Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Nguyễn Mạnh Côn (1920 - 1979)











Nguyễn Mạnh Côn
(1920 - 1979)
Hưởng thọ 59 tuổi
Bút danh khác: 
Nguyễn Kiên Trung, Đằng Vân Hầu

Nhà văn









Tiểu Sử



Nguyễn Mạnh Côn (1920-1979), là nhà văn miền Nam trước 1975. Ngoài tên thật, ông còn ký bút danh: Nguyễn Kiên Trung, Đằng Vân Hầu.

Nguyễn Mạnh Côn sinh ngày mùng 7 tháng 5 năm Canh Thân (1920) tại Hải Dương, nhưng cư ngụ ở Hà Nội. Thuở nhỏ, ông học ở Hà Nội. Năm 1939, ông cộng tác với báo Đông Pháp, và sau đó (1945) là báo Thống nhất. Có nguồn nói rằng năm 1942-1943, ông cũng từng là sĩ quan trong quân đội Nhật Bản, khi đội quân này đổ bộ vào Bắc Kỳ vào tháng 9 năm 1940.

Năm 1949-1950, Nguyễn Mạnh Côn làm nhân viên Trường võ bị Trần Quốc Tuấn  ở Sơn Tây.

Năm 1951, ông hồi cư về Hà Nội, rồi đi dạy học tư.

Năm 1954, ông di cư vào Nam làm việc ở Đài phát thanh Sài Gòn. Sau đó, ông còn viết sách và làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Chỉ đạo (1956-1961), Chủ bút báo Văn Hữu, đồng thời cộng tác với các báo, như: Tia sáng, Tin mai…

Sau 30 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Mạnh Côn bị chính quyền mới bắt tù cải tạo, và mất ngày 1 tháng 6 năm 1979 khi còn ở trong trại (theo website Văn Chương Việt). 







Tác phẩm chính







1
Việt Minh, Ngươi Đi Đâu
(1957)







2
(1958)







3
Kỳ Hoa Tử
(1960)







4
Truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn
(1960)







5
Lạc Đường Vào Lịch Sử
(1965)







6
Con Yêu Con Ghét
(1966)







7
Mối Tình Màu Hoa Đào
(1967)







8
Giấc Mơ Của Đá
(1968)







9
(1968)







10
Đường Nào Lên Thiên Thai
(1969)







11
Hoa Bình... Nghĩ Gì... Làm Gì
(1969)







12
Sống Bằng Sự Nghiệp
(1969)







13
Yêu Anh Vượt Chết
(1969)







14
Hai Đứa Trẻ Một Cây Cầu
(1973)







15
Mộng Tan Tành
(1973)








Tham khảo thêm về nhà văn Nguyễn Mạnh Côn









Nguyễn Mạnh Côn, nhà văn miền Nam tuyệt thực chết trong tù cộng sản






I. Trong những nhà văn Việt Nam trưởng thành vào thời kháng Pháp, Nguyễn Mạnh Côn là người từng thực sự cầm súng. Anh ở trong tiểu đoàn đánh trận sông Lô năm 1947.

“Bốn ngày ba đêm không nghỉ, không chợp mắt. Nước khe, nước lạnh, hay nước vũng trâu đầm. Cơm, vài dúm gạo rang nhai cho thật kỹ với chút muối trắng (ai vớ được vài nhánh tỏi là người ấy có bữa thịnh soạn!) Bốn ngày ba đêm, chống lại tất cả mọi định luật về sinh lý, chúng tôi vượt 320 cây số, cộng thêm chín trận phục kích. Chúng tôi không đi bằng chân mà đi bằng óc. Chúng tôi mụ người trong sự cố gắng kinh khủng. Cố gắng vì yêu nước, vì thù giặc.” (1)

Trận sông Lô xẩy ra vào tháng 10, 1947, lúc ấy anh 27 tuổi, 6 tháng. Như thế, không biết anh đã nằm xuống bên một bàn đèn thuốc phiện từ lúc nào? Xem lại tiểu sử thấy anh sang Hương Cảng từ lúc 20 tuổi. Như sự mô tả của họa sĩ Tạ Tỵ khi gặp anh vào khoảng 1955-56, thì anh có vẻ đã là người dính líu với Phù Dung từ rất nhiều năm rồi. Trong tám năm, từ một chiến sĩ cầm súng bắn vào pháo đỉnh L.S.T. của Pháp trên dòng sông Lô khoảng 10 cây số dưới bến Ðoan Hùng, tới nhà văn mân mê dọc tẩu trên căn gác gỗ Phú Nhuận, Nguyễn Mạnh Côn đã sống cuộc thăng trầm không những của chia cắt đất nước 1954, về phía người chiến bại, mà còn nổi trôi trong một thời thế mà bạn hóa thù vì chính kiến, những tâm huyết lăn vào việc cứu nước nhưng bị đánh bật khỏi hướng đi hoài vọng vì khác biệt đảng phái. “Lòng hỏi lòng, tôi thấy mình như con ngựa mệt mỏi theo lối mòn kháng chiến quanh co…” (in trên bìa ÐTTVLS.) Có lẽ anh đã cầm lấy dọc tẩu vào cái lúc thấy mình là “con ngựa mệt mỏi” và thấy “lối mòn kháng chiến quanh co,” cái lúc ấy hẳn là lúc Việt Minh truy kích đảng viên các đảng phái quốc gia, nhất là Quốc Dân đảng, vào năm 1947 đánh bạt họ qua Tầu.

Dù thế nào, Nguyễn Mạnh Côn vẫn theo sát các biến động của thời thế, sau khi về thành và sau khi vào Nam. Việt Cộng là kẻ thù của anh, anh theo dõi họ không ngừng. Con người, cuộc sống, sự suy nghĩ của anh không bao giờ xa chính trị.

Lý luận của anh sắc bén, văn chương của anh là vũ khí, cộng sản không thể dùng lý luận với anh, họ dùng gông cùm. Mai Thảo viết: “…những tác phẩm của Nguyễn Mạnh Côn, từ Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử tới Hòa Bình Nghĩ Gì Làm Gì? đã là những lưỡi mác xung kích cực kỳ sắc nhọn phóng vào thành trì ý thức hệ cộng sản suốt hai mươi năm đấu tranh văn học giữa hai miền và là những tác phẩm chủ yếu của Văn Học Quốc Gia Việt Nam từ chia cắt Nam Bắc 1954 tới sụp đổ miền Nam 1975. Kích thước mỗi tác phẩm Nguyễn Mạnh Côn lớn lao ở đó. Mỗi tác phẩm anh là một trận đánh lớn, từ trận tuyến văn học chúng ta đánh tới kẻ thù. Trên cái nghĩa toàn phần của danh từ, anh là một danh tướng, một chiến sĩ cầm bút lẫy lừng của trận tuyến văn học miền Nam, niềm vinh dự chung của Miền Nam Văn Học. (2)

II. Cầm bản thảo của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn trên tay, người đọc biết ngay tác giả những dòng chữ trước mắt là một người vô cùng thận trọng với chữ nghĩa. Anh viết ngay hàng, thẳng lối, rõ từng con chữ một, trang nào như trang nấy. Anh viết trên thếp giấy có kẻ dòng. Không cần đếm, người ta có thể áng chừng không sai bao nhiêu, nếu trang trước anh viết được một nghìn chữ, thì trang sau cũng lối một nghìn chữ. Anh là người có thể biết rõ bài anh viết, khi in ra, nếu là cho một cuốn sách, sẽ in được bao nhiêu trang. Cũng bài ấy nếu đọc trên đài phát thanh, sẽ đọc được bao nhiêu phút. Những nét chữ gẫy gọn, những dòng chữ đều đặn, và chỗ nào chấm, chỗ nào chấm phẩy, chỗ nào chấm xuống dòng, vô cùng rõ rệt và chuẩn xác, về phương diện chính tả, văn phạm.

Ðọc văn anh, có thể mường tượng ra cách anh nói chuyện. Nguyễn Mạnh Côn là người khúc chiết, rành mạch, không ai có thể hiểu lầm câu văn anh, vì anh không viết ra những gì còn mơ hồ. Anh là nhà văn không thể nào làm thơ. Anh là nhà văn của luận thuyết và lý thuyết. Lý thuyết chứ không phải triết lý. Nếu anh có viết truyện tình, mà anh lại hay viết truyện tình, thì đó nhất định không phải là một truyện tình thơ mộng kiểu Nhất Linh hay Khái Hưng. Phong thái nhà văn Nguyễn Mạnh Côn là phong thái một nhà văn lập thuyết để cải tạo xã hội, và luôn luôn nhìn nhận sự yếu đuối, lầm lạc của mình. Anh muốn đem bản thân mình ra làm bài học cho lớp đi sau. Anh không phải là người có thể nói “hãy theo gương tôi.” Anh là người vẫn nói: “Hãy tránh những lỗi lầm của tôi.”

Anh viết lời mở đầu cho một truyện của anh: “…tôi vẫn theo đuổi một ước vọng, là làm thế nào cho các bạn thanh niên hiện đại tin chắc rằng tuổi trẻ của chúng tôi chẳng có gì hơn tuổi trẻ của các bạn.”

Không sống với cộng sản, chỉ qua thăm Nga trở về, văn hào André Gide người Pháp, Nobel văn chương 1947, với ý thức của một trí thức, viết những lời cảnh tỉnh trong cuốn Retour De L’U.R.S.S (1936) và Retouches À Mon Retour De L’U.R.S.S (Trở Về Từ Liên Bang Xô Viết, Nhuận Sắc Trở Về Từ Liên Bang Xô Viết Của Tôi.) Nguyễn Mạnh Côn sống với Việt Minh, rồi từ bỏ Việt Cộng, anh đã làm như nhà văn Nam Tư Milovan Djilas, tác giả The New Class (Giai Cấp Mới, 1957), cực lực phê bình cơ cấu và chủ thuyết cộng sản. Trong thời gian làm chủ bút tờ Chỉ Ðạo, anh đã trích dịch và thêm lời dẫn cuốn Giờ Thứ Hai Mươi Lăm của một tác giả Lỗ Ma Ni: .V. Gheorgiu. Những tác phẩm trên của anh làm người ta nghĩ đến những cuốn sách tương tự, của các nhà văn thế giới khác, chỉ xuất bản trước đó trong vòng nhiều lắm là mười năm, đều phơi bày những kiếp nhân sinh vắng bộ mặt người trong các xã hội Cộng Sản. Darkness At Noon (Bóng Tối Giữa Trưa) của nhà văn Hung Gia Lợi Athur Koestler, xuất bản lần đầu năm 1941, (bản Việt ngữ in khoảng 1950); Animal Farm (Trại Súc Vật) và “1984” của nhà văn Anh theo và sau đó chống Xã Hội Chủ Nghĩa George Orwell, xuất bản lần đầu năm 1946 (Ðỗ Khánh Hoan đã dịch ra Việt Ngữ) và cuốn sau năm 1949; Doctor Jhivago của Boris Pasternak (Bác Sĩ Jhivago, Vĩnh Biệt Tình Em, bản Việt văn Nguyễn Hữu Hiệu), xuất bản lần đầu (Anh dịch) năm 1958; hay của một nhà văn Nga khác, Alexander Solzhenitsyn, cuốn One Day In The Life Of Ivan Denisovich, xuất bản lần đầu năm 1963.

Nguyễn Mạnh Côn thuộc dòng văn chương đó, trên mặt ý thức. Hẳn nhiên anh khác họ nơi văn phong. Nguyễn Mạnh Côn không có cái lãng đãng mơ mộng của André Gide hay Boris Pasternak, không có cái khôi hài của George Orwell, không có sự điềm tĩnh tượng đá của Athur Koestler, không có sự can đảm của Alexander Solzhenitsyn (anh tự nhận, xem phần dưới), anh gần với Milovan Djilas. Anh giảng giải viện dẫn nhiều. Sự giảng giải viện dẫn hẳn anh tin là vô cùng cần thiết. Nguyễn Mạnh Côn có mục đích rõ rệt khi cầm lấy cây bút, ngồi trước thếp giấy có kẻ dòng. Tôi còn nhớ anh viết trên thếp giấy màu vàng, đúng như thếp giấy gọi là legal size paper hiện nay ở Mỹ.

Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Mạnh Côn có nhiều mặt. Sau thời gian viết lại những kinh nghiệm thanh niên trong chiến dịch Sông Lô và giai đoạn liên hiệp với cộng sản, sau 1959, năm chính phủ Ngô Ðình Diệm đặt các đảng phái Quốc Gia ra ngoài vòng pháp luật (dự luật 10/59) Nguyễn Mạnh Côn viết Kỳ Hoa Tử (1960), truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn (1960). Anh chuyển qua lãnh vực khoa học giả tưởng, là lãnh vực cho tới giờ trong văn chương Việt Nam anh vẫn là người đầu tiên và duy nhất.

Mấy năm sau, anh viết Tình Cao Thượng (1968) nói về dục tình một cách trực tiếp, hơn nữa lại dùng ngôi thứ nhất là nhân vật đàn bà qua hình thức một tập thư Ngọc viết cho Cường: “Vì, như em đã nói với anh, Tư Giỏn làm cho em hoàn toàn thỏa mãn. Cũng in hệt như đối với anh, lúc rung động của y lên đến tột độ thì rung động của em cũng lên đến tột độ…” (Tình Cao Thượng, trang 88) “…trong mọi cuộc giao hoan, chính người đàn ông mới là phương tiện!” (TCT, 104). Anh viết vẫn để giảng giải, không phải để giải trí, dù là viết về một vấn đề dễ sa vào chỗ tầm thường.

III. Tấm hình căn cước của Nguyễn Mạnh Côn tôi có trong tay, phía sau chính anh nắn nót viết kiểu chữ in tên họ của mình. Tôi nghĩ hình chụp vào năm 1956, hay 57, trong quân phục, cổ áo có dấu chiếc lon đã được bóc ra, có lẽ là lon thiếu úy, hay trung úy. Anh là sĩ quan đồng hóa. Phía sau tấm hình viết: 15.3.1920. Hải Dương, Bắc Việt. (Hình như nhằm ngày 7 tháng 4 năm Canh Thân. Sinh quán làng Ðông Hy, phủ Ninh Giang). Giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1957. Năm 1975, anh được mới vào Hội Ðồng Giám Khảo Văn Chương Toàn Quốc.

Thuở ấu thơ anh theo mẹ và cha, cách anh viết, “mẹ và cha,” không phải cha mẹ, đi khắp nơi trên đất Bắc. Từ năm 13 tuổi, anh học ở trường tư thục Thăng Long, Hà Nội. Năm 1940, anh vượt biên, tới mãi Hương Cảng. Không ai rõ lý do, song theo một bài anh viết mà tôi được đọc, thì anh Côn hoạt động trong Việt Nam Quốc Dân Ðảng.

Theo một tài liệu khác, năm 19 tuổi anh có cộng tác với báo Ðông Pháp, năm 25 tuổi anh viết báo Thống Nhất, xuất bản ở Hà Nội.

Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tháng 12, 1945, anh rút lên chiến khu Việt Bắc. Từ đây, cuốn Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử viết dưới bút hiệu Nguyễn Kiên Trung, có thể kể là một giai đoạn hoạt động thực sự ngoài đời của anh, nếu không hoàn toàn giống, thì cũng rất gần với thực tế. Năm 1952, Nguyễn Mạnh Côn trở về Hà Nội, năm sau ra Hải Phòng, dạy học tại thành phố biển này cho đến năm 1955 thì vào Nam. Tại Sài Gòn, trong khi viết văn, có lúc anh xuất bản một tờ tạp chí, lấy tên là Chính Văn, nhưng mệnh yểu. Miền Nam mất ngày 30 tháng 4, 1975, anh bị Hà Nội bắt vào đêm 2 tháng 4, 1976. Tên Nguyễn Mạnh Côn đứng đầu danh sách 44 người sẽ bị bắt sau đó.

Ðúng ba năm trong tù, anh công khai đòi trả tự do, lý luận với quản giáo trại tù Xuyên Mộc, rừng Sa Ác, tỉnh Bà Rịa: “Chính phủ nói là bắt tôi đi học tập ba năm, hôm nay đúng hạn ba năm, tôi yêu cầu chính phủ trả tự do cho tôi.” Anh bị nhốt riêng từ đó.
Sau đó, Nguyễn Mạnh Côn tuyệt thực. Theo tin tức tôi được nghe, anh Nguyễn Mạnh Côn không định tuyệt thực để chết, anh tuyệt thực như một cách tranh đấu bất bạo động. Một nhóm anh em nhà văn trẻ, trong có người tự nhận là đàn em thân tín nhất của anh, nguyện với nhau sẽ sát cánh với anh trong cuộc tranh đấu này. Anh sẽ nhịn ăn, song không ai có thể nhịn uống, dù chỉ trong 24 giờ. Người anh em trẻ đó đã đi báo quản giáo chương trình tranh đấu của Nguyễn Mạnh Côn, và các nhân sự huynh đệ của anh trong cuộc tranh đấu. Tất cả bị cô lập. Nguyễn Mạnh Côn trút hơi thở cuối cùng tại trại tù này, vào ngày 1 tháng 6 năm 1979. Anh sống 59 năm 2 tháng 15 ngày.

Viên Linh

Chú thích:

1. Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử, trang 96-97, Nguyễn Ðình Vượng xuất bản, 1958.
2. Mai Thảo, Vĩnh Biệt anh Nguyễn Mạnh Côn, Thời Tập, Washington, D.C., số 4, tháng 12.1979, trang 18. 








Nghĩ về Nguyễn Mạnh Côn

Trong tiểu sử (do chính tác giả soạn?) in vào cuốn "Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta" có câu: “Năm 1963 viết và in cuốn Mối tình màu hoa đào, hoàn toàn do ngẫu nhiên đi vào lập thuyết.” Tiết lộ ấy hình như có ngụ một sự đắc ý. Nhưng tôi không nghĩ rằng cái sở trường của Nguyễn Mạnh Côn là lập thuyết.
Hồi ở Sàigòn, thỉnh thoảng nghe anh em đồn đại: Nguyễn Mạnh Côn giỏi tiếng Tây, Nguyễn Mạnh Côn nhất giỏi về toán, Nguyễn Mạnh Côn rất thâm Mac-Xit v.v... Và tôi cũng không nghĩ rằng những cái ấy là sở trường của ông: Pháp văn, triết lý, toán học, khoa học giả tưởng và tiểu thuyết, và luôn cả chính trị nữa, đều không phải là những địa hạt thành công của Nguyễn Mạnh Côn. Cái thành công đáng kể nhất trong đời ông là cuốn "Đem tâm tình viết lịch sử".
Tác phẩm ấy không phải chỉ quan trọng cho đời ông - nó đưa hẳn ông vào nghề cầm bút mà còn có ảnh hưởng quan trọng vào tinh thần của một thời. Thật vậy, sau 1954 ở miền Nam có một chuyển hướng đột ngột trong chiều hướng dư luận, trong thái độ chính trị của quần chúng, nhất là thái độ giới trẻ ở đô thị; điều đó một phần lớn nhờ vào những tác phẩm như cuốn "Đem tâm tình viết lịch sử".
Đó không phải là tiểu thuyết, là sáng tác, không phải là triết lý, cũng không hẳn là sách chính trị. Trong đó có những biến cố của một thời kỳ lịch sử và tâm tình của một lớp người. Tất cả theo rất sát thực tại.
Nguyễn Mạnh Côn không giỏi dựng truyện, nhưng ông có tài thuật chuyện. Sáng tác truyện ngắn truyện dài của ông không xuất sắc; nhưng khi mượn lời một người bạn viết cho một người bạn về những sự việc xảy ra ở vùng cộng sản sau 1945 (Đem tâm tình viết lịch sử) cũng như khi kể lại một quãng đời thơ ấu của mình (Hồi ký của một quái thai), ông kể có duyên. Mặc khác, ông có tài biện luận. Lẫn với chuyện kể, ông chen vào những suy nghĩ có giá trị thuyết phục.
Thuật sự - hay biện luận, cái độc đáo của Nguyễn Mạnh Côn là ở những chỗ táo bạo, đột ngột, có khi lập dị. Thỉnh thoảng ông bất ngờ đưa ra những điều mà người đời thường giấu giếm, nói ra những điều người đời ít ai nói. Chẳng hạn chuyện ông ị ra quần, ông hút thuốc phiện, chuyện ông nhận tiền của chính quyền v.v... (Cái táo bạo bất ngờ lắm lúc làm người khác khốn đốn: có lần phỏng vấn Vũ Hoàng
Chương, thình lình ông hỏi bạn về... khả năng sinh lý!). Lại chẳng hạn ông lập luận rằng bỏ hút ông đã bỏ được, nhưng ông cố tình nghiện lại sau khi đã suy tưởng kỹ càng, vì lẽ nọ lẽ kia v.v...
Một cuốn sách chưa hoàn tất của ông mang nhan đề: Hồi ký của một quái thai. Quái thai? Lời ông Nguyễn có quá đáng đối với chính mình. Ông đâu đến nỗi là quái thai. Chẳng qua muốn gây ngạc nhiên, gây tác động mạnh trong văn chương (và luôn cả ngoài đời) lâu lâu ông có làm một vài chuyện hơi khác thường (trong đó có chuyện lập thuyết), vậy thôi.
*
Ở miền Nam còn có một nhà văn khác cũng sở trường về thuật sự và biện luận, là Hồ Hữu Tường.
Giữa hai vị có lắm chỗ giống nhau ngoài hai cái sở trường nọ: cùng có kiến thức rộng rãi; cùng là những kẻ lấy văn chương làm phương tiện hơn là cứu cánh, viết văn vì tư tưởng hơn là vì cái đẹp của nghệ phẩm, cùng là những kẻ dùng văn (écrivant) hơn là những văn sĩ (Ecrivain); cùng độc đáo, lắm khi lập dị; cùng hay lập thuyết. Nhưng giữa hai vị cũng lại có những điều khác nhau: Hồ Hữu Tường nhiều lúc gây cho người ta cái cảm tưởng ông biểu diễn sức thông minh, đùa với lý luận, ông hư hư thực thực, như bỡn như cợt, trong khi Nguyễn Mạnh Côn lập luận với giọng chí tình, thiết tha; Hồ Hữu Tường kể chuyện theo lối các truyện Tàu ngày xưa, chú ý đến sự việc hơn nội tâm, trong khi Nguyễn Mạnh Côn thỉnh thoảng dừng lại ở những phân tích tâm lý (sự xấu hổ của mình khi "thú nhận” với mẹ rằng mình đang lo việc nước, trong "Đem tâm tình viết lịch sử"), chú trọng đến những chi tiết gây xúc động (sau trận sông Lô, ai nấy lăn ra ngủ như chết, Quảng tẩn mẩn làm đồ chơi cho con, trong cùng một tác phẩm ấy); Nguyễn Mạnh Côn muốn tác động đến mối cảm xúc của người đọc, Hồ Hữu Tường thì không; Nguyễn Mạnh Côn quan tâm đến cái tâm tình, Hồ Hữu Tường đến lý trí.
Điều đau đớn là cả hai vị vào cuối cuộc đời lại gặp nhau ở một hoàn cảnh bi thảm: Hai vị bị hại do cùng một đối thủ, bị đọa đày ở cùng một nơi, và rốt cuộc cùng gục ngã, trước sau cách một năm.

Võ Phiến
(trích Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam)








Ký hoạ Nguyễn Mạnh Côn (Choé)











KỶ NIỆM VỀ NGUYỄN MẠNH CÔN

Hồi Tưởng của NGUYỄN TRIỆU NAM

Trước ba mươi tháng Tư 75, tôi tiếp xúc với Nguyễn Mạnh Côn nhiều hơn, thường xuyên hơn là với mọi văn hữu khác. Một thời, anh chủ biên tờ Chỉ Đạo, cơ quan ngôn luận của Người Việt Tự Do Chống Cộng. Tôi là bỉnh bút. Khi tờ báo này được giao cho Nha Chiến Tranh Tâm Lý (tiền thân của Cục Tâm Lý Chiến) thì anh là cộng sự viên. Hồi đó, tôi phụ tá cho chủ bút Kỳ Văn Nguyên, đặc trách biên tập.

Nguyễn Mạnh Côn là một văn sĩ có chân tài. Kiến thức phong phú. Bút pháp linh thông. Văn phong bình dị, trong sáng. Văn mạch sung mãn, bất tận. Văn thái chuyển biến linh hoạt theo từng tình huống. Khi cần thì viết như một nhà thông thái, hoặc như một nhà phân tâm học. Tuy vậy vẫn mang tính đại chúng, dễ hiểu. Nơi anh, có một đặc điểm nổi bật. Là hay khai dụng đề tài khoa học để lung khởi, đẩy đưa câu chuyện. Do đó, độc giả, dầu muốn dầu không cũng phải lưu tâm đến nội dung của chủ đề chính. Chẳng hạn như truyện Bán Linh Hồn Cho Quỷ được mở màn bằng mấy ẩn số toán học. Hơn nữa, anh hay viết về khoa học giả tưởng. Một cách sáng tạo, độc đáo.

Tác phẩm đầu tay của Nguyễn Mạnh Côn là Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử (ký bút hiệu Nguyễn Kiên Trung). Có tiếng vang lớn. Nhưng phải đợi đến khi Kỳ Hoa Tử ra mắt thì danh tiếng anh mới thực sự được củng cố vững chắc. Kỳ Hoa Tử là một cô gái Nhật. Cô ta yêu một chàng trai Việt luân lạc bên Trung Hoa. Theo người yêu về nước. Lúc bấy giờ đang kháng Pháp. Trớ trêu thay! Nhắm đúng thời điểm đốt giai đoạn để thực hiện cách mạng vô sản. Mọi chướng ngại vật cản đường đều phải đốn ngã. Hồ Tùng Mậu là chướng ngại vật nguy hiểm nhất. Cộng đảng bèn dụng kế. Ngụy tạo ra tội phản động, buộc cho Hồ. Chàng trai nọ được lịnh đứng ra tố cáo trước tòa. Chàng vốn là một đảng viên trung kiên. Cho nên không thể kháng lịnh. Uyên ương xa lìa nhau. Mối tình thơ mộng và não nùng ấy tan vỡ. Trong thảm cảnh tóc tang, ngút ngàn sân hận.

Năm ấy, Nguyễn Mạnh Côn nắm tờ Chỉ Đạo. Anh thường ở nhà, ít khi đến tòa báo. Một hôm, Triều Đẩu có ý muốn gặp anh. Bảo tôi biết nhà thì đưa đi. Nhà văn trào phúng này mượn cớ là cậy đăng bài nghiên cứu về Đế Quốc Nga Sô Viết. Tiện thể làm mấy ngao. Hai vị đều là đệ tử của Nàng Tiên Nâu. Họ đi mây, về gió xả dàn. Quả là nói chuyện bên khay đèn thuốc phiện có khác! Không thể thiếu một thứ chuyện gì trên đời. Nổ như bắp rang. Tôi chỉ ngồi chầu dìa, lắng nghe họ trao đổi để học hỏi. Bữa ấy, Nguyễn Mạnh Côn hỏi Triều Đẩu:

- Đại ca viết biếm văn đến như thế là rất đạt. Trong cả hai cuốn Trên Vỉa Hè Hà Nội, Trên Vỉa Hè Sài Gòn, đàn anh đều không nêu đích danh một thằng nào. Không đấm vào mặt một thằng nào. Nhưng, có tật giật mình, cũng có đứa nó biết chớ. Nó biết chính nó là cái bia. Không phải là nó thì còn tên chó chết nào vào đấy nữa. Vậy đại cao không ngán cái vụ mua thù, chuốc oán ư?

Triều Đẩu:

- Tôi hãy hỏi lại anh trước đã. Anh dám chửi cả tập đoàn Cộng Sản. Mà ở vùng đất tự do này, ngay cả ở Sài Gòn, chúng nó còn gài cả cán bộ nằm vùng. Vậy anh có ngán không?

Nguyễn Mạnh Côn lắc đầu mà cười tủm. Triều Đẩu tiếp lời:

- Anh dám chửi cả tông môn bọn lãnh tụ Cộng Sản mà còn chẳng ngán. Huống chi tôi chỉ đả kích cá nhân, hà cớ gì mà phải ngán. Cứ cho rằng có đứa nó biết tỏng ra đi. Biết thì cũng chỉ ấm ức để bụng. Chớ ho hoe gì nổi. Thế anh có biết rằng anh bị bọn Cộng Sản xếp vào loại phản động số một hay không?

Nguyễn Mạnh Côn:

- Xin các anh cứ thuật lại trung thực những gì đã biết. Tôi sẽ giải thích từng điểm một.

Triều Đẩu ra dấu cho tôi đỡ lời. Tôi nói:

- Nguồn tin do Sở Mật Vụ Phủ Tổng Thống cung cấp. Sở này đã mua gần hết ấn bản cuốn Tân Liêu Trai Chí Dị của Người Thăng Long. Một tác phẩm chống Cộng dưới hình thức liêu trai. Trong đó, những tên Cộng Sản được miêu tả như hồ ly, yêu quái. Chính nhờ vào cái tác phẩm “nặng ký” ấy mà tác giả được Sở Mật Vụ mời cộng tác. Anh ta cùng làm với tôi ở VP I thuộc Sở. Có lần tâm sự với tôi như vầy:

“Tôi viết văn vì lý tưởng đấu tranh chống Cộng. Chớ không phải là tôi cố ý viết một cuốn truyện chửi bới Cộng Sản để dùng nó như một phương tiện tiến thân đâu. Thế nhưng bọn Cộng Sản đã xuyên tạc. Chúng nó vu cáo cho tất cả những cây bút dám viết đụng đến chúng nó, chẳng hạn như Hiếu Chân, Trúc Sĩ, tất cả đều là tay sai của Đế Quốc, đều là ăn tiền của Mỹ mà viết nữa.”

Người Thăng Long phát biểu như thế đó. Theo sự phối kiểm tin tức của VP I thì Nguyễn Mạnh Côn đứng đầu sổ đen. Có nghĩa là chống Cộng tới độ quyết liệt, cực đoan. Chỉ có tiêu diệt cái chế độ sắt máu do cộng sản dựng nên. Chớ không hòa giải, hòa hợp gì với cái tập đoàn cướp ngày ấy cả. Vậy anh nghĩ sao?

Nguyễn Mạnh Côn:

- Cái vụ Cộng Sản dùng các toán ám sát để khủng bố người Quốc Gia, đối với tôi, không có gì đáng nói. Vậy mà cứ phải nói. Tệ lắm cũng cả mấy chục lần rồi. Nói mãi hóa ra nhàm. Giờ, vì đại ca hỏi nên phải giải đáp thêm một lần nữa. Nhưng chỉ rút ngắn trong vài hàng thôi.

Cộng sản là mối tai ương cho dân tộc. Phải trừ khử mối tai ương đó. Bằng nhiều cách. Cách của tôi là dùng bút. Tôi viết là do chính tôi ý thức được, cần phải viết. Có nghĩa là viết theo tinh thần tự nguyện. Chớ có đế quốc nào thuê tôi viết đâu mà bảo rằng tôi ăn tiền. Còn việc Cộng Sản xếp tôi vào loại phản động số một hay số mấy, điều đó không cần biết. Chỉ biết rằng chúng nó rất sợ những tác phẩm chống Cộng. Những tác phẩm mà sức công phá còn khủng khiếp hơn bom nguyên tử nữa. Thật sự là tôi không sợ cộng sản tí nào. Tôi coi mấy trò hăm dạo của chúng nó như pha. Anh Triều Đẩu lo ngại giùm tôi có phần quá đáng đấy. Dầu sao, Côn cũng cảm ơn anh về thiện ý. Cần nói thêm. không phải là tôi không biết đến mọi thành phần nằm vùng. Bọn thích khách bị lực lượng an ninh thọp cổ không ít đâu. Tôi có đọc một xấp biên bản thẩm cung. Phối kiểm, thấy có nhiều điểm ăn khớp với nhau. Chứng tỏ bọn chúng được kết nạp bừa bãi. Cho nên đội ngũ rất tạp nham, hổ lốn. Hầu hết đều úy tử tham sinh. Giả như có ám sát được một người quốc gia, chúng cũng khó mà giữ nổi mạng sống. Miền Nam đâu phải là vườn hoang mà giặc Cộng hòng múa gậy.

...

Sau ngày Chỉ Đạo đình bản, Nguyễn Mạnh Côn và tôi ít khi gặp nhau. Thời gian trôi qua. Mãi đến mùa hè đỏ lửa 72 mới gặp lại anh. Anh vẫn sáng tác như ngày nào. Nhưng viết ít đi. Nghề cầm bút thực sự trở thành nghề tay trái. Mưu sinh là nghề tay phải. Anh làm tất cả mọi việc lương thiện có thể làm để kiếm tiền phụ với vợ. Kể cả dịch vụ chuyên chở hàng hóa. Với mọi dân làng bẹp như anh, bỏ ra nguyên một ngày để vật lộn với cuộc sống đâu phải là chuyện dễ. Được cái là, mỗi ngày, anh đã giảm dần phân lượng thuốc. Lúc đầu khó chịu lắm. Sau quen dần. Vì vậy mới dành được trọn buổi sáng để chạy ngoài. Anh nói mấy câu. Thoạt nghe, thấy không có gì đáng để tâm. Nhưng, sau ba mươi tháng Tư 75, mới thấy ứng nghiệm:

“Một con người đã mang thuốc sái như tôi mà nếu sa vào tay kẻ thù là dễ bị lung lạc. Dễ thay lòng đổi dạ khi kẻ thù dùng thuốc để nhử. Vì thế, tôi chỉ mong sao cai hẳn được là hết nợ. Chớ nặng nợ Phù Dung nó còn cực khổ gấp ngàn lần nặng nợ má đào đấy...”

Tôi có đưa cho Nguyễn Mạnh Côn đọc mấy truyện tâm đắc của tôi đã đăng báo để anh cho ý kiến. Đọc xong, anh nhận xét:

- Anh viết tiến bộ hơn hồi viết Chỉ Đạo nhiều. Không khô khan, nặng nề như trước. Mà tươi mát, nhẹ nhàng hơn nhiều. Cấu trúc vững. Hành văn mực thước, trang trọng. Tuy nhiên nên cẩn thận hơn nữa trong cách dụng từ ngữ. Chọn chữ sao cho đắt giá. Thế thôi.

Tôi hỏi Nguyễn Mạnh Côn:

- Khai thác mãi đề tài Cộng Sản nó lanh quanh lẩn quẩn. Rất là nhàm. Chán phè. Anh có định chuyển sang đề tài khác hay không?

- Tôi không nghĩ như anh, nhà văn đáp. Viết mà khéo thì đề tài nào cũng hay hết. Nơi con người tôi, cái tư tưởng bất nhân nhượng đối với cộng sản nó đã ngấm sâu vào tâm can rồi, không sao bỏ được. Vì vậy, tôi dự định dựng một tác phẩm lớn. Lớn hơn Mối Tình Mầu Hoa Đào nhiều. Căn bản vẫn là chống Cộng. Nhưng chống cộng ở trình độ cao. Không cần mượn hình ảnh một tên giặc Cộng nào. Không viện dẫn, không phiếm luận dông dài về lời tuyên bố của một tên lãnh tụ đỏ nào.

Từ sau bữa hàn huyên lần chót ấy, Nguyễn Mạnh Côn và tôi không còn gặp lại nhau nữa. Vì hoàn cảnh không cho phép. Từ 72 đến 74, tôi bị cầm chân hăm bốn trên hăm bốn giờ ở Đài Quân Đội. Ba mươi tháng Tư 75, mất nước. Hai mươi tháng Năm liền đó, bị tống giam. Ở tù sáu năm. Khi được phóng thích mới hay tin nhà văn đã thành người thiên cổ. Anh đã kiệt lực vì đòn thù.

Hôm Nguyễn Mạnh Côn nhập trại Xuyên Mộc, một tên cán bộ văn hóa (!) nó mỉa mai hỏi anh:

- Mày là Đằng Vân Hầu, có tài cưỡi mây, sao không cưỡi mây trốn đi?

Anh không thèm trả lời. Anh im lặng. Sự im lặng hào hùng của con chó sói bị thương, sắp chết, được miêu tả trong bài thơ Le Cor (chiếc kèn săn) của thi hào Pháp Alfred de Vigny. Tên cán búa nọ nổi giận, nó gầm lên:

- Chạy hả? Mày có chạy đi đằng trời cũng không thoát khỏi tay chúng ông đâu.

Dứt câu, nó hất hàm cho tên quản giáo đứng gần đó. Tên này bèn gọi một thằng trừng giới vào, cho anh nếm đòn phủ đầu. Rồi anh bị tống vào kiên giam. Tại đây, cứ hai tù nhân một cặp đâu lưng vào nhau mà quỳ trên hai ô vuông gạch bông. Quỳ mà suy nghĩ. Quỳ xong là viết kiểm điểm. Viết xong lại quỳ. Rồi viết tiếp, khai cho bằng hết. Sau này, có một tên cán bộ văn hóa trung cấp ở Sài Gòn, chỉ vì “thiếu cảnh giác” hay vì “sơ hở sao đó” đã tiết lộ với báo chí nước ngoài khá nhiều về Nguyễn Mạnh Côn. Trước hết là nhà văn của chúng ta đã không đáp ứng đúng yêu cầu của cách mạng. Anh chỉ ôn lược những việc đã làm. Kể lại nội dung từng sáng tác. Chớ không tự lên án mọi hoạt động nói chung của mình. Có nghĩa là anh không nhận tội. Một tên quản giáo nó hỏi anh:

- Mày viết phản động đến như vậy mà còn cho là không có tội ư? Vậy mày có biết rằng cách mạng chỉ giam giữ mày một thời gian nào đó thôi, rồi tha cho mày về hay không? Chứ giữ mày ở lại làm cái gì cho tốn cơm, tốn gạo.

- Vậy các ông muốn tôi phải làm gì đây? Nguyễn Mạnh Côn hỏi tên cán bộ nọ.

- Sẽ có người hướng dẫn cho mày. Y nói xong là bỏ đi.

Hôm sau, có một tên làm dịch vụ đả thông. Nom lạ hoắc. Không biết gã ta hành nghề ngỗng gì ở ngoài đời. Gã cầm trên tay một bịch ni lông trong suốt. Cố ý giơ lên cho đối tượng nhìn thấy bên trong có những gói mỏng, nhỏ. Thì ra là thuốc phiện quết, cô lại. Như thể thuốc cao. Chỉ nuốt chửng, xài đỡ khi thiếu bàn đèn. Gã lải nhải bên tai nhà văn một chập lâu. Đại ý thuyết phục như vầy:

- Anh nên thành thật viết một bài kiểm điểm nhận mình có tội. Giờ, ăn năn hối hận, hứa với Đảng sẽ đổi mới tư tưởng, sẽ chuyển hướng sáng tác. Nếu anh chịu tuân hành nghiêm chỉnh pháp lịnh của nhà nước thì chắc chắn anh sẽ được trả tự do đúng thời hạn. Thuốc đây, hãy xài tạm, hầu phục hồi sự minh mẫn cho trí óc. Đừng khí khái hão mà chuốc họa vào thân, làm khổ cho vợ con. Ngộ biến tòng quyền là cách xử lý khôn ngoan của người biết tùy thời, lựa thế mà sống, anh ơi! Gầy còm, tong teo như anh, chịu đòn sao thấu...

Nguyễn Mạnh Côn thẳng thắn đáp:

- Ông cứ việc báo cáo lại với chúng nó về tất cả những điều tôi nói. Tôi không tôn thờ cái chủ nghĩa Cộng Sản mà tôi đã di xuống chân ấy được. Tôi không bẻ cong ngòi bút, tôi không làm văn nô được. Đừng hòng dùng á phiện mà lung lạc tôi.

Việc gì phải đến đã đến. Nhà văn của chúng ta đã tự sát. Bằng cách nào, không nghe ai bộc tiết. Chỉ biết, trước ngày anh quyên sinh, anh gặp trưởng Trại mà hỏi y:

- Cách mạng công bố là chỉ giam tôi có thời hạn. Sao đã quá hạn mà không thả?

Tên cai ngục cười gằn mà bảo:

- Nói dễ nghe nhỉ? Mày ngoan cố quá, cứng đầu quá mà. Mày có chịu nhận tôi đâu mà đòi nhà nước tha cho mày.

Kẻ thù chưa kịp hạ thủ Nguyễn Mạnh Côn thì anh đã tự tìm cho mình cái chết rồi. Anh đã chết vinh. Anh đã bảo toàn được danh dự và tiết tháo của kẻ sĩ. Là một kẻ sĩ uy vũ bất năng khuất, anh đã không “lạc đường vào lịch sử” như một nhân vật trong truyện anh viết. Trái lại, anh đã đi thẳng vào lịch sử với tư cách một chiến sĩ tiền phong chống cộng trên mặt trận quốc gia.







° ° °







Nguyễn Mạnh Côn, nhà văn can đảm chọn cái chết trong tù
Vương Trùng Dương

Bài nầy có tính cách tổng hợp vì dựa vào các bài viết của bạn văn, bạn tù với nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, khi kiểm chứng lại thấy rõ ràng và chính xác nên trích dẫn nguyên văn, nhất là Duyên Anh với sự hệ lụy đến cái chết của Nguyễn Mạnh Côn trong trại tù.
*
Nguyễn Mạnh Côn sinh ngày 7 tháng 5 năm Canh Thân (1920) tại Hải Dương, thuở nhỏ học ở Hà Nội. Ngoài tên thật, ông còn ký bút hiệu: Nguyễn Kiên Trung, Kỳ Hoa Tử, Đằng Vân Hầu. Năm 1939, ông cộng tác với báo Đông Pháp, năm 1945 với báo Thống Nhất.
Có tài liệu nói rằng năm 1942-1943, ông cũng từng là sĩ quan trong quân đội Nhật Bản, khi đội quân này đổ bộ vào Bắc Kỳ vào tháng 9 năm 1940.
Năm 1949-1950, Nguyễn Mạnh Côn vào Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn ở Sơn Tây. Năm 1951, ông hồi cư về Hà Nội, rồi đi dạy học tư.
Năm 1954, ông di cư vào Nam làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn. Sau đó, làm Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút báo Chỉ Đạo (1956-1961), Chủ Bút báo Văn Hữu, cộng tác với các báo ở Sài Gòn.
Theo ghi nhận của Đổ Quý Toàn (Ngô Nhân Dụng) “Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn có một trí thông minh rất đặc biệt, tuy rằng anh sinh vào thời chiến tranh, không hưởng được nền học vấn có tính cách chính thức trên ghế nhà trường. Nhưng trí óc thông minh của anh rất bén nhọn, anh quan tâm đến tất cả mọi vấn đề trong phạm vi trí thức của nhân loại”.
Trí tuệ và ngòi bút của Nguyễn Mạnh Côn với cái nhìn của người bạn văn Nguyễn Triệu Nam: “Nguyễn Mạnh Côn là một văn sĩ có chân tài. Kiến thức phong phú. Bút pháp linh thông. Văn phong bình dị, trong sáng. Văn mạch sung mãn, bất tận. Văn thái chuyển biến linh hoạt theo từng tình huống. Khi cần thì viết như một nhà thông thái, hoặc như một nhà phân tâm học”.
Về tiểu sử Nguyễn Mạnh Côn theo ghi nhận của người bạn văn Viên Linh năm 2014:
“Tấm hình căn cước của Nguyễn Mạnh Côn tôi có trong tay, phía sau chính anh nắn nót viết kiểu chữ in tên họ của mình. Tôi nghĩ hình chụp vào năm 1956, hay 57, trong quân phục, cổ áo có dấu chiếc lon đã được bóc ra, có lẽ là lon thiếu úy, hay trung úy. Anh là sĩ quan đồng hóa. Phía sau tấm hình viết: 15.3.1920. Hải Dương, Bắc Việt. (Hình như nhằm ngày 7 tháng 4 năm Canh Thân. Sinh quán làng Ðông Hy, phủ Ninh Giang). Giải Văn Chương Toàn Quốc năm 1957. Năm 1975, anh được mời vào Hội Ðồng Giám Khảo Văn Chương Toàn Quốc.
Thuở ấu thơ anh theo mẹ và cha, cách anh viết, “mẹ và cha,” không phải cha mẹ, đi khắp nơi trên đất Bắc. Từ năm 13 tuổi, anh học ở trường tư thục Thăng Long, Hà Nội. Năm 1940, anh vượt biên, tới mãi Hương Cảng. Không ai rõ lý do, song theo một bài anh viết mà tôi được đọc, thì anh Côn hoạt động trong Việt Nam Quốc Dân Ðảng...
Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tháng 12, 1945, anh rút lên chiến khu Việt Bắc. Từ đây, cuốn Ðem Tâm Tình Viết Lịch Sử viết dưới bút hiệu Nguyễn Kiên Trung, có thể kể là một giai đoạn hoạt động thực sự ngoài đời của anh, nếu không hoàn toàn giống, thì cũng rất gần với thực tế. Năm 1952, Nguyễn Mạnh Côn trở về Hà Nội, năm sau ra Hải Phòng, dạy học tại thành phố biển này cho đến năm 1955 thì vào Nam…”.
Theo Thế Uyên “Một lần tôi hỏi đùa anh: Chữ Côn tên anh có phải là cái gậy, như trường côn đoản côn không? Anh đã trả lời: Côn là một loại cá kình cá ngạc của đại dương, tương tự đại bàng bay ba ngàn dặm trên trời cao. Bố anh đã đặt tên Mạnh Côn với ký vọng anh sẽ tung hoành ngang dọc sau này. Nhưng câu trả lời của cuộc sống nhiều khi bất ngờ: Anh đã không lập danh bằng đường võ, có lẽ một phấn do thế xác yếu ớt mặc dù đã có thời anh thử bằng cách nhận một chức trung úy đồng hóa không dẫn tới đâu cả. Anh cũng không thành công trong khoa cử! Nhưng anh lại thành công trong văn chương và tư duy, và với lối viết nhiều sáng tạo, đi vào cả "vùng cấm địa" của các cụ Nguyễn Đình Chiểu, thế giới siêu nhiên của khoa học giả tưởng, và sau này đi vào cả địa hạt tư duy chính trị có thị kiến viễn kiến vối cuốn sách khá dày Hòa Bình. Nghĩ Gì. Làm Gì?. Đúng anh là một thứ cá côn, vùng vẫy thoải mái một thời, trong thế giới chữ nghĩa”.
Tác phẩm:
- Việt Minh, Ngươi Đi Đâu (1957)
- Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử (1958), đoạt Giải Thưởng Văn Chương toàn quốc.
- Kỳ Hoa Tử (1960)
- Truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn (1960)
- Lạc Đường Vào Lịch Sử (1965),
- Con Yêu Con Ghét (1966)
- Mối Tình Màu Hoa Đào (1967)
- Giấc Mơ Của Đá (1968)
- Tình Cao Thượng (1968)
- Đường Nào Lên Thiên Thai (1969)
- Hoa Bình... Nghĩ Gì... Làm Gì (1969)
- Sống Bằng Sự Nghiệp (1969)
- Yêu Anh Vượt Chết (1969)
Mối Tình Màu Hoa Đào (1967), lý thuyết triết học, tác giả viết cho bạn trẻ. Dòng cuối trong Thay Lời Tựa: “Tôi chân thành mong cùng các bạn giắt tay nhau đến đời sống có yên vui, và tiến bộ”.
Tạ Tỵ ghi lại Vài Nét Về Nguyễn Mạnh Côn
“… Một buổi, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy Nguyễn Mạnh Côn đeo cấp bậc Thiếu Úy đến tìm tôi ở nơi làm việc tại đầu đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè, ngang Sở Thú.
Anh cho biết đã được đồng hóa vào Quân Đội với cấp Thiếu Úy để phụ trách một tờ báo do Bộ Quốc Phòng chủ trương, anh đến nhờ tôi trình bày mẫu bìa cho tập san đó. Người chỉ huy trực tiếp anh là Đại Úy Quân, bạn tôi. Quả thực tôi cũng không hiểu bằng cách nào, anh qua mặt được sự giảo nghiệm y khoa về sức khoẻ, nhất là bệnh ghiền của anh đã in dấu trên khuôn mặt. Vấn đề này tôi không bao giờ đề cập tới, mỗi lần nói chuyện với Nguyễn Mạnh Côn. (Ghi chú thêm: Nguyễn Mạnh Côn ghiền ‘nàng tiên nâu’ Phù Dung từ ngày ở Hà Nội, khi vào Sài Gòn nơi ông thường lui tới cùng với Vũ Hoàng Chương, Triều Đẩu… ở bàn đèn Đinh Quát, hẻm 220 đường Trương Minh Giảng. Giữa thập niên 60, Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy (1902-1985, phu quân Bà Tùng Long), Nguyễn Mạnh Côn và Hoàng Hải Thủy xin manchette ra tờ Bút Sắt, không hiểu vì lý do cả 3 người là ‘đệ tử nàng tiên nâu’ hay vì lý do chính trị nên không được cấp – VTrD)
Vì là tờ báo của Bộ Quốc Phòng nên tôi vui lòng vẽ giúp mẫu bìa, nhưng Nguyễn Mạnh Côn cũng tế nhị lắm, nói với Đại Úy Quân trả tiền cho tôi, vì tờ báo có ngân khoản riêng để mua bài của các nhà văn, bất luận ở trong hay ngoài quân đội.
Nhờ có tờ báo trong tay, Nguyễn Mạnh Côn mới có cơ hội chứng minh tài năng của mình. Truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn do anh viết được đón nhận nồng nhiệt. Anh dùng thuyết tương đối trong toán học của Einstein để giải minh cho một phương trình vận tốc trở ngược của thời gian. Câu chuyện vừa ly kỳ vừa khoa học làm say mê người đọc.
Sau đó đến hồi ký Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử được đăng trường kỳ rồi in thành sách (Nguyễn Ðình Vượng xuất bản, 1958) như Truyện Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn vậy. Cuốn hồi ký, vạch trần những âm mưu xảo trá của Đảng, của những con người Cộng Sản nhằm tiêu diệt các Đảng Phái đối lập để giữ trọn cường quyền trong tay. Cuốn sách là một bản cáo trạng dài với những chứng cớ hiển nhiên của lịch sử, do đó Cộng Sản khó bề chối cãi.
Ngoài ra, Nguyễn Mạnh Côn còn viết rất nhiều bộ sách khác do Cơ Sở Giao Điểm ấn hành. Cơ sở này của Trần Phong Giao chứ không phải của Nguyễn Đình Vượng như nhiều người tưởng lầm. Ngoài vấn đề viết văn, làm báo Nguyễn Mạnh Côn còn viết nhiều bài bình luận bằng Pháp ngữ cho đài phát thanh Sài Gòn…
Nhưng Nguyễn Mạnh Côn (cũng như Mặc Thu) không ở trong Quân Đội lâu. Vài năm sau họ đều xin giải ngũ trở thành dân sự cho dễ hoạt động hơn”.
(Tạ Tỵ, Thằng Mõ, SF xb, 1990)
Truyện về Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn của Nguyễn Mạnh Côn qua nhận xét của Trần Văn Nam:
“Cuốn sách gồm nhiều truyện, nhưng truyện trên là chính và dài nhất, gồm hơn 100 trang (xuất bản tại Sài Gòn, 1960)
Tóm tắt truyện: Tháng 6 năm 1954, khi Việc Nam chưa chia đôi ở vỹ tuyến 17, có ba người lính binh chủng Nhảy Dù thuộc Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, gồm một nữ trợ tá quân đội, một bác sĩ, một hạ sĩ quan, đang thực hiện một phi vụ gần biên giới Trung Hoa. Phi cơ của họ bị bắn hạ ở vùng chiến khu Việt Minh cách Hà Nội độ 350 cây số. Phi cơ đâm nhào xuống, họ không biết gì nữa: đó là lúc họ lọt vào một vùng không khí năng lực phi thường (có lẽ là đạt tới tốc độ ánh sáng), nhờ vậy họ lọt vào vũ trụ thuộc kích thuớc thứ tư.
Tại đây họ diện kiến với Lưu Thần và Nguyễn Triệu, hai cổ nhân từ ngàn xưa cũng nhờ gặp một cơn bão tập trung sức mạnh khủng khiếp (ta cũng nên hiểu là lúc đạt tới tốc độ ánh sáng) mà hai vị đã tới vùng kích thước thứ tư ẩy. Vậy đây chính là Thiên Thai với cảnh trí tuyệt vời, nước không chảy, hoa không tàn, thời gian hoàn toàn đình chỉ.
Nơi đây có nhiều bộ máy huyền vi, trong số có một trái cầu nhỏ mà rất kỳ diệu. Nó đưa con người tìm về quá khứ hay tương lai, chỉ cần tâm ý ra lệnh cho những dòng chữ hiện lên trên màn ảnh (có lẽ tác giả muốn nói đến loại phi thuyền vũ trụ điều khiển với các máy điện toán, mà vào năm 1960 những thứ trên còn rất xa vời). Bác sĩ Mai và nữ trợ tá Kiên Trinh ở lại với Thiên Thai, còn hạ sĩ Khang muốn tìm về quá khứ.
Khang ra lệnh cho dòng chữ hiện lên trong trái cấu trở về thế kỷ 18, và đã trở về Thăng Long vừa đúng lúc cứu sống vua Quang Trung. Khang cùng với vị anh hùng Tây Sơn thực hiện tham vọng đòi lại Lưỡng Quảng đã bị Trung Hoa sát nhập từ nhiều thế kỷ trước. Vua Quang Trung rất biết dùng người: mặc dù Khang chỉ là hạ sĩ quân đội nhưng đã là người tiến bộ của thế kỷ 20. Do đó Khang được thống lĩnh lực lượng tiền phương, tổ chức binh đội rất hiện đại thuộc thế kỷ 20, và dĩ nhiên đè bẹp quân nhà Thanh cổ lỗ thuộc thế kỷ 18, rồi thẳng đà định lật đổ chế độ phong kiến Trung Hoa để thiết lập chế độ quân chủ lập hiến. Nhưng quân Tây Sơn vấp phải sự chống cự của dân Trung Hoa bằng phương pháp tiêu thổ kháng chiến và trường kỳ du kích chiến. Đến đời vua cháu ba đời của Quang Trung đại đế thì cuộc tiến chiếm xứ Trung Hoa hoàn toàn thất bại vì đã bị dân Trung Hoa đông đảo làm Hán hóa tất cả. Đến bây giờ, Khang mới sực tỉnh biết mình đã có tham vọng mù quáng, làm tờ trình "Xin nhà vua trả cho nước Việt Nam trở về vị trí cũ".
Tỉnh ra, Khang đã mấy đời sống nơi dương thế, trong khi đó chỉ là thời gian rất ngắn ở chốn Thiên Thai. Đã có lần Kiến Trinh cũng trở về trần, đi tìm người yêu là hạ sĩ Khang nơi chốn trận mạc, và đau khổ đền điên dại vì biết Khang đã là phò mã, phu nhân chính là Ngọc Chân Công Chúa, em gái của Ngọc Hân. Bác sĩ Mai trên Thiên Thai thì động lòng nhớ nhà nhớ quê hương: "Nào Hà Nội với Hàng Rèn, với bờ hồ Hoàn Kiềm; nào chiến khu Việt Bắc với đồng bào Thổ áo chàm...".
Tóm lại cả ba đều là những con người thuộc thế gian trần lụy: Khang với tham vọng bành trướng lãnh thổ, Kiên Trinh vì tình duyên, bác sĩ Mai vì lòng nhớ quê hương. Lưu Thần và Nguyễn Triệu biết rằng: "Những người thường, hữu tình và hiếu động, không thế sông mãi được trong Thiên Thai mà họ mơ ước, bởi lẽ họ không biết Thiên Thai chỉ là nơi con người không còn tình dục" (trang 271)…
(Trần Văn Nam)
Trong bài viết của Nguyễn Mạnh Trinh, trích phần tóm tắt tác phẩm Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử và Kỳ Hoa Tử:
“Nội dung của Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử là những tâm sự của một chiến sĩ đang tranh đấu trực diện trong công cuộc giải phóng đòi tự do độc lập cho đất nước trong những bức thư viết ở những thời điểm quan trọng của lịch sử Việt Nam. Những không gian và thời gian như Hà Nội ngày 3 tháng 9 năm 1945, như Hà Nội, nội thành, Liên Khu 1, ngày 26 tháng 12 năm 1946, như Hà Đông ngày 3 tháng 2 năm 1947, như Phú Thọ ngày 29 tháng 11 năm 1952, như Hải phòng ngày 19 tháng 7 năm 1954, là những cột mốc đáng nhớ của một thời đại đầy biến động Việt Nam.
Ngày 3 tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội , Việt Minh cướp chính quyền hớt tay trên các đảng phái quốc gia. Ngày 26 tháng 12 năm 1946 ở Hà Nội, trong nội ô thành phố, Tự Vệ Thành đã nổ súng đánh Pháp bắt đầu cho cuộc kháng chiến giành độc lập. Ngày 3 tháng 2 năm 1947 ở Hà Đông, Đảng Cộng Sản Việt Nam chính thức thành lập và cuộc đảng tranh đẫm máu và gay gắt nhất đã tạo những vết thương đau đớn cho dân tộc. Ngày 29 tháng 11 năm 1952 tại Phú Thọ là ngày bắt đầu cuộc cải cách ruộng đất và đấu tố để thực hiện đấu tranh giai cấp. Ngày 19 tháng 7 năm 1954 tại Hải Phòng là ngày bắt đầu chia đôi đết nước ở vĩ tuyến 17 theo hiệp ước Genève.
Từ thời điểm ấy, Nguyễn Kiên Trung kể cho bạn đọc nghe về cuộc đời của mình và thế hệ mình theo ngõ đẩy đưa của thời cuộc. Và từ đó như tấm gương phản chiếu thấy được sự bội phản lường lọc của những người Cộng Sản Việt Nam.Với kỹ thuật tranh đấu được huấn luyện từ hệ thống Cộng Sản thế giới, họ áp dụng vào thực tế và đã thành công trong việc nắm giữ chính quyền và thực hiện chính sách vô sản chuyên chính.
Tác giả Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử đã “trút ngay lên mặt giấy một sự cần thiết phaỉ gào thét, phải nức nở cho số phận những người bạn tôi sắp phải chết, ngoài kia, bên trên vĩ tuyến Bắc 17 độ. Nói là bạn, nhưng chỉ có một số nhỏ là bạn của tôi thật, còn nhiều người mới quen biết sơ qua trên con đường kháng chiến, nhiều người chưa hề được gặp mặt, nhiều người tôi đáng tôn lên là bậc thầy, Phan Khôi, Đào Duy Anh,Văn Cao, Trần Dần, Hoàng Cầm, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, những người ấy sắp bị Việt Cộng mang ra xử án…”
… Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử được viết cách nay nửa thế kỷ và xem ra tới bây giờ, vẫn còn nhiều suy nghĩ đáng chú ý. Lịch sử đã bị chế độ hiện hữu bôi xóa và những bài học để thế hệ sau hiểu biết chứa đầy những giả trá. Từ năm 1945, tới nay không xa, khoảng cách lịch sử vẫn còn gần để nhận thức, thế mà đã có nhiều sai lạc…
Một tác phẩm khác của Nguyễn Mạnh Côn cũng gây được sự chú ý của văn giới. Đó là Kỳ Hoa Tử, câu chuyện tình của một cô gái người Nhật Bản yêu một chàng trai Việt Nam đang lưu lạc ở Trung Hoa. Kỳ Hoa Tử theo người yêu về Việt Nam trong lúc đang có cuộc kháng chiến chống Pháp. Bề ngoài thì tất cả lực lượng quốc dân đều tham gia vào cuộc chiến giành độc lập tự do cho đất nước nhưng thật sự bên trong thì những người đi theo chủ nghĩa của những người quốc tế vô sản đang nắm quyền lực và dùng đủ mọi phương cách để thực hiện cuộc cách mạng đấu tranh giai cấp.
Trong âm mưu ấy, họ phải quét sạch những người mà họ cho rằng sẽ làm trở ngại cho công việc mà họ đang thực hiện. Một chướng ngại cản đường ấy là Hồ Tùng Mậu và quyết định phải giải quyết bằng mọi giá. Họ kết tội phản động và tạo dựng những chứng cớ buộc tội. Một nhân chứng dùng để vu khống và kết tội là chàng trai yêu nước đó. Là một đảng viên trung kiên, chàng không thể nào trái lệnh dù biết rằng công việc ấy không hớp lý và vô đạo đức. Kỳ Hoa Tử thấy những hành vi như vậy và tình cảm thay đổi theo. Thế là cuộc tình bị tan vỡ . hai người xa nhau với tất cả nỗi đớn đau. Những tâm tình lãng mạn thơ mộng đã được thay thế bằng những tình cảm hận thù. Và, kết cuộc là tang tóc, đổ vỡ, chia ly…”
(Nguyễn Mạnh Trinh)
Trong bài viết của Thế Uyên: "Mạnh Côn", Cá Kình ghi lại cuộc gặp gỡ:
“Anh thoải mái tiếp tôi cạnh bàn đèn và tôi cũng thoải mái đến ngồi trên chiếu phía bên vì anh biết rõ ông bố tôi cũng là người nghiện thuốc phiện mới cai sau khi di cư vào Nam vài năm. Hai chúng tôi chuẩn bị cho điếu thuốc kế tiếp, những động tác đối với tôi thật quá quen thuộc từ thời quá khứ. Trong rất nhiều đêm ở miền Bắc trước 1954, bố tôi đã có cái lệ, sau bữa ăn tối, trao công việc chuẩn bị bữa hút tối cho tôi và cô em gái. Con gái trải chiếu, trải đệm mỏng và kê gối, tôi bê bình trà nóng từ phòng khách vào, bê bàn đèn đặt vào chính giữa chiếu...
… Có một lần tôi hỏi anh Nguyễn Mạnh Côn tại sao anh nghiện, anh đã trả lời ngay thẳng đại khái là nghe nói thuốc phiện làm tăng hưng phấn về tình dục và kéo dài được lâu cuộc làm tình, anh đã thừ. Khi tôi hỏi kết quả có đúng thế không, anh đã cười cho biết là đúng,... nhưng rồi anh thở dài rất nhẹ: Nhưng chỉ trong thời kỳ đầu mới hút thôi, khi đã nghiện rồi mọi sự trở lại bình thường.
… Một lần tôi hỏi đùa anh: Chữ "Côn" tên anh có phải là cái gậy, như trường côn đoản côn không? Anh đã trả lời: Côn là một loại cá kình cá ngạc của đại dương, tương tự đại bàng bay ba ngàn dặm trên trời cao. Bố anh đã đặt tên "Mạnh Côn" với ký vọng anh sẽ tung hoành ngang dọc sau này...
(Thế Uyên, Seattle tháng 2, 98, Khởi Hành số 20, tháng 6-1998)
*
Cái chết của Nguyễn Mạnh Côn và hệ lụy với Duyên Anh
Khoảng giữa thập niên 50, lô B trong cư xá Chu Mạnh Trinh ở ngã ba Phú Nhuận (góc Chi Lăng & Võ Di Nguy) có Nguyễn Mạnh Côn và Duyên Anh cùng chung lô đó cùng chung nhiều văn hữu. Năm 1960, khi Nguyễn Mạnh Côn làm Chủ Bút tờ Chỉ Đạo, với những dóng ca ngợi văn tài của Duyên Anh khi đăng các bài viết Hoa Thiên Lý, Con Sáo Của Em Tôi… viết về tuổi thơ rất hay, tên tuổi Duyên Anh được sáng giá trong giới cầm bút ở Sài Gòn, điều nầy nói lên tình bạn giữa hai người (tuy nhân cách sống giữa hai người không giống nhau giữa Duyên Anh và Nguyễn Mạnh Côn, một người hay khoác lác, một người điềm đạm, lịch sự, tế nhị).
Chân dung Nguyễn Mạnh Côn qua người bạn văn Tuấn Huy: Một Nhà Văn Lặng Lẽ: “Suốt 20 năm cầm bút, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn cứ từ tốn nhàn nhã như một người đi dạo giữa dòng đời. Ông đã nêu lên nhiều vấn đề thật lớn, khiến người đọc phải nhấp nhổm, suy tư - nhưng kìa, ông chẳng có vẻ gì quan trọng và cũng chẳng có vẻ gì vội vàng. Được nhìn ông ôm mớ sách báo, đi một mình vào một nhà hàng đễ dùng bữa tối. Ông ngồi xuống chiếc ghế nơi một chỗ bàn khuất. Gọi một món ăn bình dân, và một ly rượu chát. Rồi mở một cuốn sách ra lặng lẽ đọc. Tôi không hề thấy ở ông một sự hoạt động náo nức nào của một "chính trị gia", (trước kia), và một "nhà lập thuyết" (đương thời). Ông vẫn là một nhà văn lặng lẽ. Làm việc lặng lẽ. Suy tư lặng lẽ. Sáng tác lặng lẽ. Thưởng ngoạn 1ặng lẽ. Và hưởng thụ cũng lặng lẽ...
Lúc nào nhà văn Nguyên Mạnh Côn cũng trầm ngâm. Ít khi tôi thấy ông vui hoặc ônng cười. Nếu có những nụ cười thì cũng chỉ là những nụ cười giới hạn.
(Tuấn Huy, Khởi Hành số 20, tháng 6-1998)
Từ đó Duyên Anh xuất hiện trong làng báo ở Sài Gòn với tài viết phiếm, châm chọc độc hại qua những bút hiệu: Thương Sinh, Lệnh Hồ Xung, Độc Ngữ, Nõ Báo, Thập Nguyên, Nã Cẩu (đuổi chó), Giao Chỉ Liên Tử (cn sen Giao Chỉ), Vạn Tóc Dài, Bồn Lừa… tả xung, hữu đột, gây thù chuốc oán trong nhiều giới ở trong nước.
Với bản thân tôi, chỉ gặp Duyên Anh 2 lần (năm 1972 ở Đà Lạt và năm 1995 ở Little Saigon). Tôi không thích Duyên Anh vì ông ăn nói vung vít, cao ngạo, chửi thề và xem “mục hạ vô nhân”. Trong khi đó, tôi rất quý Nguyễn Mạnh Côn qua những tác phẩm của ông (hư cấu & hiện thực) nói lên giai đoạn lịch sử trong lằn ranh Quốc/Cộng.
Khi Nguyễn Mạnh Côn qua đời, thời gian sau có lời đồn lan ra với anh em tù nhân ở ngoài Bắc lời trăn trối của Nguyễn Mạnh Côn “Đừng tin thằng Duyên Anh”. Và, cái chết của Nguyễn Mạnh Côn có nhiều người đề cập, trong đó vài nguồn tin nghe nói và cho rằng Duyên Anh làm “ăng ten” nên gây ra?.
Vì vậy, khi Duyên Anh sống trên trại đảo Pulau Bidong, Mã Lai trong thời gian chờ được sang Pháp xum họp với vợ con, nhờ trại bảo vệ để tránh khỏi sự trả thù của anh em tù nhân. Rồi ngày 30 tháng Tư năm 1988, Duyên Anh bị hành hung đến tê liệt ở Little Saigon, California… nhiều người vẫn cho rằng “ác lai ác báo”! Ngày 6 tháng 2 năm 1997, Duyên Anh qua đời tại Paris, nhiều bài viết nói lên sự thật để “minh oan” cho nhà văn nằm xuống “nghĩa tử nghĩa tận”.
Kỷ vật duy nhất của Nguyễn Mạnh Côn khi chết trong trại tù với cặp kính. Trong bài viết Cặp Kính Của Bác Côn của Phạm Long:
“Tôi bị di chuyển đến trại tù Xuyên Mộc vào tháng 9-1979. Ngay khi đến trại vài ngày, anh em sĩ quan bị tập trung ở đây đã nhắc đến cái chết của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn vào tháng Sáu vừa qua. Họ kề rằng, trong một buổi sáng điểm danh trước khi xuất trại đi lao động, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn đã dơ tay đứng dậy phát biểu: “Hôm nay là ngày hết hạn tập trung cải tạo 3 năm của tôi, xin cán bộ cứu xét... ". Sau đó ông đã bị cô lập, bị đem ra đấu tố, và cuối cùng đã chết một cách tức tưởi.
… Bọn tù chúng tôi đến Xuyên Mộc. Ở đó nhốt đủ mọi loại tù. Từ tù tập trung như các anh em sĩ quan cấp úy, đến một số anh em văn nghệ sĩ như Bác Nguyễn Mạnh Côn, anh Đằng Giao, Duyên Anh, Đặng Hoàng Hà...
Một buổi sáng Chủ Nhật, một cậu nhỏ từ buồng bên cạnh lén qua phía buồng chúng tôi. Vì là ngày Chủ Nhật, nên chúng tôi không phải đi cày, hiểu theo đúng nghĩa 100%. Cậu nhỏ hình sự này rút ra một gói giấy báo nhỏ, và từ từ lôi ra một cặp kính, với chiếc gọng nhựa, màu nâu. Anh chàng nói với giọng nghiêm trọng: Kiếng của ông Côn đấy. Hôm em đi chôn ông Côn bằng xe “cải tiến", em thấy ở trong hòm cặp kiếng này. Em giữ làm kỷ niệm, nhưng mấy bữa nay em đói quá, mấy anh đổi cho em 3 loong gạo.
Tôi nghe kính của ông Nguyễn Mạnh Côn, lòng chùng xuống. Đúng rồi. Đây là cặp kính của Bác Côn. Anh Nguyễn Quang Trù rất nhanh nhẹn, trả giá:
- Một loong rưỡi thôi.
Cậu nhỏ gật đầu, chịu liền…”
(Phạm Long, Khởi Hành số 20, tháng 6-1998)
Đặng Hà được quen biết với Nguyễn Mạnh Côn từ năm 1967, bài viết Tưởng Nhớ Nhà Văn Nguyễn Mạnh Côn cho biết ngày 1 tháng 4 năm 1976, trong chiến dich càn quyét toàn bộ văn nghệ sĩ, trí thức Miền Nam. Nguyễn Mạnh Côn bị bắt ngày 2 tháng 3 năm 1976.
Đặng Hà bị nhốt vào trại giam T20 số 4 Phan Đăng Lưu, khu C2 phòng 7, anh Nguyễn Mạnh Côn ở Khu B. Đến đầu năm 1978 thì lưu lạc tứ tán, một số chuyển về khám Chí Hòa Khu AH một thời gian, trước khi đi lao động khổ sai, Đặng Hà về khu FG gặp anh Nguyễn Mạnh Côn. Trong chuyến đi “lao cải” vào khoảng 100 người đến trại tù Xuyên Mộc, Khu A
Duyên Anh ở đội 12 được cử làm đội trưởng. Nguyễn Mạnh Côn và Đặng Hà vào đội 14 do họa sĩ Đằng Giao làm đội trưởng. Mỗi buồng ở đây chứa khoảng 4 hoặc 5 đội, mỗi đội trên dưới 40 người. Trong buồng có 2 tầng, Đặng Hà và Nguyễn Mạnh Côn ngủ sát vách tầng dưới ở ngay cửa buồng bước vào. Duyên Anh và Đằng Giao nằm tầng trên.
Trích bài viết của Đặng Hà:
“Thời gian gần đến tháng 4 năm 1979, tức gần đủ 3 năm như bản án cải tạo chế độ cộng sản đã đọc cho chúng tôi nghe trước khi lên trại. Những đêm đó anh thường tâm sự với tôi. Anh nói “Chúng ta phải làm gì khi đủ 3 năm chứ? Không lẽ để họ giam mình suốt đời sao?” Anh cũng chỉ tâm sự đến đó, không nói sẽ làm thế nào? Lúc nào sẽ hành động? Tôi cũng không dám đi sâu vào vấn đề, vì tai mắt của bọn “ăng ten” ở trong phòng, mà chúng tôi là những thành phần chúng luôn theo dõi.
Thế rồi việc gì đến phải đến. Như thường lệ, sáng ngày 2 tháng 4 năm 1979. Khi tiếng kẻng vang lên để báo cho mọi người trong trại chuẩn bị ra sân xếp hàng đi lao động như thường lệ. Chúng tôi đang sắp đi thì bất ngờ anh Nguyễn Mạnh Côn cũng đòi đi theo ra xếp hàng để đi lao động, nên nhớ trong trại đi lao động là cưỡng bách, muốn khai bệnh để nghỉ 1 ngày cũng rất khó, huống chi anh được trại cho miễn lao động là một đặc ân không ai có được. Tôi, anh Sơn, anh Đằng Giao nghĩ là anh Côn hôm nay muốn đi lao động để cho biết thế nào là Lao Động Khổ Sai chăng? Nên hết mực khuyên anh ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe, ra hiện trường cuốc đất nắng nôi vất vả lắm. Nhưng anh nhất định không nghe. Anh cương quyết ra đi xếp hàng. Tuy gọi là xếp hàng, nhưng tất cả mọi người đều phải ngồi theo đội. Khi nào cán bộ trực trại gọi đến đội nào thì đội đó mới đứng dậy, đội trưởng báo cáo tổng số người trong đội, bệnh mấy người, bao nhiêu người lao động, rồi mới xuất trại đi làm. Vì cùng đội nên hôm đó anh Nguyễn Mạnh Côn xếp hàng sau tôi, ngồi hàng cuối cùng của đội. Trong khi toàn trại đã ngồi vào hàng đầy đủ, chờ cán bộ trực trại gọi từng đội để đi lao động.
Bỗng nhiên anh Nguyễn Mạnh Côn đứng lên giữa trại nói lớn: “Tôi Nguyễn Mạnh Côn, nhà văn chế độ cũ, lãnh án 3 năm tập trung cải tạo. Hôm nay ngày 2 tháng 4 năm 1979 đã thụ án đủ 3 năm. Tôi yêu cầu Ban Giám Thị viết giấy ra trại trả tự do cho tôi, để tôi về với gia đình. Kể từ hôm nay tôi không còn là người tù. Tôi sẽ không ăn cơm của trại nữa”. Anh vừa nói xong, toàn thể hàng ngàn tù nhân và công an trại giam im phăng phắc, không một tiếng động. Bỗng tên công an quản chế (lâu quá quên mất tên) hai hàm răng rít lại nói: “Anh Nguyễn Mạnh Côn ra gốc cây phía sau ngồi chờ.”
Sự việc xảy ra sáng hôm đó, đã làm rúng động toàn trại, không những cho các tù nhân mà còn cho cả bọn công an trại giam từ Giám Thị trại cho đến bọn công an tép riu.
Lúc đầu chúng đối xử mềm mỏng, như là nhượng bộ những đòi hỏi của anh. Họ yêu cầu anh đừng tuyệt thực, hãy ăn uống bình thường, họ cung cấp thịt cá cho anh ăn hàng ngày, trong khi chờ đợi họ gửi hồ sơ của anh về bộ để cứu xét thả, vì ở trại chỉ có quyền giữ, không có quyền thả.
Anh Nguyễn Mạnh Côn cương quyết không chịu, yêu cầu họ phải thả ngay tức thì vì anh đã thụ án cải tạo 3 năm tròn đầy đủ. Không thể viện bất cứ lý do gì để giam anh. Chúng thấy mua chuộc cho ăn thịt cá (Tù đến muối cũng không có mà ăn, đừng mơ đến cá thịt) không xong. Chúng lên kế hoạch sắt máu. Vỗ về, nhượng bộ không hiệu quả. Lúc đầu anh còn ở trong phòng bên cạnh tôi, vẫn nói cười vui vẻ. Những điều tôi vừa kể là do chính miệng anh nói với tôi. Vài hôm sau, khi chúng tôi đi lao động về thì thấy anh không còn ở trong phòng nữa, họ đã chuyển anh sang phòng khác. Phòng này cách phòng tôi không xa, mới làm xong chưa có người ở.
Chúng nhốt anh một mình ở đó, công an canh gác ngày đêm không cho ai đến gần. Chúng tôi mỗi lần đi lao động về có nhìn từ xa vào, nhưng không thấy gì nên không biết tình trạng của anh ra sao? Hỏi trật tự trại cũng không biết rõ, vì họ cũng không được đến gần. Vài hôm sau vào những buổi chiều khi đi lao động về. Nghe tiếng anh kêu rống lên thảm thiết “Khát quá, khát quá”. Thì ra bọn cộng sản thật dã man, thấy anh tuyệt thực, chúng không cho anh uống nước luôn. Tức là vừa đói vừa khát. Chúng ta có thể nhịn đói 1, 2 tuần không sao, miễn là vẫn uống nước đầy đủ. Tôi đã từng quen những người vì nhu cầu chữa bệnh có khi phải nhịn đến thất tuần, tức 7 nhân 7 là 49 ngày.
Anh bị bỏ đói bỏ khát, mặc cho anh kêu gào ngày đêm cho đến lúc suy kiệt. Chúng tôi không thể nào giúp gì cho anh được, tuy cách không xa. Tiếng kêu rên của anh nghe rất rõ. Nhưng vì bọn công an bảo vệ canh gác rất nghiêm ngặt. Không cách nào tiếp tế nước uống cho anh được.
Sau một thời gian khoảng một tháng, không biết bọn cộng sản trại giam dụ dỗ, uy hiếp bằng cách nào? Chúng đã bắt anh phải khuất phục và hạ nhục anh bằng cách bắt anh phải ra đứng trước toàn trại, đọc bản kiểm điểm nhận lỗi. Hôm đó tôi thấy anh như người mất hồn, không còn chút sinh khí. Lúc đó có nhiều người cho anh như vậy là hèn hạ, không xứng danh bản lãnh của một kẻ sĩ, trong số đó có nhà văn Duyên Anh, một đàn em của anh Nguyễn Mạnh Côn. Anh Côn là người đã nâng đỡ Duyên Anh từ một người vô danh cho đến khi trở thành nhà văn nổi tiếng. Từ truyện ngắn đầu tiên Con Sáo Của Em Tôi đăng trên tờ Chỉ Đạo do nhà văn Nguyễn Mạnh Côn làm chủ bút…
Khi bọn chúng đã làm nhục anh trước toàn thể tù nhân và công an trại giam xong. Chúng đưa anh đến ở chung trong buồng giam hình sự, tức ở chung với bọn côn đồ, trộm cướp, hiếp dâm. Không cho anh trở về ở chung với chúng tôi nữa. Xin nhớ trong trại cải tạo, các buồng không được liên lạc với nhau, nếu bắt gặp sẽ bị kỷ luật, nhẹ thì cảnh cáo cắt thăm gặp, nặng thì cùm tay chân, cắt tiêu chuẩn ăn còn 9kg, tức chỉ húp cháo loãng cầm hơi. Do vậy, chỉ biết anh Côn đang ở buồng đó, nhưng hoàn toàn biệt vô âm tín.
Cho đến một buổi sáng ngày 1 tháng 6 năm 1979 thì chúng tôi nhận được tin anh qua đời. Sáng hôm đó trời mưa, nên chúng tôi không phải đi lao động. Tôi nhìn qua song cửa, thấy mấy người tù hình sự chở quan tài của anh trên xe cải tiến, mang ra ngoài nghĩa địa ở bìa rừng để chôn. Trời có lẽ cũng khóc tiếc thương cho một nhân tài, một nhà văn lớn của đất nước đã vĩnh viễn ra đi…
Anh đã làm một việc mà tất cả hàng triệu người tù lúc đó không ai dám làm, dám nói. Bọn cộng sản lúc đó chỉ kêu gọi đi học tập 10 ngày, 1 tháng. Nhưng đã ai có can đảm dám đứng trước toàn trại dõng dạc tuyên bố như anh? Nếu lúc đó toàn thể mọi người đều đồng loạt đứng lên hưởng ứng lời tuyên bố của anh, có thể tình hình đã đổi khác. Đây là định mệnh, Anh là anh hùng cô đơn giữa bầy lang sói, chúng sẵn sàng lóc da xẻ thịt, hạ nhục anh. Anh đã bắn phát súng đầu tiên vào sự dối trá và bịp bợm của bọn cộng sản gọi là 3 năm cải tạo. Nhưng đúng hạn, chúng chẳng thả ai cả, chẳng ai dám lên tiếng ngoài anh. Như vậy anh không xứng đáng là anh hùng sao?
Định mệnh đã cho em có cơ hội quen biết anh, ở tù cùng phòng. Đã cùng đôi, cùng buồng, nằm cạnh nhau ở trại giam Xuyên Mộc. Chứng kiến tận mắt anh hiên ngang dõng dạc tuyên bố đòi bọn cộng sản phải thả anh đúng như mức án chúng đã tuyên đọc. Anh đã ra đi nhưng khí phách của anh, mãi mãi vẫn còn đọng lại trong tim của em…”
(Đặng Hà, ngày 23 tháng 7 năm 2017)
Lê Dinh ghi lại qua cuộc phỏng vấn Từ Ngọc Lê về Duyên Anh
“Từ Ngọc Lê làm việc tại Việt Tấn Xã, có thời gian làm việc với đài phát thanh Sài Gòn cũng như đài phát thanh Quân Đội nên bị tù năm 1975 đến năm 1980, không cùng trại tù với Duyên Anh.
Theo lời từ Ngọc Lệ: “Tôi không gặp lại Duyên Anh ở Việt Nam sau ngày 30-4-75. Năm 1982, tôi tới được trại Palawan (Philippines). Ở đây thì những lời đồn đãi về Duyên Anh nhiều hơn, nhưng chỉ thuộc loại "nghe nói", "nghe kể" mà thôi. Mãi tới cuối năm 1983 tôi mới gặp lại Duyên Anh ở Paris.
Những lời đồn "Duyên Anh làm ăng ten" có nghe xầm xì ở Sài Gòn, nhưng cũng chỉ là loại "nghe nói" mà thôi. Tôi chưa gặp được ai chứng nhận là ở cùng trại với Duyên Anh hoặc là nạn nhân trực tiếp của Duyên Anh trong tù. Còn có tin hay không thì tôi có thể trả lời là "không" và "có"…
… Duyên Anh có thể là nạn nhân và lãnh hết mọi hậu quả do Thương Sinh đã gây ra trước đó. Ta cũng không nên quên bọn người quỷ quyệt, họ rất giỏi trong việc chia để trị. Dễ lắm, chúng muốn hại ai chỉ cần cho người đó một vài đặc ân như cho làm việc nhẹ, lâu lâu lại miễn lao động một lần. Thế thôi. Và lòng nghi ngờ xen lẫn ghen tị của một vài người cũng đang tuyệt vọng khác có cơ bùng phát. "Thằng đó là ăng ten"! Thật đơn giản nhưng đã xảy ra cùng khắp…”.
(Lê Dinh, trang web Hưng Việt 6, 2010)
Lê Dinh phỏng vấn Phạm Nghiêm về Duyên Anh”
Phạm Nghiêm là sĩ quan trong Quân lực VNCH (Khóa 15 Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức, ra trường cuối năm 1963). Sau ngày 30-4-1975, bị đưa đi tù ở trại Long Thành, đến năm 1978, chuyển đến trại Xuyên Mộc ở sâu giữ rừng già thuộc quận Hàm Tân, thuộc tỉnh Bình Tuy cũ.
“Theo lời anh Phạm Nghiêm:
Trước khi tù bị chuyển đến phân trại A/XM (Xuyên Mộc), anh L. làm kế toán nhà bếp… Khi anh về lại trại, bạn bè, trong đó có tôi, được nghe tin là các văn nghệ sĩ 'phản động' đang bị giam cầm ở XM, và điều kỳ dị nhất là Duyên Anh đã bị 'đồn' là ăng-ten. Chuyện này rất ít người biết, nghe rồi để đó, không dám thố lộ cùng ai cả. Tuy nhiên, phải khẳng định là tôi không nghe từ chính miệng anh L. nói, và L. trong khi lưu lại làm việc tại XM cũng chỉ nghe bạn bè kể lại, có đáng tin hay không cũng là nghi vấn.
Chúng tôi đến phân trại B/XM vào khoảng xế chiều, sau hơn mười tiếng đồng hồ đứng ròng rã, đói khát trong những chiếc xe tải bít bùng hôi thúi nồng nặc mùi phân, nước tiểu bò heo. Nhiều người đã nôn oẹ thốc tháo. Trong cái không khí rã rời mệt mỏi đó, chúng tôi ngồi lê la dưới các gốc cây trong sân trại để chờ đợi phân bố vào buồng giam.
Các đội tù hình sự đi lao động bên ngoài bắt đầu kéo về. Trong số những bạn ngồi quanh tôi chợt có người nhận biết Duyên Anh. Thế rồi có tiếng xì xào: - hắn (tức Duyên Anh) mang cần câu (tiếng lóng để chỉ cây ăng-ten) đó! Rồi lan truyền người này bảo người kia, mục đích chỉ để cảnh giác, phòng thân mà thôi. Những lời đồn đại kia quả thật là tai ác, rơi vào ai người ấy chịu. Nó xảy ra rất tự nhiên ở trong tù, không ai cấm cản được.
Trại B/XM được xây cất thành hai dãy song song, phân cách bởi cái sân rộng có cột cờ ở giữa. Dãy bên tay mặt gồm toàn các buồng (nhà) tù hình sự, dãy bên trái thì 2/3 số buồng giam tù chính trị còn 1/3 là của các đội tù hình sự. Có rào kẽm gai ngăn cách giữa khu hình sự và chính trị.
Nội quy trại cấm tù buồng này đi lại, giao dịch với tù buồng khác, dù mỗi buồng chỉ cách nhau khoảng mươi bước. Đội tù hình sự mà Duyên Anh làm đội trưởng ở dãy bên tay mặt, cách dãy tù chính trị một cái sân rộng. Do đó việc qua lại chuyện trò dường như rất khó có dịp. Đã thế Duyên Anh còn bị tai tiếng ăng-ten, vì thế mà anh chỉ liên hệ với đám đàn em tù hình sự. Đó là những điều tôi thấy và biết. Trong suốt thời gian Duyên Anh ở XM, tôi chưa thấy anh nói chuyện với ai bên dãy tù chính trị. Ngay từ lúc đó tôi đã cảm thấy buồn cho tình thế ấy của anh.
Đội tù hình sự do Đằng Giao làm đội trưởng ở dãy buồng phía bên tay trái, do vậy ĐG cũng rất hiếm có cơ hội gặp Duyên Anh, nếu anh muốn. Anh Lê Xuân Quỳnh cũng là đội trưởng một đội hình sự và cũng ở dãy buồng bên trái tức cũng cách xa Duyên Anh. Tình hình là như vậy, cho nên nói Duyên Anh làm ăng-ten, thì anh báo cáo ai, hại ai? Trong giới tù hình sự thì chỉ có trộm cắp, đâu có chính trị, phản động.
… Đội trưởng, ngoài việc dẫn dắt bạn tù lao động, còn bị buộc hằng tuần phải báo cáo tình hình trong đội về kết quả lao động, và quan trọng nhất là tư tưởng của đội viên có an tâm cải tạo không, có ai tuyên truyền chống CS... hoặc âm mưu vượt trại không, vì thế phần đông đội trưởng bị xem như là ăng-ten! Oan hay ưng là tùy tư cách và cách sử sự của đội trưởng. Nhưng ngoài đội trưởng, còn có một vài ăng-ten khác nữa, vì công an CS không bao giờ tin một người duy nhất. Những tay ăng-ten thường hay theo dõi lắng nghe những nhóm nhỏ tụ họp chuyện trò để có dữ kiện báo cáo.
Xét tình hình như vậy, Duyên Anh thiếu thuận lợi trong việc báo cáo để hại nhà văn Nguyễn Mạnh Côn.... vì nếu trí nhớ tôi tốt, thì ông NMC bị giam trong dãy buồng phía bên trái (và ông là đội viên trong đội của anh Quỳnh?). Theo tôi nghĩ: anh Lê Xuân Quỳnh là người có nhiều thuận lợi để hiểu biết đúng nhất nguyên nhân cái chết của nhà văn NMC, cùng sự oan hay ưng của Duyên Anh khi anh bị cáo buộc làm ăng-ten, liên quan đến cái chết rất thương tâm của ông NMC.
… Buổi sáng hôm đó, chúng tôi đang trên đường kéo xe 'cải tiến' chở gỗ về trại thì gặp các cháu tù hình sự cũng đẩy xe cải tiến chở cái hòm đựng xác ông NMC đi chôn! Hai xe gặp nhau trên quảng đường gồ ghề, cái đầu ông NMC lăn qua lại trong hòm gỗ nghe lộp cộp! Tôi cố dằn nước mắt, nuốt xuống trong cổ họng một chút gì mằn mặn. Đó là những gì tôi nghe thấy về cái chết của ông NMC, một nhà văn lớn, cùng với ông Hồ Hữu Tường là những người tôi rất khâm phục…”
(Lê Dinh, tháng 1 năm 2005).
Khi Đằng Giao ở Sài Gòn sang Little Saigon triển lãm các tranh vẽ. Khi hỏi họa sĩ chuyện cũ và đã xác nhận: "Không hề có chuyện Duyên Anh làm ăng ten. Anh ấy chỉ bị oan mà thôi. Chính anh là người luôn luôn đứng ra bênh vực anh Duyên Anh nhiều nhất”.
Duyên Anh & Tôi
Lê Trung Hiền, người thân thiết nhất với Duyên Anh, khởi sự viết cuốn Duyên Anh & Tôi sau khi đi dự đám tang của nhà văn Duyên Anh (năm 1997 tại Paris), tới cuối năm 1999 thì hoàn thành, và đầu năm 2000 ra mắt cuốn sách này ở Westminter.
Cuốn sách ghi lại qua các mẩu chuyện Những Chuyện Bên Ly Rượu
“Duyên Anh và tôi, kẻ trước người sau, đều đi tù. Ngẫu nhiên, chúng tôi cùng được thả đầu tháng 9, 1981.
… Đỗ Tiến Đức và nhóm Quốc Gia Hành Chánh sẽ tổ chức một buổi họp, để cựu sinh viên trường này, Phó Quận Trưởng Nguyễn Đình Đức, một cựu tù cải tạo từng ở tù chung đội với Duyên Anh và Nguyễn Mạnh Côn, kể lại sự thật về cái chết của Nguyễn Mạnh Côn. Mục đích của buổi họp mặt này là minh oan cho Duyên Anh về những lời đồn đại Nguyễn Mạnh Côn chết vì Duyên Anh làm ăng ten tố cáo tác giả Ba Người Lính Nhảy Dù Lâm Nạn. Cũng theo Đỗ Tiến Đức, Phó Quận Nguyễn Đình Đức sẽ thách thức những ai đã từng ở chung trại Xuyên Mộc đưa ra bằng cớ Duyên Anh làm việc cho Việt Cộng. Nguyễn Đình Đức sẵn sàng đối chất với những người đó.
Hôm sau, ông Đặng Xuân Côn, gọi cho tôi. Ông kể:
- Tôi vừa đi dự một buổi tiếp tân ở vùng Hoa Thịnh Đốn. Một vài thân hữu của tôi, trong lúc nói chuyện về Duyên Anh, đã đưa ra những lời đồn đại bất lợi cho anh ấy...
Theo câu chuyện của Vũ Trung Hiền: Thứ Bảy 19/8/95, họa sĩ Triều Khê mời Duyên Anh và tôi xuống ăn tối nhân dịp Vũ Bình Nghi từ San Jose xuống chơi. Chúng tôi ngồi quanh hai bàn dài kê sát nhau, ngoài sân nhà Triều Khê. Trong bữa tiệc, ngoài Vũ Bình Nghi, Triều Khê, Thiết Trượng, Nguyễn Đức Nhuận, còn có Kim Khôi của Number 1 Printing, anh Cường, và một vài thân hữu khác của Triều Khê
Trong lúc mọi người cười ồ vì câu đối thoại, một anh, trước là sĩ quan chiến tranh chính trị trên Đà Lạt, nhắc kỷ niệm xưa:
- Anh Duyên Anh có nhớ ba mươi năm trước, anh lên Đà Lạt chơi xì phé với tụi tôi không? Kỳ đó, anh thua, dù anh không ăn thịt vịt…
Duyên Anh:
- Thịt vịt, thì tôi không biết ăn, chứ không phải vì sợ xui mà không ăn. Nhưng tôi ăn tiết canh vịt được...”.
(Ghi chú thêm: Người đề cập câu hỏi đó là tôi, lúc đó tờ Thời Vận với Triều Khê, Vương Nguyện, Thiết Trượng (bạn cùng khóa với tôi thời ở quân trường Đà Lạt), các bạn mời và tôi đến khi đã nhập cuộc. Trong lúc vui vẻ với nhau, tôi tế nhị nên không hỏi chuyện trong tù với cái chết của Nguyễn Mạnh Côn mà chỉ nhắc lại năm 1972. Hôm đó ở khách sạn Thủy Tiên, đổ dóc xuống đường Duy Tân gặp nhà hàng Thanh Trà nhậu món thịt vịt, khi về khách sạn đánh phé với nhau, Duyên Anh nói tối nay sẽ gom sòng, tôi nghĩ anh ám chỉ tụi tôi ăn thịt vịt thì xui xẻo nhưng cuối cùng thì anh sạch túi).
Đinh Quang Anh Thái kể lại thời gian ở tù chung với Duyên Anh tại Phan Đăng Lưu. Trong phòng giam có một người tù từng là sĩ quan biệt kích, chuyên môn đánh những người tù làm ăng ten. Nhưng riêng với Duyên Anh, anh biệt kích này tỏ vẻ quý trọng đặc biệt.
ĐQ Anh Thái tố cáo một số xảo thuật của Việt cộng nhằm bôi nhọ và triệt hạ uy tín của những người chống đối họ cách hữu hiệu. Duyên Anh là một trong những người này. Anh nhắc lại lần gặp Duyên Anh hai năm trước đó tại Paris, khi Duyên Anh nói chuyện với ĐQ Anh Thái về chính văn, ngụy văn. Thái đề nghị Duyên Anh nên tập trung viết chính văn, không nên viết ngụy văn nữa. Theo ĐQ Anh Thái, ngụy văn là loại văn trào lộng, châm chọc, khiêu khích người khác.
… Nhà xuất bản Vũ Trung Hiền tin rằng việc Duyên Anh bị hành hung là kết quả việc Cộng Sản Việt Nam phao truyền những tin đồn về ông. Ông Vũ Trung Hiền quả quyết Cộng Sản Việt Nam đã tạo dựng những chuyện dối trá, rằng Duyên Anh hợp tác với bọn cai tù. Mục đích của họ là bôi nhọ danh tiếng của Duyên Anh, và triệt tiêu ảnh hưởng của ông…”
*
Kết
Viết về nhà văn Nguyễn Mạnh Côn nhưng đề cập đến Duyên Anh nhiều, dù tôi không thích Duyên Anh nhưng cho đến bây giờ trong những lúc trò chuyện cùng bằng hữu vẫn còn nghe lời dị nghị ông làm “ăng ten” nên gây ra cái chết của Nguyễn Mạnh Côn; vì vậy, một lần nữa, trích dẫn nhân chứng sống cùng trại tù với nhau để sáng tỏ vấn đề đạo lý người cầm bút. Trong quyển Nhà Tù của Duyên Anh đã ghi lại rõ ràng thời gian và bạn tù đã một thời bên nhau. Lời đồn đoán nếu có dụng ý sẽ gây tác hại như trong Cổ Học Tinh Hoa về “Tăng Sâm giết người”, ngay cả người mẹ biết con mình hiền hậu, hiếu thảo, một lòng tin con nhưng khi nghe vài người đến bảo Tăng Sâm giết người, bà lại tin, hoảng sợ bỏ chạy.
Trong lao tù, thủ đoạn dùng ả phù dung cốt ý làm nhục nhà văn Nguyễn Mạnh Côn với những tác phẩm giá trị như đã đề cập ở trên nhưng trong “hoàn cảnh oan nghiệt” đó nhà văn can đảm chọn cái chết, cái chết quá bi thảm của ông để lại hình ảnh đáng quý trong lòng chúng ta.
Little Saigon, Nov 15, 2018
Vương Trùng Dương
(Người Lính & Chiến Hữu Văn Nghệ)








Nguyễn Mạnh Côn: Tranh Đấu Và Chết Trong Tù
Lê Thanh Sơn

Có không biết bao nhiêu người đã ngã gục trong cái gọi là "Trại Tập Trung Học Tập Cải Tạo" của Cộng sản. Chết vì đói, vì lao động khổ sai nặng nhọc trong lúc không được dinh dưỡng tối thiểu, vì tai nạn trong lúc lao động không có một chút phòng ngừa an toàn, vì bệnh tật thiếu thuốc men và không được cứu chữa đúng đắn, vì một thứ gì đó hơi quý giá hoặc hay lạ của người tù đã khơi động lòng ham muốn của một tên cán bộ coi tù, nên đã bị bắn chết để tước đoạt rồi gán cho tội trốn trại... Rất nhiều, rất nhiều nguyên do đã đưa đến cái chết của người tù trong chế độ Cộng sản Việt Nam từ sau tháng 4-1975.

Nhưng cũng có cái chết của một người đã từng được coi như là "lý thuyết gia" về Cộng sản. Anh đã chết chính là vì anh đã không biết hết những gì về bản chất của Cộng sản.

Từ ngày còn đi học, khoảng đầu thập niên 60, tôi đã đọc cuốn "Đem tâm tình viết lịch sử" của tác giả Nguyễn Kiên Trung. Cuốn này được giải thưởng Văn Học Toàn Quốc của Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Sau này tôi nghe nói Nguyễn Kiên Trung là nhà văn, nhà báo Nguyễn Mạnh Côn và cũng là người được nhắc đến như một lý thuyết gia về chủ nghĩa Cộng sản. Làm báo cả muời năm ở Sàigòn, nhưng tôi không có một dịp nào được gặp và làm quen với anh cả.

Chính trị phản động
Sau khi Cộng sản Bắc Việt tấn công chiếm trọn miền Nam năm 1975, là một sĩ quan biệt phái và cũng là nhân viên đã phục vụ cho chế độ VNCH, chúng tôi phải trình diện để tự động đem giam mình vào trong cái gọi là tập trung cải tạo. Cộng sản gọi hệ thống nhà tù của họ bằng danh xưng "Trại học tập cải tạo" và cấm tuyệt đối không được nói là "trại tù" dù bọn cán bộ Cộng sản gọi những người trong trại là "phạm nhân" hay "can phạm".

Tôi đã bị chuyển qua năm trại, trong đó nơi ở lâu nhất là khám Chí Hòa, trước khi được đưa về trại Xuyên Mộc vào giữa năm 1978. Trại này mới được xây dựng tại Bầu Lâm, nằm giữa ranh giới Xuyên Mộc và Đất Đỏ thuộc tỉnh Đồng Nai.

Mấy tháng sau, một buổi chiều mới đi lao động về, tất cả còn đang chia cơm, ăn uống trong khoảng sân nhỏ trước các buồng ngủ thì có mấy chiếc xe tải che vải bạt kín mít chạy vào sân trại. Tấm vải phủ kín sau xe được vén lên, các xe đổ xuống khoảng trên 200 người. Chúng tôi đều đổ xô lại vây quanh để tìm kiếm xem có ai quen biết hoặc tò mò tìm hiểu xem các người mới này từ đâu chuyển đến.

Điều đầu tiên chúng tôi được biết là tất cả đều thuộc thành phần chính trị phản động. Cộng sản gọi những người trình diện cải tạo như chúng tôi là "chính trị trình diện". Thành phần bị bắt từ từ, sau thời gian chúng qui định cho trình diện thì gọi là "chính trị phản động". Còn những ai bị bắt về các tội hình sự, trộm cắp gọi chung là "tù hình sự".

Đảo mắt tìm kiếm trong đám đông còn mệt mỏi sau chuyến di chuyển dài và bị lèn cá hộp trong chiếc xe tải che vải bạt kín mít, tôi nhận ra được một người quen cũ: Đó là Đằng Giao.

Dù bị bọn cán bộ Cộng sản la hét ngăn cấm tiếp xúc, tôi vẫn cố lách tới gần và hỏi thăm. Đằng Giao giới thiệu cho tôi hai người đang một đứng, một ngồi bên cạnh. Đó là Duyên Anh và Nguyễn Mạnh Côn. Tới lúc này thì tôi thực sự mới nhìn rõ và nhận mặt được hai người này. Duyên Anh thì tôi nghe tiếng nhiều và cũng đọc khá nhiều truyện của anh đã xuất bản trước năm 1975, nhưng cũng chưa có duyên để gặp gỡ quen biết. Còn anh Côn thì đây cũng là lần đầu gặp mặt.

Thăm hỏi được vài câu, chúng tôi bị lùa vào buồng ngủ, với cửa khóa, để dành sân trại cho bọn cai tù điểm danh kiểm soát đám người mới đến. Sau đó họ cũng được lùa vào một buồng khác.

Anh Côn: Ít được người nhà lên thăm
Ngay sáng hôm sau, khi chúng tôi đã đi hết ra ngoài trại, vào rừng lao động, số người mới đến này được di chuyển vào một phân trại khác, cách xa chỗ chúng tôi ở độ ba cây số đường rừng. Tất cả đều phải lết bết lội bộ mang vác hành lý cá nhân, theo đường mòn qua rừng cây rậm rạp. Trước đó, chúng tôi đã đổ biết bao mồ hôi công sức ra để phát quang chặt cây, khai thông lối mòn này bằng cách chặt hạ, đào gốc, bứng rễ những cây lớn chỉ bằng những con dao quắm, dao chẻ củi và phát quang cỏ dại, dây leo bằng cuốc.

Trại Xuyên Mộc được phân làm ba khu, đúng theo vị trí hình tam giác. Khu chúng tôi ở xây dựng đầu tiên, có ban chỉ huy trại ở, được gọi là khu A. Số anh em mới đến này được đưa vào khu B và còn một khu C nữa. Sau này khu B thuận lợi để mở rộng và trên đường lưu thông ra ngã Xuân Lộc hơn nên ban chỉ huy trại cũng dời vào và đổi lại tên là khu A, còn khu A cũ thì gọi là khu B, chỉ có C là không đổi.

Đến đầu năm 1979, đội tù chúng tôi có trên 30 người, cũng được chuyển vào trong khu A mới này để tăng cường nhân lực cho việc mở rộng thêm trại. Đến lúc này tôi mới thực sự ở chung cùng một nơi với các anh Đằng Giao, Duyên Anh và Nguyễn Mạnh Côn. Trong một khu như vậy, được dựng lên nhiều buồng ngủ, mỗi buồng chứa khoảng trên dưới 200 người và qui định của trại là cấm phạm nhân liên hệ giữa buồng này và buồng khác. Quanh buồng có một khoảng sân trống và có hàng rào kẽm gai phân cách từng buồng.

Vào đến đây, tôi được biết Đằng Giao là Đội trưởng một đội lao động linh tinh. Duyên Anh là Đội trưởng một đội khác chuyên lo việc trồng rau xanh, anh Côn là đội viên trong đội này. Ngoài ra Duyên Anh còn là Buồng trưởng cái buồng các anh đang ở gồm có đến 4, 5 đội. Mỗi đội khi ra ngoài lao động ở một khu vực khác nhau, nhưng về đến trại, các anh vẫn ở chung một buồng.

Đội chúng tôi là thành phần trình diện nên ở một buồng khác. Dù bị ngăn cấm nhưng chúng tôi vẫn lén lút gặp được nhau trong một thời gian ngắn ngủi buổi chiều sau giờ lao động, hoặc vào ngày chủ nhật được nghỉ. Tôi thường lén đến chỗ của Đằng Giao và Duyên Anh ngồi nói chuyện tếu bên điếu thuốc lào. Còn với anh Côn thì lại không có dịp để chuyện trò vì lúc có thể sang buồng các anh ngồi chơi, tôi thường thấy anh bận đánh cờ tướng hay nằm ngủ.

Khi lao động trong đội trồng rau, anh Côn thường được phân công làm việc nhẹ vì già yếu, như xới đất, nhổ cỏ. Còn các công việc nặng như gánh nước, tưới rau, cuốc luống... toàn do những người khác trẻ và khỏe hơn làm. Thế nhưng anh Côn lại hay thích ở tại trại trong giờ anh em đi lao động, bằng cách khai bệnh. Những người khai bệnh trong ngày thường được tập trung vào một chỗ, đến lúc hết giờ lao động, họ mới được trở về buồng của họ.

Trong ba người, Duyên Anh là người được gia đình đi thăm nuôi tiếp tế đầy đủ nhất, còn anh Côn rất lâu mới được người nhà lên thăm một lần và số lượng đồ tiếp tế cũng không nhiều. Thế rồi, bẵng đi cả gần nửa năm trời, anh Côn không nhận được tin tức gì của gia đình cả. Ở ngoài đời, việc ăn uống là bình thường và ít ai để tâm tới, nhưng trong cảnh tù tội thiếu thốn, miếng ăn thật là quan trọng, không có gia đình thăm nuôi tiếp tế thật là một sự bất hạnh. Khẩu phần nuôi tù của Cộng sản chỉ đủ cho con người sống lây lất, cơ thể héo mòn dần và kéo theo luôn cả sự suy sụp của tinh thần, nếu người tù không biết nuôi dưỡng ý chí, và có một chút tháo vát để mưu sinh.

Khi anh Côn đòi Cộng sản trả tự do
Khoảng giữa năm, một hôm cả trại đang xếp hàng ngồi xổm trong sân để chờ cán bộ trực trại gọi từng đội báo cáo quân số đi lao động. Anh Côn đang ngồi ở hàng đầu trong đội do Duyên Anh làm Đội trưởng, bật đứng lên nói:
- Báo cáo tôi có một vấn đề yêu cầu trại giải quyết.
Cán bộ trực trại, tên Độ nói:
- Được, anh có vấn đề gì cứ nói.
Anh Côn:
- Trước khi tôi được đưa tới đây lao động, tôi được đọc cho nghe án lệnh thời hạn tập trung cải tạo là ba năm, đến nay đã quá ba năm rồi, tôi đã chờ thêm mấy ngày mà không thấy trại thả tôi ra, nên tôi yêu cầu trại thả tôi ngay.

Thât là bất ngờ trước câu nói của anh Côn, tất cả anh em trong trại đều hướng mắt đổ dồn về anh, nhưng vẫn hoàn toàn im lặng chờ đợi xem sự việc sẽ tiếp diễn thế nào.

Tên cán bộ trực trại một mặt đưa mắt ra lệnh cho cán bộ vệ binh có mang súng AK sẵn sàng phản ứng, một mặt khác hắn vẫn điềm đạm nói:
- Trại chỉ có nhiệm vụ giữ các anh ở đây để học tập cải tạo, còn việc xét tha là do lệnh ở trên. Anh cứ việc đi lao động, sinh hoạt bình thường, trại sẽ chuyển khiếu nại của anh lên trên cứu xét. Trên có lệnh tha, chúng tôi thả anh ngay chứ giữ làm gì.

Lúc này trong đám anh em tù đã có nhiều tiếng rầm rì bàn tán nho nhỏ, anh Côn phải nói to giọng:
- Tôi yêu cầu trại thả tôi ra ngay vì đã quá thời hạn mấy ngày rồi!

Tên cán bộ trực trại sau khi nói to, bắt tất cả giữ yên lặng, hắn bảo anh Côn:
- Thôi được, anh Côn đứng riêng ra, ở lại trại để gặp ban chỉ huy làm việc. Còn tất cả các đội báo số đi lao động.

Thế là anh Côn được mấy vệ binh có vũ trang dẫn vào một căn buồng còn bỏ trống, đang chờ tiếp nhận thêm tù sẽ được chuyển về thêm nữa. Chúng bảo anh bước vào trong rồi khóa trái cửa lại. Trên người anh chỉ có cái khăn mặt quàng ở cổ, và tay xách một lon bằng nhôm, thứ đựng sữa bột Guigoz, đựng nước uống để đi lao động.

Anh Côn tuyệt thực trong tù
Trưa hôm đó về đến trại, tôi nghe loáng thoáng người này rỉ tai người kia là anh Côn "tuyệt thực" phản đối. Họ chỉ căn buồng trong đó giam anh Côn, cửa ngoài khóa, có một vệ binh đeo súng AK canh gác, thường xuyên đi vòng quanh kiểm soát bên ngoài. Căn buồng này đối diện với buồng tôi ở nhưng cách một khoảng sân ở giữa đến gần 100 mét. Chúng tôi bị cấm không được lại gần.

Sinh hoạt trong trại vẫn bình thường như mọi ngày. Buổi chiều mọi người đi lao động về, ai không có việc gì thì lang thang đứng ngồi tay cầm ca, chén, bát chờ nhận phần ăn, vài người được phân công đến nhà bếp khiêng phần của đội về chia cho mọi người. Còn một số rất ít thì lu bu ra khoảng sân sau buồng mình, nhóm lửa đun nấu cơm, đồ ăn được gia đình tiếp tế hoặc những thứ rau, cỏ thu nhặt được trong lúc đi lao động để cải thiện thêm cho bữa ăn trại phát mà thường thường buổi chiều chỉ được một hai chén bắp đá hay khoai mì lát.

Gọi là bắp đá vì đây là loại bắp hột vàng đã già, phơi khô cứng như đá, dành để xay ra bột làm thức ăn cho gia súc. Khoai mì lát là thứ khoai mì để cả vỏ, chặt thành từng lát mỏng đã phơi khô. Cho tù ăn thì cứ thế đổ vào chảo, cho nước và ít muối đun sôi đến lúc cạn hết nước. Ăn vào mồm không còn một chút mùi vị. Ăn để gọi là có ăn, cố nhai nuốt cho đầy bụng đánh lừa cái bao tử nó đỡ hành, nhưng chính dạ dày cũng không đủ sức để nghiền nát giúp cơ thể nhận được một tí bổ dưỡng bù đắp cho số calories đã mất đi sau ngày lao động. Khẩu phần ăn của nhà tù, mỗi người được 9 kí lô gạo một tháng, nhưng một phần lớn gạo được thay thế bằng chất độn với tỷ lệ 1 phần 3. Bớt đi 1 kí gạo thì được thay vào là 4 kí bắp đá hay khoai mì lát. Chúng tôi được phát cho ăn ngày ba bữa. Sáng trước khi đi lao động được một chén bắp hay khoai mì; trưa ăn cơm, trung bình mỗi người được chia lưng lưng chén với một chén canh rau luộc có nêm muối và bột ngọt, một vài cọng rau lều bều trong chén nước và buổi chiều thì lại tái diễn bắp, khoai mì với số lượng nhiều hơn buổi sáng một tí.

Chỉ toàn một màu đen
Một hai hôm sau, tôi được một anh tên Thanh, ở cùng đội với anh Côn rỉ tai khoe: "Chúng tôi đã hậu thuẫn để anh Côn tranh đấu như vậy cho mọi người". Tôi không hiểu anh ta cố tình khoe khoang, khoác lác như vậy hay là rồi ra sự việc sẽ còn tiếp diễn với sự kiện khác, nên chỉ biết yên lặng quan sát xem thế nào, chờ xem tất cả thành phần tù chính trị phản động trong trại sẽ có phản ứng gì thêm không? Anh này cũng lại khoe: "Chúng tôi cũng đã tìm cách lén lút đưa đồ ăn và thuốc trợ lực vào cho anh Côn kéo dài thời gian tranh đấu."

Nhưng ngày lại qua ngày, sinh hoạt trong trại vẫn bình thường như không có gì xảy ra. Chỉ có buổi chiều đi lao động về, được một giờ tự do ở ngoài buồng để ăn uống trước khi cán bộ trại vào điểm danh rồi nhốt lại trong buồng ngủ, nhiều anh em đã cố chăm chú nhìn sang phía cái buồng đang giam anh Côn để xem có động tĩnh gì không, nhưng qua khung cửa có chấn song, bên trong chỉ toàn một màu đen ngòm.

Anh bạn tên Thanh lại nói với tôi là không có cách nào lén đưa đồ ăn, uống vào cho anh Côn vì chúng canh gác kỹ lưỡng quá. Trong khi đó, tôi được Duyên Anh và Đằng Giao kể cho biết hôm đầu ở lại trại để "làm việc" với cán bộ trại, dù cán bộ trại đã khuyên anh Côn nên sinh hoạt bình thường chờ trên giải quyết, nhưng anh Côn vẫn khăng khăng không chịu. Anh tuyên bố đã quá thời hạn tập trung cải tạo, bây giờ anh là người tự do, nên sẽ không ăn đồ ăn của trại nữa! Tên cán bộ trại thấy nói anh Côn không được nên đã bảo "Đồ ăn là của trại, anh không ăn cũng được, nhưng nước cũng là của trại, anh cũng sẽ không được uống nước". Thế là chúng giam anh trong buồng đó một mình và canh gác kỹ bên ngoài.

Qua được 4, 5 ngày buổi chiều đi lao động về, tôi nghe nói anh Côn đã được thả ra rồi và bây giờ phải ở cách ly chung trong buồng của những người tù hình sự và được mấy người tù hình sự làm trật tự trong trại kiểm soát. Anh rất yếu mệt, đứng ngồi không nổi, chỉ nằm. Sau đó, cũng chính Duyên Anh và Đằng Giao kể lại cho tôi là cố gắng được vài hôm, rồi anh Côn không còn chịu đựng nổi với đói và nhất là khát, anh đã cố gắng bò lết ra cửa sổ, hai tay bám víu vào chấn song thều thào kêu lên: "Cơm, cơm! Nước, nước!..." Tên cán bộ đi vào quẳng cho anh một xấp giấy và cây bút nói anh muốn ăn cơm lại thì làm "đơn xin" và viết "bản tự kiểm". Anh Côn quá mệt không còn biết viết thế nào nữa, trên mấy tờ giấy chỉ nguệch ngoạc được những chữ "Cơm, nước".

Duyên Anh và hành động của anh Côn
Duyên Anh cũng cho tôi biết là cán bộ trại có gặp anh hỏi về phản ứng của số văn nghệ sĩ ở trong trại đối với việc làm của anh Côn, Duyên Anh trả lời đó là việc cá nhân của anh Côn, không ai hay biết gì cả. Có lẽ anh Côn già yếu, bệnh hoạn, lại lâu không có tin tức gia đình nên mới quẩn trí sinh ra hành động như vậy. Còn các anh em khác thì vẫn "an tâm lao động, học tập cải tạo cho chóng... tiến bộ để sớm được về sum họp với gia đình". Đây là một câu trả lời "đúng sách vở khuôn phép" mà cán bộ coi tù ưng ý nhất. Do đó, cán bộ Cộng sản không gọi ai trong chúng tôi để hỏi tiếp nữa. Thật ra, trong cả trại này, cũng chỉ có năm người trước đây là văn nghệ sĩ và làm báo: ngoài anh Côn, Duyên Anh, Đằng Giao, có một cậu còn trẻ, mới vào nghề làm phóng viên cho tờ Trắng Đen là Dương Đức Dũng và tôi thôi. Nhưng riêng tôi, cán bộ trại chỉ biết qua tội danh là sĩ quan "ngụy", loại "trình diện".

Tôi tin những gì Duyên Anh và Đằng Giao kể lại vì trong trại, các anh là người rất được bọn cán bộ tin cẩn và thường được bọn cán bộ nói cho nghe nhiều chuyện. Ngay cả Trưởng khu, Trưởng trại cũng thỉnh thoảng nhờ Duyên Anh viết hộ những bài nói chuyện, đọc trước trại trong các dịp đặc biệt.

Chừng một tháng sau, lúc sức khỏe của anh Côn đã kha khá, tạm thời đi đứng được và mọi người hầu như quên đi hành động của anh đã làm, thì một hôm, cũng trước giờ đi lao động, các đội đã ngồi trong hàng ngay ngắn, cán bộ trực trại cho mấy người trật tự hình sự dẫn anh Côn ra bắt đứng giữa sân để nghe quyết định kỷ luật. Anh đứng mà người cứ rũ xuống như không còn đứng vững và đầu thì cúi gằm xuống đất.

Đòn độc của cộng sản
Bình thường như các trường hợp khác, cán bộ trại chỉ đọc ngay quyết định kỷ luật là đủ, nhưng với anh Côn, trước khi đọc quyết định, tên cán bộ Độ còn đọc cho cả trại nghe bản tự kiểm của anh Côn trước. Phải làm tự kiểm ở trong tù là việc thường xảy ra như cơm bữa đối với tất cả mọi người. Khi viết thì ai cũng nói qua loa, quanh quất cho đầy trang giấy rồi cuối cùng cần nhất là phải nhận lỗi, nhận "khuyết điểm" rồi hứa sẽ "quyết tâm sửa đổi" là xong. Do đó, chả ai để ý nghe và còn nhớ nội dung tờ kiểm điểm anh Côn đã viết những gì. Chỉ có một điều là sau bản kiểm điểm, anh Côn còn làm thêm bài thơ ca tụng đường lối chính sách của cộng sản, ca tụng lòng tốt của tên cán bộ Độ, cán bộ trực trại cùng một số cán bộ khác nữa. Độ là một tên công an nhỏ con, thấp lùn, mặt đen xì, mới chừng ngoài 20 tuổi.

Đến khi đọc quyết định kỷ luật, khởi đầu cũng "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" rồi "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc". Sau đó mới "Nay quyết định thi hành..." Kỷ luật dành cho anh Côn là "cùm 3 tháng". Thế nhưng bên dưới nói tiếp: thấy anh Côn già yếu nên trại khoan hồng tha cho anh khỏi cùm, trong thời gian bị kỷ luật anh phải ở cách ly, không được tiếp xúc với mọi người. Trại không có phòng giam riêng để cách ly nên anh Côn vẫn được cho ở chung phòng của những phạm nhân hình sự. Từ đó, chúng tôi đã không còn trông thấy mặt anh Côn nữa vì anh vốn đã yếu, ăn uống không có gì bổ dưỡng, thuốc men không có, sức khỏe ngày càng hao mòn, nằm miết một chỗ trong buồng.

Anh Côn không còn nữa
Như vậy một thời gian, hôm đó vào ngày Chủ nhật, thân nhân của anh Côn mới lại tới trại để thăm nuôi anh, nhưng tên cán bộ phụ trách thăm nuôi không cho gọi anh Côn ra gặp mặt vì qui định trong trại tù là can phạm đang trong thời gian bị kỷ luật không được phép thăm nuôi tiếp tế. Anh nằm một chỗ, nhưng anh em vẫn thỉnh thoảng chia xớt cho anh chút ít đồ ăn, thuốc men qua tay một vài người tù hình sự ở cùng trong buồng với anh. Thân nhân không được gặp và anh cũng không biết là có thân nhân đã tới trại thì không sao. Nhưng đằng này, tên cán bộ lại vào gọi anh Côn mà nói cho anh biết rằng anh đã có thân nhân lên tới trại để thăm nuôi tiếp tế. Tuy nhiên, anh đang bị kỷ luật nên không được phép ra gặp. Anh Côn năn nỉ mãi không được, cuối cùng chỉ xin cho nhận đồ tiếp tế để bồi dưỡng sức khỏe đang bệnh hoạn mà tên cán bộ vẫn khăng khăng không chịu.

Thế là trong đêm đó, anh Côn đã ra đi vĩnh viễn!

Anh nhắm mắt tắt thở ở trong trại, trong khi thân nhân của anh vẫn còn nằm ôm đống đồ tiếp tế cho anh, ngủ lại qua đêm trong nhà thăm nuôi ngoài cổng trại.

Không biết bọn cán bộ cai tù sáng hôm sau có báo tin cho thân nhân của anh ở ngoài trại hay không? Hay thân nhân của anh Côn đã ra về từ sáng sớm, vừa mang vác đồ tiếp tế, đem lên lại phải tha về, lội bộ cả 5, 7 cây số mới ra đến chỗ đón chờ xe, mà trong lòng lại thầm trách người nhà của mình đã làm gì để đến nỗi bị kỷ luật, khiến cho tốn hao bao công sức tiền của, đi tới nơi mà không được phép gặp?

Đám tang buồn dành cho anh Côn
Những chi tiết này vẫn do Duyên Anh và Đằng Giao kể lại cho tôi vì hai anh có khá nhiều đệ tử trong giới tù hình sự đã nói lại. Chỉ biết thêm là sau đó, anh Côn được nằm yên trong một cái hòm gỗ đóng thô sơ, may mà trại có một xưởng cưa máy, nên sẵn ván, nếu không thì chỉ bó chiếu. Hòm được đặt trên một chiếc xe cải tiến, loại xe kéo có bánh sắt. Đưa anh đi chỉ có bốn người tù hình sự vừa kéo, đẩy xe vừa mang cuốc, xẻng đào hố chôn anh ở đâu đó trong rừng. Ngoài ra cũng vẫn còn có thêm mộ vệ binh vác AK để canh giữ 4 người tù hình sự này.

Mấy người tù hình sự đã đi chôn anh Côn, sau này kể lại là đã đánh dấu nấm mộ bằng những cục đá và chặt khắc lên thân cây cũng gần đó. Nhưng rồi không biết thời gian đã qua đi, có ai còn nhớ để chỉ lại cho thân nhân của anh nữa không?

Thế là cũng xong một kiếp người! Hai tay buông xuôi là hết!

Đến lúc ở tù ra, tôi được nghe rất nhiều lời đồn đãi về cái chết của anh Côn là do Duyên Anh gây ra. Sự kiện đã xảy ra, ai cũng có quyền tự do phát biểu bất cứ nhận định nào đã được vo tròn bóp méo dưới sự chủ quan của mình.

Với tôi, đã có một thời gian ở tù cùng một chỗ và chứng kiến cái chết của anh Côn, nhưng ở ngay đó mà nhiều chi tiết cũng còn phải nghe người khác kể lại mới biết, nên không thể qui trách, khẳng định gì cả.

Có chăng, chỉ có thể nói là anh Côn đã không biết một tí gì về sách lược đấu tranh của người cộng sản. Khi anh can đảm một mình đứng lên tranh đấu với cộng sản, anh đã quá mơ hồ, tưởng rằng chỉ cần một mình anh đứng lên cất tiếng nói, một mình anh đe dọa "Không ăn cơm của trại" thế là đủ để cho cộng sản "sợ". Anh đã một mình tranh đấu trong lúc chính anh, không có một tí chuẩn bị trước, không có một cái gì làm chỗ dựa, không một chút hậu thuẫn từ bất cứ đâu và hoàn toàn bị cô lập trong sức mạnh và quyền lực của kẻ đang áp chế mình.

Bài học về tranh đấu chống Cộng sản
Kể lại một sự việc xảy ra đã quá lâu ngày, trong khi đầu óc đã bị ảnh hưởng nhiều trong tù đày và hàng ngày phải lăn lộn kiếm sống ở chợ trời trong chế độ cộng sản. Sau khi được ra tù, tôi không còn nhớ được chính xác từng ngày tháng, dữ kiện. Nếu như các anh Đằng Giao, Duyên Anh có tình cờ đọc bài này, thì trước hết hãy cho tôi "Xin lỗi" là đã nhắc nhiều đến các anh ở đây và cũng xin cho biết có điểm nào tôi đã nhớ không đúng sự thật.

Suy ngẫm về việc này, tôi chỉ thấy tiếc rằng, đã là một người từng nghiên cứu về cộng sản, nhưng không biết chính anh, anh Côn có nhìn thấy những tên cai tù cộng sản, trước sự đấu tranh của anh, chúng đã tách anh ra khỏi đám đông khi bảo anh ở riêng một chỗ để "làm việc". Chúng đã thủ đoạn, chơi chữ với anh khi anh tuyên bố "Không ăn cơm của trại" để rồi tàn độc cấm luôn cả nước uống. Thử hỏi từ trước tới nay, đã có một cuộc tuyệt thực nào mà người tham dự đấu tranh lại dám từ bỏ cả nước uống? Rồi cũng chính anh lại tự cung cấp cho chúng bằng chứng chịu nhận bị khuất phục, trên giấy trắng mực đen, qua bài thơ anh ca tụng, tâng bốc kẻ đã hành hạ, đọa đày mình, trong khi không có một sự cưỡng ép nào bắt anh phải làm bài thơ như vậy ngoài bản tự kiểm điểm. Và cuối cùng chính anh đã phải uất ức nhắm mắt chỉ vì một đòn tâm lý rất độc ác của cán bộ Cộng sản đánh trúng vào lúc cấp thiết nhất của nhu cầu vật chất con người.

Dù sao, đến bây giờ anh Côn đã nằm yên trong lòng đất trên 10 năm rồi. Cầu cho hương hồn anh được yên nghỉ.
Lê Thanh Sơn
Tháng 5/1993

(Tác giả Lê Thanh Sơn là cựu phóng viên Việt Tấn Xã ở Sàigòn trước tháng 4-1975.)






MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.