Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2015

Trang Thế Hy (1924 - 2015)



















Trang Thế Hy
(1924 - ......) Bến Tre
Tên thật: Võ Trọng Cảnh
Nhà văn









trang thế hy








Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, còn có những bút danh khác như Phạm Võ, Văn Phụng Mỹ, Triều Phong, Vũ Ái, Văn Minh Phẩm. Ông Sinh ngày 9.10 .1924 tại Châu Thành - Bến Tre. 
và qua đời ngày 8 tháng 12 năm 2015.
Hưởng thọ 91 tuổi







Những tác phẩm đã xuất bản của Trang Thế Hy:




 NẮNG ĐẸP MIỀN QUÊ NGOẠI 
In tại Sài Gòn 1964



 ANH THƠM RÂU RỒNG
(in chung với những nhà văn được giải văn học Nguyễn Đình Chiểu của Hội Văn nghệ Giải Phóng miền Nam Việt Nam) 1965



- MƯA ẤM, 
1981



NGƯỜI YÊU VÀ MÙA THU
 1981



VẾT THƯƠNG THỨ 13
 1989



TIẾNG KHÓC VÀ TIẾNG HÁT
1993 tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, NXB Kim Đồng in lại năm 2002 (Tủ sách vàng) 



NỢ NƯỚC MẮT 
Giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, 2002


Các đầu sách kể trên đều là truyện ngắn, tập in sau có in lại ít nhiều truyện của tập trước.



Trang Thế Hy đã được giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965) cho truyện ngắn Anh Thơm râu rồng; và Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1994 với tập truyện Tiếng khóc và tiếng hát.




Website của nhà văn Trang Thế Hy 
do Lý Lan thực hiện và duy trì
bản quyền của Trang Thế Hy












TRONG TRẮNG
truyện ngắn của TRANG-THẾ-HY


Hai cái khăn choàng tắm rằn-ri, nhớp-nhúa và chầm khíu tứ tung vừa buông xuống thì thằng Năm Cà-Khêu đã bước ra chào khán-giả. Nó hơi ngả người về phía trước, khẽ cúi đầu và nhích mép mỉm cười một cách khá dạn dĩ. Đoạn, trong khi chờ những tiếng vỗ tay và những lời hoan hô dịu bớt xuống, nó dùng bàn tay mặt vuốt mái tóc chải rẽ bảy ba theo kiểu lưỡi mèo của nó cho đỡ ngượng.
Cử chỉ này nó vừa học được của ông từ Niệm, ông ngoại thằng Chín-Địa, hiện làm ông từ đình Cồn-Bần và ba mươi mấy năm về trước từng làm “nhưn” (1) cho gánh bầu Huệ, một gánh hát bội thuộc hạng nổi tiếng nhất trong vùng thời bấy giờ.
Thằng Năm Cà-Khêu chỉ cho bàn tay phớt nhẹ lên mái tóc một cách cầm chừng thôi chớ không dám vuốt mạnh. Tóc của nó thuộc loại tóc rễ tre rất cứng, mới hớt chải lứa đầu tiên. Nếu vuốt mạnh tay, thay vì nằm sát xuống da đầu, tóc ấy có thể xửng lên như những cái gai trái lôm-chôm hay những cái lông gà xước. Và như thế, cái đầu úp-mè-ơ của thằng Năm Cà-Khêu càng trở nên dị hợm, khó coi hơn. Bởi chất nhờn tạm thời khuất phục được mớ tóc ngoan cố kia không phải là dầu sáp thơm mua ngoài chợ. Đó là chất nhớt của hột bưởi ngâm trong nước pha thêm vào một chút dầu dừa có ướp bông Công-chúa (2).
Năm Cà-Khêu mang cái biệt danh này vì cái cặp giò nó ốm teo dài nhằng như ống sậy và hai hàm răng hô-hốc thưa rểu như răng bù-cào. Nhưng bù lại cái hình thù xấu háy ấy, nó ăn nói trôi chảy và có duyên. Nhờ vậy trong gánh hát bội bù-tọt xóm Cồn-Bần nầy nó được phân-công đứng ra giới-thiệu mỗi màn.
Buổi trình-diễn đêm nay hơi đặc-biệt vì là Tết Trung-thu. Ngoài số đông khán-giả con nít và một ít người lớn quen thuộc trong xóm còn có thêm vài chục học trò nhỏ ngoài trường tiểu-học quận được thầy giáo của chúng hướng-dẫn đến đây thưởng ngoạn trăng đồng quê.
Vì vậy Năm Cà-Khêu có hơi khớp trong bụng.
Tiếng vỗ tay và những lời hoan-hô dịu xuống rồi dứt hẳn. Chỉ còn lại những tiếng xầm-xì nho nhỏ và những giọng cười khúc-khích. Năm Cà-Khêu tằng hắng lấy giọng cười rồi bắt đầu nói:
- Thưa quý vị và quý bạn! Quý vị và quý bạn vừa thưởng-thức vũ điệu “Mừng trăng tròn” do các bạn học-sinh ngoài chợ quận biểu diễn. Bây giờ trong khi chờ đợi gánh hát bội bù tọt xóm Cồn-Bần của chúng tôi diễn tuồng “Tôn hành giả loạn thiên cung”, tôi xin trân trọng giới thiệu cùng quý vị và quý bạn một màn kịch cương thật ngắn tựa là “Chú Xồi mừng máy bay Đồng Minh”. Trong màn kịch nầy, chúng tôi phân công như sau: bạn Tư Cù-nèo thủ vai chú Xồi, bạn Chín-Địa thủ vai ông hàng xóm và em Bé tự là Bé-Đầm-Chuồng thủ vai thiếm Xồi. Kính chào quý vị và quý bạn.
Năm Cà-Khêu vừa dứt lời, tiếng vỗ tay và tiếng hoan-hô chim mồi của tụi con nít Cồn-Bần lại vang lên hộ-trị tinh thần. Giữa sự ồn-ào đó, Năm Cà-Khêu sụt cà lui, giơ hai tay ra phía sau vén hai tấm màn thụt trở vô hậu trường. Lối rút lui này cũng do ông “Nhưn” dạy rằng bất cứ trong trường hợp nào người đứng trên sân-khấu cũng đừng nên đưa lưng cho khán-giả nhìn.
Năm Cà-Khêu càng chú-ý tuân theo lời dặn nầy vì cái quần kaki xanh dương của nó bị rách đít một lỗ lớn, chị nó mới vá hồi chiều bằng một miếng vải cũ, mốc cời không đẹp tí nào.
*
Thằng Thạch mặt khỉ, vai chánh trong vở tuồng “Tôn hành giả loạn Thiên cung”, cầm cái áo chệt đưa cho thằng Tư Cù-nèo, hối thúc:
- Mau đi mậy Tư. Để người ta chờ lâu coi kỳ quá mà!
Tư Cù-nèo là một thằng nhỏ mập mạp, trắng trẻo, sạch sẽ đứa, mặt mũi khôi-ngô rất dễ thương, tánh tình hiền hậu, vui vẻ, hay chiều lòng bạn. Nó mang cái tên Tư Cù-nèo xấu háy này có phần oan-ức so với trường hợp bị mang biệt-danh của các bạn nó trong gánh hát bù-tọt xóm Cồn-Bần. Tay nó có cán vá thiệt, nhưng đâu đến nỗi nào cong cong như cái cù-nèo của mấy người phát cỏ. Thanh thử năm nay nó đã mười ba tuổi và bắt đầu biết tự ái vì cái tên xấu háy ấy.
Nó cầm lấy cái áo chệt nhưng không chịu mặc mà vùng-vằng cự-nự:
– Tao không diễn màn kịch này đâu!
- Sao vậy?
- Có tụi học trò ngoài chợ quận về, tao khớp lắm.
Thằng Thạch mặt khỉ tức mình nhăn nhó làm cho cái mặt vốn đã giống mặt khỉ của nó càng dị hợm hơn:
- Thằng nói lạ! Có tụi nó mình càng phải rán sức diễn cho hay để lấy tiếng chớ. Làm điệu nầy, tụi nó cười mình thúi đầu.
- Cười thì rán chịu. Tao khớp lắm. Tao có nói hồi nãy rồi. Ai biểu thằng Năm Cà-Khêu nó giới-thiệu ẩu?
Chín Địa thủ vai trùm-xuyên Ngọ là một tay bợm nhậu nhà ở gần chú Xồi, đã sắm tuồng xong. Nghe Tư Cù-nèo thối-thoát như vậy nó khích-lệ:
- Khớp mốc-xì gì mày Tư! Tụi nó ở chợ mặc dầu, chớ nó cũng ngán mình lắm. Phải chi mình ra ngoải, thì mầy khớp đã đành. Cứ việc ra diễn tưới hột sen, coi như không có tụi nó vậy.
Tư Cù-nèo lặng thinh không nói gì một lúc rồi lắc đầu:
- Biết vậy rồi nhưng tại trong bụng tao khớp quá. Đứa nào không khớp thì diễn đi.
Thạch mặt khỉ nổi giận:
- Mầy đừng làm khó anh em như vậy Tư à! Tụi tao đâu có đứa nào nhái tiếng chệt bằng mầy được.
Con Bé Đầm Chuồng thủ vai thiếm Xồi cũng đã sắm sửa xong. Tóc nó xấp xải chấm vai giống xẩm sẵn rồi. Chỉ cần mặc vào cái áo xẩm bằng vải dầu láng, xăn quần ống thấp ống cao là nó trở thành thím Xồi.
Nó khều Chín Địa lại đằng xa nói nhỏ:
- Đâu phải thằng Tư Cù-nèo nó khớp.
- Vậy chớ tại sao?
- Tại nó sợ con Lìn giận nó. Nó bị con Lìn giận một lần rồi. Mà giận là phải. Nhè diễn kịch kiêu ngạo tía nó, biểu nó đừng giận làm sao được? Chuyện hai đứa nó giận nhau, có một mình tao biết, tụi bay đâu có biết...
- Ờ... con nhỏ nầy nói có lý. Bây giờ mình phải làm sao?
- Phải chi tao đừng mắc thủ vai thiếm Xồi thì tao làm bộ rủ con Lìn đi chơi chỗ khác...
- Đỡ vậy thôi chớ thằng Năm Cà-Khêu giới thiệu hồi nãy con Lìn nó nghe rồi.
- Bởi vậy mới ngặt!
Chín Địa như chợt nghĩ ra điều gì hay. Nó vỗ vai con Bé Đầm Chuồng hỏi:
- Kỳ rồi, nhờ đâu mà con Lìn nó hết giận thằng Tư Cù-nèo?
- Nhờ tao phụ năn nỉ. Dòng xẩm nó giận dai lắm chớ không phải như tụi mình. Tao năn-nỉ muốn gãy lưỡi...
– Thì bây giờ mầy cũng vô mầy hứa với thằng Tư Cù-nèo rằng mầy sẽ năn nỉ con Lìn lần nữa.
- Biết năn-nỉ được hay không.
- Thì hứa ẩu vậy mà. Đi.
Hai đứa trở vô buồng. Không hiểu thẳng Thạch mặt khỉ làm cách nào mà bây giờ Tư Cù-nèo đã mặc cái áo chệt vô rồi. Nhưng mặt nó vẫn còn bí-xị. Chín Địa bước lại vỗ vai nó:
- Ê, Tư à! Tao hiểu mầy rồi. Làm như tao ở vào cảnh mầy, tao cũng rầu lắm. Nhưng mà mầy nên rán với anh em một lần đi. Danh dự của xóm Cồn-Bần mình mà. Thế nào con Lìn cũng giận mầy. Nhưng con Bé nó sẽ năn-nỉ giùm cho.
Tư Cù-nèo thở ra:
– Kỳ rồi tao lỡ đã hứa rằng sẽ bỏ biệt không bao giờ diễn màn kịch này nữa...
Thằng Thạch mặt khỉ nổi nóng:
- Thôi! Nó vì một con xẩm con mà bỏ anh em thì mình cũng rán chịu cho thiên hạ cười chớ biết sao giờ. Cởi áo chệt đưa tao mầy Tư. Tao thủ vai chú Xồi tưới hột sen một lần coi con Lìn nó có chém tao hay không cho biết. Cho mầy hay nghen: vài năm nữa chừng con Lìn trổ mã con gái, má nó gởi về Tàu hoặc để ở đây thì cũng gả cho chệt chớ mầy đừng có thấy má nó và má mầy thân với nhau rồi ham. Chệt là chuyên môn “dụ khị” mà mầy quên sao?
Bị khích động anh hùng tính, thằng Tư Cù-nèo đứng lên lườm Thạch mặt khỉ một cái rồi biểu Chín Địa:
- Mầy ra trước đi Chín.
Chín Địa vén hai tấm xa-rông bước ra trong lúc Thạch mặt khỉ khều con Bé Đầm Chuồng nói nhỏ, vừa nói vừa nhướng cặp lông mày dợt-lớt như lông mày khỉ của nó:
- Tụi bây thấy cái tài nói khích của tao chưa?
Bé Đầm Chuồng nguýt:
- Ừ giỏi lắm. Nhưng rốt cuộc tao cũng mắc năn nỉ con Lìn.
Màn kịch cương “Chú Xồi mừng máy bay Đồng-Minh” bắt đầu. Trùm xuyên Ngọ (do Chín Địa thủ vai) bước vào nhà chú Xồi. Y ở trần, quần vận trái ổi, xề-xệ dưới rún, đầu xước khăn rằn, tay cầm cù-ngoéo, bước cẳng cao cẳng thấp, tằng-hắng lớn rồi hỏi:
- Tía thằng Xiệu đâu rồi cà?
Thím Xồi (tức Bé Đầm Chuồng) bước ra:
- Ai đó? À anh Chín! Mời anh Chín ngồi chơi. Tía nó ở đằng sau lên bây giờ.
- Ổng làm gì đằng sau vậy thím?
- Ổng đang trải mắc cây lồ-ô làm cán cờ.
- Cờ gì?
- Cờ Tàu.
- Chi vậy?
- Ổng tính hễ có máy bay bắn thì thượng cờ Tàu lên. Ổng nói máy bay Tây nó thấy cờ Đồng-Minh nó hổng dám bắn.
- Trờ! Ở đó mà tin ba thẳng Tây. Nè, tin nó tràn xuống tới Chợ-Đệm rồi nghe chưa. Thím phải lo gom đồ đạc cho gọn xuống ghe cà-vom đi. Đừng có nghe lời ổng, không được đâu.
Thím Xồi đồng ý:
- Bởi vậy. Tôi cũng nghĩ như anh Chín, nhưng nói ổng đâu có được. Đâu anh phụ bàn với ổng coi.
Chú Xồi (tức Tư Cù-nèo) bước ra:
- Hà! Ăng Chíng! Li chôi hả ăng chíng?
- Chơi bời gì! Tây xuống tới chợ Đệm rồi, qua coi chú có sửa soạn tản-cư phụ giùm chú đây chớ.
- Hà! Người Vẹc-Lam lo chước cái lầy phải dồi. Ngộ cái lầy, khỏi cằng!
- Ngon vậy?
- Tồng-Ming mà hổng ngon sao lược! Lước Tào pây giờ là Tồng-Ming, piếc chưa? Tồng-Minh cái lầy mặng lắm, thằng Tây làm sao dám?
- Vậy mà họ đồn người Tàu chưa biết chế máy bay.
- Lói tầm pậy! Hổng thèm chế chớ làm sao hổng piếc chế!
- Hổng thèm chớ rồi làm sao có?
- Hà! Vậy mà có mới hay chớ. Ăng chíng piếc hôn! Pên Tàu người ta khôn lắm. Người ta làm pộ chia da hai pa phe oắng qua oắng lại, mấy lước khác thấy vậy tưởng oắng thiệt lem máy pay qua pán. Pán cái lầy dẻ dẻ một chút!
- Trời ơi! Oánh qua oánh lại vậy chết dân hết.
- Làm sao chiếc hiếc lược! Người Tàu tông lắm. Lễ tông quá không có ngạo lấu cơm ăn, lói pụng chiếc cũng vậy mà!
- Rồi chừng nào máy bay Tàu mới qua đây?
- Chưa piếc! Nhưng thế lào dồi cũng qua chớ. Thằng Tây cái lầy làm lộng quá dồi.
Cuộc đối thoại tới đây tạm ngưng. Trong buồng có tiếng thằng Thạch mặt khỉ giả làm máy bay kêu ù ù. Chú Xồi bước tới trước vài bước lấy tay che trán nhìn lên trời kêu lớn:
- Má thằng Xiệu tâu dồi?
Thiếm Xồi chạy ra hỏi:
- Cái gì đó?
- Thượng cây cờ lên.
Thiếm Xồi chạy vô rồi chạy trở ra.
- Rồi. Thượng cờ rồi. Nhưng máy bay nó bay cà-vòng, cà-vòng thấy ghê quá.
Chú Xồi vỗ vai trùm xuyên Ngọ lúc bấy giờ có vẻ sợ hãi ngó dớn-dác.
- Cứ việc ngồi chơi li ăng chíng. Hổng có hại gì mà!
Thiếm Xồi báo động nữa:
- Máy bay nó nghiêng, coi chừng nó bắn đa tía thằng Xiệu à!
- Làm sao pắng lượt! Máy pay tồng-ming thì là pồ nhà. Còn máy pay thằng Tây thì hổng dám pắng.
Từ trong buồng tiếng giả làm động cơ máy bay của thằng Thạch mặt khỉ to thêm và dồn-dập thêm. Thiếm Xồi sợ quá chun lòn dưới đít ghế.
Trùm xuyên Ngọ khom người xuống, bò ra ngạch cửa liếc lên trời nhìn rồi hoảng hốt la:
- Hổng được chú Xồi ơi! Máy bay Tây. Tôi thấy cây cờ tam-sắc rõ ràng.
Chú Xồi vẫn bình tĩnh:
- Thằng Tây thây kệ thằng Tây chớ! Ló hổng có dám pắng lâu mà! Cờ tam sắc làm sao mặng pằng cờ tồng-ming lược!
Bây giờ, trong buồng, thằng Thạch mặt khỉ nhái tiếng máy bay hú khi nó cắm đầu xuống bắn và nhái luôn mấy loạt súng đại-liên bắn xối xuống; tạch, tạch tạch!.., tạch, tạch, tạch!...
Chú Xồi và trùm-xuyên Ngọ té bò càng đè lên nhau. Trùm-xuyên Ngọ thở hổn-hển:
– Thấy chưa chú Xồi? Đổng-minh của chú mạnh hay yếu?
Chú Xồi không trả lời. Chú kêu lớn:
- Má thằng Xiệu tâu dồi?
Từ dưới đất ghế thiếm Xồi hỏi:
- Tui đây nè. Tía nó kêu cái gì?
- Lo dọn tồ xuống ghe cà-vom ti.
- Đợi một lát nữa, máy bay về mới dọn được chớ.
- Hà! Thì một lát nữa chớ sao! Pây giờ, da ló pắng chiếc cha mồ tổ còn gì!
Bằng một giọng run lập-cập vì sợ hãi, trùm-xuyên Ngọ còn rán nói gay chú Xồi:
- Đồng-minh! Đồng-minh! Đồng-minh còn mạnh nữa thôi?
- Tíu na má. Tồng-ming cái lầy yếu xiều!
Hai cái khăn choàng tắm rằn ri buông xuống. Khán giả vịn vào nhau cười nghiêng ngửa giữa những tiếng vỗ tay vang dậy.
*
Nhưng có một nữ khán giả mười hai tuổi không cười. Đó là con Lìn. Từ lúc màn kịch mới bắt đầu, con Lìn đã tách rời mấy đứa bạn gái của nó, lòn ra ngoài gốc me cách sân đình hơn một trăm thước, ngồi một mình. Và bây giờ thì nó ôm mặt khóc. Những tiếng cười và tiếng vỗ tay từ đằng đình vọng lại ví như những mũi kim đâm vào lòng tự ái của nó. Không phải nó chỉ giận thằng Tư Cù-nèo thôi. Nó còn tủi thân và thương tía nó với thằng Xiệu, anh nó nữa. Chú Xồi và thằng Xiệu đã bị Tây bắn chết trong lúc chèo ghe cà-vom đi tản-cư hồi tháng mười năm 1945, không bao lâu sau cái cảnh “mừng máy bay Đồng-minh” dại dột thơ ngây mà tụi con nít xóm Cồn Bần mới diễn lại đằng đình. Hồi ấy thằng Xiệu mới bốn tuổi và con Lìn còn bổng nách. Hơn mười năm trời đã trôi qua Một tai nạn thảm thương cho gia đình nó như vậy mà bây giờ, tụi con nít Cồn Bần nỡ lòng nào đem diễn lại cười thiệt là độc-ác quá chừng. Nhứt là thẳng đứng ra thủ vai chú Xồi để nhạo báng tía nó cho thiên hạ cười lại là thằng Tư Cù-nèo, thằng bạn thân nhất của nó tự thuở giờ.
Một bàn tay của ai vịn lên vai con Lìn. Nó biết đó là bàn tay của thằng Tư Cù-nèo. Nó lập tức hất bàn tay đó bằng một cử chỉ giận dữ rồi vùng đứng dậy cắm đầu chạy một mạch về nhà.
*
Đầu đội một thúng đồ hàng bông đủ loại: khổ qua, dưa gang, dưa leo, mướp, bí đao, thằng Tư Cù-nèo vừa bước chầm chậm vừa tính. Tết Trung-thu là rằm tháng tám. Bây giờ là hăm sáu tháng chạp. Để coi một cái rằm, hai cái rằm, ba cái rằm... hơn bốn tháng nay rồi, nó chưa làm quen được với con Lìn. Nó đếm từng tháng như vậy mà trong lòng buồn vô hạn.
Hằng năm, vào khoảng cuối tháng chạp, khi bà con trong xóm Cồn Bần trao đổi với nhau chút đỉnh đồ vật để chuẩn bị ăn Tết, thì thằng Tư Cù-nèo và con Lìn lại có dịp làm thân với nhau thêm. Hai đứa nó bưng hai thúng đồ đi rảo quanh trong xóm, ghé từng nhà, từng nhà, cho thứ nầy, nhận thứ khác đem về. Nhà thằng Tư Cù-nèo làm rẫy. Thúng của nó dựng đồ hàng bông. Nhà con Lìn bán hàng xén. Thúng của nó đựng những ốp nhang, những phong bánh in, những gói chà là.
Năm nay thằng Tư Cù-nèo đội thúng đồ hàng bông đi có một mình. Thím Xồi vẫn còn bán đồ hàng xén nhưng con Lìn không còn ở nhà nữa. Sau Tết Trung thu không bao lâu, thím Xồi đưa nó ra ngoài chợ tỉnh cho nó làm công tại một tiệm nước lớn của người Tàu mà người chủ có bà con sao đó với chú Xồi. Từ bấy đến nay, Tư Cù-nèo không còn gặp con Lìn lần nào nữa.
Theo chỗ dọ hỏi của nó, thì hình như mỗi ngày con Lìn được đi học mấy tiếng đồng-hồ tại một trường học chữ Tàu gần đó.
Kỳ dư, con Lìn phải làm những công việc của tiệm nước chẳng khác gì người ở đợ. Nó bưng cà-phê, bánh trái cho khách hàng, lau bàn lau ghế, có khi phải lau nhà hoặc quảy thùng ra phông-tên gánh nước.
Thằng Chín Địa trong nhiều dịp đi chợ tỉnh với ông ngoại nó, đã trông thấy rõ ràng như vậy rồi về tường thuật lại:
- Con Lìn bây giờ khác hơn hồi ở Cồn Bần nhiều lắm - lời Chín Địa nói - Nó ăn bận các kiểu gì mà áo chẹt bó, tay vắn ngủn sát nách, quần dài không ra dài, vắn không ra vắn lơ lửng nửa ống quyển. Ở tiệm nước, nó cười với khách hàng. Đằng trường học nó giỡn với mấy thằng tửng con trương lứa với nó. Nói cho ngay nó vẫn chưa quên xóm Cồn-Bần mình. Gặp tao và ông ngoại tao, nó mừng lắm. Nó hỏi thăm đủ hết không sót đứa nào... ờ quên chớ, nó không có hỏi thăm mầy. Tao bày đặt chuyện nói mầy gởi lời thăm nó, nó trề môi hử cái cốc gạt ngang. Nghĩa là mầy kể như ra rìa đi Tư Cù-nèo ơi! Một là nó sẽ về Tàu, hai là nếu không về Tàu, nó cũng lọt về tay thằng tửng con nào ngoài chợ.
Tư Cù-nèo ngấm ngầm hy-vọng rằng thằng Chín Địa kiếm chuyện nói láo cho nó thối chí đừng thèm nghĩ gì đến con Lìn nữa chớ sự thiệt không đến nỗi nào như vậy.
Nó quẹo vào quán thím Xồi. Quán không có vẻ gì Tết nhứt. Từ ngày con Lìn ra chợ làm công, vì đơn chiếc, thím Xồi chỉ buôn bán cầm chừng. Mọi năm vào những ngày cuối tháng chạp nầy, hai má con thiếm bận rộn suốt ngày không hở tay. Năm nay thím ngồi trên cái ghế đẩu cao cẳng phía sau tủ tài phú, mặt mày buồn xo. Tuy thế, khi nhìn thấy thằng Tư Cù-nèo, thiếm vẫn mỉm cười rồi cất giọng ngọt-ngào:
- Kìa! Thằng con trai tôi tới kìa! Đội cái gì trong thúng mà è-ạch vậy nhỏ?
- Dạ, má con sai con đem qua cho thím ba một ít đồ hàng bông.
Đáp xong, Tư Cù-nèo để thúng đó xuống bàn, lần lượt sắp ra những trái khổ qua, dưa leo, dưa gang, bí thuộc về phần dành riêng cho thím Xồi.
Thím Xồi bước lại săm soi từng trái, khen là tốt rồi nhìn số còn lại trong thúng hỏi:
- Còn phần của ai nữa vậy con?
- Dạ con đi giáp hết rồi, còn có một phần của thiếm sáu, má thằng Năm Cà-Khêu.
Thím Xồi bước lại kệ, soạn một mớ bánh mứt gói bằng một miếng giấy dầu màu hường ràng lại đàng-hoàng cầm để vào thúng nói:
- Con về thưa lại với má con nói thiếm ba năm nay buôn bán xập-xệ lắm, gởi cho má chút đỉnh bánh mứt ăn lấy thảo, nghe chưa.
- Dạ.
Dạ xong, Tư Cù-nèo không đứng lên bưng thúng ra về mà cứ ngồi ỳ đằng bộ vạc ngó quanh-quất trong quán. Chỗ nào, món đồ gì cũng có thể gợi cho nó nhớ tới con Lìn từ cái quặng đong dầu hôi cho đến mấy con khô lóc treo tòn teng trên sợi kẽm. Thím Xồi hỏi nó:
- Thôi về đi con. Về coi má nó còn sai đi đâu nữa không.
- Dạ... Thưa thím ba, con về.
- Ờ. Thôi về đi chớ. Trưa rồi, sao còn đứng xớ rớ đó. Mà mặt mày lại bí xị vậy? Bộ mới bị rầy hay bị đòn gì rồi hả?
- Dạ, hổng có.
- Vậy sao con buồn hiu mà nói giọng bệu-bạo như muốn khóc vậy?
- Dạ... dạ, Tết nầy con Lìn nó hổng có về sao thím ba?
Sau khi bậm gan hỏi câu hỏi chuẩn bị từ lâu ấy, thằng Tư Cù-nèo ngó xuống. Do đó nó không nhìn thấy một thoáng giựt mình chưng-hửng trên khuôn mặt hiền từ và nồng-nàn mẫu tính của thím Xồi. Sau thoáng chưng hửng ấy thiếm Xồi nhìn nó khẽ gục gặc đầu rồi thím Xối cười đáp:
- Nó ở đợ cho người ta mà đâu có về được con.
- Ở đợ chừng bao lâu lận thím đa?
- Năm năm.
- Dữ! Hết năm năm đó, nó về hôn?
- Về chớ. Nhưng nó về luôn bên Tàu. Bây giờ nó ở đợ là cốt để kiếm tiền đi về Tàu.
– Sao nó phải về Tàu vậy thím ba?
- Bên nội nó bắt nó về. Nó không muốn về cũng được, nhưng tại ý nó muốn vậy.
Im lặng chừng nửa phút. Tư Cù-nèo ngước lên nhìn thiếm Xồi với hy-vọng tìm thấy trên khuôn mặt thiếm một nét nào đó của sự pha-lửng. Đang dợm bật cười, thím Xồi nghiêm nét mặt lại. Tư Cù-nèo bệu-bạo hỏi:
- Thiệt vậy hôn thiếm ba?
- Thiệt chớ! Thím nói gạt con làm gì?
Tư Cù-nèo quay mặt đi. Nó không muốn để thím Xồi nhìn thấy nó khóc. Nhưng đã trễ rồi. Hai giọt nước mắt đã ứa ra và chảy dài trên má nó.
*
Bóng đã xế dài khi thằng Tư Cù-nèo ngước mặt lên nhìn dòng rạch. Nãy giờ nó gục mặt xuống đôi cánh tay khoanh lại trên hai đầu gối mà khóc. Nơi nó ngồi là một mỏm doi gần đầu cầu rạch đình, khuất sau một lùm lau rộng dày bịt, người đi ngoài đường làng không nhìn thấy.
Chỗ nẩy là chỗ nó thường ngồi câu cá chốt với con Lìn. Lúc nó cho đồ xong trở về nhà, má nó đang bận công việc gì ngoài sau. Thừa cơ-hội đó, nó chẳng nói chẳng rằng, để thúng lên bộ ván rồi chạy một mạch ra đây ngồi.
Nước đang những lớn. Có tiếng bìm-bịp kêu ngoài xa. Vài giề rau mác trôi lờ-đờ.
Chắc mình ngồi đây lâu lắm, về thế nào cũng bị má rầy. Tư Cù-nèo nghĩ vậy và kéo vạt áo lau cho thật sạch nước mắt để đứng lên ra về. Bỗng nó giựt mình muốn nhảy dựng vì từ phía sau một bàn tay của ai đè lên vai nó. Nó quay lại nhìn và kinh-ngạc đến tột bực. Con Lìn ngồi sau lưng nó không biết từ lúc nào. Mặt con Lìn rạng rỡ hơn bao giờ hết trong chiếc áo xẩm nền xanh dương bông trắng mà nó thấy là rất đẹp rất vừa vặn chứ không kỳ-dị khó coi như thằng Chín Địa diễn tả. Hai đứa nó nhìn nhau trân-trân một lúc không nói gì. Con Lìn hơi mím môi để kìm giữ một nụ cười. Thằng Tư Cù-nèo vừa mắc cỡ, vừa tủi thân vô-lý mà cũng vừa sung-sướng. Và trong tâm-trạng phức tạp đó, sự sung-sướng lấn dần hai thứ tình cảm kia. Con Lìn lên tiếng trước:
- Thôi về chớ. Ngồi hoài đây sao?
Tư Cù-nèo lượm một cọng sậy khô quơ đuổi một con rắn mối đang bò gần đó cho đỡ mắc cỡ.
- Sao mày biết tao ngồi ở đây mà kiếm?
- Tao đoán chừng. Chỗ nầy ngoài hai đứa mình ra, đâu có đứa nào biết.
- Mầy còn giận tao hết Lìn?
- Hổng biết... Ăn cái nầy đi.
Con Lìn vừa nói vừa đưa cho thằng Tư Cù-nèo một cái gói nhỏ. Thằng nầy tay mở gói, miệng hỏi:
- Bánh gì vậy?
- Bánh bao.
Nó bẻ cái bánh làm đôi chia cho con Lìn phân nửa. Con Lìn lắc đầu:
- Mầy ăn đi. Tao ngán lắm. Ở tiệm nước ăn hoài mỗi ngày... Ê khoan, đưa tao lột cái vỏ mỏng ở ngoài cho. Ăn bánh bao mà không biết gỡ cái bột mỏng áo ở ngoài này, thì người ta cười, biết chưa. Nè, ăn đi.
Tư Cù-nèo cắn bánh ăn. Ngon quá. Thuở giờ nó chưa ăn bánh bao lần nào. Hơn nữa, nó đang đói. Nó vừa ăn vừa nhìn con Lìn lột nửa cái bánh còn lại.
- Ờ.., Lìn à! Người ta nói ở bên Tàu ai cũng biết làm bánh bao hết cũng như bên mình chiên bánh xèo, hấp bánh lá mít, tráng bánh tráng vậy. Có hôn?
- Có chớ. Nhưng “bên mình” sao được. Ở đây là xứ của mầy chớ đâu phải xứ tao mà mầy nói “bên mình”.
Tư Cù-nèo ngừng nhai bánh nhìn bạn, nét mặt đang vui, u-ám trở lại.
- Bà ngoại mầy là người Việt-Nam mà.
- Một mình bà ngoại tao mà nhằm nhè gì. Ông ngoại tao, ông nội, bà nội tao, tía tao đều là người Tàu.
Thằng Tư Cù-nèo bật cười.
- Cười gì mậy nhỏ?
- Hổng cười sao được. Ông nội bà nội mầy người Tàu, thì tía mầy người gì hổng phải Tàu? Vậy mà cũng hài ra cho đông!
Cả hai cùng cười.
- Tư à! Sao mầy sợ tao về Tàu quá vậy?
- Sao mầy biết tao sợ?
– Hồi sáng, lúc mầy nói chuyện má tao, tao ở trong buồng chớ đâu.
- Ờ, hèn chi.. Vậy mà mầy chơi ác hổng thèm lên tiếng, báo hại tao rầu muốn chết từ hồi sớm đến giờ. Mà mầy có tính về Tàu thiệt hôn vậy Lìn?
Hai tiếng “chơi ác” làm con Lìn ân hận. Giọng nó trở nên âu yếm:
– Mắc mớ gì mà về? Về kiếm ai ở bển? Nè, còn nửa cái bánh ăn
luôn đi.
- Vậy mà thím ba thím nói...
- Ai biểu mầy khóc làm chi, bà già bả thấy vậy bả chẳng ghẹo. Cái mặt coi vậy mà mít ướt.
- Coi vậy là sao?
Con Lìn dùng ngón tay trỏ chỉ lên trán thằng Tư Cù-nèo đúng vào chỗ có một cái thẹo nhỏ:
- Cái mặt lỳ nè! Hồi năm ngoái tụi con nít cồn Hươu nó đập mầy chảy máu đầu mầy đâu có khóc...
- Ờ kỳ ghê ha! Tao cũng hổng hiểu tại sao vậy. Hai tiếng “về Tàu” nghe nó buồn kỳ cục lắm. Má tao dỗ em ngủ, thường hay hát: Anh về ngoài Huế lâu vô, họa bức tranh đồ để lại em chơi. Mình đâu có biết Huế là xứ nào, vậy mà hễ nghe nói "ngoài Huế” sao mình thấy nó biệt mù, diệu vợi. Rồi hai tiếng "bên Tàu” nghe còn xa tổ mẹ hơn nữa.
Con Lìn nhìn thằng Tư Cù-nèo. Sự xúc-động làm cho giọng nói nó bùi-ngùi và nồng-nàn thương mến:
- Mà bây giờ tao hổng có về Tàu, mầy nghe ai nói “bên Tàu” mầy cũng buồn nữa sao?
- Buồn mà buồn ít.
Đáp xong, nó nhìn con Lìn một lúc rồi chép miệng:
- Bánh bao ngon quá. Còn cỡ hai cái nữa, tao quất hết như chơi!
- Coi vậy chớ ngán lắm. Ăn hổng nổi đâu. Cỡ chừng một cái “xá-xiếu páo” nữa thì được.
- Xá-xiếu báo là sao?
Con Lìn cắt nghĩa:
- Bánh bao có nhiều cỡ lắm. Thứ lớn tổ mẹ gần bằng một trái dừa xiêm đèo kêu là “Woòng páo”. Thứ lớn vừa vừa mầy mới ăn đó là “tài páo”. Thứ nhỏ hơn nữa là “xá-xiếu páo".
Mấy cái tên bánh bao, con Lìn phát âm bằng giọng Tàu đặc sệt làm thằng Tư Cù-nèo nghe rất thích. Có một cái gì véo-von như chim kêu trong lối phát-âm ấy của bạn nó. Nó cười chúm-chím, hỏi:
- Còn thứ nào nữa hôn Lìn?
Con Lìn chưa kịp đáp, bỗng từ phía sau chúng nó, trong lùm sậy, giọng nói của một người đàn ông cất lên:
- Đó, còn hai cái bánh bao con Lìn nó để dành sẵn cho mầy đó.
Con Lìn và thằng Tư Cù-nèo giựt mình quay lại nhìn, gặp chú trùm xuyên Ngọ đang cười hề hề. Tay trái chú cầm con dao yếm, tay mặt chú ôm một bó lạt dừa nước lớn gần bằng cột hàng nhì. Tư Cù-nèo cự:
– Bác Chín quỷ nầy. Làm tụi tôi hết hồn hết vía hè!
Trùm xuyên Ngọ lại cười:
- Tao gặp tụi bây tao cũng hết hồn vậy.
Đoạn chú hạ giọng nói nhỏ:
- Hổng giấu gì tụi bây, tao đốn lạt trộm đằng doi lá của đất làng. Bây đâu có muốn gặp tao, cũng như tao đâu có muốn gặp bây. Thôi thì kể như huề, thấy sao hay vậy, nghe chưa?
Tư Cù-nèo curời:
- Dạ, huề thì huề chớ sao.
Rồi nó ngây thơ hỏi:
- Đâu? Bác nói còn hai cái bánh bao nữa đâu bác Chín?
Trùm xuyên Ngọ cười ngất :
- Ý! Cái thằng coi vậy mà tối dạ ghê. Đó, hai cái bánh bao con Lìn nó giấu trong cái áo xẩm của nó đó. Mà điều thứ bánh bao nầy để cầm chơi chớ không phải để ăn.
Hai đứa nhỏ cùng chợt hiểu ý-nghĩa câu nói đùa thiếu tao nhã của trùm xuyên Ngọ nên mắc cỡ đỏ mặt trong lúc ông nầy ôm bó lạt đi lần theo bờ rạch về hướng cầu rạch đình.
Tự-nhiên, con Lìn cúi mặt nhìn xuống ngực nó và biết rằng thằng bạn trai của nó cũng lén nhìn chỗ đó. Rồi kể từ phút ấy, hai đứa nó đâm ra ngượng không nhìn nhau nữa, mà nhìn dòng nước. Nước đã lớn đầy lòng rạch. Phù sa nhiều quá làm cho guồng nước không trong.
Hai đứa nhỏ không nhìn thấy hình ảnh của chúng phản chiếu dưới guồng nước mà chỉ thấy hai cái bóng của chúng giao đầu vào nhau, do nắng nhạt của buổi chiều tàn niên dỏi xuống.
Hai đứa cùng lắng tai nghe. Bên kia bờ rạch, có tiếng tu hú kêu trong tàng rậm của một cây bàng. Xa hơn, có tiếng chày quết bánh phồng trong xóm.
Con Lìn bứt đưa cho thằng Tư Cù-nèo một cái bông dại mà nó không biết tên. Bông nhỏ xíu màu tím xanh như bông lục bình. Hai đứa nó chuyền cho nhau ngửi. Không có hương gì cả. Thế nhưng không hiểu tại sao một chút gì ô-trọc do câu nói đùa của trùm xuyên Ngọ khi nãy gợi lên làm cho hai đứa nhỏ mất tự-nhiên, bỗng chốc tiêu tan mất tựa hồ như nó không hề có hiện ra vậy.
Cùng với tiếng tu hú kêu và tiếng chày quết bánh phồng đằng xa vọng lại, hai đứa nhỏ nghe tâm-hồn trong-trắng thơ ngây của chúng từ từ đượm nồng một thứ tình-cảm gì mới lạ thoạt tiên có vẻ như sẽ làm vẩn đục tình thương giữa hai đứa tự thuở giờ. Đồng thời chúng cũng ban đầu nhận rằng thứ tình cảm kỳ lạ chưa đặt tên ấy lại gắn bó chúng nhiều hơn trước. Và sự quyến-luyến đậm-đà ấy mới chính là cái gì thơm-tho, khiết bạch nhứt của tuổi thơ.
TRANG-THẾ-HY
1963
(1) Tiếng miền Nam chỉ ông thầy tướng của các gánh hát bội hồi xưa.
(2) Tiếng miền Nam chỉ hoa Hoàng-lan
(Bách Khoa số Xuân Quý Mão 1963)







GIẢ ĐÒ YÊU
TRANG-THẾ-HY


Đang là mùa nước. Ba má thường vắng nhà luôn. Ba đi nhổ mạ, dọn đất. Má đi cấy hay dậm lúa.
Con Thơ ở nhà một mình hoài, đáng lẽ buồn. Nhưng con Thơ không buồn. Xách đầy lu nước, che nắng giàn thuốc con, rải lúa cho gà ăn xong, Thơ khép cửa, chạy ra sân, chun ngang hàng rào trà, lòn-lòn giữa ruộng mè, rồi bước sai-sải trên đám bắp tơ mới tỉa chưa vô phân, cất tiếng kêu thằng Hiệp:
- Hiệp ơi! Hiệp! Qua tao chơi Hiệp!
Thằng Hiệp cũng ở nhà một mình như con Thơ. Ba má Hiệp không làm ruộng như ba má Thơ. Ba nó đánh xe ngựa, phải ra đi hồi nửa khuya, cho má nó “có giang” trong chuyến đầu tiên để ra chợ bán đồ giống: mướp, dưa, cà, bí, chất nhóc một xe đầy.
Không nghe Hiệp lên tiếng, Thơ biết bạn nó đi cắt cỏ ngoài triền giồng chưa về. Nó chạy ra tàu ngựa đứng chờ. Nó chờ không bao lâu. Mươi phút sau, Hiệp hiện ra đàng cuối con đường mòn, vai gánh một gánh cỏ lùm lùm làm cho cái thân hình non tơ mới chín tuổi của nó cóm róm.
Vừa thấy con Thơ, nó cười chúm-chím, cầm giơ lên khoe một trái xoài non mới lượm được. Thơ mừng rỡ chạy đến vồ lấy. Hiệp giựt lại, không phải theo kiểu của thằng bạn láo ăn mà bằng một cử-chỉ nô đùa chơi cho vui.
Thơ biết vậy nên Thơ không hờn, Thơ biết chắc rằng Hiệp lượm xoài là cốt để cho Thơ.
Nó vịn cây đòn xóc, biểu Hiệp để gánh cỏ xuống, hỏi:
- Nặng hôn? Để tao gánh tiếp cho.
Thơ mới tám tuổi. Nhưng con gái nhà nghèo ở giồng áng cỡ tuổi đó đã biết gánh gồng rồi.
- Nặng lắm. Mầy gánh hổng nổi đâu. Tao cả-mô cắt thiệt nhiều cỏ để khỏi đi một chuyến nữa. Thành ra gánh muốn ẹo xương sống.
- Nổi mà. Để tao gánh thử coi. Tao gánh nổi một đầu hai bó mạ, một bó lúa bứng chớ phải chơi sao.
Vừa nói, Thơ vừa kề vai vào cây đòn xóc, nhấc thử. Gánh cỏ nặng thiệt. Thơ le lưỡi, lắc đầu rồi để gánh xuống.
Hiệp đưa trái xoài cho bạn. Thơ cầm lấy, thấy cuống còn tươm mủ liền hỏi:
- Bộ mầy hái trộm của thằng cha bộ Son hả?
Hiệp cười:
- Chớ sao. Xoài rụng tụi nó lượm hồi hừng sáng hết trọi rồi.
- Mầy hổng sợ thẳng chả sao?
- Sợ chớ. Nhưng chả đi chợ rồi. Hồi khuya, chả “có giang” xe ba tao. Thôi dang chỗ. Tao gánh rút về rồi tụi mình đi cất chòi. Ý! mà còn phải dắt ngựa đi quần nữa chớ.
Thơ bỏ túi trái xoài, bước theo Hiệp, cằn-nhằn:
- Còn quần ngựa nữa. Rầu quá ta. Hổng quần được hôn Hiệp?
- Đâu được. Ông già ổng hay lắm. Bữa nào làm biếng hổng dắt ngựa đi quần, trưa về ổng biết liền.
Con Thơ xịu mặt ngay. Nó nghĩ đến cái chòi của hai đứa cất mới nửa chừng ngoài bờ giếng, sau hè nhà nó, dưới tàng cây khế ngọt. Nội buổi sáng này, phải cất cho xong để làm đám cưới. Thắng Hiệp phải dắt ngựa đi quần thì chương trình đó kể như gẫy.
Hai đứa trẻ đã vô tới tàu ngựa. Trong lúc Hiệp tuôn cỏ vô máng, Thơ lấy gàu lại giếng xách nước giúp bạn. Xong xuôi, nó nói:
- Thôi tao về nghen. Quần ngựa rồi qua chơi.
- Ờ, qua chớ.
Giọng nói của hai đứa đều thoang-thoảng buồn, cái buồn của những đứa trẻ ham chơi nhưng không muốn cãi lời cha mẹ dặn.
Thơ đi mươi bước, Hiệp kêu lại:
- Thơ! Đứng lại nói này nghe.
Thơ quay lại chưng-hửng:
- Gì vậy?
- Ậy! Đứng đó đi. Nói này nghe ngộ lắm mà.
Thơ đứng lại chờ. Hiệp bước lại gần, chỉ tay lên ngọn cây sầu-đâu nói:
- Đố mày biết cái ổ chim gì mới lót ổ trên đó.
Thơ ngước lên nhìn, tìm tòi không thấy gì cả, liền cự:
- Láo hoài hè. Lo dắt ngựa đi quần. Ở đó giỡn.
Hiệp cười hề-hề chỉ một con sâu mè đang đo trên mặt cát cách chỗ hai đứa đứng độ mươi bước.
Thơ giùng mình kêu ú ớ một tiếng lớn rồi đeo dính vào người Hiệp. Nó hiểu lập tức tại sao Hiệp nói gạt biểu nó nhìn lên ngọn sầu-đâu kiếm ổ chim. Thơ có tật sợ sâu. Sâu đeo nó, nó sợ đến chết giấc được. Hiệp biết rõ như vậy mới bày đặt vụ ổ chim để bắt giùm con sâu mè đeo trên người nó, xong xuôi rồi mới chỉ cho nó coi.
Nó nghĩ mà thương thằng Hiệp vô kể. Theo như đứa nào rắn mắt, đứng đàng xa hô lên nhát nó chơi, thì nãy giờ nó lăn tròn dưới đất mà chết giấc rồi.
– Đeo chỗ nào vậy Hiệp? Ở vai áo hả? Thơ hỏi, giọng chưa hết kinh hãi.
- Đeo trên tóc mới ớn chớ.
Thơ giùng mình lần nữa trong lúc Hiệp âu yếm vuốt tóc bạn, ý như phủi bỏ tất cả cái gì đáng sợ về con sâu, rồi nói giọng đàn anh:
- Tóc con Thơ gần kẹp được rồi ta. Day mặt lại coi, nhỏ!
Thơ quay mặt lại cười và chợt thấy Hiệp nhìn nó một cách rất lạ. Hai tay Hiệp vòng ra sau ót nó lại theo kiểu tóc kẹp.
Nó nghĩ có lẽ với lối vén tóc ra sau như vậy, khuôn mặt nó hơi lạ đối với Hiệp vì mất chòm tóc phía trước trán và hai bên gò má lỏa-xỏa chấm vai. Giọng nói của Hiệp cũng rất lạ. Xa xôi mà buồn buồn:
– Nói vậy, chớ đừng thèm kẹp nghen Thơ. Hớt bớt ngọn rồi để vầy đi.
- Sao vậy?
Hiệp muốn nói gì rồi lại thôi. Nó buông cho tóc Thơ xõa ra, trở về vị trí cũ, lấy tay vuốt cho ngay ngắn, rồi âu yếm mỉm cười, biểu:
- Thôi về đi nhỏ. Đi vòng, đừng có chun lỗ rào, lòn-lòn trong dán mè, sâu nó đeo nữa đa.
Thơ ngoan ngoãn đi vòng ngả trước, không đi tắt. Ra tới ngõ, nó ngoái lại nhìn Hiệp, cười chúm chím. Hiệp cười theo bạn.
Đằng hướng Đông, mặt trời lên được vài sào, cũng cười với đôi trẻ.
*
Con Thơ ngồi trong cái chòi làm bằng nhánh đủng đỉnh, cất mới phân nửa, vén tóc ra đàng sau ót, và buộc lại bằng một sợi giây mo-nang cau héo queo, lấy trong hàm râu hát bội của cuộc chơi hồi hôm qua.
Nó ức trong bụng vì không có cái gương soi đề nhìn khuôn mặt nó coi thế nào mà thằng Hiệp tỏ vẻ không thích, biểu nó để tóc xấp-xảy như vậy, đừng có kẹp vén ra sau ót.
Nó tính trở vô lu nước mới xách đầy để dùng mặt nước làm gương, thì thằng Hiệp từ phía sau len-lén lòn tay tới, bịt mắt nó. Nó không thèm gỡ tay thằng Hiệp ra, nói giọng hăm he:
- Chết rồi! Có đứa làm biếng dắt ngựa đi quần. Trưa bác ba về mét chơi.
Thằng Hiệp cười:
- Khỏi sợ đi bạn. Tôi mà bị đòn thì bạn cũng lo kiếm mo lót đít.
- Sao vậy?
– Tại bạn rủ tôi cất chòi, tôi mới bỏ quần ngựa... Nói chơi vậy chớ, tao có dắt nó đi cầm chừng vài vòng rồi. Mầy biết hôn? Tao mánh lới lắm. Tao làm bộ dắt tuốt lên ngã ba, bẹo cho thằng cha Mười quán chả thấy đàng hoàng, có bề gì chả binh tao. Phải ăn gian ông già như vậy để cất cho rồi cái chòi chớ.
Bây giờ Thơ mới gỡ tay Hiệp ra nói:
- Thôi Hiệp à! Chòi cất như vầy được rồi. Leo đốn tàu đủng-đỉnh, kiến vàng cắn chết.
- Cắn tao chớ cắn mầy sao?
- Sâu mè đeo tao mầy bắt giùm. Kiến cắn mầy tao đứng dưới đất, bắt hổng được, tao nóng ruột chớ.
Hiệp khoan-khoái vuốt tóc bạn rồi nhìn sơ qua cái chòi nói:
– Chòi như vầy mà làm đám cưới cái gì?
Thơ lắc đầu:
- Hổng làm đám cưới. Mất công lắm. Phải lấy vừng sàng gạo làm nón cụ, kiếm khăn làm áo dài, rồi còn phải khay hộp, mâm trầu cau, đủ thứ. Bữa nay ba tao đi nhổ mạ, vác ghế theo rồi, lấy gì làm bàn thờ?
- Hổng làm đám cưới thì bày cái gì chơi bây giờ? Bán tiệm với hát bội hoài nhàm lắm.
Thơ ngẫm nghĩ một lúc rồi bàn:
- Tụi mình giả đò như làm đám cưới lâu rồi. Bây giờ vợ chồng mới ra riêng như anh hai chị hai tao năm ngoái vậy.
Hiệp vỗ tay mừng rỡ:
- Ờ, phải rồi. Hồi năm ngoái anh hai chị hai về nhà mới, vách phên cũng còn trống lổng như chòi mình vầy nè.
- Nhà chớ chòi gì mậy nhỏ.
- Ờ quên chớ. Nhà, phải rồi, nhà. Mà mầy kêu tao bằng anh chớ kêu mậy nhỏ sao được. Rồi tao kêu mầy bằng chị hai con Thơ như anh hai kêu chị hai vậy.
Thơ lắc đầu:
- Tao là con Thơ rồi. Còn con Thơ nào nữa. Kêu bằng em.
- Anh hai đâu có kêu chị hai bằng em.
- Có chứ. Mà điều ảnh mắc cỡ, có mặt ai ảnh ít kêu nên mầy hổng nghe.
- Ừ, thì kêu bằng em. Rồi. Bắt đầu ra riêng nghen. Từ giờ, đứa nào quên, kêu mầy tao vả miệng nó. Nghe chưa.
- Dạ.
Giọng nói dịu dàng làm ra vẻ người vợ ngoan của Thơ làm Hiệp mỉm cười, hào hứng. Nó nói lầm thầm: “Để nhớ coi, bữa về nhà mới, anh hai ảnh làm gì… ờ… ờ… nhớ rồi”. Bỗng nó hô lớn:
– Em ơi! Em à! Em đâu rồi!
Vừa hô nó vừa khoát tay ra dấu cho con Thơ chạy ra phía sau chòi. Thơ cũng nhớ lại một số việc trong ngày mới ra riêng của chị dâu nó, liền bỏ ra sau làm thinh. Hiệp kêu mãi:
– Em ơi! Em à!
Thơ chạy vô pha lửng:
— Dữ hôn. Vắng một chút hổng được nữa! Sợ diều tha hả?
– Chớ sao. Ai biểu em tuổi Dậu con gà. Phải coi chừng kẻo diều tha quạ xớt còn gì. Thôi vô lấy bánh men đem ra cho tụi thằng Hiệp con Thơ nó ăn với. Nó đến mừng nhà mới của mình nè.
Thơ quên vai kịch, sừng-sộ:
- Còn con Thơ thằng Hiệp nào nữa?
Hiệp cắt nghĩa:
- Tụi mình làm anh hai, chị hai là chuyện giả đò. Còn hai đứa mình thiệt thì cũng còn vậy chớ, mất đi đâu. Bữa đó, tụi mình lại chơi ăn bánh men, mầy... ủa em quên sao?
Thơ vả miệng Hiệp một cái rồi đáp:
- Nhớ rồi. Nhưng mình mắc làm anh hai chị hai rồi. Lấy ai mà làm thằng Hiệp con Thơ?
- Thì giả bộ như có hai đứa mình đứng đó vậy mà. Đi. Vô lấy bánh đi.
Thơ chạy ra sau hè chòi lượm vài miếng nghêu bỏ trong vùa bưng ra, nói giọng người lớn:
- Mới tờ mờ sáng đã có tụi bây rồi hè. Ăn bánh đi, rồi phụ cặp vách.
Giọng nói con nít cố làm ra vẻ người lớn của con Thơ làm thằng Hiệp phát cười rồi hai đứa nó vịn vào nhau mà cười nghiêng-ngửa. Sợi dây buộc tóc của Thơ sút ra. Nó lượm lên đưa cho Hiệp, biểu buộc lại. Hiệp cầm sợi dây, vuốt tóc Thơ, vén ra sau ót, nhưng không buộc. Nó xoay mặt Thơ lại, buông cho tóc xõa, nhìn Thơ một lúc, rồi nói:
- Em à! Để tóc vầy đi, đừng kẹp.
- Chi vậy?
- Hổng biết! Tôi là chồng, tôi nói, cô phải nghe.
Giọng xẳng-xớm thình lình của Hiệp làm Thơ ngạc nhiên. Nó ngơ-ngác hỏi:
- Ăn nói vậy đó hả?
- Ừ, nói vậy đó. Có sao hôn? Đồ nhí-nhảnh.
Thơ càng ngơ ngác hơn. Mặt Hiệp vẫn hầm-hầm, giận dữ. Nó tiếp:
- Sao hổng theo nó luôn đi. Mang đầu về đây chi đó!
Con Thơ bệu bạo:
- Nó nào? Nói bậy hoài hè.
- Còn hỏi cơ hả? Còn giả mù sa mưa hả?
Rồi Hiệp vả Thơ một bạt tai mắng tưới:
- Đồ đĩ!
Thơ ôm mặt chạy ra hè chòi khóc mướt. Hiệp chạy theo dỗ:
- Thơ à! Giận thiệt sao Thơ?
Thơ hất tay Hiệp, không thèm đáp. Hiệp dịu-dàng giải thích:
- Thơ à! Mình giả đò làm anh hai, chị hay mầy quên sao? Hôm chị hai đi cấy bên giồng Gắng, chỉ hò huê tình với thằng cha nào đó, anh hai ảnh giận trong bụng cự một trận. Bữa sau chị hai còn bày đặt đi chợ mua kẹp xước về chải tóc kiểu đờn-bà-chợ, ảnh ghen ảnh làm dữ y như tao hồi nãy mầy quên sao? Nín đi Thơ à! Mình giả đò mà. Chuyện ra riêng này mầy bày đặt chớ dâu phải tao.
Thơ chợt nhớ, nhưng còn giận:
- Giả đò mà mầy quánh thiệt đau thấy mồ hè!
Hiệp vuốt tóc bạn phân trần:
- Giả đò cũng phải làm như thiệt vậy chớ.
Thơ ngước lên, nước mắt còn ướt rượt, cười chúm chím làm lành:
- Vậy thì bây giờ tới phiên mầy năn nỉ tao, như thiệt vậy đi.
Hiệp cười, mừng rỡ:
– Ừ, mình làm tiếp vụ gây lộn. Làm bộ úp mặt vô đầu gối đi chớ!
Thơ giấu mặt theo lời bạn. Hiệp năn nỉ:
- Chị hai con Thơ à! Em à? Hồi nãy hổng biết cái gì nhập anh, anh nói bậy, nói bạ, em đừng giận anh tội nghiệp mà. Đánh anh lại trừ đi. Cho em ăn lời đó. Đánh mấy cái cũng được.
Thơ ngước lên gặp Hiệp chìa gò má, toan đánh, rồi lại thôi. Nó nguýt:
- Bản mặt ghen ai thèm đánh. Hổng sợ em út nó cười hè.
- Em út nào?
- Thì tụi con Thơ, thằng Hiệp đây nè.
Trò chơi giả đò yêu tới đây chấm dứt bằng một trận cười cởi mở. Đang cười, bỗng Hiệp giựt mình, dặn bạn:
- Ờ, chơi rồi bỏ đừng nói lại. Anh hai ảnh tưởng mình kiêu ngạo ảnh, ảnh giận hổng thèm cho ăn bánh nữa nghen.
- Ngu sao nói kỳ vậy. Ờ, Hiệp à! Tao làm chị hai giống hôn?
- Giống lắm, còn tao?
- Mầy làm anh hai còn giống ác nữa. Hồi mầy giả đò ghen, tao hết hồn hết vía thiệt tình mà!
- Tại tao ghen thiệt.
- Kỳ vậy? Tao làm gì mà mầy ghen thiệt?
- Ờ, hổng biết sao kỳ cục vậy. Cũng hổng phải ghen nữa. Thấy mầy buộc tóc, tao nhớ chị tư tao hồi nhỏ, ban đầu hớt trọc chừa bánh bèo, rồi hớt chải, hớt bom-bê, rồi kẹp tóc, bới đầu, kế đi lấy chồng. Nghĩ vậy sao nó buồn buồn trong bụng, kỳ lắm.
Thơ cầm tay bạn cảm động:
– Thôi tao hổng thèm kẹp tóc nữa đâu.
Hiệp lắc đầu:
- Rồi cũng phải lấy chồng.
- Hổng thèm lấy chồng luôn.
- Đâu được. “Hò hố khoan, khoai lang có củ, đu đủ có trái, con gái có chồng…” mầy hổng nghe người lớn họ hát sao?
Hai đứa im lặng một lúc lâu, tay cầm tay, lòng Thơ bồi hồi, nét mặt buồn hiu.
Nắng sẫm lại. Một áng mây bay ngang che mặt trời. Thơ nhìn lên ngọn cây sao. Hiệp hỏi bạn:
- Ngó gì vậy Thơ?
- Có ngó gì đâu. Tao nhớ chuyện bắt sâu mè hồi nãy rồi nghĩ tới chuyện nữa lớn đi lấy chồng. Rủi gặp thằng chồng ở ác, sâu đeo tao, nó hổng thèm bắt, nó đứng đằng xa nó nhát tao chết giấc lu bù, rồi chết luôn có bữa.
- Thì nó cũng chết theo.
- Sao vậy?
- Nó đào hang nó trốn cũng hổng khỏi. Tao kiếm nó tao tém cái một.
Chưa bao giờ, Thơ nghe giọng Hiệp cương-nghị đến như thế. Nó cầm từng ngón tay của bạn bẻ kêu rắc rắc rồi thở ra. Giọng nó âu yếm mà bùi ngùi:
- Khi không đương vui rồi phát buồn, kỳ quá ta. Tại đứa nào? Chắc tại tao. Tại tao bày đặt buộc tóc làm mầy giận. Thôi mầy giận tao một hồi nữa, rồi bỏ đừng thèm buồn.
Hiệp thở ra:
- Làm sao giận cho được.
- Chớ mầy muốn làm sao bây giờ? Tao muốn ông trời sập đè người ta chết hết cái cho rồi.
Nói xong, Hiệp tự lấy làm lạ sao nó lại có cái ý muốn quái dị như vậy! Thơ lật đật cự:
- Nói tầm bậy. Chừa hai đứa mình còn sống chớ.
- Chi vậy?
- Biết đâu!
Sự ngớ ngẩn của hai tấm lòng thơ vô tình xua đuổi cái buồn vu vơ mà trước đó mấy phút, hai đứa trẻ tưởng là không thể nào xua đuổi được
Hai đứa nó vịn vào vai nhau trân-trân. Chúng nó tìm thấy trong ánh mắt của nhau những tia sáng của sự quyến-luyến, có không biết từ đời nào, và không một thứ mãnh lực nào dập tắt được.
Nắng hửng lên, rực rỡ. Áng mây che mặt trời khi nãy đã bay qua.
*
Tôi nhìn bức họa sơn dầu nhan đề “Giả đò yêu” căng trên vách, nhìn dáng điệu trầm ngâm của Hiệp sau khi kể chuyện, mà trong lòng man-mác bùi-ngùi.
Cô gái tên Thơ đã chết giữa trận giặc vừa qua. Trong kiếp sống ngắn ngủi, Thơ chỉ giả đò yêu chớ chưa kịp yêu thực sự. Tôi bùi ngùi, vì được biết những chi-tiết đó trước khi nghe chuyện.
Trước mắt tôi là màu nét vô-tri được bàn tay nghệ sĩ phú cho một linh hồn hay là linh hồn của Thơ hiện về thực sự mà cười với tôi trong tranh? Cô gái giồng, tám tuổi với chòm tóc đen ngời phủ lên vừng trán thơ ngây của khuôn mặt quê mùa mà rạng rỡ ý yêu đời chan chứa trong đôi mắt biếc ấy có phải quả thật đã chết rồi hay không? Tôi hay bạn, hay bất cứ một người Việt-nam nào khác còn là người Việt-nam đều thấy cô bé tác giả của trò chơi “Giả đò yêu” quen thuộc ngàn đời ấy đang sống rất mạnh trong từng đường gân ống máu nhỏ nhứt của tấm hình hài xương thịt chúng ta. Tôi tự hỏi như thế với tâm-trạng của một người Việt-nam muốn tìm hiểu tâm-hồn người Việt-nam, tìm hiểu một cách si mê nhưng tuyệt-vọng bởi biết chắc rằng điều mình muốn biết là mênh mang, vô cùng tận. Tôi hỏi Hiệp:
- Làm sao anh tự chọn cho anh một tâm-trạng sáng sủa, vui tươi để vẽ nổi bức tranh này khi mà Thơ đã chết bi thương như thế?
Hiệp không đáp hỏi lại:
- Hồi nãy ở rạp chiếu bóng lúc xem phần thời sự, anh có để ý một chuyện gì chớ?
Tôi lắc đầu đáp: không. Sợ sự suy nghĩ làm loãng tình cảm trong lòng, Hiệp tiếp:
- Có một cảnh “Giả đò đánh giặc"...
– À, nhớ rồi, cuộc thao-diễn quân-sự của một số nước nào đó quên rồi...
- Thì cứ nói là “Giả đò đánh giặc” cho nó nôm na. Cái hùng-tráng của nó kể ra cũng có hấp lực làm một số người vui thích.
- Dĩ nhiên!
- Đó, chính vì vậy mà tôi phải rán vẽ bức tranh “Giả Đò Yêu” của tôi sao cho có nhiều sức truyền cảm để mọi người công nhận rằng: nhìn cảnh “Giả đò yêu" khoái hơn nhìn cảnh “Giả đò đánh giặc”. Sự nỗ lực đó làm cho lòng tôi vui tươi, sáng sủa.
Cái phong-phú sâu xa của tâm hồn Việt-nam lại trải ra trước tầm ý thức của tôi, vô tận, mênh mang.
Trong một thoáng động lòng, tôi cảm thương những người đã chết mà không hiểu mình là ai, có đặc-điểm gì. Cũng như những người đang sống mà hai tiếng Việt-nam nói lên không gợi được một rung cảm gì đáng kể.
TRANG-THẾ-HY
(Loại truyện “Tâm Trạng Hồng” trong tập “Vẫy Vùng")
Bách Khoa số 70 ngày 1-12-1959






BƠ VƠ
TRANG-THẾ-HY


“- Hồi đầu hôm, hình như trời cũng có mưa.”
Câu nói thẫn-thờ của ai cất lên giữa tiếng nói chuyện lào xào của bốn năm người ngồi bao quanh chiếc xe mì lưu động, đậu lại đụt mưa ngoài hiên của quán cà phê thưa khách về khuya.
Vũ ngừng đọc báo, ngẩng lên nhìn ra xem ai đã nói và lắng nghe tiếp. Vũ muốn biết cảm nghĩ của bất cứ một người nào về những trận mưa đêm nho nhỏ mà dai dẳng, từng chập tạnh rồi từng chập lại trút xuống, dầm dề liên tiếp hơn tuần này làm cho cái không-khí ẩm-ướt của xóm nghèo càng thêm u-thảm, đìu-hiu.
Nhưng không có một lời nào tiếp theo cả. Vũ nhớ lại cái giọng bâng quơ của câu nói, thứ giọng uể-oải chán-chường, nói để cho có nói, không phải muốn diễn-đạt một cảm-nghĩ gì mà cũng không cần ai phụ-họa hoặc cãi lại.
Sau phút mất hứng, Vũ chợt nhớ lại chính chàng cũng thường buông ra những lời nói không có nghĩa gì cả như thế, về một tiếng rao quà sáng, về một con chó chạy ngang, về màu áo của một thiếu-nữ đi qua. Nhứt là trong những ngày sống lây-lất như bây giờ. Nói để khỏi nín, để nhớ rằng mình thuộc về một loài sinh vật biết nói, thế thôi. Vả lại, tìm biết cảm-nghĩ của thiên-hạ về mưa khuya để mà làm gì? Một tứ thơ, một ý văn, hay một đề tài tiểu-thuyết hiện ra trong tâm-não? Vũ bây giờ thật là đáng tội nghiệp như một đóa hoa mảnh mai, yếu-ớt, chưa kịp nở đã tàn-tạ tơi-bời trong giông bão phũ-phàng.
Vũ nhớ đến một bài tạp-văn của chàng tựa là NGHĨ VỀ MƯA, viết đã lâu, hiện bỏ nằm trong ngăn kéo. Hồi năm ngoái, Linh, một người bạn phụ-trách bài vở trương ruột một tờ nhựt-báo, kêu chàng viết bài đó và đến lấy vào một buổi trưa thấy Vũ nằm ngủ, không muốn kêu dậy. Đọc xong bài tạp-văn, Linh không lấy, bỏ mà về sau khi gửi lại Vũ vài trăm bạc và mấy lời khuyên vắn-tắt: “Tao nhắc mày lần chót rằng hiện nay người ta không còn muốn tìm rung-cảm trong văn-nghệ nữa, Người ta đọc để tìm sự khiêu-động dục-tình hoặc để làm cái công việc gọi là đọc. Làm người chẳng lẽ lại không đọc? Tại người hay tại văn-nghệ tao không biết, nhưng đó là sự thật. Mày lấy sự rung cảm của tim óc mà đáp lại sự đòi hỏi đó thiệt là thật-thà, nếu không nói là ngu ngốc. Tao thương mày quá mà khuyên mày không được, buồn ghê…”
Vài nét chữ nhoè đi vì ướt. Có lẽ Linh đã khóc. Nhưng Vũ biết không phải Linh khóc vì hiện-tình đọa-lạc của văn chương. Linh khóc cho sự ngu-dại của thằng bạn có chút đỉnh tinh-hoa nghệ-thuật mà không biết cách đem bán.
Vũ lại cúi xuống tờ báo. Phương ăn hết tô mì với bốc hai cọng tăm, ngậm một, đưa cho Vũ một.
Vũ liếc nhìn thấy nhưng không cầm lấy. Phương ấn đầu tăm vào má Vũ làm Vũ ngước lên, lặng-lẽ cự-nự bằng một cái cau mày. Phương cười làm lành:
- Đọc gì mà mê dữ vậy?
Vũ lại cúi xuống, không đáp. Phương không thấy đó làm khó chịu vì đã quen nết bạn. Nàng cầm mẩu thuốc lá của Vũ trên vành lọ gạt tàn, quăng mạnh ra ngoài mưa để lắng nghe tiếng xèo ngắn ngủi của đóm lửa bị ngấm nước, đoạn thắp một điếu thuốc mới, rít vài hơi cho thật cháy rồi đưa tận môi cho Vũ.
Trong một đoạn tiểu-thuyết của Vũ và Phương đọc đã lâu, có một nhân-vật đàn-bà mồi thuốc cho người yêu kiểu đó và được anh chàng kia khen là tình-tứ. Phương cho rằng Vũ cũng như gã đàn ông kia, nên diễn lại cử-chỉ ấy. Nàng ngạc-nhiên thấy Vũ ngậm điếu thuốc với vẻ bình-thản quá, không biểu-lộ chút vui thích nào. Bây giờ Phương hơi giận. Giọng nàng ấm-ức:
- Đọc gì mà mê dữ vậy?
Vừa hỏi, Phương vừa chợt thấy Vũ đang nhìn lên tờ báo gập làm tư, bày ra trước mặt toàn là những khuôn quảng-cáo của trang chót.
Vũ ngước lên mỉm cười, trao tờ báo cho Phương, chỉ một chỗ, nói:
- Phương đọc bài này đi. Hay lắm.
Phương cầm lấy, lẩm-nhẩm đọc:
“Một khám phá quan trọng về lịch sử y-học phục vụ khoa thẩm-mỹ: Nữ tướng Phàn-Lê-Huê chinh tây Đại Nguyên-Soái đời Đường có một miếng lác rất lớn nơi bắp vế bên trái.
Đây là một sự tiết lộ của đức lang-quân Tiết-Đinh-San... Số là trong đêm động-phòng hoa-chúc của hai họ Tiết-Phàn, Tiết lang-quân lúc bấy giờ bị sụt chức làm tiên-phuông, đang hầm-hầm nổi giận vì tự-ái bị vợ đoạt tước soái, bèn ra sức tìm-tòi bất cứ một duyên-cớ nhỏ-nhen nào để mà gây sự. Thời may, chàng chợt thấy nơi bắp vế bên trái của Lê-Huê một miếng lác bề hoành to bằng cái chén. Lập tức, Tiết bèn bịa ra một luật-lệ nói rằng một trong các điều-kiện của một nữ-soái là không được có lác. Đoạn chàng hầm-hầm bỏ ra khỏi phòng, nói sẽ làm phúc-trình tâu Vua.
Phàn-Lê-Huê bối rối mới kêu nữ-tỳ vào hỏi ý. Nữ-tỳ cả cười mà rằng: “Ối tưởng gì, chớ thứ lác này, em trị như đồ bỏ”. Nói đoạn, chạy tìm cho Phàn Nguyên-Soái một lọ thuốc, nhãn hiệu con mèo của Linh-Miêu Dược-Phòng.
Mấy phút sau, Tiết-Đinh-San cầm tờ phúc-trình trở vào phòng lấy chữ ký của Phàn Lê-Huê thì hết sức ngạc-nhiên thấy miếng lác đã biến mất không còn một thẹo vết cỏn-con nào, cho đến nỗi đời sau không có sử gia nào dám chép lại rằng Phàn Lê-Huê có lác cả.”
Đọc xong, Phương co người lại mà cười rũ-rượi.
Vũ hỏi:
– Phương cười vì thấy hay chỗ nào?
– Hay từ đầu tới cuối. Thật là có duyên. Văn-chương vậy mới hay chớ.
Rồi Phương nhìn Vũ mà cười nữa và không tự giải-thích được tại sao một chuyện khôi-hài như vậy vẫn không giải-trí được anh chàng tình-nhân có vẻ dễ tính kia. Phương không biết rằng bài quảng-cáo ấy do chính Vũ viết ra cho một người bạn trông nom phần quảng-cáo của nhà thuốc. Không hiểu nhà thuốc trả người bạn bao nhiêu, nhưng anh ta trả Vũ một trăm bạc. Hiện Vũ đang thảo xong ba bốn bài để đăng tiếp theo và Vũ ứa lệ mà thấy rằng chàng bắt đầu làm việc như thế một cách rất dồi-dào sáng-kiến: “Mình bắt đầu làm văn-nghệ một cách cụ-thể”, Vũ rùng mình nghĩ thế.
Phương không nghĩ-ngợi lâu. Không có điều gì làm cho Phương nghĩ-ngợi lâu, ngoài giấc mộng xe hơi của nàng. Câu chuyện quảng-cáo thuốc xức lác qua mau như là chưa từng có xảy ra. Nàng nhắc Vũ, giọng tình-tứ:
- Cà-phê rồi dầm mưa về nghe anh? Khuya rồi. Mai đoàn hát đi Trung vài tháng. Mình sẽ lâu gặp.
Bà Sáu chủ quán, lúc đó đi vào trong, nghe vậy, lắc đầu cười:
- Cà-phê tôi, cậu Vũ không uống đâu.
Bà nói vậy vì biết Vũ rất kén cà-phê. Thường thường, Vũ chỉ dùng cà-phê phin của một tiệm nổi tiếng ngoài đường lớn. Bà không hiểu rằng Vũ đang thất-nghiệp. Vũ cười dễ dãi:
- Được, Bà Sáu cứ cho hai cốc cà-phê đen đi.
Đoạn nói với Phương:
- Từ vài tháng nay, tôi có uống cà-phê dâu. Uống toàn là “thế vì cà-phê”.
Bà Sáu trở ra phía trước pha cà-phê. Bà biết cà-phê bà thứ dở và cho rằng mấy tiếng “Thế vì cà-phê” cũng đồng nghĩa với “cà-phê kho”, “cà-phê vớ”, “cà-phê nước cau” mà những người khó tánh thường nói vậy thôi. Nhưng Phương thắc-mắc. Nàng hỏi:
– “Thế vì cà-phê” là sao?
- Cũng như “thế vì khai-sanh” vậy. Phương biết “thế vì khai-sanh” chớ?
- Biết! Đó là bản sao-lục....
- Không phải, sao-lục là khi nào có bổn chánh ở phòng hộ-tịch. Trong trận giặc vừa qua, hồ-sơ cũ mất nhiều lắm. Nhiều nơi bị thiêu-hủy hoàn-toàn. Cho nên, nhiều học-sinh phải nạp vào hồ-sơ những văn-kiện gọi là “thế vì khai sanh” tức là văn-kiện chỉ có giá-trị tạm thôi, không thể coi như tờ khai sanh được.
- À... Em biết rồi. Nhưng tại sao anh rắc-rối quá vậy. Cà-phê dở thì cứ nói cà-phê dở, còn bày đặt.
- Bởi tôi thấy mình đang sống giữa một thời-đại mà những cái “thế vì” nhiều hơn những cái “Thứ thiệt”.
- Em chưa hiểu.
Bà Sáu bưng đến hai ly cà-phê rồi lui ngay.Vũ lơ-đãng quậy đường suy nghĩ. Vũ muốn thí-dụ cho Phương nghe về những cái “thế vì nghệ-thuật”, “thế vì hạnh-phúc”, “thế vì tình-yêu” của con người, nhưng thấy vô ích. Phương sẽ không bao giờ hiểu và không bao giờ chịu suy nghĩ để mà hiểu.
Phương là một thiếu-nữ đẹp mà kém học, lại không đoan-chính, làm công cho một đoàn cải lương. Nhờ có nhan-sắc, Phương được người bỏ vốn khai-thác, đoàn hát nhận làm nhân-viên bán vé khỏi tiền thế chưn thông-lệ. Muốn được như vậy, Phương phải lấy người đàn-ông đứng tuổi, ấy là ông Đức, đáng cha của Phương. Ông này cần có gái trẻ đẹp như Phương để giải-trí chứ không cần tình-yêu hay lòng chung-thủy, nên không phàn-nàn gì khi biết rằng thỉnh-thoảng Phương vẫn tìm đến Vũ là tình-nhân của nàng từ thuở hai người còn đi học.
Có khi biết Phương đến với Vũ, ông còn biểu Phương lấy xe hơi của ông mà đi, để quảng-cáo sự hào-hiệp của ông là khác. Ông tập cho Phương biết lái xe, biết làm sang, biết ăn diện xa hoa là cốt buộc chặt cho Phương dính với ông cho đến khi ông chán rồi sẽ hay.
Phần Vũ, chàng biết rõ tâm-địa Phương là muốn có tình nhân trẻ và xe hơi cùng một lúc, nhưng không có một anh chàng trẻ nào có xe hơi lấy nàng làm nhân-tình, thành thử phải cộng chiếc xe hơi của “ông giả Đức” và con người trẻ của Vũ lại thành cái “thế vì hạnh-phúc” của đời nàng.
Vũ sống độc-thân, thỉnh thoảng cũng cần đàn-bà, thành-thử gần Phương là tìm đàn-bà chớ không phải tìm tình-yêu.
Im-lặng kéo hơi lâu. Phương hỏi:
- Sao? Anh nói đời bây giờ “thế vì” nhiều hơn “thứ thiệt” là sao? Cắt nghĩa coi.
Vũ chỉ một cô gái Tàu buộc tóc đuôi ngựa đi õng-ẹo ngang quán nước:
- Đó! Thí-dụ như cái ngực đồ sộ của cô gái mới đi ngang. Chưa chắc gì đó là một bộ ngực thứ thiệt. Bên dưới lớp vải áo, thường là những cặp “thế vì nhũ-hoa” bằng cao-su.
Phương lòn tay dưới gầm bàn nhéo thật mạnh vào đùi Vũ, cự-nự:
- Thôi về. Cà-rỡn hoài.
Vũ thở ra:
- Ừ, về thì về.
Trả tiền xong, hai người rời quán nước.
Về đến nhà trọ, lúc cởi áo ngoài xong, Phương chỉ vào ngực nàng, lẳng lơ hỏi:
- Còn đây? “Thế vì” hay thứ thiệt?
Một thoáng ham muốn đen-tối, gay-gắt chạy rần trong người Vũ rồi nguội ngay lúc đôi cánh tay chưa kịp có một cử-động thường tinh của bất cứ kẻ đàn-ông nào khác ở vào trường hợp đó. Chàng đẩy cửa bước ra bao-lơn căn gác, như muốn trốn một cái gì. Nhưng trốn đâu?
Bỏ màn xong, vặn đèn nhỏ, Phương bước ra níu Vũ:
- Ngủ chớ. Khuya lắm rồi.
Vũ đứng dậy và cảm thấy khinh-khi đến cùng-cực cái “thằng đàn-ông” trong con người nghệ-sĩ của chàng. Chàng bước theo Phương với tâm trạng của một đứa trẻ con bước theo một người mà nó rất ghét, nhưng vẫn phải đi theo vì con người đó cầm bánh trong tay.
*
Bây giờ, “thằng đàn ông đáng ghét” trong người Vũ đã ngủ rồi. Nhưng con người nghệ-sĩ còn thức đây, rất tỉnh táo, ngồi ngoài bao-lơn căn gác nhìn trời. Nền trời khuya sâu thẳm, tăng thêm phần diệu-vợi nỗi niềm bơ vơ trong lòng Vũ. Nãy giờ Vũ cố gắng xua-đuổi hình-ảnh Châu, người yêu của chàng, một cô gái mảnh-khảnh, nhan-sắc tầm-thường, dễ chìm trong đám đông vì thiếu một hấp-lực nữ-tính có đặc-điểm, mà chẳng hiểu vì sao Vũ không thể quên được dù rằng “đường ai nấy bước” đã từ lâu.
Vũ viện cái cơ-thể và khuôn mặt khá đẹp của Phương đang nằm trong kia để xua hình-ảnh Châu nhưng không được. Tất cả những thứ gì mà người đàn-bà cần có để khích đến dục-tính đàn-ông Phương đều sẵn có trên mức trung- bình. Nhưng một tấm chân-tình để đòi hỏi tình yêu của kẻ khác và một tâm-hồn biết xúc động vì những rung-cảm đẹp, để cảm-thông với người nghệ-sĩ thì Phương không thể có. Thay vào các thứ đó, trong lòng Phương chỉ có hình-ảnh một chiếc xe hơi do nàng đứng tên và nhiều thứ tiện-nghi vật-chất khác.
Mình có khó tính lắm trong tình yêu chăng? Vũ tự hỏi để sực nhớ rằng một cô gái như Châu thật là khó kiếm giữa tình-trạng mà tinh-hoa nghệ thuật rẻ hơn bèo.
Phương cựa mình không thấy Vũ, khoát màn bước ra, lại bàn thắp một điếu thuốc, cầm ra đưa cho Vũ rồi ngồi sát bên cạnh, thỉnh thoảng lấy lại rít một hơi, im lặng. Một chiếc xe hơi chạy ngang dưới đường rất nhanh. Phương lay Vũ hỏi:
- Anh nghe gì không?
- Gì đâu?
- Chiếc xe nào mới chạy ngang, máy nổ giống y chiếc Volkswagen của thằng cha già Đức.
- Rồi sao nữa?
- Hắn hứa sẽ sang tên cho em chiếc xe đó.
Vũ lặng-thinh, ngao-ngán. Một con người khá đẹp, nhưng chỉ biết thưởng-thức văn-chương quảng cáo thuốc xức lác và sự thông-minh chỉ dùng vào việc phân-tích động-cơ xe hơi để biết nó hiệu gì.
Tuy nói vậy, nhưng Phương biết rằng không bao giờ nàng làm chủ chiếc xe-hơi của ông Đức. Theo giá đổi-chác của thị- trường với một chiếc xe hơi như vậy, người ta đổi được một cô gái đẹp hơn Phương nhiều, một cô gái còn tân là khác. Phương cần phải nói về xe hơi cho đỡ khổ, vì một sự bơ vơ mà Phương không tự biết bởi bản-tính ít suy nghĩ.
Nhân nhắc ông già Đức, Phương hỏi:
- Ờ, sao không khi nào thấy anh ghen với em thử coi ra sao.
Vũ toan nói cho Phương nghe rằng muốn có ghen phải có yêu là một tình-cảm không có giữa hai người. Nhưng sực nhớ rằng Phương làm gì biết tình yêu, nên lại thôi. Vũ hỏi:
- Còn Phương? Sao Phương không ghen với tôi thử coi.
- Tại không gặp chớ. Bữa nào về đây gặp anh ngủ với gái, em ghen cho coi.
Vũ cười khẽ rồi im lặng. Vũ nhớ đến một lần kia, đã lâu, Châu nói chuyện ghen với chàng. Châu hỏi:
- Anh có sợ em ghen không?
- Không. Vì anh không yêu ai ngoài Châu.
- Vậy mà em vẫn ghen.
- Ghen với ai?
- Với đủ thứ. Với một con chim trong tác phẩm anh chẳng hạn. Em nghĩ rằng khi anh diễn tả - dù diễn tả một con dế hay con chim - chắc chắn anh quên em mất. Đọc anh, thấy anh gởi trọn tình-cảm vào nhân vật một cách say-mê quá đến phát ghen.
Người như vậy, làm sao mà quên cho được. Vũ nghe xốn-xang trong lòng và kể chuyện đó cho Phương nghe. Kể để đỡ nhớ Châu, không cần Phương hiểu. Không có Phương đây, Vũ cũng kể, kể cho tấm vách nghe cũng được.
Nghe xong, Phương rùn vai:
- Tưởng đâu chuyện gì! Còn thua cái quảng-cáo thuốc hồi nãy.
Vũ nhìn Phương trân trân. Con người như vậy mà lại có một hình-hài khá đẹp. Ức thiệt!
Lại im lặng. Vũ nghĩ đến sự bơ-vơ của chàng, bơ-vơ vì không tìm được tình-yêu trong nghệ-thuật giữa tình-trạng tinh-hoa cảm-nghĩ rẻ như bèo. Và sự bơ-vơ của Phương trong giấc mộng xe hơi với tấm dung nhan không đủ đẹp để đổi xe-hơi.
- Nghĩ gì vậy? Phương hỏi.
- Nghĩ về sự bơ-vơ của chúng ta.
- Ngồi với nhau như vầy là bơ-vơ?
- Thứ bơ vơ này mới đáng rùng mình.
Phương ngáp dài kéo Vũ trở vô ngủ. Đồng hồ nhà ai buông hai tiếng, rất thanh nhưng uể-oải: “bơ
ơ ơ..ơ..ơ...vơ ơ ơ ơ..ơ...ơ.”.
TRANG-THẾ-HY
(loại truyện Tâm Trạng Đen trong tập Cá Nước Đục)
Bách Khoa số 73, ngày 15-1-1960



















Trở về





MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.