoàng Song Liêm và tôi hoặc kém một chút như Dương Nghiễm Mậu, Hoàng Vũ Đông Sơn... trong cái "đám" này được coi là còn "trẻ".

Vĩnh biệt Tạ Tỵ, một họa sĩ tài hoa. Sự ra đi của anh là một mất mát lớn lao thực sự cho làng hội họa, ở VN không dễ gì có được một nghệ sĩ rất đặc biệt như Tạ Tỵ.

Văn Quang
Tháng 8/2004
Nguồn: http://lenduong.net












 


Tạ Tỵ không còn nữa
Saturday, August 28, 2004

Nguyễn Mạnh Trinh

Mấy ngày hôm nay, bạn tôi, Tạ Kỳ Linh, đang ở Sài Gòn để lo tang lễ cho thân phụ của anh. Người cha kính mến của anh vừa từ trần là nhà văn/ họa sĩ Tạ Tỵ, một người đã góp công rất lớn cho văn học nghệ thuật của dân tộc Việt Nam.

Không ngờ một câu nói trước đây của ông đã thành sự thực. Nếu có chết tôi sẽ trở về quê hương để gửi nắm xương tàn. Bây giờ, ông đã khởi hành vào chốn miên viễn hư vô. Chuyến song loan vừa rời bến nhân gian. Những bức tranh, những cuốn sách của ông vẫn còn đời sống, vẫn hiện hữu hàng ngày. Chỉ có điều, bây giờ không còn nữa hình dạng nhà văn, nhà họa sĩ nổi danh một thời nữa. Nụ cười đôn hậu, tiếng nói sang sảng, mái tóc bạc phơ, tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Nhưng chắc chắn, sẽ chẳng bao giờ lãng quên trong lòng những người Việt Nam yêu nghệ thuật...

Với riêng tôi, ngoài tình văn nghệ, tôi còn là bạn của Linh, nên được ông coi như người trong nhà. Trong giới văn nghệ, cách xưng hô thông thường vẫn là anh và em. Nhưng tôi vẫn gọi bác Tạ Tỵ, dù cả những khi đang làm phỏng vấn. Tôi trước sau đã phỏng vấn ông bốn năm lần và lần nào cũng tìm thấy được sự hứng khởi của một người yêu và trân trong văn chương chữ nghĩa. Những buổi chiều, với máy ghi âm, tôi đã được nghe những kỷ niệm khắc sâu trong trí nhớ của một người có hơn nửa thế kỷ gần gũi với cọ sơn và bút mực. Những người bạn văn chương cùng thời được nhắc đến như một cách biểu lộ tình cảm của một tri kỷ với một tri kỷ. Và bàng bạc trên tất cả là nỗi niềm của những người đã trải qua nhiều biến cố của thời thế nhiễu nhương.

Tôi không thể nào quên buổi ra mắt sách đặc biệt của bác ở cà phê Factory. Với vị trí của bác trên văn đàn thừa sức để có một cuộc giới thiệu sách trọng thể. Thế mà, một buổi sáng chủ nhật, một lão trượng tóc bạc phơ ngồi ký từng quyển sách cho một hàng người xếp hàng trước mặt. Giản dị chỉ có thế nhưng tôi biết bác sung sướng lắm khi nói chuyện và quây quần với bọn trẻ. “Tuyển Tập Tạ Tỵ “là một cuốn sách gửi gấm nhiều tâm tư của bác cho đời sau, chủ quan riêng tôi nhận thức như thế.Tuy chưa đầy đủ hết cả những phần tinh lọc của sự nghiệp văn chương nhưng cũng chứa đựng những phần chính của bác. Tôi nhớ lại nụ cười hào sảng, nhớ đến nét chữ mạnh mẽ của một người họa sĩ thích viết văn làm thơ. Bây giờ, giở lại cuốn sách, còn thấy bùi ngùi. Những cuốn sách bác cho, vẫn còn nguyên trên kệ sách...

Hình như, trong trang sách có phần nào Tâm Sự. Ðọc lại bài thơ, tự nhiên một nỗi xúc động vỡ òa. Thân phận lưu lạc, cám cảnh cuối năm đầy những u uất thở dài. Tâm Sự là nỗi lòng của một người cầm bút lão thành cảm tác giữa những hờ hững của tình đời và tình người. Hình như còn mặn chát từng ý nghĩ:

“Ðất khách quê người ngày tháng hết
Ngang trời gió cuốn lá vàng bay
Ðã mấy Xuân rồi lòng vẫn lạnh
Vẫn buồn như buổi mới chia tay
Bằng hữu bây giờ xa vắng quá
Chả biết ân tình có đổi thay
Muốn viết cho nhau mươi hàng chữ
Mà sao nét mực lại hao gầy?
Tâm tư khắc khoải từng giây phút
Chập chờn ảo ảnh ở quanh đây
Những muốn quên đi cho đỡ khổ
Cầm bằng quá lỡ một cơn say
Nhưng ngựa đất Hồ nghe gió bấc
Lại hí vang trời nhớ cỏ cây..”


Một bài hành với phong vị độc đáo, nghe phảng phất nỗi sầu xa xứ và tràn đầy những phẫn hận của một thế thời trôi dạt. Hồi trước, có bài Hành Phương Nam của Nguyễn Bính, sau này có Hành Bốn Mươi của Thanh Nam ở hải ngoại. Bài Tâm Sự này cũng là một tiếng thơ độc đáo chất ngất nỗi niềm. Thơ như cơn gió bấc gợi lại tiếng hí ngựa Hồ. Quê cũ sao gần mà nghe xa ngàn dặm...

Thơ Tạ Tỵ còn được nhắc đến như những bài “Thương Về 5 Cửa Ô Xưa” hay “Những Con Ðường Hà Nội “mà tiếng nhạc phổ đã nối vòng tay truyền cảm đến tâm thức người nghe. Thế mà, nhiều lần, bác vẫn nghĩ rằng thơ và nhạc là hai phạm trù khác nhau. Nếu phối hợp lại, là một cuộc hôn nhân thất bại. Bây giờ, những bài nhạc phổ thơ như những nhan đề trên vẫn còn làm rung động tâm tư và có đời sống âm nhạc trường cửu.

Tôi thích những bức chân dung văn nghệ sĩ phụ bản của “Những Khuôn Mặt Văn nghệ Ðã Ði Qua Ðời Tôi”. 33 khuôn mặt, nhìn từ những góc cạnh mới lạ khám phá được những phần tiềm ẩn bên trong của nhân dáng con người. Dường như, là một cái duyên giữa người vẽ và người được vẽ thành những gì để lại cho đời sau. Tôi chợt nhớ đến câu nói của một anh bạn văn nghệ cùng thời. Lúc đó chúng mình in sách mà được nhà xuất bản An Tiêm của thầy Thanh Tuệ và có phụ bản chân dung do họa sĩ Tạ Tỵ vẽ thì cuốn sách tăng thêm ngàn vạn lần giá trị. Thế mà, bây giờ chỉ trong vài ngày cả hai đã dắt tay nhau đi vào hư vô. Tháng tám, một cái tháng của chia biệt. Anh Ngô Mạnh Thu, thầy Thanh Tuệ, và bác Tạ Tỵ bây giờ không còn nữa để lại bao nhiêu là tưởng nhớ cho mọi người.

Bác Tạ Tỵ bắt đầu cầm bút từ năm 1950, trải qua bao nhiêu thời thế. Với lớp tuổi chúng tôi, những tạp chí văn học nổi danh một thời như Thế Kỷ, Ðời Mới, Nguồn Sống Mới và những tên tuổi như Trần Văn Ân, Hoàng Trọng Miên, Trúc Sĩ... tương đối xa lạ so với những tạp chí về sau như Sáng Tạo, Văn, Bách Khoa. Mà tôi là một đứa tò mò nên hỏi được từ bác bao nhiêu là điều thích thú. Ít có người có hành trình văn học dài như nhà văn Tạ Tỵ. Từ khi tiền chiến đến lúc vào vùng kháng chiến, rồi ở Hà Nội lúc về Tề, sau vào Nam đi Khóa 3 Sĩ Quan Thủ Ðức, kéo dài đến năm 1975, đi tù cải tạo rồi vượt biển sang sống ở xứ người, là cả một thời gian của châu báu trí nhớ. Bác đã viết rất nhiều về những thời kỳ ấy, phác họa một phần nào những góc cạnh lịch sử qua người và việc. Ðọc những “Mười Khuôn Mặt Văn nghệ Hôm nay”, “Phạm Duy, còn đó nỗi buồn”, “Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ”. “Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Ðã Ði Qua Ðời Tôi”, để thấy những ghi nhận phác họa là sâu sắc và đặc biệt. Lúc đó, họ đã sống và viết như thế nào.

Tù ngục Cộng Sản đã tạo nên rất nhiều tác phẩm trong đó có “Ðáy Ðịa Ngục” của nhà văn Tạ Tỵ. Chính cái giọng văn đầy cảm tính ấy đã làm sức quyến rũ cho những trang hồi ký cải tạo. Một thời đại tồi tệ của lịch sử với trại tù gân mấy trăm ngàn người. Dĩ nhiên, một sự thực có nhiều góc cạnh được nhìn ngắm từ vị trí mỗi người nhưng chính cái chủ quan ấy sẽ tạo thành giá trị cho tác phẩm.

Tôi nghĩ “Ðáy Ðịa Ngục” trung thực và có nhiều chi tiết tốt để nhìn ngắm lại về sau khi phác họa lại một thời đại.

Nói về hội họa, những bức tranh ký tên Tạ Tỵ bây giờ có giá trị rất cao trong những bộ sưu tập. Hình như tranh của bác được xác nhận từ chính quyền trong nước là tài sản quốc gia và không được quyền mang ra nước ngoài. Thời Việt nam Cộng hòa, có bức tranh mang giá cả triệu đồng, như bức tranh được hãng Shell mua lúc đó.

Bác mong muốn có một cuốn sách hội họa để đời và bạn tôi, Tạ Kỳ Linh và người em Tạ Cẩm Chương, khổ sở vì ước muốn ấy. Bao nhiêu công khó để thực hiện một Cd chứa đầy hình ảnh của những bức tranh tuyệt tác. Thế mà khi mang đi in thử ở hết nhà in này đến nhà in khác thì đều bị ông bố chê. Nào màu sắc không trung thực, nào lọc màu bị “defected”... Hai anh em muốn làm vui lòng người cha nhưng quá khó vì nghệ thuật được nâng lên tới mức khó thực hiện dù với kỹ thuật in ấn quá tiến bộ ở xứ sở này. Thế nên hồi ký “Cuộc Ðời và Hội họa” chỉ là tác phẩm “sẽ xuất bản” mà thôi. Nhưng biết đâu về sau, khi nhà họa sĩ tài ba mất đi, sẽ có một tác phẩm để đời sẽ in.! và những bức tranh sẽ là những món quà vô giá cho hậu thế.

Tôi gặp Linh hay hỏi về sức khỏe bác. Khi bác nằm trong bệnh viện Fountain Valley, hai vợ chồng tôi có vào thăm và bác tỏ ra rất lạc quan. Bác còn đùa là bữa nào về bác cháu sẽ nói về chuyên văn nghệ cả ngày cho đã. Và bác còn trách là bao nhiêu người muốn bác phác họa chân dung chỉ có tôi là né tránh không muốn cứ lười biếng không đến. Bây giờ tôi mới thấy tiếc. Không bao giờ, tôi có phác họa khuôn mặt mình từ nét cọ của bác nữa!!!

Khi biết bác trở về Việt Nam và đọc bài viết của nhà văn Văn Quang cùng với bức hình bác và nhà báo Phan Nghị, tôi nghĩ thôi cũng là một việc hay. Bác đã có ý muốn như thế thì chiều bác và biết đâu cuộc sống sẽ thoải mái hơn khi ở Hoa Kỳ. Nhưng tôi đâu biết đó là một cuộc sửa soạn để bác bắt đầu khởi hành một chuyến đi vĩnh cửu...

Hôm nay, chắc tang lễ bác đã xong. Tôi ngồi viết lại những ghi chép lộn xộn này như một nén nhang thơm thắp lên tưởng nhớ. Xa xôi, chúng tôi, những người bạn của Linh và Chương không thể về để đưa tiễn được. Nhưng chắc chắn cũng có những bạn cùng khóa với tôi và Linh đến để chia sẻ nỗi mất mát to lớn này... Cầu mong bác thong dong trên cao của cõi miên viễn an nhiên.

Nguyễn Mạnh Trinh

www.nguoi-viet.com











 

Thủ bút của Tạ Tỵ
























Hs Đinh Cường & Tạ Tỵ








nv Mai Thảo, nv Vũ Khắc Khoan, nv Nguyễn Sỹ Tế, Nhạc sĩ Phạm Đình Chương
Họa sĩ Tạ Tỵ








California năm 2000































































Trở về 








MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả. 
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.