Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2013

Mai Thứ (1906-1980)


















Mai Thứ

Tên thật: Mai Trung Thứ
(1906 Hải Phòng - 1980 Paris)
Hưởng thọ 74 tuổi
Họa sĩ









Tác phẩm tiêu biểu






















Hội Họa



































































































































































































Mai Trung Thứ - Họa sĩ của mộng mơ

Nguyễn Hải Yến



.... Mai Thứ đã để lại một tài sản tinh thần vô giá với những bức tranh nhẹ như gió thoảng của những Nụ hôn, Hạnh phúc, Trường thọ, Trừu mến, Làm dáng, Yên lặng, Tuổi thơ, Tĩnh vật hoa ly, Hoa đào… Chỉ cần điểm qua những tên gọi tác phẩm đã thấy bảng lảng đâu đó một Mai Trung Thứ yêu đời - lãng tử trong nền nghệ thuật tạo hình cận hiện đại VN.

Sinh ra trong một gia đình trung lưu tại Huế, năm 1906, ra Hà Nội học hội họa, Mai Trung Thứ là một sinh viên mỹ thuật, họa sĩ đầu tiên người Huế thành danh ở Hà Nội - Paris những năm 30, cùng khóa thứ I trường Mỹ thuật Đông Dương với các họa sĩ Lê Phổ, Lê Văn Đệ, Nguyễn Phan Chánh, Công Văn Trung và nhà điêu khắc Georges Khánh. Có thể nói, đây là thế hệ họa sĩ Việt Nam (VN) đầu tiên bộc lộ tình cảm của mình trên những tác phẩm mang khuynh hướng lãng mạn với bút pháp hiện đại. Đề tài quen thuộc của họ là thiếu nữ, phong cảnh, sinh hoạt gia đình, được thể hiện bằng đường nét, bảng màu ấn tượng, tinh tế, gợi cảm và quyến rũ.






Thiếu phụ - Tranh sơn dầu (1930) của Mai Trung Thứ 



Nổi tiếng là người nghịch ngợm, nhanh nhẹn, đôi chút chải chuốt trong trang phục, cử chỉ, Mai Trung Thứ nhanh chóng hòa nhập với tầng lớp trí thức Hà Nội trước phong trào Âu hóa những năm 30. Bạn bè gọi thân mật là Mai Thứ và Mai Trung Thứ - bằng lòng với tên gọi đó - đã dùng luôn bút hiệu Mai Thứ trên các tác phẩm của mình kèm theo một dấu triện đỏ.

Tranh thiếu nữ của Mai Thứ gợi nhớ một nét đẹp ẻo lả, duyên dáng, thùy mỵ với hình dáng mảnh mai, thon thả, yêu kiều, đặc biệt là đôi mắt. Ông diễn tả đôi mắt thiếu nữ mà nhiều người vẫn coi là cửa sổ tâm hồn thật đa sầu, đa cảm, ướt át. Nhân vật trong tranh của ông đều có đôi mắt buồn vô cớ, tư lự mà những ai đã một lần xem tranh thiếu nữ của ông sẽ mãi mãi nhớ nhung.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân - người sau này đã để lại cho đời bao bức tranh thiếu nữ tuyệt vời đã nhận xét tranh của Mai Thứ: “... Bức Thiếu nữ ngồi hai mắt ươn ướt như sắp khóc của Mai Trung Thứ đã cuốn hút người xem”. Một họa sĩ đương thời là Trần Văn Cẩn cũng tâm đắc: “Không ai vẽ thiếu nữ có đôi mắt đẹp và trong như dòng sông Hương tài bằng Mai Trung Thứ qua tác phẩm vẽ lụa Cô gái có tang (1935) buồn bã, âm thầm”. Thật vậy, Mai Trung Thứ đã lược bỏ mọi chi tiết để dành chút đường nét hiếm hoi diễn tả đôi mắt thật ướt át, âu sầu, mơ mộng trên nét mặt thiếu nữ yêu kiều, hiền dịu.

Năm 1937, ông qua Pháp và định cư tại đó cho đến khi mất năm 1980. Tranh thiếu nữ đẹp với đôi mắt “ươn ướt như sắp khóc” vắng dần trên các tác phẩm của ông. Thay vào đó là tác phẩm vẽ về tình mẫu tử, tình chị em, gia đình vẫn mang nặng phong cách Á Đông nhưng đậm nét trang trí, rực rỡ, lắng đọng tình cảm của một người xa xứ luôn hướng về cố hương.

Trong suốt cuộc đời sáng tạo của Mai Trung Thứ, nổi bật hai giai đoạn: Những tác phẩm cổ điển sáng tác tại VN những năm 30 và những tác phẩm ra đời từ kinh đô ánh sáng ấn tượng – Paris, nhưng đều nhất quán về chủ đề thiếu nữ. Kết thân với Lê Phổ nhưng khuynh hướng nghệ thuật của hai ông khác nhau. Lê Phổ đường bệ, quý phái, đài các; còn Mai Thứ lãng mạn, yêu kiều, bay bướm. Ông đã tạo một diện mạo riêng khác với Tô Ngọc Vân, Trần Bình Lộc - những họa sĩ đều đắm chìm mô tả thiếu nữ thanh tân Hà Nội những năm 30. Năm 1936, cả ba ông đều tham gia triển lãm mỹ thuật do Hội Khuyến khích Mỹ thuật kỹ nghệ SADEAL tổ chức, cả ba đều thể hiện cô gái Hà Nội tân thời, mặc áo lemur-cát tường, rẽ ngôi lệch, vấn tóc trần. Mẫu hình “áo ngắn, người cứng” quyến rũ bút pháp Mai Thứ, thêm vào đó là đôi mắt mơ mộng, huyền ảo quyến rũ khách si tình.

Năm 1974, họa sĩ Mai Trung Thứ và nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị về VN chơi. Họa sĩ, nhà điêu khắc xa quê trở về cố hương trong nỗi niềm xúc động. Chúng tôi đưa hai nghệ sĩ đi thăm chùa Bút Tháp cổ kính, làng tranh Đông Hồ. Ngồi trong ô tô, họa sĩ Mai Thứ cứ nhắm nghiền hai mắt, ông sợ giao thông lộn xộn ở Hà Nội. Bên ngôi chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), ông và nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị xúc động nhớ lại những ngày ở Pháp mơ trở về làng quê VN với những kiến trúc hài hòa, con người bình dị một nắng hai sương. Cũng trong dịp trở về này, ông nhiều lần đến Bảo tàng Mỹ thuật xem lại các tác phẩm của các bạn cũ Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Trần Bình Lộc, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Gia Trí, Lương Xuân Nhị - những người bạn một thời dấn thân vào trường Mỹ thuật những khóa học đầu và đã thành danh. Nhưng trong ký ức của ông lại là những kỉ niệm vui vẻ, nghịch ngợm mà người bị trêu chọc nhiều nhất lại là chàng họa sĩ miền Trung Nguyễn Phan Chánh.

Trong bài Bước đầu của hội họa VN hiện đại, họa sĩ Tô Ngọc Vân phác gợi không khí học tập thủa ấy: “Giữa cái ổ đầu tiên của Mỹ thuật VN hiện đại ấy có những bức tranh vĩ đại của ông Tardieu. Trước mắt chúng tôi là một cái thang dài đứng lêu nghêu tới tận đỉnh tranh và kêu răng rắc mỗi khi ông Tardieu nặng nề bước lên để vẽ vào bức họa. Cái thang ấy ngày ngày ở cao nhìn xuống chúng tôi túm tụm nhau dưới chân nó, như vừa thiện cảm, vừa tinh nghịch, thóc mách. Suốt buổi nó ngắm cái đầu rối bù rất mỹ thuật và muốn có trật tự của Lê Phổ, lúc nào cũng trịnh trọng trên vòng cổ cồn cứng gẫy góc và chiếc cà vạt đen dài. Nó ranh mãnh chứng kiến cảnh chẳng may của chàng Nguyễn Phan Chánh cứ mỗi ngày lại y như thế xảy ra, hai lần sáng và chiều. Số là chàng có một ô bạc màu mỗi buổi vẽ đi theo chàng mà chàng nhất định giữ bên mình không rời trong khi ngồi vẽ. Ông Tardieu hôm đầu thấy thế không sợ mếch lòng chàng đem ô cài vào thang nhưng… buổi sau, sau nữa và buổi nào cũng thế công việc giữ ô cạnh mình là của chàng Nguyễn Phan Chánh, công việc của cái thang mỗi lần đặt cái ô lên mình nó lại kêu “rắc” nện xuống như chế nhạo, đếm thêm một lần. Ngồi góc kia là Mai Trung Thứ môi ưỡn ra, hai mắt lồi bật như muốn chạy lên mình người mẫu khỏa thân đứng kiểu mà chàng đang kiên tâm chép họa hình thể. Ngồi góc này là Lê Văn Đệ cũng mải miết, cũng kiên tâm và thỉnh thoảng thích chí cái gì không rõ cười phì ra một hơi như chiếc phào sì bất ngờ lên tiếng”…
Nhắc lại chuyện xưa, họa sĩ Mai Thứ còn giữ nguyên nhiều hình ảnh quen thuộc với các bạn ở Hà Nội, mặc dù đã qua bao thăng trầm, nhưng với ông kỷ niệm xưa vẫn còn hiện hữu.

Trong dịp trở về này, Mai Thứ đã tặng Bảo tàng Mỹ thuật VN tranh Thiếu nữ Huế với đôi mắt mơ mộng thủa nào. Đó là tác phẩm sơn dầu cổ điển vẽ năm 1934, thể hiện một thiếu nữ với dáng đẹp quý phái, ẻo lả, đôi mắt mơ mộng, dịu dàng, đa cảm. Xem tranh này, chúng ta có thể thưởng thức từng chi tiết nhỏ nhặt được diễn tả tỉ mỉ mà không phóng bút. Những ngón tay búp măng đặt hờ hững trên ghế, tấm áo dài mềm mại màu xanh nhạt, làn da mịn hồng, đôi mắt đen huyền ảo. Tác giả chỉ lướt nhẹ vài đường đã làm nổi bật một âm hưởng xa vời nào đó của quá khứ trong những năm tháng thanh bình. Vẻ dịu buồn thiếu nữ được điểm tô bằng những nét bình dị trong bố cục màu trầm, trang nhã.

Năm 1978, trong chuyến đi công tác tại Sài Gòn, các chuyên gia Bảo tàng Mỹ thuật đã sưu tầm thêm một tranh phấn màu của Mai Thứ. Một cô gái Huế e lệ che nón. Đôi mắt nhung dịu dàng đen láy, chỉ có hai tranh này trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật nhưng ấn tượng của Mai Thứ về những người con gái Hà Nội xưa mà ông đã thể hiện bằng tài năng bậc thầy đã đưa ông vào vị trí những họa sĩ cận đại tên tuổi của hội họa VN.

Rồi cũng như Lê Phổ, sống giữa kinh thành Paris tráng lệ với những danh họa khổng lồ của khuynh hướng mỹ thuật hiện đại: Lập thể, Biểu hiện, Trừu tượng, Dã thú…, họa sĩ Mai Trung Thứ vẫn cốt cách Á Đông cổ kính, nhã nhặn trong diễn tả hình thể và màu sắc, tác phẩm mang tính trang trí, ước lệ rõ nét, tỉ lệ người thu ngắn hay kéo dài phảng phất nghệ thuật hội họa Nhật Bản thời cổ điển, ổn định trong bố cục, ánh sáng, lấy sự diễn đạt hình họa chính xác làm chủ yếu tạo cảm xúc thẩm mỹ mạnh mẽ.

Ông đã tổ chức tại Pháp ba triển lãm cá nhân với chủ đề: Trẻ em của Mai Thứ năm 1964; Phụ nữ dưới con mắt Mai Thứ năm 1967; Thế giới thơ của Mai Thứ năm 1980. 

Đó là những triển lãm đánh dấu giai đoạn sáng tác của ông những năm ở Pháp với những đường nét hoa mỹ, ước lệ, bảng màu nguyên sắc khi êm dịu, màu ngọc bích, xanh dương, vàng chanh, khi đậm sắc tím biếc, đỏ hồng. Các đường nét được tỉa tót, gợi tả ý nhị, màu sắc gọn ghẽ, không chuyển tiếp đột ngột, ứ tràn khỏi đường viền hình họa.

Chủ đề Trẻ em của Mai Thứ triển lãm vào năm 1964 những em bé VN trong trang phục lễ tết năm mới, em trai, em gái đều mặc áo dài gấm hoa cổ truyền, trịnh trọng, em gái tóc Nhật Bản ôm lấy khuôn mặt tròn trĩnh ngây thơ. Cũng phải nói thêm là các em gái VN tuổi thơ của mình đều thừa hưởng một kiểu tóc Nhật Bản vừa giản dị, vừa ngây thơ trong sáng. Hình ảnh các em bé đó trên tranh Mai Thứ có rất nhiều nhưng không dễ dãi. Tác phẩm thể hiện trên nền lụa một phong cách hội họa khác biệt, không ồn ào, vội vã, đường nét từ tốn, vờn khối nhẹ nhàng, ấm áp, hương vị Châu Á. Hình ảnh chị cõng em trên bức lụa Cơn Gió thấp thoáng ánh sáng trang trí hội họa Nhật Bản. Đó là những nét tinh tế, dù vẽ trên lụa nhưng Mai Thứ tránh độ nhòe mờ của hội họa Trung Hoa mà rất chú trọng đến nét vẽ. Sự phô diễn những nét thanh mảnh kĩ càng, tỉ mỉ đã tạo một phong cách riêng, rất khó lẫn với người khác, làm nên danh tiếng của ông những năm ở Pháp.

Chủ đề Phụ nữ dưới con mắt của Mai Thứ triển lãm năm 1967 là chủ đề ông quan tâm ngay từ những ngày ở trên ghế nhà trường mỹ thuật, chỉ có điều ở Pháp chủ đề phụ nữ với đôi mắt mộng mơ, huyền ảo đã lui vào dĩ vãng, nhưng ta vẫn tìm thấy bóng dáng người phụ nữ yêu kiều mảnh dẻ rất VN ở những tranh lụa Nữ nhạc công thổi sáo, Trừu mến, Tắm, Cô gái bưng tách trà, Trang điểm, Người đàn bà bên gối đỏ, Yên lặng, Thiếu nữ với hoa hồng. 

Ảnh hưởng khuynh hướng Tân cổ điển bảo tồn đến cùng hình họa, Mai Trung Thứ đã dành trọn quãng đời bình yên nhất trong cuộc đời mình để thỏa sức sáng tạo những nét vẽ thiếu nữ một đi không trở lại. Những nét vẽ không cầu kỳ, tôn giáo, không khoa trương da thịt mà từ tốn ẩn náu một tâm hồn thanh đạm, lãng mạn, mong manh như đồ sứ dễ vỡ.

Mai Thứ đã kể hết tâm sự của mình trong một triển lãm có chủ đề Thế giới thơ của Mai Thứ - 1980. Triển lãm như một bản di chúc, một lời tự bạch sáng sủa, đằm thắm về con đường đến nghệ thuật của mình. Mai Thứ đã tìm về phương Đông, trên những tác phẩm có xu hướng Á Đông luôn gắn bó thể hiện. Đó là những nét gió rất nhẹ, những đường như sóng gợn, cảm nhận từ âm nhạc với nhạc cụ quen thuộc ông đã chơi từ những năm ở Hà Nội: Đàn thập lục đã đưa bảng màu quyến rũ của ông đến với những cung bậc khác nhau chan chứa vẻ tế nhị, quyến rũ. Với màu sắc vui tươi, chói lọi, yêu đời, nhân vật trong tranh Mai Thứ tràn đầy sức sống đầm ấm trong từng bố cục. Chị cõng em với đôi mắt mở to trong sáng hồn nhiên, bà mẹ ôm con trừu mến, đứa trẻ đang ngủ với gương mặt thiên thần, những đêm hè tĩnh mịch, những nụ cười, nụ hôn, những nghệ sĩ chơi đàn và sáo…

Mai Trung Thứ đã làm sống lại một VN thanh bình với bao ký ức của một tuổi thơ êm ả. Nhắc đến tác phẩm của ông, ta phải nhớ ngay đến đôi mắt mơ mộng thiếu nữ thủa nào mà ông đã dành cả cuộc đời mình thể hiện.

Mai Thứ đã để lại một tài sản tinh thần vô giá với những bức tranh nhẹ như gió thoảng của những Nụ hôn, Hạnh phúc, Trường thọ, Trừu mến, Làm dáng, Yên lặng, Tuổi thơ, Tĩnh vật hoa ly, Hoa đào… Chỉ cần điểm qua những tên gọi tác phẩm đã thấy bảng lảng đâu đó một Mai Trung Thứ yêu đời - lãng tử trong nền nghệ thuật tạo hình cận hiện đại VN.


Nguyễn Hải Yến











Mai Thứ tại xưởng vẽ



























































































Mai Trung Thứ: Một tài năng , một tấm lòng











































































Nhà thờ Saint-Pierre de Mâcon. 
(Tranh tường.1941)





















































Tranh và khung tranh của Mai Thứ














Affiche triển lãm lần cuối cùng tại Galerie Vendome 
trước khi ông qua đời tại Paris 












Mai Thứ tại xưởng vẽ tại Vanves. 1964








Thế giới trẻ thơ và lễ hội

trong tranh Mai Thứ



Mai Trung Thứ, sau này chỉ lấy ngắn gọn Mai Thứ cùng với Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm là những họa sĩ Việt Nam sống ở Pháp sớm nhất, từ thập niên 1930. Ông qua Pháp năm 1937, sau Lê Phổ một năm, lúc bấy giờ đang dạy vẽ ở Huế. Được chọn đi Paris nhân dịp Triển Lãm Quốc Tế để phổ biến nghệ thuật hội họa và âm nhạc cổ truyền Việt Nam - ông còn là một nhạc sĩ hảo hạng về các loại đàn cổ. Và từ đó ông ở luôn tại Pháp cho đến năm từ trần 1980.



Giữa Paris và Mai Thứ lập tức nổ ra “cú sét đánh” mà ba mươi năm sau cú sét vẫn kéo rền. Tha hương mà vẫn trung thành với xứ sở phương Nam xa xôi, Mai Thứ ngay từ buổi đầu, bằng một kỹ thuật rất thông thái về vẽ trên lụa và bột màu (gouache) không ngừng cống hiến cho những người yêu nghệ thuật ở phương Tây cái nhìn của họa sĩ về một thế giới trong đó cái thực được nạm màu sắc một bức màn huyền bí trầm tư và mềm mại, còn chất thơ thì trang sức cho cái thường ngày bằng màu mộng


Thật vậy, khác với sắc hoa sặc sỡ trong tranh Lê Phổ, tình mẫu tử trong tranh Lê Thị Lựu, một thoáng thiền đạo trong tranh Vũ Cao Đàm, tranh Mai Thứ cho ta ấn tượng về một lễ hội, làm mới lại những nét cổ truyền, màu sắc đường nét thanh thoát như hư không. Trong vựng tập Pénéla giới thiệu tranh thiếu nữ Mai Thứ sớm nhất ở Paris có đoạn viết thật thú vị:


Quoi de plus léger qu' une plume?
la poussière
de plus léger que la poussière?
le vent
de plus léger que le vent ?
la femme
de plus léger que la femme?
rien


(Còn gì nhẹ hơn mảy lông ?
hạt bụi
còn gì nhẹ hơn hạt bụi ?
con gió
còn gì nhẹ hơn con gió ?
đàn bà
còn gì nhẹ hơn đàn bà ?
hư không)



Tranh lụa Mai Thứ là những nét chắt lọc, qua suy nghiệm để đi đến một sự thanh thoát, vẽ như hư không. Những gam màu lục biếc của ông đầy chất thơ tuyệt diệu. Đặc biệt vẽ về trẻ thơ. Năm 1964 ông đã triển lãm tại Galerie du Péristyle phòng tranh mang tên ''Les enfants de Mai Thu” được rất nhiều người hoan nghênh và ngưỡng mộ. Nhiều nhà xuất bản đã mua bản quyền để in thiệp và tranh lại. Rất nhiều galerie nổi tiếng ở hữu ngạn và tả ngạn sông Seine bày tranh của ông qua “ông bầu” mỹ thuật J.F.Apesteguy, một giám đốc về nghệ thuật có tiếng, cho tới mãi sau này về tranh Mai Thứ.

Những năm 1940 – 1942 Mai Thứ tự nguyện nhập ngũ trong quân đội Pháp. Trong thời gian sống ở Mâcon trước khi về lại Paris ông đã vẽ trang trí bên trong ngôi giáo đường lớn St-Pierre đã thành niềm hãnh diện cho thành phố này. Nghệ thuật Mai Thứ đã được cả thế giới biết đến và có chỗ đứng cao trong nền hội họa hiện đại Pháp. Với Việt Nam ông là một bậc thầy danh tiếng về tranh lụa cùng với Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ và Lê Văn Đệ, những người bạn học cùng khóa đầu tiên (1925- 1930) ở trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương – Hà Nội [1]

Ngôn ngữ của ông bắt nguồn từ cội rễ nền văn hóa và truyền thống Á Đông cộng với đường hướng mới của hội họa Tây Phương thời đó mà ông đã tiếp xúc đã để lại trong thế giới tranh Mai Thứ một nét riêng khó nhầm lẫn. Theo Armand Drouant, một nhà sưu tập tranh nổi tiếng của Pháp, qua kinh nghiệm xem và chọn mua tranh, theo ông có rất nhiều điểm cần thiết cho một bức tranh, nhưng ông chú ý nhất đến hai yếu tố: sự thành thật của rung cảm và sự thông minh tinh tế của nét vẽ. Tôi thấy được cả hai yếu tố ấy trong tranh Mai Thứ. Tranh ông ngày nay hiếm và rất đắt giá ở các nơi bán đấu giá tranh nổi tiếng như Christie và Sotheby’s thường tổ chức ở New York và Hong Kong .
Nhân ngày Tết, xem lại thế giới trẻ thơ trong tranh Mai Thứ là một niềm vui, một hạnh phúc . Ở đó ta thấy tình mẹ mặc áo mới cho con, cùng đưa con đi chùa. Những nén hương và những quả phẩm. Cả những trò chơi của trẻ em cũng được ông bố cục lên tranh theo một không gian dẹt thật mới, thật thanh thoát. Tấm thiệp Cung Chúc Tân Xuân với tranh Mẹ dạy thêu thùa của ông do UNICEF in để bán giúp cho Hội Những Trẻ Em Trên Thế Giới ông tặng khi ông từ Paris ghé về thăm trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế năm 1960 tôi còn giữ cho đến nay. Tôi còn nhớ mãi bóng dáng một người thô, chắc, với cặp kính gọng nhựa đen to, mặc chiếc áo gilet màu xám đậm đứng chụp ảnh chung cùng thầy Tôn Thất Đào và nhà doanh nhân Viễn Đệ trước bức bình phong biệt thự Viễn Đệ sát cạnh trường Mỹ Thuật Huế bên bờ sông Bến Ngự. mới đó mà đã hơn nửa thế kỷ…



- Mai Trung Thứ - Viễn Đệ - Tôn Thất Đào 
Huế 1960 ( ảnh tư liệu DC )



Virginia, November 20, 2014


[1] Mai Trung Thứ sinh năm 1906 tại Hà Nội, quê làng Do Nha, huyện An Dương, tỉnh Kiến An (cũ) nay là xã Tân Tiến, huyện An Hải, Hải Phòng. Ông nội là Mai Trung Quế, Quyền Tri Phủ phủ Điện Biên, được triều đình Huế phong tặng Thái Thường Tự Khanh. Cha là Mai Trung Cát, Tổng đốc Bắc Ninh. Lớn lên học trường Bảo Hộ (trường Bưởi). Năm 1925 thi vào khóa I trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương cùng với Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Lê Phổ, George Khánh, Công Văn Trung, Nguyễn Tường Tam và Lê Ang Phan. Nguyễn Tường Tam (nhà văn Nhất Linh) và Lê Ang Phan sau bỏ không học tiếp.

Năm 1930, sau khi tốt nghiệp trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, ông được bổ nhiệm dạy vẽ tại trường Quốc Học Huế. Ông đã sống và làm việc gần 10 năm ở Huế trước khi qua Paris vào năm 1937.

Cùng với một số họa sĩ khác cùng thời, ông đã tham dự các cuộc triển lãm quốc tế như ở Ý (1932, 1934), Bỉ (1936) và ở Mỹ - tại San Francisco (1937).

Ông đã gặp Fernand Léger và Picasso cùng nhiều họa sĩ một thời quần tụ ở khu Montparnasse nổi tiếng.

Mai Trung Thứ là một họa sĩ lớn của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. Ngoài vẽ tranh ông còn chơi sành các nhạc cụ cổ điển như đàn bầu, sáo… còn là một nhà quay phim. Ông có người con gái duy nhất là Mai Lan Phương, bác sĩ thú y, hiện sống cùng gia đình tại Pháp.

Năm 1980, sau khi kết thúc cuộc triển lãm lớn cuối cùng ở Paris, mùa hè năm ấy ông qua đời đột ngột vì bệnh tim, hưởng thọ 75 tuổi.












Nhiếp Ảnh




















































Điện Ảnh
(Phim tài liệu)












































Mai Thứ 
(diễn viên điện ảnh)











Phim "Fort du Fou". 1963
Đạo diễn Léo Jouanon






























Âm Nhạc
































































Mai Thứ. 1968






















Mai Thứ 
và cụ thân sinh Mai Trung Cát
































Xưởng vẽ của Họa sĩ Mai Thứ





























































Lê Phổ, Mai Thứ, Georges Khanh, Victor Tardieu, Nguyễn Phan Chánh, Văn Công Chung, Lê Văn Đệ.
(Khóa I Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương. 1925-1930)






















Trở về




MDTG là một webblog mở để mỗi ngày một hoàn thiện, cập nhật sáng tác mới cho từng trang và chỉ có thể hoàn hảo nhờ sự cộng tác của tất cả các tác giả và độc giả.
MDTG xin chân thành cảm ơn sự ủng hộ tinh thần của các văn hữu đã gởi tặng hình ảnh và tư liệu đến webblog từ nhiều năm qua.