Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2016

Bùi Hoằng Vị


















Bùi Hoằng Vị
(1956 Huế - ..........)
(do bố mẹ di cư từ Hà Nội)

Nhà văn, Nhà thơ












CN Nga văn
(ĐH Tổng Hợp, tpHCM)

CN Anh văn

(ĐH KHXH&NV, tpHCM)

ThS TESOL/TEFL

(Victoria University of Technology, AUS)







Địa chỉ:



http://buihoangvi.free.fr/














Kỷ niệm cơm niêu với các bạn quý
6/1/2017








Đã xuất bản:





1
Nhật Ký 
(Thơ-Nxb Long An,1990)





2
Tầng Trệt Thiên Đường
(Truyện ngắn -Nxb Trẻ, 1995)





3
Phòng X Khu Nội Trú 
(Truyện vừa-Nxb@, 2009)





4
Cổ Học Tinh Huê 
(Truyện biếm-Nxb@, 2009)





5
Đại Bất Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh
(Tuyển-Nxb@, 2010)








Truyện








Biếm

CỔ HỌC TINH HUÊ




01. ÂM ĐẠO



.

01. ÂM ĐẠO

SG,15/03/1989 (Trích lục QÙY HOA BẢO ĐIỂN).


Chuyện kể Pôl Pốt Đại Ma Đầu tu luyện đã lâu, đến ngày kia khởi phát tâm nguyện thiên hạ đại trị ; trước lúc hạ san, có ghé Hồ Đồ Tiên Sinh ở Hồ Đồ Cốc để vấn đạo. Hồ Đồ trông mặt đã biết tám chín phần tâm địa, nói: 

Ngươi sắp lên ngôi báu đấy. Xin có lời mừng.

Thiên hạ bao nhiêu là cao nhân; bản thân chỉ nguyện giúp đời, nào dám nghĩ đến tranh giành ngôi thứ?

Nói là nói vậy, chứ phàm người có quý tướng, không sớm thì muộn, cũng phải gặp hồi vinh hiển.

Tiên sinh khéo đùa, chứ mặt heo, tai chó, tay khỉ, lưng trâu thế này, sao có thể gọi quý tướng?

Ngươi chưa hiểu. Quý tướng chỉ có nghĩa là dị tướng đó. Ở đời hễ hiếm, hễ lạ, thì quý. Nọ đời Tần bên Tầu có kẻ chỉ nhờ dương vật to lớn phi thường mà phút chốc lên ngôi giả phụ của Vua. Có gì dưới gầm trời này gọi được là bất khả?

Được như lời, thì quý hóa xiết bao. Nay giả có lên ngôi báu, thời phải trị dân lẽ nào? Mong tiên sinh vì đời, chỉ dậy đôi lời minh triết; sẽ xin ghi chép vào lòng, làm cẩm nang tối thượng.

Chẳng dám. Những điều ta nói chỉ là lập lại cổ nhân, chẳng dám tự nhận là minh triết.

Vậy cổ nhân dậy thế nào?

Cổ nhân dậy dân nào cũng là dân, thời nào cũng đi chân đất mà cầy cấy, đi xe ngựa mà bán buôn. Có khác là khác Vua, khác cách trị. Có một cách nọ: Thế thiên hành đạo. Vô vi nhi trị. Bất khả tư nghị. Người người đều thư thái. Theo cách ấy trị dân gọi là Đế Đạo, chỉ bậc thánh hiền mới làm được.

Nghe mù mờ quá, chẳng khác Hư Không, làm sao phân biệt? Xin cho nghe cách khác.

Lại một cách nọ: Lấy danh lợi, tiền của, mà khiến người. Ai nghe thì được danh, được lợi, chẳng nghe thì miễn bàn. Cách ấy trị dân gọi là Vương Đạo, chỉ kẻ lắm tài, lắm tiền, mới làm được.

Xưa nay Độc Nhất Thư Chi Nhân, Tư Nhất Riel Chi Thủ, tài chẳng bao nhiêu, tiền chẳng bao nhiêu, cách ấy chẳng theo được. Xin cho nghe cách khác.

Còn một cách nữa: Lấy miệng lưỡi mà mê hoặc người. Lấy vũ lực mà khiển người. Lấy cái chết mà dọa người. Chẳng ai dám phản. Nơi nơi đều yên. Theo cách ấy trị dân gọi là Bá Đạo, phải người bản lãnh mới làm được.

Ma Đầu cướp lời:

Ôi, cao kiến. Xin theo cách ấy. Hôm nay sáng được nghe lời phải, tối dẫu nhắm mắt cũng không ân hận vậy.

Nói xong, lậy tạ, rồi khấp khởi xuống núi ...


*

Lại nói Hồ Đồ, ngày đó cũng bỏ Cốc, ngao du sơn thủy. Tưởng đã chẳng bao giờ còn thấy Ma Đầu, nào ngờ buổi kia, nhân hái thuốc chốn thâm sơn giáp ranh Xiêm Quốc, xảy gặp một toán quân đang tuần lánh nạn, cầm đầu lại hóa ra là cố nhân. Có điều, giờ trông y sao lạ: Xiêm áo xác xơ, mặt mày hớt hải. Tùy tùng lại càng thảm: Tay cụt chân què, sứt tai mẻ mũi, bước đi bước khóc , rất đỗi ... dễ thương. Động lòng, hỏi:

Sao đến nỗi này?

Ma Đầu sấp đất, tru lên:

Tiên sinh ơi là tiên sinh! Sao không báo trước cái hậu vận này? Trời ơi là Trời! Hồ Đồ ơi là Hồ Đồ!

Ngày nọ ngươi bỏ đi ngay, ta nào kịp thêm một lời? Giờ xin kể cho nghe, ngươi đã làm gì nên nỗi?

Làm gì ư? Từ buổi ấy về ngay cố hương, gặp thời cơ lớn, cứ y cẩm nang tối thượng mà làm ; những tưởng một đời an hưởng ngôi báu, ngờ đâu ngồi chưa nóng chỗ, đã bị đánh đuổi tan tác, phải bỏ của chạy lấy người, lánh vào tận chốn này. Chao, cẩm nang ơi là cẩm nang!

Cẩm nang tối thượng là cái quái chi? Cụ thể ngươi đã làm những gì?

Còn hỏi đã làm gì nữa ư? Lấy đao búa mà kề cổ người. Lấy Bạch Thư, Miêu Tuyển mà răn người. Lại mỗi ngày chỉ cho ăn một hột cốc, uống một giọt máu ; trăm họ rơi đầu, máu chẩy thành sông, xương chồng thành núi, xã tắc hóa tha ma, cực kỳ khoản khoát. Thế còn chửa được gọi là Bá Đạo ru? Sao ngày ấy lại dậy : chẳng ai dám phản, nơi nơi đều yên?

Ôi chao, ngươi đã nhầm lớn rồi. Cẩm nang của ngươi dẫu bá đạo đến như Kiệt, Trụ, cũng chẳng dám theo nữa là!

Cứ những lời vừa nói đó, thời đây đã chẳng theo đúng Bá Đạo ư?

Phải. Đạo ngươi tuyệt chẳng thể gọi Đế, Vương, hay Bá, gì hết ; trần đời này chẳng ai, ngoại trừ một thằng khùng nọ bên nước Phổ, là lớn mật dám làm, song kết cục đã phải thẳng đường Âm Phủ lánh nạn rồi. Nói vậy, có thể tạm gọi đạo của ngươi bằng một cái tên đó.

Là gì, hử Trời?

Là ... Âm Đạo!

Sao mà nghe âm hiểm quá vậy?

Nói rồi, lại tru lên. Tùy tùng cũng rống thêm vào, lại càng thảm thiết.























Thơ



















Dịch



Nỗi cô đơn của châu Mỹ La Tinh

Gabriel Garcia Marquez Nobel 1982



Talawas
22.12.2003
(http://www.talawas.org/talaDB/suche.php?res=1305&rb=0307)(Translated 2003 by Bui Hoang Vi, as requested by Pham Thi Hoai in order that she could use it on her website talawas.org).


Antonio Pigafetta, một nhà thám hiểm hàng hải người Florence đi cùng Magellan trong chuyến hải hành đầu tiên vòng thế giới, khi ngang qua những miền đất Nam Mỹ của chúng tôi, đã viết một bài tường thuật mô tả chính xác đến nghiêm nhặt, song câu chuyện của ông lại hệt một cuộc mạo hiểm vào thế giới huyễn tưởng. Trong đó ông kể rằng đã thấy những con lợn thiến có rốn ở đùi, những con chim không móng vuốt mà con mái đẻ trứng trên lưng con trống, và cả những con thú giống bồ nông, lưỡi không có, mỏ lại giống thìa. Ông kể đã thấy một con vật quái thai có đầu và tai la, mình lạc đà, chân hươu, tiếng hí như ngựa. Ông kể chuyện người thổ dân đầu tiên ông gặp ở Patagonia đã chạm trán với một cái gương soi ra sao; kết cục là hắn, cái gã khổng lồ tràn trề xúc động kia, đã kinh hoàng đến mất trí bởi chính hình ảnh của mình trong gương. 

Cuốn sách mỏng và mê hồn này, mà ngay thuở ấy đã chứa sẵn mầm mống cho những tiểu thuyết hôm nay của chúng tôi, hoàn toàn không phải là bản tường trình đáng kinh ngạc nhất về hiện thực của chúng tôi vào thời kỳ ấy. Những biên niên sử vùng Indies còn để lại cho ta vô vàn những thí dụ khác. Eldorado, vùng đất huyễn tưởng mà chúng tôi đã háo hức đi tìm, chẳng hạn, có mặt trên vô số các bản đồ trong hàng bao năm, cũng đã phải di dời tọa độ và thay hình đổi dạng cho khớp với tưởng tượng của các chuyên gia địa đồ. Trong chuyến săn tìm suối nguồn trẻ mãi không già, nhà thám hiểm châu Mỹ người Tây Ban Nha Alvar Nunez Cabeza de Vaca thần thoại đã khảo sát miền Bắc Mêhicô trong tám năm ròng, cùng một đoàn thám hiểm bị lường gạt mà các thành viên đã xâu xé lẫn nhau đến đỗi cuối cùng chỉ còn lại năm trong số cả bọn sáu trăm người là quay được trở về. Một trong những bí ẩn khôn dò của thời ấy là chuyện mười một nghìn con la, mỗi con chất non nửa tạ vàng, một ngày nọ đã rời Cuzco lên đường trả món tiền chuộc Atahualpa để rồi không bao giờ đến được nơi phải đến. Kết quả là, vào thời thuộc địa, gà mái được bán ở Cartagena de Indias là những con được nuôi trên đất bồi phù sa, mề chứa đầy những hạt vàng li ti. Cơn khát vàng của một trong những vị khai sáng vùng đất ấy đã đeo bám chúng tôi cho đến tận gần đây. Mãi đến cuối thế kỷ trước, một phái đoàn Ðức được bổ nhiệm sang đây nghiên cứu xây dựng một đường sắt xuyên đại dương đi ngang qua eo đất Panama đã kết luận rằng cái dự án kia chỉ khả thi với một điều kiện, là những đường ray không được làm bằng sắt, là thứ hiếm hoi trong vùng, mà phải làm bằng vàng. 

Nền độc lập của chúng tôi khỏi ách thống trị Tây Ban Nha cũng chẳng cứu được chúng tôi khỏi điên rồ. Tướng Antonio Lopez de Santana, người từng ba lần là nhà độc tài cai trị Mêhicô, đã tổ chức một đám ma linh đình cho cái cẳng chân phải mà ngài đã hi sinh trong cái gọi là chiến cuộc Pastry. Tướng Gabriel Garcia Moreno cai trị Ecuador mười sáu năm như một vị vua chuyên chế; kết quả là thi thể của ngài được người ta đặt ngồi trên ghế tổng thống, cho diện quân phục chỉnh tề với đầy đủ huân huy chương bảo trợ. Tướng Maximiliano Hernández Martinez, vị bạo chúa sính thông thiên học của El Salvador, kẻ đã cho giết ba mươi nghìn tá điền trong một cuộc tàn sát man rợ, đã sáng chế ra một con lắc nhằm phát hiện thuốc độc trong thức ăn dành cho mình, cũng như đã cho phủ giấy điều lên hết thẩy các đèn đường nhằm trừ khử nạn dịch sốt tinh hồng nhiệt. Bức tượng của Tướng Francisco Moraz'n dựng ở quảng trường chính Tegucigalpa thật ra lại là của Thống chế Ney, sắm được từ một kho chứa tượng điêu khắc đã qua sử dụng ở Paris. 

Mười một năm trước, nhà thơ Chilê Pablo Neruda, một trong những nhà thơ xuất sắc của thời đại chúng ta, đã từng vén mở sự thật cho quí vị cử tọa đây, qua bài diễn từ của ông. Kể từ bấy, những người Âu châu có thiện ý - và đôi khi cả những kẻ ác ý nữa - đã được đánh động mãnh liệt hơn bao giờ hết bởi những tin tức kinh hoàng của châu Mỹ La Tinh, cái vương quốc bao la toàn những đàn ông bị ma ám cùng những phụ nữ lẫy lừng mà thói bướng bỉnh ngoan cố vô hạn đã trở thành huyền thoại ấy. Chúng tôi chưa được nghỉ ngơi lấy một chốc lát nào. Một vị tổng thống đầu óc sáng tạo táo bạo, cố thủ trong cái dinh thự đang cháy rực của ngài, đã chết trong lúc một thân một mình chiến đấu chống lại cả một đạo quân; và hai tai nạn máy bay đáng ngờ kia, vẫn chưa ai giải thích được, đã khiến một vị tổng thống dũng cảm khác, cùng một chiến sĩ phe dân chủ, người đã từng phục hồi phẩm giá cho dân tộc mình, phải đoản mệnh. Ðã có năm trận chiến và mười bẩy cuộc đảo chánh quân sự; cũng đã nẩy nòi ra được một tên độc tài quỉ quyệt nhân danh Chúa thực thi chính sách diệt chủng đầu tiên ở châu Mỹ La Tinh đối với các nhóm sắc tộc. Cùng lúc, hai mươi triệu trẻ con châu Mỹ La Tinh đã chết trước khi đầy tuổi - nhiều hơn số trẻ chào đời ở châu Âu tính từ 1970. Con số những người mất tích do đàn áp đã đạt gần một trăm hai mươi nghìn; cơ sự này có lẽ rồi sẽ chẳng ai kê khai nổi toàn bộ cư dân của Uppsala. Vô số phụ nữ bị bắt bớ trong lúc bụng mang dạ chửa đã cho con mình chào đời trong các nhà tù ở Achentina, dù vậy chẳng ai biết được gì về chỗ ở lẫn lai lịch của con cái họ, những đứa đã được lén lút nhận làm con nuôi hoặc gửi vào cô nhi viện theo lệnh các nhà cầm quyền quân sự. Chính vì toan tính cải cách mà gần hai trăm nghìn người đã chết trên toàn châu lục, cũng như hơn một trăm nghìn người đã mất mạng trong ba quốc gia nhỏ bé và xấu số ở Trung Mỹ: Nicaragua, El Salvador và Guatemala. Nếu điều này đã xảy ra ở nước Mỹ, con số tương ứng sẽ là một triệu sáu trăm ngàn cái chết bạo liệt trong vòng bốn năm. 

Một triệu người đã trốn khỏi Chilê, một quốc gia có truyền thống hiếu khách - nghĩa là, mười phần trăm dân số. Uraguay, một xứ sở tí hon chừng hai triệu rưởi dân, vốn tự xem mình là đất nước văn minh nhất châu lục, cũng đã có cứ năm công dân thì hết một bị lưu đầy. Kể từ 1979, cuộc nội chiến ở El Salvador đã sản sinh ra gần như cứ mỗi hai mươi phút một người tị nạn. Nếu một xứ sở nào chứa toàn những kẻ bị phát vãng hoặc bị buộc phải di cư từ châu Mỹ La Tinh, xứ sở ấy sẽ có một dân số đông hơn của Na Uy. 

Tôi dám cho rằng chính cái hiện thực ngoại cỡ này của châu Mỹ La Tinh, chứ không phải sự biểu đạt văn chương của nó, mới đáng để Viện Hàn Lâm Văn Học Thụy Ðiển lưu tâm. Một hiện thực không phải trên giấy, mà sống động trong chúng tôi, và quyết định từng khoảnh khắc một của vô vàn cái chết mỗi ngày của chúng tôi; chính nó đã nuôi dưỡng cái ngọn nguồn sáng tạo không bao giờ no thoả, đầy sầu não cùng vẻ đẹp, mà từ đó cái gã người Colombia lang thang và hoài cổ trước mắt quí vị đây chỉ là một kẻ vô tích sự nữa mà số phận đã chọn lấy. Là thi nhân hay hành khất, nhạc công hay tiên tri, chiến binh hay kẻ vô lại, - toàn thể tạo vật của cái hiện thực ngoài vòng cương tỏa ấy, - chúng tôi chẳng phải cầu viện gì nhiều đến óc tưởng tượng; trái lại, vấn đề then chốt của chúng tôi chính là thiếu phương tiện qui ước để diễn đạt cái hiện thực ấy sao cho người ta tin được. Ðiều này, thưa quí vị, chính là điểm khó khăn nhất trong nỗi cô đơn của chúng tôi. 

Và nếu như tất cả những nỗi khó nhọc này, mà bản chất của chúng chúng ta đều chia sẻ, có ngăn trở chúng tôi, thì hoàn toàn dễ hiểu rằng những tài năng sáng suốt ở phần bên này của thế giới, những kẻ chưa hết ngây ngất suy tưởng về những nền văn hóa của riêng mình, lẽ ra phải nhận thấy họ không có phương tiện thích đáng nào để diễn giải chúng tôi cả. Lẽ tự nhiên, họ cứ khăng khăng đo chúng tôi bằng những thước đo dành riêng cho họ, mà quên rằng những tác hại của cuộc sống đối với mỗi người mỗi khác, và cuộc truy tìm lai lịch của chúng tôi cũng gian khổ và đẫm máu y như của họ vậy. Sự diễn dịch cái hiện thực mà chúng tôi sống bằng những mô hình không phải của chúng tôi chỉ khiến chúng tôi trở nên xa lạ hơn, kém tự do tự tại hơn, và cô đơn hơn bao giờ hết. 

Châu Âu khả kính của chúng ta có lẽ sẽ nhậy bén tinh tế hơn nếu như họ chịu khó nhìn hình ảnh của chúng tôi qua quá khứ của chính họ. Phải như họ nhớ lại rằng Luân Ðôn đã mất ba trăm năm mới dựng lên được bức tường thành đầu tiên của mình, và thêm ba trăm năm nữa mới có được một giám mục; rằng La Mã đã lao động khổ sai trong một tình trạng bấp bênh ảm đạm suốt hai mươi thế kỷ, mãi cho đến khi một vị vua kia neo được nó vào lịch sử; và rằng cái dân tộc Thụy sĩ đầy an bình hôm nay, những người đang cung cấp cho chúng ta đủ thứ phó mát đằm thắm cùng những đồng hồ đeo tay chính xác đến độ vô cảm, xưa đã từng là lính viễn chinh đánh thuê, làm vấy máu châu Âu vào mãi cuối thế kỷ XVI. Ngay cả ở giai đoạn hoàng kim của thời kỳ Phục Hưng, mười hai nghìn quân lê dương đã ăn lương của các tập đoàn đế quốc để cướp bóc, tàn phá La Mã, cũng như đâm chết tám nghìn cư dân của nó. 

Tôi không có ý làm hiện thân cho những ảo tưởng của Tonio Kröger, mà những ước mơ kết hợp một phương Bắc đạo hạnh với một phương Nam đam mê đã được Thomas Mann tán dương cũng ở diễn đàn này năm mươi ba năm trước. Nhưng tôi thật sự tin rằng những người Âu châu sáng suốt, những người, cũng trên diễn đàn này, tranh đấu cho một quê hương công chính và nhân đạo hơn, sẽ có thể giúp chúng tôi hữu hiệu hơn rất nhiều, nếu họ chịu khó xem lại cách nhìn của mình đối với chúng tôi. Lòng khăng khít với những ước mơ của chúng tôi sẽ không giúp chúng tôi cảm thấy bớt cô đơn, bao lâu nó không được vận dụng thành hành vi cụ thể, hỗ trợ hợp pháp cho hết thẩy những dân tộc nào đang nuôi ảo tưởng sẽ có được một cuộc sống riêng do thế giới phân phát cho. 

Châu Mỹ La Tinh không muốn và cũng không có lý do gì để làm một con rối không có nổi ý chí riêng, cũng không hề mơ tưởng rằng cuộc truy tìm nền độc lập cũng như tính độc đáo của mình lại trở thành một tham vọng kiểu Tây phương. Tuy nhiên, những tiến bộ về hàng không hàng hải vốn giúp thu hẹp khoảng cách giữa châu Mỹ và châu Âu dường như, trái lại, đã tô đậm thêm sự xa cách của chúng tôi về phương diện văn hóa. Tại sao sự độc đáo vốn được phú một cách dễ dàng cho chúng tôi trong văn học, lại khước từ chúng tôi một cách đầy ngờ vực trong những nỗ lực nhọc nhằn nhằm cải tạo xã hội mình đến thế? Tại sao lại cho rằng cái công lí xã hội mà những người châu Âu tiến bộ đã cố công tìm cho đất nước họ lại không thể cũng là mục tiêu của châu Mỹ La Tinh, với những phương pháp khác, trong những điều kiện khác? Không, chính bạo lực cũng như nỗi đau không đo đếm xuể trong lịch sử chúng tôi là hậu quả của bất công cùng những cay đắng câm lặng đã bao đời, chứ chẳng phải do một âm mưu nào được hoạch định từ hàng vạn dặm ngoài xứ sở của chúng tôi cả. Song nhiều nhà lãnh đạo và (nhà) tư tưởng châu Âu đã tưởng thế, với sự ngây thơ ấu trĩ của những bậc cao niên, những người đã quên mất tuổi xuân thừa mứa và hiệu quả của mình, làm như không thể có được một chọn lựa nào khác hơn là phải sống dưới quyền sinh sát của hai bá chủ thế giới vậy. Ðiều này, thưa quí vị, lại chính là tầm vóc nỗi cô đơn của chúng tôi. 

Mặc dù thế, chúng tôi đáp lại sự áp bức, cướp bóc, và sự bỏ mặc, bằng chính cuộc sống của mình. Chẳng phải lụt lội hay dịch bệnh, nạn đói hay thảm họa nào, thậm chí cũng không phải chiến tranh triền miên từ thế kỷ này sang thế kỷ khác đã làm giảm được ưu thế kiên trì của sự sống đối với cái chết. Một ưu thế không ngừng tăng lên và tích cực hơn: mỗi năm, sinh suất vượt hơn bẩy mươi tư triệu người so với tử suất, con số đủ để làm tăng dân số New York mỗi năm gấp bẩy lần. Phần lớn các sinh suất này là ở các nuớc nghèo tài nguyên thiên nhiên nhất, cố nhiên là bao gồm cả châu Mỹ La Tinh. Ngược lại, những nước phồn vinh nhất đã thành công trong việc tích lũy năng lực hủy diệt đủ để làm xoá sổ một trăm lần hơn, không chỉ hết thẩy những ai đã từng hiện hữu trên đời, mà toàn bộ mọi sinh vật đã từng tồn tại trên hành tinh đầy bất hạnh này. 

Vào một ngày như hôm nay, nhà văn bậc thầy William Faulkner của tôi đã phát biểu: "Tôi từ chối chấp nhận sự tàn lụi của con người". Tôi sẽ hóa ra bất xứng với chỗ đứng này, nơi đã từng được dành cho ông, nếu như tôi lại không hoàn toàn ý thức được rằng cái bi kịch lớn lao mà ông đã từ chối thừa nhận cách đây ba mươi hai năm ấy, giờ đây, lần đầu tiên kể từ khởi nguyên của lịch sử loài người, chẳng là gì khác hơn một điều khả hữu giản đơn đối với khoa học. Ðối mặt với thực tế đáng sợ này, mà hẳn dường như đã từng chỉ là một điều không tưởng trong suốt lịch sử loài người, chúng ta, những kẻ sáng tạo nên những câu chuyện kể, những kẻ sẵn sàng tin vào mọi sự, cảm thấy có quyền tin rằng vẫn còn kịp để tham gia sáng tạo nên điều không tưởng trái ngược lại. Một điều không tưởng mới mẻ và trọn vẹn về cuộc sống, ở đó không còn ai được phép quyết định thay cho kẻ khác cái cách họ phải chết, ở đó tình yêu sẽ nên hiện thực và hạnh phúc trở thành khả hữu, và ở đó những chủng tộc bị kết án một trăm năm cô đơn sẽ lại có được, cuối cùng và mãi mãi, một cơ may thứ hai trên mặt đất này.


























Tạp Chí VIỆT#8 









.


Ðinh Linh (ÐL): Tuyển tập truyện ngắn của anh, Tầng Trệt Thiên Ðường , được viết vào những năm 91, 92, tại sao đến 1995 mới ra mắt?
Bùi Hoằng Vị (BHV): Giấy phép mất mấy năm không xin được, đến 95, khi tôi đã chán, định thôi, thì nó... rơi xuống. (Và đây quả là một “phép lạ”, chỉ anh Chinh Văn mới có thể làm, để giúp tôi thôi; tôi rất cảm ơn anh ấy.) 

ÐL: Tầng Trệt Thiên Ðường không được phổ biến rộng, và đã không gây được một dư luận lớn, xứng đáng, sau khi được phát hành. Tại sao?
BHV: Sách được xuất bản dưới dạng liên kết. Dự định của tôi là chỉ in 100 để có sách hợp pháp tặng một số người (và cũng là để tiện giữ tác quyền), nhưng nhà in không nhận in ít hơn 500, nên tôi phải in 500. Sau đó, nhờ một cử chỉ đẹp của nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, Fahasa đã mua 100, trả tiền ngay. Còn lại, tôi tặng gần 100 nữa. Số thừa thì gửi vào... gầm giường. Tại sao nó đã không gây dư luận lớn nào? Vì số phát hành ít (chỉ 100), và vì không hợp khẩu vị của trước hết là TP.HCM, nơi còn quá nhiều độc giả đang xuýt xoa với những văn Nguyễn Nhật Ánh và thơ Trương Nam Hương. Bởi vậy, nếu có xảy ra điều ngược lại với nhận xét của anh, tôi mới ngạc nhiên được.

ÐL: Anh có thể nói sơ về sinh hoạt văn nghệ ở SG? Văn chương SG trước 75 đã ảnh hưởng anh như thế nào? Và những nhà văn SG cùng thời với anh đã ảnh hưởng anh như thế nào?
BHV: Văn chương SG, tôi thích Tuý Hồng (ở nhiều truyện), Nhã Ca (ở Giải Khăn Xô Cho Huế), và Trần Thị Ngh. (ở một số truyện), nhưng họ không ảnh hưởng nhiều đến tôi bây giờ. Còn với TP.HCM “đương đại”, đáng tiếc, trong giới cầm bút tôi chỉ biết có Kim Cúc, Lý Lan, Vàng Anh, Lê Thiện Dũng, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Ðạt, và Nguyễn Quốc Chánh, quá ít để có thể hiểu khái quát về sinh hoạt văn nghệ ở đây. Ảnh hưởng của họ (những người này) đối với tôi? Ắt phải có rồi, mỗi người một ít, chỉ có điều là tôi chưa… nhận ra.

ÐL: Anh xuất hiện sau đợt đầu của phong trào Ðổi Mới. Những nhà văn của phong trào đó như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, có ảnh hưởng gì đến những sáng tác của anh không?
BHV: Những người đó đều ít nhiều đã hâm nóng lại quan tâm của tôi đối với văn học và hoàn cảnh sáng tác của nó ở đây. Họ có một điểm chung, positive: “phê phán sắc, mạnh, đáo để”, … Tình cờ, họ cũng có một điểm chung khác nữa, nhưng quite negative, khiến độc giả đôi khi phải ngoảnh mặt đi, ấy là, dường như họ “không bao giờ… cười”? Có chăng, chỉ gọi được là “nhe răng”, “khẩy”, hoặc “gằn”, để lại ấn tượng hung và nghiệt. (Hay là phải thế mới đương nổi với cái đám “quần hồ” vừa đạo đức giả vừa đểu thật ở quanh họ?!) Dù sao, cái gì positive, ta tiếp thu; cái gì không, thì thôi.

ÐL: Anh nghĩ gì về văn chương hải ngoại? Anh đọc và thích những nhà văn nào trong số họ?
BHV: Tôi ít đọc mảng này vì không có (thảng hoặc một năm tình cờ lọt vào tay một, hai số báo) nên không biết nghĩ gì. Còn những gì đã đọc được cụ thể, và thấy thích: một hai truyện ngắn Trần Vũ, Ký Sự Ði Tây Ðỗ Kh., Thơ v.v...và v.v... Nguyễn Hưng Quốc, và một số thơ Thận Nhiên, thơ Ðinh Linh.

ÐL: Những bối cảnh trong truyện của anh thường hư ảo, trừu tượng, không phải của thế giới này. Cũng có ý kiến bảo truyện của anh khó hiểu? Anh có mục đích gì khi làm thế?
BHV: “Hư ảo” và “trừu tượng”? Ấy có thể là ấn tượng của một số người đọc, do tôi đã chủ ý loại bỏ đi hai điều, trong truyện của mình: Thứ nhất, việc xác định không thời gian, hoàn cảnh địa lí, lịch sử cụ thể của chuyện, và thứ hai, mọi thông tin về tên tuổi, diện mạo, dạng hình,… của nhân vật. Ðể làm gì? Thứ nhất, tôi muốn ra khỏi một trong những quán tính của phần lớn người viết, nghĩa là, cứ cố công cung cấp cho ê hề hai loại thông tin (mà tôi đã nói muốn loại bỏ) ở trên, với hy vọng sẽ thuyết phục được độc giả cho chuyện của mình là thật, là hoàn toàn khả hữu trên đời này: Với một số loại truyện (trong đó có của tôi), hy vọng này hoặc thừa hoặc là ngây thơ. Thứ hai, tôi muốn độc giả mình cũng phải đủ bản lĩnh thoát ra khỏi cái quán tính đọc tương ứng của phần lớn người ta (nghĩa là, cái quán tính muốn được thuyết phục, tự nguyện được thuyết phục theo cùng một kiểu ấy!) Và điều này: Sao tôi phải đẩy cái “hư ảo”, “trừu tượng” kia (cứ cho là như thế) đến mức làm cho truyện mình thành ra “khó hiểu” (vâng, vì không ít người bảo không hiểu tôi viết gì!)? Ở đây lại có hai mục đích khác, và chúng khá mâu thuẫn: Một đàng, tôi muốn một số người sẽ giải mã được điều tôi muốn nói; đàng khác, số còn lại, thì sẽ không. Còn, “không phải của thế giới này”? Tôi không mong là chúng ta có đến hơn một thế giới, chỉ có điều anh và tôi có thể gọi nó bằng những tên gọi khác nhau thôi; ở đây, trong truyện tôi, nó được / bị gọi là “Thiên Ðường”, “Luyện Ngục”, “Xứ Sở Của Mùa Xuân”, “Xứ Sở Của Mùa Ðông”, “Phòng Bốn Giường”, “Bồn Rác”, “Khu Nội Trú”, vân vân, với đôi ba hình tượng dị hợm: “Nấm Mồ Của Thượng Ðế”, “Tử Thi Sodome”, những “Thiên Thần”, những “con Quỷ”, chẳng hạn, thế thôi; mặc dù vậy, tất cả vẫn chỉ là hình bóng của “trần gian này”, của “cõi người ta”, phải không ?

ÐL: Anh có quan niệm gì về vai trò của người viết và vai trò của người đọc? Và anh trông đợi gì ở vai trò của người đọc mình?
BHV: Người viết và người đọc có những vai trò tương ứng, thông qua văn bản. Với những văn bản thể loại khác nhau (chẳng hạn thư tín, bản tin, thông cáo, vân vân), người viết, cũng như người đọc có những vai trò khác nhau, và thường thì chúng “đối xứng”. Ở đây, văn bản là tác phẩm văn học, người viết có vai trò gì? Xin mượn chữ thiên hạ đã xài rồi: hoặc chủ yếu là “reporter” và/hay “entertainer”, hoặc chủ yếu là “reformer” và/hay “explorer”. Thế thì, vai trò tương ứng của người đọc? Trường hợp thứ nhất thì rõ rồi: “report reader/hearer” và/hay “entertainee”, phải không? Song, trường hợp thứ hai, tôi nghĩ, thực sự đòi buộc người đọc cũng phải là một “reformer” và/hay “explorer” tự bản chất, nếu không, văn bản sẽ bị khước từ ngay từ đầu: việc đọc thất bại. Những “văn bản” của tôi, hay của anh, chủ yếu cho người đọc loại thứ hai này, và con số họ hẳn là không nhiều, ở đâu và bao giờ cũng thế thôi.

ÐL: Những mẩu đối thoại trong truyện của anh lúc thì ngô nghê, dân gian, lúc thì triết lý, cao siêu. Anh có thể nói gì về kỹ thuật dựng đối thoại của anh?
BHV: Tôi nghĩ, bình thường thì, có lẽ người viết nào khi dựng đối thoại, cũng quan tâm đến những điều này: Sao cho giúp cá biệt hoá ngôn ngữ (từ đó, tính cách, và nếu có thể, thì càng tốt, cả nghề nghiệp, xuất thân xã hội, v.v...) của nhân vật, (tỉ dụ, người “Xin Ngài vui lòng nhắc lại, tôi nghe không rõ ạ” thì khác với người “Ðụ má, nói lớn coi, con này điếc!”) Cùng lúc, nếu được, giúp hình dung những gì đang diễn ra chung quanh tình huống thoại (tỉ dụ, khi đọc: “Bỏ tay xuống nào. Ðừng thẹn vờ !”, hoặc: “Nữa. Cởi hết. Thế! Thế!”, tôi có thể “thấy” gì?) Rồi, nếu được nữa, để các nhân vật, bằng biện chứng của các lời thoại, xây dựng (hay tải giúp) một phần nội dung, hay diễn biến, của chuyện. Và, trong mọi trường hợp, việc ngưng một nhân vật đang nói lại để thuyết minh chen vào là điều phải cân nhắc hiệu quả.

ÐL: Anh có thể nói gì về ảnh hưởng của triết lý Thiên Chúa Giáo trong truyện của anh?
BHV: Nếu hiểu đấy là triết lý thuần tuý, thì có lẽ khó thấy, khó nói, ngay được. Còn, nếu hiểu như một bộ phận Giáo Lý Ðồng Ấu (luôn luôn là hạ thừa!), thì không chỉ riêng Thiên Chúa giáo, mà cả Phật Giáo, cùng các tín ngưỡng bình dân khác, lúc nào cũng sẵn các hình tượng, với đủ mầu sắc thi vị, đậm đà: “Thiên Ðường”, “Ðịa Ngục”, “Hoả Ngục”, “Luyện Ngục”, “Âm Phủ”, “Thượng Ðế”, “Chúa”, “Bụt”, “Thiên Thần”, “Ác Quỷ”, “Quỷ Sứ”, “Thánh”, “Tiên”, “Ma”, vân vân, mà người ta vẫn còn có thể khai thác mãi. Chỉ có điều, trong truyện của tôi, “Thiên Ðường” chẳng phải “Thiên Ðường”, “Thượng Ðế” không ra “Thượng Ðế”, “Thiên Thần” và “Quỷ” lại càng không giống... “hàng thật”. Thì đã đành, tất cả chỉ là hàng “fake” mà, phải không?

ÐL: Anh có chủ ý gây cười khi viết truyện? Theo anh, cái cười trong văn chương phải như thế nào?
BHV: Cười là một đặc điểm của người. Với người VN thì còn hơn thế. Ý tôi liên tưởng đến Nguyễn Văn Vĩnh; và nếu ông ấy đúng , thì có lẽ tôi rất...Việt Nam. Từ downstairs cho đến upstairs humor, từ Ba Giai, Tú Xuất, Lý Toét, Xã Xệ,... cho đến Rabelais, Cervantes, Gogol, Shaw, Kim Dzung, v.v..., đều “cù” tôi được. Tôi không phân biệt lắm giữa cái cười trong văn chương với cái cười trong cuộc đời, và cũng không đòi hỏi nó phải như thế nào hết, miễn nó làm tôi ... cười. Ấy cũng là điều tôi có ý tìm kiếm, khi đọc và khi viết (vì hiển nhiên nó còn tốt cho sức khỏe nữa); nhưng mà, có đạt được hay không, còn tuỳ.

ÐL: Sau Tầng Trệt Thiên Ðường, độc giả được đọc “Phòng X Khu Nội Trú” trên Hợp Lưu, nhưng sau đó không thấy truyện của anh nữa? Lý do?
BHV: Ðúng hơn, tôi có viết một truyện ngắn, “Bẩy Trích Ðoạn Mùa Xuân Mầu Cam” (1995), đăng trong Tuyển Tập Văn Trẻ của NXB Trẻ, Xuân 1996. Sau đó thì thôi, vì không hứng thú nữa. Có nhiều chuyện khác đáng quan tâm hơn, và cũng đã chiếm hết thời gian rồi, anh Ð.L. ạ.








Thụy Khuê
Sóng từ trường


Tầng Trệt Thiên Ðường,
Bùi Hoằng Vị



Tôi cầm Tầng Trệt Thiên Ðường. Chủ nhật 13. Tháng tám trời nóng. Sách dày 63 trang, cả thảy 6 truyện -hình như không đâu nhận đăng- may mà in được, giấy vàng xỉn, loại giấy bản, màu rác, in có 500 cuốn.
Một tuần sau, thứ bẩy 18. Tháng tám, Paris trời vẫn nóng. Vẫn chưa hiểu sách nói gì. Ðiều chắc: Tay này hóm. Hóm lắm. Chúng ta thử đọc mấy dòng:

Hai hữu thể có cánh, rã rượi, ố bẩn, như chưa một lần bay lượn: Một có cặp mông lớn lao và hung hãn, đang đứng kiễng chân lên đầu bàn, ghé tai vào cái đài bán dẫn made in Hell giấu trên nóc tủ, vẻ lắng nghe, thỉnh thoảng quay lại bộ mặt xanh xao, mắt quầng thâm, thở dài... Một kia, đang ngồi ở ghế cạnh bàn, đầu cúi, viết không ngưng nghỉ... Những dòng chữ chẩy lênh láng, ngập một tấc trên sàn, tràn cả ra cống rãnh ngoài cửa. Bầu khí thì oi, thoang thoảng mùi chuột, và gián, và rác...
(Tầng Trệt Thiên Ðường, tr. 5)

Ðọc cách nào, tùy ý. Hiểu thế nào, tùy người. Cũng có thể là không hiểu gì hết. Nhưng tất thẩy khó tránh cú sốc: Văn đấy à? Thế là rơi vào bẫy của Bùi. Bạn có thể tiếp tục đọc hay vứt sách đi. Nhưng lại tiếc rẻ: Những dòng chữ chẩy lênh láng, ngập một tấc trên sàn, tràn cả ra cống rãnh... Hoài của, tại sao ta không hốt? Mất gì? Thế là lại cầm sách lên, lại đọc và lại bị sốc, lại không hiểu, lại muốn tìm hiểu, và lại thất bại... Thế là chúng mỉm cười, cái cười ngạo mạn của những con chữ trước những dốt nát của người đọc: Có gì đâu mà hiểu! Và đó là mục đích của cuốn sách, là thủ pháp, là phù phép lôi cuốn của phi lý, là lối sáng tạo độc đáo dựa trên tính cách vô nghĩa và hài hước trong chất sống, trong ngôn ngữ, trong sự không có gì để hiểu và không có gì để tìm hiểu trong đời sống. Samuel Beckett nói toẹt ra cái khổ ải ấy: "Không có gì để diễn tả, không biết diễn tả với cái gì, từ cái gì, không có ý muốn diễn tả, thế mà bắt buộc phải diễn tả với những thứ đó" (Il n'y a rien à exprimer, rien avec quoi exprimer, rien de quoi exprimer, aucun désir exprimer, tout cela avec l'obligation d'exprimer).

Hình như họ Bùi có xài chút hiện sinh, ở những chỗ lằng nhằng, đại loại như: Ý thức thuần túy thuộc về bản thân. Sống là thể nghiệm bằng trực cảm. Chính cái trực cảm ấy quyết định mọi hành vi của con người. Tính chất tự do là tuyệt đối, không có lý tính nào kiểm soát hoặc giải thích được. Ðó là nguyên tắc. Thực tế không hẳn thế: Mấy ai đặt vấn đề tự do? Con người tồn tại bất chấp hoàn cảnh, và như thế, tồn tại để làm gì? Tác phẩm đặt vấn đề Tồn tại. 

*
Ở Tầng Trệt Thiên Ðường hay balcon địa ngục ấy, Bùi phung phí, xả láng cái gọi là "tự do tuyệt đối" của mình để "giao lưu" giữa mộng và thực để "đi", "bay", biến những nhân vật của mình thành hữu thể có cánh, tạo ra những thực chất hỗn tạp, "phức âm", đa nghĩa, đại loại như Nấm mồ Thượng Ðế, hữu thể chói lóa, hội cầm bút, hội cầm phấn, tiếng thét vượt thời gian v...v... Tất cả đều dựa trên nguyên tắc trượt nghĩa.

Ở Tầng Trệt Thiên Ðường, cụ Kiều hồi sinh kể cho con cháu nghe đoạn đời phong trần của mình, cái nghề già như trái đất, già như nhân loại, trong đó các cụ Kim, cụ Thúc, cụ Từ, cụ Mã, cụ Sở, cụ Hồ... cứ thần tình sống lại, vượt thời gian, với những sở trường, sở đoản của mỗi người trong thủ pháp chiếm hữu cái nguồn đời -Courbet gọi là Origine du monde-: Một thể hồi ký xuyên thế hệ, viết từ "luyện ngục bà", phong cách Bùi Hoằng Vị.

Về phần kỹ thuật, Bùi sử dụng kỹ thuật thời trang của thế kỷ này: Bút pháp điện ảnh Dos Passos. Chỉ thuần dữ kiện, không có "nhời bàn". Những dữ kiện khác nhau, không cùng thời gian, không cùng địa điểm, không phát xuất từ một con người, xen kẽ vào nhau: thứ bút pháp đầu Ngô mình Sở. Ðang kể chuyện thiên đàng, chớp xoẹt một cái, mắt caméra chuyển sang kênh địa ngục, bắt quả tang những kẻ dại dột dám lẩn "thiên đường", dùng thuyền mò về "chín suối": "thảy đều bơ phờ, liệt nhược". Rồi nhoáng một cái, mắt caméra chĩa ngay vào ruột tác giả, kẻ đang cầm bút viết lia lịa kia "nghe nói, ở tầng trệt thiên đường, từ một nỗi đau giả, một hữu thể có cánh đã để chảy lênh láng những giòng thơ, làm ngập lụt mọi cống rãnh" (tr. 8). Thoắt cái, mắt caméra hệt như mắt công an, lại vừa quay vừa "nhận định" luôn bối cảnh, thần trí của kẻ ấy, kẻ đang viết, đang tư duy, đang làm thơ: "Tự tử bằng thơ. Thơ dâng lên từng milimét, chắc chắn sẽ ngập đến cằm, đến miệng, đến mũi, và thế là hết, chỉ còn hai con mắt, thao láo, dần dần bất động, ngưng thần. Ðồng thời, mức thơ không dâng lên nữa. Phải mất lâu lắm, thơ mới rút hết đi, qua ngả cống rãnh, và trên nền nhà chỉ còn lại sõng sượt một mình thi nhân, với đôi cánh tan nát" (tr. 10).

Ðây không "siêu thực", đây là thực tại của các nhà thơ xung phong, của những nhà thơ bội thực chữ, của những nhà thơ chết về chữ.
Vẫn ở Tầng Trệt Thiên Ðường, mới tháng ba (chưa phải tháng tư), chúng sinh đã cập rập đợi chờ những nhân chủng E.T. đến "giải phóng" họ.
Nhờ sức mạnh của truyền thông. Thiên đường có khả năng tiếp cận với chín suối bằng các kênh sóng trên đài bán dẫn. Sự tiếp cận này vừa nói lên tính cách hiện đại xa lộ thông tin, xuyên suốt của thế kỷ này, vừa phô ra tính công an rất hiện thực trong đời sống độc lập, thống nhất: thảy đều "mở cửa", đều "được biết", cho đến "khúc ruột" của con người; vừa nói lên khả năng tác hợp những thực thể vô cùng khác nhau: Thiên đường và địa ngục có thể giao thông, giao thoa, có khi đi đến cả giao hợp, để tác thành các thứ bào thai, mắc chứng nan y của hai dòng họ: Bệnh thần kinh, bệnh dạ dày, bệnh cao huyết áp... và ngay cả cái mớ kiến thức "ngoại lai ở vùng tạm chiếm" cũng có thể kết hợp với cái khẩu khí hào hùng của sĩ phu Bắc Hà để tạo thành những quái thai dị hợm, dị mộng.

*
Ðến đây người đọc bắt đầu lờ mờ cảm thấy rằng: Ngồi ở Tầng Trệt Thiên Ðường, Bùi Hoằng Vị đã tà tà hóa kiếp cho các giá trị ưu việt. Các vị anh hùng kiệt xuất, qua tay Bùi, đều có khả năng trở thành xác chết: Nắng lên thành tử thi chết héo, mưa xuống thành tử thi chết sình. Và chỉ có một sự thực hiện hữu: "Ào ào siêu việt, lên trên tất cả là lũ ruồi. Lũ ruồi không đếm được. Lũ ruồi không ra thường trú, không ra tạm trú, song hiển nhiên là có thật" (tr.13).

Có khinh miệt nào táo tợn về "sự sống" đến thế? Và dường như tất cả những gì liên quan đến địa hạt sùng bái, đều có thể bị hóa kiếp, đổi màu: "Ðúng lúc ấy, bà cụ đẹp lão lại thều thào: Vàng! Một cái sao nữa vừa lặng lẽ băng qua bầu trời đêm ngoài cửa sổ. Một cái sao màu hổ phách".

Sau 20 năm "giải phóng", phương Nam chỉ được quyền tự do câm nín, đây là những cơn mơ "mưa rơi sao"(1), cơn mộng nhặt ánh sao rơi(2) đầu tiên, đến từ phía Nam, có khả năng bắn sao, băng sao, đổi xếch sao, xua tan những "cơn hỏa mộng"(3) đến từ phía Bắc, xưa nay vẫn làm chủ bầu trời.

Ngọn bút trẻ, thừa thắng xông lên biến những "việc thật, người thật" thành những sự vật và sự việc không có khả năng tồn tại đến năm 2000. Cả đến những sự nghiệp vĩ đại nhất về văn học, Bùi cũng phê: "Ở ông ấy chỉ có hai cái vĩ đại: khổ hạnh và kiêu căng, đấy là đặc trưng của những người chỉ đọc một quyển sách" (tr.42).

Về sự dốt nát, Bùi nhận định: "Sự dốt nát đã từng là một mode phổ quát ngay từ những thế kỷ đầu tiên, và bây giờ, cuối thế kỷ XX liệt vào hàng quốc bửu"(tr.18).

Và đây là tình huống của trăm họ Hồng Bàng: "Họ Mã, thì một bọn đàn em bán đứng. Họ Sở, ngã trầm trọng trong lúc đang quất ngựa truy phong. Họ Kim, vì thấp khớp sau hơn nửa đời quỳ mãi bái lễ chốn quan trường. Họ Thúc, do tổn thương hệ miễn nhiễm, bất chấp Hoạn Cô Nương đã bỏ hàng nghìn lượng vàng, van vái tứ phương (cố nhiên bà lại suýt phải ra cửa quan, bị tình nghi chính phạm). Họ Từ, như ai nấy đều biết, đã kịp chết đứng trước đợt cải huấn đầu tiên. Còn họ Hồ, cuối cùng cũng đã nhanh chóng tìm được một kiểu nghỉ ngơi xứng đáng với sự nghiệp oai hùng của mình" (Cổ tích từ luyện ngục bà, tr. 58).

Ở cái chợ người truyền kiếp buôn nhau, chuyện hôm nay với chuyện ngày xưa, đâu là thực, đâu là ảo? "Luyện ngục bà" là hình thức thành công nhất của Bùi Hoằng Vị trong cách pha trộn Quỷ với Người, Thiên Ðàng với Ðịa Ngục, hôm qua với hôm nay. Ở cái sổ đoạn trường vạn kiếp của Bùi, mọi nhu cầu đều quy về một đỉnh cao trí tuệ: Sự tọa lạc của sếch. Ðiều này không mới. Freud đã bảo trước cả trăm năm. Nhưng ta nói vậy là nhảm. Là phạm thượng.

*
Bây giờ đến Cái Bồn. Không biết nó là cái gì. Bồn nước chăng? Bồn rửa chân hay là bồn rác? Lại trượt nghĩa. Nhưng chắc chắn "nó là một nhu cầu nghiêm túc, một đặc sản của văn minh, đồng thời, một biểu tượng thâm trầm, độc quyền cho những đô thị nhiều sao" (Nghiệp, tr.14). Cái bồn là nguồn sống, là cửa sinh, là mục tiêu của các cuộc xâm lăng chiếm hữu, và cũng là lãnh địa sa thải, rưởi rác, là sự tự sinh, tự tạo, tự diệt của con người. Ở đó, sống là tranh phân, chiếm đoạt những nàng Kiều. Chiến tranh để lại những tử thi rữa nát, biến chất thành nước "kiềm toan", tự kiềm tỏa, tự diệt mình, diệt người đồng loại, bằng chính xương thịt thối rữa của mình, trong môi trường ẩm ướt, béo bổ cho những gã ruồi, thường trú hoặc tạm trú.

Bên cạnh cái bồn, có một cá thể độc nhất "muốn ói", đó là một đứa bé: một lương tri tí hon. Còn tất thẩy đều mũ ni che tai, đều là bọn quần thần câm điếc chuyên xả rác, bán thịt, buôn người, kích thích môi trường ruồi nhặng sinh xôi nẩy nở. Chúng tồn tại như con người tồn tại.

Tồn tại như thế để làm gì? Câu hỏi của Bùi đặt ra, lạc trong tác phẩm, lạc trong cái Bồn, lạc trong đống rác, lạc trong đám kẻ sĩ hung hăng, lạc trong hội hè cầm bút, lạc trong các sứ mệnh, lạc trong các đỉnh cao trí tuệ... Câu hỏi đặt ra bên giường bệnh của bốn kẻ hấp hối, bốn cá thể hiếm hoi đã cưỡng lại luật chơi chung: dám có lương tri, dám mở cửa báo trước ngày tận thế.

Tầng Trệt Thiên Ðường là nụ cười thê thảm phát xuất từ nỗi đau không gột được. Tác giả bắt người đọc tự cười mình, tự khinh mình, tự ghét mình bằng những hình ảnh vô trật tự, bí hiểm, có tính cách tâm thần, lạc loạn. Những đứt đoạn, những bệnh hoạn, những điều không hiểu được trong tập truyện ấy là chính chúng ta: Không hiểu được những việc mình làm. Sự ngu dốt của con người sẽ triệt hạ con người. Bùi Hoằng Vị đã đẩy đến cùng, tính cách phi lý của đời sống ở những thiên đường mà ảo tưởng ánh sáng đã làm mù tối lương tri, biến dạng sự sống. Và như thế,
Tồn tại để làm gì?

Paris tháng 10-1996

Chú thích
(1) Chữ của Thanh Tâm Tuyền
(2) Chữ của Vũ Thành
(3) Chữ của Nguyễn Tuân

© 1991-1998 Thụy Khuê









Bùi Hoằng Vị, Phan Nguyên, Nguyễn Viện
Sài Gòn 2017










Bùi Hoằng Vị
sau khi đã viết Tầng Trệt Thiên Đường
1997









Trở về




MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.